Con đường tự thắng mình
16/05/2012 | Lượt xem: 3876
Các Phật tử nghe giáo pháp đã nhiều, nhưng có những chặng đường chúng ta không thắng được mình. Ai tu cũng muốn thành Phật, chúng ta được ngồi đây nghe Phật pháp là cũng có túc duyên lớn với Phật, trong quá khứ bố thí, cúng dường, làm các thiện pháp. Nhưng một khi chưa thắng được mình thì vẫn còn đi trong lục đạo luân hồi. Đó là lý đương nhiên. Pháp nhĩ như thị.
Ai cũng có Phật tánh, nhưng có 3 dạng:
1. Chánh nhân Phật tánh: Tất cả mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh.
2. Duyên nhân Phật tánh: Đã có nhân nhưng không có duyên để chuyển hóa thì chúng sanh vẫn là chúng sanh.
3. Liễu nhân Phật tánh: Tu ai cũng muốn bớt phiền não, bớt sân hận, nhưng khi phiền não đến vẫn không thắng được vì tập khí quá nhiều, quá lớn. Ví dụ như có 2 chiếc xuồng. Một chiếc mở máy đi thẳng sang bờ bên kia. Một chiếc mãi nổ máy mãi không đi được mà chỉ chạy vòng vòng. Nguyên nhân là bị rong rêu, cỏ dính chặt ở dưới. Người trí biết thì gỡ một cách từ từ.
Trên con đường đi đến giác ngộ giải thoát, ai cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Có những người tưởng như mạnh nhất, có thể thắng tất cả nhưng vẫn không thắng được chính bản thân mình. Cho nên đề tài hôm nay chúng tôi chia sẻ là “Con đường tự thắng mình”.
Con đường tự thắng mình là con đường chuyển hóa nội tâm, từ phàm đến thánh, từ xấu ác trở thành con người tốt, có đạo đức. Muốn bước vào con đường tự thắng mình, chúng ta phải tự chứng nghiệm, tự chuyển hóa nội tâm.
Sơ Tổ Trúc Lâm làm vua, hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông, nhưng rũ bỏ tất cả lên núi tu. Sau khi ngộ nhập Phật tri kiến thanh tịnh, Ngài làm bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”:
“Tuần này mà ngẫm
Ta lại xá ta
Đắc ý cong (trong) lòng
Cười riêng ha hả.
Công danh chẳng trọng
Phú quý chẳng màng
Tần Hán xưa kia
Xem đà nhèn (hèn) hạ.
Có một khoảnh khắc nào đó chúng ta chiến thắng được chính mình thì niềm vui của mình rất lớn. Nhờ chuyển hóa như vậy học Phật pháp mới không uổng.
Thiền sư Bạch Ẩn cũng khẳng định: Một người ở đợ, phu xe, lái đò nhưng nhận ra được tâm này rồi thì ta cũng gọi người đó là giàu có, là người trí, cao thượng. Còn một người dù là vua, quan, đại thần hay chức tước gì nhưng không nhận ra chỗ đó, không sống được với tâm thái tự tại của mình thì ta cũng nói người đó là người nghèo hèn, ngu dốt”.
Cho nên nhiều khi chúng ta nghe pháp thấy nhàm chán, nhưng thật ra Phật pháp nếu mà tu đúng thì đó là pháp tối thượng, là pháp vi diệu, có sức chuyển hóa rất lớn, làm thay đổi cả cuộc đời. Đạo Phật không phải là đạo mê tín, dị đoan như một số người nghĩ mà là đạo cứu người, cứu khổ cho chúng sanh.
Con đường tự thắng mình nói cách khác cũng là con đường giải thoát tri kiến của chính mình. Trong Thiền thoại có kể, vào đời nhà Tống có một vị tướng quốc đánh trăm trận trăm thắng. Một hôm ông ở trong phủ, có một người hầu bưng ra một tách trà bằng ngọc quý mà ông rất quý. Lúc uống trà ông lỡ tay suýt làm rơi chiếc chén, ông hoảng hốt chụp lại. Ông suy nghĩ ra trận đánh không hề sợ mà hôm nay tâm lại hoảng hốt lo sợ, là từ tâm tham ái đối với chiếc chén. Nghĩ vậy nên ông đập bể luôn chén trà.
Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:
“Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng”.
Trong Kinh A Hàm có kể lại câu chuyện: Vào thời Đức Phật có một anh nông dân, trong vườn có một cây cuốc. Sau khi anh thấy chư Tăng thanh tịnh cũng phát tâm xuất gia nhưng sau đó xuất gia đến bảy lần. Bởi vì xuất gia được một thời gian anh nhớ mảnh vườn và cây cuốc nên về nhà làm việc. Lần cuối cùng, anh mang cuốc ra quăng xuống sông và la lên “Tôi chiến thắng rồi, tôi chiến thắng rồi”.
Có những lúc chúng ta cũng muốn buông xả tất cả để dấn thân vào con đường này nhưng do tập khí, nghiệp tập của mình nên chưa buông bỏ rốt ráo được. Muốn thắng được tập khí này, chúng ta phải thiền tập. Chỉ có con đường thiền tập mới chiến thắng được chính mình. Ngồi yên lại, chúng ta mới thấy từng niệm vọng tưởng, ví dụ như ngày hôm nay mình đã làm gì khiến người khác đau khổ thì phải phát nguyện lớn để hóa giải nghiệp này.
BỒ TÁT SĨ ĐẠT ĐA – CON ĐƯỜNG TỰ THẮNG MÌNH
Trận chiến thứ nhất của Bồ Tát Sĩ Đạt Đa: Sự nỗ lực trong tâm Ngài khi còn ở trong hoàng cung.
Thái tử ở trong cung điện 3 mùa, vợ đẹp, con ngoan. Vào đêm Thái tử quyết định vượt thành xuất gia, không phải tự nhiên mà Ngài đi mà lúc đó đã đủ 100 pháp Ba la mật. Khi ra khỏi thành, Ma Ba Tuần hiện ra nói: “Này ông Sĩ Đạt Đa, ông chỉ còn 7 ngày nữa sẽ thành Chuyển Luân Thánh Vương”. Nếu Bồ Tát Sĩ Đạt Đa chưa đủ 100 pháp Ba la mật thì sẽ bị dính mắc vào lời của Ma Ba Tuần.
Như vậy, chúng ta tu tập để đủ 100 pháp Ba la mật, thành tựu quả vị cuối cùng phải trải qua vô lượng kiếp, phải nhờ Duyên nhân Phật tánh.
Biết được con đường này, tự tâm của mỗi chúng ta phải phát một nguyện lực lớn, bằng mọi cách phải chiến thắng chính mình.
Cổ đức có nói:
“Một kiếp không tu muôn kiếp khổ
Một đời không ngộ vạn đời sầu”.
Trận chiến thứ hai của Bồ Tát Sĩ Đạt Đa: Sự khó khổ về vật chất và niềm cô đơn
Một vị hoàng thái tử đầy đủ tất cả mà bỏ tất cả vào rừng sâu núi thẳm, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần.
Trận chiến thứ ba: Khi cầu đạo với hai vị tiên nhân, sau khi chứng được sơ thiền và tứ không, hai vị đều tha thiết Bồ Tát Sĩ Đạt Đa thay vị trí lãnh đạo của mình. Nhưng đối với Ngài, chân lý giác ngộ giải thoát vẫn chưa tìm ra được, vẫn còn canh cánh bên lòng làm sao chấm dứt được sanh, già, bệnh, chết, cho nên Ngài buông hết tất cả.
Trong cuộc sống cũng vậy, một khi chưa đạt đến mục đích cuối cùng, chúng ta phải gạt bỏ tất cả những cám dỗ, buông xả những phiền não.
Trận chiến thứ tư: Sáu năm khổ hạnh và bị 5 anh em Kiều Trần Như bỏ rơi.
Trận chiến thứ năm: Là trận chiến quyết định của một chiến sỹ vĩ đại, bậc tối thượng giữa loài người.
Ma vương biến hiện ra vua cha Tịnh Phạn, nàng Da du đà la: đây là ma từ nơi tự tâm của chúng ta. Có những người vào tu một thời gian tự nhiên khắc khoải nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ con, có khi đến phát ốm.
