Cái tôi thời nay
07/04/2016 | Lượt xem: 5202
I. DẪN NHẬP
Hiện nay, quý vị trẻ thường thích thể hiện mình theo nhiều cách mà mọi người vẫn thường gọi chung chung là muốn khẳng định cái tôi. Quý vị thường học đòi theo kiểu muốn được tự do, thỏa mái và khẳng định mình. Như là khi làm xong một công việc hay đạt được một thành tích gì thì thường đưa lên trang mạng xã hội facebook cho mọi người biết, để khẳng định sự thành công, khẳng định cái tôi của mình.
Nhưng quan niệm sống thể hiện cái tôi của quý vị vẫn còn khá chung chung, mọi thứ vẫn còn mơ hồ, chưa có một phương hướng rõ ràng để biết thể hiện cái tôi như thế nào cho đúng nghĩa. Hễ nghe một điều gì đó được số đông người tung hô, nhắc đến nhiều thì mình học đòi, sống theo rồi cho đó là thể hiện cái tôi. Cứ thế mỗi ngày mọi người nêu ra một điều mới và cái tôi cũng theo đó mà bị thay đổi từng ngày theo mọi thứ bên ngoài. Cái tôi không còn chính là cái tôi đúng nghĩa của mỗi người nữa.
II. CÁI TÔI ẢO, THIẾU TRUNG THỰC
Nếp nhà xưa nay của mỗi gia đình thường là bố mẹ bảo gì thì con cái ngoan ngoãn vâng lời; thầy bảo trò nghe, anh kính em nhường… Nhưng hiện nay do muốn thể hiện cái tôi nên quý vị trẻ không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Khi được bảo một điều gì, nếu thấy hợp với sở thích của mình thì nghe theo. Trái với sở thích của mình thì dù có đúng cũng chống đối và lấy cái lý gọi là khẳng định mình ra để đối chọi lại, không vâng lời.
Người xưa nói, lúc còn nhỏ, con cái nương tựa bố mẹ thì bảo gì nghe đấy nên con thua bố mẹ. Lúc trưởng thành từ 18 – 25 tuổi, là độ tuổi đang phát triển mạnh, cái gì cũng hăng hái, nông nổi; ăn chưa no, nghĩ chưa tới, xây nhà trên cát trắng, khó ai bảo được lứa tuổi này nghe theo, do đó tạm thời cho con hơn bố mẹ. Từ sau 25 – 40 tuổi thì con bằng bố mẹ. Nhưng 45 tuổi về sau, con người bắt đầu trầm tĩnh, thấy ra nhiều điều còn sai sót nên cần nương vào kinh nghiệm người lớn. Vì thế bố mẹ phải dạy lại cho con.
Mới thấy, khi còn non trẻ, tâm tính nông nổi, tri thức chưa đủ đầy thì sở thích của mình có khi đúng, nhưng cũng sẽ có vô vàn những điều chưa đúng. Căn cứ theo sở thích của mình để khẳng định cái tôi có khi chỉ là căn cứ theo thói hư, tật xấu, những tồn tại còn dở tệ mà chúng ta chưa đủ can đảm để đối diện, vượt qua. Một cái tôi như thế không chỉ là một cái tôi thiếu trung thực, rỗng tuếch, không có gì của sự thành đạt mà còn nuôi dưỡng thói quen tồi tệ của mỗi người. Lời khen sai là giặc hại, người chê đúng là thầy mình. Với lời phê bình từ bên ngoài vẫn cần đến sự trung thực. Nữa là đối với chính mình, tại sao không biết đối diện để nhìn nhận một cách khách quan, trung thực nhất? Hôm nay còn bố mẹ che chở, có gia đình nuôi nấng, sức khỏe hãy còn thì cái tôi kia còn nhờ vào những điều kiện này mà được tồn tại. Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Do con cái quá can cường thì bố mẹ đành phải nhường bước cho nên cái tôi của mình tạm có chỗ đứng. Nhưng mai kia bước ra xã hội thì không dễ có người nhường mình, mọi thứ không còn thì cái tôi ấy sẽ dựa vào đâu để được còn nữa? Hiện mình chưa có gì, cuộc sống còn nương tựa vào người khác mà lập cái tôi thì không biết cái tôi ấy làm sao có thật? Tất cả chỉ là ảo tưởng! Một cái tôi chứa đầy dẫy những xấu xa, hư đốn, tồi tệ, rỗng tuếch như thế sẽ giết chết đời mình mai sau.
Chúng ta có quyền có đời sống tự lập, sống riêng theo cách của mình, nhưng phải thể hiện nó có căn bản và đúng lúc; không phải là lúc còn non trẻ chưa đủ chính chắn. Một con rắn nếu thả nó bò tự nhiên thì sẽ bò theo đường cong queo, nhưng nếu cho vào ống tre thì nó sẽ bò thẳng. Tâm tính con người chúng ta có nhiều quanh co, tà vạy, xấu dỡ. Nếu thuở bé không được uốn nắn cho ngay thẳng thì mai này sẽ trở thành những con người tàn ác, hư đốn, phá hoại chính mình và xã hội. Lúc còn non trẻ, chúng ta nên lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để rèn luyện mình. Khi trưởng thành, tri thức và phẩm chất đạo đức đầy đủ, năng lực lớn mạnh rồi, không còn một điều gì trong đời này làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, chướng ngại không vượt qua được. Lúc này mới đủ tư cách để quyết định đời mình, biết nên làm gì là phải. Khi thực sự trưởng thành, đứng đắn, đối diện với muôn vàn sai biệt ngoài xã hội, chúng ta vẫn cảm thấy bình thường vượt qua một cách dễ dàng. Huống nữa với bố mẹ anh chị em trong nhà thì có gì mà chúng ta phải cảm thấy khó chịu? Nếu xét thấy còn tâm trạng này thì biết mình chưa thực sự trưởng thành. Với những người thân trong gia đình mà mình không thương được thì không có một tình thương nào dành cho người bên ngoài là chân thật cả. Với người thân trong gia đình mình còn hờn dỗi, thù hận mà bảo là khẳng định mình thì đó chỉ là cái tôi của trẻ con muốn nuông chiều theo thói hư tật xấu cá nhân, là cái tôi ảo, tồi tệ chứ không phải là một cái tôi của trưởng thành, cao cả, quảng đại, ích người, lợi mình.
