Chứng đạo ca giảng luận (Phần 6)

06/06/2017 | Lượt xem: 3701

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

CHÁNH VĂN:

21- Ngã sư đắc kiến Nhiên Đăng Phật,

       Đa kiếp tằng vi nhẫn nhục tiên.

       Kỷ hồi sinh, kỷ hồi tử,

       Sinh tử du du vô định chỉ.

       Tự tùng đốn ngộ liễu vô sinh,

       Ư chư vinh nhục hà ưu hỷ.

 21- Thầy ta gặp được Nhiên Đăng Phật,

      Nhiều kiếp từng làm tiên nhẫn nhục.

      Bao lần sinh, bao lần tử,

      Tử sinh dằng dặc không ngừng dứt.

      Từ khi chóng ngộ tỏ vô sinh,

      Nào phải mừng lo cơn vinh nhục.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nhắc lại lời Phật Thích-ca tự thuật. Đức Phật thuật là trước kia Ngài cũng từng gặp Phật Nhiên Đăng, rồi được thọ ký, và khi còn tu Bồ-tát hạnh trong nhân địa tu hành cũng đã từng làm tiên nhẫn nhục năm trăm kiếp. Có một kiếp bị vua Ca Lợi cắt đứt thân thể.

“Thầy ta gặp được Nhiên Đăng Phật”. Có một kiếp Ngài sinh làm đồng tử tên Thiện Huệ. Thiện Huệ nghe có vị Tiên nhân đạo hạnh cao siêu ở núi tu hành nên tìm đến học đạo.

Do có chủng duyên sâu dày nên chỉ thời gian ngắn Thiện Huệ đã học xong hết đạo lý của thầy. Đồng tử Thiện Huệ từ giã Tiên nhân xuống núi. Tiên nhân bảo: “Những pháp cần dạy thì Ta đã dạy cho ngươi hết rồi, theo pháp học thì ngươi hãy đem năm trăm đồng tiền vàng đền ơn công ta dạy đạo”. Thiện Huệ thưa: “Nay, con không có tiền. Xin Thầy cho con thời gian, con xuống núi hóa duyên sau đó sẽ trở lại đền đáp công ơn Thầy”. Nói xong, Thiện Huệ xuống núi. Bấy giờ, là lúc đức vua trong nước đang mở đại hội bố thí “Vô-già”. Chữ “Vô-già” có nghĩa là thoải mái, bình đẳng, rộng khắp, không phân biệt mọi tầng lớp hay mỗi người đến xin đều sẵn sàng bố thí. Đồng tử Thiện Huệ liền đến xin năm trăm tiền vàng. Đức vua hỏi lý do. Thiện Huệ trình bày. Đức vua liền ban tặng. Thiện Huệ nhận năm trăm tiền vàng đi trở về núi. Thì lại hay tin có đức Phật Nhiên Đăng ra đời đang hóa độ chúng sinh trong nước. Do túc duyên sâu nên vừa nghe đến danh hiệu Phật thì trong tâm Thiện Huệ có cái gì thúc đẩy muốn đến diện kiến, thay vì về núi thì Đồng tử đổi lại đi gặp Phật trước.

Trước khi đến, Thiện Huệ nghĩ sẽ mua một bó hoa đến dâng cúng dường Phật. Nhưng lại gặp ngày đặc biệt là bao nhiêu hoa của ngày ấy đều dành hết cho hoàng cung để đức vua dâng cúng Phật. Vì thế, Thiện Huệ tìm mua không có. Lúc sau, chợt gặp một cung nữ tay cầm bảy cành hoa sen xanh quý, Thiện Huệ hỏi mua. Lúc đầu, cung nữ từ chối vì hoa của hoàng cung không bán, nhưng vì thấy Thiện Huệ quá thành tâm, xin đổi cả năm trăm tiền với một bó hoa. Cuối cùng, cung nữ biếu không năm cành sen, còn lại hai cành cô gởi Thiện Huệ nhờ dâng lên cúng Phật dùm cô.

Thiện Huệ vui mừng cầm bảy cành hoa sen đến dâng cúng Phật. Thấy Phật từ xa đi đến, Thiện Huệ theo phép tán hoa liền tung rải hoa lên trời và thầm phát nguyện: Những cành hoa sen này kết thành tàng lọng che theo Phật đi trên đường. Việc này là do căn lành của Bồ-tát nên khiến được như nguyện.

Khi Phật đến gần, phía trước là khoảng đất bùn lầy, Thiện Huệ sợ chân Phật lấm dơ nên cởi áo ngoài lót xuống, nhưng vẫn còn sót khoảng nhỏ mà Phật đã đến gần rồi. Bấy giờ, Thiện Huệ bèn quỳ xuống xỏa tóc phủ khoảng bùn lầy còn lại để Phật bước qua, đồng thời phát nguyện được sớm tiêu trừ nghiệp chướng. Sau đó, Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Thiện Huệ trải qua chín mươi mốt kiếp về sau sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni ở cõi Ta-bà giáo hóa chúng sinh.

