Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7)

11/06/2017 | Lượt xem: 4032

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

CHÁNH VĂN:

27- Hàng long bát, giải hổ tích,  
      Lưỡng cổ kim hoàn minh lịch lịch. 
      Bất thị tiêu hình hư sự trì, 
      Như Lai bảo trượng thân tung tích.

27- Bát hàng rồng, gậy giải cọp,

      Hai dãy khoen vàng khua lảnh lót.

      Nào phải nêu bày giữ việc suông,

      Gậy báu Như Lai đây dấu tích.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác dẫn tích chuyện nói về “Bát hàng rồng, gậy giải cọp”. Khi Lục Tổ ở chùa Bảo Lâm thì phía trước điện chùa có cái đầm, trong đó có con rồng, mỗi lần ra vào nó thường quấy động cây rừng. Một hôm, rồng hiện hình rất to, nổi sóng dậy dưới hồ khiến mây che mờ mịt. Đồ chúng đều sợ. Lục Tổ thấy vậy Ngài mới ra quở rằng: “Ngươi chỉ giỏi hiện thành hình lớn, mà chẳng giỏi hiện thân nhỏ. Nếu là rồng thần thì phải giỏi biến hóa, nhỏ lớn đều hiện được”. Rồng nghe rồi liền lặn mất. Giây lát nó tự hiện lại thân nhỏ như con rắn, nhảy lên mặt đầm. Lục Tổ mở bát đưa ra, thách: “Ngươi dám vào trong bát của lão Tăng hay không?” Rồng bơi tới trước, Lục Tổ lấy bát hứng nó vào bát và đậy nắp lại. Rồng hết cựa quậy. Tổ cầm bát về chùa, nói pháp khai thị cho nó nghe. Sau đó, rồng lột xác để lại bộ xương rồi đi. Bộ xương này lưu giữ trong chùa, qua thời gian loạn lạc thì thất lạc không còn. Đây là tích của Bát hàng rồng thời Lục Tổ.

Xưa, Phật cũng có lần hàng phục con rồng lửa ở chỗ của ngài Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp rồi cũng thâu vào trong bát. Nương tích này cũng gọi là Bát hàng rồng.

Còn “Gậy giải cọp” là dùng gậy để ngăn, giải những con cọp đấu với nhau. Thiền sư Tăng Trù sống vào thời Bắc Tề có lần Sư vào trong núi Vương Ốc - Châu Hoài để tu thiền định. Hôm đó, nghe tiếng gầm thét vang dội núi rừng. Sư ra thấy hai con cọp đang đấu với nhau. Lúc đó Sư mới dùng cây tích trượng chắn ngang giữa ngăn hai con ra, tự nhiên hai con cọp chia ra rồi mỗi con bỏ đi một ngã. Đây là tích về Gậy giải cọp.

Cũng có tích kể về thiền sư Đàm Tuân vào núi gặp hai con cọp đang hăng say đấu với nhau, nếu như chúng ta gặp như vậy là bỏ chạy rồi, nhưng Sư liền cầm cây gậy đến đứng ngay giữa can ra, còn phân giải rằng: “Đã cùng ở chốn núi rừng, đáng lẽ các ngươi không nên kình chống nhau, thôi đường ai cứ đi!” Hai con cọp cúi đầu tuân phục rồi đi. Đây cũng là tích Gậy giải cọp.

Qua các tích chuyện trên, chúng ta xét thấy lực dụng không ở cái bát, không ở cây gậy, mà do đạo lực của người dùng. Nếu cái bát, cây gậy đó mà đưa chúng ta sử dụng thì không thể thâu được rồng, cọp, nhiều khi còn bị thâu lại nữa là khác. Lực dụng chính nơi con người. Cái bát, cây gậy nó đâu có biết. Chính cái lực thù thắng đó do người dùng tác động lên.

Tác dụng bình thường của cái bát là đựng thức ăn khi đi khất thực, cây gậy thì để ngăn ngừa thú vật hoặc nhờ những cái khoen lắc báo tin cho gia chủ biết là có người đến trước cửa;  ngoài ra mỗi khi gặp việc gậy, bát còn thể hiện được những diệu dụng thù thắng. Để thấy đó không phải là vật giữ chơi, tốn công vô ích, không phải là “tiêu hình hư sự trì” (nêu bày ra những việc suông), mà có ý nghĩa. Tùy theo người dùng mà có những tác dụng thích hợp.

Ở đây, Sư nói về hình thức cây gậy tức là hai dãy khoen vàng khua lãnh lót. Vì hai bên cây gậy hay cây tích trượng có hai dãy khoen, một bên có ba khoen, hai bên là sáu khoen, nên khi động thì nó khua. Hai hàng khoen tượng trưng cho nhị đế. Tức là chân đế và tục đế. Mỗi bên ba khoen cộng lại thành sáu khoen tượng trưng sáu Ba-la-mật. Gậy đó là Gậy Đại thừa, còn Gậy của hàng Tiểu thừa thì có bốn khoen tượng trưng Tứ đế hoặc là có khi mười hai khoen tượng trưng cho Mười hai nhân duyên. Mỗi vật trong nhà Phật đều có ý nghĩa không phải chỉ dùng suông.

Như cây gậy của chư Tăng dùng vào tay thiền sư thì nó thành đặc biệt, không phải chỉ là cây gậy vô tri thôi. Thiền sư Minh Biện- Chánh Đường khi sắp tịch, Sư đăng tòa cầm cây gậy, lia bên trái một vòng rồi nói: “Ba mươi hai tướng không có tướng này”. Rồi lia bên phải một vòng nói: “Tám mươi vẻ đẹp cũng không có cái đẹp này”. Vậy có ai thấy gì không? Sau đó, Sư nói thêm: “Cây viết của Tăng Dao vẽ cũng chẳng thành; còn Chí Công chỉ bày ra bản nháp”. Sư lại lia một cái nữa, nhìn đại chúng nói: “Nhưng chớ có áo não, thẳng đây thừa kế thôi tìm xét”. Cũng là cây gậy, song dưới tay thiền sư thì khai thị được cái gì phi thường linh diệu trong đó, vượt ngoài cả cây gậy. Vậy thì cây gậy này ai thấy được?

 Không phải chúng ta chỉ nhìn thấy cây gậy tầm thường đó thôi, nó có cái gì đặc biệt nhưng nói không hết. Chỗ gọi là ba mươi hai tướng tốt của Như Lai cũng không có tướng này. Bởi ba mươi hai tướng thuộc tướng bên ngoài. Tám mươi vẻ đẹp cũng là cái vẻ đẹp bên ngoài. Còn “cái này” nó vượt cả ngoài ba mươi hai tướng tám mươi vẻ đẹp kia, thì ai mà thấy được cái đó? Sư nói thêm là cây viết của Tăng Dao vẽ cũng chẳng thành. Tăng Dao là vị họa sĩ nổi tiếng thời xưa nhưng vẽ cũng không ra cây gậy rạch một đường này. Còn ngài Chí Công cũng chỉ là bày ra cái bản nháp thôi! Nghĩa là Ngài Chí Công nói gì nói cũng là bản nháp, còn cái bản chánh bản gốc là ở đâu? Chỗ đó nói không ra. Nên người khéo thấy được cây gậy đó là thấy Phật, thấy Như Lai chứ không phải là tầm thường.

