Đá biến thành ngọc

25/02/2016 | Lượt xem: 4914

Các con hy sinh một chút xíu, dễ thương một chút, nhẫn nhịn một chút xíu thì ngay trong đời sống này các con đang tập luyện một đức tính của ngọc.

 Hôm nay thầy sẽ nói chuyện với các con về đề tài "Đá biến thành ngọc". Sao gọi là đá biến thành ngọc?


 

Thầy mới đọc một cuốn sách và chính cuốn sách đó gợi ý cho thầy buổi nói chuyện với các con hôm nay. Trong đó, tác giả đưa ra một hình ảnh rất bình thường, cụ thể về một hòn đá sỏi, lăn lóc vô tri giống như là một hòn đá màu xanh mà mình đi đạp thường ngày và không ai để ý tới nó.

Một hòn sỏi, một hòn đá cuội lăn lóc vô tri như thế hàng tỉ năm, mà nếu không có phương tiện để chuyển hóa thì nó vẫn là đá sỏi không có giá trị. Nhưng nếu hòn đá đó có phương tiện, có điều kiện khích thích, hoặc rơi vào trong núi lửa, hoặc ở một điều kiện bị o ép, hoặc có một biến chuyển tận cùng thì chính nơi hòn đá sỏi đó sẽ xuất hiện một viên ngọc.

Điều này, tác giả nói rất có lý. Bởi vì các con biết cấu tạo của than đá và kim cương giống nhau, để than đá biến thành một viên kim cương phải trải qua thời gian tôi luyện rất lâu.

Vậy giá trị của hòn đá với viên ngọc khác nhau chỗ nào? Về độ bền chắc, ngọc không bao giờ vỡ vụn, phai màu và có thể dùng làm đồ trang sức. Còn đá sỏi thì bị bỏ lăn lóc, không ai để ý vì nó không có giá trị. Tác giả nói lên điều này để chỉ cái gì? Chúng ta là một chúng sanh bình thường giống như hòn đá sỏi không có giá trị gì hết, nhưng khi được tôi luyện, chuyển biến tận cùng như trong tình trạng bị nung nấu, trải qua nhiều khó khăn thì mới thành ngọc được. Chúng ta cũng vậy, là một chúng sanh bình thường, ham ăn mê ngủ, giận hờn thương ghét,... đủ thứ lăng xăng, lăn lóc ở vô số thế kỷ, qua hàng tỉ tỉ năm trên trái đất này. Khi thì xuất hiện ở hình dáng này, có lúc lại ở hình dáng khác, cứ làm hòn sỏi đá không có giá trị. Nhưng nếu biết tu tập, chịu khó tôi luyện, đưa mình vào trong những thử thách, hoặc dưới sức ép nào đó thì lâu dần cái chất đá cũng biến mất và chúng ta cũng trở thành viên ngọc. Phật, Bồ tát cũng chính từ chất đá mà biến thành ngọc.

Thầy nói như thế các con có hiểu được ý thầy hay không? Hiện tại chính là đang huấn luyện các con từ một viên đá sỏi thô sơ, dạy dỗ các con tu tập để chuyển biến dần dần và một ngày nào đó chất Phật trong các con, cũng như chất ngọc trong đá, sẽ xuất hiện và các con sẽ trở thành một vị Phật. Trong kinh nói rằng tất cả chúng ta đều có tính chất Phật, cũng giống như trong hòn đá sỏi vô tri có chất ngọc, vấn đề là biết huấn luyện hay không, chịu huấn luyện hay không? Có những hòn đá sỏi chịu sự nung nấu của núi lửa, nham thạch và chịu sự nóng chảy cả ngàn độ C. Các con cũng vậy, đang tuổi trẻ vô tư ham ăn mê ngủ, nếu không tự rèn luyện mình thì bao giờ mới thành tựu được chất ngọc đó. Các con đi sinh hoạt, học tập bị bắt giữ giới không sát sanh, trộm cướp, nói dối, uống rượu,... Ép các con trong điều kiện như thế để làm gì? Đó là điều kiện đầu tiên để huấn luyện. Chư Phật đưa ra giai đoạn huấn luyện đầu tiên đó để thành tựu được dần dần chất ngọc trong con người chúng ta.

Cho nên, muốn thành một viên ngọc không đơn giản, thì chúng ta muốn thành Phật cũng không đơn giản. Tu tập để từ bỏ những cái dở xấu của mình.

