Chứng đạo ca giảng luận (Phần 3)
21/05/2017 | Lượt xem: 4387
TT.Thích Thông Phương dịch và giảng
CHÁNH VĂN:
6- Thùy vô niệm? Thùy vô sinh?
Nhược thực vô sinh vô bất sinh.
Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn
Cầu Phật thi công tảo vãn thành
6- Ai không niệm? Ai không sinh?
Nếu thực không sinh, không chẳng sinh.
Gọi người gỗ máy hỏi xem thử?
Cầu Phật ra công bao kiếp thành?
GIẢNG:
“Ai không niệm, ai không sinh”. Sư ngừa người sau rơi vào đoạn diệt. Thường thì nghe nói không niệm tức là diệt niệm. Do diệt hết niệm trở thành không niệm, giống như cây như đá, không phải như vậy; hoặc là không sinh, không phải là diệt cái sinh, vì diệt cái sinh thành ra đối lập với nó, nếu diệt cái này thành cái kia thì vẫn y nguyên trong sinh diệt.
Thiền sư Huyền Giác hạ một chữ “Ai” đầu câu là gây chú ý khiến người phải gẫm kỹ. Vì có “Ai”tức là có tạo tác, có người tạo ra vô niệm, có người làm ra vô sinh, tức là có sinh. Mà có sinh thì trái với nguồn chơn, rất nguy hiểm. Bởi vì thể nó tự là không niệm không sinh chứ không phải do ai làm ra. Vì người mê cái thể rồi theo duyên khởi niệm. Do theo duyên khởi niệm tức là quên mất cội nguồn chân thật, thành ra lưu chuyển. Ở trong vô niệm vô sinh lại thành có niệm có sinh, đó là mê lầm. Nếu tỏ ngộ thì thể tự vô sinh, đâu có mau có chậm. Như đoạn thiền sư Huyền Giác đến Tào Khê trình với Lục Tổ: “Thể tức vô sinh liễu thấu vốn không có mau chóng”.
“Nếu thực không sinh, không chẳng sinh”. Chỗ này không phải diệt cái sinh không cho nó sinh, mà là ngay nơi sinh tức là không sinh. Nghĩa là sinh tất cả mà chưa từng sinh, đó mới là thật không sinh. Tức là đối với tất cả cảnh duyên trước mắt tự nó vốn là vô sinh, cũng thấy nghe hiểu biết rõ ràng nhưng mà không dính cảnh thì gọi là chân vô niệm, chân vô sinh, mỗi niệm mỗi niệm thường lìa tướng.
Niệm niệm lìa tướng là niệm mà vô trụ. Tức là không dừng ở một cảnh duyên nào hết thì ngay đó là vô niệm và đó là trở về nguồn. Quan trọng là đừng thêm cái “Ai” vào trong đó. Tại sao người ta lại cứ phải có cái “Ai” mới được? Nhấn mạnh chỗ này để hiểu lý rồi ứng dụng tu. Tức là thường niệm mà không có chỗ niệm, thường sinh mà không chỗ sinh, ứng dụng tu như vậy là trở về vô niệm vô sinh. Biết tất cả là niệm là sinh nhưng không dừng trụ đâu hết thì liền đó được tự tại. Nếu hằng ngày ứng dụng như vậy là sống với chính mình chứ không phải tu là diệt niệm, là dẹp cái sinh.
Có vị Tăng hỏi thiền sư Đại Đồng:
- Làm sao diệt hết sáu căn?
Đại Đồng đáp:
- Dùng kiếm chém hư không chẳng làm tổn thương đến vật.
Thường, chúng ta nghe nói sáu căn đối sáu trần sinh ra sáu thức, đó là lục tặc. Cho nên phải làm sao diệt hết sáu căn để không dính với sáu trần. Nhưng diệt hết sáu căn thì thành người chết không còn biết gì nữa. Cho nên thiền sư đáp giống như người dùng kiếm chém hư không chẳng làm tổn thương ai hết. Hiểu được ý này thì hiểu được điều thiền sư Huyền Giác nói trên. Thế nào gọi là dùng kiếm chém hư không? Tức là chém mà không có vật gì để chém, không có chỗ để chém. Nhắm vào vật chém thì mới thành chuyện, thành vấn đề, có tổn hại, còn chém vào hư không thì không có gì tổn hại. Cũng như vậy, chúng ta thấy biết tất cả mà không trụ, giống như chém hư không. Vậy là thấy biết nguyên vẹn là thấy biết, là vô sinh có gì mà tổn hại? Có cái gì sinh đâu mà cần phải diệt? Người không hiểu lo diệt sáu căn thành cây đá, trở thành đoạn diệt, tức trái ý nghĩa vô sinh.
Thiền sư Huyền Giác nói tiếp hai câu kế: “Gọi người gỗ máy hỏi xem thử! Cầu Phật ra công bao kiếp thành?” Nghĩa là bằng cách tạo tác, bằng cách ra công mà muốn thành Phật thì hãy đi hỏi người gỗ xem coi bao giờ được thành? Người gỗ đó sẽ đáp thế nào? Chờ bao lâu để được người gỗ đáp? Nếu tạo tác, nếu ra công để thành, như vậy là mình không còn là mình nữa mà đã thành ra cái khác, đã tạo ra cái khác rồi, và như vậy thành Phật đó là Phật của ai khác chứ không phải là chính mình. Bởi có tạo tác thì sẽ có hoại, có hư hoại là Phật sinh diệt. Nên Sư nói rõ để người không lầm.
Thiền sư Động Sơn đến Hòa thượng Hưng Bình hỏi:
- Thế nào là tâm Phật?
Hòa thượng đáp:
- Chính là tâm ông.
Động Sơn thưa:
- Tuy nhiên như thế chính là chỗ con nghi.
Hưng Bình bảo:
- Nếu như thế thì ông hãy hỏi lấy người gỗ đi.
Ý nói tâm Phật chính là tâm ông, chứ không gì khác, soi trở lại tâm ông thì sẽ thấy rõ, còn nghi thì đi tìm người gỗ mà nghe trả lời.
Có vị Tăng hỏi thiền sư Triệu Châu:
- Con muốn làm Phật thì sao?
Đáp:
- Rất uổng công.
Tăng hỏi:
- Khi chẳng uổng công thì sao?
Đáp:
- Thì làm Phật đi!
Người hỏi định muốn làm Phật, thì Ngài đáp là rất uổng công. Ngài tiếp, nếu là chẳng uổng công thì ngay đó làm Phật đi. Bởi muốn làm Phật là muốn tạo tác muốn làm ra cái gì khác nữa, tức là bỏ cái này làm cái khác, đem tâm đó mà muốn thành Phật thì rất uổng công. Nếu dừng tâm đó liền là Phật. Thiền sư không giải thích nhiều, chỉ nói thẳng, liền nhận. Cho nên, lẽ thật rất là đơn giản, rất gần gũi nhưng chúng ta không chịu nhận, lại muốn thêm vấn đề thành ra khó khăn xa lạ.
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư nói: “Tánh chúng sinh chính là tánh Phật, ngoài tánh không có Phật”. Ngay tánh chúng sinh tức là tánh Phật, không thể bỏ chúng sinh này mà muốn cầu thành Phật bằng cái gì riêng khác, muốn thế thì hãy đi tìm người gỗ mà hỏi.
Ý thiền sư Huyền Giác muốn chỉ cho người dừng niệm tìm cầu, ngay đó tự tỉnh lại, chính chỗ không hiểu được đó là chỗ chỉ, vì không hiểu không thể tìm thì “ngay đó là gì” còn phải hỏi tìm đâu khác! Cho nên, Sư nói bốn câu này chỉ cho chúng ta nhận thấy để không rơi vào đoạn diệt và không lầm lẫn vì tạo tác tìm cầu bên ngoài.
