Đời Sống Vô Niệm

06/08/2024 | Lượt xem: 763

HT.Thích Như Phước Tú

VÔ NIỆM

“VÔ NIỆM VI TÔNG”, là lời pháp của Đức Lục Tổ Huệ Năng. “VÔ NIỆM VI TÔNG” có nghĩa nôm na là: “hông NIỆM làm gốc”.  “VÔ” là chữ Hán, chữ Nho, tiếng Việt Nam có nghĩa là không có, là hổng có hay là hông. “NIỆM” là một khởi ý, một khởi nghĩ, một khởi nhớ, sự khởi đọc, sự khởi tụng. “VÔ NIỆM” là không có CÁI NIỆM, hông NIỆM.

“TÔNG” có nghĩa là gốc, cái gốc, cái chủ, cái nền tảng, cái cơ bản hay căn bản hoặc là cái cái cơ sở, thế nên: “VÔ NIỆM VI TÔNG” là lấy cái VÔ NIỆM làm gốc, làm chủ làm căn bản, làm cơ sở mà tu, mà sống trong đời hành đạo.

Cái pháp tu này của Đức Lục Tổ Huệ Năng (VÔ NIỆM LÀM GỐC LÀM CHỦ) là hoàn toàn trái ngược với đời sống của người trong xã hội. Vì người trong xã hội ai cũng đều lấy cái NIỆM làm gốc mà sống, tức là đều lấy cái khởi ý cái khởi nghĩ để có sự suy tư thành ra một ý thức hệ để mà sống với cuộc đời. Nghĩa là bằng cái suy nghĩ để tạo nên ý tưởng, để tạo nên dòng tư tưởng để mà làm ăn buôn bán, sinh nhai, tranh đấu với cuộc sống vv… từ đó mà có ra muôn ngàn sự khổ đau trong cuộc đời. Thế nên để giải quyết sự khổ đau trong cuộc sống, Đức Tổ Huệ Năng đã nương theo thần lực Tam Bảo mà có lời chỉ dạy: “LẤY VÔ NIỆM LÀM GỐC LÀM CHỦ” để mà giải trừ mọi khổ đau trong cuộc sống.

Sống theo đây được gọi là Tu Thiền – Thiền Tông – Thiền Tổ Sư – Thiền Kiến Tánh – Thiền Đốn Ngộ. Là Phật TÂM Tông. Là Tu theo Phật. 

         “ĐỜI SỐNG VÔ NIỆM” (1)  

“Này Thiện Tri Thức, trí huệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, rõ tự Bản Tâm. Nếu rõ Bản Tâm tức là gốc giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát Nhã Tam Muội, tức là VÔ NIỆM. Sao gọi là VÔ NIỆM? 

- Nếu thấy tất cả Pháp mà Tâm chẳng dính mắc ấy là VÔ NIỆM, liền biến khắp tất cả chỗ. 

     Cũng chẳng bị dính mắc tất cả chỗ. Chỉ định Bản Tâm khiến sáu Thức ra sáu cửa ở trong sáu Trần mà chẳng nhiễm, chẳng rối loạn, đi lại tự do thong dong không dính mắc tức là Bát Nhã Tam Muội, tự tại giải thoát gọi là hạnh VÔ NIỆM. 

“Nếu trăm vật chẳng nghĩ, thường khiến niệm dứt, tức Pháp bị trói gọi đó là “Biên Kiến””. 

Này Thiện Tri Thức, người ngộ Pháp VÔ NIỆM thì muôn Pháp đều Không, ngộ Pháp VÔ NIỆM đó thấy các cảnh giới Phật, ngộ Pháp VÔ NIỆM thì đến địa vị Phật”. 

 (Kinh Pháp Bảo Đàn – Lục Tổ Huệ Năng 638 – 713).

(1) Tựa người biên soạn. 

Với pháp này Tổ dạy: “VÔ NIỆM” là: 

- Nếu thấy tất cả pháp mà Tâm chẳng dính mắc ấy là VÔ NIỆM. Quan trọng ở chỗ: “Tâm chẳng dính mắc”.

- Cái làm cho dính mắc, cái đó là cái gì, và “dính mắc”, là dính mắc cái chi?

- Cái mà làm cho có sự dính mắc, đó chính là “CÁI NIỆM”. Và dính mắc đó chính là dính mắc cái “Trần cảnh”. Thế nên CÁI NIỆM nó là chất “keo” để dán dính “Căn” và “Trần” với nhau để có ra lắm niềm đau lắm nỗi khổ. Giờ đây bằng “Tâm chẳng dính mắc” mà sống tức là sống bằng cái Tâm không có NIỆM, thế nên qua tất cả khổ đau, không còn như con khỉ Tề Thiên Đại Thánh bị nhốt lấp trong Ngũ hành sơn nữa và Ngũ hành sơn bị tan vỡ biến mất (Ngũ uẩn, Ngũ ấm tan) thế nên cái Tâm liền biến khắp tất cả chỗ tự do tự tại, vô quái ngại, mà giải thoát không còn bị dính mắc tất cả chỗ.

Đó chính là năng lực VÔ NIỆM tác động. Nên hiệu năng của năng lực VÔ NIỆM là không thể nghĩ bàn! Nhưng làm sao để có được “NĂNG LỰC VÔ NIỆM” này?

“Để có được năng lực VÔ NIỆM” thì nhất định phải Ngộ ra được “BỔN TÁNH”, tức ngộ ra “TÁNH”. Nghĩa là phải “KIẾN TÁNH”. Kiến Tánh tức là Thấy Tánh.

Nhưng eo ơi, vì hai chữ “Thấy TÁNH” đã làm cho nhiều người phải lao đao phải khổ sở vì chữ “Thấy”, vì chữ “TÁNH”. Vì cứ ngỡ rằng “Thấy” là phải từ con mắt mà thấy nên cố trợn mắt để mà nhìn giống như con mắt của Tổ Bồ Đề Đạt Ma.  Hay không như vậy thì cho rằng cái thấy đó từ nơi cái Ý cái Trí mà thấy nên không ngớt lục lạo kiếm tầm để mong cho thấy được. Đây là cái điều đáng tiếc vô cùng mà Tam Tổ Tăng Xán đã không tiếc lời buông nhẹ một câu đầy lòng từ bi: “Còn tìm tức biết anh chửa thấy”.