Trên là câu chuyện về tiền thân của Đức Phật Thích-ca khi còn là Bồ-tát gặp Phật Nhiên Đăng được thọ ký. Thế nên, thiền sư Huyền Giác gọi “Thầy ta được gặp Phật Nhiên Đăng” là như vậy.

“Nhiều kiếp từng làm tiên nhẫn nhục”. Cũng là câu chuyện về tiền thân Đức Phật tu hành đạo Bồ-tát. Một kiếp Ngài làm Tiên nhân tu trong núi. Nước ấy có Vua Ca-lợi rất ác. Nhân tiết xuân, vua dẫn cung nữ vào núi vui chơi và nằm ngủ quên vì mệt. Nhóm cung nữ thấy vua ngủ nên tản ra dạo chơi, đến trước động đá gặp vị Tiên nhân trẻ đang tu. Tiên nhân thấy nhóm cung nữ có duyên lành, liền vì họ giảng nói lý vô thường, khổ não của thế gian nhằm cảnh tỉnh họ bớt buông lung theo ngũ dục. Các cung nữ chú tâm nghe say mê quên thời gian.

 Khi Vua tỉnh dậy thấy vắng mới hỏi hầu cận, biết là các cung nữ đang nghe Tiên nhân nói pháp.

Vua nổi giận, cầm gươm đi đến chỗ Tiên nhân đang nói pháp hỏi: “Ngươi là ai mà dám dụ dỗ cung nhân của Ta?”

Vị Tiên nhân đáp: “Tôi là người tu hành đã từ bỏ ngũ dục thế gian, đâu có lý gì mà dụ hoặc cung nhân của Ngài”.

Vua hỏi: “Vậy ngươi chứng được tứ quả chưa?” Tiên nhân đáp: “Chưa”. Vua hỏi tiếp: “Vậy đã chứng tam quả chưa?”

Tiên nhân cũng đáp: “Chưa”

Vua cười nhạt bảo: “Ngươi còn trẻ lại chưa chứng tứ quả, tam quả như vậy thì hẳn là còn tham dục, đâu có thể lừa Ta được. Ta thấy nhiều người tu hành, không ăn đồ nấu nướng, ngày ngày chỉ lo luyện khí, mà khi gặp sắc vẫn còn khởi tâm tham luyến”.

Tiên nhân mới nói: “Đoạn tâm tham sắc dục thì không phải nhờ ở luyện khí, hay là chỉ ăn trái cây không ăn đồ nấu nướng, mà vốn là do tu quán vô thường, quán bất tịnh mới trừ được”.

Vua nói: “Ngươi dám phê bình chỉ trích pháp tu của người, đó là còn tâm tật đố, nếu còn tật đố thì nhất định sẽ còn tâm tham sân…”

Tiên nhân: “Tôi là người tu hạnh trì giới, đối với sự chê bai của người tôi còn nhẫn nhục, huống nữa lại là chê bai người khác”.

Vua nghe nói thế liền vin ngay lời ấy liền bảo: “À! Vậy thì tốt. Ngươi bảo là ngươi hay nhẫn vậy thì để ta cắt lỗ tai ngươi thử nghiệm xem!”

Nói xong, vua Ca-lợi bèn dùng gươm cắt đứt lỗ tai của vị Tiên nhân đó. Sắc mặt Tiên nhân vẫn bình thản không lộ vẻ oán hận. Hầu cận khuyên can. Vua thấy mọi người khuyên can lại càng tức thêm, nên chặt luôn cả chân tay Tiên nhân.

Lúc ấy, bầu trời bỗng nổi sấm chớp, mưa đá tối tăm mù mịt, mặt vua biến sắc, nghĩ là trời nổi giận liền quỳ cầu xin sám hối.

Vị Tiên mới nói: “Tôi không có để tâm động niệm, cũng không có oán hận Ngài”.                  

Vua hỏi: “Lấy cái gì chứng minh?”

Tiên nhân phát nguyện: “Nếu như vua cắt đứt thân thể của tôi, tôi không có một niệm sân hận xin nguyện cho thân thể này bình phục như cũ”. Vừa phát nguyện xong thì thân thể bình phục như cũ. Tiên nhân phát nguyện tiếp: “ Sau này nếu tôi thành đạo sẽ độ vua trước tiên”. Đến khi thành Phật, đức Thế Tôn độ tôn giả Kiều Trần Như đầu tiên. Đây là câu chuyện tiền thân của Đức Phật khi còn làm Tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục.

