Con đường thiền
05/11/2015 | Lượt xem: 4112
Hôm nay, chúng ta sinh hoạt về đề tài tinh thần trang nghiêm hoặc tinh thần tu học của người con Phật nói chung, của người tu thiền nói riêng.Nói đến “tu thiền”, tức là nói đến “tu tâm”, căn cứ từ tâm mà tu. Nhưng tâm là gì? Thường mỗi người chúng ta gọi cái mà ta ôm giữ, suy nghĩ, sống hằng ngày và sử dụng trong mọi tương giao, đối duyên tiếp cảnh là tâm. Nhưng đức Phật lại gọi đó là “vọng tưởng”. Vì tâm này không phải là tâm thật.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy tâm ấy là “những tướng tưởng của tiền trần, là tướng phân biệt bóng dáng của pháp trần”. Đó là bóng dáng tồn đọng của những cảnh duyên trước mắt. Từ chỗ nhận lầm vọng tưởng lăng xăng này là tâm, mà chúng ta không nhận ra được cái thực, để rồi chạy theo, vướng mắc, gây tạo những rối rắm chung quanh, không thể nào thoát khỏi luân hồi quả báo. Cứ vậy mà ta loay hoay trong vòng cuộc sống. Cuộc sống này mất đi, ta gầy dựng cuộc sống kế tiếp, chuyên nắm bắt, vướng mắc bởi vọng tưởng.
Người tu Phật muốn nhận được tâm thật, chỉ khi nào trị được vọng tưởng, trị được những biến động lăng xăng ngược xuôi trong sinh hoạt, trong các đối duyên xúc cảnh của mình. Nghĩa là, người nào làm chủ, sắp xếp làm sao để được bình ổn với các cảnh duyên, thì người ấy sống được với tâm thật của mình.
Như vậy, bước đầu của việc tu hành là phải thấy cái gì là giả, cái gì là thật. Người tu thiền phải nhận cho bằng được cái thật ấy. Nếu không, dù ngồi thiền một ngày bao nhiêu tiếng, tụng kinh sám hối bao nhiêu lượt, mà một bề chấp giữ vọng tưởng cho là thật, thì nhất định những mong mỏi, cầu nguyện của chúng ta tu tập hằng ngày sẽ không có kết quả.
Khi biết đó là vọng tưởng, bước kế tiếp là cố gắng đừng để vọng tưởng kéo lôi. Đây là một quá trình công phu, đòi hỏi người tu thiền phải nhìn rõ và phải thật sự sống được như vậy.
Về việc công phu, người xuất gia chúng tôi cũng như quí Phật tử, tùy theo hoàn cảnh và căn nghiệp của mỗi người mà hằng ngày áp dụng công phu có khác nhau. Không có một pháp tu cố định nào đối với người tu thiền. Nói thế không có nghĩa là chúng ta không tu, không công phu. Trong giai đoạn này phải có công phu! Chính nhờ công phu, chúng ta mới có thể biết các biến động lăng xăng, ngược xuôi kia chỉ là vọng tưởng không thật. Cái biết đó không phải là một bài kinh hay một phương pháp cố định, nên nói thiền pháp không cố định. Dù là cái sẵn có, tuy nhiên cái biết ấy không phải tự dưng mà nhận lại được. Nó đòi hỏi phải có công phu, quá trình tu tập và kinh nghiệm.
Tổ Qui Sơn nói:
Mặc cho pháp tánh tự nhiên lưu xuất,
Quản lý thấy nghe giữ được mực thường,
Ứng dụng tự tại đối với sự lý,
Hoàn toàn siêu việt!
Ngài không dạy chúng ta phải tụng kinh A Di Đà hay Phổ Môn, mà chỉ dạy chúng ta đừng để mất cái biết là tâm thể hằng tỉnh, hằng sáng, hằng tri. Để cho cái tự nhiên của chính mình lưu xuất không làm nó đứt đoạn, ấy gọi là “mặc tình”. Người có chút công phu, nhận lại được, nhưng lại không sống được thường hằng với nó, như “người bị sốt rét cách ngày”. Chính là vì vẫn còn ôm ấp vọng tưởng, dong duổi theo ngoại cảnh, thành ra không sống được thường hằng với tánh giác sáng suốt thường nhiên.