Lại cứ tưởng cái TÁNH nó có hình thù như thế nào đó rồi cố tìm cố kiếm để thấy cho ra cái hình thù của cái TÁNH. Lại là một lần đáng tiếc thứ hai nữa: “Khiến anh chửa thấy”.

Mà không biết rằng “CÁI TÁNH” vốn là cái năng lực “Hay thấy” chớ không phải là cái “Bị thấy” là “đối tượng” thấy. Và cái Năng Lực Hay Thấy đó chính là “TÁNH” rồi, mà không phải tìm kiếm nơi đâu nữa! Cả nhắm mắt và mở mắt đều thấy cả mà không cần khởi NIỆM mới có cái thấy mới có sự thấy. Cái năng lực “Hay thấy” như vậy đó chính là “TÁNH”, là “Tự TÁNH”. Để diễn tả tình trạng ngớ ngẩn này nên Thiền Sư đã nói qua hình ảnh của một người gọi là “cõng Phật đi tìm Phật”. Việc này chẳng khác nào như người cầm một cái búa bằng vàng nặng 5kg mà đi đập đá phá đá để tìm vàng mà không hay không biết mình đang cầm trong tay 5kg vàng. Tình trạng này tội nghiệp chưa?! Tìm vàng cái kiểu như vậy thật là đáng tội nghiệp thay!

Đến đây xin mở một dấu ngoặc lớn để nói về cái TÁNH:

   Cái TÁNH, TÁNH là chữ Nho có hai âm hoặc là TÁNH hoặc là TÍNH. Người miền Bắc thường hay phát âm là TÍNH, người miền Nam phát âm là TÁNH. Chữ TÁNH này cho đến ngày nay Việt Nam vẫn chưa có tiếng dịch tương xứng nên vẫn thường dùng trong sách vở là chữ TÁNH hay chữ TÍNH như Phật TÁNH hay Phật TÍNH, TÁNH Chơn Như hay TÍNH Chơn Như hoặc Chơn TÁNH hay Chơn TÍNH mà chưa có được dịch ra tiếng Quốc ngữ. Nhưng theo ý nghĩa dùng như TÁNH Phật và TÁNH chúng sanh là đồng, TÁNH phiền não là TÁNH Bồ Đề là không khác. TÁNH KHÔNG không khác TÁNH Sắc và cả TÁNH KHÔNG không khác TÁNH Ngũ Uẩn. Điều đó có nghĩa là Phật chúng sinh không khác và không khác là không khác ở cái “TÁNH”. Nên có thể hiểu TÁNH có nghĩa là cái “NỀN” nơi chỗ phát sinh ra Phật và chúng sinh, cũng như đất là cái nền để phát sinh ra một cái nền xây dựng nhà lầu tốt đẹp mà cũng là cất lên một chiếc chòi cây lá lụp xụp, và cái điều này cho thấy rằng từ nền có ra một nhà cao đẹp và cũng từ nền có ra một chòi tranh lụp xụp (Phật và chúng sinh cũng là như vậy, cũng là đồng TÁNH tức cũng là cùng Nền). Nên cái nền cũng là không khác, cái không thay cái không đổi. Còn cái nhà, nhà lầu hay nhà lá có khác có thay có đổi. Thế nên chúng tôi mạnh dạn mà dịch chữ TÁNH ra chữ “NỀN”. Vậy “TÁNH” hay “TÍNH” có nghĩa là “NỀN” và nó mang tất cả ý nghĩa của chữ NỀN.

Trước hết NỀN là chỗ sinh ra các thứ và các thứ không có cái nào to rộng hơn NỀN và bền chắc như NỀN. Như nền trái đất, như nền nhà, nền của vũ trụ là những cái không thay không đổi, là những cái to lớn hơn tất cả các cái ở trong nó. Nó lại là bất động, lặng yên tuy nó chứa tất cả các cái, nhưng riêng bản thân của nó không có một vật nào trong ấy, nó là cái bất sinh bất diệt không thời gian, không không gian, nó là cái trường tồn trong cuộc sống. Nó là thứ không Cha không Mẹ không ai sinh ra nó cả.

Cái TÁNH vì vậy mà được hiểu như cái nền nhà, cái nền trái đất cái nền vũ trụ (cái hư không), nền Gia tộc, là nền máu thịt có ra cuộc sống này, là nền điện có ra sinh hoạt của biết bao dụng cụ điện đang hoạt động, là nền ti vi, là nền máy tính, là nền máy điện thoại để có ra những hình ảnh những mầu mè, những chữ, những cảnh vật trên đó.v. v. và. v. v.

Thế nên Cái TÁNH là Cái NỀN. Như vậy các thứ ở giữa này như đất, nước, gió, lửa đều có tánh cả thì tại sao cái Bản TÂM lại không có chứ?

- Cái TÁNH của Bản TÂM là gì?

- Cái TÁNH của Bản TÂM chính là KHÔNG (RỖNG). Đó là Cái TÁNH chân thật. Cái TÁNH chân thật này nó cũng giống như tánh của vũ trụ là hư không. Thế nên Cái TÁNH KHÔNG này có thể hiểu như tất cả tánh chất của hư không. Tuy nhiên Cái TÁNH của Bản TÂM này nó khác với tánh hư không một chút. Đó là hư không thì lại không hay biết còn Cái TÁNH KHÔNG này hay biết một cách rõ ràng. Nó biết ăn, Nó biết nói, Nó biết thở, Nó biết thấy, Nó biết nghe, Nó biết có cảm giác. Nhưng có điều trong TÁNH KHÔNG vốn không có NIỆM nào. Tạm hiểu TÁNH KHÔNG là như vậy, và TÁNH là như thế. Có TÁNH mới có đời sống, không TÁNH ở trong thân thì gọi là chết.

Cái TÂM và Cái TÁNH ở thế tương quan, tương liên như là cái tấm gương. Cái TÂM như là tấm gương, như là toàn thể tấm gương. Cái TÁNH như là sự trong suốt của gương, gương bao to thì sự trong suốt bao lớn, sự trong suốt này chỉ là trong suốt mà thôi, không có bóng hình nào trong đó cả. Bản TÁNH và Bản TÂM cũng là như vậy. Có TÁNH mới xác định đó là TÂM, cũng như có sự trong suốt mới xác định đó là gương. Nên có thể nói rằng TÁNH là “Năng Lực Sống” của chúng ta, của chúng sinh hữu tình. Không có “Năng Lực Sống” này chúng ta không thể sống được, không thể sinh hoạt được.