CHÁNH VĂN:
7- Phóng tứ đại, mạc bả tróc,
Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác.
Chư hạnh vô thường nhất thiết không,
Tức thị Như Lai đại viên giác.
***
7- Buông bốn đại, đừng nắm bắt,
Trong tánh lặng lẽ tùy ăn nuốt.
Các hạnh vô thường thảy toàn không,
Đấy tức Như Lai đại viên giác.
GIẢNG:
“Buông bốn đại đừng nắm bắt, Trong tánh lặng lẽ tùy ăn nuốt”. Sư bảo chỉ cần ngay thân bốn đại này buông xuống hết thì mặc tình tự do tự tại, ăn uống tạo tác mà vẫn ở trong tánh Niết-bàn, Tánh tịch diệt. Tức là làm tất cả mà không rời lặng lẽ, động mà chưa từng động thì có gì trở ngại. Điểm trọng yếu là người có dám buông bốn đại, buông bản ngã này hay không? Việc tu hành quan trọng chỗ đó. Nói hay, nói nhiều mà không dám buông bốn đại, cứ bám chấp vào nó thì tu cũng khó tiến. Thiền sư Lâm Tế nói: “Chỉ người hiện đang biết nghe pháp nơi các ông đây, vốn chẳng phải bốn đại của các ông, mà hay dùng được bốn đại. Nếu khéo thấy được như thế, là đi ở tự do”. Nghĩa là chính mình không phải là thân bốn đại này nhưng mà dùng được thân bốn đại, nếu không chấp bốn đại là mình, chỉ khéo dùng rồi cũng buông bỏ, không bám chấp thì tự tại. Chỗ này cần phải quán kỹ.
Bốn đại là bốn thứ vô tri gồm đất, nước, gió, lửa hợp với các duyên thì đâu có hiểu biết gì! Nếu bốn đại là mình thì mình là vật vô tri đó sao? Chúng ta chỉ tạm gá nương nó một thời gian rồi cũng bỏ, không có gì để nắm bắt. Con người do vô minh nên lầm chấp nó là mình, từ đó sinh ra đủ thứ chuyện. Ngày nay, chúng ta học đạo nhờ ánh sáng chánh giác của chư Phật, chư Tổ soi sáng nên nhận định rõ ràng không còn lầm.
Như câu chuyện vị tăng Vô Căn ngồi thiền nhập định luôn mấy ngày, trong chùa tưởng ông chết mới đem thiêu, tới chừng ông xuất định tìm thân không có nên đêm đêm hiện về cứ gọi hỏi “Thân tôi đâu?” Chúng tăng trong chùa bất an, may nhờ thiền sư Diệu Không biết nên đến cảnh tỉnh hồn ma. Thiền sư bảo người tìm cho Sư thau nước, thau lửa than để sẵn, đến tối hồn ma của Tăng Vô Căn hiện về tìm thân thì Sư bảo hãy vào trong lửa, trong nước, trong đất, trong hư không đó mà tìm. Lúc đó hồn ma vì không còn thân vật chất ngăn ngại nên chui vào đất, đi qua cả vách tường, vào được trong hư không dễ dàng nhưng tìm thân hoài không được. Cuối cùng thiền sư mới đánh thức hồn ma rằng: “Ông đã tự do tự tại vào trong nước trong lửa, đất, vào trong hư không như vậy, mà ông không chịu nhận, lại cứ lo đi nhận cái thây thúi chướng ngại để làm gì?”. Ngay đó hồn ma Vô Căn liền tỉnh, từ đó mới hết đi tìm thân.
Chúng ta đây cũng giống vị tăng Vô Căn ấy, cứ nhận thân này là mình, cứ nắm giữ nên mất nó là chạy tìm, do đó mà không được tự do. Trong khi chính mình là cái sáng suốt nhưng lại bỏ qua, đó là chỗ cần phải tỉnh để buông tình chấp trở về sống với tánh tịch diệt, trong đó mặc tình đi ở tự tại.
Như câu chuyện xưa kể về việc Na Tra lóc thịt trả cho mẹ, chẻ xương trả cho cha rồi sau đó mới hiện bổn thân nói pháp cho cha mẹ nghe. Người mới nghe thấy lạ. Lóc thịt chẻ xương trả cho cha mẹ hết rồi thì còn lại cái thân nào gọi là bổn thân nói pháp? Bổn thân là thân của chính mình. Qua đó, thấy được thân bốn đại này thuộc thân máu thịt gân xương do cha mẹ sinh ra, tạm mượn, nó không phải là bổn thân. Còn bổn thân của chính mình là thân vô tướng, thân tịch diệt và không có gì trói buộc được. Nếu người khéo sống được với thân này thì sẽ đi ở tự do, tùy ăn uống. Chỗ quan trọng là phải dám quên thân bốn đại này, xác định rõ nó không phải là mình. Mình, thì không phải là thứ vô tri đó. Phải vươn lên, vượt khỏi si mê này thì được tự do tự tại.
Chú ý chỉ cần buông bốn đại này thì thể tự thênh thang rộng lớn không bờ mé. Còn nắm bắt bốn đại thì nó chỉ giới hạn trong khối thịt mấy chục ký lô này thôi. Người trí cần thấy rõ nhận ra để sống.
“Các hạnh vô thường thảy toàn không, Đấy tức Như Lai đại viên giác”. Các hạnh vô thường tức là những cái có tạo tác, có làm ra. Phàm có tạo tác có làm ra đều thuộc về không, tức không có một pháp thật. Đã nằm trong vô thường thì không đáng nắm bắt, thấu suốt như vây tức buông tất cả, mà buông tất cả thì còn lại là cái gì? Chính là Như Lai Đại Viên Giác. Đó mới chính là nguồn sống chân thật của chính mình.
Như vậy, không phải tu rồi thành đoạn diệt, không phải không rồi thành ra rỗng không, không còn gì hết, mà chính là không tất cả thì được tất cả. Cho nên nói, một lần buông xuống là một lần lên, buông được là lên, chứ không phải rơi vào trong cái trống rỗng. Chúng ta tu hành buông bốn đại là để trở về chỗ này, chứ không phải là buông để thành không. Nếu như không có chỗ này thì thế gian quả thật vô nghĩa, hoàn toàn trống rỗng, tất cả đều là vô thường, đều là sinh diệt.
Thiền sư Huyền Giác nói rõ, buông đến không có gì hết là chỗ chân thật, cũng tức là Như Lai Đại Viên Giác. Đã Giác mà Viên rồi Đại, để thấy Giác này không chỗ nào không có, ngay hiện tại nó vẫn đủ, chỉ người không khéo nhận thôi.
Tướng quốc Bùi Hưu là một cư sĩ theo học đạo với thiền sư Hoàng Bá cũng thấy được chỗ này, ông nói: “Suốt ngày ở trong viên giác mà chưa từng viên giác là phàm phu; tuy giác nhưng chưa viên mãn gọi là Bồ-tát; còn ở trong đó mà giác hoàn toàn thì gọi là Phật”.
Như vậy, khi chúng ta buông sạch hết thì không phải trở thành đoạn diệt, không phải tất cả đều không trơ. Buông hết không còn gì để buông thì còn lại, tức là Như Lai Đại Viên Giác. Chúng ta chỉ sợ buông không nổi, chứ đừng có sợ buông hết rồi không còn gì. Có những trường hợp chính mình buông không nổi rồi thấy người khác buông thì lại chê là rơi vào đoạn diệt.