Chúng ta có thể nhận biết cái tôi ảo này qua vài trạng thái tâm lý điển hình:
1/ Hiện nay chúng ta thấy có không ít người thích đăng tải một điều gì đó lên mạng xã hội rồi muốn mọi người like càng nhiều càng tốt. Hằng ngày lên facebook để xem coi mình được bao nhiêu người kết bạn. Nếu số lượng like càng nhiều, bạn vào trang mình càng đông thì quý vị cảm thấy tự hào về điều này rồi lấy đó làm hãnh diện, lập thành tự ngã. Nhưng trên thực tế, có nhiều vị chia sẻ, các nút like ấy có khi quý vị chỉ bấm cho có, bấm cho người khác biết mình có like, có người thì bấm theo quán tính, vô tội vạ, không cần phải nghĩ gì cả... Và những người bạn trên kia họ chưa hề nghĩ đến là phải tìm hiểu, thông cảm hay tương đồng về quan điểm gì. Không ai biết ai cả mà cũng gọi là kết bạn. Chỉ là đếm số, kể tên, trông được thật nhiều để tự hào, hãnh diện về những con số ấy. Nếu chịu nhìn lại thực tế thì chúng ta sẽ thấy, bạn bè kiểu ấy, quan hệ thì nhiều, nhưng thử hỏi hợp tác được bao nhiêu người? Bởi có hiểu biết gì nhau đâu mà hợp tác! Chưa nói đến chuyện cao xa hơn là thông cảm, sẻ chia... Thế mà vẫn có không ít người say sưa đuổi hình, bắt bóng, ngóng trông, tìm lấy những con số vô hồn để lập nên một cái tôi rỗng tuếch, vô vị.
2/Có khi do trào lưu của thời đại, của số đông người nhắc đến nên chúng ta tin theo, học đòi theo và lấy đó làm cái tôi của mình. Nhưng trào lưu và số đông chưa hẳn đã đúng. Cũng như nước lên thì bèo bị đẩy lên theo. Như khi chúng ta đang chen chúc, bị lấn ép trong một đám đông hơn ngàn người. Lúc ấy không có ý muốn chen lấn đi theo hướng nào cả, chỉ bị biển người tự đẩy mình đi về một hướng rất ngẫu nhiên. Tất cả những hành động trên đều là thụ động, bị cuốn theo mãnh lực của số đông chứ hoàn toàn chưa có gì chủ động làm theo chính mình. Đi đường, hễ thấy một đám đông nhiều người đang đổ về một hướng thì cũng chạy theo coi chứ không hề biết đó là gì. Mới thấy, con người chúng ta dễ bị cuốn hút theo số đông bên ngoài một cách mất định hướng. Nếu chúng ta vội tin theo một vấn đề gì đó mà không qua sự tỉnh táo suy xét, nhận định đúng đắn của chính mình thì nó chỉ là một sự bị cuốn theo bên ngoài. Đây không thể là cái tôi chân thật của chính mình được. Hời hợt, tin vội thì cũng sẽ vội lãng quên. Chúng ta không vội tin một điều gì dù điều đó do tiền nhân để lại; do người nổi tiếng, có địa vị, có học thức hay một đấng giáo chủ nói ra; càng không nên tin một điều gì do nhiều người đồn đãi, nhắc đến, đua đòi theo. Chỉ nên tin được điều bằng chính tâm bình, khí hòa, trí sáng để suy xét cho tường tận, tư duy cho thấu đáo, thấy đúng chánh lý và có lợi ích thiết thực cho mình và mọi người. Như thế mới là cái nhìn nhận do chính mình, không do bất cứ một điều gì bên ngoài tác động, chi phối.
3/ Có khi do một hoàn cảnh đặc biệt nào đó khiến mình bị ức chế tư tưởng cho nên tự nó trào phúng, muốn thể hiện cái tôi bản ngã của mình theo chiều ngược lại. Như trò chơi bập bênh. Bên này lên thì bên kia xuống. Và vì hết xuống rồi lại bật ngược lên. Chỉ là một sự bập bênh không tự chủ chứ không phải là một trạng thái thăng bằng có tự chủ. Cũng thế, vì bị ức chế cho nên tôi phải hành động để thể hiện tôi. Đây là cái tôi do hoàn cảnh ức chế này mà có ra. Theo thời gian, mọi thứ nguội lạnh, quân bình trở lại rồi thì cái tôi sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Mới biết không phải là cái tôi đúng thật là mình muôn đời không thay đổi.
4/ Cũng có nhiều người do có điều kiện nên muốn thể hiện tự ngã. Như thế thì cái tự ngã này do những điều kiện thuận lợi kia mà có ra. Nếu do điều kiện mà có thì cũng sẽ vì điều kiện mà mất đi. Cụ thể khi mọi thuận lợi không còn thì cái tôi cũng không còn chỗ đứng. Nhưng có ai bảo đảm được rằng, sức khỏe, tiền tài, của cải, địa vị, quyền uy là còn hoài không thay đổi? Một cái tôi được hình thành dựa trên các điều kiện bên ngoài biến đổi mong manh như thế thì làm sao được tồn tại lâu bền, lấy gì làm chắc chắn để gọi là cái tôi chân thật được?
5/ Hoặc có nhiều vị thích thể hiện cá tính cho là cái tôi. Cá tính chỉ là một sự khác biệt, nhưng không phải sự khác biệt nào cũng đúng đắn. Có khi vì muốn thể hiện cá tính, muốn làm cho mọi thứ khác đi, không khéo đã làm cho vấn đề trở nên kỳ quặc. Hay lắm lúc cá tính không đúng nghĩa của nó mà chỉ là một sự lạ lẫm nhất thời cho vui mà thôi. Dù đúng hay sai, đa số cá tính con người chúng ta đều do cái khí trong mình nó thôi thúc, đẩy lên, không quân bình để tỉnh táo nhìn ra sự thật. Cái tôi này nó chỉ có ra khi chúng ta còn sung mãn. Đến lúc bệnh yếu, cái khí không còn, lòng mình chùn lại thì mới nhận ra, đây chỉ là một cái tôi rất trẻ con, ngây ngô, thô tháo, quê kệch, không dùng vào đâu được cả.
