Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt)

30/08/2019 | Lượt xem: 1882

III. CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI

Chánh Văn:

Một thực thể không lệ thuộc nhân quả, duyên sanh, thoát ngoài đối đãi là chân lý tuyệt đối. Không thuộc nhân quả nên không sanh diệt vô thường. Không thuộc duyên sanh nên không phải hợp tướng giả dối. Thoát ngoài vòng đối đãi nên không trị liệu, không so sánh, không luận bàn, không suy nghĩ đến được. Thực thể này không lệ thuộc thời gian, không bị chi phối của không gian, vượt ngoài mọi đối tượng trong vũ trụ. 

Chính nó là sinh mạng, là mạch sống của chúng sinh, mà chúng sinh không nhận ra nó. Nó hiển nhiên hằng có mặt nơi chúng ta, mà chúng ta lãng quên nó một cách đáng thương. Nó là thể chẳng sanh chẳng diệt vĩnh cửu trường tồn của chúng ta, chúng ta không biết đến nó, đi nhận cái sanh diệt tạm bợ làm mình. Bỏ quên thực thể này là vô minh là si mê, nhận được nó là giác ngộ là trí tuệ. Bỏ quên nó, đi theo sanh diệt là luân hồi, nhận sống với nó là vô sanh giải thoát. Bởi thực thể này hệ trọng dường ấy, nên chúng ta phải biết: nó tên gì? Làm sao nhận ra nó? Nhận được nó có lợi ích gì? Chúng tôi sẽ theo thứ tự giải quyết những thắc mắc này.

Giảng:

Đến chân lý tuyệt đối thì quý vị thấy điều này cả thế gian gần như không ai biết, bởi vì người ta chỉ biết trong phạm vi đối đãi thôi. Bao nhiêu người ngồi lại bàn tính, nói năng đều là nói trong tương đối; việc đó là phải hay quấy, nên hay hư, tốt hay xấu, hay hay dở v.v... cứ bàn tính bao nhiêu việc đó. Còn một cái vượt ngoài đối đãi họ không bao giờ biết. Cả thế gian đều không biết chứ không phải một người hay hai người không biết. Cho nên cái này có tầm quan trọng vô cùng mà người ta ít ai biết. Tôi viết những đoạn này, giảng những phần này đối với tôi, tôi thấy nó quá quan trọng nhưng mà trong số thính giả này có người nghe cũng chỉ là nghe thôi chớ không thấy tầm quan trọng của nó.

Bây giờ tôi nói rõ cho quý vị thấy cái thật thể không thuộc nhân quả, không thuộc nhân duyên. Thường thường ở thế gian này cái gì có tướng trạng đều thuộc nhân quả, đều thuộc nhân duyên. Như cái nhà là do gạch, xi măng, từng hạt cát... hợp lại mà thành. Cái gì do các duyên hợp thì cái đó vô thường giả dối. Thân này là tướng do nhân duyên hợp, tâm là thọ, tưởng, hành, thức cũng là tướng nhân duyên hợp, cũng là thứ giả dối. Những cái giả dối đó chấp nó là mình cho nên không thấy được cái chân thật. Vì vậy nói đến một thật thể mà thoát ngoài nhân duyên, thoát ngoài sanh diệt vô thường, thoát ngoài hợp tướng giả dối, cái đó là thật là khó nói. Bởi vì tất cả những gì trên thế gian này đều nằm trong đối đãi, nằm trong nhân duyên hay nhân quả, mà có một cái thoát ngoài những cái đó, làm sao nói được đây? Cho nên chỗ này nói cái thoát ra thời gian, thoát ra không gian, thoát ra vòng đối đãi trị liệu thì hỏi lấy cái gì để chỉ để nói nó cho được? Nó hằng có mặt ở chúng ta mà chúng ta lại quên đi.

Như vậy nếu chúng ta nhận ra nó là giác, mà quên nó là mê. Nếu chúng ta đi theo cái quên đó mãi thì sanh tử luân hồi, còn sống theo cái giác đó mãi thì giải thoát. Đó là cái hết sức quan trọng mà thế gian không biết nó tên gì? 

