Ai cũng có một tâm Phật
27/06/2018 | Lượt xem: 3622
TT.Thích Thông Phương
I/ AI CŨNG CÓ TÂM
Chúng ta kiểm lại trên thế gian này xem, ai sinh ra đời cũng đều có tâm hết. Nếu không tâm thì thành cây thành đá vô tri rồi! Mà có tâm tức là có biết. Có biết tức có giác. Có giác tức là có Phật. Như Đức Phật giác ngộ là từ đâu mà giác?
Có nhiều vị nghiên cứu lịch sử nghe nói Phật ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề 49 ngày đêm. Đến đêm 49 thấy sao Mai mọc, Ngài liền giác ngộ thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi cho Phật giác ngộ từ dưới cội Bồ-đề. Nhưng đâu phải vậy, mà chính từ tâm được giác ngộ.
Thì Phật cũng chính từ tâm chúng sanh giác ngộ mà thành Phật. Khi giác ngộ rồi thì đổi tên “chúng sanh” thành tên “Phật”. Cho nên, phẩm Phật đạo trong kinh Duy Ma Cật nói rằng: “Tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai”. Nghĩa là hạt giống Như Lai ở ngay trong tất cả phiền não của chúng sanh.
Quý vị nghe vậy có tin không? Bởi vì có phiền não cho nên quí vị mới tu, mới giác ngộ mới thành Phật. Nếu không có phiền não thì đâu có tu. Nên kinh nói tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai.
Do đó có câu: “Từ bùn lầy sanh hoa sen”. Hoa sen mọc trong bùn lầy mà không mọc trên khô cạn. Nhân đó, chúng ta thờ Phật ngồi trên đài sen. Có ai thắc mắc không? Người học Phật cần phải tìm hiểu rõ những ý nghĩa trên.
Kiểm lại phần lịch sử Đức Phật, Ngài sinh ra đời với thân tướng cao lớn hơn người thường. Như vậy, đâu có hoa sen nào mà Ngài có thể ngồi trên đó được.
Sách ghi Ngài ngồi thiền trên bó cỏ của người cắt cỏ dâng cúng dưới cội Bồ-đề chứ đâu có ngồi trên hoa sen.
Đó là thờ Phật với ý nghĩa Ngài cũng là một chúng sanh từ bùn lầy của thế gian này rồi vươn lên giác ngộ thành Phật. Cũng giống như hoa sen từ trong bùn nhô lên khỏi mặt nước, rồi nở dần ra và tỏa hương. Vậy thờ Phật ngồi trên hoa sen là một tượng trưng, để nhắc nhở đánh thức chúng sanh có đầy đủ niềm tin rằng: Đức Phật cũng từ thế gian này tu hành giác ngộ, nếu chúng ta khéo tu thì cũng có thể giác ngộ. Do đó, mọi người có đủ niềm tin để tiến tu thành Phật.
Nếu Phật từ trên trời xuất hiện xuống nhân gian rồi thành Phật, thì ngày nay có ai dám phát tâm tu để giác ngộ thành Phật! Đa số đều sẽ nghĩ Phật là bậc thánh thiện, là bậc phi phàm, còn mình là chúng sanh mê muội nặng nghiệp, đâu thể tu giác ngộ được, nên không dám phát tâm tu cầu giác ngộ.
Do vì Đức Phật thị hiện xuống thế gian này cũng giống như mọi người, cũng sanh ra rồi lớn lên, cũng có vợ có con như bao người bình thường khác. Nhưng Ngài sẵn sàng xả bỏ hết để tìm đường giác ngộ. Vậy Phật cũng là một con người như chúng ta mà Ngài tu được, Ngài giác ngộ thì chúng ta cũng có thể tu và giác ngộ được.
Cho nên, ai có tâm thì đều có thể thành Phật. Đây là một chân lý hiện thực rất gần gũi với mọi người, không phải chuyện xa xôi.