6/ Hoặc có nhiều vị thể hiện cái tôi vu vơ, hư ảo một cách thiếu trách nhiệm hay triệt phá lẫn nhau. Trên mạng xã hội hiện nay, khi thấy một số cá nhân có hiện tượng hay sự kiện gì nổi bật, liền bị các “anh hùng bàn phím” cũng vì muốn thể hiện cái tôi của mình nên lập tức bình luận, khen chê, ném đá... đa phần theo hướng tiêu cực. Nếu đối tượng năng lực không đủ, chính kiến không kiên định sẽ bị cuốn theo. Hệ quả là từ tích cực biến thành tiêu cực. Hoặc là nhiều vị hễ có chuyện buồn vui gì cũng đưa lên mạng, rồi cũng bị các “anh hùng bàn phím” này chen vào bàn luận một cách vô trách nhiệm về sự việc không phải là của mình, và chính họ cũng không biết bàn luận như thế để làm gì nữa. Tất cả những hiệu ứng này cho thấy sự hư ảo của cái tôi hiện nay. Đã có trường hợp không chịu nổi áp lực của dư luận và phải tự kết liễu cuộc sống. Tất cả đều do thiếu tinh tế và chính chắn, muốn thể hiện cái tôi theo cách triệt hạ lẫn nhau. Khi muốn thể hiện tức là muốn nhiều người khác biết về thành quả của mình, hoặc là hiểu và thông cảm mình. Nếu được khen thì vui thích; nhỡ bị chê thì khổ não, bực bội, chán nản. Như thế là chúng ta đang sống trên lời phê bình khen chê của người khác, đã đánh mất sự tự chủ của chính mình; tự đặt cuộc đời mình trên đầu lưỡi thiên hạ, bị bập bênh trên nhịp gõ của bàn phím thời đại và phải gánh chịu những hệ lụy từ một cái tôi rỗng tuếch, không đáng có. Là người biết cách rèn luyện năng lực, rèn luyện khả năng thích nghi tốt thì đâu cần người khác phải hiểu biết hay thông cảm mình? Như vậy thì làm gì có chuyện đưa những vui buồn lên mạng cho người khác thấy để xen vào phê bình được? Những lời khen chê đúng sai kia chỉ là những suy tưởng phù khiếm, nếu tự mình có đủ năng lực và giữ vững chính kiến thì những lời đánh giá vô tội vạ kia đâu có đáng để chúng ta phải quan tâm? Nhìn nhận và sống được như thế thì chúng ta mới hạn chế được các sai lầm, không bị những tai họa đáng tiếc.
Con người ta soi mình nơi dòng nước đứng chứ không ai soi mình nơi dòng nước chảy. Dòng nước lăn tăn thì bóng hình bị dợn cong theo gợn sóng, không thẳng. Chỉ có dòng nước phẳng mới soi bóng đúng với thực trạng của vạn vật chung quanh. Cũng thế, khi tâm ta lao xao, còn bị tác động bởi bất cứ một điều gì bên ngoài sẽ không phản ánh đúng sự thật. Khi tâm lóng lặng thì mới có cái nhìn khách quan, đúng với sự thật của mọi vấn đề. Tất cả hành động do những thứ bên ngoài chi phối rồi cuốn theo, không qua sự tư duy chính chắn của trí tuệ an định chân thật nơi chính mình thì chỉ tạo ra cái tôi hư ảo, giả tạo; dễ đưa đến cách sống sai lầm rồi tiếc nuối, ân hận, đau khổ về sau.
III. KHOE KHOANG, KHẲNG ĐỊNH MÌNH LÀ CHƯA ĐƯỢC TINH TẾ
Khi ngợi khen một người nào đó thì có nghĩa là đã ngầm chê bai một người khác. Đề cao mình là phô trương bản ngã, là đã có tâm hạ bệ mọi người trong xã hội rồi. Xưa kia trong những câu chuyện hàn huyên, khi nghe người khác nói về thành tích của mình nhiều quá thì trong lòng đã cảm thấy hổ thẹn, thô tháo. Huống nữa là tự mình khoe mình! Người xưa tinh tế là như thế. Thời nay thì sao?
Lúc mới lớn, lần đầu tiên đi với bạn bè bước vào quán cà-phê, chúng ta cảm thấy rụt rè, e dè, hổ thẹn, luống cuống, không tự nhiên. Bản chất ban đầu của mỗi con người bao giờ cũng tinh khôi và sáng trong là như vậy. Nhưng khi đã vào quán lâu ngày thành lờn rồi thì cảm thấy rất thường, thậm chí còn đua đòi đẳng cấp, tìm tòi những điều kỳ lạ mới thỏa mãn thị hiếu của mình. Mới biết, bụi trần gian đã làm chai lỳ con người ta oan uổng đến mức nào! Tương tự, buổi đầu tinh thần con người còn trong sáng, tinh tế, lịch sự như chiếc áo trắng không một nếp nhăn hay lấm chút xíu vẩy bùn. Đối với những thói hư tật xấu thô tệ, chúng ta không thể nói ra hay nghe qua tai được, nói gì đến phạm vào. Hoặc khi nghe ai đó khen mình thì cảm thấy hơi bị lố bịch, vô duyên. Nhưng theo ngày tháng, chúng ta tiếp xúc với những văn hóa đồi trụy, nhan nhản những thói hư tật xấu, có người đã dần bị thô kệch, bắt đầu ăn nói thiếu cân nhắc, tự phô trương mình, chê bai người khác, học đòi theo thói hư tật xấu của thú tính trong người. Lâu ngày trở nên chai lỳ, thô tháo; đánh mất sự trong sáng, lãng quên giá trị khiêm nhường, kín đáo, tinh tế, nghiêm chỉnh, có nhận thức, có tư cách tối thiểu của một con người tự lúc nào chẳng rõ.
Trong cuộc sống hiện nay, không cần quan sát, chúng ta cũng dễ nhận thấy nhiều điều thiếu tinh tế này. Sau một cuộc đua đã được phân định kẻ thắng người bại. Người chiến thắng bao giờ cũng rất vui, hô hào, thể hiện ăn mừng chiến thắng theo đủ kiểu, không cần biết bạn mình bị thất trận buồn đến mức nào. Chỉ biết có mình mà không hề biết đến cảm xúc của mọi người bên cạnh. Nếu được mời dự trong bàn tiệc mừng chiến thắng, chúng ta không tin được rằng người này thực sự quan tâm mình một cách vô điều kiện, trong khi người bên cạnh của họ khổ đau mà họ không hề hay biết. Nếu như một lần như thế, nhiều lần như thế; hoặc là một người như vậy, nhiều người khác cũng bắt chước như vậy; theo thời gian sẽ tạo ra một xã hội với nhiều người vô cảm, không còn biết quan tâm chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
Cuộc đua thì phải có người thua kẻ thắng. Không có người thua kẻ thắng thì không thể gọi là một cuộc đua. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta chỉ tạo nên thi đua khi cần khuyến khích sự phấn đấu của mỗi người. Sự khuyến khích chỉ có giá trị với người chưa sẵn sàng, còn thụ động. Với một người đã sẵn sàng, siêng năng, luôn phấn đấu mọi lúc mọi nơi thì không cần đến cuộc đua. Họ sẽ cùng với mọi người để đi đến một thành tựu, xây đời.
