Cảm xúc truớc chuyến hành hương "Theo dấu chân Phật"

19/10/2014 | Lượt xem: 5175

Trước chuyến hành hương" Theo dấu chân Phật", Thầy Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc đã từ bi dành cho các bạn thanh niên PT một buổi chia sẻ và dặn dò về ý nghĩa chuyến đi . Sau buổi thuyết giảng đó, bạn Chơn Bảo Tâm - một thanh niên PT đang sinh hoạt tại Đoàn thanh niên PT Trần Thái Tông đã xúc động viết ra những dòng nhật ký  về cảm nghĩ của bạn khi chuẩn bị được đặt chân lên đất Phật. Đây cũng phần nào nói lên ý nghĩa thiêng liêng đối với những người con Phật khi được bước theo dấu chân của Đấng Từ Phụ, tìm về với ông Phật của chính mình.  Được sự đồng ý của CBT, BBT website xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết  đầy cảm xúc này.

 

Kính lạy Đức Phật Đà!

    Đêm nay với cảm xúc dâng trào, với niềm hỷ lạc vô cùng khi con nghĩ tới chuyến hành hương sắp tới được trở về đất Phật thiêng liêng, chuyến đi mà chúng con vừa mới được nghe Thầy Trụ trì Thiền Viện Sùng Phúc thuyết giảng sơ lược cho chúng con nghe tối nay. Và với lời động viên khuyến khích chúng con nên có một quyển sổ mang theo khi đi Ấn Độ để đến đâu viết lại những cảm xúc, chiêm nghiệm và những lời phát nguyện của mình vào đó. Tất cả như một điều khích lệ cho con, không cần phải đợi đến khi sang đất Phật mới viết lại những dòng tâm tư của người con Phật, mà ngay bây giờ con sẽ viết lại những dòng tâm tư của con. Những tâm tư với bao cảm xúc cứ cuồn cuộn nổi lên từ khi phát tâm đi Ấn Độ cho tới buổi giảng tối nay của Thầy Trụ Trì TVSP, nó như sóng trào biển dâng lúc thăng lúc trầm, lúc lo lắng sợ hãi, lúc hoan  hỷ lạ lẫm, lúc hổ thẹn tủi nhục, lúc không kiềm được mình khi hùng tâm nổi lên mãnh liệt như muốn tu hành ngay lập tức không chờ đợi gì nữa. Con quyết định viết nhật ký, dù rằng biết mình phước kém, học Phật pháp còn dở, nói còn không nên lời huống chi viết nhật ký về chuyến hành hương nơi đất Phật thiêng liêng. Nhưng văn thơ hay kiến thức cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài, chính yếu là sự chân thật xuất phát từ nội tâm của mình. Dù rằng ngôn ngữ chữ nghĩa cũng là giả tạm nhưng với cái tâm hay quên của con thì viết nhật ký cũng lại là một phương tiện nhắc nhở lại con những tâm hạnh thiện tốt, những hạt giống Bồ Đề đã được oai lực nơi đất Phật kích phát cho con nảy nở sinh sôi. Ôi, con chưa tới Đất Phật mà đã thấy quê hương Phật quốc thiêng liêng vô cùng!

Thầy Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc và các Phật tử trong chuyến hành hương,

(Chơn Bảo Tâm đứng thứ hai từ phải sang)

    Buổi tối ngày hôm nay mồng 03/02/2012, Thầy Trụ Trì Thiền Viện Sùng Phúc đã giảng riêng cho “những mầm non nòng cốt Phật giáo”, mở đầu Thầy đã giảng cho chúng con biết cái tên mà Thầy sẽ đặt cho đoàn. Xúc động bởi cái tên của đoàn đi hành hương đợt này vô cùng ý nghĩa: “Theo dấu chân Phật”. Thầy muốn nhắn nhủ đoàn đi lần này tinh thần giác ngộ, bởi dấu chân Phật là dấu chân an lạc, từ bi, hỷ xả, giác ngộ giải thoát và tinh thần vô ngã vị tha. Nghe cái tên “Theo dấu chân Phật” như vang vảng lời của Tổ Ca Diếp xưa đã bạch trước kinh quan Đức Phật khi Phật Niết Bàn: “Lạy cứu chủ Từ Bi! Lạy Phật Đà vĩ đại! Xin người hãy yên lòng, chúng con sẽ bước theo bước chân của người để hành đạo. Thọ mệnh vĩnh kiếp của Người sẽ trường tồn ở thế gian. Pháp cam lộ của Người sẽ chảy khắp nơi nơi. Đức sáng từ bi của Người sẽ phù hộ tất thảy. Người như một mặt trời vĩnh cửu bất diệt”. Lời bạch của Tổ Ca Diếp xưa, thâm ý của Thầy Trụ trì nay khiến con muốn quỳ lạy sụp xuống chắp tay mà bạch Ngài: “Con xin phát nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo dấu chân Phật”.

