Đặc điểm của Thiền tông

07/02/2009 | Lượt xem: 4866

VIII. ĐẶC ĐIỂM THIỀN TÔNG.

A. THIỀN TÔNG TẠO DỰNG CON NGƯỜI CÓ ĐỦ BA ĐỨC TÁNH.

1. Tự tín: Người tu thiền phải tin quả quyết tâm mình là Phật. Đó là chủ đề then chốt của người tu. Chúng ta nghe câu chuyện Thiền sư Pháp Thường ở  Đại Mai.

 

Ban sơ đến tham vấn Mã Tổ, Sư hỏi: “Thế nào là Phật?” Mã Tổ đáp: “Tức tâm là Phật.” Sư liền đại ngộ, từ giã về ở núi. Sau Mã Tổ nghe Sư ở núi, sai một vị Tăng đến thăm dò. Tăng đến hỏi Sư: “Hòa thượng gặp Mã Tổ được cái gì về ở núi này?” Sư đáp: “Mã Tổ nói với tôi ‘tức tâm là Phật’, tôi bèn đến ở núi này.” Vị Tăng nói: “Gần đây Mã Tổ lại nói ‘phi tâm phi Phật’.” Sư bảo: “Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông ‘phi tâm phi Phật’, tôi chỉ biết ‘tức tâm là Phật’.” Vị Tăng trở về thưa lại Mã Tổ, Mã Tổ nói với đại chúng: “Trái mai đã chín!” (vì Sư ở núi Đại Mai).

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy tin tâm mình là Phật quả thật một yếu điểm vào cửa Thiền. Không tin tâm mình là Phật thì không sao cố gắng trong những cảnh huống khó khăn trên con đường tu hành. Quả quyết tin tâm mình là Phật, đó là thành tựu đức tự tín mãnh liệt. Trên sự tu hành, chúng ta đã khẳng định chính mình mới giải thoát sanh tử cho mình, không phải đức Phật hoặc chư vị Bồ-tát nào có thể giải thoát thế mình. Ngoài xã hội cũng thế, mọi việc thành bại, dở hay, tốt xấu… đều tự chúng ta tạo nên. Chúng ta là chủ nhân thành Phật thì chúng ta cũng là chủ nhân mọi sự thành bại dở hay. Đức tự tín khiến con người không trốn tránh trách nhiệm, không ỷ lại kẻ khác, không hèn nhát trước mọi khó khăn.

2. Quả cảm: Nhờ tự tín người tu mới can đảm vượt mọi khó khăn, cương quyết quả cảm tiến lên trên con đường siêu nhân, phấn đấu chiến thắng ma quân. Thấy rõ mình có khả năng thành Phật, chẳng ngần ngại e dè, quyết chí tiến tu cho thành đạt kết quả. Đức tự tín khiến con người mạnh dạn gan dạ trên mọi công tác lợi mình lợi người. Nếu thiếu đức tự tín, con người không bao giờ dám cả quyết một sự kiện nào. Nhờ tin tâm mình là Phật, Thiền sư xem thường mọi nguy hiểm, như: Thiền sư Linh Hựu khi mới đến Qui Sơn, non này cao vót không có bóng người lai vãng, là hang ổ của cọp sói. Sư đến đây cất một am tranh, hằng ngày lượm trái lật, trái dẻ làm thức ăn nuôi sống. Trải qua bảy năm, một hôm Sư tự nghĩ: “Đạo cốt tiếp vật lợi sanh, ở một mình chẳng phải.” Sư bèn đi lần xuống núi, thấy cọp sói Sư bảo: “Nếu ta có duyên với núi này, các ngươi nên đi tránh chỗ khác. Nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt ta đi.”

Trước nguy hiểm, Thiền sư vẫn ung dung tự tại, thật là một tâm hồn quả cảm tràn trề. Nếu ứng dụng tinh thần quả cảm này vào xã hội thì có việc gì làm chẳng thành.

3. Cần cù: Có tự tín mới có nỗ lực tiến tu. Bất cứ làm một việc gì mà không tin mình làm được, chắc chắn việc ấy sẽ bỏ dở hoặc có làm cũng lừng chừng cầu may. Tin chắc việc này mình làm được, ngày đêm cần cù không dám lơi lỏng. Đức tự tín giúp con người siêng năng bền chí. Tin cả quyết tâm mình là Phật, người tu thiền tinh tấn bền chí nhẫn nại cố gắng thực hành cho đến kết quả mới thôi. Tin tâm mình là Phật, là đã có Phật nhân, cố gắng tu hành sẽ thành Phật quả. Từ nhân đến quả đều do công phu của chính mình, không phải ai khác làm thế cho ta. Ở thế gian, nếu người có đức tự tín, chắc chắn mọi công tác sẽ được thành công. Tin tưởng khả năng mình, mới có siêng năng cố gắng trong mọi nhiệm vụ của mình. Thế nên có đức tự tín rồi mới có quả cảm và cần cù.

