Cuộc hành hương đến điểm dừng chân cuối cùng của Đức Phật

19/10/2014 | Lượt xem: 3735

Ngày 15 tháng 2 Âm Lịch hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã nhập niết bàn giữa hai cây Sala long thọ.Tuy biết rằng tất cả là vô thường, và biết rằng Đức Phật vì lòng từ bi mà thị hiện thân tứ đại này để khai thị chúng sanh nhận lại Phật tri kiến của mình, nhưng trong lòng mỗi người con Phật không tránh khỏi nỗi buồn man mác khi hành hương về Kushinagar( Câu-Thi-Na), nơi Đức Thế Tôn nhập niết bàn. BBT xin giới thiệu bài viết của bạn Chơn Bảo Tâm ghi lại cảm xúc trong chuyến hành hương cùng Đoàn Chư Tăng và Phật tử Thiền phái Trúc Lâm trong đoàn hành hương "Theo dấu chân Phật".

Tạm biệt Vaishali thân thương, ngày hôm nay chúng con lại bắt đầu một ngày mới được ngồi trên xe để trở về Kushinagar đảnh lễ nơi “dưới hai cây Sa la, Thế Tôn thị tịch” đó chính là nơi Tháp Niết Bàn. Đoạn đường khá dài, lúc đầu mọi người cũng tỉnh táo phấn khởi nên trên xe trưởng đoàn có cung thỉnh Thầy Trụ Trì Trúc Lâm thuyết giảng cho đoàn biết về hành trình chuyến đi.

 Thầy Trụ Trì ân cần hiền từ ban cho đoàn xe chúng con một bài pháp nhũ nói về ý nghĩa của nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, những công hạnh của Phật Đà trước lúc Niết Bàn vẫn còn độ chúng sanh như độ ông Tu Bạt Đà La trên 100 tuổi khi ông đến xin thỉnh giáo Phật Đà. Hay lời dặn dò cho chư Tăng trước khi Phật Đà Niết Bàn về cuộc đời này là vô thường huyễn mộng, có hội họp ắt có tan để cho chư Tăng tinh tấn tu tập, để nhàm chán cái thân đầy tội lỗi kẻ thù này, để thấy rằng bỏ được cái thân này như trút được một gánh nặng khổ đau.

Nghe Thầy giảng lại những gì Phật đã dạy mà con tưởng như con đang được nghe trực tiếp lời Phật Đà chỉ dạy. Lại một lần nữa con thấm sâu về bài học chấp thân nơi con, đúng là con chấp thân nặng quá nên mới giải đãi buông lung đến vậy, thân con so với thân Phật Đà thật nhơ nhớp uế bẩn đến ghê sợ ấy thế mà con chăm sóc cho nó quá, cung phụng nó quá. Tuy cũng thường nói mình không nên thái quá hay bất cập quá, mình tạm mượn thân này để tu hành, nhưng xét ra việc tu hành của con cũng chẳng được mấy, việc thiện việc lành, việc làm lợi ích cho mình cho người để tạo những công đức lành, những tâm hạnh lành thiện thì chẳng được bao nhiêu, mà lấp liếm cho sự lười nhác của con thì quá nhiều, thay vì đến giờ ngồi thiền sám hối thì lại nghĩ mình đang mệt nghỉ đã mai ngồi thiền bù, sám hối bù hay hôm qua sám hối ngồi thiền rồi hôm nay nghỉ cũng được, hoặc đến giờ đọc quyển sách Phật pháp để tư duy ý nghĩa giáo lý Phật Đà thì lại bỏ thời gian đó đi gọi điện thoại cho bạn bè, hay ngồi túm năm tụm ba thị phi này nọ chuyện người này người kia, tu thì ít mà chuyện phiếm thì nhiều. Ngày qua tháng lại sự tích lũy công đức thì chẳng có mà giải đãi buông lung thì quá nhiều, chung quy lại con cũng vì thương thân mình quá mà ra. Giờ nghe Thầy Trụ Trì giảng mới thấy tiếc thời gian, xót xa cho chính mình, mới thấy cái nhìn bấy lâu của con về cuộc đời này hay về cái thân này thật quá. Qua đây con cũng thấm cái ý nghĩa về lý vô thường để con tích cực hơn trong cuộc sống tu hành, để nhìn cuộc đời đúng với bản chất thật của nó mà làm được nhiều điều tốt hơn nữa cho cuộc đời, cho mọi người. Con xin thành tâm hướng về Phật Đà sám hối mọi tội lỗi buông lung của con, con xin Phật Đà cho con phát nguyện sống trên cuộc đời này con sẽ sống sao cho cuộc đời con có ý nghĩa, có đạo lý có Phật pháp như lời Thầy Trụ Trì Trúc Lâm đã chỉ dạy. Pháp nhũ của Thầy kết thúc trong niềm hoan hỷ bằng một tràng vỗ tay giòn tan của tất cả mọi người trên chuyến xe.

