Chơn không diệu hữu

26/07/2017 | Lượt xem: 6090

HT.Thích Phước Tú

Cái “CHƠN KHÔNG” hay cõi CHƠN KHÔNG, hông phải không ngơ không ngớt mà nó vẫn có ra tác dụng, có một cách mầu nhiệm, gọi là DIỆU HỮU.

Thuyền không đáy là CHƠN KHÔNG

Được qua sông là DIỆU HỮU

 

  CHƠN KHÔNG  là Thể ( nguồn lực)

  DIỆU HỮU là Dụng ( tác dụng)

Vả, KHÔNG là một trong ba pháp ấn của Phật giáo Đại Thừa (Không, Vô Tướng, Vô Tác) KHÔNG hay CHƠN KHÔNG là vô tướng, là vô tác. KHÔNG này xác định Pháp cao nhất, thâm diệu nhất.

CHƠN KHÔNG là TÂM lực thanh tịnh

DIỆU HỮU là DỤNG lực phát sanh từ Tâm lực thanh tịnh

Như Hư Không vốn xưa nay hông một vật.

Nhưng vẫn có ra bông hoa, lâu đài, trăng sao vạn vật

 thì:

CHƠN KHÔNG vốn xưa nay rỗng lặng (vô tướng).

Nhưng vẫn có ra lời dạy, kinh điển pháp mầu. Sự có ra nầy gọi là DIỆU HỮU.

Như vậy khi gọi là DIỆU HỮU đó, là khi nào các cái có ra, được lưu xuất từ cõi lòng CHƠN KHÔNG.

Tức từ TÂM KHÔNG mà nên lời nên Pháp mới được gọi là DIỆU HỮU.

Tâm KHÔNG tức là Tâm Phật. Thì từ tâm Phật mà lưu xuất mà có ra lời ra Pháp mới được gọi là DIỆU HỮU. Như vậy Phật là CHƠN KHÔNG, và Pháp là DIỆU HỮU.

Do vậy, cái gì từ Tâm giác thanh tịnh mà có ra thì mới được gọi là DIỆU HỮU.

Còn nếu cái gì từ tâm mê vọng động mà có ra thì không được gọi là DIỆU HỮU mà chỉ được gọi có Nghiệp,  tạo Nghiệp thôi.

Như thế DIỆU HỮU, có mà hông phải là Nghiệp, hông phải tạo Nghiệp (vô tác) “Có” mà vẫn thanh tịnh, vẫn trong sáng, vẫn giải thoát đó mới gọi là “ DIỆU” là mầu nhiệm, là hay khéo, là tuyệt vời và cái ‘có’ như vậy (DIỆU HỮU) mới thực sự lợi ích cho người. Lợi ích mà vẫn giải thoát. “Có” mà hông kẹt hông dính mắc cái có ra. Nói mà hông kẹt lời, viết mà hông kẹt văn, làm mà hông kẹt ở việc làm, ở hành động v.v… hông kẹt ở Ngã và Ngã Sở, hông  cái Ta và cái chấp Ta.

Còn từ tâm vọng động mà có ra thì, nếu là lợi ích cũng chỉ lợi ích trong ràng buộc, khiến mình và người đều bị ràng buộc, và mình ràng buộc người, người ràng buộc mình. Đây vẫn còn trong mê, trong đau khổ, chưa thoát ngoài Ngũ Uẩn vẫn còn đầy Tham Sân… tức còn dính kẹt vào Ngã và Ngã Sở, vào Ta và cái của Ta, còn phiền não.

Nên từ” DIỆU HỮU” chỉ được dùng khi nào có được đời sống CHƠN KHÔNG. Tức khi nào có được TRÍ HUỆ MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA. Và như vậy “DIỆU HỮU” đó chính là sức sống Từ Bi vậy.

            CHƠN KHÔNG = TRÍ

            DIỆU HỮU = BI

Và nếu khi cõi lòng rỗng trống tuyệt đối đó chính là CHƠN KHÔNG; rồi từ sức sống CHƠN KHÔNG rỗng lặng nầy:

- Tỏa ra Mắt để thấy, nhìn, trông, mà vẫn rỗng lặng

- Tỏa ra Tai để nghe mà vẫn rỗng lặng

- Tỏa ra Mũi để ngửi, mà vẫn rỗng lặng

- Tỏa ra Miệng để nếm, nói mà vẫn rỗng lặng

- Tỏa ra Thân để xúc chạm mà vẫn rỗng lặng

- Tỏa ra Não để hay biết mà vẫn rỗng lặng.

