Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 03)

15/05/2023 | Lượt xem: 1237

HT.Thích Thanh Từ

Chánh văn:

Hỏi: Môn đốn ngộ này lấy gì làm Tông (chủ)? Lấy gì làm Chỉ (chỉ thú)? Lấy gì làm Thể? Lấy gì làm Dụng?

Đáp: Lấy vô niệm làm Tông. Vọng tâm chẳng khởi làm Chỉ. Lấy thanh tịnh làm Thể. Lấy trí làm Dụng.

 

 

Giảng: 

Đây hỏi pháp môn đốn ngộ này lấy gì làm Tông, tức là chủ, lấy gì làm Chỉ, tức chỉ thú, lấy gì làm Thể, tức là bản thể, lấy gì làm Dụng, tức là công dụng. Người tu thiền phải đủ bốn thứ Tông, Chỉ, Thể, Dụng. Đây nói lấy niệm làm tông. Nghe tất cả, thấy tất cả mà không nghĩ thương ghét khen chê... là vô niệm. Đó là gốc, là căn bản tu tập. Vọng tâm chẳng khởi là chỉ thú, là hướng đi, là mục tiêu nhắm đến. Chúng ta tu biết vọng không theo, đó là thực hành chỉ thú của thiền. Lấy thanh tịnh làm thể. Khi tâm không dấy động hoàn toàn thanh tịnh, đó là bản thể. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi dấy ý nghĩ phân biệt đúng như thật, đó là trí dụng.

Thường khi chúng ta bị ngoại cảnh cột trói thì trí bị lu mờ. Như hai bà mẹ có hai đứa con đánh lộn thì hai bà mẹ sanh ra chửi nhau. Bà mẹ này chấp đây là con của mình, bà mẹ kia cũng chấp kia là con của mình. Con mình thì thân, con người thì sơ, còn có tâm thân sơ thì không có trí, con mình quấy cũng vẫn bênh, con người ta phải mình cũng vẫn ghét. Không thấy được lẽ thật là ngu. Cái ngu đó là từ tâm thân sơ, phải quấy, hơn thua... Được thể thanh tịnh, tức là cái thể thanh tịnh rồi thì nhận xét đúng với lẽ thật, đó là trí. Đây là dụng của tu tập. Thiền định rồi mới tới trí tuệ, không có thiền định thì không có trí tuệ. Thiền định nên tâm yên, thanh tịnh, từ tâm yên thanh tịnh nhìn ra mới thấy đúng lẽ thật, nếu còn nặng hơn thua phải quấy thì tâm xao động, xao động thì không thấy được lẽ thật. Vì thế Phật dạy chúng ta phải tu thiền, tu giới định tuệ. Định là thể, tuệ là dụng, không có định thì không có tuệ. Muốn có định thì phải đừng kẹt hơn thua tốt xấu..., tất cả niệm tưởng phân biệt đều dừng.

Chánh văn: 

Hỏi: Đã nói vô niệm làm Tông, chưa biết vô niệm là vô niệm nào? 

Đáp: Vô niệm là không tà niệm, chứ chẳng phải không chánh niệm. 

Hỏi: Thế nào niệm? Thế nào chánh niệm? 

Đáp: Niệm có, niệm không là niệm tà, chẳng niệm có không là niệm chánh; niệm thiện, niệm ác là niệm tà, chẳng niệm thiện ác là niệm chánh; cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả, oán thân, yêu ghét thảy đều là niệm tà, chẳng niệm khổ vui... là niệm chánh. 

Giảng: 

Phân biệt có không, phải quấy, hơn thua... còn hai bên là niệm tà, không có niệm hai bên là niệm chánh. Khi chúng ta không khởi nghĩ phải quấy hơn thua, lúc đó có cái biết rõ ràng hay không? Biết rõ ràng mà chẳng khởi nghĩ có không... là niệm chánh. Vừa khởi nghĩ phải quấy, hơn thua, có không... đó là niệm một bên, nghiêng một bên phải hay một bên quấy... đó là niệm tà.

Niệm thiện, niệm ác niệm tà, chẳng niệm thiện ác là niệm chánh; cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả, oán thân, yêu ghét thảy đều là niệm tà, chẳng niệm khổ vui... là niệm chánh. Kết lại rất rõ, niệm chánh là vô niệm, còn có khởi nghĩ bên này bên kia là niệm tà. Nếu trong một giờ một phút một giây nào đó chúng ta không dấy nghĩ có không, tốt xấu, phải quấy, chỉ có một tâm tri giác hiện tiền, đó là niệm chánh. Niệm chánh nghĩa là không có khởi nghĩ, có khởi nghĩ thì đã là tà mất rồi.

Lục Tổ dạy: Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng trong tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh tự định. Chúng ta tu thiền hiểu được chỗ này các ngài dạy không khác. Định tức là tâm không loạn. Tâm loạn là vì dấy nghĩ hai bên, không dấy nghĩ hai bên là niệm chánh. Như vậy không đợi ngồi thiền mới có niệm chánh; lúc ngồi chơi, lúc làm công tác mà không khởi hai bên đó là định, là chánh niệm. Hiểu biết đúng thì nơi nào cũng tu được, làm việc gì cũng tu. Như người buôn bán trong tiệm, có khách vô thì bán hàng, khách về thì ngồi chơi, không nghĩ được mất gì, lúc đó có tu không? Ngồi tại cửa tiệm mà tu thiền chẳng ai hay, đâu phải đợi kéo chân kiết già mới ngồi thiền, chính ngồi ở giữa chợ mà là tu. Biết tu thì chỗ nào cũng là tu, còn không biết thì dù cho ngồi trước bàn Phật cũng chưa phải là tu. Cứ nghĩ người này khen, người kia chê... tâm loạn động luôn. Chúng ta hiểu rõ, quay về quan sát tâm niệm mình thì biết thế nào là chánh, thế nào là tà.

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào là chánh niệm? 

Đáp: Chánh niệm là chỉ niệm Bồ-đề. Hỏi: Bồ-đề có thể được chăng? 

Đáp: Bồ-đề không thể được. 

Hỏi: Đã không thể được làm sao chỉ niệm Bồ-đề? 

Đáp: Bồ-đề chỉ là danh tự giả lập, thật không thể được. Cũng không có trước sau được. Vì không thể được nên không có niệm. Chỉ cái không niệm ấy gọi là chân niệm. Bồ-đề không có chỗ niệm. Không có chỗ niệm tức là tất cả chỗ không tâm, ấy là không có chỗ niệm.  

Những lối giải vô niệm như trên, đều là tùy sự phương tiện giả lập danh tự, vẫn đồng một thể, không hai không khác. Cốt biết tất cả chỗ không tâm tức là vô niệm. Khi được vô niệm thì tự nhiên giải thoát. 

