Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 01)
01/05/2023 | Lượt xem: 1424
HT.Thích Thanh Từ
LỜI DỊCH GIẢ
Quyển Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn là một quyển luận nhỏ, nếu căn cứ phần lượng mà nói thì không thấm vào đâu đối với tam tạng giáo điển, nếu nhìn vào phẩm mà bàn là một viên ngọc quý vô giá của Thiền tông nói riêng, của Phật giáo Đại thừa nói chung. Vì thế, sau khi xem nó, Mã Tổ bảo chúng “Việt Châu có Đại Châu tròn sáng thấu suốt tự tại không ngại”. Đành rằng Mã Tổ nói Đại Châu là ngầm ý chỉ thiền sư Huệ Hải, song sự thâm ngộ của thiền sư Huệ Hải được bày hiện dưới mắt Mã Tổ qua quyển luận nhỏ này.
Tên Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn nghĩa là “Cửa trọng yếu chóng ngộ vào đạo”. Người tu hành muốn được mau ngộ tất nhiên phải bước vào cửa này, chứ không còn cửa nào khác. Bởi vì cửa này là cửa tiến thẳng vào thẳng không quanh co, không mượn nhiều phương tiện. Tiến thẳng vào thẳng cái gì? Tiến thẳng đến vô sanh, vào thẳng Phật tánh. Những pháp tu khác hầu hết đều chỉ dạy từ từ, từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu. Duy pháp Đốn Ngộ này: “Ngay nơi sanh diệt nhận vô sanh, ngay nơi phàm phu thấy được Phật tánh.” Ta hãy nghe trong đây định nghĩa Thiền định: “Vọng niệm chẳng sanh là Thiền. Ngồi thấy bản tánh là Định.” Thiền không có nghĩa là ngồi, mà trong bốn oai nghi tâm đều thanh tịnh sáng suốt không có một vọng niệm dấy khởi. Định không có nghĩa chú tâm vào một cảnh, mà thấy được bản tánh của mình. Bản tánh tức là Phật tánh hay chân tâm. Bản tánh không sanh không diệt, nên tâm không chạy theo cảnh sanh diệt. Định ấy mới thật chân định.
Pháp tu Đốn Ngộ này thật đơn giản, mà rất siêu việt. Vì lời dạy rất bình dị nằm gọn trong một vài câu là đủ tu giải thoát. Như một câu trong đây: “Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm.” Mới đọc qua chúng ta thấy nó rất tầm thường, song nhận xét kỹ sẽ thấy nó hiện đầy đủ Như Lai thanh tịnh thiền hay Kim cang tam-muội, Pháp hoa tam-muội v.v... Thật vậy, “việc đến chẳng nhận” tức là tám gió thổi chẳng động. Bởi vì việc lợi, việc suy, việc hủy nhục, việc đề cao, việc khen ngợi, việc chê bai, việc khổ, việc vui đến, tâm đều không chấp nhận. Do tâm không chấp nhận nên không động, mà luôn luôn an nhiên trước mọi cảnh. Thế không phải Đại định là cái gì? “Tất cả chỗ không tâm”, tức là trong mọi trường hợp, mọi thời gian không khi nào phóng tâm chạy theo ngoại cảnh. Tâm không theo cảnh là tâm như như hay là Đại Bát-nhã. Thế là đầy đủ Như Lai thiền rồi.
Bởi lời dạy cao siêu chắc thật này, nên thiền sư Huệ Hải dám đoan quyết với chúng ta rằng: “Các ông nếu y theo lời dạy đây tu, mà chẳng được giải thoát, tôi xin trọn đời thay các ông chịu tội trong đại địa ngục.” Thiền sư đã khéo dùng lời vấn đáp để chỉ dạy cho chúng ta dễ trực nhận, mà lại còn dám cam đoan y đó tu hành sẽ được giải thoát, bằng không ngài sẽ chịu tội địa ngục thế cho chúng ta. Thật còn gì đại bi bằng. Nếu chúng ta đủ duyên cầm trên tay quyển luận này mà không chịu y đó tu hành, thật là chúng ta đã cô phụ ơn ngài!