Có lẽ do chặng đường khá dài và cũng đã được gần nửa lịch trình chuyến đi nên mọi người cũng mệt và bắt đầu chợp mắt ngủ. Riêng con không ngủ, con ngồi ngả người đó có lúc nhắm mắt suy tư, có lúc con ngắm nhìn cảnh vật xung quanh hai bên đường, rồi có lúc mệt mệt con ngoái đầu lại nhìn xem mọi người ngủ như thế nào? Rồi thỉnh thoảng với tâm thành kính, lo lắng cho sức khỏe của Thầy Trụ Trì Trúc Lâm con lại nhìn lên Thầy xem Thầy có ngủ được không, sợ Thầy ngồi xe đường xa mệt, nhưng không Thầy Trụ Trì vẫn ngồi đó lặng lẽ tĩnh lặng, lúc nào nhìn lên cũng thấy Thầy với một tư thế nghiêm trang như đang thiền định vậy. Tự dưng nhìn vào Thầy Trụ Trì con chợt rút ra được bài học qua thân giáo của Thầy, sao Thầy có thể ngồi yên lặng với một tư thế thanh tịnh suốt cả một quãng đường dài vậy? Xoay lại mình con thấy tâm con lăng xăng vô cùng, chỉ có ngồi không thôi mà ngả nghiêng các kiểu, liếc bên nọ ngó bên kia, vọng tưởng lung tung, nên khi nhìn vào Thầy Trụ Trì ngồi đó con liền nhiếp tâm lại hơi thở của con để bớt lăng xăng đi. Lúc thở con thấy công phu mình kém quá, một chút thôi là lại sao nhãng hơi thở lại nhớ nghĩ nhìn ngó lung tung, thế mới biết mình tu dở thế nào. Quán hơi thở là bước sơ cơ của người học thiền thôi mà còn dở huống gì đến việc khác, đúng là bấy lâu con đã hơi xao nhãng xem thường việc công phu trong hơi thở, nghĩ vậy con lại cố gắng hơn nữa, ngả đầu vào ghế con nhắm mắt quán hơi thở tiếp, chợt con nhớ lời dạy của Tổ Quy Sơn: “chuyển tức tức thị lai sanh, hà nãi yến nhiên không quá?”. Lời dạy đã thức tỉnh lòng con, đúng là chỉ cần chuyển hơi thở là đã sang đời khác rồi, vậy mà không biết lo tu hành gì cả, nghĩ vậy con vội vàng lặng lẽ thực tập tọa thiền trên xe. Khi mọi người tỉnh táo, giao lưu văn nghệ cho vui vẻ, con vốn không có biết ca hát, nên không bị ảnh hưởng bởi ngoại duyên này, con chỉ biết mình vẫn lặng lẽ ngồi thở mà thôi, mặc ai hát, mặc ai đùa, nhìn như đang ngủ con vẫn cứ nhắm mắt thiền tập trong thế giới tư tưởng của riêng con.

Thế rồi đoàn “Theo dấu chân Phật” cũng tới nơi, bước vào nơi đây nhìn xa xa từ cổng thấy không gian cũng rộng, cây cối trồng đẹp và ngăn nắp xanh tươi. Khuôn viên ngôi tháp Niết Bàn cũng bình thường không to rộng lắm. Khách thập phương đến viếng cũng đông người ra kẻ vào nhưng cũng không làm mất đi sự thanh tịnh yên tĩnh một cách thiêng liêng tuyệt đối như đang lặng lẽ che giấc cho Đức Thế Tôn Niết Bàn. Phía trước Tháp Niết Bàn có hai cây SaLa to song song bên nhau trên một gò đất to lớn có xây gạch nghiêm trang hình tròn khoanh lại.

 

Toàn đoàn chuẩn bị nghi lễ dâng y tại Tháp Niết Bàn

 