Kinh Kim Cang, Phật nói với ngài Tu-bồ-đề: “Ta nhớ kiếp quá khứ trong năm trăm đời làm vị tiên nhẫn nhục, ở trong những đời đó không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả…” Tức là không phải chỉ một đời vừa kể trên mà cả năm trăm đời làm tiên nhẫn nhục như vậy. Vì vậy, thiền sư Huyền Giác mới nói: “Nhiều kiếp từng làm tiên nhẫn nhục”.

Đúng như lời thiền sư nói: “Dẫu gặp gươm đao cũng thường phẳng lặng, ví nhằm thuốc độc cũng nhẹ tênh”. Vậy Đức Phật cũng từng như thế, không phải chỉ riêng thiền sư Huyền Giác có được. Trên đường tu, chúng ta cần phải xả bỏ bản ngã triệt để thì mới giác ngộ viên mãn, giải thoát rốt ráo được.

“Bao lần sinh, bao lần tử,

Tử sinh dằng dặc không ngừng dứt.

Từ khi chóng ngộ tỏ vô sinh,

Nào phải mừng lo cơn vinh nhục”.

 Sư thấy trong nẽo luân hồi, mỗi người chúng ta không phải chỉ một lần, mà là đã trải qua không biết bao nhiêu lần trong cuộc sinh tử ghê sợ,  dằng dặc tiếp nối không cùng này. Nếu khéo lặng lòng quán kỹ mới thấy do một niệm bất giác ban đầu dẫn chúng ta vào cuộc luân hồi đến nay không biết là bao nhiêu lần! Nên Sư nói: “Bao lần sinh, bao lần tử”. Nghĩ đến điều đó, chúng ta không rùn mình không rởn óc hay sao? Nhiều khi học kinh quen nghe từ “sinh tử nhiều kiếp” nên thấy thường, do thấy thường nên sinh lờn, nếu chúng ta khéo xét lại sẽ tiến tu mạnh mẽ hơn.

Kinh nói, cắm cây cọc xuống bất cứ nơi nào trên đại địa này cũng là nơi chúng ta từng bỏ thân mạng. Vậy, ngay chỗ chúng ta đang ngồi đây cũng là nơi chúng ta từng bỏ thân mạng. Điều đó cho biết, chúng ta đã từng trải qua cuộc sinh tử từ kiếp vô thủy đến nay, chưa biết ngày nào dứt.

Nhưng có một điều an ủi: “Từ khi chóng ngộ tỏ vô sinh, Nào phải mừng lo cơn vinh nhục”. Nghĩa là khi đã chóng tỏ ngộ được thể vô sinh này rồi thì không còn phải bận lòng mừng lo đối với chuyện vinh nhục thế gian nữa. Bởi cái gì vinh? Cái gì nhục? Nó chỉ có trên cái “ta sinh tử” này thôi! Vì cái ta này mà nó được vinh. Vì cái ta này mà nó nhục. Khi tỏ ngộ được thể vô sinh rồi thì lấy ai mà vinh nhục? Nên không phải mừng lo vì cơn vinh nhục, vì vinh nhục đâu có đến được trong đó.

Nếu ngay đây, khéo quán lại trước khi niệm khởi, tức là trước khi tâm động niệm thì đâu có mừng lo? Sở dĩ có là do niệm khởi, có động niệm, có theo duyên vì có ta trong đó. Vậy thì ai cũng có chỗ siêu việt như vậy, tại sao lại không chịu sống mà chỉ sống với cái mừng lo đó là sao?

Thiền sư Huyền Giác cũng tự cảm thán cho mình và cũng để nhắc nhở mỗi người thấy rõ rằng mỗi người đã chìm nổi lăn lộn trong chuổi sinh tử dài đăng đẳng, mỗi một lần sinh tử là biết bao sự vui buồn chồng chất không tính kể. Song, nhờ có duyên lành hy hữu là tỏ ngộ được con đường vô sinh, thấu được lối Tào Khê, có chỗ sống an ổn, hết còn vướng vào sự mừng lo vinh nhục đó nữa. Nên Sư muốn chia sẻ với tất cả những ai còn đang trên đường nỗ lực buông bỏ những nỗi mừng lo vinh nhục này, khéo tỏ ngộ để chóng đến được nước vô sinh.

CHÁNH VĂN:

22- Nhập thâm sơn, trú lan nhã,
      Sầm ngâm u thúy trường tùng hạ.
      Ưu du tĩnh tọa dã tăng gia,
      Khuých tịch an cư thực tiêu sái?

***

22- Vào non sâu, ở lan-nhã,

      Núi dựng tùng già sâu vắng tỏa.

      Thong dong ngồi lặng kẻ tăng quê,

      Vắng lặng yên lành thanh thoát quá.