Cũng như thiền sư Vân Môn, một hôm cầm cây gậy chỉ chúng, bảo: “Cây gậy hóa làm rồng, nó nuốt hết cả càn khôn rồi vậy, núi sông đất liền chỗ nào được?”. Tức cây gậy đó nó hóa làm rồng nuốt hết cả càn khôn đất trời, vậy thì núi sông đất liền ở chỗ nào? Cho nên, cây gậy đến trong tay thiền sư Vân Môn thì nó còn vượt khỏi cái tay nữa, nó hóa rồng nuốt cả trời đất, vượt qua cả tròng mắt của mỗi người, đây là cây gậy bất tư nghì! Nói cây gậy tức chẳng phải cây gậy.

Nếu chúng ta chỉ bám vào cây gậy để hiểu là mê mất rồi, nên cây gậy của thiền sư Minh Biện Chánh Đường, của Vân Môn có một ý nghĩa siêu việt. Chỗ này, thiền sư Huyền Giác nói: “Nào phải nêu bày giữ việc suông, gậy báu Như Lai đây dấu tích”. Chính đây là dấu tích của Như Lai, nào phải tầm thường, đâu phải rỗng suông, cốt là người biết dùng nó hay không? Nếu chỉ nhìn qua hình tướng cây gậy bằng gỗ vô tri thì không có gì, không thấy hết được ý nghĩa. Sư dẫn tích và nói rõ. Trước nói lên cái diệu dụng của Bát hàng rồng, Gậy giải cọp, sau Sư chỉ ra diệu dụng của các vật đó dưới lực dụng của người dùng.

CHÁNH VĂN:

28- Bất cầu chân, bất đoạn vọng,

      Liễu tri nhị pháp không vô tướng.

      Vô tướng vô không vô bất không,

      Tức thị Như Lai chân thực tướng.

***

28- Chẳng cầu chân, chẳng dứt vọng,

      Hai pháp vốn là không, không tướng.                  

      Không tướng, không không, không chẳng   không,

      Đấy chính Như Lai chân thật tướng.

GIẢNG:

“Chẳng cầu chân, chẳng dứt vọng, Hai pháp vốn là không, không tướng”. Thường chúng ta hay phân tích theo chữ nghĩa nhưng bây giờ đặt câu hỏi lại, cái gì là chơn? Cái gì là vọng? Thật ra, đó chỉ là hai cái tên giả lập, chúng đối lập nhau chớ không thật có hai pháp chơn vọng. Bởi chúng ta thường lầm, cứ lo chạy đuổi theo tên, rồi lấy bỏ lẩn quẩn trong tâm sinh diệt. Cho nên, thiền sư Huyền Giác đánh thức chúng ta, chính cái tâm cầu chơn bỏ vọng này đã thành vọng rồi, đâu gọi là chơn.

Nếu người rõ thấu được thì hai pháp đó vốn là không, mà cái không đó cũng chỉ là danh từ tạm lập, là pháp duyên khởi không có thực thể cố định của nó.

Xét hai pháp chơn vọng đối đãi, nếu rời pháp vọng thì cái gì là chơn? Sở dĩ lập tên vọng là do có tên chơn cùng đối đãi nhau, nếu vọng hết rồi thì tên chơn cũng bỏ. Phải thấy rõ điều này để không lầm chơn và vọng.

Rồi Sư nói thêm “Không tướng, không không, không chẳng không, Đấy chính Như Lai chân thật tướng”. Không tướng là vượt qua tướng tức là không trụ nơi tướng. Không không là cũng không trụ nơi không. Rồi không chẳng không, tức là chẳng trụ nơi cái không trụ đó nữa.

Phải vượt qua cả có và không, không trụ vào đâu hết thì đó chính là tướng chân thật Như Lai. Vậy thì tướng chân thật của Như Lai là tướng gì? Là không có tướng để bám. Nên gọi thật tướng là vô tướng. Nghĩa là không có chỗ để tâm duyên, không có chỗ cho tâm mọc rễ, dứt sạch hết có và không. Còn chúng ta vì có chỗ có hoặc có chỗ không khi duyên đến thì có chỗ tâm sinh… Ở đây, Sư dạy phải vượt qua hết. Nếu vừa dừng, trụ lại đó, vừa sinh tâm là rơi bên ngoài, là trái với thật tướng rồi.

Đến đây, chúng ta mới thấy rõ hai câu trên Sư dạy phá chấp pháp chân và vọng, rồi hai câu kế này là phá luôn cái chấp về có và không. Phải sạch hết dấu vết, không có chỗ cho tâm bám. Song chỗ này phải hiểu thật kỹ, nếu không khéo trở thành chấp không, và phá pháp luôn. Hiểu như vậy là làm cho mỗi người càng mê lầm, càng bối rối thêm nữa. Đây Sư dạy phá tức là “phá chấp” chứ không phải “phá pháp”. Nghĩa là phá cái chấp vào pháp chơn, phá cái chấp vào pháp vọng. Khi các tình chấp sạch hết thì chơn thật hiện tiền.

Chúng ta nghe nói không chơn, không vọng rồi lo ngại nếu không có chơn vọng thì làm sao tu? Đoạn này, thiền sư Huyền Giác nói rõ: Khi quét sạch hết không tướng, không không, không chẳng không, sạch hết không còn gì để chấp thì “đấy chính là Như Lai chân thật tướng hiện tiền”. Không phải lúc đó không còn gì hết.

Đúng như tinh thần của vị Tăng đến hỏi đạo ngài Tào Sơn. Tăng hỏi: “Thế nào là cây kiếm không mũi?” Tào Sơn đáp: “Chẳng do rèn luyện mà thành”. Tức là kiếm này không phải do tạo tác, hay do rèn luyện mà thành. Tăng hỏi: “Vậy cái dụng của nó như thế nào?” Tào Sơn đáp: “Người gặp thì đều chết”. Tăng hỏi: “Vậy người chẳng gặp thì sao?” Tào Sơn nói: “Thì cũng phải rơi đầu”. Tăng hỏi: “Người gặp thì chết là cố nhiên rồi, còn người chẳng gặp vì sao cũng lại rơi đầu?” Tào Sơn đáp: “Ông không thấy nói là hay sạch tất cả sao?”. Tăng hỏi thêm: “Vậy thì sau khi sạch hết thì thế nào?”. Tào Sơn đáp: “Mới biết có cây kiếm này”.

Đúng như nghĩa Sư nói ở đây, gặp cũng chết, không gặp cũng chết. Nó dứt sạch hết, nó chặt hết cả hai đầu. Đây gọi là bặt hết cả có không, không có chỗ nào có thể bám được. Khi sạch hết tất cả thì sao? Khi đó, mới biết có cây kiếm này. Cũng như ở đây khi mà sạch hết rồi thì rõ ràng “đấy chính Như Lai chân thật tướng”. Như vậy để thấy học thiền đâu phải cuối cùng là không, mà cho  thiền là chấp không. Nếu chấp không thì không phải là thiền.

CHÁNH VĂN:

29- Tâm kính minh, giám vô ngại,

      Quách nhiên oánh triệt châu sa giới.

      Vạn tượng sum la ảnh hiện trung,

      Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại.

***

29- Gương tâm sáng, soi không ngại,

      Rỗng rang tỏ suốt khắp trần cõi.

      Vạn tượng sum la bóng hiện trong,

      Một điểm sáng tròn không nội ngoại.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói tâm sáng như cái gương soi sáng không ngăn ngại. Nó rỗng rang tỏ suốt khắp cả trần cõi. Châu sa giới là những cõi nước nhiều như cát bụi, vậy mà gương tâm soi suốt hết. Đến câu “Vạn tượng sum la bóng hiện trong, một điểm sáng tròn không nội ngoại”. Đến đây thì sạch hết dấu vết, không có gì che mờ, nên gọi là gương tâm sáng tỏ. Sạch hết tình chấp rồi thì gương tâm sáng tỏ, có không đều sạch.

