Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 2)

19/04/2017 | Lượt xem: 4388

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

CHÁNH VĂN:

1- Quân bất kiến! 
      Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân, 
      Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân. 
      Vô minh thực tánh tức Phật tánh, 
      Huyễn hoá không thân tức Pháp thân.

1- Anh thấy chăng! 

      Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn

      Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân. 

      Tánh thực vô minh tức Phật tánh,

      Thân không huyễn hóa tức pháp thân.

GIẢNG:

Mở đầu, Sư nói: Anh Thấy Chăng!

Ba chữ này rất đặc biệt. Mới vào chưa nói gì hết lại hỏi: “Anh thấy chăng!” Là thấy cái gì? Thường người học đều lướt qua, ít ai để ý chỗ này. Nhưng chính chỗ này lại là chỗ quan trọng. Cả một sức nặng ngàn cân của Chứng Đạo Ca nằm tại chỗ này. Bởi đây là Bài Ca Chứng Đạo, từ tâm chứng ngộ nói ra chứ không phải lý luận. Có người còn đang tu hoặc do học đạo lâu, hiểu được chút ít rồi làm thành những bài kệ hay bài thơ, bài ca… thì những tác phẩm đó không có giá trị nhiều vì thuộc tâm suy luận sinh diệt; còn tác phẩm này, lưu xuất từ tâm của bậc chứng ngộ nói ra, từ chỗ chân thật hiện thành, rất có giá trị. Song tâm chân thật ở đâu? Ngay hiện tiền đây thôi! Nó có trước khi mở miệng, nên đâu cần thêm bớt gì trong đó. Bài Bảo Cảnh Tam Muội của tông Tào Động mở đầu cũng nói: “Như thị chi pháp, Phật Tổ mật phó, nhữ kim đắc chi, nghi thiện bảo hộ”. (Pháp ấy như vậy, Phật Tổ thầm trao, nay ông được đó, nên khéo giữ gìn).

Mở đầu liền nói: Pháp ấy nó là như vậy, Phật Tổ thầm trao, ông nhận được thì phải khéo giữ gìn.

Vậy “Pháp ấy” là pháp gì? Nhiều người thắc mắc. Nói “Pháp ấy” làm sao mà biết! Tại sao không nói rõ ra? Chính “chỗ đó” là chỗ “Anh thấy chăng!” Do nó có trước khi mở miệng, nên không có ngôn ngữ, không nói nó là cái gì, không nói pháp gì, không nói nó tên gì. Nó là “như vậy” chớ không có thêm bớt gì hết. Song để tạm gợi ý cho người học khéo nhớ lại, nên tạm gọi nó là “Pháp ấy”, vì nếu đặt tên, e mỗi người lại tưởng tượng xa thêm.

Điểm này nhắc người học khéo thầm nhận trong tâm. Ngay đó thấy nhận liền, không được suy nghĩ, vừa suy nghĩ là trái với nó, là cách biệt với nó rồi. Bởi vì, khi suy nghĩ về nó như vậy… tức là nó hết như vậy…, nó thành ra thế này hoặc thế nọ rồi.

Có vị Tăng hỏi thiền sư Pháp Nhãn:

- Thế nào là một giọt nước ở nguồn Tào?

Sư đáp:

- Là giọt nước ở nguồn Tào.

Giọt nước ở nguồn Tào là giọt nước ở nguồn Tào, hỏi thế nào là đã cách biệt. Chỗ chân thật rất đơn giản, rất là gần gũi, ngay trước mắt đây thôi chứ không gì khác. Nhưng vì tâm người đang chứa nhiều vấn đề, quen bày vẽ, tưởng tượng, do đó mà không nhận thấy được. Hòa thượng Tôn sư có nói bài pháp “Thiền Tông Thực Tế Đến Nỗi Không Ngờ!” Lẽ thật nó là như vậy.

Trong nhà thiền, các thiền sư thường dùng phương tiện phá chấp, các Ngài đánh cho rớt tất cả, để buông sạch mọi cái đã tích lũy, trả về cái nguyên sơ. Nó “như vậy là như vậy”. Thiền sư Thần Hội cũng từng nói: “Đạo là đạo như thế thôi chứ không có đạo thế nào nữa!”. Như thế là như thế, không phải thêm gì nữa.

Thiền sư Đức Sơn thượng đường dạy chúng: “Các ông! Khoảng này không có một pháp cho các ông giải hội, tự mình cũng chẳng hội thiền, Ta cũng chẳng phải thiện tri thức, mọi việc đều không hiểu, chỉ biết đi ỉa đi đái ăn cơm mặc áo, còn có việc gì?” Sư nói không có pháp gì dạy cho người hiểu, tự Sư cũng không hiểu thiền, hội thiền nữa, không thêm pháp gì khác.

Còn chúng ta thường muốn thu lượm kiến thức thêm nhiều hiểu biết, nên nó sinh thêm cái này cái kia, nhiều khi lại tăng thêm bản ngã. Lúc mới tu chưa có hiểu đạo nhiều, chưa hiểu thiền nhiều nên tâm còn nhu hòa dễ chịu, nhưng khi hiểu rồi lại sinh ra kiêu khí, tướng ngã lộ ra thành hết bình thường. Các thiền sư muốn phủi sạch hết những thứ đó.

Chính thiền sư Đức Sơn nói: “Ta không có gì để hiểu”. Sư chỉ biết đi ỉa đi đái, ăn cơm bình thường vậy thôi, không có gì khác cả.

Thiền sư Lâm Tế bảo: “Theo chỗ thấy của sơn tăng, thì vốn không có nhiều thứ, chỉ là bình thường mặc áo ăn cơm, vô sự qua ngày”.

Chỗ chân thật đó vốn không có nhiều thứ, đừng bày vẽ thêm nhiều thứ. Mỗi người nên kiểm lại tâm mình lúc mới tu, thấy đơn giản dễ chịu, tu lâu ngày kiểm lại sao thấy có nhiều vấn đề. Phải soi lại thấy rõ chỗ này để sống như thật, mà chỗ chân thật thì không thêm gì khác. Sở dĩ có nhiều thứ là do thu vào, vay mượn, tích lũy thôi, còn bản tâm chân thật thì đâu có nhiều thứ! Rõ ràng như vậy nên trong nhà thiền gọi là “một còn chẳng có” huống là nhiều.

Nếu ngay ba chữ “Anh thấy chăng!” nhận thấy được thì ngay đó là xong liền, là gặp được Sư, khỏi phải nói nhiều. Do anh chưa thấy nên Sư phải tạm nói phần sau, tạm dùng phương tiện để nhắc anh khéo nương trở về, còn nếu anh thật sự chứng đạo thì ngay đó thấy liền, vì chỗ chân thật thì vốn không có lời nhiều. Anh phải thấy ngược lại chỗ này, tức chỗ “trước khi nói”, chính đó mới là cốt tủy của khúc ca này. Khi hiểu rồi mới thấy ba chữ đó quá tuyệt vời, chỉ lẽ thật sẵn nơi mỗi người.

 Cho nên mỗi người cần phải tỏ ngộ chỗ này để sống. Học thiền cũng là học thẳng chỗ đó. Người tu hành cầu giải thoát mà cứ lo chạy theo cái xa vời, rồi quên mất cái gốc chân thật này, lâu ngày nhìn lại không thấy giải thoát, lúc đó mới giật mình. Còn biết giật mình là còn tốt, chứ không biết giật mình là còn xa nữa.

“Anh thấy chăng!” là ba chữ đánh thức người, một thức tỉnh thật sâu xa. Học Chứng Đạo Ca là phải học thẳng vào trong đó, không phải học để phân tích chữ nghĩa. Vì phân tích chữ nghĩa thêm hiểu biết rồi kèm theo ngã kiến, hóa ra học để chứng đạo nhưng thành ra trái đạo. Như vậy để thấy rằng, chỉ ba chữ mở đầu đã có cái gì tuyệt vời, cái gì sâu xa, sức nặng ghê hồn trong đó chứ không phải tầm thường. Nếu không khéo, chỉ học theo chữ nghĩa lướt qua thì rất uổng. Vì vậy, nhấn mạnh chỗ này để huynh đệ thấy được yếu chỉ.

“Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn,

Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân”.

 Trên Sư bảo: “Anh thấy chăng!” tiếp liền nói: “Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn”.

Thiền sư Huyền Giác chỉ thẳng chỗ tối thượng thừa, không qua thứ lớp, không cho người kịp sinh tâm. Vì chỗ chứng đạo là chỗ chân thật rốt ráo, dứt bặt mọi suy nghĩ tưởng tượng, vượt qua những kiến thức hiểu biết. Cho nên đến đây là buông hết sở học. Vì còn có chỗ học là còn có chỗ để hiểu, thuộc tình thức phân biệt, mà còn tình thức thì chưa phải là chỗ chứng đạo. Thiền sư Huyền Giác chỉ dùng một đao chặt đứt bặt hết những suy tư, hết chỗ bám, đó là “Tuyệt học vô vi”.