Chúng ta có ba cái dở, phát ra từ miệng là một, hành động là hai và trong ý tưởng là ba. Phát ra từ miệng gọi là khẩu, phát ra hành động gọi là thân, trong tư  tưởng gọi là ý. Như vậy, chúng ta huấn luyện chúng ta qua ba tiêu chuẩn này. Qua miệng là không nói những lời vô ích, xấu dở, độc ác: qua mắt là không nhìn những điều phi pháp, như thấy người ta gây nhau, đánh nhau mà chúng ta thích thú, đứng lại nhìn coi ai thắng thua. Qua miệng là trong khi giao tiếp nên nói những điều dễ thương, đáng yêu, không nói lời ác, xúi dục người, không nói để mất lòng nhau. Huấn luyện Phật tử đầu tiên là huấn luyện trên cái miệng. Quý thầy, quý cô và các anh chị dạy các con hát múa cũng là huấn luyện cái miệng. Thầy không cấm cản các con trên phương diện giải trí, các con có quyền vui chơi theo tuổi trẻ, theo ý thích của mình. Nhưng nếu đã là Phật tử, nếu đã được đi tu học Phật pháp thì các con khi sử dụng ngôn ngữ, khi sử dụng cái miệng của mình các con phải lưu tâm. Lúc nói chuyện với bạn bè cũng phải lưu tâm lời nói của mình. Lời nào tốt lời nào dễ thương thì mình nói, còn lời nào có tính cách hơi ác chút xíu thì đừng nên nói. Có một chú nhỏ, có thói quen là luôn nói những lời xấu, những lời xúi quẩy. Có ông hàng xóm ăn tân gia mừng nhà mới, ông mời hết người quen tới. Chú nhỏ này cũng là hàng xóm nên cũng được mời. Trước khi đi ba nó dặn là đừng nói gì hết vì biết nó hay nói những lời không tốt đẹp. Nó hứa với ba nó là không nói gì hết về ba nó yên tâm cho nó tới dự tiệc. Tới bữa tiệc từ đầu tới cuối nó không nói câu nào. Nhưng trước khi quay về nó lại nói một câu: " Sáng giờ tôi không nói gì hết, nhưng mai mốt nhà này có cháy thì đừng đổ thừa cho tôi. "

Đức Phật biết mình có thói quen về miệng rất nhạy nên dạy cái miệng trước. Một tuần lễ có một ngày tu học của các con cũng để huấn luyện cái miệng. Tụng kinh Bát Nhã nè, đọc lời sám hối nè, rồi đọc lời phát nguyện,... Đôi lúc ở dưới thầy nghe các con đọc rất là hăng hái... Nhiều khi các con tụng nhưng không hiểu ý nghĩa, nhưng vì sao bắt phải tụng như thế? Để cho các con có một thói quen, đưa lời Phật dạy, lời kinh để các con đọc theo, tụng theo, hát theo, nói chuyện theo. Hoặc khi học Phật pháp với các cô cũng học những điều tốt, những điều thân thiện thương yêu có giá trị, vun đúc huấn luyện các con vô một đường để dần dần chuyển hóa. Chuyển hóa từ lời nói đến hành động. Ban đầu thích đánh nhau, cãi nhau,... nhất là con nít, ưa bảo vệ ý kiến của mình, hễ cho cái gì đúng thì nhất định là đúng, đứa kia nói không đúng là mình cãi liền, đó là điều bình thường.

Cho nên các con buồn, vui, khóc, cười hoặc là nói xấu, nói ác, thêu dệt nói dối cũng là chuyện bình thường, không có gì quan ngại. Nhưng cái bình thường đó là cái bình thường của viên sỏi chưa được thành ngọc. Mà huấn luyện, dạy dỗ các con từ lúc nhỏ cho tới lớn là để đưa các con vào nề nếp. Nề nếp, khuôn khổ đôi lúc cũng là cái bó buộc nhưng đó là cái chất để huấn luyện, chuyển hóa. Dần dần các con thấy rằng mình nói câu này không được, làm tâm lý Phật tử của mình hơi bị trái ngược, không nên nói. Đôi lúc, hành động muốn đánh, muốn đập hoặc giết chết cái gì đó, nếu chưa thọ giới mình làm theo thói quen thì được, nhưng khi làm xong cảm thấy có cái gì đó bứt rứt. Chính thói quen nhìn lại của các con là cái chất huấn luyện.