 Đoàn bắt đầu lấy ra những tấm y vàng lần lượt chia nhau cầm trên bốn góc của tấm y, xếp hàng từ cổng vào theo sự hướng dẫn của Quý Thầy lần lượt đi nhiễu quanh Tháp Niết Bàn rồi tuần tự vào trong Bảo Tháp Đức Phật Niết Bàn để dâng cúng lên Đức Thế Tôn tấm y vàng. Không hiểu sao, như một niềm thương cảm người cha hiền từ của nhân loại đã Niết Bàn, ai nấy khi bước vào cửa Tháp đều run lên niềm cảm thương sâu sắc đến Ngài. Đúng là một trong “Tứ động tâm”  vậy. Vừa bước vào cửa con đã bị xúc động cực kỳ mạnh mà con không thể nào diễn tả được, chỉ tạm miêu tả nó giống như một niềm ân hận ăn năn hối lỗi thương cảm của một đứa con tha phương bỏ cha bỏ mẹ đi lang thang nay mới chịu quay đầu trở về thăm cha mẹ, đến khi về thì đã quá muộn, cha mẹ đã ra đi. Dâng cúng tấm y đặt lên tôn tượng, con đã quỳ sụp xuống nước mắt chảy lã chã trong niềm thương cảm, con giống như một đứa con đầy tội lỗi bất hiếu không nghe lời dạy của người cha hiền từ, con chỉ dám nhìn vào chân Thế Tôn, nhưng cứ mỗi lần nhìn vào Tôn nhan Ngài là mỗi lần con lại cảm thấy ân hận làm sao ấy, cái cảm giác ân hận như con đã hứa làm điều gì mà con thất hứa chưa làm được ấy, cái cảm giác này đến nay nó vẫn còn và lại chính là động lực kích phát tâm bồ đề cho con tiến tu lúc này. Không biết trong quá khứ thì sao nhưng bao nhiêu lời hứa nguyện từ ngày con biết đến Phật Đà trong đời hiện tại, bao nhiêu lời chỉ dạy qua kinh sách con đã được đọc được học, được Quý Thầy tận tâm chỉ dạy mà con vẫn chưa làm được việc gì, đi chùa bao nhiêu năm mà con vẫn chưa tu tiến được chút gì cả, lại tạo thêm không biết bao nhiêu nghiệp chướng phiền não trần ai nữa. Càng học càng tu càng thấy bản ngã lớn, tu trì dở, chẳng giúp đỡ gì được cho mọi người an lạc cả mà còn làm người phiền não vì con. Con thấy có lỗi với Đức Như Lai, con lại càng òa khóc nức nở không kiềm được nước mắt. Trở về nơi đây đúng là một chấn động lớn trong con. Đúng là con phước mỏng nghiệp dầy, phiền não đầy mình nên:

“Ôi! Thật tiếc thay:

Khi Phật tại thế con trầm luân

Nay được thân người Phật diệt độ

Buồn thay thân này nhiều nghiệp chướng

Chẳng thấy kim thân đấng Thế Tôn”.

Toàn đoàn đảnh lễ và nhiễu quan tôn tượng Phật Niết Bàn

 

Khi Quý Thầy hướng dẫn đoàn lễ Phật, cứ mỗi một lễ xuống là con lại thành tâm sám hối tội lỗi nơi con, con cố bình tĩnh lại để nhiếp tâm cùng Quý Thầy đi nhiễu quanh Tôn tượng Phật Đà. Sau khi đi nhiễu tôn tượng Ngài xong, con lại lễ Phật với ước nguyện được đảnh lễ Phật Đà với lòng tôn kính tột độ và sự sám hối chân thật từ nỗi lòng con. Sau khi lễ Phật Đà xong, nhiếp tâm chắp tay con phát “Tứ hoằng thệ nguyện”, lần phát nguyện này con tưởng chừng như từ bao nhiêu kiếp con đã phát nguyện rồi, vậy mà đến nay con vẫn chưa làm được điều gì. Nó khác với những lần phát nguyện ở chùa, khác với những lần phát nguyện sau mỗi buổi lễ buổi giảng, những lần đấy dù con cũng luôn nhiếp tâm phát nguyện cho chí thành nhưng cũng không sao bằng được lần phát nguyện này. Bởi lần này, cũng trong sự phát nguyện chí thành nhưng có niềm hối hận ăn năn vô cùng bởi đã từng hứa nguyện trước Phật Đà từ vô thủy kiếp rồi mà vẫn trôi lăn trong sanh tử chưa từng làm được một lời hứa nguyện nào cả, một việc thiện nhỏ làm cũng chưa trọn vẹn. Mỗi câu mỗi lời con phát ra đều trong sự tha thiết nghẹn ngào nơi cổ họng trong nước mắt. Kính lạy Phật Đà, con sẽ quyết làm bằng được thì thôi, đời đời kiếp kiếp con không bao giờ bỏ quên chí nguyện đã phát ra trước Phật Đà, dù ngày nay con chưa làm được một điều gì nhưng con sẽ thực tập từng ngày từ khi bắt đầu mở mắt ra là con sẽ thực tập phát nguyện để nhớ sâu khắc kỹ lời nguyện của con. Tự dưng con lại cảm nhận một sự gia trì vô cùng ưu ái từ bi của Phật Đà trong khi mắt con nhắm tay con chắp hứa nguyện. Ôi, con không thể nào quên được cái cảm giác chính cái lúc con ăn năn hối hận ấy con lại có được một cảm giác ấm áp, an ủi vỗ về đến thế của Đức Thế Tôn. Thật khó diễn tả cho mọi người hiểu được, con chỉ thầm cảm của riêng con mà thôi. Ngài đã từ bi vô lượng vô biên thương con như thương Ngài La Hầu La của Ngài vậy. Con cảm thấy an lạc lạ kỳ, con đang từ khóc lóc ăn năn hối lỗi mà tự dưng lại thấy nhẹ nhàng thân tâm khó tả như vừa được uống một ngụm nước Cam Lồ, nước Từ bi của Phật Đà gia trì cho con vậy. Con biết Phật Đà đã chứng tri lòng con trẻ như con, đã động viên con, đời đời kiếp kiếp con sẽ không bao giờ để phụ tấm lòng thương con của Phật Đà nữa.

