Bài 13: ẨM THỦY (Uống nước)
06/06/2015 | Lượt xem: 7717
Bài 13
ẨM THỦY
(Uống nước)
Phật dạy: trước khi uống nước, phải xem trong nước có trùng hay không. Vì mắt thịt quán sát ấu trùng không có thì dùng được, không dùng thiên nhãn mà quan sát nước. Khi Phật còn tại thế có các thầy Tỷ kheo dùng thiên nhãn nhìn vào nước, thấy vô số ấu trùng không dám uống.
Luật Tạng ghi:
“Xem xét nước không được dùng thiên nhãn xem xét; xem nước phải để cho người mắt không hư xem, lâu bằng sáu chiếc bò đi qua là được”.
Đây là Phật mong muốn các đệ tử khởi tâm đại từ bi, thương cảm bốn loài như con đẻ. Do đó trong bài tán thán Phật ghi:
Đấng Pháp Vương Vô Thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loại.
Sách Tỳ Nại Da Tạp Sự nói:
“Bấy giờ có hai vị bí sô ở phương Nam, muốn đến thành Thất La Phiệt lễ kính Thế Tôn. Cả hai đều có vợt lọc nước. Giữa đường đi không có nước có thể uống, nóng khát bức thân thì đến một cái ao. Một người bảo: “Này cụ thọ, nên mau quan sát nước, tôi muốn uống nước trừ khát”. Liền xem kỹ, thấy nước có trùng, đến ba chỗ đều có trùng như thế. Hai người bàn rằng: “Nước đã có trùng, uống thì hại mạng, nay gặp lúc khát bức bách, cớ sự như thế làm sao?”. Lúc đó bí sô nhỏ liền nói bài tụng:
Trong năm ngàn kỳ kiếp
Khó gặp được Thế Tôn
Nay ta nên uống nước
Mong được lễ chân Phật.
Bấy giờ bí sô lớn cũng nói bài tụng rằng:
Như Lai đại bi thương chúng sanh
Ba cõi ái nhiễm đều trừ bỏ
Ở trong giáo này thọ cấm giới
Ta thà bỏ mạng chẳng thương sinh.
Thế rồi vị Tỳ kheo nhỏ không thể nhịn được khát, uống nước có trùng và tiếp tục lên đường. Vị Tỳ kheo lớn bảo vệ trùng nhỏ, vững tâm không uống. Tự sách tấn, cố gắng đến một bóng cây ngồi ngay ngắn, tâm nhớ nghĩ việc lành cho đến khi sức mỗi lúc một suy kiệt, và cuối cùng lực kiệt mạng chung. Do phước lực này được sanh về cõi trời ba mươi ba, là nơi thắng diệu. Người sanh về cõi trời hoặc nam hoặc nữ, liền khởi ba ý nghĩ: ta chết ở nơi nào? Nay sinh ở nơi nào? Do làm nghiệp gì? Vì Tỳ kheo này liền tự nhớ tiền thân của mình chết ở cõi người, nay sanh về cõi trời ba mươi ba. Nhờ được Phật dạy được sinh ở chỗ tôn quý, bấy giờ vị thiên tử ấy lại nghĩ: “Nếu ta không đến lễ đức Thế Tôn thì chẳng cung kính, đó là điều không nên”. Thiên tử nghĩ rồi liền trang nghiêm thân, đeo chuỗi ngọc trời, hào quang sáng rỡ rất là thù thắng, bèn đến nghe Phật thuyết pháp, đắc quả Dự lưu, từ tạ Phật trở về thiên cung. Còn vị bí sô nhỏ lần lượt đến thành Thất La Phiệt vào rừng Thệ Đà, đặt y bát xuống, rửa chân rồi, đến chỗ Phật, lễ sát hai chân Phật và đứng một bên. Phép thường của Thế Tôn nếu thấy khách bí sô đến, liền an ủi rằng: - Lành thay bí sô mới đến. Từ nơi nào mà lại? Hạ này an cư ở quốc Thánh nào?
Bây giờ Thế Tôn hỏi bí sô đó rằng:
- Thầy từ nơi nào lại?
Bạch: - Thưa Đức Thế Tôn, con từ phương Nam lại.
Lại hỏi: - Hạ nay an cư ở đâu?
Đáp: - Cũng tại phương Nam.
Phật hỏi: - Thầy đi đường xa có bạn không?
Bạch : - Có.
Phật hỏi: - Thầy ấy đi đâu rồi?
Tỷ kheo trẻ liền thuật lại đầy đủ việc trên.