Làm một bài văn chỉ để được có điểm an toàn mà những ý tưởng trong đó không dùng được gì vào đời sống, xã hội thì đó là một bài văn chết ngay từ khi chúng ta đặt bút lên viết. Cuộc đời không cho chúng ta rảnh để tạo nên những cuộc thi đua một cách vô bổ như trò đùa trẻ con. Mà các cuộc đua đều mang ý nghĩa thể hiện sự trải nghiệm, cách hành xử trong cuộc sống. Phải có đủ nhận thức vượt ra ngoài cái khung thắng và bại bình thường của một cuộc đua thì chúng ta mới có được một sự trải nghiệm đột phá thành công trong cuộc sống. Thời nay người ta vẫn ra những bài toán mở. “Trên chiếc tàu biển có chở 45 con cừu. Tình cờ 5 con nhảy xuống biển. Hỏi anh thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Nếu tư duy theo một chiều, nhất thiết phải theo đề toán để giải là anh thuyền trưởng 40 tuổi thì sẽ bị sa bẫy, sai lầm. Phải có một trí tuệ đủ lớn dám nhìn thẳng vấn đề để nói đề toán bị sai thì mới nhận thức đúng về đề toán. Chính sự lạ kỳ của bài toán đã tạo nên tính đột biến cho người học, tạo nên một trí tuệ linh động, phát minh. Cũng thế, không phải bao giờ cũng cần phải có phân định thắng và thua thì cuộc sống mới thăng tiến được. Và không phải trong đời ai ai cũng nghĩ đến thắng và thua. Có khi chúng ta cũng nên tư duy, nên có tính đột biến vượt ngoài thắng và thua để nhận ra rằng, chiến thắng cao thượng là nâng đỡ người khác cùng chiến thắng thì cuộc sống sẽ trở nên hài hòa, sống động hơn nhiều.
Ham hố chiến thắng chỉ phù hợp với những người còn tính khí hiếu động, sôi động. Không có một chiến thắng nào dùng được mãi suốt đời. Dù có một đống tài sản khổng lồ cũng không xài được khi có chuyện buồn đau, bệnh hoạn, sắp chết. Nó không phải là cái quá lớn như mình nghĩ để rồi phải quan trọng đến mức quên cả tình người. Một chiến thắng mà quên cảm giác của người khác thì chưa phải là chiến thắng đích thực. Nếu lùi một chút để giúp mọi người cùng tốt, có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui trọn vẹn hơn. Chúng ta vẫn thường nghe các nhà văn nói, sức mạnh chân chính không phải là giẫm lên vai của người khác mà phải nâng đỡ người khác trên đôi vai mình. Giẫm đạp lên nhau để sống, có lẽ không phải là lối sống của người tinh tế, có nhận thức. Biết nâng đỡ người khác trong khả năng của mình, sẽ cảm nhận được niềm vui sâu sắc tự đáy lòng và từ nhiều người mang lại. Phần quan trọng nhất trên cơ thể con người là cái vai. Không phải chỉ để gánh vác mà còn là nơi để cho người khác tựa vào khi họ khóc. Một lúc nào đó tâm hồn thanh thản, an tịnh; tận trong sâu thẳm của lòng mình, mỗi người chúng ta sẽ tự nhận ra, chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng, dù có phải chậm lại một bước. Ý thức được như thế thì đâu có lòng tự đắc lập nên cái tôi cá nhân? Được vậy thì tính người sẽ được khai mở, người người hoan hỷ, lo gì mình không được vui? Chúng ta cần có những khoảng lặng nhất định trong tâm hồn mình thì mới cảm nhận được sự tinh tế và vĩ đại này.
IV.THỂ HIỆN CÁI TÔI LÀ MỘT CHƯỚNG NGẠI, TỰ CHẶN ĐỨNG BƯỚC TIẾN CỦA MÌNH
Một bông hoa chỉ đẹp khi vừa hé nở, các cánh hoa hãy còn khum khum úp sát vào nhau như vẫn ngập ngừng chưa muốn nở hết. Mọi việc sẽ có ý vị hơn khi chúng ta còn tâm phấn đấu. Nếu như cảm thấy tự mãn, cuộc sống sẽ bị chùn lại, vô vị, không còn chí khí để phát huy.
Có một doanh nhân thành đạt, khi được nhà báo hỏi: “Anh có thể kể lại những thành tích của mình đã đạt được cho mọi người nghe?”. Anh ta cười và đáp: “Điều đó có cần thiết không?”.
Khi làm xong một việc gì mà mình không để ý đến thành tích thì chúng ta sẽ hăng hái để tiếp tục các công việc khác. Cứ thế, chúng ta làm rất nhiều công việc có ích cho đời mà niềm vui vẫn chưa thấy đủ, vẫn phấn phát cống hiến hết mình cho đến tận hơi thở cuối cùng. Ngược lại, nếu vừa cảm nhận thành quả thì tự mình cảm thấy đã làm được nhiều việc rồi, cần nghỉ ngơi, hưởng thụ rồi làm nữa. Do đó, thành quả và công việc sẽ bị giới hạn, không được phát huy đúng mức của nó, nếu không muốn nói là sự phát triển đã bị chặn đứng, không còn cơ hội để tiến triển nữa. Cống hiến hết mình là một đức tính cao thượng. Nhưng hưởng thụ tối đa là hạng người quá quan trọng vật chất, lệ thuộc vào mọi thứ bên ngoài một cách thái quá thì làm sao có ý chí, hay những ý tưởng gì cao thượng hơn ngoài những thứ đang có?
Khi mang những thành quả ra để thể hiện cái tôi, để khẳng định mình là ngầm thỏa mãn với thành tựu của mình, sẽ cản bước tiến, ý chí phấn đấu không còn. Như thế, những thành quả kia chỉ là cơm nguội, sẽ dần đưa vào quá khứ và còn trong hoài niệm, tưởng tượng mà thôi. Không nên ngủ quên trên chiến thắng mà phải luôn phấn đấu. Nếu không tự mãn vào những thành quả mình đạt được thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời. Phải may mắn lắm mới có được những thành tựu trong đời. Nhưng có dám quên những thành tựu của mình đi thì sự may mắn ấy mới được trọn vẹn.