Tượng Phật Niết bàn trong Tháp Niết Bàn - Câu Thi Na     

    Có lẽ giờ phút này không phải chỉ mình con xúc động mà dường như tất cả các bạn trong đoàn cũng hoan hỷ và xúc động như con. Trước đó ai nấy cũng vui cười, hớn hở và pha chút nét tinh nghịch của tuổi trẻ. Pháp âm của Thầy Trụ Trì giúp các bạn nhiếp tâm, lắng lòng nghe, ánh mắt nụ cười hoan hỷ rạng rỡ trong chánh pháp. Dường như các bạn càng nghe càng lắng lòng xoay chiếu nội tâm để nghe, học và phát nguyện tinh tấn tu hành. Nhìn nét mặt của tất cả mọi người lúc bấy giờ tưởng chừng như chưa bao giờ có gợn sóng nào cản bước chân của họ, những gợn sóng nhỏ như xin phép gia đình, cơ quan, trường học và những bộn bề công việc khác, giờ đây đối với tất cả chỉ là “việc quá nhỏ” so với “giá trị quá lớn” của chuyến đi về nơi đất Phật thiêng liêng. Chuyến hành hương này không chỉ đơn thuần là đi du lịch thăm quan mà ý nghĩa đặc biệt của nó là được về nơi đất Phật, đảnh lễ Tứ Động Tâm, đảnh lễ Đức Phật và chư Thánh xưa, phát nguyện tu học theo gương hạnh của Đức Phật và chư Thánh Tăng cho đến ngày Giác Ngộ giải thoát.

          Trước đó tâm tư của con cũng đầy những lo lắng trong lòng, lo công việc sẽ bị ảnh hưởng, lo gia đình không đồng ý cho đi, lo nhà trường không cho nghỉ học, thậm chí còn lo quẩn đến mức độ nếu thấy hoàn cảnh khó quá thì xin rút lui đợi khi nào đủ duyên thì sẽ đi sau. Con tưởng như con sẽ là người kém phước kém duyên nhất, may thay Phật đà đã gia hộ cho con được vững bước bởi con nghĩ cơ duyên được đặt chân tới Đất Phật là vô cùng hy hữu đối với con. Bỏ lỡ cơ hội này biết bao giờ con mới đủ duyên lành được đặt chân tới đất Phật. Hơn nữa chuyến đi lần này bên Ấn Độ có lễ dát vàng tượng Phật trong Bảo Tháp tại Bồ Đề đạo tràng, ở Việt Nam có Thầy Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, có Thầy Trụ Trì Thiện Viện Sùng Phúc Hà Nội, có các Thầy, các Cô, có những thanh niên “mầm non nòng cốt Phật giáo” cùng đi. Sao con có thể rút lui được trong khi tất cả những cái lo lắng về sự được mất, những cái giàng buộc thế gian kia cũng chỉ là những sợi dây hư vọng mà thôi. Con phải đi chứ.

          Thầy Trụ trì vẫn đang giảng nói, Thầy tuần tự giảng về những Thánh Tích mà đoàn sẽ được đến. Thầy ngồi đó giảng mà như một đấng Nghiêm từ đang dạy dỗ đàn con thơ dại một cách lân mẫn tỷ mỉ, dạy từ cách đi đứng, chiêm bái, phát nguyện, ngồi thiền. Các con thơ thì chăm chú nhìn nghe Thầy giảng, có lúc hớn hở mới lạ, có lúc xuýt xoa bởi các địa danh, có lúc trầm lắng như Đức Phật và tăng đoàn đang hiện hữu nơi đây bởi nghe Thầy giảng về gương hạnh của Đức Phật và Tăng chúng.