Thiền sư Bàn Khuê ở Nhật Bản có lần dạy chúng rằng: “Vì tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, cho nên bạn có thể học hỏi đủ thứ. Nhưng cũng vì nó chiếu sáng kỳ diệu, mà khi nghe điều này bạn sẽ quyết định không si mê nữa”. Tức là tâm Phật nơi mọi người luôn chiếu sáng, nên bạn có thể học hỏi nhiều điều tốt. Nhờ đó, khi quý vị nghe học Phật pháp mới biết Phật pháp, hiểu Phật pháp và mới phát tâm tu. Nếu không có hạt giống Phật, hạt giống giác ngộ, thì giờ này quý vị ngồi ở đâu? Chắc không ngồi đây. Nhưng quí vị lại ngồi đây. Tức là có hạt giống giác ngộ trong này thôi thúc, nên quí vị mới vào đây ngồi nghe pháp và quyết định không si mê nữa.
“Cũng hệt như khi trước bạn siêng năng, tập tành thói si mê, làm cho mình mê muội như thế nào, thì bây giờ bạn cũng sẽ áp dụng chính khả năng ấy, để mà lắng nghe và chấm dứt si mê, đấy là điều kỳ diệu về tâm Phật, hãy lắng nghe, rồi bạn sẽ thấy sự quý báu của tâm Phật. Mọi người lắng nghe rồi, thì mình mới thấy sự quý báu của tâm Phật nơi chính mình, nơi mỗi người. Khi đã thấy không gì bằng tâm Phật quý báu này, thì dù bạn có muốn si mê trở lại cũng không thể được”.
Ngài nói trước kia nó si mê như thế nào, thì bây giờ cũng từ đó chuyển lại để chấm dứt si mê. Khi mình thấy được cái quý báu, hy hữu và tin chắc là mình có điều đó rồi, thì mới quyết tâm để tiến tu đến giác ngộ. Và nếu muốn si mê trở lại cũng không thể được.
Ngài nói ngay hành vi lầm lạc cũng không rời tâm Phật.
Tức là con người ai cũng có tâm Phật, nhưng bỏ quên nó nên thành lầm lạc. Đến khi được nhắc, ngay đó liền tỉnh trở lại, thì rõ ràng nó đâu có rời tâm Phật.
Thời Phật, có câu chuyện về bà Liên Hoa Sắc. Một hôm, Tôn giả Mục-kiền-liên trên đường đi khất thực trở về, đi ngang qua một khu vườn, chợt gặp một người phụ nữ trung niên rất xinh đẹp. Người phụ nữ này đang chờ Ngài đi gần đến rồi dùng những lời lẽ êm dịu gạ chuyện để mời mọc. Tôn giả có thần thông nhìn qua biết đây là một kỹ nữ muốn mê hoặc mình và còn thấu rõ những uẩn khúc ẩn chứa trong lòng của người phụ nữ này. Ngài chẳng những không lay động, mà còn uy nghiêm nói: “Thật là đáng thương! Trông hình dáng xinh đẹp, trang sức lộng lẫy của cô, thoáng nhìn tưởng chừng ít ai ở trên đời này hơn được. Nhưng bên trong lòng cô thì đang chứa đầy ô uế, ngày đêm tiết rỉ không ngừng. Thân thể và tâm hồn của cô hiện tại cực kỳ bất tịnh. Cô đang vùng vẫy trong bùn nhơ, như con voi già bị sa lầy, càng vùng vẫy chừng nào thì càng lún sâu thêm chừng đó”.
Bà Liên Hoa Sắc nghe liền giật mình kinh hãi. Tại sao ông thầy này thấu rõ tâm mình như vậy? Và ngay đó bà rơi lệ, thú thật là: “Bạch Tôn giả! Ngài đã biết rõ nên tôi cũng không thể giấu nữa.. Trước tôi đã sớm nghe danh Ngài là vị đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật, và không tin thần thông có thể vượt qua được sắc đẹp. Tôi biết tôi là một kẻ tội lỗi, nhưng không hề nghĩ đến việc hướng thiện. Do vì quá tuyệt vọng và nghĩ rằng đối với một người có quá khứ ghê rợn như tôi, không ai có thể cứu vớt, chắc chắn mai sau sẽ chịu quả báo đáng kinh sợ”.
