Cội Nguồn Phật Pháp

06/03/2024 | Lượt xem: 780

HT.Thích Thanh Từ giảng tại chùa Quan Âm Đà Lạt

Cội nguồn Phật pháp xuất phát từ đức Phật thích Ca Mâu Ni. Trước khi xuất gia Ngài là thái tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da tại thành Ca-tỳ-la-vệ nước Ấn Độ. Tại sao Ngài dám bỏ cung điện đi xuất gia? Lý do gì khiến Ngài can đảm làm điều thế gian chưa ai dám làm? Đó là vấn đề quan trọng chúng ta phải hiểu cho tường tận. 

 

Sau khi được vua cha cho phép đi dạo bốn cửa thành, thái tử trông thấy cảnh già bệnh chết, Ngài chấn động quyết tâm đi tu. Hằng ngày biết bao cảnh già bệnh chết diễn ra, vậy mà chúng ta vẫn xem thường, trong khi nó là vấn đề hệ trọng. Từ cổ chí kim, con người luôn chấp nhận sanh già bệnh chết như một quy luật, không ai thoát được. Với thái tử Tất-đạt-đa, Ngài không chấp nhận điều đó. Trong tâm Ngài luôn trăn trở, tại sao tất cả mọi người đều cam chịu sanh già bệnh chết? Có cách nào thoát khỏi sanh già bệnh chết không? Hai nghi vấn này gắn chặt trong tâm tư thái tử khiến Ngài quên ăn bỏ ngủ. Đó là lý do thôi thúc thái tử vượt thành xuất gia. 

Mục tiêu rõ ràng và ý chí cương quyết mãnh liệt, thái tử vào rừng sâu tìm học với các vị tu sĩ nổi danh thời ấy. Với trí tuệ và khả năng tiến đạo phi thường, Ngài nhanh chóng đạt được các tầng thiền định ngang bằng với thầy của mình. Trước hết Ngài đắc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, tiến lên nữa là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và cuối cùng là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ngang đây các thầy không còn khả năng chỉ dạy thêm, Ngài quyết định từ giã rồi tiếp tục lên đường tầm đạo. 

Nhận thấy không còn ai khác có thể làm thầy đi nương tựa, Ngài tự tìm đến rừng sâu tu khổ hạnh. Ròng rã suốt 6 năm, mục tiêu Ngài nhắm đến vẫn không thực hiện được. Càng khổ hạnh càng thấy mờ mịt, không lóe thêm chút ánh sáng trí tuệ nào. Cuối cùng Ngài từ giã khổ hạnh, đến dưới cội bồ-đề tọa thiền suốt 49 ngày đêm. Với quyết tâm cao tột, vào đêm cuối cùng khi sao mai vừa mọc, Ngài thành tựu đạo giác ngộ. Mọi nghi vấn buổi đầu ngang đây sáng tỏ, biết rõ tường tận nguyên nhân đưa chúng sanh đến trầm luân, phương pháp thoát khỏi vòng sanh tử. 

Cuộc đời xuất gia và thành đạo của đức Phật có manh mối rõ ràng, kết quả tu hành rốt ráo viên mãn. Chúng ta phát tâm tu theo gương hạnh của Phật thì phải hiểu tường tận đường đi nước bước Ngài đã vạch sẵn. Từ đó cương quyết thực hành hầu đạt được kết quả đúng như sở nguyện. Đó là điều thiết yếu.

Đạo Phật lấy giác ngộ làm cứu cánh. Muốn giác ngộ trước phải đặt nghi vấn, chừng nào bừng sáng thì xong việc. Nhà thiền thường nói đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ. Đại nghi là nghi vấn đề sanh tử, việc này thái tử Tất-đạt-đa đã thành tựu, thấy rõ đầu mối đưa đến luân hồi sanh tử và đầu mối giải thoát sanh tử. 