Quá trình tu tập của mình rất lâu, một chúng sanh bình thường còn nhiều cái dở xấu như vậy, cho đến lúc biến chuyển đá thành ngọc lâu vô cùng. Khi đem viên ngọc lên soi, người ta nhìn biết là ngọc đã qua quá trình bao nhiêu tỷ năm, phải chịu những huấn luyện gì và trong đó có những chất gì. Chúng ta cũng vậy, từ một con người còn ngu dại chưa biết gì hết, chúng ta tu học Phật pháp, huấn luyện qua ba cách. Miệng không nói lời ác, không nói dối, thân luôn luôn trung thực ngay thẳng không làm điều ác, không trộm cắp, ý luôn luôn vừa làm xấu, nghĩ xấu mình biết liền, mình dừng, đó là trí tuệ, đó là điểm căn bản sâu nhất của chúng ta. Huấn luyện các con là huấn luyện trên thân và miệng trước. Thân dạy chắp tay lễ Phật hoặc sám hối ngồi thiền, miệng thì dạy học Phật pháp, nói theo Phật pháp. Các con dự một buổi ăn trưa ở Qúa đường theo quý thầy có thấy khó chịu không? Ở nhà đói là mình xúc tô cơm ra gốc cây ngồi ăn liền? Mà có ngon không? Đảm bảo là có. Tại sao bắt các con phải ăn Qúa đường đàng hoàng? Cho mỗi đứa một tô cơm ra gốc cây phải khỏe hơn không? Không phải nhọc nhằn xếp bát đũa, đứa này ngồi khít đứa kia; trước khi ăn phải tụng chư Phật, Bồ tát; ăn xong lại còn phải tụng hồi hướng, Bát Nhã,... rất là nhiêu khê. Phải không? Nhưng cái đó cũng là huấn luyện. Khi hiểu rõ điều này, các con sẽ thấy rằng, mình tự nguyện làm những nghi thức này với tất cả tâm thích thú. Vì sao? Vì đây là cách  huấn luyện để phát triển chất ngọc trong người chúng ta. Khi phát triển được chất ngọc trong con người của mình thì lúc đó có nghĩa mình là Bồ tát, là Phật. Nếu thầy không nói chỗ này, mấy đứa con sẽ thấy những nghi thức ở trong chùa hoặc nghi lễ mà các cô hướng dẫn các con, đôi lúc chỉ làm cho lấy có, làm mà không biết mình làm để làm gì, phiền phức quá. Nhưng đó là điều rất quan trọng.

Ngày xưa, có một vị thầy đi xuất gia. Thầy có cô em gái cũng đi tu. Sau đó bà mẹ bị bệnh, cô em về thăm. Con gái bao giờ cũng có hiếu hơn và tánh hay mít ướt nên nghe nói ba mẹ bệnh là săn sóc, cái đó cũng tốt, chứ con trai thì để đi chơi một chút đã về nhà sau. Cô em về trước chăm sóc mẹ và nhắn ông anh là mẹ bệnh rất nặng, thầy phải về thăm mẹ. Thầy này là người luôn luôn chăm chỉ thiền quán tu tập theo lời dạy của Phật. Một khi đã cách ly gia đình rồi thầy chỉ chăm chăm ở trong rừng ngồi thiền thôi. Và thầy nhắn lời lại cho cô em: " Anh đang ngồi thiền định theo đúng lời dạy của Phật nên không thể về thăm mẹ được. Nhưng anh có lời hồi hướng như thế này: 'Từ khi xuất gia cho đến giờ anh chưa bao giờ nói dối, nếu lời này là đúng và lời này có năng lực thì bệnh của mẹ sẽ được lành. ". Chỉ một câu nói đơn giản thôi. Khi thầy chuyển câu nói đó cho người em, quả nhiên bà mẹ lành bệnh.

Các con thấy năng lực của lời nói, năng lực của tâm, đó là năng lực của viên ngọc, rất trong sáng. Viên ngọc trong sáng đó giá trị vô cùng, nên một vị thầy tu tập và chỉ nói một câu như thế thôi, chỉ hồi hướng như thế thôi là bà mẹ được lành bệnh.

Thầy nói như vậy để các con thấy, lời nói của mình rất là quan trọng, có thể đưa đến khổ đau hoặc an lạc hạnh phúc, là từ trong cái năng lực của chúng ta. Mỗi người, mỗi người đều có năng lực rất mạnh, chỉ vì các con không biết sử dụng, hoặc là tiêu hủy những năng lực đó theo những cái thú vui, theo những cái chơi đùa... không có ích lợi. Nếu biết gom những năng lực đó lại, các con có thể làm cho thế giới được hạnh phúc và nhất là với những người thân yêu của mình, trong gia đình của mình. Nếu giữ giới thật nghiêm túc, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng những chất gây nghiện, thì như thế, các con đã tựu thành cái năng lực của ngọc nơi chính các con rồi. Đừng nghĩ những điều này là vô bổ, là tầm thường vì thầy thấy những người trẻ có rất nhiều năng lực mà nếu biết áp dụng cái năng lực đó để đưa đến cái an vui, an lạc trong xã hội thì rất tốt.