GIẢNG:

Đoạn này Sư tả cảnh sống thanh nhàn của người xuất gia thoát tục vào chốn non sâu núi thẳm, ở nơi Lan-nhã. Lan-nhã nói đủ là A-lan-nhã tức là nơi thanh vắng. Chư Tăng thường vào non sâu thanh vắng “Núi dựng tùng già” vắng bặt duyên trần, không vướng bận việc đời. “Thong dong ngồi lặng kẻ Tăng quê”. Làm kẻ Tăng quê rảnh rang không bận rộn việc đời, sống thật yên lành, thật thanh thoát, thật sự là vô sự. Đây mới đúng là nghĩa xuất trần thoát tục.

Qua đây, chúng ta kiểm lại đời sống của chư Tăng hiện tại so với các Ngài thì thấy thế nào? Cho nên, thiền sư Tông Nhất Huyền Sa nói: “Nếu là bậc cổ đức tiên hiền khi được biết thì liền khắc kỷ thực hành công phu, ở am tranh hoặc thất đá trên chóp núi. Cổ đức nói: “Tình phàm lượng thánh vẫn rơi trong pháp trần, kiến giải chưa quên bèn thành rỉ chảy”.

Nghĩa là người xưa khi nhận được lẽ thật rồi, liền khắc kỷ thực hành công phu quyết sống cho được, ở am tranh hoặc thất đá và quên hết duyên đời, nên nói “tình phàm lượng thánh đều quên”. Nếu còn chút tình phàm lượng thánh thì cũng là rơi trong pháp trần, còn chưa quên kiến giải thì cũng thành rỉ chảy.

Thiền sư Vô Nghiệp dạy kỹ hơn: “Những vị cổ đức xưa sau khi hội được ý chỉ, bèn cất am tranh hoặc ở thất đá, nấu cơm bằng  lò bể. Như vậy trải qua hơn hai ba mươi năm, danh lợi không bận lòng, tiền của chẳng phiền nghĩ. Quên cả người đời, ở ẩn chốn núi rừng, vua chúa mời chẳng đến, chư hầu thỉnh chẳng đi. Đâu như chúng ta ngày nay tham danh, mến lợi, chìm đắm trong bụi đời như là bọn con buôn”. Sư nói mạnh. Ý nói là người xưa khi nhận được lẽ thật rồi thì quên hết mọi duyên, bảo dưỡng để sống trọn vẹn trong đó. Cũng không tâm tự hào để lại dính vào cái danh. Đó là chỗ sống của người xưa.

Qua đây, chúng ta xét lại mình để có sự hổ thẹn, để biết dừng lại. Nhiều khi theo duyên ngoài nhiều quá, có lúc bị danh lợi, vật chất lôi cuốn, làm mất đi chỗ sống thực của người tu. Đúng ra, chúng ta phải thường xuyên tự xét lại xem lâu nay ở trong đạo tu hành có thật được giải thoát chưa? Và được bao nhiêu rồi? Hay là dính thêm. Để nhắc nhở mỗi người cần tỉnh giác.

Xưa thiền sư Đạo Giai Phù Dung sống rất đạm bạc, trong chúng của Sư cũng sống như vậy. Một năm, gạo lúa thu được nếu đủ nấu cơm thì nấu cơm, nếu không đủ thì nấu cháo đặc hoặc cháo loảng chia cho cả chúng đồng ăn, vị nào có tâm tu hành thì ở, còn ai thấy không kham nổi thì đi.

Sư cũng từng dạy: “Phàm người xuất gia vì chán trần lao, cầu thoát sinh tử, thôi tâm dứt niệm, cắt đứt cái vin theo, gặp thinh gặp sắc như trồng hoa trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt. Vì từ vô thủy đến giờ những cái ấy đâu phải là chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến. Hiện nay chẳng dứt  còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch thì còn có việc gì nữa! Nếu được trong tâm vô sự thì Phật Tổ vẫn là oan gia. Tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt mới là phù hợp ở bên này”. Tức là người xuất gia chán cảnh trần duyên, khi gặp thanh sắc giống như trồng hoa trên đá, không cắm rễ, cũng không sinh tâm. Gặp lợi danh tựa như bụi rơi vào mắt nên phải rửa liền không nên chần chừ vì sẽ bị xốn đau con mắt. Từ vô thủy kiếp đến nay, việc lợi danh ai cũng từng trải qua hết, đã quen nhàm lắm rồi. Bây giờ cần gì phải nhọc nhằn, phải bận tâm tham luyến nữa.

Nếu chúng ta quán được như vậy thì tâm đắm mê danh lợi sẽ bớt nhiều, mới là phù hợp với chỗ sống này. Ở đây, thiền sư Huyền Giác nói vào non sâu thanh vắng, cạnh vách núi, dưới cội tùng già... làm Tăng quê mùa vậy mà an tịnh thanh thoát, không bận, không tranh, không lo cũng không theo duyên để bị đời lôi cuốn. Xét lời dạy đó, rồi nhìn lại chúng ta ngày nay, thấy có phù hợp chút gì chưa? Phải khéo nhắc nhở, khéo cảnh tỉnh rồi tự hổ thẹn chớ đừng biện hộ. Được vậy, chúng ta mới biết dừng bớt, biết sống trở lại, tuy là chưa được trọn vẹn nhưng cũng có phần nào sống với lẽ thật.