Thì :

Thấy, nghe, ngửi, nếm, nói, xúc, chạm, động đậy, hay biết như thế (hông rời CHƠN KHÔNG), được gọi là DIỆU HỮU.

Như vậy vẫn sinh hoạt bằng sáu căn mà hông rời CHƠN KHÔNG, thì đó là DIỆU HỮU.

‘Có’ như vầy mới thật là ‘có’ mầu nhiệm. Có mà hông Nghiệp, hông Tham Sân.

Nói tóm lại “DIỆU HỮU” là sức sống của người đạt Đạo, giải thoát.

“Nói, Nín, Động, Lặng… thảy an nhiên”, đó là sức sống DIỆU HỮU.

 Nói, Nín, Động, Lặng … là DIỆU HỮU

 An nhiên là CHƠN KHÔNG

Nói cách khác, DIỆU HỮU là TỰ TÁNH DỤNG, là tác dụng của TỰ TÁNH. Là nói, nín, động, lặng mà vẫn VÔ NIỆM. VÔ NIỆM mà nói, nín, động, lặng.

DIỆU HỮU  là sức sống với đời, với người mà hông khởi NIỆM. Dù có khởi phương tiện mà hông khởi NIỆM, sanh NIỆM.

Đó chính là từ Tâm Như Lai mà khởi phương tiện để lợi ích cho chúng sanh. DIỆU HỮU như vậy là chiều Tùy duyên. Tùy duyên từ cõi Như Lai bất biến. Bất biến mà Tùy duyên (bất biến là Chơn Không).

            CHƠN KHÔNG – DIỆU HỮU

 Vì thế là sức sống rất linh hoạt, và như vậy KHÔNG  mà vẫn linh động như Hư Không vẫn luôn nhuần thắm vạn loại.

CHƠN KHÔNG – DIỆU HỮU  là sức sống của Đại Bồ Tát và của Phật. Phật đã từ cõi KHÔNG mà thuyết pháp mà độ sanh.

Ấy là:   CHƠN KHÔNG – DIỆU HỮU

Lưu ý:

Đừng bao giờ hiểu lầm Nghiệp dụng là DIỆU HỮU, lầm thế nầy sẽ bị đổ nghiệp, thực hiểm nguy !!!

Chúng sanh phàm phu không có “Diệu Hữu”.

Lý Luận Sắc     KHÔNG

hay Ngũ Uẩn     KHÔNG

trong bài

 “Kinh TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”

 (KHÔNG : Là danh từ riêng chỉ riêng cho cảnh giới tâm linh siêu việt nhất . KHÔNG là TÁNH (chất) của TÂM (linh), phải được viết hoa : KHÔNG).

“Sắc” là một món trong Ngũ Uẩn (Sắc – Thọ - Tưởng – Hành – Thức) nên thay vì nói “Sắc” thì nói là “Ngũ Uẩn”. Nói Ngũ Uẩn đầy đủ, xác định hơn. Thay “Sắc” bằng “Ngũ Uẩn” thì đoạn :

  Sắc bất dị KHÔNG

  KHÔNG bất dị Sắc

  Sắc tức thị KHÔNG

  KHÔNG tức thị Sắc

Sẽ là :

  Ngũ Uẩn bất dị KHÔNG

  KHÔNG bất dị Ngũ Uẩn         

  Ngũ Uẩn tức thị KHÔNG       

  KHÔNG tức thị Ngũ Uẩn

Dịch :

  5 Uẩn chẳng khác KHÔNG

  KHÔNG chẳng khác 5 Uẩn

  5 Uẩn ấy là KHÔNG

  KHÔNG ấy là 5 Uẩn

Đoạn này có nghĩa :

TÁNH thiệt của 5 Uẩn chẳng khác (Tánh) KHÔNG.

(Tánh) KHÔNG chẳng khác TÁNH thiệt của 5 Uẩn

TÁNH thiệt của 5 Uẩn tức là (Tánh) KHÔNG.

(Tánh) KHÔNG ấy là TÁNH thiệt của 5 Uẩn.

(Thay Sắc = Ngũ Uẩn thì 2 câu : Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị được bỏ, không cần phải có nữa).

