Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 02)

04/05/2023 | Lượt xem: 1226

HT.Thích Thanh Từ

ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN GIẢNG GIẢI 

Chánh văn:

Cúi đầu đảnh lễ chư Phật khắp mười phương, các chúng Bồ-tát lớn. Nay con soạn luận này, sợ e không hợp tâm Phật, xin cho con sám hối; nếu hợp tâm Phật, trọn đem bố thí tất cả hữu tình, nguyện đời sau đều được thành Phật.

Giảng:

Xưa nay các vị làm luận, trước hết thường kính lễ Tam bảo, cho nên ở đây mở đầu ngài đảnh lễ Phật khắp mười phương cùng chúng Bồ-tát lớn.

Nay soạn luận này e không hợp tâm Phật, tuy chỗ tu chỗ thấy như vậy nhưng sợ viết ra không đúng với lời Phật. Những gì không hợp tâm Phật con xin sám hối; nếu hợp tâm Phật, con xin trọn đem bố thí cho tất cả hữu tình, nguyện đời sau đều thành Phật. Nay chúng ta được nghe, được đọc lời phát nguyện của ngài thì cũng sẽ thành Phật. Đó là nguyện lớn của ngài.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Phải tu pháp gì chóng được giải thoát? 

Đáp: Chỉ có một môn đốn ngộ là chóng được giải thoát. 

Hỏi: Thế nào đốn ngộ? 

Đáp: Đốn là chóng trừ vọng niệm. Ngộ là ngộ không chỗ được. 

Giảng: 

Tạo luận này, ngài Huệ Hải giả lập những câu vấn đáp để nêu rõ yếu chỉ. Chúng ta nghe thật kỹ rồi tự nhận, tìm kiếm suy nghĩ thì trái xa.

Vào đầu, hỏi tu pháp gì chóng được giải thoát, ngài bảo rằng chỉ có một môn đốn ngộ là chóng được giải thoát. Hỏi, thế nào là đốn ngộ? Giải thích, đốn là chóng trừ vọng niệm, ngộ là ngộ không chỗ được. Sao gọi là ngộ không chỗ được? Trong kinh Kim Cang, Lục Tổ ngộ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là nên không có chỗ trụ mà sanh tâm vô thượng Bồ-đề. Trụ là dính mắc, tâm không chỗ trụ là không trụ nơi sắc thanh hương vị xúc pháp. Người muốn ngộ đạo thì đối với sáu trần tâm đừng dính mắc, không dính kẹt chỗ nào mới gọi là ngộ đạo, vì thế gọi là ngộ không chỗ được.

Việc ngộ đạo mới nghe rất đơn giản, nhưng trên phương diện tu thì dễ hay khó? Ai cũng than khó, với tôi thấy dễ. Tại sao? Dính thì phải cột trói tốn công, thấy mà không dính thì rất khỏe, rỗng rang. Ví dụ nghe người ta nói chạm đến tên mình, họ nói gì mặc họ, qua rồi thôi khỏe ru. Khi nghe đụng chạm đến mình mà dính thì tất nhiên rộn ràng khó chịu.

Tại sao chúng ta chịu dính hơn chịu buông? Việc lẽ ra là dễ mà chúng ta cho là khó, việc lẽ ra là khó thì chúng ta nói là dễ. Như muốn có món đồ tốt đẹp, phải làm cực khổ để có tiền mua, thấy đồ tốt đẹp không dính gì hết thì có khổ không? Thấy trăm thứ mà không muốn gì hết, đi chợ một buổi về nhà tâm rảnh rang. Nếu dính thì về nhà cái này chưa vừa ý, cái kia muốn mua... đủ thứ hết, bị khổ hoài.

Tu muốn chóng ngộ đạo thì đừng dính vào bất cứ thứ gì. Dính là tâm suy tưởng, phân biệt hơn thua phải quấy... Nếu không dính thì không suy nghĩ tính toán, chính là tâm đang nghe pháp. Tâm đó là kho báu nhà mình, nhận và sống được tâm này là ngộ đạo. Giản đơn như vậy mà chúng ta quen cái khó, thích khó mà không thích dễ. Phật không cho gì, chỉ dạy chúng ta đừng dính, một chữ xả là đủ tu.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Từ cái gì mà tu?

Đáp: Từ căn bản mà tu. 

Hỏi: Thế nào từ căn bản mà tu?

Đáp: Tâm là căn bản. 

Hỏi: Làm sao biết tâm là căn bản? 

Đáp: Kinh Lăng-già nói: “Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt.” Kinh Duy-ma nói: “Muốn được tịnh độ phải tịnh tâm ấy, tùy tâm ấy tịnh là Phật độ tịnh.” Kinh Di Giáo nói: “Chỉ kìm tâm một chỗ, không việc gì chẳng xong.” Kinh nói: “Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, ngu nhân cầu Phật chẳng cầu tâm, trí nhân điều tâm chẳng điều thân, ngu nhân điều thân chẳng điều tâm.” Kinh Phật Danh nói: “Tội từ tâm sanh lại từ tâm diệt.” Thế nên biết, tất cả thiện ác đều do tâm mình, do đó nói tâm là căn bản. 

Giảng: 

Tu là trở về cái tâm sẵn có của mình, không phải tu cái gì ở ngoài. Tất cả đều có tâm, nhưng chúng ta chỉ thích tu những gì có hình tướng hiện ở ngoài, còn cái thầm lặng ở nội tâm thì ít ai để ý, ít ai biết xoay trở lại.

Kinh Lăng-già nói: Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tất cả những gì chúng ta tạo tác, đều gốc từ tâm khởi. Tâm đặt tên tất cả pháp, khi tâm lặng thì tất cả việc theo đó mà hết. Vì gốc từ tâm nên phải tu tâm. 

Kinh Duy-ma-cật nói: Muốn được tịnh độ phải tịnh tâm ấy, tùy tâm ấy tịnh là Phật độ tịnh. Chúng ta tu muốn được cõi thanh tịnh thì phải thanh tịnh tâm của mình, tùy tâm thanh tịnh cõi Phật sẽ thanh tịnh. Ví dụ gần nhất, khi trong tâm chúng ta có điều buồn giận không thể chịu nổi, mình đi ra hoa viên hay nơi nào để giải khuây. Nhưng trong lòng còn đang tức giận buồn phiền thì đến những nơi đó có vui không? Tới đâu cũng tràn ra cái giận cái phiền.

Nếu nội tâm an lạc tự tại, đứng bên cánh đồng hay vườn hoa cũng thấy an lạc, đứng chỗ nào cũng an lạc hết. Như vậy thì an lạc từ tâm mà có. Tâm chúng ta thế nào thì cảnh như thế ấy. Muốn được sanh về tịnh độ mà tâm cứ sân hận hoài, có sanh về được không? Tâm mình không tịnh làm sao về Tịnh độ? Vì thế nói, tùy tâm ấy tịnh là Phật độ tịnh. Nếu tâm bất tịnh thì uế độ hiện, không thể có tâm uế mà cõi tịnh được.