Giảng: 

Hỏi thế nào là chánh niệm, ngài chỉ đáp niệm Bồ-đề. Như vậy đi tất cả chỗ, làm tất cả việc mà tâm không dấy chạy theo cái này cái nọ cái kia thì đó là đang niệm Bồ-đề. Đang niệm Bồ-đề tức là vô niệm, niệm mà vô niệm. Vô niệm là giải thoát. Như hai người đi coi đá banh, một người đặt mình ở đội bên này hay bên kia để thấy thắng bại, còn một người không đặt gì hết, chỉ xem đá banh thôi. Người thích thắng bại, sau khi xem rồi trở về hoặc vui vẻ hoặc buồn bã. Buồn vui theo thắng bại đó là không giải thoát tự do. Người ngồi xem đá banh, ai thắng hay thua cũng được không dính gì hết thì ra về tự tại, giải thoát.

Chúng ta phải tập làm sao ở giữa cuộc đời này mà tự tại giải thoát, mới là khéo tu. Nếu càng tu càng cột trói, càng chấp nặng nề thì chưa xong. Điều gì thuận ý mình thì chấp thuận, điều gì trái ý thì phản đối, đó là đa niệm chứ không phải vô niệm. Đa niệm thì không giải thoát. Giải thoát chỉ có khi nào chúng ta vô niệm không dính bên này không kẹt bên kia, tức là không có tất cả niệm tà. Vô niệm là giải thoát, khỏi tìm giải thoát ở đâu hết. Không có niệm nào thì vui hay buồn? Chúng ta cứ cười hoài tự nhiên không có gì phải buồn lo. Đó là cái chân thật trên đường tu. 

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào là hành hạnh Phật? 

Đáp: Chẳng hành tất cả hạnh là hành hạnh Phật, cũng gọi là hạnh chánh, cũng gọi là hạnh thánh. Như trước đã nói, chẳng hành có không, yêu ghét v.v... ấy vậy. Đại Luật quyển năm phẩm Bồ-tát nói: “Tất cả thánh nhân chẳng hành hạnh chúng sanh, chẳng hành hạnh chúng sanh là hạnh thánh.”

 Hỏi: Thế nào là chánh kiến?

Đáp: Thấy không chỗ thấy chánh kiến.

 Hỏi: Thế nào thấy mà không có chỗ thấy? 

Đáp: Khi thấy tất cả sắc không khởi nhiễm trước. Không nhiễm trước thì không khởi tâm yêu ghét, ấy là thấy mà không có chỗ thấy. Nếu khi được thấy mà không có chỗ thấy gọi là con mắt Phật, trọn không có con mắt khác. Nếu khi thấy tất cả sắc khởi yêu ghét, ấy là có chỗ thấy. Có chỗ thấy là con mắt chúng sanh, trọn không có con mắt khác làm con mắt chúng sanh, cho đến các căn cũng lại như thế. 

Giảng: 

Hỏi thế nào là hành hạnh Phật, ngài đáp chẳng hành tất cả hạnh gọi là hành hạnh Phật. Đây là pháp môn đốn ngộ, chỉ thẳng chỗ thành Phật hiện tiền, tức là không hành yêu ghét có không..., tất cả hạnh thuộc về hai bên đều phải dứt bỏ. Nếu có khởi nghĩ mình đang tu hạnh Phật tức là có phân biệt Phật và chúng sanh, có phân biệt yêu ghét đối đãi thì trở thành hạnh chúng sanh.

Muốn thành Phật hay thành chúng sanh chỉ trong khoảng chớp mắt. Làm tất cả việc với tâm vô phân biệt, trong khoảng đó là hành hạnh Phật. Lục Tổ bảo Huệ Minh: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Chúng ta dù làm việc thiện mà còn chọn lựa yêu ghét tốt xấu, mình chỉ bố thí người hiền còn người ác mình không bố thí, đó cũng là hành hạnh chúng sanh. Vì thế nói thánh nhân chẳng hành hạnh chúng sanh, chẳng hành hạnh chúng sanh là hành hạnh thánh. 

Những chỗ này rất khó, giảng cho hiểu để ứng dụng tu thôi, không nói trên văn tự ngôn ngữ. Tôi không muốn giảng nhiều, chỉ muốn chúng ta nhớ kỹ tin sâu mà thực hành cho được.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Nói lấy Trí làm Dụng, thế nào là Trí?

Đáp: Biết hai tánh không tức là giải thoát. 

Biết hai tánh chẳng không, thì không được giải thoát. Ấy gọi là Trí, cũng gọi là rõ tà chánh, cũng gọi hiểu Thể Dụng. Hai tánh không là Thể, biết hai tánh không là giải thoát. Lại không sanh nghi gọi là Dụng. Nói hai tánh không là chẳng sanh tâm có không, lành dữ, yêu ghét vậy. 

Giảng: 

Các câu hỏi thiền sư Huệ Hải tự đặt ra để giải thích cho chúng ta thấy rõ ràng hơn. Hỏi thế nào là trí, ngài giải thích trí là biết hai tánh không, tức là giải thoát. Biết hai tánh chẳng không, thì không được giải thoát. Người tu muốn giải thoát sanh tử thì phải thấy hai tánh không thật. Hai tánh là tánh có tánh không, tánh lành tánh dữ, tánh yêu tánh ghét...

Hiện nay chúng ta thấy hai tánh có không, lành dữ, yêu ghét là thật trăm phần. Có là thật có, không là thật không; lành thì thật lành, dữ thì thật dữ; yêu ghét... đều như vậy. Mọi người đều cho tất cả đối đãi là thật, nhưng với người đạt đạo rồi mới thấy rõ hai tánh đó là không thật, bởi không thật nên nói là không. Thấy rõ hai tánh không thật là trí, là giải thoát.

Như chúng ta nói cái bình hoa này là có, còn chỗ trống rỗng này là không. Đúng chân lý chưa? Cái có này nếu ta lấy ra, bỏ ra từng cành hoa thì còn bình hoa không? Nó chỉ là kết hợp nhiều cành hoa lại, đủ duyên gọi là bình hoa. Cái có là giả có, gượng gạo tạm dùng mà thôi. Nếu ta cho là thật mà có người nào nói bình hoa này không thật thì không chịu, cãi lại liền. Đó là mê lầm không trí. Khoảng trống này thật có hay thật không? Nếu thật không thì chúng ta phải chết ngộp. Trong đó chứa nào là không khí, vi trùng, bụi... có đủ hết. Chỉ vì quá nhỏ mắt không thấy nên nói nó là không, thật nó chẳng phải không. 