Tôn giả Mục-kiền-liên an ủi rằng: “Cô không nên tự làm khổ mình như vậy, cũng đừng thất vọng. Tội nghiệp dù có nặng đến đâu, nếu thật tâm sám hối thì đều có thể cứu vãn. Cũng như y phục dơ, có thể giặt giũ; thân thể ô uế thì có thể dùng nước tẩy trừ; còn tâm không thanh tịnh thì có thể dùng Phật pháp để rửa sạch. Trăm dòng sông nhơ nhớp, một phen chảy vào biển cả, thì nước biển lớn thảy đều làm sạch nước trăm sông. Lời dạy của Đức Thế Tôn ta đủ sức để khiến cho thanh tịnh lòng người ô uế, có thể cho sám hối những tội nghiệp quá khứ”. Tức là thân nhơ thì Ngài nói dùng nước tắm sạch, còn tâm nhơ thì dùng nước Phật pháp để tẩy rửa. Cũng còn hy vọng, không thể hoàn toàn thất vọng.
Bà Liên Hoa Sắc nghe rồi liền thưa: “Nhưng tội lỗi quá khứ của tôi quá khủng khiếp, nếu nói ra e Tôn giả phải bỏ chạy đi thôi”. Tôn giả Mục-kiền-liên bảo: “Cô cứ nói!”.
Bà Liên Hoa Sắc thổ lộ hết những uẩn khúc ở trong lòng: “Tôi tên là Liên Hoa Sắc, con gái của một vị trưởng giả ở thành Đắc-xoa-thi-la. Khi lên 16 tuổi, cha mẹ lập gia thất cho tôi. Nhưng không lâu thì cha tôi qua đời, bà mẹ góa bụa của tôi bèn tư thông với chồng tôi. Biết được tin này tôi rất đau lòng bỏ nhà ra đi, bỏ luôn đứa con gái vừa sanh lại cho chồng. Sau đó, tôi lại tái giá với một thương gia ở nơi khác. Nhân chuyến đi buôn xa ngang qua thành Đắc-xoa-thi-la này, anh ấy lại lén mua một nàng thiếp giấu ở một nhà riêng. Tôi biết được mới nổi máu ghen, quyết tìm nàng thiếp ấy để xử một trận nên thân. Than ôi! Khi tôi vừa gặp mặt người thiếp, thì liền té xỉu tại chỗ. Bởi vì cô gái ấy lại chính là con gái đời chồng trước của tôi”. Kể đến đây, bà khóc không ra tiếng.
Tôn giả Mục-kiền-liên an ủi: “Cô không nên quá đổi thương tâm, nếu là người biết rõ quá khứ, vị lai, thì xem đó chỉ là một sự nhân quả luân hồi thôi! Thật ra, đời người là bể tội lỗi. Cô hãy nói tiếp đi!”.
Bà Liên Hoa Sắc kể tiếp: “Làm sao tôi có thể nhẫn nhục được đối với những nỗi khổ đau như vậy. Lúc đầu thì chính mẹ mình đoạt chồng của mình, bây giờ thì con gái lại tranh chung chồng với mình. Thử hỏi làm sao tôi còn có thể sống được. Tôi liền bỏ nhà ra đi, chán ghét thế gian, chán ghét mọi người, và từ đó tôi đem thân làm kẻ mua vui cho thiên hạ. Tôi muốn đùa cợt với thế nhân, dùng những giọng cười, tiếng hát mà nhận chìm thế gian. Đối với tôi đời sống đâu còn nghĩa lý, chỉ có lòng hận đời nên trả đủa cho đời. Người ta mua tiếng cười của tôi, có khi đến hàng ngàn lượng bạc, tôi đem số tiền ấy vung xài cho sướng tay, khiến người người thần phục dưới chân tôi. Tội lỗi của tôi như thế, thì Tôn giả đã biết tại sao tôi đến đây để khiêu khích Ngài, may Tôn giả là bậc có đại thần lực. Giờ đây, tôi không biết phải sám hối như thế nào để hết tội?”.
Bà kể cuộc đời của bà như vậy, quý vị nghe thấy có đau thương không?