Lúc đó Thế Tôn nói tụng rằng:
Nếu khinh mạn giới luật
Đâu cần nhọc thấy Ta
Như không thấy không kính
Bí sô kia thấy Ta
Do giữ được tịnh giới
Người ngu kẻ vô trí
Không thật thấy được Ta
Bấy giờ Thế Tôn trật Thượng y để lộ ngực cho thấy, lại nói tụng rằng:
Người quan sát thân Ta
Được cha mẹ sanh ra
Ví như chân kim sắc
Vì do phước lực trước
Nếu không kính pháp thân
Không thấy được chư Phật
Nếu người rõ pháp thân
Thấy được đại Mâu Ni
Thứ nhất pháp thân Ta
Thứ nhì là sắc thể
Người trí thấy biết được
Nên khéo hộ Thi La
Thời Phật Ca Diếp ba
Do tổn Y La Diệp
Thiện đọa trong loài rồng!
Lúc đó, Thế Tôn lại nghĩ: Do các bí sô không mang vợt lọc nước nên có lỗi như thế, nên bảo các vị bí sô phải sắm vợt lọc nước. Khi nghe Thế Tôn bảo sắm vợt lọc nước thì các vị bí sô không biết có mấy loại? Phật dạy có năm loại:
Một là loại vuông
Hai là pháp binh
Ba là bình nước
Bốn là Chước thủy la
Năm là Y giác la”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ mục đích của sự giải thoát khỏi tâm cấu nhiễm, chính là con đường của “Giới Định Tuệ”. Dù chúng ta có đàm huyền thuyết diệu đến đâu! Nếu không cẩn trọng giới pháp của chư Phật, thì tuy ta có được gần gũi Phật cũng như cách xa Phật. Còn chúng ta nghiêm cẩn giới pháp của Phật, thì tuy ta không gần gũi Phật mà đã diện kiến Đức Phật.
Do đó, tinh thần của giới luật là nhằm đưa hành giả luôn luôn trở về con đường chánh niệm, con đường của sự hiểu biết và thương yêu. Thương cho thân phận chính mình, đã vào ra sanh tử mang lông đội sừng cũng do phạm trai phá giới, thương nỗi khổ của chúng sanh mà tấn tu đạo nghiệp, phát khởi đại bi, nguyện vào ra ba cõi sáu đường để hoàn thành Phật quả. Song vào ra trong ba cõi sáu đường mà không dùng diệu pháp “Giới Định Tuệ” thì dễ bị sa đọa trong ác đạo.
Nên Phật dạy:
“Này các Thầy Tỷ kheo, nếu người học đạo không biết giữ giới sẽ bị đọa trong ba đường ác, chẳng được làm người, dù chỉ là người hạ tiện, đừng nói chi đến làm thầy… Thế cho nên chúng ta phải biết, thả bỏ thân mạng nát như vi trần chứ không hủy phạm giới cấm mà sa đọa trong ba đường ác, làm mất hạt giống Bồ đề của Phật”.
Trong Kinh Di Giáo Phật cũng dạy:
“Sau khi Ta nhập Niết Bàn, các ông phải tôn trọng giới luật vì y đó hành thì sẽ được giải thoát. Tôn trọng giới luật chính là tôn trọng Ta, Ta còn ở cõi đời là Thầy các ông. Sau khi Ta nhập Niết Bàn, người làm thầy các ông chính là giới luật, có giới luật phải nên vui mừng như được của báu, phải biết rằng giới luật là vị Đạo Sư của các ông cũng như Ta ở đời không khác vậy”.
Như vậy,con đường của giới chính là con đường đi đến quả vị giải thoát rốt ráo. Người nào nếu bỏ qua phần giới pháp này, coi như ta muốn qua sông mà không dùng đến chiếc bè của “Giới-Định -Tuệ”. Ngày xưa Ngài Tuyên Luật sư đến nghe Tạng Luật (Tỳ Ni) tới mười hội. Ngài Huệ Hưu pháp sư nghe luật đến trọn đời. Suy gẫm thử chúng ta là hạng nào mà vội thôi Luật lìa Thầy quá sớm, một cốc một am, chừng nào Tạng Luật đã thông, năm hạ tròn đủ mới cho nghe Kinh giáo và học pháp tham thiền. Do đó trong mỗi hành động, trong bốn oai nghi chúng ta đều thu thúc sáu căn và thầm tưởng niệm khi ta uống nước:
Phật quán nhất bát thủy
Bát vạn tứ thiên trùng
Nhược bất trì thử chú
Như thực chúng sanh nhục
Án, phạ tất ba ra ma ni sa ha (Tam biến)
Nghĩa:
Phật thấy một bát nước
Tám vạn tư vi trùng
Nếu không trì chú này
Như ăn thịt chúng sanh.
Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 13. Bài này nói về cảnh giới bất khả tư nghì của chư Phật, khi xưa các nhà khoa học chưa sáng chế ra kính hiển vi. Song dưới cặp mắt giác ngộ của đức Phật, Ngài thấy xuyên suốt qua tất cả các loại hữu tình nhỏ bé, và căn dặn các đệ tử phát khởi lòng bi khi thọ thực hoặc uống nước.
Kinh Lăng Già Tâm Ấn nói:
“Sau khi Ta diệt độ, trong thời mạt pháp các loài quỷ thần này rất thịnh hành trong thế gian, tự nói ăn thịt được đạo Bồ đề. A Nan! Trước kia ta cho Tỷ kheo ăn tam tịnh nhục, thịt này đều do thần thức của Ta hóa sinh, vốn không phải là mạng căn. Ở nhằm chỗ đất của các vị Bà la môn nóng ẩm nhiều, lại thêm cát đá rau cải không sinh được, Ta vì đại bi gia tăng thần lực, nhân lòng đại bi giả gọi là thịt, cho các ông dùng. Sau khi Ta diệt độ, tại sao những người ăn thịt chúng sanh mà xưng là Thích tử! Các ông nên biết là người ăn thịt, dù tâm khai mở giống như chánh định, đều là quỷ đại la sát. Đến khi mãn kiếp quyết định phải chìm trong biển khổ sanh tử! Chẳng phải đệ tử của Phật! Người như thế giết hại ăn thịt lẫn nhau không dứt, làm sao người đó ra khỏi ba cõi được”.
Như vậy, ở đây chúng ta thấy rõ mục đích của chư Phật thị hiện ở đời là cốt đem niềm vui an lạc đến cho các loại hữu tình. Do đó chủ trương của đạo Phật là lấy “Từ bi – Trí huệ” làm gốc. Song điểm chúng ta lưu ý qua bài kệ này chính là “Lý tánh tuyệt đối” trên phương diện văn cú, từ nghĩa này nếu chúng ta thấy thoát, thì đây chính là pháp hành thiền tập trong cuộc sống giữa đời thường này.
Như bài kệ nói:
Phật quán nhất bát thủy
Bát vạn tứ thiên trùng.
Phật tức là giác, mê tức là chúng sanh. Một khi ta uống nước ta không chánh niệm, không thu thúc sáu căn khởi niệm toan tính ngon dở. Ấy là lúc ta ăn thịt chúng sanh vậy. Vì sao? Vì trong thân chúng sanh có 84000 vạn trần lao phiền não, nếu ngay đây ta không tỉnh giác, tâm ta duyên về quá khứ, hiện tại, vị lai thì ngay trong tự thân ta mỗi niệm mỗi niệm chính là trần lao dấy khỏi.
Nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy:
“Này Thiện tri thức! Pháp môn của tôi đây từ một Bát nhã phát sanh tám muôn bốn ngàn trí tuệ. Vì cớ sao? Vì người đời có tám muôn bốn ngàn trần lao, nếu không có trần lao thì trí huệ thường hiện, chẳng lìa tự tánh. Người ngộ pháp này tức là vô niệm, vô ức, vô trước, chẳng khởi cuồng vọng, dùng tánh chân như của minh, lấy trí huệ quán chiếu, đối với tất cả pháp không thủ không xả tức là thấy tánh thành Phật”.
Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: “Niệm khởi là ăn thịt chúng sanh, niệm giác là chánh hạnh thành Phật”.
Như câu chuyện vị Tăng có 18 mụn ghẻ:
“Xưa ở chùa Quán Âm tại Lâm Hải, Tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có vị Tăng tên Hàm Huy, hơn 40 tuổi, hàng ngày giữ giới luật rất kỹ. Một hôm, Hàm Huy đi ngang qua tiệm thịt chó, mọi khi thì không có nghĩ gì, nhưng hôm ấy bỗng nhiên chảy nước miếng, thầm cảm thấy thèm ăn một miếng cho thỏa thích.
Sau đó Hàm Huy trở về chùa, bỗng toàn thân phát nóng, trên mình nổi lên 18 mụn độc, mỗi mụn độc có hình dáng đầu người, đau đớn rất khó tả. Nhưng có điều lạ, hễ cho người xem là bớt đau, còn che giấu không cho ai xem thì càng đau thấu đến xương tủy, dường như là để cảnh tỉnh cho người. Thầy thuốc danh tiếng khắp nơi đều bó tay không trị được. Hàm Huy đến nước cùng ấy, biết đây là oan nghiệp của mình sinh ra, bèn cố chịu đau đến trước tượng Phật quỳ lạy, thành tâm tụng Kinh Kim Cang cầu sám hối.
Một hôm đang ngủ trưa, Hàm Huy chợt mơ thấy 18 tên lính không đầu, từ trong cổ họng phát ra tiếng nói: - Ngài có nhận ra chúng tôi không?