Hoàng Bá cũng dạy: “Người thời nay chỉ muốn được biết nhiều, hiểu rộng rồi rộng cầu văn nghĩa bảo là tu hành. Không biết là biết nhiều hiểu rộng thì trở thành bít lấp. Chỉ cầu biết nhiều thì sánh với trẻ con, ăn tô ăn sữa trọn không biết tiêu cùng chẳng tiêu”. Sư nói  người thời nay cứ lo hiểu nhiều, học rộng cầu theo văn nghĩa và cho đó là tu hành. Không biết là do học nhiều hiểu rộng lại trở thành bít lấp. Bởi vì nhiều khi học nhiều hiểu rộng mà thiếu tu nên sinh ra ngã mạn, ngã kiến, cho là ta đây hiểu nhiều biết rộng. Không biết đó là nguyên nhân tăng thêm bản ngã và bít lấp. Để thấy tu đến chỗ rốt ráo thì dứt sạch mọi tình chấp.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn ngộ đạo liền nói: “Một tiếng quên sở tri, lại chẳng nhờ tu trì”. Trước đó, Sư là người học nhiều hiểu rộng nhưng khi bị Tổ Qui Sơn hỏi trả lời không được. Từ đó, Sư buông hết, một mình ở nơi vắng vẻ làm vị tăng thường cơm cháo qua ngày. Một hôm, nhân quét sân nghe tiếng hòn sỏi văng trúng bụi trúc liền ngộ đạo. Nên Sư nói kệ: “Một tiếng quên sở tri”. Nghĩa là ngay khi hòn sỏi chạm vào cây trúc phát thành tiếng Sư tỏ ngộ, quên hết mọi hiểu biết trước đây, nhận ra lẽ thật sẵn có nơi mình từ bao giờ, nên nói “Lại chẳng nhờ tu trì”

Trong đây, thiền sư Huyền Giác nói: “Tuyệt học” rồi tiếp đến “Vô vi”. Tức là “nó” không thuộc về công phu tạo tác, nên không cần chạy tìm kiếm, ngay đó rớt sạch tất cả.

Lục Tổ hỏi thiền sư Hành Tư: “Ông từng làm việc gì?”.

Ngài Hành Tư thưa: “Thánh đế cũng chẳng làm”. Thánh đế là chân lý sâu xa của Phật dạy, vậy mà Ngài nói Thánh đế cũng chẳng làm. Do Ngài nhận ra “nó” sẵn nơi mình, vốn đầy đủ nên không cần thêm nữa. Thấy được chỗ đó là thấy đến chỗ tột cùng của đạo.

 Thiền sư Đức Sơn cũng thông cảm được chỗ này. Trước Sư là giảng sư kinh Kim Cang, nhưng bị bà già bán bánh hỏi trả lời không được, sau khi gặp thiền sư Sùng Tín và ngộ đạo, Sư cũng có những lối nói khác thường để đánh thức người học không kẹt trên chữ nghĩa. Sư dạy: “Gần đây ở trong thời kỳ mạt pháp, có rất nhiều bọn quỷ thần ở nhà bên nói rằng: Ta là thiền sư. Chẳng biết học được bao nhiêu thiền đạo, nói tương tợ cho Lão Tăng nghe. Các ông! Những lão trọc ở mọi nơi dạy các ông tu hành thành Phật, chạy bên ngoài thành được bao nhiêu ông Phật? Các ông nếu mà không thể học, lại chạy theo cái gì? Nếu có học các ông thử đem cái học được trình cho Lão Tăng xem, một câu mà chẳng tương đương phải ăn một gậy đau điếng mới được”.

 Bởi trước kia ngài Đức Sơn cũng học nhiều, cũng kẹt trên chữ nghĩa, nên khi ngộ đạo Ngài thông cảm và có lối nói mạnh bạo để đánh thức người học phải tỉnh trở lại lẽ thật chính mình. Đến chỗ rốt ráo là làm tất cả mà không có gì để làm, không phải làm rồi chấp vào việc làm. Chỉ tự thầm hợp trong tâm. Đây là chỗ mà ngôn ngữ nói không có thể đến, vì vậy đến chỗ này thiền sư Huyền Giác nói câu trên.

“Đạo nhân nhàn”, tức là con người vô sự. Chữ “nhàn” ở đây không phải nghĩa làm biếng, là không làm gì hết. Ý chỉ con người vô sự, chỗ tuyệt học. Người vô sự là người rớt sạch hết những cái thâu lượm, những cái tích lũy. Thế nên, đối với lẽ thật thì đây là chỗ rốt ráo, cuối cùng buông hết. Người khéo học phải thấu suốt được chỗ này để không bị vướng mắc, đừng có tỏ ra ta đây, cũng đừng sinh sự thì gọi là đạo nhân nhàn. Bởi xưa nay nó vốn là vô sự, vốn không một vật nhưng chỉ vì người sinh sự nên thành ra ngăn cách, nếu biết buông để tâm rỗng rang thì dễ dàng khế hợp với đạo.

 Thiền sư Hoàng Bá bảo: “Người học đạo chỉ sợ một niệm có thôi”. Niệm “có” tức là sinh sự, là cùng đạo ngăn cách. “Niệm niệm không tướng, niệm niệm vô vi tức là Phật. Người học đạo nếu muốn thành Phật thì đối với tất cả Phật pháp thảy đều không dụng học. Chỉ học không cầu, không đắm trước. Không cầu tức tâm không sinh, còn không đắm trước tức tâm không diệt. Tâm không sinh không diệt tức là Phật”. Học là học đến chỗ đó, học để buông xả, không phải học để vướng mắc. Chỗ này nhiều khi chúng ta không hiểu cố học thật nhiều thành vướng mắc, thành bệnh.

Tiếp theo, Sư nói: “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân” Trừ vọng rồi bỏ ở đâu? Lấy cái gì trừ vọng? Cầu chân thì bảo ai giữ? Nếu có người giữ thì không phải thật rồi. Chính “cái đang cầu đó” cái đó mới quan trọng. Tỉnh được chỗ này mới là hay.

Sư chỉ thẳng ngay vọng tức là chân. Không riêng có cái chân nào khác để cho mình cầu. Còn bị gạt trong niệm chân vọng lấy bỏ, tức là còn kẹt hai bên, chưa thấy được lẽ thật, chưa đến chỗ Sư gọi là “Anh thấy chăng!”. Phải thấy thấu qua chỗ này. Bởi vì ngay nơi thể thấy biết hiện tiền của chúng ta mà chạy theo duyên theo cảnh thành tướng bị thấy, đó là vọng. Rồi cũng ngay thể thấy biết hiện tiền này mà biết lìa duyên lìa cảnh, không có tướng để thấy, đó là chơn. Đồng một thể thấy biết này ngay đó là vọng, ngay đó là chơn, không có cái riêng khác. Cho nên, chơn và vọng chỉ là hai danh từ chứ không có thật thể, không có thể thật là chơn, cái thể thật là vọng, không để lầm trên cái tên.

Chính Kinh Lăng Nghiêm cũng nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”. Thấy biết mà lập biết thì tức là gốc vô minh, còn thấy biết mà không có thấy biết, đây tức là Niết-bàn. Ngay cái thấy biết này mà thêm cái biết nữa đó là vô minh, rồi cũng ngay cái thấy biết này nguyên vẹn là thấy biết không thêm gì hết, đó là Niết-bàn, là chơn thật. Đâu có cái gì riêng khác. Đâu có ai không thấy biết! Mỗi người đều có thấy biết thì ai cũng có Niết-bàn, nhưng lại không chịu nhận để chịu thành vô minh, thật là đau quá đau! Cho nên Sư nhắc nhở đánh thức mỗi người xoay trở lại.

Qua hai câu: “Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn. Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân”. Nếu thấu suốt được chỗ này thì chân vọng chỉ là tên gọi không bận tâm, ngay đây thẳng vào.

Sư tiếp:“Tánh thực vô minh tức Phật tánh, Thân không huyễn hóa tức pháp thân”.

