Chơn tâm trực thuyết giảng giải

02/01/2011 | Lượt xem: 4818

HỎI: Diệu đạo của Tổ sư có thể được biết không?
ĐÁP: Người xưa há chẳng nói: "Đạo chẳng thuộc biết cùng chẳng biết. Biết là vọng tưởng còn chẳng biết là vô ký".
GIẢNG: Diệu đạo là tông chỉ của Tổ sư, của Thiền tông, nếu khởi biết thì thuộc về vọng tưởng, mà chẳng biết thì thuộc vô tình. Như vậy cả hai đều là bệnh. Đạo thì luôn luôn tỉnh giác mà không hình tướng.

 

LỜI TỰA

Phần giới thiệu và phần tiểu sử quý vị đọc là hiểu, khỏi cần giải nghĩa. Bây giờ đọc ngay phần Tựa:

HỎI: Diệu đạo của Tổ sư có thể được biết không?

ĐÁP: Người xưa há chẳng nói: "Đạo chẳng thuộc biết cùng chẳng biết. Biết là vọng tưởng còn chẳng biết là vô ký".

GIẢNG: Diệu đạo là tông chỉ của Tổ sư, của Thiền tông, nếu khởi biết thì thuộc về vọng tưởng, mà chẳng biết thì thuộc vô tình. Như vậy cả hai đều là bệnh. Đạo thì luôn luôn tỉnh giác mà không hình tướng.

 Nếu đạt đến địa vị chẳng nghi, rỗng suốt như thái hư há có thể gán cho là phải quấy ư?

GIẢNG: Người nào đạt đến địa vị không nghi, tức là nhận chân được thể thật không còn ngờ vực gì nữa, chừng đó mới thấy nó là rỗng suốt như thái hư, không còn nói là phải hay quấy.

HỎI: Thế thì chư Tổ ra đời không ích lợi cho quần sanh sao?

GIẢNG: Chỗ đó không nói phải không nói quấy thì làm sao ích lợi cho quần sanh được?

Đáp: Phật, Tổ ra đời không có một pháp cho người, cần yếu là chúng sanh phải tự thấy bản tánh của mình.

GIẢNG: Phật, Tổ không một pháp cho người, dù có nói tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng sự thật không có pháp gì cả. Chẳng qua các Ngài dùng phương tiện chỉ bày cho người nhận được cái sẵn có nơi mình thôi. Dạy cách này không hiểu thì dạy cách khác, cách khác không hiểu dạy cách khác nữa, rất nhiều pháp mà rốt cuộc không pháp nào thật hết.

Cũng như dược sĩ làm thuốc, có cả mấy trăm ngàn thứ là tại người bệnh quá nhiều. Nếu mọi người đều không bệnh thì mấy trăm ngàn thứ thuốc đó trở thành vô dụng, không nghĩa lý gì hết. Vì có người bệnh nên mấy trăm ngàn thứ thuốc đều là hữu ích. Hữu ích khi có bệnh, khi hết bệnh rồi thì thuốc ấy bằng thừa.

Cũng vậy, Phật pháp cốt chỉ cho chúng ta ngộ Chân tâm. Khi chưa ngộ Chân tâm thì Phật, Tổ dùng mọi phương tiện chỉ bằng cách này hoặc bằng cách khác, những phương tiện đó gọi là pháp. Khi chúng ta nhận được rồi thì những pháp đó trở thành vô nghĩa. Cho nên nói không có một pháp cho người, tức là không có một pháp thật cho người, mà chỉ là những phương tiện. Người học Phật pháp không nên chấp, bởi vì đâu có pháp thật mà chấp. Nếu thấy có một pháp thật đó là bệnh. Chỉ cần chúng ta ngộ được bản tánh của mình thôi. Khi mình không thông thì thấy có Phật pháp tức là pháp của Phật nói ra rất nhiều, học pháp này, tu pháp kia v.v... rồi cho những pháp tu, pháp học đó là thật, hô hào để cho mọi người theo pháp của mình nhưng sự thật không có một pháp thật, đó chỉ là phương tiện.

 Kinh Hoa Nghiêm nói: "Biết tất cả pháp là tự tánh của tâm, sự thành tựu huệ thân chẳng do nơi khác mà ngộ".

GIẢNG: Trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: Biết tất cả pháp tự tánh của nó gốc từ tâm mà ra, cho nên tự tánh là tâm. Khi thành tựu được giới thân huệ mạng thì chính là tự nơi mình chớ không phải do đâu mà ngộ được. Không phải cái bên ngoài làm cho mình ngộ được mà gốc từ nơi mình. Huệ thân là thân trí huệ, thân giác ngộ.

 Cho nên Phật, Tổ không khiến người mắc lầy trong văn tự, chỉ cần yếu phải thôi dứt để thấy bản tâm mình.

GIẢNG: Nghĩa là chúng ta phải làm sao buông bỏ hết những vọng chấp điên đảo để nhận được bản tâm của mình.

 Do đó nhập môn Đức Sơn liền bị đánh, nhập môn Lâm Tế liền nhận hét.

GIẢNG: Mỗi khi người tham vấn vào cửa ngài Đức Sơn liền bị ăn gậy, vào cửa ngài Lâm Tế liền bị hét tét tai. Gậy và hét chỉ là phương tiện để cho người nhận ra cái sẵn có của mình mà thôi.

 Đã là một sự dò xét thái quá như thế, sao lại lập ngữ ngôn ư?

GIẢNG: Chỗ cứu cánh không có ngôn ngữ, nên không có gì phải bàn nói.

HỎI: Xưa nghe ngài Mã Minh tạo Luận Khởi Tín, Lục Tổ nói Đàn Kinh, Hoàng Mai truyền Bát-nhã, đều là dùng tiệm thứ cho người, đâu không dùng phương tiện chỉ pháp ư?

ĐÁP: Trên đảnh núi Diệu Cao từ xưa tới nay chẳng cho thương lượng. Nhưng đầu non thứ hai, chư Tổ tóm lược dung hoà cho nói cho hiểu. 

GIẢNG: Đó là chỗ tột đỉnh chẳng thể nói bàn, nhưng cho nói, cho hiểu đều là đầu non thứ hai là phương tiện.

HỎI: Xin hỏi đầu non thứ hai là lược bày phương tiện ư?

ĐÁP: Đúng thay lời nói này. Đạo lớn mầu nhiệm mà rộng rãi, chẳng phải có chẳng phải không. Chân tâm u vi dứt nghĩ dứt bàn. Cho nên người chẳng từ cửa đó mà vào.

GIẢNG: Còn nghĩ bàn làm sao vào được?

 Tuy tìm xét năm ngàn tạng giáo cũng chẳng là người thấu suốt Chân tâm.

GIẢNG: Dầu cho đọc thông bao nhiêu tạng Kinh đi nữa cũng chưa phải là người thấu suốt Chân tâm.

 Chỉ nói ra một lời để so sánh thì sớm đã trở thành pháp dư thừa. Nay chẳng tiếc mi mao (lông mày) kính viết mấy chương để phát minh Chân tâm, hầu làm căn bản lần hồi vào Đạo.

GIẢNG: Khi cầm viết mà viết hay cầm sách mà giảng đều là chẳng tiếc lông mày. Đó là ý của nhà Thiền. Đây Ngài khai đề bằng hai ý. Ý thứ nhất là trong chỗ tuyệt đối chân thật không cho phép nghĩ bàn. Ý thứ hai là vì muốn hóa độ chúng sanh cho nên chư Phật, chư Tổ mới dùng phương tiện giáo hóa dìu dắt, có nói bàn đều là phương tiện.


 

CHÂN TÂM TRỰC THUYẾT

1. Chánh Tín Chân Tâm

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của các công đức hay nuôi lớn tất cả các căn lànhTrong Duy Thức cũng nói: "Tín như hạt châu thủythanh hay làm cho nước dơ được sạch". Cho nên, muôn điều thiện phát sanh là tín dẫn đầu.

GIẢNG: Trước hết là giải thích chánh tín Chân tâm. Chữ Tín ở đây giống như chữ Tín trong quyển Tín Tâm Minh của ngài Tăng Xán vậy. Tín là Tin, tin cái gì? - Tin Chân tâm.

Chánh tín Chân tâm tức là tin Chân tâm một cách chân chính. Ngài dẫn kinh Hoa Nghiêm nói: "Tín vi đạo nguyên công đức mẫu. Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn". Tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, hay nuôi lớn tất cả các căn lành. Thật ra muốn được đạo, muốn thành tựu công đức, muốn đầy đủ mọi phước lành thì Tin là gốc. Trong Duy Thức học cũng nói: "Tin như hạt châu thanh thủy hay làm cho nước dơ được sạch", nghĩa là nước dơ mà bỏ hạt châu thanh thủy xuống nước liền lóng trong. Người tội lỗi mà được niềm tin rồi thì tội lỗi theo đó mà hết. Cho nên muôn điều thiện phát sanh thì tín dẫn đầu.

 Vì thế Kinh Phật trước hết lập "Như thị ngã văn" là cốt để sanh lòng tin vậy.

GIẢNG: Các Kinh Phật mở đầu đều có câu "Như thị ngã văn, nhất thời..." là để gây niềm tin cho người rằng: Phật nói Kinh có người nghe, có nơi chốn đàng hoàng. Đó là nói lược qua về chữ Tín.

Bây giờ đến phần câu hỏi:

HỎI: Chữ tín của Giáo môn (Kinh) và chữ tín của Tổ môn (Thiền) có gì sai khác?

ĐÁP: Có nhiều loại sai khác nhau: Giáo môn khiến người, trời tin ở nhân quả. Như có người thích phước lạc tin Thập thiện là diệu nhơn, cõi người cõi trời là lạc quả.

GIẢNG: Đây giải thích cho chúng ta thấy rành rẽ. Nếu hạng người chỉ thích hương phước báo cõi trời, cõi người thì phải dạy cho họ tin nhân quả. Làm điều lành là nhân tốt, sẽ được quả tốt ở cõi trời, cõi người. Làm điều ác là nhân xấu thì sẽ chịu quả xấu ở cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như vậy giai đoạn thứ nhất của người vào đạo thông thường theo Kinh điển dạy là phải tin nhân quả. Đó là hạng người thứ nhất.

Đến hạng người thứ hai:

 Có người thích không-tịch, tin nhân duyên sanh diệt là chánh nhơn, khổ tập diệt đạo là Thánh quả.

GIẢNG: Hạng người thứ hai thích không-tịch tức là muốn được lặng lẽ, nên họ tin thuyết nhân duyên sanh diệt. Tức là các pháp trên thế gian này đều không thật, do nhân duyên sanh mà có, nhân duyên ly tán thì mất. Nhơn tin và lấy đó làm chánh nhơn, khổ, tập, diệt, đạo làm Thánh quả, vì vậy thấu suốt được lý Tứ Diệu Đế, nên chứng được tứ quả Thanh Văn. Đó là hạng người thứ hai tu giải thoát.

Bây giờ tới hạng thứ ba:

  Có người thích Phật quả, tin ba kiếp sáu độ làm đại nhơn, Bồ-đề Niết-bàn làm chánh quả.

GIẢNG: Tức là có những người thích được thành Phật, họ tin rằng phải tu qua ba a-tăng-kỳ kiếp và phải đầy đủ lục độ vạn hạnh mới được thành Phật. Họ tin quả quyết như vậy, nên lấy đó làm đại nhơn, tức là nhơn lớn. Bồ-đề Niết-bàn làm chánh quả.

Đó là dẫn trong Kinh. Bây giờ nói đến đức tin của Tổ môn. Niềm tin trong Thiền tông lại khác.

 Tổ môn chánh tín chẳng đồng như trên. Tổ môn chẳng tin tất cả pháp hữu vi nhân quả. Chỉ tin ở tự mình xưa nay là Phật, tự tánh thiên chân người người đều đầy đủ.

GIẢNG: Tổ môn là trong nhà Thiền, không tin pháp hữu vi nhân quả theo lối trên, chỉ tin ở mình xưa nay là Phật, tự tánh thiên chân người người đều đầy đủ. Nghĩa là tin nơi mình có sẵn Chân tâm, Chân tâm đó xưa nay là Phật, ai ai cũng đầy đủ như nhau. Tin chắc chắn, tin quả quyết, gọi đó là chánh tín.

 Diệu thể của Niết-bàn mỗi mỗi đều viên thành, chẳng nhờ cầu nơi người khác, từ xưa đến nay nó tự đầy đủ.

GIẢNG: Đã tin mình có cái chánh nhơn, chánh nhơn là Phật tánh thì chánh quả là Niết-bàn cũng tự nơi mình, cái đó cũng sẵn đủ nơi mình chớ không phải ở đâu, đừng cầu, đừng tìm kiếm bên ngoài.

 Tam Tổ nói: "Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư. Bởi do thủ xả, vì thế chẳng như".

GIẢNG: Đây là dẫn chứng lời trong bài minh của Tam Tổ Tăng Xán. Sở dĩ tâm mình không như được là gốc tại thủ, xả. Đó là dẫn chứng để nói rõ rằng chúng ta không nhận được bản tâm là do còn thủ và xả.

 Ngài Chí Công nói: "Trong thân có tướng là thân không tướng, trên đường vô minh là đường vô sanh".

GIẢNG: Câu này nghe khó hiểu. Trong thân có tướng là thân không tướng, thân không tướng là gì? - Tức là Pháp thân. Thân có tướng là thân ngũ uẩn. Ngay nơi thân ngũ uẩn đã có Pháp thân không tướng.

 Trên đường vô minh là đường vô sanh. Chính vô minh là không thật, nếu ngộ được vô minh không thật thì đã chứng vô sanh. Thường thường chúng ta cho vô minh là thật. Nhưng vô minh là gì? - Không thấy được bản tâm hay quên bản tâm thì gọi là vô minh. Nếu nhớ lại bản tâm, tin bản tâm thì vô minh hết. Vô minh hết tức là vô sanh chứ có gì lạ. Cho nên nói: "Trên đường vô minh là đường vô sanh".

 Ngài Vĩnh Gia nói: " Vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hóa không thân tức Pháp thân". Cho nên chúng sanh xưa nay là Phật.

GIẢNG: Vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hoá không thân tức Pháp thân, nghĩa là thật tánh của vô minh là Phật tánh và thân huyễn hoá không thật là Pháp thân. Mê thì thấy vô minh thật, thân này cũng thật. Nếu ngộ thì chính ngay nơi thân huyễn hoá nhận được Pháp thân, chính nơi vô minh mà nhận được Phật tánh. Cho nên chúng sanh xưa nay là Phật, tin quả quyết như vậy. Nghĩa là ai cũng có sẵn Phật tánh, mà đã có sẵn Phật tánh thì xưa nay đều là Phật.

 Đã sanh chánh tín cần phải thêm hiểu biết nữa mới được.

GIẢNG: Đã được lòng tin quả quyết như vậy rồi, nhưng tin như vậy chưa đủ mà còn phải hội, tức là còn phải hiểu cho tường tận.

 Ngài Vĩnh Minh nói: "Tin mà chẳng hiểu biết thì thêm lớn vô minh. Hiểu biết mà chẳng tin thì thêm lớn tà kiến". Cho nên tin hiểu gồm hai thì mau vào đạo.

GIẢNG: Tin mà không hiểu thì mờ mịt, cho nên nói thêm lớn vô minh. Hiểu mà không tin thì cứ nghĩ cái này, cái kia, cái nọ, nghĩ mãi trở thành tà kiến, cả hai đều là bệnh. Tin, hiểu đầy đủ thì mau vào đạo. Chữ hiểu là hội, Tin mà phải hội mới được.

HỎI: Mới phát lòng tin chưa được vào đạo, có lợi ích chăng?

ĐÁP: Trong Luận Khởi Tín nói: "Nếu nghe pháp này mà chẳng sanh khiếp nhược, thì nên biết người này nhất định sẽ nối hạt giống Phật, và được chư Phật thọ ký cho. Thí như có người giáo hoá chúng sanh đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người đối với pháp này khoảng một niệm chánh tư duy thì công đức cũng hơn người trước không thể thí dụ được".

GIẢNG: Trong luận Đại Thừa Khởi Tín nói: Nếu đối với pháp Thiền hay pháp của Tổ môn, mà tin được cái thể chân thật sẵn có nơi mình, thì người đó có công đức vô lượng sẽ nối hạt giống Phật.

 Trong Kinh Bát-nhã nói: "Cho đến người chỉ sanh một niệm tịnh tín, Như Lai trọn thấy biết các chúng sanh này được vô lượng phước đức như vậy".

GIẢNG: Chỉ một niệm tịnh tín, tức là một niệm tin chân chính trong sạch thì Phật đã thấy mình có vô lượng phước đức rồi.

 Cho nên muốn đi ngàn dặm, bước đầu cần phải chánh; bước đầu nếu sai, ngàn dặm đều sai.

GIẢNG: Chỗ này quý vị thấy có đúng không? Nếu bước đầu mà sai thì ngàn dặm đều sai. Thí dụ: Mình đang đứng ở ngã ba đường, một đường đi Bà Rịa, một đường đi Long Hải, một đường về Sài Gòn. Nếu muốn về Sài Gòn mà mình lại bước sang đường đi Long Hải thì bước đầu đã sai, một triệu bước sau cũng sai. Nếu bước đầu bước đúng thì mấy triệu bước sau cũng đúng. Khi tu cũng vậy, bước đầu nhận đúng để tiến tu thì từ đó về sau thanh tịnh tinh tấn và lúc nào cũng sáng suốt. Còn nếu bước đầu mà lạc hướng rồi thì dù cố gắng bước mấy đi nữa thì cũng đi trong sai lầm. Cho nên bước đầu hết sức quan trọng.

 Vào nước vô vi niềm tin ban đầu phải chánh, niềm tin ban đầu đã mất muôn thiện đều lui. Cho nên Tổ sư nói: "Mảy may nếu sai, trời đất ngăn cách". Đấy là lý này vậy.

GIẢNG: Người tu bước đầu phải có nhận định đúng đắn, tức là niềm tin ban đầu phải chánh. Nếu niềm tin ban đầu sai rồi thì tất cả pháp lành đều sai. Nên Tổ sư nói: "Mảy may nếu sai, trời đất ngăn cách". Sai đi một tí ban đầu là đã cách xa trời đất.

2. Tên Khác Của Chân Tâm

GIẢNG: Đến đây Ngài nói các tên khác của Chân tâm để chúng ta khỏi lầm. Khi đọc Kinh, Luận mình biết liền, khỏi lầm lẫn, khỏi cần tìm nghĩa nhọc nhằn.

HỎI: Đã sanh chánh tín, nhưng chưa biết thế nào gọi là Chân tâm?

ĐÁP: Lìa vọng gọi là chân.

GIẢNG: Khi không còn vọng thì lúc đó không nói chân nữa. Có vọng thì thấy có chân, chân là đối với vọng. Không vọng tức là không chân. Nhưng ở đây vì phương tiện nên Ngài nói:Lìa vọng gọi là chân.

 Linh giám gọi là tâm. Trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói rõ tâm này.

GIẢNG: Linh giám tức là chiếu soi, không vọng mà vẫn chiếu soi nên gọi là tâm. Về nghĩa Chân tâm trong kinh Lăng Nghiêm có nói đầy đủ, ở đây không dẫn nhiều.

HỎI: Chỉ gọi Chân tâm thôi, hay có tên riêng khác nữa chăng?

ĐÁP: Phật dạy, Tổ dạy lập danh không đồng nhau. Phật dạy trong Bồ-tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sanh muôn việc thiện.

GIẢNG: Trong Bồ-tát Giới, Chân tâm gọi là Tâm địa. Tại sao gọi là Tâm địa? Bởi vì Chân tâm hay phát sanh ra muôn việc thiện cho nên gọi là Tâm địa.

 Kinh Bát-nhã gọi là Bồ-đề, vì lấy giác làm thể.

GIẢNG: Bồ-đề là giác. Lấy giác làm thể gọi là Bồ-đề. Nói Bồ-đề cũng là Chân tâm, nói Tâm địa cũng là Chân tâm.

 Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới, vì giao triệt và dung nhiếp. Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát-nhã gọi là Niết-bàn, vì là chỗ quy hướng của chư Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chân thường bất biến. Kinh Tịnh Danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của hóa thân và báo thân. Luận Khởi Tín gọi là Chân như vì chẳng sanh chẳng diệt. Kinh Niết-bàn gọi là Phật Tánh vì là bản thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất. Kinh Thắng Man gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú và hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối.

GIẢNG: Pháp giới, Như lai, Niết-bàn, Như như v.v... tuy tên khác nhưng đều chỉ Chân tâm. Nghe nhiều tên khác nhau chúng ta không hiểu nói cái gì, rồi cứ lo giải nghĩa: Như lai là gì? Pháp thân, Tổng trì là gì? Học chữ này chữ kia hai ba ngày. Cuối cùng đều quy về một Chân tâm thôi, mà trong Kinh, Luận lập biết bao nhiêu tên khác nhau như vậy.

 Do đây nên ngài Vĩnh Minh Thiền sư trong Duy Tâm Quyết nói: "Một pháp có ngàn tên, tùy theo duyên mà lập hiệu". Tất cả còn đầy đủ trong các Kinh, không thể kể ra hết được.