Có vị Tăng hỏi thiền sư Vân Môn: Khi lá rụng cành trơ thì thế nào?
Vân Môn đáp: “Thân bày gió thu”.
“Lá rụng cành trơ” Ý nói rớt sạch, rụng sạch hết mọi tình chấp không còn gì để bám nữa, khi đó thì thế nào? Sư đáp là “Thân bày gió thu”. Không phải lúc đó không còn gì hết mà là toàn thể lộ bày, chân thật hiện tiền. Chúng ta học thiền cần phải thấy được chỗ này, khéo buông tất cả tình chấp mới sống được chỗ chân thật Như Lai Đại Viên Giác là chỗ sống của Như Lai, chư Phật thành Phật cũng từ đây.
CHÁNH VĂN:
8- Quyết định thuyết, biểu chân tăng,
Hữu nhân bất khẳng nhiệm tình trưng.
Trực triệt căn nguyên Phật sở ấn,
Trích diệp tầm chi ngã bất năng!
***
8- Dám nói chắc, là chân tăng,
Nếu ai chẳng nhận hỏi mặc tình.
Chặt thẳng cội nguồn Phật đã ấn,
Chọn lá tìm cành ta chẳng kham.
GIẢNG:
“Dám nói chắc là chân tăng, nếu ai chẳng nhận hỏi mặc tình”.
Sư dám nói một cách mạnh mẽ, chắc chắn rằng Sư là bậc chân Tăng. Tại sao thiền sư Huyền Giác dám nói một cách quyết định như vậy? Bởi Sư đã chứng ngộ, có kinh nghiệm thật sự, gọi là vàng thật không sợ lửa.
Sư đủ tự tin nói nếu có ai muốn gạn hỏi thì Sư sẵn sàng trả lời, song dù người có gạn hỏi cách mấy đi nữa thì cũng không thể gạn tới chỗ này, chỉ hỏi chỗ bên ngoài thôi cũng đâu có gì phải sợ!
Ngày xưa, vua Dị Kiến hỏi ngài Ba-la-đề (đệ tử của Tổ Bồ-đề Đạt-ma):
- Thế nào là Phật?
Ba-la-đề đáp:
- Thấy tánh là Phật.
Hỏi:
- Thầy có thấy tánh chăng?
Đáp:
- Tôi thấy Phật tánh.
Hỏi:
- Vậy tánh tại chỗ nào?
Đáp:
- Tánh tại tác dụng.
Hỏi:
- Tác dụng thế nào sao tôi chẳng thấy?
Đáp:
- Tác dụng hiện tiền tự bệ hạ không thấy thôi.
Vua hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Thấy tánh là Phật”. Vua hỏi gạn thêm :“Vậy Thầy có thấy tánh chăng?” Sư nói liền: “Tôi thấy Phật tánh”. Vậy tánh tại chỗ nào? Chính ngay trong tác dụng hiện tiền đây, nó hiện rõ nhưng tại bệ hạ không thấy thôi chứ không phải là không có.
Chính ngài Ba-la-đề đã thấy tánh rõ ràng nên khi vua hỏi Ngài dám nói thẳng “Tôi thấy Phật tánh”. Trả lời rất tự tin.
Thiền sư Lâm Tế từng nói: “Theo chỗ thấy của sơn tăng cùng Phật Thích-ca không khác”. Tại sao dám nói mạnh như vậy? Chính vì có chỗ sống chân thật rõ ràng nên nói một cách tự tin.
Thiền sư Huyền Giác thật sự đến được chỗ đó nên nói ra lời quả quyết, dám tự xưng là bậc chân Tăng. Một vị Tăng giác ngộ, không phải chỉ trên danh từ. Chỗ này không thể bắt chước, vì bắt chước rồi nó cũng sẽ lộ tung tích. Cho nên, Sư nói mạnh nói chắc, nếu ai không chấp nhận thì cứ hỏi.
“Chặt thẳng côi nguồn Phật đã ấn,
Chọn lá tìm cành ta chẳng kham”.
Sư chỉ thẳng chỗ cội nguồn, không quanh co theo kiểu chọn lá tìm cành, phân tích chữ nghĩa.
Trong nhà thiền có câu chuyện về Hòa thượng Tử Hồ thường treo một tấm bảng trước cửa, đề là: “Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu người, ở giữa cắn lưng người, ở dưới cắn chân người vừa nghĩ ngợi là táng thân mất mạng”. Hễ thấy ông Tăng nào vừa đến Sư liền quát: “coi chừng chó dữ”, nếu Tăng vừa quay đầu suy nghĩ Sư liền trở về phương trượng không nói câu nào. Đó là cách thiền sư tiếp người học. Đó, cũng chính là chặt thẳng cội nguồn, đi thẳng vào chỗ chưa kịp suy nghĩ, nhận thì ngay đó nhận lấy, còn chần chừ liền qua mất.
Có vị Tăng đang đọc kinh trong phòng, thiền sư Đạo Ưng ở ngoài cửa hỏi:
- Xà Lê tụng kinh gì?
Tăng thưa:
- Kinh Duy Ma.
Sư bảo:
- Chẳng hỏi kinh Duy Ma, mà muốn hỏi người tụng kinh đó là gì?
Ngay đó ông tăng liền tỏ ngộ.
Đây cũng gọi là chặt thẳng cội nguồn, tức là chỗ Phật thầm chứng nhận, chỗ hợp với tâm Phật. Sư không hỏi quyển kinh đang tụng mà muốn hỏi thẳng vào chỗ chân thật.
Thiền sư Tuyết Phong đến hỏi thiền sư Đức Sơn:
- Việc ở trong tông thừa từ trước con có phần chăng?
Đức Sơn không nói, liền đánh một gậy, bảo:
- Nói cái gì?
Liền đó, Tuyết Phong được rỗng rang như thùng lủng đáy.
Thiền sư Đức Sơn cũng chặt thẳng cội nguồn chứ không nói quanh co. Hỏi con có phần chăng? Tức là nghi mình không có phần, nên Đức Sơn đánh cho một gậy để rớt hết cành lá, tự nhận lại mình. Việc đó là việc sẵn nơi mỗi người tại sao ông lại không có? Song thiền sư không dùng chữ nghĩa giải thích dài dòng, khiến người sinh thêm kiến thức hiểu biết thì cũng thành việc bên ngoài.
Tổ Tăng Xán nói trong Tín Tâm Minh: “Về nguồn được chỉ, theo chiếu mất tông”. Người khéo quay trở về nguồn thì nhận được ý chỉ chân thật; còn theo chiếu tức là hướng ra ngoài thì sẽ mất tông mất gốc. Mỗi người chúng ta cần trở về nguồn, đây chính là chỗ sống chân thật, là mạch sống của chư Phật chư Tổ, là cái quý nhất thế gian không có gì quý hơn.
CHÁNH VĂN:
9- Ma-ni châu, nhân bất thức,
Như Lai tạng lý thân thâu đắc.
Lục ban thần dụng không bất không,
Nhất lỏa viên quang sắc phi sắc.
***
9- Ngọc ma ni, người chẳng biết,
Như Lai kho ấy mình thâu được.
Sáu đường thần dụng không chẳng
không,
Một điểm sáng tròn, sắc chẳng sắc.
GIẢNG:
Đây cũng là chỉ thẳng cội nguồn, thẳng vào kho Như Lai để nhận lấy ngọc Ma-ni. Ngọc Ma-ni hay ngọc Như ý, thể nó trong suốt cả trong ngoài, là chìa khóa mở cánh cửa bí mật của chư Phật chư Tổ, nếu lấy ra dùng được cũng giàu có như ai!