          Càng nghe Thầy giảng con càng thấy hổ thẹn vì tâm con quá nhỏ nhoi, ích kỷ và quá bám chấp nơi thân tâm và hoàn cảnh của con. Khi con nghe tới Khổ Hạnh Lâm, nơi mà Đức Phật đã tu hành khổ hạnh 6 năm ròng rã, rồi con nghe đến Tổ sư Đại Ca Diếp với thân sắc vàng, địa vị quyền thế mà Ngài từ bỏ tất cả, xuất gia tu hạnh đầu đà, mặc đồ chắp vá, con đã kính phục và tán thán vô cùng. Phật Đà ơi, con thấy Ngài cao quý quá, Ngài đã xem thường tất cả địa vị giang sơn cho đến xem thường cái thân này. Xoay trở lại mình con thấy con vẫn bám chấp quá lớn nơi cái thân con. Nghe giảng tiếp đến vườn Lâm Tỳ Ni con lại càng muốn đản sanh ngay ông Phật nơi chính con, đó chính là  Phật tâm nơi con. Con thật đúng là phước mỏng nghiệp dầy bởi cứ rảnh rỗi là con sang chùa tu học, vậy mà cái nghiệp “quên mất mình” quá nặng, con đã để quên mất “ông  Phật” nơi chính con, để cho những tâm niệm xấu xa, nhỏ mọn, ganh ghét, đố kỵ, tham sân, mê lầm, để cho những được mất, buồn vui, danh lợi, thị phi dấy khởi làm chủ con, đúng là chính con đã tự cô phụ lấy con. Mỗi năm đến ngày Phật đản, quý Thầy đều giảng kỹ cho hàng Phật tử xoay trở lại ông Phật nơi chính mình, đó chính là những hạt giống lành, những tâm niệm thiện, những tâm vì tất cả mọi người, đó là những hạt giống từ bi, trí tuệ, hỷ xả, đó là tánh thấy nghe hay biết nơi chính mình. Vậy mà sao con không bao giờ nhớ trong tâm mình những điều đó. Để rồi hôm nay nghe Thầy Trụ Trì Sùng Phúc giảng qua đến Thánh tích Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sanh con mới giật mình thảng thốt “Lạy Ngài cho con xin sám hối nghiệp “quên” của con”. Con sẽ phát nguyện để Phật tâm nơi con lúc nào cũng hiện hữu và trưởng dưỡng từng ngày. Con cảm lạy ơn đức Thầy Trụ Trì Thiền Viện Sùng Phúc nhiều lắm, Thầy như tiếp sức mạnh cho con để con dũng mãnh nhận ra lỗi lầm, phát nguyện tinh tiến trên bước đường tu học Phật pháp. Và ngàn vạn lần cảm tạ thâm ân của Phật Đà, bởi chỉ nghe  giảng tới Thánh Tích của Ngài thôi mà đã làm chấn động tâm hồn của một chúng sanh đang mê lầm như con rồi, chứ chưa nói tới phước duyên được đến tận nơi đảnh lễ Thánh Tích mà Ngài đã để lại cho hậu thế.

          Giảng đến Thánh tích nào, đến gương hạnh của vị Thánh tăng nào, Người cha hiền từ của đàn chim non cũng tận tình dạy bảo cho tất cả phát nguyện. Bởi nguyện lực rất quan trọng, nếu dũng mãnh phát nguyện sẽ được chư Thiên hoan hỷ tán thán giúp đỡ. Phát nguyện chính là hành trang của chúng con trên bước đường tu học giác ngộ giải thoát, bởi phát nguyện lực sẽ thắng nghiệp lực. Thầy giảng từ gương hạnh Đức Phật đến Tổ Ca Diếp, Tổ A Nan, Ngài SiVaLi, Ngài Cấp Cô Độc, Ngài Giới Hiền… Thầy đều dạy chúng con phát nguyện học theo gương hạnh của các Ngài là lúc nào cũng vì tất cả mọi người, luôn đem lại niềm an lạc cho mọi người, mình được điều gì hay quý đều mong mỏi cho mọi người cùng được hưởng những điều hay tốt đó. Đối với con lúc này Thầy Trụ Trì chính là hiện thân của một vị Bồ tát từ bi bao la đang thay Ngài tận tình chỉ dạy cho những chúng sanh đang mê lầm trong thế giới Ta Bà này trong đó có con. Nghe lời chỉ dạy phát nguyện của Thầy, niềm xúc động lẫn tủi hổ trong con dâng trào, nước mắt như muốn trào ra vì thấy tấm lòng vì mọi người của Phật Đà và chư Thánh Tăng từ bi quá, còn con thì quá ích kỷ và lạnh lùng, chỉ biết vì bản thân mình mà không biết đến tất cả chúng sanh, chưa biết hy sinh mình vì mọi người.