Kinh Di Giáo nói: Chỉ kìm tâm một chỗ, không việc gì chẳng xong. Vì tâm chúng ta lăng xăng điên đảo, nên làm việc gì cũng lăng xăng điên đảo. Nếu tâm yên lặng không dấy động thì mọi việc đều bình an, việc gì cũng xong. Không thể cầu ở việc ngoài tốt mà phải cầu ở tâm mình tốt trước.

Kinh nói: Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, ngu nhân cầu Phật chẳng cầu tâm. Chúng ta cứ chạy tìm Phật bên ngoài, không nhìn lại tâm mình. Tâm

thanh tịnh sáng suốt đó là Phật, không chịu nhận cứ nay lạy Phật này, mai lạy Phật kia, Phật này không linh, Phật kia linh hơn... Nuôi dưỡng tâm như vậy thì tự biết mình là người ngu. Nếu là thánh thì biết Phật ở trong tâm, tự mình quay lại chữa trị những phiền não xấu xa cho sạch; chạy đi kia đi đây mà tâm không sạch thì không bao giờ gặp Phật.

Trí nhân điều tâm chẳng điều thân, ngu nhân điều thân chẳng điều tâm. Người trí xoay lại xem tâm mình đã đầy đủ trí tuệ chưa? Tâm mình đã thanh tịnh chưa? Tâm mình có từ bi không?... Đặt câu hỏi để điều phục tâm. Người ngu thì giữ thân cẩn thận, lo cho khỏe thân mà quên tâm của mình. Thân có giữ giỏi mấy một trăm năm cũng hoại, tâm sẵn có không hoại bao giờ. Vì nó không có hình tướng, không phải duyên hợp. Cái không hoại mà không chịu quay lại tìm, cứ lo giữ cái sắp hoại, đó là trí hay không trí? Đây là lời nhắc nhở tha thiết.

Kinh Phật Danh nói: Tội từ tâm sanh lại từ tâm diệt. Khi nghe một câu nói trái tai liền nổi giận, liền có những ý niệm xấu ác khởi lên, đó là tội từ tâm sanh. Chờ tới rằm, ba mươi lạy Phật sám hối cho hết tội hay sao? Dù thân này lạy nhừ tử, lạy đổ mồ hôi hột, tội hết chưa? Nếu vừa khởi niệm ác, muốn làm ác mà chưa làm chưa nói, liền sực tỉnh: đó là nhân đau khổ, vừa dấy lên phải bỏ đi, nhân đau khổ không sanh trưởng thì không tạo tội. Biết quay lại chiếu soi để thấy lỗi lầm của nội tâm rồi ngay đó chừa bỏ, ngay đó ngăn dừng là hết tội. Lạy Phật nhiều mà tâm không chừa bỏ, lạy Phật rồi chứng nào tật nấy y nguyên, biết bao giờ mới hết tội? Tuy sám hối là tốt, nhưng phải biết chiếu rọi lại tâm mình. Nhân tạo tội từ tâm, muốn diệt tội cũng phải từ tâm, như vậy mới đúng ý nghĩa sám hối.

Tất cả thiện ác đều do tâm, nên nói tâm mình là căn bản. Tu từ căn bản là tu nội tâm của mình, đó là điểm trọng yếu. Người chân thật quyết tu phải luôn luôn quay lại xem nội tâm đã làm gì? Khởi niệm nào tốt, niệm nào xấu? Niệm xấu phải ngừa đón chặn lại đừng cho nó sanh, đó là biết tu. Nếu ai cũng biết tu như vậy thì xã hội rất tốt đẹp, không có người liều lĩnh làm những tội ác tày trời. Ai có niệm xấu liền chặn lại, tự nhiên thế gian này trở thành cõi Cực lạc.

Chánh văn: 

Nếu người cầu giải thoát trước phải biết căn bản. Nếu chẳng đạt được lý này, luống uổng nhọc công, từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, thật không thể được. Kinh Thiền Môn nói: “Từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể thành. Từ giác quán bên trong mà tu, bằng khoảng một niệm liền chứng Bồ-đề.” 

Giảng: 

Ngài so sánh cho chúng ta thấy hai cách tu, tu dùng tướng bên ngoài và tu quay về nội tâm. Muốn giải thoát mà tu hình tướng bên ngoài thì không bao giờ được kết quả. Nếu biết quay lại nội tâm chiếu soi, thì trong khoảng một niệm liền chứng Bồ-đề. Như vậy có khó tin lắm không? Bồ-đề là giác, vừa soi thấy tâm mình đang nóng giận biết nó là hại là tai họa, liền bỏ hết nóng giận. Chỉ trong một niệm liền chứng Bồ-đề, là giác. Nếu chạy theo nó thì mê lầm tạo tội, nếu biết xoay lại nhìn biết nó là xấu là lỗi lầm, chừa bỏ đi, đó là giác. Mê là chúng sanh, giác là Phật. Mê là phiền não, giác là Bồ-đề. Chỉ cần biết xoay lại tâm mình, tỉnh giác từng phút từng giây, đó là Bồ-đề. Bồ-đề ngay trong tâm mình không đâu xa.

Chánh văn: 

Hỏi: Tu căn bản phải lấy pháp gì để tu? 

Đáp: Chỉ tọa thiền, thiền định liền được. Kinh Thiền Môn nói: “Cầu trí thánh của Phật, cốt phải thiền định. Nếu không thiền định, thì niệm tưởng xao động, phá hoại căn lành kia.” 

Giảng: 

Muốn tu tâm mình thì phải làm sao? Chỉ tọa thiền, thiền định liền được. Nhờ tọa thiền nên tâm định, tâm định thì không còn xao xuyến buồn vui thương ghét, không buồn vui thương ghét thì không tạo nghiệp, đó là giải thoát. Nếu không thiền định thì niệm tưởng xao động, phá hoại căn lành của chúng ta.

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào là thiền? Sao là định? 

Đáp: Vọng niệm chẳng sanh là thiền. Ngồi thấy bản tánh là định. Bản tánh là tâm vô sanh của ông vậy. Định là đối cảnh tâm không sanh, tám gió thổi chẳng động. Tám gió là: lợi (tài lợi), suy (suy hao), hủy (hủy nhục), dự (đề cao), xưng (khen ngợi), (chê bai), khổ (đau khổ), lạc (vui vẻ). Nếu người được định như thế, tuy là phàm phu mà liền vào vị Phật. Vì sao? Kinh Bồ-tát Giới nói: “Chúng sanh thọ Phật giới, liền vào ngôi vị chư Phật.” Người được như thế gọi là giải thoát, cũng gọi đến bờ kia, hơn lục độ, vượt khỏi tam giới, là Bồ-tát đại lực, là bậc Tôn vô lượng lực, là đại trượng phu.