Ba ma nữ tiêu biểu cho Tham ái, tật đố, ích kỷ: Đây là trận chiến rất khó. Mình học Phật pháp, biết là phải tùy hỷ nhưng làm không được. Lý nói thì dễ mà không làm được là bởi vì nghiệp chúng ta chưa hóa giải được. Cho nên vẫn còn tham ái, tật đố, ích kỷ, thấy người khác được an vui hạnh phúc nhiều khi chịu không được, có một niệm gì đó tự nơi bản thân mà chỉ chúng ta tự hiểu.
Qua 5 trận chiến này, Đức Phật khẳng định: Ta là người tự chiến thắng chính mình.
Trong Thiền thoại có ghi:
Một con trâu đi qua cửa sổ, đầu lọt, sừng lọt, thân lọt nhưng đuôi chưa lọt. Cái đuôi đó là tiêu biểu cho việc chấp vào pháp mà chúng ta tu. Đó cũng là chỗ vi tế mà chúng ta chưa thắng được chính mình.
Nếu phiền não mà không nhận ra được thì chúng ta vẫn bị dính mắc, hóa giải không được.
Cũng trong Thiền thoại có kể, người thứ nhất mua một mảnh đất của người thứ hai, đào lên thấy có hũ vàng, bèn đưa lại cho người thứ hai và nói: “Tôi mua đất chứ không mua vàng, giờ đào được hũ vàng nên trả cho anh”. Người kia cũng nói: “Tôi đã bán đất cho anh thì vàng trong đất đó cũng là của anh”.
Sang ngày hôm sau, người thứ nhất lại nghĩ: Mình mua đất thì vàng trong đất cũng là của mình. Người thứ hai cũng nghĩ lại: Mình chỉ bán đất thôi, còn vàng trong đó vẫn là của mình. Vì vậy, hai bên thành ra cãi lộn.
Chỉ trong một đêm, nếu không tự thắng được chính mình, không hóa giải được những tâm niệm này thì sẽ sanh chuyện. Cho nên ai tu cũng muốn làm Phật, làm Tổ, làm người đạo hạnh, nhưng gặp duyên gặp chuyện thì nó lại khác.
Trong Thiền Lâm Bảo Huấn, Thiền sư ….. Nhục Khế Tung dạy chúng: “Phàm con người làm điều ác thì có điều ác hữu hình, điều ác vô hình. Phần ác vô hình là việc hại người mà phần ác hữu hình là việc giết người. Cái ác giết người thì nhỏ mà cái ác hại người thì lớn. Sở dĩ trong tiệc yến ẩm có chất độc của loài chim trậm, trong chỗ cười đùa ẩn chứa các loài dao mác, trong nhà sâu kín có loài hổ báo, trong ngõ hẻm bên có rợ nhung địch. Nếu tự mình không phải là Thánh hiền, không tận diệt khi nó hãy còn chưa manh nha, không phòng ngừa bằng lễ, pháp, thời cái hại đó không thể lường được”.
Ác vô hình là trong tâm niệm, người khác không biết. Chỉ cần nhích một niệm xấu, ác là chúng ta phải chuyển hóa, không để niệm này sanh khởi và tồn tại. Chính ngay lúc đó, biết đó là vị ngọt nhưng nguy hiểm thì giải thoát, là con đường xuất ly. Như vậy, chúng ta luôn quán chiếu trong cuộc sống giữa đời thường. Tôi thấy đối với cư sĩ, dùng quán có rất nhiều lợi lạc. Bởi vì chúng ta luôn bị xuôi ngược trong sự bận bịu nên phải dùng sự quán chiếu, thì tuệ Bát Nhã sẽ phát sinh. Mà tuệ Bát Nhã phát sinh thì quý vị nhìn thẳng vào cuộc đời, trung tâm của sự giác ngộ thì sẽ hết khổ đau. Đó là con đường tự thắng mình.
Ở nước ngoài bây giờ rất nhiều người tu thiền, vì họ thấy được đây là con đường giải thoát, không phụ thuộc vào một vị thần linh hay thượng đế nào mà do mình làm chủ. Đây là con đường giúp họ chiến thắng được những niềm dục vọng, đam mê, sống biết đủ, cuộc đời không còn khổ.
Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:
“Vui thay bạn lúc cần
Vui thay bạn biết đủ
Vui thay chết có đức
Vui thay khổ đoạn tận”.