Thí dụ như các con có một lòng thương yêu, có tâm tốt, chỉ cần một người bạn của mình đang buồn, đang bất an hay gặp phiền phức chuyện gì, người đó đến than thở với mình, thì tự nhiên khi đó các con khởi lên một niệm thương, an ủi khuyên dỗ theo cách thường của các con thôi, " không có gì buồn, mọi việc rồi nó cũng sẽ qua " hoặc " bạn cứ bình tĩnh đi " ... chẳng hạn. Lời nói của các con nếu phát xuất từ năng lượng thật trong tâm sẽ đem đến cho người bạn đó sự an lạc hiện tại liền. Và đó chính là điều kiện sống của chúng ta. Điều này các con có thể thực hành được. Khoan nói các chuyện các con có thể thành Phật. Hoặc là nói mấy con thành Phật chắc các con không dám đâu. Làm sao mà mình thành Phật liền được. Thật ra trong các con có năng lượng và thành Phật chỉ là phát huy năng lượng đó trọn vẹn, rộng rãi vô cùng tận tới tất cả mọi chúng sanh. Bây giờ, trong phạm vi rất nhỏ của mình, chỉ là một em bé, một thiếu nữ, một thiếu niên đang độ tuổi mới lớn và không biết sử dụng năng lượng của mình như thế nào. Năng lượng của mấy con là những năng lượng của tuổi trẻ, nếu biết đưa nó vào huấn luyện trở thành những năng lượng tốt đẹp thì thế giới an ổn biết bao. Nhưng mà đâu có được đâu. Như mấy đứa nhỏ bây giờ thích đua xe, mười một mười hai giờ đêm còn chạy ngoài đường, công an cản còn chưa nổi, không thể nào đổi cái năng lượng đó được. Cho nên uổng là như thế. Và các con luôn luôn sở hữu những năng lượng rất là tốt đẹp. Tuổi trẻ như các con bảo thức khuya, bảo nhảy lên đọt cây,... làm cái gì cũng được. Đó là gì? Đó là năng lượng chính thật của các con. Nhưng mà phải trải qua sự huấn luyện, vun đúc và phải được hướng dẫn. Do đó, bổn phận của quý thầy, quý cô là hướng dẫn các con sử dụng năng lượng của chính mình. Những năng lượng tốt đẹp tích tụ đó để làm những việc lợi ích. Nhưng đôi lúc, bị huấn luyện các con sẽ cảm thấy có rất nhiều cái bực bội khó chịu, giống như thỏi vàng đun trong lửa. Lửa mà thử vàng phải đúng độ thì mới biết được vàng thật. Vàng thật thì phải chịu được sự nung nấu đó. Các con phải chịu được những nung nóng, những chế định, những hạn chế của giới luật để tự rèn luyện mình. Ban đầu, các con được trao giới luật rất là ít, chỉ có năm điều thôi. Trong năm điều kiện đó các con làm với tất cả thâm tâm, làm với tất cả sự tự nguyện, với năng lực yêu thích của chính mình thì sẽ tạo được một nguồn năng lượng tốt. Khi các con hướng năng lượng đó đến vật gì, đến với ai, đến với bất cứ công việc gì thì sẽ được thành tựu.

Thầy xin nói điều này là một điều rất thật, cũng giống như lời hồi hướng của vị thầy nói rằng chưa từng nói dối bao giờ. Dạy các con học những điều này, rốt cuộc thầy mong ước gì nơi các con? Cũng giống như thầy mong ước nơi chính quý thầy, quý cô là gì? Chịu tất cả những huấn luyện để có thể biến mình từ đá sỏi thành một viên ngọc. Chúng ta sống vô lượng đời sống, hết đời này qua đời khác, mỗi đời mỗi đời huấn luyện một chút, giống như viên đá chịu huấn luyện thì lâu dần sẽ trở thành ngọc. Bây giờ, thầy hạ thấp tiêu chuẩn xuống một chút xíu, không bắt buộc các con phải biến thành ngọc. Trong cuốn sách đó tác giả có nói như thế này: Một cây cỏ dại cũng biết cách nở hoa. Bây giờ người ta không yêu cầu mình biến đá thành ngọc mà chỉ yêu cầu mình biết cách nở hoa. Một cọng cỏ dại rất vô danh, rất bình thường cũng có thể nở hoa được. Mặc dù cái hoa của nó không ai để ý, nhưng cái nở hoa đó chính là gì? Chính là lúc đó con người mình cũng đang thăng hoa. Bây giờ, các con không phải thực hiện việc khó khăn là biến thành ngọc liền mà các con đang sống với một tình trạng, với một cơ thể tuổi trẻ bình thường, hãy làm một cọng cỏ bình thường nhưng biết cách nở hoa. Nở hoa là gì? Là lúc tâm mình đang dở xấu chuyển nó thành tốt đẹp. Cho nên một cọng cỏ rất vô danh tiểu tốt, yếu ớt nhưng nó có hoa cũng dễ thương vô cùng. Chính các con đang tìm cách để cho mình đẹp hơn, đẹp hơn là nhờ tâm của chính mình. Mặt mày, tay chân, da dẻ của các con cũng có thể là hơi nổi mụn một chút, hơi đen đen một chút, tóc tai hơi bùm xùm một chút. Nhưng cái đẹp là ở trong tâm.

