Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P1: Chân lý phổ biến

25/08/2019 | Lượt xem: 1810

HT.Thích Thanh Từ

Chánh Văn:

Phật pháp là những điều đức Phật chứng kiến được sau khi giác ngộ, đem chỗ chứng kiến ấy nói lại để cho mọi người hiểu biết để dứt sạch mê lầm và giác ngộ như Ngài. Chính từ chỗ chứng kiến của Ngài nói ra, không phải do suy tư phỏng đoán như nhiều triết thuyết khác. Vì thế, Phật pháp là những chân lý, tùy trình độ của người, Phật nói có sai biệt: Chân lý phổ biến, Chân lý tương đối, Chân lý tuyệt đối.

Giảng:

Có nhiều người không hiểu đạo Phật, họ phê bình đạo Phật là bi quan yếm thế, là mê tín dị đoan v.v... Đó là tại vì họ không hiểu, chớ sự thật đạo Phật không phải như vậy. Tại sao? Vì đức Phật là người giác ngộ. Đạo là phương pháp hay là một con đường, Phật là giác ngộ. Nói tới đạo Phật tức là nói tới phương pháp giác ngộ. Giác ngộ thì không có mê tín, mê tín thì không phải giác ngộ. Mê thì không phải giác mà giác thì không phải mê, nó rõ ràng như vậy. Nói đạo Phật là mê tín, đó là lầm. Mê tín là tại một số cá nhân họ làm sai, họ đi theo sự mê tín, chứ đạo Phật chân chánh không phải là mê tín. Đạo Phật giác ngộ thì mê tín chỗ nào? Tại sao nói đạo Phật không mê tín? Bởi vì đức Phật do sau khi giác ngộ chứng kiến sự thật rồi mới nói. Chứng kiến tức là thấy được, nhận được mà nói chứ không phải nghe hoặc suy nghĩ mà nói. Có những triết gia người ta suy luận, nói ra những lý thuyết chúng ta nghe thấy hay, nhưng mà sau đó có khi sai. Còn đức Phật không suy luận mà nói, cái gì Ngài thấy được, nhận được Ngài mới nói. Cho nên trong kinh Trung A Hàm có bài kinh đức Phật nói rằng: "Ta thấy chúng sanh sanh tử luân hồi như người ngồi trên tầng lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ đi bên đông, người đi bên tây, thấy rõ ràng". Những lời Phật nói đó do thấy mà nói chớ không phải do suy luận mà nói. Cho nên ở đây, chúng tôi dùng chữ chứng kiến chớ không dùng chữ suy luận. Mà đã chứng kiến thì đó là sự thật, là chân lý chớ không phải là chuyện mê mờ. Nếu mà lý luận với nhau bằng suy tưởng thì ngày nay mình lý luận có lý nhưng mai mốt nó lại sai đi. Còn cái thấy được nói ra thì không bao giờ sai, vì đó là lẽ thật. Phật pháp là chân lý chớ không phải là chuyện mơ màng.

Trong những chân lý đó, tôi nêu lên ba chân lý:

1. Chân lý phổ biến là chân lý trùm khắp hết.

2. Chân lý tương đối có hai mặt: phải quấy, tối sáng v.v... luôn luôn đối đãi nhau.

3. Chân lý tuyệt đối là cứu cánh.

Học Phật phải hiểu ba chân lý này.

***

 

I. CHÂN LÝ PHỔ BIẾN

Chánh Văn:

Chân lý phổ biến là những sự thật hiện hữu tràn đầy trên vạn vật. Những sự thật ấy đức Phật chỉ ra, chúng ta chịu khó khảo sát một cách tinh tế sẽ thấy hiển nhiên không sai lệch. Trước hết nhìn theo dòng thời gian, Phật nói:

1. NHÂN QUẢ

Tất cả sự vật có hình tướng, có tác động đều hình thành bằng nhân quả. Nhân quả trùm khắp cả mọi sự vật, không một sự vật nào có thể thoát ngoài nhân quả được. Song trong nhân đến quả có chánh nhân, trợ nhân, thuận nhân, nghịch nhân nên trở thành vấn đề phức tạp. Lại có những trường hợp vì nhân quá nhỏ nhiệm, nhân xa xôi khiến người ta không thể thấy, không thể nhớ mà biến thành khó hiểu. Chúng ta thử nhìn từ lãnh vực thực vật, động vật... để minh chứng lý nhân quả.

Giảng:

Đứng về thời gian, đức Phật nói chân lý phổ biến là nhân quả. Chân lý phổ biến tức là trên tất cả sự vật hiện hữu này, cái nào cũng nằm trong đó hết. Ở nhân gian này quý vị thử chỉ coi cái nào có hình tướng mà không phải nhân quả. Nếu có một cái có hình tướng mà không phải nhân quả là lời đức Phật nói chưa phải là chân lý. Bởi vì nói về nhân quả thì thế gian này không có gì thoát ngoài nhân quả được hết.

Chúng ta nói cho tôi ăn cơm là nói quả. Hỏi tại sao đòi ăn cơm? Trả lời vì đói bụng. Đói bụng là nhân, đòi ăn cơm là quả. Tất cả lý luận ở thế gian đều luôn luôn đặt câu hỏi tại sao? Vì sao? Đều là nhân quả hết.

Từ cái nhân đưa tới cái quả, cái gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân rồi mới có quả. Như cái nhà là quả. Hỏi tại sao có cái nhà? Do có thợ nề, có thợ mộc, có gỗ, có xi măng, có gạch... ráp lại thành cái nhà. Những cái đó là nhân, thành cái nhà là quả.

Hỏi tại sao có con người? Cha mẹ là nhân, thành con người là quả. Nói tóm lại trên thế gian này không có cái gì ngoài nhân quả hết. Cho tới một lời nói, một ý nghĩ cũng đều có nhân quả nữa. Mình mở miệng nói cái gì cũng đều có nhân quả, chớ không phải khi không mà có. Nghĩa là thành một câu nói, thành một lý luận đều nằm trong nhân quả. Thí dụ như nói tôi không thích chị đó. Hỏi tại sao không thích là hỏi cái nhân, trả lời lý do này lý do kia tức là chỉ cái nhân. Thế gian hay nói tại cái này, tại cái kia. Tại là chỉ cái nhân. Thí dụ chúng ta đi ngã té. Ngã té là cái quả. Hỏi tại sao té là tìm cái nhân. Hoặc vấp cục đất, hoặc bị ai xô, hoặc cái gì đó; có cái nhân nó mới té. Như vậy quý vị thấy ở thế gian này có cái gì thoát ngoài nhân quả đâu.

Từ ngôn ngữ nói năng, hành động cho tới sự vật đều không ngoài nhân quả. Có cái cây tức nhiên là có cái hạt, từ cái hạt lên cây. Nếu không có cái hạt cũng là cái nhánh, không phải cái nhánh cũng là cái lá nẩy lên cái cây. Có cái nhân rồi mới thành quả, chớ không bao giờ khi không mà có. Ai nói khi không mà có là không hiểu nhân quả. Cho nên người Phật tử tránh nói thế này, như gặp cái gì tốt thì nói: May quá, tôi được cái này. Gặp cái xấu thì nói: Rủi quá, tôi bị cái đó. Nếu nói may nói rủi thì không có nhân quả. Không có may rủi mà là được cái gì tốt là phước. Tôi có phước được điều này. Tại sao có phước? Vì biết làm lành nên được quả lành. Gặp điều khổ thì hỏi tại sao khổ? Tại vì làm ác nên bị quả khổ. Có nhân xấu bị quả xấu, có nhân tốt được quả tốt. Đó là có nhân quả có quả chớ không phải khi không mà có. Nhưng người ta không chịu nhớ nguyên nhân mà cứ gặp cái tốt thì nói may, gặp cái xấu thì nói rủi, đó là phủ nhận nhân quả, là trái với đạo lý của đạo Phật.

Tôi xin hỏi quý vị tất cả thế gian này có cái gì thoát ngoài nhân quả không? Nếu có một cái gì thoát ngoài nhân quả thì nhân quả Phật nói không phải là chân lý. Còn nếu không có cái gì thoát ngoài nhân quả thì nhân quả là chân lý chứ gì? Hiện tại như vậy, vị lai như vậy, quá khứ như vậy. Hồi xưa do nhân quả mà có cả thế gian, ngày nay cũng do nhân quả mà có cả thế gian, ngày mai cũng vậy. Quá khứ, hiện tại, vị lai đều như vậy không phải chân lý là gì?

Bây giờ quý vị thử tìm hết tất cả hiện tượng ở đây coi. Như mưa, hỏi tại sao mưa? Hồi xưa chúng ta nói trời mưa, bây giờ khoa học giải thích do hơi nước bốc lên. Hơi nước là nhân, đọng lại rơi xuống thành mưa là quả. Như vậy nhân quả là khoa học chớ không phải mê tín. Hoặc thấy sấm sét, hồi xưa hỏi tại sao có sấm sét? Chúng ta không hiểu nhân quả nên nói thiên lôi đánh, bây giờ khoa học giải thích do điện âm điện dương chạm nhau nên có sấm sét. Từ cái quả sấm sét tìm ra cái nhân là điện âm điện dương chạm nhau.

Như vậy chúng ta thấy lý nhân quả rất khoa học chớ không phải mê tín. Tin nhân quả là chánh tín, không tin nhân quả là mê tín. Hầu hết Phật tử không tin nhân quả mà tin những chuyện viển vông đâu đâu. 

Về y học, hồi xưa chúng ta thấy một người trùm mền run bây bẩy thì nói chắc bị bà thủy bà hỏa gì quở rồi. Nhưng bây giờ khoa học có chấp nhận bà thủy bà hỏa đâu, mà biết hiện tượng đó là rét. Rét là có vi trùng, có vi trùng rét mới có hiện tượng run. Vi trùng là nhân, hiện tượng run rẩy là quả. Trên cái quả nào cũng có cái nhân hết. Nếu không có nguyên nhân thì thầy thuốc bó tay, làm sao trị được. Thầy thuốc luôn tìm nguyên nhân. Trị hết nguyên nhân thì quả tự hết. Như vậy tất cả ở thế gian này quý vị thấy khoa học phát minh cũng là nhân quả chứ gì?

Từ những hiện tượng là quả phăng lần tới nhân, rồi cái nhân này tìm tới cái nhân vi tế. Nhân vi tế chừng nào thì phát minh sâu chừng nấy. Thí dụ từ những hạt bụi li ti rồi tìm cho tới những nguyên tử, điện tử, v.v... Đó là từ cái quả phăng tới cái nhân hết sức nhỏ li ti ở trong.

Như vậy chúng ta mới thấy nhân quả rất khoa học, rất thực tế, không phải là chuyện mê tín dị đoan. Nhân quả trùm cả thế gian, không có gì thoát ngoài hết. Chúng tôi gọi nhân quả là chân lý phổ biến.

Nhưng nói nhân quả là đứng về thời gian. Thí dụ bây giờ mình té thì mình biết trước đó một phút hai phút, một giây hai giây có cái gì xảy ra nên mới có hiện tượng té, hoặc vấp cục đất hoặc bị ai xô, luôn luôn nhân trước quả sau, đó là chiều thời gian.

Bây giờ dẫn chứng để quý vị thấy rõ hơn nhân quả qua các lãnh vực.

Chánh Văn:

a) Về thực vật. Không một thứ cây loại cỏ nào mà chẳng từ nhân thành quả. Hoặc có thứ nhân của nó là hạt, có thứ nhân nó là lá, có thứ nhân nó là ngọn, có thứ nhân nó là rễ, là thân. Từ cái nhân ấy nẩy mầm sanh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả. Không có loài thực vật nào ngẫu nhiên không nhân thành quả.