Tánh thật của vô minh tức là Phật tánh, còn cái “thân không” của huyễn hóa tức là pháp thân. “Thân không” tức là thân rỗng rang, thân rỗng suốt. Chỗ này khó hiểu. Đôi khi dịch là thân huyễn hóa, hư ảo là pháp thân. Dịch như vậy khiến người hiểu lầm. Bởi vì hai câu đối nhau. Câu trên “Vô minh thật tánh”, câu dưới  “Huyễn hóa không thân”. Tánh thật của vô minh và thân không của cái huyễn hóa. Trước Sư nói “Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân. Ý dạy là chân vọng không tách rời nhau. Đến đây Sư nói tánh thật của vô minh là Phật tánh. Bởi vô minh không có tánh riêng của nó, chỉ do mê Phật tánh nên tạm gọi là vô minh, còn tỏ ngộ được vô minh tức là Phật tánh. Không phải ngoài vô minh riêng có Phật tánh. Thường thường chúng ta nghe nói Vô minh và Phật tánh, nên nghĩ là hai tánh đối lập, đó là lầm nhận. Nói tánh thật vô minh đích thực là Phật tánh là ngầm chỉ vô minh không có tánh cố định, không phải là mãi mãi, là vĩnh viễn, mà chỉ là cái tạm thời. Vì thế, vô minh có thể hết.

Chính đây là niềm tin giúp chúng ta tu hành không phải sợ vô minh. Nếu mỗi người xoay lại quán kỹ sẽ thấy rõ. Vô minh tức là không sáng. Không sáng là không sáng cái gì? Nếu hoàn toàn không có Phật tánh thì lấy gì gọi là vô minh? Vô minh tức là mê Phật tánh. Nếu hiện có Phật tánh thì có gọi là vô minh không? Có Phật tánh thì sao gọi là vô minh được?! Cả hai trường hợp: Không Phật tánh cũng không gọi là vô minh; có Phật tánh cũng không gọi là vô minh. Thế nên tìm cái thật của vô minh không thể được. Vậy thì bám vào đâu mà gọi là vô minh? Chỗ này nếu quán kỹ sẽ thấy được lẽ thật của vô minh.

Cho nên, kinh Viên Giác nói vô minh như là người lầm phương hướng. Đêm tối lầm phương Đông tưởng là phương tây,  gọi là vô minh.  Khi có đèn thắp sáng thấy rõ phương đông là phương đông, phương tây là phương tây thì hết lầm. Nó không có thực tánh là như vậy.

Có vị Tăng hỏi thiền sư Qui Sơn:

- Thế nào là đạo:

Sư đáp:

- Không tâm là đạo.

 Vị Tăng thưa:

- Con chẳng hội.

 Qui Sơn bảo:

- Thì hãy hội lấy cái chẳng hội đó.

 Tăng thưa:

- Thế nào là cái chẳng hội.

 Qui Sơn bảo:

- Chính là ông chứ không riêng người nào khác.

Chẳng hội tức là chẳng hiểu. Mà chẳng hội thì cái gì chẳng hội? Thấy được nhận ra được chỗ đó là xong. Cũng vậy, nói vô minh thì cái gì vô minh? Nhận ra chỗ đó là xong.  Rất đơn giản. Cứ tưởng vô minh là cái gì ghê gớm. Sư chỉ rõ tánh thật của vô minh tức là Phật tánh.         

“Thân không huyễn hóa tức là pháp thân”. Thân huyễn hóa và pháp thân cũng không đối lập nhau, pháp thân ở ngay thân huyễn hóa này.

Ngay đây không có người thứ hai. Ngay thân huyễn hóa khéo thấu suốt, không dừng nơi thân đó thì tức là pháp thân. Bởi pháp thân không hình tướng, tuy không tướng nhưng tùy duyên hiện nơi tướng. Nếu người khéo ngay tướng sẽ thấy được vô tướng, không phải ngoài tướng thấy vô tướng. Thấy mà không phá hoại các tướng.

Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư nói: “Ngay nói năng động dụng tức là ánh sáng chính mình hiển lộ”. Nghĩa là ngay cái thân nói năng động dụng này, tức ánh sáng của chính mình hiển lộ chứ không có gì khác. Song vì  chúng ta kẹt trên hình tướng, trên động dụng mà quên mất ánh sáng chính mình, nên gọi là mê, là vô minh.

Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ nhắc nhở:

Đêm đêm ôm Phật ngủ.

Sáng sáng cùng Phật dậy.

Đi đứng thường theo nhau.

Ngồi nằm cùng chung ở.

Phút giây chẳng tạm rời.

Giống như bóng theo hình.

Muốn biết chỗ Phật đi.

Chỉ ngay lời nói ấy.

Ngài dạy: “Mỗi đêm cùng ngủ với Phật, sáng thức dậy cũng thức dậy với Phật, đi đứng cũng thường theo sát bên nhau, ngồi nằm cũng chung ở với Phật. Ngay lời nói đó, ngay hiện tại đây, là chỗ Phật sống chứ không đâu khác”.

Vậy thì hằng ngày cái giả và cái thật luôn theo nhau, người khéo soi trở lại liền thấy, nhận ra nó vốn đầy đủ từ thuở nào chứ không thiếu gì hết. Tức là ngay cái thân huyễn hóa đi đứng tới lui, ngủ nghỉ hiện tại đây là Phật pháp thân luôn hiển lộ trong đó. Chính là chỗ sống thật của mình.

 Kinh Pháp Hoa gọi đó là tuổi thọ vô lượng vô biên, nhiều hơn cát bụi. Mỗi người đều có tuổi thọ vô lượng vô biên như vậy, tại sao không chịu nhận để sống, mà cứ sống với cái huyễn hóa tạm bợ này, để rồi buồn vui, giận ghét, hơn thua, ganh tỵ, phiền não với nhau, có nghĩa lý gì đâu! Cái thật siêu việt không ở đâu xa, ngay chính mình, ngay cuộc sống hằng ngày đây mà không chịu nhận ra để sống, lại sống với cái huyễn hóa, tạo thành bao nhiêu phiền lụy với nhau, cuối cùng tất cả đều ra nghĩa địa, vô nghĩa. Còn nghiệp đã tạo lại phải mang qua đời sau để chịu khổ, để kết oán kết hờn với nhau nữa! Ít ai suy nghĩ kỹ điều đó! Mỗi người nên tự xét lại, tự cứu mình. Tự tỉnh trở lại để vươn lên, vượt khỏi cái huyễn hóa vô minh này, sống cuộc sống chân thật ở nơi mình đã bỏ quên. Đây là lời nhắc nhở vô cùng quí báu của chư Tổ, không phải tầm thường. Ngay cái thân huyễn này có một cái thật siêu việt trong đó.

Có vị thiền sư gạn hỏi chỗ nhận hiểu của chúng. Sư đưa ra vấn đề là: “Như là có hai người đi trong mưa, tại sao có một người chẳng ướt?”

Một vị tỏ ra lanh lợi, thưa:

- Bởi vì người không ướt là có mặc áo mưa còn người ướt thì không mặc áo mưa.

Vị khác thưa:

- Do vì một người đi dưới mái hiên nên không ướt.

Một vị khác tiếp:

- Vì mưa có vùng. Bên này mưa, bên kia không mưa.

Thiền sư kết luận: “Các ông đều kẹt trong lý luận. Đây nói cả hai người đi trong mưa mà có một người chẳng ướt thì chẳng phải là cả hai đều ướt hết hay sao?” Khi nghe nói một người chẳng ướt liền nghĩ theo thường tình là một con người bằng da bằng thịt, có mắt, tai, mũi, lưỡi nhìn thấy được đây, nên suy nghĩ rồi lý luận, đó là theo danh mà khởi tưởng, bị ngôn ngữ gạt. Không ngờ ý thiền sư không phải ở chỗ đó?

Nếu hiểu theo thường tình, thì hai người này đều ướt hết. Còn “người chẳng ướt” là người nào? Nếu thấy được người này thì dù cho đi trong mưa to tầm tã cũng không có dính dáng gì hết, thấy được chỗ này liền hiểu được câu “Thân không huyễn hóa tức pháp thân”. Ngay thân huyễn hóa này tức là pháp thân. Đó là con người không ướt. Tuy nhiên, chỗ này không phải là chỗ lý luận cho vui, cần có một cái nhảy vượt lên mới thấy được.

Chính chỗ này ngài Phó Đại Sĩ có làm bài kệ:

Tay không cầm cán mai,

Đi bộ ngồi lưng trâu,

Người đi qua trên cầu,

Cầu trôi nước chẳng trôi.

Tay không lại cầm cán mai, mà cầm cán mai sao lại nói tay không? Có mâu thuẫn không? Rồi đi bộ mà ngồi lưng trâu. Ngồi lưng trâu thì đâu có đi bộ? Còn người đi qua trên cầu, sao lại nói cầu trôi nước không trôi?

Hiểu theo thường tình thì thấy lời kệ mâu thuẫn ngược đời, có khi lại nghĩ là người ghi sai lời  nên sửa lại cho dễ hiểu. Không ngờ tâm đó là tâm phàm phu. Bởi vì đây là bài kệ nói về pháp thân. “Tay không cầm cán mai”. Cầm mà không có cầm gì hết. “Đi bộ ngồi lưng trâu”. Nói đi mà cũng không có đi đâu! “Người đi qua trên cầu, cầu trôi nước không trôi”. Thấu qua tướng phân biệt, không mắc kẹt trên thân huyễn hóa này, thấy được nó mới thấy được ý nghĩa pháp thân.