Học tới đây có ai sinh nghi gì không? Nói khi gương tâm sáng thì nó soi suốt khắp cả vô lượng cõi nước, không ngăn ngại. Vậy ngay đây nó có soi hay không? Đó là điểm chúng ta phải xét. Nghĩa là nó soi suốt tất cả, đâu đâu cũng soi hết, tại sao ở đây lại không soi? Mà nếu nó có soi thì ai thấy? Rõ ràng nó soi suốt tất cả, không thiếu nơi nào, nhưng tại sao lại không sáng? Lỗi tại chỗ nào? Đây là điểm mỗi người cần tự khám phá cho ra.

Trên lẽ thực thì gương tâm không biên giới, nên không có gì chướng ngại. Còn chúng ta sở dĩ có chướng ngại là vì còn có cái ta, dù gương tâm có soi cũng không ra khỏi cái ta này. Có khi hai người nằm hai cái đơn gần nhau mà soi không tới nhau thì làm sao soi tới trần sa giới? Nếu thoát ra khỏi cái ta thì soi suốt vô ngại, vạn tượng sum la đều hiện trong đó. Không có gì ngoài tâm. Giống như cái gương, tất cả cảnh đều hiện trong nó. Nhưng điểm quan trọng là phải sạch hết cái tình chấp mới thấy được.

Đến đây, Sư tạm mượn hình ảnh để gợi ý, “Một điểm sáng tròn không nội ngoại” giống như là một điểm sáng tròn thấu suốt hết không phân trong ngoài, nhưng không phải nó thành một điểm. Nếu người tỏ ngộ thì tự mình hiểu thông liền, không mắc kẹt trên ngôn từ, rồi chấp theo ngôn từ mà lý luận lại càng sinh chuyện nữa.

Thiền sư Huyền Giác chứng minh cho chúng ta thấy rõ trước phá tình chấp, chứ không phải phá hoại hết các tướng rồi chuyển thành đoạn diệt. Đây, gọi là chẳng hoại tướng thế gian mà bàn thật tướng. Không phải phá hoại hết tướng thế gian cho nó thành không, mà là phủi sạch hết những tình chấp thì thật tướng hiện tiền.

Thì đây, cũng chính là tâm vô trụ, đúng như tinh thần vô trụ của kinh Kim Cang. Nghĩa là không cho trụ, không cho bám vào đâu hết, mà không trụ không bám thì tức là tâm an trụ. Bởi không trụ, không bám, không dính thì tâm không có chỗ sinh, mà tâm không chỗ sinh tức là an trụ.

Cho nên kinh Kim Cang nói: “Chẳng nên trụ sắc sinh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, nên không chỗ trụ mà sinh tâm kia” Nghĩa là không trụ vào sáu trần… không trụ vào chỗ nào hết để sinh tâm. Không chỗ trụ tức là sạch hết tất cả: Không tướng, không cái không tướng, không chẳng không. Phủi sạch hết, mà rõ ràng thường biết mới là Bát-nhã hiện tiền, là Như Lai chân thật tướng.

 Đoạn này nói vạn tượng sum la bóng hiện trong, rồi chính một điểm sáng tròn, soi suốt trong ngoài, tức tâm sáng soi vô ngại, không phải cuối cùng là không còn gì hết. Người học cần thấy rõ để ngừa. Không khéo kẹt vào chấp không hay chấp đoạn diệt thành trái với tông chỉ của thiền.

CHÁNH VĂN:

 30- Khoát đạt không, bác nhân quả,

      Mãng mãng đãng đãng chiêu ương họa.

      Khí hữu trước không bệnh diệc nhiên,

      Hoàn như tị nịch nhi đầu hỏa.

***

30- Toàn không trơ, dẹp nhân quả,

      Mênh mang bát ngát chuốc lấy họa.

      Bỏ có, vướng không cũng bệnh thôi,

      Khác gì tránh nước nhảy vào lửa.

GIẢNG:

“Toàn không trơ, dẹp nhân quả” Tức là bác hết hoàn toàn là không trơ, không có gì hết, dẹp hết nhân quả. Nếu dẹp nhân quả thì “Mênh mang bát ngát chuốc lấy họa”. Cái họa đến không lường nổi.

Thiền sư Huyền Giác cảnh tỉnh người học thiền chớ có hồ đồ rồi thành chấp không, phá dẹp hết nhân quả thì sẽ chuốc lấy họa lớn lao không thể tưởng. Người học không khéo vừa nghe hiểu được chút ít cho thiền là bác hết. Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán giết La Hán, cái gì cũng không hết. Bắt chước nói theo thiền sư rất nguy hiểm. Cho nên, Sư cảnh tỉnh để ngăn ngừa người học không khéo rơi vào bác nhân quả chuốc lấy họa.

 Như câu chuyện tổ Bá Trượng với chồn hoang cũng để cảnh tỉnh việc này. Vị Tăng do chỉ đáp lầm một câu “Người đại tu hành không rơi vào nhân quả” mà phải đọa làm chồn tới năm trăm kiếp. Nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả tức là bỏ nhân quả, nên tổ Bá Trượng vì vị tăng đáp lại một câu liền sáng tỏ: “Chẳng lầm nhân quả”. Nghĩa là chẳng mê mờ nhân quả, chớ không bác bỏ nhân quả. Người đại tu hành trí tuệ sáng suốt, mà trí tuệ sáng suốt thì không mê, không lầm, thấu rõ nhân quả rõ ràng chứ sao lại bác nhân quả! Vì đã tạo nhân rồi thì không thể chối bỏ quả được, bởi bác không nhân quả thành ra đọa lạc.

Lại có câu chuyện về ông Đề điểm Huệ Châu ở Kính Sơn, là đồ đệ của ngài Hổ Khâu. Rất thông minh, lại có tài làm việc, nên được giao nắm giữ những việc quan trọng chốn thường trụ hơn ba mươi năm. Tất cả tài vật như vàng, thóc … do ông coi sóc, nên mặc tình xài phung phí. Có người thấy vậy mới đem nhân quả nhắc nhở “Dùng của thường trụ không khéo thì tội rất nặng, sau phải là mang lông đội sừng để đền nợ trước, nào phải việc thường”. Nhưng ông không sợ, lại còn tỏ vẻ khinh thường, trở lại nói “Dù trọn một năm có mang sừng thì Châu này cũng chỉ mang được một cặp thôi”. Ý nói nếu có đọa làm trâu ngựa thì cũng chỉ mang cặp sừng thôi chứ đâu thể mang nhiều nữa, nên không có gì phải sợ.

Đến đầu năm niên hiệu Chí Chánh đời Nguyên, ông Cao Nạp Lân lãnh chức Tuyên chánh viện. Lúc đó, Huệ Châu bị kẻ thân thuộc tố cáo. Ông bị kết tội, xử đánh rồi đuổi về thế tục. Đó, nhân quả bắt đầu tới. Khi nhân quả chưa đến mình tưởng không có gì, nhưng khi tới rồi tránh không khỏi, không thể xem thường.

Huệ Châu về ẩn ở Viện Hóa Thành bị bệnh tê bại, hay tay co quắp lên má, hai chân cũng co lên giống như con nhím. Ai xem thấy cũng thương xót. Người ông đau đớn muốn kéo duỗi tay chân ra mà duỗi không được, càng kéo thì càng đau chịu không nỗi. Như vậy, ông chịu khổ trải qua ba năm mới chết. Quả báo hiện tiền chứ không phải đợi đến kiếp sau.