Tôn giả Mục-kiền-liên biết bà Liên Hoa Sắc thật sự đau khổ, tuy giọng nói và luận điệu của bà bề ngoài có vẻ là khinh bạc thế gian, nhưng tâm thiện bên trong vẫn chưa mất. Do đó, Tôn giả đem giáo lý duyên sanh của Phật, giảng giải cho bà nghe. Ngài khéo léo dùng nhiều phương tiện để an ủi bà. Cuối cùng bà tỉnh ngộ, đi theo Tôn giả về gặp Phật, được Phật độ cho xuất gia, rồi tu hành chứng A-la-hán. Khi chứng quả A-la-hán, bà Liên Hoa Sắc là vị thần thông số một ở bên Ni.
Đây là một bài học, mà cũng là điểm để đánh thức chúng ta tiến tu. Quý vị thấy bà Liên Hoa Sắc, nhiều duyên nghiệp xấu như vậy, nhưng khi được nhắc nhở, được đánh thức, bà cũng tỉnh ngộ tu hành và bà giác ngộ chứng quả A-la-hán. Nghĩ lại tất cả những người ngồi ở đây có ai có nghiệp xấu như bà không? Nếu có cũng đâu có đến nổi như vậy. Như thế, tất cả quí vị không thể mặc cảm cho là mình không thể tu được.
Để thấy rằng dù người bị tội lỗi nghiệp xấu che mờ, nhưng hạt giống giác ngộ, tâm Phật ở trong không có mất. Nếu khéo biết sám hối rồi chuyển tâm xấu thành tốt, thì đều có thể tiến lên được, đừng mặc cảm tội lỗi rồi chôn vùi cuộc đời mình.
Trường hợp bà Liên Hoa Sắc là một vị nhiều nghiệp xấu, nhưng được ngài Mục-kiền-liên khéo léo nhắc nhở, rồi bà tỉnh ngộ, tiến tu và giác ngộ. Đó là một lẽ thật, không phải là lý thuyết thôi.
Tiếp câu chuyện thứ hai. Vào thời Đức Phật có một nhóm ngoại đạo rất buồn phiền, vì thấy nhiều đệ tử của mình được Đức Phật giáo hóa quy y về với Phật. Một hôm, vị tu sĩ ngoại đạo này nghe một đệ tử của mình có người vợ muốn học pháp của Phật. Ngoại đạo mới gọi người này đến quở trách và ngăn cản không cho.
Anh này mới về bảo với bà vợ là không được theo Phật học giáo pháp. Nhưng bà vợ này lại nhất quyết không thay đổi. Bà nói: “Em sẽ mời Đức Phật và chư Tăng đến nhà dùng buổi cơm trưa, lúc đó anh sẽ có dịp chứng kiến, sự thành tâm và trí tuệ vĩ đại của Ngài”.
Anh chồng này bất đắc dĩ mới đến kể lại cho ông thầy của mình nghe, thầy ông mới bày cho một cách: “Thôi thì cho đào một cái hố ở trước cửa nhà, bên trên thì lót thảm; còn thức ăn thì tẩm thuốc độc, rồi nhốt bà vợ ở trong nhà kho phía sau đừng cho bà ra, để bà không có thể đi báo tin cho Phật được”. Anh này làm theo. Khi Đức Phật được mời, Ngài vẫn nhận lời thỉnh.
Đúng giờ, Đức Phật đến và đi qua tấm thảm bình thường. Anh ta sửng sốt, vì thấy tấm thảm không hề lún xuống. Đúng ra, khi Phật bước lên thì anh đã cho người giật dây để Phật cùng với Tăng đoàn lọt xuống hố, nhưng hố ấy lại biến thành hồ sen có hoa sen đỡ chân Phật và chư Tăng.
Anh thấy vậy liền cảm động, quỳ xuống nói lớn: “Xin hãy tha thứ cho con bạch Thế Tôn. Con đã gây nhiều tội lỗi, cho con xin sám hối”.