Cho nên, tu học Phật là để tập cho tâm của mình bỏ dần. Thí dụ mình có cái tánh ích kỉ. Mình có hai cây viết mà người ta muốn mượn một cây mình nói cây viết tôi hư rồi. Mình nói cây viết hư có nghĩa không phải cây viết hư mà tâm mình hư. Thí dụ, người ta nói mình có rảnh không phụ dùm tôi cái này một chút, mình nói tôi không rảnh, chẳng hạn vậy. Thì lúc đó là chưa nở hoa. Giờ sinh hoạt chung với nhau, thấy huynh đệ nào đang làm việc không kịp, mình vào phụ giúp một chút xíu, đó là lúc các con đang nở hoa. Và nở hoa như thế cũng là một cách làm cho mình tốt hơn, dễ thương hơn. Các con có muốn mình dễ thương không? Muốn dễ thương hay muốn dễ ghét? Hay là các con muốn giống cái thằng nhỏ mà nói ra một câu người ta muốn té xỉu? Không, phải không?

Thầy tóm tắt lại vấn đề, biến đá thành ngọc hoặc làm một cây cỏ nở hoa là quyền của các con, bỏ bớt những cái bon chen, phân biệt, những cái ưa thích để được khỏe khoắn hơn. Các con hy sinh một chút xíu, dễ thương một chút, nhẫn nhịn một chút xíu thì ngay trong đời sống này các con đang tập luyện một đức tính của ngọc. Các con hiểu không? Mình tập luyện đức tính của ngọc, mặc dù biết là hy sinh một chút, nhẫn nhịn một chút, như ai chơi gác mình, nói xấu mình, mình có thể bỏ qua được. Điều này rất là đau không dễ gì làm, nhưng nếu các con làm được là đang huấn luyện cho mình đức tính của ngọc. Các con phải thấy như thế. Khi tập quen rồi, đời này được ở trong môi trường huấn luyện như thế, thầy bảo đảm là cái chất ngọc, cái năng lượng tốt của các con sẽ phát huy. Bởi vì làm Bồ tát hay làm người tốt chỉ là phát huy năng lượng của mình, phát huy tính chất tốt của mình mà thôi. Và tất cả những cái tốt ấy có thích làm hay không là tùy ý mình, mình tự chọn lựa, không ai ép được. Qúy thầy, quý cô chỉ là người hướng dẫn, gợi ý. Các con thấy điều này mình thích mình làm được, làm cho nó tốt đẹp, thì đó là các con đang đi trên con đường chuyển hóa, đang biến chuyển mình, đang đưa chất sỏi đá, đưa những cái dở xấu của mình biến thành tính chất tốt. Tu học chỉ là như thế mà thôi. Hôm này thầy nói chuyện với các con tới đây là đủ rồi. Đó là cái ước mơ của thầy, cũng là điều tâm nguyện của quý thầy, của quý cô, mong rằng các con nhận ra được, biết rằng mình có năng lượng có thể chuyển hóa để tốt đẹp hơn, bỏ dần những cám dỗ, những thú vui, những cái dở xấu để mình cảm thấy hài lòng với chính mình. Khi nào thấy mình tốt đẹp thì tự nhiên các con hài lòng, các con vui lắm. Và khi nào thấy mình dở thì tự nhiên trong mình có cái bứt rứt, bởi vì nó là bản chất tự nhiên của mình.

Thôi hôm nay học tới đây nghỉ. Chúc các con một ngày vui vẻ.

 

NS.Thích Nữ Như Đức

Các bài mới

Các bài đã đăng

Thiền với tuổi trẻ

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88917
  • Online: 34