Ngài Sơn Am nghe thấy mới bảo: “Ông Huệ Châu trước kia đem tâm thô nhận việc, xem thường nhân quả cho nên mới nói “trọn năm mang sừng đến chỉ mang được một cặp”. Riêng Tôi cho rằng trong quả báo tam đồ năm tháng dài lâu, một cặp này đi rồi một cặp kia lại đến, vô lượng kiếp mang một cặp sừng này đâu phải chỉ là một năm, một đời  mà thôi”.

Mọi người thấy việc làm của Huệ Châu thương xót lo sẽ bị đọa, đem lý nhân quả nhắc nhở, ông lại xem thường nói lời đùa cợt. Ngài Sơn Am bảo là trong quả báo cõi tam đồ, chớ cho một cặp là ít. Khi vào trong đó rồi, trải qua năm tháng dài lâu không biết bao giờ ra, cứ cặp này đi rồi cặp kia lại, hết thân thú này chết rồi mang thân thú khác tiếp tục trong vô lượng kiếp. Đọa trong loài thú rồi muốn ra khỏi không phải là đơn giản, chớ có xem thường.

Trong Tham Thiền Yếu Chỉ của Hòa thượng Hư Vân, trong phần phương pháp dụng công nhập môn, Ngài dạy người tham thiền mới vào cửa dụng công, trước khi tu tập phải tin sâu nhân quả: “Không luận là người nào, nếu muốn dụng công tu tập, trước cần phải tin sâu nhân quả. Nếu không tin nhân quả, thực hành càn bướng không những tu hành chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh”. Hòa thượng dẫn câu chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích tại thành Ca-tỳ-la-vệ, cho chúng nhơn thấy rõ nhân quả.

Trong nhiều kiếp trước khi Phật Thích-ca ra đời, trong thành Ca-ty-la-vệ có một cái hồ to, dân chúng quanh vùng sống bằng nghề chài cá nên gọi Làng chài. Khi ấy, trời hạn lâu nước hồ cạn, bao nhiêu cá trong hồ bị người làng chài bắt ăn hết. Sau cùng còn lại con cá to, cá này cũng bị người trong làng ăn thịt luôn. Trong làng có đứa bé đặc biệt lâu nay không ăn thịt cá, nhưng hôm đó đi chơi thấy con cá bị mọi người bắt, mới lấy cây gõ ba cái lên đầu con cá rồi đi chứ không ăn thịt.

 Trải qua nhiều kiếp đến khi Đức Phật Thích-ca ra đời, thành đạo rồi đi giáo hóa. Vua Ba-tư-nặc kính tin Phật pháp, làm thân xin cưới cô gái dòng họ Thích làm vợ. Nhưng họ Thích lại đưa một nữ tỳ sang làm thiếp vua Ba-tư-nặc và hạ sinh thái tử đặt tên là Lưu Ly. Lúc thơ ấu Thái tử Lưu Ly về bên ngoại học. Một hôm, nhân giỡn chơi mới trèo lên tòa của Phật ngồi, bị người họ Thích rầy mắng kéo xuống.

Từ đó, Lưu Ly ôm lòng uất hận, sau khi đoạt ngôi lên làm vua, liền xuất binh qua đánh thành Ca-tỳ-la-vệ để trả hận. Các đệ tử lớn cầu xin Phật giải cứu dòng họ Thích. Phật ba lần khuyên bảo. Nhưng vua Lưu Ly quyết phải đánh trả hận. Thấy không khuyên được, cuối cùng Phật nói: “Định nghiệp khó tránh”.

Tôn giả Mục Kiền Liên bất nhẫn, dùng sức thần thông bay sang thành Ca-tỳ đứng trên hư không lấy bình bát thâu năm trăm người dòng họ Thích để cứu họ. Nhưng khi giặc qua rồi, Tôn giả mở nắp bình thả những người họ Thích ra, thì không ngờ chỉ trút ra toàn là máu. Ngay khi vua Lưu Ly giết hết dân cư trong thành, thì chính khi ấy Đức Phật cũng bị nhức đầu ba ngày.

 Các vị đệ tử lớn đến thưa hỏi nguyên do, Phật thuật lại nhân duyên xưa và nói: “Con cá lớn ngày xưa tức là vua Lưu Ly, còn quân đội của vua Lưu Ly đều là những con cá nhỏ trong hồ bị dân làng ăn thịt. Dân chúng bị giết trong thành đều là những người dân làng chài ngày xưa đã ăn cá. Phật chính là đứa bé gõ đầu cá.

Cho nên, Hòa thượng Hư Vân trước khi dạy người tu hành, Ngài cảnh tỉnh phải khéo tin sâu nhân quả. Ở đây thiền sư Huyền Giác nhắc là chớ bảo hoàn toàn không có gì, rồi dẹp bỏ nhân quả mặc tình tạo nghiệp, khi quả báo đến phải chịu khổ đau khôn lường, không thể trốn thoát.

“Bỏ có vướng không cũng bệnh thôi, Khác gì tránh nước nhảy vào lửa”. Tức là bỏ có mà vướng không thì cũng là bệnh, khác gì tránh nước lại nhảy vào lửa. Sư bảo người lo sợ bỏ cái có để khỏi bị nó dẫn, nhưng lại kẹt vào chấp không rồi bác luôn nhân quả thì cũng là bệnh, không giải thoát được. Giống như người sợ nước làm chìm, nên nhảy tránh nước ai ngờ lại nhảy vào lửa cũng bị lửa cháy, lẩn quẩn không ra khỏi khổ.

Người xưa có câu: “Thà chấp có như núi Tu Di, chứ đừng chấp không như hạt cải”. Bởi vì chấp có thì còn thấy có nhân quả, tội phước nên sợ tội lo làm phước, tạo điều lành thì cũng được sinh chỗ tốt, còn hơn là chấp không rồi mặc tình tạo nghiệp, cuối cùng đọa vào địa ngục không biết ngày nào ra, thật là nguy hiểm.

Phải cẩn thận! Chớ vội chấp theo chút cái kiến giải của mình. Thấy được chút gì đó rồi chấp cứng, sinh hồ đồ thật là nguy hiểm. Mỗi người cần phải có hạnh giải tương ưng.

Chớ nghe nói không rồi bắt chước nói không, trong khi thấy đẹp còn thích, thấy xấu còn chán, thấy ngon còn tham, thấy tốt còn muốn, trái ý còn giận thì làm sao bảo là không được! Phải cần hiểu rõ ý nghĩa này.

Thiền sư Quảng Trí cũng nói: “Những người học đạo nếu như hiện hành chưa đoạn, tập khí phiền não lại sâu đậm, ghé mắt sinh tình, chạm trần thành trệ; dù rõ xong ý nghĩa sinh tử, mà sức kia chưa đủ, chẳng có thể chấp rằng: “Ta đã ngộ xong, phiền não tánh là không, nếu khởi tâm tu lại là điên đảo”. Thế nhưng tánh phiền não dù không, mà hay khiến thọ nghiệp. Nghiệp quả không tánh mà cũng tạo nhân khổ. Khổ đau tuy là hư dối, vậy mà khó nhẫn là sao?”

Sư lại nhấn mạnh: “Chớ nói ta là người đã giác xong rồi, giải ngộ rồi, nghiệp không thể trói buộc. Nói nghiệp không thể trói buộc, chẳng phải nói nó có mà thành không, mà chính do không mà tự không. Sống đã theo cảnh liền động, thì khi chết làm sao chẳng theo nghiệp thọ sinh”.

Thiền sư Quảng Trí cảnh tỉnh người học chớ vội nói suông ngoài miệng, mà cần phải thực chứng trong tâm. Bởi vì nhân quả rõ ràng không thể lừa dối được, không phải mình nói nghiệp quả tánh nó là không thì nó thành không, mà cần phải thực chứng, thực sống được lý đó. Cho nên, mỗi người cần phải cẩn trọng chín chắn, đừng bắt chước nói theo rất nguy hiểm.

