Chuyện Thường Ngày.

05/01/2023 | Lượt xem: 797

NHỔ HOA HAY NHỔ CỎ?

Hằng ngày, mỗi sáng và chiều, Hòa thượng chống gậy dạo quanh một vòng Thiền viện. Sáng ấy ngang qua một Thiền sinh đang chăm đồi hoa vạn thọ Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Ngài dừng lại hỏi:

- Chú nhổ cỏ hay nhổ hoa?

- Bạch Hòa thượng! Hoa cỏ đều nhổ sạch.

Hòa thượng cười và bảo: - Tốt!

Rồi Ngài đi về phương trượng.

Lát sau, vị Tăng y áo chỉnh tề lên đảnh lễ sám hối. Ngài cũng cười và bảo:

- Về tu thêm.

Bài học:

Ông thầy này chỉ giỏi nhổ sạch tất cả mà chưa giỏi tùy thời nhổ hoặc trồng. Hãy nói, Hòa thượng bảo: “Tốt”, là chấp nhận hay chưa chấp nhận? Nếu đã chấp nhận thì tại sao ông thầy lại lên trượng thất sám hối, Ngài bảo: “Về tu thêm”? Nếu chưa chấp nhận thì tại sao Hòa thượng lại bảo là: “Tốt”?

Là việc của ông thầy nhổ cỏ tại thời điểm đó. Không phải là câu chuyện của mãi mãi và cho tất cả. Thấy ra thì tự mình có phần. Không thấy thì trả lại cho ông thầy ấy đi.

Chỉ một chữ “Tốt” cũng đủ để rúng động, đánh tan kiến thức, kiến giải, sở kiến… “Tu thêm”, sẽ nhận ra tài sản vô giá chân thật nơi chính mình.

 

CÁI GÌ CÓ GIÁ TRỊ?

Một buổi chiều, trong lần đi quanh Thiền viện Thường Chiếu, Hòa thượng ngồi lại trên ghế đá tại Nhà mát cạnh Tây Đường. Đại chúng vây quanh, Ngài cười và nói:

- Có chú thưa rằng, tôi cứ nói chân tâm Phật tánh hoài, không có gì khác. Tôi bảo, nếu có bất kỳ một pháp nào vượt hơn Phật tánh chân tâm, tôi đều nói đó là huyễn hóa, không thật.

Bài học:

Thử tìm một pháp nào vượt hơn chân tâm Phật tánh xem?

Có pháp, liền là không thể sánh kịp chân tâm Phật tánh rồi, làm sao bảo vượt hơn!

Vừa khởi tâm tìm, đã trở thành pháp dư, che khuất chân tâm, làm gì biết để so sánh hơn kém!

Dứt tâm tìm cầu, về trong ấy, sẽ tự thẩm sâu giá trị chân tâm Phật tánh chính mình.

 

TỪ BI VÔ TẬN.

Đang lao tác, một Thiền sinh đẩy chiếc xe kéo[1] vô tình cán lên cây thông con mọc tự nhiên bên vệ đường. Vừa đúng lúc Hòa thượng đi đến, Ngài quở:

- Sao tàn nhẫn quá vậy. Cây thông như vậy mà nỡ cán lên!

Lần khác, đi ngang qua thảm cỏ, Hòa thượng tránh qua một bên trong khi nhiều người dẫm đạp trên đó. Ngài bảo:

- Không nên dẫm lên cỏ.

- Bạch Thầy, cỏ này đạp lên được, nó không chết.

- Tuy vậy, nhưng dẫm lên tội nghiệp nó.

Bài học:

Luôn sẵn một tâm giác sáng, quên bản ngã, bặt các tướng, sẽ có trí tuệ. Sống trọn vẹn và tích cực với những gì đang đối diện, không để kém khuyết, sẽ từ bi. Không phải quan niệm hay nghĩ suy, khéo sống như vậy, lòng từ bi sẽ thênh thang, vô tận.

 

ỨNG XỬ BẰNG TÂM TỪ HÒA.

Hứa khả lời thỉnh cầu của Tăng Ni và Phật tử hải ngoại, Hòa thượng chuẩn bị chuyến du hóa. Gần đến ngày đi, bất ngờ có cuộc điện thoại gọi đến can ngăn. Trước những lời lẽ có vẻ căng thẳng, nặng nề, tôi hầu việc bên cạnh chỉ trông thấy Hòa thượng nhẹ nhàng tươi cười hài hòa và chỉ với một câu: “Vâng, tôi cám ơn nhiều”.

Sang đến nơi, vị ấy đã đến sám hối và thỉnh Hòa thượng thọ trai.

Bài học:

Phải luôn như thế thì khi gặp nghịch duyên mới được như thế.