Giảng: 

Chúng ta tu thiền phải hiểu rõ chỗ này. Vọng niệm chẳng sanh là thiền. Ngồi thấy bản tánh là định. Nếu tu khéo, khi ngồi thiền chúng ta sẽ có nguồn an lạc, bởi vì tâm lăng xăng nghĩ tưởng đủ thứ là điên đảo, là vọng tưởng, nếu tâm lặng mà vẫn hằng giác hằng tri, hằng giác hằng tri mà không động, không dấy niệm đó là bản tánh. Như vậy khi không có vọng tưởng là thiền, nhận ra bản tánh không từng sanh diệt là định. Chúng ta nhận ra bản tâm vô sanh là thật là mình thì tâm sanh diệt, tâm buồn thương giận ghét là ai? Hiện tại sống đây, chúng ta nhận ra tâm vô sanh là mình hay thừa nhận tâm sanh diệt là mình?

Khi vừa khởi nghĩ nói tôi nghĩ, vừa khởi buồn nói tôi buồn, vừa khởi giận nói tôi giận, vừa khởi ghét nói tôi ghét. Cho cái buồn thương giận ghét nghĩ suy đó là tôi, đúng không? Có khi nào giận ai mà nói rằng cái giận nó dấy lên tôi chưa kìm được chứ không phải tôi giận? Nếu không phải tôi giận thì có muốn chửi người ta không? Cái giận mới dấy động mình chưa kìm được nên đỏ mặt, nếu vừa đỏ mặt mà kìm được, làm chủ được thì chưa tạo tội. Còn nói tôi giận thì miệng muốn chửi, tay muốn đánh đó là tạo tội. Tôi giận là tôi, miệng tôi nói, tay tôi đánh, chấp nhận mình bị cái giận làm chủ.

Biết cái giận không phải là tôi, nó dấy lên mình thắng được, sức mạnh ở chỗ này. Khi mình nổi giận mà nói cái giận ở đâu xen vô chứ không phải tôi, người bị giận cũng không ghét mình được, họ nghĩ người này lạ lùng, giận mà sao lại nói cái giận. Suy xét kỹ, nếu cái giận là tôi thì mười phút sau hết giận tôi cũng tan biến luôn, nhưng khi lặng tôi cũng còn sờ sờ đây. Như vậy cái giận ở đâu chạy vô rồi lặng đi, đâu phải là mình.

Chúng ta mê lầm nhận cái buồn thương giận ghét... những thứ sanh diệt là mình. Nhận nó là mình thì mình luôn sanh diệt. Tâm sanh diệt là tâm tạo nghiệp dẫn chúng ta đi trong sanh tử, lành dữ tùy duyên. Nhận ngay nơi mình có cái chưa bao giờ giận, chưa bao giờ thương, chưa bao giờ ghét... hằng giác hằng tri, cái đó mới thật mình. Còn những niệm kia dấy lên, mình nhìn nó cười chơi thì nó mất. Như vậy là khéo tu, là giải thoát sanh tử.

Khi tám gió thổi tới, ví dụ mình được tài lợi gì đó thì dấy niệm mừng, quán xét cái mừng này không phải là ta, không theo nó thì từ từ nó lặng, đó là mình thắng được lợi. Khi gia đình xảy ra suy hao, vừa khởi buồn liền nói cái buồn này không phải là mình, từ từ thắng được nó. Đối với tám gió luôn quán xét như thế, chúng ta sẽ thắng được tám gió. Chỉ cần khéo tu một chút thì tám gió thổi không động, người được như thế là tự tại. Tu cốt được giải thoát ngay ở chỗ này.

Ngài Huệ Hải nói, người được định như thế, tuy là phàm phu mà liền vào vị Phật. Giá trị người tu không phải ở chỗ khoe khoang bên ngoài mà ở ngay trong bản tâm mình. Bản tâm mình thế nào, đối cảnh khởi lên sanh diệt thế nào, đó là gốc của thành công hay thất bại. Vì thế nói người bị tám gió thổi không động thì vào ngôi vị Phật. Người được như thế là giải thoát, tự tại, cũng gọi đến bờ kia, hơn lục độ, vượt khỏi tam giới, là Bồ-tát đại lực, là bậc tôn vô lượng lực, là đại trượng phu vậy. Đại trượng phu là một trong mười hiệu của đức Phật. Nếu người nam vạm vỡ to lớn mà chọc tới liền nổi giận đùng đùng, gặp gì dính nấy, có gọi là đại trượng phu không? Người nữ yếu đuối mà tám gió thổi không động cũng là đại trượng phu. Giá trị không ở cơ thể, không ở sức mạnh, không ở giới tính, mà ở chỗ tâm mình làm chủ được. Mình làm chủ được đó là trượng phu, còn không làm chủ được không phải là trượng phu. Ở đây ngài đã đem hết tâm trí mình chỉ thẳng cho chúng ta cái gốc của sự tu.

 

Chánh văn:

Hỏi: Tâm trụ chỗ nào trụ?

Đáp: Tâm trụ chỗ không trụ là trụ.

Hỏi: Thế nào là chỗ không trụ? 

Đáp: Chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là trụ chỗ không trụ.  

Hỏi: Thế nào là chẳng trụ tất cả chỗ? 

Đáp: Chẳng trụ tất cả chỗ là: chẳng trụ nơi lành dữ, có không, trong ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không cũng chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định cũng chẳng trụ chẳng định, tức là chẳng trụ tất cả chỗ. Chỉ cái chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là chỗ trụ. Người được như thế, gọi là tâm không trụ. Tâm không trụ là tâm Phật.

Giảng: 

Ví dụ như tay tôi cầm cái tách, cái ly hay cầm một vật gì là có trụ. Chỉ khi nào tay tôi không cầm vật gì cả, đó là an trụ. An trụ là không dính mắc, là trụ chỗ không trụ. Chấp có chấp không, chấp phải chấp quấy, chấp hơn chấp thua... là có chỗ trụ. Không dính mắc thì không kìm giữ, không bám chặt đó là tự tại giải thoát. Tu tâm trụ chỗ không trụ, như kinh Kim Cang nói không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp, không trụ tất cả chỗ là an trụ tâm.

