Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải

12/10/2018 | Lượt xem: 5682

TT.Thích Thông Phương giảng tại TVTL Chánh Giác 

Đây là bài kinh quý vị tụng hằng ngày, nhưng nhiều khi tụng mà chưa hiểu hết được nghĩa, thành ra lợi ích cũng không được đầy đủ. Cho nên cần phải học để hiểu được nghĩa, hiểu được lý kinh, rồi ứng dụng tu hành, như vậy, tụng kinh sẽ thấm sâu hơn và đầy đủ ý nghĩa nhiều hơn.



* NGUỒN GỐC TRUYỀN DỊCH

Bát Nhã Tâm Kinh nói đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, nguyên bản là chữ Phạn, dịch ra chữ Hán thì có đến mấy bản dịch:

- Thứ nhất là Ngài Cưu Ma La Thập dịch, để tên là "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh".

- Thứ hai là Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch, đề tên là "Bát Nhã Ba La Mật Đa Na Đề Kinh".

- Thứ ba là Ngài Bát Nhã và Ngài Lợi Ngôn cùng dịch, đề tên là "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh".

- Thứ tư là Ngài Pháp Nguyệt dịch, đề tên là "Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh".

- Thứ năm là Ngài Trí Huệ Luân dịch, để tên là "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh".

- Thứ sáu là Ngài Thi Hộ dịch, đề tên là "Phật Thuyết Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh".

Và bản chúng ta học đây là do Ngài Tam tạng Pháp sư Huyền Trang dịch. Đó là dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Dịch ra tiếng Việt cũng có nhiều bản, như là bản của Hòa thượng Thích Trí Quang, bản của Hòa thượng Thích Trí Thủ, bản của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, bản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh v.v... Chúng ta học ở đây là bản tụng hằng ngày của Hòa thượng Tôn sư dịch. Gần đây có thêm bản dịch của Hồng Như dịch từ bản Tây Tạng qua bản dịch tiếng Anh. Trong những bản này thì có bản dịch lược, có bản dịch đầy đủ. Bản mình học của Ngài Tam tạng Huyền Trang là lược dịch, không có phần đầu và phần cuối. Còn có những bản đầy đủ như bản dịch từ Tây Tạng thì có phần đầu là "Tôi nghe như vầy, Phật ở núi Linh Thứu nói kinh này..."; hoặc là bản của Ngài Bát Nhã và Lợi Ngôn cũng vậy, cũng có phần đầu và phần cuối: "Tín thọ phụng hành...".  


* NGƯỜI DỊCH PHẠN - HÁN

Là Ngài Đường Tam Tạng Huyền Trang. Ngài thông được cả ba tạng Kinh, Luật, Luận, sống vào thời Đường nên gọi là Đường Huyền Trang. Ngài sinh năm 602, tịch năm 664. Tên thế tục là Trần Huy, người tỉnh Hà Nam, cũng có người anh xuất gia, pháp hiệu là Trường Tiệp.

Năm Ngài 13 tuổi, đặc biệt được vị quan nhà Tùy là Trịnh Thiện Quả đặc cách cấp độ điệp cho xuất gia làm tăng. Tức là thời đó không phải muốn vào xuất gia là dễ, phải có triều đình cho tuyển thi. Trong đó có đợt tuyển thi khoảng hai mươi mấy ba chục người thôi, Ngài Huyền Trang lúc đó mới 13 tuổi, thành ra không được dự thi. Cho nên, Ngài chỉ đứng ở bên ngoài dòm coi thôi chứ không được tham dự, nhưng ông quan này từ xa thấy cốt cách của Ngài có vẻ khác thường. Ông mới kêu lại hỏi và thấy đối đáp lanh lợi nên có cảm mến. Ông nghĩ rằng đây chắc sẽ làm bậc làm pháp khí cho Phật pháp sau này, do đó ông mới cho đặc cách xuất gia.

Năm 21 tuổi, Ngài được thọ giới Tỳ-kheo, tới năm 26 tuổi (có chỗ nói là 28 tuổi) khởi hành đi Ấn Độ cầu kinh pháp.

Trải qua nhiều gian nan, khổ nhọc cho đến nguy hiểm cả tính mạng nhưng vẫn không làm Ngài sờn lòng thối chí, Ngài vẫn kiên cường vượt qua tất cả để thành tựu chí nguyện vẻ vang cả Ấn Độ và Trung Hoa thời đó. Ngày xưa là phải đi bộ, đi ngựa, qua những vùng sa mạc mà chỉ có một người một ngựa không có người thứ hai làm bạn. Nhìn trên trời lại không có bóng chim nữa, thêm là những cảnh ma quái rùng rợn đe dọa. Có lần đi trong sa mạc, mà bình nước đem theo, Ngài lỡ tay làm rớt đổ hết, coi như là thất vọng. Đi sa mạc mà không có nước thì làm sao đi, Ngài định quay ngựa lại để tìm nước rồi đi tiếp. Nhưng đi được một đoạn Ngài mới nghĩ: "Mình đã thề không đến được Tây Thiên thì không lùi một bước về hướng đông, tại sao bây giờ mình lại quay trở lại!". Ngay đó, Ngài quay đầu ngựa đi tiếp. Quý vị thấy ý chí Ngài phi thường vậy đó. Ngài tiếp tục phải vượt qua núi Tuyết rồi gặp bao trở ngại, giặc cướp, ngôn ngữ bất đồng v.v..., đủ thứ khó khăn nhưng Ngài vượt qua hết. Ngài đúng là con người mà mình phải học nhiều và đáng kính nể.

Rồi đến 44 tuổi, Ngài về nước, bấy giờ mới là vẻ vang. Mọi người nghe tới Ngài về nước như là thần thánh vậy. Thời đó mà từ Trung Hoa đi qua Ấn Độ thỉnh kinh trở về thì không tưởng tượng nổi. Ai cũng hâm mộ muốn xem mặt của Ngài ra sao, kinh thành Trường An lúc đó nhộn nhịp đón mừng, người người chen nhau chiêm ngưỡng chật cứng hết, cảnh tượng coi như chưa từng có.

Sau đó, Ngài mới lo dịch kinh, thuyết pháp. Chủ trương dịch kinh của Ngài là trung thành với nguyên bản, chứ không dịch ý như Ngài Cưu Ma La Thập. Hội đồng dịch kinh tổ chức rất là quy mô, nghiêm túc. Cuối cùng vào ngày mùng 5 tháng 2 năm Giáp Tý, niên hiệu Lân Đức thứ hai, 664 Tây Lịch, tức đời vua Cao Tông nhà Đường thì Ngài thị tịch tại cung Ngọc Hoa, thọ 63 tuổi.

Nghe tin Ngài tịch, vua Đường Cao Tông cảm rơi nước mắt. Nhà vua rất buồn và ra lịnh bãi triều ba ngày để kỷ niệm, đồng thời nói với các quan: "Trẫm nay đã mất một quốc bảo rồi!". Khu cử hành tang lễ, hơn một trăm vạn người đến đưa tiễn, lòng người rất là ngưỡng mộ. Đến hôm đưa đi nhập tháp thì có hơn ba vạn người ngủ lại nơi mộ. Cho thấy lòng người kính mộ Ngài như vậy đó.

Nguồn gốc bản Tâm Kinh Bát Nhã tiếng Phạn mà Ngài Huyền Trang nhận được để dịch cũng có tính cách hơi huyền bí nữa. Theo tư liệu Đôn Hoàng ghi lại, nhân Ngài bắt đầu đi thỉnh kinh, khi đến Ích Châu nghỉ lại nơi chùa Không Huệ, gặp một vị tăng bệnh cùng nhau hỏi thăm nói chuyện qua lại. Vị tăng ấy biết được ý nguyện của Ngài đi Thiên Trúc thỉnh cầu kinh pháp nên rất cảm kích mới truyền cho Ngài bài Tâm Kinh Bát Nhã này để thọ trì trên đường đi hầu giúp cho có những cảm ứng linh nghiệm trong chuyến đi. Cho nên trên đường đi khi gặp những gì trở ngại Ngài cũng thường tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã. Rồi khi Ngài đến Ấn Độ, bỗng gặp lại vị tăng đó, vị đó đến chúc mừng, rồi thố lộ cho biết chính là Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện. Nói xong vị ấy liền vọt lên hư không đi mất. Đó là một chút tư liệu thêm về bản Bát Nhã Tâm Kinh này.

 

ĐỀ KINH

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

"Ma Ha" dịch là "Đại", tức là Lớn. "Bát Nhã" là trí tuệ. Học theo chữ nghĩa thì đây là trí tuệ rộng lớn. Nhưng nghĩa "lớn" đây không phải như là nghĩa lớn-nhỏ mà mình thường hiểu. Bởi vì Bát-nhã mà còn có lớn có nhỏ thì sao? Thì không còn là Bát-nhã nữa! Trí tuệ Bát-nhã mà còn có lớn có nhỏ thì thuộc về vô thường rồi, không thật là Bát-nhã.

"Lớn" ở đây là vượt ngoài sự suy nghĩ, phân biệt hiểu biết của thức tình. Cái thức tình suy nghĩ hiểu biết không thể hiểu đến nổi, không thể đem cái thức tình mà phân biệt, mà so sánh được. Nghĩa là nó không có bờ mé, giới hạn để mà so đo ở trong đó. Không biết phải nói làm sao nên tạm gọi là "lớn", để gọi ý thôi. Do đó người học phải đạt được ý mà quên lời. Đừng nghe nói lớn rồi đem cái lớn-nhỏ mà phân tích thành ra giới hạn ở trong chữ nghĩa, không thấu được nghĩa "lớn" chân thật của Bát-nhã.