Giảng:

Đứng về lãnh vực thực vật, chúng ta nhìn thấy có cây nào mà ngẫu nhiên có đâu, chính hồi xưa tôi có viết một bài "nhân hoa mà quả cỏ". Nghe câu nói ngược ngạo không? Lúc đó chúng tôi ở thất có người Phật tử đem cho tôi một ít hạt hoa Đà Lạt mà tôi thích. Tôi xới đất, làm cỏ sạch sẽ sẵn sàng rồi tôi ương hạt hoa. Ít bữa thấy lên lấm tấm tôi mừng nghĩ hoa lên rồi, nhưng không ngờ là cỏ. Cho nên tôi viết bài "nhân hoa mà quả cỏ". Tại sao nhân quả nó ngược ngạo vậy? Tại vì khi tôi ương hạt hoa nhưng không khéo giữ kiến. Kiến thích hạt hoa cho nên tha hết, ở dưới đất đã có hạt cỏ sẵn. Tối ngày tôi tưới hạt cỏ mọc lên, thấy mầm lên tôi tưởng là hoa, không ngờ là cỏ.

Bài đó tôi viết để nhắc nhở những người khi làm điều lành là gieo nhân lành, nhưng mà lâu lâu người ta trả lại cái dữ cho mình, khiến mình tức tối! Nhưng mà không ngờ khi làm điều lành đó, mình không khéo giữ. Thí dụ có những người thường giúp đỡ người khác lại ỷ mình là người có công giúp đỡ nên lên mặt chị cả khinh khi người ta. Cái đó mình đâu có để ý. Lâu ngày người ta nói chị đó phách lối, họ ghét. Thành ra làm lành mà bị quả dữ, chừng đó mình hối hận. Hỏi tại sao? Mình cho rằng lý nhân quả không đúng mà không ngờ tại không khéo gìn giữ. Cũng như tôi, tại không khéo giữ kiến cho nên gieo nhân hoa mà được quả cỏ.

Quý vị phải hiểu nhân quả cho kỹ như vậy, chớ không thì chúng ta bị lầm, từ cái nhân tốt mà mắc cái quả xấu. Chính bây giờ có nhiều Phật tử cũng trách như vậy đó. Tại sao tôi ăn ở hiền lành, tôi biết đi chùa, cúng Phật, biết tụng kinh mà gặp tai nạn hoài? Nói vậy có nghĩa là không tin nhân quả rồi. Tôi làm lành, ở tốt như vậy lẽ ra gặp điều lành điều tốt, sao gặp điều xấu điều dữ? Đó là những điều mà sau này tôi sẽ giải thích.

Chánh Văn:

Ví dụ, hạt cam là nhân, lên thành cây cam có trái cam là quả. Hạt ớt là nhân, lên thành cây ớt có trái ớt là quả... Có nhân ắt phải có quả.

Giảng:

Câu này người ta thường hay lầm, nói nhân nào thì quả nấy, có nhân ắt phải có quả. Như vậy coi như là xác định, nhưng có hai ba trường hợp; như mấy người biết tháp cây, nhân cây này mà tháp qua nhánh khác thì thành cây khác. Như vậy nhân này mà quả khác thì biết mình có thể chuyển được.

Nhân quả có thể chuyển được cho nên nói:

Chánh Văn:

Song trong ấy còn tùy thuộc thuận nhân hay nghịch nhân, mà thành quả hay bất thành quả.

Giảng:

Nếu nhân gặp những điều kiện thuận thì nó thành quả, còn nếu gặp điều kiện nghịch thì nó không thành quả. Nói như vậy thì quý vị nên hiểu rõ hơn về lý nhân quả. Trong khi gieo nhân lành mình phải nuôi dưỡng, phải bảo vệ nó mới thành quả lành. Khi gieo nhân lành rồi, không biết nuôi dưỡng nhiều khi quả lành nó mất mình không hay. Đó là trường hợp tôi nói hồi nãy. Nhân hoa mà quả cỏ vì không biết bảo vệ, không biết gìn giữ.

Hoặc ngược lại, thí dụ mình ương hạt cam mới lên mầm, mình vun phân tưới nước thì nó tốt. Nhưng bất thần có con dế cắn ngang thì nó hư. Con dế đối với cái nhân này là nghịch nhân, cây cam không thành được. Tuy có hạt, tuy nảy mầm mà không thể thành cây cam vì bị nghịch nhân.

Cũng vậy, chúng ta làm lành muốn có quả lành, nhưng nửa chừng chúng ta làm ngược lại thì quả lành bị mất. Hoặc chúng ta làm ác, lý đáng có quả ác, nhưng nửa chừng chúng ta làm ngược lại thì quả ác mất. Cho nên nhân quả linh động chớ không nhất định cứng khằn. Nếu cứng khằn thì chúng ta làm dữ, cái dữ sẽ tới với chúng ta, chúng ta làm lành, cái lành nó tới với chúng ta. Nhưng trong khi làm lành, nửa chừng chúng ta làm dữ thì quả lành mất. Có hai gia đình ở gần nhau, gia đình ông A thì cố tình làm lành đối với gia đình ông B. Ngày nào cũng sẵn sàng mọi phương tiện giúp đỡ, giúp được năm năm, ba năm bất thần ông B làm mất lòng ông A. Ông A không dằn được, nổi nóng chửi đánh. Khi ông A chửi đánh thì cái ơn mấy năm nay của ông B còn không? Mất hết. Như vậy cái nhân lành ông A vun bón mấy năm mà chỉ có cái nhân dữ ngược lại trong vòng vài tiếng đồng hồ thì mất quả lành. Nhân lành bị hoại, nhân dữ có bị hoại không? Cũng bị hoại.

Nếu chúng ta xử sự với người láng giềng xấu, đó là gieo nhân dữ rồi. Bây giờ người láng giềng gặp tai nạn rất trầm trọng, chúng ta hy sinh tận lực giúp đỡ, khi qua tai nạn đó họ còn giận chúng ta không? - Hết. Những cái xấu của chúng ta ngày xưa ngang đó họ xóa liền. Như vậy cái nhân dữ cũng được chuyển.

Nhân lành bị chuyển thì nhân dữ cũng được chuyển. Do đó mới nói vấn đề tu, nếu không chuyển được thì tu làm gì? Chúng ta lỡ làm điều gì dở rồi thì làm những điều lành ngược lại để chuyển cái dở. Giá trị tu là ở chỗ đó. Từ nhân này chuyển qua nhân khác. Từ nhân xấu chuyển thành quả tốt. Từ quả xấu chuyển lần lần để không thành quả xấu nữa. Hiểu được lẽ đó rồi chúng ta mới thấy giá trị của sự tu.

Nhân có thuận và nghịch. Nghịch có hai chiều: nghịch của cái thiện và nghịch của cái ác. Nếu làm thiện mà có cái ác nghịch lại thì cái thiện đó mất; làm ác mà có cái thiện nghịch lại thì cái ác đó mất. Nhân quả có nhiều thứ như vậy.

Chánh Văn:

Như có hạt cam là chánh nhân, có phân, đất, nước, ánh nắng... là trợ nhân, được săn sóc vun quén là thuận nhân, hạt cam ấy sẽ nẩy mầm sanh trưởng thành cây cam và có trái cam không sai. Ngược lại, có hạt cam mà thiếu phân đất nước ánh nắng... thì không thể nẩy mầm sanh cây cam, huống là có trái cam. Hoặc có hạt cam, có phân đất nước ánh nắng... mà thiếu người săn sóc vun quén thì có thể có cây cam mà khó mong có quả cam. Hoặc có hạt cam, có phân đất nước ánh nắng... có người vun quén, song bị sâu trùng ăn gốc, đục trong thân cây - nghịch nhân - thì cây cam ấy sẽ bị hoại. Hoặc có trường hợp dường như không nhân mà thành quả. Như chúng ta dọn sạch một thửa đất để trồng trọt. Thửa đất ấy, chúng ta cuốc không còn một gốc cỏ, lượm sạch không sót một cọng cỏ, ta tự cho là đất thật sạch. Thế mà, qua một vài trận mưa, chúng ta thấy từ lòng đất cỏ vọt lên lấm tấm đều hết. Cỏ này từ đâu đến? Phải chăng đất sanh cỏ? Thật không phải thế, bởi những hạt cỏ li ti đã nằm sẵn trong lòng đất mà mắt chúng ta không thể thấy. Gặp mưa, chúng nẩy mầm lên cây là lý đương nhiên. Đây là vì nhân nhỏ nhiệm chúng ta không thấy, nên có những nhận xét sai lầm.

Giảng:

Thường thường những người quê hay nói đất sanh cỏ. Sự thật là tại vì hạt cỏ nhỏ quá, nó nằm li ti không thấy được cho nên cỏ lên người ta không biết nên nói đất sanh cỏ. Nếu đất sanh cỏ thì trái với nhân quả rồi. Hạt cỏ sanh chớ không phải đất sanh cỏ, nhưng vì nó nhỏ nhiệm quá, không thể thấy được rồi tưởng như vậy.

Chánh Văn:

Lại có trường hợp khác, một hôm Tăng chúng trong chùa chúng tôi ra thăm vườn, bẻ được hai trái mãng cầu xiêm, từ hai cây mãng cầu cách nhau độ bốn thước tây. Khi xẻ ra ăn, cả chúng đều ngạc nhiên, trố mắt nhìn nhau, đặt câu hỏi: Tại sao cùng một loại, chung một thửa đất, mà trái này ngọt, trái kia chua? Mỗi người đều có giả thuyết khác nhau, riêng tôi chỉ cười thôi. Cuối cùng, tôi giải thích cho họ nghe: Sở dĩ hai cây cùng một loại, chung một thửa đất mà mùi vị khác nhau, do trước kia tôi lấy hạt của hai trái mãng cầu chua và ngọt ương trồng, nên kết quả như thế. Đó là vì nhân xa xôi khiến người ta không thể biết, nên sanh nghi ngờ. Bởi những lý do trên, nhân quả trở thành tế nhị phức tạp, nếu người nhận xét nông nổi đơn thuần thì khó thấu triệt được.

Giảng:

Thật ra nhân quả rất nhỏ nhiệm, rất là xa xôi khó mà biết, khó mà thấy hết. Bởi không biết, không thấy hết cho nên người ta cứ nói đơn giản bằng cách đổ thừa cái này đổ thừa cái nọ, may quá rủi quá. Cứ đổ thừa chứ không biết từ cái gì mà ra. Tại sao có sự tốt đó? Tại sao có sự xấu đó? Không tìm hết được, không thấu triệt được cho nên mới nói may mới nói rủi. Nói may nói rủi là hết tìm. Còn nếu nói cái này có cái nhân xa xôi gì đó, để từ từ mình tìm ra.

Như vậy nhân quả nó phức tạp chứ không phải đơn giản như người ta tưởng.

Chánh Văn:

b) Về động vật. Tất cả loài động vật hình thành cũng từ nhân đến quả. Có loài động vật nhân là trứng, có loài động vật nhân từ bào thai, có loài động vật nhân từ loài khác hóa ra. Không có loài động vật nào tự nhiên mà có, song có cũng tùy thuộc chánh nhân, trợ nhân, thuận nhân, nghịch nhân, sự sanh trưởng của nó được hoàn hảo hay suy kém, hoặc hoại diệt chẳng hạn.

Đây là nói nhân quả trên vạn vật có hình tướng. Chúng ta có thể khẳng định rằng “tất cả loài sanh vật trên quả địa cầu và cả quả địa cầu này đều nằm gọn trong lòng nhân quả”.