Sống tu là cần phải ngộ ra năng lực này, gọi là Ngộ “TÁNH”. Ngộ TÁNH là một tình trạng giống như trong tình trường người ta có “tiếng sét ái tình” thì người ta mới gọi là biết yêu và mới sống chết được với tình yêu. “Ngộ” cũng vậy, đó cũng là một thứ tiếng sét, nhưng là “tiếng sét tâm linh” mới gây chấn động để thay “hồn đổi xác”, là nhận ra TÁNH “hay ra” TÁNH mới dám sống chết với đời sống hành Đạo – sống chết cùng Đạo Thể.

Thế nên TÁNH là cái quan trọng nhất trong đời tu ở một con người “chịu tu”, không phải chỉ riêng cho Đạo Phật mà chung cho tất cả những ai muốn tu có sự tha thiết về con đường Giác Ngộ để giải thoát khỏi niềm đau nỗi khổ trong cuộc sống. Nên với người biết tu thì rất là trân trọng quý kính cái TÁNH này.


   “KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” 

Vả lại, “CÁI TÁNH” không phải chỉ có ở con mắt để thấy, mà nó còn có ở lỗ tai để mà nghe, ở lỗ mũi để biết thở, ở lưỡi để mà biết ăn biết nói biết uống, ở tay chân để biết đụng chạm biết đi đứng biết làm việc, ở nơi óc não để có sự hay biết, phân biệt. Nói chung “CÁI TÁNH” nó có khắp ở trên cơ thể con người trong khi đang sống (nhớ rằng có trên con người khi đang sống, khi chết thì không có) và CÁI TÁNH nó có suốt 24/24 giờ khi cái thân còn đang sống. Nó lại là một năng lực đặc biệt cho đời sống giữa này. Nó có nơi thân thì gọi là cái thân còn đang sống. Nó không có trên thân nữa thì gọi là thân chết.  Nhưng có điều thân thì có chết có sống, nhưng “TÁNH” thì không chết không sống nó lìa sống chết, việc này cũng giống như một cái ly và hư không trong ly. Cái ly, thành ly như là cái thân xác của chúng ta, còn cái hư không trong ly như là cái Tánh của chúng ta, thì cái ly có bể có tan xác như cái thân con người có tan có mất. Còn cái hư không trong ly thì không tan không mất nó hòa nhập vào trong hư không cũng như cái TÁNH ở người không mất khi thân xác tan hoại mà nó sẽ hòa nhập vào Bản Thể Pháp Giới như hư không trong ly hòa nhập vào hư không mênh mông.

Cái niềm đau nỗi khổ thì có trong CÁI NIỆM nhưng trong CÁI TÁNH vốn là không có niềm đau nỗi khổ. Và cái TÁNH này chính là “Nền” của NIỆM nó vốn là không có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi gì cả mà cái thực của nó là cái Rỗng và cái KHÔNG. Còn cái NIỆM thì đầy Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi. Thế nên khi nhận ra được cái TÁNH rồi thì chúng ta sẽ có một đời sống gọi là Mới là Rỗng là KHÔNG, đó chính là đời sống VÔ NIỆM. Cái đời sống VÔ NIỆM này nguyên cái TÁNH của nó vốn là Rỗng là KHÔNG là LẶNG, là TRONG. Thế nên VÔ NIỆM là thể đương nhiên VÔ NIỆM chứ không phải là do nơi diệt NIỆM mà có ra VÔ NIỆM này. Cái VÔ NIỆM này giống như tấm thân của ta vốn là lành mạnh không có bệnh hoạn gì nhưng do không khéo sống rồi bị nhiễm phong hàn làm nên bệnh. Thân ta vốn lành mạnh chứ không phải do trị được bệnh rồi mới có sự lành mạnh. Cũng như trong hư không có mây. Mà hư không là vốn không có mây chứ không phải do diệt mây mà hư không có cái rỗng sinh ra. Cái NIỆM giống như là mây giống như là cái bệnh, còn cái TÁNH giống như là “cái thân lành mạnh” và “hư không” vốn vắng lặng.

Cái TÁNH vốn là như vậy nó là cái rất thật ở nơi chúng ta nó có suốt ở nơi chúng ta 24/24 giờ và có khắp mọi nơi giống như cái hư không luôn phủ trùm chúng ta thế nên muốn thấy hư không là một điều dễ dàng mình có thể thấy ở bất cứ chỗ nào kể cả trong óc não. Nên muốn thấy hư không là một chuyện dễ dàng hơn là thấy sông thấy núi vì sông núi còn phải mất thời giờ đi kiếm còn hư không ở tại đây không có một khoảng cách nào, cái TÁNH nơi mình cũng vậy nó phủ trùm nơi mình, thế nên muốn thấy TÁNH là một chuyện dễ dàng không phải như hái sao trên trời hay mò trăng dưới biển mà chính nó có tại Tâm này khi còn đang sống, chỉ cần khi đang sống mà hông NIỆM là đủ. Tức hay khi sống bằng “Căn” giao tiếp với “Trần” mà không khởi NIỆM. Như vậy có nghĩa rằng khi thấy mà không có NIỆM thì cái ta thấy đó là TÁNH. Khi nghe mà không khởi NIỆM thì cái nghe đó là TÁNH khi thở mà không khởi NIỆM thì cái biết thở đó là TÁNH khi ăn khi uống khi nói mà không khởi NIỆM thì cái biết ăn biết nói cái đó là TÁNH khi sờ mó đụng chạm mà không khởi NIỆM thì cái đó là TÁNH. Trong cái não ở trong ở ngoài mà không khởi NIỆM thì đó là TÁNH. Như vậy rõ ràng TÁNH không phải là khó thấy mà sở dĩ không thấy được là do có sự khởi NIỆM mà thôi.

Cho nên khi kiến TÁNH rồi thì có được đời sống VÔ NIỆM. Có được đời sống VÔ NIỆM mà sống thì mọi việc Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi … mọi khổ đau đều biến mất. Điều này là rất thực không phải là sự tưởng tượng, rõ ràng là như vậy. Như khi chúng ta đi vào giấc ngủ ngon không mộng mị thì lúc đó chúng ta hoàn toàn không có khổ đau gì. Kể cả khi mình bị bom đạn mà chết hay bị người giết ngay khi đó cũng chẳng nghe khổ đau chi. Hạnh VÔ NIỆM là như vậy đó. “ĐÓ LÀ VÔ NIỆM CHÁNH TÔNG”. Là một thứ VÔ NIỆM đúng đắn chân chính VÔ NIỆM. Như vậy có nghĩa là còn có một thứ VÔ NIỆM mà không đúng đắn không chính xác mà khi đó gọi là “tà tông”.