Khi phiên dịch quyển luận này, chúng tôi mong quý độc giả cùng chúng tôi đồng nỗ lực tiến thẳng đường chim mà chư Phật chư tổ nói chung, thiền sư Huệ Hải nói riêng, đã vạch và đã đi. Mong thay!
Tu viện Chơn Không Cuối Xuân Tân Hợi 1971
Kính ghi
THÍCH THANH TỪ
TIỂU SỬ
THIỀN SƯ ĐẠI CHÂU HUỆ HẢI
Chánh văn:
Sư họ Châu quê ở Kiến Châu, theo Hòa thượng Đạo Trí chùa Đại Vân ở Việt Châu xuất gia học đạo.
Sơ khởi, Sư đến tham vấn Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Từ đâu đi đến? Sư thưa:
- Ở Việt Châu chùa Đại Vân đến.
- Đến đây tính cầu việc gì?
- Đến cầu Phật pháp.
Mã Tổ bảo:
- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Sư lễ bái thưa:
- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
- Chính nay ngươi hỏi ta là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu nói này, Sư tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ. Sư ở lại đây hầu Mã Tổ sáu năm.
Giảng:
Người xưa chỉ qua một câu hỏi và một câu đáp liền nhận được kho báu nhà mình. Ngày nay chúng ta học hết bộ kinh này tới bộ luận kia, năm này sang năm nọ mà kho báu nhà mình vẫn chưa nhận được. Đó là chỗ khác biệt.
Ngài Huệ Hải là một vị thiền sư ngộ đạo nhưng không muốn lưu truyền danh tiếng mình trên thế gian, bất đắc dĩ ngài mới nhận chúng dạy tu. Về sau, khi lớn tuổi ngài lẩn tránh không ở những chùa to, những nơi danh tiếng, vì thế chúng ta không biết rõ năm sanh năm mất của ngài. Chỉ biết ngài sống khoảng thời Trung Đường.
Khi tìm đến Mã Tổ, Mã Tổ hỏi đến đây tính cầu việc gì thì ngài thưa đến cầu Phật pháp. Tất cả chúng ta khi tìm đến các bậc thiền sư chắc cũng trả lời như vậy. Mã Tổ nói kho báu nhà mình không đoái hoài, bỏ nhà đi tìm cầu cái gì? Ta trong ấy không có một vật,cầu Phật pháp gì? Câu trả lời nghe rất lạnh nhạt. Như ngày nay chúng ta là người nhiệt tình sẽ sốt sắng nói: Ông muốn cầu Phật pháp thì ở lại đây tôi sẽ dạy cho, một năm hai năm gì đó học rồi tu. Nhưng Mã Tổ quở, ông bỏ kho báu nhà mình chạy ra ngoài tìm cầu, đi tìm cái gì? Ta không có gì hết, nếu cầu được thì có cái để xin, có cái để cho. Qua ý chỉ này, chúng ta nhận ra kho báu nhà mình chưa? Có kho báu rồi sao không chịu lấy ra dùng, mà than nghèo than dốt đủ thứ.
Như vậy các bậc thầy, kể cả đức Phật có gì để cho chúng ta không? Phật không có gì để cho hết, ngài chỉ kho báu để tự mỗi người sử dụng. Chúng ta có thói quen thường trông mong ỷ lại nơi Phật, cầu xin ngài ban cho đủ mọi thứ, nhiều khi xin những cái không thể được mà cũng cứ xin. Đó là học Phật mà không hiểu gì về Phật. Đức Phật tự xưng là bậc đạo sư, là thầy chỉ đường. Ngài thấy rõ con đường nào đưa đến khổ đau, con đường nào đưa đến an vui, ngài chỉ đường rồi chúng ta tự đi, ngài không làm gì cho chúng ta được, việc tu là như vậy.
Mỗi người có một kho báu, vị thầy chỉ ra rồi thì chúng ta tự do dùng, được giàu có sung sướng, thầy không cho chúng ta gì hết. Nói truyền đạo thật ra không có gì để truyền. Thầy nói để trò nhận, nhận được ứng dụng được gọi là khéo tu, không ứng dụng được thì chưa khéo tu, vậy thôi. Vì thế Mã Tổ nói rất chí tình: Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp gì?