Chú ý : Đừng bao giờ nói : SẮC là KHÔNG và KHÔNG là SẮC. Đây là nói tắt, hông khéo sẽ hiểu sai, rất nguy hiểm. Sắc hông thể là KHÔNG và KHÔNG hông thể là Sắc.

TÁNH thiệt của 5 Uẩn và (Tánh) KHÔNG, cách diễn đạt lý này được thí dụ như sau :

1.Trên thân người :

Máu ở tim người nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG)

Đầu, 2 tay, 2 chân nên được hiểu là Ngũ Uẩn. và Đầu, 2 tay, 2 chân được gọi là 5 chỗ,

thì ta có:

  Máu ở 5 chỗ chẳng khác Máu (Tim)

  Máu (Tim) chẳng khác Máu ở 5 chỗ

  Máu ở 5 chỗ ấy là Máu (Tim)

  Máu (Tim) ấy là Máu ở 5 chỗ.

Máu (ở Tim) = Máu (ở 5 chỗ). (Máu mới bằng máu)

Nhưng, Máu (Tim) không phải là Đầu, Tay, Chân. Nên Tay, Chân có cụt đi mà Máu (Tim) vẫn không mất. Máu (Tim) châu lưu cùng khắp cơ thể, là sức sống cho Đầu, Mình, Tay, Chân. Máu (tim) là tất cả, quan trọng chính yếu, tốt nhứt. Máu là cái thật; Đầu, tay, chân là giả. Tay chân cụt mất mà máu hông mất.

(5 chỗ này, chỗ nào cũng mang chất Máu của Tim). “Chất” = Tánh.

2. Trên Hư KHÔNG

KHÔNG ở Hư không nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG)

Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nên được hiểu là Ngũ uẩn. Và chúng được gọi là Ngũ Hành (5 Hành), thì ta có :

KHÔNG ở 5 Hành chẳng khác KHÔNG (Hư Không)

KHÔNG (Hư Không) chẳng khác KHÔNG ở 5 Hành

KHÔNG ở 5 Hành ấy là KHÔNG (Hư Không)

KHÔNG (Hư Không) ấy là KHÔNG ở 5 Hành)

(5 Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thứ nào cũng có mang chất KHÔNG của Hư Không). “Chất” = Tánh.

KHÔNG (ở Hư Không) = KHÔNG (ở 5 Hành). (KHÔNG mới bằng KHÔNG)

KHÔNG là thiệt, hông mất; Ngũ Hành là giả, có mất.

3. Trên Điện :

Điện ở dòng điện nên được hiểu là  TÁNH (KHÔNG)

Đèn, Quạt, Bàn ủi, Tivi, Radio nên được hiểu là Ngũ Uẩn, và chúng được gọi là 5 Món, ta có :

ĐIỆN ở 5 Món chẳng khác ĐIỆN (Dòng Điện)

ĐIỆN (Dòng Điện) chẳng khác ĐIỆN ở 5 Món

ĐIỆN ở 5 Món ấy là ĐIỆN (Dòng Điện)

ĐIỆN (Dòng Điện) ấy là ĐIỆN ở 5 Món

(5 Món đồ dùng điện này, món nào cũng có mang chất Điện của Dòng Điện). “Chất” = Tánh.

ĐIỆN (Dòng Điện) = ĐIỆN (ở 5 Món). (Điện mới bằng Điện – Chứ điện không là 5 món và 5 món cũng hông là điện).

ĐIỆN là thiệt hông mất - 5món là giả, có mất có chết.

4. Trên Đất

  N.P.K (chất phân) ở Đất nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG), Cây Xoài, Mận, Bưởi, Mít, Ổi nên được hiểu là Ngũ Uẩn, và chúng được gọi là 5 cây, thì ta có :

  N.P.K ở 5 cây chẳng khác N.P.K (Đất)

  N.P.K (Đất) chẳng khác N.P.K ở 5 cây

  N.P.K ở 5 cây ấy là N.P.K (Đất)

  N.P.K (Đất) ấy là N.P.K ở 5 cây

(5 cây này, cây nào cũng có mang chất N.P.K của Đất). Chất = Tánh.

N.P.K (ĐẤT) = N.P.K (ở 5 cây) (N.P.K mới bằng N.P.K – chứ N.P.K hông là dáng 5 cây và dáng năm cây hông là N.P.K)

N.P.K  là thiệt hông mất  - 5 cây là giả, có mất có chết.

