Bài 8: ĐĂNG XÍ - Vào nhà vệ sinh

15/06/2015 | Lượt xem: 6541

Bài 8

ĐĂNG XÍ

(Vào nhà vệ sinh)

Đăng là tên. Xí là chỗ đại tiểu tiện. Phàm là chỗ đại tiểu tiện phải cách xa điện Phật, để không có mùi hôi bay lại.

Trong Thiên Oai Nghi Tăng Chú, nói:

“Vừa muốn đại tiểu tiện, phải đi liền đừng để trong thúc lật đật”.

 

Trong Đại Luật dạy:

“Mặc áo phù kiên (trùm vai) vào nhà xí, phải thay đổi giày dép, chẳng nên giày sạch mang vào nhà xí. Khi đến nhà xí, phải đờn chỉ ba tiếng cho người trong biết, chớ nên hối thúc người trong ra cho mau”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ, phàm là bậc tu đạo từ cách đi, đứng, ngồi, nằm, đại tiểu tiện đều có oai nghi phép tắc, khác với người thế tục rất xa. Do đó người xưa cử thân động niệm, đều không sai phạm quy tắc của Phật Tổ, lấy oai nghi quy tắc của Phật Tổ mà trang bị cho giới thân huệ mạng.

Nên trong Thiên Oai Nghi Tăng Chú nói:

“Chẳng đặng ngó xuống, chẳng đặng cầm cỏ vẽ đất, chẳng đặng ráng hơi ra tiếng. Chẳng đặng cách vách cùng người nói chuyện, chẳng đặng nhổ phun trong vách. Gặp người không nên lễ, phải nghiêng người lánh đi, chẳng đặng đi dọc đường buộc vải áo, đại tiện rồi phải rửa tay cho sạch. Như chưa sạch chẳng đặng cầm vật chi”.

Như chúng ta thấy rõ trong cuộc sống giữa đời thường này, nếu mượn vô (ăn uống) mà không có chỗ trả ra (đại tiện) thì người này khó mà sống sót. Còn nếu có chỗ trả ra, mà không có chỗ thích hợp thì cũng sanh hôi hám.

Nên trong Kinh Đại Dũng Bồ Tát Biệt Nghiệp nói:

“Tạo nhà xí trừ các ô uế, sau không có bệnh hoạn, về tiện lợi thân tâm thường thanh tịnh, người thấy không ai không hoan hỷ; do đó lìa các dơ bẩn, cuối cùng được an lạc lớn”.

Kinh Phước Điền nói:

“Phật bảo Thiên Đế, ngày xưa Ta xây dựng nhà vệ sinh một cách âm thầm, nhờ công đức này mà đời đời thanh tịnh, không dính uế nhiễm, ăn tự tiêu hóa, không bệnh tiện lợi”.

Kinh Trị Thiền Bệnh nói:

“Người sám hối trọng tội, cởi áo Tăng già lê, mặc áo An đà hội, tâm sanh hổ thẹn, cung phụng Tăng chúng, làm việc khổ nhọc, gánh phân quét nhà xí”. Lại nói: “Sau 800 ngày trừ phân rồi tắm rửa, mặc áo Tăng già lê, vào tháp tượng Phật. Nếu thấy tướng tốt, dạy tụng giới 800 lần mới được trở thành Tỳ kheo thanh tịnh”.

Do đó, chúng ta thấy rõ muốn được thiện nghiệp tăng trưởng, ác nghiệp tiêu trừ. Thứ nhất là phải tạo ích phước điền, phát tâm làm sạch sẽ chỗ tiện lợi. Thứ hai là khi đại tiểu tiện, phải đầy đủ oai nghi phép tắc. Trong nhà vệ sinh thường có quỷ ăn  phân, nên lúc vào trước khảy móng tay để cho chúng biết mà tránh đi.

Kinh Tỳ Mẫu nói:

“Lúc vào nhà vệ sinh trước phải lấy thẻ tre (cỏ giấy) đến trước cửa khảy móng tay ra tiếng ba lần, để người và loài phi nhân được biết”.

Trong Kinh Tạp Thí Dụ nói:

“Có một Tỳ kheo, chẳng khảy móng tay khi đại tiểu tiện, làm trúng trên mặt con quỷ dơ dáy. Quỷ rất giận, muốn giết vị Sa môn. Sa môn đó nhờ trì giới nghiêm mật, quỷ đuổi theo rình tìm lầm lỗi của vị ấy, nhưng không thể được”.