GIẢNG: Một pháp tức là chỉ cho tâm, tâm có cả ngàn tên là do tùy duyên mà đặt.

HỎI: Phật dạy đã biết, Tổ dạy như thế nào?

ĐÁP: Cửa Tổ sư dứt tuyệt danh ngôn, danh còn chẳng lập, sao lại có nhiều tên? Chỉ vì ứng theo cơ duyên nên tên cũng lắm.

GIẢNG: Tuy không lập tên mà tùy theo cơ duyên nên cũng lắm tên.

 Có lúc gọi là tự kỷ, vì là bản tánh của chúng sanh.

GIẢNG: Vì "cái đó" là bản tánh của chúng sanh cho nên gọi là tự kỷ.

 Có lúc gọi là Chánh nhãn, vì hay soi tướng của muôn loài. Có lúc gọi là Diệu tâm, vì hư linh và tịch chiếu. Có lúc gọi là Chủ nhân ông, vì xưa nay từng gánh vác.

GIẢNG: Như Thiền sư Sư Nhan suốt ngày ngồi trên bàn thạch như kẻ ngu, thỉnh thoảng tự gọi "Ông Chủ Nhân!" Lại ứng thinh "Dạ"(1). Đó là Sư tự nhắc mình luôn có ông chủ hiện hữu.

 Có lúc gọi là Bát không đáy, vì tùy chỗ sanh nhai. Có lúc gọi là Đờn không dây, vì hiện ra điệu vận. Có lúc gọi là Vô tận đăng, vì hay chiếu phá mê tình. Có khi gọi là Cây không rễ, vì gốc rễ bền chắc. Có khi gọi là Suy mao kiếm, vì hay chặt đứt căn trần.

GIẢNG: Vì không cần chứa đựng nên gọi là Bát không đáy. Đờn không dây, Vô tận đăng... đều là chỉ cho "cái đó".

 Có lúc gọi là Nước vô vi, vì sóng êm bể lặng. Có lúc gọi là Mâu ni châu, vì hay giúp đỡ người nghèo khó. Có lúc gọi là Vô nhu tỏa, vì cửa sáu tình đóng. Cho đến nào là trâu đất, ngựa gỗ, tâm nguyên, tâm ấn, tâm cảnh, tâm nguyệt, tâm châu, v.v...

GIẢNG: Chỗ đó không bị sáu tình (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) làm nhiễu loạn, cho nên gọi là sáu tình đóng. Cho đến gọi là trâu đất, ngựa gỗ... cũng đều chỉ Chân tâm.

 Nhiều tên khác nhau không thể ghi ra cho hết. Nếu đạt được Chân tâm thì các tên đều hiểu cả. Bằng mê muội Chân tâm thì còn bị trệ nơi các tên. Cho nên đối với Chân tâm cần yếu nên xét kỹ.

GIẢNG: Học Thiền không cần phải học nhiều từ ngữ, danh từ, nói qua rồi thôi khỏi giải từng chữ, từng nghĩa. Vì ngàn tên cũng quy về "cái đó" chớ không có gì khác hết. Còn học về giáo, phải học từng câu, giải nghĩa từng chữ nhiều khi điên đầu, rốt cuộc không đi tới đâu.

3. Diệu Thể Của Chân Tâm

HỎI: Chân tâm đã biết, còn thể nó như thế nào?

ĐÁP: Trong kinh Phóng Quang Bát-nhã nói: "Bát-nhã không có tướng có và tướng sanh diệt”.

GIẢNG: Đoạn trước nói tên của Chân tâm, đến đoạn này nói về bản thể của Chân tâm. Bát-nhã tức là Chân tâm. Chân tâm không có hình tướng cho nên nói không có tướng có và cũng không có tướng sanh diệt. Đó là dẫn trong kinh Phóng Quang Bát-nhã.

 Luận Khởi Tín nói: "Tự thể của Chân như, tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và chư Phật đều không thêm bớt, cũng chẳng phải trước sanh sau diệt mà rốt ráo thường còn. Từ xưa tới nay tánh nó tự đầy đủ tất cả công đức".

GIẢNG: Trong Luận Khởi Tín cũng nói Chân như tức là Chân tâm, ở phàm không bớt, ở Thánh không thêm, trước sau thường còn, không sanh không diệt, đầy đủ muôn công đức. Đó là giải thích về thể của Chân tâm.

 Căn cứ theo các Kinh, Luận vì bản thể Chân tâm siêu xuất nhân quả, thông suốt cổ kim, chẳng lập phàm Thánh, không có đối đãi.

GIẢNG: Vượt ra nhân quả là sao? Nhân quả còn hạn cuộc trong sanh diệt. Có nhơn thì sẽ sanh thành quả, có quả rồi thì nó hoại diệt và sanh trở lại. Nhân quả còn trong vòng sanh diệt, mà Chân tâm thì bất sanh bất diệt cho nên vượt ra ngoài nhân quả, vượt ra ngoài thời gian, nên nói: Thông suốt cổ kim và dứt hết mọi đối đãi phàm Thánh.

 Như hư không biến khắp tất cả. Diệu thể ngưng tịch dứt các hý luận, chẳng sanh chẳng diệt, phi hữu phi vô, chẳng động chẳng lay, trạm nhiên thường trụ.

GIẢNG: Như hư không trùm khắp tất cả, diệu thể của Chân tâm bặt hết ngôn ngữ hý luận, là chỗ bất sanh bất diệt, lặng lẽ thường trụ.

 Gọi là Chủ Nhân Ông ngày xưa.

GIẢNG: Bởi vì nó còn mãi cho nên gọi Chủ Nhân Ông.

 Là người ở mé kia của Phật Oai Âm.

GIẢNG: Trước Phật Oai Âm không có Phật không có chúng sanh. Ở mé kia tức là vượt ra ngoài Phật và chúng sanh.

 Là Tự Kỷ trước Không Kiếp.

GIẢNG: Không kiếp là chưa có thế giới, mà Tự Kỷ có trước không kiếp, tức là không hạn cuộc tất cả nơi chốn.

 Một giống thường hằng không một mảy may tì vết, tất cả sơn hà đại địa, cỏ cây rừng bụi, vạn tượng sum la, các pháp nhiễm tịnh, đều từ trong ấy mà ra.

GIẢNG: Vì nó trùm khắp nên các pháp từ đó mà ra.

 Cho nên kinh Viên Giác nói: "Này các Thiện nam, Vô Thượng Pháp Vương có một pháp môn đại đà-la-ni gọi là Viên Giác, từ đó lưu xuất tất cả thanh tịnh Chân như, Bồ-đề, Niết-bàn và Ba-la-mật, dạy dỗ cho các Bồ-tát".

GIẢNG: Tánh Viên Giác chính là Chân tâm, từ đó lưu xuất tất cả Bồ-đề Niết-bàn v.v...

Đó là dẫn kinh Viên Giác. Bây giờ dẫn ngài Khuê Phong.

 Ngài Khuê Phong nói: "Tâm ấy rỗng rang mà thuần diệu, rực rỡ mà mầu sáng, chẳng đến chẳng đi, thông suốt cả ba mé, chẳng phải trong ngoài, suốt khắp mười phương. Chẳng sanh chẳng diệt, bốn núi nào có thể hại. Lìa tánh lìa tướng nào bị năm sắc làm mờ".

GIẢNG: Bốn núi là sanh, lão, bệnh, tử, người sống được với tâm rỗng rang, thuần diệu thì không còn bị sanh, lão, bệnh, tử chi phối. Năm sắc là ngũ uẩn, ngũ uẩn cũng không làm mờ nóđược.

 Ngài Vĩnh Minh trong Duy Tâm Quyết nói: "Xét về tâm này là cái diệu trong lẽ mầu mà hội khắp, là vua của muôn pháp. Ba thừa năm tánh đều thầm về, hay làm mẹ của nghìn bậc Thánh. Độc tôn độc quý không gì sánh bằng. Thật là nguồn của đại đạo, là chân pháp yếu vậy. Tin tâm này, nên ba đời Bồ-tát đồng học là học tâm này. Ba đời chư Phật đồng chứng là chứng tâm này. Một đại tạng giáo giải rõ là hiển tâm này.

GIẢNG: Bởi vì tin tâm cho nên Bồ-tát học tâm và chư Phật chứng tâm này. Bao nhiêu Kinh điển Phật dạy là cốt cho mình nhận được tâm này.

 Tất cả chúng sanh mê vọng là mê tâm này. Tất cả hành nhơn phát ngộ là ngộ tâm này.

GIẢNG: Quên tâm thì gọi là mê. Người tu giác ngộ là ngộ tâm chớ không ngộ gì khác. Người mê cũng là mê tâm đó, mà người ngộ cũng là ngộ tâm đó chớ không có gì lạ. Cũng như hai người đi đường, tới con đường đó, một người thì nhớ, một người thì quên. Người quên đường, đi tới đó không biết phải đúng đường này hay không? Nếu quên thì đi lạc, còn nhớ đúng đường thì đi đúng. Đi lạc gọi là mê, đi đúng gọi là ngộ, lạc thì lạc chính con đường đó, mà đúng thì cũng đúng ngay con đường đó. Người tu cũng vậy, mê thì mê Chân tâm, còn ngộ là ngộ Chân tâm chớ không có gì khác.

 Chư Tổ truyền nhau là truyền tâm này. Chư Tăng trong thiên hạ đều tham học là tham học tâm này.

GIẢNG: Chúng ta tham học là tham học tâm đó, nhận được tâm đó.

 Đạt tâm này thì mỗi mỗi đều phải, vật vật đều toàn bày.

GIẢNG: Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ do đạt được tâm này nên Ngài nói đông nói tây gì cũng đúng, mà Ngài ăn mặn, ăn chay gì cũng được. Còn mình chưa đạt thì sao?

 Mê tâm này thì nơi nơi đều điên đảo, niệm niệm đều si cuồng.

GIẢNG: Không nhận ra Chân tâm thì ở đâu cũng là điên đảo, nghĩ gì cũng là nghĩ trong tối tăm cuồng loạn.

 Thể này là Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh, là căn nguồn phát sanh của tất cả thế giới. Cho nên đức Thế Tôn ở ngọn Thứu Phong lặng thinh, ngài Thiện Hiện dưới ngọn núi quên lời, ngài Đạt Ma nơi Thiếu Thất ngó vách, Ông cư sĩ thành Tỳ Da ngậm miệng. Tất cả đều phát minh diệu thể của tâm này. Cho nên, người mới vào cửa Tổ cần yếu trước tiên phải hiểu tâm thể này vậy.

GIẢNG: Chỗ này là chỗ Phật lặng thinh, Ngài Thiện Hiện quên lời, Tổ Đạt Ma ngó vách, ngài Tịnh Danh ngậm miệng, chính chỗ này không ai làm sáng tỏ hơn là thầy trò tổ Quy Sơn.

Tổ Quy Sơn cùng đệ tử là Huệ Tịch đi hái trà.

Tổ bảo Huệ Tịch:

- Trọn ngày hái trà chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con, hãy hiện bổn hình cho ta thấy coi.

Huệ Tịch liền đập cây trà.

Sư bảo:

- Con chỉ được cái dụng của nó, chẳng được cái thể của nó.

Huệ Tịch thưa:

- Chưa biết Hoà thượng thế nào?

Sư im lặng.

- Hoà thượng chỉ được cái thể của nó, không được cái dụng của nó.

Như vậy im lặng là trở về thể; mà hoạt động là dụng. Thể của tâm này là cái chỗ bặt nói năng, bặt suy nghĩ, đó là tâm thể. Còn khi phát ra muôn ngàn diệu dụng thì đó là tâm dụng.

4. Diệu Dụng Của Chân Tâm

HỎI: Diệu thể của Chân tâm đã biết. Diệu dụng của Chân tâm thế nào?

ĐÁP: Người xưa nói: "Gió động tâm lay cây, mây sanh tánh dấy bụi. Nếu sáng việc hôm nay, mê mất người xưa nay".

GIẢNG: Gió động cây tâm lay, là nếu gió động thì tâm liền động. Mây sanh tánh dấy bụi, là nếu chúng ta duyên nơi cảnh thì tâm có vọng tưởng dấy khởi. Nếu sáng việc hôm naymê mất người xưa nay, nếu theo cảnh thì mọi việc làm đều mắc kẹt, mà mắc kẹt trong hành động thì không thấy ông chủ.

 Đấy là diệu thể khởi ra tác dụng vậy. Diệu thể Chân tâm xưa nay chẳng động, yên tịnh chân thường. Trên chân thể diệu dụng hiện tiền, chẳng ngại mọi trường hợp đều được diệu.

GIẢNG: Trong chân thể đó luôn luôn khởi diệu dụng.

 Cho nên trong bài tụng của Tổ sư nói: 

Tâm tuỳ muôn cảnh chuyển

Chỗ chuyển thật sâu xa

Theo dòng nhận được tánh

Không mừng cũng không lo

GIẢNG: Tâm tùy muôn cảnh chuyển, chỗ chuyển thật sâu xa  tâm theo vật chuyển, mà chỗ chuyển đó không hạn chế.

Theo dòng nhận được tánhkhông mừng cũng không lo là mọi hành động mọi tạo tác vẫn luôn luôn thấy tánh thì không mừng cũng không lo, tất cả đều là diệu dụng.

 Cho nên trong tất cả thời, động dụng thi vi, đi đông đi tây, ăn cơm mặc áo đều là diệu dụng của Chân tâm hiện tiền.

GIẢNG: Trong nhà thiền có câu chuyện bà già trình thần thông.

Một hôm, ba vị Thiền sư Ma Cốc, Nam Tuyền và Quy Tông vào quán ngồi, bà chủ quán bưng bình trà và ba chén chung đến nói:

- Hoà thượng có thần thông thì uống trà.

Ba người nhìn nhau chưa nói câu nào, bà già liền bảo:

- Xem già này trình thần thông đây.

Nói xong bà cầm chung nghiêng bình rót trà rồi đi.

Như vậy bà già này đã ngộ chưa? Nếu không ngộ làm sao biết mọi hành động đều là thần thông diệu dụng. Cho nên khi sáng thì mọi hành động đều là diệu dụng. Khi mê thì mọi hành động đều là nghiệp chướng chớ không phải diệu dụng. Vì vậy cho nên các Ngài ăn cơm, mặc áo, đi đâu... cũng là diệu dụng.

 Trái lại kẻ phàm phu mê lầm, khi mặc áo chỉ biết mặc áo, khi ăn cơm chỉ biết ăn cơm, tất cả sự nghiệp chỉ tùy tướng mà chuyển.

GIẢNG: Chữ chỉ biết này đừng tưởng mặc áo chỉ lo mặc áo, ăn cơm chỉ biết ăn cơm là không nghĩ không tính. Đây ý nói rằng khi mặc áo chỉ biết suy tính việc mặc áo, khi ăn cơm chỉ biết suy tính việc ăn cơm, tức là bị lệ thuộc vào cảnh mà không thấy được tâm. Chớ không phải đói ăn mệt ngủ như cô Linh Chiếu nói(1). Người bị lệ thuộc vào cảnh, thì làm gì chỉ biết trên cảnh mà không nhận được tâm. Còn các Ngài tuy làm mọi việc mà lúc nào tâm chân thật cũng hiện sờ sờ. Cho nên mặc áo, ăn cơm... làm cái gì cũng đều là diệu dụng.

 Bởi dùng hằng ngày mà chẳng biết, ở trước mắt mà chẳng hay. Nếu người được tánh thì động dụng thi vi chẳng từng mê. 

GIẢNG: Các Ngài nói nó thường hiện tiền mà chúng ta không biết. Nếu người thấy được tánh rồi thì mọi hành động thi vi đều không mê.

 Cho nên Tổ sư nói: "Trong thai gọi là thân, ở đời gọi là người, ở mắt thì thấy, ở tai thì nghe, ở mũi thì ngửi mùi, ở miệng thì đàm luận, ở tay thì nắm bắt, ở chân thì chạy nhảy. Khi biến hiện thì cùng khắp pháp giới, thu nhiếp lại thì chỉ trong hạt bụi. Người biết cho đó là Phật tánh, người chẳng biết gọi là tinh hồn".

GIẢNG: Tất cả hành động thi vi từ tâm mà ra. Tâm nếu không loạn, vọng tưởng không dấy lên thì hành động nào cũng là diệu dụng hết. Còn nếu hành động chạy theo vọng tưởng thì không phải là diệu dụng mà đó là nghiệp.

Biết cái chủ lực của mọi động tác, nguyên thể nó là thanh tịnh là Phật tánh. Người không biết thắc mắc tại sao có động tác, có hiểu biết v.v... Người không biết cho đó là tinh hồn.

 Thế nên Đạo Ngô múa hốt, Thạch Cũng dương cung, Bí Ma đập nạng, Câu Chi giơ ngón tay, Hân Châu đánh đất, Vân Nham sư tử. Đấy là phát minh đại dụng. Nếu việc hằng ngày chẳng mê thì tự nhiên tung hoành tự tại.

GIẢNG: Hằng ngày nếu chúng ta không mê thì tung hoành tự tại, không có gì ngờ hết. Nếu còn mê thì mỗi động dụng đều sai lầm. Vì vậy biết thì đi tới đâu cũng là chân, không biết thì làm gì cũng là vọng. Chính chỗ này nên khi ngài Huệ Hải (Đại Châu) đến tham vấn với Mã Tổ, Mã Tổ hỏi:

- Đến đây tính cầu việc gì?

- Đến cầu Phật pháp.

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

 Ngài Huệ Hải lễ bái thưa:

- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

- Chính ngay cái ngươi hỏi ta đó, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

Ngay câu này ngài Huệ Hải nhận bổn tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ*. Từ đó về sau một kho báu xài hoài không hết. Còn chúng ta đây có đó mà không xài được.

Như vậy bao nhiêu nói năng động dụng đều không rời Chân tâm, nếu rời Chân tâm thì không bao giờ có những động tác. Nhưng người giác ngộ thì ngay nơi đó liền nhận, còn người mê thì ngay nơi đó lại lầm, khác nhau ở chỗ giác hay mê mà thôi.

5. Thể Dụng Của Chân Tâm Một Hay Khác.

HỎI: Thể dụng của Chân tâm chưa biết là một hay khác?

GIẢNG: Khi nghe nói Chân tâm chúng ta phải hiểu Chân tâm có thể và dụng. Nhưng mà thể và dụng đó là một hay khác nhau? Đây giải thích rõ để chúng ta khỏi nghi ngờ.

ĐÁP: Đứng về mặt tướng thì chẳng phải một. Đứng về mặt tánh thì chẳng phải khác. Cho nên thể dụng của tâm này chẳng phải một chẳng phải khác. Tại sao thế? Thử vì ông bàn đó.

GIẢNG: Đứng về mặt tướng thì thể khác dụng khác, cho nên chẳng phải một. Đứng về mặt tánh thì toàn dụng tức là thể, toàn thể tức là dụng, vậy thể dụng không hai, không khác.

 Diệu thể thì bất động, dứt mọi đối đãi và lìa tất cả tướng. Người chưa đạt tánh khế chứng không thể lường được lý này.

GIẢNG: Về diệu thể thì Chân tâm lặng lẽ không động, còn thấy có một tướng là chưa sống được với Chân tâm. Cho nên nói dứt mọi đối đãi và lìa tất cả tướng.

Người chưa đạt được tánh, chưa khế chứng được tánh thì nghe nói khó hiểu. Còn người đạt được tánh, khế chứng tức là chứng hợp được chỗ đó thì không nghi ngờ tí nào hết. Lục Tổ Huệ Năng khi trình bày về tánh thì Ngài nói: "Bản lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai". Bản lai vô nhất vật tức là chỗ đó không có một vật, không có một hình tướng nào vì lìa tất cả tướng. Mà lìa tất cả tướng thì đâu có đối đãi, đâu có phiền não, đâu có Bồ-đề. Cho nên không có chỗ nào dính bụi bặm.

Như vậy người đạt được diệu thể rồi, mở miệng thốt ra lời nào đều khế hợp. Còn chưa đạt được thì nghe nói chỗ diệu thể không tướng bất động v.v.... không biết nó ra sao. Cho nên nói rằng người chưa đạt được tánh, chưa khế chứng thì khó lãnh hội.

Đó là nói về thể. Bây giờ nói về dụng.

 Diệu dụng tùy duyên ứng khắp muôn loài. Vọng lập ra tướng rỗng giống như có hình trạng.

GIẢNG: Nói về dụng thì tùy duyên mà ứng hiện khắp muôn loài. Đã tùy duyên ứng hoá thì cái dụng không phải thật. Nhưng khi ứng hoá ra rồi thì dường như có hình tướng. Bởi có hình tướng nên mới thấy có độ sinh, có làm mọi công tác Phật sự.

 Nhằm vào hữu tướng, vô tướng này nên chẳng phải một.

GIẢNG: Hữu tướng là diệu dụng, hiện ra những hình tướng hư dối. Vô tướng chỉ cho diệu thể không có một tướng trạng nào. Như vậy diệu dụng thì có tướng trạng, mà diệu thể thì không có tướng trạng, cho nên không thể nói nó là một được.

 Lại, dụng từ thể phát ra, dụng không lìa thể. Thể hay phát dụng, thể chẳng lìa dụng. Nhằm vào cái lý bất tương ly này, nên chẳng phải khác.