CHÁNH VĂN:

 2- Pháp thân giác liễu vô nhất vật,
      Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.
      Ngũ ấm phù vân không khứ lai,
      Tam độc thủy bào hư xuất một.

***

2-  Pháp thân giác rồi không một vật,

      Sẵn nguồn tự tánh thiên chân Phật.

      Năm ấm, mây trôi qua lại suông,

      Ba độc, bọt nổi luống còn mất.

GIẢNG:

“Pháp thân giác rồi không một vật,
Sẵn nguồn tự tánh thiên chân Phật”.

Giác được pháp thân rồi liền thấu rõ trong ấy không một vật, thì đâu còn lầm với cái gì! Nhưng ở đây phải giác rồi gọi là giác liễu. Đây là chỗ bặt hết tâm suy nghĩ, phân biệt. Thông thường, người nghe nói pháp thân liền tưởng là có một cái thân hình tướng, cũng có đầu, có mắt, có tai, có mũi, lưỡi… Nếu vậy là thành một vật, tự ngăn cách mình. Hoặc nghe nói pháp thân liền nghĩ cái gì đó để cho mình giác, vậy cũng là lầm. Vì đây là “không một vật” không có chỗ để so sánh.

Thiền sư Quang Dũng sang miền Bắc yết kiến Lâm Tế, lại trở về hầu Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi:

- Ngươi đến làm gì?

Sư thưa:

- Đảnh lễ ra mắt Hòa thượng.

- Thấy Hòa thượng chăng?

- Dạ thấy.

- Hòa thượng sao giống in như lừa?

- Con thấy Hòa thượng cũng chẳng giống Phật.

- Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì?

- Nếu có chỗ giống thì cùng lừa khác gì ?

Ngưỡng Sơn ngạc nhiên nói:

- Phàm thánh cả hai đều quên, tình hết, thể hiện bày, ta lấy đây nghiệm xét người, hai mươi năm không ngờ vực. Con nên gìn giữ đó.

Đó là thiền sư Ngưỡng Sơn gạn xem chỗ thấy của Quang Dũng thế nào và Quang Dũng thấu được chỗ này, nên thiền sư hứa khả. Bởi có “chỗ giống” tức là có chỗ so sánh là thuộc về vật, nên chưa thoát khỏi sinh diệt, là pháp hư dối, do đó Quang Dũng nói nếu có chỗ giống thì cũng như lừa khác gì! Là đồng với vật..

“Sẵn nguồn tự tánh thiên chân Phật”. Chữ thiên chân là tự nhiên, là sẵn có, không có gì làm ra. Đây chỉ ông Phật xưa nay sẵn có, chứ không phải là Phật do tạo tác, do làm thành. Nghĩa là ngay nơi tự tánh xưa nay của chính mình sẵn có Phật, trong nguồn tự tánh sẵn nơi mình đó là Phật. Trong tự tánh mỗi người đều có vị Phật thiên chân này, chúng ta cần soi lại để sống với ông Phật đó. Phật này gọi là Bổn nguyên, là sẵn nguồn tự tánh.

Trong Kiến Tánh Thành Phật, thiền sư Chân Nguyên nói kệ:

Bổn tự viên thành bất giả điêu,

Trú thiên trú địa nhậm tiêu diêu.

Chánh giác bản lai vô nhất vật,

Thông thân bất quải nhất ty hào.

***

Vốn tự nhiên thành chẳng tạc điêu,

Chống trời chỏi đất mặc tiêu diêu.

Xưa nay Chánh giác không một vật,

Toàn thân chẳng dính mảy tơ hào.

 Tức là lẽ thật đó, tự nó viên thành. Tự nó thành tựu đầy đủ viên mãn, không phải nhờ tạc, nhờ điêu; nó chống trời, chỏi đất mặc tình tiêu dao tự tại, không gì trói buộc được. Chánh giác xưa nay không một vật, toàn thân không dính mảy tơ nào hết, đó là chỉ lẽ thật này, tức là Phật thiên chân.

Nhưng cũng cần phải xét cho thấu rõ: Cái gì là Phật thiên chân? Đâu là nguồn tự tánh? Phải thấu được chỗ đó chứ không phải chỉ lý luận suông trên danh từ.

Trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư nói: “Phật là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Tánh giác. Giác là linh giác ứng cơ tiếp vật, nhướng mày chớp mắt, giơ tay động chân, đều là tánh linh giác của chính mình. Tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Phật tức là đạo. Đạo tức là thiền”. Ngay nơi tâm này đầy đủ hết. Soi lại nơi tự tâm là đầy đủ tất cả, hiện tiền trong mọi động dụng đều không thiếu sót, nên gọi là ứng cơ tiếp vật, nhướng mày chớp mắt, giơ tay động chân đều là tánh linh giác của chính mình. Nếu không có tự tánh thì lấy cái gì giơ tay động chân, mấy đốt xương, mấy sợi gân này nó đâu có biết giơ tay động chân.

Chỗ lầm của chúng ta là ở trong đó lập thêm tự tánh để hiểu nữa. Chính ngay giơ tay động chân là tự tánh, còn lập thêm cái gì nữa? Chỉ cần ngay khi động dụng chúng ta không trụ vào cái gì hết, lìa tất cả tướng, không một vật thì  Phật thiên chân sờ sờ hiện rõ.

“Năm ấm mây trôi qua lại suông,

Ba độc bọt nổi luống còn mất”.

Tức giác ngộ lẽ thật này rồi, nhìn lại thân năm ấm rõ ràng như mây nổi. Phải là bậc sống được với “Pháp thân giác liễu vô nhất vật”, mới thấy được thân năm ấm rõ ràng như mây nổi, không có thực tánh, không thật có đến đi sinh diệt

Năm ấm tức là năm thứ che đậy. Sắc lấy ngăn ngại làm nghĩa, gọi là sắc ấm. Thọ lấy cái nghĩa lãnh thọ. Tưởng là tưởng tượng. Hành là niệm niệm dời đổi. Còn thức là phân biệt. Nói năm thứ đó che, song xét cho thật kỹ thì nó có thật che đậy hay không?

Ngay đây Sư chỉ cho chúng ta thấy năm ấm chỉ là đám mây trôi qua trôi lại giữa bầu trời thênh thang. Đám mây trôi thì trôi nhưng cũng chỉ ở trong bầu trời. Vậy ngay khi đám mây trôi qua lại đó thì bầu trời thênh thang ở đâu? Ngay khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức qua lại thì bầu trời chân thể pháp thân ở đâu? Thấy được chỗ này là sống được ngay chính mình. Năm ấm có hiện khởi cũng là hiện khởi trong tự tánh pháp thân, không hề tách rời. Vậy thì tại sao chúng ta không sống trở lại với bầu trời pháp thân thênh thang, có vui sướng hơn không? Lại đi theo đám mây hư dối qua lại rồi chịu khổ, phải lo sợ còn mất!

Ngay đây, nếu khéo thì khi đất, nước, gió, lửa thuộc sắc đang hiện khởi nhưng không có tâm khởi; thọ mà không có chỗ thọ; tưởng mà không có chỗ tưởng; ngay hành dời đổi, động niệm mà không chỗ động niệm dời đổi; ngay khi phân biệt không có chỗ phân biệt, thì có cái gì là ấm? Có cái gì che được? Thường người nghe nói rồi mắc kẹt danh từ, tưởng tượng thành ra bị nó che. Đây là chỗ phải thấu qua.

Thiền sư Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:

- Chúng sinh ở trên quả đất nghiệp thức mênh mông không gốc có thể tựa, con làm sao biết họ có cùng chẳng có?

Thưa: “Con có chỗ kinh nghiệm”.

Lúc ấy có vị Tăng đi qua trước mặt, Ngưỡng Sơn liền gọi: “Xà Lê”, vị Tăng đó liền xoay đầu lại, Sư thưa:“Bạch Hòa thượng! Đó là nghiệp thức mênh mông không gốc có thể tựa”.

Qui Sơn bảo:

- Đây quả là một giọt sữa sư tử làm tan sáu đấu sữa lừa.

Nghe nói là nghiệp thức mênh mông thì mình tưởng đâu cái gì ghê gớm lắm không biết làm sao mà tu, song tuy là nghiệp thức mênh mông nhưng không gốc thì chúng ta có thể nhổ lên bất cứ lúc nào. Ngưỡng Sơn thấy vị Tăng vừa nghe tiếng gọi liền xoay đầu lại thì chỉ ngay đó là nghiệp thức mêng mông… Tăng nghe tiếng rồi theo tiếng xoay đầu lại, là quên mình theo vật. Nếu ngay đó nhớ lại tánh nghe liền nhổ gốc nó lên, thì đâu có gì mà che được. Vừa nghe gọi liền biết đáp thì ấm đâu có che. Song vì theo tiếng quên mất tự tánh nên mới gọi là che.