B. THIỀN TÔNG GẮN LIỀN VỚI SỰ THẠNH SUY CỦA DÂN TỘC.

Xã hội và tôn giáo có ảnh hưởng mật thiết với nhau, nhất là Thiền tông. Trong Phật giáo có quá nhiều pháp môn, cho nên ở hoàn cảnh xã hội nào cũng có pháp môn thích hợp với xã hội ấy. Khi dân tộc đầy đủ chủ quyền độc lập thì pháp môn tu nhà Phật hướng về tự lực. Khi dân tộc mất chủ quyền bị lệ thuộc thì pháp môn tu nhà Phật hướng về tha lực. Vì thế Thiền tông thạnh hành ở Trung Quốc vào đời Đường, đời Tống. Đến đời Nguyên, Thiền tông bị suy yếu, đời Minh cũng chưa đứng vững, sang đời Thanh, Thiền tông từ từ nhường chỗ cho Tịnh độ tông. Ở Việt Nam đời Lý đời Trần, Phật giáo hầu hết là Thiền tông. Sang đời Lê, Thiền tông yếu thế từ từ, đến đời Nguyễn lại càng yếu. Khi Việt Nam lệ thuộc Pháp thì Thiền tông mất dạng, tất cả chùa chiền đều trở thành Tịnh độ hết. Riêng về Nhật Bản, từ trước đến nay Thiền tông vẫn đứng vững ở vị trí của nó. Cho nên chúng ta thấy rõ sự thạnh suy của dân tộc là sự thạnh suy của Thiền tông. Sự gắn liền ấy, chẳng qua là do Thiền tông đặt hẳn về sức tự tín tự lực, thiếu tự tín thì Thiền tông mất đất đứng. Một nước mất chủ quyền, người dân làm sao tìm ra đức tự tín? Chính vì thế Thiền tông chịu ảnh hưởng theo. Ngày nay chúng tôi cố gắng gầy dựng lại Thiền tông, âu cũng là thời dân tộc đầy đủ chủ quyền. Vì thế chúng tôi tin rằng trong sự có mặt của Phật giáo trên đất nước Việt Nam mai sau, chắc chắn Thiền tông sẽ đóng góp một phần đáng kể.

C. THIỀN TÔNG RẤT THỰC TẾ.

Chủ trương của Thiền tông là mở mang trí tuệ, phát minh tâm tánh của con người. Trí tuệ và tâm tánh là hai điều thiết yếu nơi con người, quả thật hiện hữu, không phải chuyện huyền hoặc xa vời. Một con người mà không có trí tuệ, không nhận ra tâm tánh, thử hỏi thiếu sót lớn lao đến ngần nào? Người ta chỉ biết giá trị con người trên bình diện hình thức, giá trị ấy quá tạm bợ, cũng chưa thiết thực. Thiếu gì người dáng vẻ sáng sủa mà tâm hồn đen tối, cũng có những người dáng ngoài xềnh xoàng mà tâm hồn rất cao cả. Hơn nữa thân thể này là tướng vô thường hoại diệt, chỉ trong vòng tám mươi năm là tan biến, giá trị ấy cũng quá giới hạn. Thiền tông giúp chúng ta nhận ra nơi con người mình, còn có cái vượt ngoài mọi giới hạn của thời gian và không gian, cái đó mới là thật con người của chúng ta từ muôn đời (Bản lai diện mục). Con người thật của mình đó, không phải tìm kiếm ở phương trời nào, mà nó ở ngay nơi thân hiện hữu này. Chúng ta nghe Thiền sư Đạo Giai nói:

Châu trung hữu hỏa quân tu tín
Hưu hướng thiên biên vấn thái dương.

Trong châu có lửa anh tin lấy
Thôi đến bên trời hỏi thái dương.

Chính nơi thân tứ đại hư giả đã có sẵn con người chân thật ở trong. Con người thật của mình không phải do Phật ban, cũng không phải thần thông huyền bí gì tạo nên. Chính nó là cái bản hữu nơi chúng ta, một phút giây vắng nó thân này đã ngừng hoạt động. Chỉ khổ nỗi nó không có hình tướng nên khó chỉ thẳng, khó nói thẳng cho người ta biết. Song với người thông minh, nghe qua vài công dụng của nó là nhận được nó ngay. Ví như gió không có hình tướng, nhưng thấy lá cây động, thân người mát, chúng ta nhận ra có gió không nghi. Nói khả năng của gió là một thực tế, đâu phải là chuyện mơ hồ. Chính vì đem lại giá trị chân thật cho con người, Thiền tông chỉ thẳng Tâm thể chân thật của mỗi cá nhân. Tâm thể ấy hằng khởi diệu dụng ở sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta. Đây chúng ta nghe một ông vua diễn tả Tâm thể của mình:

Vua Đường Trang Tông đi Hà Bắc trở về đến Ngụy phủ, dừng tại Hành cung, cho sứ mời Thiền sư Tồn Tương đến. Vua bảo: “Trẫm thâu Trung Nguyên nhận được hòn ngọc quí, chưa có ai trả giá.” Sư nói: “Xin Bệ hạ cho xem.” Vua lấy hai tay vuốt từ đầu đến chân. Sư nói: “Ngọc quí của đấng quân vương, ai dám trả giá.”