Sau khi thành đạo, đức Phật nhớ đến chúng sanh chưa giác ngộ còn trầm nịch trong khổ đau, nên thương xót dùng phương tiện giáo hóa. Trước hết Phật tới vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Tứ diệu đế độ năm anh em ngài Kiều Trần Như. Khổ đế là một lẽ thật. Khổ vì sanh, già, bệnh, chết, thương yêu xa lìa, cầu mong không được v.v... Tính chất của sự khổ là vô thường chuyển biến, từ sanh đến già, già rồi bệnh, bệnh rồi chết. Cái khổ này không phải bỗng dưng có, cũng không do ai đặt ra mà nó có nguyên nhân, gọi là Tập đế. 

Tập đế gồm: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... Thấy rõ quả khổ và manh mối tạo ra khổ, sẽ giải quyết được cái nghi tại sao chúng sanh phải đi trong luân hồi sanh tử. Từ đó Phật tìm ra phương pháp tiêu diệt nguyên nhân khổ, gọi là Đạo đế. Thực hành các phương pháp này sẽ đưa đến kết quả Niết-bàn an lạc thanh tịnh, gọi là Diệt đế. Phần Đạo đế gồm 37 phẩm trợ đạo, chính yếu là Bát chánh đạo, đây được coi là chiếc búa đốn gốc Tập đế. Khi nghe đức Phật giảng về Tứ diệu đế, năm anh em ngài Kiều Trần Như đều ngộ được chân lý.

Thời gian sau, số lượng các vị Tỳ-kheo trong giáo đoàn của đức Phật ngày càng đông đảo. Nhiều cư sĩ thiện tín như vua chúa, trưởng giả phát tâm xây cất tinh xá làm nơi tu học cho Tăng chúng. Tại tinh xá Trúc Lâm, Phật nói pháp Mười hai nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Đây là vòng lưu chuyển sanh tử của chúng sanh, gốc từ vô minh.

Muốn dừng sanh tử phải chặt đứt đầu mối vô minh, tức là phiền não quá khứ. Ái và thủ là nhân duyên sanh khổ hiện tại, chặt được hai thứ này vòng sanh tử đời sau chấm dứt. Đức Phật đã tường tận chỉ bày nguyên nhân trầm luân sanh tử và phương pháp giải thoát sanh tử. Hai pháp Tứ diệu đế và Mười hai nhân duyên là minh chứng cụ thể giải quyết nghi vấn buổi đầu của đức Phật. Sáng được hai vấn đề này, đức Phật tuyên bố hoàn toàn giác ngộ, giải thoát sanh tử, thành Phật hiệu là Thích ca Mâu Ni. 

Chúng ta phải biết áp dụng lý Tứ Đế để tiêu diệt tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v... Áp dụng lý Mười hai nhân duyên để dẹp vô minh hoặc ái, thủ. Đó là mấu chốt quan trọng, đưa đến giác ngộ giải thoát. Đối với ái thủ của hiện tại, mỗi chúng sanh đều có những cái thấy riêng biệt. Thí dụ khi nhìn bông hoa, phàm phu thấy nó thật, từ đó đánh giá đẹp hoặc xấu. Thấy đẹp khởi niệm tham muốn sở hữu tức là ái, thủ, hữu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử. 

Thanh văn thấy bông hoa liền quán vô thường. Hiện tại nó đang đẹp nhưng mai mốt sẽ tàn héo, bại hoại rồi trở về không nên nó không thật. Vì không thật nên không ái, không ái thì không thủ, ngang đây đứt được mầm sanh tử. Hàng Duyên giác nhìn cành hoa biết nó không thật, duyên hợp giả có. Phân tích từng bộ phận nào cánh, nhụy, cuống v.v... không có cái nào thật là hoa. Các bộ phận này ráp lại với nhau tạm gọi là hoa, chứ không có cái chủ thể hoa. Do không thật nên không ái, từ không ái nên không thủ. Đây là lối quán theo lý Nhân duyên, phá ái dứt thủ được giải thoát. 