GIẢNG: Như đoạn trước tôi nói toàn thể tức là dụng, hay toàn dụng tức là thể, là vậy đó. Nghĩa là hai cái không rời nhau nên chẳng phải khác. Chữ khác đây nghĩa là hai, nói không phải là hai vì rời cái này không có cái kia, rời thể không có dụng rời dụng không có thể, thì làm sao nói hai được.

 Như nước lấy tánh ướt làm thể, thể thì không động. Sóng lấy động làm tướng, vì nhơn gió mà dấy khởi. Tánh nước, tướng sóng, động với chẳng động, nên chẳng phải một. Nhưng ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng. Tánh ướt là một nên chẳng phải khác. Xét trên thể dụng một hay khác có thể biết vậy.

GIẢNG: Nước lấy tánh ướt làm thể, lấy sóng làm dụng. Tánh ướt thì không bao giờ thấy lay động, nhưng sóng thì luôn luôn dao động. Bởi sóng động cho nên sóng với nước chúng ta thấy dường như là hai, một cái động, một cái bất động. Cái động của sóng gốc từ gió mà dấy khởi. Cho nên căn cứ trên cái động và bất động thì không thể nói một được. Tánh ướt của nước và tánh ướt của sóng không có hai, cho nên nói không phải khác.

Căn cứ vào thể và dụng chúng ta xét thì biết được. Đứng về mặt động và tịnh thì không thể nói một, nhưng đứng về nghĩa bất tương ly thì không thể nói hai.

6. Chân Tâm Trong Mê

HỎI: Thể dụng của Chân tâm mọi người đều có đủ. Vì sao nơi Thánh phàm chẳng đồng?

ĐÁP: Nơi Thánh phàm Chân tâm vốn đồng, vì phàm phu vọng tâm nhận vật, nên mất tự tánh thanh tịnh, do đây bị ngăn cách.

GIẢNG: Đây là chỗ quan trọng trong sự tu hành của chúng ta.

Nơi Thánh phàm Chân tâm vốn đồng, vì phàm phu vọng tâm nhận vật, tức là dấy niệm chạy theo ngoại cảnh, nhận cái niệm chạy theo ngoại cảnh là tâm mình, và ngoại vật là vật sở hữu của mình. Cho nên hằng ngày sống trong mê vọng, đánh mất tự tánh thanh tịnh, do đây bị ngăn cách. Như vậy nếu chúng ta không cho vọng tâm chạy theo ngoại cảnh thì hằng ngày được thanh tịnh, Chân tâm hiện tiền. Đó là yếu chỉ của sự tu hành. Bao nhiêu pháp tu đều đưa đến chỗ không cho vọng tâm chạy theo ngoại cảnh, tâm vọng lặng xuống, trở về tự tánh thanh tịnh của chính mình, đó là tu. Nếu không biết tu như vậy thì suốt kiếp là phàm, còn biết dừng tâm vọng thì dần dần trở về Thánh.

 Thế nên Chân tâm, không được hiện tiền.

GIẢNG: Bởi vì chúng ta chạy theo vọng niệm, nhận cảnh làm sở hữu thì làm sao nhận được Chân tâm. Vì vậy Chân tâm không hiện tiền.

 Ví như bóng cây trong tối. Dòng nước chảy ngầm dưới đất, có nhưng không biết.

GIẢNG: Cây mà đứng trong mát thấy có bóng không? Cây nào cũng có cái bóng của nó nhưng chúng ta không thấy vì nó ở trong mát, bị bóng mát che nên không thấy bóng cây. Còn nếu cây đứng ngoài nắng thì thấy bóng của nó rõ ràng. Cũng vậy, Chân tâm bị vọng tưởng che khuất cho nên chúng ta không nhận ra. Nếu vọng tưởng hết thì Chân tâm hiện tiền. Đó là thí dụ thứ nhất.

Đến thí dụ thứ hai, những mạch nước ngầm ở trên núi chúng ta có thấy không? Tuy có mạch nước chảy ngầm ở dưới mà trên này không biết nó ở đâu. Chân tâm cũng vậy, lúc nào cũng hiện tiền, nhưng vì vọng tưởng phủ che nên chúng ta không thấy, cũng như dòng nước chảy ngầm dưới đất lúc nào cũng có mà người ta không biết, không thấy.

 Trong Kinh nói: "Này Thiện nam tử! Như viên Ma ni bảo châu thanh tịnh chiếu ra năm sắc, tùy chỗ mà hiện. Kẻ ngu si thấy ma ni châu kia thật có năm sắc".

GIẢNG: Ví dụ có một viên minh châu trong ngần, người ta đặt tấm giấy xanh, giấy đỏ, giấy vàng, giấy trắng... quanh nó. Nếu nhìn viên minh châu sẽ thấy ứng ra xanh, vàng, đỏ, trắng. Người ngu quên màu sắc bên ngoài, cứ nhìn hạt minh châu thấy ứng mấy màu sắc đó cho rằng hạt minh châu có năm màu, sự thật nó không có màu. Bởi vì nó quá trong, nên những màu sắc ở bên ngoài ảnh hiện vào. Người trí nhìn biết đó là một viên minh châu trắng sạch mà thôi. Còn người ngu nhìn vào thì nói viên minh châu có năm sắc.

Qua thí dụ đó, chúng ta thấy rõ người trí thì biết Chân tâm thanh tịnh không có hình tướng. Do diệu dụng tùy duyên mà hiện ra các tướng trạng. Người ngu không biết, khi thấy hiện ra các tướng trạng cho rằng Chân tâm thật có những tướng trạng. Đó là cái lầm lẫn của người ngu.

 Thiện nam tử! Tánh tịnh Viên Giác hiện ở thân tâm, tùy loại mà có ứng hiện. Kẻ ngu si nói tánh tịnh Viên Giác thật có thân tâm như thế. Tự tánh cũng lại như vậy.

GIẢNG: Nếu chúng ta cho rằng tâm hiện ra tướng này tướng kia là tâm mình, đó là lầm lẫn. Thật ra tâm không hình tướng, chỉ tùy duyên mà ứng hiện. Như bây giờ cái tay chúng ta cử động, thì biết: "Tôi muốn lấy cái này" là ngầm chỉ cho tâm mình muốn dùng cái đó, tức là Chân tâm hiện ra nơi tay, tâm đó không hình tướng, tùy duyên mà khởi dụng nơi tay, chớ không phải có tướng như cái tay.

 Trong Triệu Luận nói: "Bên trong của càn khôn, khoảng giữa của vũ trụ, trong ấy có một vật báu ngầm giấu trong hình sơn".

GIẢNG: Vật báu đó là gì? Tức là chỉ cho Chân tâm. Trong vũ trụ này, trong càn khôn này có một cái không hình tướng, ẩn trong mọi cái có hình tướng mà người ta không thấy. Cái không hình tướng đó là một vật quý giá vô cùng.

 Đấy là Chân tâm tại triền vậy.

GIẢNG: Trong Triệu Luận cũng như trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: "Có một quyển Kinh lượng bằng tam thiên đại thiên thế giới vò tròn nhét trong một hạt bụi. Chẳng những một hạt bụi có quyển Kinh đó, mà trăm ngàn muôn ức hạt bụi đều có quyển Kinh như vậy. Người ngu si thấy hạt bụi không biết quyển Kinh. Có một người trí huệ nhìn vào hạt bụi thấy có quyển Kinh lượng lớn như vậy, quyển Kinh đó ghi chép tất cả sự thật của tam thiên đại thiên thế giới, hay là của càn khôn vũ trụ. Người trí đó mới tìm phương tiện đập hạt bụi ra, lấy được quyển Kinh thì coi hiểu tất cả những việc trong vũ trụ càn khôn, gọi là phá vi trần xuất kinh quyển. Đó là một thí dụ để cho thấy rằng tất cả chúng sanh có tâm thanh tịnh rộng lớn không ngằn mé, ẩn trong cái thân tứ đại này. Nếu chúng ta khôn ngoan biết dẹp trừ phiền não, dứt hết vọng tưởng thì Chân tâm hiển lộ. Chừng đó chúng ta mới thấy nó trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới không nơi nào không có.

 Lại Từ Ân nói: "Pháp thân sẵn có chư Phật đều đồng. Phàm phu bị vọng che, nên có mà chẳng biết. Phiền não cột ở trong nên gọi Như Lai Tàng".

GIẢNG: Từ Ân tức là ngài Khuy Cơ.  Ngài nói ai cũng có sẵn Pháp thân đồng với chư Phật. Nhưng chư Phật thì biết, cho nên các Ngài đã giác ngộ, còn phàm phu thì mê, nên bị vọng tưởng che lấp, vì thế có mà không biết. Chân tâm bị phiền não che lấp gọi là Như Lai Tàng, tức là Như Lai bị che khuất.

 Bùi Hưu nói: "Suốt ngày Viên Giác mà chưa từng Viên Giác, ấy là phàm phu vậy".

GIẢNG: Suốt ngày sống trong bản tánh Viên Giác mà chưa lúc nào giác ngộ, nên gọi là phàm phu.

 Cho nên, Chân tâm tuy ở trần lao mà không bị trần lao làm nhiễm. Như bạch ngọc ném vào bùn, màu sắc không đổi.

GIẢNG: Chân tâm ở trong trần lao nhưng không bị ô nhiễm, vì nó đâu có hình tướng mà ô nhiễm. Cũng như viên ngọc ném dưới bùn, tuy bùn đen ngọc trắng nhưng bùn không làm nhiễm nhơ được ngọc. Nghĩa là ngọc tuy bị bùn bám bên ngoài, nhưng lấy lên chùi rửa thì ngọc vẫn trong sáng như thường. Như vậy nơi phàm phu Chân tâm cũng không mất, chúng ta phải tự tin rằng ai ai cũng có sẵn Chân tâm bất sanh bất diệt, nếu chúng ta ngộ thì thành Phật, nếu quên thì làm chúng sanh, chắc chắn không nghi ngờ gì nữa.

Đó là bước đầu để chúng ta khởi niềm tin mình có Chân tâm, lòng tin đó thật là chánh tín tối thượng thừa.

7. Chân Tâm Và Sự Dứt Vọng

GIẢNG: Đây là phần quan trọng của người tu, chúng ta phải chú ý để nhận ra phương pháp tu hành. Đã nhận ra Chân tâm rồi, làm sao dứt vọng tưởng để Chân tâm hiện?

HỎI: Chân tâm nơi vọng là phàm phu. Vậy làm thế nào thoát vọng để thành Thánh?

ĐÁP: Người xưa nói: "Vọng tâm không chỗ nơi tức là Bồ-đề, Niết-bàn và sanh tử vốn bình đẳng".

GIẢNG: Nếu biết tâm vọng không chỗ nơi tức là Bồ-đề, Niết-bàn và sanh tử vốn bình đẳng. Đây là một phương pháp tu mà ngày xưa các Ngài thường dạy: Nếu người chưa nhận được tâm thì ngồi Thiền phải quán. Thí dụ vừa khởi nghĩ tưởng cái gì đó, thì liền hỏi cái nghĩ tưởng này ở đâu mà có? Xét cho kỹ nó không phải ở trong, không phải ở ngoài, cũng không phải ở chặng giữa, cuối cùng biết nó là không. Biết vọng tưởng là Không, ngay đó là Bồ-đề, Niết-bàn. Khi biết vọng tưởng là Không thì sanh tử, Niết-bàn đều bình đẳng.

Sau đây dẫn kinh Viên Giác làm chứng:

 Kinh nói: "Chúng sanh kia thân huyễn diệt, nên tâm huyễn cũng diệt. Tâm huyễn diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Huyễn trần diệt, nên huyễn diệt cũng diệt. Huyễn diệt diệt rồi, nên cái phi huyễn cũng chẳng hề diệt. Ví như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện".

GIẢNG: Chúng sanh kia thân huyễn diệt, tức là nơi thân này chúng ta nhận biết rõ ràng nó như huyễn như hoá, thì chúng ta không chấp vào thân, gọi đó là thân huyễn diệt. Khi không vọng chấp vào thân thì cái tâm huyễn cũng theo đó mà diệt. Tâm huyễn tức là tâm hư vọng chấp thân, chấp cảnh. Nếu biết thân này là hư huyễn không thật thì cái chấp thân hết, không chấp thân thì không còn chấp cảnh, vì thân với cảnh đối đãi. Thân, cảnh không chấp thì cái tâm vọng chấp cũng theo đó mà hết. Cho nên nói tâm huyễn cũng diệt. Nếu tâm vọng chấp hết thìhuyễn trần cũng diệt. Như vậy vọng chấp hết, thì sáu trần cũng theo đó mà hết luôn.

Huyễn trần diệt nên huyễn diệt cũng diệt, không còn thấy sáu trần ở ngoài là thật nữa thì tâm quán chiếu để thấy nó là huyễn cũng diệt luôn. Cho nên nói huyễn diệt cũng diệt. Tâm quán chiếu đó diệt rồi, tức là huyễn diệt diệt rồi, nhưng cái phi huyễn chẳng hề diệt. Bởi vì lúc trước mình dùng tâm quán các pháp ở bên ngoài là hư giả, thân hư giả, vọng duyên dấy lên cũng là hư giả, ba cái đó đều hư giả thì tâm không còn chạy theo cảnh, trí quán hư giả cũng bỏ luôn. Trí quán hư giả bỏ rồi, thì cái phi huyễn chẳng hề diệt tức là Chân tâm hiện tiền.

Ví như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện. Phương pháp quán huyễn cũng như lau gương, khi bụi nhơ hết thì khăn lau không còn, lúc đó chỉ còn một mặt gương sáng ngời. Đó là phương tiện tu theo kinh Viên Giác. Chúng ta thấy rõ ràng kinh Viên Giác chỉ cho biết tất cả thân, cảnh và vọng tâm ba cái đó đều là huyễn hoá không thật. Khi thấy nó là huyễn hoá không thật tức là dùng trí Bát-nhã mà quán. Khi biết nó huyễn hoá không thật thì tâm không còn chạy theo cảnh, trí quán cũng buông luôn. Trí quán dừng rồi Chân tâm hay Bát-nhã hiện tiền.

Còn bây giờ chúng ta không cần quán thân, không cần quán cảnh, mà mỗi khi vọng tưởng dấy lên, liền biết nó là vọng tưởng thì vọng tưởng dừng, cái biết vọng tưởng cũng dừng luôn. Lúc đó cái gì hiện tiền? Ai biết? – Đó là cái lặng lẽ hằng tri hiện tiền, nhưng văn tự ngôn ngữ không thể nói đến được.

 Ngài Vĩnh Gia nói: "Tâm là căn, pháp là trần. Cả hai như vết nhơ trên gương, vết nhơ hết, ánh sáng mới hiện. Tâm pháp đều quên, tánh ấy tức chân".

GIẢNG: Đây là dẫn bài Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, Tâm là căn  tức là cội gốc, Pháp là chỉ cho sáu trần. Tâm và pháp là vọng tâm và  sáu trần, cả hai đều như vết nhơ ở trên gương vậy. Gương đó dụ cho Chân tâm. Vọng tâm duyên theo ngoại cảnh hai cái đó đều như vết nhơ trong gương. Bao giờ vết nhơ đó hết thì ánh sáng gương mới hiện tiền.

Tâm, pháp đều quên, tâm là vọng tâm, pháp là trần cảnh. Quên vọng tâm và quên luôn trần cảnh thì tánh ấy tức chân, tánh như như thanh tịnh hiện tiền mới thật là chân.

HỎI: Trang Sinh nói: "Tâm ấy nóng thì cháy lửa, lạnh thì đóng băng, mau thì khoảng cúi ngước, lại hay vỗ về ngoài bốn bể, chỗ ở của nó sâu mà tĩnh. Khi nó động thì huyền mà thiên. Đấy là chỉ cho tâm con người vậy".

GIẢNG: Trang Sinh tức là Trang Tử nói: Tâm của con người rất là đặc biệt, nó có nhiều cái diệu dụng không lường.

 Trang Sinh nói cái tâm của kẻ phàm phu không thể trị phục như thế. Chưa biết nhà Thiền dùng phương pháp gì để điều trị vọng tâm?

ĐÁP: Lấy pháp vô tâm để trị vọng tâm.

GIẢNG: Đơn giản vô cùng, muốn trị vọng tâm thì chỉ có vô tâm. Vô tâm có chỗ nói là vô niệm, hoặc là vô phân biệt. Vô tâm, vô niệm, vô phân biệt cũng đều chỉ cho một cái.

HỎI: Người vô tâm chẳng khác cây cỏ. Xin lập bày phương tiện về thuyết vô tâm.

ĐÁP: Nay nói vô tâm ấy, chẳng phải thể của nó vô tâm mà gọi là vô tâm. Chỉ trong tâm không vật nên gọi vô tâm. Thí như nói bình không là do trong bình không có vật gì, nên gọi là bình không. Chẳng phải thể của bình là không nên gọi là bình không.

GIẢNG: Đây dùng thí dụ để chỉ rõ vô tâm. Nghe nói vô tâm người ta tưởng như cây đá, vì có tâm mới có hiểu biết, còn cây đá không có tâm nên không hiểu biết. Không phải vậy, nói vô tâm nghĩa là không vọng tâm. Vọng tâm là cái tâm chạy theo sáu trần che lấp chân tánh. Bây giờ nói vô tâm tức là dừng cái vọng tâm, không để nó dấy khởi nữa thì gọi là vô tâm. Cho nên nói: Chỉ trong tâm không một vật nên gọi là vô tâm. Không vật tức là không dấy niệm chạy theo sáu trần. Tâm không một vật cho nên gọi là vô tâm.

Ví dụ trong bình không có nước, hỏi bình này có gì không? Đáp: - Bình không. Nói bình không thì người ta tưởng như không có cái bình. Không ngờ bình không là bình không có nước, nhưng có cái thể của bình. Vô tâm là không có vọng tâm, chớ vẫn có cái thể tánh của tâm. Chúng ta thấy rõ ràng không tâm là không vật gì chứa ở trong tâm. Vật chứa trong tâm là gì?  Là cái vọng chấp hình ảnh sáu trần. Vọng chấp hình ảnh sáu trần không còn thì gọi là vô tâm.

 Cho nên Tổ sư nói: "Ngươi chỉ nơi tâm vô sự, nơi sự vô tâm, thì tự nhiên rỗng mà mầu, tịch mà diệu". Đấy là yếu chỉ của tâm vậy.

GIẢNG: Tâm vô sự là không dấy niệm, không nghĩ tưởng. Nơi sự vô tâm, sự là chỉ cho cảnh, đối với cảnh không chạy theo cảnh tức là vô tâm, thì tự nhiên rỗng mà mầu, tịch mà diệu. Tâm vô sự là đối với cảnh tâm không động. Bây giờ người ta hiểu lầm rằng tâm vô sự là người ngồi không, không làm gì hết. Đó là cái lầm lẫn lớn. Vô sự nghĩa là tâm không nghĩ, không duyên theo cảnh, lúc nào cũng thanh tịnh như như, gọi là tâm vô sự. Dù làm mọi việc mà tâm không động, chớ không phải vô sự là bó tay ngồi không. Đó là yếu chỉ của sự tu hành.

 Căn cứ đây mà xét thì không vọng tâm, chớ không phải không có Chân tâm diệu dụng.

GIẢNG: Đến đây, Ngài đã rụng rất nhiều lông mày, gần trụi hết cả lông mày để chỉ bày cho chúng ta.

 Từ xưa đến nay chư Tổ đã nói đến thực hành công phu vô tâm, chủng loại không đồng nhau. Nay đại khái tóm nêu ra mười loại.

GIẢNG: Sau đây sẽ kể lại mười loại để quý vị thấy mình đang áp dụng loại nào trong mười loại này để tu. Nhiều khi chúng ta tu mà không biết mình đang tu theo hệ thống nào hay phương pháp nào. Thì đây Ngài vạch rõ cho chúng ta thấy lối tu có từng phương pháp. Phương pháp đây cũng chỉ là phương tiện thôi chớ không phải là một pháp thật, nếu chúng ta nghe rồi chấp cho là pháp thật cũng là bệnh.

 7.1. Giác Sát: Nghĩa là khi hành công phu, bình thường phải dứt niệm và đề phòng niệm khởi. Một niệm vừa sanh liền dùng giác mà phá nó.

GIẢNG: Giác là tỉnh giác, sát là xem xét. Dùng tỉnh giác để xem xét lại vọng tâm của mình. Như khi thực hành công phu niệm dấy lên thì mình buông và đề phòng đừng cho nó dấy lên gọi là giác sát.

Lâu nay quý vị nghe tôi nói cũng còn nghi ngờ, cho rằng khi vọng tưởng dấy lên, cái biết vọng tưởng cũng là vọng. Nhưng cái biết vọng tưởng là trí chớ không phải là vọng. Ở đây, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy rõ cái đó là giác chớ không phải là vọng tưởng. Một niệm vừa sanh liền dùng giác mà phá nó, tức là vọng niệm vừa dấy lên dùng trí giác biết để phá nó. Ví dụ ngồi đây nghe giảng mà nghĩ đi chợ, vừa nghĩ đi chợ thì biết: À, nghĩ đi chợ. Biết nó là vọng tưởng thì vọng tưởng lặng mất. Vậy cái biết vọng tưởng là giác chớ đâu phải vọng.