Giảng:

Quý vị thấy chẳng những con người, sự vật có mặt trên quả địa cầu này là từ nhân quả, mà kể cả quả địa cầu cũng từ nhân quả luôn. Giả sử có người hỏi quả địa cầu này từ cái gì mà thành? Trả lời sao? Hồi xưa người ta nói Tạo hóa tạo ra. Sự thật căn cứ vào khoa học mà nói thì trái đất chúng ta ở cũng từ những hạt bụi li ti hợp thành. Tóm lại đất, nước, gió, lửa hợp lại thành quả địa cầu. Vì người ta không hiểu tột cái nhân đó, rồi tự đặt ra giả thuyết. Như giả thuyết ông Hóa Công hay ông Tạo hóa làm ra là tùy theo giả thuyết người ta đặt, chứ sự thật đều là nhân quả. Như vậy từ con người, sự vật và quả địa cầu đều là nhân quả.

Chánh Văn:

c) Về tác động. Chẳng những nhân quả trùm khắp mọi loài mọi vật có hình tướng, mà nhân quả cũng bao gồm mọi tạo tác mọi hành động của mọi loài. Ở đây chúng ta chú mục vào loài người để thấy rõ nhân quả.

Những tác động về thân miệng của chúng ta có tánh cách lợi người, đem lại nguồn an vui cho người, là tác động lành. Nó sẽ mang lại cho ta sự an vui ngay hiện tại, hoặc sau này, gọi là quả lành. Những tác động có tánh cách thương tổn khiến người đau khổ, gọi là nhân dữ. Nó sẽ chuốc lấy sự đau khổ trở về ta ngay hiện tại, hoặc mai kia, gọi là quả dữ.

Ví dụ, chúng ta ra tay cứu giúp người hoạn nạn nguy khốn, qua cơn hoạn nạn họ vui vẻ cám ơn ta. Chính khi thấy họ an ổn, lòng chúng ta cũng vui lâng lâng. Mặc dù chúng ta không mong gì hơn nữa, song người thọ ơn bao giờ cũng nghĩ đến đền đáp, nếu gặp cơ hội tốt, họ sẽ đền ơn ta. Ngược lại, chúng ta làm thương tổn khiến người đau khổ, họ sẽ bực tức oán hờn phản kháng ta. Chính khi ấy lòng chúng ta cũng bị bất an. Nếu mai kia họ gặp dịp thuận tiện sẽ trả thù, khiến chúng ta bị khổ đau hơn, họ mới vừa lòng. Đó là nhân lành gặt quả lành, nhân dữ chịu quả dữ.

Nhưng cũng có những trường hợp dường như ngoại lệ, mà thật không phải. Như chúng ta đã gieo nhân lành hoặc dữ, mà suốt đời không gặt được kết quả; vì nhân chưa chín muồi mà báo thân chúng ta đã hoại, nhân ấy sẽ còn tiếp tục theo thời gian chớ không mất. Hoặc có khi chúng ta không gây nhân lại chịu quả. Vì nhân xa xôi còn lưu lại, chúng ta không nhớ.

Giảng:

Tới chỗ này tôi nói rõ để quý vị thấy tường tận nhân quả. Nhân quả có cái thấy ngay trong hiện tại, nhưng có cái thấy có nhân mà không có quả. Thí dụ một người có giá trị và hoàn cảnh tương đương với mình mà mình chửi họ, đương nhiên họ chửi lại mình. Còn nếu người giá trị họ kém hơn mình, thế lực họ yếu hơn mình, mình chửi họ, họ không dám chửi lại. Họ nhịn nhưng mà họ căm tức! Căm hờn để đó, chờ cơ hội giá trị họ bằng mình hoặc hơn mình thì lúc đó họ trả lại. Như vậy có quả liền sau khi gây nhân, có quả lại xa chẳng có liền, mình tưởng như có nhân mà không có quả. Có nhân thì sớm muộn gì cũng có quả, trừ khi mình biết tạo nghịch duyên làm cho nó tan hoại đi thì không có.

Thí dụ mình nghe anh Xoài nói anh Mít có ý xấu với mình rồi mình nổi tức lên, khi gặp anh Mít mình liền mắng chửi. Khi mắng chửi anh Mít, anh ấy còn yếu thế hơn nên anh nhịn nhưng trong lòng căm hờn. Cái nhân thù hằn đó anh chưa quên được, anh định chờ cơ hội trả thù. Nhưng một hôm mình nghe lại chuyện hôm trước là lầm, bây giờ mình ăn năn hối hận, việc làm đó là việc bậy, nghe sai mà mình mắng chửi người ta như vậy là mình lỗi. Liền tới xin lỗi, hôm đó tôi mắng chửi anh vì tôi nghe sai, tôi có lỗi, xin anh tha lỗi. Gan dạ xin lỗi thì cái căm hờn đó mất đi. Thái độ biết hối hận sửa đổi đó có thể chuyển quả xấu trở thành không có quả, tức là làm một cái ngược lại để phá tan cái quả xấu đi.

Có khi cái nhân nhỏ mà cái quả to, có khi cái nhân to mà quả nhỏ tùy theo hành động của mình. Từ nhân tới quả mình biết làm cho tăng trưởng hay làm cho tiêu mòn, đó là cái khéo của mình.

Biết nhân quả thì chúng ta lúc nào cũng tu hết, bởi vì mỗi tác động của mình đều có quả. Tác động lành thì có quả lành, tác động dữ thì có quả dữ. Chúng ta biết tránh cái nhân dữ thì giờ phút nào cũng biết tu. 

Chánh Văn:

Tác động của ý còn thầm lặng bên trong chưa phát lộ ra, song nó rất nguy hiểm. Vì thân miệng đều do nó chủ động sai khiến. Nó dấy nhân lành thì thân miệng theo đó tạo nhân lành, nó dấy nhân dữ thì thân miệng theo đó tạo nhân dữ. Cho nên, người hiểu lẽ nhân quả đối với tác động của ý, phải dè dặt tối đa. Tác động của ý có nhân quả cũng y hệt thân miệng.

Tuy nhiên, nhân quả, không phải đơn giản như nhiều người đã hiểu “gây nhân lành được quả lành, tạo nhân dữ bị quả dữ”. Vẫn có những trường hợp dường như trái lại. Bởi vì nhân quả là một dòng biến động theo thời gian. Thời gian có quá khứ, hiện tại, vị lai thì nhân quả không thể chặn một quãng mà đoán định được. Chúng ta muốn hiểu thấu đáo nhân quả phải căn cứ vào ba thời mà khảo sát. Nắm chắc lý nhân quả, chúng ta sẽ có sức tự tín mãnh liệt, vì không còn lệ thuộc vào sức thiêng liêng bên ngoài. Chúng ta tự nhận là chủ nhân ông toàn cả cuộc đời của mình.

Nhân quả là dòng biến động sanh diệt tiếp nối, nên nó là hiện thân của Vô thường. Vì vô thường nên mãi lăn lộn trong vòng sanh diệt, cũng là thành quả của luân hồi. Chủ thuyết nhân quả không phải cố định cứng khằng, mà linh động thăng giáng, tùy theo sự đủ thiếu các nhân của nó. Người học Phật nhận chắc lý nhân quả, là đã có căn bản vững vàng trên đường tiến tu. Đồng thời cũng gạt phắt những thuyết mê tín vu vơ như: đồng bóng, bói xăm, tướng số, may rủi... Vì biết rõ mọi tác động đẹp xấu của chúng ta, sẽ cải tạo xây dựng một cuộc đời vui khổ trong hiện tại và vị lai. Còn băn khoăn trông đợi, thắc mắc điều gì mà phải đi coi bói tướng số? Thế là, chúng ta can đảm nhận chịu mọi trách nhiệm hay dở do mình gây nên, không còn oán hờn kêu than chi cả. Cũng phá tan những bệnh chấp: định mạng, nhất nhân, vô nhân. Vì biết rõ vạn vật trên thế gian không có cái gì cố định, duy nhất, ngẫu nhiên, mà đều do nhân quả hình thành.

Giảng

Quý vị thấy ứng dụng đúng lý nhân quả thì có mê tín không? - Không. Chúng ta hiểu nhân quả thì phải hiểu qua ba thời gian. Vì đã nói nhân quả là căn cứ trên thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai. Cái nhân từ quá khứ, hiện tại, vị lai. Cái nhân từ quá khứ, cái quả trong hiện tại; cái nhân trong hiện tại, cái quả trong vị lai. Nó luôn luôn chia ra ba thời như vậy chớ không phải cái nhân liền cái quả. Có cái gần thì tạo nhân giây phút trước, quả theo giây phút sau. Có cái nhân tạo một, hai năm trước mà quả năm, mười năm sau. Thí dụ bây giờ ta đem đậu xanh ương trồng, chỉ có hơn hai tháng là có đậu. Nhưng bây giờ chúng ta đem hạt xoài ương thì mấy tháng có xoài? Đồng thời ương đậu xanh và hạt xoài mà kết quả không đồng thời. Chỉ cần hai tháng sau là có đậu xanh, nhưng phải ba bốn năm sau mới có trái xoài, nếu mình khéo săn sóc. Như vậy nhân quả không cố định cái nào như cái ấy.

Nhiều người thấy sao người này làm lành lâu lâu gặp điều lành, còn mình làm lành sao không gặp, rồi đâm ra buồn. Vì nhân quả nó sai biệt. Có khi nhân quả hiện tại còn chịu ảnh hưởng của quá khứ nữa. Tuy hiện tại làm lành, nhưng mà nhân ác quá khứ còn nhiều quá. Nhân lành trong hiện tại nó chưa đến quả, mà cái quả ác của quá khứ nó đến thì làm sao đây? Quả ác của quá khứ nó đến tức nhiên là gặp điều dữ rồi. Chúng ta chỉ nhớ nhân lành hiện tại của mình, không nhớ nhân dữ quá khứ, rồi đổ thừa sao làm lành mà gặp điều dữ hoài, như vậy nhân quả e không đúng. Đó là tại vì chúng ta chỉ nhớ từ hồi mình lớn lên tới giờ, còn về trước đâu có nhớ, nhất là quá khứ nhiều đời. Cho nên hiện tại tuy làm lành mà có khi không gặp quả lành. Vì sao? Vì quả dữ của quá khứ còn, chưa trả hết.

Có khi làm lành liền bị quả dữ. Thí dụ có người làm ra đồng nào thì được hưởng đồng nấy, có người làm ra tiền mà họ không được hưởng gì hết. Tại sao? Làm ra cứ lo trả nợ. Những người làm ra được hưởng là tại họ không thiếu nợ. Lúc trước họ không thiếu nợ, giờ làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, thật nhẹ nhàng. Còn có người đã thiếu nợ mấy năm về trước, bây giờ có tiền không hưởng được, vì chủ nợ đòi phải lo trả nợ.

Hiểu như vậy rồi chúng ta làm lành mà không gặp lành có buồn không? Nếu chưa gặp lành thì cái lành còn đó chứ mất đi đâu. Bây giờ gặp dữ là cái dữ của quá khứ nên sẵn sàng trả. Khi nhân dữ hết rồi, quả lành tới thì mình hưởng. Chớ nhân dữ của quá khứ không chịu trả thì quả lành hiện tại này mình có hưởng được không? Quá khứ còn làm sao mà hưởng trọn vẹn. Cũng như làm ra tiền mà mình còn thiếu nợ, mình không chịu trả rồi cứ ngồi đó mà hưởng thì không được, vì chủ nợ đòi. Chỉ khi nào trả hết nợ cũ rồi thì mới hưởng trọn vẹn, không ai phiền hà mình hết.