Trong Kinh Tương Ưng bộ, một hôm vua Ba Tư Nặc sau khi thắng trận đến đảnh lễ Phật. Đức Phật nói: “Này đại vương, trong 4 hướng có 4 ngọn núi lớn, đi đến đâu đè nát đến đó. Đại vương có thể mang hết quân lính ra chặn được không?”
Vua Ba Tư Nặc nói không được.
Đức Phật nói 4 ngọn núi dụ cho sanh, già, bệnh, chết. Chỉ có con đường thiền tập, dấn thân vào tâm giác ngộ của chính mình mới giải phóng được sanh, già, bệnh, chết.
Đức Phật nói bài kệ:
“Tự thắng tốt đẹp hơn
Hơn chiến thắng người khác
Người khéo điều phục mình
Thường sống tự chế ngự”.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta sân hận, phiền não, nói những lời ác khẩu, có những lúc đến sám hối với người khác nhưng nỗi niềm bị thương tổn vẫn còn day dứt người đó (như người đóng đinh trên thân cây, sau khi nhổ đinh ra thì vết sẹo trên cây vẫn còn). Biết vậy, chúng ta phải giảm sự sân hận của mình. Khi niệm khởi, chúng ta biết được đây là tính chất của khổ, là con đường nguy hiểm đưa đến sự đau khổ thì sẽ buông xả được.
Trong Kinh A Hàm, Tôn giả La Hầu La trên đường đi khất thực bị một nhóm trẻ trêu chọc, liền khởi tâm tức giận, muốn về làm vua để sau trừng phạt những người này. Phật thấy được tâm niệm đó nên chỉ La Hầu La phương pháp làm chủ được chính mình. Phật dắt La Hầu La đến một gốc cây hít thở thật sâu, thở ra thật nhẹ để thấy được bản chất vô thường của từng hơi thở. Ngay đó, Tôn giả La Hầu La chứng quả Tu đà hoàn.
Như vậy, chúng ta cũng phải có phương pháp làm chủ chính mình để tu tập, chuyển hóa.
Vào đời nhà Đường, có một vị tể tướng rất tài giỏi là Quách Tử Nghi, rất kính tin Tam Bảo, hiểu Phật lý rất sâu. Một hôm ông đến Lão Thiền sư hỏi: “Bạch Hòa thượng, nghe nói trong nhà Phật có từ ngã mạn, vậy ngã mạn nghĩa là gì?”.
Lão Thiền sư nhìn thẳng vào mặt ông nói: “Đồ ngốc, ngươi hỏi cái gì?”
Lúc này, tể tướng đỏ mặt lên. Thiền sư bèn nói: “Đó là ngã mạn”.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng con đường tu tập để chuyển hóa nội tâm không phải là một ngày, hai ngày hay một tháng, ba tháng.
Trong Kinh Lăng Nghiêm: “Nếu hay chuyển vật, tức đồng với Như Lai”. Ngay trong giờ phút thực tại, từng niệm khởi lên thấy hết nhưng không trụ thì suốt qua, đồng với Như Lai.
Thiền sư Khê Phong Tông Mật nói:
“Có 3 bậc học đạo:
Bậc hạ, ai nói gì thì nổi giận, chạy theo, dính mắc.
Bậc trung, cũng có nổi sân nhưng biết cách chuyển hóa, biết cách dừng. (Đó là người tu đạo như chúng ta).
Bậc thượng đối với pháp trần bất động, tiêu biểu cho các bậc Bồ Tát, A la hán".
Trong Thiền thoại, Thiền sư Mang An khai thị chúng: “Nếu hành giả muốn nhanh chóng liễu ngộ được chân lý, giải thoát khỏi mọi phiền não, không gì hơn là việc tập trung quán tâm trong mỗi hành động”.
Đang làm việc gì, quán chiếu sâu sắc về hành động, lời nói và cư xử của mình để hóa giải.
Cổ đức dạy rằng: “Kẻ đại trí cần thâm nhập đến chỗ vi diệu của đạo huyền là từ chỗ lao xao, biến động của thế giới trần tục.