Hòn ngọc quí vô giá, vừa khởi tâm trả giá đã mất hòn ngọc rồi. Cho nên Thiền sư nói “ai dám trả giá”. Đây cũng đồng với ý của Tổ Tăng Xán trong bài Tín Tâm Minh, mở đầu bằng câu “đại đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”. Đại đạo hay hòn ngọc đều chỉ Tâm thể của chúng ta. Chỗ đó tối kỵ giản trạch hay trả giá. Không giản trạch thì đại đạo đâu khó thấy, vừa có giản trạch đại đạo đã ẩn khuất. Chính chỗ đó Thiền sư Huyền Giác cũng nói trong bài Chứng Đạo Ca:

Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
Mích tức tri quân bất khả kiến.

Chẳng lìa đương xứ hằng lặng yên
Tìm đó biết anh không thể thấy.

Qua những lời nói trên, chúng ta biết nó thực tế đến ngần nào. Cái quả thật, do người ta quên đi, khiến trở thành hư. Cái quả hư, người ta cố chấp biến thành thật.

Càng thực tế hơn nữa, khi thực hành công phu, người tu thiền tu trong mọi hành động, nhất là lúc làm việc. Nếu là thợ may, người tu thiền chăm chú vào đường may, không cho tâm chạy nơi nào khác. Nếu là tài xế, người tu thiền chỉ nhìn thẳng trên đường, không để tâm chạy đông chạy tây. Nếu là nông phu, người tu thiền khi cuốc đất, chăm chú vào từng lát cuốc, không để tâm nghĩ sớm nghĩ chiều… Bởi chăm chỉ vào việc làm, nên việc làm được chu đáo, cũng quên cả mệt và ngán. Chính vì thế, vừa làm được việc, cũng lợi cho sự tu, tu và làm không chướng ngại nhau. Nếu biết ứng dụng tu thiền vào mọi ngành mọi nghề, ngành nghề càng mau phát triển. Vì sự chú tâm người ta dễ phát minh những sáng kiến.

Để thấy tánh cách thực tế của Thiền tông, chúng ta nghe Lục Tổ nói trong bài tụng Vô tướng:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ-đề
Kháp tợ tầm thố giác.

Phật pháp ở thế gian
Chẳng lìa thế gian giác
Lìa thế kiếm bồ-đề
Giống như tìm sừng thỏ.

Bấy nhiêu đó chúng ta cũng thấy rõ tánh cách thực tế của Thiền tông rồi.

D. TU THIỀN PHÙ HỢP VỚI THUẬT DƯỠNG SINH.

Người tu thiền biết điều hòa thân thể, điều hòa hơi thở và tâm tư, do đó bệnh hoạn ít sanh. Về thân thể, người tu thiền ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ có chừng mực, làm việc đúng thời khóa, cấm kỵ những việc trác táng, rượu chè… Về hơi thở, người tu thiền biết điều hòa hơi thở dài và nhẹ. Hơi thở là chủ yếu của sức khỏe, là quyết định của mạng sống. Khi mệt thì thở hổn hển, khỏe thì thở nhẹ nhàng. Sanh mạng còn hay mất do hơi thở định đoạt. Thế mà người đời sống không biết hơi thở mình đang thế nào, dường như họ quên mất, ít khi biết đến. Về tâm tư, con người có những lo nghĩ bất thường hoặc tức giận, hoặc sợ sệt, hoặc buồn khổ đều là nguyên nhân phát bệnh. Người tu thiền khéo buông xả những tâm niệm bất thường ấy, khiến nội tâm an ổn nhẹ nhàng. Buông xả mọi tâm niệm xáo động nơi mình, người ấy sẽ điềm đạm bình tĩnh. Lại những khi bị gió lạnh xâm nhập vào thân, chỉ cần ngồi thiền trong một giờ thì tan hết. Bởi lẽ khi ngồi thiền hơi nóng trong người xông lên nên khí lạnh tan biến. Con người do thân bất an sanh bệnh, tâm bất an sanh bệnh. Người tu thiền khéo điều hòa thân an ổn, tâm yên định, nên phù hợp với thuật dưỡng sinh.

Tags: Thiền tông

Các bài mới

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 14696
  • Online: 86