Bồ-tát thấy hoa hồng liền biết đương thể tức không. Do đã thuần thục về pháp quán nhân duyên nên không cần khởi quán. Ngay cái thấy, biết các pháp không thật thể. Không thật thể tức là tánh không, do đó không sanh tâm nhiễm trước. Với cái nhìn của thiền sư, hoa hồng là hoa hồng. Tâm như như bất động, không một niệm ái thủ, đương nhiên hết sanh tử. 

Tóm lại, phương tiện tu tuy nhiều nhưng cứu cánh không hai. Hàng Thanh văn, Duyên giác Bồ-tát dùng phương tiện từ giáo lý đức Phật chỉ dạy, nương đó tu tập. Chư vị thiền sư không dùng phương tiện, nhìn các pháp đúng với thật thể của nó, năng kiến và sở kiến tự như, không cần thêm bớt gì. Đây là điểm đặc biệt. Thiền sư trực diện thấy sự vật đúng như thật. Do tâm các ngài thanh tịnh nên tâm cảnh như như, đó là cái thấy chân thật không do quán chiếu. 

Thiền sử Việt Nam kể, khi vua Lý Thái Tông đến thăm thiền sư Thiền Lão, hỏi: 

- Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu? 

Thiền sư đáp: 

- Đãn tri kim nhật nguyệt, 

Thùy thức cựu xuân thu. 

Chỉ biết ngày tháng này, 

Ai rành xuân thu trước. 

Vua hỏi: 

- Hằng ngày Hòa thượng làm gì? 

Thiền sư đáp: 

- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, 

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, 

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân. 

Nếu chúng ta dùng trí để quán, dù pháp đó cao siêu vẫn nằm trong quán tưởng, tức chưa sống được với cái chân thật. Tâm thiền sư luôn như như bất lộng, tự tại đói ăn mệt ngủ. Đây chính là đầu mối của giải thoát sanh tử. 

Thiền là cái chân thật ngay trong cuộc sống hiện tại. Tinh thần Thiền tông khai triển cái chân thật nơi mỗi chúng sanh, không bắt phải nô lệ vào tư tưởng. Đây là lý do tại sao trong nhà thiền đặt vấn đề tham vấn. Manh mối ngộ đạo của đức Phật xuất phát từ nghi vấn rất lớn, cần mẫn miên mật theo đuổi bằng cách thiền định để tìm ra kết quả. Lâu ngày khối nghi tự nhiên vỡ tung, đó là trọng lâm của sự giác ngộ. 

Thiền sử Trung Hoa kể, người học đạo trước phải tự khởi nghi một vấn đề, chừng nào chưa giải quyết xong mới tới thưa hỏi thầy. Các vị thầy không bao giờ giải đáp ngay, mà phương tiện thêm một chút nghi nữa, tức là nghi dồn nghi. Mục đích muốn cho học nhân cương quyết tự mình giải quyết vấn đề. Lúc nào đó đầy đủ nhân duyên, khối nghi vỡ tan thì được ngộ đạo. 

Như trường hợp ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn. Khi ở chỗ tổ Bá Trượng, ngài quá lanh lợi, hỏi một đáp mười. Sau khi Tổ tịch, ngài đến tham học với thiền sư Quy Sơn. Một hôm, ngài Quy Sơn bảo: 

- Ta nghe ngươi ở chỗ tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu trước khi cha mẹ chưa sanh xem. 

Trước khi cha mẹ chưa sanh làm sao nói, ngài mờ mịt không trả lời được. Trở về liêu, lục lọi hết các sách vở tìm một câu đáp trọn không có, ngài cầu thầy nói phá. Thiền sư Quy Sơn bảo: 

- Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta. Ta nói là việc của ta, đâu can hệ gì đến ngươi? 