Trong niềm an lạc đó con đã cứ yên lặng quỳ nhiếp tâm trước Phật Đà, con bắt đầu dám nhìn hẳn lên tôn dung Đấng Từ Phụ, con cảm nhận nơi hình ảnh Đức Phật Đà với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp như thế này mà còn bỏ thân lại thế gian huống nữa là hàng phàm phu chúng con thì có gì đâu mà phải tham tiếc cái thân ngũ uẩn uế trược này. Con chợt nhớ bài kệ mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho vua Ba Tư Nặc khi Mẹ vua băng hà:

“Chư Phật cùng Duyên Giác

Nhẫn đến chúng đệ tử

Còn bỏ thân vô thường

Huống là hạng phàm phu”.

Lời dạy đó giờ như dạy lại chính con, bài học về Vô thường lại dội lên trong lòng con. Đúng là đi đến đâu con cũng thấy sự vô thường nó hiện hữu xung quanh. Nghe về lý vô thường, tưởng như đơn giản, dễ hiểu, chỉ nói một chút là có thể nhắc đi nhắc lại, thậm chí có thể nhắc được cho những người khác nghe nữa chứ. Nào ngờ đâu chân lý vô thường tuy luôn hiện hữu, tuy nói là dễ, nhưng để thâm nhập, ứng dụng và phát huy được giá trị cao siêu của lý vô thường trong cuộc sống thì đúng là nó khó lắm chứ không phải thường. Gặp cảnh gì đó, gặp ngoại duyên bất như ý gì đó tuy cũng tự trấn an lòng mình một câu “thôi vô thường mà bỏ qua đi” nhưng đó chỉ là nói cho nói thôi, nói bên ngoài thôi chứ thâm tâm vẫn còn nặng nề lắm, được mất thành bại, đúng sai hơn thua vẫn cứ làm chủ con như thường. Vẫn biết là vô thường mà gặp cảnh lòng vẫn đau như cắt, vẫn cứ phiền não ầm ầm, đúng là:

“Loay hoay đã nửa kiếp người

Thu bay trên nửa nụ cười xanh xao

Rõ ràng mở mắt chiêm bao

Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng”.

Vô thường lại chấp thường hoài mà đâu biết rằng kiếp người phù du sớm còn tối mất thật mỏng manh tạm bợ để mà lo vươn lên trong cuộc sống cho có lợi ích. Con cảm nhận thấy bấy lâu nay con chẳng thâm nhập được để chuyển hóa ứng dụng chân lý vô thường một chút nào cả. Con đã chấp quá lớn nơi thân thể con, chấp quá lớn nơi tâm con và chấp quá lớn nơi hoàn cảnh xung quanh con. Con nhìn cái gì cũng thật hết, không biết rằng thân mình cũng chỉ là vô thường tạm bợ mỏng manh, nghe một lời nói xấu đến tai mình là con hơi buồn buồn, hễ ai đụng đến cái gì làm con phiền con khổ là con khó chịu bực bội ghét người ấy. Làm cái gì mà bị thất bại là lại bực bội hoàn cảnh, bực bội người xung quanh, bị duyên làm cho thân con đau nhức thì tâm con bất an, khi công việc làm cản trở, mọi người khó chịu khiến cho con không đi chùa được thì con lại đổi tại hoàn cảnh khó khăn không đi chùa được, không ngồi thiền được, không tu được, mà con không chịu ngay đó chuyển hóa cái nhìn để ứng dụng tu tập. Nào ngờ tất cả là do nơi mình cả, chứ chẳng do bên ngoài gì cả, cứ chấp vô thường là thường nên giải đãi buông lung, đắm mê trong ngũ dục lục trần, chìm đắm trong biển vô minh nghiệp thức trần lao không biết bao giờ ra khỏi. Quán đến đây thì sự chỉ dạy của Phật Đà qua lời giảng của Thầy Trụ Trì Trúc Lâm lúc ở trên xe ô tô lại vang lên trong con, lời dạy mà chính con cũng rất thuộc lòng trong Kinh Di Giáo: “Các Thầy Tỳ Kheo phải nên nhất tâm siêng cầu đạo giải thoát, dù là pháp động hay bất động đều là tướng bại hoại, không an. Các ông hãy thôi chớ nói nữa, thời giờ sắp hết rồi, ta sắp diệt độ, đây là lời chỉ dạy sau cùng của Ta...”. Lời nhắc nhở của Phật Đà là cho các Thầy Tỳ Kheo, nhưng thực sự con cảm nhận như chính Phật Đà cũng đang nhắc con vậy. Lời dạy đó tuy cách đây hơn hai ngàn năm nhưng con cảm tưởng như Phật Đà đang hiện hữu đó dạy bảo cho tất cả mọi người. Xúc động như chính mình được dạy, con mạnh mẽ phát nguyện sẽ siêng năng tu hành cho đến nơi đến chốn, sẽ tu học để giác ngộ cuộc đời là vô thường để thấy rằng dù pháp động hay bất động rồi cũng đi đến chỗ bại hoại không an, để diệt trừ đi những ngọn lửa độc phiền não tham sân nơi con, để có được tâm hạnh từ bi hỷ xả như Đức Thế Tôn. Phát nguyện tới đây con chợt hiểu, Niết Bàn không phải là cảnh giới ở đâu xa, cũng như thành đạo không phải là thành cái gì bên ngoài, mà thành đạo chính là ngay nơi tự tâm mình, Niết Bàn cũng vậy chính nơi tự tâm mình. Khi tâm ta an lạc, thanh tịnh, không còn lửa phiền não tham sân mê lầm, không còn một niệm vô minh chấp ngã, chấp ta và của ta, khi tâm ta thực tập được những bước chân Như Lai như tâm hạnh Từ Bi Hỷ Xả, nhu hòa nhẫn nhục, từ ái yêu thương, bao dung rộng lớn, vô ngã vị tha… thì đó chính là cảnh giới Niết Bàn tự tâm. Vì vậy cảnh giới Niết Bàn của Chư Phật là cảnh giới thường, lạc, ngã, tịnh chứ không phải là cảnh giới phàm thường.