Lẽ thật luôn luôn hiện hữu nơi chúng ta nhưng chúng ta lại bỏ qua, thật đáng tiếc! Vì thế, Tổ Sư chỉ chân lý vốn tự đầy đủ trong tất cả động dụng hằng ngày, đây là lẽ thật chứ không phải lý luận.

Nhắc lại, thiền sư Thần Tán khi kỳ lưng cho Thầy Bổn sư tắm, Sư vỗ lưng Thầy nói: “Điện Phật này đẹp nhưng mà Phật không có thánh”. Thầy Bổn sư nghe mới xoay đầu ngó lại, Sư nói: “Phật tuy chẳng thánh mà lại thường hay phóng hào quang”.

Cái gì biết xoay đầu? Đó là Phật đang phóng hào quang, ấm đâu có che được! Song chúng ta chỉ nhớ cái đầu xoay, nhớ cái thân này mà không thấy được án         Sư thưa: “Lễ cái không già nua kìa!”

Bảo: “Nhưng mà cái không già nua thì không có nhận lễ”.

Sư thưa: “Y cũng chẳng dừng”.

Hai thiền sư rõ ràng thấy thấu qua cái già nua là năm ấm này. Người đạt đạo thấy rõ, không mắc kẹt thân năm ấm thì nó đâu che được. Vậy ấm mà phi ấm. Nó không có thực thể. Tại sao chúng ta cứ bám vào thân năm ấm để chịu phiền lụy với nó, sống ngăn cách với nhau? Thử kiểm lại cuộc sống chúng ta: phiền nhau, ngăn cách nhau, thành kiến với nhau cũng vì cái gì? Cũng vì năm ấm này chứ gì! Trong khi ánh sáng chân thật luôn hiện hữu lại không chịu nhận bỏ qua, gọi là người trí được không? Nhưng nếu ai chê không phải là người trí thì có chịu không?

Ở đây, thiền sư Huyền Giác đánh thức chúng ta tỉnh giác, nhớ trở lại lẽ thật, nên nói năm ấm như là mây nổi luống qua lại gọi là “không khứ lai”. Rồi “Ba độc bọt nổi luống còn mất”. Ba độc giống như là hòn bọt nổi trên biển, tạm còn tạm mất, chỉ là giả dối.

Ba độc là tham, sân, si. Nó không có thực thể, không cố định, chợt còn chợt mất như bọt nổi trong biển chân như. Nếu xét kỹ, khi chúng ta nổi lòng tham, thì khi đó có cái biết không? Khi sân, si có biết không? Nếu không biết thì lấy gì để tham, sân…? Do có cái biết thấy đồ vật đẹp mới sinh tham, cũng do có biết nên nghe nói trái tai mới nổi sân, rồi cũng do có biết song quên mình theo vật nên mới có si. Ví như cây đá hoặc xương thịt, gân đâu có si! Nếu có biết tức là có mầm giác, giác là biết. Song cái biết có khác nhau, nếu cái biết có xen bản ngã vào, thì có phiền não tham sân si; còn biết mà không xen bản ngã, không rời tự tánh thì phiền não làm sao khởi! Nếu chúng ta biết tất cả mà không có ngã cũng như không rời tự tánh chính mình thì phiền não có khởi được không? Đó là trở về nguồn chân! Rõ ràng ba độc là bọt nổi chứ có gì đâu!

Thời Phật, Tôn giả Nan Đà và Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc khi chưa xuất gia là những vị được xem là tham dục nặng, khi được Phật giáo hóa tỉnh ngộ tu chứng A-la-hán. Vậy cái tham dục của các vị đi đâu rồi?

Trong nhà thiền kể chuyện một hiệp sĩ đến gặp thiền sư Bạch Ẩn hỏi: “Có thiên đường và địa ngục không?”

Thiền sư Bạch Ẩn hỏi: “Ông là ai?”

Đáp: “Tôi là Hiệp sĩ”.

Bạch Ẩn bảo: “Ông mà là hiệp sĩ ư! Vị quan nào thuê ông làm cận vệ, gương mặt ông trông giống tên ăn mày không khác”. Cơn giận nổi lên hiệp sĩ liền đặt tay vào chuôi kiếm.

Thiền sư tiếp: “Thì ra ông cũng có kiếm! Vũ khí của ông trông có vẻ cùn lụt lắm, làm sao chặt đầu ta được!” Hiệp sĩ vừa nghe tới đó chịu hết nổi, rút bật cây kiếm ra liền.

 Khi đó thiền sư Bạch Ẩn liền cười: “Đây chính là cửa địa ngục đang mở”. Hiệp sĩ tỉnh ngộ, biết mình sai lầm liền tra kiếm vào vỏ, cúi đầu tạ lỗi.

Thiền sư bảo: “Đây là cửa thiên đường đang mở”.

Vậy, nổi sân rồi sau đó tỉnh lại thì cái sân đi đâu? Rõ ràng nó là bọt nổi trong biển tâm chứ có gì đâu! Nếu sân là thật thì dù có buông bỏ cách mấy nó vẫn tồn tại. Quán xét kỹ, chúng ta thấy rõ, hễ quên tánh thật thì sân, nếu giác được sân liền trở về tánh thật. Bởi thể giác không có hai. Như vậy, sự còn mất của cái sân đó giống như bọt nổi, không thực thể. Đã ngộ thấu cái gọi là “ấm mà phi ấm”, “độc mà phi độc” nên thiền sư Huyền Giác nói tam độc như bọt nổi, vốn không có thật tánh cố định, nếu ngay đó tỏ ngộ liền nhận được tự tánh vô sinh chính mình. Con đường đốn giáo là ở chỗ đó. Mỗi người đều có khả năng chuyển hóa, không nên mặc cảm, không đổ thừa tham sân si nhiều quá không tu được.

Có vị tăng đến hỏi thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm:

- Học nhân mờ tối chậm lụt, một phen bị chìm nổi làm thế nào ra khỏi?

Triệu Châu ngồi yên không nói.

Vị Tăng thưa:

-  Con thật tình hỏi Hòa thượng.

Triệu Châu bảo:

-  Ông ở chỗ nào mà làm một chìm một nổi.

Sư kích thích ông Tăng tỉnh ngộ, nhận lại lẽ thật chính mình. Ông nói rằng ông đang chìm nổi, nếu ông đã chìm nổi thì ai đang hỏi đây? Đang đứng hỏi rõ ràng thì còn có người nào khác nữa mà chìm nổi? Do ông tự mê, tự quay lưng với chính mình, sự thật thì không có ai khác vào đây hết. Tức không có một người tham sân si nào riêng nữa. Chỉ cần tỏ ngộ tự tánh vô sinh chính mình thì không có gì che được lẽ thật. Từ bản tâm chứng đạo, thiền sư Huyền Giác nói lên sự thật, người học cần phải hiểu thấu đáo để không lầm lẫn.

Song đối với pháp thân thì không phải là chỗ suy lý hay biện luận. Giác được pháp thân không một vật, mới thấu được năm ấm, ba độc không thật như mây nổi, như bọt nước, trái lại nếu còn tình chấp ngã thì vẫn thấy là thật, còn vướng lụy vì nó. Đây không phải do lý luận rồi nó thành không, cũng không chỉ nói suông, mà phải là chỗ thật tu thật chứng. Nên cần phải giác, phải thấy rõ pháp thân rồi từ pháp thân nhìn lại thấy rõ ràng năm ấm… không thật, như mây trôi...

Từ tâm sáng ngời, thiền sư Huyền Giác đã bộc lộ ra những lời chân thật. Học Chứng Đạo Ca, mỗi người cần cảm nhận lẽ thật đó để sống, chứ không phải học cho vui, học để ngâm nga chơi hoặc là học để tăng trưởng thêm kiến thức hiểu biết, như vậy sẽ thêm ngã kiến, thêm ngăn che lẽ thật của chính mình. Nếu khéo nhất tâm học, xoay lại rồi ứng dụng tu thì tác phẩm này sẽ giúp chúng ta nhiều lợi ích lớn lao. 

CHÁNH VĂN:

4-  Đốn giác liễu Như Lai thiền, 
      Lục độ vạn hạnh thể trung viên.

      Mộng lý minh minh hữu lục thú, 
      Giác hậu không không vô đại thiên.

***

4-  Chóng giác xong Như Lai thiền,

      Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên.

      Trong mộng rành rành bày sáu thú,

      Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn.

