Chạy đâu cho khỏi cái biết
06/07/2022 | Lượt xem: 5231
Đề tài Thông Phương chia sẻ cho tất cả là Chạy đâu cho khỏi cái biết. Đây là vấn đề căn bản trong kiếp người hay kiếp luân hồi, cũng là con đường hướng về Tâm Tổ. Trên đời này, không ai sống tách rời khỏi cái biết, dù muốn dù không dù nhận hay không nhận, mỗi người mỗi người vẫn sống trong đó không thể tạm rời, nếu tách rời nó thì ra nghĩa địa không còn ngồi đây nữa. Nhưng để nhận rõ vấn đề cũng không phải đơn giản. Có người khi nghe mình tu thiền liên chê trách, bài bác “tu còn cái biết là còn dở”. Thành ra họ chê trách, bài bác cái biết.
Nhưng có chê trách, có phủ nhận thế nào đi nữa vẫn không rời khỏi nó là lẽ thật. Bởi vì khi mình bài bác hay chê trách thì lấy cái gì để chê trách, lấy cái gì để bài bác, nếu không có “biết”. Chính khi chê trách là đã dùng nó rồi, không có nó lấy gì chê. Người gỗ, người đá đâu biết bài bác, đâu biết chê. Chính họ mâu thuẫn mà không thấy được. Chúng ta cần phải thấy cho thấu đáo để không lầm, không lẫn, không bị ngôn ngữ lừa.
Như câu chuyện vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Đối diện với Trẫm là ai?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma đáp:
- Không biết.
Hỏi đối trẫm là ai? Tổ đáp không biết. Nhưng khi đáp không biết, như vậy Ngài có biết không? Tuy nói không biết nhưng trên sự thật thì không thiếu; không biết lấy gì đáp. Đáp không biết là biết rồi. Chỗ này mọi người thường dễ lầm, lầm theo ngôn ngữ theo tiếng nói, cho nên cần phải cẩn thận nhận cho ra lẽ thật.
Đời Minh có ngài Đại Đô An là vị giảng sư Kinh Kim Cang, từng tỉnh ngộ qua câu “ không từ đâu đến cũng không đi về đâu”. Một hôm Ngài đến gặp Thiền sư Kiệt Phong Anh, trình sự tỉnh ngộ của mình qua câu ” không từ đâu đến cũng không đi về đâu”, ngài Kiệt Phong Anh bảo:
- Nếu như không đến không đi thì sao ông đến đây được?
Đại Đô An đáp:
- Thì chính người không đến không đi đó chứ không ai khác.
Đúng là Ngài Đại Đô An cũng có chỗ thấy. Ngài Kiệt Phong Anh gạn lại:
- Vậy thì ngay bây giờ người đó ở đâu?
Ngài Đại Đô An hét lên một tiếng, Ngài Kiệt Phong Anh bảo:
- Thôi hãy gác lại chuyện đánh hét đi, bây giờ ông hãy nói xem, ngay khi bốn đại phân tán ông đi về đâu để an thân lập mạng?
Ngài Đại Đô An đáp:
- Khắp hết cõi đất này cái đó không phải là là chính ta ư?
Tức là khắp hết cõi đất này cái đó hiện rõ ràng còn nghi gì nữa?
Ngài Kiệt Phong Anh bảo:
- Bỗng gặp thời kiếp hỏa, lửa cháy phừng lên thiêu đốt sạch cả đại thiên thế giới, lúc đó ông ở đâu?
Ngài Đại Đô An đáp:
- Không biết!
Ngài Kiệt Phong Anh bảo:
- Lục Tổ vì cái không biết đó mà đi bửa củi nấu cơm, Bồ Đề Đạt Ma vì cái không biết đó mà ngồi quay mặt vào vách chín năm. Còn ông nói không biết là ông thấy cái gì?
Đó là chỗ quan trọng, nếu học lỏm chắc không trả lời nổi.
Ngài Đại Đô An đáp:
- Tôi chỉ nói không biết.
Ngài Kiệt Phong Anh bảo:
- Cái gã mù ơi! Thôi hãy ngồi uống trà đi!