Sư lễ bái thưa: Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
Chỗ này quý vị phải lặng tâm nghe trả lời. Mã Tổ bảo: Chính nay ngươi hỏi ta là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ tìm cầu bên ngoài. Nói khác đi một chút: Mọi người đang ngồi đây nghe tôi giảng, cái biết nghe giảng đó là kho báu, mỗi người tự sử dụng đầy đủ. Nếu không biết nghe chắc không ai đến đây, phải không? Đến đây thì ai cũng biết nghe hết. Tôi không có gì để cho, mỗi người tự có kho báu hiển lộ nơi mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm... có sẵn rồi không ở đâu xa, chỉ nhận ra rồi sống với nó. Nghe có khác với nghĩ không? Khi lắng nghe tôi giảng, nghe lúc đó có nghĩ không? Không nghĩ, lắng nghe có hiểu không? Hiểu. Nghe hiểu mà không suy nghĩ, đó là kho báu của quý vị. Biết nghe tức là có kho báu, nhưng nghe thì nghe đừng thêm cái gì hết. Tổ Lâm Tế nói: “Các ông muốn biết Phật tổ chăng? Chính trước mắt các ông hiện nghe pháp ấy vậy.” Tổ chỉ thẳng kho báu chúng ta đang sử dụng, biết nghe pháp biết nói pháp, không thêm một chút suy nghĩ gì.
Ngay câu nói của Mã Tổ, ngài Huệ Hải tự nhận bản tâm không do hiểu biết, vui mừng lễ tạ. Đó là thành tựu buổi tham vấn. Sự tham vấn và học đạo của các ngài rất đơn giản mà cũng rất thâm thúy. Ngày nay chúng ta học đạo thường hay tìm kiếm bên ngoài, không chịu quay lại nhận nơi mình. Đó là một thiếu sót.
Chánh văn:
Sau vì bổn sư tuổi già, Sư phải về phụng dưỡng. Từ đây, Sư tàng ẩn chỗ thâm ngộ của mình, hiện bề ngoài như kẻ tầm thường. Sư thầm soạn quyển Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn này, bị Huyền Ấn là cháu trong pháp môn lén lấy đem trình Mã Tổ.
Mã Tổ xem xong, bảo đại chúng:
- Việt Châu có Đại Châu (hạt châu lớn) tròn sáng thấu suốt, tự tại không ngại.
Giảng:
Mã Tổ khen ngài là người đã ngộ đạo, tròn đủ không còn thiếu thốn nữa và xứng đáng làm thầy người rồi.
Chánh văn:
Khi ấy, ở trong chúng có người biết Sư họ Châu bèn rủ nhau lần lượt tìm đến thưa hỏi và nương tựa. Từ đó, người ta gọi Sư là Hòa thượng Đại Châu.
Sư từng từ chối không chịu chỉ dạy, nhưng chúng cứ khư khư theo hầu, bất đắc dĩ Sư phải dùng biện tài vô ngại để giáo hóa.
Giảng:
Tiểu sử không nói rõ ngài trụ chùa nào và tịch lúc nào.
Các bài mới
- Đạt Ma Tổ sư luận giảng lục- Phần 3: Phá tướng luận - 19/12/2022
- Đạt Ma Tổ sư luận giảng lục- Phần 2: Ngộ tánh luận - 31/10/2022
- Hiển Tông Ký - Thiền sư Thần Hội giảng giải (Phần 02) - 26/03/2020
- Hiển Tông Ký - Thiền sư Thần Hội giảng giải (Phần 01) - 13/03/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 10 - PHÓ CHÚC LƯU THÔNG - 26/02/2020
Các bài đã đăng
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 09 PHÁP MÔN ĐỐI NHAU CHỈ DẠY - 23/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 08 - ĐƯỜNG TRIỀU CHIẾU THỈNH - 21/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 07 - NAM ĐỐN BẮC TIỆM - 05/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 06 THAM THỈNH CƠ DUYÊN - 26/01/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 05 TRUYỀN HƯƠNG SÁM HỐI - 09/01/2020
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89106
- Online: 42