Tổ đức dạy: “Tuy gặp người ác cũng lấy tâm từ hòa đối xử với họ, mới hay vào đời độ thoát, mở cửa lớn độ khắp chúng sanh”.

Hòa thượng từng nói: “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm”.

Các bậc sáng đạo, sống đạo, luôn gặp nhau trong đại đạo chân thật như thế.

 

LO TU THÔI.

Có vị học giả tìm đủ mọi cách để nói điều không tốt đối với Hòa thượng. Huynh trưởng một đạo tràng lên xin Ngài cho phép được đến gặp vị ấy để nói rõ mọi chuyện. Hòa thượng tươi cười rồi bảo: “Thôi, chỉ im lặng lo tu thôi chú”.

Bài học:

“Chỉ im lặng, lo tu thôi”, là việc chính, cũng là việc thường ngày của người tu hành. Nhưng người tu hành làm được việc bình thường ấy trong một hoàn cảnh không bình thường thì mới làm tốt việc bổn phận của mình.

Kết quả, cuối cùng vị học giả kia cũng thật thà với bản thân và mọi người: “Vì Hòa thượng nổi tiếng, tôi nói xấu Ngài thì nhiều người biết đến tôi, tôi cũng được nổi tiếng. Tôi làm như vậy chỉ vì muốn nổi tiếng như Hòa thượng”. Cũng là chuyện thường của cuộc đời, và giá trị của nó đến nay không còn ai biết đến. Nhìn nông nổi trước mắt thì mọi thứ mới có giá trị chi phối. Nếu có trí tuệ, sẽ thấy rõ bản chất của tất cả đều huyễn hóa. Sự thật, kết cục cuối cùng tất cả sẽ được đưa về đúng với bản chất của chúng chỉ có như vậy. Do đó, dù chuyện gì xảy ra, nếu chịu thấy đúng thì chúng ta luôn an yên trong ngôi nhà tâm tánh chính mình, mọi chuyện trong đời chỉ bình thường thôi!

 

LÀM NƠI NƯƠNG TỰA.

Có lần Hòa thượng dạy Ban lãnh chúng:

- Là người lớn, dù có gặp chuyện như thế nào cũng phải bình tĩnh, an nhiên thì mới làm nơi nương tựa trấn an cho những người nhỏ.

 Bài học:

Ngay từ bây giờ, người nhỏ cũng phải thực tập như lời Hòa thượng dạy thì lớn lên mới có lực để bình tĩnh, an nhiên.

 

LỖI TẠI CHỖ NÀO?

Có một sự cố xảy ra, cả hai Thầy hành xử đều có lý, nhưng không đồng nhất nên không vui với nhau. Đến lễ thỉnh nguyện, hai Thầy ra sám hối. Hòa thượng bảo:

- Mấy chú biết lỗi chỗ nào không?

- Kính thỉnh Hòa thượng chỉ dạy cho chúng con.

- Cả hai đều đúng. Lỗi ở chỗ bất hòa.

Bài học:

Còn trong sanh tử thì không có gì giá trị. Đã bất hòa thì việc đúng cũng thành sai. Cần cái đúng, muốn hiệu quả mà đánh mất đi yếu tố con người thì tất cả không còn ý nghĩa.


CHỈ SỢ NGƯỜI LỚN BẤT HÒA.

Buổi họp định kỳ tại Tuệ Tĩnh Đường, nghe báo cáo mấy nhân viên có tâm ý trái ngược, có thể đưa đến chống trái nhau. Hòa thượng bảo:

- Tôi không lo người nhỏ chống trái, chỉ sợ người lớn bất hòa.

Bài học:

Phán đoán mọi việc qua bản thân thì sẽ có điều trái ngược, bất hòa, chống trái. Hòa tan bản ngã riêng tư vào đại sự thì mọi việc đến đâu cũng bình ổn, hài hòa.

Người xưa nói: “Người ta soi mình nơi dòng nước đứng chứ không ai soi mình nơi dòng nước chảy. Chỉ có những ai dừng lại rồi thì mới làm cho người khác dừng theo”.

Nếu người lớn đã dừng và an thì người nhỏ cũng theo đó được an yên, thanh tịnh.

 

PHÀM TÌNH VÀ THÁNH TRÍ.

Sau giờ học, một thiền sinh hỏi:

- Bạch Hòa thượng! Con đọc trong sách, thấy vào thời quá khứ lúc đức Phật còn thực hành hạnh Bồ tát, Ngài bố thí luôn cả vợ con. Ngày nay nếu làm như vậy là vi phạm nhân quyền. Thỉnh Hòa thượng chỉ dạy cho con?