Thế gian luôn xác định cái có là thật có, cái không là thật không, như vậy rất giả tạm, rất gượng gạo, không đúng chân lý. Người trí thấy cái có là do duyên hợp chẳng phải thật có, tánh nó là không. Thấy cái không cũng tương đối gượng nói không, chẳng phải thật không. Mắt không thấy chứ chẳng phải nó không hẳn. Thấy biết đúng như thật gọi là trí.

Nếu khi nói bình hoa thật có, chúng ta liền đánh giá bình hoa này là đẹp hay là xấu. Từ chỗ thấy nó thật rồi thêm đẹp xấu, thêm yêu ghét. Đẹp thì yêu thích, xấu thì chê ghét. Từ một cái hiểu lầm bản chất nó không thật rồi lại thêm bao nhiêu cái lầm theo đó. Chúng ta tạo nghiệp thọ khổ vì chỗ nhận lầm này. Nhận lầm cái không thật có mà tưởng là thật rồi đuổi theo, đuổi theo thì tạo nghiệp, tạo nghiệp rồi đi trong sanh tử. Biết cái có là tạm có, tánh nó là không. Biết tánh không nên không yêu, không ghét, không sanh phân biệt. Vì thế nói thấy hai tánh là không, đó là giải thoát. Thấy hai tánh không là trí tuệ, thấy hai tánh có thật thì mê lầm, mê lầm nên đi trong sanh tử, người giác ngộ thì ra khỏi sanh tử.

Tóm lại biết hai tánh không là giải thoát, biết hai tánh không là trí, cũng gọi chánh, cũng gọi hiểu thể dụng. Biết rõ thì không sanh nghi lầm, gọi là dụng. Nhờ có trí nên được dụng. Có trí có dụng thì công phu tu hành đưa đến giải thoát.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Môn này từ đâu mà vào? Đáp: Từ bố thí ba-la-mật mà vào. 

Hỏi: Phật nói sáu pháp ba-la-mật (đến bến bờ kia hay được giải thoát) là hạnh của Bồ-tát, tại sao ở đây chỉ nói riêng bố thí ba-la-mật thì đâu thể đầy đủ mà được vào? 

Đáp: Người không biết năm độ kia (trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) đều nhân bố thí mà sanh. Chỉ tu bố thí thì sáu pháp đều đầy đủ. 

Giảng: 

Hỏi pháp môn giải thoát này từ đâu mà vào, ngài trả lời từ bố thí ba-la-mật. Phật nói có đến sáu ba-la-mật, tại sao ở đây nói có một bố thí ba-la-mật? Điều này ai cũng nghi, ngài giải thích chỉ cần tu bố thí thì sáu độ liền đầy đủ. Bố thí như thế nào mà có công dụng lớn lao thế ấy? Phần sau giải thích rõ.

Chánh văn: 

Hỏi: Bố thí vật gì? 

Đáp: Bố thí là bỏ hai tánh. Hỏi: Thế nào là hai tánh? 

Đáp: Bố thí là bỏ tánh thiện ác, bố thí là bỏ tánh có không, tánh yêu ghét, tánh không chẳng không, tánh định chẳng định, tánh tịnh bất tịnh, tất cả đều thí bỏ hết thì được hai tánh không. Nếu khi được hai tánh không, cũng chẳng được khởi tưởng hai tánh không, cũng chẳng được khởi nghĩ tưởng có bố thí, tức là chân thật hành bố thí ba-la-mật, cũng gọi là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt tức là tất cả pháp tánh không ấy vậy. Pháp tánh không là tất cả chỗ không tâm. Nếu khi được tất cả chỗ không tâm là không có một tướng có thể được. Vì sao? Vì tự tánh không, nên không một tướng có thể được. Không một tướng có thể được là tướng thật. Tướng thật là tướng Như Lai diệu sắc thân. Kinh Kim Cang nói: “Lìa tất cả các tướng gọi là chư Phật.” 

Giảng: 

Bố thí những gì? Bố thí là bỏ hai bên thiện ác, có không, yêu ghét... tất cả đều cho đi, không ôm giữ, không dính mắc. Chỉ tu một hạnh đó là đủ sáu ba-la-mật, đơn giản làm sao.

Khi nghe ai nói cái này tốt cái kia xấu, chúng ta bố thí hết cả hai, tốt xấu không thật. Rồi nói người này hiền, người kia dữ, hiền dữ cũng không thật, như vậy có tranh cãi với ai không? Chỉ bố thí hết không dính mắc hai bên, những gì thuộc hai tánh đối đãi chúng ta buông hết. Buông hết hai bên nên tâm được nhất như, tâm nhất như thì thanh tịnh, là pháp thân của chư Phật. Phật nói Đại thừa là cao siêu, đơn giản mà cũng phải đủ lục ba-la-mật, pháp thiền đốn ngộ này chỉ có bố thí ba-la-mật là đủ hết. Lục Tổ nói:

Ngơ ngơ không tu thiện,

Ngáo ngáo không làm ác,

Lặng lẽ dứt thấy nghe, 

Thênh thang tâm không dính. 

Xét kỹ, khi chúng ta không còn một niệm dính mắc hai bên, lúc đó có phiền não không? Thiện ác, phải quấy, tốt xấu, khen chê... đều không làm mình động tâm. Từ khen chê là việc nhẹ, đến hủy nhục, chửi mắng... chúng ta đều không dính thì tự nhiên được tự tại giữa rừng tên mũi đạn của thiên hạ. Chúng ta bị khổ sở, bị đau đớn vì chấp cái thấy hai bên cho là thật, một lời khen thì hài lòng, vui cười, một lời chê thì buồn bực cả ngày. Tu hạnh bố thí là buông hết không cho dính, không còn một niệm buồn thương giận ghét... Tâm mình lúc đó như như giải thoát. Chúng ta tu chừng bao nhiêu năm được chỗ này? Chỉ cần không dính hai bên, ngay đó là giải thoát, không nói thời gian lâu mau.

Đường lối tu chư tổ chỉ ra hết sức đơn giản, chỉ cần tu một pháp buông xả, bố thí rốt ráo thì giải thoát hiện tiền. Chỉ tại chúng ta không chịu đơn giản, muốn có hình thức rườm rà, có khen chê có vui buồn. Vì vậy tu lâu không tiến, không giải thoát là tại chỗ dính mắc đó.

Đây ngài chỉ dạy rõ Nếu khi được hai tánh không, cũng chẳng được khởi tưởng hai tánh không. Được hai tánh không thì tự nhiên là không rồi, không cần khởi tưởng gì cả, chẳng khởi nghĩ tưởng có bố thí... Được như vậy thì Phật tánh hiển lộ, hiển lộ mà không dính bên nào hết. Nên đây dẫn kinh Kim Cang Phật dạy Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật. 