Nghe anh sám hối xong, Phật mới nói bài kệ: “Tâm giác ngộ đã vượt lên mọi nhị nguyên. Làm sao mà thiện hay ác còn đụng đến nó được nữa. Tâm tỉnh giác xa lìa mọi dục ái của ba độc, làm sao cái khổ còn đụng đến nó được nữa”. Tức là tâm giác ngộ này vượt lên cả hai bên đối đãi, xa lìa cả ba độc tham, sân, si, thì độc ở thế gian đâu có đụng đến nó được. Sau đó anh được Phật cảm hóa.
Quý vị thấy người này ban đầu cũng là từ tâm lầm lạc, sau nghe Phật pháp cũng được chuyển hóa. Cho nên, ngài Bàn Khuê mới nói tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, ngay cả những hành vi lầm lạc cũng không rời ngoài. Qua đó, chúng ta có đủ niềm tin để tiến lên, khai thác tâm Phật nơi chính mình.
II/ TINH THẦN PHẢN QUAN
Ở Việt Nam, Thượng sĩ Tuệ Trung là một vị cư sĩ giác ngộ đạo lý cao siêu, sống tự tại trong sanh tử. Khi còn học đạo với Ngài, vua Trần Nhân Tông có hỏi: “Tông chỉ của việc bổn phận là thế nào?”. Ngài dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Tức là soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, đó là việc chính của mình, không từ nơi khác mà được.
Ý muốn nhắc, người học đạo nhớ việc bổn phận là phải soi sáng lại chính mình. Cũng là để cho mỗi người chuyển những lời kinh, những điều học hỏi từ nơi Đức Phật, từ chư Tổ hoặc từ thầy trở thành hiện thực nơi chính mình. Phải biến những lời kinh trong văn tự chuyển thành những lời kinh sống ngay trong cuộc sống của mình. Đó là chúng ta khai thác được tâm Phật, chính đó là bản ý của Phật ra đời.
Khi hiểu đúng thì mình tu đúng. Mỗi ngày càng tu càng an vui, bớt phiền não và đến gần với đạo. Nếu không như vậy thì bỏ mất thời gian qua suông rất uổng phí.
Mã Tổ - Đạo Nhất ban đầu thường ngồi thiền mà chưa tỏ ngộ. Lúc đó, Thiền sư Nam Nhạc - Hoài Nhượng thấy, muốn cảnh tỉnh nên đến phía trước ngài Đạo Nhất mài gạch tới lui hoài. Ngài Đạo Nhất đang ngồi thiền thấy Thiền sư sao cứ ngồi mài gạch, liền xả thiền ra hỏi: “Thầy mài gạch để làm gì vậy?”. Thiền sư đáp: “Mài gạch để làm gương”.
Quý vị nghĩ làm sao mài gạch thành gương được? Ngài liền hỏi ngược lại: “Mài gạch làm sao có thể thành gương được?”. Ngài Nam Nhạc bảo: “Như vậy, ngồi thiền cũng đâu có thể thành Phật được?”. Đạo Nhất mới hỏi: “Vậy thì làm thế nào mới phải?”. Ngài Nam Nhạc nói: “Cũng như con trâu kéo chiếc xe, nếu xe không đi thì đánh chiếc xe là phải hay đánh con trâu là phải?. Ngay đó, ngài Đạo Nhất tỉnh ngộ.
Chúng ta tu hành cũng vậy. Khi con trâu kéo xe, xe không đi thì đánh chiếc xe hay là đánh con trâu? Đôi khi chúng ta tu có bị lộn ngược hay không? Có lo đánh chiếc xe mà không đánh con trâu chăng? Câu chuyện trên muốn cảnh tỉnh mỗi người là con trâu tức là tâm mới biết giác ngộ, còn xe tức là thân tứ đại là vật vô tri đâu có biết giác. Nhiều khi chúng ta tu cứ ép xác nhưng không lo chuyển tâm. Chính tâm là căn bản. Phiền não cũng từ nơi tâm mà phiền não, giác cũng từ tâm mà giác ngộ. Chúng ta phải soi sáng lại tâm mình, để thấy rõ tâm có phiền não, mê lầm nhiều ít, từ đó chúng ta mới chuyển tâm, đó mới là yếu chỉ để tu hành.