 

Chánh Văn:

Thực thể này nguyên không có tên, trong Phật pháp tùy công dụng gắng gượng đặt rất nhiều tên: Kinh Kim Cang gọi là Kim Cang Bát Nhã Ba la mật, tức là trí tuệ cứu cánh như kim cang. Bởi vì trí tuệ này không có cái gì phá hoại được nó, mà nó phá hoại tất cả, như chất kim cang. Kinh Viên Giác gọi nó là Viên Giác tánh, là tánh giác tròn đầy. Vì đối với các thứ chân lý, chúng ta nhận được từng phần chân lý nào thì giác ngộ phần chân lý ấy, nên gọi là phần giác. Chỉ nhận được Chân lý tuyệt đối này, mới gọi là giác ngộ viên mãn. Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật hay Phật thừa. Bởi vì nó là cái thấy biết Phật, là cỗ xe đưa người đến Phật quả. Kinh Hoa Nghiêm gọi là trí huệ Phật. Vì nhận được thực thể này là trí huệ giác ngộ của chư Phật. Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chân tâm hay Như lai tàng. Nó là tâm thể chân thật hay kho tàng Như Lai của chúng sanh. Kinh Duy Ma Cật gọi là Pháp môn bất nhị, vì nó vượt ra ngoài vòng đối đãi hai bên. Thiền Tông gọi là Chân Tánh. Nó là tánh chân thật của tất cả chúng sanh. Lại còn những tên thông dụng là: Chân Như, Phật tánh, Pháp Thân, Đạo, Bản Lai diện mục..., không thể kế xiết.

Giảng:

Bởi vì nó không có tên nên được gọi nhiều tên. Cái gì không tên, cái đó có nhiều tên. Tôi thí dụ có một người ở đâu bên ngoài đi vào mà có dáng hơi kỳ lạ, quý vị không ai biết người đó tên gì. Khi về quý vị kể bữa nay tôi đi nghe giảng, thấy có một ông đó ở ngoài đi vào, ông làm gì hơi kỳ kỳ. Hỏi ông đó là ông gì? Trả lời ông đầu bạc. Rồi người khác thấy ông da đen thì đặt tên là ông da đen. Hoặc người khác thấy ông đó chân đi hơi xúc xụi, đặt là ông xúc xụi chẳng hạn. Tùy theo cái thấy của họ, mỗi người nhìn theo một đặc điểm nào đó mà đặt họ đặt tên ông ấy. Sở dĩ người ta đặt tên ông là vì họ không biết tên, chớ nếu biết tên ông ấy là A thì không cần đặt tên nữa. Sở dĩ đặt nhiều tên cho cái thực thể này là vì cái đó không có tên. Bởi vì không tên cho nên tùy công dụng mà đặt tên, do đó mà có nhiều tên.

Cái thực thể này hay cái chân lý tuyệt đối này nó không tên, tùy công dụng mà đặt tên. Trong kinh Phật đặt nhiều tên, nói tới công dụng nào thì Phật đặt tên ấy. Có chỗ gọi là tri kiến Phật, có chỗ gọi là Chân tâm, có chỗ gọi là Bản lai diện mục, có chỗ gọi là Đạo, có chỗ gọi là Phật tánh... Sở dĩ có nhiều tên là vì nó không có tên, tùy công dụng mà đặt tên nên có rất nhiều tên.

Hỏi cái đó của ai? Trả lời của tôi! Nếu của tôi thì cái đó lệ thuộc vào tôi rồi. Như vậy hai cái, tôi là một cái đó là hai. Cho nên nói của tôi cũng sai luôn, mà nói cái gì cũng không được hết. Cho nên nói một vật thì không đúng.

Chính vì vậy nên quý vị mới thấy ý nghĩa câu chuyện của Mã Tổ khi ra khỏi chỗ tổ Nam Nhạc, Ngài đi hoằng hóa nơi khác, tức là làm thầy thiên hạ thì gặp ai Ngài cũng nói tức tâm là Phật. Chính tâm là Phật chớ không nói gì khác. Ngài nói thẳng như vậy. Nhưng rồi sau một thời gian Ngài nói phi tâm phi Phật, rồi lần sau nữa Ngài nói phi vật luôn. Như vậy là sao? Bởi vì lúc đầu người ta nghĩ Phật là cái gì xa xôi ở ngoài mình, cho nên Ngài chỉ thẳng tâm mình là Phật chớ không ở xa xôi. Nhưng khi người ta nghĩ tâm là Phật họ cãi lại: Như vậy cái gì mình nghĩ, mình tính là Phật sao? Hay Phật là tâm mình? Ngài bèn nói phi tâm phi Phật. Như vậy không phải tâm, không phải Phật, có lẽ là một vật gì lạ. Ngài liền nói Phi vật. Người ta nghe không hiểu Ngài nói cái gì? Chính là Ngài nói cái tuyệt đối này nó không có tên.

Đó là tôi nói chuyện Mã Tổ.

Lục Tổ cũng vậy. Một hôm giữa đại hội chúng đông đảo, Ngài khoe với chúng rằng: Ta có một cái không đầu, không đuôi, không tên, không họ, đố các ngươi là cái gì? Lúc đó Ngài Thần Hội chừng mười hai, mười ba tuổi thông minh lắm, đứng ra thưa: Dạ cái đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội. Bị Lục Tổ quở: Ông lại lấy tranh che đầu. Bởi vì còn có một danh từ tức là còn lấp dưới một lớp.