Sao gọi là lìa tướng? Cứ nhìn cứ thấy, biết các pháp duyên hợp giả dối không thật, đó là biết được tánh thật, gọi là lìa tướng được giải thoát. Thấy bình hoa có thật rồi đắm chìm phân biệt yêu ghét là trầm luân sanh tử. Chỉ nhìn bình hoa biết mình trầm luân hay giải thoát. Tất cả người vật khác đều như vậy, chấp cho là thật, niệm thương ghét khởi lên thì trầm luân, nếu biết tánh nó không thật thì giải thoát an lạc. Cùng thấy như nhau mà một bên thì dính mắc, một bên lìa, chỉ vậy thôi.

Từ đó kiểm điểm biết chúng ta tu gần giải thoát hay xa giải thoát. Chúng ta đừng sợ chết chỉ sợ dính mắc, dính mắc thì bị lôi trong sanh tử, không dính mắc thì khi chết có hướng đi của mình. Dẫn kinh Kim Cang lìa tất cả pháp gọi là chư Phật, tức là không thấy có một pháp thật gọi là lìa tất cả pháp, lìa được như vậy gọi là Phật. Phật là trí tuệ, là giải thoát. Nếu chúng ta có trí tuệ thì Phật hiện tiền, không cần tìm đâu xa.

Chánh văn: 

Hỏi: Phật nói sáu ba-la-mật, tại sao nay chỉ nói một, cho là đầy đủ, xin nói nguyên nhân một gồm đủ sáu pháp? 

Đáp: Kinh Tư Ích nói: “Ngài Võng Minh gọi Phạm thiên nói: Nếu Bồ-tát bỏ tất cả phiền não gọi là Bố thí ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ dính mắc gọi là Trì giới ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ xâm phạm gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật. Nơi các pháp lìa tướng gọi là Tinh tấn ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ trụ gọi là Thiền định ba-la-mật. Nơi các pháp không hý luận là Trí tuệ ba-la-mật.” Đó gọi là sáu pháp. Nay nói sáu pháp này chẳng khác, vì tóm lược pháp thứ nhất là bỏ, thứ hai là không khởi, thứ ba là không niệm, thứ tư là lìa tướng, thứ năm là không trụ, thứ sáu là không hý luận. Sáu pháp như thế, tùy việc phương tiện tạm đặt tên, chứ đến chỗ diệu lý thì không hai không khác. Chỉ biết một bỏ thì tất cả đều bỏ, không khởi thì tất cả đều không khởi. Trên đường mê lầm không khế hội ắt cho có sai khác. Người ngu mắc kẹt trong pháp số, nên trôi lăn mãi trong sanh tử. Bảo cho các người học đạo, chỉ tu pháp Bố thí là tròn đầy muôn pháp, huống là năm pháp mà chẳng đủ sao?

Giảng: 

Nói về ý nghĩa một pháp đầy đủ sáu ba-la-mật, ngài dẫn kinh Tư Ích: Bồ-tát bỏ tất cả phiền não gọi là Bố thí ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ dính mắc, buông xả hết là Trì giới ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ xâm phạm là Nhẫn nhục ba-la-mật. Nơi các pháp lìa tướng là Tinh tấn ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ trụ là Thiền định ba-la-mật. Nơi các pháp không hý luận là Trí tuệ ba-la-mật.

Đây là ý nghĩa rất đặc biệt, nếu chúng ta hành đúng như lời dạy này, đó là thực hành đầy đủ sáu ba-la-mật. Chẳng những một pháp bố thí gồm lục độ ba-la-mật mà cũng gồm đầy đủ muôn pháp trong đó. Phật dạy nhiều pháp môn, chỉ tu bố thí là đủ. Chúng ta phải cố gắng nhìn thấy cho tường tận lẽ thật rồi ứng dụng tu.

Như có Phật tử nghi câu “lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”. Tại sao? Bởi vì chúng ta mê lầm cho rằng các tướng là thật, đẹp thật, xấu thật... Từ thấy thật mới có tâm thương ghét rồi theo đó tạo nghiệp. Nếu thấy tất cả pháp tự tánh không thật, duyên hợp tạm có, không khởi niệm phân biệt đẹp xấu thương ghét, tâm không động không chạy theo. Thấy như vậy là tâm trí tuệ, tâm như như nên gọi là chư Phật. Ai thấy như vậy cũng đều là Phật. Đang ngồi đây mà lìa tướng thì là Phật, chạy theo tướng là chúng sanh. Tu không phải khó nhưng vì chúng ta chứa nhiều mê lầm, khi tỉnh thì nhớ, mê thì quên. Khi tỉnh khi mê nên khi làm Phật, khi làm chúng sanh, chưa được làm Phật vĩnh viễn.

Như vậy, sáu pháp ba-la-mật chỉ một pháp bố thí không dính kẹt hai bên, cũng đầy đủ trọn vẹn. Chỉ biết một bỏ thì tất cả đều bỏ, không khởi thì tất cả đều không khởi. Trên đường mê lầm không khế hội ắt có sai khác. Người ngu mắc kẹt trong pháp số, nên trôi lăn mãi trong sanh tử. Bảo cho các người học đạo, chỉ tu pháp Bố thí là tròn đầy muôn pháp, huống là năm pháp mà chẳng đủ sao? Bố thí là buông bỏ, một phen bỏ thì tất cả đều bỏ, buông bỏ rồi thì tất cả không khởi niệm dính mắc. Chúng ta tu được pháp Bố thí ba-la-mật thì đầy đủ tất cả pháp. Bố thí vì biết tất cả pháp không thật, các pháp là tánh không, không dính một pháp nào, buông xả hết, từ đó đủ tất cả pháp.

Chánh văn: 

Hỏi: Tam học đẳng dụng, cái gì là tam học? 

Thế nào là đẳng dụng? 

Đáp: Tam học là giới định tuệ.

Hỏi: Nghĩa giới định tuệ thế nào?

Đáp: Thanh tịnh không nhiễm là Giới. Biết tâm chẳng động, đối cảnh vắng lặng là Định. Khi biết tâm chẳng động mà chẳng sanh tưởng chẳng động, khi biết tâm thanh tịnh mà chẳng sanh tưởng thanh tịnh, cho đến thiện ác đều hay phân biệt, mà ở trong ấy không nhiễm, được tự tại, ấy gọi là Tuệ. 

Giảng: 

Giới, định, tuệ là căn bản thiết yếu của người tu, sử dụng đầy đủ ba môn học này trong hoạt động hằng ngày của mình, gọi là tam học đẳng dụng.