CHÁNH VĂN:

23- Giác tức liễu, bất thi công,

      Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng.

      Trụ tướng bố thí sinh thiên phước,

      Do như ngưỡng tiễn xạ hư không.

***

23- Giác là xong, chẳng ra công,

      Mọi pháp hữu vi thảy chẳng đồng.

      Bố thí trụ tướng phước trời ứng,

      Khác gì tên nhắm bắn hư không.

GIẢNG:

Giác là xong, không cần phải ra công, không cần tạo tác. Vì tất cả pháp hữu vi đều là pháp tạo tác, pháp sinh diệt. Hữu vi có ba tướng sinh, trụ, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không thuộc pháp vô thường, nếu sánh với cái chưa từng biến đổi này thì “pháp ấy” vượt xa, nên nói “Mọi pháp hữu vi thảy chẳng đồng”.

Bố thí mà trụ tướng thì sẽ được phước sinh cõi trời, nhưng phước đó có lúc sẽ hết. Cũng đâu khác gì việc ngưỡng mặt lên hư không mà bắn tên. Lúc đầu mũi tên theo sức đẩy mạnh vọt lên cao nhưng dần dần sức đẩy yếu cuối cùng cũng rớt xuống.

Thiền sư Huyền Giác nói thẳng. Giác là xong! không phải nhọc, không phải ra công, không phải tạo tác gì thêm nữa, tự tánh sẵn đủ không phải nhờ công phu tạo tác bên ngoài.. Đây chính là pháp đốn giáo đi thẳng vào tự tánh Như Lai.

Thiền sư Huệ Lãng đến hỏi thiền sư Thạch Đầu: “Thế nào là Phật?”. Thạch Đầu đáp: “Ông không có Phật tánh”. Huệ Lãng thưa: “Xuẩn động, hàm linh thì thế nào?”. Tức các loài vật nhỏ nhít bò dưới đất như trùng kiến…, bay trên trời như thiêu thân…, hay là những loài biết cựa biết quậy, nói chung là tất cả những loài sinh vật nhỏ. Thạch Đầu bảo: “Những loài đó lại có Phật tánh”. Huệ Lãng hỏi: “Vậy Huệ Lãng vì sao lại không?” Thạch Đầu bảo: “Là vì ông chẳng chịu nhận”. Ngay lời nói đó Huệ Lãng sáng tỏ, liền có chỗ vào.

Đúng như câu: “Giác là xong, chẳng ra công” mà tin nhận thấy rõ mình vốn sẵn đủ thì đâu phải tốn công tạo tác gì nữa.

Cho nên, đây thiền sư Huyền Giác nói rõ như việc bố thí, trì giới mà còn thấy có công tức là còn có ngã, còn trụ tướng, tuy là việc làm tốt, việc lành nhưng chỉ được phước, thuộc về pháp hữu vi bên ngoài, chưa phải Ba-la-mật nên không dính dáng đến việc này. Bởi hưởng phước cõi trời xong thì cũng rơi trở lại, cũng là vô thường, cũng có lúc hết phước.

Trong kinh Kim Cang Phật dạy ngài Tu-bồ-đề: “Nếu có Bồ-tát đem bảy báu đầy cả thế giới nhiều như số cát sông Hằng dùng để bố thí, sánh với Bồ-tát biết tất cả pháp vô ngã được thành tựu sức nhẫn, thì công đức của Bồ-tát này hơn phước đức của Bồ-tát bố thí bảy báu. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, do các Bồ-tát chẳng thọ phước đức”. Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát chẳng thọ phước đức?” Phật bảo: “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức chẳng nên tham trước, vì vậy nói là chẳng thọ phước đức”.

Phật dạy làm phước đức không nên thọ, không tham trước. Thọ tức là trụ tướng. Phật nói rõ Bồ-tát biết tất cả pháp vô ngã được thành tựu sức nhẫn vô sinh, thấu đạt thể vô sinh, sống trở về tự tánh, thì mới bền vững, đây gọi là công đức của tự tánh vượt xa phước đức kia, vì phước đức kia thuộc về hữu vi.

 Thiền sư Huyền Giác ngầm chỉ để nhắc chúng ta chớ kẹt, trụ vào việc làm hữu vi. Sư cũng nhắc người tu hành phải dám quên, không chấp công phu tạo tác của mình, tức là vượt qua những việc làm hữu vi để giác soi lại tự tánh, thì đó mới là chỗ sống chân thật. Cũng như ngài Triệu Châu đến hỏi thiền sư Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Nam Tuyền đáp: “Tâm bình thường là đạo”. Thật đơn giản. Triệu Châu hỏi: “Vậy có thể nhằm tiến đến đó chăng?” Nam Tuyền đáp: “Nếu mà nghĩ nhằm tiến đến là trái rồi”. Tâm bình thường tức là chỗ chưa có động niệm, chính đó là đạo, ngay đó nhận là xong. Còn nghĩ nhằm để tiến đến, tức là có tạo tác mà có tạo tác tức là trái rồi.