          Tấm lòng từ bi của Phật Đà, của Chư Thánh Tăng và đức hạnh của Thầy Trụ Trì như một oai lực lớn sách tấn động viên con để con xả bỏ tâm ích kỷ nhỏ nhoi, con muốn được sám hối với những ai mà con ganh ghét, con muốn yêu thương quý kính những người ghét con. Trước đây, con yêu ghét có chọn lọc, con không ưa người này người kia, con quý mến những ai quý mến con, thương những ai thương con, còn những người xấu tệ làm con bực bội con thấy ghét họ, con thị phi họ, biểu hiện ra mặt với họ. Giờ đây con thấy hối hận vô cùng. Bởi con đã chấp quá lớn nơi cái bản ngã này, trên cái Ta và của ta, trên cái được mất, khen chê, thành công, thất bại, để rồi quên mình theo vật, để rồi bị vọng tưởng điên đảo làm chủ mình, mà không đủ trí tuệ sáng suốt để nhận ra rằng cuộc đời này là vô thường mộng huyễn, tất cả những gì có tướng đều là hư vọng giả dối. Không có trí tuệ sáng suốt nên để vọng tưởng dẫn dắt, khiến con tạo những oan gia không biết với bao người, khiến cho tâm con cao ngạo, xấu xa, không có lòng Từ Bi. Nhưng đúng là “Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn” tâm con đã được nước Phật pháp gội rửa tưới tẩm. Nước bùn dù có nhơ bẩn đến đâu nếu được chảy vào biển lớn giải thoát cũng thành trong. Tâm con cũng vậy. Đúng là chỉ có chánh pháp của Phật Đà mới chữa được muôn vàn chứng bệnh của Tâm. Lòng con lâng lâng, tâm con nhẹ nhõm như trút được gánh nặng bấy lâu trong lòng. Con muốn tu ngay tức khắc. Phật Đà ơi, Thầy ơi, lòng con như muốn xuất gia ngay tức khắc, con muốn làm Bồ tát ngay tức khắc và ngay bây giờ lòng con thấu hiểu nỗi lòng đại từ, đại bi của Chư Phật…

Toàn đoàn đảnh lễ bên tháp Dhamek - Vườn lộc Uyển , nơi Phật chuyển pháp luân

          Khi Thầy giảng đến Vườn Lộc Uyển, nơi mà Đức Phật chuyển pháp luân, nơi mà Tam Bảo từ đó mà có, Thầy chỉ dạy cho chúng con chiêm nghiệm về hình ảnh Đức Phật thuyết pháp cho 5 anh em Ngài Kiều Trần Như. Rồi Thầy khuyên chúng con về nhà phải học và nghiên cứu giáo lý bài kinh Tứ Diệu Đế, phát nguyện tu tập để tự mình chứng nghiệm được nguồn gốc của Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Càng nghe con càng muốn về nhà thức đêm để đọc sách ngay lập tức, học ngay lập tức về bài kinh Tứ Diệu Đế. Và con muốn tu ngay lập tức vì vốn kiến thức của con vốn đã cạn cợt sẵn rồi, đã vậy sự học và hành của con lại quá chênh lệch nhau. Dù biết đây là Khổ mà vẫn lao vào khổ, thêm vào đó là tính hay quên của con thì làm sao mà con có thể tự mình chiêm nghiệm được bài kinh Tứ Diệu Đế nếu con không tự tu học. Không tự mình chứng nghiệm được khổ tập diệt đạo thì làm sao con có thể tận hưởng sự an lạc của cảnh giới Niết bàn được chứ. Nghĩ đến đây hình ảnh Phật Niết Bàn lại hiện lên trong con. Con phải tu hành như thế nào đây để chứng nghiệm được cảnh giới bất sanh bất diệt như Phật vậy? Đúng là bao năm đi chùa mà chưa từng một lần thực nếm vị Phật pháp. Phật Đà ơi, con sẽ thực sự học và tu cho đến nơi đến chốn.

          Hơn tiếng đồng hồ nghe Thầy Trụ Trì Sùng Phúc giảng về Tứ Động Tâm mà đã chuyển được tâm chúng con đến vậy rồi, không biết đến tận nơi sẽ ra sao. Con thấy háo hức muốn thời gian nhanh đến để con được về miền đất Phật vô cùng.

         Rồi cuộc hành trình cuối cùng cũng được thầy giảng dẫn đến sông Hằng, con sông mà con thường được nghe trong Kinh Phật với số cát hằng hà sa số vậy. Con sông mà ở đó người ta sống, sinh hoạt, tắm gội, ăn uống và thủy táng hỏa táng cũng ở đó. Chỉ nghe thôi mà con đã cảm nhận được sự vô thường như đang hiện hữu.

         Nghe giảng về Tứ Động Tâm, chúng con cũng phần nào có khái niệm về ý nghĩa những nơi đó, phần nào hình dung được trong đầu chúng con. Càng nghe càng hay, càng muốn nghe giảng kỹ hơn nữa, nhưng có hội họp ắt có tan, không gì có thể tránh được cảnh vô thường, nên buổi giảng có bắt đầu rồi cũng đến  hồi kết thúc. Trước khi kết thúc Thầy Trụ Trì TVSP cũng hướng cho tất cả đoàn trước khi đi Ấn Độ phải giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, công phu tu tập sám hối, tọa thiền để đầy đủ thiện căn sang đất Phật.

         Thưa Thầy, chúng con xin được y giáo phụng hành lời chỉ dạy ân cần của Thầy, toàn thể chúng con sẽ không phụ tấm lòng mong mỏi của Thầy.

         Và con thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho đoàn “Theo dấu chân Phật” một chuyến đi chiêm bái an lành, tu hành tinh tấn.

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23572
  • Online: 18