Với Lục Tổ thì nói là lấy tranh che đầu, với tổ Lâm Tế thì gọi là khoác thêm một chiếc áo. Khoác thêm một chiếc áo nghĩa là con người thật thì không màu sắc mà mang chiếc áo vào là áo xanh, áo vàng, áo trắng, áo đen... là những lớp áo bên ngoài, không phải là con người thật.

Như vậy để thấy nó không tên mà đặt tên là đã mặc áo cho nó rồi. Nói Pháp thân, nói Đạo, nói cái gì cũng là cái tên. Đó là cái thực thể đó chớ không phải là của, nhưng gượng nói của cho dễ hiểu thôi. Nó là chính chúng ta mà chúng ta không biết. Bởi không biết cho nên nói rằng tôi khao khát đi cầu Đạo thì nghĩ Đạo là cái gì ngoài mình. Rồi có người nói Đạo càng cầu thì càng xa, làm cho mình không hiểu. Cầu là phải gần chứ, sao nói càng cầu càng xa? Nói càng cầu càng xa để chỉ rằng Đạo ở nơi ta, vừa dấy niệm cầu là đã mất rồi. Vì nghĩ Đạo ở ngoài mới đi cầu cho nên xa. Đạo là cái thực thể chính nơi mình.

Trong kinh nói Chân như, Phật tánh, mà không biết nó ra sao mới tìm thầy cầu chỉ. Quý vị tưởng tượng Chân như, Phật tánh giống như cái gì? Nếu Chân như, Phật tánh như cái đồng hồ, bình bông ở ngoài thì mới chỉ được, còn Chân như Phật tánh là cái thể của mình, nó không tướng mạo, làm sao chỉ? Vì vậy càng cầu, càng nhờ chỉ càng không thấy, đó là cái khó. Vì chỗ khó đó mà quý vị đọc sách Phật một hồi không biết nói cái gì. Chính vì chỗ đó là chỗ cứu kính khiến người ta khó hiểu. 

 

Chánh Văn:

Tạm biết tên thế này một cách khái quát rồi, chúng ta cần phải nhận ra mặt mày nó mới là điều thiết yếu. Song phàm có nói năng có trình bày đều thuộc về tương đối.

Giảng:

Nói năng trình bày là tương đối, mà cái thể thì tuyệt đối làm sao nói năng trình bày?

 

Chánh Văn:

Làm sao diễn đạt khiến người chưa hiểu nhận được. Đây quả là điều thiên nan vạn nan.

Giảng:

Ngàn khó muôn khó chứ không phải khó một khó hai gì, không phải là chuyện dễ.

 

Chánh Văn:

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gắng gượng, trước tạm đặt những nguyên tắc, kế dẫn lời Phật dạy trong kinh, sau cùng nhắc lại những phương tiện của Thiền sư, họa chăng quý độc giả có nhận được phần nào chăng.

Giảng:

Đây là những phương tiện mà chúng tôi chỉ cho quý vị thấy, nhận ra. Trước hết nói về nguyên tắc.

 

Chánh Văn:

Chúng ta tạm đặt những nguyên tắc để khả dĩ nhận ra mặt mày của nó. Phàm cái gì "có hình tướng đều do duyên hợp là hư giả", cái gì "có tác động là sanh diệt", cái gì "đối đãi là không thật". Ngược lại, cái gì "không hình tướng, không tác động, không đối đãi là chân thật, thường còn, vô sanh". Cái không hình tướng thì không giới hạn chỗ nơi trong ngoài. Vừa đặt câu hỏi tìm chỗ nơi với nó là sai. Cái không tác động thì không sanh diệt, không bị vô thường theo thời gian. Đặt vấn đề thời gian với nó là sai. Cái không đối đãi thì không còn so sánh, không phân biệt. Đặt vấn đề so sánh phân biệt với nó là sai. Thực thể này tràn đầy hiện hữu nơi chúng ta, vừa dấy tâm tìm kiếm nó là sai. Nó là thực thể của giác tri, không phải cái đối tượng giác tri. Nếu khởi nghĩ cầu biết nó là sai. Nó không hình tướng, không tác động, không đối đãi, mà có mặt khắp ba nơi ấy. Cho nên nghĩ ly khai hình tướng tác động đối đãi để tìm nó là sai. Yếu chỉ nhận ra nó là tự ta "trực nhận, thầm nhận". Lời Phật dạy, phương tiện Tổ chỉ đều là lối "đập cỏ rắn sợ" hay "vỗ nước cá đau đầu" mà thôi. Chúng ta muốn nhận ra nó phải khéo nhìn theo tinh thần "ngón tay chỉ mặt trăng". Mặt trăng không nằm tại đầu ngón tay, khéo nương theo ngón tay thấy mặt trăng ở tận trong hư không. Hoặc nhìn theo tinh thần soi gương. Nhân thấy bóng trong gương, biết được mặt thật của mình, đừng chấp bóng là thật, đợi khi xoay gương mất bóng la hoảng lên "mất mình". 