Lục Tổ Huệ Năng có giải: "Sao gọi là Ma Ha? Ma Ha là lớn, cái tâm lượng rộng lớn giống như hư không, không có bờ mé cũng không có vuông tròn, lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không có trên dưới, dài ngắn, cũng không có mừng giận, không có phải quấy, không có lành dữ, không đầu không đuôi, bao nhiêu cõi nước của chư Phật trọn đồng hư không. Cái diệu tánh của người đời vốn không, không có một pháp có thể được. Tự tánh chân không cũng lại như thế". Nghĩa "lớn" của Bát-nhã là như vậy đó, thì làm sao đem cái hình thức bình thường này để phân tích được! Hơn nữa, còn ở trong đó mà phê bình, mà khen chê thì có dính dáng gì với "Nó"? Cho nên ngay một nghĩa "Lớn" này nếu ai sáng tỏ được là mở con mắt Bát-nhã rồi, là thấy suốt các pháp không có ngăn ngại.

Học Bát-nhã là phải học thấu đến như thế đó, chứ không phải chỉ dừng ở trên chữ nghĩa. Bởi vậy có người hỏi Thiền sư Huệ Hải ở Đại Châu:

- Bát-nhã lớn chăng?

 Sư đáp:

- Lớn.

Ông Tăng hỏi:

- Lớn bằng cỡ nào?

Sư đáp:

- Không có ngằn mé.

Tăng hỏi:

- Bát-nhã nhỏ chăng?

Sư đáp:

- Nhỏ.

Nói lớn cũng được, nói nhỏ cũng được.

Ông tăng hỏi:

- Nhỏ cỡ nào?

Sư đáp:

- Xem chẳng thấy.

Nhỏ đến xem không thấy luôn. Tức là Bát-nhã vượt qua tất cả các tướng lớn-nhỏ, không còn có chỗ để cho tâm có thể duyên theo phân biệt. Do đó, một chữ "lớn" này mà chưa qua được thì làm sao thông được Bát-nhã đây?

Lại, "Bát-nhã", dịch là trí tuệ nhưng trí tuệ ở đây cũng không đồng với trí tuệ hiểu biết của thế gian. Bởi vì người thế gian thông minh hiểu biết cũng gọi là trí tuệ, nhưng trí tuệ đó không phải là trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ đó vẫn nằm ở trong cái tình thức. Cho nên ở trong đạo, để phân biệt mà thường nói là "Trí tuệ Bát-nhã". Trí tuệ Bát-nhã này là ở ngay nơi bản tánh của mỗi người, nó tự có đủ nhưng vì các thứ phiền não, vọng tưởng che đi nên nó không có hiện được. Do đó, chúng ta phải nhờ phương tiện tu hành rồi quán chiếu, gạn lọc những cái tình mê, những cái vọng tưởng thì trí tuệ ở nơi bản tánh mới hiện ra.

Hiện là từ nơi có sẵn mà hiện ra thôi chứ không phải nó mới có, không phải mới sanh. Nếu nó có sanh thì thành ra có diệt, mà có sanh có diệt thì không phải là trí Bát-nhã. Cho nên, người ta không biết rồi lo đi tìm Bát-nhã ở trong văn tự chữ nghĩa đó là "lầm"! Tìm như vậy, dù cho có được đi nữa thì cũng không phải là Bát-nhã chân thật.

Lục Tổ giải: "Bát-nhã là không có hình tướng, chính đó là tâm trí tuệ". Bát-nhã là tâm trí tuệ chứ nó không có hình tướng để cho mình phân biệt. Như vậy cũng nói lên Bát-nhã là ở ngay nơi tâm, chứ không phải là cái gì khác. Không thể tìm Bát-nhã ở bên ngoài tâm. Nhiều người học theo chữ nghĩa, nghe nói Bát-nhã là trí tuệ, là sáng suốt, tu là phát ánh sáng Bát-nhã, rồi tưởng tượng ra cái tướng Bát-nhã là phát sáng thế này thế kia, và tu để cho phát sáng thì đó là lầm! Không biết rằng, đó chỉ là lời nói tượng trưng, lời nói gợi ý thôi, để nói Bát-nhã là không có mê. Nhưng chúng ta lại đem tình mê mà phân biệt Bát-nhã, quả thật là trái ngược!

Trong nhà thiền có câu chuyện:

Có một vị tăng đến hỏi Quốc sư Đức Thiều:

- Người xưa có nói: "Người thấy Bát-nhã liền bị Bát-nhã trói, người chẳng thấy Bát-nhã cũng bị Bát-nhã trói". Như vậy, đã thấy Bát-nhã vì sao lại bị Bát-nhã trói?

Quốc sư Đức Thiều đáp:

- Ngươi nói Bát-nhã thấy cái gì?

Ông tăng hỏi thêm:

- Còn chẳng thấy Bát-nhã vì sao cũng bị Bát-nhã trói?

Sư đáp:

- Ngươi nói Bát-nhã chỗ nào chẳng thấy?

Nói thấy không được, nói không thấy cũng không được. Thường thường nhiều người hiểu mình tu hành là để thấy được Bát-nhã, nhưng nếu thấy được Bát-nhã thì sao đây? Mình thấy được Bát-nhã, thì Bát-nhã đó thành ra các đối tượng để cho mình thấy, nó là "cái bị thấy", tức là nó che mờ mình rồi, bị Bát-nhã trói chứ gì! Còn không thấy Bát-nhã cũng bị Bát-nhã trói là sao? Không thấy Bát-nhã tức là mình mê, mê nên cũng bị Bát-nhã trói. Bởi vì người hiểu lầm, cho Bát-nhã giống như một cái gì đó để cho mình thấy, hoặc cái gì đó mình bị mất đi nên bây giờ tìm trở lại. Hiểu vậy đó đều là mê Bát-nhã. Bát-nhã chính là tâm trí tuệ, thì làm sao mình thấy nó? Chỉ thầm cảm thông thôi.

Rồi "Ba-la-mật-đa", dịch là đáo bỉ ngạn tức đến bờ bên kia hoặc cũng có nghĩa là rốt ráo viên mãn. Chỗ này có nhiều người hiểu lầm, Bát-nhã mà có bờ này, có bờ kia thì có phải Bát-nhã chưa? Là không phải Bát-nhã rồi! Người ta thường hiểu bờ này là bờ sanh tử, bờ kia là bờ Niết-bàn, nhưng ở đây không thể hiểu theo kiểu đó, mà đây là ngầm chỉ rằng: Nó vượt qua tất cả sanh diệt đối đãi. Cái tâm phân biệt đó không thể đến kịp ở trong đây được. Cho nên, nó là rốt ráo, không còn đem cái gì để so sánh được nữa. Không thể đóng khung nó trong một giới hạn nào, tạm gọi là đến bờ kia. Đó là gợi ý thôi. Người mê thì thấy có bờ này có bờ kia sai khác. Còn người ngộ thì chỉ là một tâm, chứ không có hai. Đó mới là Bát-nhã.

Lục Tổ giải: "Hễ chấp trước cảnh thì sanh diệt khởi, như nước dậy sóng mòi tức gọi là bờ này. Còn lìa cảnh thì không sanh diệt, như nước thường trôi chảy, tức gọi là bờ kia". Vậy thì bờ này, bờ kia cũng chỉ là nước thôi, nước mà dậy sóng là bờ này, nước thường trôi chảy là bờ kia. Cũng vậy, tâm mình mà duyên theo cảnh, vọng khởi lên liền có sanh diệt, thì đó là bờ này. Còn tâm mà lìa cảnh thì thường thông suốt tự tại, đó là bờ kia. Tuy nói bờ này bờ kia nhưng cũng chỉ là tâm thôi, chứ không có hai, không mắc kẹt nơi danh từ.

Rồi "Tâm Kinh", chữ Tâm là gì? Thường thường người hiểu lầm chữ Tâm là trái tim của mình. Chữ Tâm ở đây nghĩa là tinh yếu, đây là bài kinh tinh yếu như là trái tim của hệ Bát-nhã.

Như vậy, đề kinh này chúng ta có thể hiểu như thế này: Đây là "Bài Kinh Tinh Yếu Về Trí Tuệ Rộng Lớn Rốt Ráo Hoàn Toàn". Vậy ngay đề kinh này mà người quán cho thấu đáo là đủ để chuyển mê khai ngộ rồi, chứ không phải chỉ dừng ở trên phân tích chữ nghĩa. Học như vậy, quý vị mới thấy mở sáng tự tâm, mới hiển bày được Bát-nhã.  

* CHÁNH VĂN

CHÁNH VĂN:

Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG liền qua hết thảy khổ ách.

GIẢNG GIẢI:

Chỗ này cũng cần nói thêm một chút để cho quý vị hiểu. Đây là Ngài Huyền Trang dịch lược qua phần đầu, chứ theo bản Tây Tạng hoặc bản của Ngài Bát Nhã và Ngài Lợi Ngôn v.v... dịch thì có phần đầu. Thí dụ như bản Đôn Hoàng do Ngài Sa-môn Pháp Thành dịch thì có thêm những điểm như sau: "Tôi nghe như vầy, một lúc nọ Bạc-già-phạm (chỉ cho Đức Phật) trụ ở trong núi Linh Phong nơi thành Vương Xá cùng chung với chúng đại Bí-sô (Tỳ-kheo) và đại Bồ-tát. Bấy giờ Đức Thế Tôn v.v... nhập dị môn của pháp Thậm Thâm Minh Liễu Tam-ma-địa. Lại khi ấy đại Bồ-tát Quán Tự Tại, khi thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, Ngài quán sát soi thấy thể tánh năm uẩn thảy đều là KHÔNG. Lúc đó có Cụ thọ Xá-lợi Tử nương uy lực của Phật bạch với Thánh giả Bồ-tát Quán Tự Tại: "Nếu người thiện nam muốn tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, lại phải làm sao tu học?". Nói lời đó xong, đại Bồ-tát Quán Tự Tại đáp Cụ thọ Xá-lợi Tử: "Nếu người thiện nam và người thiện nữ muốn tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, người kia nên quán sát như vầy: Thể tánh năm uẩn đều KHÔNG". Rồi mới "sắc tức là KHÔNG, KHÔNG tức là sắc v.v..."

Bản của Ngài Bát nhã và Ngài Lợi Ngôn dịch cũng như vậy, tức là: "Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở tại thành Vương Xá trong núi Kỳ-xà-quật cùng chung với chúng đại Tỳ-kheo và chúng Bồ-tát. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập chánh định tên là Quảng Đại Thậm Thâm. Lúc đó, trong chúng có vị Bồ-tát tên Quán Tự Tại khi thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, Ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG, lìa hết mọi khổ ách".