Muốn sống được như vậy, phải “quản lý thấy nghe” đừng để chúng xuôi ngược, vướng mắc tiền trần, cảnh duyên. Đây là chỗ chúng ta công phu, phải khéo nhận! Vậy thì quí vị thấy tu hành đâu có khó, phải không? Chỉ cần làm chủ được các giác quan là tu. Các giác quan là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý lung tung linh tinh. Làm chủ được các giác quan tức làm chủ được các “hiện hình” của mình ngay hiện tại. Tôi nói “hiện hình” ở đây, nghĩa là những tướng ứng hiện ra bên ngoài tương ứng với các vọng tưởng do chúng ta không làm chủ được khi đối duyên tiếp cảnh.
Khi chúng ta “phục hồi” được tánh giác của mình, nghĩa là nhận lại, sống và thường sử dụng được nó, thì ta mới không lầm đối với các pháp. Thứ gì giả biết giả, không mắc mứu, không chạy theo, không bị sức hút của cái giả đó quấy rầy. Vì vậy trong nhà thiền hay dùng hai chữ “bất động” để chỉ cho cái không chạy theo này.
Ngoài ra, chúng ta hay nghe đến cụm từ “kiến tánh thành Phật”. Tánh là tính chất. Khi nói đến tánh là nói đến cái gì không bị sai xiển, đổi thay hoặc bị động. Kiến là thấy. Kiến tánh tức là thấy tánh. Vậy thôi! Mà kiến tánh thì thành Phật. Giờ nghiệm lại xem chúng ta có kiến tánh chưa? Cũng có chứ! Nhưng lại dẫm chân lên bệnh sốt rét cách ngày. Chẳng hạn như đến giờ tụng kinh, công phu, ai rủ mình đi chơi, mình thấy “không thể được”. Cái tỉnh không bị động ấy là gì? Nhưng chúng ta thì lại không nuôi dưỡng những bất động đó. Mình còn chút nghi ngờ, cho nên nghe người ta rủ, mình lập tức gật đầu hay là “để coi”. Đó là phút giây mình rủ ma quái vào nhà. Cứ như vậy mà ngày này tháng nọ qua đi. Kết quả là... mất mình! Vì lý do đó, Hòa thượng dạy chúng ta phải có tâm kiên cố và trường viễn. Thành ra lịch tu hành là cần thiết đối với những người yếu đuối như chúng ta.
Đó là giai đoạn sơ khởi trong việc tu hành. Những phút giây lóe lên theo kiểu hằng ngày này đánh dấu từng buớc, từng giai đoạn một. Dù chưa phải thật, nhưng nếu đi đúng những bước đó thì cuối cùng sẽ gặp được ông chủ. Còn không biết nuôi dưỡng thì những lóe sáng ấy không có cơ hội phát triển. Cũng như từ ba đến năm giờ sáng chúng ta ngồi thiền, tâm được lắng dịu sáng suốt chút ít. Qua năm giờ trở đi, thì thôi tính toán ngược xuôi, ma quỉ hiện hình. Tối lại cầu Phật lễ lạy sám hối... thì có khác gì người lữ hành đường xa mệt nhọc, bước một bước lùi hai bước, bước ba bước lùi sáu bước thì có trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu cũng chưa xong.
Chúng ta thường có tật dễ duôi qua ngày. Thấy cái gì bi đát, nhìn một hiện tượng kinh khủng thì có tỉnh, nhưng nuôi dưỡng cái tỉnh ấy hay phát huy trạng thái tâm thức đối với sự kiện ấy để tu thì không. Vừa tỉnh liền mất. Trong đời sống hằng ngày, ta chứng kiến biết bao nhiêu thứ: già, bệnh, địch họa, thiên tai... thấy thì có sợ. Nếu nuôi dưỡng cái sợ đó để tu thì chắc chúng ta thành Phật tức khắc.