Khi con tìm vào một góc ngồi thiền để cúng dường lên Phật Đà sự sám hối chân thành từ lòng con, con đã hết sức tĩnh lặng nhiếp tâm. Nhưng với cái kiến giải vừa rồi của con, con chợt nhớ lời Phật Đà tôn quý đã dạy Bồ Tát Ca Diếp khi Ngài bạch Phật sao không thọ mạng ở đời lâu để tuyên diệu pháp, làm chỗ dựa cho chúng sanh trong Kinh Đại Bát Niết Bàn mà con đã được đọc trước khi đi Ấn Độ: “Này Ca Diếp! Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nhẫn đến ngoại đạo, ngũ thông, thần tiên, hạng được tự tại hoặc sống một kiếp hay ít hơn. Ở giữa hư không đi đứng nằm ngồi tự tại, nách tả phun lửa, nách hữu vọt nước, thân tuôn khói lửa, nếu muốn sống lâu thời được như ý muốn, đối với mạng sống hoặc dài, hoặc ngắn đều tự tại. Người được ngũ thông còn đặng thần lực tùy ý như vậy, huống là Như Lai đặng các sức tự tại đối với các pháp, mà lại không thể ở đời hay nửa kiếp, hay  một hai kiếp, hay trăm ngàn kiếp, hay vô lượng kiếp sao. Vì những nghĩa ấy phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi, thân của Như Lai đây là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực, vì độ chúng sanh nên thị hiện đồng với chúng. Vì vậy nên thị hiện bỏ thân mà nhập Niết Bàn, ông nên biết rằng Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi. Ở trong đệ nhất nghĩa này các ông phải nên siêng năng tinh tấn, nhất tâm tu tập, mình đã tu tập và vì người khác mà giảng nói. ”… “Này Ca Diếp! Nghĩa Niết Bàn chính là pháp giới tánh của Chư Phật”. Đúng là Phật pháp thậm thâm vi diệu quá, Phật Đà Niết Bàn mà để lại cho hậu thế Xá lợi để thờ đó là Phật ứng hóa thân Niết Bàn, chứ Phật pháp thân vẫn trường tồn mãi mãi. Ôi giáo lý cao siêu mầu nhiệm quá. Phật Đà hiện thị thân Niết Bàn thật đúng là bài pháp sống cho thế gian về vô thường, về nhân quả luân hồi để thức tỉnh cho tất cả thế gian phải sống giác ngộ khỏi đêm tối mê lầm đang sống đây, chứ thật thân Như Lai thì “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai” - “ Như Lai không từ đâu đến cũng không đi về đâu”.

Rồi con nhớ nghĩ đến khi Đức Phật tuyên bố Niết Bàn, ma vương vui mừng hớn hở nói: “Từ đây ta sẽ phá hoại đạo hạnh của các đệ tử của Ngài bằng mọi cách”. Với niềm tin vững chắc nơi tất cả mỗi chúng sanh đều có Phật tánh như nhau không sai khác, niềm tin vững chắc nơi chân lý vô thường không thối lui, niềm tin kiên cố nơi nhân quả nghiệp báo để có thể tự tại khi tạm mượn thân này trong con mạnh mẽ. Con phát thệ nguyện đời đời kiếp kiếp dù vật đổi sao dời, dù thịt nát xương tan con cũng không bao giờ từ bỏ chánh pháp, từ bỏ đạo hạnh của một người con Phật, nguyện tu tinh tấn không thoái lui, nhiếp phục ma quân, chiến thắng ma vương không để cho chúng phá hoại đạo hạnh của đệ tử Ngài. Nguyện gìn giữ chánh pháp Như Lai không cho mai một mà còn thay Như Lai hoằng truyền chánh pháp lợi lạc quần sanh để Phật pháp ngày một xương minh.