Thanh tịnh không nhiễm là giới, đối tất cả pháp không dính, không nhiễm gọi là giới. Biết tâm chẳng động, đối cảnh vắng lặng là định. Khi thấy các sự vật trước mắt như trắng đen, tốt xấu..., biết rõ mà không có gì phải bận tâm nghĩ tưởng tính toán thì đó là định. Khi biết tâm chẳng động mà chẳng sanh tưởng chẳng động... Khi tâm chúng ta đang yên mà khởi nghĩ tâm mình đang yên thì không còn yên. Nhiều Phật tử ngồi thiền tâm được yên bèn khởi nghĩ mình đang yên, vừa khởi nghĩ là động rồi. Vừa có nghĩ tưởng thì phân biệt dấy động, tâm bị dính mắc, dù dính mắc cái thanh tịnh cũng là dính mắc. Chư tổ nói mạt vàng tuy quý rơi vào mắt cũng thành bệnh. Hiểu vậy mới thấy ý nghĩa tu rõ ràng. Đối với các pháp không nhiễm, tự tại đó là tuệ. Người trí tuệ là người tự tại không dính mắc, còn dính mắc thì đó là người si mê. 

Nhìn lại đường tu hành, nghe chư tổ dạy hết sức dễ, tưởng chừng như ai cũng làm được, nhưng vừa bước ra giảng đường dẫn xe đi, người này lấn đụng người kia một chút thì phiền não khởi lên rồi quên tu. Tu khó vì chúng ta không thường xuyên áp dụng giới định tuệ như lời dạy trên.

Chánh văn: 

Nếu khi biết thể của giới định tuệ đều không thể được, thì không phân biệt, là đồng một thể, ấy gọi là tam học đẳng dụng. 

Giảng: 

Giới định tuệ mới nghe dường như ba môn riêng biệt, khi áp dụng mới thấy chúng không khác biệt. Giới là không nhiễm không dính, đối cảnh tâm vắng lặng tức là định, tâm thanh tịnh mà không khởi tưởng thanh tịnh tức là trí tuệ. Như vậy tuy nói ba mà một, gọi là tam học đẳng dụng. Đẳng dụng là dùng bình đẳng, dùng một mà đủ cả ba.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Nếu khi tâm trụ tịnh, chẳng phải chấp tịnh sao? 

Đáp: Khi được trụ tịnh, mà chẳng khởi tưởng trụ tịnh, ấy là không chấp tịnh. 

Hỏi: Tâm khi trụ không, chẳng phải chấp không chăng? 

Đáp: Nếu khởi tưởng không, gọi là chấp không. 

Hỏi: Nếu khi tâm được trụ chỗ không trụ, chẳng phải chấp chỗ không chỗ trụ sao?

Đáp: Chỉ cái khởi tưởng không không chỗ chấp. Nếu ông muốn thấu rõ, hiểu được tâm không có chỗ trụ, thì khi ngồi ngay thẳng chỉ biết tâm, chớ suy nghĩ tất cả vật, tất cả thiện ác đều chớ suy nghĩ, vì việc quá khứ đã đi rồi, chớ suy nghĩ, thì tâm quá khứ tự bặt, gọi là không việc quá khứ. Việc vị lai chưa đến, chớ mong chớ cầu, thì tâm vị lai tự bặt, gọi là không việc vị lai. Việc hiện tại đã hiện tại, đối tất cả việc chỉ biết không chấp, không chấp là chẳng khởi tâm yêu ghét, thì tâm hiện tại bặt, gọi là không việc hiện tại. Không nhiếp thuộc ba thời, cũng gọi không ba thời. Nếu khi tâm khởi đi thì chớ theo đi, tâm đi tự bặt. Nếu khi tâm khởi đứng cũng chớ theo đứng, tâm đứng tự bặt. Ấy là tâm không trụ, là trụ chỗ không trụ vậy. Nếu tự biết rõ ràng khi trụ nơi trụ, chỉ có vật trụ cũng không có chỗ trụ, cũng chẳng không chỗ trụ. 

Giảng: 

Câu hỏi này rất khó. Hỏi nếu khi tâm trụ chỗ không trụ, chẳng phải chấp chỗ không trụ sao? Ngài giải thích rằng cái khởi tưởng không là không có chỗ chấp. Nếu cho rằng không có một pháp thật thì nói không trụ cũng chẳng phải là một pháp thật, không có gì để chấp.

Nếu tâm còn có chỗ trụ thì phải biết rõ làm sao để phá chỗ tâm trụ. 

Chúng ta tu thiền ngồi lại thì nhớ chuyện gì? Nếu không có chuyện gì cần thiết thì vừa ngồi yên ổn liền nhớ chuyện quá khứ năm trên năm dưới, ai khen ai chê gì đó. Lúc bận rộn làm việc, muốn nhớ lại câu kinh hay bài kệ mình đã đọc, đã nghe dạy thì không nhớ được. Ngồi thiền hơi yên chợt nhớ lại cái mình đang kiếm nên không muốn bỏ, ôn tới ôn lui mất hết bao nhiêu phút. Khi ngồi yên mới chịu nhớ, còn lộn xộn thì không nhớ.

Đó là trở ngại của sự tu hay là công dụng của tu? Nói trở ngại cũng phải, nói công dụng cũng phải. Mới ngồi yên thôi thì trổi lên sự việc, làm mất thời giờ tu của mình, đó là trở ngại. Nhưng nó là công dụng, nhờ yên mà những gì quên bây giờ nhớ. Như khi đức Phật Thích-ca ngồi dưới cội bồ-đề yên định rất sâu nên cần thì ngài nhớ lại vô số kiếp về trước, gọi là Túc mạng minh. Đó là công dụng. Chúng ta mới yên định rất ít nên nhớ lại những chuyện nhỏ nhỏ thôi, chưa có công dụng lớn. Nếu ngồi yên thật yên thì vô số kiếp trước đều nhớ hết. Các sự tích trong Bản Sanh, Bản Sự nói về việc quá khứ của Phật và các đệ tử là công dụng cụ thể.

Nói về chướng ngại thì khi chúng ta ngồi thiền, tâm vừa mới yên liền nhớ chuyện quá khứ, đó là bị quá khứ làm chướng ngại. Muốn được định thì quá khứ phải phủi sạch, vì quá khứ bất khả đắc. Nếu bỏ được chuyện quá khứ thì tính đến chuyện vị lai. Như có Phật tử tính ngày mai hùn hạp làm ăn với ai, bỏ ra số vốn thế nào, rồi đêm nay ngồi thiền thì sao? Có tính chuyện hùn hạp lời lỗ không? Chuyện chưa đến mà khi ngồi thiền nhớ lại rồi tưởng tượng đủ hết, từ quá khứ đến vị lai kéo dài chừng bao nhiêu phút? Nhiều khi ngồi không tính không nghĩ thì thấy thời gian dài, còn ngồi mà nghĩ suy tính toán thì quên thời gian, thấy mau hết giờ. Vị lai chúng ta cũng phủi sạch, vì vị lai bất khả đắc. Hiện tại thì sao? Hiện tại thì mắt cứ nhìn, tai cứ nghe, mũi cứ thở, sống tự nhiên. Nếu đang ngồi đây mà lắng nghe chuyện gì đâu đâu hoặc nhìn theo bóng ai đi ngoài kia... Hiện tại bất khả đắc cũng phải buông bỏ, chỉ có tâm mình an nhiên không chạy theo đâu hết.