Đây là phương tiện tạm đặt những nguyên tắc, nương nó khả dĩ chúng ta thấy được thực thể chính mình.

Giảng:

Đây là những nguyên tắc. Sở dĩ có những nguyên tắc này là vì đại đa số người quá lầm về chân lý tuyệt đối này. Bởi lầm cho nên khi họ đặt ra những câu hỏi sai lệch mà mình không biết, mình trả lời sai luôn.

Những nguyên tắc đó là gì?

- Phàm cái gì có hình tướng đều do duyên hợp, là giả.

Cái mà do duyên hợp thì cái đó hư giả, thí dụ như bọt nước, do sóng vỗ nổi bọt, một chút thì nó tan. Bọt nước thì dễ thấy giả. Sự vật trong thân này cũng vậy. Tất cả do duyên hợp, cái cứng chắc nó hợp lâu hơn, cái rời rã nó tan mau hơn. Nhưng mà những cái hợp đều thể hiện sự tan rã, không có cái nào hợp mà không tan. Có hợp là nhất định phải có tan. Cho nên có hợp có tan đều là tướng hư giả. Nói tới nhân duyên chung là để biết rõ.

- Cái gì có tác động là sanh diệt.

Thí dụ như lời nói có tác động, cho nên sanh diệt. Hành động của chúng ta khi tác động là sanh, khi dừng lại gọi là diệt. Tâm suy nghĩ của chúng ta chợt dấy lên là sanh, lặng xuống gọi là diệt. Như vậy thân, miệng, ý đều có tác động. Bởi có tác động cho nên ba cái đó đều là sanh diệt. Đó là nguyên tắc thứ hai.

- Cái gì nằm trong phạm vi đối đãi đều là không thật.

Thí dụ như sáng đối với tối, sáng với tối đều là không thật. Tại sao? Thí dụ đang tối, bật đèn lên thì sáng. Có sáng thì tối mất, như vật cái tối đâu phải là thật. Bây giờ đèn đang sáng, tắt đèn liền trở thành tối. Cái tối, cái sáng là tương đối, có phải là có quấy cho nên phải quấy cũng là hư giả. Thế gian không biết, cứ chấp phải quấy là thật. Cái này là phải cái kia là quấy, cái nào cũng thật hết. Nhưng có thật không? Ai sống chừng năm, sáu mươi năm thì thấy rõ điều đó. Hồi xưa nói như vầy là phải, bây giờ nói khác đi. Gần nhất như ở Việt Nam đi đường là đi bên tay phải, nếu ai đụng mình thì người đó quấy. Nhưng ngược lại qua các nước Ấn Độ lại đi bên trái, ai đụng họ bên tay trái thì người đó quấy. Như vậy nói sao đây? Ai phải, ai quấy? Cái phải quấy nó nằm ở chỗ nào?

Vì vậy nguyên tắc phải quấy tùy từng chỗ. Người có khả năng điều khiển được dân chúng, có quyền đặt ra cái gì đó thì cái đó là phải, dân chúng họ theo cái đó thành phải. Rồi người đó chết đi, người khác có quyền họ đặt ra cái gì khác đi ngược lại cái phải trước, rồi cái sau cũng vẫn phải. Đặt ra, cứ học theo đó rồi nói phải, lâu ngày biến thành phải. Thành ra cái phải cái quấy đều là tập quán do tư tưởng người ta đặt ra chứ không phải chân lý. Vậy mà mình cố chấp phải quấy rồi rầy người này, trách người kia.

Thí dụ hồi xưa, Tăng Ni đi ra đường phải mặc áo tràng đàng hoàng là phải. Nhưng bây giờ phải mặc áo ngắn để lao động, để làm việc này việc kia, mặc áo dài luộm thuộm khó làm việc người ta trách. Vậy phải quấy nằm ở chỗ nào? Ở thế gian này không có phải quấy cố định mà theo thời gian, theo hoàn cảnh. Như vậy phải quấy đâu phải thật. Nhưng người ta ngồi lại cứ nói phải nói quấy, chiếm hết thời giờ rốt cuộc rồi không đi tới đâu và không phải là chân lý. Cho nên mình thấy ở khía cạnh này phải, qua khía cạnh khác thì quấy. Do đó người ta mới đi kiện tụng với nhau. Chứ nếu phải quấy là chân lý thì phải ra phải, quấy ra quấy, đâu có ai thấy khác mà kiện tụng.

Như vậy cái gì tương đối thì không phải chân lý thật. Nó chỉ là tạm thôi, tạm trong lúc nào đó, trong hoàn cảnh nào đó mà dùng nó, chớ không phải thật. Nhiều ông già bà cả hay cố chấp, cứ nhớ là mình sống theo nếp hồi xưa. Bây giờ thấy con cháu làm khác đi thì rầy, tụi bây làm vậy không phải. Nhưng mà bây giờ nó thấy làm vậy là phải thì nói sao? 