Về cái VÔ NIỆM không chính đáng này được Tổ dạy: “Nếu trăm vật chẳng nghĩ, thường khiến NIỆM dứt, tức pháp bị trói gọi đó là “Biên Kiến””. (Biên Kiến: Cái thấy một bên, một chiều, một góc độ, một khía cạnh, chưa thấy hết trọn vẹn).

Điều này có nghĩa khi một người tu dùng một pháp nào đó một cách nào đó để mà diệt NIỆM làm chết NIỆM để được gọi là VÔ NIỆM thì không đúng chưa phải, đó là cái thấy một bên cái thấy một chiều một góc cạnh chưa thấy được trọn vẹn. Giống như bàn tay mới thấy được một mặt là lòng bàn tay hay lưng bàn tay thì chưa thực sự đúng. Điều này nhiều người tu đã mắc phải như dùng một lối tụng niệm nào đó một lối quán niệm nào đó để nhằm diệt NIỆM quyết định ăn thua đủ với NIỆM đè NIỆM để cho NIỆM không khởi dậy như là tập trung tư tưởng một cách nào đó để làm tắt NIỆM cho được VÔ NIỆM. Cái VÔ NIỆM này vì bị ép uổng, kèm cọng mà được VÔ NIỆM. Cho nên cái VÔ NIỆM này cũng chỉ là thứ VÔ NIỆM giả tạo giống như lấy đá đè cỏ để cho cỏ chết nhứt thời mà gốc rễ hãy còn, nên cỏ có thể sống lại. Nếu nói về trị bệnh thì cách đó chỉ là làm giảm cơn đau nhất thời (cách trấn thống) mà chưa thực sự là hết đau. Những cách như thế tu để diệt NIỆM tiêu NIỆM để tạm thời có được thanh tịnh, có được VÔ NIỆM thì đó là chưa đúng đắn chưa phải là Chánh tông. Hãy cẩn thận về điều này hãy nghe Tổ nhắc lại việc này: “NGƯỜI NGỘ PHÁP VÔ NIỆM” thì muôn pháp đều không, ngộ pháp VÔ NIỆM đó thấy các cảnh giới Phật, ngộ pháp VÔ NIỆM đó thì đến địa vị Phật thấy các “cảnh giới Phật”.

“Đến địa vị Phật” chúng ta không cầu mong được như vậy. Tuy nhiên khi sống được đời sống VÔ NIỆM mà sinh hoạt giữa cõi đời thì nhất định chúng ta sẽ bớt khổ đau cho đến không còn gì khổ đau nữa đối với Sinh, Lão, Bệnh, Tử đối với cơn Vô Thường biến động giữa cuộc đời này, đối với các pháp Nhân Duyên Sinh không còn là vấn đề để chúng ta có sự khổ đau nữa. Về chỗ này dù đối với pháp “Tứ Niệm Xứ” cũng vẫn thành tựu không còn bị dính kẹt bởi Tứ Xứ là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp mà vốn dĩ chấp dính vào Thân chấp dính vào Thọ, chấp dính vào Tâm, chấp dính vào Pháp mà có ra Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi… có nên đau khổ. Giờ sống bằng đời sống VÔ NIỆM thì vô hiệu hóa được Tứ Xứ, vì không Cái NIỆM để chấp, để dính vào Tứ Xứ, không còn chấp vào “Thân” mà có ra “Bất tịnh”, không còn chấp vào “Thọ” để có ra cái “Khổ”, không còn chấp vào “Tâm” để mắc vào đời sống “Vô Thường”, không còn dính vào “Pháp” để cho các Pháp (muôn sự muôn vật) là “chủ tể”, là thiệt nữa, mà nó là giả thôi. Vậy là Tứ Xứ được tan biến trở thành không, nên không còn gì khiến phải khổ đau nữa, giải thoát khỏi Tứ Xứ. Vậy là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc của Thân và Tâm và các cảnh Sắc. Như vậy cũng đủ lắm rồi!

Chúng ta sống được đời VÔ NIỆM có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được cả bài Kinh Bát Nhã vào đời sống. Tức là chúng ta đã thực hiện được chữ KHÔNG, chữ BẤT và chữ VÔ trong bài Kinh:

VÔ NIỆM = KHÔNG = BẤT = VÔ = MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

 Được vậy là chúng ta qua hết tất cả khổ nạn.

Thế nên chúng ta có thể hô to lên rằng: Hoan hô! VÔ NIỆM! Vạn tuế! Vạn vạn tuế VÔ NIỆM!

VÔ NIỆM là một pháp môn “không pháp môn”, nhưng là một pháp môn siêu tuyệt nhất, mà cũng là đơn giản nhất, nhưng cũng thật khó tin đối với người vô duyên.

 *

*      *

“CHƠN TÂM VÔ NIỆM”

Sống VÔ NIỆM thì hông NIỆM, hông có ý, hông có ý nghĩ, không có cái tôi, không có cái ta, không có cái tui, Vô Ngã không có làm phách, không có làm lối, không có làm tàng, không có Tham, Sân, Si… không có tham dục, không có Nghiệp, không có Báo chướng, không có Phiền Não chướng, không có Chúng sanh chướng, không có Xã hội chướng, không có niềm đau nỗi khổ, chỉ là một đời sống “CHƠN TÂM” lồng lộng đất trời.

   (“CHƠN TÂM VÔ NIỆM”. Đây là bốn chữ được Hòa Thượng Thích Thanh Từ, vị Tông Chủ của dòng Thiền Trúc Lâm, khi Ngài trụ ở Trúc Lâm Phượng Hoàng (Đà Lạt) Ngài đã cho khắc lên một tảng đá lớn ở trước cửa thất của Ngài bên cạnh ngôi tháp Xá Lợi Phật to lớn).

 

Tảng đá có khắc chữ Chơn Tâm Vô Niệm tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt

 

Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ và Chơn Tâm Vô Niệm

 

*

*   *

 

GIẢI NGHI VỀ “VÔ NIỆM”:

Cái VÔ NIỆM Đức Lục Tổ đã trình bày hay như vậy, nhưng vẫn có người không chịu tin, không chịu hiểu, không chịu chấp nhận. Người lại cho rằng nếu VÔ NIỆM, không có NIỆM thì làm sao mà hay ra được, biết ra được và làm sao để độ chúng sinh được vì không có Ý NIỆM nào?