Ngọc báu thế gian thuộc vô thường cũng không thật quý, tạm mượn nó để dụ cho tánh viên giác sẵn có ở mỗi người, là báu tột ở trong các thứ báu. Cái báu này ở thế gian không có gì quý bằng, nó biết giảng kinh, biết thuyết pháp, biết soi thấy tất cả, đây mới thật là báu như ý, tùy ý tự tại. Báu này ở đâu? Sư chỉ ở trong kho tự tánh Như Lai nhưng tiếc là người không biết, bởi nhiều thứ vô minh vọng tưởng che mờ. Sư muốn đánh thức mỗi người nhớ trở lại.
Thiền sư Huệ Hải khi đến tham vấn Mã Tổ, Mã Tổ hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Sư thưa:
- Ở chùa Đại Vân - Việt Châu đến.
Mã Tổ hỏi:
- Ông đến đây cầu việc gì?
Huệ Hải thưa:
- Đến cầu Phật pháp.
Mã Tổ bảo:
- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì, ta trong ấy không có một vật thì cầu Phật pháp cái gì?
Huệ Hải thưa:
- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
Mã Tổ bảo:
- Chính cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay đó Huệ Hải nhận được bản tâm liền lễ tạ.
Đó, Mã Tổ chỉ ra kho báu nhà mình, ông lo đi tìm kho báu ở đâu khác mà chính kho báu nhà ông sẵn đó không chịu nhận. Chính ngay cái ông đang hỏi tức ngay chỗ sống hằng ngày, nếu khéo soi lại thì tự nhận ra bản tâm liền. Tâm này không do hiểu biết, không phải là chỗ suy nghĩ theo kiến thức thế gian. Nó không phải là cái dành để hiểu, bởi vì nó chính là gốc của mọi hiểu biết. Nếu không có nó thì ông lấy cái gì để hỏi? Tại sao lại không nhận nó? Cái miệng, cái lưỡi chỉ là phần da thịt đâu biết hỏi! Còn cái phát ra lời hỏi tại sao không nhận ra, mà chỉ lo nhận cái miệng, cái lưỡi làm gì…? Hoặc lại nhận mấy câu nói, mấy lời đáp, đó là tiếng vang của ngôn ngữ, còn lẽ thật, kho báu nhà mình lại không chịu nhận. Thế nên, ngài Huệ Hải nghe xong liền nhận ra của báu. Đó! Thiền sư chỉ thẳng cội nguồn.
Sư Tổ khi còn đi tham học, đến tham vấn thiền sư Nam Tuyền, dẫn câu trên hỏi: “Ngọc Ma-ni người chẳng biết, trong kho Như Lai mình thâu được”. Vậy thì thế nào là kho?”
Nam Tuyền đáp:
- Cùng ông qua lại đó là kho?
Sư Tổ hỏi:
- Còn khi chẳng qua lại thì sao?
Nam Tuyền đáp:
- Thì cũng là kho.
Sư Tổ hỏi thêm:
- Vậy thế nào là ngọc?
Nam Tuyền liền gọi: “ Sư Tổ!”
Sư Tổ liền: “Dạ!”
Nam Tuyền bảo:
- Đi! Ông chẳng hội lời ta.
Ngay đó Sư Tổ nhận được!.
Điểm này, trong kinh gọi là Như Lai tại triền. Tức là Như Lai còn ở trong trói buộc, trong mê chưa lộ ra. Còn thiền sư Huyền Giác gọi là “Người chẳng biết”. Vì cùng ở trong đó, cùng nó qua lại mà không biết cho nên gọi là còn ở trong mê. Ngay khi nghe gọi liền dạ, dạ tức là ngọc sáng ở trong lộ bày, nên người lanh lợi ngay đó khéo nhận thì gọi là Như Lai xuất triền, tức ra khỏi mê. Đơn giản và thực tế, là lẽ thực ngay nơi mỗi người. Vậy mà không ai chịu nhận lấy ngọc ra dùng, cứ cất giữ trong kho rồi đi lang thang xin ăn cho là mình nghèo.
Thiền sư Thanh Nhuệ đến Tào Sơn thưa:
- Con nghèo cùng xin thầy cứu giúp cho.
Tào Sơn bảo:
- Xà-lê Nhuệ hãy lại gần đây!
Thanh Nhuệ tiến đến gần.
Tào Sơn liền bảo:
- Kẻ nhà nghèo ở Tuyền Châu đã uống xong ba chén rượu mà còn nói là chưa dính môi.
Ông nói ông nghèo đến xin cứu giúp, nhưng gọi thì ông biết nghe liền đi đến gần, vậy thì đâu có nghèo! Trong người ông có chứa ngọc báu không khéo nhận lấy đem dùng, cứ nghĩ là nghèo rồi đi xin, nếu khéo soi lại nhận ra chỗ đó lấy dùng thì cũng giàu như ai.
Ngài mới bảo: “Kẻ nghèo ở Tuyền Châu đã uống xong ba chén rượu rồi mà còn nói là chưa dính môi”. Ông nói dối là nghèo nhưng mà kêu ông biết nghe, biết lại gần thì đó là gì! Tỉnh giác là xong. Người xưa chỉ thẳng cội nguồn để chúng ta nhận ra ngọc báu sẵn nơi mỗi người.
Trong kinh chép một lần Đức Phật cũng từng khai thị chỗ này. Có năm vị Thiên vương đến cúng dường Phật hạt châu. Đức Phật cầm hạt châu hỏi năm vị Thiên vương: “Hạt châu này màu gì?” Lúc đó, mỗi Thiên vương đứng mỗi góc thấy hạt châu phản chiếu màu khác nhau nên trả lời cũng khác nhau. Người thấy phản chiếu màu xanh, người thấy phản chiếu màu đỏ, người thấy phản chiếu màu vàng… Thế rồi, mỗi vị trả lời mỗi màu khác nhau theo chỗ thấy của mình. Đức Phật mới cất hạt châu rồi giơ tay không lên hỏi: “Còn hạt châu này màu gì?” Các vị thưa: “Trong tay của Thế Tôn không có hạt châu”. Lúc đó, Đức Phật quở: “Tại sao các ông lại mê mờ điên đảo như vậy? Khi Ta đem hạt châu thế gian chỉ cho thì các ông liền nói màu xanh, vàng, đỏ, trắng rõ ràng, đến khi Ta đem hạt châu thật chỉ cho thì các ông thảy đều chẳng biết”.
Đức Phật đưa tay không lên sao bảo là chỉ hạt châu thật?
Bởi khi đưa tay lên thì cái gì biết phóng quang đưa tay lên, rồi cái gì phóng quang nhìn thấy cái tay đưa lên, cái này mới gọi là châu thật. Châu này không thuộc về vật chất nên không có hình tướng, do đó mà nó không có màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Nhưng mà nó biết hiện tướng nên biết đưa tay lên, rồi biết phóng quang chiếu sáng nơi sáu căn mới có thấy, nghe, hiểu, biết, mới có giác ngộ. Đó, hạt châu này mới chính là hạt châu như ý thật, là hạt châu mà các thiền sư muốn khai thị muốn chỉ cho mỗi người, nhưng tại sao người lại chẳng biết? Đây là chỗ đáng tiếc!
Bởi vì con người cứ lo nhìn theo hình tướng, sống chấp tướng, nên quên mất cái thật, chính là có mà chẳng biết. Tuy nhiên, chính ngay chỗ chẳng biết đó mà biết lại là xong, gọi là đích thân thâu được.