CHÁNH VĂN:

24- Thế lực tận, tiễn hoàn trụy,
      Chiêu đắc lai sinh bất như ý.
      Tranh tự vô vi thực tướng môn,
      Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.

***

24- Đà bắn hết, tên rơi lại,

      Đời sau vướng phải chẳng như ý.

      Đâu giống cửa thực tướng vô vi,

      Vào đất Như Lai trong một nhảy.

GIẢNG:

Đến đây, thiền sư Huyền Giác nói rõ thêm ý của đoạn hai mươi ba trên. Nếu như ngữa mặt lên trời lấy tên nhắm bắn hư không, thì bắn sao tới? Khi cái đà bắn hết thì tên lại rơi xuống. Cũng vậy, trụ tướng bố thí sẽ hưởng phước, khi phước hết hoàn lại cảnh khổ. Nên, Sư nói đời sau sẽ vướng vào những điều bất như ý.

“Đâu giống cửa thực tướng vô vi, Vào đất Như Lai trong một nhảy”. Tức là vượt hơn hẳn hết thảy công phu tạo tác bên ngoài.

 Như chuyện ông Uất-đầu-lam-phất thời Phật tu thiền định, đắc được Phi phi tưởng định, được sinh lên cõi trời Phi phi tưởng; nhưng cũng là công phu tạo tác, thuộc hữu vi. Cho dù Ông sống đến hàng triệu triệu tuổi, nhưng theo lời Phật thọ ký thì sau khi sức định hết, tuổi thọ giảm dần, cuối cùng sẽ đọa làm con chồn bay.

 Trong Lục Độ Tập ghi đoạn Phật kể lại cho Tôn giả A-nan nghe: “Lúc Phật còn tại thế, đang đi trên đường thấy ông lão đang đong bán cá. Vừa gặp Phật, ông liền than: “Sao cuộc đời tôi cô độc, chỉ có một đứa con độc nhất, nó lại qua đời khiến tôi tuổi già phải nhọc nhằn kiếm sống”. Đức Phật nói: “Chính do nghiệp báo của ông đời trước, còn con cá mà ông bán đó chính là vị Phi Hành Hoàng đế. Kiếp xa xưa, Hoàng đế là vị vua thường gieo trồng nhiều phúc báu nhưng lại có tâm kiêu mạn, hạnh nết hung hăng nên hiện đời đọa làm cá bị người đong bán”.

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận cũng từng dạy: “Nay người học đạo không chịu hướng trong tâm mình mà ngộ, bèn ở ngoài tâm theo cảnh chấp tướng đều trái với đạo, Đức Như Lai ra đời chỉ muốn nói về nhất thừa chơn pháp nhưng chúng sinh ắt không tin, sinh ra hủy báng bị chìm trong biển khổ; Nếu hoàn toàn không nói thì mắc lỗi xan tham, chẳng vì chúng sinh chỉ dạy diệu đạo. Nên Ngài bèn lập phương tiện nói có ba thừa, thừa có đại thừa tiểu thừa, được có cạn sâu đều không phải là bổn pháp. Cho nên nói chỉ có đạo nhất thừa, có hai thì chẳng phải chơn.

Nhưng vẫn chưa có thể hiển bày một tâm pháp, cho nên mới triệu Ca-diếp đồng trong pháp tòa, riêng trao một tâm pháp rời nói năng, một nhánh pháp này khiến riêng thực hành, nếu người hay khế ngộ liền đến PHẬT địa”. Đây là Ngài chỉ thẳng chứng ngộ bản tâm đó là cái gốc của tất cả pháp, còn nói những phương tiện thứ lớp đó gọi là phương tiện của PHẬT thôi. Nếu khéo khế ngộ thẳng đến chỗ gốc chân thật đó là vào đất Như Lai, tức là đến chỗ này thì thấy đồng với chỗ PHẬT thấy, gọi là vượt qua những cái thấy thứ lớp cấp bậc.

Tuy nhiên, đến chỗ này nếu người học không xét kỹ thì cũng dễ mắc kẹt. Tức là nói thiền mà làm không được. Hoặc nói tôi tu đốn ngộ, tối thượng thừa ngay một nhảy liền vào đất Như Lai, không cần tu chỉ ngộ là xong.

Chỗ này cần hiểu thật rõ “Một nhảy vào liền đất Như Lai”. Tức là cái thấy đồng như Phật. Song, thấy là một việc mà còn phải sống thường xuyên và trọn vẹn trong đó. Việc này cần có thời gian bảo dưỡng, không phải ngay đó là xong.