V.CHẤP NGÃ, LẬP NÊN CÁI TÔI LÀ TỰ NHỐT MÌNH
Đã có một cái cố định là tôi, thì tôi không thể là cái khác. Ví dụ, khi chấp tôi phải là người của miền này thì sẽ bị nhốt mình vào những đặc điểm của một con người gọi là miền đó. Như thế tôi sẽ không thể là một người muốn học hỏi những điều hay của các miền khác. Như là, khi chấp tôi là miền Trung thì không thể là miền Nam, miền Bắc. Tôi là miền Nam thì không thể học gì ở miền Bắc, miền Trung. Và tôi đã là miền Bắc thì cũng không chấp nhận học hỏi gì ở miền Trung, miền Nam nữa… Đó là do cố chấp vào hình thức, dính kẹt bên ngoài nên bị đóng khung, vướng víu. Hễ ai xúc phạm đến vùng miền của mình, đến cái tôi cá nhân thì liền tức giận, không kềm chế được. Đây là do cố chấp nên đưa đến tai hại, thu hẹp tri thức, dễ bực tức, ngu tối khi cái được gọi là mình bị xúc phạm. Nếu chúng ta không cố chấp, không đóng khung hay lệ thuộc vào bất cứ hình tướng gì bên ngoài thì sẽ linh hoạt và sáng suốt hơn. Không phải mình là hạng người ba phải không có nhận định. Chúng ta có nhận định và lập trường rất hẳn hoi, rõ ràng, nhưng không câu nệ, lệ thuộc hay chấp cứng vào một điều gì để dựng lên một cái gọi là tôi. Như thế sẽ được thông thoáng, sáng suốt và tự tại hơn nhiều.
Anh A sẽ có một đặc điểm riêng để nhận biết đó là anh A, không lẫn với người khác. Anh A không thể sao chép kiểu cách của một anh B nào đó, nó sẽ trở nên đơn điệu, trơ trẽn, mất tự nhiên. Mỗi một con người đều có một tố chất rất riêng. Giọng văn của người này, không thể là cách hành văn của người khác. Sở trường của anh B, không hẳn là việc mà anh C làm tốt được. Làm mới bài hát, làm mới nhận thức, cách giảng dạy, làm mới mọi thứ trong cuộc sống chính là phát huy sở trường của mỗi người để cái ưu điểm, thế mạnh, tố chất riêng có của họ được bật lên, chứ không phải là thể hiện cái tôi như mọi người vẫn nghĩ. Bàn tay có năm ngón bằng nhau sẽ là một bàn tay quái dị, không đẹp. Cuộc sống vốn nhờ vào nhiều sắc màu khác nhau khiến cho nó trở nên đa dạng và sinh động hơn. Nhưng không phải chấp vào một cái gì đó là tôi để lập nên tự ngã, như thế sẽ bị ngăn ngại, không hòa điệu được những sự thật chung quanh mình.
Ví như một anh chàng ăn rồi quét dọn sân vườn, lau nhà quá sạch và đóng kín cửa lại, không muốn cho ai vào. Ngôi nhà sạch ấy chỉ là ngục tù nhốt lấy anh ta. Trong đời vẫn có không ít người có cuộc sống trong sạch, thanh cao, có hiểu biết và may mắn đạt được một số thành tựu nhất định. Nhưng lại quá chấp vào thành quả của mình, lập thành một cái tôi tự ngã, không chan hòa, thông cảm, hiểu biết mọi người. Dần dần bị cô lập, không mở mang kiến thức, không quen sinh hoạt với số đông người, không làm được gì lớn hơn ngoài chút ít thành quả mình đang sở hữu đã quá cũ kỹ. Hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp những người tương tự như vậy. Đời sống của họ khá nghiêm túc, cao thượng, ai cũng quý trọng, nhưng khi ra lãnh đạo số đông người thì không kham nỗi. Hoặc là bị mọi người phản đối, lên án do quá cố chấp, không trông xa nhìn rộng, thiếu hiểu biết và cảm thông trong xử lý công việc. Hoặc là chính mình không hòa điệu, không thích nghi được với nhiều tư tưởng tập thể nên bị căng thẳng, quá sức chịu đựng của mình. Đó là do chấp vào thành quả rồi lập nên một cái tôi khác người, đóng khung, lập dị, cố chấp. Chấp vào cái tôi, tự cao, tự đại, mang tính cá nhân quá thì lòng mình không thông thoáng, trí mình không đủ lớn để cảm thông được với số đông người, không tùy thuận được với nhiều hoàn cảnh phức tạp khác nhau trong cuộc sống. Chính cái chấp tôi này tự đóng khung mình khiến cho chúng ta không làm được gì lớn hơn vượt ra ngoài cái tôi vỏ ốc ấy. Cái tôi của bản ngã tự tôn đó sẽ là ngục tù và chúng ta tự biến mình trở thành một tù nhân từ thể xác cho đến khối óc trong ngục tù vô hình ấy.
Không có mục tiêu để cố gắng phấn đấu thì cuộc đời mình sẽ bị thả trôi, vô ích. Nhưng nếu cố chấp thái quá vào mục tiêu để lập nên cái tôi riêng lẻ của bản ngã thì cũng tai hại cho mình vô kể. Tất cả những nỗ lực tự thân của mỗi một người đều rất đáng được trân quý, thán phục. Nhưng nếu chấp vào thành quả rồi tự mãn, tạo nên bản ngã riêng tư thì thật là đáng tiếc. Bởi đó là cội nguồn sản sinh ra bao nhiêu tai hại khó lường, biến sự nỗ lực đáng trân quý của mình trở thành điều kiện để chúng ta sống sai, đi vào ngõ cụt.
Một cây không thể tạo nên khu rừng, và rừng không phải chỉ có một loại cây. Tuy có nhiều loại cây khác nhau, nhưng phải nương vào nhau mới thành một khu rừng được. Cái tôi, khẳng định mình có cái riêng khác, nghĩa là phát huy sở trường, đặc điểm riêng có của mình một cách tốt nhất, nhưng hài hòa, thể nhập với cộng đồng chứ không phải chấp vào sở đắc để lập nên một cái tôi theo kiểu tự ngã riêng biệt.
VI.CÁI TÔI CHÂN THẬT, VĨ ĐẠI, PHÓNG KHOÁNG, TRÍ TUỆ
Mọi người vẫn thường cho rằng, mỗi người đều có quyền chọn cho mình một lý tưởng sống và lý tưởng nào cũng tốt. Điều này chỉ đúng ở cấp độ phổ thông, nhưng nếu phân ngành chuyên sâu thì cần phải có một cuộc trắc nghiệm để không bị nhầm lẫn.