Đến đây, thiền sư Huyền Giác nhắc chúng ta phải đạt ý quên lời, đối với danh từ, ngôn ngữ chúng ta phải cẩn thận vì không khéo dễ mắc kẹt. Châu báu sẵn đủ nơi mình vì sao lại nói là nhận được, nếu có nhận thì có mất, do có mất mới có được, mà được rồi để ở chỗ nào đây? Nếu có chỗ để thì thành mất châu vì có nơi chốn, thành cái của ai chứ không phải là cái thật của mình.
Đây là chỗ thiền sư Huyền Giác chứng biết rõ ràng, đích thân thể nghiệm, tạm nói ra chứ không phải chỉ nghe hiểu ở bên ngoài. Sư nói “thân thâu đắc”, dù có ai bảo là không có hay là không phải thì Sư cũng chỉ cười, bởi vì Sư nắm được trong tay rồi. Cũng vậy, khi chúng ta nhận, sống được như Sư thì có ai bàn luận bảo rằng việc đó không có, chỉ là lý luận hoặc là không phải thì mình cũng chỉ cười chứ không nghi ngờ, mà biết rằng người nói như vậy là người chưa thật vào được bên trong, chỉ đứng bên ngoài bàn luận.
Sư lại nói: “Sáu đường thần dụng không chẳng không. Một điểm sáng tròn sắc chẳng sắc”. Nghĩa là châu này là châu Như ý, nó đầy đủ công đức diệu dụng không lường, ngay nơi cửa sáu căn gọi là sáu đường thần quang, sáu đường thần dụng luôn phóng ra diệu dụng như thần, không lúc nào thiếu vắng.
Ngay nơi sáu cửa phóng quang song lìa tất cả tướng, không có hình tướng nào hết; tức nó là không nhưng mà không phải là không ngơ, vẫn thấy nghe hiểu biết rõ ràng nên chẳng phải không, do đó Sư nói là “không chẳng không”. Đây là chỗ khó hiểu. Nó cũng có giác có sáng soi, nên nó cũng như sắc nhưng mà không thể chỉ ra, không thể nhìn thấy, thế nên nói: “sắc chẳng sắc”. Nó cũng không phải là đối tượng để người nhận biết, nó không đi qua con đường suy tư, biện luận mà phải thẳng vào, phải trực nhận, lìa cả hai bên có và không.
Tóm lại, đến chỗ này dù có suy nghĩ cách mấy cũng không đến được, nó là không mà chẳng không, là sắc mà chẳng sắc, quan trọng là cần phải soi trở lại để trực nhận. Ngay sáu đường thấy nghe hiểu biết, nhanh nhẹn như thần, nhưng không ngoài tâm thể sáng tròn “Sáu đường thần dụng không chẳng không, một điểm sáng tròn sắc phi sắc”. Người khéo theo dòng thấy nghe… liền trở về nguồn tâm, thông suốt cả sáu đường thấy nghe tự tại, diệu dụng không thể nghĩ bàn.
Nếu mê nguồn tâm thì theo trần, nên thấy nghe… thành ra ngưng trệ, trở thành lục tặc. Cũng sáu căn này, cũng thấy nghe hiểu biết này nhưng thành ra lục tặc. Nó cướp của báu nhà mình, nó làm tán gia bại sản, lang thang phiền não khổ đau trong sinh tử luân hồi.
Do đó công phu trở về nguồn là việc làm cấp bách nhất, việc làm trọng yếu mà hành giả cần phải thực hành. Trong nhà thiền, các thiền sư khéo dùng lời nói hoặc hình ảnh để khai thị chứ không y theo chữ nghĩa trong kinh.
Như thiền sư Dược Sơn hỏi Vân Nham:
- Ta nghe ông biết làm sư tử múa phải không.
Vân Nham thưa:
- Dạ phải.
Dược Sơn hỏi:
- Ông múa được mấy suất?
Vân Nham thưa:
- Múa được sáu suất.
Dược Sơn bảo:
- Ta cũng múa được.
Vân Nham hỏi:
- Hòa thượng múa được mấy suất?
Dược Sơn đáp:
- Ta múa được một suất.
Vân Nham thưa:
- Vậy thì sáu tức một, một tức sáu.
Ý trên cũng là ý này, nhưng hai thiền sư nói một cách khéo léo theo nhà thiền. Múa sáu suất là sao? Tức là ứng dụng tự tại ra sáu căn, là “Sáu đường thần dụng không chẳng không”. Thiền sư nói theo kiểu sư tử múa. Múa tức là tự tại, người trong cảnh nghe hiểu liền, người ngoài thì thấy khác lạ. Múa sáu suất tức ngay nơi sáu căn thấy nghe tự tại giống như là sư tử múa chứ không vướng mắc. Còn ngài Dược Sơn nói múa được một suất. Một suất là không rời tâm thể, tuy thấy nghe hiểu biết nơi sáu căn nhưng không rời tự tánh. Thiền sư Huyền Giác nói “Một điểm sáng tròn sắc chẳng sắc”. Cuối cùng ngài Vân Nham nói sáu tức một, một tức sáu. “Sáu” tức là ngay nơi thấy nghe hiểu biết cũng không rời tự tánh, “Một” tự tánh này ứng hiện ra, không có chia cách.
Trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Nhất tinh minh sinh lục hòa hợp”. Đối với bậc đạt đạo làm tất cả mà chẳng mê, thấy nghe mà vẫn sáng ngời tự tại không bị trần nó làm nhiễm, cho nên nói thần dụng.
Thiền sư Vân Nham lại đến chỗ Qui Sơn, Qui Sơn hỏi: “Nghe nói là trưởng lão ở chỗ Dược Sơn biết làm sư tử múa phải chăng?
Vân Nham thưa:
- Dạ phải.
Qui Sơn hỏi:
- Vậy thường múa hay có khi nghỉ?
Vân Nham thưa:
- Cần múa thì múa cần nghỉ thì nghỉ.
Qui Sơn hỏi:
- Vậy khi nghỉ thì sư tử ở chỗ nào?
Thưa:
- Nghỉ! nghỉ!
Các vị có chỗ sống thì sẵn sàng đáp không nghi ngờ. Khi bị hỏi: “Vậy ông thường múa luôn hay có lúc nghỉ?” Sư đáp: Khi cần múa thì múa khi cần nghỉ thì nghỉ, khi cần ứng dụng thì dùng không cần thì thôi, nhưng đến khi nghỉ thì sư tử ở chỗ nào? Chỗ này là chỗ khó trả lời. Nhưng ngài Vân Nham không nói chỗ nào hết, khi nghỉ thì nghỉ, không nói chỗ nào, đây mới gọi là thần dụng, thấy nghe tự tại. Cần múa tức là sẵn sàng thấy nghe hiểu biết, khi cần đối duyên thì cũng thấy nghe hiểu biết gọi là múa, còn cần nghỉ thì nghỉ, tức là không tiếp duyên, bặt duyên thấy nghe không còn dấu vết. Không phải như chúng ta khi đối cảnh thì thấy nghe hiểu biết, khi không đối cảnh cũng lưu lại trong đầu vọng tưởng lăng xăng, đó không phải là cần nghỉ thì nghỉ.
Ở đây, khi nghỉ lúc đó bặt duyên không có hình tướng, cũng không có dấu vết để lưu lại, không có chỗ nơi, không chỗ để thấy, nên ngài Vân Nham chỉ nói “Nghỉ! nghỉ!” mà không nói chỗ nào, đó là khéo léo. Nếu nghỉ mà có chỗ là bị rơi vào duyên, còn có dấu vết bị thấy rồi, là còn bị trần cảnh dẫn đi cũng chưa phải là thật nghỉ.