Như vậy, chúng ta được biết bài kinh này được Phật thuyết ở trên núi Kỳ-xà-quật, tức là trên núi Linh Thứu, rồi trong đó gồm cả chúng đại Tỳ-kheo và chúng đại Bồ-tát. Khi đó Đức Phật nhập chánh định gọi là Quảng Đại Thậm Thâm và gia trì cho Bồ-tát Quán Tự Tại thuyết.

Bồ-tát Quán Tự Tại là Bồ-tát nào? Tức là Bồ-tát Quán Thế Âm. Chữ Bồ-tát nói đủ là Bồ-đề Tát-đỏa dịch là giác hữu tình hoặc là hữu tình giác, chỉ cho một chúng sanh giác ngộ rồi đem sự giác ngộ đó để giác ngộ trở lại cho các chúng sanh. Đây là tinh thần của Bồ-tát đạo để tiến đến thành Phật chứ không phải là chỉ giác ngộ cho mình thôi. Và nói lên Bồ-tát cũng từ chúng sanh mà chuyển thành chứ không phải ở ngoài chúng sanh mà riêng có. Rồi sao gọi là Quán Tự Tại? Quán Tự Tại tức là đối với các pháp đều thông suốt tự tại vô ngại không có gì ngăn chướng. Vậy ngay cái tên của Bồ-tát đây cũng là một pháp tu cho mình. Đối với các pháp, mình phải quán cho thông suốt chớ để có dính mắc, chớ để cho kẹt ở trong một pháp nào, phải thấy qua hết một cách tự tại. Nhưng muốn vậy thì phải sao? Phải có Bát-nhã soi sáng, không thể tách lìa Bát-nhã, không thể vắng bóng Bát-nhã. Cho nên Bát-nhã rất là trọng yếu.

Rồi hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nguyên văn chữ Hán là "hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa", chỗ này cũng có thể hiểu là thực hành thậm thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà nói gọn lại, như có bản dịch nói đủ như thế. Tức là Ngài thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa thật sâu xa, nhưng sao gọi là sâu xa? Ngầm chỉ là thâm nhập trong đó, thực hành Bát-nhã rồi thâm nhập Bát-nhã thì mới sâu xa. Tức là cùng với Bát-nhã không hai, không còn chia có đây có kia nữa.

Nói cho rõ hơn là, Bồ-tát Quán Tự Tại, Ngài đã chứng nhập ở trong Bát-nhã, chớ không phải là đứng ở bên ngoài mà luận, mà bàn. Đây gọi là cảnh giới thậm thâm của Bồ-tát, cảnh giới sâu xa, khó mà đem cái thức tình để hiểu cho thấu hết được. Cho nên, chỗ này không thể bắt chước được, không thể nói ở trên miệng; miệng nói Bát-nhã mà tâm không sáng thì cái đó không phải sâu. Đây cũng là để ngầm nhắc cho người học Bát-nhã, là mình phải thực hành Bát-nhã một cách sâu xa như vậy đó thì mới có phần tương ưng với Bát-nhã. Nên nhớ kỹ, học ở trên chữ nghĩa thì chưa phải là thậm thâm Bát-nhã.

Rồi khi mà thực hành Bát-nhã sâu xa thì sao? Thì Ngài soi thấy năm uẩn đều KHÔNG. Chữ "không" ở đây mình phải viết hoa để không lầm với nghĩa "có-không" bình thường.

Trước là nói về năm uẩn. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chữ uẩn là chứa nhóm, chỗ khác dịch là ấm. Sắc uẩn tức là cái sắc thân, do bốn đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp thì đó thuộc về vật chất. Từ đó mình có thể hiểu rộng ra các sắc bên ngoài.

Rồi thọ uẩn, là những cảm giác khổ-vui hoặc là không khổ không vui, thì nó thuộc về tinh thần, nhưng là phần biểu hiện thô dễ thấy.

Tưởng uẩn, nó ghi nhớ, nó nắm bắt lấy hình tượng, lấy tướng mạo, nó nối kết với cảnh tượng để làm đối tượng, nó duyên với ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta sống ở đây là bị cái tưởng gạt nhiều lắm! Cảnh ở tuốt đâu ngoài xa, còn con mắt ở trên mặt đây thì đâu có vấn đề gì, cũng như tâm mình cũng ở nơi đây thì đâu có vấn đề gì; nhưng chính cái anh "tưởng" này, gạt cái tâm chạy ra đó để phân biệt. Phân biệt ở đó rồi đem vào, thành ra sanh phiền não, sanh dính mắc. Cho nên chúng ta tu phải sáng được cái "tưởng" này, không để cho nó gạt nữa.

Hành uẩn, là cái tác động của ý chí, những cái tác ý, những cái động niệm khiến cho niệm khởi liên tục tạo thành có tham, sân rồi các nghiệp thiện ác v.v...

Thức uẩn, nó ghi nhận, nó nắm bắt phân biệt rõ các đối tượng, thuộc về phần tế ở bên trong. Như vậy, từ một tâm mà hiện ra có thô có tế mà tạm chia ra có bốn thứ: thọ, tưởng, hành, thức nhưng thật thể vẫn là không hai, chứ không phải là có bốn cái. Vậy thì sắc do bốn đại hòa hợp tạm có. Chứ nó không có cái thật thể của nó, cho nên gọi là đều KHÔNG.

Rồi thọ, do đâu có? Là do nó xúc với cảnh, khi xúc với cảnh nó mới khởi, mới có khổ có vui, thì nó cũng không có tự thể cố định của nó, không phải tự có mà đợi duyên có. Còn tưởng, thì nó phải nương với các đối tượng mới thành. Tưởng là phải tưởng về cái gì đó, chứ không có đối tượng thì cái tưởng cũng không thành, nó không có tự thể riêng của nó. Quý vị thử tưởng một cái gì mà không có đối tượng xem, làm sao tưởng? Nắm được yếu chỉ này thì tu thiền là phá vọng tưởng dễ lắm. Quý vị tu, cho quý vị vọng tưởng thoải mái nhưng mà phải tưởng cái gì không thuộc về đối tượng, quý vị làm sao tưởng? Thì ngay đó hết tưởng thôi! Dừng tưởng thôi! Rồi hành là tác ý thì cũng phải tác ý về cái gì đó, tức là có cái đối tượng, có cái duyên để cho nó tác ý, còn không thì nó cũng thành ra không có tự thể. Tiến đến thức, cũng đi với cái đối tượng để nó phân biệt, nó hiểu biết; lìa đối tượng thì cái thức cũng không thành, cũng không có tự thể luôn.

Nói chung lại, năm uẩn đều là nhân duyên nhóm họp, nó tạm hiển bày, nếu xét cho thấu cái bản chất của nó thì đều là "Không". "Không" ở đây, tức là nó không có cái tự thể, hay không có cái tự ngã của nó, chứ không phải là phá hoại nó, thành ra nó không còn có. Nó vẫn có tướng của nó nhưng mà nó không có tự thể, không có tự ngã. Vậy thì ngay khi nó nhóm họp đó, nó có cái tướng hiện ra đó nhưng bản chất của nó vẫn là rỗng không, không có tự tánh cố định, không phải phá hoại nó mới thành Không. Gọi năm uẩn đều Không là như vậy. Nên nói Không mà mỗi người vẫn còn ngồi ở đây đủ hết, không mất người nào. Thấy được như vậy là phải thâm nhập Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Từ Bát-nhã sâu xa đó mà thấy chứ không phải lý luận ở trên chữ nghĩa. Thấy được như vậy thì năm uẩn đâu còn che mờ được nữa, đâu còn bị nó gạt nữa, cho nên liền đó qua hết thảy khổ ách, không còn nghi ngờ. Không còn thấy thật có cái tự ngã của năm uẩn thì lấy ai để mà khổ? Và đó chính là Quán tự tại. Quán tự tại là vậy đó, không còn chỗ nào ngăn ngại nữa. Ai mà quán thấu được như vậy thì ngay đây liền gặp Bồ-tát Quán tự tại. Đây gọi là công đức từ tuệ giác đã chứng nhập Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà thấy suốt như vậy, không phải là cảnh giới của cái thức tình phân biệt suy luận. Cho nên thật học Bát-nhã là phải thực hành Bát-nhã, phải thực hành quán chiếu sâu xa.

Bởi vậy chúng ta không phải thắc mắc vì sao mình tụng Bát Nhã Tâm Kinh hằng ngày, tụng đến thuộc làu làu mà vẫn không qua khỏi khổ ách. Vậy là kinh nói có sai không? Lẽ dĩ nhiên là kinh không có nói sai, mà chỉ là người chưa thấu được kinh thôi! Chưa thấu được là sao? Là vì người ta chỉ học cạn cợt ở bên ngoài, ở trên chữ nghĩa thôi chứ chưa thật sự thực hành sâu xa để thâm nhập ở trong đó. Chưa thâm nhập được kinh nên chưa qua được khổ ách, rõ ràng vậy thôi.

Điều đó nói lên tuy người học Bát-nhã làu làu nhưng chưa phải là thật thuộc Bát-nhã. Bởi vì khi tụng thì nhớ nhưng gặp cảnh thì quên. Bây giờ làm sao mà luôn luôn lúc nào cũng nhớ, cũng đem ra dùng được hết, mới là thật thuộc.


CHÁNH VĂN:

Này Xá-Lợi-Phất! Sắc chẳng khác KHÔNG, KHÔNG chẳng khác sắc. Sắc tức là KHÔNG, KHÔNG tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

GIẢNG GIẢI:

Đây là bản tóm lược, còn bản đầy đủ thì có thêm: "Liền đó, Xá-Lợi-phất nương uy lực của Phật chắp tay cung kính bạch với đại Bồ-tát Quán Tự Tại: "Người thiện nam nếu có người muốn học về hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thì làm thế nào để tu hành?". Hỏi như thế xong, khi đó đại Bồ-tát Quán Tự Tại mới bảo với Cụ thọ Xá-lợi-phất: "Này Xá-Lợi-tử! Sắc chẳng khác KHÔNG, KHÔNG chẳng khác sắc. Sắc tức là KHÔNG, KHÔNG tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế".