 Vọng niệm phá rồi, biết niệm sau chẳng sanh, cái giác trí này cũng không dùng tới nữa.

GIẢNG: Khi niệm đi chợ lặng rồi thì cái biết niệm sau chẳng sanh, lúc đó cái giác trí này cũng không dùng tới nữa. Vì khi niệm không sanh thì khỏi cần biết vọng. Khi vọng tưởng khởi lên thì mới biết, nếu vọng tưởng không khởi thì cái giác trí đó cũng không dùng.

 Lúc ấy, vọng giác đều mất, nên gọi là vô tâm. 

GIẢNG: Khi vọng tưởng và giác trí đều mất thì gọi là vô tâm, mà tại chúng ta không nhận đó thôi, nghĩa là khi vọng tưởng dấy lên mình biết, biết thì vọng tưởng lặng xuống. Niệm kế không dấy lên thì tâm yên tĩnh. Tâm yên tĩnh thì cái giác biết vọng cũng buông luôn. Như vậy vọng tưởng và giác trí cả hai đều mất, nên gọi là vô tâm. Nên Tổ sư nói: Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Lại kệ rằng:

Chẳng dụng cầu chân,

Chỉ nên dứt kiến.

Đây là công phu dứt vọng.

Đây là chỗ mà đa số người tu Thiền đang áp dụng.

Phương pháp thứ nhất này trong Pháp Bảo Đàn Lục tổ Huệ Năng cũng nói: "Niệm trước mê là chúng sanh, niệm sau giác là Phật". Niệm trước mê tức là vọng tưởng dấy lên, đó là chúng sanh. Sau đó biết vọng tưởng tức là giác, thì đó là Phật. Thành ra Phật với chúng sanh hiện liên miên trong tâm. Cho nên phải hiểu rõ phương pháp giác sát là vậy.

 7.2. Hưu Kiệt: Nghĩa là khi hành công phu chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tâm vừa khởi liền thôi, gặp duyên liền dứt.Người xưa nói: "Một mảnh lụa trắng đi! Lạnh như đất đi! Lò hương trong miếu cổ đi! Thẳng đến chỗ dứt lìa không còn một mảy may phân biệt, như ngây như dại mới có chút phần tương ưng". Đấy là công phu dứt sạch vọng tâm vậy.

GIẢNG: Hưu Kiệt là thôi hết. Tâm vừa khởi thiện ác liền bỏ, gặp duyên gì, gặp cảnh gì cũng bỏ không nghĩ, không theo.

Người xưa là chỉ cho ngài Thạch Sương nói:

Một mảnh lụa trắng đi, lạnh như đất đi là không cho tâm chạy theo niệm thiện, ác. Niệm thiện, ác đều buông hết tâm lặng lẽ như như.

Lò hương miếu cổ đi, là miếu cổ sập thì lò hương đâu còn khói. Như vậy cho tới khi nào không còn một mảy may phân biệt, như ngây như dại, lúc đó mới là tương ưng, tức là vô tâm. Chỗ này Lục Tổ đã nói với ngài Huệ Minh: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” đó là Ngài chỉ cho phương pháp dứt sạch vậy.

 7.3. Dẫn tâm tồn cảnh: Nghĩa là khi hành công phu, nên dứt hết tất cả vọng niệm. Chẳng đoái đến ngoại cảnh, chỉ tự dứt tâm mình thôi. Vọng tâm đã dứt lo gì có cảnh. Đây là pháp môn mà người xưa gọi là Đoạt nhơn bất đoạt cảnh.

GIẢNG: Nếu vọng tâm hết rồi thì lo gì cảnh bên ngoài còn. Đây là phương pháp thứ nhất của tổ Lâm Tế trong Tứ Liệu Giản. Nghĩa là người tu một bề lo dẹp vọng tâm, ngoại cảnh mặc nó. Tâm diệt thì cảnh theo đó diệt, nghĩa là tâm như cảnh như. Sở dĩ cảnh có thành cảnh là tại tâm. Bây giờ tâm lặng rồi thì cảnh cũng trở thành như. Cho nên không cần chú ý tới cảnh mà chỉ một bề lo dẹp vọng tâm, gọi là đoạt nhơn bất đoạt cảnh.

 Cho nên ngạn ngữ có câu: "Nơi đây đầy hoa thơm cỏ lạ mà người xưa không có".

GIẢNG: Nơi đây đầy hoa thơm cỏ lạ mà người xưa không có. Nghĩa là cảnh vẫn còn nguyên vẹn mà vọng tâm không có.

 Bàng Công nói: "Chỉ tự mình vô tâm với muôn vật, lo gì muôn vật thường khuấy phá". Đây là công phu dứt vọng hết tâm còn cảnh.

GIẢNG: Bàng Công tức là ông Bàng Uẩn. Đối với muôn vật mà chúng ta vô tâm thì muôn vật không khuấy phá gì được hết. Nếu còn tâm vọng thì muôn vật tới phá hại mình, điều này là một lẽ thật một triệu phần triệu chớ không ngờ vực gì nữa hết.

Có nhiều người đổ thừa thế này, đổ thừa thế kia. Như nói rằng: "Tôi không tham mà tại cái đó để trước mắt khiến tôi tham". Ví dụ như có người để tấm giấy bạc 1.000$ trước mắt, lát sau mình đưa tay lượm bỏ vào túi. Sao nói không tham mà đưa tay lượm bỏ vào túi? Có người thấy hỏi: "Ủa tại sao lấy tiền của tôi?". Liền đổ thừa: "Tôi đâu có cố tình lấy, tại thấy để trước mắt nên tôi lấy". Thật ra tiền là tiền, nó đâu có kêu mình lấy, vì mình chưa hết lòng tham, cho nên thấy tiền thì dấy niệm rồi đưa tay lấy. Nếu trong lòng nguội lạnh thì thấy 1000$ để đó là để đó, không nghĩ tính gì hết, có cũng như không. Như vậy 1.000$ đối với người không nghĩ gì hết thì coi như không có, dù nó hiện ở trước mắt mà vẫn như không. Còn nếu người thấy nó rồi dấy niệm thì nó có giá trị đối với người đó.

Có người đứng giữa đám đông nói chuyện như chỗ không người, vì họ không chú ý tới người nào cả thì xem như không có người. Không có người không phải là không có người thật, mà là tâm họ không để ý tới ai. Cũng vậy, khi tâm chúng ta hết vọng tưởng rồi thì dầu cho cảnh trước mắt có nhiều màu sắc thiên sai vạn biệt chúng ta vẫn không động. Không động thì gọi là cảnh như, tâm không động gọi là tâm như. Cảnh không bị mình duyên theo, cảnh ấy gọi là cảnh như. Vì vậy đừng đổ thừa cảnh phá mình, chỉ vì tâm mình chưa sạch nên mình mới nhiễm cảnh, chứ thật ra cảnh không làm cho mình nhiễm, mà tại tâm mình nhiễm. Đó là trường hợp thứ ba, tức là chỉ dứt vọng, mà không cần dứt ngoại cảnh.

 7.4. Dẫn cảnh tồn tâm: Nghĩa là khi hành công phu, đem tất cả cảnh trong, cảnh ngoài đều quán là không-tịch, chỉ còn lại một tâm độc lập một mình.

GIẢNG: Cảnh trong là chỉ cho tứ đại ngũ uẩn, cảnh ngoài là chỉ cho sáu trần. Ngay nơi thân này thấy nó là huyễn hoá, tự tánh không-tịch, ngay nơi cảnh cũng thấy nó là huyễn hoá không-tịch, như kinh Viên Giác nói trong ngoài đều là huyễn. Nếu trong ngoài đều thấy là huyễn thì tâm chúng ta không duyên theo, không chấp trước, lúc đó chỉ có một tâm độc lập đâu còn gì nữa mà dong ruỗi.

 Cho nên người xưa nói: "Chẳng cùng muôn pháp làm bạn, cũng chẳng cùng các trần đối đãi".

GIẢNG: Các trần đều là huyễn hoá không thật, lúc đó chỉ có một tâm độc lập, không còn ai nữa hết để làm bạn, vì thân này không, cảnh kia cũng không. Đó là cái đặc biệt.

 Tâm nếu chấp cảnh tâm ấy là vọng, nay đã không cảnh thì vọng nào có được?

GIẢNG: Thấy cảnh là không rồi thì còn vọng tưởng gì nữa. Thành ra cái này là dẹp ở ngoài. Dẹp thân dẹp cảnh thì tâm tự nhiên hết vọng.

 Đấy là Chân tâm độc chiếu chẳng chướng ngại nơi đạo. Tức người xưa gọi là pháp môn Đoạt Cảnh Bất Đoạt Nhơn.

GIẢNG: Pháp môn Đoạt cảnh bất đoạt nhơn là chỉ lo dẹp cảnh không cần dẹp tâm.

 Cho nên có câu: "Vườn trên hoa đã rụng, xe ngựa vẫn còn đây".

GIẢNG: Vườn trên hoa đã rụng tức là ngoại cảnh hết rồi, nhưng vẫn còn xe ngựa, tức là còn người. Người còn sờ sờ mà cảnh không có.

 Lại cũng có câu: "Ba ngàn kiếm khách nay đâu tá, chỉ kế Trang Chu định thái bình".

GIẢNG: Khách trần sạch hết chỉ còn một tâm thanh tịnh mà thôi.

 Đây là công phu dứt vọng hết cảnh còn tâm.

GIẢNG: Quý vị tu cách nào cũng được. Nhiều khi nghe tôi dạy thế này hoặc nói thế kia rồi quý vị nghi: "Tại sao người đó tu như vầy, mà  Thầy lại dạy mình tu cách khác?". Đó là tuỳ duyên. Người nặng về cảnh phải dạy họ dẹp cảnh, người nặng về tâm thì dạy họ dẹp tâm, không có lỗi lầm gì hết, nghĩa là đều trở về một chứ không có khác.

 7.5. Dẫn tâm dẫn cảnh: Nghĩa là khi hành công phu, trước quán ngoại cảnh đều không-tịch, kế đó diệt nội tâm.

GIẢNG: Đến đây dạy quán cả cảnh và tâm, thấy cảnh thì biết cảnh do duyên khởi như huyễn, tự tánh là không. Rồi tâm dấy lên biết tâm là vọng tưởng, tự tánh cũng là không, cảnh ở ngoài cũng không, tâm ở trong cũng không, cứ như vậy mà dẹp.

 Khi nội tâm ngoại cảnh đều lặng thì vọng từ đâu mà có được.

GIẢNG: Đến khi thuần thục rồi, thấy cảnh biết là giả, tâm dấy lên biết là vọng tưởng, biết thuần thục thì lúc đó không còn một tí vọng tưởng nào hết.

 Cho nên Quán Khê nói: "Mười phương không vách đổ, bốn phía cũng không cửa, sạch trọi trơn, bày trơ trơ".

GIẢNG: Đến lúc này phủi sạch không còn gì hết. Như ngài Hương Nghiêm nói:

Năm xưa nghèo chưa thật nghèo

Năm nay nghèo mới thật nghèo

Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi

Năm nay nghèo dùi cũng không"(1)

Đó thật là sạch trọi trơn, bày trơ trơ.

 Tức pháp môn mà người xưa gọi: Nhơn cảnh lưỡng câu đoạt. Cho nên có câu: "Mây tan nước trôi chảy, lặng lẽ trời đất không".

GIẢNG: Mây tan nước chảy, trời đất lặng lẽ, không hình dáng, lúc đó chỉ là một bầu trời trong lặng. 

 Lại có câu: "Người trâu đều chẳng thấy, chính lúc vầng trăng trong". Đây là công phu Dứt vọng tâm hết cảnh hết.

GIẢNG: Người là chỉ cho tâm, trâu là chỉ cho cảnh. Tâm cảnh đều dứt thì chỉ còn vầng trăng trong. Chính chỗ này chúng ta thấy trong Thập Mục Ngưu Đồ, tới mục số tám là không còn người không còn trâu, chỉ có vòng tròn như vầng trăng trong, đó chính là pháp môn Dẫn tâm dẫn cảnh hay là Nhơn cảnh lưỡng câu đoạt.

 7.6. Tồn tâm tồn cảnh: Nghĩa là khi hành công phu, để tâm trụ trong vị trí của tâm, cảnh trụ vị trí của cảnh.

GIẢNG: Tâm trụ tâm vị, cảnh trụ cảnh vị, nghĩa là tâm trụ ở vị trí của tâm, cảnh trụ ở vị trí của cảnh, cái nào mặc cái ấy, không cố chấp, không để ý, không cần quán xét, không để nó chạy theo nhau. Nghĩa là cái nào ở vị trí cái nấy, không cho nó dính mắc với nhau, khỏi cần quán chiếu gì hết.

Chỗ này hơi khó, thượng căn thượng trí mới có thể áp dụng nổi, chớ còn phàm phu thì làm không nổi. Nghĩa là giữ cho mỗi cái đều nằm y vị trí của nó, không cho cái nào xâm phạm cái nào.

 Có khi tâm và cảnh đối nhau thì tâm chẳng thủ cảnh, cảnh chẳng đến tâm, mỗi mỗi chẳng đến nhau, tự nhiên vọng niệm chẳng sanh, nơi đạo chẳng ngại. Cho nên Kinh nói: "Pháp ấy trụ nơi bản vị của nó. Tướng của thế gian thường trụ". Tức là pháp môn Nhơn cảnh câu bất đoạt của Tổ sư.

GIẢNG: Tâm cảnh chẳng đến nhau, cái nào ở y vị trí ấy thì tâm và cảnh không còn ngại nhau. Nên kinh Pháp Hoa nói: "Pháp ấy trụ nơi bản vị của nó. Tướng của thế gian thường trụ". Không cho các pháp xâm đoạt nhau thì mới thấy tướng thế gian thường trụ. Đây là pháp mônNhơn cảnh câu bất đoạt của Tổ sư Lâm Tế.

 Cho nên có câu: "Một mảnh trăng rộng chiếu, bao nhiêu người lên lầu".

GIẢNG: Trăng vẫn là trăng, người vẫn là người. Trăng cứ chiếu ngoài trời, người vẫn lên lầu của họ, không ai xâm phạm ai. Người không xem trăng, nếu đứng ngắm cảnh thì trật. Người lên lầu tức là thu về vị trí của họ, còn trăng thì ở vị trí của trăng, không cái nào xâm phạm cái nào.

 Lại cũng có câu: "Hoa núi ngàn muôn đoá, lãng tử chẳng biết về". Đây là công phu Diệt vọng còn tâm còn cảnh.

GIẢNG: Hoa thì ở trên núi, khách thì lãng du nơi nào, không có ai dính với ai hết.

 7.7. Nội ngoại toàn thể: Nghĩa là khi hành công phu, quán thấy sơn hà đại địa, trời, trăng, sao, nội thân, ngoại cảnh, tất cả các pháp đều đồng một thể Chân tâm trạm nhiên hư minh, không tí sai khác.

GIẢNG: Nội ngoại toàn thể nghĩa là nội và ngoại đều đồng một thể. Ngài Thiền Lão Thiền sư ở Việt Nam có nói:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Chân tức là thể. Như vậy trúc biếc hoa vàng... đều là chân hết. Thấy cảnh nào cũng quy về tự thể tức là đều do Chân tâm hiện, không có cái nào ngoài Chân tâm. Cho nên nói nội ngoại toàn là The. Tất cả đều là Chân tâm hiện thì còn chạy theo phân biệt cái gì.

 Đại thiên sa giới gồm thành một mảnh, lại ở chỗ nào khởi vọng tâm?

GIẢNG: Tam thiên đại thiên thế giới là một Chân tâm trùm khắp không có cái nào khác, không có cái gì ngoài, đâu cũng là Chân tâm hết. Nói theo ngài Khuê Phong đây là phương pháp thu vào, tất cả đều quy vào Chân tâm hết.

Đây chính là đường lối của Mã Tổ, sau này Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền sang ViệtNam, Thiền Lão Thiền sư là đồ đệ của phái đó, nên khi ngộ rồi Ngài cũng thấy như vậy. Tất cả đều là Chân tâm, cho nên thấy mây cũng là Chân tâm, thấy trăng cũng là Chân tâm, thấy tre cũng là Chân tâm, thấy cúc cũng là Chân tâm, cái nào cũng là Chân tâm hết. Chúng ta không hiểu hỏi tại sao thấy cái nào cũng là Chân tâm? Bởi vì lúc nào các Ngài cũng thấy tâm trùm muôn vật, muôn vật đều từ tâm lưu xuất. Cho nên cái nào cũng là Chân tâm trạm nhiên hư minh tịch tịnh hiện ra. Vì vậy tất cả quy về tâm.

 Cho nên Triệu Pháp Sư nói: "Trời đất cùng ta đồng nguồn, muôn vật cùng ta đồng thể". Đây là công phu diệt vọng Nội Ngoại Toàn Thể.

GIẢNG: Đồng một Chân tâm thì vật nào cũng là Chân tâm. Đã là Chân tâm thì không còn phân biệt vật nào hết. Đây là công phu Diệt vọng nội ngoại toàn thể.

 7.8 Nội ngoại toàn dụng: Nghĩa là khi hành công phu, đem tất cả thân tâm trong ngoài, các pháp trong thế giới, và tất cả động dụng thi vi, trọn thấy là diệu dụng của Chân tâm.

GIẢNG: Nội ngoại toàn là dụng. Cái nào cũng là dụng của Chân tâm chớ không có gì khác. Trong đoạn trước tất cả đều trở về bản thể tự tánh thanh tịnh của mình. Đến đoạn này thấy tất cả đều là diệu dụng của Chân tâm.

 Tất cả tâm niệm vừa sanh là diệu dụng hiện tiền, vọng tâm chỗ nào mà an trí.

GIẢNG: Vừa dấy niệm liền biết đó là dụng của Chân tâm, một hành động nào cũng thấy là dụng của Chân tâm, cho nên không nghĩ không tưởng. Như thấy người, thấy cảnh đều biết là dụng của Chân tâm. Tất cả đều là dụng của Chân tâm thì còn gì để theo đuổi, lo tính nghĩ suy.

Như vậy tất cả cái dụng đều là diệu dụng của Chân tâm thì vọng tâm còn chỗ nào mà an trí.

 Cho nên Vĩnh Gia nói: "Thật tánh vô minh là Phật tánh, thân không huyễn hoá tức Pháp thân".

GIẢNG: Nếu biết tất cả đều là diệu dụng, vừa dấy niệm liền biết nó là diệu dụng của Chân tâm thì vô minh tức là Phật tánhThân huyễn hoá  tức là Pháp thân vì nó là diệu dụng của tâm.

 Trong Chí Công Thập Nhị Thời Ca nói: "Thường buổi sớm, máy cuồng ẩn chứa Đạo Nhơn thân, ngồi nằm chẳng biết nguyên là đạo, chỉ thế luống mà chịu đắng cay". Đây là công phu dứt vọng "Nội ngoại toàn dụng".

GIẢNG: Khi ngồi nằm tức là trong mọi hành động đều là diệu dụng của Chân tâm mà chúng ta không biết, nên cứ chấp cảnh là thật, tâm là thật, rồi chịu khổ và cứ thế mà chịu đắng cay. Đây là công phu dứt vọng Nội ngoại toàn là dụng.

 7.9. Tức thể tức dụng: Nghĩa là khi hành công phu, tuy thầm hợp với Chân thể, chỉ một vị không-tịch, nhưng mà nơi trong ẩn một cái linh minh, nên thể tức dụng.

GIẢNG: Đến phần này thì hơi khó thực hành, phần trước thì dễ hơn. Tức đó là thể, tức đó là dụng, là trùm hết hai cái trên. Nghĩa là khi đối với các cảnh chúng ta vẫn hoạt động mà lặng lẽ, lặng lẽ mà hoạt động, hai cái không rời nhau.

Trong cái linh minh ẩn cái không-tịch, nên dụng tức thể.

GIẢNG: Như vậy thì trong cái này ẩn cái kia, trong cái kia ẩn cái này, nghĩa là trong cái dụng ẩn cái thể, trong cái thể ẩn cái dụng, cho nên hai cái không rời nhau.

Cho nên Vĩnh Gia nói: "Tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh vọng tưởng quấy. Lặng lặng tỉnh tỉnh phải, vô ký lặng lặng sai".

GIẢNG: Tỉnh là chỉ cho dụng, lặng lẽ là chỉ cho thể. Nếu tỉnh mà lặng thì phải, nếu tỉnh mà vọng tưởng thì quấy. Tỷ dụ như mình tỉnh mà nghĩ đủ thứ chuyện là quấy. Lặng lẽ mà tỉnh thì phải, còn lặng lẽ mà mờ mờ mịt mịt thì sai. Chỗ này dễ bị lầm lắm. Khi tâm yên một hồi thì mắt mờ mờ, nước miếng muốn tuôn ra là sai rồi, đó là triệu chứng của vô ký, vô ký chứ chưa hôn trầm. Nhớ như vậy. Quý vị ngồi Thiền, lúc tâm yên yên không vọng tưởng gì hết, mà hơi mờ mờ, con mắt không sáng, miệng hơi nhớm nhớm ra nước miếng, thì lúc đó là đang vô ký. Nếu để một hồi nữa gục xuống là hôn trầm. Đó là sai, ở đây giản trạch rất rõ:

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải. Tỉnh là dụng, lặng lẽ là thể, có đủ cả dụng và thể, tỉnh mà lặng thì phải.