GIẢNG:

Chóng giác hay đốn giác, tức là ngay đó giác ngộ không qua thứ lớp, không suy nghĩ phân biệt, không chần chừ do dự, không trả giá. Đó là con đường Thiền tông.

Nếu công phu tương ưng thì nhận liền, còn tính toán ngày mai tôi sẽ đốn giác, tính như vậy không thể giác ngộ. Vì thế, không thể đem trí thông minh thế gian xen vào chỗ này được. Anh thông minh, giỏi lý luận, nhưng dù suy tưởng hay cách mấy cũng không thể đến được, cần phải vượt qua và dừng suy nghĩ mới có thể tương ưng.

Thiền sư Đại Ngu đến từ biệt thiền sư Trí Thường (Qui Tông). Qui Tông hỏi:

- Ông đi đâu?

Đại Ngu thưa:

- Đi các nơi học ngũ vị thiền.

Qui Tông bảo:

- Các nơi có ngũ vị thiền còn ta trong ấy chỉ có nhất vị thiền.

Đại Ngu thưa:

- Thế nào là nhất vị thiền?

thiền sư liền đánh.

Đại Ngu bỗng nhiên đại ngộ, thưa:

- Ngưng! con hội rồi.

Qui Tông bảo:

- Nói! nói!

Đại Ngu suy nghĩ để trả lời.

Qui Tông liền đánh đuổi ra.

Đó! con đường đốn giác là như vậy. Nếu thấy thì thẳng đó thấy liền, từ trực giác nói ra, nếu còn suy nghĩ là rơi vào tình thức nên bị đánh đuổi ra.

Thiền sư Lâm Tế thượng đường bảo:

- Trên cục thịt đỏ có vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Người chưa được chứng cứ hãy xem! xem!

Có vị Tăng ra hỏi:

- Thế nào là vô vị chân nhân?

Sư bước xuống tòa nắm đứng bảo:

- Nói! Nói!

Vị Tăng ấy suy nghĩ. Sư liền buông ra, nói:

- Vô vị chân nhân là cái gì, cục cứt khô.

Sư liền trở về phương trượng.

Nếu ngay đó trả lời được là xong, còn nghĩ ngợi là bị đánh bị gạt ra. Như vậy để thấy dù có thông minh, lanh lợi cách mấy cũng đâu đem ra dùng được vào chỗ này, vì vừa suy nghĩ là bị gạt ra. Chỗ này gọi là trực nhận, là đốn giác, không cho ý thức xen vào.

Sư nói “Chóng giác xong rồi” mà giác cái gì? Chính là chóng giác Như Lai thiền.

Như Lai thiền là thiền trong tự tánh thanh tịnh của Như Lai chứ không phải là Tứ thiền Bát định. Trong đó, lìa hết đối đãi, chỉ cho tâm tông của Phật Tổ. Nhân Đức Thế Tôn đưa cành hoa sen lên Tổ Ca-diếp mỉm cười, ngay đó thầy trò cảm thông nhau. Chính chỗ này về sau ở Việt Nam thiền sư Chân Nguyên tỏ ngộ qua hình ảnh bốn mắt nhìn nhau, còn gọi là Tứ mục tương cố. Khi bốn mắt nhìn nhau, khi ấy nói cái gì ở trong đó mà thiền sư tỏ ngộ? Nếu nhận thì nhận liền, nên gọi đốn giác, Như Lai thiền là vậy.

Thiền này không có trong kinh điển hay trong văn tự sách vở hoặc trong ngôn ngữ luận bàn. Vì “cái đó” đâu có nằm trong văn tự chữ nghĩa, cũng không thuộc hình thức định nghĩa. Theo sự học thế gian thì cần định nghĩa, nhận hiểu..., nhưng ở đây nếu định nghĩa được thì không còn là Như Lai thiền. Muốn định nghĩa nhận hiểu thì đã thành thiền văn tự. Thế nên, đến chỗ này bắt buộc hành giả phải là người thực tu thực ngộ mới cảm nhận được.

Trong Kiến Tánh Thành Phật, thiền sư Chân Nguyên có làm bài kệ:

Thiên kinh vạn luận chỉ tâm tông,

Tứ mục trừng giao tuệ nhãn thông.

Tam thế Như Lai truyền pháp ấn,

Nhất tâm thị Phật bổn nhiên đồng.

***

Ngàn kinh muôn luận trỏ tâm tông,

Bốn mắt trừng nhau mắt tuệ thông.

Ba thuở Như Lai truyền pháp ấn, 

Một tâm là Phật sẵn vậy đồng.

Thiền sư dạy dù cho ngàn quyển kinh, muôn bộ luận cũng đều chỉ tâm tông chứ không gì khác hết. Ngay khi bốn mắt nhìn nhau lúc đó mắt tuệ mở ra thông suốt liền. Truyền pháp ấn là truyền chỗ đó. Như Lai thiền gọi đó là tâm Phật, xưa nay đều sẵn như vậy.

 Tiếp Sư nói “Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên”. Trong tánh thể tự tròn đủ lục độ vạn hạnh. Sáu độ tức là sáu Ba-la-mật: Bố thí độ xan tham, Trì giới độ phá giới, Nhẫn nhục độ sân hận, Tinh tấn độ giải đãi, thiền định độ tán loạn, Trí tuệ độ ngu si. Đó là nói về mặt hẹp. Còn nói rộng tức là muôn hạnh ứng dụng ra thành muôn việc làm thể hiện Bồ-tát hạnh. Sư nói tất cả lục độ vạn hạnh đều tròn đủ trong thể tánh, ngộ được chỗ này thì thấy rõ nghĩa bố thí, trì giới… mà nếu rời tự tánh bố thí… thì có thành Ba-la-mật được không?

Ba-la-mật là rốt ráo. Nếu bố thí, trì giới mà rời tự tánh thì làm sao thành Ba-la-mật? Rời tự tánh tức rơi vào chấp tướng, còn kẹt tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, còn mang bóng dáng của cái tôi, đâu thành được. Cho nên, người ngộ được tự tánh thì đầy đủ lục độ, vì tự tánh vô trụ. Vô trụ là buông xả không bám vào duyên nào hết gọi là bố thí độ; Tự tánh thanh tịnh không lỗi gọi là trì giới độ; Tự tánh không sinh gọi nhẫn nhục độ; Tự tánh hằng giác gọi tinh tấn độ; Tự tánh không loạn gọi thiền định độ, tự tánh không mê là trí tuệ độ. Ngay trong đó tự tánh đầy đủ tất cả.

 Thế nên, lục độ đều từ tâm tánh hiện thành. Nếu chúng ta khéo soi lại sẽ thấy rõ, vì có tâm mới biết bố thí, có tâm mới biết trì giới… khi sống được với tâm tánh sẽ hiện ra đầy đủ trong tất cả mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi cử chỉ đều sáng ngời, đều ở trong ánh sáng chánh giác, đều thành diệu hạnh.

Xưa chính chỗ này, khi Lục Tổ đại ngộ, đã thốt lên: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ …” Khi tỏ ngộ rồi Tổ thấy ngay tự tánh đủ muôn đức, phát khởi ra muôn hạnh lành không cùng tận. Tự tánh vốn không cùng tận nên ứng ra muôn công đức lành cũng không cùng tận, đây chính là của báu nhà mình dùng mãi không hết, không phải vay mượn bên ngoài. Chỗ này cũng chỉ chúng ta ngộ Vô Sư Trí nơi mình, từ đó ứng dụng ra mới thành diệu hạnh không thể nghĩ bàn, và mới giữ gìn được của báu Như Lai, bảo vệ được gia bảo của nhà mình.

Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, trong kinh Pháp Hoa, Phật không nhận Bồ-tát ở tha phương để truyền kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Ở cõi Ta-bà của Ta đây tự có vô lượng Bồ-tát sẵn sàng truyền kinh”. Vừa nói xong, đất liền nứt ra, vọt lên vô số Bồ-tát phát nguyện trì kinh. Đất chỉ đất tâm của mỗi người, nếu đất tâm của mỗi người nứt ra thì tan vô minh, mà tan vô minh thì sẽ phát ra vô số diệu hạnh của Bồ-tát. Rõ được chỗ này gọi là “Chóng giác xong Như Lai thiền, Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên” đầy đủ hết không thiếu.

Đến câu “Trong mộng rành rành bày sáu thú.Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn”. Trong mộng bày sáu cõi luân hồi rõ ràng, còn khi tỉnh giác rồi thì vắng bặt cả thế giới tam thiên đại thiên.