Như vậy Ngài Xá-lợi-phất nương uy lực của Phật thưa hỏi với Bồ-tát Quán Tự Tại, rồi Bồ-tát Quán Tự Tại nhân đó mà đáp. Và hỏi đây là hỏi về chỗ thực hành hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, chứ không phải là học suông ở trên chữ nghĩa để bàn luận với nhau chơi. Đó là chỗ người học Tâm Kinh Bát Nhã cần phải chú ý!

Trong đây chữ "Xá-Lợi-phất", Ngài Huyền Trang dịch là "Xá-Lợi-tử", cũng chỉ là một người thôi, chứ không phải hai người. "Xá-Lợi-tử" là gồm tiếng Phạn và tiếng Hán, "Xá-Lợi" là tiếng Phạn, "tử" là tiếng Hán. "Tử" là con, tức là con của bà Xá-lợi, "Xá-Lợi" là tên mẹ của Ngài. Bởi vì, khi bà mẹ của Ngài sanh ra thì bà có đôi mắt rất đẹp giống như chim Xá-Lợi, nên lấy đó đặt tên. "Xá-Lợi" tức là loài chim Thu, cho nên có chỗ dịch là Thu Tử hoặc Thu Lộ Tử. Ngoài ra, Ngài cũng có tên khác nữa là Ưu-ba-đề-xá, là nói theo tên cha. Ngài là bậc trí tuệ bậc nhất ở trong hàng Thanh Văn của Phật, Ngài đại diện chúng hội làm đương cơ để thưa thỉnh.

"Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc", chỗ này là chỗ mà nhiều người học Bát-nhã thấy khó hiểu. Thông thường mọi người thấy sắc là sắc, không là không, chứ sao gọi là "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc"? Cái bàn này mà nói chẳng khác với hư không là sao?

Bởi đây không giống với cái hiểu thông thường của thế gian. Thường ở thế gian là đem cái thức tình mà phân biệt, so sánh nên không hiểu nỗi là chỗ đó. Nghe vậy giống như nói cảnh giới nào xa lạ, không phải là ở thế gian này. Nhưng đay là Đức Phật và Bồ-tát Quán Tự Tại nói với người cõi này. Song đáy là chỗ tu hành hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cho nên người học cũng phải dùng trí tuệ sâu xa để mà quán chiếu thì mới hiểu rõ. Đây nhắc lại, chữ "Không" này không phải là chữ "không" của có và không đối đãi. "Không" đây nói theo tinh thần của Bát Nhã là tánh Không, nó không có tự thể, ngay nơi sắc mà thấy là Không. Nó không phải là cái không của có và không.

Dùng trí tuệ Bát-nhã mà nhìn thì sẽ thấy thấu nơi sắc, thấu nơi không, thì rõ ràng sắc và không không khác. Không khác là sao? Bởi vì, sắc không có cái thật thể của nó, thì tuy là thấy sắc nhưng nó cũng đâu có khác với không. Tâm mình không dính mắc nơi sắc, nên thấy sắc mà cũng tự tại vô ngại. Tuy nhiên, đây là còn một lớp so sánh khiến cho người học thấy giống như còn có tách rời hai thứ. Rồi tiếp theo:

"Sắc tức là Không, Không tức là sắc", đây là ngay sắc tức Không, ngay Không tức sắc. Vậy tức là quên cái niệm "sắc-không, kia đây" luôn. Nhưng sắc làm sao tức Không? Đây là ngay nơi sắc mà thấy rõ nó là Không; chứ không phải phá hoại cái sắc mới thành Không. Chỗ này, nếu người ở trong đầu còn có cái ý niệm là "sắc" là "không" thì khó mà thông được. Trong đầu mình còn có cái "sắc" còn có cái "không", hai cái thì làm sao "tức" được.

Nếu nói theo nhà thiền là "ngay nơi sắc mà tâm không sanh" thì sắc tức Không. Vì sắc, nó đâu có làm ngại, nó đâu có che chướng gì! Mình thấy cái bàn mà tâm mình không sanh, không dính mắc gì hết, thấy thì thấy, cái bàn không che ngại gì hết thì có cũng như không, thì sắc-tức-không chứ gì. Nhưng mà vừa động niệm nghĩ cái bàn thì sao? Thì không-tức-sắc rõ ràng vậy thôi. Tức, ngay vừa động niệm thì nó có ngại liền, bị cái bàn chướng ngại liền. Chỉ bấy nhiêu thôi mà người ta luận bàn hoài không ra. Bởi vì chữ nghĩa thì đâu có ra được. Đây phải thực hành là như vậy đó!

Bởi vì còn có tâm sanh, tức là tâm động niệm, động niệm là có kia đây, có kia đây thành có chướng ngại thì không làm sao mà thông nổi! Dù cho có nói "tức" đi nữa nhưng hễ còn có "sắc" có "không", còn có "kia" có "đây" thì cũng không sao thông nổi. Mà không thông tức là còn có chỗ để luận bàn. Thành ra, luận bàn như vậy là luận bàn ở trên cái "tâm sanh" đó thôi.

Nếu tâm không sanh, không có động niệm, là "sắc-không" mất dấu! Tâm không có khởi, không có sanh thì đâu có diệt, là mất dấu của "sắc-không". Vậy là suốt qua cả "sắc-không" đều vô ngại, thì đó là quán tự tại, ngay đó liền vượt qua hết khổ ách, không còn gì để luận bàn, không gì phải nghi ngờ. Nhưng người chưa thể ngay đó liền thẳng vào, thì sao? Thì ở đây tạm mượn lời để gợi ý cho mình từ từ vào.

Thí dụ như cái thân này, hoặc cái bàn ở đây; làm sao thấy nó tức Không? Dù cho có luận bàn cách mấy đi nữa cũng không thể nào làm cho nó không được, làm cho nó biến mất được? Chỉ có cách là dùng trí tuệ Bát-nhã mà thấy suốt qua nó, không có bị nó làm chướng ngại, không có bị nó làm mê, thì nó tức Không chứ gì nữa. Nó có mà cũng như không, nó không che được trí tuệ.

Nói theo ngôn ngữ phương tiện là thấu suốt bản chất thật của nó là Không; không có tự thể; thì nó không thật có chỗ để tâm sanh. Nhưng tại sao mọi người lại vọng sanh trong đó để cho thành ngại? Đó là mê. Mê là mê chỗ đó đó! Cho nên thành ngại là mê, là trái với Bát-nhã hiện tiền. Vậy thì có sắc nhưng mà sắc không che được Bát-nhã, thì sắc tức Không. Nghĩa này vốn nằm bên kia chữ nghĩa. Tức là nó nằm bên kia những trò chơi chữ, không thể đem những trò chơi chữ nghĩa vào đây được. Do đó chúng ta phải thực hành để thâm nhập. Đó mới gọi là thậm thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Tụng Tâm Kinh Bát Nhã là tụng cho thấu đến như thế đó mới gọi là thật biết tụng Bát Nhã. Như vậy, sắc vốn không có tự tánh thì đó là sắc tức Không; còn trong cái tánh Không nhưng tất cả sắc hiện đủ, thì Không tức sắc. Thành ra hiểu thấu đáo thì không phải phá hoại sắc mà thành không. Rồi thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Đây gọi là nói gọn, nếu mà nói đủ là "Thọ chẳng khác Không, Không chẳng khác thọ; thọ tức là Không, Không tức là thọ. Tưởng chẳng khác Không, Không chẳng khác tưởng; tưởng tức là Không, Không tức là tưởng. Hành chẳng khác Không, Không chẳng khác hành; hành tức là Không, Không tức là hành. Thức chẳng khác Không, Không chẳng khác thức; thức tức là Không, Không tức là thức". Hiểu được sắc tức Không, Không tức sắc thì còn lại thọ, tưởng, hành, thức sẽ theo đó mà hiểu.


CHÁNH VĂN:

Tướng "Không" của các pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

GIẢNG GIẢI:

Chỗ này là chỗ mà nhiều người học Bát-nhã vướng mắc. Có người nói: "Tại sao không nói tánh "Không" mà nói tướng "Không"?". Như cái bàn, tướng cái bàn đây, sao nói là không? Đây là chỗ chúng ta phải thấy cho rõ!

Cứ cho rằng "tướng" thì làm sao không được, phải "tánh" không mới được chứ? Nhiều người mắc kẹt chỗ đó, cứ vậy mà bàn mà luận, rồi có khi tranh cãi nhau ở trên chữ "tướng" đó, không ngờ thành "có" lúc nào không hay! Đó là chỗ lầm. Ở đây cần rõ "tướng Không" là sao? Là ngay nơi tướng mà thấy là Không, chớ không phải phá hoại tướng mà thành không. Chỗ này ở trước đã nói rõ rồi nhưng nhiều người lại quên. Ở trước nói sao? "Sắc tức Không, Không tức sắc. Thọ, tưởng, hành, thức tức Không" hay nói chung lại là "năm uẩn tức Không". Như vậy thì "Sắc tức Không" là "tướng sắc tức Không". "Thọ, tưởng, hành, thức tức Không" tức là "tướng thọ, tưởng, hành, thức cũng tức Không". Nói chung là tướng năm uẩn đều Không.

Nhưng vì sao nó Không? Đó mới là chỗ quan trọng. Vì nó đều không có tự tánh, không có tự thể riêng của nó mà nó do nhiều thứ chung hợp lại. Cho nên nó Không là vậy. Không mà không phá hoại nó. Tuy tướng năm uẩn hiện có đây, mọi người ngồi đây đàng hoàng là có đủ tướng năm uẩn này hết, mà ở đây nói "Không" là do bằng con mắt Bát-nhã, mình quán cho thấu tột thì bản chất của nó đều không có tự tánh, không có tự thể riêng của nó, nó chỉ là nhân duyên hòa hợp vậy thôi. Tuy có tướng hiện ra nhưng bản chất của nó vẫn là rỗng không, không có tự thể. Thì rõ ràng là "tướng Không" chứ còn gì nữa!