Tỉnh tỉnh vọng tưởng quấy. Tỉnh mà khởi vọng tưởng là quấy là loạn.

Lặng lặng tỉnh tỉnh phải. Lặng lặng là thể, tỉnh tỉnh là dụng, có đủ cả dụng và thể, lặng mà tỉnh thì phải.

Vô ký lặng lặng sai. Mờ mờ mịt mịt mà lặng thì sai.

 Đã trong cái lặng lẽ không dung vô ký, trong cái tỉnh táo không dung loạn tưởng, thì vọng tâm làm sao sanh được? Đây là công phu diệt vọng Tức thể tức dụng.

GIẢNG: Thường thường trong giờ ngồi Thiền chúng ta hay gặp trường hợp tỉnh tỉnh vọng tưởng quấy. Nghĩa là người nào ngồi ngay thẳng chững chạc thì tỉnh tỉnh nhưng lại vọng tưởng. Còn người nào ngồi một hồi đầu hơi cúi xuống thì bị vô ký lặng lặng, đầu cúi cúi một hồi thì gục. Cho nên nhớ trong khi ngồi chúng ta phải khéo dụng công cho đúng.

 7.10. Thấu xuất thể dụng: Nghĩa là khi hành công phu, chẳng phân trong ngoài, chẳng phân biệt đông tây, nam bắc. Đem bốn phương tám mặt, chỉ làm một môn Đại giải thoát viên đà- đà-địa.

GIẢNG: Thấu xuất thể dụng tức là vượt ra cả thể và dụng. Có chỗ gọi là đà-la-ni, đây gọi là đà-đà-địa, đó chỉ là một môn giải thoát hay chỉ là Chân tâm thôi.

 Thể dụng chẳng phân, không một mảy may rỉ lậu.

GIẢNG: Đây không nhận là thể hay dụng mà không dính không kẹt gì cả.

 Suốt thân gồm thành một mảnh, vọng kia chỗ nào khởi được? Người xưa nói: "Suốt thân không đường nứt, trên dưới đều tròn trịa". Đây là công phu diệt vọng thấu xuất thể dụng.

GIẢNG: Suốt thân không đường nứt, trên dưới đều tròn trịa, nghĩa là không có cái gì sứt mẻ. Đây là công phu diệt vọng thấu xuất thể dụng. Cách này hơi khó thực hành.

 Mười phương pháp công phu trên chẳng nên dùng cả, mà chỉ một môn cho được thành tựu, thì cái vọng tâm kia tự nhiên tiêu diệt, Chân tâm hiện tiền. Tuỳ căn cơ đã huân tập từ trước, xem thích hợp với pháp nào nên tập pháp đó.

GIẢNG: Trong mười môn chỉ dùng một môn để tu là đi tới nơi tới chốn. Đừng nghe nói có mười môn, cho rằng môn của mình hơi thấp, ráng làm thêm môn kia riết rồi cũng loạn chớ không ích gì. Cho nên trong các pháp đó, nhận thấy pháp nào thích hợp với mình, ứng dụng thực hành mãi theo pháp đó thì tới nơi tới chốn.

 Công phu ở đây công mà không công, chẳng để tâm dụng sức.

GIẢNG: Ban đầu tôi nói rất đơn sơ là biết vọng, tức là phương pháp Giác Sát. Nhớ như vậy. Nếu ai hỏi tu phương pháp gì thì nói: "Tôi tu phương pháp giác sát".

Giác sát là biết vọng, dấy niệm lên biết là vọng tưởng, vọng tưởng hết, bỏ cả cái biết vọng, thì có công phu gì? Cả ngày cứ làm chuyện đó, chỉ nhìn lại mình mà không có công phu gì hết. Không công phu mà công phu. Không dụng mà dụng. Đó mới là đặc biệt.

Hằng ngày không có hình thức công phu, mà vẫn tu hết sức tinh tế. Công mà không công, không để tâm dụng sức nhọc nhằn như người ta phải kềm một chỗ hay quán tưởng cái gì, mà chỉ cần nhìn lại mình thôi.

 Pháp môn thôi dứt vọng tâm này rất tối trọng yếu. Pháp môn diệt vọng còn nhiều, sợ văn rườm nên chỉ lược thôi.

GIẢNG: Pháp môn thôi dứt vọng tâm đối với người tu thiền rất là thiết yếu, nhưng không cần dẫn nhiều bao nhiêu đây cũng quá đủ rồi.

Đọc qua quyển Chân tâm Trực Thuyết, tôi thấy mười phương pháp này rất có giá trị. Tuy nhiên phải có sự giản trạch rõ ràng thì khi ứng dụng tu chúng ta khỏi bị lầm. Ở đây dạy chúng ta phương pháp tu rất sáng tỏ. Đối với những người tu Thiền thì quyển sách này thật là có giá trị, trừ những người không nghiên cứu Thiền thì không thấy giá trị. Trong mười phương pháp Ngài nêu lên ở trước, chúng ta xác nhận rõ ràng xem mình đang áp dụng tu theo môn nào.

8. Chân Tâm Với Bốn Oai Nghi

HỎI: Trên đã nói dứt vọng, nhưng chưa biết chỉ ngồi tập hay thông cả bốn oai nghi?

ĐÁP: Các Kinh Luận phần nhiều nói ngồi tập, vì ngồi dễ thành công hơn, nhưng cũng thông cả bốn oai nghi, tập lần lần rồi sẽ được thuần thục.

GIẢNG: Sau đây giải thích điều nghi ngờ, là pháp môn này chỉ có ngồi Thiền mới tu, hay là đi đứng nằm ngồi vẫn tu được. Chúng ta tu đừng cố chấp, ban đầu phải tập ngồi trong một vị trí yên tĩnh, với tư thế vững vàng thì sức kềm chế mạnh mẽ, giúp chúng ta quán chiếu dễ dàng hơn. Khi thuần thục rồi thì áp dụng luôn cả trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi đều tu hết.

 Luận Khởi Tín nói: Người tu Chỉ, nên ở chỗ tịnh ngồi ngay thẳng giữ ý chân chánh. Chẳng nương tựa vào hơi thở, chẳng nương vào hình sắc, chẳng nương vào không, chẳng nương vào đất, nước, gió, lửa. Cho đến chẳng nương vào thấy, nghe, hay, biết.

GIẢNG: Tuy nhiên, Luận Khởi Tín nói: Người tu Chỉ, nên ở chỗ tịnh ngồi ngay thẳng giữ ý chân chánh. Đừng quán Không và không áp dụng các phương pháp Thiền của Nguyên Thủy nghĩa là không nương tựa vào hơi thở...  cho đến không nương vào những cái phân biệt thấy nghe hay biết.

 Tất cả các tưởng tùy niệm đều trừ, cũng nên dẹp luôn cái tưởng trừ, vì tất cả pháp xưa nay vốn vô tưởng, niệm niệm chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng được tùy tâm niệm cảnh giới bên ngoài. Sau rốt lấy tâm trừ tâm, tâm nếu chạy rong liền kéo về trụ nơi chánh niệm. Chánh niệm là chỉ có tâm chớ không có cảnh giới bên ngoài. Lại tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm không thật có. Nếu từ ngồi, đứng, đi lại, tới lui, tất cả động tác thi vi, trong tất cả thời thường nhớ phương tiện tùy thuận mà quán sát, tập lâu ngày được thuần thục thì tâm ấy được an trụ. Do tâm an trụ nên lần lần bén nhạy. Thuận theo đó mà được nhập vào Chân Như Tam Muội.

GIẢNG: Chân Như Tam Muội chỗ khác gọi là Chân tâm, Pháp thân hay là Phật tánh. Chân Như Tam Muội hay là chỗ chánh niệm không có hình tướng. Vậy mà có nhiều người khoe ngồi thiền tới đó phát ra nhiều hình tướng rực rỡ. Khi nghe diễn tả hình tướng rực rỡ thì chúng ta biết họ tu không đúng theo thiền của Phật Tổ dạy rồi. Đó là những giả tướng mà họ tưởng ra chớ không phải thật. Cho nên nếu ai nói Như Lai Thanh Tịnh Thiền hoặc là Tổ Sư Thiền v.v... mà khi nhập vào có những tướng trạng lạ thì biết họ  lợi dụng danh nghĩa Tổ Sư Thiền hay Như Lai Thanh Tịnh Thiền. Lúc trước nghe mấy chú đọc tờ báo có nói về vị giáo chủ hội Pháp Hoa dạy tu theo Như Lai Thanh Tịnh Thiền. Ông ta nói khi nhập cảnh giới Như Lai Thanh Tịnh Thiền thì thấy hào quang rực rỡ. Tôi nói đó là lầm. Chúng ta phải hiểu cho tường tận, để khi nghe ai nói sai thì mình biết để khỏi mắc kẹt. Nếu không thì người ta nói tới cảnh giới đó có hào quang rực rỡ, mình nghe ham quá thành bệnh.

 Dẹp sạch phiền não, lòng tin tăng trưởng, mau thành quả bất thối. Chỉ trừ hạng người nghi hoặc, chẳng tin, bài báng, tội nặng, nghiệp chướng, ngã mạn, giải đãi. Những hạng người này chẳng đặng vào. Theo đây mà xét thì thông cả bốn oai nghi.

GIẢNG: Nếu chúng ta cố gắng tu thì dẹp sạch phiền não, lòng tin tăng trưởng, mau thành quả bất thối. Vì vậy nên biết rằng ngồi Thiền rất tốt, kế đó đi đứng nằm ngồi đều tu được hết; như vậy mới là trọn vẹn.

 Kinh Viên Giác nói: "Trước nương theo hạnh Xa-ma-tha (Chỉ) của Như Lai, kiên trì cấm giới, yên ở trong đồ chúng, yên ngồi trong tịnh thất". Đấy là mới tập.

Vĩnh Gia nói: "Đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền. Nói nín động tịnh thể an nhiên". Đây là thông cả bốn oai nghi.

GIẢNG: Đối với người mới tập, Kinh Viên Giác nói trước nương theo hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, kiên trì cấm giới, yên ở trong đồ chúng, yên ngồi trong tịnh thất. Đối với người đã thuần thục ngài Vĩnh Gia dạy: Đi đứng nằm ngồi đều là Thiền hết.

 Tóm lại, dùng sức ngồi còn chẳng thể dứt được tâm, huống là đi đứng v.v...há hay vào đạo ư?

GIẢNG: Ngài muốn cảnh tỉnh những người tu còn yếu, ngồi mà còn chưa điều phục được vọng tưởng huống nữa là đi đứng. Chừng nào ngồi mà điều phục được vọng tưởng thì mấy oai nghi kia mới dễ thực hành. Khi ngồi chưa yên mà nói: "Thôi tôi không cần ngồi, tôi đi đứng cũng tu được", nói như vậy là bào chữa lỗi làm biếng ngồi của mình, cho nên khi còn yếu phải nhờ đến sức ngồi để tâm dễ an định.

 Nếu là người dụng tâm thuần thục, thì ngàn thánh đi đến còn chẳng đứng dậy, muôn loài ma kéo lại còn chẳng thèm nhìn. Huống là trong đi đứng... chẳng hay hành công phu sao? Như người oán thù kẻ khác, nhẫn đến đi đứng, ngồi nằm, ăn uống... trong tất cả thời còn không thể quên được.

GIẢNG: Khi tâm thuần thục rồi thì đi đứng nằm ngồi đều là thiền chớ không phải đợi ngồi. Ví dụ hồi sáng mình bị chửi thật nặng, hoặc bị người khác đòi đánh đập. Tuy nhịn mà trong lòng còn tức giận, nên trong ngày đó đi đứng nằm ngồi tâm không yên, vì không quên được việc hồi sáng. Đi cũng nhớ, ngồi cũng nhớ, ăn cơm cũng nhớ, uống nước cũng nhớ, nhớ lời người ta chửi mình. Đó là chuyện thế tục mà trong bốn oai nghi mình còn nhớ, huống nữa là khi tu thuần thục thì làm sao trong bốn oai nghi mình không nhớ hành thiền?

 Sự thương mến kẻ khác cũng lại như thế.

GIẢNG: Cũng như chúng ta thương người thân quá nhiều. Bây giờ, họ bị tai nạn gần chết. Nghe tin đó thì cả ngày đi đứng nằm ngồi cứ nhớ chuyện đó hoài. Đó là sự thương mến ở thế gian mà trong bốn oai nghi chúng ta còn nhớ luôn thay.

 Vả lại, việc yêu ghét là việc hữu tâm, còn ở trong hữu tâm hiện tiền được.

GIẢNG: Tuy là việc hữu tâm của thế gian mà nó vẫn còn hiện tiền được.

 Nay hành việc công phu là việc vô tâm, lại nghi gì ở trong bốn oai nghi chẳng thường hiện tiền ư?

GIẢNG: Nếu tu Thiền mà tâm thuần thục rồi, thì trong bốn oai nghi nhất định nó hiện tiền không nghi ngờ gì hết.

  Chỉ sợ chẳng tin làm, nếu làm nếu tin, thì trong bốn oai nghi đạo ắt hiện tiền.

GIẢNG: Chỉ sợ không tin không làm thôi, chớ nếu thật tin và làm theo thì không còn lo gì nữa, chắc chắn đạo sẽ hiện tiền.

9. Chỗ Ở Của Chân Tâm

HỎI: Dứt vọng tâm thì Chân tâm hiện. Nói thế thì thể dụng của Chân tâm nay ở chỗ nào?

ĐÁP: Diệu thể của Chân tâm khắp cả chỗ. Vĩnh Gia nói: "Chẳng rời hiện tại thường lặng lẽ. Còn tìm tức biết anh chưa thấy". Kinh nói: "Tánh như hư không thường chẳng động, trong Như Lai Tạng chẳng khởi, chẳng diệt". Đại Pháp Nhãn nói: "Nơi nơi đường Bồ-đề, chốn chốn rừng công đức". Đây là chỗ ở của thể.

GIẢNG: Chúng ta tu mà cứ thắc mắc không biết Chân tâm ở chỗ nào, nên dưới đây Ngài sẽ chỉ cái thể, cái dụng của nó.

Thể của nó ở khắp tất cả chỗ, nên Ngài mới dẫn ngài Vĩnh Gia nói: "Chẳng rời hiện tại thường lặng lẽ. Còn tìm tức biết anh chưa thấy". Nghĩa là diệu thể của Chân tâm thường lặng lẽ mà khởi tâm tìm thì không thấy. Kinh cũng nói: "Tánh như hư không thường chẳng động, trong Như Lai Tạng chẳng khởi, chẳng diệt". Tức là thể tánh trùm khắp, mà lặng lẽ chẳng  động. Ngài Pháp Nhãn nói: "Nơi nơi đường Bồ-đề, chốn chốn rừng công đức". Ngài Pháp Nhãn nói ở đâu cũng là Bồ-đề, ở đâu cũng là công đức, không nói riêng ở chỗ nào, nơi nào. Như vậy tâm thể trùm khắp không hạn cuộc nơi nào.

 Diệu dụng của Chân tâm tùy cảm, tùy hiện, như vang theo tiếng. Pháp Đăng nói: “Xưa nay theo chẳng rời, rõ ràng nơi trước mặt”.

GIẢNG: Kế đến là nói về diệu dụng của Chân tâm. Vừa có cảm thì có hiện, xưa nay nó theo mãi bên mình không rời, rõ ràng ở trước mặt.

 Cụm mây sanh hang tối, cô hạc đáp trời xa.

GIẢNG: Cụm mây ở ngoài miệng hang, con chim hạc đáp ở ngoài bầu trời rộng, nghĩa là hai hình ảnh đó nói lên sự cảm ứng tương ưng với tâm, mọi hoạt động của mình mà không có vọng tưởng đều là diệu dụng của Chân tâm.

Ngụy Phủ Nguyên Hoa Nghiêm nói: "Phật pháp ở chỗ việc hằng ngày, chỗ đi đứng ngồi nằm, chỗ ăn cơm uống trà, chỗ nói năng hỏi đáp. Các hành động ấy mà khởi tâm động niệm thì không phải".

GIẢNG: Phật pháp ở chỗ việc hằng ngày như khi đi, khi đứng, khi làm việc mà tâm không vọng tưởng, thì cái đi, đứng, làm việc đó là diệu dụng của Chân tâm. Vì vậy ngày xưa các Thiền sư dạy đồ đệ không cần nói nhiều.

Ngài Sùng Tín làm thị giả cho ngài Đạo Ngộ mấy năm, mà không được chỉ dạy một câu nào, buồn quá một hôm Sùng Tín đến thưa:

- Từ ngày con vào đây đến giờ chưa được Ngài chỉ dạy tâm yếu.

Đạo Ngộ bảo:

- Từ ngày ngươi vào đây, ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu.

- Chỉ dạy chỗ nào?

- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận. Ngươi xá lui thì ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?

Sùng Tín cúi đầu lặng thinh giây lâu.

Đạo Ngộ bảo:

- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.

Ngay câu nói đó, Sùng Tín khai ngộ(1).

Đây là lối dạy khéo léo vô cùng, nghĩa là hành động nào cũng là diệu dụng của Chân tâm, vì không có vọng tưởng trong đó. Nếu có vọng tưởng thì những hành động đó đều là nghiệp chớ không phải là diệu dụng. Nhớ như vậy.

 Cho nên thể thì biến khắp mọi nơi, trọn hay khởi dụng.

GIẢNG: Tâm thể biến khắp mà hay khởi dụng, cho nên nói người muốn sống với Chân tâm thì chỉ cần không có vọng tưởng là Chân tâm trùm khắp.

 Chỉ vì nhân duyên có, không chẳng nhất định, cho nên diệu dụng cũng chẳng định, chớ chẳng phải không diệu dụng. Người vô tâm muốn vào biển vô vi vượt các sanh tử, chớ mê lầm chổ ở của thể dụng Chân tâm.

GIẢNG: Phải nhận cho ra thể Chân tâm là trùm khắp, dụng Chân tâm thì tùy duyên hiện tiền. Nếu không còn vọng tưởng thì mỗi hành động đều là diệu dụng của Chân tâm, không cần tìm kiếm ở đâu xa. Đó là Chân tâm hiện tiền.

10. Chân Tâm Và Việc Sanh Tử

GIẢNG: Đây là một nghi vấn mà đa số người thắc mắc. Chẳng những chư Tổ mà đến như Đức Phật, Ngài đã hoàn toàn giải thoát mà chúng ta vẫn thấy Ngài còn nhập Niết-bàn, hay nói theo thế tục thì Ngài còn chết. Chúng ta thường nghe người ngộ đạo, chứng đạo là hết sanh tử mà tại sao Phật còn chết, Tổ cũng chết, như vậy hiểu sao được? Cho nên đây đặt nghi vấn.

HỎI: Thường nghe người kiến tánh ra khỏi sanh tử, nhưng từ xưa chư Tổ là người kiến tánh sao đều có sanh tử? Nay hiện thấy người tu trong đời đều có chết sống. Thế sao nói rằng ra khỏi sanh tử?

ĐÁP: Sanh tử vốn không, do vọng nên thấy có. Như người đau mắt thấy trong hư không có hoa đốm. Người không đau nói trong hư không chẳng có hoa.

GIẢNG: Đó là một nghi vấn mà nhiều người thắc mắc. Như vậy đối với ai có sanh tử? Có với người mê mà không với kẻ ngộ. Ngộ rồi mới thấy sanh tử là không, còn mê thì thấy sanh tử là có. Như người đau mắt thì thấy có hoa đốm giữa hư không. Người không đau mắt thì thấy không có hoa đốm.

 Người đau mắt không tin. Nếu mắt hết đau thì cái thấy hoa trong hư không cũng tự hết. Lúc ấy mới tin rằng hoa vốn không. Lúc hoa chưa diệt, hoa kia cũng không. Chỉ người bệnh vọng chấp là hoa, chớ chẳng phải thể nó thật có.

GIẢNG: Sanh tử thể của nó là không thật, do mê nên vọng chấp thành có. Nói như vậy trên lý thì chúng ta tin, nhưng khi nhìn lại thật tế chúng ta vẫn còn nghi ngờ, vì mai kia chúng ta cũng chết. Vậy nói tu để khỏi sanh tử thì thật khó quá.

Ví dụ khi ngủ, thấy người và cảnh trong mộng đều thật bởi vì chúng ta đang mê. Nhưng khi thức rồi ai nói gì chúng ta cũng biết mộng là không thật. Dù thấy người thấy cảnh và nói tôi thấy rõ ràng thì chúng ta cũng biết là không thật. Như vậy khi tỉnh rồi mới biết mộng là không thật, chớ còn mê thì vẫn thấy nó là thật. Mê thì thấy những sinh hoạt như cái đau, cái chết trong mộng, làm sao có thể nói là không. Nhưng khi thức rồi thì biết nó là không, nói gì cũng biết nó là không.

Chúng ta đang sống đây cũng vậy, sanh tử hiện giờ chỉ là do duyên. Duyên hợp gọi là sanh, duyên ly tán gọi là tử. Đã là duyên thì tự thể nó là không. Bởi tự thể là không, tuy có, nhưng với người đã đạt được rốt ráo lý nhân duyên, thì vẫn thấy nó là không. Cái thể nó vẫn là không. Tuy hiện tại mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe nhưng với trí tuệ người ta vẫn thấy nó là không. Thấy nó không là thấy bằng trí tuệ, chớ không thấy bằng con mắt và nghe bằng lỗ tai.