Hàm Huy đáp: - Không biết.
Những tên lính không đầu ấy lại nói tiếp:
- Đời trước Ngài thống lĩnh binh Kim, chúng tôi là lính của Ngài. Ngài sai chúng tôi giữ cửa ải trên đỉnh núi. Trong số lính của Ngài có hai người không giữ quân luật, đi xuống núi gặp một thiếu phụ đi một mình, bắt lấy cưỡng hiếp. Thiếu phụ về thuật lại cho chồng nghe, người chồng thưa kiện đến Ngài. Ngài không tra xét kỹ, đem chém cả 20 người chúng tôi. Hai người kia phạm pháp là có tội, còn chúng tôi 18 người lại bị chết oan theo. Chúng tôi đâu thể bỏ qua được. Chúng tôi tìm Ngài đã 200 năm nay rồi, đến đời này mới gặp. Nhưng vì Ngài làm Tăng tu hành giữ giới, có thần hộ pháp bảo vệ, do đó chúng tôi không dám xâm phạm. Nay đây, nhân Ngài thấy thịt chó mà động niệm khởi tưởng ăn, đã thành phá giới, nên không có thần hộ pháp bảo vệ. Do đó chúng tôi chẳng sợ Ngài. Hiện tại Ngài tụng Kinh cốt cầu giải oan, thì tạm tha cho Ngài ba năm, sau sẽ đến đòi mạng.
Nói xong tất cả đều biến mất. Từ đó quả nhiên mụn độc ngừng hành hạ Hàm Huy, ba năm sau mụn độc lại tái phát, vỡ ra khiến Hàm Huy phải chết”.
Qua mẩu chuyện này cho chúng ta thấy rõ gieo nhân ắt gặp quả. Song Ngài Hàm Huy do công năng tu trì trai giới nghiêm mật nên 18 người lính này, không có cơ hội mà trả thù duyên xưa. Nhưng trong một phút bất giác không thu thúc sáu căn, Ngài khởi tâm động niệm. Ngay đây bình công đức đã thủng, ma tâm dấy động, tức khắc ngoại ma chen vào. Thiên đường liền biến thành hạ giới, phẩm hạng trang nghiêm không còn nữa. Ấy là lúc tâm ta đang ăn nuốt chúng sanh, thì thử hỏi dù chúng ta có lọc đi vạn lần mà tâm ma ta dấy khởi, bấy giờ tuy thân không hành động mà tâm là tác giả, tâm là chủ nhân tạo tác, là cửa ngõ dẫn dắt ta lên xuống ba đường sáu nẻo.
Do đó, Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy rất rõ:
“Suy nghĩ việc ác hóa làm địa ngục, suy nghĩ việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại thì hóa làm rồng rắn, từ bi thì hóa làm Bồ Tát, trí tuệ thì hóa làm thượng giới, ngu si thì hóa làm hạ giới. Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê không hay tỉnh giác, mỗi niệm khởi ác thường đi trong con đường ác, xoay về một niệm thiện, trí huệ liền sanh, đây gọi là tự tánh hóa thân Phật”.
Như vậy qua bài kệ Tỳ Ni này, cho chúng ta thấy rõ muốn được thân tâm tự tại, thì trong bốn oai nghi, ta luôn luôn thu thúc sáu căn, một bề hướng thượng, chớ tạo việc ác, thì ngay phiền não tức Bồ đề. Tham sân tức là “Giới – Định – Tuệ”. Muốn được như thế! Thì trong lúc uống nước ta luôn luôn chánh niệm và thẩm tưởng lời Phật dạy:
Phật thấy một bát nước
Tám vạn tư vi trùng
Nếu không trì chú này
Như ăn thịt chúng sanh
Song bài chú này là chú gì?
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Các bài mới
- Bài 14: Y NGŨ ĐIỀU (Y năm điều) - 04/06/2015
- Bài 15: THẤT Y (Y bảy điều) - 03/06/2015
- Bài 17: NGỌA CỤ (Đồ nằm) - 02/06/2015
- Bài 16: ĐẠI Y (Y lớn) - 01/06/2015
- Bài 18: ĐĂNG ĐẠO TRÀNG (Lên đạo tràng) - 31/05/2015
Các bài đã đăng
- Bài 19" TÁN PHẬT (Ca tụng Phật) - 30/05/2015
- Bài 21: CUNG TỊNH BÌNH (Cung bình sạch) - 28/05/2015
- Bài 20: LỄ PHẬT (Lạy Phật) - 28/05/2015
- Bài 22 : THỌ THỰC (Thọ trai) - 26/05/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89485
- Online: 21