Chúng ta không thể đặt niềm tin trọn vẹn tuyệt đối vào một người mà họ chỉ chơi với mình khi chúng ta có mọi thứ tiền tài, địa vị, quyền uy, của cải. Còn khi tất cả những thứ ấy vuột khỏi tầm tay, chúng ta khổ sở thì họ lại bỏ mình ra đi. Cũng thế, một lý tưởng mình chọn để sống, lý tưởng ấy phải trung thành tuyệt đối với mình. Khi vui, lúc buồn và cho cả đến khi sắp chia tay cuộc đời, nó phải luôn có mặt và bảo vệ được cho chúng ta. Cụ thể, trên cảnh thuận, nó sẽ giúp cho mình không động tâm vui quá và cũng không bị buồn da diết khi gặp cảnh nghịch ý trái lòng. Bởi trên cảnh vui chúng ta khởi tâm vui theo được thì cái tâm khởi đó sẽ được huân dần thành thói quen và sức mạnh, để rồi khi gặp cảnh buồn nó cũng khởi lên, dao động và buồn theo chứ không thể kềm lại được. Nếu chúng ta dễ buồn dễ vui thì dễ bị hoàn cảnh của cuộc sống chi phối, sẽ đưa đến khổ đau. Một lý tưởng chỉ sống được trên cảnh thuận mà không bình ổn được trên cảnh nghịch thì chưa phải là một lý tưởng trung thành chung thủy với mình. Chưa nói đến, lý tưởng chân thật này phải luôn tồn tại và không bị chi phối bởi bất kỳ hoàn cảnh thuận hay nghịch nào cả. Một điều kiện thứ ba nữa là khi nằm trên giường bệnh, đối mặt với tử thần, lý tưởng ấy phải giúp chúng ta tự thấy mình an ổn, không bàng hoàng, lo sợ. Không phải sống để chờ chết, nhưng chết là điều mà ai cũng có ít nhiều lo sợ cho nên lấy đó để làm thước đo. Một lý tưởng phải được trắc nghiệm, đảm bảo được ba điều kiện trên thì nó mới trung thành với mình, mới đảm bảo có giá trị cho chúng ta tin tưởng tuyệt đối và sống trọn vẹn với nó được.
Bất kỳ một lý tưởng, niềm vui hay sở thích gì, nếu do các tác động từ bên ngoài như là hoàn cảnh, tiền tài, địa vị, quyền uy, con người cho đến từ một đấng giáo chủ mà có ra thì đều là những lý tưởng, niềm vui có điều kiện. Do cái này có nên cái kia có. Và rồi cũng sẽ do cái này không cho nên cái kia cũng trở thành không. Cụ thể là khi mọi thứ bên ngoài kia mình không còn chạm đến được nữa thì cái gọi là lý tưởng, niềm vui, sở thích kia cũng không còn tồn tại. Lúc này mới biết cả đời chúng ta chỉ sống nhờ, ở gởi, vay mượn, tin vào để sống theo mọi thứ bên ngoài chứ chưa có cái gì thật là chính mình cả. Hạnh phúc chân thật trước tiên phải là một nguồn hạnh phúc không do điều kiện mà có. Nếu vì cái này mà tôi có được hạnh phúc thì cũng sẽ đến lúc cái này không còn và hạnh phúc cũng tan biến theo mây khói. Một niềm hạnh phúc bị biến đổi theo các điều kiện bên ngoài thì làm sao gọi là chân thật được?
Lúc nào đó có thể, chúng ta hãy tạm gác lại mọi thứ đang có, phút chốc lắng lại lòng mình thì sẽ cảm nhận được sự lóng lặng, sáng suốt, an lạc vô biên. Cái ấy chính nó tự sẵn đủ nơi mỗi người, không do một thứ gì bên ngoài tác động mà có được. Mỗi ngày thực tập một chút. Lâu dần thành quen, không chờ đến lúc rảnh rang mà chúng ta sẽ ứng dụng được trên mọi công việc. Theo thời gian, năng lực này tự lớn mạnh, tự mình cảm nhận được một năng lực đặc biệt nơi chính mình. Nó là một cội nguồn trí tuệ sáng suốt, định tỉnh kiên cố, an lạc ngập tràn, không còn chỗ cho mọi thứ bên ngoài xen vào chi phối được nữa. Nó đủ lớn cho chúng ta tự tại trên mọi thứ. Những buồn vui, thành bại trong đời này không còn đủ giá trị chi phối mình. Lúc này, không muốn tự do tự tại cũng được tự tại. Một niềm an vui tự tại ngay cả khi có việc, có mọi thứ và khi không việc, không một thứ gì. Muốn làm giàu cũng được; và khi không có một vật gì cũng bình thường, hoan hỷ, tự tại an ổn như nhau. Bằng tâm này để sống, để hành xử và làm việc, quý vị mới cảm nhận được giá trị vô biên của nó. Càng sống, càng phát minh giá trị không có giới hạn. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết, chỉ người trong cuộc mới cảm nhận hết giá trị. Với năng lực lớn này sẽ giúp chúng ta an nhiên, tỉnh táo khi sắp ra đi.
Khi tay ta bận nắm lấy một vật này thì không thể cầm nắm được vật khác. Nếu để tay thong thả thì tùy thời muốn nắm lấy bất kỳ vật gì cũng được. Chấp vào một cái gì đó cho là tôi thì cái tôi ấy bị khu biệt giới hạn trong ấy, không còn chỗ để tiếp thu cái khác. Khi mình không là gì cả mà chỉ là một tâm thái rỗng rang, sáng biết, năng lực định tỉnh vô bờ thì sẽ biết khắp; tùy nơi, tùy lúc để vận dụng một cách thông thoáng, tự tại, không có gì làm ngăn ngại che lấp mình được. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết. Nếu chấp vào một cái cho là tôi thì cửa tri thức sẽ bít lấp, không còn cơ hội để học được vô vàn những điều hay khác. Sống bằng tâm thể thênh thang rộng lớn, bằng cội nguồn trí tuệ vô biên này sẽ cho chúng ta một khả năng phát minh vô tận. Những gì đã có, chúng ta kế thừa, phát huy, tái tạo, làm tốt hơn. Nếu là chưa có thì phát minh, sáng tạo, làm mới. Một cái tôi trí tuệ vĩ đại như thế mới xứng đáng, đủ lớn cho chúng ta sống về an ổn và thích thú được. Đây tạm gọi là cái tôi chân thật, nhưng không phải có một cái gọi là tôi để chấp vào đó. Vừa có tâm chấp là đã rơi vào hạn lượng, có giới hạn, không còn là một cái tôi vĩ đại không bờ mé này nữa.