Phật dạy, quá khứ không truy cầu, vị lai không lo nghĩ, hiện tại tâm an nhiên, đó là người biết tu. Ngay hiện tại trong phút giây này, không nhớ nghĩ gì khác, tu thiền là như vậy. Chúng ta cố gắng đừng bị kẹt trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai thì mau được yên định. Khi tâm yên định cứ để nó yên định, đừng khởi nghĩ tâm mình đang yên; khởi nghĩ thì hết yên.

Chúng ta khéo tu, khéo biết tâm không bị mắc kẹt trong ba thời, đó là đang an trụ chỗ không trụ. Đang yên tịnh là trụ mà không thấy có chỗ trụ, gọi là trụ chỗ không trụ. Nếu chạy theo quá khứ là trụ quá khứ, chạy theo vị lai là trụ vị lai, chạy theo âm thanh hiện tại là trụ hiện tại, hiện tại tâm yên định không chạy theo, không khởi tưởng tất cả việc, đó là trụ chỗ không trụ.

Chánh văn: 

Nếu tự biết rõ ràng tâm chẳng trụ tất cả chỗ, gọi là rõ ràng thấy được bản tâm, cũng gọi là rõ ràng thấy tánh vậy. Chỉ cái tâm chẳng trụ tất cả chỗ ấy, tức là tâm Phật, cũng gọi là tâm giải thoát, tâm Bồ-đề, tâm vô sanh, sắc tánh không. Kinh nói “chứng vô sanh pháp nhẫn” đó vậy.

Giảng: 

Tâm không trụ chỗ nào mà vẫn thấy biết sáng suốt bình thường rõ ràng hiện tiền, đó chính là tánh chân thật của mình. Tôi rất tâm đắc với ví dụ mặt gương sáng, khi có bóng trong gương thì quên mặt gương, chỉ khi không có một bóng nào chúng ta mới thấy mặt gương đầy đủ. Cũng vậy, tâm thể thanh tịnh trùm khắp, vừa có một niệm dấy lên thì quên tâm, không có một niệm mà vẫn thấy biết rõ ràng, toàn thân đều biết, đó là tánh thật của chúng ta.

Người ta thường hay thắc mắc, Bồ-tát Quán Thế Âm được xưng là ngàn tay ngàn mắt, tại sao con người ngài kỳ lạ vậy? Nếu nói ngàn con mắt thì chắc dưới chân cũng có mắt nữa, như vậy khi ngài đi rồi bụi bặm làm sao? Trong nhà thiền, pháp môn đốn ngộ này nói rõ việc đó.

Tất cả chúng ta đều có ngàn tay ngàn mắt. Tại sao? Tay sờ là biết, mắt thấy là biết, toàn thân tất cả chỗ đều biết. Chỗ nào động tới cũng biết, là có tay có mắt ở nơi đó. Toàn thân đều biết thì đó là cái biết chân thật của người giác ngộ, còn cái biết do suy nghĩ là cái biết hư vọng của phàm phu, nên ở đây nói Nếu tự biết rõ ràng tâm chẳng trụ tất cả chỗ, gọi là rõ ràng thấy được bản tâm, cũng gọi là rõ ràng thấy tánh vậy. Bản tâm bản tánh không phải là hai, tất cả chúng ta có ai không thấy được tâm tánh mình? Có những phút yên lặng không niệm tưởng mà thấy nghe hiểu biết một cách rõ ràng, ngay lúc đó là rõ ràng thấy được tâm tánh rồi. Ai ai cũng có, nhưng vừa dấy niệm thì liền mất. Cũng như khi nhìn vào gương không có tất cả hình bóng thì lúc đó mình thấy mặt gương cụ thể đầy đủ, vừa thấy bóng thì quên mất gương, rõ ràng như vậy.

Chỉ cái tâm chẳng trụ tất cả chỗ ấy, tức là tâm Phật, cũng gọi là tâm giải thoát, tâm Bồ-đề, tâm vô sanh, sắc tánh không. Kinh nói “chứng vô sanh pháp nhẫn” đó vậy. Ngài nói câu này là đã chỉ dạy tận tình. Tâm không trụ tất cả chỗ, ấy tức là tâm Phật. Ngay nơi cái tâm không dính tất cả chỗ mà rõ ràng thường biết, đó là tâm Phật, cũng gọi là tâm giải thoát, tâm Bồ-đề, tâm vô sanh, là sắc tánh không, tức là thấy được tất cả tánh không. Được đến đó là chứng vô sanh pháp nhẫn. Tâm thể chân thật, không thấy có chúng sanh và các pháp thật, không thấy có một pháp sanh diệt có thể được, an trú chỗ đó gọi là nhẫn. Đến chỗ này thì không khởi tác nghiệp, làm tất cả mà không thấy có chỗ làm, có chỗ được.

Chánh văn: 

Nếu ông khi chưa được như thế, phải cố gắng! Cố gắng! Cần dụng công thêm, khi công thành thì tự hội. Nói hội, là tất cả chỗ không tâm, ấy là hội. Nói không tâm là không cái tâm giả chứ chẳng phải không tâm chân. Tâm giả là tâm yêu ghét. Tâm chân thật là tâm không yêu ghét. Chỉ không tâm yêu ghét thì hai tánh không. Hai tánh không thì tự nhiên giải thoát.

Giảng: 

Tâm phân biệt suy tính, dính mắc hai bên là tâm giả, tâm biết mà không phân biệt, không suy tính, không dính mắc hai bên là tâm thật. Khi tâm lăng xăng phân biệt dừng lặng thì tâm chân thật hiện tiền. Nên nói không là không cái tâm lăng xăng, không phải không cái tâm chân thật.

Tâm yêu ghét là tâm giả, vì có thể ngày nay yêu mà ngày mai ghét, hoặc ngày nay ghét mà ngày mai yêu, tâm này vô thường thay đổi. Tâm chân thật không chọn lựa yêu ghét tốt xấu... vẫn luôn có mặt trong chúng ta, chỉ vì khởi niệm chấp hai bên nên không thấy.