Tam Tổ Tăng Xán dạy: “Muốn thẳng đường nhất thạnh, chớ bỏ qua lục trần. Ngược lại, nếu cố tình trốn bỏ lục trần, hành giả sẽ rơi vào chỗ mê lầm, phát sanh vọng chấp và xa lìa gốc đạo. Nếu ngộ được bản chất thực sự của vạn pháp, nhận ra rằng phiền não vốn là bồ đề, vọng tưởng chính là giải thoát, vạn vật thế gian đều là bóng dáng biến hiện của tự tánh, hành giả sẽ thâm nhập vào cảnh giới bất động, bất tịnh, chứng đắc được an lạc và tự tại”.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật sau 49 ngày đêm tự chiến thắng chính mình, chứng ngộ được chân lý tối thượng, có vị học Ưu Đà hỏi:
“Này Hiền giả Cù Đàm, các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu, khuôn mặt sáng ngời. Hiền giả Cù Đàm, ai là tôn sư, theo ai học đạo, tin tưởng pháp của ai?”
Lúc này, Đức Phật nói bài kệ:
“Ta tối thượng chiến thắng
Nhiễm trước pháp đã trừ
Giải thoát ái diệt tận
Tự giác không tôn sư.
Bậc vô đẳng đại hùng
Tự giác vô thượng giác
Như Lai thầy trời người
Biến tri thành tựu lạc”.
“Tự giác không tôn sư” là trí vô sư. Hòa thượng, các quý Thầy có dạy cũng chỉ được nửa đoạn đường, còn nửa đoạn đường còn lại, quý vị phải tự đi, phải tự chiến thắng. Cho nên “Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật” là Phật “khai thị”, còn “ngộ nhập tri kiến Phật” là việc của quý vị.
Lúc này, Ngài Ưu Đà hỏi: “Này Cù Đàm tự cho là đã chiến thắng tất cả chăng?”
Đức Phật nói thêm bài kệ:
“Ấn chiến thắng như vậy
Các lậu đã tận trừ
Ta sát hại ác pháp
Nên ta đã chiến thắng”.
Chúng ta chưa bằng Phật nhưng đang đi trên con đường của Phật, trong suốt 24 tiếng đồng hồ tệ lắm cũng được một tiếng thì một lúc nào đó, chúng ta đi đến giác ngộ.
Để tóm kết lại, tôi xin kể một câu chuyện. Vào thời Minh Trị hoàng đế, dưới chân núi Phú Sĩ có một vị rất giỏi võ, đào tạo những võ sĩ tài ba. Vua Minh Trị nghe vậy gửi đến đó hai vị hoàng tử. Sau ba năm, vua đưa hai vị hoàng tử về để biểu diễn trước bá quan văn võ. Hai hoàng tử vốn thông minh tài giỏi nên học võ có được thành tựu. Vị hoàng tử thứ nhất biểu diễn bằng cách ngồi im, có 20 võ sĩ xông vào, vị hoàng tử này hét lớn 1 tiếng, 20 vị võ sĩ kia bủn rủn tay chân, ngã xuống. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Đến vị hoàng tử thứ hai ra biểu diễn, thì kiếm tức là tâm, mà tâm tức là kiếm. Nhưng vị võ sư khẳng định đây mới chỉ là con đường thứ hai, còn con đường thứ ba thì hai vị hoàng tử dù thông minh đến đâu cũng không học được, kể cả chính vị võ sư cũng vậy. Vua hỏi tại sao, thắc mắc nếu mà học được con đường thứ ba thì chắc sẽ trở thành vô địch, trên đời này không ai chiến thắng được.
Một thời gian sau, vị võ sư được vị tôn sư chỉ dạy gọi lên núi để tiếp tục học con đường thứ ba. Mọi người đều háo hức chờ đợi. Mười năm sau, vị võ sư xuống núi. Vua và hai hoàng tử đến gặp hỏi: Con đường thứ ba là con đường gì?
Vị võ sư giở nón xuống, lộ hình tướng xuất gia, nói: “Đó là con đường tự thắng mình”.
ĐĐ.Thích Khế Định
Theo truclamchanhthien.net
Các bài mới
- Công đức nghe pháp - 16/04/2012
- Ý nghĩa lễ Phật - 27/01/2012
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 2) - 23/05/2011
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 1) - 19/05/2011
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 84352
- Online: 31