VII. CỘI NGUỒN CỦA MỌI THÀNH TỰU.
Khi sống được bằng cái tôi chân thật, bằng trí tuệ gốc này, diệu dụng sẽ vô ngần. Gần nhất, chúng ta sẽ cảm nhận được ba đặc điểm cơ bản: Sức mạnh định tỉnh vô song, trí tuệ sáng biết trùm khắp và cội nguồn an vui vô tận. Thông thường chúng ta tư duy logic thì chỉ tư duy một lúc vài ba mệnh đề, nhiều hơn nữa sẽ bị rối ren và quá sức, có khi còn bị trạng thái buồn nôn, muốn ói mửa. Nhưng khi buông xuống mọi thứ để được trong lặng thì tất cả tự nó ùa về cùng một lúc rất tự nhiên, khiến chúng ta không ngờ được. Mới hay ra, cái sáng biết này là vô biên, còn cái có nghĩ suy kia là hữu hạn. Như khi đùa vui trong đám trẻ đông thì chỉ thấy được vài chục đứa gần mình nhất. Nhưng nếu đứng trên lầu cao bình tâm nhìn xuống thì sẽ thấy hết toàn bộ bọn trẻ, không nhầm lẫn một đứa nào. Cũng thế, trí tuệ chân thật này là một cội nguồn sáng biết trùm khắp, vượt lên trên tất cả, không động và an lạc vô cùng.
Tất cả nhận định, triết lý, phương cách, kỹ năng… đưa đến mọi thành tựu trong đời đều từ trí tuệ, không có một cái gì từ trên trời rơi xuống. Trở về sống bằng cái tôi rỗng suốt, an định mà sáng khắp này là trở về cội nguồn trí tuệ gốc nơi chính mỗi người, là trở về với cha đẻ ra mọi thứ. Có được cội nguồn này, chúng ta sẽ có tất cả. Tùy vào từng trường hợp, trí tuệ gốc này sẽ cho chúng ta biết nên làm gì là hợp lý để đưa đến kết quả hoàn hảo nhất. Ví dụ muốn quản trị kinh tế, quản trị cuộc đời, chúng ta chỉ cần quản trị hai điều cơ bản, đó là quản trị bản thân và quản trị con người. Muốn quản trị bản thân tốt thì chính mình phải chiến thắng được mình; và cội nguồn trí tuệ này sẽ giúp chúng ta làm tốt điều đó. Cụ thể, khi sống bằng nguồn năng lượng định tỉnh, trí tuệ sáng khắp và an lạc vô bờ, chúng ta như được ăn no một món ngon thượng hạng, những thứ khác không còn đủ giá trị chi phối mình nữa. Như vậy là đã làm chủ bản thân, đồng nghĩa đã quản trị được bản thân của mình một cách trọn vẹn. Cũng nhờ vào nguồn trí kia, chúng ta biết tùy vào từng người, tùy lúc, tùy việc nên làm gì và làm như thế nào cho thích hợp. Đó là người thầy cho chúng ta biết kịp để quản trị con người một cách hoàn hảo nhất. Như thế mọi việc tự thành tựu.
Một con sâu sống trong thảm lá xanh thì hình nó sẽ có màu xanh. Nếu ở thân cây khô thì nó phải chuyển sang màu lam như thân cây vậy. Đó là quy luật nương vào tự nhiên để được bảo vệ, sinh tồn. Đối trước một xã hội cũng vậy, dù bị cuốn lôi hay chỉ là tùy duyên để làm một điều gì đó cao thượng, tất cả chúng ta đều phải khéo hòa đồng trong một cộng đồng mà mọi người đang sống. Dù chỉ là lo cơm áo gạo tiền, hay làm những việc cứu người, giúp đời; muốn được thành tựu, chúng ta cũng cần phải biết những điều cơ bản. Mà sống về với cái tôi của cội nguồn trí tuệ chân thật này, sẽ cho chúng ta biết được những điều kiện cần và đủ ấy. Một sự thành tựu có căn bản chứ không phải ngồi đó để mơ tưởng, cầu may. Trước mắt, muốn thành đạt, chúng ta phải tự rèn luyện mình hội đủ ba điều kiện căn bản: Trí tuệ, năng lực và sự may mắn.
1/ Trí tuệ: Tất cả những gì học được từ gia đình, nhà trường và xã hội vẫn chưa đủ. Bởi có rất nhiều khi làm xong mọi thứ rồi, đến lúc lắng đọng, nghỉ ngơi, chúng ta thường phát hiện ra nhiều điều sai sót. Nếu trí tuệ đã đủ thì không sai sót, mà còn sai sót nghĩa là chưa được đầy đủ. Và khi yên lắng thì chúng ta tự phát hiện ra những điều sai sót kia. Nếu làm xong rồi, chờ đến tối yên lắng mới biết thì đã muộn. Muốn có được trí tuệ đầy đủ, chúng ta phải yên lắng kịp thời ngay khi hành xử. Ai cũng biết thế, nhưng mọi người chưa thể làm được như thế vì chưa biết cách dồn vốn trí tuệ này, chờ đến khi gặp việc mới nhớ đến dùng thì làm sao kịp được? Muốn có vốn liếng trí tuệ sẵn sàng, chúng ta phải lắng lòng, tỉnh giác trong mọi lúc, trên mọi sinh hoạt. Theo ngày tháng, tiềm năng này tự hình thành và lớn mạnh trong mỗi chúng ta. Gặp việc liền được vững vàng, định tỉnh, sáng suốt; đưa đến thành tựu một cách trọn vẹn, tốt đẹp.
2/ Năng lực: Năng lực có sẵn trong trí lực. Nếu chúng ta nhận và sống trọn vẹn bằng trí tuệ chân thật thì trí lực, năng lực tự có. Nếu chưa như thế thì mỗi người phải biết tự rèn luyện mình. Bằng cách, bất kỳ một điều gì cảm thấy hơi khó chịu thì phải biết đối diện và hoàn thành tốt. Một đôi khi mình có thể đánh Đông dẹp Bắc; luận cổ, bàn kim thao thao bất tuyệt; nhưng bảo quét nhà thì cảm thấy cái chổi nặng hơn cả tấn, bảo nấu bữa ăn cho gia đình thì cảm thấy khó hơn đi đánh ngàn quân giặc ngoài biên thùy… Như thế là năng lực của chúng ta chưa đủ lớn để chiến thắng, vượt qua mọi thứ trong đời. Những chuyện nghe qua như tầm thường, nhưng nó lại là những lỗ hổng của ý chí, nghị lực, kiên trì, nhẫn nại, chịu khó… đưa đến sơ hở, chủ quan, phá hỏng thành quả to lớn của mình trong chớp mắt. Là người biết hoàn thiện mình, không luận đó là việc lớn hay việc nhỏ, chúng ta phải dám đối diện với những gì mình còn thấy ngăn ngại để phấn đấu vượt qua. Nếu thấy ngại học toán thì phải dốc tâm vào giải toán cho đến khi nào cảm thấy thích thú làm bài tập mới thôi. Nếu là một thanh niên sĩ diện, dễ bị ngại ngùng mắc cỡ trước những công việc mọi người cho là tầm thường thì cứ xách giỏ đi chợ, mua đồ về lo cho gia đình một bữa ăn thật tự nhiên. Gặp một người không ưa, mình cũng phải đối diện cho đến khi nào cảm thấy bình thường mới được… Không phải cần làm hay để làm những công việc nhỏ nhặt đó, mà đây là cách để rèn luyện khả năng thích nghi của mình. Một khi rèn luyện đã được thành tựu rồi, chúng ta mới nhận ra giá trị cần thiết và lớn lao của nó. Cuộc thế có như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn giữ được thăng bằng, không ngại. Ngày mai dù có ra sao nữa, chúng ta cũng cân đối được cuộc sống, chẳng sao. Không còn tâm trạng lo ra hay sợ sệt vào ngày mai nữa. Bằng cách này, tự mình vô hiệu hóa được tất cả mọi thứ, không còn một cái gì chi phối hay có thể ngăn chặn được bước tiến của mình. Có vậy, chúng ta mới có được năng lực vững vàng để đưa đến thành tựu mọi công việc trong cuộc sống.