Vì thế, người học thiền phải thấy đến chỗ sư tử nghỉ như thế này mới gọi là thấy đến tột nguồn tâm, nếu thấy chỗ múa cũng còn dễ, nhưng chỗ nghỉ này mới là chỗ khó thấy.
Đó cũng là chỗ quốc sư Huệ Trung “Có ở nhà nhưng không thấy khách”.
Ai thấy được đến được chỗ này thì mới vào được cửa thiền, hy vọng mỗi người phải hạ quyết tâm để khám phá ra chỗ này, phải sống chết tiến vào chứ đừng tu lừng chừng, hoặc tự hào về một ít đạo lý vừa học hiểu, chính niềm tự hào đó làm chướng ngại đường tu của mình.
Thiền sư Huyền Giác vừa nói với chính mình và cũng để nhắc mỗi người. Chính Sư đã nhận ra ngọc báu Ma-ni trong kho Như Lai. Vậy mà chỉ ít người nhận biết, thật đáng tiếc! Ngay cửa sáu căn này nó hiện rõ một điểm sáng tròn đầy đủ công đức, diệu dụng không lường, lìa tướng có không, đó là chỗ mỗi người cần phải khéo khám phá nhận ra để sống.
CHÁNH VĂN:
10-Tịnh ngũ nhãn, đắc ngũ lực,
Duy chứng nãi tri nan khả trắc.
Kính lý khán hình kiến bất nan,
Thủy trung tróc nguyệt tranh niêm đắc.
***
10- Tịnh năm mắt, được năm lực,
Chỉ chứng mới hay khó lường được.
Trong gương xem bóng dễ thấy hình,
Đáy nước mò trăng nhọc công chắc.
GIẢNG:
Tịnh năm mắt tức là mở được năm mắt. Mắt, không phải là mắt thịt của con người, mắt ở đây nói đến người sống trở về nguồn thanh tịnh, người đạt đạo mở sáng được năm mắt, thấy suốt những điều mà người phàm không thể thấy.
Trong Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, thiền sư Huệ Hải nói:
1- Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn: Nhục nhãn của chúng ta thấy sắc là nhiễm sắc, bị nhiễm ô. Còn thấy sắc thanh tịnh ngay mắt thịt thấy sắc mà không nhiễm sắc, không mê lầm thì đó là được con mắt thịt thanh tịnh.
2- Thấy thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn: Tức là con mắt của cõi trời. Thấy suốt qua mọi hình tướng mà lìa tướng, gọi là thấy thể thanh tịnh. Như vậy là được thiên nhãn tịnh tức là mắt trời thanh tịnh. Con mắt của chư thiên các cõi trời thường thấy suốt những vật ngăn ngại, nhưng cũng chưa được gọi là thanh tịnh vì đây cũng còn mê.
3- Đối các cảnh sắc thiện ác đều hay phân biệt vi tế, không nhiễm trước cảnh ấy, được tự tại gọi là Tuệ nhãn.
Tuệ nhãn là con mắt tuệ. Tức là thấy thấu qua tướng phân biệt không ngăn ngại, có chỗ nói thấy được lý không của các pháp gọi là Tuệ nhãn.
4- Thấy mà không có chỗ thấy gọi là Pháp nhãn: Thấy suốt qua các pháp sai biệt. Có chỗ gọi là thấy sự sai biệt của các pháp, tùy cơ giáo hóa chúng sinh tùy bệnh cho thuốc thì gọi là Pháp nhãn.
5- Không thấy mà không không thấy thì gọi là Phật nhãn: Phật nhãn là thấy suốt tất cả mà không có dấu vết gì để thấy, cho nên gọi là không thấy mà không chẳng thấy, tức là thấy suốt tất cả- Đây thật ra không phải có năm mắt theo hiểu biết thông thường, theo danh tướng. Nói năm mắt là cũng tạm theo danh từ thế gian mà nói, thực cũng đồng một tâm thể nhưng có phân biệt từ cạn đến sâu, từ thô đến tế.
Tóm lại, Nhục nhãn thấy tất cả vật mà không lầm theo vật, gọi là Nhục nhãn tịnh. Thiên nhãn thấy suốt mọi thứ ngăn ngại, không phân biệt xa gần. Huệ nhãn thấy lý không của các pháp, xa lìa các tướng. Pháp nhãn thấy lý chẳng không, rõ các tướng sai biệt là giả mà không phá hoại các tướng. Còn Phật nhãn thì thấu luôn cả bốn mắt trên, gọi là thấy suốt tất cả không ngăn ngại, không lưu lại dấu vết.
Như vậy, tu là buông xả hết, cuối cùng không phải không còn gì, mà là sự thấy biết tự tại. Nó siêu việt hơn cả những cái thấy thường tình, thấy đến chỗ người thế gian không thể thấy, diệu dụng của nó không thể nghĩ bàn. Đến chỗ này một điểm nhỏ cũng không lọt qua mắt của người đạt đạo, nên Sư gọi là “Tịnh năm mắt, được năm lực”.
Năm lực tức là năm sức mạnh. Thứ nhất Tín lực. Sức tin mạnh mẽ không gì làm lay chuyển. Thứ hai Tấn lực. Là sức mạnh luôn tiến, không hề lùi bước. Thứ ba là Niệm lực. Không phải như tâm mình thường niệm mà niệm đây tức là tâm chuyên nhất không quên, không có xen tạp những niệm khác trở thành sức mạnh gọi là niệm lực. Thứ tư là Định lực. Là sức mạnh an định vững vàng, không bị cảnh chi phối. Thứ năm là Huệ lực. Sự sáng suốt không mê lầm. Đó gọi là Năm Lực.
Đúng ra phải tu căn bản từ ngũ căn rồi đến ngũ lực, nhưng vì sự tu hành của Sư đã có nền tảng vững chắc, có kinh nghiệm chứng thật rõ ràng, đủ cả năm sức sống mạnh mẽ vươn lên đến giác ngộ viên mãn. Chúng ta thấy rõ chỗ này không phải là việc luận bàn trên danh từ hay suy nghĩ trên chữ nghĩa, đây phải là chỗ sống thực, mới tự cảm thông mới tự biết được.
Thiền sư Huyền Giác nói “Chỉ chứng mới hay khó lường được”, đây là lẽ thực. Nếu giải thích năm mắt năm lực trên danh từ, hiểu qua tưởng tri, cũng còn chưa đạt đến thắng tri, chưa thật chứng biết. Cho nên chỗ này cần phải nhảy vào trong đó tự chứng biết, phải nhớ là học để sống được chứ không phải học hiểu, đừng tự mãn vì chút nhận hiểu chưa đáng kể.
Rồi hai câu kế là: “Trong gương xem bóng dễ thấy hình, đáy nước mò trăng nhọc công chắc”. Nghĩa là xem bóng mình rọi trong gương dễ thấy hình của mình. Còn bóng trăng hiện dưới mặt nước nhằm cho là thật nên mò mãi không được, chỉ nhọc công.
Chúng ta kiểm lại mình đang làm gì đây? Trong gương xem bóng hay đáy nước mò trăng? Nhìn trong gương thấy phản chiếu hình của mình chỉ cần soi lại thì nhận thấy được hình dáng của mình rất dễ, ý nhắc chúng ta phải soi trở lại. Còn đáy nước mò trăng là theo bên ngoài, mò bóng trăng dưới đáy nước thì bao giờ nắm được trăng? Chỉ nhọc công thôi!