Rồi nhân nơi "tướng Không" của năm uẩn nhìn rộng ra các pháp, thì tuy các pháp có hiện tướng thấy biết rõ ràng đó, nhưng bản chất của nó cũng là duyên hợp không tự tánh. Vì duyên hợp không tự tánh cho nên cũng đều là "tướng rỗng không". Hiểu được nghĩa "duyên khởi không tánh" thì thấu được chỗ này rõ ràng. Tức ngay-nơi-tướng-mà-thấy-suốt-qua tướng đều vô ngại thì như vậy không phải tướng Không là gì! "Tướng" không có che mờ, nó không làm ngăn ngại mình. Vậy thì nghĩa đó rõ ràng có gì phải nghi ngờ!

Như vậy, muốn thấy được "tướng Không" của các pháp thì cũng phải thấu suốt được nghĩa "tánh không" của Bát-nhã, phải thực sự thực hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì mới thấy tột được. Do thấy tột được nó vốn là rỗng không, không có tự tánh, cho nên tuy nó hiện tướng rõ ràng trước mắt nhưng mà không có gì chướng ngại hết, thì rõ ràng "tướng tướng đều là Không", đều là rỗng suốt vô ngại. Đó là chỗ người thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa phải thấy thấu!

Thấy "Không" mà không phá hoại tướng. Không phải phá hoại cái bàn mà còn nguyên đó vẫn thấy là Không. Mà nếu nó đả là rỗng không, không có tự tánh rồi thì lấy cái gì để có sanh diệt, có nhơ sạch, có thêm bớt? Nên ở đây nói: "Tướng Không của các pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt", rõ ràng vậy thôi!

Cho nên ở đây chúng ta đừng mắc kẹt trên chữ "tướng", rồi tách riêng nó ra mà bàn thành chướng ngại. Tinh thần Bát-nhã trong đây nói rõ là ngay sắc tức Không, không phải phá hoại sắc mà thành Không. Như vậy thì ngay nơi tướng tức là Không chứ không phá hoại nơi tướng, thì có cái gì đâu để mà không thông! Bởi vậy, trong kinh Kim Cang, Phật có dạy: "Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai" - "Nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng, thì liền thấy Như Lai". Ngay nơi tướng mà thấy chẳng phải tướng, thấy thấu qua tướng, không bị tướng làm che ngại thì liền thấy Như Lai, chứ không phải là phá hoại tướng.

Rốt lại, chữ "Không" ở đây mỗi người phải hiểu rõ: không phải là "cái không" đối với "cái có". Đó là chỗ mà người học Bát-nhã cần phải hiểu cho kỹ, chớ có lầm lộn. Nếu chỗ này mà hiểu được, thông rồi thì những đoạn sau dễ thông hiểu.

Cần chú ý, trong Bát-nhã có ba thứ Bát-nhã: Văn tự Bát-nhã, Quán chiếu Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã. Văn tụ là nương theo kinh điển để học. Nhờ có kinh điển, có chữ nghĩa để mình học thì mình mới biết được, nhưng cái đó chỉ là văn tự Bát-nhã thôi! Tiến lên bước nữa, phải quán chiếu Bát-nhã, tức là phải thực hành, đem nó ra quán chiếu. Quán chiếu cho quen cho thuần thục, rồi thâm nhập nó thì Bát-nhã mới hiện tiền, gọi là thật tướng Bát-nhã. Chính cái thấy thật tướng Bát-nhã đó mới giúp cho mình qua hết thảy khổ ách.


CHÁNH VĂN:

Cho nên ở trong "Không", không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh. Cho đến không có già chết cũng không có hết già chết, không có khổ tập diệt đạo, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.

GIẢNG GIẢI: 

Đoạn này có bản có thêm một câu: "không có trí tuệ, không có chứng đắc, cũng không cái không chứng đắc".

Ở trên, nhân rõ cái tướng "Không" của các pháp, nó là chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt; bởi vì tuy rằng nó có hiện tướng nhưng nó không có cái thực thể của nó để có thể nắm bắt được. Như vậy, trong cái chỗ "rỗng không" đó, nó không thực có sắc thọ tưởng hành thức, tức là không thực có năm uẩn. Vậy thì có phá bỏ thân tâm năm uẩn này chăng? Nếu phá bỏ thì chắc mọi người đã không còn ngồi ở đây!

Nên nhớ! Đây là nhìn bằng trí tuệ Bát-nhã, chứ không phải nhìn bằng con mắt này. Con mắt này thấy "không" là phá hoại nó, còn trí tuệ Bát-nhã nhìn là không có phá hoại nó mà là thấu suốt bản chất của nó. Như vậy thì nó có mà không thực có cái tự thể của nó hay là không có bản chất thật của nó, cho nên nói nó là Không, chứ không phải là phá bỏ nó. Hiểu vậy thì tuy nó có mà mình không có chấp vào nó. Có, mà không chấp vào nó thì đâu có khổ. Chỉ có chấp mới khổ!

Rồi "không cả mắt tai mũi lưỡi thân ý", tức là không cả sáu căn. Chúng ta hiện có sáu căn rõ ràng đây mà trong kinh nói "Không" là sao? Mỗi người lấy tay rờ lên mặt xem, quý vị có mắt tai không? Vậy mà trong kinh nói "Không" là sao? Mỗi người có mắt tai mũi lưỡi rõ ràng đây mà kinh nói "Không", thì rõ ràng cái "Không" này, không phải là cái "không" đối với cái "có". Mà chính là ngay cái "có" mà tức là "Không". Nói "Không" là không có bản chất thật của nó chứ không phải phá hoại nó thành không! Cho nên nếu đem cái tình phân biệt có-không để hiểu thì không thể hiểu nổi, không thể hiểu đúng được mà phải dùng trí tuệ. Dùng trí tuệ Bát-nhã để soi thấy nó "Không". Nó có hiện tướng nhưng nó không có bản chất thật. Giống như hình ảnh trong ti-vi, người nhìn thấy có tướng đàng hoàng, thấy có đánh nhau, thấy khóc cười đủ hết, nhưng bản chất của nó thì "Không". Đó chỉ là bóng thôi. Đây cũng vậy, vì chúng sanh mê nên nhìn theo tình mê mà thấy có. Còn chư Phật, chư Bồ-tát nhìn bằng trí tuệ thì thấy rỏ bản chất của nó là "Không".

Trong nhà thiền có câu chuyện:

Ngài Động Sơn - Lương Giới là vị Tổ của tông Tào Động, lúc còn nhỏ mới tu thì ở chùa với ông thầy. Ông thầy bảo đem bài Tâm Kinh Bát Nhã này ra tụng. Khi Sư tụng tới chỗ này, "không mắt tai mũi lưỡi thân ý" thì Sư lấy làm lạ! Sư mới lấy tay sờ lên mặt rồi hỏi ông thầy: "Con có mắt tai mũi lưỡi rõ ràng mà sao trong kinh nói không?". Ông thầy không trả lời được. Rõ ràng có mắt tai mũi lưỡi đây, tại sao trong kinh nói không? Ông thầy mới bảo: "Ông có duyên với Thiền tông. Thôi ông hãy đến gặp các vị Thiền sư trong Thiền tông ấy mà hỏi." Sau đó, Sư đi tìm đến các vị Thiền sư hỏi. Đến khi Sư ngộ đạo rồi, mới sáng được cái ý đó.

Cho thấy, nếu đem cái tình phàm phu phân biệt thông thường ở thế gian mà hiểu thì rõ ràng không thể hiểu nổi. Phải thấy bằng trí tuệ chứ không phải hiểu ở trên chữ nghĩa. Dùng trí tuệ, thấu rõ cái thực chất của nó là "Không", không thực. Nó có nhưng mà nó không thực có cái bản chất thực của nó, cho nên nói "Không", chứ không phải phá hoại nó thành không.

Rồi "không sắc thanh hương vị xúc pháp", tức là không cả sáu trần. Hiện tại chúng ta thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi thì sao? Là có hay không? Rõ ràng chỗ này là phải quán bằng trí tuệ để thấy cái thực thể của nó là "Không" mà không có bám chấp vào nó, chứ không phải là phá hoại nó. Dùng trí tuệ để nhìn thấy nó không có thực cho nên chúng ta không có chấp vào nó, thì hết khổ, không có khổ. Còn thấy thực, bám chấp vào nó thì nó hoại là thấy khổ liền, hoặc là thấy nó thực có, rồi người kia thấy khác với cái thấy của mình thì cãi nhau thành khổ. Như vậy thì sáu trần là Không, bởi vì sáu trần là đối với sáu căn mà nó hiện, có căn thì mới thấy trần, nếu không có sáu căn thì sáu trần hiện ở đâu? Sở dĩ có sắc hiện là có mắt, tức là có nhãn căn, là do đối đãi với nhau mà hiện, nếu cái kia không thì cái này cũng không, rõ ràng là nó không có bản chất thực của nó. Do đó dùng trí tuệ quán chiếu thì rõ ràng, khi nó hiện có mà bản thể của nó là rỗng không, không có thực.

Rồi "không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới", tức là không có mười tám giới. Mười tám giới tức là mắt là căn đối với sắc trần, rồi sanh cái thức phân biệt gọi là nhãn thức; rồi tai đối với thanh sanh cái thức phân biệt gọi là nhĩ thức; rồi tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức... thành ra mười tám giới. Mười tám giới này cũng là pháp nhân duyên sanh: Nhân có căn rồi có trần, hòa hợp thành có thức sanh, nó không có thực thể của nó. Cho nên nó là rỗng không. KHÔNG là như vậy đó, không có cái bản chất thực. Quán thấu như vậy thì mình không có chấp vào nó, mà không chấp vào nó tức là không có khổ.