Ngang đây ngài đốt hết sách vở và nói: “Đời này chẳng học Phật pháp nữa, chỉ làm Tăng thường lo việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần”. Ngài khóc rồi từ giã Quy Sơn đến trụ ở Nam Dương, nơi di tích quốc sư Huệ Trung. Một hôm nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, ngài chợt tỉnh ngộ phá lên cười. Về thất, ngài tắm gội thắp hương hướng về thiền sư Quy Sơn đảnh lễ, ca tụng rằng: “Hòa thượng từ bi ân như cha mẹ, khi trước nếu vì con nói rồi thì làm gì có ngày nay”. Ngài đã thật sự ngộ đạo không do thầy dạy.

Người thầy dồn cho học nhân một khối nghi ngờ lớn, ráng dẹp hết tất cả tâm niệm lăng xăng bên ngoài, chợt lúc nào đó tự sáng ra là thấy đạo. Các vị thiền sư cho chúng ta tới thưa hỏi, tuy nhiên các ngài không chỉ dạy mà nói ngược nói xuôi, nói đông nói tây. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, người sáng mắt ngay đó liền ngộ, người chưa vào được cửa thấy như lạc đề, nhân đó nghi thêm, tức là nuôi dưỡng khối nghi mãi trong lòng. Thời điểm chín muồi do lòng hun đúc, sự tu hành thanh tịnh phát ra, không do thầy nói cho biết. 

Phương pháp tu thiền chú trọng nhất ở sự phát minh. Nếu không có phát minh, sự tu không thành công. Muốn phát minh, trước phải đặt vấn đề thao thức. Thao thức chính là động lực cho phát minh. Đây là thủ thuật đặc biệt trong nhà thiền, tạo ra một cái nghi rồi bắt mình tự giải quyết. Cái nghi tối quan trọng trong cuộc sống là vấn đề sanh tử, tinh thần này hoàn toàn sáng tạo.

Học nhân tha thiết làm sao giải quyết được vấn đề, từ đó tự mình phát minh ra phương pháp. Vị thầy không làm việc này, cũng không lấy trong kinh Phật ra để chỉ dạy. Chỗ này ứng với tông chỉ “Giáo ngoại biệt truyền”. Tuy không lấy kinh giáo làm khuôn vàng thước ngọc, nhưng phải theo đúng tinh thần giác ngộ của đức Phật. Trước phải tạo một khối nghi ngờ, kế dùng mọi phương tiện lặng bớt điên đảo vọng tưởng. Điên đảo vọng tưởng lặng rồi cái nghi còn âm thầm bên trong, phút giây nào đó đầy đủ nhân duyên, nó tự mở tung và sáng lên. Đây là lối tu “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”.

Đức Phật thành đạt đạo quả là do tâm Ngài quá yên định, đây chính là sức mạnh của trí tuệ giống như một ngọn đèn sáng rọi tới đâu sáng tới đó. Cho nên định là cội gốc đi tới giác ngộ, là một trong Tam vô lậu học, tức là ba môn giải thoát; giới, định, tuệ. Từ giới sanh định, từ định phát tuệ. Người muốn phát minh trí tuệ chân thật phải trải qua ba giai đoạn này. Giới là những phương tiện kìm hãm giúp tâm yên lắng, không còn lăng xăng lộn xộn và dính mắc với ngoại cảnh bên ngoài. Sự yên lắng đó là nhân tố quan trọng để tâm chuyên nhất vào một vấn đề, tới chừng vấn đề sáng tỏ, trí tuệ chân thật hiện tiền. Đó chính là gốc của sự tu.

Qua đây chúng ta càng hiểu rõ hơn, tại sao khi tu phải ứng dụng phương pháp thiền. Khi đối duyên xúc cảnh tâm lăng xăng lộn xộn đủ thứ, cần những giờ phút ngồi lại để huân tập cho mình một sức mạnh tự chủ. Khi thuần thục rồi, đi đâu, làm gì tâm cũng luôn an trụ trong chánh niệm, không bị dao động hoặc dính mắc, nghĩa là đối cảnh vô tâm. Tu thiền không dùng lối quán như hàng Nhị thừa và Bồ-tát, nhưng cũng có cách dừng lặng tâm điên đảo. Nếu không như thế, để tâm buông lung thì nhất định khi đối cảnh sẽ phát cuồng loạn. Đó là lý do tại sao tôi bắt Tăng Ni phải ngồi thiền. 