Vì vậy nên biết sanh là do duyên hợp mà thành, tử là do duyên ly tán mà có, hợp tan đều là nhân duyên. Đã là nhân duyên thì không có tự thể. Bởi không có tự thể cho nên nói tánh nó là không.

Triệu Pháp Sư (Tăng Triệu), khi bị người ta đưa tới pháp trường để xử tử, lúc đưa đầu vô đao chém, Ngài thản nhiên đọc bài kệ:

Năm ấm vốn chẳng có

Tứ đại xưa nay không

Đem đầu đến dao bén

Giống hệt chém gió xuân(1)

Nghĩa là đao chặt đầu Ngài, Ngài coi như chặt gió chớ không có gì hết. Như vậy đối với Ngài nói có sanh tử hay không sanh tử? Còn chúng ta tới giờ phút đó biết cái chết đến nơi nên kinh hoảng.

Người xưa khi ngộ đạo thấy rõ được lý thật rồi thì xem chết sống như trò chơi, vì nó không thật. Đã không thật thì còn gì nói có hay không. Cho nên nói không sanh tử vì thấy nó chỉ là hư vọng mà thôi.

 Như người vọng nhận sanh tử là có thật. Nếu người không sanh tử bảo rằng: "Vốn không sanh tử". Một mai người ấy vọng dứt, sanh tử tự trừ, mới biết việc sanh tử xưa nay vốn là không. Ngay lúc sanh tử chưa dứt cũng chẳng phải thật có. Do vọng nên nhận có sanh tử thôi.

GIẢNG: Hiện giờ chúng ta đang ở trong sanh tử mà vẫn thấy không thật có, vì do vọng nên thấy có thật. Cũng như nói có cái nhà, tất cả đồ vật hiện hữu tuy có hình tướng, hiện tại chúng ta nhìn thấy nhưng sự thật thể tánh nó là không. Dùng trí đạt được thể tánh không của sự vật, tuy có mà vẫn biết nó là không. Bởi vì biết tánh nó là không cho nên nói nó là không, chớ đâu phải nói không rồi cái nhà liền mất. Cũng vậy nói không sanh tử, rồi không có cái chết cái sống trong hiện tại sao?

 Kinh nói: "Thiện nam tử, tất cả chúng sanh từ vô thuỷ đến nay điên đảo nhiều lớp. Như người mê bốn hướng đổi chỗ. Vọng nhận tứ đại làm tướng của tự thân, sáu trần duyên bóng làm tướng của tự tâm. Ví như người đau mắt thấy hoa giữa hư không. Cho đến các hoa đốm ấy diệt trong hư không, không thể nói quyết rằng có chỗ diệt. Vì sao? Vì không chỗ sanh vậy. Tất cả chúng sanh nơi vô sanh vọng thấy có sanh diệt. Cho nên gọi là luân chuyển sanh tử".

GIẢNG: Đây trích một đoạn trong kinh Viên Giác(1), đức Phật nói sở dĩ chúng ta thấy có sanh tử là vì chúng ta điên đảo giống như người đi lầm đường, thấy đông mà tưởng là tây. Khi nhận lầm rồi thì trên con đường ấy mình đi lầm luôn. Tứ đại không thật, nó chỉ là giả tướng mà nhận là thân mình thật. Cái tâm vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần cũng không thật, mà nhận đó là tâm của mình. Đó là lầm.

Ví như người đau mắt thấy hoa đốm giữa hư không. Cho đến các hoa đốm ấy diệt trong hư không, không thể nói quyết rằng có chỗ diệt. Bởi vì hoa đốm là giả thì làm sao nói nó diệt? Như vậy hoa đốm sanh cũng không có chỗ sanh, diệt không có chỗ diệt, cũng như thân này sanh không thật sanh, diệt không thật diệt vậy.

Tất cả chúng sanh nơi vô sanh vọng thấy có sanh diệt. Cho nên gọi là luân chuyển sanh tử. Nơi thể Chân tâm bất sanh bất diệt, do theo mê vọng nên thấy có sanh diệt, vì vậy chịu luân chuyển trong sanh tử. Nếu thấy sanh diệt đều không thật thì không còn lưu chuyển trong sanh tử nữa.

 Cứ theo Kinh này tin biết rằng đạt ngộ Chân tâm vốn không sanh tử. Nay biết không sanh tử mà không thể thoát sanh tử, vì công phu không đến vậy.

GIẢNG: Vì thực hành công phu chưa đến chỗ cứu kính, cho nên nghe nói tin hiểu chút ít mà chưa nhận lý thâm sâu, vì vậy còn thấy có sanh tử. Nếu nhận lý thâm sâu rồi thì không còn thấy sanh tử thật nữa.

 Cho nên trong Kinh nói: "Am bà nữ hỏi Văn Thù rằng: Rõ biết sanh là pháp chẳng sanh, vì sao lại bị sanh tử cuốn trôi? Văn Thù đáp: Vì sức kia chưa đầy đủ".

GIẢNG: Tuy biết như vậy mà sự huân tu chưa thuần thục cho nên vẫn còn thấy có sanh tử. Sau đây Ngài dẫn một đoạn đối đáp của hai huynh đệ ngài Tu Sơn Chủ và Tiến Sơn Chủ. Hai vị này là huynh đệ của ngài Pháp Nhãn.

 Sau này Tiến Sơn chủ hỏi Tu Sơn chủ rằng: "Rõ biết sanh là pháp chẳng sanh, vì sao lại bị sanh tử cuốn trôi?" Tu đáp: "Măng trọn thành tre. Như nay khiến làm phên đượcchăng".

GIẢNG: Măng rồi sẽ thành tre, tre sau này sẽ đan làm phên. Nghĩa là người mới tu, mới biết thì chẳng khác nào như măng, nếu họ ráng tu thêm một thời gian nữa thì sẽ có đầy đủ diệu dụng như măng thành tre. Kế đó Ngài giải thích thêm:

 Thế nên Biết không sanh tử, chẳng bằng Thể không sanh tử. Thể không sanh tử chẳng bằng Khế không sanh tử. Khế không sanh tử chẳng bằng Dụng không sanh tử.

GIẢNG: Chữ Biết này là để nói trong trường hợp: Biết, Thể, Khế, Dụng. Biết không sanh tử chẳng bằng Thể không sanh tử. Thể là thể hội, Biết tức là còn dùng trí mà suy biết nên kém hơn Thể không sanh tử, tức là thể hội được không sanh tử. Mà thể hội không sanh tử chẳng bằng Khế, tức là khế hợp không sanh tử. Khế không sanh tử chẳng bằng Dụng không sanh tử. Bốn cái đó cho thấy chỗ sâu cạn. Biết tỷ dụ như măng, Thể tỷ dụ như măng hơi già già, Khế tỷ dụ như măng thành tre, Dụng tỷ dụ như tre đan thành phên.

ĐÁP: Người nay còn chẳng Biết không sanh tử, huống là Thể không sanh tử, Khế không sanh tử, Dụng không sanh tử.

GIẢNG: Chính cái Biết không sanh tử mà người thời nay còn chưa biết thay, huống nữa là Thể, Khế, Dụng.

 Người nhận sanh tử, không tin pháp không sanh tử cũng vậy.

GIẢNG: Bởi vì không hiểu cho nên khi nghe nói pháp không sanh tử họ không tin. Còn nếu hiểu rồi thì biết các pháp không thật nên có cũng như không. Vì vậy mà nói là không.

11. Chân Tâm Và Chánh Trợ

GIẢNG: Đây chỉ thêm cho chúng ta biết khi ngộ Chân tâm rồi thì tu hành có chánh và trợ, tức là có chánh và phụ. Chúng ta đừng lầm chấp vào một cái rồi sơ sót, không đạt được tới chỗ viên mãn.

 HỎI: Như trước đã nói dứt vọng thì Chân tâm hiện tiền. Khi vọng chưa hết, thì chỉ hành công phu vô tâm để hết vọng. Lại còn có pháp nào khác để đối trị các vọng không?

ĐÁP: Có chánh tu và trợ tu sai khác nhau. Lấy vô tâm dứt vọng làm chánh, lấy các hành động lành làm trợ.

GIẢNG: Ở đây nêu câu hỏi: Khi vọng tưởng chưa hết, thì chỉ hành công phu vô tâm để hết vọng tưởng hay còn pháp nào khác để trị các vọng tưởng? Tổ dạy rất đầy đủ, có chánh tu và trợ tu gọi là phúc huệ song tu. Tức là căn cứ vào phương tiện dứt vọng tưởng là chánh yếu của sự tu, làm những hành động lành để trợ cho sự tu ấy mau thành công.

 Thí như gương sáng bị bụi che lấp, lấy sức tay lau chùi nhưng cũng cần thêm thuốc để chùi, thì ánh sáng mới dễ hiện. Bụi nhơ là phiền não. Sức tay là vô tâm. Thuốc là các việc lành. Ánh sáng của gương là Chân tâm.

GIẢNG: Như gương sáng bị bụi che lấp, nếu lấy tay chùi, thêm có thuốc trợ lực, thì ánh sáng của gương mau hiện. Có tay chùi mà không có thuốc thì chùi khó khăn và mất nhiều thời gian.

 Trong Luận Khởi Tín nói: "Lại nữa, có người do lòng tin thành tựu mà phát tâm, lại phát tâm gì? Lược có ba loại: Một, trực tâm là pháp chánh niệm Chân như. Hai, thâm tâm là gồm các pháp lành. Ba, đại bi tâm là muốn nhổ tất cả khổ não cho chúng sanh.

GIẢNG: Luận Khởi Tín nói: Lòng tin thành tựu phát tâm có ba: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm. Trực tâm là dứt vọng niệm, Thâm tâm là tu các pháp lành, Đại bi tâm là cứu khổ chúng sanh. Có như vậy mới đầy đủ.

Nói xa hơn một chút để quý vị khỏi nghi ngờ. Kinh A Di Đà nói nếu chuyên trì danh hiệu đức Phật A-Di-Đà một ngày, hai ngày, ba ngày... bảy ngày được nhất tâm bất loạn liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Lại có một câu nói rằng: Không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được vãng sanh cõi kia. Như vậy thì sao? Niệm Phật nhất tâm một ngày, hai ngày... bảy ngày đó là dứt vọng tưởng chớ gì, bởi vì chuyên vào một câu niệm Phật để quên tất cả, đến khi được nhất tâm (nhất tâm chớ không phải nhất niệm), là đến chỗ nhất tâm Chân như thì Phật A Di Đà hiện. Đó là Chân tâm hiện tiền, hay Phật tánh hiện chớ gì. Cho nên nói nhắm mắt thì vãng sanh Cực Lạc, bởi vì đã thuần thanh tịnh rồi. Tuy nói vậy chớ còn phải thêm: Không thể lấy chút ít phước đức nhân duyên mà được vãng sanh, nghĩa là phải làm thêm việc lành nữa. Chỉ Trực tâm không chưa đủ mà còn phải thêm Thâm tâm, tức là phải làm tất cả việc lành nữa mới đủ. Nhiều khi nghe nói vậy chúng ta tưởng chỉ chuyên niệm Phật là vãng sanh, nhưng mà chưa đủ điều kiện. Còn phải có các căn lành, tức là làm những điều lành.

Đây cũng vậy, tuy biết dứt vọng tưởng là chánh tu, nhưng còn phải làm các điều lành, là trợ tu, chớ không phải bao nhiêu đó mà đủ. Như vậy chúng ta thấy rằng người tu phải có chánh tu và có trợ tu. Ví dụ tu Tịnh Độ thì lấy câu niệm Phật làm chánh, lấy các việc lành làm trợ. Tu Thiền thì lấy dứt vọng tưởng làm chánh, mà cũng phải tu các việc lành làm trợ. Nếu nói: "Tôi tu Thiền, tôi không làm gì hết. Tôi tu Tịnh Độ, tôi không làm gì hết v.v..." đó là sai. Làm lành bằng cách nào thì ở đoạn sau sẽ nói. Chúng ta thấy rõ rằng tất cả Kinh Phật dạy không khác. Kinh nào cũng dạy phải đủ cả phước và huệ. Dứt vọng tưởng là tu huệ, làm các việc lành là tu phước.

Phước và huệ đầy đủ thì mới thành Phật, nếu chỉ có một bên thì không bao giờ thành Phật được. Tu Thiền, tu Tịnh Độ gì cũng vậy, đều phải có phước và có huệ. Huệ là chánh tu, vì có giác ngộ mới thành Phật cho nên lấy huệ làm chánh. Nhưng nếu Phật mà không có từ bi thì đâu gọi là Phật, cho nên lấy tu thiện làm trợ. Vì vậy Phật là trí là giác ngộ, và đầy đủ tâm từ bi.

Chúng ta tu cũng vậy, muốn thành Phật thì phải đủ các điều kiện trên, không thể thiếu một. Phải hiểu rõ ý nghĩa đó thì việc tu mới không lầm, không hiểu cứ chấp một bên thì tu lâu ngày trở thành khô khan.

HỎI: Trên đã nói pháp giới một tướng, Phật thể không hai, cớ sao chỉ một niệm Chân như, mà lại nhờ cầu học các việc lành nữa?

  Ví như có hạt ma ni báu lớn, sáng trong mà có lẫn quặng nhơ. Như người tuy biết nó có tánh quý mà chẳng dùng phương tiện để mài giũa, trọn không thể trong sáng được. Vì nhơ vô lượng khắp tất cả pháp, nên tu tất cả hạnh lành. Cũng như vậy, pháp Chân như thể tánh không lặng mà có vô lượng phiền não nhiễm nhơ. Nếu người tuy niệm Chân như mà chẳng dùng các phương tiện để huân tập, cũng không được tịnh. Vì nhơ vô lượng tất cả pháp, nên tu tất cả thiện hạnh để đối trị.  Nếu người tu, hành tất cả pháp lành thì tự nhiên quy thuận pháp Chân như.

GIẢNG: Chúng ta tu là chỉ trở về Chân như, sao ở đây nói làm việc lành?

Làm tất cả việc lành là phương tiện mài giũa, còn thể nhận Chân như là biết được hòn ngọc ma ni quý báu để lấy ra mà dùng. Nhưng nếu lấy được hòn ngọc mà không khéo mài giũa thì nó cũng không hiện được ánh sáng, không được tốt đẹp. Cho nên phải có cả hai công dụng. Vừa tìm được hòn ngọc để lấy ra, vừa mài giũa để cho hết quặng nhơ, như vậy mới đủ. Chúng ta từ xưa đến nay tạo những nghiệp ác gây nhiều tội lỗi vô lượng vô biên, thì bây giờ làm những việc lành để rửa nhơ nhớp, tâm thanh tịnh rồi thể nhập Chân như mới đầy đủ. Nếu thiên một bên là thiếu sót.

 Theo đây mà xét, lấy thôi hết vọng tâm làm chánh, tu các pháp lành làm trợ. Nếu khi tu thiện nên cùng với vô tâm khế hợp nhau, chẳng chấp trước nhân quả.

GIẢNG: Nghe nói làm các việc lành chúng ta ham quá ra làm rồi khoe "Tôi làm được việc thiện này, việc lành nọ", và nghĩ việc làm này là được quả báo tốt đẹp đời sau tôi hưởng thì cũng là lầm. Chúng ta nên biết khi làm phải vô tâm mà làm, còn gọi là xứng tánh để tu, tức là xứng hợp với pháp tánh bất sanh bất diệt, không vọng tưởng mà làm. Khi bố thí thì chỉ vô tâm mà bố thí, tức là bố thí mà không tâm chấp trước.

 Nếu chấp trước nhân quả bèn rơi vào phàm phu, trong phước báo nhơn thiên, khó chứng Chân như, chẳng thoát sanh tử.

GIẢNG: Nếu làm mà chấp trước nhân quả thì rơi vào phàm phu, thọ hưởng phước báo trong cõi người cõi trời chớ khó chứng được Chân như, chẳng thoát khỏi sanh tử. Đó là cái hệ trọng. Cho nên cũng làm việc lành mà có người làm thì được giải thoát, có người làm lại bị luân hồi là tại chỗ đó. Vì vậy cùng một việc làm như nhau mà giải thoát hay luân hồi là tại chấp trước hay vô tâm.

 Nếu cùng vô tâm tương ưng ấy là chứng Chân như. Đấy là thuật khéo làm phương tiện thoát sanh tử, lại gồm phước đức rộng rãi.

GIẢNG: Nếu làm mà khế hợp với vô tâm, không mong cầu thọ hưởng quả báo ở mai sau thì đó là làm trong vô tâm. Còn nếu làm mà còn mong cầu, còn nghĩ tới sự thọ hưởng thì chưa thoát khỏi nhân quả. Đó là cái khéo tu của chúng ta.

 Trong Kinh Kim Cang Bát-nhã nói: "Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng bố thí, thì phước đức vị ấy không thể nghĩ lường được".

GIẢNG: Không trụ tướng tức là không chấp, không chấp tức là vô tâm. Vô tâm bố thí thì phước đức vô lượng vô biên.

 Nay thấy người đời có tham thiền học đạo. Vừa biết được bổn lai Phật tánh, bèn tự thị nơi thiên chân chẳng tập làm các việc lành. Như vậy, đâu chỉ chẳng đạt Chân tâm, mà trở lại thành giải đãi, đường ác còn chẳng khỏi, huống là thoát sanh tử. Cái chấp này rất lầm!

GIẢNG: Vừa biết được cái bổn lai Phật tánh, bèn tự thị nơi thiên chân chẳng tập làm các việc lành. Nghĩa là ỷ mình có Phật tánh rồi không chịu làm gì hết. Chúng ta thấy rõ trên đường tu là phải dứt vọng tưởng, đồng thời làm các việc lành để cứu giúp chúng sanh nhưng không cầu phước, không muốn hưởng quả báo. Chỉ làm với tâm thanh tịnh, muốn cứu độ chúng sanh không chấp trước, đó là một trợ duyên lớn để chúng ta thành tựu đạo quả Bồ-đề.

12. Công Đức Của Chân Tâm.

HỎI: Hữu tâm tu nhơn công đức chẳng còn nghi. Vô tâm tu nhơn công đức từ đâu đến?

ĐÁP: Hữu tâm tu nhơn được quả hữu vi. Vô tâm tu nhơn được công đức hiển tánh.

GIẢNG: Đây nói về công đức của vô tâm, vô tâm vì sao có công đức? Hữu tâm tu nhơn thì có công đức, còn vô tâm tu nhơn thì có công đức gì? Ở đây Ngài trả lời hữu tâm tu nhơn thì được quả hữu vi, còn vô tâm tu nhơn thì được công đức hiển tánh, nghĩa là hiển bày Phật tánh hay chân tánh.

 Các công đức này xưa nay tự đầy đủ, do vọng che cho nên không hiện, nay vọng đã trừ công đức hiện tiền. Cho nên Vĩnh Gia nói: "Ba thân bốn trí tròn trong thể, tám giải sáu thông ấn đất tâm". Thế là trong thể tự nó đầy đủ tánh công đức.

GIẢNG: Nghĩa là chúng ta trở về thể tánh chân thật thì đầy đủ ba thân, bốn trí, tám giải thoát, sáu thần thông v.v... Trong thể tánh chân thật đã đầy đủ tất cả tánh công đức.

 Trong cổ tụng có câu: "Nếu tịnh toạ một tí thôi, hơn tạo hằng sa tháp bảy báu. Tháp báu trọn lại hoá vi trần, một niệm tịnh tâm thành chánh giác".

GIẢNG: Dù tạo bao nhiêu chùa tháp có ngày nó cũng sập đổ, vì đó là pháp hữu vi. Chúng ta thử nhìn những thành tích thuở xưa để lại, bây giờ có cái nào còn nguyên vẹn đâu. Sau một thời gian nó tan nát thành tro bụi đất cát. Chỉ có người tịnh tâm thì thành Chánh giác, vì thành Chánh giác thì bất sanh bất diệt.  Nên Cổ tụng có câu: "Nếu tịnh toạ một tí thôi, hơn tạo hằng sa tháp bảy báu...".

 Cho nên vô tâm công đức lớn hơn hữu tâm.

Hoà Thượng Thuỷ Lạo ở Hồng Châu đến thavấn Mã Tổ hỏi: "Ý chỉ của Tổ sư từ Ấn sang như thế nào?". Bị Mã Tổ tống cho một đạp té nhào. Bỗng nhiên phát ngộ. Đứng dậy vỗ tay cười lớn nói rằng: "Lạ thay! Lạ thay! Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ trên đầu một mảy lông". Liền một lúc hiểu được căn nguyên, bèn làm lễ rồi lui.

GIẢNG: Khi Ngài nói câu này thì Mã Tổ biết Ngài đã ngộ: "Lạ thay! Lạ thay! Trăm ngàn tam muội vô lượng diệu nghĩa chỉ trên đầu một mảy lông". Một mảy lông cũng từ thể Chân như mà hiện, thì trăm ngàn diệu nghĩa cũng từ thể Chân như mà có. Vô lượng tam muội cũng từ thể Chân như mà ra. Cho nên ngộ được thể Chân như rồi thì thấy tất cả đều từ đó lưu xuất. Như vậy tất cả công đức đều từ trong thể tánh mà lưu xuất.