Rồi "không có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết cũng không có hết già chết", tức là không thực có mười hai nhân duyên theo chiều sanh khởi và chiều hoàn diệt. Mười hai nhân duyên là cái vòng sanh tử luân hồi của chúng sanh. Chúng sanh mà sanh tử luân hồi là ở mười hai nhân duyên này đây: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Đó là chiều sanh diệt của chúng sinh sanh tử luân hồi, rồi ngược lại cái chiều đó gọi là giải thoát. Nhưng ở đây Tâm Kinh Bát Nhã nói cũng Không luôn, không có vô minh cho đến không có vô minh diệt, như vậy là có phá hoại pháp mười hai nhân duyên không? Người học không hiểu kỹ thì học tới đây thấy lạ, có khi phê bình kinh rồi phá luôn mười hai nhân duyên là lầm! Đây phải dùng trí tuệ quán chiếu, để thấy rằng mười hai nhân duyên cũng không có cái tự tánh thật.

Vô minh là gì? Vô minh là không sáng suốt, là bất giác, là mê, tức là quên cái chân thật rồi đi duyên với cái hành, khởi vọng động, có tạo tác, nhận theo cái vọng động tạo tác đó mà thành luân chuyển. Do có hành mới duyên với thức, thức là những cái nhận biết duyên theo nghiệp vọng động đó dẫn đi thọ ánh. Rồi thức duyên với danh sắc. Danh là cái tên, sắc là sắc chất, tức là khi mới thọ sanh thì chỉ có danh và sắc thôi, chứ chưa có cái thân này (danh là phần tinh thần, sắc là phần vật chất), hai cái kết hợp nhau thì đó là cái mầm của thân tâm. Rồi danh sắc mới duyên lục nhập, là dần dần có sáu căn đầy đủ, làm chỗ để sáu trần đi vào. Lục nhập lại duyên với xúc, là nó tiếp xúc với bên ngoài dẫn vào sanh tử càng sâu hơn nữa. Rồi xúc duyên với thọ, là thâu nhận, lãnh nạp; bởi có xúc chạm với bên ngoài thì mới có thâu nhận. Rồi thọ duyên với ái, là tham luyến, là dính cứng. Rồi ái duyên với thủ, do ái tham luyến quá thì chấp lấy, không chịu buông, giữ chặt lại. Rồi thủ duyên với hữu, là có sự hiện hữu tồn tại để dẫn đến đời sau. Hữu lại duyên với sanh là có sự tiếp nối để sanh ở đời sau. Rồi sanh duyên với lão tử, là có già có chết, rồi có ưu bi khổ não theo đó kéo dài trong luân hồi khổ đau. Đó là một dòng sanh tử luân hồi, gọi là mười hai nhân duyên theo chiều sanh khởi.

Rồi muốn tu hành giải thoát thì phải sao? Là phải đi ngược chiều trở lại. Muốn không có già chết thì sao? Thì phải dứt sanh, không có sanh thì đâu có già chết. Muốn không có già chết thì đừng có sanh, còn đã sanh rồi thì bảo đảm phải có già chết. Cho nên quý vị đã chấp nhận có sanh rồi mà không muốn chết thì khổ. Nhưng muốn không có sanh thì phải sao? Thì phải dứt cái hữu, không có hữu thì đâu có sanh. Muốn không có hữu thì phải dứt cái thủ, không có thủ thì không có hữu. Muốn không có thủ thì phải dứt cái ái, không có ái thì không có thủ. Rồi muốn dứt cái ái thì phải dứt cái thọ. Muốn dứt cái thọ thì phải dứt cái xúc. Muốn dứt cái thọ thì phải dứt cái xúc. Muốn dứt cái xúc thì phải dứt lục nhập là sáu căn bên trong. Rồi muốn dứt lục nhập thì phải dứt danh sắc, không có danh sắc thì không có lục nhập. Muốn dứt danh sắc thì phải dứt cái thức. Muốn dứt hành thì phải dứt vô minh. Cho nên căn bản là phải dứt vô minh. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt... đó là dòng sanh tử luân hồi diệt, là giải thoát.

Nhưng trong đây, kinh lại nói: "không có vô minh cho đến không có vô minh diệt". Vậy là sao? Đó là chỗ người học phải dùng trí tuệ Bát-nhã để quán chiếu, thấy rõ nó "Không" là không như thế nào, chứ không phải "Không" là phá hoại nó. Nghĩa là vô minh cũng không có cái thực thể của nó, chỉ do mê mà thành vậy thôi, chứ tìm bản chất thực của nó thì không có. Nếu nó có bản chất thực thì mình hết tu, vì nếu có bản chất thì nó đâu hết được, còn cái này nó không có bản chất thực cho nên mình giác ngộ thì nó hết. Giống như quý vị ngủ mê thì nằm mơ, mộng thấy đủ thứ, thì cái mơ mộng đó không có thực nên tỉnh dậy là hết. Vô minh cũng vậy, không có bản chất thực. Trong đây, nó chỉ là duyên với nhau tạm có thôi, gọi là cái này có nên cái kia có, cũng là cái có trong pháp nhân duyên, chứ nó không có cái tánh thực của nó thì diệt cũng không có cái tánh thực để diệt. Sanh không có tánh thực để sanh thì diệt cũng không có tánh thực để diệt. Vậy chỉ là vọng sanh vọng diệt vậy thôi, ngay đó liền rỗng suốt tự tại. Cho nên nếu chấp thật có sanh tử, rồi thật có diệt sanh tử để thành Niết-bàn thì đó là tâm lấy bỏ kia-đây sẽ có ngại.

Dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu thì nó đều là "Không". "Không" tức là không có cái tự tánh thực của nó, thì ngay sanh tử tức ngộ vô sanh, trừ bỏ cái tâm lấy bỏ kia-đây. Do đó nói "Không", không phải là phá bỏ pháp mười hai nhân duyên. Nhớ kỹ! "Không" ở đây là phá cái chấp cho là thật có tự tánh của mười hai nhân duyên. Phá cái chấp đó, chứ không phải phải phá bỏ mười hai nhân duyên. Bởi vậy, nói "Không" đó không phải là không có gì hết. Cũng như ở trên nói là không sáu căn mà không phải là phá hoại sáu căn. Đó gọi là "không" mười hai nhân duyên theo chiều sanh khởi, cũng "không" mười hai nhân duyên theo chiều hoàn diệt.

Rồi "không khổ tập diệt đạo", là không cả Tứ đế. Đây cũng không phải phá hoại pháp Tứ đế, mà phá cái chấp thật có tự tánh của Tứ đế. Chấp thật có tự tánh của Tứ đế là mê, tức là "khổ".

"Khổ" có bốn khổ, tám khổ v.v..., là cái quả của thế gian mình đang phải chịu. Nếu bản chất của thế gian là thật vui thì người ta chắc không cần phải chúc mừng hạnh phúc gì nữa. Thường thường gặp nhau là chúc hạnh phúc, chúc vạn sự như ý, là sao? "Chúc", tức là nó không có được hoàn toàn như vậy nên chúc mừng cho được như vậy. Rõ ràng nói lên bản chất nó không có thực vui, bản chất nó là "Khổ". Tức là sanh, già, bệnh, chết "khổ"; rồi thương yêu mà xa lìa "khổ"; oán ghét mà gặp gỡ "khổ"; cầu mà không được như ý "khổ". Nói chung có năm ấm này là tập hợp các thư "Khổ". Đó là Phật phương tiện tùy theo chúng sanh mà nói ra, bởi vì chúng sanh thấy cái gì cũng thật, "Khổ" cũng thật luôn, nhưng trong nghĩa đệ nhất thì cái ta còn không có, vậy lấy ai để khổ? Cho nên, "Khổ" cũng không có cái tự ngã của nó để mà bám chấp, thành ra nói "Không" là vậy, để mình thấy bản chất thật của nó.

Rồi "Tập", là cái nhân để đưa đến quả khổ, tức là nó nhóm họp các nhân duyên phiền não như là tham ái, chấp ngã. Nó cũng là pháp nhân duyên, mà nhân duyên tức cũng không có cái tự tánh thật. Không có tự tánh thật thì cái gì gọi là "Tập"? Cái gì nhóm họp? Nó cũng là rỗng không thôi. Rốt lại, chỉ là do cái vô minh, tưởng chấp mà thành! Còn trong đệ nhất nghĩa thì nó cũng không thực có. Chính cái tưởng đó là cái "anh giặc", "anh giặc" gây khổ đó! Trừ cái "tưởng" là hết khổ.

Rồi "Diệt", là sự chấm dứt của nhân quả "Khổ" "Tập" ở thế gian, nhưng "Khổ" "Tập" đã không có thực tánh của nó rồi, vậy thì "Diệt" là diệt cái gì? Cho nên cũng không có tự tánh "Diệt".

Rồi "Đạo", là phương tiện tu hành để dứt "Tập" nhân của "Khổ" kia mà đưa đến cái "Diệt", nhưng trong đệ nhất nghĩa thì "Tập" cũng không có cái tự tánh thật, vậy thì phương tiện tu hành để mà dứt là dứt cái gì!

Do đó, xét theo con mắt của Bát-nhã, rốt ráo cũng không thật có cái tự tánh của khổ, tập, diệt, đạo, mà người không biết lại bám chấp vào đó thành ra có chướng ngại. Còn trừ được cái chấp vào đó thì thấy thông suốt, không có cái thấy lấy đây bỏ kia. Nói "Không" là như vậy.

Rồi "không trí cũng không đắc", chỗ này mới là khó hiểu! Không trí tuệ cũng không chứng đắc, tu mà không trí tuệ không chứng đắc gì hết vậy tu chi đây? Nhưng không tu thì sao? Không tu thì càng khổ! Chỗ đó mới là chỗ khó giải quyết, bởi vậy phải dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu cho thấu đáo.