Chúng ta thường có bệnh không mắc cái này thì kẹt cái khác. Nhiều người nghĩ rằng chúng ta không có quyền nghĩ ác nhưng có quyền nghĩ thiện, nghĩ thiện là nghĩ lành, nghĩ thiện mới là tu. Tại sao Lục Tổ bảo thượng tọa Huệ Minh rằng: Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh? Bản lai diện mục chính là tâm không chỗ trụ. Nếu trong tâm còn ghét ác chuộng lành, còn thương ghét là còn dính mắc, chỗ này quá tế nhị khó biết. Chỉ khi nào trong tâm chúng ta không còn thiện ác đối đãi không chấp không dính hai bên, đó mới là tự tại. Không chấp nên ai làm thiện được tốt, ai làm ác tự chịu, không thương cũng không giận. Nhưng nói như vậy rồi mình làm thiện hay làm ác? Chỗ này cần phải lưu tâm, người tu không nghĩ thiện không nghĩ ác mà không bao giờ làm ác.

Như khi chúng ta đang đi trên đường, bất thần có đứa bé sảy chân té trước mặt mình, lúc đó mình cười rồi bỏ đi hay chạy lại đỡ nó? Tự nhiên chúng ta không khởi niệm làm phước hay tạo tội, nhưng thấy người khổ là giúp liền. Trong nhà Phật gọi là Vô duyên từ, tức lòng từ không duyên cớ. Thấy người khổ mình lăn xả cứu, không nghĩ cứu để được phước.

Hiện giờ chúng ta làm gì cũng phải có duyên cớ, làm việc đó được gì tôi mới làm, làm mà không được gì thì không bao giờ làm. Đó là tình thương giới hạn. Đạt đến chỗ vô trụ tình thương mới trùm khắp, trùm khắp thì dường như không có, nhưng rất lớn, rất mênh mông. Hiểu vậy thì không nghi.

Tiền thân Phật có dẫn tích ngài thí thân cứu cọp đói. Chuyện này có người phê phán Phật không có trí tuệ, con cọp là thứ dữ, nó sống một ngày là nguy hiểm cho ta một ngày mà ngài lăn mình xuống cho nó ăn, nó sống thêm nữa có thể làm hại nhiều người. Nhưng không phải, đây là thể đại bi vô duyên từ của ngài tràn khắp, không đợi duyên cớ. Thấy chúng sanh khổ thì cứu thôi, còn ngày mai là chuyện khác, không cần suy nghĩ đắn đo.

Không nghĩ thiện, không nghĩ ác là chúng ta bình đẳng đối xử. Giả sử người thiện gặp tai nạn chúng ta cứu, người ác gặp tai nạn chúng ta vẫn cứu. Nếu tâm còn thương bên đây ghét bên kia thì tâm chưa bình đẳng. Nếu chưa bình đẳng được thì giai đoạn đầu thương người thiện ghét người ác cũng tạm được, chừng nào thấm nhuần hơn, cao siêu hơn thì bỏ luôn thiện ác. Không nên lúc đầu nghe nói vậy rồi gặp người thiện cũng không thèm thương, người ác không thèm ghét, ai làm gì mặc họ thì không được. Chúng ta chưa tới bậc trên thì phải sống bậc dưới, để rồi dần dần bước lên chỗ cao siêu.

Chánh văn: 

Hỏi: Tâm ấy giống vật gì? 

Đáp: Tâm ấy chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải dài ngắn tới lui, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng sanh chẳng diệt, yên tịnh thường lặng lẽ. Đó là hình tướng của bản tâm, cũng là bản thân. Bản thân là thân Phật. 

Giảng: 

Hỏi tâm chẳng sanh chẳng diệt giống vật gì, ngài trả lời: Tâm ấy không phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải dài ngắn tới lui, không nhơ không sạch, chẳng sanh chẳng diệt mà nó thường lặng lẽ yên tịnh. Tâm hằng tri hằng giác yên tịnh lặng lẽ, đó là hình tướng của bản tâm. Kiểm nghiệm chín chắn, khi chúng ta ngồi lặng lẽ hoặc ngồi bình thường mà không nghĩ tính bất cứ việc gì, không buồn thương giận ghét, thấy nghe rõ ràng thì lúc đó ra sao? Cái thấy nghe hiểu biết rõ ràng đó là gì, có màu sắc không, có hình tướng không? Như vậy cái yên tịnh lặng lẽ mà thường giác thường tri là hình tướng bản tâm, cũng là bản thân. Bản thân là thân Phật. 

Chúng ta tu muốn thành Phật không phải là chuyện khó, mà vì thói quen vì tập khí nhiều đời bỏ không được nên gọi là khó.

   

Chánh văn: 

Hỏi: Thân tâm này lấy cái gì để thấy? Lấy mắt thấy, lấy tai, mũi và thân tâm v.v... để thấy chăng? 

Đáp: Cái thấy này không phải như các thứ thấy đó. 

Hỏi: Đã không như các thứ thấy đó, là lấy cái gì thấy? 

Đáp: Là tự tánh thấy. Vì sao? Vì tự tánh (tánh của mình) xưa nay trong sạch yên tịnh rỗng lặng, chính trong cái thể rỗng lặng ấy hay sanh cái thấy này. 

Giảng: 

Ngài nói rõ ràng không một chút giấu giếm. Hỏi làm sao thấy được tâm ấy, ngài bảo không thể lấy mắt tai mũi lưỡi thân mà thấy nó. Cái thấy này khác với tất cả các thứ thấy do hình tướng. Là tự tánh thấy. Vì sao? Vì tự tánh xưa nay trong sạch yên lặng, chính trong cái thể rỗng lặng ấy hay sanh cái thấy. Khi chúng ta ngồi yên, tâm trong sạch không dấy động, không một cảnh hay một niệm nào khởi lên, mà hằng giác hằng tri. Đó là tự tánh thấy, tự tánh nhận, không ở đâu xa.

Chánh văn: 

Hỏi: Chỉ như thể thanh tịnh còn không thể có, thì cái thấy này từ đâu mà có? 

Đáp: Ví như trong gương sáng tuy không có hình tượng, mà có thể thấy tất cả hình tượng. Vì sao? gương sáng không tâm. Người học đạo nếu tâm không có chỗ nhiễm, vọng tâm chẳng sanh, tâm ngã sở diệt, tự nhiên được thanh tịnh, vì thanh tịnh nên hay sanh cái thấy này. Kinh Pháp Cú nói: “Trong cứu cánh không, rõ ràng dựng lập, ấy là thiện tri thức.” 

Giảng: 

Người hỏi, thể thanh tịnh còn không thể có, tức là không có tướng mạo gì để nhìn thấy, không thể có thì lấy gì để thấy? Ngài đáp rằng cái không thể có mà lại sáng suốt thấy tất cả, ví như tấm gương sáng tuy không có hình tượng mà có thể thấy tất cả hình tượng. Nhưng khi chúng ta thấy người, thấy vật đối diện trong gương, lúc đó còn thấy gương không? Nếu thấy bóng nhớ bóng thì quên gương. Thấy tất cả thì lo nhìn mặt người này, nhìn mặt người kia mà quên gương. Chỉ khi nào tất cả hình bóng ở ngoài không còn hiện trong gương nữa, lúc đó chúng ta mới thấy mặt gương. Như vậy mặt gương trong sáng khi nào không có bóng. Tâm mình cũng vậy, khi dấy nghĩ cái này, dấy tưởng cái kia thì lúc đó không bao giờ nhận ra tâm mình, chỉ khi nào tất cả dấy nghĩ tưởng lặng hết, tâm mình trong sáng, tự mình nhận không nghi ngờ.