Nhưng mà không! Đi một khúc gặp ca nhạc thì quên ngay, nhào vô tham dự. Thành giải ngộ thì nhiều mà chẳng đến đâu.
Tôi nói về từ “giải ngộ”. Giải nghĩa là mở ra những cái gì bị cột trói. Trong cuộc sống hằng ngày nếu khi nào mình cũng được như ý thì mình không có giải ngộ. Kiểm nghiệm ở đời mà thấy thì, đời người từ lúc mọc răng sữa, cho đến lúc thay răng thiệt, chưa ai hoàn toàn được như ý. Thậm chí như đức Thế Tôn của chúng ta, đang đầy đủ tiện nghi, được tôn kính, tán thán phú quí vượt bực, rồi cũng bất như ý. Khi biết mình cũng không thoát khỏi được già, bệnh, chết như những người khác, Ngài đã bỏ tất cả để tìm đường giải thoát. Giải ngộ của Ngài như vậy, đưa đến kết quả như vậy!
Còn chúng ta, những bấp bênh về tiền tài địa vị công danh nhan nhản trước mắt, hoặc những thông điệp từ Diêm vương gởi lên như cái đau, cái bệnh, cái già, cái yếu... là những cái giúp ta giải ngộ rất nhiều. Nhưng chúng ta làm lơ, đánh mất những cơ hội tốt, để rồi ngày tháng trôi qua.
Ngày nay chúng ta được duyên may gặp Phật pháp, nhận được pháp tu và trong công phu hằng ngày chúng ta đã thể nghiệm thấy đúng thì cố gắng phấn đấu. Không có chuyện gì làm mà không trải qua khó khăn lại được thành công liền. Tuy nhiên người xưa nói “Vấp ngã chỗ nào thì đứng lên chỗ ấy” và gương của người xưa thành tựu cũng không ít.
Chúng ta vì không có quyết tâm, không tin tưởng vào bản thân mình. Đừng nghĩ rằng, những điều trên chỉ dành cho bậc thượng căn thượng trí, còn chúng ta sanh nhằm đời mạt pháp nên vô phần. Pháp của Phật là thuốc trị tất cả bệnh của chúng sanh. Có uống, có thực hành thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được kết quả. Sở dĩ ta không hết khổ, đối duyên tiếp cảnh vẫn bị động là vì ta không tu, không hành, không áp dụng lời Phật dạy cho đúng.
Cơ hội giải ngộ, kiến tánh không ai là không có, nhưng cứ dễ duôi, hoặc an phận “số tôi như vậy”. Đó là sai lầm của rất nhiều người. Trong Phật giáo, không có cái “số tôi”. Người con Phật phải luôn luôn có tinh thần phấn đấu, quyết tâm. Đừng buông xuôi theo những khó khăn hay những vấp ngã... Đừng để đến khi mắc bệnh nan y, hay già lụm khụm mới nghĩ đến chuyện tu, làm sao tu được. Lúc khoẻ đây, phấn đấu còn không nổi, nói gì đến lúc ấy. Vả lại, biết mình sống được đến già hay không? Xin chớ có hẹn!
Phần trên tôi nói lược về những điểm cần thiết cho bước đầu tiến hành công phu. Nói chung từ những hiện tượng trong cuộc sống hoặc từ lòng tin, từ công phu, chúng ta có giải ngộ, có kiến tánh, nhận được cái gì là giả cái gì là thực. Từ đó tùy căn nghiệp của mỗi người, chúng ta công phu để dần dần trở về sống được với tâm thể sáng suốt bất động của mình.
Tiếp theo tôi nói về cửa phương tiện giúp chúng ta làm chủ các giác quan như thế nào. Theo lời dạy của các bậc thiện tri thức đi trước, có ba cửa: Chỉ, Quán, Thiền. Với ba cửa này chúng ta có thể dung hợp tu tập. Tuy nhiên quan trọng là đừng đứng trước cửa này, mà nhìn sang cửa khác do dự và để thời giờ trôi qua lãng phí.