Tôi thí dụ lúc trước nhiều người học trò hoặc mấy người đàng hoàng hớt tóc ngắn gọn, ăn mặc sạch sẽ, đó là phải là người đàng hoàng. Nhưng bây giờ người ta thích để tóc dài, cũng là phải với mấy đứa nhỏ. Mỗi thời, cái phải cái quấy nó khác nhau chứ không giống nhau. Mình lấy cái phải hồi xưa để so cái phải bây giờ nó không đúng. Người không biết cứ cố chấp, rồi rầy rà phiền người này trách người kia.

Thí dụ hồi xưa mình thấy tóc ngắn là phải, mấy đứa em cháu mình nó để tóc dài là không tốt. Mình rầy nó, nó nói đẹp thì thôi cũng phải luôn cho rồi. Tại thời nó thấy như vậy là đẹp, chứ mình bắt nó giống mình làm sao được. Bắt nó giống mình tức là bắt nó sống lại mấy chục năm về trước sao? Mỗi thời có cái phải của mỗi thời. Chúng ta không có bắt buộc thiên hạ phải theo cái thấy của mình. Nhớ hồi xưa cỡ tôi về trước, mấy cô ở nhà phải làm bánh trái bếp núc cho giỏi, đó là phải. Bây giờ mấy cô cuốc đất làm được tất cả những việc của người đàn ông là phải, sản xuất nhiều được ca ngợi.

Như vậy thì cái phải cái quấy tùy hoàn cảnh, không có cố định. Bây giờ ngồi trách sao con không giống mẹ. Mẹ hồi xưa công dung ngôn hạnh, khuê môn bất xuất, con bây giờ nói năng đi lại tự do. Bắt lỗi như vậy thì nó khổ, cứ ru rú trong nhà hoài đâu được, phải đi làm việc này việc kia với chúng bạn. Như vậy phải quấy của mỗi thời không có gì là cố định hết. Không cố định thì ngồi đó mà nói chuyện phải quấy làm chi. Vậy mà mấy cô mấy bà cứ bắt lỗi người này, bắt lỗi người kia. Cái đó không thật, không đúng rồi, bắt lỗi bắt phải làm chi cho thêm chuyện. Như vậy có phải tự mình làm khổ cho mình hay không?

Đạo Phật nói lẽ thật, nói chân lý chớ không phải nói những cái thường mà người thế gian họ không hiểu. Vì không hiểu mà thế gian đau khổ, cứ chấp những cái nhỏ nhặt, những cái mà mình huân tập đó. Người khác cũng biết huân tập như mình vậy. Nhưng mà cái mình huân tập thì khác, họ huân tập khác, mỗi thời có cái huân tập khác nhau. Hiểu được như vậy thì cuộc sống thoải mái nhiều, vui vẻ nhiều, chứ không có khổ.

Tôi thấy có nhiều đạo hữu lớn tuổi khoảng năm mươi, sáu mươi tuổi hay trách con cháu lắm, nhất là thấy mấy đứa con để tóc dài, thấy bực bội mắng nó là thằng cao bồi... này kia. Cứ bực bội nó hoài, chi bằng thấy nó thích để tóc dài thì tùy thuận với nó. Vì nó sống với bạn bè hiện tại của nó, nó đâu có sống với mình hoài. Bắt nó giống mình thì đâu có vui, mà nó không vui thì nó không làm theo ý mình. Như vậy cha con thắc mắc hoài. Đó là cuộc sống hiện tại, chúng ta phải thấy đó là một lẽ thật, mà nhiều người không hiểu. Đó là tôi nói cái tương đối. Bây giờ cái tuyệt đối này hết sức khó khăn. Chúng ta nhận ra nó bằng cách nào đây?

Nãy giờ nói cái không thật, bây giờ nói cái thật.

Ngược lại cái gì không hình tướng, không tác động, không đối đãi là chân thật thường còn vô sanh. Không hình tướng, không tác động, không đối đãi, cái đó mới chân thật. Nhưng mà quý vị nói hư không là chân thật? Phải hư không là chân thật không, vì nó không có hình tướng, không tác động, không đối đãi? Hư không không phải là chân thật, vì hư không là đối đãi. Không đối với có, cái này là có, cái này là không, cho nên hư không không phải là chân thật.

Có cái không hình tướng, không tác động, không đối đãi mà chân thật, vì nó không phải là không. Cái đó gọi là Đạo là Chân tâm, Phật tánh, hay là Bản lai diện mục... Cho nên nói học thiền là phải kiến tánh, hay là học Đạo là phải minh tâm. Minh tâm tức là rõ được cái tâm chân thật của mình. Minh tâm kiến tánh là những danh từ chuyên môn. Cái đó là hiện có nơi mình, không hình tướng, không tác động, không đối đãi mà hiện có.