Biết rõ nhân quả thì cái gì thuộc về quá khứ mình không nhớ, nhưng nó tới thì sẵn sàng nhận, biết rằng vui khổ đến đều có nhân quả hết. Cái vui là nhân lành của thuở xưa, cái khổ là nhân dữ của thuở xưa. Như vậy cái gì tới mình cũng sẵn sàng chấp nhận để trả, đó là người biết ứng dụng nhân quả, biết sống đúng nhân quả. Còn nếu gặp khổ mình không chịu, gặp vui thì thích thú, đó là mình không biết sống theo nhân quả, tức là không vui lòng trả quả của quá khứ.

Người sống theo nhân quả là tự mình hoàn toàn làm chủ mình chứ không lệ thuộc vào ai hết. Mình tạo nhân lành, được hưởng quả lành. Mình gây nhân dữ thì chịu quả dữ. Mình khổ mình vui là tại mình chứ không tại ai hết. Mình là chủ nhân ông tạo nhân tạo quả. Tự mình làm chủ thì còn đi hỏi mấy ông thầy bói làm gì nữa. Hỏi thầy bói tức là không tin mình là chủ. Ông thầy bói nói chuyện trên trời dưới đất đâu đâu. Nếu biết rằng việc lành việc dữ tới đều do mình làm ra. Hằng ngày mình cứ làm lành đi thì cái quả lành sẽ đến, đi hỏi ai làm gì? Một lần đi tới ông thầy bói tốn năm đồng, mười đồng. Thay vì năm mười đồng để coi bói, chúng ta mua vài ổ bánh mì cho mấy đứa nghèo đói ăn, có phước mà khỏi lo gì hết và thấy rõ ràng ngày nay mình đã làm lành. Còn coi thầy bói, ông nói đúng thì không nói gì, còn nói sai mình lo thêm nữa. Cho nên người ta nói:

Tay cầm tiền quý bo bo

Đem cho thầy bói mang lo vào mình.

Thầy bói nói thế này thế kia chỉ thêm lo chứ không có lợi gì hết. Người hiểu nhân quả thì hằng ngày cứ tạo nhân lành là sẽ được hưởng quả lành. Cứ tạo, cứ bồi bổ nhân lành mãi thì làm gì không có quả lành. Còn bây giờ đi coi thầy bói chỉ là chuyện vô ích, mà người ta chịu cái vô ích đó hơn là thực tế. Cho nên hiểu nhân quả thì mới thấy chúng ta là chủ nhân ông của tất cả khổ vui.

Chúng ta là chủ, chịu khổ chịu vui là do mình tạo chớ không do ai hết. Cho nên đừng trách, đừng oán, đừng hờn, đừng giận. Gặp khổ là cười, nói hồi xưa đã tạo thì bây giờ phải trả. Còn gặp vui cũng đừng vui thái quá. Đây không có nghĩa là mình cố chấp theo định mệnh khoanh tay mà trả, vừa trả quả cũ vừa tạo nhân lành trong hiện tại.

Hiện tại luôn luôn vươn lên chứ không cố chấp theo định mệnh, giàu là do tuổi giàu, nghèo là do tuổi nghèo, rồi khoanh tay chịu. Không phải vậy. Nghèo là do nhân xấu đời trước, nhưng hiện tại cứ cố gắng làm tốt đi, sau chúng ta sẽ tốt, chứ có gì đâu mà cam chịu. Cho nên hiểu được nhân quả là chúng ta linh động, hiểu biết, chứ không phải là bó tay gọi là thúc thủ đầu hàng. Lúc nào cũng cố gắng vươn lên, bao giờ cũng thấy mình có quyền quyết định số phận của mình, khổ vui do mình chứ không phải do ai hết.

Như vậy, quý vị thấy học Phật là tạo sức mạnh, chứ không phải đầu hàng vô điều kiện. Đó là mới nói sơ sơ nhân quả mà đã thấy mạnh như vậy rồi.

 

2. DUYÊN SANH

Chánh Văn:

Nhìn về mặt không gian, vạn vật đều do các duyên chung hợp thành hình. Cho nên nói “các pháp từ duyên sanh”. Duyên là chỉ cho nhiều phần tử tổ hợp thành một vật thể. Vật thể không tự có, phải do nhiều nguyên tố hay nhiều phần tử chung hợp. Nói tới duyên sanh là không chấp nhận sự đơn thuần, mà khẳng định là hợp thể. Vạn vật có hình tướng trên quả địa cầu và kể luôn quả địa cầu đều do các duyên chung hợp thành hình. Cho đến những thứ không có hình tướng, chỉ có tác động, cũng thuộc duyên sanh.

Giảng:

Đó là mở đề phần duyên sanh. Trong này quý vị đọc thấy có hơi lạ một chút. Bởi sao? Ở trên nói về nhân quả thì tất cả sự vật có mặt ở trên thế gian này có hình có tướng đều do nhân quả mà thành. Đến đây nói về duyên sanh cũng vậy, tất cả sự vật có hình có tướng cho đến không hình, không tướng mà có tác động cũng đều là do duyên sanh. Tại sao? Phần khảo sát ở dưới tôi chỉ ra từng phần, nhưng đây nói tổng quát cho quý vị thấy, chủ trương nhà Phật là nhân duyên hay là duyên sanh, chứ không như những triết thuyết khác. Nhiều triết thuyết khác nói rằng thế gian này hay sự vật này do tạo hóa tạo ra, thuyết đó nhà Phật không chấp nhận. Thí dụ nếu có vị nào hỏi cái chùa này do ai tạo ra thì quý vị trả lời đơn thuần do Thầy viện chủ tạo ra. Nói như vậy quý vị thấy có đúng chân lý chưa? Viện chủ là tôi. Tôi là người tạo ra cái chùa này. Mới nghe dường như phải nhưng sự thật chưa phải chân lý. Tôi không đủ điều kiện để tạo cái chùa này. Tôi chỉ là chánh nhân thôi, ngoài ra phải có trợ duyên thợ nề, thợ mộc, công nhân, những vị thí chủ, những nguyên liệu gạch, cát, xi măng v.v... Tất cả những thứ đó hợp lại mới tạo thành cái chùa, chứ không thể nói một cá nhân tôi mà tạo thành cái chùa. Nói một cá nhân tôi là phiến diện, nói đơn thuần, nói không đúng chân lý.

Tất cả sự vật nào cũng vậy. Thí dụ nói đơn giản ai tạo ra cái bàn này? Chúng ta có thể nói ông thợ mộc tạo ra. Nhưng mà ông thợ mộc tự ông có tạo được không? Ông phải có búa, có đục, có bào, có những dụng cụ cộng lại như gỗ, đinh, ván... hợp lại thì ông mới ráp thành cái bàn. Ông chỉ là chánh nhân, cần có nhiều trợ duyên chứ không phải một người mà được. Nói một là nói đơn thuần không đúng sự thật.

Đó là chúng ta xét từ sự vật nhỏ rồi lần lên. Có nhiều người thắc mắc cứ nghĩ quả địa cầu này ai tạo? Có vị nói Tạo hóa tạo ra. Nói ông Tạo hóa thì nghe dễ hiểu quá. Ông làm ra quả địa cầu, không hỏi nữa. Đạo Phật có cho phép mình nói như vậy không? Nếu căn cứ trên thuyết duyên sanh thì không cho phép mình nói đơn thuần như vậy. Không có gì tự một vật mà tạo ra một vật, mà phải là do duyên hợp. Mà duyên hợp thì không thể nói Tạo hóa hay Thượng đế tạo ra được. Hỏi quả địa cầu này tại sao có? Đạo Phật chỉ nói do nhân duyên hợp mà thành. Cái nhân duyên nó phức tạp lắm, người ta sẽ thắc mắc nhân duyên là cái nào, cái gì để mà hợp lại? Tuy chúng ta không thể giảng hết được nhưng mà đầu óc khoa học nhân đó mà phát minh. Nói nhân duyên tức là có cái này có cái kia hợp nhau mà sanh ra.

Quý vị xét kỹ thế gian này xem có cái gì chỉ độc một nhân tạo thành một cái khác không? Thí dụ con người chỉ có nam có tạo thành đứa con không? Chỉ có người nữ có tạo được đứa con không? - Không! Phải do nhân duyên cha mẹ hợp lại mới thành được. Đó là nói con người. Tất cả cây cối sự vậy cũng vậy. Thí dụ chúng ta có một hạt cam hay một hạt bưởi, hạt cam hạt bưởi có thể thành cây cam cây bưởi được không? Chưa đủ. Nếu hạt cam hạt bưởi để trên cái bàn này mười năm thì nó vẫn là hạt cam hạt bưởi, không thành gì hết. Có hạt cam hạt bưởi rồi phải có đất, có nước, có phân, có người săn sóc v.v... mới thành được cây cam cây bưởi. Như vậy hạt cam hạt bưởi chỉ là cái chánh nhân, cần phải có nhiều trợ duyên nữa mới thành, chớ hạt không thì không thành.

Như vậy chúng ta mới thấy rõ chủ trương đạo Phật nói lý duyên sanh là để thấy rõ tất cả sự vật đều do nhiều yếu tố hợp lại chớ không có đơn thuần, mà chúng ta quen cái đơn thuần, nói cái gì cũng có một. Ai tạo ra chùa này? Thầy viện chủ tạo. Ai cất nhà đó? Ông chủ nhà cất. Sự thật ông chủ nhà đâu có đủ điều kiện cất. Ông còn cần phải có bao nhiêu điều kiện nữa hợp lại mới thành chớ không phải một mình ông mà thành.

Tôi nói tổng quát như vậy, phần chi tiết chúng ta sẽ phân tích chia chẻ nhiều hơn. Đạo Phật không có nói lý thuyết suông, mà nói để người ta tìm ra sự thật. Nói duyên sanh để phăng tìm ra lẽ thật từ cái gì, từ yếu tố nào hợp lại?

Bây giờ quý vị thấy khoa học làm gì? Tìm những yếu tố, những nguyên nhân tổng hợp thành một sự vật, một hình thể. Một sự vật, một hình thể phân tích ra để tìm những yếu tố trong đó. Đó là việc làm của khoa học. Như vậy lý duyên sanh của đạo Phật đâu có ngược khoa học. Nhiều người không hiểu, nói đạo Phật nói cái gì cũng do duyên mà không nói rõ. Tinh thần khoa học nằm trong đạo Phật rõ ràng. Cho nên ai nói cái gì mà do một yếu tố tạo ra, đạo Phật không chấp nhận. Có nhiều người cứ thắc mắc cái đầu tiên tạo ra con người và vũ trụ là cái gì? Khi hỏi cái đầu tiên là đạo Phật không chấp nhận rồi. Tại sao vậy? Vì câu hỏi đó đặt sai. Khi đã có nghĩa hợp là do nhiều nguyên tố, mà hỏi có một cái, trả lời là sai. Bây giờ thử hỏi cái gì tạo ra cái ly này? Nếu chúng ta trả lời ông thợ gốm tạo ra cái ly có đúng không? - Không. Ông thợ gốm không thể tạo thành cái ly được, còn phải có bao nhiêu thứ nữa. Cho nên chúng ta trả lời câu hỏi sai đó là chúng ta đã sai. Vì vậy hỏi đầu tiên cái gì tạo thành con người và vũ trụ thì đạo Phật không trả lời vì câu đó sai.