CHÁNH VĂN:

31- Xả vọng tâm, thủ chân lý,

      Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy.

      Học nhân bất liễu dụng tu hành,

      Chân thành nhận tặc tương vi tử.

***

31- Bỏ vọng tâm, lấy chân lý,

      Chính tâm lấy bỏ thành xảo ngụy.

      Người học chẳng rõ dùng tu hành,

      Chân thành nhận giặc làm con vậy.

GIẢNG:

Nghĩa là bỏ tâm vọng để nhận lấy chân lý, chính cái tâm lấy bỏ đó là hư dối xảo ngụy. Vì không rõ nên người học nhận tâm đó tu hành, giống như giặc mà nhận làm con vậy.

Đây tức là trừ cái tâm lấy bỏ. Còn thấy một bên là vọng tâm, một bên là chân lý, tức có hai bên. Rồi lấy một bên, bỏ một bên thành ra hai tâm.

Xét kỹ xem cái tâm nào nhận chân lý, rồi tâm nào bỏ vọng tâm. Vọng tâm là gì mà bỏ? Chân lý ở đâu mà lấy? Chính tâm lấy bỏ đó đã thành dời đổi, sinh diệt hư dối rồi. Nếu dùng tâm đó tu thì thiền sư Huyền Giác cho là nhận giặc làm con. Nó sẽ phá tan gia tài sự sản, sự tu hành không thể thành tựu rốt ráo.

Trong nhà thiền, các thiền sư thường hay quở cái tâm thủ xả lấy bỏ đó. Chính trong Tín Tâm Minh,  Tam Tổ Tăng Xán nói: “Lương do thủ xả, sở dĩ bất như” (Bởi do lấy bỏ, vì thế chẳng như). Vừa có niệm lấy bỏ tức là “nó” đã dời đổi rồi, sao Như được? Thể “nó” là Như thì còn lấy cái gì, bỏ cái gì? Cho nên Tổ nói câu trên.

Có một đạo sư Tây Tạng làm kệ:

Vạn sự từ xưa nay,

Tính  nó vốn  thanh tịnh,

Và chính là Phật tính.

Ai biết được điều này,

Đó là người thức tỉnh.

Ai để sáu thức yên nghỉ trong tự tính đó,

Người đó sẽ thấy chúng là một sự viên mãn  hoàn toàn.

Đừng tin nghe đầu óc đang xao xuyến,

Hãy yên lặng và cứ để tất cả mọi sự như là,

Như là xưa nay vẫn cứ

                                                       (Sư Tử Tuyết Bờm Xanh)          

Vị đạo sư nói vạn sự, vạn vật từ xưa đến nay tánh của nó vốn là thanh tịnh, là Phật tính. Và hãy để sáu thức yên nghỉ trong tự tính đó thì người đó sẽ nhận được tính “Như” hoàn toàn viên mãn.

Chúng ta thì cứ tin nghe theo cái đầu óc đang xao xuyến này, tự do nghĩ suy, phân biệt, lấy bỏ nên mất Như, hết Như. Hãy trả nó về thể Như của nó đi! Vì xưa nay nó vẫn là như vậy, đâu cần phải lấy bỏ.

CHÁNH VĂN:

32- Tổn pháp tài, diệt công đức,

      Mạc bất do tư tâm ý thức.

      Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm,

      Đốn nhập vô sinh tri kiến lực.

***

32- Hao pháp tài, hết công đức,

      Đều bởi là do tâm ý thức.

      Chính thế thiền môn rõ thấu tâm,

      Tri kiến vô sinh liền thể nhập.

GIẢNG:

Thiền sư Huyền Giác nói người tu hành nếu không khéo sẽ nhận giặc làm con. Như vậy sẽ hao pháp tài, tức là của cải Phật pháp. Của cải này không phải là của cải vật chất thế gian, mà là những công đức, là chỗ sống đạo, khi bị hao tổn thì sẽ hết công đức. Việc này là do nhận tâm ý thức làm mình, rồi bị nó sai khiến, làm hao tổn công đức pháp tài. Đoạn này nói rõ về tâm, ý, thức.

Theo kinh Lăng Già thì tâm là thức thứ tám có nhiệm vụ gom góp tích chứa nghiệp. Ý là thức thứ bảy là nghĩ xét rồi rộng gom góp đem vào. Còn sáu thức kia thì phân biệt cái này, cái kia để dẫn đường. Ba thứ trên đều lệ thuộc duyên sinh diệt bên ngoài.

Ngài Hàm Thị có giải thích thêm: “Về thức thứ tám tên là tâm, Vì nó hay chịu huân tập, hay chứa các chủng tử nên nói là gom góp nghiệp. Còn thức thứ bảy thì hằng xét nét suy nghĩ nhân pháp ở bên trong của nó gọi là ý, rồi gìn giữ hai cái chấp này, rộng tạo nghiệp nhân, huân vào tàng thức khiến nó chẳng được thanh tịnh, nên nói rộng gom góp. Còn sáu thức sau đều gọi là thức, do phân biệt năm trần trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, thông cả ba lượng (tức là hiện lượng, thánh ngôn lượng, và tỷ lượng) cho nên gọi là ý thức, đối cảnh hiện tiền hay hiện năm trần, gọi là năm cảnh”. Tức ý thức phân biệt những bóng dáng của năm trần còn lại.

 Như vậy, tâm ý thức là gom góp, tạo nghiệp, rồi dẫn đi trong luân hồi. Nó làm tiêu hao hết pháp tài công đức chính mình, nên việc tu hành không thành rốt ráo được.

Hòa thượng Trường Sa Cảnh Sầm có bài kệ:

Học đạo chi nhân bất thức chân,

Chỉ vị tùng lai nhận thức thần,

Vô thủy kiếp lai sinh tử bổn,

Si nhân hoán tác bổn lai nhân.

***

Ai người học đạo chẳng rõ chân,

Chỉ bởi từ lâu nhận thức thần.

Từ vô thủy kiếp gốc sinh tử,

Kẻ si lại gọi bổn lai nhân.

Ý nói những người học đạo chẳng rõ được lẽ chân thật, bởi vì từ xưa đến nay nhận thức thần này làm chỗ công phu. Nên bị nó gạt ở trong sinh tử hoài. Đó, chính là gốc sinh tử từ vô thủy kiếp, mà kẻ si mê gọi là chủ nhân, là người xưa nay thành ra tu mà không giải thoát rốt ráo được.

“Chính thế thiền môn rõ thấu tâm, Tri kiến vô sinh liền thể nhập”. Chính vì vậy mà trong nhà thiền dạy cần phải thấu rõ tâm ấy, thấu suốt tận gốc sinh tử để không lầm. Có sinh tử cũng từ nơi tâm, được Niết-bàn cũng từ nơi tâm; rồi mê cũng là tâm, giác cũng là tâm; làm chúng sinh cũng từ tâm, làm Phật cũng từ tâm… Phải rõ thấu tận nguồn tâm cho thật kỹ, không lẫn lộn, không nhận giặc làm con thì chóng nhập sức tri kiến vô sinh.

Bởi vì tâm thể vốn là thanh tịnh vô sinh, xưa nay không một vật. Không cần làm cho nó vô sinh nữa, mà chỉ cần thấu rõ tâm thì nhanh chóng thể nhập cái thấy biết vô sinh. Cũng không cần phải tìm chỗ nào khác, cũng không phải cho tâm ý thức xen vào. Bởi sức thấy biết vô sinh không rời tâm mà có. Quan trọng khi thấy biết chỉ là thấy biết, nguyên vẹn là thấy biết không lẫn lộn với cảnh, cũng đừng lầm theo cảnh.