Không hình tướng làm sao chỉ? Bắt tôi chỉ cái không hình tướng tôi cũng không chỉ được.

Không tác động, thí dụ như cái tay mình hoạt động thì biết cái tay đang hoạt động, dễ biết, nhưng đây nó không tác động.

Thí dụ như gió, quý vị nói gió có tác động không? Nó có tác động nhưng mà mình không thấy. Nếu không có những vật khác thì mình không bao giờ thấy. Thấy lá cây phất phơ mình nói là có gió, chớ còn nếu không có lá cây phất phơ mình thấy được gió đâu. Khi không thấy hình tướng gió, cũng không thấy tác động, mình nói hư không không có gió được không? Dầu trong hư không không thấy mây bay, không thấy mưa, nó trống rỗng nhưng không phải là không gió. Như vậy không thấy hình tướng mà vẫn có gió.

Cái chân lý tuyệt đối này có sẵn nơi chúng ta nó không có hình tướng, không có tác động mà nó vẫn hiện hữu, không phút giây nào vắng mặt. Đó là cái thật khó thấy. Cho nên muốn chỉ nó thì thiên nan vạn nan như hồi nãy tôi đã nói.

Bây giờ để tôi chỉ những câu hỏi sai lầm người ta đã đặt ra cho nó.

Cái không hình tướng thì không giới hạn nơi trong ngoài. Vừa đặt câu hỏi tìm chỗ nơi là sai. Có người nghe nói Phật tánh, nghe nói Chân tâm rồi hỏi: Thưa thầy, trong kinh nói Chân tâm, xin thầy chỉ Chân tâm ở đâu? Quý Phật tử trả lời xem ở đâu? Cái không hình tướng mà đặt chỗ nơi thì sai rồi. Thí dụ cái đồng hồ, hỏi ở đâu thì mình nói được, vì nó có hình tướng hoặc là để ở trong tủ, hoặc là để trên bàn, hoặc là để ở chỗ nào đó. Còn cái không hình tướng mà hỏi ở chỗ nào thì sai rồi. Họ tưởng nó có hình tướng, nhưng Chân tâm, Phật tánh hay Đạo không hình tướng, mà đặt chỗ nơi là sai. Họ hỏi sai mà mình trả lời theo thì mình sai luôn. Như vậy người đáp với người hỏi không ai đúng hết.

Còn người biết, hỏi Chân tâm ở đâu thì cười thôi. Bèn hỏi lại: Đạo hữu quan niệm Chân tâm là thế nào? Phải hỏi coi quan niệm Chân tâm là cái gì, nó thế nào rồi mới trả lời chỗ mê của họ. Nếu họ biết Chân tâm không hình tướng thì câu hỏi tự nhiên đáp được. Còn người không biết, hỏi Chân tâm ở đâu? Trả lời ở đây hoặc ở đâu đó thì sai.

Người đời lầm lẫn thấy người ta đi chùa lạy Phật thì nói: Trong kinh nói Phật tức tâm, đi chùa lạy Phật làm gì? Phật tức tâm, cứ ngay tâm mà tu. Nhưng hỏi tâm là cái gì thì không biết. Nói như con sáo, nó nói cũng giống hệt người ta mà không biết gì hết. Không biết mà tưởng như biết, đó là điều thật là khó. Vì vậy hỏi Chân tâm, Phật tánh ở chỗ nào là câu hỏi sai. Câu hỏi đã sai, ai trả lời câu hỏi đó lại càng sai hơn.

Khi người nào hỏi câu hỏi đó, mình đặt lại câu hỏi cho họ. Huynh quan niệm Phật tánh như thế nào? Hỏi như vậy để cho họ giật mình, xét lại câu hỏi của họ. Nếu mình trả lời là mình sai. Đa số người học đạo bây giờ cứ hỏi là trả lời mà không biết câu hỏi đã sai.

Đó là cái lầm thứ nhất, biết sai nguyên tắc rồi.

Cái không tác động thì không sanh diệt, không bị vô thường theo thời gian. Đặt vấn đề thời gian với nó là sai. Không sanh diệt thì không bị vô thường theo thời gian. Có người hỏi Chân tâm có từ hồi nào? Hồi nào là hỏi theo thời gian. Cái không tác động là không sanh diệt, không sanh diệt tức là không mắc kẹt trong thời gian, mà nói hồi nào tức là nói theo thời gian. Trả lời nó có hồi nào đều sai. Cho nên hỏi có hồi nào, nếu có trả lời chăng thì nói có từ vô thủy. Vô thủy là không có đầu mối, không đầu mối là không biết từ đâu hết. Như vậy câu hỏi có từ hồi nào đã sai rồi.