Đáp:

- Người đã cho như vậy là cũng có lý do vì cho rằng đã là đời sống thì phải có sự hay biết, hiểu biết, nghĩ tưởng thì mới thật là một đời sống đúng nghĩa. Còn nếu sống mà không có sự hay biết hiểu biết và không có ý tưởng thì sao gọi là đời sống được?!

Với ý nghĩ này ý tưởng này không phải chỉ có một người mà có ở rất nhiều người, và cũng không phải chỉ có ở thời đại bây giờ mà ở vào thời Phật, người Thị Giả của Phật là Ngài A Nan đã thắc mắc mà thưa với Phật qua Kinh “Thủ Lăng Nghiêm”:

 - (Điều thắc mắc thứ 7 của A Nan về cái Tâm.

A Nan thưa với Phật:

-Thưa Thế Tôn, con được Phật yêu vì, nên có Tâm yêu mến Phật, nay con đã xuất gia, Tâm con nào chỉ cúng dường một Đức Như Lai. Dầu trải khắp hằng sa cõi nước, vâng lãnh của các Phật và các bậc Thiện Tri Thức, mà vẫn phát Tâm dũng mãnh để làm tất cả việc Phật Pháp khó làm, là con đều dùng Tâm này, cả đến việc khen chê Pháp, làm căn lành lui mãi đi nữa thì cũng là do Tâm này. Nếu điều phát minh của Phật là chẳng cho cái Tâm đó là TÂM, thì con lại không có cái TÂM, đã không “TÂM” thì khác gì cây cỏ. Nếu xa rời cái hiểu biết này thì con lại không có chỗ nào (bám) nữa hết”!).

Ngài A Nan đã thưa như vậy với Phật là đã chấp cái Tâm (Tâm Niệm) là mình là thật. Tức là đã chấp cái NIỆM là Tâm nên nếu không cho cái Tâm Niệm không phải là mình thì A Nan không chịu. Tức là A Nan không chịu cái “VÔ NIỆM” mới thật là mình. A Nan vì thế rất là một chúng sinh phàm phu chai luôn sống bằng NIỆM, chấp CÁI NIỆM cho đó là “TÂM” mình. Rất tội nghiệp cho A Nan đã không hiểu rằng: “cái Tâm Niệm” đó không có được có mặt suốt 24/24 giờ mà chỉ có vài tiếng đồng hồ mà thôi, nên cái Tâm Niệm đó là cái “Tâm” giả không thật. Tâm này lại là “Tâm” khách vì nó không thường có, giống như người Khách có trong nhà thôi mà không phải là “Chủ” nhà. Thế nên người khách có thể dọn hết của cải trong nhà làm kẻ trộm kẻ cắp mà khiến cho nhà trở nên nghèo xác nghèo sơ. Nếu nhà có Ông chủ thì không có sự việc đó xảy ra. Thế nên Tâm khách (có Tham, Sân, Si) làm cho chúng ta mất hết kho báu mà trở nên khốn khổ đành làm kẻ cùng tử lê lết trên khắp vỉa hè lục đạo mà phải chịu biết bao thống khổ. Vậy nên cái TÂM chủ (không có Tham, Sân, Si) mới là cái TÂM chính thật là ta nó có nơi ta suốt 24/24 giờ. Đó chính là cái “TÂM VÔ NIỆM” một thứ TÂM mà không có một khởi NIỆM dù nhỏ nào. Đó chính là “CÁI CHƠN TÂM” mà Đức Phật muốn chỉ ở Kinh Thủ Lăng Nghiêm – CHƠN TÂM VÔ NIỆM. Như vậy có nghĩa:

VÔ NIỆM ấy CHƠN TÂM

 Chỗ này Đức Phật đã dạy cho A Nan:

““Tôi chẳng khiến Ông chấp là chẳng phải TÂM, chỉ ở Tâm Ông phải suy xét nhỏ nhiệm, nếu rời tiền trần mà có “tính phân biệt” thì đó mới thực là TÂM của Ông””.

   “Nếu rời tiền trần mà có tính phân biệt”. Đây chính là khi mà rời tiền trần (cảnh sắc) mà vẫn có sự hay biết tức là khi mà “không có NIỆM” mà vẫn Hay Biết thì đó mới thực là TÂM của Ông. Như vậy có nghĩa là khi đối với Trần cảnh (cảnh sắc) vẫn thấy biết Trần cảnh mà không có NIỆM chen vô, thì cái thấy biết đó chính là TÂM của Ông. (Đây mới thực là cái TÂM chơn thật của chính Ông, được gọi là “CÁI CHƠN TÂM”).

(Kinh Lăng Nghiêm, quyển 1, quyển 2, quyển 3 nhằm khai thị cho A Nan rõ ra về “CÁI CHƠN TÂM” này. Và cuối cùng sau những lời khai thị ân cần khéo léo qua nhiều mặt của Phật đã khiến cho Ngài A Nan Ngộ ra về

   “CÁI CHƠN TÂM” của chính mình). 

 Chú ý:

1. Đừng bao giờ cho rằng phải có NIỆM, phải có ý NIỆM, phải có ý tưởng, mình mới biết mới hay biết mà không ngờ rằng khi có NIỆM, có Ý NIỆM thì chính nó đã làm mất đi cái sự hay biết của mình. Và cái sự “Hay biết” của mình không phải do có NIỆM mới có, chẳng những thế mà cái khả năng “Hay biết” nó lại có trước khi khởi NIỆM. Chính có cái “Hay biết” mới biết khởi NIỆM mà mới có ra NIỆM. Nó là cái TÁNH của NIỆM vốn là không có NIỆM nào trong đó. Cái TÁNH giống như nền giấy trắng nó vốn không có chữ nào trong đó, mà do có nền giấy trắng nên mới hiện ra chữ. Như vậy chữ là cái có sau nền giấy trắng, tức có giấy trắng rồi mới có chữ, và nền giấy trắng là rộng nhất có thể chứa rất nhiều chữ, cái TÁNH Hay Biết với CÁI NIỆM cũng như vậy. Cái TÁNH nó giống như màn hình tivi vốn là một mặt kính trong suốt không có hình ảnh nào trong đó, nhưng khi có điện thì những hình ảnh nổi lên từ nơi màn hình. Nhưng khi có hình ảnh thì màn hình vốn là trong suốt bất động rộng suốt và bao hàm các hình ảnh. Đến khi cúp điện thì những hình ảnh mất nhưng màn hình không mất vẫn là trong suốt. Cái NIỆM và TÁNH Hay biết cũng giống như màn hình và hình ảnh tivi vậy. Cái “Hay biết” như khi mình mở mắt ra thì liền thấy và thấy khắp, nhưng khi khởi NIỆM để thấy một người một vật nào đó thì cái “Hay thấy” của mình như bị gom lại để chỉ thấy một người một vật thôi mà không còn thấy khắp được nữa. Như khi chúng ta nằm trên sân thượng ngửa mặt nhìn trời trong đêm thì ngay khi đó chúng ta sẽ thấy khắp cả bầu trời, cả trăng cả sao những sao lớn sao nhỏ, sao xa sao gần, đông tây nam bắc đều thấy khắp tất cả kể cả những hiện tượng có trong bầu trời cũng đều thấy được hết như sấm chớp điện xẹt sao sa sao đổi ngôi đều thấy được hết. Nhưng khi chúng ta khởi NIỆM để nhớ một người, để nghĩ đến một người thì chúng ta sẽ mất hết về những cái thấy trước đó mà chúng ta chỉ còn thấy một người mà thôi, cái thấy mênh mông của mình nó trở nên thu hẹp một cách tối đa không còn thấy trước mắt nữa mà chỉ còn thấy trong đầu với hình ảnh người mình thương mình nhớ thôi. Thế nên biết cái NIỆM nó có hay có biết nhưng là rất giới hạn, trong khi đó cái VÔ NIỆM thì nó lại biết khắp tất cả, nhưng điều đặc biệt là cái VÔ NIỆM hay biết mà không có khởi NIỆM. “Hay biết” mà không khởi NIỆM mới thật là ly kỳ! Không phải cái “Hay biết” như vậy chỉ có ở mắt thôi, mà nó có cả ở sáu căn: Ở lỗ tai, ở lưỡi, ở lỗ mũi, ở tay chân, ở mình mẩy, ở óc, ở não, ở cùng mình. Đặc biệt nhất là ở căn lỗ mũi, chúng ta ai cũng có lỗ mũi nhưng ở lỗ mũi có điều đặc biệt mà chúng ta không hay không biết. Đó là từ khi chúng ta được sinh ra thì cái lỗ mũi nó liền biết thở biết hít vào và thở ra. Nó thở cho đến khi chúng ta hết thở gọi là chết, tuy vậy mà chúng ta chưa một lần “suy nghĩ” khởi NIỆM để mà thở. Cái lỗ mũi tự nó biết thở mà không cần đợi mình có NIỆM nó mới thở được. Thực ra cái lỗ mũi chính nó không biết thở, điều đó dễ hiểu như khi mình gọi là chết, lỗ mũi vẫn còn đó mà tại sao nó không thở được? Vậy nên biết cái gọi là năng lực thở đó nó không phải ở lỗ mũi không phải ở NIỆM mà cái đó được gọi là TÁNH hay là TỰ TÁNH. Đó chính là đời sống VÔ NIỆM là cái “CHƠN TÂM”. Đó chính là nguồn của cuộc sống. Nó là thứ có trước khi Cha, Mẹ sinh ra và vẫn tồn tại cho đến khi cái thân này tan rã. Nó có những đặc tính mà trong Kinh Bát Nhã đã nói: 

 BẤT SINH - BẤT DIỆT

 BẤT CẤU - BẤT TỊNH

 BẤT TĂNG - BẤT GIẢM …………………………...........

 Nó bất hết tất cả những cặp đối đãi ở trong cuộc sống này. Nó bất Nam bất Nữ (không giới tính). Đây là điều quan trọng nhất.

Nó bất đời bất Đạo bất thiện bất ác, bất Thiên Đường bất Địa Ngục, bất đau khổ bất hạnh phúc, bất buồn vui thương ghét. Bất và Bất, Bất hết, nó chính là Bất Nhị (không hai). Tánh nó là KHÔNG. (KHÔNG là một danh từ riêng chỉ cho cảnh giới Tâm linh siêu việt nhất. Chữ KHÔNG, hông phải là tính từ và luôn luôn phải được viết hoa in (KHÔNG)). Trong đó không có niềm đau nỗi khổ nào. Chữ KHÔNG này thì không có nghĩa là “no”, “not”, hay là “none” theo tiếng Anh. Nếu nói theo tiếng Pháp không có nghĩa là “non”, “ne pas”, “ne rien” mà phải viết là “Le vide”, còn nếu là tiếng Anh thì phải viết là “the emptiness”. Chữ KHÔNG này nói hoài không hết diễn tả hoài không rồi. Đó là chữ “bất khả tư nghì”. Cái VÔ NIỆM nó là năng lực “Hay biết” như vậy là một năng lực “Hay biết” mầu nhiệm được gọi là “LIỄU LIỄU THƯỜNG TRI” (Rõ ràng luôn BIẾT). Nhớ rằng đây là cái Biết linh tri mầu nhiệm nên chữ Biết này phải được viết hoa in (BIẾT) là một thứ Biết không có đối tượng, không phải biết ai, biết cái gì, biết thế nào? Cái Biết này không có buồn vui thương ghét không có sự thọ cảm là một thứ BIẾT VÔ NIỆM VÔ TRI. Nó không như cái biết bê thường (b) có đủ thứ cảm xúc có buồn vui thương ghét có Tham, Sân, Si vì cái biết này có NIỆM, theo NIỆM mà biết. Cái CHƠN TÂM này nó không bao giờ bị mất dù là cái thân xác có tan hoại đi nữa và cũng từ cái TÂM này mà có ra cái thân khác, cái đời sống khác (BẤT SINH – BẤT DIỆT). Hãy học cho hết Pháp Bát Nhã thì sẽ hiểu ra “CÁI VÔ NIỆM” này. Sẽ thông cảm được Pháp VÔ NIỆM mà Đức Lục Tổ Huệ Năng đã nói.