Dẫn kinh Pháp Cú để chứng minh, cứu cánh không là như gương hoàn toàn không có bóng. Lúc đó thấy gương rất rõ, còn một bóng trong gương thì thấy gương chưa rõ. Trong cứu cánh không thì cái chân thật hiện đầy đủ, còn có một mảy may khởi niệm thì cái thật hiện chưa đầy đủ. Cũng thế, chúng ta nghĩ điều tốt, tính việc hay là phải, tại sao ở đây bảo bỏ? Vì mạt vàng tuy quý mà rơi vào con mắt cũng khó chịu. Con mắt sáng được là do không có bụi, không có mảnh vụn nào rơi vào, nếu có một cái gì rơi vào dù quý mấy cũng khó chịu. Nghĩ thiện là tốt, nhưng trong chỗ cứu cánh, còn nghĩ chưa phải là cứu cánh, chưa phải là chỗ an lạc cuối cùng.

Chánh văn: 

Hỏi: Kinh Niết-bàn trong phẩm Kim Cang Thân nói: “Không thể thấy mà thấy rõ ràng, không có biết mà không gì chẳng biết” là thế nào? 

Đáp: Không thể thấy, vì cái thể của tự tánh không hình tướng, không thể có, nên nói không thể thấy. Song cái thấy không thể được đó, thể nó yên tịnh lặng lẽ, không có tới lui, chẳng lìa dòng đời mà dòng đời không lôi cuốn được nó, thản nhiên tự tại, tức là thấy rõ ràng. 

Không có biết, vì tự tánh không hình, vốn không phân biệt, nên nói không có biết. Không gì chẳng biết, vì trong cái thể không phân biệt ấy đầy đủ hằng sa diệu dụng. Hay phân biệt tất cả thì không việc gì chẳng biết, nên nói không gì chẳng biết. Kệ Bát-nhã nói: “Bát-nhã không biết, không việc gì chẳng biết; Bát-nhã không thấy, không chỗ nào chẳng thấy.” 

Hỏi: Kinh nói: “Chẳng thấy có không là chân giải thoát.” Thế nào là chẳng thấy có không? 

Đáp: Khi chứng được tâm thanh tịnh gọi là có, trong đó chẳng sanh cái tưởng được tâm thanh tịnh, gọi là chẳng thấy có. Được cái tưởng không sanh không trụ, mà không khởi tưởng được không sanh không trụ, gọi là chẳng thấy không, nên nói chẳng thấy có không. Kinh Lăng-nghiêm nói “Thấy biết lập thấy biết là gốc vô minh, thấy biết không lập thấy biết, đây là Niết-bàn”, cũng gọi là giải thoát. 

Giảng: 

Đây là hai câu hỏi. Câu thứ nhất: Kinh Niết-bàn phẩm Kim Cang Thân nói: “Không thể thấy mà thấy rõ ràng, không có biết mà không gì chẳng biết” là thế nào? Đọc kinh điển Đại thừa chúng ta dễ khởi nghi, vì trong kinh nói rất cô đọng. Nói là không thể thấy mà thấy rõ ràng, không có biết mà không gì chẳng biết, làm sao chúng ta hiểu được? Thiền sư giải thích kỹ chỗ này. Chúng ta có tâm muốn tìm hiểu và thâm nhập lý đại thừa phải khéo nhận ra.

Nói rằng không thể thấy, thể của tự tánh không hình tướng, không thể được. Đó là nói về tánh của mình, hay nói cách khác là Phật tánh không hình tướng nên không thể thấy. Song cái thấy không thể được đó thể nó yên tịnh lặng lẽ, không có tới lui, chẳng lìa dòng đời mà dòng đời không lôi cuốn được nó, thản nhiên tự tại tức là thấy rõ ràng. Chúng ta phải khéo nhận khéo biết nơi mình có cái không thể thấy mà thấy rõ ràng. Mới nghe dường như mâu thuẫn, chỗ này phải thực tu chứng mới biết. Kinh Niết-bàn, phẩm Kim Cang Thân nói về pháp thân, thân ấy không có gì làm cho mất, không có gì làm cho nó tan hoại được, cho nên gọi là Kim cang thân. Từ cái pháp thân này ai ai cũng sẵn có, danh từ khác gọi là Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thân kim cang, nhưng thân đó, tánh đó không thể thấy được.

Tuy không thấy được mà nó thường hiện rõ ràng, nên nói không thể thấy mà thấy rõ ràng, không thể biết mà không gì chẳng biết. Vì không có hình tướng nên không thể thấy nhưng nó hiện tiền, không vắng mặt bao giờ nên nói thấy rõ ràng. Vì thể nó yên tịnh lặng lẽ không tới lui, không qua lại, chẳng lìa dòng đời mà dòng đời không lôi cuốn được. Tại sao Phật tánh hay pháp thân của mình không lìa dòng đời, mà dòng đời không lôi cuốn được? Hiện tại chúng ta có cái biết, cái biết này không phải suy nghĩ phân biệt mà biết, mà là cái biết thường nhiên hiện tiền. Nếu suy nghĩ mà biết thì dính với dòng đời, bị dòng đời cuốn, còn cái biết thường nhiên không phải suy nghĩ không phải tính toán, tự nó sẵn như vậy cho nên nó hiện tiền mà dòng đời không lôi cuốn được.

Như chúng ta đang đi đường nghe hai người cãi nhau, nếu lúc đó dùng cái biết phân biệt thì chúng ta sẽ nhập cuộc, mình dừng lại để nghe cho hết câu chuyện rồi phân biệt ai phải ai quấy. Nếu nghe cãi mà không khởi phân biệt phải quấy, cãi thì mặc họ cãi mình đi cứ đi không dính gì hết. Cả hai cái nghe đều có sẵn nơi mình, một cái bị dòng đời lôi cuốn, còn một cái thì không bị lôi theo dòng đời. Sống với cái bị lôi thì chúng ta bị lôi hoài, đời này đời sau và muôn đời không ngừng được. Nếu sống với cái không bị lôi thì chúng ta tự tại đi giữa bao nhiêu người, không gì làm cho dính kẹt. Không phải không dính kẹt là không có biết. Biết mà không dính kẹt. Đó là chỗ quan trọng. Vì thế nói Thể nó yên tịnh lặng lẽ, không có tới lui, chẳng lìa dòng đời mà dòng đời không lôi cuốn được nó, thản nhiên tự tại tức là thấy rõ ràng. Cái thản nhiên tự tại tức là cái thấy biết rõ ràng của chính mình, chúng ta sống với nó không dấy phân biệt phải quấy, hơn thua, tốt xấu.