Đến chỗ này không thể nói thiền trên miệng được, vì khi còn mê còn mộng thấy mình có thật, cảnh có thật cho nên có buồn, vui, khổ, sướng… cũng thật luôn, thành ra có đủ sáu nẻo luân hồi cho mình đi, vậy nên Sư nói “Trong mộng rành rành bày sáu thú”.  Thú là đến. Vì mê còn thấy người thật cảnh thật, tức là còn có ta, mà còn có ta thì còn có chỗ để ta đến, ta ở, ta thọ sinh… không chạy trốn đâu khỏi hết. Nếu cái ta lành thì đi đến chỗ an vui, còn cái ta dữ thì đi đến chỗ xấu thọ khổ. Hiểu kỹ rồi mới thấy sợ, vì chỗ này không thể dùng lý luận giỏi để biến những cái khổ vui trong lục đạo luân hồi thành không được.

Như bài Minh Tổ Qui Sơn nói: “Thân huyễn nhà mộng, Trong không vật sắc, Mé trước không cùng, Mé sau chẳng biết, Ra đây vào kia, Xuống lên quá nhọc, Chưa khỏi tam luân, Bao giờ thôi dứt”. Nghĩa là cái thân huyễn hóa như nhà mộng này, từ chỗ không lại hiện thành vật sắc, nó mênh mông không cùng, ra đây vào kia, xuống lên quá nhọc, cứ lăn lộn tạo nghiệp hoài trong đó không hề dừng nghỉ.

Nhưng trong đây Sư lại nói: “Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn”. Nếu giác ngộ, tỉnh ra thì cả tam thiên đại thiên thế giới cũng vắng bặt không chỗ đến. Trong câu này dùng hai chữ Không “Không không vô đại thiên” tức sạch hết dấu vết.

Chỗ này thiền sư Từ Đạo Hạnh cũng từng nói: “Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không”. Nghĩa là nói có thì tất cả đều có, nói không thì tất cả đều không. Trần sa là hạt bụi. Nếu nhìn theo chiều có thì từng hạt cát, hạt bụi cho đến những cõi nước như trần sa đều có đủ hết không sai chút nào, tất cả đều hiển bày. Còn nếu nhìn theo chiều không thì tất cả đều không, xưa nay không một vật. Hễ tâm sinh thì các thứ pháp sinh nên cái gì cũng có hết, còn tâm diệt thì các pháp diệt không có gì thật hết. Có và không đều là tướng vô thường không thật, nếu hiểu thấu được chỗ đó thì thấy nó vốn là vô sinh. Cho nên chữ “không” ở đây không phải phá hoại các pháp rồi nói là không, mà dưới con mắt giác ngộ không có một pháp thật, tức là không có chỗ để sinh tâm, thấy suốt tất cả mà không dính mắc nên gọi là không, phải hiểu thật kỹ, chớ nên hiểu lầm. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một người trở về nguồn chơn, mười phương thế giới thảy đều tiêu mất”. Đó, nghĩa “không” là như vậy.

Có vị Tăng nghi ngờ hỏi: “Mười phương thế giới đều mất, tại sao lại thấy ngọn núi trước mặt còn ở đây?” Như chúng ta thấy ngọn núi còn trước mặt, tại sao nói không? Nếu hiểu nghĩa “không” theo nghĩa có và không thì không phải. Đây nói không, nói tiêu mất là tiêu mất với người đã giác, trong mắt của người giác ngộ thì tất cả không có cái gì thật, không có cái gì ngăn ngại, không chướng, còn chúng ta thấy cái gì cũng là thật nên còn chướng còn vướng mắc, cho nên nói là có.

 Có vị Tăng đến hỏi thiền sư Qui Tỉnh về chuyện “Cây Bách của ngài Triệu Châu”. Qui Tỉnh bảo: “Ta chẳng tiếc nói với ông, nhưng ông có tin hay không?” Tăng thưa: “Lời nói của Hòa thượng là quý trọng, con đâu dám chẳng tin”. Qui Tỉnh bảo: “Ông có nghe giọt mưa rơi trước thềm không?” Vừa nói tới đó thì vị Tăng tỉnh ngộ, sau đó Tăng làm bài tụng:

Thiềm đầu thủy đích,

Phân minh lịch lịch.

Đả phá càn khôn,

Đương hạ tâm tức.

***

Giọt mưa trước thềm

Rành rẽ rõ ràng

Đập nát càn khôn

Liền đó tâm dứt.

Tăng tỏ ngộ do nghe rõ ràng từng giọt từng giọt mưa trước thềm, ngay đó đập nát càn khôn, tâm dứt. Nếu hiểu theo chữ nghĩa thì càn khôn tức là trời đất, mà trời đất làm sao đập nát đây? Lấy cái gì đập? Ý nói khi tỏ ngộ tức là sạch hết niệm về vật, ngã, tâm hết sinh vì không còn chỗ để tâm khởi, nên vị tăng nói đập vỡ càn khôn là như vậy. Nghĩa là không còn chỗ để sinh tâm, chứ không phải là phá hoại cả trời đất cho thành không.

 Đến chỗ đó, tâm lặng lẽ không sinh, dứt bặt mọi cảnh duyên, nên thiền sư Huyền Giác nói: “Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn”. Tức tam thiên thế giới đều vắng bặt, đều không. Như vậy chúng ta thấy càn khôn còn nát, tam thiên đại thiên thế giới còn vắng bặt, thì cái áo, cái đãy hoặc là cái máy vi tính, cái đĩa… của chúng ta hiện tại có nghĩa lý gì!

Đến đây mới thấy, nếu còn bám chặt, còn dính vào những chuyện hiện tại thì làm sao đốn giác liễu được? Nếu để tâm sinh hoài như vậy thì chúng ta sẽ ra sao? Việc này không thể lý luận nhiều hoặc hiểu nhiều mà là sống được với tâm chân, đó là chỗ thực tế đánh thức mỗi người cần soi lại ứng dụng vào cuộc sống, chưa đến được chỗ đó còn phải khéo công phu chứ không thể dễ duôi được.                         

CHÁNH VĂN:

5-  Vô tội phước, vô tổn ích, 
      Tịch diệt tánh trung mạc vấn mích.

      Tỉ lai trần kính vị tằng ma, 
      Kim nhật phân minh tu phẫu tích.

***

5-  Không tội phước, không thêm bớt, 
      Trong tánh tịch diệt đừng hỏi kiếm. 
      Xưa nay gương bụi chửa từng lau,

      Đây lúc rõ phân cần biện chắc.

GIẢNG:

Sư nói: “Không tội phước, không thêm bớt, trong tánh tịch diệt đừng hỏi kiếm”. Nếu nói như vậy thì phá hết tội phước hay sao? Phải cẩn thận, chỗ này rất nguy hiểm. Có người hiểu được chút ít tưởng là thấu đáo rồi bác bỏ tội phước, mặc tình sống buông lung, kết quả bị đọa sâu. Đây, không phải nói không là nó thành không, tha hồ sinh tâm tạo tội, không phải chửi người ta rồi nói chửi cũng là không, đến lúc bị người chửi lại thì ngủ không được. Đó là nói dối, không phải như vậy.

Cần chú ý, trước đó thiền sư Huyền Giác đã nói: “Tỉnh rồi vắng bặt cả ba nghìn”. Tức là sau khi giác, dứt bặt chỗ sinh tâm rồi mới thấu được chỗ không tội phước, không tổn ích này. Bởi vì tội phước là ngoại duyên do huân tập, không phải cái sẵn có mà là từ tâm sinh. Nếu tâm không sinh hoặc là trước khi động niệm thì tội phước bám vào đâu?

Trong bài kệ sám hối: “Tánh tội vốn không do tâm tạo, tâm nếu diệt rồi tội sạch trong, tội không tâm diệt cả hai không, thế ấy mới là chơn sám hối”. Nghĩa là tội vốn do tâm tạo, không cố định, không phải sẵn có nên gọi tội vốn tánh không.

Thí dụ nếu không có tâm tham thì lấy cái gì tham? Nếu tâm không sinh thì tội cũng diệt. Nên nói “Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong”. Sư mới nói: “Không tội phước không thêm bớt, trong tánh tịch diệt đừng có hỏi kiếm”. Có khởi niệm thì có tướng, lúc chưa khởi niệm thì ai nhìn thấy được trong đó. Khi chúng ta ngồi thiền lúc tâm có niệm thì thấy biết được, còn trước khi động niệm, thì trong đó đâu có bóng dáng nhân ngã, vậy hỏi kiếm gì trong đó? Ai ở trong đó mà hỏi kiếm? Cho nên ngay đó dứt bặt niệm tội phước, thêm bớt. Tội phước y cứ trên niệm mà có, có niệm rồi mới có, không thể đến được trong tánh tịch diệt.

Do có tâm niệm thì mới có tạo tội, tức nương gá vào cái ngã, cái tôi mới có thành tội. Khi tạo tội thì ai tạo? Tức là tôi tạo. Rồi khi được phước thì ai được? Cũng là tôi được. Nếu không có tôi thì ai tạo, ai được?  Cho nên, nếu còn có niệm tội phước tức là còn có chỗ để sinh. Nói rõ hơn là còn niệm là còn sinh, niệm tạo tội đưa đi xuống còn tạo phước thì đi lên. Tội thì chịu khổ, phước thì hưởng vui.