Do đó trong Thiên Oai Nghi Tăng Chú nói:

“Lúc ngồi trên nhà xí rồi, lại phải đờn chỉ ba tiếng” thầm tưởng kệ rằng:

Đại tiểu tiện thời

Đương nguyện chúng sanh

Khi  tham sân si

Quyên từ tội pháp

Án ngận lỗ đà da sa ha (3 lần).

Nghĩa:

Khi đại tiểu tiện

Nên nguyện chúng sanh

Bỏ tham sân si

Dứt hết các tội.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ tám.  Bài kệ này Tổ dạy cho chúng ta là: Khi đại tiểu tiện ra làm như thế nào để “Xả bỏ tham, sân, si” dứt hết các tội ác. Vì sao? Vì người tu nếu chưa đốn dứt tham, sân, si thì dễ phát sanh tội ác. Chẳng hạn như chúng ta tham danh lợi... Nếu có ai cản trở mình, thì dễ phát sanh lòng sân hận, mà đã phát sanh lòng sân hận rồi thì trí huệ mờ tối, nên dễ làm những tội ác. Do đó người xưa nói “Tình sanh thì trí cách”. Phàm là bậc tu đạo phải chín chắn chiêm nghiệm về điểm này! Nếu để lòng sân phát khởi tương tục, thì khi sống làm tôi tớ cho lòng tham dục sai khiến, khi chết chắc chắn sẽ đọa lạc trong Tam đồ.

Trong Luận Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn nói:

“Sao gọi là sân? Nghĩa là đối với quần sanh lấy sự tổn hại làm tính. Ở không an ổn, dựa vào những hành vi ác tạo nghiệp không an ổn, làm tổn hại người và mình cũng ở trong cảnh khổ”.

Đối với vật vô tình lại nổi sân, như thời Phật Ca Diếp, có một Tỳ kheo đi kinh hành vấp gốc cây té ngã, rất giận nên chặt đào lên, lỡ bị dao chém nặng đến nỗi bệnh chết, liền trong khoảnh  khắc thọ thân rắn độc. Lúc bạn học, đệ tử… thiêu thân thầy, thân sau ở chỗ thiêu gặp Phật, nhân đó sinh ác tâm muốn hại Phật. Lúc đó Phật răn dạy rằng: “Trước kia vì ngươi tức giận với vật vô tình, nên tự đưa đến quả báo này, nay lại giận hơn sẽ thọ thân ác nữa!”. Về sau không lâu, có bọn trẻ vì sợ rắn đó hại người, liền cùng nhau đốt thân nó. Rắn đó lại thấy bị hại, nên phẫn nộ muốn hại lại người, do đó vào lại địa ngục. Ngay lúc thiêu thân cũ chưa xong, hai thân hậu báo đồng thời thấy bị thiêu đốt. Nên biết đây là đối với vật vô tình, nổi giận mà bị quả báo. Đối với quả báo giận vật vô tình lại còn như thế, thì đối với hữu tình mà sinh sân, hại ấy lại nối nhau không có kỳ hẹn.

Như vậy, bài kệ Tỳ Ni này không cho phép chúng ta học thuộc là xong, mà phải thực hành nơi tâm nên nói: “Khi đại tiểu tiện là ta buông xả những chất dơ bẩn tham, sân, si trong tâm thức của ta. Vì sao? Vì trong các thứ dơ bẩn, thì phân là hôi hám nhất. Cũng vậy trong các thứ tác hại, sân là tác hại ghê gớm nhất”.

Nên Kinh Quyết Định Tỳ Ni nói:

“Thà khởi trăm ngàn niệm tâm tham, không nên sinh một niệm sân nhuế, vì di hại đại từ không có gì hơn nó”.

Do đó, bậc tiên hiền cổ đức xưa rất dè dặt về điểm này. Các Ngài luôn luôn kiểm soát tâm hành rất là miên mật, vì một niệm sân phát khởi thì bao nhiêu công đức lành tu tập đều tan theo mây khói.

Nên trong Kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn nói:

“Sân hận diệt trăm kiếp lành đã làm”.

Sách Vãng Sanh Yếu Tập nói:

“Làm tổn hại đại lợi không gì hơn sân, do một niệm sân mà đốt sạch biết bao kiếp tu thiện ”.