Thấy rõ tất cả đối đãi đều không thật, không dính mắc trong đối đãi thì được giải thoát sanh tử. Như vậy chúng ta tu đời này dù chưa được giải thoát vĩnh viễn, nhưng cũng có giải thoát đôi phần. Nếu bình thường thấy bình hoa đẹp mình khen, thấy bình hoa xấu mình chê, đó là dính mắc. Bây giờ thấy đẹp xấu gì cũng nhìn cười thôi không dính mắc, đó là giải thoát. Từ bình hoa cho đến con người, đến sự vật chung quanh chúng ta đều được như vậy thì ra vào tự tại, đó là hiện tiền giải thoát. Ai cũng có quyền giải thoát, không cần phải vào chùa lạy Phật nhiều mới giải thoát. Người thế gian thật đáng thương, đôi khi ngồi nói chuyện một hồi khen người này, chê người kia, giận người nọ... Nói chuyện trong mê lầm, trong dính mắc. Nếu biết các pháp giả dối không thật thì còn chuyện gì để nói không? Gặp nhau cười là đủ rồi, đơn giản như vậy. Khi cần nói pháp thì nói, không cần thì thôi chứ không còn gì để nói. Chúng ta ráng tu nhiều hơn để đừng thấy hai bên, không thấy hai bên là hết nhiều chuyện, hết nhiều chuyện là tự tại không có gì lạ. Vì thế nói hai tánh không thì tự nhiên giải thoát. Câu này rất rõ ràng.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Chỉ lúc ngồi thiền dụng công, khi đi có được dụng công chăng? 

Đáp: Nay nói dụng công, chẳng riêng khi ngồi, cho đến đi đứng ngồi nằm, làm công việc, trong tất cả thời đều thường dụng công không gián đoạn ấy gọi là thường trụ. 

Giảng: 

Không chỉ có ngồi thiền mới dụng công như vậy mà trong tất cả thời đi, đứng, ngồi, nằm... lúc nào cũng thấy các pháp tánh không, đó gọi là thường trụ.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Kinh Phương Quảng nói năm thứ pháp thân:

      1.   Thật tướng pháp thân

      2.   Công đức pháp thân

      3.   Pháp tánh pháp thân

     4.   Ứng hóa pháp thân

      5.   Hư không pháp thân.

Ngay nơi thân mình là thân nào? 

Đáp: Biết tâm chẳng hoại là Thật tướng pháp thân. Biết tâm bao gồm vạn tượng là Công đức pháp thân. Biết tâm không tâm là Pháp tánh pháp thân. Tùy căn cơ ứng nói là Ứng hóa pháp thân. Biết tâm không hình không thể được là Hư không pháp thân. Nếu người thấu rõ nghĩa này là biết không chứng. Người không đắc không chứng là chứng Phật pháp thân. Nếu có chứng có đắc cho là chứng được, ấy là người tà kiến tăng thượng mạn, gọi là ngoại đạo. Vì cớ sao? Kinh Duy-ma nói: “Xá-lợi-phất hỏi Thiên nữ: Ngươi đã được pháp gì, chứng được pháp gì, mà biện được như thế? Thiên nữ đáp: Tôi không được không chứng, mới được như thế; nếu có được có chứng thì ở trong Phật pháp là người tăng thượng mạn.” 

Giảng: 

Kinh nói có năm thứ pháp thân, vậy thân hiện tại đây là thân nào? Có được dự phần trong năm pháp thân đó không? Ngài trả lời ngay trong tâm chúng ta đã có đầy đủ. Thứ nhất, biết tâm mình không hoại đó là Thật tướng pháp thân. Thứ hai, biết tâm mình trùm hết muôn pháp đó là Công đức pháp thân. Thứ ba, biết tâm mình không có hình tướng, không có những dấy niệm đó là Pháp tánh pháp thân. Thứ tư, biết rõ tùy căn cơ chúng sanh mà nói pháp đó là Ứng hóa pháp thân. Thứ năm, biết tâm mình không hình không tướng, không thể được đó là không pháp thân. Cuối cùng, người nào thấu rõ các nghĩa này là biết không chứng, người không chứng không đắc là chứng được Phật pháp thân.

Người nào tu nhận được năm thứ pháp thân gọi là chứng đắc. Chứng đắc mà không có chứng đắc, nếu thấy có chứng đắc là tà đạo, hay là người tăng thượng mạn. Tại sao? Tu là dẹp bỏ những kiến chấp sai lầm, những cái nghĩ không đúng. Thấy có chứng đắc là ai chứng đắc, và chứng cái gì, đắc cái gì. Nếu còn thấy có ngã, có pháp hiện tiền là tăng thượng mạn. Cho nên thấy biết mà không nói chứng nói đắc gì cả.

Tu với tất cả, sống được với tất cả mà không thấy chứng thấy đắc, là cái đặc biệt của người biết tu. Vì còn thấy có chứng đắc thì tự sanh tâm ta được, người kia chưa được, tức là ta hơn người kia. Tâm đó là tâm tăng thượng mạn. Học hiểu rồi chúng ta không lầm. Nếu không hiểu thì cứ ham chứng quả này quả nọ, khi nghe vị thầy nào nói chứng quả, mình quý trọng liền bị dính mắc.

Chánh văn: 

Hỏi: Kinh nói Đẳng giác, Diệu giác, thế nào là Đẳng giác? Thế nào là Diệu giác? 

Đáp: Tức sắc tức không(1) gọi là Đẳng giác. Vì hai tánh không gọi là Diệu giác. Lại nữa, không giác không không giác gọi là Diệu giác. 

(1)  Tức sắc tức không: là thấy sắc mà không tâm, hoặc thấy tánh sắc tức là không.

Giảng:

Kinh Bát-nhã nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đây nói gọn là tức sắc tức không. Chữ không của Bát-nhã không phải là trống rỗng, mà ngay nơi các pháp thấy tánh không. Như bình hoa này chỉ là tướng duyên hợp, không có thật thể, nên gọi là tánh không. Sắc tức thị không, sắc là cái bình hoa, ngay đó biết rõ thật thể nó là không, bình hoa hiện có là giả tướng tạm bợ. Ngay đó không nhiễm trước, khen chê đẹp xấu. Hiểu được bình hoa, cái nhà, chiếc xe, con người... ngay nơi sắc tướng của vạn vật thấy tánh nó là không, đó là tức sắc tức không. Nếu thấy tức sắc tức không là Đẳng giác. Bình hoa, cái nhà, con người... duyên hợp tự tánh không. Giác ngộ được tánh bình đẳng duyên hợp của các pháp, gọi là Đẳng giác. Không đợi tu đến chứng Đẳng giác, Diệu giác hay thành Phật mới nhận được lý này. Phàm phu như chúng ta mà nhận cho đúng, thấy cho rõ như vậy thì cũng đang tiến trên con đường Đẳng giác.