Lặng lẽ con ngồi thiền thêm được 15 phút nữa để cúng dường lên Phật Đà tôn quý, trước khi tạm biệt nơi “động tâm” này con thành tâm chắp tay hướng về Thế Tôn phát nguyện:

 

Con xin cúi lạy Đức Từ Phụ

Thân người tướng hảo như kim cương

Mà còn để lại thế gian này

Huống nữa thân con cùng các loài

Cùng tột tâm yên lặng vi tế

Thảy đều là tướng vô thường

Con nguyện chứng nghiệm chân lý tối hậu này

Và nguyện tin nhận Như Lai tánh

Thể nhập pháp thân thường bất hoại

Ung dung tự tại trong ba cõi

Độ thoát chúng sanh tỉnh cơn mộng dài.

 

    Lễ Phật, phát nguyện xong con thoái lui ra khỏi tháp Niết Bàn, rồi hòa mình vào đoàn “Theo dấu chân Phật” đang cùng quý Thầy chụp ảnh lưu niệm.

 

 

Chiều nay khi hoàng hôn bắt đầu xuống đoàn “Theo dấu chân Phật” chúng con đã được đặt chân tới nơi Trà tỳ kim thân Đức Thế Tôn. Không gian nơi này thanh tịnh, rộng thoáng, xung quanh là những người phục vụ trông nom nơi đây đang phun nước tưới cây. Họ làm chăm chỉ cần mẫn, khi nhìn thấy đoàn đến họ cũng chắp tay xá chào một cách thân thiện cởi mở. Kỷ niệm nơi trà tỳ là một mô gạch khổng lồ xây tròn to với đường kính gần 49 mét, bên dưới vỉa hè thì cũng hơi nhỏ, bao bọc phía vỉa hè bên ngoài là hàng rào cây xanh thấp nhỏ rất ngay ngắn. Quý Thầy hướng dẫn cho đoàn chúng con làm lễ “Dâng y 49 mét”.

 

 

 