Như vậy, chúng ta tu là tu từ nơi tâm, tâm phát khởi thì nghiệp chướng theo sau. Do đó trong lịch sử Phật giáo, trong những kỳ cổ đông kim đều nói về sự tác hại của sân mà chiêu lấy khổ quả. Chẳng hạn như: bà Hy Thị phu nhân của vua Lương Võ Đế, cũng là nghiệp sân quá nặng nên tái sanh vào loài mãng xà. Sư huynh của Ngài An Thế Cao rất làu thông Kinh điển, song lại có tật cố chấp hay sân, sau khi chết đọa vào loài súc sanh làm mãng xà vương ở miếu Củng Đình Hồ…

Nên Kinh Hoa Nghiêm nói:

“Bồ Tát khởi một niệm tâm sân, thì sinh trăm vạn cửa chướng”.

Thế thì, người xuất gia tu đạo, hay người còn cư sĩ tại gia hãy cẩn trọng về điểm này! Chúng ta tu hành đừng mong chứng đắc, đừng mong học hành đỗ đạt gì! Mà chỉ ráng cố gắng huân tập thiện pháp, gạn lọc tham, sân si buông xả những tình niệm cố chấp. Ấy là bí yếu của đạo giác ngộ vậy!

Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói:

“Cửa học đạo chẳng có gì là kỳ lạ đặc biệt, chỉ cần gột rửa căn trần, gieo hạt giống nghiệp thức chủng tử từ vô lượng kiếp cho đến nay. Các người chỉ biết tiêu trừ tình niệm, đoạn tuyệt vọng duyên, đối với mọi cảnh giới ái dục ở thế gian, tâm vẫn tựa như gỗ đá, như vậy dù chưa tỏ đạo nhãn, cũng đã thành tựu được tịnh thân. Nếu gặp được vị sư chân chính thì phải cần tâm thân cận. Giả sử hỏi  mà chưa thấu triệt, học mà vẫn chưa thành tài, thì các thứ đó đã từng được trải qua nhĩ căn, cũng sẽ là đạo chủng đời đời chẳng rơi vào nẻo ác, kiếp kiếp chẳng bị mất thân người,vừa sanh ra đời nghe một biết ngàn”.

Nói chung, Đức Phật chỉ bày trăm muôn diệu nghĩa, hằng sa pháp môn nhưng không ra ngoài con đường chuyển hóa gạn lọc tham, sân, si để đạt đến con đường của giới định, tuệ. Song  ngày nay chúng ta học đạo lại khác, chỉ mong cầu chứng đắc diệu nghĩa của Phật Tổ, mà không chịu gạn lọc tâm hành tham, sân , si của chính mình. Do đó, tập khí chủng tử nhiều đời vẫn còn nguyên, mà sự huấn tập tham, sân tật đố lại dẫy đầy thì thử hỏi làm sao lập địa thành Phật được? Nên bài kệ Tỳ Ni này chỉ dạy toát yếu rất rõ là:

Khi đại tiểu tiện

Nên nguyện chúng sanh

Bỏ tham sân si

Dứt các tội ác

Kinh Niết Bàn nói:

“Độc trong các độc không gì hơn ba độc”.

Ba độc tham, sân, si giết hại Pháp thân, độc hơn rắn rết, vì giống phân dơ nên bỏ. Phàm bố thí thì không trộm cắp nên không tham. Có lòng từ khi không giết hại nên không sân. Có trí tuệ thì không dâm dục nên không si. Không trộm cắp nên nhiều của báu. Không giết hại nên được trường thọ. Không dâm dục nên có trí và có lễ. Tánh tội của ba độc đã trừ thì hạnh lành của Lục độ thành tựu viên mãn.

Như vậy, chúng ta thấy rõ trong các thứ độc hại nào là rắn độc, sài lang, hổ báo độc… cũng không sánh bằng ba độc tham, sân, si. Vì sao? Vì rắn độc cắn chết chỉ di hại một đời, còn tâm độc tham, sân , si nếu không khéo trừ thì di hại cả ngàn kiếp. Do đó người xưa trong lúc hạ thủ công phu tu thiền đều dè dặt. Tâm độc tham, sân, si phát khởi thì tâm từ di hại, nếu tâm tham phát khởi thì tâm thí tiêu hao, nếu tâm si phát khởi thì lửa dục lẫy lừng”.

Nên trong quyển sách Trúc Song Tam Bút nói:

“Không sân do có tâm từ, tin lớn nhân trí mà thành; trí nhẫn vừa phát thì gốc nghi liền đoạn, mây từ đã thấm nhuần thì lửa sân tiêu dần. Do đó nhận trí qua bờ khổ hải, nhờ tín vào cửa Bồ đề, do từ ở trong cửa báu đại giác, bởi nhẫn mặc áo Như Lai”

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 06081
  • Online: 30