Đó là thông cảm nhau. Tuy nói “không biết”, nhưng ngài Kiệt Phong Anh gạn lại: Lục Tổ vì cái không biết đó mà đi bửa củi nấu cơm, Bồ Đề Đạt Ma vì cái không biết đó mà ngồi quay mặt vào vách chín năm. Nói không biết mà có rời cái biết không? Nếu nghe nói không biết, cho các ngài không biết gì hết đó là lầm, là theo ngôn ngữ, bị ngôn ngữ chuyển. Nói không biết là chỉ trên ngôn ngữ, chứ nói ra hai tiếng không biết là biết rồi; biết nói. Tức là không rời nó.
Trong chỗ sâu xa của lời nói “ không biết” có cái gì sáng ngời không thể diễn tả tới, đừng tưởng nói không biết là không biết gì hết. Xét con người của chúng ta từ lúc mới sinh ra cho đến lúc chết, có lúc nào rời cái biết không? Không lúc nào rời nó hết, lúc ngủ mê không mộng mị chiêm bao cũng không rời. Cho đến đi trong luân hồi vô lượng kiếp, vào địa ngục tối tăm đi nữa, nhưng có rời khỏi cái biết không? Nếu rời chắc bây giờ chúng ta không còn ngồi đây. Vậy sao lại còn nghi, đi tìm cái gì khác? Đó là điều chúng ta hãy quán thấu đáo để thấy được bước đi của mình, hướng đi của mình. Ở đây chúng tôi muốn nhắc huynh đệ cũng như quý Phật tử thấy rõ từ Phật tới Tổ cũng không rời khỏi nó.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật bảo Trưởng Lão Tu Bồ Đề:
- Ý ông nghĩ sao, như số cát có trong một sông Hằng, có nhiều sông Hằng bằng với số cát như thế; tất cả số cát có trong mọi sông Hằng đó, cõi Phật cũng nhiều như thế thì có phải là nhiều chăng?
Rất nhiều rồi, chỉ số cát trong một sông Hằng đã tính không hết, rồi bao nhiêu số cát là bấy nhiêu sông Hằng. Lại cộng hết số cát của tất cả sông Hằng đó, cõi Phật cũng nhiều như vậy thì không thể tính kể được hết. Trưởng lão Tu Bồ Đề bạch:
- Bạch Thế Tôn!Rất là nhiều.
Phật bảo:
Tu Bồ Đề, chúng sanh trong những cõi nước nhiều như thế có bao nhiêu thứ tâm Như Lai thảy đều biết hết, tại sao? Như Lai nói các tâm tức không phải tâm đó gọi là tâm.
Vậy Phật có biết không? Biết mà còn biết sâu xa hơn chúng sanh nữa, nghĩa là trong đó bao nhiêu thứ tâm Phật biết hết. Còn chúng ta, tâm mình còn không biết hết.
Một đoạn khác nói về công đức của Kinh, Đức Phật bảo:
- Nếu có người hay thọ trì đọc tụng rộng vì người mà nói thì Như Lai biết hết người đó, thấy hết người đó đều được thành tựu công đức chẳng thể lường, chẳng thể cân, không có bờ mé, chẳng thể nghĩ bàn.
Tức là Phật biết hết thấy hết công đức của người đó, vậy tại sao mình lại phủ nhận, không dám nói biết.
Một đoạn khác Phật nói: Nếu Bồ Tát tâm chẳng trụ nơi pháp mà thực hành bố thí, như người có mắt sáng, ánh sáng mặt trời soi tỏ thấy mọi thứ sắc. Tu Bồ Đề, đời sau này nếu có người thiện nam, người thiện nữ hay thọ trì đọc tụng kinh này thì ắt Như Lai dùng trí tuệ Phật biết hết người ấy, thấy hết người ấy đều thành tựu công đức vô lượng vô biên.
Tức là Đức Phật biết và biết rất rõ. Tức là Kinh xác định Phật đâu có thiếu.
Kinh Pháp Hoa nói: Bản hoài của chư Phật ra đời là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Tri kiến Phật tức là cái thấy biết giác ngộ, vậy thì cũng đâu có phủ nhận cái biết. Tại sao chúng ta không dám nhận.
Kinh Duy Ma Cật có đoạn nói: Hãy khéo phân biệt tướng các pháp, mà đối nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động. Phân biệt hết tướng các pháp tức là không phủ nhận cái biết, nhưng quan trọng là đối với đệ nhất nghĩa vẫn chẳng động. Biết tất cả nhưng không rời khỏi nghĩa đệ nhất thì cái biết đó mới là cái biết của Phật. Còn chúng ta biết đủ thứ nhưng mất đệ nhất nghĩa thành ra cái biết mê, đó là chỗ sai lầm.
Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng bảo rằng: Này thiện tri thức! Ở trên các cảnh mà tâm chẳng nhiễm là vô niệm. Ở trên các niệm của chính mình mà thường lìa các cảnh chẳng ở trên cảnh sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, trừ sạch hết niệm, một niệm dứt bặt liền chết thọ sanh vào chỗ khác, đó là lầm to.
Vậy, Lục Tổ nói vô niệm không phải dứt hết trăm vật, không có nghĩ, không có biết gì hết. Trừ sạch hết niệm như vậy là một niệm dứt bặt thì liền chết, chết là thọ sanh đời khác. Quan trọng là ngay trên niệm của chính mình mà thường lìa các cảnh mới là vô niệm. Vậy vô niệm là biết, không phải là không biết; biết nhưng không dính các cảnh. Như vậy để cho thấy từ Phật đến Tổ, từ Kinh cho đến Thiền đều không rời khỏi cái biết.
Trong nhà thiền có vị Tăng hỏi hòa thượng Triệu Châu:
- Khi học nhơn hoàn toàn chẳng lãnh hội thì thế nào?
Ngài Triệu Châu đáp:
- Ta cũng trọn chẳng lãnh hội.
Ông không lãnh hôi, ta cũng không lãnh hội luôn, vậy có biết không? Đừng nghe nói không lãnh hội tưởng là không biết gì hết.
Tăng thưa:
- Vậy Hòa thượng biết có hay không?
Ngài Triệu Châu đáp:
- Ta chẳng phải khúc gỗ làm sao mà chẳng biết.
Ông tăng thưa:
- Rất khéo chẳng hội.
Sư liền vỗ tay cười.
Vậy tuy nói không lãnh hội mà có biết không? Nói gì nói, nói không biết, nói không lãnh hội cũng là ngôn ngữ, cần không mắc kẹt trên ngôn ngữ. Nghe nói không lãnh hội tưởng không biết gì hết, đó là lầm theo ngôn ngữ, chứ làm gì nói gì cũng không rời khỏi cái biết. Quan trọng là phải nhận rõ cho thấu cái biết thật sáng suốt.
Ngài Khuê Phong có câu: Tri chi nhất tự chúng diệu chi môn. Một chữ biết là cửa của các thứ nhiệm mầu, nhưng cũng có người nói lại: Tri chi nhất tự chúng họa chi môn,cũng một chữ biết là cửa của các thứ họa. Cũng là cái biết nhưng nó là cửa của các thứ nhiệm mầu, và cũng là cửa của các thứ họa. Chúng ta phải sáng suốt để nhận rõ ràng. Chính mình biết đủ thứ hết, biết phải, biết quấy, biết hơn, biết thua, biết nhân, biết ngã…đó là các thứ họa, cửa họa.
Còn, biết tất cả mà lìa tất cả, phân biệt tất cả pháp mà không rời nghĩa đệ nhất thì đó là cửa của các thứ nhiệm mầu. Ngay “ cái biết này” là cửa đi vào khổ đau sinh tử luân hồi, cũng ngay “ cái biết này” là cửa ra khỏi luân hồi trở về quê hương của mình, hay gọi là trở về tâm Tổ.
- Hòa thượng Triệu Châu cũng xác định: Ta chẳng phải khúc gỗ làm sao mà chẳng biết. Vậy tại sao lại chê?
Thí dụ người tu thiền theo đường lối Hòa thượng hướng dẫn lâu nay, ngài cũng dạy Biết vọng; có nhiều người chê, còn biết vọng là còn dở. Nhưng người chê đó thì có rời khỏi cái biết chăng?Nên nhớ các Ngài nói không biết, hoặc là nói chẳng lãnh hội chỉ là ngôn ngữ biểu hiện thôi, chứ khi nói ra đã có biết rồi. Khi nói không lãnh hội là ngăn ngừa chúng ta hiểu theo kiến giải của thức phân biệt. Còn quý ngài nhận thấu đến chỗ vô phân biệt . Các Ngài nói không lãnh hội là vậy chứ không phải không biết gì hết. Phải thấy được ý đó.
Có vị tăng hỏi Hòa thượng Quy Sơn:
- Thế nào là đạo?
Sư đáp:
- Không tâm là đạo.
Tăng thưa:
- Con chẳng lãnh hội.
Ngài Quy Sơn bảo:
- Ông hãy hội lấy cái chẳng hội đó là tốt.