Image

Lẽ dâng y tại Tháp Trà Tỳ nơi hỏa thiêu nhục thân của Phật

Thầy Trụ Trì Trúc Lâm cùng Quý Thầy trong đoàn đại diện leo lên trên mô gạch Nơi trà tỳ kim thân Đức Thế Tôn để “dâng y” lên Đấng Từ Phụ. Hình ảnh Quý Thầy trong bóng y vàng bay phất phới đang dâng lên nơi trà tỳ kim thân đức Thế Tôn tấm y dài 49 mét thật tuyệt vời đầy ấn tượng trong con. Có lẽ giờ phút này trong tất cả mọi người run lên niềm xúc động khi nhìn thấy tấm Y vàng 49 mét tượng trưng cho 49 ngày đêm thiền định của Thái tử Tất Đạt Đa và cuộc đời hành đạo giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm không hề dừng nghỉ của Phật Đà tôn quý tái hiện lại trong tất cả mọi người, đặc biệt là trong con. Con lại càng xúc động hơn khi cảm nghĩ đến đây hình ảnh Phật Đà hiền từ một đời vì chúng sanh lại gần gũi con đến thế, quá gần gũi từ những hình ảnh Ngài đi khất thực được trẻ con cho cát sỏi, Ngài cũng hoan hỷ thọ nhận để rồi sau đó ân cần chỉ dạy cho những trẻ thơ đó đạo lý làm người. Cho đến hình ảnh Ngài độ cho người gánh phân như ông Ni Đề, rồi gần gũi tình cảm hơn nữa của một Người Cha lành Ngài ngồi xỏ kim chỉ và khâu vá quần áo cho tôn giả A Na Luật khi tôn giả không nhìn thấy gì với ý nghĩa đầy đạo lý bình đẳng để dạy cho hàng đệ tử “chăm sóc người ốm như chăm sóc Phật Đà vậy”. Khi ốm đau Ngài cũng vẫn 3 lần chống gậy nhờ Ngài thị giả A Nan đưa đi ngăn cản cuộc binh biến giết hoàng tộc họ Thích cho dù không thể tránh được nhân quả của dòng họ đó. Rồi cuối đời đến khi ốm bệnh nằm một chỗ chuẩn bị Niết Bàn mà Ngài cũng đâu có bỏ xót một chúng sanh nào đâu, Ngài vẫn hóa độ cho Ông Tu Bạt Đà La 100 tuổi xuất gia ấy thôi. Và lòng bi mẫn thương con không dừng nghỉ, thương con một cách cao thượng của một Người cha già lại càng làm chấn động lòng người hơn nữa khi trước giờ phút Niết bàn đã đến mà Ngài vẫn để lại một kho báu những lời dặn dò chỉ dạy ân cần cho Tăng Ni cũng như phật tử khắp nơi trên thế giới này một hành trang giác ngộ giải thoát. Một chuỗi hình ảnh cuộc đời Phật Đà hiện lên rõ nét trong con, những hình ảnh này xúc động nghẹn ngào con không thể nói lên được một câu gì hơn trong lúc này, con chỉ biết kính phục và kính phục sát đất tâm con. Ân đức của Phật Đà một đời vì tất cả lợi lạc an vui hạnh phúc của chúng sanh cao vời vợi, bao trùm cả không gian và vượt cả thời gian thì làm sao có thể chỉ cảm nhận mà có thể nói hết lên lời được, muốn cảm nhận ân đức này chỉ có phát tâm cố gắng tu mới có thể hiểu và đền ơn cao quý của Phật Đà được. Phật Đà ơi, con thấy mình nhỏ bé quá, thấy mình nhiều nghiệp chướng tội lỗi quá, tham chấp quá, con thấy tâm con ích kỷ, trật hẹp, nhỏ nhoi, lười nhác đầy phiền não quá, soi chiếu tận tâm con thấy con chưa phát được cái tâm rộng lớn vì tất cả mọi người như Phật Đà tôn quý. Ngay lúc này đây con muốn buông bỏ tất cả, muốn rũ bỏ tất cả những sự tham chấp mê lầm nơi con, những sự chấp ta và của ta, những niệm vô minh và bất giác trong con khiến con trầm luân, cho đến tận hôm nay khi đến được nơi đây thì không phải là gặp Phật Đà ra đời mà là gặp nơi trà tỳ kim thân của Đức Thế Tôn. Thế nhưng con cũng sẽ không mặc cảm tự ti nữa mà con thấy hạnh phúc vì hôm nay đây cũng lại là phước duyên hy hữu của con, tuy trôi lăn trong sanh tử không biết bao nhiêu lần rồi mà nay con được gặp Chánh pháp Phật Đà, thì con sao không trân trọng nâng niu phước duyên ngày hôm nay cho được, để mà lo tu hành đúng chánh pháp, chứ nếu lỡ một mai mất thân này đi thì lại mù mù mịt mịt biết trôi lăn đi đâu, bao giờ mới được gặp Chánh pháp, hơn nữa Phật đà đã từng dạy nếu tu hành đúng chánh pháp của Ngài thì cũng như được gặp Ngài vậy. Con cảm thấy trân trọng phước duyên hy hữu này quá. Con ngàn vạn lần cảm tạ thâm ân cao vời vợi của Phật Đà đã để lại cho thế gian này một kho báu bất tận. Con xin kính lạy Phật Đà, con xin phát nguyện tinh tấn tiến tu theo gương hạnh của Ngài, chúng sanh còn khổ chúng con ban vui, không xót một người, để đền ơn Phật Đà.

 

 

Image

Thời khóa tọa thiền tại Tháp Trà Tỳ

 

Image

 

Quý Thầy hướng dẫn cho đoàn chúng con đảnh lễ Phật Đà rồi sau đó đi nhiễu quanh nơi trà tỳ kim thân Đức Thế Tôn ba vòng dâng lòng cung kính tri ân lên Đức Thế Tôn. Sau đó Quý Thầy cùng cả đoàn ngồi thiền bên phía ngoài vườn hướng lên nơi trà tỳ. Thời gian của đoàn hôm nay không bị bó hẹp, lúc đó trời hoàng hôn đã xuống hẳn, quý Thầy ngồi trên những khung bệ gạch to, còn đệ tử ngồi phía bên dưới của bệ gạch và bên rìa thảm cỏ khuôn viên. Cảnh tượng uy nghiêm của buổi lễ cúng dường tâm thiền định thanh tịnh thật chẳng có sự cúng dường nào bằng cúng dường này, buổi lễ ngồi thiền cũng được gần nửa tiếng đồng hồ.

Trong lúc ngồi thiền, ban đầu con rất tĩnh lặng tâm con theo nhịp thở nhẹ nhàng, được một lúc con quán một chút về cuộc đời Đức Phật Đà giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm, chợt con có cái hiểu về con số 49 này. Con số 49 con đã được nghe Quý Thầy giảng về con số này, tự dưng lúc này con lại nhớ đến con số trong kinh Phật mà con đã được nghe giảng, 7 lần 7 bằng 49. Tất cả đều bao gồm ở trong con số 7, từ 7 hư vi trần là 1 mao vi trần, từ 7 mao vi trần lại nhân lên thành 7 lân vi trần, từ 7 lân vi trần lại nhân lên thành 1 vi trần, 1 vi trần lại nhân lên thành 7 vi trần, từ 7 vi trần thành hạt bụi cho đến núi sông đại địa cũng đều từ con số 7 này mà nhân lên. Tất cả đều từ con số 7, sinh ra là Ngài đã đi 7 bước chân, cho đến sau khi thành đạo Ngài đi đến 7 nơi để chiêm nghiệm, quán chiếu, tri ân nơi Ngài thành đạo. Cho nên Đức Phật đi lên trên hết tất cả sơn hà đại địa, vượt ngoài đối đãi, đi qua tất cả thời gian và không gian, trải qua tất cả mà không bị ô nhiễm như sen trong bùn mà không bị nhiễm ô mùi bùn. Con đã hiểu ra ý nghĩa của con số, Phật từ đản sanh, đến xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân hay Niết Bàn thì Phật tánh cũng không thêm không bớt, đã không thêm không bớt thì chỗ trà tỳ này cũng chỉ là nơi Phật thiêu đốt xác thân tứ đại trở về tứ đại này mà thôi, đó chỉ là Phật ứng hóa thân thôi chứ còn Phật Pháp thân chân thật thì không đến không đi làm sao mà có lễ trà tỳ. Tế Điên Hòa Thượng khi thiêu đốt nhục thân của Sư Phụ mình, Ngài cũng có nói rằng đây là thiêu đốt thân tứ đại này để trở về pháp thân thường trụ bất biến chứ không phải thiêu đốt thân tứ đại này xong là hết.