5. Trên Nước

Ướt ở Nước nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG)

Bọt Xanh, Vàng, Trắng, Đỏ, Xám nên được hiểu là Ngũ Uẩn, và chúng được gọi là 5 Bọt, thì ta có:

Ướt ở 5 Bọt chẳng khác Ướt (Nước)

Ướt (Nước) chẳng khác Ướt ở 5 Bọt

Ướt ở 5 Bọt ấy là Ướt (Nước)

Ướt (Nước) ấy là Ướt ở 5 Bọt

(5 Bọt này, Bọt nào cũng mang chất Ướt của Nước).

Chất = Tánh.

Ướt (Nước) = Ướt (ở 5 Bọt). (Ướt mới bằng Ướt – chứ Ướt hông là dáng 5 Bọt và dáng năm bọt hông là Ướt).

Ướt là thiệt hông mất  - 5 Bọt là giả, có mất có tan.

6. Trên Gương

Vẻ “TRONG” ở gương nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG)

Bóng vuông, tròn, dài, ngắn, méo nên được hiểu là Ngũ Uẩn, và chúng được gọi là 5 Bóng, ta có :

TRONG ở 5 Bóng chẳng khác TRONG (Gương)

TRONG (Gương) chẳng khác TRONG ở 5 Bóng

TRONG ở 5 Bóng ấy là TRONG (Gương)

TRONG (Gương) ấy là TRONG ở 5 Bóng

(5 Bóng này, Bóng nào cũng mang chất TRONG của Gương). Chất = Tánh.

TRONG (Gương) = TRONG (ở 5 Bóng). (TRONG mới bằng TRONG – chứ TRONG hông là dạng 5 Bóng và dạng 5 Bóng hông là TRONG – vì chất TRONG vốn hông Bóng  nào).

TRONG  là thiệt hông mất – 5 Bóng là giả có mất.

7. Trên Hư KHÔNG và Mây  

(Đây là một thí dụ gần nhất xác nhất với KHÔNG và Ngũ Uẩn):

RỖNG nên được hiểu là TÁNH (KHÔNG)

Mây Trắng, Hồng, Xanh, Tím, Đen nên được hiểu là Ngũ Uẩn, và chúng được gọi là 5 Mây, ta có :

RỖNG ở 5 Mây chẳng khác RỖNG (Hư Không)

RỖNG (Hư Không)chẳng khác RỖNG ở 5 Mây

RỖNG ở 5 Mây ấy là RỖNG (Hư Không)

RỖNG (Hư Không) ấy là RỖNG ở 5 Mây

(5 Mây: Trắng, Hồng, Xanh, Tím, Đen thứ nào cũng có mang chất Rỗng của Hư Không). Chất = Tánh.

RỖNG (ở Hư Không) = RỖNG (ở 5 Mây). (RỖNG mới bằng RỖNG – chứ RỖNG hông là dạng Mây và Mây hông là dạng RỖNG. Vì trong RỖNG vốn hông có Mây nào).

Tánh RỖNG Hư Không thì trùm trời đất và không hư hoại, không mất – Nó là cái thật nhất trần gian. Còn 5 Mây thì tan hoại, thay đổi không thường còn, là vô thường, là thứ giả.

Cái TÁNH KHÔNG như Hư Không, và Ngũ Uẩn như Mây vậy.

  KHÔNG, hay TÁNH KHÔNG, là tánh thiệt của TÂM (TÂM bản thể)

  KHÔNG là quí nhứt, tốt nhứt, trường tồn bất diệt. Trùm cả trời đất, có trước đất trời.

  KHÔNG là Tánh thiệt của 5 Uẩn. Uẩn nào cũng có mang Tánh KHÔNG.

Ngũ Uẩn thì tan hoại vô thường, KHÔNG thì thường còn bất biến. Ngũ Uẩn có chết, mà KHÔNG thì không bao giờ chết, không bao giờ mất. Nó trường tồn theo thời gian và không gian, như Hư Không trường tồn trong vạn vật, bao hàm vạn vật và trải suốt thời gian.

KHÔNG là thật – Hông chết – Hông đau khổ. Hông nghiệp, hông tội, hông phước.

Ngũ Uẩn là giả - có chết. Đầy đau khổ. Và là cuộc sống Nghiệp. Tội lỗi.