Chủ trương đạo Phật là nhiều duyên hợp lại. Thí dụ quả địa cầu của chúng ta, quả địa cầu to như vậy nhưng cũng do nhiều yếu tố như đất, nước, gió, lửa... hợp lại, chứ đâu phải bỗng dưng có quả địa cầu được.

Do đó thuyết duyên sanh của đạo Phật là một thực tế chớ không phải mơ màng như người ta tưởng lầm. Rất thiết thực, nếu chúng ta có phương tiện khảo cứu thì sẽ thấy lý đó hết sức rõ ràng.     

Chánh Văn:

Trước khảo sát những vật có hình tướng gần chúng ta nhất. Như cái bàn viết hiện đây của ta, trước nó không tự có, phải có gỗ, có đinh, có bào, có đục, có cưa... và có ông thợ mộc, do sự cưa xẻ bào đục kết ráp của ông, sau mới thành cái bàn. Những nguyên liệu dụng cụ và ông thợ mộc, đều là duyên chung hợp thành cái bàn. Nếu có người hỏi: cái bàn này do vật gì làm ra, chúng ta đáp: do ông thợ mộc, hoặc do gỗ... Đó là lối đáp đơn thuần, không đúng toàn thể của cái bàn. Nếu chấp lối đáp ấy đúng, thì mắc phải bệnh thiên kiến.

Giảng:

Bệnh thiên kiến là bệnh nhìn một khía cạnh mà cho là chân lý. Chân lý không ở một khía cạnh mà nó trùm hết. Thành ra nói tới một cái gì đúng toàn thể thì câu nói đó là chân lý, còn nói đúng có một góc một cạnh thì chưa phải là chân lý mà thuộc về thiên kiến. Đa số chúng ta chấp theo cái thấy một góc, một khía cạnh chớ không chịu thấy tổng quát trùm khắp. Vì vậy mà đạo Phật bắt buộc chúng ta phải nhìn sự vật bằng cái trùm khắp, chớ không cho nhìn riêng rẽ hay là một góc, một cạnh.

Quý vị thử xét kỹ và khảo cứu tất cả những cái hiện có ở thế gian này, thử xem có một cái làm thành một cái được không? Nếu có là đạo Phật nói sai, còn tất cả cái nào cũng do nhiều vật hợp lại thì đạo Phật nói đúng. Như vậy đạo Phật nói trước và hiện nay cũng như sau này đều là đúng như vậy hết, đều là chân lý. Chứ không phải nói như người ta suy tư tưởng tượng là do cái này, hoặc do cái kia là sai. Thí dụ cái bàn này do thợ mộc làm. Nếu không có gỗ, đinh... thì ông thợ mộc làm sao làm được cái bàn? Người khác nói do gỗ đinh làm cũng sai. Nói một cái là sai. Mà do các duyên hoặc nhiều hoặc ít hợp lại thì nó trùm hết. Nói nhân duyên chúng ta suy rộng ra thì thấy có một cái liên hệ giữa mọi người với mọi người. Thí dụ hỏi tại sao tôi có ở đây thì chắc chắn nhiều người nói do cha mẹ sinh ra nên tôi ở đây. Nhưng nói vậy chưa đủ. Ngoài cha mẹ tôi còn có thầy thuốc, còn có những người dệt vải, còn có những người nông phu, còn bao nhiêu người nữa, rồi thầy dạy học v.v... tất cả mọi người trên thế gian này đều có liên hệ với tôi hết. Nếu nói người dệt vải thì người dệt vải liên hệ với tôi đành rồi, người dệt vải còn có khung cửi, tất cả những gì liên hệ tới người dệt vải cũng liên hệ tới tôi nữa, liên hệ gần hoặc liên hệ xa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Như vậy chúng ta xét nhân duyên thì nó liên hệ trùng trùng từ lớp này tới lớp kia.

Hồi nãy tôi nói cái bàn do ông thợ mộc và gỗ, đinh, bào, đục v.v... làm ra, đó là nói trực tiếp. Còn nói gián tiếp, hỏi làm sao có cái bàn, làm sao có cái đục, làm sao có cây đinh?... thì liên hệ tới ông thợ rèn, tới hãng làm đinh, liên hệ tới bao nhiêu cái khác nữa. Tất cả sự vật này có mặt điều liên hệ khắp tất cả, chớ không phải chỉ liên hệ một hai người làm ra nó. Sự có mặt của vạn vật là sự liên hệ thì ở giữa mình và mọi người có sự tương quan trùng trùng trong đó.

Khi xét về lý nhân duyên rồi thì vị tu hành cao siêu thấy mọi người tốt là mình tốt, mọi người xấu là mình xấu; mọi người khổ là mình khổ, mọi người vui là mình vui. Thế nên nói Bồ tát thấy chúng sanh khổ là thấy mình khổ, bởi vì có sự liên hệ như vậy. Còn một người đau khổ, còn một người xấu là trách nhiệm giáo hóa mình chưa xong, vì mình với người liên hệ. Nếu mình thấy riêng cá nhân độc thân không dính dáng tới ai hết, đó là người tiêu cực yếm thế. Còn người hiểu rõ thì thấy mình và mọi người đều có liên hệ với nhau. Ai cũng là người ơn của mình. Ai cũng là người giúp cho mình mới có sự sống này. Thí dụ chúng ta đang đi đường khát nước, ghé vào nhà một người lạ xin một tách nước. Người ta chẳng lẽ không cho. Tách nước đó trong lúc mình khát, uống vào mình khỏe, thì tách nước đó giúp cho sự sống của mình rồi. Và bao nhiêu cái khác nữa cũng như vậy. Chúng ta lên xe, có người đưa chúng ta tới nơi cũng là người ơn chúng ta, cũng là liên hệ với sự sống của chúng ta rồi. Thì giữa xã hội này liên hệ với nhau chằng chịt, chứ không tách rời từng cá nhân được.

Hiểu lý nhân duyên rồi thì thấy giữa mình và tất cả là một sự liên hệ vô cùng. Mình không có quyền ích kỷ lo riêng cho mình mà phải nghĩ tới tất cả mọi người, làm sao cho mọi người sống vui thì mình mới thật vui, làm sao cho ai nấy hết khổ thì mình mới thật hết khổ. Đó là lẽ thật. Thí dụ một gia đình mười người, mà có một mình mình vui, còn tám, chín người khổ thì mình có vui trọn vẹn không? Chắc chắn không trọn vẹn rồi. Thấy người kia sầu não, người nọ quạu quọ tự nhiên lòng mình cũng bất an. Giả sử trong mười người đó, chín người vui mà chỉ có một người buồn thì chín người có vui trọn vẹn không? Tuy là vui mà thấy người kia đang sầu não cũng buồn lây. Cho nên muốn được vui trọn vẹn thì cả gia đình đều vui. Còn một người khổ thì trong gia đình dầu có vui đi nữa cũng vui không trọn vẹn.

Người hiểu được lý nhân duyên thì thấy giữa mình và người có mối liên hệ. Có liên hệ nên mới thương yêu đùm bọc với nhau, không nỡ để cho người khổ mà mình vui. Đó là tinh thần đạo đức từ lý nhân duyên xét rộng ra. Hiểu được lý nhân duyên là chúng ta hiểu được sự ràng buộc giữa mọi người với mọi người. Hiểu được sự ràng buộc đó thì lòng thương chúng ta mới trùm hết. Nó không cho phép chúng ta lo nghĩ riêng mình, bởi vì làm sao mình tự sống một mình cho được. Mình còn phải ăn, mình còn phải mặc, mà những nhu cầu đó đâu phải tự tay mình làm ra được hết. Mình phải nương người này, phải nương người kia và có sự nương nhờ mới sống được. Như vậy tất cả mọi người là người ơn của mình, là kẻ giúp cho sự sống của mình. 

Chánh Văn:

Đến như cái nhà chúng ta hiện ở hoặc nhà lá hay nhà gạch, trước nó cũng không tự có. Nếu là nhà lá, phải có cột kèo đòn tay cây lá rồi, sau chúng ta mới ráp lại thành cái nhà. Nếu là nhà gạch, phải có gạch xi măng cát vôi ngói gỗ và thợ hồ, mới xây thành cái nhà. Khi thành hình cái nhà, gọi là duyên hợp; khi cái nhà hư hoại đi, gọi là duyên tan. Chỉ do duyên hợp duyên tan, thật thể cái nhà vốn không thật có.

Giảng:

Hiểu được lý nhân duyên chúng ta tiến thêm một tầng nữa. Cái nhà do duyên hợp ráp lại, đủ điều kiện mới thành cái nhà. Trong các duyên đó giả sử năm, ba duyên hư thì cái nhà bị sập đổ. Như vậy thành hình được một sự vật là phải đủ duyên hợp lại. Sự vật hư hoại là do thiếu duyên hay một vài duyên bị hư hoại nên sự thể đó nó hoại theo. Như vậy thành hoại chỉ là tướng duyên hợp và duyên tan, chứ còn thể của cái nhà trước sau đều không thật. Mình thì cứ thấy cái nhà là thật, sự thật cái nhà đâu có thật. Nếu thật có thì khỏi cần duyên hợp, mà đã duyên hợp thì thể nó không có. Do duyên hợp mới có, duyên rã thì tan.

Như thân chúng ta hiện giờ ai cũng nói là thật có, nhưng với nhà Phật thì cho thân này là do duyên hợp. Đủ duyên thì nó khỏe mạnh, thiếu duyên thì nó đau yếu, nếu thiếu nữa thì nó rã rời. Như vậy đủ duyên thì gọi là sanh, thiếu duyên thì gọi là tử. Sự tử sanh là do duyên đủ hay thiếu thôi. Chính những ông thầy thuốc là người bổ túc những cái duyên thiếu đó để mình sống còn. Nếu không hiểu lý duyên sanh thì chúng ta tưởng như mình có thật, mà có thật thì cần gì phải đủ duyên. Đủ duyên mới còn, thiếu duyên thì không còn. Có hợp thì phải có tan, hoặc sớm hoặc muộn không quyết định là năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm hoặc một trăm năm. Hễ đủ duyên thì còn, hết duyên thì tan chớ không có cố định.

Nhiều người hay coi tướng số nói ông này tướng sống tới tám mươi tuổi, ông kia sống tới một trăm tuổi. Nhưng tướng số có bảo đảm không? Nếu như số ông sống tới tám mươi tuổi, mà giả sử ông đang đi đường bị xe đụng thì ông còn sống tới tám mươi tuổi được không? - Không! Như vậy cái số không có bảo đảm gì hết. Chẳng qua là duyên còn đủ thì ông còn, các duyên hoại đi thì ông mất. Đó là một lẽ thật. Nói sống bao nhiêu tuổi thì không bảo đảm. Đạo Phật chủ trương tất cả duyên hợp thì thành, duyên tan thì hoại. Từ con người cho đến sự vật đều như vậy.    

Chánh Văn:

Khảo sát như thế qua mọi sự vật, chúng ta không thấy có một sự vật nào không phải duyên hợp mà thành. Dù vật nhỏ bé như cây kim ngọn cỏ, vật to lớn như núi biển quả địa cầu, đều nằm chung trong một thông lệ ấy.

Giảng:

Tất cả sự vật nhỏ lớn đều nằm trong thông lệ duyên hợp mà có, chớ không phải ngẫu nhiên hay là một cái này làm ra cái kia.

Có câu chuyện một đứa bé đi với người cha, thấy con sông dài mênh mông, đứa bé hỏi: 

- Thưa cha, con sông này tại sao mà có?

Ông cha nói:

- Sông này trời sanh đó con.

Tới cái núi đồ sộ, nó hỏi:

- Thưa cha, tại sao có cái núi?