Ngay cái chẳng lãnh hội đó liền hội lấy là xong, bởi vì khi ông nói không hội, tức là tâm không có chỗ để duyên. Tâm không chỗ duyên thì ngay chính đó là gì, ông hội là xong, khỏi cần tìm đâu xa. Tổ chỉ rất xác thực mà chúng ta chạy theo ngôn ngữ nên bị ngôn ngữ lừa. Nếu thấy thấu qua ngôn ngữ đạt ý quên lời thì hiểu thấu được ý của các ngài, không phải lo ngại gì hết. Hiểu vậy rồi không sợ ai chê.
Từ Kinh tới Thiền, từ Thánh tới phàm đều không rời cái biết. Cũng như khi đức Phật thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỗ chứng của ngài khó thấy khó biết nhưng cũng không rời khỏi cái biết. Ngài có nhất thiết chủng trí là có biết rồi, nhưng cái biết của Ngài vượt hơn những cái biết thường tình của thế gian, chứ không phải không biết gì hết.
Bồ Tát thì có vô phân biệt trí hoặc sai biệt trí, như Bồ Tát Văn Thù tượng trưng vô phân biệt trí hay căn bản trí, Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho sai biệt trí , như vậy đâu không phải không biết gì hết , chỉ là chỗ dùng của các Ngài có sâu cạn đối với phàm phu thôi. Phàm phu thì dùng cạn, còn chỗ dùng của các Ngài thì sâu xa, phàm phu theo không kịp nói là không biết chứ không phải các Ngài không biết gì hết. Khi học là dùng thức, chúng ta chê thức muốn nhận trí, nhưng dầu nói thức nói trí cũng đâu rời khỏi cái biết, thức cũng là b iết mà trí cũng là biết.
Kinh Lăng Già giải thích rất rõ thế nào là thức, thế nào là trí. Kinh nói sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí. Đơn giản. Vậy cái biết sanh diệt thuộc về thức, cái biết không sanh diệt là thuộc về trí. Chúng ta thường dùng cái biết sanh diệt, đó là có khởi cái biết. Có khởi tức là sanh, có sanh tức là có diệt, đó là cái biết của thức. Còn cái biết của trí là chẳng sanh chẳng diệt cho nên rõ ràng thường biết.
Như Tổ Huệ Khả thưa với Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Con rõ ràng thường biết” thì đâu có rơi vào đoạn diệt. Lẽ thật như vậy. Hiểu kỹ rồi mới thấy mỗi người có một cái biết sâu xa vậy mà không nhận. Người công phu dần dần sẽ thấy nó càng vi tế. Ban đầu còn yếu, những vọng niệm khởi lên có khi biết theo đuôi của nó, nói khởi một lúc mới biết. Nếu công phu càng lúc càng tinh tế thì vừa khởi niệm lên là biết liền. Biết liền tức là nó có trước niệm cho nên niệm khởi nó mới biết, chứ nó có đồng thời với niệm hoặc sau niệm thì biết không kịp.
Đây là chỗ quan trọng mà ít ai để ý. Trước khi động niệm nó đã sẵn rồi vậy là nó thuộc về trí, nó không thuộc về sinh diệt. Mà trí thì biết suốt cả thức, nhưng thức thì không thể biết thấu đến trí. Như vậy muốn đạt đạo cần phải nhảy qua cái thức mới không lầm, gọi là biết khắp mà không có gì dối được. Cho nên nói:” Bát nhã vô tri, vô sở bất tri”. Vô tri tức là khong biết, vô sở bất tri là không có cái gì chẳng biết. Tức là cái biết tinh tế cùng khắp.
Có ông tăng hỏi ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng:
- Như gương đúc thành tượng, tại sao khi thành tượng rồi thì nó không chiếu soi.
Tức là khi để cái gương thì nó chiếu soi, lúc đúc thành tượng thấy dường như nó không chiếu soi.
Ngài nói:
- Tuy không chiếu soi nhưng dối y một điểm cũng không thể được.
Tuy thấy dường như là không chiếu soi gì hết mà dối nó một điểm cũng không thể được. Nó biết tinh tế đến vậy đó. Chỗ này gọi là Bát nhã vô tri vô sở bất tri. Tức là trí vô phân biệt thì không phân biệt theo tình thức nên gọi là vô tri;nhưng vô sở bất tri không có một điểm nào qua mặt được nó. Nó biết rất sáng, vậy mới là thường biết.