Cũng vậy năm mắt, năm lực này ngay trong tự tâm của mỗi người không phải bên ngoài có được, nên phải soi trở lại tự tâm, tìm trong tự tâm, khai thác trong tự tâm để chứng nghiệm lấy; không thể suy nghĩ phân biệt theo danh từ chữ nghĩa dù hay cách mấy đi nữa, đó cũng gọi là “Khỉ bắt bóng” hay “mò trăng đáy nước” cũng không thấy đâu là năm mắt năm lực. Cần ngay một niệm hiện tiền, thấy suốt qua sắc, gọi là Nhục nhãn tịnh. Thấy thấu qua thể các tướng mà lìa tướng đó là Thiên nhãn tịnh. Phân biệt tất cả rất tự tại mà không là cái gì hết, bặt dấu vết có không, cũng không có chỗ để tìm, đó là đủ năm mắt. Tâm tin nhận, luôn tiến mãi, chuyên niệm không quên, vững vàng sáng suốt, không bị cảnh chuyển, không mê thì đầy đủ năm lực, tức là thành tựu được năm mắt năm lực, ở ngay trong tự tâm chứ không phải tìm đâu khác. Đó là lẽ thực cần phải chứng nghiệm.
Có một pháp sư đến hỏi thiền sư Huệ Hải: “Định hỏi Thầy một câu, Thầy có vui lòng đáp chăng?” thiền sư Huệ Hải đáp: “Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt”.
Sư sẵn sàng đáp không tiếc gì hết! Nhưng muốn thấu được lẽ thật thì phải thế nào?
Sư nói lời đáp của Sư giống như là mặt trăng dưới đầm sâu, mặc tình mò bắt phân tích cũng đâu thể tới được. Quan trọng là phải soi trở lại chính mình, chứ còn theo cách suy nghĩ mò bắt qua ngôn ngữ thì nhọc công như là mò trăng đáy nước.
Bởi vì ánh trăng vốn ở trên trời cao chứ không ở trong nước, phải ngẩng đầu lên mới nhìn thấy, còn tìm dưới đáy nước thì sẽ chết chìm ở trong đó, chết chìm trong đám chữ nghĩa. Sư nhắc nhở chúng ta phải soi trở lại “Trong gương mà xem bóng”. Soi trở lại thì mới thấy được lẽ thật, đừng nhọc công mò trăng dưới đáy nước hay hướng ra ngoài phân tích theo chữ nghĩa. Chúng ta học qua, nghe giải thích cũng có chỗ nhận hiểu nhưng đó cũng gọi là mặt trăng dưới đáy nước thôi, cần phải soi lại để sáng tỏ và chứng nghiệm được tâm thì đó mới là quan trọng.
CHÁNH VĂN:
11-Thường độc hành, thường độc bộ
Đạt giả đồng du Niết-bàn lộ.
Điệu cổ thần thanh phong tự cao,
Mạo tụy cốt cương nhân bất cố.
***
11- Một mình đi, một mình bước,
Niết-bàn chung lối cho người đạt.
Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh cao,
Xương cứng thân gầy ai để mắt.
GIẢNG:
Đi con đường này là đi con đường độc hành độc bộ, tức là không có bạn bè, không nhiều việc, không dính kẹt theo duyên, phải dám buông hết vướng mắc. Trong nhà thiền gọi là “Người không cùng muôn pháp làm bạn”, nó cao vót vời vợi. Còn tâm chúng ta thì luôn theo duyên, nên cứ luôn phải kiếm bạn.
Những bậc thông đạt chứng ngộ đồng đi một con đường, con đường Niết-bàn, con đường bặt dấu vết sinh tử. Vì tâm không duyên nên không chỗ sinh, còn có duyên thì tâm có sinh. Đến chỗ này ngôn ngữ không nói đến được, không có kẻ thứ hai nên gọi là độc hành độc bộ.
Chúng ta đọc kỹ hai câu trên nhận thấy điểm này: Câu đầu Sư nói “độc hành độc bộ”, nhưng câu dưới thì nói là “đồng du Niết-bàn lộ”. Có mâu thuẫn không? “Đồng du” tức là đồng đi mà đồng đi tức là có bạn thì đâu gọi là độc hành độc bộ. Do đó học phải thấy được ý của người xưa chớ dừng trên danh từ, mới nghe giống như có mâu thuẫn nhưng trên lý thì lại không cùng một ý. Nói đồng du cũng là đồng đi nhưng mà đồng đi lối độc hành độc bộ, không phải có bạn bè. “Độc” là không có ai thấy. Không có dấu vết để dò tìm. Đó là cùng đi con đường độc hành độc bộ, con đường bặt hết các duyên, chỉ có người sống được mới tự chứng tự cảm thông, gọi là “chỉ chứng mới hay”.
Chỗ này cũng gọi là chỗ mà Thiện Tài Đồng Tử lên ngọn Diệu Phong tìm Tỳ-kheo Đức Vân để tham học nhưng tìm không gặp sau qua ngọn Biệt Phong mới thấy. Lý này cũng là công án trong nhà thiền. Kinh nói là Tỳ-kheo Đức Vân vốn chưa từng xuống núi, mà chưa từng xuống núi thì tại sao khi sang ngọn núi khác lại thấy? Bởi vì ngọn Diệu Phong chỉ chỗ tột lý, không có chủ khách, không đối đãi, Thiện Tài Đồng Tử lên đó nếu thấy Tỳ-kheo Đức Vân thì thành có chủ có khách, tức là có hai, có hai thì đâu còn gọi là Diệu phong. Cho nên muốn thấy nhau thì phải tạm qua ngọn Biệt Phong tức nương phương tiện tạm thấy, vì ngay trong đó không có chủ khách làm sao thấy.
Vậy muốn đi con đường này là phải dám buông, tức dám lìa tướng lìa duyên mới gọi là độc hành độc bộ, không bị cái gì ràng buộc kéo lôi, đây gọi là con đường Niết-bàn chung lối cho người đạt đạo. Người học thường nghe nói danh từ “đường Niết-bàn” thì tưởng có con đường nào đó để đi, đó là mắc kẹt trên danh từ.
Có vị Tăng hỏi Hòa thượng Càn Phong:
- Mười phương Bạc-già-phạm đều đồng con đường Niết-bàn, vậy thế nào là đầu đường?
Hòa thượng Càn Phong cầm gậy vạch lên hư không một đường, nói:
- Đây!
Vị tăng hỏi mười phương các Đức Phật đồng con đường Niết-bàn, vậy thế nào là đầu đường? Hòa thượng Càn Phong cầm gậy vạch một đường lên hư không nói “Đây”. Thì đó, đầu đường là ở chỗ đó, người khéo ngay đó liền vào, còn suy nghĩ theo danh từ hoặc là theo tướng cây gậy thì không thấy đâu hết. Thiền sư chỉ thẳng lẽ thật.
“Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh cao,
Xương cứng thân gầy ai để mắt”.
Nghĩa là người có đạo thì tự có sức sống riêng, gọi là “Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh cao”. Nó tự siêu việt, thanh thoát vượt thế gian nên gọi dáng điệu thanh cao, không bị thế duyên làm nhiễm. Đây gọi là người tự có lối đi, không ai kéo lôi, không gì làm lay chuyển, người có sức sống thực của mình. “Thân gầy” trên hình tướng thì không có gì hấp dẫn cho nên ít ai để ý, nhưng bên trong ngầm chứa một một sức sống vững vàng cứng cõi nên gọi là “xương cứng”.