Hòa thượng cười và bảo:

- Đừng lấy phàm tình so lường với lượng Thánh.

Bài học:

Như người nhắm mắt, bảo họ phải nhìn thấy mọi vật chung quanh thì không thể. Còn trong phàm mê thì khả năng thấy biết cũng chỉ ngang phàm tình. Khi chứng Thánh, sẽ khác.

Thời đức Phật, có vị cư sĩ nam Visàkha trong một lần nghe Thế tôn thuyết pháp, ông chứng tam quả A-na-hàm. Cô bạn đời là Dhammadinnà không biết. Về nhà, cô đưa tay ra đỡ lên gác, nhưng ông không nắm tay. Trong bữa ăn, ông cũng im lặng, không nói năng gì. Thấy lạ, cô gạn hỏi, ông nói không phải vì lỗi gì của cô. Do nay đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Ông trả tự do lại cho cô có quyền chọn lối đi mới. Cô này không theo thế tục mà xin Phật xuất gia. Một thời gian sau, cô chứng đắc tứ quả A la hán, trở thành người thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni.

Khi ràng buộc thì thấy là sở hữu. Không muốn ràng buộc nữa, trả lại tự do cho nhau thì gọi là bố thí (cho ra, buông ra). Bậc hành hạnh Bồ tát không thấy biết trong đối đãi mình và người thì không còn ràng buộc trong hai bên, cho đến tất cả các pháp cũng không còn bị trói buộc. Trả các pháp trở về ngôi vị chính nó, tức đã bố thí tất cả. Bố thí của bậc Thánh vốn tự bình đẳng, không động, thanh tịnh và vượt thoát nhị nguyên như thế. Không có được mất, không xâm phạm hay can hệ đến ai thì làm sao vi phạm nhân quyền được? Phàm phu chưa tỏ trí tánh, chưa thể thấy biết như Bồ tát cho nên làm gì cũng bị dính kẹt.

 

ĐỐN - TIỆM.

Một Thiền sinh đang công phu, bỗng dưng thấy mất hết thân tâm, hoảng hốt đắp y lên đảnh lễ thưa thỉnh Hòa thượng:

- Bạch Hòa thượng! Thân tâm con mất sạch. Hiện giờ con là gì, đang ở đâu?

Ngài cười và bảo: - Ai đang thưa hỏi?

Vị Tăng liền đó nhận ra “cái mình chân thật” đang hiện sờ sờ. Đảnh lễ, hoan hỷ ngập tràn, lui ra.

Cũng một trường hợp tương tự, nhưng nghe lời khai thị của Hòa thượng, Thiền sinh này không khéo nhận. Thưa hỏi thêm, Hòa thượng đành phải phương tiện giảng giải:

- Đó chỉ là cái định mất hết thân tâm của buổi đầu mới vào Thiền, chưa ngộ tánh, cần phải khéo nỗ lực công phu thêm.

Thiền sinh nhận ra và sống được trong chỗ thuần tịnh mình vừa đạt được. Cần có thời gian nỗ lực hạ thủ công phu thêm để vượt khỏi “ao trong” này, mới ngộ tánh.

Bài học:

Nhận thẳng “Ai đang thưa hỏi” thì liền đó ngộ thẳng tự tánh, không qua thứ lớp phương tiện, gọi là đốn ngộ. Đây đích thực là Tổ Sư Thiền. Chưa thể như thế thì rơi vào chỗ mất hết thân tâm, là chỗ thuần thanh tuyệt điểm của tạm thời. Phải nhảy khỏi bước chuyển tiếp này mới ngộ tánh. Khi ngộ, cũng chỉ là đốn ngộ, không khác. Nhưng nếu chủ trương hoặc cố tình chuyên vào chỗ thuần tịnh thì tự động rơi vào tiệm thứ. Tất cả đều ấn tại tâm của hành giả, nhận như thế nào thì đưa đến kết quả tương ứng như vậy. Vị Thầy chỉ ứng theo căn cơ để khai thị, kích phát. Ngoài ra, Phật Tổ cũng không làm gì thêm được trong đó.

Hiện nay, nếu có hành giả công phu tương ứng, đang nghe như vậy, sẽ rơi vào trường hợp nào? Cũng như hai Thiền sinh trên. Công phu, khéo nhận như thế nào thì sẽ đưa đến điền địa tương ưng như vậy. Đến đó, liền nhảy thẳng vào. Việc này không nằm trong khái niệm hay quy ước nào cho chúng ta hiểu biết để vận dụng được.

 

TT.Thích Tâm Hạnh


[1] Miền Nam gọi là xe cộ, miền Trung gọi là xe bò.

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 40262
  • Online: 68