 

2. Về việc khởi ý khởi NIỆM để độ chúng sinh để làm Phật sự, hay để làm việc… Đây cũng là một vấn đề lớn, chỗ này có Kinh Đại Thừa cho rằng: “Bồ Tát cũng cần lưu lại ít phần Vọng Tưởng để mà lợi ích cho chúng sanh”. Tuy trong Kinh Đại Thừa có chỗ nói như vậy, rồi chúng ta theo đó mà tu và vẫn còn lưu lại ít phần Vọng Tưởng để lợi ích cho người thì đây là một điều hãy xét lại, hãy cẩn thận! Cũng trong Kinh, Kinh Văn Thù Sở Thuyết nói rằng: Từ dạo đó (khi thành Phật) cho đến hôm nay (Nhập Niết Bàn) ta chưa từng nói một lời (lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Tuy nói như vậy nhưng Đức Phật Ngài có cả 3 Tạng Kinh Điển ngôn ngữ rất là nhiều. Như vậy Ngài không có khởi NIỆM để mà nói, nhưng lại nói được rất nhiều. (Đã là Phật rồi thì làm gì còn NIỆM nữa để mà nói. Điều này không lạ chính con nít vẫn hay nói như thế, vẫn nói được như vậy.

Trong Kinh Kim Cang Đức Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề:

“Đức Như Lai đã có nói Pháp chăng?” Ngài Tu Bồ Đề thưa:

- Như con hiểu theo nghĩa của Phật nói, thì không có cái Pháp nhất định nào của Như Lai có thể nói được. Vì sao?

- Vì chỗ nói Pháp của Như Lai đều chẳng thể nắm được chẳng thể nói được, chỗ đó là chẳng phải Pháp chẳng phải phi Pháp, vì sao?

- Vì tất cả hiền thánh đều do “Trụ Pháp Vô Vi” mà có sai biệt.

“Trụ Pháp Vô Vi” mà có sai biệt.

“Vô Vi” đó chính là VÔ NIỆM. Trong VÔ NIỆM mà vẫn nên lời nên pháp lý.

Phẩm Tự trong Kinh Hoa Nghiêm ghi:

““TÁNH KHÔNG ấy rỗng rang, bặt dấu vết mà Chư Phật, Bồ Tát hiện bày la liệt như sao giăng, “Vắng lặng không lời” mà biển giáo sóng mòi mênh mông bát ngát””. Đây là chỗ chỉ cho thể Tánh vắng lặng tuyệt đối, mà lưu xuất nên lời nói thành Kinh điển không biết bao nhiêu.

Các Thiền Sư của dòng Thiền Tổ Sư hay nói:

“Nói Pháp cả ngày mà không động lưỡi. Hay ăn cơm cả ngày mà nhai không nát một hạt cơm, hoặc làm việc cả ngày mà không động đến tay chân. Hoặc đi trong nước mà không dấy sóng. Hay vào rừng mà không khua lá, hoặc đi trên cát mà không để lại dấu chân. Hay như Thiền Sư Trần Tôn Túc nói, chén rơi mà dĩa bể bảy mảnh (chỗ này khi Trần Tôn Túc nói với một vị Tăng: Bồ Đề Niết Bàn Chân Như Giải Thoát tức Tâm tức Phật. Ta đã nói thế ấy, ngươi lại nói thế nào? Tăng thưa: “Con chẳng nói thế ấy”. Sư bảo: “cái chén đánh rơi xuống đất cái dĩa bể thành bảy miếng”). Điều này có nghĩa khi Ngài nói ra một dọc câu nói:

“Bồ Đề Niết Bàn Chơn Như Giải Thoát tức Tâm tức Phật” mà không khởi Tâm động NIỆM, như cái chén rơi xuống đất mà không bể. Còn tuy Ông Tăng thưa ngắn gọn: “Con chẳng nói thế ấy” mà lại có khởi NIỆM chẳng khác nào cái dĩa bể thành bảy miếng. Tất cả những lối nói như vậy đều thể hiện một sức sống VÔ NIỆM. Trong VÔ NIỆM mà làm tất cả việc, mà dạy người. Như vậy rõ ràng VÔ NIỆM không phải là không hay không biết gây cho cuộc sống này các căn đều tê liệt. Chẳng những các căn không tê liệt mà còn sinh động, sống động hơn nhiều trở thành THẦN THÔNG cùng DIỆU DỤNG.

Đó chính là đời sống “CHƠN KHÔNG - DIỆU HỮU”, “BẤT BIẾN-TÙY DUYÊN, HAY TÙY DUYÊN - BẤT BIẾN”. Đây là đời sống của Đại Bồ Tát từ cấp 8 trở lên (theo phẩm Thập Địa Bồ Tát Kinh Hoa Nghiêm). Tức từ Bát Địa là Bất Động Địa tới Thập Địa là Pháp Vân Địa đều sống bằng cái hạnh: “VÔ CÔNG DỤNG HẠNH” (khi Tu không có khởi NIỆM để mà Tu, khi làm Phật sự mà không có khởi NIỆM khởi Ý làm. Tất cả đều từ TÂM Thanh Tịnh mà Lưu Xuất), tức “Tu mà không Tu, Chứng mà không Chứng” như người đi không bước mà vẫn đến như đi thang máy vậy. Vào tầng 1 đi tới tầng thứ 100 mà đôi chân không hề nhúc nhích (đến tầng 100 chỉ mất 2 phút).  Đại Bồ Tát tu được như vậy là nhờ vào công phu “VÔ NIỆM VI TÔNG”. (Không khởi NIỆM mà biết, lại biết một cách chính xác, biết một cách nhanh lẹ gọi là “phản xạ”. Đó là Năng Lực biết từ trung não chứ không phải từ tế bào chất xám ở vỏ não).

 

3. Thế nên người tu, nhất là người tu theo Thiền Tông thì phải cẩn thận đối với thuật ngữ “VÔ NIỆM” này. Chưa hiểu được thì xác định mình chưa hiểu để mà cố gắng học hiểu, chưa biết được thì hãy xác định mình chưa biết, để tìm các vị Thiện Tri Thức mà học hỏi cho biết ra. Chớ đừng có vội bằng cái niềm tin của Ý Thức, của NIỆM mà xác định rằng: “Tôi không tin pháp VÔ NIỆM”. đừng vội kết luận như vậy mà uổng cho mình đã được gặp Phật Pháp diệu mầu mà mình thì không được phần lợi ích tốt đẹp nào! Hãy cẩn thận và cẩn thận! Rất là cẩn thận! Đừng phát biểu trong nóng vội rất thiệt thòi cho mình!