Có lần, Thiền sư Lâm Tế dạy: “Sắc thân bốn đại của các ông, nó không biết nói pháp, không biết nghe pháp. Tỳ, vị, gan, mật cũng chẳng biết nói pháp, nghe pháp. Nhưng chính cái gì biết nói pháp nghe pháp? Là một cái đang sáng tỏ hiện bày rành rõ trước mắt ông đây, cái đó mới biết nói pháp, nghe pháp. Nếu mà thấy được như vậy thì liền cùng Phật Tổ không khác”.
Đây, Ngài Lâm Tế cũng dạy chúng ta soi lại. Hiện giờ quý vị đang ngồi đây nghe pháp, thì cái gì nghe? Tim, gan, tỳ, phổi v.v… mấy thứ đó đâu có biết nghe pháp. Cái biết nghe pháp rõ ràng đang hiện tiền đây, cái đó là chân lý sống, là cái hiện thực. Mỗi vị ngồi đây có ai thiếu việc này không? Đã có đủ hết mà không chịu giác là sao? Đây là điều đáng buồn, đáng tiếc!
Thế nên, chư Phật, chư Tổ ra đời để nhắc nhở đánh thức chúng ta thấu hiểu rồi tỉnh trở lại rằng lẽ thực sẵn đủ nơi mọi người, tin chắc mọi người đều có thể giác ngộ.
III/ CHÂN LÝ BÌNH ĐẲNG
Đức Phật khi mới thành đạo, Ngài liền kêu lên: “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, vì các thứ vọng tưởng chấp trước che mờ, bèn thành lưu chuyển trong sanh tử”. Đây là một chân lý bình đẳng, là một lẽ thực mọi người đều có đủ, chứ không chỉ riêng ai.
Tức là khi Phật giác ngộ, Phật thấy tất cả chúng sanh đều có trí tuệ Như Lai, đều có tâm Phật hết. Nhưng vì những thứ vọng tưởng, chấp trước che mờ, thành ra bị lưu chuyển trong luân hồi sanh tử. Như vậy, mọi chúng sanh đều có đủ tâm Phật mà không tự ngộ. Quí vị nào có tụng kinh Pháp Hoa, thì trong kinh nói rõ bản hoài của chư Phật ra đời cốt là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Đức Phật dùng bao nhiêu phương tiện sai khác, đều vì một việc này thôi chứ không gì khác. Đức Phật không phủ nhận ai hết. Chỉ vì mọi người có tri kiến Phật nhưng không biết, nên chư Phật ra đời để khai thị cho mọi người tỉnh trở lại, sáng tỏ trở lại tri kiến Phật đó thôi!
Hoặc Ngài dùng nhiều phương tiện là để dẫn dắt chúng ta từ từ trở về chỗ này. Trong kinh nói chỉ có nhất thừa là Phật thừa. Như vậy, Đức Phật rất tôn trọng con người, nâng cao giá trị của con người, chỉ rõ cho mọi người thấy là ai cũng đều có khả năng để vượt lên khỏi cái chúng sanh này.
Khi học đến phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh, quý vị thấy Bồ-tát tu hạnh gì? Ngài tu hạnh là khi gặp bất cứ ai thì Ngài cũng chắp tay xá nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật”. Có những người đã không tin còn chửi mắng, hoặc lấy đá ngói ném liệng, thì Ngài chạy xa xa chắp tay cũng nói câu trên.
Sau đó Đức Phật nói, Bồ-tát Thường Bất Khinh đó là tiền thân của Ngài, còn những người đã chửi mắng, ném đá vào Bồ-tát Thường Bất Khinh thì hiện tại đang ngồi trong hội đó. Như vậy, Phật nói Bồ-tát do tu hạnh đó mà sớm thành Phật.
Bởi vì, thấy rõ mỗi người đều có tâm Phật, đều có hạt giống giác ngộ nên không dám khinh ai hết. Trên hình tướng bên ngoài, thì có nghiệp riêng có huân tập sai biệt. Còn tánh giác hay tâm Phật này thì ai cũng như ai đâu có thiếu, đâu có cao thấp, mập ốm, cũng đâu có tướng nam nữ.