Sở dĩ chúng ta xem đá bóng mà nhìn không nháy mắt là tại sao? Vì chúng ta nhìn theo sát từng cử động của họ. Do chúng ta ôm tâm hơn thua, nghĩ ai ăn ai thua cho nên cứ dán mắt nhìn vào đó. Mỗi một cử động của họ là mình theo dính. Nếu xem đá bóng ai ăn ai thua cũng mặc, thì có dính không? Ngồi chơi cứ ngồi, ai làm gì làm, kết cuộc bên này ăn bên kia thua cũng mặc. Nếu đặt mình ở bên này bên kia, muốn cho bên đó thắng mà lỡ bên đó thua có tức không? Rõ ràng khi chúng ta đặt mình vào một cái gì thì cái đó chi phối chúng ta, vui buồn theo nó không bao giờ yên. Đó là chúng ta đã cột trói mình trong dòng đời.

Không có biết, vì tự tánh không hình, vốn không phân biệt, nên nói không có biết. Không gì chẳng biết, vì trong cái thể không phân biệt ấy đầy đủ hằng sa diệu dụng. Hay phân biệt tất cả, thì không việc gì chẳng biết, nên nói không gì chẳng biết. Kệ Bát-nhã nói: “Bát-nhã không biết, không việc gì chẳng biết; Bát-nhã không thấy, không chỗ nào chẳng thấy.” 

Làm sao giải được mâu thuẫn này? Ví dụ chúng ta đi chợ, thiên hạ nhóm họp ồn ào mua bán náo nhiệt, nếu không chú ý, không tìm kiếm một cái gì, về nhà có người hỏi đi chợ thấy gì, chúng ta trả lời không biết. Không biết vì mình không chú tâm tìm, không để ý mắc rẻ ra sao. Nhưng khi đó mình biết tất cả, kẻ này bán hoa người kia bán quả, hàng hóa, màu sắc, âm thanh... đều biết mà không biết gì hết. Lúc đó tâm không bị cột, không dính mắc vào hàng hóa ở chợ.

Như hai bà mẹ nhà ở gần nhau, con nhà này và con nhà kia cãi lộn, bà mẹ nào cũng thấy con mình phải. Bởi vậy con đánh lộn thì mẹ cũng chửi lộn. Khi tâm thân sơ còn nặng thì không có lẽ thật. Chính sự phân biệt phải quấy, hơn thua... cột trói chúng ta trong buồn khổ, trong sân hận không bao giờ ra khỏi.

Biết tất cả mà không chấp, thảnh thơi tự tại đi trong dòng đời mà không bị lôi kéo. Đó là ý nghĩa tu hành. Nó đưa chúng ta tới chỗ gần như ngu nhưng sự thật là người thoát trần, không bị tất cả cột trói, không nói ai hơn ai thua. Đôi khi tôi cũng lôi thôi ba phải. Hai người ở trong chúng vừa cãi nhau đem ra thưa tôi, vừa đến thưa thì tôi nói ngay rằng có cãi là có quấy rồi. Hai người cãi là hai người quấy hết, không có ai phải ai quấy. Vì không thắng được sân si cho nên mới cãi, mà cãi là thua, là chưa có trí tuệ sáng suốt, như vậy ai cũng quấy hết, khỏi xử.

Ở đời người ta hay phân xử phải quấy, cho rằng đó là khôn lanh. Thật ra chính vì thấy mình phải nên cãi, người khác cũng thấy họ phải nên cãi. Hai cái phải đụng nhau thì tranh cãi, đã tranh cãi thì ai phải ai quấy? Người phải mà cãi với người quấy thì phải cũng thành quấy. Tốt hơn làm thinh, đừng cãi thì người quấy tự xấu hổ, còn cãi với họ thì không ai hơn ai cả.

Như chúng ta muốn tỏ ra mình là người hiền, mới bước chân đến chùa bị người chỉ mặt nói chị là người giả bộ tu hành, nghe vậy nổi sân lên cãi với họ. Khi đó mình là người hiền thật chưa? Muốn thành người hiền thật thì dù bị người chỉ mặt nói nặng nề, mình vẫn thản nhiên vào chùa lạy Phật không tranh cãi hơn thua làm chi. Chúng ta đặt lại những trường hợp như vậy để biết rõ mình hơn, đôi khi cho mình là tốt là hiền, mà rốt cuộc vừa bị người chê liền nổi sân, cái tốt cái hiền biến mất.

Trên đây là lý chân thật kinh Phật nói, lời Tổ chỉ dạy cho chúng ta biết rõ không nghi ngờ gì. Lẽ chân thật đó là điều hằng tri hằng giác mà không bị lệ thuộc hơn thua, phải quấy, thân sơ. Khi tâm chúng ta đến chỗ bình đẳng an ổn tự tại thì lẽ thật hiện tiền. 

Câu thứ hai, cũng dẫn kinh nói “Chẳng thấy có không là chân giải thoát”, hỏi thế nào chẳng thấy không? Ngài đáp: Khi chứng được tâm thanh tịnh gọi là có, trong đó chẳng sanh cái tưởng được tâm thanh tịnh, gọi là chẳng thấy có. Được cái tưởng không sanh không trụ, mà không khởi tưởng được không sanh không trụ, gọi là chẳng thấy không, nên nói chẳng thấy có không. Kinh Lăng-nghiêm nói “Thấy biết lập thấy biết là gốc vô minh, thấy biết không lập thấy biết, đây là Niết-bàn”. 

Đây muốn giải thích câu nói chẳng thấy có không là chân giải thoát. Khi tu chứng được tâm thanh tịnh gọi là có. Bình thường chúng ta chạy theo tâm phàm phu phân biệt hơn thua, phải quấy tốt xấu..., khi tu tập dừng được những tâm đó, chỉ còn một tâm thanh tịnh. Như vậy tâm thanh tịnh hiện tiền là có hay là không? Tuy có nhưng trong đó chẳng sanh cái tưởng được tâm thanh tịnh gọi là chẳng thấy có. Tâm thanh tịnh luôn luôn hiện tiền không vắng không thiếu, nhưng vừa khởi nghĩ được tâm thanh tịnh, thì tâm thanh tịnh khuất mất rồi.

