Bài 17: NGỌA CỤ (Đồ nằm)

02/06/2015 | Lượt xem: 5728

Bài 17

NGỌA CỤ

(Đồ nằm)

 

Ngọa cụ: tiếng Phạn là Chấn việt, những đồ dùng lúc nằm như: giường, chõng, mền, nệm…

Luận Đại Trí Độ nói:

“Ngọa cụ là giường, chõng, mền, nệm, mùng màn, gối… Tức tổng danh của ba y. Bởi Ấn Độ khí hậu nóng nực, ba y tùy thân, bình thường mặc một y đã đủ, lúc nằm trải tọa cụ (ni sư đàn) rồi ngủ trên tọa cụ, trước đắp y năm điều, kế đắp y bảy điều, lấy y Tăng già lê xếp làm bốn gối đầu, nằm  bên hông phải. Nếu lúc lạnh thì ngồi kiết già, lại đem Đại y đắp lên thêm.

 

Đây là nói về ngọa cụ, nghĩa là người xuất gia, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều lấy ba y bình bát làm tiêu điểm. Cho nên hành giả nhờ ngồi trên tọa cụ mà phát sanh định tuệ, nuôi lớn pháp thân huệ mạng, chóng thành Phật quả. Do đó nói:

Ngọa cụ ni sư đàn

Trưởng dưỡng tâm miêu tánh

Triển khai đăng Thánh địa

Phụng trì Như Lai mạng

Án, đàn ba đàn ba sa ha (Tam biến)

Nghĩa:

Ngọa cụ ni sư đàn

Nuôi dưỡng lúa tâm tánh

Mở ra trên đất Thánh

Phụng giữ mạng Như Lai.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 17. Bài này nói đến tinh thần siêu thoát của hành giả. Vì sao? Vì một người khi tu đạo, dù bất cứ hoàn cảnh nào, khi bước chân vào cửa thiền, đều phải buông xả tất cả, chỉ giữ bên mình ba y bình bát. Cho nên ngọa cụ này còn gọi là tọa cụ, tùy tọa y.

Khi xưa chính Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng của chúng ta, cũng nhờ ngồi trên tọa cụ, dùng cung thiền định và kiếm trí tuệ, để hàng phục ma quân thẳng đến con đường Vô thượng giác. Do đó tọa cụ này còn là biểu tượng của tự tâm chúng sanh sẵn đủ Phật tri kiến, nếu không thì ta có ngồi bao nhiêu kiếp, cũng không tăng trưởng thiện tâm, phát huy đến chỗ chí thiện.

Nên Thiền Sư Đạo Nguyên nói:

“Tọa cụ là trạng thái chư Phật xuất hiện trong hào quang tự chiếu, ba hành động của thân, khẩu và ý được in sâu bằng Phật ấn và biểu thị cho chư Phật”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ nhờ năng lực của tọa thiền mà phát triển định huệ, nuôi lớn pháp thân huệ mạng. Do đó tọa cụ này còn có công năng chấm dứt sự cuồng loạn của nội tâm, giải phóng sự xung đột của chấp ngã. Cho nên dù chưa đạt ngộ hay đã đạt ngộ, chư Tổ cũng đều khuyên ta tọa thiền mỗi ngày.

Thiền Sư Đạo Nguyên nói:

“Có người nghĩ rằng tọa thiền là để chứng ngộ, và khi giác ngộ hoàn toàn không cần tọa thiền nữa”.

Đó là thiền “Đợi ngộ”, hơi khác với pháp tu mà tọa thiền tự nó là Phật hạnh. Theo pháp tu đầu, tọa thiền trong tinh thần mong chứng ngộ và chỉ biết đạt đến chỗ đó; sau khi ngộ, tọa thiền không được xem là quan trọng nữa. Nhưng Thiền Sư Đạo Nguyên nhấn mạnh rằng: đường lối chân truyền của chư Phật, chư Tổ, ngồi thiền tức thể hiện cứu cánh và không chỉ là một phương tiện chờ đợi giác ngộ. Thật ra khi tập trung vào một công án, toàn thể cuộc sống phải được dồn vào thực hành với mục đích đạt ngộ. Nhưng thiền của chư Phật và chư Tổ truyền thống ngày xưa được gọi là Phật quang tam muội, thì không xem tọa thiền là phương tiện để đạt ngộ. Trong tư thế tọa thiền, hào quang của chư Phật và chư Tổ hiện hành, đó là Phật hạnh và Phật đạo.

Như vậy, chúng ta thấy rõ năng lực của tọa thiền chính là biểu tướng của chư Phật, là cửa ngõ cực tắt đưa ta đến chân trời giác ngộ. Do đó trong cuộc sống giữa đời thường này, thiền đóng vai trò rất thiết thực, nó giải phóng những cù cặn của tâm thức chấp ngã, xóa tan những mây mù vô minh chấp ngã. Cảm nhận sâu xa về ý nghĩa tọa thiền.

Nên Thiền Sư Đạo Nguyên nói:

“Nếu mười phương chư Phật có vô số như cát sông Hằng, dùng hết sức lực và trí huệ Phật mong đo được công đức của một người tọa thiền, cũng không bao giờ làm được”.

Như vậy, muốn thể nghiệm được chân lý của thiền, cảm nhận sâu xa về công đức của thiền, ta phải thực sống với chính mình, nhìn thẳng vào lòng mình, đào xới và đi sâu vào thực tại, phải tự mình thực nghiệm và thân chứng cái tâm thái tự do tuyệt đối đó, chứ không bảo ta lý luận và định nghĩa. Khái niệm và lý luận về thiền, thì giống như con vẹt biết nói. Chỉ khi nào mọi toan tính, mọi suy nghĩ dừng bặt, bấy giờ ta mới thấu thoát được câu:

Ngọa cụ ni sư đàn

Nuôi lớn lúa tâm tánh

Mở ra trên đất Thánh

Phụng giữ Như Lai mạng.

 

 

 

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89342
  • Online: 50