KHÔNG : TRONG LẶNG – LẶNG TRONG

Trong KHÔNG, hông tất cả. Hông người, hông vật, hông Phật, hông Ma, hông cảnh giới, hông một pháp. Rỗng rang bằn bặt. Đó là sức sống Hông Niệm (Vô Niệm) – Là  TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT qua tất cả nạn khổ.

KHÔNG = TÂM = ĐẠI TRÍ HUỆ = ĐẠI ĐẠO = PHẬT = Đời Sống Giải Thoát trọn vẹn.

KHÔNG là TÁNH thật của Niệm. Niệm nào cũng mang lấy TÁNH KHÔNG. Nên Niệm có mà hông thiệt. Thế nên Ngộ TÁNH KHÔNG rồi thì Niệm tự tiêu vong. Như trường hợp rõ sự “Trong suốt” của gương rồi thì bóng tự tan thôi.Vì cái Trong Suốt thực ra có bóng nào ! Và như rõ Hư Không là RỖNG thì biết mây nào thực có và rồi, mây tự tan thôi. Trong tánh Rỗng Hư Không làm gì có Mây nào trong đó. Thì, trong Tánh KHÔNG ở tự Tâm làm gì có Niệm nào trong ấy.

NIỆM là BÓNG là Mây đó

Và KHÔNG là Gương là Hư Không đấy!

Thế nên khi Ngộ KHÔNG, hay ra TÁNH KHÔNG rồi, thì :

  Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chơn

Vì, Tánh thiệt của Vô Minh đó chính là Tánh Phật.

                                                  (Huyền Giác)

TÁNH PHẬT tức là TÁNH KHÔNG

NGỘ TÁNH KHÔNG rồi, thì vọng tưởng tiêu tan.        

(Vì trong Tánh KHÔNG đâu có Niệm nào)

Niệm chấp Ngũ Uẩn theo đó mà biến mất.

-   Đây là chỗ ngài Huệ Năng nói : “Phiền não tức Bồ đề”. Lời nói này phải được hiểu : (Tánh) Phiền não tức (Tánh) Bồ Đề. Phiền não là Bọt là Bóng, Bồ Đề là Ướt là Trong. Nên Phiền não phải mang Tánh Bồ Đề. Bồ Đề là Tánh  là Nền của phiền não, thế nên Phiền não có mà mang Tánh Bồ Đề, do đó khi rõ rồi  Tánh Bồ Đề thì Phiền não tiêu thôi. Vì trong Bồ Đề hông có Phiền não nào.

Chú ý :  Đừng bao giờ cho Phiền não là Bồ đề. Điều này hoàn toàn sai. Cũng như đừng bao giờ cho “SẮC là KHÔNG và KHÔNG là SẮC”. Như cho 5 dụng cụ điện là Điện, Điện là 5 dụng cụ điện, đây là sai hoàn toàn. (SẮC: dụng cụ điện ; KHÔNG: Điện). Nên nhớ “TÁNH” mới gọi: “LÀ”. TÁNH mới là TÁNH.

Hông trừ Niệm mà Niệm tự tan. Chỉ cần sống thẳng bằng KHÔNG thôi.

  - Đó chính là KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT (thấy (Tánh) KHÔNG thì thành Phật)

KHÔNG đó là trạng thái tâm hồn TRONG LẶNG- là Bồ Đề là Niết Bàn. Chỉ SỐNG BẰNG : TRONG – LẶNG     LẶNG – TRONG là đủ. KHỔ NẠN sẽ qua thôi. Như thế này được gọi là Tu. Ấy  là Kiến Tánh Khởi Tu (Thấy Tánh mà khởi tu), hay là “Xứng Tánh khởi tu”. Thấy được KHÔNG là Đốn Ngộ. Bằng KHÔNG mà sống , vô hiệu hóa Niệm  nhanh chóng, gọi là Đốn Tu. Ngộ và Tu chỉ một chữ KHÔNG.

Thế nên:

  Vạn tuế KHÔNG !

  Vạn tuế LẶNG – TRONG !

  Vạn tuế đời sống VÔ NIỆM !!!

VÔ NIỆM mà BIẾT mới ly kỳ - Liễu liễu THƯỜNG TRI pháp Đạt Ma.

Rõ ràng luôn Biết nên Tự Tại. - Ấy là Quán Tự Tại.

VÔ NIỆM mà đầy TRÍ HUỆ mới là Siêu nhân. Thuật sống siêu việt là đây.

 

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90190
  • Online: 23