Trong kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn Phật dạy: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”. Cái thấy biết mà lập thêm cái thấy biết đó là sinh, là động, là gốc vô minh, tức là quên mất bản tâm. Còn thấy biết mà không lập thêm cái thấy biết thì ngay đó tức là Niết-bàn, là vô sinh, là trở về tâm thể chóng nhập sức tri kiến vô sinh. Điều cần thiết là thấu rõ được tâm, không thấy biết lờ mờ rồi nhận giặc làm con, nhận cái thức sinh diệt đó làm chỗ tu hành của mình, rồi lấy cái sinh diệt làm nhân tu thì rồi cũng đi trong sinh diệt.

Đây thiền sư Huyền Giác cũng nhắc kỹ để cảnh tỉnh người tu học phải cẩn thận, phải thấy rõ, nhìn kỹ để không lầm tâm ý thức, vì chính nó làm hao pháp tài, hết công đức.

CHÁNH VĂN:

33- Đại trượng phu, bỉnh tuệ kiếm,

      Bát nhã phong hề kim cương diệm.

      Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm,

      Tảo tằng lạc khước thiên ma đảm.

***

33- Đại trượng phu, cầm kiếm tuệ,

      Bát Nhã bén chừ kim cang lóe.

      Đâu những dẹp phăng ngoại đạo tâm,

      Thiên ma cũng phải rớt mật té.

GIẢNG:

Bậc đại trượng phu là bậc có chí khí lớn, là bậc xuất thế chứ không phải trượng phu theo thế gian. Bậc có chí khí lớn thì không khiếp nhược nên cầm kiếm trí tuệ. Kiếm này không có cán không có mũi, tuy vậy không có gì đụng được nó. Đây, Sư mượn hình ảnh cây kiếm chỉ cho Bát-nhã. Còn gọi là Bát Nhã phong, vì nó dùng Bát-nhã làm mũi, nên rất bén nhọn, có thể đâm thủng tất cả không bị chướng ngại. Kiếm Bát-nhã này thì cái gì đụng đến đều bị đứt hết, nó chém sạch tất cả.

“Bát Nhã bén chừ kim cang lóe”. Nó lóe rực ánh lên ánh kim cang, chặt đứt tất cả. Như vậy đây là kiếm Kim Cang Bát-nhã, chặt dứt phá sạch hết mọi tình chấp, tâm tà ngoại, tâm thiên lệch…

“Đâu những dẹp phăng ngoại đạo tâm, Thiên ma cũng phải rớt mật té”. Đâu chỉ là dẹp phăng các thứ tâm ngoại đạo, mà còn có công dụng là hàng Thiên ma gặp phải cũng rơi mật rớt té. Ngoại đạo tâm hay tâm ngoại đạo tức là tâm hướng cầu bên ngoài, tâm thiên lệch. Còn tâm Thiên ma là ham vui ngũ dục, quấy rối người tu, tâm sinh tử… Các thứ tâm như thế đều bị cây kiếm này dẹp sạch. 

Tâm của thiền sư sáng rực ánh kim cang bát-nhã, không chút mê lầm, dứt sạch các tâm chạy hướng bên ngoài, phân biệt có không, khiến không còn chỗ sinh. Đến đó thì Thiên ma cũng hết chỗ nhìn thấy, thì làm sao phá được.

Ở đây, Sư diễn tả tâm của thiền sư, tâm của bậc chứng ngộ dứt sạch dấu vết tình chấp, không kẹt bên có bên không, Thiên ma cũng thối lui, cũng không có chỗ để nhìn lén.

Thiền sư Lâm Tế từng bảo là: “Này huynh đệ! Nếu các ông muốn đúng pháp thì phải là bậc đại trượng phu mới được. Nếu mà rụt rè, hèn yếu thì chẳng thành. Kìa! như cái bình bể thì chẳng kham đựng đề-hồ, nếu như bậc căn khí lớn, cốt chẳng để bị người mê hoặc. Tùy chỗ làm chủ, ngay đó đều chân”.

 Ngài nói muốn làm bậc đại trượng phu đúng như pháp, có chí khí mạnh mẽ, thì phải cương quyết chứ không phải rụt rè hèn yếu; lại ví dụ nếu người hèn yếu giống như cái bình bể không thể đựng đề-hồ, đã hèn yếu thì chẳng thành tựu được. Người có chí khí, có lòng tự tin vững, có trí tuệ sáng suốt, tùy chỗ đều làm chủ, thì chỗ nào cũng sáng tỏ, không có gì qua mắt được, không để người mê hoặc, ngay đó đều là chân, đó là tâm của bậc thiền sư chứng ngộ.

CHÁNH VĂN:

34- Chấn pháp lôi, kích pháp cổ,

      Bố từ vân hề sái cam lộ.

      Long tượng xúc đạp nhuận vô biên,

      Tam thừa ngũ tánh giai tỉnh ngộ.

***

34- Nổi sấm pháp, đánh trống pháp,

      Bủa mây từ chừ cam lộ khắp.

      Voi chúa dẫm bước thấm vô biên,

      Năm tánh, ba thừa đều tỉnh suốt.

GIẢNG:

“Nổi sấm pháp, đánh trống pháp” Nổi sấm pháp tức là tiếng pháp kêu như sấm vang rền trời để mỗi người còn ở trong mê phải tỉnh dậy. Xưa, thường đánh trống làm hiệu lệnh để mỗi người tụ về, còn ở  đây thiền sư đánh trống pháp vang dội để thúc giục người ở nơi nơi đều nghe rồi vùng lên để tỉnh ngộ, để tụ lại trong chánh giác, ra khỏi đường mê.

Tiếng sấm pháp rền trời, rồi đánh trống pháp vang dội vậy mà có ai nghe chưa? Tại sao không có người nghe? Mỗi người đang ở đâu mà không nghe? Đó là chỗ mỗi người phải thức tỉnh.

 “Bủa mây từ chừ cam lộ khắp”. Rưới nước cam lồ khắp nơi cho người người được thấm nhuần mát mẻ. Cam lộ tức là sương trời. Người uống loại này trừ hết nóng khát, trừ được bệnh khổ nơi thân. Đây còn dụ cho trừ được những bệnh khổ sinh tử của chúng sinh; trừ hết ái nhiễm phiền não; lòng từ rải khắp, ban vui đến cho tất cả mọi loài.

Như vậy, Sư đâu có giấu diếm. Thấy được lẽ thật này rồi thì liền nổi sấm pháp, đánh trống pháp kêu gọi mỗi người tỉnh ngộ, ban vui cứu khổ cho tất cả mọi loài. Có ai thấm ướt chút nào chưa?

Một hôm có ông Tăng đến tham vấn thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm,

Sư hỏi: “Thầy ở đâu đến đây?”

Tăng thưa: “Bạch Hòa thượng, con ở Hồ Nam”.

Sư hỏi: “Vậy nước hồ có tràn không?”

Tăng thưa: “Bạch, không”.

Sư bảo: “Lạ nhỉ, sao mưa như thế mà nước lại không tràn?”.

Tăng không đáp được.

Lúc đó, ngài Vân Nham đáp: “Cố nhiên là nó tràn rồi”. Còn ngài Động Sơn thì nói: “Từ đời kiếp nào có bao giờ chẳng tràn đâu!”.

Vậy thử hỏi đại chúng hiện nay thấy nước hồ có tràn không? Mưa như vậy tại sao không tràn?

Như chúng ta học Chứng Đạo Ca, mở đầu thiền sư Huyền Giác đã nói “Anh thấy chăng!” rồi tiếp tục cho đến bây giờ thì coi như mưa xối xả, vậy tại sao không tràn? Lỗi tại chỗ nào?