Xúc động đến run người con thầm phát nguyện luôn luôn tin sâu Phật pháp thân nơi mình, tinh tấn tu hành sống tỉnh giác, xem nhẹ thân tứ đại này, dù nó đau ốm bệnh hoạn cũng không để nó chi phối làm khổ con mà con hằng tin vào cái thấy nghe của chính mình để sống thức tỉnh lại con người chơn thật nơi con. Ồ, giờ con đã hiểu bài kệ của Chư Tổ mà con đã học:

“Tức thấy nghe này chẳng thấy nghe

Đâu thừa thinh sắc đáng trình anh

Trong đây nếu liễu toàn vô sự

Thể dụng ngại gì phân chẳng phân”.

Cái thấy nghe của mình nó đã thấy nghe sẵn rồi thì đâu cần thấy nghe lại nó, tức thấy nghe mà chẳng thấy nghe. Còn thấy nghe mà có cái gì đó hiểu biết trên đó rồi là không phải thấy nghe nữa, ngay đây nếu liễu thì toàn vô sự đâu còn phân biệt thể hay dụng, thường hay vô thường, sanh hay vô sanh, đâu còn phân biệt Phật tánh hay chúng sanh, phiền não hay bồ đề nữa. Lúc đó Phật cũng không xuất gia, thành đạo, Niết bàn mới có Phật mà Phật tánh thì trước sau như một. Nó sẵn vậy từ xưa chưa hề tăng giảm, thêm bớt, ở phàm không thiếu, ở thánh không dư. Vì thế Lục Tổ ngài nói 5 điều đâu ngờ:

 

“Đâu ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh không diệt

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”.

 

Giờ con đã thông hiểu được một chút gì đó hương vị của pháp Phật Đà, con thấy an lạc quá. Trở lại cái thấy nghe này con lặng lẽ thấy nghe, nghe lại chính mình…

Giờ ngồi thiền đã hoàn mãn, Quý Thầy tiếp tục hướng dẫn đoàn làm lễ sám hối rồi trở về khách sạn, kết thúc một ngày đầy ý nghĩa.

Trước khi ra về con lặng lẽ bước lên sát khu lễ trà tỳ đảnh lễ Phật Đà lần cuối trước khi về. Sau hồi trang nghiêm đảnh lễ thì lời vang vảng của Tổ Ca Diếp xưa lại hiện về trong sâu thẳm tâm hồn con, vì nơi đây chính là nơi mà Tổ Ca Diếp đã phát nguyện trước Phật Đà lần cuối để rồi sau đó Phật Đà tự hỏa thiêu tam muội nhập Niết Bàn:

“Kính lạy cứu chủ Từ Bi! Kính lạy Phật đà vĩ đại! Xin Người hãy yên lòng, chúng con sẽ bước theo bước chân của Người để hành đạo. Thọ mệnh vĩnh kiếp của Người sẽ trường tồn ở thế gian. Pháp Cam Lộ của Người sẽ phù hộ tất thảy. Người như một mặt trời vĩnh cửu bất diệt”.

    Kính lạy Phật Đà vĩ đại, con nguyện sẽ tu hành tinh tiến đến nơi đến chốn trong chánh pháp của Ngài, con sẽ bước theo bước chân của người để hành đạo, sẽ đem chánh pháp của người chan rải khắp mọi nơi, giúp cho mọi người đều được hết khổ an vui, giúp tất cả mọi người giác ngộ được con người chân thật bất hoại nơi tự thân mỗi người. Và con cũng thầm nguyện với phước duyên nhỏ bé của con ngày hôm nay, với kiến giải của con ngày hôm nay tại nơi trà tỳ kim thân Đức Thế Tôn này, con cũng xin nguyện hồi hướng cho tất cả mọi người đều tin nhận Phật tâm nơi chính mình và con cũng nguyện cho pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 97612
  • Online: 16