Ví dụ chúng ta gặp những người bị nạn khó khăn, liền giúp đỡ. Nếu giúp đỡ rồi thôi không bân tâm tới việc mình làm, đó là lòng từ bi. Nhưng nếu chúng ta khởi nghĩ rằng, mình đang làm việc từ bi, gặp bạn bè khoe tôi mới giúp anh này chị này, tôi mới làm được việc hết sức vừa lòng. Nói như vậy thì tâm từ bi không còn, mà đã đổi thành tâm hiếu danh, muốn được khen ngợi, được người biết ơn. Gặp trường hợp người được giúp không tỏ vẻ bái phục biết ơn mình, lúc đó lại nổi sân, cho là họ phủi bỏ tấm lòng từ bi của mình.

Làm mà không thấy có làm, không khởi nghĩ đây là công của mình, lòng tốt của mình trọn vẹn không mất. Vì thế nói, khi chứng được tâm thanh tịnh gọi là có, trong đó chẳng sanh cái tưởng được tâm thanh tịnh, gọi là chẳng thấy có. Làm tất cả điều lành điều phải mà chẳng thấy mình làm gì hết thì điều lành phải còn nguyên, nếu thấy mình làm nhiều làm tốt rồi khoe khoang thì nó mất từ bao giờ không hay.

Được cái tưởng không sanh không trụ, mà không khởi tưởng được không sanh không trụ, gọi là chẳng thấy không. Trên giải thích chẳng thấy có, đến đây giải thích chẳng thấy không. Được tâm thanh tịnh mà khởi tưởng Có tâm thanh tịnh là trụ vào chấp có. Được có tưởng không sanh không trụ mà cho rằng thật có không sanh không trụ là kẹt vào chấp không. Thể thanh tịnh lặng lẽ lìa có và không nên đây nói, được chỗ không sanh không diệt mà không khởi cái nghĩ trụ không sanh không diệt, đó là chẳng thấy không. Người như vậy là chân giải thoát.

Kinh Lăng-nghiêm nói, thấy biết mà trụ vào chỗ thấy biết là gốc vô minh, thấy biết mà không chấp thấy biết chính là Niết-bàn. Đây là chỗ tế nhị, phủi sạch tất cả tri kiến không cho chúng ta mắc kẹt vào đâu. Người tu không bị thấy biết làm cho mắc kẹt thì đó là Niết-bàn, nếu trong cái thấy biết mà mắc kẹt đó là gốc vô minh. Giải thoát hay không giải thoát cũng ở chính mình không đâu xa.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào là không có chỗ thấy? 

Đáp: Nếu thấy kẻ nam người nữ và tất cả màu sắc hình tượng, mà ở trong đó không khởi tâm yêu ghét thì cùng không thấy chẳng khác, ấy là không có chỗ thấy. 

Giảng: 

Thấy tất cả người vật mà không có tâm thương mến, ghét bỏ, ưa thích... thì thấy như không thấy. Hiện giờ chúng ta thấy gì cũng đều kèm theo tâm yêu ghét, cái gì thích thì nhìn kỹ, không thích thì nhìn sơ qua. Đó là chỗ thấy biết lập thấy biết, tức là gốc vô minh. Nếu thấy tất cả mà không có tâm yêu ghét, thấy như không thấy, đó là thấy biết mà không chấp, là Niết-bàn. Như vậy không chỗ thấy không có nghĩa là mù lòa mà là thấy tất cả nhưng không dính mắc.

Chánh văn: 

Hỏi: Khi đối tất cả màu sắc hình tượng thì gọi là thấy, khi chẳng đối màu sắc hình tượng cũng gọi là thấy chăng? 

Đáp: Gọi thấy! 

Hỏi: Khi đối vật là có thấy, khi không đối vật làm sao có thấy? 

Đáp: Nay nói thấy, không luận đối vật cùng chẳng đối vật. Vì sao? Vì tánh thấy thường hằng, khi có vật thì thấy vật, khi không vật thì thấy không. 

Thế nên biết, vật tự có đi lại, tánh thấy không có đi lại, các căn (tai, mũi, lưỡi, thân...) cũng như vậy.

Hỏi: Ngay khi thấy vật, trong cái thấy có vật chăng? 

Đáp: Trong cái thấy chẳng lập vật. 

Hỏi: Ngay khi thấy không vật, trong cái thấy có không vật chăng?

Đáp: Trong cái thấy chẳng lập không vật.

Giảng:

Chúng ta thường bị lầm chỗ này. Khi đối diện với tất cả màu sắc hình tượng thì gọi là thấy, khi không đối diện với màu sắc hình tượng gọi là không thấy. Kinh Lăng-nghiêm, Phật chỉ cho ngài A-nan rất rõ về tánh thấy. Ngài đưa cánh tay lên, co năm ngón tay lại và hỏi A-nan có thấy không, ngài A-nan thưa thấy. Phật hỏi ông đem cái gì mà thấy, A-nan thưa, con và đại chúng đều đem con mắt mà thấy. Đến đây Phật khai ngộ cho A-nan biết tánh thấy không phải là con mắt. Ngài ví dụ người mù thấy tối đen, so sánh với người sáng mắt ở trong nhà tối, hai cái tối đen không khác nhau. Người mù nếu được sáng mắt, thấy các thứ hình sắc, thì người trong nhà tối đốt đèn lên thấy rõ đồ vật trước mắt, lẽ ra phải gọi là đèn thấy. Nên biết đèn làm tỏ các sắc, nhưng thấy các sắc là tâm chứ không phải mắt.

Chúng ta thường nói mắt tôi thấy thế này, mắt tôi thấy thế kia, khi có vật trước mắt thì nói thấy vật, khi không có vật trước mắt thì không thấy. Chúng ta cho cái thấy là vật, vật có sanh diệt đến đi nhưng cái thấy thường hằng, có vật hay không vật đều có thấy. Thấy là một diệu dụng của tâm, thấy không phải vật cũng không phải là con mắt. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật chỉ dạy tánh thấy không phải là khách trần, ở đây ngài Huệ Hải nói rõ, vật tự có đi lại, các căn tai mũi lưỡi... cũng như vậy.

Khi đi đường nghe người nói chuyện thấy người qua lại, chúng ta gọi là có nghe có thấy. Nếu người nói chuyện ngưng hoặc không có ai qua lại, chúng ta gọi là không nghe gì, không thấy gì. Điều này gần như thông lệ: có tiếng có hình mới có thấy nghe, không tiếng không hình thì không nghe không thấy. Như vậy là phủ nhận tánh thấy tánh nghe hiện tiền của mình mà lấy âm thanh sắc tướng bên ngoài cho là mình. Đó là lầm lớn. Cảnh trần bên ngoài đến đi sanh diệt mà cho là mình thì mình cũng bị sanh diệt. Tánh thấy tánh nghe... không bị sanh diệt theo cảnh trần, vì thế có tiếng biết có tiếng, không tiếng biết không tiếng. Nếu sanh diệt thì khi không có tiếng, ai biết là không có tiếng mà nói là không nghe? Chủ nhân luôn có mặt nên dù có khách hay không khách vẫn nhận ra ngay.