Điều này nhằm đánh thức mỗi người nghe rồi kiểm lại để thức tỉnh, không phải chỉ nghe qua suông rồi thôi. Phải có sự thấm sâu để bừng tỉnh. Đây gọi là “Voi chúa dẫm bước thấm vô biên”. Long tượng chỉ cho voi chúa. Là voi quý nhất trong loài voi. Mỗi bước đi của nó rộng in sâu xuống lòng đất. Cũng như chỗ thuyết pháp của bậc thượng sĩ, của bậc đại trí có sức ảnh hưởng lớn lao, không có bờ mé.

Ảnh hưởng đó rộng lớn đến cả ba thừa, đến cả năm chủng tánh đều khiến được tỉnh ngộ. Tam thừa là: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Năm chủng tánh là: (Định tánh Bồ-tát, Định tánh Duyên giác, Định tánh Thanh văn, Bất định chủng tánh và Vô chủng tánh). Như vậy, cả ba thừa, năm chủng tánh đều được chung hưởng chứ không phân biệt. Bởi vì pháp này là pháp bình đẳng với tất cả, không bỏ sót một chúng sinh nào, chỉ cần tỉnh ngộ trở lại thì đều có đủ. Mỗi người phải tự mình khéo vượt lên các chủng tánh sai biệt, không mắc kẹt ở trong ấy.

Phải thấy rằng các chủng tánh không cố định, bởi vì Phật tánh không có sai biệt. Phật tánh không có chủng tánh. Sở dĩ có sai biệt là do nghiệp huân tập, nên mới có sai biệt. Người huân tập chủng tánh Bồ-tát thì thành Định tánh Bồ-tát, huân tập theo tánh Thanh văn thì thành Định tánh Thanh văn…, chủng tánh chỉ có sau này, chứ không phải là cội nguồn sẵn có xưa nay.

Thế nên, chúng ta cần soi sáng trở lại cội nguồn chân thật này, sống với lý bình đẳng tất cả, chính đây gọi là Thiên chân Phật mà thiền sư Huyền Giác đã nói. Đó cũng chính là mạch sống xưa nay.

Tóm lại, thiền sư Huyền Giác nói rõ: Tiếng sấm pháp, tiếng trống pháp của bậc đại sĩ đều khiến năm tánh, ba thừa tỉnh suốt, không bỏ sót ai; chỉ vì mỗi người tự quên tự bỏ sót mình thôi, nên mới lang thang trong mê lầm sinh tử trong các cõi sai biệt, rồi tự mình làm cho ngăn cách. Cho nên khéo tỏ ngộ trở lại, mỗi mgười cần vượt qua sự sai biệt để trở về với thể như, đó là chỗ gặp gỡ tất cả.

CHÁNH VĂN:

35- Tuyết sơn phì nhị cánh vô tạp,

      Thuần xuất đề hồ ngã thường nạp.

      Nhất tánh viên thông nhất thiết tánh.

      Nhất pháp biến hàm nhất thiết pháp.

      Nhất nguyệt phổ hiện nhất thiết thủy.

      Nhất thiết thủy nguyệt nhất nguyệt  nhiếp.

      Chư Phật pháp thân nhập ngã tánh,

      Ngã tánh đồng cộng Như Lai hiệp.

      Nhất địa cụ túc nhất thiết địa,

      Phi sắc, phi tâm phi hạnh nghiệp.

***

35- Cỏ Phì nhị thuần trên núi Tuyết,

      Cho một đề hồ ta nếm thực.

      Một tánh viên thông hết thảy tánh,

      Một pháp bao gồm tất cả pháp,

      Một trăng khắp hiện tất cả nước,

      Tất cả trăng nước một trăng nhiếp.

      Pháp thân Chư Phật vào tánh ta,

      Tánh ta cùng với Như Lai hợp.

      Một địa đầy đủ tất cả địa,

      Chẳng sắc chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp.

GIẢNG:

 Đây nói trên núi tuyết có loại cỏ thơm tên Phì nhị. Cỏ này mọc dày đặc không xen tạp cỏ khác, nên gọi là vô tạp. Rồi có trâu trắng hay ăn loại cỏ này, nó sẽ cho ra thuần một vị đề hồ thôi.

Lấy đó dụ cho pháp này là pháp viên đốn nhất thừa, hàng căn cơ viên đốn nhận được liền đưa thẳng vào cảnh giới Phật. Như ở trước thiền sư Huyền Giác nói: “Nhất siêu đốn nhập Như Lai địa” Nghĩa là một phen vượt lên liền chóng thẳng vào đất Như Lai, vượt qua các sai biệt. Đây gọi là thuần nhất không tạp.

Nghĩa là pháp viên đốn nhất thừa này, nó đưa người vượt qua thứ lớp sai biệt để thẳng vào nguồn giác chân thật, cũng gọi là đốn giác. Chính thiền sư Huyền giác đã nếm qua, đã nhận và chứng thực rõ ràng bằng kinh nghiệm thực tế của chính mình, nên Sư nói là “Cho một đề-hồ ta nếm thực”.

Rồi: Một tánh viên thông hết thảy tánh, Một pháp bao gồm tất cả pháp, Một trăng khắp hiện tất cả nước, Tất cả trăng nước một trăng nhiếp. Chính là pháp viên đốn nhất thừa, gồm tất cả. Tất cả đều nhiếp ở trong một. Tức là vượt qua những thứ lớp thềm bực, phá tan niệm sai biệt, nên gọi là một gồm tất cả,tất cả gồm trong một.

Khi đã ngộ một tánh là thông tất cả tánh, nên nói “Một tánh viên thông hết thảy tánh”. Chính là lý bình đẳng bất tư nghì. Trong nhà thiền cũng có câu: “Một hạt bụi vừa dấy lên thì cả quả đất toàn thâu. Một đóa hoa vừa chớm nở thì toàn thế giới rúng động. Một sợi lông sư tử thì trăm ức sợi lông hiện”.

Nghĩa là một hạt bụi vừa dấy là cả quả đất toàn thâu ở trong hạt bụi. Ai mà thấy được hạt bụi đó là thấy suốt cả quả đất. Cũng vậy, một đóa hoa vừa chớm nở thì toàn thế giới đều rúng động. Thấy một đóa hoa nở này thì thông suốt được cả toàn thế giới, không phải chỉ dừng trên một đóa hoa đó thôi. Cũng như trên một sợi lông sư tử thì cả trăm ngàn sợi lông ứng hiện theo sợi lông đó. Thấy được một cái này là suốt được tất cả cái kia. Đây gọi là viên đốn.

Nếu người khéo mở được con mắt tuệ thì ngay một pháp liền thông tất cả pháp. Nhưng ở đây, làm sao thông được “cái một” này mới là quan trọng. Nói trên ngôn ngữ, lý luận thì dễ. Thực tế làm sao thông được “cái một” này rồi mới thông hết tất cả cái kia. Bởi vì tất cả pháp không ngoài một tâm, nên tâm sinh thì tất cả pháp sinh, tâm diệt thì tất cả pháp diệt. Một tâm không sinh thì muôn pháp không lỗi.

Nếu sáng tỏ được cái một tâm này thì suốt được tất cả pháp kia. Đó là cái gốc. Nhưng làm sao sáng tỏ được tâm này? Ngộ được tâm này là cội nguồn của muôn pháp. Cho nên, thiền sư Huyền Giác dẫn một trăng mà hiện khắp tất cả dòng nước, chỗ nào có nước thì có trăng hiện. Nó hiện khắp hết, nhưng tất cả mặt trăng dưới nước đó từ một mặt trăng trên trời nhiếp trọn.