Đó là câu hỏi thứ hai sai, nếu chúng ta trả lời câu hỏi đó là chúng ta sai luôn.

Cái không đối đãi thì không so sánh, phân biệt được. Đặt vấn đề so sánh, phân biệt với nó là sai. Thí dụ hỏi Chân tâm giống như cái gì? Quý vị nói coi? Không có cái gì so sánh với nó được hết. Thí dụ và so sánh là sai rồi. Cho nên nói cái tuyệt đối vượt ngoài đối đãi.

Thật thể này tràn đầy hiện hữu nơi chúng ta, vừa dấy tâm tìm kiếm nó là sai. Nó tràn đầy nơi mình, nó sẵn có nơi mình, nó là mình cho nên vừa tìm nó là sai. Vì vậy mà ông tú tài Trương Chuyết khi ngộ đạo rồi mới làm bài kệ rằng: "Thú hướng chân như tổng thị tà". Ai muốn tìm chân như thì người đó là tà. Tại sao vậy? Tìm chân như là tìm cái thể chân thật mà nói là tà! Tìm cái hư dối thì gọi tà là phải. Tìm cái chân thật tại sao là tà? Vì chân như chính là mình, mình dấy niệm tìm mình là sai nên gọi là tà. Cũng như dấy niệm đi tìm Đạo, cũng là trái với Đạo, cho nên cái nguyên tắc tìm nó là sai.

Nó là thật thể của giác tri không phải đối tượng của giác tri. Nếu khởi nghĩ cầu biết nó là sai. Chính chỗ này trong kinh Lăng Nghiêm ngài A-nan hỏi Phật: Phật nói cái Chân tâm là tâm của con, tại sao con không thấy nó, con không biết nó? Câu hỏi mới nghe dường như có lý. Nếu Chân tâm của con thì con phải thấy, con phải biết, tại sao con không thấy, con không biết? Tôi xin hỏi nếu chúng ta thấy, chúng ta biết thì Chân tâm là mình hay là ai? Thí dụ nói tôi thấy cái đồng hồ thì đồng hồ ngoài tôi. Nếu thấy là tôi thì tôi là cái gì và thấy là cái gì? Thấy là mình, thì mình thấy ở ngoài chứ làm sao mình thấy được mình? Nếu biết là mình thì cái biết là mình rồi, mình còn biết nó nữa thì cái bị biết đó là cái khác rồi.

Cho nên nói cái thật thể giác tri mà mình muốn biết nó thì nó thành ra đối tượng giác tri rồi, đâu còn là thật thể giác tri nữa. Vậy mà đa số người học đạo thắc mắc: Thưa thầy trong nhà thiền nói tu thiền phải kiến tánh, xin thầy chỉ cho con thấy tánh của con. Câu nói này dường như có lý. Chỉ cho thấy cái tánh của họ. Nếu cái tánh mà chỉ được thì nó có hình tướng, mà thấy được nó là cái bị thấy chứ đâu phải là họ. 

Hai cái lỗi hết sức rõ ràng mà ít ai thấy. Nếu không hiểu sâu chỗ này thì chúng ta bị lầm. Người hỏi lầm và người đáp cũng lầm luôn. Chúng ta cứ tiếp tục chỉ, chỉ một hồi càng chỉ lại càng sai. Rốt cuộc chỉ một hồi cả hai đều mù mù mịt mịt không ai biết gì hết. Chính những cái đó mà đa số chúng ta hiện giờ đang bị lầm lẫn, cho nên thật là khó. Cái không thể chỉ được mà không phải là không có.

Nó không có hình tướng, không tác động, cũng không đối đãi mà có mặt khắp ba nơi ấy. Cho nên nghĩ ly khai hình tướng, tác động, đối đãi để tìm nó là sai. Nó không có hình tướng, không tác động, không đối đãi mà lìa hình tướng, lìa tác động, lìa đối đãi để tìm nó cũng không được. Nếu rời thân này mà tìm Phật tánh thì Phật tánh là hư không rồi. Nếu nói thân này là Phật tánh mà thân này là tướng sanh diệt, vậy Phật tánh có sanh diệt sao?

Chỗ này trong nhà thiền thường ví dụ như con ngỗng chúa uống sữa vậy. Sữa với nước hòa lại rồi con ngỗng chúa uống sữa mà bỏ nước lại, đó là cái khéo. Ngay nơi thân này mà phải vạch ra cái nào thật cái nào giả, chớ không phải ngay nơi thân này chấp nó là mình, là Phật tánh thì lầm. Như vậy phải khéo léo vô cùng.

