Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt)

09/06/2015 | Lượt xem: 4865

Bài 12

TẨY DIỆN

(Rửa  mặt)


          Đây là bài pháp hạnh Tỳ ni thứ 12. Bài này nói đến tinh thần oai nghi trong sạch trong cửa Phật. Sáng sớm vừa ngủ dậy ta liền rửa mặt xúc miệng trước là để thanh thản trong tâm, sau là dứt những bợn dơ cấu nhiễm trong tâm. Vì sao? Vì khi chúng ta rửa mặt, ta quán chiếu thật sâu. Rửa mặt là quét sạch những cấu nhiễm tham dục, tật đố, ích kỷ… Ngay nơi tâm mình. Do đó khi lấy nước rửa mặt ta thầm tụng:

Dĩ thủy tẩy diện

Đương nguyện chúng sanh

Đắc tịnh pháp môn

Vĩnh vô cấu nhiễm

 

Án lam sa ha (Nhị thập nhứt biến)

Nghĩa:

Lấy nước rửa mặt

Cầu cho chúng sanh

Được pháp thanh tịnh

Hết hẳn cấu nhiễm.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 12. Bài này nói về “Rửa mặt”. Việc rửa mặt ở đây khác hơn phàm tình rất xa. Khi chúng ta rửa mặt ta không chánh niệm, không thu thúc sáu căn, ta dễ đánh mất mình trong quá khứ, săn đuổi hoài vọng tương lai. Còn ở đây chư Tổ dạy cho chúng ta khi lấy nước rửa mặt, ta nguyện cầu cho chúng sanh, được pháp thanh tịnh dứt hết cấu nhiễm nơi tâm.

Như vậy, muốn được pháp thanh tịnh, ta phải chánh niệm thu thúc sáu căn khi chúng ta rửa mặt, để thành thiện tâm. Vì sao? Vì mặt là phần nổi của sáu căn, là cửa của muôn pháp, nhìn người thiện hoặc ác phần nhiều biểu hiện lên khuôn mặt. Nên trong Kinh diễn tả mặt Phật giống như vầng trăng sáng, người nào dù cho có ác tâm, một khi chiêm ngưỡng dung nhan của Phật đều sanh tâm kính mộ, người nào trong lúc lâm chung tưởng nhớ đến dung nhan của Phật cũng có thể tái sanh về nhàn cảnh.

Trong Kinh Pháp Cú có ghi lại:

“Có vị trưởng giả sắp mất, chỉ cần chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài, liền tái sanh về nhàn cảnh”.

Do đó, trong bài tán Phật có ghi:

Thân Phật thanh tịnh trợ lưu ly

Mặt Phật giống như vầng trăng sáng

Phật thường ở thế gian cứu khổ

Tâm Phật không đâu không từ bi.

Như vậy, chúng ta thấy rõ cũng là một hữu tình như bao nhiêu hữu tình khác. Song nhìn khuôn mặt Phật, chiêm ngưỡng dung nhan từ ái của Ngài, tất cả mọi người đều có tâm ái kính với Phật. Còn chúng ta thì sao? Ai nhìn vào cũng có ác tâm cả! Đây không phải là do trời người sắp đặt, mà chính là do sản phẩm trong thời quá khứ của mình gây tạo, nó chính là con đẻ của ý thức vọng niệm tật đố, ích kỷ, sân hận… mà tạo thành hình dáng và tướng mạo cho ngày hôm nay. Người tu Phật biết rõ rồi, ta không óan trách trời, đất, cha, mẹ… Mà ngay trong giờ phút thực tại này, ta buông xả tâm tật đố, ích kỷ, san tham có tấm lòng bao dung rộng mở đối với tất cả mọi người, thì ngay trong giờ phút thực tại này, tâm ta thanh thản, tâm ta an vui, không gây đau khổ cho người khác, thì chắc chắn kiếp tương lai dung nhan ta ai nhìn cũng đều sanh tâm hoan hỷ, thích thú và phát tâm tu đạo. Đây gọi là bí yếu nuôi dưỡng Thánh đức trong tâm ta vậy!