 Cứ theo đây thì công đức không từ ngoài đến, mà nó vốn tự đầy đủ. 

Tứ Tổ bảo Lại Dung(1) Thiền sư rằng: "Phàm trăm ngàn pháp môn chỉ đồng về trong gang tấc, công đức như hà sa gồm lại nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới định huệ thần thông biến hoá, trọn tự đủ chẳng lìa tâm ông". Cứ theo lời Tổ sư, vô tâm công đức rất nhiều. Chỉ có người thích công đức nơi sự tướng, nên công đức vô tâm họ không tự tin.

GIẢNG: Chúng ta nhớ lại lời của tổ Bồ-đề-đạt-ma nói với vua Lương Võ Đế cũng đồng một ý này. Lương Võ Đế cất bao nhiêu chùa, độ bao nhiêu người xuất gia, in kinh sách làm phước rất nhiều mà vua hỏi có công đức gì không thì Tổ nói:"Không có công đức". Đó chỉ là phước báo hữu vi, vì còn trong sanh diệt chớ không phải là công đức. Phàm làm việc gì từ tự tánh mà khởi đó mới thật là công đức. Còn bao nhiêu phước đức ở bên ngoài chỉ là phước hữu vi, có rồi sẽ hết chớ không còn hoài.

Chúng ta phải biết rõ làm việc mà vô tâm mới thật là chân công đức. Còn làm mà hữu tâm đó là phước đức hữu vi, tức nhiên sớm chiều nó sẽ mất.

13. Kinh Nghiệm Chân Tâm

GIẢNG: Nếu chúng ta tu mà không có kinh nghiệm, thì sẽ đi quá trớn. Nghĩa là nghe Phật pháp, hiểu rồi tưởng như mình đã được, rồi ngao du tự tại ưng làm gì thì làm đó là lầm. Khi nghiệp đến không đủ sức chống đỡ thì chừng đó hối hận không kịp. Cho nên phải có kinh nghiệm.

Khi đã nhận được Chân tâm, phải tiếp tục tu hành. Chừng nào tâm thật sự thanh tịnh, lúc đó mới là tự tại.

HỎI: Chân tâm hiện tiền, thế nào biết Chân tâm được thành thục vô ngại?

ĐÁP: Người học đạo khi đã được Chân tâm hiện tiền, nhưng tập khí chưa trừ, nếu gặp cảnh quen thuộc có lúc thất niệm.

GIẢNG: Khi đi, đứng, nằm, ngồi thể chân thật vẫn không mất, nhưng tập khí chưa trừ. Nghĩa là những thói quen tham sân si của thuở quá khứ chưa dẹp hết, thì gặp cảnh quen thuộc vẫn có lúc thất niệm. Như gặp cảnh đẹp sanh tâm ưa thích, gặp cảnh không như ý thì nổi giận bực bội.

 Như chăn trâu, tuy điều phục nó, dẫn dắt nó đến chỗ như ý rồi, mà còn chẳng dám buông dàm và roi.

GIẢNG: Như người chăn trâu, dẫn trâu đi đâu nó đi theo đó, không còn vùng vằng nữa. Nhưng tuy dẫn đi được mà vẫn còn nắm dàm và cầm roi, phòng khi nó nổi chướng thì sẵn roi quất nó, sẵn dàm kềm nó.

 Đợi đến tâm nó điều phục, bước đi ổn thoả, dù chạy vào lúa mạ cũng không hại đến lúa mạ, lúc ấy mới dám buông tay.

GIẢNG: Dù trâu có lỡ bước vào lúa mạ cũng không dám ăn, lúc đó mới dám buông tay. Còn lơi một chút là bước bậy, chạy kiếm cái này cái kia ăn thì chưa buông được.

 Đến lúc này chú mục đồng không còn dùng dàm và roi nữa. Tự nhiên con trâu không hại đến lúa mạ.

GIẢNG: Khi trâu thuần thục rồi thì không xâm phạm đến lúa mạ người. Còn chưa thuần thục thì lúc nào thằng chăn cũng còn cầm dàm, cầm roi.

Trong đây có ai buông dàm buông roi được chưa? Hay là dàm một tao sợ còn yếu, phải làm dàm hai ba tao, riết rồi lấy dây cáp mà cột lại. Cho nên tu phải khéo biết mình cho thật kỹ, chớ đừng vội vã gấp rút.

 Như đạo nhân sau khi nhận được Chân tâm, trước lại phải dụng công bảo dưỡng, đến khi có lực dụng lớn, mới có thể lợi sanh.

GIẢNG: Chúng ta nghe rồi thể hội được, biết mình có Chân tâm, biết mình tu được. Nhưng muốn cho Chân tâm hiển lộ đầy đủ trọn vẹn thì chúng ta phải hết vọng tưởng. Vọng tưởng không còn nữa gọi là bảo dưỡng Chân tâm, chỗ khác thì dùng danh từ "trưởng dưỡng Thánh thai", ở đây gọi là bảo dưỡng. Bảo dưỡng tức là tu, dứt vọng tưởng là phương pháp bảo dưỡng Chân tâm chớ không còn cái nào khác. Không theo cái giả thì cái chân hiện. Khi nào cái giả hết thì cái chân tròn đầy, cũng như mặt trăng bị mây che, mây tan từ từ thì mặt trăng hiện, mây càng tan thì mặt trăng càng hiện rõ. Tu như vậy khi nào đầy đủ đạo lực thì mới có thể lợi sanh.

 Nếu muốn kinh nghiệm Chân tâm này, thì trước đem những cảnh mà bình thường chúng ta yêu thích, luôn tưởng ở trước mặt. Nếu nương theo cảnh đó khởi tâm yêu ghét, thì tâm đạo chưa thuần thục. Nếu chẳng khởi yêu ghét thì tâm đạo đã thuần thục.

GIẢNG: Đây là dùng phương tiện đầu để thí nghiệm. Ví dụ bây giờ tâm chúng ta không vọng tưởng, bình thường không động. Thấy nó lặng lẽ chúng ta mừng quá tưởng như đã xong việc rồi. Nhưng cần phải kiểm nghiệm lại, hằng ngày chúng ta thích vẻ đẹp hay tiền của, bây giờ thử tưởng tượng những cái đó hiện ở trước mắt xem tâm mình ra sao. Nếu tâm vẫn như như không tham, ai lấy đi không buồn, không giận gì hết, thì đó là khá rồi. Đó là giai đoạn mình tưởng để thử coi nó ra sao, chớ chưa đụng chạm sự thật. Đến giai đoạn kế, khi đụng chạm sự thật tâm vẫn bình thường không khởi yêu ghét, như vậy là tâm đã thuần thục rồi.

 Tuy nhiên được thuần thục như vậy, mà còn chưa tự nhiên chẳng khởi yêu ghét. Lại phải kinh nghiệm một lần nữa.

GIẢNG: Tuy tâm thuần thục rồi mà chưa phải hoàn toàn không khởi yêu ghét, phải thí nghiệm một lần nữa cho biết.

 Như khi gặp cảnh yêu ghét, lúc ấy khởi tâm yêu ghét và khiến thủ cảnh yêu ghét ấy. Nếu tâm chẳng khởi là tâm vô ngại.

GIẢNG: Đoạn trên chúng ta mới tưởng tượng ra để thử lòng mình. Bây giờ tiếp xúc ngay với cảnh, nếu khi đó khởi tâm yêu ghét và thủ cảnh thì biết là chưa xong. Còn nếu mình tự tại vô ngại thì biết là đã xong việc.

 Như trâu trắng nằm sờ sờ chẳng tổn hại lúa mạ.

GIẢNG: Trong mười bức tranh chăn trâu Thiền tông, có vẽ hình trâu trắng để chỉ cho người tâm đã thuần thục. Chính chỗ này tổ Huệ Khả khi tuổi về già, Ngài đi tới quán rượu và nhà hát để thử nghiệm. Có nhiều người hỏi: "Hòa Thượng sao lại tới chỗ này?". Ngài trả lời: "Ta thí nghiệm tâm ta thì có can dự gì việc của ngươi". Đó là trường hợp Ngài đối cảnh để thí nghiệm tâm mình. Còn chúng ta mới vừa tưởng thôi thì đã quên mất mình rồi, đừng nói là gặp cảnh.

Cho nên người xưa lấy kinh nghiệm thực tế để thử tâm. Còn bây giờ có nhiều người chưa tu gì hết mà đi tới nhà hát, quán rượu cũng nói kiểu đó thì không đúng. Người đã thuần thục rồi mới đến đó để thí nghiệm. Chúng ta tu chưa ra gì, còn nhiễm đủ thứ hết mà đến đó thì chỉ mắc kẹt chớ thử cái gì.

 Xưa có vị mắng Phật mạ Tổ, ấy là cùng tâm này tương ưng.

GIẢNG: Người xưa tâm đã thuần thục nên vì người nói phá, mới nghe qua như lỗ mãng, tội lỗi nhưng sự thật các Ngài vô tâm mà nói, nên không phạm  lỗi.

 Nay thấy có người mới vào Tông môn này, chưa biết đạo gần hay xa, liền học mắng Phật mạ Tổ, thật tính ra quá sớm vậy.

GIẢNG: Người tu chưa tới nơi tới chốn mà vội vàng mắng Phật mạ Tổ, là chỗ chúng ta cần phải chú ý. Khi tu nếu còn yếu thì phải khép mình trong khuôn khổ, trâu mình còn hung hăng thì phải có chuồng cho chắc, có sợi dây niệt cho chặt, có cả năm bảy cây roi mây để hờ, hễ trâu lung lăng là quất, như vậy dần dần trâu mới thuần. Trâu thuần rồi từ từ buông dàm, bỏ roi. Đến khi thật thuần rồi, chừng đó mới ngồi thổi sáo chơi. Còn nếu tu chưa ra gì mà vội thổi sáo thì chắc là nó chạy lồng lộn. Chừng đó nắm cổ nó lại không nổi, chỉ còn cách la ơi ới để kêu cứu chớ không làm gì được. Người bây giờ phần nhiều chưa hiểu kỹ, cho nên thả nó chạy quá sức trị không nổi, lúc đó chỉ đầu hàng thôi.

Bây giờ trị mỗi ngày một chút, lâu ngày nó thuần thục, cũng như người bệnh nhẹ thì trị mười ngày hết, người bệnh nặng thì trị mười lăm, hai mươi ngày rồi cũng hết. Còn nếu nặng nữa thì một trăm ngày cũng hết, đừng lo trị không được chỉ sợ không chịu trị.

14. Chân Tâm Vô Tri

HỎI: Chân tâm cùng vọng tâm khi đối cảnh làm sao phân biệt chân vọng?

ĐÁP: Vọng tâm đối cảnh có biết, nhưng mà biết nơi cảnh thuận nghịch rồi khởi tâm tham sân. Lại ở trong đó chứa cảnh rồi khởi tâm si. Nơi cảnh khởi ba độc tham sân si, đủ rõ là vọng tâm.

GIẢNG: Ngài chỉ rõ Chân tâm và vọng tâm, để khi đối cảnh chúng ta biết tâm nào là chân, tâm nào là vọng, đây là điều chúng ta phải theo dõi cho thật kỹ. Vọng tâm đối cảnh có biết, mà biết theo chiều phân biệt thuận nghịch, tốt xấu, có không, phải quấy, chọn lựa, phân chia v.v... thì cái biết đó là vọng. Bởi biết có tốt, có xấu cho nên có tham, có sân rồi cho cảnh là thật. Chứa cảnh tức là cho cảnh là thật, rồi khởi tâm si. Thấy cảnh cho là thật tốt xấu thì có tham sân si. Vì vậy tham sân si đều thuộc về vọng tâm.

 Tổ sư nói: "Nghịch thuận tranh nhau là tâm bệnh".

GIẢNG: Trong Tín Tâm Minh nói: Khi nào còn thấy có thuận, có nghịch đối đãi thì lúc đó tâm còn bệnh. Tâm bệnh là vọng tâm.

 Cho nên đối với cảnh phải, hay chẳng phải đều là vọng tâm cả.

GIẢNG: Còn thấy có phải hay chẳng phải đều là vọng tâm. Còn Chân tâm thì sao?

 Còn Chân tâm, không biết mà biết, chiếu khắp bình đẳng nên khác với cây cỏ. Chẳng sanh yêu ghét nên khác với vọng tâm. Tức đối cảnh rỗng sáng, chẳng yêu, chẳng ghét, chẳng biết mà biết ấy là Chân tâm.

GIẢNG: Chân tâm chẳng biết mà thường biết tất cả. Chẳng biết tốt xấu, chẳng biết có không, chẳng biết hơn thua, tức là không có cái biết đối đãi, mà cái gì cũng thấy, cái gì cũng biết. Đó là cái biết của Chân tâm.

Ví dụ: Đây là cái chuông, đây là cái tách. Tôi ngồi nhìn cái chuông, cái tách, thấy cái tách có bông và màu men đẹp. Còn cái chuông sao nó cũ quá, biết như vậy là vọng tâm. Còn thấy cái chuông, cái tách, thấy thì thấy mà dửng dưng, không nghĩ hơn kém, đẹp xấu gì hết thì cái biết đó là Chân tâm. Nhiều người nói khi nhìn biết cái chuông, biết cái tách, thì cái biết đó cũng là vọng tâm. Nhiều người còn lầm chỗ đó. Quí vị nghe nói Chân tâm là vô tri, rồi cho rằng nhìn cái gì cũng không biết hết mới là Chân tâm, còn nhìn mà biết là vọng tâm. Đó là lầm.

Chân tâm vô tri mà tri, tức là Chân tâm chẳng biết mà biết. Vô tri ở đây là chẳng còn phân biệt tốt xấu, đối đãi nhưng cái gì cũng biết hết, chớ không phải là không biết như cây cỏ. Nghĩa là tôi biết cái tách, tôi biết cái chuông nhưng đó là cái biết thường hằng không có phân biệt.

Nếu tôi biết cái tách, tôi biết cái chuông, tuy tôi không phân biệt tốt xấu, nhưng biết cái tách dùng để uống nước, cái chuông dùng để lắc cho người nghe đứng dậy chấp tay v.v... thì cái biết đó chân hay vọng? Tuy không có phân biệt hình sắc mà còn nghĩ tới công dụng thì cũng là vọng tâm. Nếu biết mà không nghĩ về hình sắc, không nghĩ về công dụng của cái tách, cái chuông, chỉ biết cái tách, cái chuông vậy thôi, thì cái biết đó là chân. Phải khéo giản trạch chỗ này.

Nói: "Tôi biết cái tách, tôi biết cái chuông" cái biết này là vọng tâm thì không đúng. Khi biết cái tách và cái chuông bằng cách phân biệt cái tách đẹp, cái chuông xấu, cái tách bằng đất dễ bể, cái chuông bằng đồng rớt không bể v.v... thì cái biết đó là vọng tâm. Còn biết mà không phân biệt gì hết mà nói rằng cái biết đó cũng là vọng tâm thì lầm. Cho nên phải khéo ở chỗ đó, xê xích một tí xíu thôi là đã trật rồi. Chân tâm thường hiện tiền mà chúng ta không biết nên bị vọng che lấp, còn nếu biết thì không bị che lấp. Thế nên Thánh nhân cũng biết ăn, biết nói, biết đi, biết làm công việc mà vẫn là Thánh. Còn chúng ta cũng làm tất cả việc mà vẫn là phàm phu là tại chỗ này. Đâu phải Thánh nhân sống bằng Chân tâm là không biết gì hết, nếu không biết gì hết thì đã thành cây cỏ rồi. Không nhận ra chân vọng là cái thật khó, thật tế nhị. Cho nên nói: "Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách", nghĩa là "Sai lạc đường tơ, đất trời xa cách" chớ đừng nói gần hay xa gì hết. Nhìn cái nào biết cái đó là cái biết của Chân tâm. Cho nên khéo một chút thì đi đâu chúng ta cũng sống với diệu dụng của Chân tâm, còn không khéo thì đi đâu cũng sống với vọng tâm.

Do đó khi muốn bỏ vọng, mà chúng ta lại bỏ luôn cái chân. Cái phân biệt là cái biết của vọng tâm, cái chân cũng là biết mà không phân biệt chúng ta lại bỏ luôn. Có khi muốn trùm luôn, ôm luôn cả cái vọng. Như người đãi vàng, khi thấy vàng lẫn trong cát, muốn đổ cát đi thì đổ luôn cả vàng. Khi thấy một rổ cát có một tí vàng, muốn lấy vàng lại ôm luôn cả cát. Đó là không khéo lọc lựa, không khéo nhận xét vậy. Nếu chúng ta khéo thì ngay đó biết đâu là cát, đâu là vàng, đâu là chân, đâu là vọng.

 Trong Triệu Luận nói: Thánh tâm ấy vi diệu vô tướng, nên chẳng có. Dụng nó thì đầy sự cần dùng nên chẳng thể là không. Cho đến, chẳng có nên biết mà không biết. Chẳng không nên không biết mà biết.

GIẢNG: Chân tâm lúc nào cũng hiện, cho nên không thể nói là không, mà nói chẳng có vì tánh của nó là vô tướng, không có hình tướng. Cần ứng dụng thì cái gì cũng thấy, cũng biết. Thí dụ như ứng ra mắt thì thấy sự vật, như vậy đâu thể nói là không. Nhưng mà hỏi nó nằm ở chỗ nào, hình dáng ra sao, thì không chỉ được, cho nên nói chẳng có. Chẳng có vì nó không tướng nhưng mà ứng ra tai thì nghe, ứng ra mắt thì thấy, đâu phải là không. Tuy nhiên, biết mà không biết tức là biết mà không phân biệt, đó là đứng về mặt chẳng có. Không phân biệt mà biết, cho nên nói chẳng không.

 Vì thế nên không biết tức biết. Bất đắc dĩ nói khác với tâm của Thánh nhơn vậy.

GIẢNG: Tâm Thánh nhân rỗng rang không phân biệt mà vẫn thường liễu tri, tâm của phàm phu cũng vậy không khác. Chỉ vì chúng ta không nhận ra rồi tưởng là khác, nhưng sự thật không khác.

 Lại, vọng tâm nơi có chấp có, nơi không chấp không, thường ở hai bên chẳng biết trung đạo.

GIẢNG: Gặp bên nào chấp bên ấy, luôn luôn là ở hai bên chớ không giữ trung đạo. Nhưng khi ngộ rồi thì không thấy nam thấy nữ, vì thấy tất cả người mà không khởi phân biệt. Thấy người là người thì đó là chân. Thấy người khởi phân biệt đây là nam, kia là nữ, đây là đẹp, kia là xấu, thì đó là vọng tưởng. Lỗi tại phân biệt.

 Vĩnh Gia nói: "Bỏ vọng tâm giữ chân lý, tâm lấy bỏ thành xảo ngụy, người học chẳng rõ dụng tu hành, lâu thành nhận giặc làm con".

GIẢNG: Ngài Vĩnh Gia nói: Bỏ vọng tâm, giữ chân lý tức là bỏ cái này cầu cái kia, đó là hai bên. Nghĩa là còn có tâm lấy, bỏ thì trở thành xảo ngụy. Xảo ngụy tức là giả dối. Người học chẳng rõ dụng tu hành, lâu thành nhận giặc làm con. Nghĩa là chúng ta tu mà không rõ cái nào vọng để bỏ, cứ bỏ cái này tìm cái kia thì đó là giặc, mà nhận giặc làm con thì tất cả sự sản theo đó tiêu tan hết.

 Nếu là Chân tâm thì dù ở trong hữu vô, mà không rơi vào hữu vô, thường ở trung đạo.

GIẢNG: Người ta cứ tưởng bên đây có, bên kia không, trung đạo là ở giữa, không phải vậy. Trong cái có mà không chấp có, trong cái không mà không chấp không, đó là trung đạo. Chớ không phải trung đạo là ở giữa. Phàm phu có thì chấp thật có, không thì chấp thật không, cho nên mắc kẹt hai bên. Còn tâm không phân biệt, có cũng không chấp, không cũng không chấp gọi là trung đạo. Ngay cái có không chấp có, ngay cái không không chấp không, vì không khởi suy nghĩ thì đâu nói có nói không. Cho nên thấy mà vẫn như như. Không biết là không, có biết là có, mà tâm như như thì gọi là trung đạo.

Còn nói không là không hình tướng, có là có hình tướng v.v..., phân biệt như vậy thì thành ra hai bên. Cho nên sự học của thế gian càng học càng mắc kẹt trong phân chia tỉ mỉ. Càng phân chia tinh tế càng làm mất tinh thần trung đạo của Thánh Hiền. Như vậy Chân tâm biết mà không có giản trạch, không có phân biệt. Vọng tâm biết mà giản trạch phân biệt hai bên.

 Tổ sư nói "Chẳng đuổi hữu duyên, chớ trụ không nhẫn, một mực bình đẳngtuyệtnhiên tự  sạch".

GIẢNG: Không theo có mà không trụ không, chỉ một tâm bình thản thì tự nhiên được hết sạch.