Người học Phật là người có trí thông minh tuyệt vời chớ không phải là thường. Phải lọc lựa ngay trong cái giả dối tìm ra cái chân thật. Thân này là giả dối, thân này là vô thường vô ngã. Đức Phật nói cả thân lẫn tâm đều vô ngã. Khi nghe nói vô ngã, người ta tưởng như vậy thì rời thân tâm, Chân tâm ở đâu chớ không phải ở đây. Đó là cái sai lầm. Sau này Phật mới chỉ ngay thân tâm này có cái chân ngã ở đó.

Suy nghĩ tính toán là cái sanh diệt chợt có chợt không, mà Phật là cái chân tánh bất sanh bất diệt chớ đâu phải là cái sanh diệt. Nhưng mà nói cái suy nghĩ không phải Phật, rồi họ tưởng là cái gì ở ngoài họ tìm. Nói ở trong thì họ chấp ở trong là sai, nói không phải ở trong thì họ tìm ở ngoài cũng sai. Vì vậy trong nhà Phật nói "phi tức phi ly", không phải là thân này, mà cũng không phải lìa thân này. Nói những chữ đó làm sao hiểu nổi, nhưng mà khéo thì nhận ra.

Tôi thường thí dụ con mắt không thấy được con mắt. Có người đưa cái gương nói muốn thấy con mắt thì lấy cái gương mà nhìn. Nhưng nhìn cái gương để thấy con mắt thì cái mình thấy đó chẳng qua là cái bóng của con mắt thôi. Con mắt thật thì không thể thấy con mắt thật được, mà con mắt thật chỉ thấy con mắt bằng cái bóng của nó chớ không sao thấy được nó.

Cũng như vậy, cái thật thể Chân tâm vốn không thể tự thấy nó được. Muốn tìm thấy nó là sai. Hỏi: Nếu tôi không thấy được con mắt tôi, làm sao tôi biết tôi có con mắt sáng? Chỉ trả lời, con mắt mù là không thấy cảnh, con mắt sáng là thấy được cảnh. Khi thấy cảnh, tự mình nhận ra mình có con mắt sáng. Tự mình thầm nhận ra mình có con mắt sáng, chớ đâu có cách chỉ con mắt sáng cho mình. Nhân thấy cảnh mà biết mình có con mắt sáng. Đó là tự thầm nhận ra chứ không ai nhận thế cho mình được. Cái đó rất quan trọng. Nếu không nhận được như vậy thì không làm sao hiểu.

Vì vậy trong nhà thiền, Tổ sư ngày xưa thường nói "đập cỏ rắn sợ, vỗ nước cá đau đầu". Ban đêm mình đập cỏ xạc xạc, mình đâu biết rắn chỗ nào mà đập, nhưng nghe cỏ xạc xạc con rắn nó hoảng nó chạy đi. Tuy không trúng mà vẫn có hiệu dụng. Cũng như cá dưới ao, mình lấy tấm ván vỗ nước thì cá dưới nước đau đầu. Mình vỗ đâu có trúng đầu cá, nhưng mà tức nước thì cá đau đầu. Như vậy để chỉ nhân cái này mà nhận được cái kia. Thiền sư nghe cái này mà ngộ được cái khác, chứ không bao giờ chấp ngay lời nói đó mà nhận được. Đó là cái thật khéo léo. Thầm nhận được như vậy, hiểu được như vậy thì mới biết được yếu chỉ.

Cũng vậy, Kinh Phật dạy ví như ngón tay chỉ mặt trăng. Ai muốn nhìn mặt trăng thì chỉ nương ngón tay để nhìn tới tít xa xôi ngoài kia thấy mặt trăng, chớ đâu phải mặt trăng là ngón tay. Người nói mặt trăng là ngón tay thì người đó là người ngốc. Người ngốc thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Mà trong kinh Lăng Nghiêm Phật quở: Đã không biết nương ngón tay để thấy mặt trăng, lại tưởng ngón tay là mặt trăng là họ đã lầm hai lần, vừa không thấy được mặt trăng mà cũng quên mất ngón tay.

Học Kinh giống như nương ngón tay thấy mặt trăng, chân lý không nằm ở lời Kinh. Nhiều người cứ bám vào Kinh cho đó là chân lý, rồi đọc bao nhiêu đó thỏa mãn là lầm. Đọc kinh để nhận ra chân lý nơi mình, chớ không phải đọc rồi thỏa mãn tại đó. Cho nên chỗ này thật là khó khăn. Nếu không nhận được thì không làm sao thấy được chân lý. Vì vậy cho nên đây nói rằng, theo tinh thần soi gương, tức là thấy cái bóng trong gương mà nhận ra thân này chứ đừng chấp cái bóng. Nếu chấp cái bóng là lầm.

Đây là những phương tiện đặt ra, tiếc rằng không thể giảng nữa được, thôi để dành khi khác. Khi khác sẽ chỉ thẳng ra, quý vị sẽ thấy sau.  

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 98921
  • Online: 11