CHỈ là dừng, là dứt các vọng niệm lăng xăng. Đã gọi là vọng mà nói dứt nói dừng là sao? Thật ra đó chỉ là một cách nói. Chủ yếu là làm sao có trí tuệ, để đừng bị nó dẫn dắt, kéo lôi. Không để bị dẫn tức là dừng được. Không để bị kéo lôi tức là dứt được. Không mắc mứu si mê theo vọng tưởng, nghĩa là ta đã trở về sống được với cái thực. Chỉ cần một cửa này, ta đã vô nhà được rồi. Quí vị thấy có đơn giản không? Chỉ cần “nghĩ bậy thì dừng, bị vọng kéo lôi thì dứt”. Tuy nhiên không có trí tuệ, chỉ ham ăn ham ngủ thì quả thật không phải dễ!
QUÁN là để thấy rõ các vọng niệm không thật. Việc này cũng cần có trí tuệ. Ở đây tôi lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Có người nói “Anh là con khỉ”. Suy cho cùng thì có nói mình là con khỉ, mình cũng không thể thành con khỉ được. Vậy thì có gì đâu mà giận, mà tức? Còn nếu mình giận, mình tức, thì hóa ra mình chấp nhận từ “con khỉ”. Tuy nhiên trong cuộc sống, mình ít chịu quán xét, nghe là lập tức đùng đùng nổi giận và đánh mất tánh thường hằng sáng suốt của mình.
Nhìn kỹ lại cuộc sống này, thương, giận, vui, buồn... có gì tồn tại lâu dài? Thân này, tâm này rồi cũng mất. Nhưng chúng ta bị mắc kẹt, bị vướng lầm cho nên không kiến tánh, không sử dụng được cửa quán để đi vào tâm thể thanh tịnh. Nếu thường xuyên sử dụng liên tục một cửa quán không thôi, thì ta cũng bình ổn, thoải mái, mặc tình mà sống. Vì vậy người tu không thể thiếu quán chiếu, tức trí tuệ là đèn soi đường cho ta tránh hầm hố gai góc.
THIỀN là cửa bất động đối với tất cả niệm tưởng. Hòa thượng Viện Trưởng dạy: “Ai buông được các vọng niệm khi chúng dấy khởi là người bất động”. Công phu này không phải đợi đến chùa, ngồi trước tượng Phật hoặc trong điều kiện thuận lợi mới tu được. Ta có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, khi đang đi, đang ngồi, đang nấu cơm, đang giặt giũ... Niệm dấy khởi, biết không thật, buông. Cứ thế. Người như vậy là người có định tuệ, sử dụng được chỉ và quán. Có thể nói thiền là cửa duy nhất để hành giả được an nhiên, tự tại khi bước vào đó.
Tóm lại, về phương pháp tu hành công phu hằng ngày thì có nhiều, tùy theo căn cơ trình độ hoàn cảnh sức khoẻ của từng người. Nhưng đối với sự hiểu biết và kinh nghiệm để áp dụng thì “Chỉ - Quán - Thiền” nhất định không có sự sai lệch.
Đây là con đường tùy thuận tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác tức là tánh giác, sáng suốt trùm khắp, viên mãn tròn đầy không góc cạnh. Tùy thuận, nghĩa là không làm mất tánh Viên Giác. Cửa nào cũng tùy thuận tánh Viên Giác. Có điều chúng ta dễ duôi, không quyết tâm. Chúng ta học thì có học, hiểu thì có hiểu, nhưng bước vào cửa để đi thì không. Người Tây phương nói: “Muốn là được, quyết là xong”. Sở dĩ chúng ta không được là vì chúng ta không muốn, không quyết.
Đời người ngắn ngủi, nhanh như dòng nước xuôi, chúng ta có duyên đã gặp được Phật pháp thì còn chần chờ gì? Cố gắng! Quyết tâm!
HT.Thích Nhật Quang
Các bài mới
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 99359
- Online: 13