Sư diễn tả hình thể bên ngoài trông ốm gầy bình thường, nhưng mà bên trong nó toát ra cái gì thanh thoát siêu việt không thể nói hết. Không cần phô trương hình dáng bề ngoài mà quan trọng là sức sống chân thật bên trong quên ngã, quên cái ta và sống dậy cái chân ngã, cái mà không ai để ý.
Thường thì chúng ta thích làm nổi để được mỗi người chú ý. Do muốn có cái danh mà đưa tướng ngã cho người để ý. Nếu không khéo thì dễ mắc kẹt, nó vi tế lắm!
Thí dụ đơn giản như khi đi chơi một mình thì bình thường, nếu có dịp đi chung với Hòa thượng phía trước có người chạy theo chụp hình thì sao? Nhiều khi mình cũng tranh lấn lên đứng gần Hòa thượng để chụp thấy được mặt, thì đó là cái gì? Hoặc trong buổi lễ quan trọng có quay phim thì mình cũng làm sao ló được cái mặt ra để được ghi ảnh trong phim, đây là những niệm vi tế.
Cho nên, học là để cho chúng ta soi trở lại. Người đạt đạo là quên ngã, không phô trương hình dáng bên ngoài, bên trong lại toát ra một sức sống vượt qua những con mắt phàm, chính là “Xương cứng thân gầy ai để mắt”. Bởi cứ chạy theo sắc tướng, có khi những bậc đạt đạo ngay trước mắt nhưng cứ lo nhìn hình tướng tầm thường nên lầm qua không hay.
Trong nhà thiền có câu chuyện về thiền sư Viễn khi được mời vào trong cung vua để luận bàn đạo lý với thiền sư Bổn Tịnh. Sư hỏi thiền sư Bổn Tịnh:
- Nay đối trước Thánh Thượng xét lường tôn chỉ cần phải hỏi thẳng, đáp thẳng không cần dùng nhiều lời. Như chỗ thấy của thiền sư lấy cái gì làm đạo?
Thiền sư Bổn Tịnh đáp:
- Không tâm là đạo.
Thiền sư Viễn hỏi:
- Đạo nhân tâm mà có, đâu được nói không tâm là đạo.
Thiền sư Bổn Tịnh:
- Đạo vốn không có tên, nhân tâm mà có đạo. Tâm và tên nếu có thì đạo không rỗng suốt. Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập? Cả hai đều là giả danh.
Thiền sư Viễn hỏi:
- Vậy thì thiền sư thấy thân tâm là đạo rồi chăng?
Thiền sư Bổn Tịnh đáp:
- Sơn tăng thân tâm xưa nay là đạo.
Thiền sư Viễn gạn lại:
- Thầy vừa nói không tâm là đạo, bây giờ lại nói thân tâm xưa nay là đạo, đâu không trái nhau.
Thiền sư Bổn Tịnh đáp:
- Nói không tâm là đạo thì tâm mất đạo không, tâm đạo nhất như cho nên nói không tâm là đạo. Còn thân tâm xưa nay là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm, thân tâm vốn đã là không thì đạo tột nguồn cũng chẳng thật có.
Thiền sư Viễn mới nói:
- Xem hình thể của thiền sư rất là nhỏ đâu thể hội được lý này.
Thiền sư Bổn Tịnh đáp:
- Đại đức chỉ thấy cái tướng của sơn tăng mà chẳng thấy được cái không tướng của sơn tăng. Thấy tướng là chỗ thấy của đại đức. Kinh nói: “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức ngộ được đạo kia”. Nếu lấy tướng cho là thật thì cùng kiếp cũng không thể ngộ đạo.
Thiền sư Bổn Tịnh thân tướng nhỏ nên thiền sư Viễn cho là không thể hội được lý cao siêu này.
Thiền sư Bổn Tịnh bẻ lại. Nghĩa là ông thấy như vậy chỉ là nhìn thấy tướng mà không thấy cái không tướng của sơn tăng. Nếu vậy tức là ông chấp tướng, mà chấp theo tướng tức là không thể thấy được lý thật. Rồi Sư dẫn kinh Kim Cang chứng minh cái gì có tướng đều hư dối, nếu bám vào đó thì cùng kiếp cũng không thể ngộ đạo.
Thiền sư Huyền Giác cũng nói “Xương cứng thân gầy ai để mắt”. Cứ nhìn theo hình thể bề ngoài mà phân biệt theo tướng, đã theo tướng tức là quên cái thật, liền bị màu sắc hình thức bên ngoài gạt con mắt thịt này. Thế nên nhiều khi chúng ta thấy hình tướng đẹp thì thích, đối với người hình tướng bình thường không có gì hấp dẫn thì trong tâm cũng xem thường, đó là chấp tướng, thấy trên tướng. Thiền sư Bổn Tịnh đánh thức thiền sư Viễn chớ thấy theo hình tướng lớn nhỏ mà khinh thường. Nếu thấy hình tướng nhỏ bé này mà khinh thường thì đó chỉ là thấy hình tướng, còn “Trí tuệ chân thật kia” thì nó đâu có lớn nhỏ, cho nên phải thấy thấu được nguồn sống chân thật đó, con người không tuổi tác nó đâu có hạn cuộc ở nơi hình thể lớn nhỏ mập ốm này.
Thiền sư Pháp Không có lần đến thiền sư Tề An thưa hỏi nghĩa lý trong kinh, khi đáp xong, thiền sư Tề An bảo:
- Từ nãy giờ bần đạo đều không được làm chủ nhân.
Pháp Không thưa:
- Vậy thỉnh Hòa thượng làm chủ nhân trở lại.
Sư bảo:
- Hôm nay tối rồi thôi hãy về chỗ cũ nghỉ ngơi, đợi sáng mai hãy đến.
Sáng hôm sau, Sư sai ông Sa-di mời Pháp Không đến, khi Pháp Không đến, Sư nhìn Sa di bảo:
- Bậy! Ông Sa di này không hiểu việc gì hết, Ta đã bảo mời thiền sư Pháp Không, sao lại mời người giữ nhà này đến làm gì?
Pháp Không không trả lời được.
Sư bảo mời Pháp Không đến là mời ai? Mời cái gì? Thấy được chỗ đó mới thấy được chỗ thiền sư Huyền Giác nói không phải trên cái hình tướng này. Vì thế, thiền sư Tề An nói “Cái này giống người giữ nhà”. Phải thấy được người chân thật kia kìa, người không tướng vượt cả xưa nay không hẳn là cái hình thể này.
Người mắt sáng cần phải thấy thấu qua cái hình thể mập, ốm, gầy, béo này để thấy thẳng đến chỗ vô tướng không thể thấy thì đó mới gọi là con mắt đạo, đó mới là chỗ của bậc đạt giả để mắt, người theo hình tướng thì dễ lầm qua.
Cho nên ở trong đây ba chữ “Ai để mắt” như là một nhát búa kinh hồn để đập thẳng vào người đang đối diện, cần phải thấu rõ chữ “Ai” để thông chỗ này.
Các bài mới
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 2) - 19/04/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 1) - 15/04/2017
- Tín tâm minh giảng giải ( Phần 7) - 04/10/2016
- Tín Tâm Minh giảng giải (Phần 6) - 28/09/2016
- Tín tâm minh giảng giải (Phần 5) - 21/09/2016
Các bài đã đăng
- Tín Tâm Minh giảng giải ( Phần 4) - 19/09/2016
- Tín tâm minh giảng giải (Phần 3) - 14/09/2016
- Tín tâm minh giảng giải ( Phần 2) - 07/09/2016
- Tín Tâm Minh - 01/09/2016
- Tọa thiên dụng tâm ký - 10/10/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23895
- Online: 26