- Trời sanh đó con.

Cứ đổ thừa trời sanh cho rồi, hết trách nhiệm. Đạo Phật không cho phép nói như vậy.

Con sông là do nhân duyên mà có. Cái núi cũng do nhân duyên mà có. Nói vậy thì con nít nó không chấp nhận. Nó hỏi nhân duyên là gì? Người lớn thấy rối không trả lời được rồi đổ thừa trời sanh cho êm. Nói vậy là yên tâm, là hết chuyện. Vì vậy có nhiều người không biết cứ đổ thừa cho ông trời cho rồi. Không biết ông trời ra sao, nhưng nói phức cho rồi, hết hỏi. Còn nếu nói do duyên thì nó thắc mắc hỏi nữa.

Chánh Văn:

Cho đến những thứ không có hình tướng, chỉ thấy tác động, cũng do duyên hợp mà có. Như điện, gió, chúng ta không thấy hình tướng nó, chỉ biết khi tác động dấy khởi. Về điện thì có điện âm điện dương, phối hợp mới phát khởi hiện tượng. Về gió phải có khí nặng khí nhẹ... mới có hoạt động.

Giảng:

Điện là cái quá tầm mắt chúng ta khi nó chưa phát khởi hình tướng, nhưng mà nó cũng là tướng duyên hợp. Nó phát sáng cũng phải do điện âm điện dương hợp lại với nhau. Tất cả những cái khác cũng đều như vậy hết, không có gì đơn thuần do một cái mà thành. Thí dụ như đất thì cũng rất nhiều hạt bụi thành hòn đất. Nước cũng do khinh khí dưỡng khí hợp lại mà thành. Không có cái nào tự nó thành, mà do sự hòa hợp.

Khoa học về môn lý hóa hiện giờ lý nhân duyên đầy đủ trong đó. Chúng ta thấy rõ tinh thần đạo Phật là tinh thần khoa học thực tế, chứ không phải như người ta tưởng tượng nói rằng đạo Phật là mê tín, là ru ngủ. Nhưng vì người học Phật không chịu tìm hiểu cho tới nơi rồi cứ đi chùa lạy Phật, cúng rồi về. Hỏi cô hay bà có phải là Phật tử hay không thì đáp là phải. Hỏi tu làm sao thì đáp mỗi tháng đi chùa hai lần, cúng rồi về. Như vậy là Phật tử rồi. Không hiểu gì về đạo Phật hết, chỉ làm mang tiếng Phật tử, cho nên người ta nói đạo Phật mê tín, vì chỉ biết tới chùa cúng lạy thôi.

Học Phật chúng ta phải hiểu cho tới nơi tới chốn, thấy rõ đạo Phật rất khoa học thực tế, như vậy chúng ta mới là Phật tử chân chánh.

Đó là tôi khảo sát qua những hiện tượng trong nhân gian để quý vị thấy từ cái này đến cái kia đều là tướng nhân duyên hòa hợp mà có.

Chánh Văn:

Nơi con người, tư tưởng dấy khởi cũng phải có sáu cơ quan làm chỗ tựa và đối diện với trần cảnh bên ngoài. Nếu ba phần - tư tưởng, cơ quan, trần cảnh mà thiếu một thì, không sao dấy khởi được. Thế nên mọi tác động có ra, đều do duyên hợp mà có.

Giảng:

Thí dụ con người chúng ta khởi nóng giận hoặc là chúng ta khởi vui mừng thì cái nóng giận và cái vui mừng là tác động tâm lý. Nhưng cái đó bỗng dưng có hay sao? Trước khi nóng giận chúng ta nghe người chửi, có tiếng chửi, có lỗ tai nghe; do tiếng chửi tác động vào lỗ tai, rồi do tư tưởng suy nghĩ đó là chửi mình, mình mới nổi giận lên thì cái nổi giận cũng là nhân duyên. Buồn thương cũng vậy, thí dụ người ta làm một điều gì hay, mình thấy mình thích. Việc làm của họ là cảnh bên ngoài, con mắt mình thấy, do lòng thích của mình nên mình thấy vui lên. Thành ra cái vui phát ra cũng từ có cảnh bên ngoài và có tâm lý của chính mình; ba cái hợp lại thành tác dụng. Như vậy, cơ thể chúng ta có đây là do nhân duyên, cái tâm lý tác động nơi chúng ta cũng là do nhân duyên hợp.

Cơ thể chúng ta đạo Phật chia ra tổng quát làm bốn thứ đất, nước, gió, lửa. Những thứ như là tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương là chất cứng thuộc về đất; mồ hôi, máu, mủ, nước tiểu, đàm, dãi v.v... thuộc về nước; hơi thở vào ra thuộc về gió; nhiệt độ trong người thuộc về lửa. Bốn thứ đó là bốn thứ tổng quát trong người chúng ta. Trong người này bốn đại đó mà thiếu một thì chúng ta có tồn tại được không? - Không! Nếu thân người lạnh hết không có sức nóng có sống được không? - Không! Hoặc khi nào đó thở khì ra mà không hít vào nữa thì sống được không? - Không. Hoặc khi nào đó nước trong này cạn hết sống được không? - Không! Như vậy bốn chất đó hòa hợp mới thành thân này, hòa hợp lại rồi chúng ta cũng phải khéo điều hòa chúng nữa. Trong đất, nước, gió, lửa, chúng ta phải điều hòa thường nhất là lửa, nước và gió. Lửa mà dư thì trong mình thấy nóng, nhức đầu phải kiếm đồ mát uống vào cho nó dịu xuống, đó là điều hòa lửa và nước. Còn khi nào gió thổi vào mình nhiều thì đất rung rinh cho nên nhức mình, lúc đó phải đánh gió cho nó tan ra thì hết nhức. Như vậy rõ ràng bốn thứ mà hễ cái nào dư hoặc thiếu một chút là sanh ra bệnh.

Điều hòa đất, nước, gió, lửa cái nào thặng dư hoặc thiếu cũng bệnh hết. Nước dư thì lạnh cũng bệnh, lửa dư cũng bệnh, gió dư cũng bệnh, đất dư cũng bệnh. Cho nên người hiện sống ở đây chỉ một điều là khéo điều hòa bốn thứ đất, nước, gió, lửa. Ai điều hòa khéo thì người đó ít bệnh, ai điều hòa vụng thì người đó bệnh hoài.

Hiểu như vậy thì chúng ta thấy các ông thầy thuốc cũng vậy thôi. Hễ ai tới khám bệnh thì ông đo nhiệt độ xem nóng hay lạnh. Nóng thì cho uống thuốc hạ nhiệt, lạnh thì cho uống thuốc nóng. Bốn thứ hòa hợp đó không được thiếu, phải quân bình mới khỏe. Nếu dư thiếu một thứ là bệnh, còn nếu hoàn toàn thiếu thì chết, rõ ràng như vậy. Trong khi đang hòa hợp cũng phải bồi bổ, một lát thấy thiếu nước khô cổ phải cho vào chén nước. Nghe bụng đói phải đem vào chén cơm, thiếu không được.

Tóm lại chúng ta sống theo duyên hợp. Xưa nó đã hợp, hiện nay nó cũng đang hợp, tức là mỗi ngày chúng ta đều theo duyên để bồi bổ đầy đủ không cho thiếu, thiếu một cái là bệnh ngay. Chúng ta hiểu rõ thân này chỉ là giả có, do duyên hợp. Mà đã là duyên hợp chúng ta phải làm sao cho những duyên đó tạm đủ thì cuộc sống tương đối an ổn chớ đừng đòi hỏi hơn nữa.

Thí dụ một bữa ăn chỉ cần ba chén cơm, dĩa rau luộc với chén nước tương thì bữa ăn đó cũng đủ để sống rồi. Nhưng người ta không chịu đâu, phải có cái gì ngon hơn nữa. Như bữa nay có cá thì đòi thịt, có thịt lại muốn có thịt quay, rồi muốn có gì thêm hoài. Bởi muốn nhiều cứ đòi hỏi mãi nên cực thân, đòi không được thì buồn. Khả năng mình làm chỉ đủ bữa cơm rau luộc nước tương mà mình đòi hỏi những thứ kia nữa thì sao? Tức nhiên mình phải nghĩ mưu này kế kia, rồi tự tạo thành tội lỗi. Chớ nếu mình biết đã là duyên hợp thì có một cuộc sống quân bình là được rồi, không đòi hỏi quá! Thí dụ mấy vị nam mà lỡ ghiền thuốc thì thuốc gì hút đỡ ghiền là được rồi, có thuốc này đòi thuốc kia, đòi thuốc thơm thì tốn nhiều tiền. Do có những nhu cầu quá đáng nên thành bệnh, đó là những tật của con người. Tham lam là tại đó. Không biết thân này là duyên hợp, sống tạm vừa đủ. Rồi tới những chuyện tham lam tầm bậy nữa. Người có gia đình, có vợ chồng thì cuộc sống quân bình là được rồi, lâu lâu lại muốn thêm chuyện này chuyện kia lộn xộn nữa. Đó có phải là bậy không? Nó có vui gì, có lợi gì cho cuộc sống mà làm cho cuộc sống nguy hiểm thêm, vậy mà cứ bày chuyện.

Người ta do cái mê lầm này tạo thêm cái mê lầm khác, rồi khổ, rồi than thở. Chớ nếu ai cũng biết vừa chừng, quân bình cuộc sống vừa phải thì cuộc đời an ổn biết bao nhiêu. Nâng đỡ nhau thì có một cuộc sống quân bình. Đằng này dư thì bỏ túi để xài những cái vô ích, còn người thiếu thì để mặc họ chịu. Mình dư, người ta thiếu thì người ta phải tìm cách moi túi mình, rồi giành giật nhau, trộm cướp đủ thứ hết. Chớ nếu biết quân bình thì cuộc sống hết sức an lành, an lành từ người này tới người kia. Cuộc đời có thể tạm gọi là hạnh phúc. Không biết quân bình mà cứ đòi hỏi hoài thì người đó dù chạy tới phương trời nào họ cũng đau khổ. Lên tới thiên đường hay về Cực lạc họ cũng đau khổ như thường. Có nhiều người nói với tôi, tôi không muốn về Cực lạc vì ở đó không có rượu. Đó là những kẻ say sưa với dục lạc thế gian quá nặng. Họ cứ sống trong cái thỏa thích, mà cái thỏa thích bệnh hoạn chứ không phải cái thỏa thích an lành. Cơ thể chúng ta là duyên hợp, duyên hợp quân bình thì khỏe mạnh, quá cái quân bình thì sanh ra bệnh. Thí dụ chúng ta ăn uống, ngủ nghỉ vừa chừng thì chúng ta khỏe mạnh, còn quá cái nào cũng bệnh hết, mà thiên hạ thích cái quá chớ không thích cái quân bình.

Ăn muốn cho thật nhiều, ăn cho thật ngon. Ngủ cũng vậy, ngủ vừa chừng rồi mà kêu không muốn dậy, muốn kéo dài thêm. Tất cả những nhu cầu nào cũng muốn thêm hết. Do đó mà thành bệnh hoạn vì không quân bình cuộc sống. Sở dĩ không biết quân bình cuộc sống là tại tưởng thân mình là thật, cho nên phải thụ hưởng cho thỏa mãn. Còn nếu biết thân mình là tứ đại duyên hợp. Khát nước là do thiếu nước, có một ly nước lạnh uống vào cũng đã khát rồi. Nhưng mà khát nước không chịu uống nước lạnh, mà muốn uống nước gì cầu kỳ để thỏa mãn cái lưỡi cái cổ họng rồi tốn hao tiền. Một ly nước lạnh cũng đủ đã khát, cũng sống được vậy. Một ly nước khác cũng đủ sống nhưng giá trị đồng tiền gấp hai gấp ba ly nước lạnh. Nước lạnh đâu có tốn tiền, vậy mà cứ đòi hỏi thêm nên phải khổ. Chứ nếu biết quân bình cuộc sống đều đặn như vậy thì ở thế gian này ai cũng là người an vui hết.