Bởi ánh trăng hiện khắp tất cả các dòng nước đó chỉ là bóng thôi, nên tất cả những bóng mặt trăng dưới nước đó, chỉ cần một mặt trăng ở trên trời nhiếp. Quan trọng là thấy, là sáng tỏ được mặt trăng trên trời, đó mới là chủ yếu. Nếu chỉ theo ngàn vạn mặt trăng ở dưới nước thì càng sai biệt. Theo cái sai biệt thì lại càng rối rắm.

Chỉ cần nhận rõ mặt trăng trên trời, không đuổi theo bóng trăng dưới nước đó là trở về gốc, trở về nguồn. Bởi bản tâm đâu có hai. Bản là gốc. Tâm gốc thì đâu có hai. Nhưng tâm ngọn hay tâm tướng thì có nhiều.

Người mê cứ lo theo cái tâm tướng đó, nên quên mất tâm thể rồi quên mất đường về, đến nay vẫn còn lang thang ở đây. Đó là lỗi hướng ngoại.

Quốc sư Đức Thiều có lần thượng đường dạy chúng: “Phật pháp là hiện thành, tất cả đầy đủ. Người xưa nói: “Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư” (Tín Tâm Minh - Tam Tổ Tăng Xán). Nếu như thế thì cái gì thiếu, cái gì dư? Cái gì phải, cái gì quấy? Ai là người hội ai là người chẳng hội? Do đó nói đi Đông cũng là Thượng tọa, đi Tây cũng là Thượng tọa, rồi đi Nam cũng là Thượng tọa, đi Bắc cũng là Thượng tọa. Thượng tọa tại sao lại thành Đông, Tây, Nam, Bắc? Nếu hội được thì tự nhiên con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả các pháp là hiện tiền. Vì sao như thế? Vì pháp thân không tướng chạm mắt đều bày, Bát-nhã vô tri đối duyên liền chiếu, một lúc hội triệt để là tốt”.

Quốc sư cảnh tỉnh mỗi người thấy được lẽ thật hiện tiền, nó đầy đủ, nên gọi là tròn đồng thái hư, không thiếu không dư. Nhưng vì mê theo ngọn nên thành chia cách. quốc sư mới nói đi Đông cũng là Thượng tọa, đi Tây, đi Nam, đi Bắc cũng là Thượng tọa đi nhưng Thượng tọa tại sao lại thành Đông, Tây, Nam, Bắc? Chính đó là cái mê. Cho nên, mỗi người phải soi trở lại, Đông, Tây, Nam, Bắc chỉ là cái ngọn, là bóng, là tướng ngoài, còn chính mình thì đâu có thành Đông, Tây, Nam, Bắc, đâu có sai biệt. Nếu nhớ soi trở lại, con đường thấy nghe hiểu biết bặt dứt, tất cả pháp sẽ hiện tiền, sáng tỏ. Vì thế, Thiền tông đánh thức mỗi người trở về gốc, soi trở lại để phát minh tâm thể chính mình suốt qua các pháp. Đó là trở lại là gặp Như Lai.

Sư nói tiếp: “Pháp thân Chư Phật vào tánh ta, Tánh ta cùng với Như Lai hợp. Một địa đầy đủ tất cả địa, Chẳng sắc chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp”. Tức là Sư nói pháp thân Chư Phật vào trong tánh của ta, rồi tánh ta cùng tánh Như Lai hiệp. Khi ấy, không còn chia cách, quên cái ta này. Mỗi người sở dĩ thấy mình còn cách với Phật là bị vì cái ta này làm ngăn cách. Nếu quên cái ta này, mở con mắt pháp thân ra, thì liền cùng hiệp với chư Như Lai. Vì trong pháp thân là không tướng, là không một vật thì đâu có gì ngăn cách.

Trong bài kệ tán Phật các chùa thường đọc trước khi lễ Phật:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo giao nan tư nghị,

Ngã thử đạo tràng như đế châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Năng lễ là mình. Mình là người hay lễ. Sở lễ là Phật. Được lễ. Cả hai tánh đều là không tịch, đều rỗng lặng. Chúng ta đối trước Phật, vẫn còn thấy mình thiệt, tượng Phật cũng thiệt, nên có sự ngăn cách. Có mình, có tượng Phật để mình lễ.

Còn ý bài kệ nói phải thấu suốt cả hai tánh đều không tịch. Quên cái ngã này, thì mình và Phật đều rỗng lặng, đều không có ngã, không còn gì cách biệt. Thấu suốt như vậy thì ngay đó cảm ứng không thể nghĩ bàn. Mình có sự cảm ứng, sự giao nhau khôn lường với Phật. Được vậy thì ngay đạo tràng chỗ mình đang lễ giống như là cái lưới ngọc của trời Đế Thích. Từng hạt từng hạt trong lưới ngọc soi suốt lẫn nhau không cùng. Bóng Chư Phật ở mười phương đều hiện trong đó, tức là trong ngay đạo tràng mình đang đứng, rồi ngay thân mình cũng hiện ở trước Chư Phật. Một sự giao cảm vượt ngoài ngôn ngữ, gọi là chẳng nghĩ nghì.

Đoạn này, thiền sư Huyền Giác đánh thức chúng ta phải vươn tới  chỗ không sai biệt, “ một” – “nhiều” cũng mất dấu, cái ta này cũng quên, thì sự cảm ứng khó nghĩ bàn. Sư còn nói rõ “Pháp thân chư Phật vào tánh ta, Tánh ta cùng với Như Lai hiệp”,đó là lẽ thực, chứ không phải nói trên lý tưởng thôi.

Rồi “Một địa đầy đủ tất cả địa” Một địa cũng là thể giác này, rồi tất cả địa cũng là thể giác này. Nên nói “Một là tất cả”. Tức là không còn ranh giới, đó mới xóa tan cái ta này, tâm mới tròn khắp.

Cũng trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một, chỉ hay như thế, lo gì chẳng xong”. Chúng ta thấu suốt được như vậy là quên mất ranh giới một nhiều, quên mất cái ta, nếu được như vậy thì lo gì mà chẳng xong việc lớn chính mình.

Vì bị cái ta ngăn cách, không những cách xa mình với Phật, mà ngay hai huynh đệ chung phòng lại gần bên còn không hiệp nói gì hiệp tới Như Lai! Cũng bởi cái ta này làm ngăn cách chứ có gì đâu! Quên được cái ta này thì tâm tròn khắp, mới hiệp với Như Lai, mới có ánh sáng rọi sáng tất cả. Đây gọi là một tức tất cả, tất cả tức một.

Rồi “Chẳng sắc, chẳng tâm chẳng hạnh nghiệp”. Trong đó cũng mất dấu ngăn cách sắc, tâm, không thuộc về hạnh nghiệp tạo tác, là những cái do tạo tác làm ra, tức là vượt qua chỗ động niệm, chỗ hiểu biết đối đãi.

Chúng ta cũng còn hiểu theo sắc đối với tâm, tâm đối với sắc. Khi không có sắc thì tâm cũng không còn. Đó là cái hiểu đối đãi. Ở đây, Sư dạy phải quên hết sự đối đãi, không bóng dáng của tâm đối với sắc, mất tướng duyên, hết chỗ sinh khởi. Ngược lại, tâm chúng ta lại duyên với sắc, vẫn có tướng để duyên, để tâm sinh khởi, nên có sắc có tâm đối đải. Đến đây, chỉ có người tự chứng mới thầm biết, thầm hiểu. Chỗ này mà lý luận suốt đời cũng không đến được.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05872
  • Online: 35