Đến chỗ này nếu sống được với tánh tịch diệt không tội phước đó mới là chỗ vô sinh, đó cũng là thật tướng sám hối. Ngài Vô Não tức Ương-quật Ma -la giết người lấy ngón tay kết thành xâu chuỗi, là tạo tội ác vô cùng nhưng khi được Phật giáo hóa chứng A-la-hán thì sao? Thì tội ở đâu? Điểm này cần nhất tâm thanh tịnh vô niệm thì không có chỗ cho tội phước chen vào, làm mờ tánh tịch diệt của chúng ta.

Người học cần nhớ rõ chữ “không” ở đây gọi là không ý niệm tội phước, chứ không phải là phá bỏ tội phước, không nên hiểu lầm rồi mặc tình tạo tội. Hiểu được chỗ này thì chúng ta rõ được câu chuyện thiền sư Nam Tuyền chém mèo.

Một hôm, bên đông lang và tây lang cùng giành nhau con mèo. Nam Tuyền đến nắm con mèo giơ lên hỏi: “Nếu nói được thì tha, còn nói không được thì chém con mèo”. Trong chúng không ai nói được, Sư liền chém chết con mèo. Người sau này hỏi nếu như vậy thì ngài Nam Tuyền có tội không?

Chỗ này là chỗ rất tế nhị, hiểu sai không khéo sẽ nguy hiểm và bị sa đọa. Nếu ngay đó bặt hết niệm tội phước, tâm không sinh thì lúc đó con mèo sáng ngời, ngài Nam Tuyền cũng sáng ngời, đại chúng cũng sáng ngời, đâu có chỗ để nghi. Nếu chúng ta vừa khởi niệm nghi là có tội phước liền. Vừa có ý niệm tội phước che mờ, thì không thấy được Nam Tuyền. Vì thế việc này không phải do lý luận. Nhưng nói “Trong tánh tịch diệt” là ở đâu? Chúng ta học trên thực tế chứ không học chữ nghĩa nên cần phải thấy được chỗ này, đây là gợi ý.

Thiền sư Đơn Hà đến yết kiến quốc sư Huệ Trung gặp thị giả Đam Nguyên, hỏi:

- Quốc sư có ở nhà chăng?

Thị giả đáp:

- Ở thì có ở nhưng mà không thấy khách.

Sư bảo:

- Rất sâu xa thay!

Thị giả bảo:

- Mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy.

Sư khen:

- Rồng sinh rồng con, phụng sinh phụng con.

Quốc sư ngủ dậy, thị giả thuật lại, quốc sư đánh thị giả hai chục gậy đuổi ra.     

Sư nghe việc ấy bèn nói:

- Không lầm là Nam Dương Quốc Sư.

Chỗ này người ngoài nghe không hiểu nổi, tại sao lạ vậy? Nhưng nếu thấy được chỗ này thì mới thấy được “Trong tánh tịch diệt”.

Bởi vì quốc sư ngủ, ngủ tức là không thấy có chủ khách, không đối duyên, không có đối tượng, thì ai thấy được trong đó? Có khách tức là có đối tượng, có đối tượng tức là có duyên, có duyên thì có thấy. Còn đây không đối tượng… cho nên thiền sư Đơn Hà khen câu trả lời rất sâu xa. Song, thị giả Đam Nguyên đáp: “Mắt Phật cũng chẳng thấy”. Vì không có duyên không có khách thì đâu có hình tướng gì, nên mới trả lời câu trên.

Khi thị giả thuật lại cho Thầy nghe tức là đem tin tức từ bên ngoài vào, ngay đó có chủ có khách mà có chủ khách liền bị người ngoài thấy được, nên quốc sư liền đánh. Thầy trò cùng biểu hiện ý thiền, thấy được chỗ đó là cảm thông được câu “Trong tánh tịch diệt” này.

 “Xưa nay gương bụi chửa từng lau, đây lúc rõ phân cần biện chắc”. Nghĩa là sao? Tánh chất của gương vốn là sáng, không một vật, nên không lẫn lộn cái gì hết. Nhưng vì lâu nay không nhận rõ tánh sáng của nó nên nhận lấy các bụi trần là gương. Cũng vậy, chúng ta theo duyên, theo cảnh mà quên mất tánh sáng sẵn có của chính mình, như gương bụi chửa từng lau. Nhưng chính gì chửa từng lau cho nên chỉ thấy có bụi mà không thấy đâu là ánh sáng! Bởi không thấy ánh sáng, tưởng mình thiếu sáng, phải chạy tìm sáng. Đó là hiện trạng của người tu hành đi tìm giác ngộ. Tìm giác ngộ tức là tìm sáng chứ gì? cứ tưởng đâu mình thiếu nên tìm.

Như mỗi người chúng ta hiện nay đang sống với niệm trần lao phân biệt, gọi trần lao là bụi. Do phân biệt mới có biết, nếu không phân biệt thì không biết, nên mới luôn đi tìm phân biệt để mà hiểu biết, tưởng mình thiếu cái biết cho nên lúc nào cũng chạy đi tìm cái biết để hiểu.

Giờ đây, chúng ta cần phải biện biệt cho kỹ để không lầm lẫn. Chỗ này phải hiểu rõ: gương là gương, bụi là bụi, gương và bụi nó không đến với nhau. Gương nó vẫn sáng, không phải nhờ lau mới sáng, cũng như tánh giác sẵn có là giác chứ không phải nhờ tu mới có, dù có lau thế nào cũng không thể lau được tánh sáng của nó.

 Bởi nếu lau được tánh sáng thì sao? Nó đã thành tối rồi. Phải nhận hiểu rõ chỗ này. Lau được tánh sáng tức là có thể lau cái sáng đi, nó thuộc về cái tạo tác và cái sáng đó cũng là cái vô thường, không phải thật. Chính đây là chỗ mà hành giả tu thiền cần phải sáng tỏ rõ ràng, cần phải mở mắt trí tuệ để tự thấy chứ không nhờ bên ngoài mà được.

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có bài kệ:

      Linh quang độc diệu,

      Quýnh thoát căn trần,

      Thể lộ chân thường,

       Bất câu văn tự.

***

      Linh quang riêng chiếu,

      Vượt khỏi căn trần,

      Thể bày chân thường,

      Chẳng kẹt văn tự”.

Ánh sáng linh diệu này vốn tự sáng soi một mình, gọi là độc diệu. Nó lìa các duyên không mắc kẹt trong căn trần, thể của nó thường lộ bày chân thật. Không cái gì làm ra nó, nó cũng không có nằm trong văn tự chữ nghĩa, cho nên chẳng kẹt văn tự, chỉ soi trở lại tự ngộ ngay chính mình, không cần tìm bên ngoài. Đây là lẽ thật muôn đời, là lẽ thật trăm phần trăm, là cái không thể cướp được, cũng không có gì phá hoại được, bởi nó không nương tựa bên ngoài. Đó chính là chỗ thực sống, là nguồn sống chân thật của chính mình, vậy mà không chịu nhận ra để sống, lại sống với cái hư dối tạm bợ, thật đáng tiếc!

Thiền sư Huyền Giác đánh thức người học tỉnh lại, thấy rõ ràng tánh thật. Tuy gương có bụi bám nhưng gương vẫn sáng, luôn nhớ tánh sáng của gương, không theo bụi bám.

Tóm lại: Ánh sáng linh diệu sáng ngời đó nó riêng chiếu sáng không nhờ cái gì khác, nó lìa hết các duyên, nó không mắc kẹt mà vượt khỏi căn trần, thể của nó luôn lộ bày thường là như vậy chứ không phải do ai làm ra, cũng không phải là do lau mới thành. Chỗ này là chỗ mỗi người chúng ta phải nhận rõ, phải biện chắc để sống, thì đó mới thật là niềm vui lớn trong đời này.

Như vậy, chúng ta học để soi trở lại, nhận được tánh sáng rõ ràng chứ không phải học để hiểu suông, đôi khi hiểu thiền nhiều quá mà không sống được thành bệnh thiền. Tuy nói thiền nhưng vẫn theo tập khí cũ buông lung thì thật nguy hiểm.

Ở đây, Sư nói rõ phải giác rồi mới vắng bặt cả ba nghìn, mới đến được chỗ không tội phước, không thêm bớt. Chỗ đó không cần phải tìm kiếm gì nữa, sống ngay trong đó là chỗ sống thực chính mình.

Chúng ta học Chứng Đạo Ca thấy thiền sư Huyền Giác thực sự là bậc chứng đạo.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 38386
  • Online: 21