 Triệu Luận nói "Thánh nhân làm việc có mà chẳng có. Ở trong không mà chẳng không. Tuy không thủ hữu vô mà chẳng xả hữu vô. Hòa mình trong trần lao, dạo khắp ngũ thú, lặng lẽ mà đi, rõ ràng mà đến, nhạt nhẽo không làm mà không gì chẳng làm".

GIẢNG: Những câu này thật là hay, Thánh nhân làm việc có mà chẳng có, có mà không chấp thì có cũng như không. Ở trong không mà chẳng chấp không, thì làm sao nói không.

Tuy không chấp có không mà chẳng bỏ có không. Thông thường chúng ta không thủ thì xả, tức không chấp thì bỏ. Còn ở đây không chấp mà cũng không bỏ, tâm như như thì nói gì là chấp bỏ. Cho nên nghĩ tới cái chấp, cái bỏ, đó là nghĩ hai bên. Các Ngài hòa mình trong trần lao, dạo khắp ngũ thú, lặng lẽ mà đi, tâm lúc nào cũng như như, rõ ràng mà đến. Như như mà vẫn linh tri sáng suốt, đó gọi là rõ ràng. Nhạt nhẽo không làm, tức là không làm gì hết vì tâm như như có gì mà ham thích nhưng ứng dụng thì vô cùng. Cho nên không làm mà không gì không làm.

 Đây là nói bậc Thánh nhơn duỗi tay vì người, đi khắp ngũ thú để tiếp dẫn giáo hóa chúng sanh. Tuy tới lui mà không ở trong tướng tới lui. Vọng tâm chẳng phải thế. Cho nên Chân tâm vọng tâm không đồng. Lại Chân tâm là tâm bình thường, vọng tâm là tâm bất bình thường.

GIẢNG: Người xưa nói: Tâm bình thường là đạo. Khi nói tâm bình thường là nói Chân tâm. Còn nói tâm bất bình thường là nói vọng tâm.

HỎI: Sao gọi là tâm bình thường?

ĐÁP: Mọi người đều có đủ một điểm linh minh, trạm nhiên như hư không, biến khắp mọi nơi.

GIẢNG: Linh minh tức là sáng sủa. Trạm nhiên tức là lặng lẽ không có hình tướng giống như hư không, biến khắp mọi nơi.

 Đối với việc thế tục tạm gọi là lý tánh. Đối với vọng thức quyền gọi là Chân tâm.

GIẢNG: Nói Chân tâm lý tánh là chỉ đối với thế tục và đối với vọng thức mà nói, chớ cái đó không tên không họ. Đối với thế tục thì nói nó là lý tánh, còn đối với vọng thức thì tạm nói là Chân tâm.

 Không một mảy may phân biệt, gặp duyên chẳng lầm. Không một niệm lấy bỏ, chạm vật đều khắp, chẳng theo cảnh dời đổi.

GIẢNG: Chân tâm là như như, thấy gì cũng biết hết mà tâm không phân biệt, không dính mắc thì không bị dời đổi.

 "Giả sử theo dòng được diệu. Chẳng lìa hiện tại lặng yên. Còn tìm tức biết anh chưa thấy". Đấy tức là Chân tâm vậy.

GIẢNG: Chân tâm lặng lẽ như như mà đối chiếu, nghĩa là thấy cảnh biết cảnh, thấy người biết người mà vẫn yên tịnh thì đó là chân. Còn khởi nghĩ tìm cái chân thì biết người đó chưa thấy. Như vậy Chân tâm là cái không thủ không xả, không phân biệt gọi là tâm bình thường.

HỎI: Sao gọi là tâm bất bình thường?

ĐÁP: Cảnh có Thánh phàm, nhiễm tịnh, đoạn thường, lý sự, sanh diệt, động tĩnh, khứ lai, tốt xấu, thiện ác, nhân quả. Nếu nhỏ nhặt mà kể ắt có ngàn sai muôn khác. Nay nêu ra mười đôi đều gọi là cảnh bất bình thường.

GIẢNG: Những cái nhìn đối đãi đều là bất bình thường, có quá nhiều những cái đối đãi như vậy. Tóm lại còn thấy hai, còn thấy pháp này đối pháp kia đều là bất bình thường.

 Tâm theo cảnh bất bình thường này mà sanh. Theo cảnh bất bình thường mà diệt. Tâm cảnh bất bình thường đối với Chân tâm bình thường ở trước, nên gọi là vọng tâm bất bình thường.

GIẢNG: Phân biệt đây là nhiễm kia là tịnh, đó là theo cái bất bình thường mà sinh. Hễ có sinh thì có diệt nên nói theo cảnh bất bình thường mà diệt. Ở trước nói tâm bình thường là Chân tâm. Ở đây nói tâm bất bình thường là vọng tâm.

 Chân tâm vốn đủ, chẳng theo cảnh bất bình thường mà khởi các sự sai biệt. Cho nên gọi là Chân tâm bình thường.

GIẢNG: Nhớ rằng khi nào chúng ta nhìn sự vật với con mắt đối đãi, phân biệt có không, phải quấy, thì lúc đó là tâm bất bình thường. Còn nhìn sự vật mà không phân biệt, không phân biệt không phải là không biết, biết mà không suy nghĩ, biết mà khong so đo tính toán hơn thua, phải quấy thì cái biết đó là chân.

HỎI: Chân tâm bình thường không có các nhơn khác, thế sao Phật nói nhân quả thiện ác báo ứng?

ĐÁP: Vọng tâm chạy theo các cảnh, nhưng chẳng rõ các cảnh, nên khởi các tâm.

GIẢNG: Ở đây nêu câu hỏi: Chân tâm bình thường thì không mắc kẹt vào đối đãi của nhân quả, mà tại sao kinh Phật lại nói có nhân quả? Có nhân quả là vì khởi các tâm thương, ghét, giận, hờn v.v... đó là chạy theo cảnh, là vọng tâm.

 Phật nói các pháp nhân quả để trị các vọng tâm nên cần lập nhân quả. Nếu Chân tâm này chẳng đuổi theo các cảnh, do đó chẳng khởi các tâm, thì Phật cũng chẳng nói các pháp, làm sao có nhân quả?

GIẢNG: Chân tâm thì lặng yên thường hằng không biến đổi nên nói nhân quả cũng bằng thừa. Vọng tâm thì phân biệt hơn thua phải quấy, nên phải thì có nhân quả của phải, quấy thì có nhân quả của quấy. Đó là để đối trị vọng tâm. Cho nên còn vọng tưởng thì còn nhân quả rõ ràng, hết vọng tưởng thì không lầm nhân quả, chớ nói không có nhân quả thì không được. Đó là cái khéo nói của người tu.

HỎI: Chân tâm bình thường chẳng sanh ư?

ĐÁP: Chân tâm có lúc khởi dụng, nhưng chẳng phải theo cảnh mà sanh, chỉ là diệu dụng du hí, chẳng lầm nhân quả.

GIẢNG: Vậy Chân tâm bình thường, không dấy khởi gì hết sao? Chân tâm có lúc khởi dụng nhưng diệu dụng đó là diệu dụng an lành tự tại, chớ không phải vì mê cảnh mà có diệu dụng. Ví dụ thấy cũng biết mà không phân biệt tốt xấu, cho nên không mắc kẹt trong nhân quả thiện ác, còn nếu phân biệt tức là mắc kẹt.

15. Chỗ Đếan Của Chân Tâm

GIẢNG: Sau đây trả lời điều thắc mắc mà rất nhiều người lo sợ, vì người tu thì không cầu về Cực Lạc, cũng không cầu lên thiên đường, không cầu về chỗ nào hết, rồi cứ băn khoăn "Chết đi về đâu?" Vì chúng ta chưa bệnh nặng nên chưa nghĩ đến vấn đề đó, chớ khi bệnh nặng rồi thì cũng sẽ đặt nghi vấn sau khi chết đi về đâu? Tìm hiểu rõ ràng mới đầy đủ niềm tin, mới an ổn tâm tu, nếu không thì lính quýnh lo sợ khi đối diện với cái chết.

HỎI: Người chưa đạt Chân tâm, do mê Chân tâm nên làm nhơn thiện ác. Do làm thiện nhơn nên sanh trong thiện đạo. Do làm ác nhơn nên vào trong ác đạo, theo nghiệp thọ sanh, lý này chẳng nghi. Nếu người đạt Chân tâm, vọng tình cạn hết, khế chứng Chân tâm không nhơn thiện ác. Vậy điểm linh của thân sau gá nương vào chỗ nào?

ĐÁP: Chớ bảo có chỗ gá nương là hơn không chỗ gá nương.

GIẢNG: Người chưa đạt Chân tâm thì tùy theo nghiệp thiện ác đã tạo mà thọ sanh, nặng đâu thì đi đó, có đường lối hẳn hoi. Nên Ngài quở rằng: Chớ bảo có chỗ gá nương là hơn không chỗ gá nương. Nghĩa là không gá nương là tốt, gá nương mới là không tốt. Gá nương tức là có chỗ về nhưng  về đâu? Đừng nói có chỗ về là tốt hơn không có chỗ về. Chính không có chỗ về mới là hơn có chỗ về.

 Lại cũng chớ cho "không chỗ gá nương" đồng với phiêu linh lãng tử ở thế gian, giống như loài quỉ, cô hồn vô chủ.

GIẢNG: Nghe nói cô hồn vô chủ lang thang nay đây mai đó, hay là những bọn phiêu linh lãng tử không chốn không nơi, cứ tưởng: "Chết rồi như quỷ cô hồn lang thang không biết về đâu!". Chính chỗ này có vị dọa: "Coi chừng tu Thiền sau không có chỗ về, nguy rồi!". Cho nên Ngài bắt chúng ta phải nhận xét hai điểm:

Một, đừng bảo rằng có chỗ về là quý, không có chỗ về là tiện.

Hai, đừng nói rằng người tu Thiền không chỗ về, rồi tưởng rằng sẽ phiêu linh như bọn lãng tử, lang thang như bọn quỷ cô hồn. Đừng nghĩ như vậy, nghĩ như vậy là lầm.

 Đặc biệt nêu câu hỏi này là mong có sự gá nương chớ gì? - Đúng thế. Người đạt tánh thì chẳng đúng.

GIẢNG: Người nêu lên câu hỏi này là mong có chỗ về. Tuy nhiên người đạt được lý tánh rồi thì không có chỗ về mới đúng, có chỗ về là không đúng.

 Tất cả chúng sanh do mê giác tánh nên vọng tình ái niệm kết nghiệp làm nhơn, sanh trong lục thú thọ quả báo thiện ác. Giả như thiện nghiệp là nhơn chỉ được có thiện quả. Trừ chỗ phù hợp với nghiệp mà sanh, ngoài ra chẳng được thọ dụng.

GIẢNG: Có nghiệp thiện thì có quả thiện, tức là có chỗ đi nhưng mà đi trong cõi lành. Trừ khi có chỗ nào phù hợp với nghiệp của họ thì họ phải tái sanh vào đó, còn những chỗ khác thì họ vô phần. Nếu người không theo nghiệp thọ sanh, họ muốn đi đâu thì đi, không ai bắt buộc. Như vậy là được tự do tự tại sao chúng ta lại sợ. Nếu theo nghiệp thì trước đã tạo nghiệp gì bây giờ phải theo nghiệp đó mà tái sanh, chớ không thể nào đi đường khác. Còn không theo nghiệp thì tuỳ duyên, chỗ nào có người hữu duyên với mình thì tái sanh tới đó độ họ.

 Các cõi đều như thế. Đã từ nghiệp kia nên chỗ phù hợp sanh cho là vui, chỗ chẳng phù hợp sanh cho là khổ.

GIẢNG: Người tạo nghiệp cõi nào đi thẳng vào cõi đó, chớ không có đi đâu khác hơn được. Bởi vì theo nghiệp cho nên thích cái gì thì cho cái đó là vui. Còn cái không thích thì cho đó là khổ.

Ví dụ chúng ta ăn chay ba bốn mươi năm đã quen rồi, bữa nào bất thình lình có ai dọn cá thịt thì nghe mùi tanh. Như vậy thì ăn chay là ngon, ăn cá thịt là hôi hám dơ bẩn, đó là cái nghiệp ăn chay. Còn người ăn cá thịt quen rồi, dọn chay thì thấy lợt lạt nuốt không trôi. Họ thấy cá thịt là ngon, thức ăn chay là dở, đó là theo nghiệp ăn mặn.

Nghiệp là thói quen đã tập, tập cái nào thì thích cái đó cái khác họ không thích. Cũng như mấy người chuyên uống rượu, thấy rượu là ngon. Còn người chưa từng biết uống rượu thì nhấm chút rượu môi cay xé, thấy ngán. Như vậy rượu đối với người ấy là dở. Ngon dở tùy người, đừng tưởng ai cũng đều có cảm nhận ngon dở như nhau, mà tùy theo thói quen đã tập. Cũng vậy, chúng sanh có nghiệp nơi nào thì thấy thích chỗ đó, nên chui đầu vào rồi chịu theo nghiệp, chỗ nào họ không tạo thì không ưa  thích, cái đó để cho người khác.

 Bởi chỗ phù hợp sanh là chỗ tự mình gá nương, chỗ chẳng phù hợp là chỗ người khác gá nương.

GIẢNG: Như mấy người ghiền rượu thì quán rượu là chỗ gá nương. Mấy ông ghiền á phiện thì tiệm á phiện là chỗ gá nương. Mấy ông ghiền cờ bạc thì sòng bạc là chỗ gá nương. Ghiền cái nào thì tới gá nương chỗ đó, còn chỗ khác thì của người khác họ không có phần.

 Cho nên có vọng tình thì có vọng nhơn, có vọng nhơn thì có vọng quả, có vọng quả thì có gá nương. Có gá nương thì phân ra kia đây. Phân ra kia đây là có thích hay không thích.

GIẢNG: Còn vọng tình thì còn nghiệp, còn nghiệp thì có chỗ về. Tức là có vọng nhân vọng quả rõ ràng. Có chỗ về thì có phân chia kia đây.

 Nay đạt Chân tâm khế hợp với giác tánh không sanh diệt, khởi ra diệu dụng không sanh diệt.

GIẢNG: Giác tánh không sanh không diệt nên diệu dụng cũng không sanh diệt.

 Diệu thể chân thường vốn không sanh diệt, diệu dụng tùy duyên như có sanh diệt. Nhưng từ thể sanh ra dụng nên dụng ấy tức là thể. Có gì là sanh diệt?

GIẢNG: Bản thể bất sanh diệt, tùy duyên khởi diệu dụng nên có sanh diệt mà không thật có sanh diệt.

 Người đạt đạo tức là chứng chân thể, nên sự sanh diệt kia có can hệ gì?

GIẢNG: Bởi vì chứng được chân thể nên cái sanh diệt không có nghĩa lý gì hết.

 Như nước lấy tánh ướt làm thể, sóng mòi làm dụng. Tánh ướt nguyên không sanh diệt, nên tánh ướt trong sóng mòi nào sanh diệt ư?

GIẢNG: Tuy thấy sóng chập chờn, nhưng sự thật đứng về mặt thể mà nói thì sóng đâu có sanh diệt. Còn đứng về mặt tướng thì thấy sóng có nổi lên chìm xuống, chứ thật ra thể nước trong sóng cũng không sanh diệt.

 Nhưng sóng lìa tánh ướt cũng không riêng có, nên sóng cũng không sanh diệt. Người xưa nói: "Khắp cõi nước là mắt của Sa Môn, khắp cả nước là già lam".

GIẢNG: Chỗ nào cũng là mắt của Sa Môn, chỗ nào cũng là già lam của chúng ta ở hết thì còn chỗ nào nữa mà về.

 Khắp mọi nơi là chỗ an thân lập mệnh của người ngộ lý.

GIẢNG: Người ngộ lý rồi thì nơi nào cũng là chỗ an thân lập mạng của mình, không nơi nào riêng rẽ.

 Người đạt Chân tâm thì tứ sanh lục đạo một chốc liền tiêu tan. Sơn hà đại địa đều là Chân tâm. Chẳng thể lìa Chân tâm này riêng có chỗ gá nương.

GIẢNG: Như vậy chúng ta tu rồi về đâu? Về Chân tâm. Cũng như bọt tan thì về biển. Tức là cái dụng mất thì nó trở về thể chớ về đâu bây giờ? Thành ra chỗ gá nương của mình chỉ là Chân tâm, chớ không có chỗ gá nương nào khác.

 Đã không ba cõi làm vọng nhơn, ắt không có sáu thú làm vọng quả. Vọng quả đã không nói gì gá nương? Không gá nương ắt không bỉ thử. Đã không bỉ thử thì có gì là thích hay không thích? Mười phương thế giới chỉ một Chân tâm, toàn thân thọ dụng không riêng gá nương.

GIẢNG: Bởi vì chúng ta không tạo nghiệp ba cõi thì làm sao có sáu thú để đi thọ sanh. Không có sanh nơi này nơi kia, thì đâu thấy có đây có kia. Có đây có kia là do thích hay không thích. Thích hay không thích đều do nghiệp mà ra. Bây giờ không có nghiệp thì còn gì thích hay không thích. Nên nói thể nhập Chân tâm thì trùm khắp mười phương, còn gá nương riêng chỗ nào? Đó là đã nói thật rõ, nhưng muốn rõ hơn Ngài dẫn chứng:

 Lại đối với môn thị hiện thì tùy ý qua lại mà không chướng ngại.

GIẢNG: Tuy nhiên nhập vào bản thể hay Pháp thân thì trùm khắp cả mười phương thế giới, đâu riêng chỗ nào mà gọi là gá nương. Nhưng về pháp môn thị hiện thì tùy ý qua lại mà không chướng ngại để độ sanh.

Ví dụ như chúng ta tu đã thể nhập lý tánh rồi, khi thân này tan rã, không còn vọng niệm để đi thọ sanh các nơi, lúc đó tâm sáng suốt trùm khắp, nhìn thấy chúng sanh nơi nào có duyên đáng độ thì tùy đó mà thị hiện. Cho nên môn thị hiện thì tùy ý qua lại. Thị hiện tức là nhìn thấy chúng sanh nào có duyên với mình thì mình thị hiện, tùy ý đến, chớ không có ai ngăn cản chống đối.

 Trong Truyền Đăng có chép rằng: Thượng Thơ Ôn Tháo hỏi Ngài Khuê Phong: Người ngộ lý một phen tuổi thọ hết, gá nương chỗ nào? Khuê Phong đáp: Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ cái linh minh giác tánh, cùng với chư Phật không khác. Nếu hay ngộ tánh này tức là Pháp thân, vốn tự vô sanh có gì nương gá?

GIẢNG: Thể nhập được vô sanh rồi còn gá nương cái gì? Vì gá nương tức là còn sanh.

 Cái linh minh chẳng muội. Rõ ràng thường biết, không chỗ đến cũng không chỗ đi. Chỉ lấy không tịch làm tự thể, chớ nhận sắc thân. Lấy linh tri làm tự tâm, chớ nhận vọng niệm. Vọng niệm nếu dấy lên đều không theo nó, đến lúc mạng chung, khi ấy nghiệp tự nhiên không thể cột.

GIẢNG: Linh minh chẳng muội tức là sáng suốt chẳng mê. Lấy không-tịch làm tự thể  lấy cái lặng lẽ rỗng rang làm tự thể. Đừng chấp thân tứ đại này cho là thật mà phải nhận ra cái rỗng rang thanh tịnh. Lấy cái biết thường hằng không phân biệt làm tâm mình, đừng chạy theo vọng niệm. Người tu mà được như vậy thì khi chết nghiệp không cột trói được họ.

 Tuy có thân trung ấm mà chỗ đến tự do. Cõi người cõi trời tùy ý gởi nương.

GIẢNG: Muốn đến đâu thì đến không có gì ngăn ngại. Muốn lên cõi trời hay tới cõi người cũng được. Ở đâu có duyên thì đến đó độ, ở đâu tu được thì đến đó tu, cho nên đừng lo. Thí dụ người niệm Phật thì về Cực Lạc tu thêm. Còn chúng ta tu Thiền giả sử lúc đó quí vị muốn ghé Cực Lạc cũng được, có ai rầy đâu, vì không ai buộc mình hết. Có buộc thì mình mới mắc kẹt, còn không buộc nên không kẹt. Thấy cõi Ta-bà không có duyên thì về Cực Lạc, hoặc tới cõi nào thấy đủ duyên thì tu tiếp, như vậy tự do hơn. Còn nếu chuyên một chỗ thì mắc kẹt chỗ đó. Giả sử thấy chỗ đẹp hơn, mình đi cũng không được bởi vì cột ở một chỗ rồi. Còn đây tự do tự tại lựa chọn. Thấy chỗ nào có duyên tiến tu được thì tới. Thật là sung sướng, như vậy mà người ta lại sợ. Cho nên phải nhận cho thật sâu để chúng ta an ổn trong sự tu.

 Đây tức trước ngộ Chân tâm và chỗ đến của thân sau ấy vậy.

GIẢNG: Trước mình ngộ được Chân tâm rồi sau mình muốn tới đâu tùy ý. Muốn đến đâu là đến, đó là chỗ đến của thân sau, chớ không còn bị ràng buộc gì hết.

 

Thiền sư Phổ Chiếu.
HT.Thích Đắc Pháp dịch.
HT.Thích Thanh Từ giảng giải






 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84474
  • Online: 59