Ngài Sa Di Cao tỏ ngộ rồi liền từ giã Dược Sơn. Dược Sơn hỏi: “Ông đi đâu?” Sa Di Cao thưa: “Con ở trong chúng có ngại, nên định đến bên đường, cất một am tranh để tiếp đãi trà nước cho khách qua lại”. Dược Sơn bảo: “Sinh tử là việc lớn, sao ông không đi thọ giới?” Sa Di Cao thưa: “Biết thì những việc ấy liền thôi, lại bảo thọ giới làm gì?” Dược Sơn bảo: “Như thế thì ông cũng chẳng được lìa xa ta, có khi ta cần gặp ông”..

Biết như vậy là đúng rồi, là được rồi, nhưng cũng không được lìa xa ta. Tại sao? Nghĩa là tuy ông biết đúng, thấy đúng nhưng chớ vội tự cho là đủ.

Như vậy bốn câu này Sư nhấn mạnh, khuyên cần phải vượt qua tất cả các pháp sinh diệt để tiến thẳng vào chỗ chân thật vô vi. Đây, gọi là cửa thật tướng. Là chỗ thật sự an ổn. Cũng gọi là công đức tự tánh. Tất cả pháp hữu vi bên ngoài đều không sánh kịp.

CHÁNH VĂN:

25- Đản đắc bổn, mạc sầu mạt,
      Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt.
      Ký năng giải thử như ý châu,
      Tự lợi lợi tha chung bất kiệt.

***

25- Chỉ được gốc lo chi ngọn,

      Như ngọc lưu ly ngậm trăng sáng.

      Đã hay hiểu được như ý châu,

      Lợi mình lợi người không cùng tận.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói chỉ cần được gốc thì ngọn tự đến, nhưng chúng ta cứ lo theo ngọn để mất gốc, mà gốc mất thì ngọn cũng tiêu, như cây trốc gốc thì ngọn cũng héo khô. Vậy, mất gốc là gì?

Gốc tức là bản tâm chính mình. Bản tâm là gốc của tất cả pháp, nên nói tâm sinh thì tất cả pháp sinh, tâm diệt tất cả pháp diệt. Nếu hay sống trở về với bản tâm thanh tịnh của mình, đó là trở về gốc. Sống được với bản tâm thì các công đức cũng từ đó phát sinh, không phải lo tìm bên ngoài.

“Như ngọc lưu ly ngậm trăng sáng”. Ngọc lưu ly trong suốt, ngậm trăng sáng tức là cả trong ngoài của ngọc đều hiện bóng trăng sáng. Ý nói người sống được với bản tâm thì tâm thanh tịnh trong sáng giống như ngọc lưu ly, tức là trí tuệ soi suốt trong ngoài không ngăn ngại.

“Đã hay hiểu được như ý châu, Lợi mình lợi người không cùng tận”. Hiểu được “như ý châu” tức là nhận được chỗ chân thật. Nói châu như ý là ngầm chỉ chỗ chân thật, chỉ tự tánh Như Lai là của báu vô giá giống như là châu như ý. Nó có đủ diệu dụng nên nói lợi mình lợi người dùng mãi không bao giờ hết.

Đó, chính là công đức của tự tánh nên không đồng với phước hữu vi. Phước hữu vi dùng rồi cũng có lúc hết, còn công đức của tự tánh dùng mãi không hết. Điều quan trọng là chúng ta biết soi trở lại gốc, nhận được gốc để sống, đó là diệu chỉ. Chính yếu là bản tâm mà chúng ta không biết, chỉ biết lo đi tìm cái bên ngoài, nhiều khi lo thâu cái này cái kia cho nhiều, nhưng cũng là cái vay mượn từ bên ngoài. Mà có mượn tức là có trả, cho nên rốt cuộc cũng không có cái gì thật, không phải là của báu trong nhà.

Ở đây, thiền sư Huyền Giác nhắc mỗi người cần phải rõ được của báu trong nhà mình, tức là lấy châu như ý ra xài thì sẽ làm lợi mình lợi người không cùng tận, không bao giờ hết. Thiền sư Nham Đầu từng nói với thiền sư Tuyết Phong: “Ông chẳng nghe nói là từ cửa vào thì chẳng phải là của báu trong nhà”. Nghĩa là cái gì từ bên ngoài vào thì không phải là của báu trong nhà. Nếu là của báu trong nhà thì chỉ cần lấy ra dùng thôi, còn từ cửa ngoài vào là của người khác không phải thật.

CHÁNH VĂN:

26- Giang nguyệt chiếu, tùng phong xuy,

      Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi.

      Phật tánh giới châu tâm địa ấn,

      Vụ lộ vân hà thể thượng y.

***

26- Trăng rọi sông, gió lay tùng,

      Đêm trường thanh vắng có chi làm.