Cuộc đời Đức Phật trước khi nhập Đại Niết Bàn, trước khi mất, Ngài đã nhắn nhủ: “Hãy Nương Tựa Chính Mình” chớ nương tựa một gì khác. Cái chính mình cái đó chính là “Bản Lai Diện Mục” (Cái Mặt Mũi Xưa Nay). Cái đó chính là BẢN TÂM là Phật TÁNH, là đời sống VÔ NIỆM chứ không phải là cái NIỆM (Cái NIỆM là cái giả là khách, không phải là cái chính mình). Cái chính mình là CHƠN TÂM, “CHƠN TÂM VÔ NIỆM”. Đời sống VÔ NIỆM đó là:

   Đời sống:

 -    CHƠN TÂM

 -    VÔ NIỆM

 -    VÔ TƯỚNG

 -    VÔ TRỤ

   Đó chính là TỰ TÁNH KHÔNG.

*

*  *

     

VÔ NIỆM VÀ CÁC LUẬN:

 

Luận Khởi Tín nói: Nếu được “VÔ NIỆM” thì gọi là “Nhập Chơn Như”.  VÔ NIỆM thì chứng Chơn Như. Chứng Chơn Như thì VÔ NIỆM.

VÔ NIỆM thì không tất cả tướng, không tất cả cảnh giới, tiêu mất tất cả Thời gian Không gian Thế Giới, huống là còn Nghiệp với Báo ư! Tại sao vậy?

- Vì năng thủ đã không thì sở thủ tất chẳng có.

Luận Khởi Tín cũng nói: “Ly Niệm là cốt yếu của sự tu hành. VÔ NIỆM là đạt đến mức chứng nhập Chơn Như”.

Ở sách Bồ Đề Đạt Ma Ngộ Tánh Luận: “Chẳng phải đuổi chi, tìm nhọc lắm”.

“Khá hay VÔ NIỆM mới thật cầu”.

Kinh Viên Giác nói: “Lóng lòng VÔ NIỆM là tùy thuận Viên Giác Tánh”.

Luận Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn của Thiền Sư Huệ Hải đệ tử của Mã Tổ cháu đời thứ ba của Đức Lục Tổ Huệ Năng. Ngài đã trả lời khi có người hỏi:

- Môn “Đốn Ngộ” này lấy gì làm Tông? Lấy gì làm Chỉ? Lấy gì làm Thể? Lấy gì làm Dụng?

Ngài đáp: - Lấy “VÔ NIỆM” làm Tông. “Vọng Tâm” chẳng khởi làm Chỉ. Lấy “Thanh Tịnh” làm Thể. Lấy “Trí” làm Dụng.

Hỏi: Đã nói VÔ NIỆM làm Tông, chưa biết VÔ NIỆM là VÔ NIỆM nào?

Đáp: VÔ NIỆM là không tà niệm, chớ chẳng phải không Chánh Niệm.

Hỏi: Thế nào là tà niệm? Thế nào là Chánh Niệm?

Đáp: Niệm có niệm không là niệm tà, chẳng niệm có không là niệm Chánh; Niệm thiện, niệm ác là niệm tà, chẳng niệm thiện ác là niệm Chánh; cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả, oán thân, yêu ghét thảy đều là niệm tà, chẳng niệm khổ vui… là niệm Chánh.

Hỏi: Thế nào là Chánh Niệm?

Đáp: Chánh Niệm là chỉ Niệm Bồ Đề.

Hỏi: Bồ Đề có thể được chăng?

Đáp: Bồ Đề không thể được.

Hỏi: Đã không thể được làm sao chỉ niệm Bồ Đề?

Đáp: Bồ Đề chỉ là danh tự giả lập, thật không thể được. Cũng không có trước sau được. Vì không thể được nên không có NIỆM. Chỉ cái không Niệm ấy gọi là Chân Niệm. Bồ Đề không có chỗ niệm. Không có chỗ niệm tức là tất cả chỗ không tâm, ấy là không có chỗ niệm.

Những lối giải “VÔ NIỆM” như trên, đều là tùy sự phương tiện giả lập danh tự, vẫn đồng một thể, không hai không khác. Cốt biết tất cả chỗ không tâm tức là “VÔ NIỆM”. Khi được VÔ NIỆM thì tự nhiên giải thoát. 

   (Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ đã dịch vào năm 1971 Tu Viện Chơn Không).

 

KỆ VÔ NIỆM

 

“VÔ NIỆM VI TÔNG”:

     Ấy là “Pháp môn”

 - Một Pháp môn vi diệu

 - Một Pháp môn tối thượng

 - Một Pháp môn tuyệt vời

 - Một Pháp môn “number one”

 - Một Pháp môn “dzách lầu” (số 1)

 - Một Pháp môn “Trời Thần kính nể”

 - Một Pháp môn Ma Quỷ “khiếp oai”

 - Một Pháp môn “Chư Thiên đồng tán thán”

 - Một Pháp môn “chư Bồ Tát hộ trì”

 - Một Pháp môn “chư Phật đồng hộ niệm”

 - Một Pháp môn “Tam chướng tiêu trừ”

 - Một Pháp môn “Khổ đau biến mất”

 - Một Pháp môn “Tự tại vô quái ngại”

 - Một Pháp môn “thậm thâm vi diệu”

 - Một Pháp môn “Bất khả tư nghì”.

 

Ô! Vạn! vạn tuế “ĐỜI SỐNG VÔ NIỆM”.

Hạnh phúc là đây! “Cực Lạc” là đây!

Mười phương lồng lộng TÂM - CHƠN TÂM.

Pháp giới mênh mông, Pháp giới tròn.

Khổ đau đâu nữa?! – Ta chào Mi!!!

“Giải thoát”! Thật giải thoát!

“Giải thoát Sinh – Tử”! 

Hãy tu như vầy! Hãy tu như đây!

Tu vầy tu như đây!

 

   Mới kịp thời đại!

 - Thời đại “bấm nút, thời đại 4.0”

 - Thời đại “Bom nguyên tử”

 - Thời đại “Dịch”.

 

Ít lời mến trao nhau. Xin muôn đời nguyện cùng nhau làm Pháp Lữ.

 NAM MÔ PHẬT

 

     Sinh nhật lần thứ 74

     Chùa Giác Thiên

     Đầu hạ năm Con Trâu

     HT Thích Như Phước Tú

     Đắc Huyền

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88928
  • Online: 35