Sự yên định là điều kiện không thể thiếu trong công phu, tuy nhiên định thôi chưa đủ. Thiền sư Trường Sa từng nói: “Mạc vị vô tâm vân thị đạo, vô tâm du cách nhất trùng quan”. Nghĩa là, đừng bảo vô tâm đó là đạo, vô tâm còn cách một lớp rào. Khi tâm lóng lặng, chúng ta tưởng ngang đó là xong, nhưng không đúng, còn phải phát mình hơn nữa mới đến được chỗ giác ngộ. Nếu dừng ngang đây, rồi thỏa mãn cho phương tiện là cứu cánh thì không đúng. Chỗ này khác trường hợp đối cảnh vô tâm, là do thấy được lẽ thật nên không còn dụng công gì nữa. 

Đối với các nhà khoa học, khi muốn phát minh một vấn đề gì, trước hết họ phải thắc mắc, sau đó chuyên tâm trong vấn đề chính. Miên mật lâu ngày, đầy đủ nhân duyên, trí tuệ bừng sáng thì phát minh thành công. Một nhà khoa học muốn đạt được kết quả tốt, phải siêng năng cần mẫn nghiên cứu như thế, huống là người tu cầu quả vị giác ngộ giải thoát, lẽ nào lại dám lơ là. Cho nên đức Phật bắt chúng ta phải khuôn mình trong giới luật, tu thiền, nhập định... để có thời giờ chuyên một việc mới phát minh được tâm địa. 

Nhà Phật chia ra hai loại trí tuệ: hữu sư trí, vô sư trí. Hữu sư trí là trí do huân tập, học hỏi từ bậc thầy hoặc thiện hữu tri thức. Vô sư trí là trí do tâm lặng lẽ thanh tịnh phát ra, gọi là trí chân thật. Thiền tông chủ trương khơi dậy vô sư trí trong mỗi chúng sanh, đó là bản lai diện mục bất sanh bất diệt. Sự phát minh của các nhà khoa học bắt nguồn từ hữu sư trí. Vấn đề của họ hạn chế trong hiện tại nên sự phát minh đó chỉ lợi ích một đời. Vấn đề giải thoát sanh tử của kiếp người là điều hệ trọng trong đời này và nhiều đời sau, cho nên tu không phải chuyện tầm thường dễ dàng. 

Chủ đích của đạo Phật là sáng tạo. Sức mạnh Thiền tông đưa chúng ta tới chỗ tự tại trong mọi hoàn cảnh. Người thấy được lẽ thật của đạo, dù phải sống ở hoàn cảnh xấu dở, cực nhọc vẫn an nhiên tự tại. Vì tâm không còn khởi niệm, nên chỗ nào cũng là cảnh thanh tịnh. Đó là điểm đặc biệt của người tu theo đạo Phật. 

Thiền tông có một sức mạnh phi thường, trung thành mà không lệ thuộc văn tự. Mục đích của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, muốn làm được điều này chúng ta phải phát minh. Nương theo con đường Phật đã đi, chúng ta phát minh việc của chính mình trên tinh thần tự chủ và sáng tạo. 

Trong cuộc sống này, ai cũng phát minh ra điều hay, lợi ích thì xã hội luôn luôn tiến bộ. Không nên cắm đầu nghe lời người trước bảo sao làm vậy, chỉ thừa hưởng mà không tạo thêm được cái gì mới thì kết quả chưa viên mãn. Muốn có phát minh phải có nghi vấn, điều này không thể chối cãi. Nghi vấn và phát minh là sức mạnh của đạo, cũng là sức mạnh của đời. Đây là điều thiết yếu người xuất gia hay tại gia đều phải nắm vững. 

Mong tất cả cùng cố gắng, luôn phát huy được trí tuệ chân thật để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90222
  • Online: 21