Còn chúng ta thì cả cái nhà nó dối cũng được. Thành ra cái biết của chúng ta còn thô. Nói nhiều không bằng thực hành ít. Bao nhiêu đây mà mỗi người khéo quán cho kỹ cho thấy đáo thì sống suốt đời không hết đến cả đời sau.
Cuối cùng chốt lại chỉ một cái biết suốt thấu cả xưa nay. Thánh phàm đều không ra khỏi; dù anh chấp nhận hay không chấp nhận cũng vậy. Khi phủ nhận tức là có biết anh mới phủ nhận được , anh như cây gỗ làm sao anh phủ nhận được. Vậy khi anh phủ nhận nó chính là anh dùng nó rồi. Thấy thấu suốt rồi thì không có gì phải nghi ngờ, nhưng ít ai sáng tỏ nên nghe người ta chê thì hơi nghi ngờ, có khi muốn chối bỏ nó. Hiểu rồi thì đủ niềm tin.
Làm thế nào thì cũng không ai chạy khỏi nó hết, dù chấp nhận hay không chấp nhận, dù chê bai, dù chối bỏ nó cũng nằm trong nó, không thể rời khỏi nó, như vậy chỉ còn cách soi lại là xong. Đúng với câu” Hồi đầu thị ngạn”, quay đầu là bờ. Không quay đầu, xoay lưng với nó cứ chạy hoài nói gì nói cũng không rời khỏi nó mà cứ lăng xăng hoài.
Và tất cả quý huynh đệ nên nhớ kỹ điều này, đây là căn bản là yếu chỉ: “ Cái biết chân thật thì không gì có thể phá hoại được. Cái phá hoại được thì không phải cái chân thật.” Nắm vững điều này thì không ai qua được hết, tu cũng không sợ lạc. Đó là lẽ thật, tại sao không dám nhận?
Hiểu thấu như vậy, không còn cái gì để chúng ta nghi ngờ lẽ thật xưa nay, nó luôn hiện hữu chưa từng thiếu vắng bao giờ. Mỗi người mỗi người ai cũng đều có của báu vô giá mà không biết dùng, lại đi dùng những thứ hư dối giống như ngói gạch, rồi hồi hộp lo sợ mất. Còn của báu vô giá không chịu dùng thì kiểm lại xem tại sao?
Kiểm lại lần nữa, chúng ta sống hiện tại sợ đủ thứ: Sợ nó ốm, sợ nó đau, sợ nó hư hoại, sợ nó thiệt thòi, sợ nó bị chê..sợ đủ thứ trên đời. Chính vì sợ nhiều quá nên mới đến chùa mua bảo hiểm. Thành ra có của báu mà không biết dùng, của báu này không ai giành được thì còn gì phải sợ! Của báu này là cái biết chân thật trước khi động niệm. Vô thường cũng không tranh với nó được. Vậy là quá tuyệt trên thế gian này rồi, đâu có gì hơn nữa nên gọi là vô giá!
Vậy mà mọi người không biết nhận để dùng, đó là cái rất lầm rất đau. Kiểm lại coi hằng ngày chúng ta sống với cái gì? Nói thẳng ra là đem cái hư dối sống với nhau, tức là sống với tâm hư dối chứ gì. Vọng tâm là tâm hư dối, sống với nhau bằng cái hư dối, chưa đem cái thật sống với nhau cho nên sanh đủ thứ chuyện. Nếu dùng cái thật sống với nhau thì hết mọi chuyện rắc rối trên đời, thiên hạ thái bình.
Như vậy mỗi người cần thắp sáng lên ánh sáng chân thật này để cùng nhau cúng Tổ thì quá hay, tình huynh đệ rất ấm áp.
Vậy mong tất cả đồng nhất tâm thành kính cúng Tổ cho buổi giỗ Tổ đạt thêm nhiều ý nghĩa.
TT.Thích Thông Phương
Các bài mới
- Chơn tâm sờ sờ - 09/06/2022
- Thực tại sáng ngời muôn thưở - 25/05/2022
- Ý nghĩa điên đảo - 28/04/2020
- Tỉnh mộng - 17/10/2019
- Tâm sanh các pháp sanh - 07/10/2019
Các bài đã đăng
- Phật là gì - 16/05/2019
- Hãy ngu đi - 24/03/2019
- Cửa thiền hé mở - 14/03/2019
- Bài học giác ngộ - 12/01/2019
- Yếu chỉ minh tâm - 02/01/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 99406
- Online: 17