Cái ăn cũng vậy, sáng bao tử lép xẹp chỉ cần ăn hai củ khoai lang kha khá là no là khỏe, hoạt động bình thường. Nhưng mà hai củ khoai lang người ta không chịu, đòi phải có ly cà phê, phải có bánh gì đó. Ly cà phê, một ít bánh thì bao nhiêu tiền? Hai củ khoai lang bao nhiêu tiền? Khi không có được những nhu cầu đó thì cảm thấy buồn rồi than thở, rồi sầu não. Nếu nghĩ tại cái bao tử nó lép, nó không hoạt động nổi, bây giờ có gì để vào cho đủ chất nuôi dưỡng thì nó hoạt động được. Cái gì có thể đủ nuôi nó là vui là được rồi, đâu có cần cao lương mỹ vị nữa. Nhưng mà người ta không chịu vậy đâu, người ta đòi hỏi quá. Chính cái đòi hỏi làm cho con người đau khổ. Nếu không đòi hỏi thì sống dễ dàng chớ không khó khăn gì hết. Chính cái dễ dàng đó mới thấy giá trị cuộc sống thật. Chính vì không hiểu, đòi hỏi quá nhiều nên thấy giá trị cuộc sống nó rỗng. Biết sự thật để sống đúng với sự thật, đó là tinh thần của đạo Phật. Chớ không phải nói đạo Phật dạy mình tu để chờ ngày chết rồi mới được gì gì đó, chuyện đó hơi xa xôi, không đúng.

Đạo Phật dạy cho con người một nếp sống đúng là hữu ích cho thân và tâm. Làm sao chính bản thân mình sống một cách đàng hoàng hợp lý, tức là đúng với dinh dưỡng của con người. Về tinh thần mình sống một cách thoải mái nhẹ nhàng không buồn, không khổ. Đó là đạo Phật chỉ cho con người cách sống. Nhiều người học Phật cứ chờ chết Phật độ về Tây phương hay đâu đó, cứ nghĩ như vậy nên biến đạo Phật thành mê tín. Thực tế đạo Phật dạy cho mình cuộc sống hiện tại rất bình an, rất thanh thản. Chính cái bình an thanh thản này là cái đẹp đẽ của tương lai. Còn sống hiện tại sầu não khổ đau mà nói tương lai đẹp đẽ thì chuyện đó khó tin. Cũng như ngày nay không tiền, thiếu nợ, nói ngày mai tôi sung sướng, sung sướng được không? Ngày nay không có tiền, thiếu nợ thì ngày mai cũng không tiền, thiếu nợ. Chớ không thể nào ngày nay không tiền, thiếu nợ mà ngày mai liền được sung sướng. Vô lý! Ngày mai sung sướng là ngày nay mình có tiền. Mình hết nợ thì ngày mai mình khỏe. Xét ngày nay là biết ngày mai, chớ còn hy vọng ở ngày mai mà không chịu nhìn thực tế ở ngày nay, đó là cái viển vông không thực tế.

Nói như vậy để quý vị thấy cái lẽ thật của con người mà chúng ta học ở đạo Phật. Hiểu lý duyên sanh thì chúng ta thấy thân này là giả tạm có một thời gian rồi sẽ mất.

Thí dụ tôi đưa nắm tay cho quý vị xem. Cái nắm tay này quý vị thấy thật có hay không? Nếu không thật có thì cái gì đây? Còn nếu quý vị nói thật có thì khi tay tôi xòe ra, quý vị thấy cái gì? Quý vị sẽ trả lời với tôi làm sao? Nói nắm tay này thật có cũng không được, mà nói không cũng không được. Nếu nói thật có thì buông tay ra đâu còn, còn nói không thật có thì cái gì đây? Quý vị trả lời sao cho hợp lý câu hỏi này?

Nếu trả lời hợp lý thì phải nói nắm tay không thật có mà do duyên hợp nên tạm có, một lát nữa buông ra thì mất. Do duyên hợp cho nên giả có. Nói thật cũng không được, mà nói không cũng không được. Ở thế gian người ta hay nói, hoặc là có thật hoặc là không ngơ. Sự thật ở giữa đời này không thật có mà cũng không phải không ngơ. Có là do duyên hợp giả có. Giả có là có tạm một thời gian thì mất. Như vậy câu nói đó, tinh yếu nằm ở chỗ nào? Biết lý duyên sanh thì nắm tay là giả có. Nó không thật, nhưng mà không phải là không. Ai nói không là lạc qua một bên. Ai nói có cũng lạc qua một bên.

Câu trả lời đó là chỉ một lẽ thật, đó là chân lý, mà thế gian không ai chịu trả lời theo chân lý hết. Hỏi cái này có không? Trả lời có hoặc không. Có là thật có hoặc không là không ngơ. Cứ nói như vậy cho nên bị cái lỗi là thiên kiến không đúng sự thật. Còn đạo Phật nói tất cả sự kiện có này là giả có, do duyên hợp nên giả có, duyên tan ra thì nó không. Đó là đúng sự thật.

Nói như vậy đâu phải là bi quan mà nói đúng sự thật, để quý vị hiểu, chớ không thì nghe đạo Phật nói cái gì cũng giả, rồi bảo đạo Phật chán đời quá, nói giả không. Đó là nói đúng sự thật chớ đâu phải là chán đời, vậy mà người ta chưa chịu nhìn, chưa chịu thấy, lại nói chán đời!

Biết nó giả có cho nên khi nó có mình không chấp là thật, không tham lam, không có những cái xấu xa. Và biết nó giả có thì khi nó tan ra mình không sợ. Còn những người cho nó là thật, khi sắp tan thì sợ. Thí dụ như nói cái nhà thật cho nên khi cái nhà gần ngã thì buồn rầu. Nói thân này là thật, khi thân này gần chết thì lo sợ hoảng lên. Còn biết cái nhà này duyên hợp là giả có, khi duyên tan nó phải hoại. Khi nó hoại tôi biết tại duyên tan nên nó hoại, có gì lạ đâu? Thân này cũng là duyên hợp cho nên giả có, duyên tan thì nó hoại, đó là chuyện bình thường. Người hiểu đạo rồi, khi gần chết vẫn bình tĩnh vui vẻ không có gì buồn sợ hết. Như vậy chúng ta đã vượt lên hơn người thế gian rồi. Người thế gian gần chết sợ thôi là sợ, không biết thân phận mình ra sao? Chúng ta biết rõ lẽ thật của thân này có là duyên hợp giả có, nó mất đi vì duyên tan chớ có gì lạ. Hợp tan đó là duyên chớ không có gì quan trọng hết. Không quan trọng thì có gì sợ sệt. Không quan trọng nên hiện tại không tham lam không giành giật. Đó là cái an nhiên của tâm hồn người biết đạo.   

Chánh Văn:

Nói duyên sanh là nhằm vào hợp thể, choán một khoảng không gian. Đã là hợp thể thì không có tự thể và thật thể. Tự thể đã không thì tên đặt cho sự vật cũng rỗng. Ví như tên “cái nhà”, chúng ta phân tích từng viên gạch, từng miếng ngói v.v... ra, tìm xem cái gì là “cái nhà”? Chỉ khi hợp thể thành hình, tạm đặt cho nó một cái tên. Cái tên ấy chỉ có giá trị tạm thời, từ khi hợp thể thành hình, bởi trước và sau nó vốn không có. Chính ngay khi thành hình, chúng ta phân tích từng đơn vị một, tìm tự thể cái tên chung ấy, vẫn không có. Nên nói: “các pháp duyên sanh tự thể là không”. Trước không, sau không, giữa cũng chẳng thật, nên sự có mặt của các hợp thể là hư giả huyễn hoá. Do đó, nói đến lý duyên sanh thì xem vạn vật đều như huyễn như hoá.

Thông suốt lý duyên sanh, chúng ta thoát khỏi hai chứng bệnh: thiên kiến và mê lầm.

Giảng:

Bệnh thiên kiến như hồi nãy tôi nói. Hỏi cái bàn này ai làm ra thì có người nói ông thợ mộc làm ra, có người nói cây ván làm ra, như vậy hai người đó người nào đúng? Hai người trả lời đều chân lý hết, nhưng mà chân lý một khía cạnh. Thiên kiến tức là phiến diện, nhìn một khía cạnh chớ không phải trùm hết. Nếu biết rõ cái bàn này là duyên sanh, tức đủ nhân duyên thì nó hợp thành, chớ không phải riêng ông thợ mộc, cũng không phải riêng cây ván. Có cây ván mà không có đinh, không có ông thợ mộc làm sao mà thành? Thế gian này phần nhiều nhìn sự vật một cách thiên kiến, lầm lẫn. Bởi thiên kiến rồi sanh bao nhiêu thứ bệnh. Người nói ông thợ mộc làm, người nói cây ván, tức là nói không hợp nên cãi nhau. Ban đầu cãi lý, một hồi nổi nóng lên thì cãi bằng đánh bằng đá. Rốt cuộc rồi không tới đâu hết, chỉ trong vòng lẩn quẩn. Không có ai đúng sự thật hết, nhưng người nào cũng chấp cái nhìn của mình là chân lý thành ra cãi nhau. Đạo Phật không cho mình nhìn thiên kiến như vậy mà phải nhìn tổng quát hay nhìn đầy đủ là duyên hợp. Mà đã là duyên hợp thì người nói ông thợ mộc thì cũng là một phần của duyên. Hai người đều đúng mà đúng có một phần.

Câu chuyện người mù rờ voi từ kinh Phật như sau:

Vua hỏi người nắm cái đuôi voi có phải con voi không? 

- Phải!

- Con voi ra sao?

- Giống như chổi chà.

Vua hỏi người nắm cái chân voi hỏi phải con voi không?

- Phải!

- Con voi ra sao?

- Con voi giống cây cột v.v...

Ai cũng đúng hết mà đúng có một góc một cạnh. Thế gian là như vậy, nghĩa là khi nắm một bộ phận nào đó của con voi cho đó là con voi rồi thì cãi nhau. Mình nói cái này, người ta nói cái khác là mình cãi. Đó là tại sao? Vì mù thì nắm được một góc cạnh. Còn người sáng thấy toàn thể thì không có chấp như vậy. Cái đuôi con voi giống chổi chà là một bộ phận của con voi. Cái chân giống cây cột cũng là một bộ phận của con voi, cãi nhau làm gì.

Vì mù cho nên chỉ biết có một phạm vi mình mới cãi. Người hiểu đạo rồi ít có cãi lẽ với thiên hạ lắm. Bởi vì thiên hạ nhìn một khía cạnh, mình biết họ chấp vào khía cạnh đó hơi đâu mà cãi. Nhưng mà người đời hăng lắm, thấy khía cạnh này rồi mà ai nói khác thì cãi cho ra lẽ, nhiều khi ẩu đả nhau cũng vì cãi lẽ. Rốt cuộc có ngã ngũ về đâu! Hiểu như vậy rồi mới thấy chúng ta mê lầm, vì chúng ta không thấy được toàn diện; còn người thấy được toàn diện thì người đó đã hết mù rồi. Vì vậy hiểu được lý nhân duyên là biết trùm tất cả, chứ không còn một góc một cạnh nữa. Mà đã trùm tất cả thì làm gì có chuyện cãi nhau. 