Người nam cũng có tâm Phật, người nữ cũng có đủ, và đó thật sự là chân lý bình đẳng, không phân biệt. Hiểu được điều này rồi, quý thầy hoặc quý cô ở chùa, hoặc là Phật tử hiểu đạo gặp nhau cùng chắp tay xá nhau, cùng ý thức việc làm có ý nghĩa.
Chúng ta chắp tay xá nhau đó là đang nhắc nhau nhớ lại tâm Phật. Xá chào đó không phải là xá cái xác này, mà là xá cái gì sâu xa ở bên trong. Khi gặp anh thì tôi xá ông Phật của anh, còn người kia thì tôi xá ông Phật của chị. Vậy là cùng nhắc nhau tu hành.
Quý vị thấy như vậy có hay, có quý không? Nơi nào chúng ta cũng có thể nhắc nhau tu, cũng có thể gặp Phật được. Vậy thì chỉ một cái xá mang rất nhiều ý nghĩa ở trong đó.
Từ đây về sau, mỗi khi chắp tay xá nhau là biết tôi đang xá ông Phật của anh, nhắc nhở anh trở về ông Phật của anh. Người kia lại xá ông Phật của chị. Vậy mỗi người cùng nhắc nhở nhau. Cùng tu như vậy thì càng gần gũi, thân thiện với nhau, vậy thì quá hay rồi!
Chúng ta học Phật, hiểu Phật rồi ứng dụng sống, mới thật là ý nghĩa. Quý vị thấy trình bày như vậy là đã có giảng Pháp Hoa cho quý vị nghe chưa? Đó là giảng kinh Pháp Hoa rồi. Kinh Pháp Hoa là như vậy. Nếu không thì quý vị nghĩ giảng Pháp Hoa là phải đọc qua 28 phẩm, rồi giảng từ từ cho quý vị nghe thì phải mất thời gian mấy tháng. Ở đây, chỉ nói cô đọng nhưng chính là giảng Pháp Hoa. Đó là Kinh Pháp Hoa mà Đức Phật đã từng tán thán: “Kinh Pháp Hoa là vua các kinh, tụng Pháp Hoa là phước đức vô lượng v.v…”. Chính đó là bộ kinh Pháp Hoa sống mà Đức Phật muốn chỉ. Còn bộ kinh Pháp Hoa 28 phẩm mà quý vị tụng hằng ngày gọi là văn tự Pháp Hoa, đọc kinh đó để nhắc nhở bộ Pháp Hoa sống nơi chính mình.
Từ bộ Pháp Hoa sống đó mới được thành Phật. Đó chính là chỗ Phật khai thị, gọi là tri kiến Phật. Từ nay về sau quý vị hiểu được Pháp Hoa, biết được cách tụng Pháp Hoa là tiến thêm một bước. Vậy thì, chúng ta vừa tụng Pháp Hoa văn tự, vừa hiểu được ý nghĩa sâu của Pháp Hoa, như vậy mới thật sự hiểu được Phật. Các đệ tử Phật sau này trì tụng được như vậy thì Ngài rất vui.
Bởi vì Phật dạy tụng Pháp Hoa là để khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, mỗi ngày càng tăng trưởng công đức lành, bớt phiền não được an vui.
Mong quý vị từ đây hiểu được Pháp Hoa, mỗi khi gặp nhau chắp tay xá chào là cũng đang tụng Pháp Hoa, đó cũng là một ý nghĩa thường khai Tri Kiến Phật.
Các bài mới
- Chớ tin tâm mình - 14/06/2018
- Coi chừng bị gạt - 12/05/2018
- Tâm thiền - 08/05/2018
- Pháp môn một chữ - 28/04/2018
- Tu tâm xả - 16/04/2018
Các bài đã đăng
- Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta - 10/04/2018
- Sống không khoảng cách - 24/03/2018
- Ở đâu có ta là có đau khổ - 11/03/2018
- Hãy khéo chăm sóc cái tâm - 24/02/2018
- Phương pháp để sống an vui - 21/02/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89188
- Online: 36