Chúng ta lúc bình thường không nghĩ suy thì cho rằng không biết, đợi có cảnh để nghĩ suy mới gọi là có biết. Đó là phủ nhận tánh tri giác thường hằng của mình, nhận cái đợi duyên đợi cảnh đến mới cho là mình. Như vậy có phải là quên chủ mà nhận khách không? Vì thế Mã Tổ bảo ngài Huệ Hải, kho báu nhà mình không chịu nhận, chạy đi tìm cầu cái gì? Ngài Huệ Hải nhận ra chỗ thân thiết này nên chỉ dạy lại cho chúng ta. Ngài nói: Nay nói thấy, không luận đối vật cùng chẳng đối vật. sao? Vì tánh thấy thường hằng, khi có vật thì thấy vật, khi không vật thì thấy không. Thế nên biết, vật tự có đi lại, tánh thấy không có đi lại, các căn cũng như vậy.

Nhớ tánh thấy hiện tiền không đi không lại, không sanh không diệt, đó là tỉnh. Chấp vào cảnh đi lại sanh diệt mà quên ông chủ hiện hữu thường hằng, đó là mê. Như khi chúng ta đi xem đá bóng thì lấy việc hơn thua thắng bại của người đá bóng làm mình, đặt mình vào trong đó. Khi phe mình thắng thì vỗ tay reo lên, nếu phe mình thua thì buồn, nhiều khi nổi điên muốn lấy đá chọi người khác. Nhận việc của người làm mình thì điên lên rất dễ. Bị lệ thuộc ngoại cảnh không tự làm chủ được, thật đáng thương cho sự mê mờ của chúng ta.

Người biết tu lúc nào cũng làm chủ, biết cái thật của mình hiện tiền, đối cảnh tùy duyên qua lại không dính mắc không bận bịu đó là tự do, nếu dính mắc bận bịu thì mất tự do. Tự do này không phải tự do với bên ngoài, với xã hội mà do mình đặt ra. Nếu người ghiền đá bóng, gặp lúc có phe mình tham dự mà không được đi xem thì sao? Bữa đó ở nhà làm gì cũng không yên, cảm thấy bực bội lúng túng, đó là mất tự do. Người ta chơi thắng thì tốt, thua cũng không sao, tại sao mình lại rối loạn vậy? Chỉ vì đã cột trói mình trong một cái gì đó. Người tu Phật phải có đủ hai điều kiện trí tuệ và tự do. Có trí tuệ thấy đúng lẽ thật, biết đúng lẽ thật luôn làm chủ, tự do không bị cái gì lôi cuốn. Sống giữa thiên hạ mà mình tự do, không có cái tự do nào khác. 

Đến câu hỏi: Ngay khi thấy không vật, trong cái thấy có không vật chăng? Ngài trả lời: Trong cái thấy chẳng lập không vật. Cái thấy là cái thấy, không nói trong cái thấy có vật hay không vật. Vật có hay không là ở ngoài, cái thấy của mình lúc nào cũng hiện tiền, không lập có lập không. Đó là chỗ hết sức thiết yếu.

Chánh văn:

Hỏi: Khi có tiếng là có nghe, khi không tiếng lại được nghe chăng?

Đáp: Cũng nghe.

Hỏi: Khi có tiếng là từ tiếng có nghe, khi không tiếng làm sao được nghe?

Đáp: Nay nói nghe chẳng luận có tiếng không tiếng. Vì sao? Vì tánh nghe thường hằng. Khi có tiếng liền nghe, khi không tiếng cũng nghe.

Hỏi: Người nghe như thế là ai?

Đáp: Là tánh nghe của mình, cũng gọi là người biết nghe.

Giảng:

Đây là đem hết tâm can chỉ dạy để chúng ta tỉnh không còn mê nữa. Những câu này đều xuất phát từ kinh Lăng-nghiêm. Kinh Lăng-nghiêm có đoạn Phật bảo ngài La-hầu-la đánh chuông và hỏi ngài A-nan nghe không, A-nan và đại chúng đều đáp nghe, hồi lâu tiếng chuông bặt hỏi nghe không, đều đáp không nghe, Phật quở là điên đảo lộn xộn. Tiếng chuông tự có hoặc không, tánh nghe không vì đó mà có mà không. Nếu tánh nghe đã diệt, đồng như cây khô thì khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết?

Những ví dụ đưa tay để chỉ tánh thấy, đánh chuông để chỉ tánh nghe, chính là nhắc nhở chúng ta cuộc sống trói buộc và giải thoát rõ ràng. Chúng ta quên mình chạy theo cảnh thì đó là trói buộc, chúng ta không dính với cảnh hằng nhớ mình đó là giải thoát. Đợi có tiếng mới có nghe, không tiếng gọi là không nghe là chạy theo cảnh. Cũng như khi chúng ta ngồi một mình mà có tiếng nhạc véo von thì vui buồn theo tiếng nhạc, nếu ngồi một mình không có những tiếng đó thì thấy buồn, chúng ta luôn lệ thuộc âm thanh bên ngoài. Khi nào chúng ta hằng sống hằng biết, đang nghe tất cả mà không bị vui buồn lôi kéo, lúc đó mới tự tại. Thông thường ai cũng vậy, được nghe những lời tán thán khen ngợi, lời nhỏ nhẹ dịu dàng thì ưng ý lắm. Còn nghe những lời chê bai, khinh bỉ hay mạt sát thì bực bội. Nếu nhớ cái tiếng không quan trọng bằng người đang nghe, tiếng là sanh diệt, khen cũng sanh diệt chê cũng sanh diệt, nó đến rồi đi, còn người đang nghe hiện tiền, sao lại quên cái hiện tiền mà nhớ cái sanh diệt?...

Bởi chạy theo khách trần sanh diệt nên chúng ta bị cuốn lôi, sanh diệt liên tục không dừng. Khách trần qua rồi mất, chạy theo khách trần để chịu vui chịu khổ. Sống với người hằng hữu hằng nghe, nghe khen nghe chê, nghe hết không thiếu vắng lúc nào thì được an lạc thảnh thơi. Chúng ta tu muốn ra khỏi luân hồi sanh tử thì đừng cột trói mình với sanh tử, đừng chạy theo sanh diệt. Không có pháp thuật nào giúp chúng ta thoát khỏi sanh tử, chỉ cần sống với người hiện tiền đang thấy đang nghe không phân biệt, không bao giờ thiếu vắng. Mê lầm là vô minh, thoát được vô minh mới ra khỏi sanh tử. Chỉ cần chúng ta nhận gốc bỏ ngọn, nhận chủ bỏ khách là việc tu thành công.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05517
  • Online: 35