      Phật tánh giới châu tâm in rõ,

      Mây ráng sương mù áo khoác thân.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói đến chỗ sống chân thật. Trăng rọi trên sông, gió lay ngọn tùng, giữa đêm trường thanh vắng có việc gì làm. Cảnh này thật là không nghĩ bàn. Đến đó còn có việc gì? Đây không cho nghĩ ngợi, không cho sinh hiểu.

Sơ Tổ Trúc Lâm cũng nói trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo: “Biết đào hồng hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm. Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng”. Ngay cảnh hiện tiền trước mắt, chỉ có người tri âm là mới hiểu thôi, còn người ngoài không cách gì biết được.

Cũng như ở đây nói trăng rọi sông gió lay tùng, giữa đêm trường thanh vắng ai ở trong đó để hiểu? Nên chỉ có người tri âm thầm cảm đồng hiểu. Và “chỗ này” không xa, nó hiện bày trước mắt ở khắp mọi nơi. Ý Tổ nói “nó” bày hiện khắp nơi, trên cành liễu, trên hoa mai, trong tiếng chim, qua tiếng suối rất rõ ràng, khi tâm khế hợp ngay đó cảm nhận liền.

Thiền sư Duy Nghiễm Dược Sơn có lần đang ngồi yên trên tảng đá, ngài Thạch Đầu trông thấy hỏi: “Ngươi ở đây làm gì vậy?” Dược Sơn thưa: “Tất cả chẳng làm”. Thạch Đầu hỏi: “Vậy thì tại sao ngồi yên?”, Dược Sơn thưa: “Nếu ngồi yên, tức là làm”. Thạch Đầu hỏi: “Ngươi nói chẳng làm là chẳng làm cái gì?” Dược Sơn thưa: “Ngàn thánh cũng chẳng biết”. Đó, chính là chỗ chẳng làm, là chỗ vô sự. Chỗ đó đến ngàn thánh cũng chẳng biết. Tức là không có chỗ để cho người xen vào hiểu biết, phải là người ở trong cảnh tự thầm hiểu.

“Phật tánh giới châu tâm in rõ. Mây ráng sương mù áo khoác thân”. Phật tánh là giác ngộ, không mê. Giới châu là thanh tịnh không nhơ. Phật tánh thanh tịnh giống như hạt châu trong suốt, đều quy về một tâm là tâm địa ấn. Tâm ấn này hiển bày khắp nơi, nó chân thật rộng lớn mênh mông, chứ không hạn hẹp trong xác thân này.

Đến chỗ chân thật thì Sư diễn tả như mây ráng sương mù là áo mặc. Áo là mây là sương, như vậy thân thật này không còn hạn cuộc nơi xác thân nhỏ bé nữa, mà là pháp thân rộng lớn hiện bày khắp nơi.

Khi tâm thanh tịnh thì nhìn ra cái gì cũng sáng, tức là ánh sáng chánh giác hiện khắp nơi, nhìn đâu cũng là giác, chỗ nào cũng là chỗ pháp thân hiển bày hết. Có một bà già ngộ đạo đến trình với thiền sư Bạch Ẩn là bà thấy Phật hiện khắp nơi, chỗ nào cũng sáng ngời. Bạch Ẩn nói: “Còn hầm phân thì sao?”. Bà liền giơ tay thoi vào Bạch Ẩn, nói: “Ông già này chưa ngộ!”

Tâm sáng thì chỗ nào cũng sáng, cả hầm phân cũng sáng, không chỗ nào che ngại hết. Như người xưa nói: “Trúc biếc xanh xanh thảy là pháp thân, hoa vàng rỡ rỡ đều là Bát Nhã”. Nghĩa là trúc biếc xanh xanh là chỗ pháp thân hiển bày, còn hoa vàng là Bát Nhã hiện tiền. Vậy thì chỗ nào cũng sáng ngời, không niệm mê chen vào, không gì che mắt được.

Có lần vua Lý Thái Tông đến hỏi thiền sư Thiền Lão: “Hằng ngày Hòa thượng làm việc gì?” Thiền Lão đáp: “Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Chỗ nào cũng hiển bày lẽ thật hết. Thấy trúc biếc thấy hoa vàng cũng không rời tự tánh, trăng trong mây bạc đều bày rõ chỗ chân thật. Đây gọi là lộ toàn chân. Cái chân thật hoàn toàn hiển bày.

Đoạn này thiền sư Huyền Giác ngầm diễn tả chỗ Sư đã sống được, chỗ toàn thể đều hiện bày khắp nơi, không có gì ra ngoài ánh sáng chánh giác. Nhà thiền nói người đến đó rồi thì dù ho hen, khạc nhổ hoặc vung tay múa chân đều trúng ý Tổ sư, là chỗ sống thực của mỗi người, là chỗ ngôn ngữ không làm sao nói tới.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89498
  • Online: 21