3/ May mắn: May mắn là một cách nói chung chung, chính xác đó là phúc phần của mỗi người. Muốn có phúc, không phải do bố thí nhiều mà lòng mình phải rộng lớn. Chúng ta vẫn thường nghe nói, của cho không bằng cách cho. Nếu cho người khác cả tỷ đồng mà lòng mình tính toán nhỏ hẹp, không tôn trọng họ hay cho rồi hối tiếc thì phước ấy vẫn có giới hạn. Nhưng giúp đỡ người khác một đồng mà lòng mình tôn trọng, hân hoan thì phước ấy sẽ to lớn vô cùng. Khi lòng đủ rộng thì chúng ta làm được nhiều điều một cách tự nhiên, không tính toán cho nên phước ấy sẽ vô lượng. Gặp chuyện phải tranh cãi, chúng ta thoáng rộng tâm hồn, bỏ qua. Gặp người già qua đường, chúng ta tiện tay dìu cụ. Gặp một cây đinh, tiện tay nhặt lấy, cất đi. Lên xe, người khác cần chỗ ngồi tốt, mình nhường cho họ. Họ ngồi chỗ ấy được vui, chúng ta cảm thấy vui sướng trong lòng… Lòng cứ thoáng rộng như thế, chúng ta sẽ có được vô lượng vô biên phước đức. Thử làm một phép kiểm tra lòng mình thì sẽ biết được có phước hay không liền. Khi gặp mọi người, chúng ta quan tâm họ hay mặc kệ, phớt lờ, không cần hay biết. Hoặc gặp một ai đó có địa vị và giàu sang hơn mình, chúng ta nghĩ: “Mình cần nhờ gì ở họ?” hay: “Họ có cần mình giúp đỡ gì không?”. Nếu nghĩ “cần gì ở họ”, đó là chúng ta đang sử dụng bớt phần phước đức của mình. Còn nghĩ “mình giúp được gì cho người khác”, sẽ được thêm phần phước đức. Hưởng thụ thì tiêu hao phước đức. Cống hiến thì phước lại càng được tăng thêm. Cứ như thế, làm được nhiều việc trong khả năng mình, nhưng không tính toán, mong cầu hay tự mãn; cộng thêm lòng an tịnh thì phước đức sẽ tự rộng lớn. “Có phần thì không cần gì lo”. “Có đức thì mặc sức mà ăn”. Đây là nguồn gốc của sự may mắn đưa đến mọi thành tựu.
Ba vấn đề vừa nêu trên là ba yếu tố cơ bản, là điều kiện cần và đủ để đưa đến mọi thành tựu trong đời. Nhưng muốn đạt được ba yếu tố cơ bản này một cách trọn vẹn thì phải nhận ra và sống được bằng trí tuệ chân thật an định kia. Mới biết, cái tôi chân thật này là cội nguồn của mọi thứ từ tinh thần đến vật chất. Có được một trí tuệ và sức định tỉnh đủ lớn như thế, chúng ta sẽ nhận định được mặt ưu và mặt khuyết của mỗi miền Nam Trung Bắc, thấy ra được những điều hay và chưa hay của kim cổ đông tây. Biết học lấy điều hay, rút tỉa kinh nghiệm những điều còn hạn chế, đồng thời phát minh được những điều chưa có. Như thế, chúng ta sẽ là một trí tuệ vượt lên trên nhân loại, thâu tóm cả Đông Tây kim cổ tinh hoa; tiêu dung, học lấy được tất cả; hòa đồng nhưng không bị hòa tan, mất mình. Cái tôi như thế không vĩ đại và xứng đáng hơn sao? Căn cứ vào đó để làm nên tất cả, xây dựng nên cuộc sống thì mọi thứ luôn tươi mới; đầy đủ nghị lực và trí sáng bất động để làm sinh động cuộc đời này.
VIII. KẾT LUẬN
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Nhạc Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng người. Khi cất tiếng hát, ai cũng cảm thấy như đang nói lên cõi lòng của chính mình vậy. Từ một người đạp xích-lô trên đường phố, cho đến một ca sĩ chuyên nghiệp, ai cũng có thể tùy hứng nghêu ngao một vài câu trong bài hát bất cứ khi nào thấy thích. Nhưng để trình diễn xuất sắc, hát hay nhạc Trịnh thì không có được nhiều người. Cũng thế, bản chất trong sáng tinh khôi, an tĩnh, rất trí tuệ nơi chính mỗi người ai ai cũng sẵn có. Dù muốn hay không, hoặc ít hay nhiều, mọi người cũng đang sống bằng nó. Nhưng đa phần chúng ta chỉ nhận chân được phần nào hoặc có người thi thoảng mới thoáng chợt hay ra. Không có được nhiều người có đủ điều kiện để nhận ra và sống trọn vẹn bằng chính nó. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nghi ngờ về cội nguồn trí tuệ vô biên này. Sử dụng được ít hay nhiều là do sự dốc tâm khám phá và sống về của mỗi người. Một khi đã nhận ra được giá trị cao thượng và chân thật tuyệt đối của nó, chúng ta sẽ hào hứng để khám phá và sống về bằng cái tôi chân thật đầy ý vị này.
ĐĐ.Thích Tâm Hạnh
Các bài mới
- Tốt hơn cho mình ( Phần 2) - 02/03/2016
- Tốt hơn cho mình ( Phần 1) - 01/03/2016
- Đá biến thành ngọc - 25/02/2016
- Sức mạnh của tâm - 14/02/2016
- Bé cúng dường Phật - 15/10/2015
Các bài đã đăng
- Ý nghĩa một ngày mới - 20/06/2015
Thiền với tuổi trẻ
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88935
- Online: 33