Bồ-tát dùng Trí tuệ Bát-nhã gọi là TRí tuệ vượt đến bờ kia để được đạo quả giác ngộ, nhưng đó cũng là phương tiện thôi; còn trong đệ nhất nghĩa thì không thật có thực tánh trí tuệ ở ngoài cái si mê mà có cái trí tuệ riêng. Rồi cũng không có cái quả để mình thủ đắc riêng, cho nên không trí không đắc là vậy. Như vậy là trừ luôn cái chấp có thêm trí tuệ, để mình chứng đắc đạo quả riêng. Vậy là ở trong cái "Không" của đệ nhất nghĩa là không tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, vì đều không có thật tánh của nó, nó đều là pháp nhân duyên hết. Là nhân duyên mà người mê không biết lại chấp làm thật có nên thành ra bị lưu chuyển. Do chấp làm thật có bị lưu chuyển, rồi có người chán lưu chuyển thì cầu Niết-bàn, cũng là vọng luôn. Lưu chuyển là vọng, chán nó để cầu Niết-bàn cũng là vọng, thành ra vẫn nằm trong cái tâm sanh diệt lấy bỏ kia-đây thì không phải là nghĩa chân thật rốt ráo. Ở đây dùng trí tuệ Bát-nhã quán cho thấu đáo cái nghĩa "Không" để trừ sạch tình chấp mê lầm, thì tự tại giải thoát. Cho nên, "Không" là không có cái tự tánh thật để mình chấp chứ không phải là phá hoại các pháp thành không. Như cái bàn đây, không phải là phá hoại để nó thành không, cái bàn vẫn có như thường nhưng mình sáng suốt thấy rõ bản chất nó không thật, không chấp vào nó, đến khi nó mất nó hoại thì khổ. Hoặc là mình thấy thế này, người kia thấy thế khác, rồi cãi nhau thành khổ, còn thấy rõ lẽ thật của nó là "Không" thì hết chấp, hết khổ. Cho nên tu hành phải có trí tuệ là như vậy. Đó là đoạn nói về "không trí không đắc", còn trong bản đầy đủ thì thêm "không luôn cả cái đắc", cái không đắc cũng không chấp vào nó luôn.


CHÁNH VĂN:

Vì không có chỗ được nên Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết-bàn.

GIẢNG GIẢI:

Vì Bồ-tát không thấy thật có một pháp để được, mà không có chỗ được thì có gì để mình mê, để mình chướng ngại, để mà ngăn che! Gọi là "vì không có chỗ được nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại", không có gì ngăn ngại được. Mọi người thấy có ngại, là vì thấy thật có pháp đối trước mình nên có ngại, mà đã thật có pháp thì làm sao vượt qua nó đây! Còn thấy không thật thì có gì đâu mà ngại, nên liền vượt qua hết chướng ngại. Lẽ thật nó là như vậy.

Đây là, ngay tất cả pháp mà thấy suốt qua tất cả pháp, không có cái gì thật để làm đối tượng cho mình chấp, nên thấy thành tự tại vô ngại. Bởi vậy trong nhà thiền có câu chuyện:

Có vị tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Con chó có Phật tánh chăng? 

Thiền sư Duy Khoan đáp:

- Có.

Vị tăng hỏi tiếp:

- Hòa thượng có chăng?

Ngài đáp:

- Ta thì không.

Ông tăng sinh nghi liền hỏi:

- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng Hòa thượng lại không có?

Thiền sư đáp:

- Bởi vì ta chẳng phải là chúng sanh.

- Đã chẳng phải chúng sanh, thì là Phật chăng?

- Cũng chẳng phải Phật.

- Vậy thì cứu cánh là vật gì?

- Cũng chẳng phải vật.

Ông tăng lại hỏi:

- Vậy có thể thấy, có thể nghĩ bàn chăng?

Sư đáp:

- Nghĩ đó chẳng đến, bàn đó chẳng được, cho nên nói là không thể nghĩ bàn.

Bởi vì người thấy là có, là không, hoặc là chúng sanh hoặc là Phật, hoặc là một vật gì đó nên có thể nghĩ bàn được, mà còn có thể nghĩ bàn được thì còn chướng ngại. Thiền sư thì thấy vượt qua hết tất cả không có gì nghĩ bàn đến, vậy còn gì để chướng ngại, là giải thoát tự tại thôi! Học Bát-nhã là phải học thấu qua như vậy. Nói "Không" mà không phải phá bỏ hết tất cả vật, mà để chỉ ra chỗ thấy của các Ngài vượt qua tất cả.

Cho nên ở đây nói là "Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì tâm không ngăn ngại", bởi vì Bồ-tát sống trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa, sống trong trí tuệ, lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa đó là làm sự sống, do đó luôn luôn không rời Bát-nhã, còn nếu tách rời Bát-nhã liền đi vào ngăn ngại, là chướng ngại. Bởi Bát-nhã là không thấy có một pháp thật, thì đâu có gì ngại. Đã không có gì ngăn ngại thì đâu còn gì để sợ hãi, đâu còn cái ta trong đó để mà sợ!

Tiếp theo, "Xa hẳn điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết-bàn", không còn ngăn ngại, không còn sợ hãi thì xa lìa luôn tất cả những điên đảo mộng tưởng, không còn lầm trong điên đảo mộng tưởng nữa. Vì tất cả đều thấy đúng như thật rồi, thấy đúng như thật theo trí tuệ Bát-nhã thì làm sao có điên đảo mộng tưởng! Chúng ta vì thấy sai, thấy không đúng theo Bát-nhã nên mới có điên đảo mộng tưởng nên mới có ngại, có ngại nên mới có khổ, có sợ hãi. Chúng sanh vì lầm mê ở trong cái điên đảo mộng tưởng, thành ra cái không phải thật mà tưởng là thật, cái không phải được mà tưởng là được, nên phải luôn luôn chịu sự biến chuyển luân hồi khổ đau. Cũng như cái thân của mình đây, không phải thật Ta mà tưởng thật Ta thành ra có khổ, còn nếu thấy đúng như thật thì đâu có khổ. Ví dụ thấy đúng như thật nó là không phải thật Ta, nó có tạm mà thôi thì khi nó biến mất liền buông, không có bám chấp vào nó thì đâu có khổ.

Tu là vậy đó, là giác ngộ. Bồ-tát sống trong Bát-nhã nên vượt qua tất cả những thứ hư vọng điên đảo mộng tưởng mà đạt đến cứu cánh Niết-bàn không còn bị lưu chuyển trong sanh tử lầm mê nữa.

Như vậy đến đây, quý vị thấy có gì mâu thuẫn, có gì nghi không? Ở trước nói "Không", cái gì cũng không hết; năm uẩn không; không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không vô minh cho đến không hết vô minh; không già chết cho đến không hết già chết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí tuệ cũng không chứng đắc; nói chung là "không" cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Nhưng đến đây thì "được", được đến cứu cánh Niết-bàn! Như vậy là sao?


CHÁNH VĂN:

Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG GIẢI:

Tới đây, chư Phật cũng được luôn! Tuy nhiên, muốn được như thế thì sao? Thì phải qua hết tất cả những cái "Không" ở trước đó, mới tới cái "được" này, còn chưa qua mà nói được là nói hơi sớm. Cho thấy rằng, Bát-nhã rất là trọng yếu, thành Phật cũng từ trong Bát-nhã này mà ra. Chư Phật ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ở trước, không trí cũng không đắc, tới đây là được rồi! Nhưng mà "được" thế nào? Được mà không được, được mà không thấy có được. Bởi vì đã qua hết cái "Không" kia rồi, chứ còn chưa qua cái "Không" kia mà thấy được là nguy hiểm. Quý vị phải hiểu cho đúng đắn vậy đó! Trước là không tất cả, nhưng đến đây là được tất cả.

Như vậy thì Bát-nhã có chấp "Không" chăng? Nhiều người không hiểu rõ, nói học Bát-nhã là chấp không. Sự thực, nếu chấp "Không" là còn mê, còn chấp, sao gọi là Bát-nhã? Sạch hết tất cả chấp, mới là Bát-nhã! Cho nên, học Bát-nhã là phải học cho thấu đáo, chứ không để lầm ở trên chữ nghĩa. Bát-nhã là phá chấp, tức phá những thứ tình chấp sai lầm, những thứ tình chấp mê muội. Khi đã sạch hết những tình chấp, không còn gì để chấp nữa thì phá cái gì đây? Còn chấp mới còn phá, hết chấp rồi thì phá cái gì nữa, tức giải thoát thôi!

Đây nhắc lại câu chuyện ở trong nhà thiền:

Có vị tăng đến hỏi Thiền sư Tào Sơn - Bổn Tịch:

- Thế nào là cây kiếm không có mũi?

Ông tăng này hỏi cũng là đặc biệt, cây kiếm mà không có mũi. Vậy là cây kiếm gì?

Thiền sư Tào Sơn - Bổn Tịch đáp:

- Chẳng do rèn luyện mà thành.

Ông tăng hỏi thêm:

- Vậy thì cái dụng của nó như thế nào?

Thiền sư đáp:

- Người gặp đều chết hết.

Ông tăng hỏi thêm:

- Vậy người chẳng gặp thì sao?

Thiền sư đáp:

- Cũng phải rơi đầu!

Gặp cũng chết, không gặp cũng rơi đầu, vậy quý vị có nghi không? Cho nên ông tăng sinh nghi liền hỏi:

- Người gặp đều chết thì lẽ dĩ nhiên rồi, còn người chẳng gặp vì sao lại rơi đầu?

Thiền sư đáp:

- Ông không nghe nói là: Nó hay sạch hết tất cả sao?

Ông tăng hỏi thêm:

- Vậy sau khi nó sạch hết rồi thì thế nào?

Thiền sư trả lời:

- Thì mới biết có cây kiếm này. 

Vậy quý vị biết cây kiếm này là cây kiếm gì chưa? Chính là kiếm Bát-nhã đó! Bởi vì, nó không phải là kiếm bình thường, có mũi có cán, nó là kiếm vô kiếm, nên không phải do tạo tác, do rèn luyện mà thành, nó là sẵn nơi chính mình. Tuy không do làm thành nhưng nó lại hay chém sạch tất cả mọi cái tình chấp, "có" cũng chém mà "không" cũng chém, "người gặp" cũng chết mà "người không gặp" cũng chết luôn. Tức là nó chém sạch hết, không cho cái gì bám được. Mà khi sạch hết, không còn tình chấp gì nữa thì "mới biết có cây kiếm này", mới rõ ràng Bát-nhã hiện tiền, tức là Thật tướng Bát-nhã.