Nên Kinh Thập Thiện ghi:

“Này Long Vương! Ngươi xem thân Phật  do trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra, các tướng trang nghiêm, ánh quang sáng chói che cả đại chúng, dù vô lượng ức các vị tự tại, Phạm vương đều không thể hiện được. Những ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng chóa mắt.

Ngươi lại xem các vị Đại Bồ Tát đây, diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phước đức thiện nghiệp mà sanh ra.

Lại nữa, các hàng Thiên long bát bộ, thấy có oai thế lớn lao, cũng nhân phúc đức của thiện nghiệp mà sanh.

Nay đây các chúng sanh ở trong đại hải, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do hết thảy tưởng niệm của tự tâm gây nghiệp bất thiện, nên tùy theo chỗ gây thiện mà thọ quả báo”.

Đọc qua đoạn văn Kinh này, cho chúng ta thấy rõ Đức Phật sở dĩ Ngài được thân tướng tôn nghiêm, trời người kính ngưỡng là do trong vô lượng kiếp Ngài đã huân tập hạt giống thiện pháp, nên ngày nay mới có cảm thân tướng sáng ngời như thế. Còn chúng ta thì sao? Ai thấy cũng đều ngán ngẩm. Sỡ dĩ thân tướng ta và thân tướng Phật khác nhau như thế, ấy là bởi vì chúng ta trong vô lượng kiếp luôn luôn tập những ác pháp nào là: tật đố, ích kỷ, san tham, ngạo mạn…

Như vậy, trong giờ phút thực tại này, ta phải tu tập như thế nào để chuyển đổi từ con người cho đến hoàn cảnh chúng ta đang sống. Đây là bí yếu trợ duyên trên bước đường tu tập vậy! Nghĩa là trong cuộc sống giữa đời thường này, tâm ta phải luôn luôn tùy hỷ đến với mọi người, khi họ được thành công về pháp thế gian và xuất thế gian, thấy người nào có khả năng tu tập, có chí nguyện lớn và hạnh nguyện lớn ta tìm cách trợ duyên giúp đỡ… Làm việc gì đều trong tinh thần vô cầu không chấp trước, thì ngay tại đây và bây giờ tuy ta đang sống trong cõi Ta bà đầy khổ đau mà tâm ta đang ở trong cảnh giới “Thường tịch quang” của mười phương chư Phật. Đây là cương lĩnh pháp yếu tu tập chớ không phải là lời nói suông vô ích, bằng chứng tự thân chúng tôi thể nghiệm trong việc làm hàng ngày chớ không ức tưởng. Một hôm tôi đang quét dọn nhà vệ sinh,với tâm chánh niệm chuyên nhất, làm việc gì rõ việc ấy, tôi thấy thân tâm hoàn toàn tỉnh lặng sáng suốt lạ thường, một niệm hỷ lạc trào dâng. Tôi mới hay ra rằng không phải đợi đến lúc ngồi thiền ta mới gia công tu tập, mà trong từng phút giây ta luôn luôn tỉnh sáng thì niềm an lạc trong tâm ta phát khởi.

Do đó, chúng tôi khẳng định rằng: “Chỗ nào thấp kém nhất, chính là chỗ cao tột nhất, chỗ nào uế trược nhất, chính là chỗ Thường tịch quang của chư Phật”. Nếu trong giờ phút thực tại này, ta dám buông xả giả ngã trong tâm thức ta!

Như vậy, muốn áp dụng bài Tỳ Ni “Rửa mặt” trong đời sống hàng ngày, ta phải rửa tâm ta cho thật sạch, tẩy tịnh ý thức chấp ngã trong tâm thức của ta.

Có như vậy thì mới gọi là:

Lấy nước rửa mặt

Cầu cho chúng sanh

Được  pháp thanh tịnh

Hết hẳn cấu nhiễm.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 06191
  • Online: 30