Nói hơi xa trong Thiền tông một chút, quý vị nhớ câu chuyện lý thú khi Lục tổ còn là một ông cư sĩ bàn đạo lý với hai ông Sa di không?

Nhân ngày thầy trụ trì giảng kinh Niết bàn, treo phướn lên trước chùa. Hai ông Sa di ra ngồi trước cửa, gió thổi lá phướn phất qua phất lại. Ông này hỏi ông kia:

- Anh nói cái gì động?

- Cây phướn động!

Người kia hỏi lại:

- Anh nói cái gì động?

- Gió động!

Không có gió làm sao phướn động. Ông nói gió động cũng có lý, ông nói phướn động cũng có lý, ông nào cũng có lý. Hai ông cãi nhau hoài không ngã ngũ ra sao?

Lục tổ mới lại nói:

- Hai vị cho kẻ cư sĩ này lạm bàn được không?

- Được!

Lục Tổ nói:

- Không phải gió động, không phải phướn động mà tâm nhân giả động.

Hai ông Sa di thấy một góc, một cạnh mà không thấy được trùm hết rồi cãi nhau. Cãi nhau là do tâm động chứ gì? Phướn mặc phướn, gió mặc gió, chính vì không hiểu rõ nên cãi nhau là do tâm động. Thế gian hầu hết đều như vậy, chỉ thấy một phía cho là đúng liền tranh cãi om sòm lên. Người hiểu đạo lý thì thấy rõ chính các sự kiện hợp lại mà thành, nó không đơn thuần, nó không phải một góc, nó không phải một phía nên không cãi. Cứ chấp một bên đó là thiên kiến nên cãi hoài không ra, không ngã ngũ được. Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên thì cái bệnh thiên kiến không còn nữa.

Khi chúng ta hết bệnh mê lầm điên đảo cho cái gì cũng thật thì tạm có, duyên tan thì nó mất. Biết rõ như vậy thì không chấp cái gì là thật thì hết khổ. Thí dụ tôi chấp cái bàn này là thật nên cái bàn hư thì tôi buồn, chấp cái thân này thật nên cái thân này sắp hoại thì tôi khổ. Tất cả cái mình chấp thật mà nó sắp hư thì đau khổ. Bây giờ biết các pháp duyên hợp, không có cái gì thật thì nó còn nó mất lòng mình vẫn an không khổ đau, hết mê lầm. Sở dĩ con người mê lầm là vì bệnh chấp ngã nó cao. Cái ngã sai lầm nó to lắm, cho nên cái lầm chấp về con người, giả mà tưởng là thật rồi cứ gây ra bao nhiêu thứ khổ đau. Vì cái gì chung quanh đều quy tụ về cái ngã này hết.

Một buổi sáng mùa hạ tôi nhìn ra ngoài biển thấy trời mưa. Tôi hỏi chú thị giả: Đố chú trời mưa để làm gì? Chú thị giả liền trả lời: Thưa thầy, mưa để người ta làm ruộng. Nói như vậy quý vị thấy có lý không? Tôi chỉ ngoài biển hỏi ai làm ruộng ngoài đó mà mưa? Chú bí không trả lời được.

Chỉ câu chuyện nhỏ đó quý vị thấy người ta vì chấp ngã cho nên thấy tất cả vũ trụ đều vì mình hết. Như bông hoa nở để mình xem, trời mưa để mình làm ruộng, nắng để mình phơi lúa, cá sanh ra để mình ăn, cái gì cũng để cho mình hết. Sự thật nào phải như vậy, nắng là nắng, mưa là mưa. Nhân duyên hội đủ thì nắng, nhân duyên hội đủ thì có sông v.v... nó không vì ai hết. Nhưng người ta vì chấp ngã nên cái gì cũng quy về mình hết. Mà đã quy về mình, cho nên mình muốn nắng để phơi lúa mà bữa nay mưa thì sân lên, tại mưa nên người ra không mướn mình phơi lúa. Đó là tại sao? Tại mình si mê.

Bởi si mê chấp như vậy rồi lầm lẫn. Nói mưa để làm ruộng, bây giờ tới mùa sửa soạn cấy trời không mưa mình nổi giận lên, như vậy có phải mình ngu si hay không? Thế gian này quý vị thấy ngu si nhiều hay ít? Xét rộng ra chúng ta mới thấy, như mình nuôi con chó để làm gì thì nói nuôi chó để giữ ăn trộm. Nhưng mà con chó nó đâu có biết giữ ăn trộm, tại cái tật nó thấy ai lạ lạ là nó sủa thôi. Nếu lúc nào nó ngủ quên thì không sủa. Vì nói nó giữ ăn trộm nên bữa nào nó ngủ quên, ăn trộm lấy đồ mà nó không sủa thì đập nó. Sự thật nó nào biết nó có trách nhiệm như vậy, tại vì mình gán cho nó thôi.

Còn con gà, hỏi nuôi gà để làm gì? Đáp rằng nuôi gà để nó gáy cho mình thức. Nhưng sự thật khuya giờ đó nó lạnh, ngứa cổ nó gáy chớ đâu có nghĩ gáy cho ông chủ nhà thức. Rồi bữa nào nó không gáy mình ngủ dậy trễ thì mình đập nó, chửi nó tại sao đêm nay không gáy cho người ta thức. Cái đó là tại mình chấp ngã rồi mình cứ cho mọi vật vì mình hết.

Hỏi tại sao có gà, vịt? Nói gà, vịt sanh ra để mình ăn. Tại sao có cá? Cá sanh ra để mình ăn. Chữ để mình hiểu lầm. Có người hỏi lại: Mình sanh ra để làm gì? Có phải để cọp ăn không? Có phải để cá sấu ăn không? Nếu vậy thì cọp, cá sấu nó cũng có thể nghĩ người ta sanh ra để nó ăn, được không? Đó là những cái sai lầm mà cả thế gian hầu như đều chấp như vậy. Quý vị nghĩ kỹ rồi mới thấy cái lầm lẫn của con người. Khi lầm lẫn rồi tự nhiên mình giết hại chúng sanh không có chút lòng thương. Nói cá sanh ra cho mình ăn, mình cứ đập đầu nó mà ăn, có thương tiếc gì đâu! Gà sanh ra để mình ăn, mình cứ cắt cổ nó có thương hại gì đâu! Vì nó yếu hơn mình cho nên mình đè cắt cổ nó, nó giãy la thoát không được, đành phải chịu chết. Con cá cũng vậy, nó dại hơn mình, mình giăng lưới kéo nó lên, nó giãy giụa nó chạy không được nên phải chịu chết.

Tóm lại ai cũng cố giữ, cố bảo vệ bản ngã mình mà tại người khác mạnh hơn hoặc khôn hơn nên đành chịu thua. Cũng thế, mình tự bảo vệ mà gặp con cọp mạnh hơn nó chụp, mình giãy giụa thoát không được thì nó ăn. Như vậy giữa trời đất, vũ trụ này các pháp đều do duyên sanh, không có gì để cho cái gì. Nếu hoa nở để cho người xem thì trên núi trên rừng có ai xem đâu nó cũng cứ nở. Đâu phải vì người mà nở, nhưng người ta cứ nghĩ vì mình. Cái gì cũng vì mình. Con muỗi nó nói người ta sanh ra để cho nó hút máu được không? Nếu nói cá sanh ra để mình ăn, thì con muỗi hút máu mình chắc nó cũng nghĩ rằng người ta sanh ra để cho nó hút máu thì mình đừng đập nó chứ. Nhưng tại sao cái gì vì mình thì mình bảo vệ, con muỗi thì mình đập, con cọp thì mình bắn, con cá thì mình bắt để ăn. Như vậy có phải là cái lý của kẻ mạnh không? Mạnh thì cứ đặt lý lẽ để bảo vệ cho mình là hợp lý chứ không có lẽ thật.

Pháp Phật dạy tất cả đều là nhân duyên. Hội đủ nhân duyên thì sự kiện nó hiện thành chớ không vì cái gì hết, không để cho ai hết. Hiểu vậy là người khôn ngoan. Biết duyên tụ hợp có nhiều mưa thì lựa đúng lúc đó để gieo trồng. Người khôn ngoan ứng dụng đúng lúc, đúng nhân duyên thì nó tốt, không khôn ngoan thì nó sai, không có cái gì vì mình hết. Nghĩ vì mình mà không được như ý thì người ta sân hận đau khổ. Các pháp nó tự như vậy chứ không vì ai hết.

Hiểu được lý duyên sanh thì trí tuệ được mở mang. Cho nên hiểu thuyết duyên sanh gọi là thuyết Bát nhã, tức là trí tuệ. Còn nếu người nào không hiểu lý duyên sanh thì còn vô minh còn si mê. Bởi si mê nên chấp ngã thế này thế kia dẫn đến bao nhiêu thứ cuồng loạn sai lầm. Nếu hiểu được lý duyên sanh thì có trí tuệ thấy đúng như thật. Mà thấy đúng như thật thì những cái sai lầm không còn nữa. Chúng ta học đạo giác ngộ để mở mang trí tuệ không còn lầm lẫn nữa, không còn rơi vào bệnh thiên kiến và bệnh mê lầm nữa. 

Chánh Văn:

Nhất là bệnh mê lầm, quả là bệnh trầm kha khó chữa trị. Vạn vật do hợp thể mà có, hư giả không thật, lại mê lầm chấp là thật. Vì chấp thật nên theo đó có yêu ghét và sanh tham sân. Đó là nguyên nhân mãi lăn trong vòng luân hồi sanh diệt. Biết rõ duyên sanh hợp thể hư giả là dứt mê lầm chuyển thành trí tuệ. Đây là cửa ngõ của lâu đài giác ngộ.

Giảng:

Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên đúng đắn là chúng ta đã có trí tuệ, là người sáng suốt chớ không còn tối tăm mê lầm như trước nữa.

Chánh Văn:

Trong phần “Chân lý phổ biến”, lý nhân quả và duyên sanh là hai sự thật, tràn đầy trên vạn vật và mọi tác động của chúng sanh. Sự thật ấy, quá khứ hiện tại vị lai đều không thay đổi. Song nó tinh vi khó hiểu, người chịu khó nghiền ngẫm phân tích kỹ càng mới nhận ra được. Hai sự thật này nhằm vào hai chiều của vũ trụ, nhân quả chạy suốt chiều dọc thời gian, nhân duyên xuyên tột chiều ngang không gian. Do đó, gọi là “Chân lý phổ biến”.

Giảng:

Chân lý phổ biến là chân lý trùm khắp. Lý nhân quả thì đứng về thời gian, lý nhân duyên thì đứng về không gian. Lý nhân quả đứng về thời gian, vì từ nhân đến quả trải qua quá khứ, hiện tại, vị lai. Thí dụ chúng ta gieo một hạt cam, lần lần lên cây cam, cây cam lớn cho đến khi có quả qua một thời gian một năm, hai năm, ba năm, như vậy chớ không phải gieo hạt là có quả liền. Còn lý nhân duyên thì đứng về không gian. Không gian tức là hợp thể. Hợp thể thì choán một khoảng không gian. Cái nhà này là do nhiều sự kiện hợp lại choán một khoảng không gian. Vũ trụ là thời gian và không gian. Mà nhân quả và nhân duyên là cái lý trùm cả vũ trụ. Như vậy gọi là chân lý phổ biến trùm khắp hết không có sót một cái.

Chúng ta học Phật là học chân lý không phải học thứ huyễn hoặc mơ hồ.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 18767
  • Online: 88