Vậy muốn thấy Thật tướng Bát-nhã là phải sạch hết những cái tình chấp, nên Tâm Kinh nói KHÔNG tất cả là vậy đó! Nhưng khi KHÔNG tất cả rồi, thì đó là Bát-nhã, chứ không phải không hết rồi là không còn gì hết. Bởi vậy, người học Bát-nhã không phải sợ "Không", mà chỉ sợ là không được "Không" thôi. Cái gì cũng chấp, cũng có hết thì không thấy Bát-nhã được. Còn không chấp gì hết, cái gì cũng sạch hết, được cái "Không" đó rồi thì Bát-nhã hiện tiền. Nếu được như vậy thì bảo đảm quý vị sẽ gặp Bồ-tát Quán Tự Tại dễ dàng!


CHÁNH VĂN:

Nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chân thật không dối.

GIẢNG GIẢI:

Tức là năng lực của Bát-nhã rất là lớn lao không thể nghĩ bàn, như là một bài chú có thần lực to lớn (đại thần chú), là bài chú sáng suốt rộng lớn (đại minh chú), là bài chú không có gì trên được (vô thượng chú), là bài chú không có gì ngang bằng nữa (vô đẳng đẳng chú). Tức là vượt ngoài mọi sự so lường, suy nghĩ của phàm tình. Đó là bài chú siêu xuất, phàm tình thế gian không thể nghĩ bàn!

Vì vậy, ứng dụng mà sống được với Bát-nhã Ba-la-mật-đa này là "hay trừ được hết thảy khổ", bảo đảm là "chân thật không hư dối". Bởi vì, sống trong Bát-nhã thì không thấy có một pháp thật, từ năm ấm đều KHÔNG, rồi KHÔNG có tự ngã, cho đến rộng ra tất cả pháp cũng đều KHÔNG. Pháp thế gian, pháp xuất thế gian cũng đều KHÔNG, không thật có tự thể.

Sở dĩ người ta có khổ là vì thấy thật có: thật có ta, thật có người, thật có pháp xung quanh mình nên mới thành có va chạm với nhau, mới thành có phiền não khổ đau với nhau. Còn không thật có cái gì cả thì có gì để khổ? Cho nên đây thấy thấu suốt qua hết, đều không có tánh thật, thì tự tại vô ngại, hết khổ đau. Và chính đây là chỗ chân thật không hư dối, không có gì phá hoại được nó, thấy tất cả đều không thật hết thì còn có gì phá hoại được nó, là nó vượt qua tất cả. Học Bát-nhã là phải học thấy đến như vậy đó, thì mới thấy nó nhiệm mầu. Bát-nhã này là nằm ngoài những chữ nghĩa phân biệt.

Thiền sư Duy Nghiễm - Dược Sơn ở với Mã Tổ được một thời gian. Một hôm, Mã Tổ hỏi:

- Gần đây chỗ thấy của ngươi như thế nào trình cho ta xem?

Thiền sư Duy Nghiễm thưa:

- Da mỏng da dầy đều rớt sạch hết, chỉ có một chân thật.

Mã Tổ liền ấn chứng.

Chúng ta tu hành phải đến chỗ đó tức là đến chỗ "da mỏng da dày đều rớt sạch hết, chỉ có một chân thật". Da mỏng da dày là sao? Là mọi cái tình chấp mỏng-dày đều sạch hết, không còn gì để chấp nữa, chỉ còn một chân thật. Vậy đâu còn gì phá hoại được nó, cho nên rốt ráo không phải là hết không còn gì. Đúng như ở đây, khi mà sạch hết rồi thì mới biết có cây kiếm này.

Như vậy, đừng nghe nói "không tất cả" rồi sợ "không", không còn gì hết, mà cần phải được "không" thì mới được tất cả. Bởi vì vàng thật thì đâu có sợ lửa, quý vị mà sống chân thật được rồi thì ai nói "không" gì thì "không", quý vị đâu có dính dáng gì! Còn quý vị sợ "không" là quý vị còn chấp "có", còn chấp "có" nên mới sợ "không". Bởi vậy, được "không" rồi thì vượt qua hết mọi sợ hãi, vô ngại, tự tại. Tóm lại, còn sợ là còn chấp. Bởi vì chấp nên mới sợ, sợ bị phá, còn hết chấp rồi thì sợ phá gì nữa!


CHÁNH VĂN:

Vì vậy nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa liền nói chú rằng: "Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha". 

GIẢNG GIẢI:  

Chỗ này có người thắc mắc: "Ở trên đã nói "Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú", vậy sao đến đây còn nói chú chi nữa?". Thật ra không có gì để thắc mắc, bởi vì nói "đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú" thì người ta cũng còn chỗ suy nghĩ được, còn chỗ phân biệt để đo lường. Cho nên đến đây nói bài chú này ra là dứt sạch hết mọi suy nghĩ phân biệt. "Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế" rồi là quý vị khỏi nghĩ ngợi gì được hết thì mới vào được Bát-nhã. Người học nên nhớ! Không còn nghĩ ngợi gì được hết thì mới vào được Bát-nhã, còn có nghĩ ngợi là còn thuộc về tình thức thì không phải chân Bát-nhã. Chân Bát-nhã là bặt hết mọi suy nghĩ phân biệt đo lường theo cái đối đãi hai bên.

Tuy nhiên, bài chú này cũng có người cố dịch ra như là "Vượt qua, vượt qua... ", nhưng ở đây chúng ta không cần phải dịch, chính đó cũng là ý nghĩa vượt qua tất cả không còn cho nghĩ ngợi gì nữa, không còn để tạp niệm xen vào, thì mới vào được Bát-nhã. Học Bát-nhã như vậy thì khi tụng kinh Bát Nhã mới thấy có lý thú, còn cứ tụng suông suông hoài, thì chỉ thấy chữ nghĩa khô khan thôi!

Đó là nói qua về bài Tâm Kinh Bát Nhã mà chúng ta tụng hằng ngày, đây thuộc bản dịch phổ thông. Trong bản dịch đầy đủ thì có thêm đoạn sau nữa. Tức là đến đây thì:

"Bồ-tát Quán Tự Tại mới nói: "Như thế, Xá-lợi-phất! Các vị đại Bồ-tát đối với hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa phải nên thực hành như vậy". Nói như thế xong, liền đó Đức Thế Tôn từ chánh định Quảng Đại Thậm Thâm khởi dậy khen ngợi đại Bồ-tát Quán Tự Tại: "Lành thay! Lành thay! Thiện nam! Đúng thế! Đúng Thế! Đúng như lời ông nói, hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa phải nên thực hành như vậy. Khi thực hành như vậy thì tất cả Như Lai thảy đều tùy hỷ". Đức Thế Tôn nói lời này xong thì Cụ thọ Xá-lợi-phất rất mực vui mừng, đại Bồ-tát Quán Tự Tại cũng rất vui mừng. Lúc này chúng hội Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà v.v... nghe lời Phật dạy thảy đều rất vui mừng tin nhận vâng làm".

Đó là đầy đủ kết thúc của bài kinh. Như vậy Phật tán thán thực hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì phải đúng như vậy đó mà thực hành, thì chư Như Lai đều tùy hỷ. Tức làm được như vậy là hợp với ý Phật, còn mình tụng suông hằng ngày thì chưa hợp ý Phật, Phật chưa tùy hỷ.

Chúng ta học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thì phải học như vậy đó, chứ không phải học ở trên chữ nghĩa. Tức là phải học tới chỗ thấy suốt tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều "Không", không có thật. Không còn có gì có tự tánh thật hết thì không còn có gì có thể chướng ngại được nữa, thì vượt qua hết khổ đau. Học Bát-nhã là học tới vậy đó, được vậy mới cảm thần lực lớn lao của Bát-nhã Ba-la-mật-đa không thể nghĩ bàn. Đây là học vượt ra ngoài chữ nghĩa phân tích, học thấu đến bên kia những trò chơi chữ.

Tóm tắt lại, học Bát-nhã thì chỗ khó hiểu nhất trong đây, mà người ta thường bàn tới bàn lui là chỗ nào? Là chỗ "sắc tức không, không tức sắc", đó là chỗ khó hiểu mà bao nhiêu người bàn tới bàn lui hoài mà bàn không ra. Bởi vì sao? Vì cứ bàn trên chữ nghĩa, ở trên chữ nghĩa mà bàn hoài thì không bao giờ bàn ra nổi. Bởi vì chân Bát-nhã thì không nằm ở trên chữ nghĩa. Phải thấu qua được chỗ này, thì thông suốt được Tâm Kinh Bát Nhã không khó.

Đây dẫn câu chuyện, có ông tăng hỏi Thiền sư Trường Sa - Cảnh Sầm:

- Sắc tức là không, không tức là sắc, lý này thế nào?

Ngài Trường Sa - Cảnh Sầm không giải dài dòng mà đáp bằng bài kệ:

Ngại xứ phi tường bích,

Thông xứ vật hư không.

Nhược nhân như thị giải, 

Tâm sắc bổn lai đồng.

Dịch:

Chỗ ngại chẳng tường vách,

Chỗ thông đâu hư không.

Nếu người hiểu như thế,

Tâm sắc xưa nay đồng.

Chỗ ngại đó, không phải tường vách là ngại, chỗ thông không phải hư không là thông, ai hiểu được chỗ này thì hiểu được nghĩa sắc-không. Như vậy, chỗ ngại không phải là sắc, chỗ thông không phải hư không, mà chỗ ngại chỗ thông đó là chỗ nào? Hễ tâm mình ngại mới thành ngại, còn tâm mình thông thì nó thành thông, chứ không phải ở sắc mà nó ngại, nếu mà tâm mình thông rồi thì thấy sắc không ngại, mà không ngại thì sắc tức không chứ còn gì nữa! Ví dụ tâm người mà thông rồi thì thấy cái bàn có này có ngại không? Đâu còn chướng ngại nữa! Còn hư không là trống không, nhưng nếu tâm mình ngại rồi thì thấy hư không cũng thành có ngại. Bởi vậy, ngại không phải là ở sắc, thông không phải là ở hư không, mà chính ở ngay nơi tâm, phải quay lại sáng nơi tâm mình là chỗ trọng yếu! Chính đây là chủ yếu chỉ để vào Bát-nhã.

 

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71372
  • Online: 26