Thế nào là Diệu giác? Vì hai tánh không, gọi là Diệu giác. Tất cả đối đãi hai bên tốt xấu, có không, phải quấy..., biết rõ tánh nó là không, đó là Diệu giác. Như vậy nói Diệu giác, Đẳng giác là nói đến trí tuệ thấy rõ tánh của các pháp không thật, đó là trí tuệ của Phật, của Bồ-tát chứ không phải là thường.

Lại nữa, không giác không không giác gọi là Diệu giác. Diệu giác vượt trên cả giác và không giác, không thể dùng ngôn ngữ suy luận được, nên nói không giác không không giác. Thấu rõ được nghĩa này gọi là Diệu giác.

 

Chánh văn: 

Hỏi: Đẳng giác cùng Diệu giác là khác hay chẳng khác? 

Đáp: Vì tùy sự phương tiện giả lập hai tên, chứ bản thể là một không hai không khác, cho đến tất cả pháp đều như vậy cả. 

Giảng: 

Đẳng giác và Diệu giác tùy phương tiện mà đặt tên, thật thể không hai. Thấy tất cả các pháp đều là duyên hợp tánh không, thấy tột cùng như vậy là Đẳng giác, tức là giác ngộ bình đẳng nhất như. Chính bình đẳng giác ngộ nên không có pháp đối đãi nào là thật, đó là Diệu giác. Đẳng giác và Diệu giác, tuy hai tên nhưng thể là một. Nếu chúng ta thấy tất cả pháp rõ ràng như vậy thì lúc nào cũng sống trong tâm Đẳng giác, Diệu giác. Đúng như chư tổ thường nói, ngày ngày cõng Phật đi, đêm đêm ôm Phật ngủ. Chúng ta luôn có tánh giác không rời xa, chỉ cần nhận được hai pháp đối đãi là tánh không thật, nhận được tánh bình đẳng của các pháp. Đó chính là tâm Đẳng giác, tâm Diệu giác.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Kinh Kim Cang nói: “Không pháp có thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp.” Nghĩa đó thế nào?

Đáp: Thể của Bát-nhã cứu cánh thanh tịnh, không có một vật có thể được, ấy gọi là “không pháp có thể thuyết”. Ngay trong thể không tịch của Bát-nhã, đầy đủ diệu dụng như hằng sa, tức là không việc gì chẳng biết, “ấy gọi là thuyết pháp”. Cho nên nói “không pháp có thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp”.

Giảng:

Đặt câu hỏi: không pháp có thể thuyết, ấy gọi là thuyết pháp, nghĩa này thế nào? Ngài giải thích: Vì thể Bát-nhã cứu cánh thanh tịnh, không có một vật có thể được. Nghĩa là biết rõ tất cả pháp không có thật tánh, tức là thấy được lẽ thật của các pháp. Vì không có pháp thật nên nói không pháp có thể thuyết. Ngay trong thể không ấy lại có diệu dụng, các pháp theo duyên biến hiện trùng trùng. Thể không nhưng diệu dụng đầy đủ, không việc gì chẳng biết, ấy gọi là thuyết pháp.

Như vậy, nhờ nhận được thể chân thật nên có tất cả phương tiện, tất cả diệu dụng để chỉ dạy, nhắc nhở cho người. Như các pháp tôi nói có pháp nào thật không? Không có pháp thật, đó là không pháp có thể thuyết. Nhưng tôi có thuyết pháp không? Có thuyết pháp! Vì thế nói không pháp có thể thuyết ấy gọi là thuyết pháp. Thuyết pháp mà không có một pháp thật.

Chánh văn:

Hỏi: Kinh nói: “Có người thiện nam thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, là người ấy tội nghiệp đời trước lẽ phải sa vào đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước liền được tiêu diệt, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Nghĩa đó thế nào?

Đáp: Như có người chưa gặp đại thiện tri thức, chỉ tạo nghiệp ác, bản tâm thanh tịnh bị ba độc vô minh che lấp không thể lộ bày, cho nên nói lẽ phải sa vào đường ác. Do đời này bị người khinh chê, tức là hôm nay phát tâm cầu Phật đạo, khiến vô minh diệt hết, ba độc chẳng sanh, thì bản tâm sáng suốt, lại không loạn niệm, các ác hằng dứt sạch nên đời này bị người khinh chê. Vô minh diệt hết, loạn niệm chẳng sanh, thì tự nhiên giải thoát, nên nói sẽ được Bồ-đề. Chính khi phát tâm gọi là đời này, chẳng phải cách đời.

Giảng:

Kinh Kim Cang nói, người đọc tụng kinh này nếu bị khinh chê là người có tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa đường ác, do đời này bị người khinh chê nên nghiệp đời trước liền được tiêu diệt, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài giải thích: Người không gặp thiện tri thức thì chỉ tạo nghiệp ác, bản tâm thanh tịnh bị ba độc vô minh che lấp không thể hiển bày, nên sẽ đọa vào ba đường ác. Do đời này bị khinh chê, tức là hôm nay phát tâm cầu Phật đạo, khiến vô minh diệt hết, ba độc chẳng sanh thì bản tâm sáng suốt lại không loạn niệm, cái ác hằng dứt sạch, nên đời này bị người khinh chê. Vì trong tâm chứa tam độc vô minh nên tánh giác bị che phủ. Ngày nay thọ trì kinh này, hoặc là được thiện hữu tri thức chỉ ra tam độc là xấu, vô minh là dở, nên gọi là bị khinh chê. Khi biết rồi thì bỏ tam độc, vô minh sạch hết không còn loạn niệm, tự nhiên giải thoát, nên nói sẽ được Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Chính khi phát tâm gọi là đời này, chẳng phải cách đời. Đây giải thích nghĩa chữ đời trong kinh Kim Cang. Không cần đợi đời sau khỏi đọa hay đời sau sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngay khi phát tâm hướng về đạo Vô thượng, chính đời này đã dứt nghiệp ác.

Chánh văn:

Hỏi: Kinh lại nói “Như Lai có ngũ nhãn” thế là sao?

Đáp: Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn. Thấy thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn. Đối các cảnh sắc cho đến thiện ác đều hay phân biệt vi tế, không có nhiễm trước, ở trong ấy được tự tại, gọi là Tuệ nhãn. Thấy không có chỗ thấy gọi là Pháp nhãn. Không thấy không không thấy gọi là Phật nhãn.

Giảng:

Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn. Ngay nơi hình sắc thấy rõ ràng không thật có, không dính mắc, trong tâm không nhiễm nhơ đó là Nhục nhãn. Thấy thể thanh tịnh là Thiên nhãn. Thấy được thể thanh tịnh của các pháp, đó là Thiên nhãn. Đối với các cảnh sắc cho đến thiện ác đều hay phân biệt vi tế, không có nhiễm trước, trong ấy được tự tại gọi là Tuệ nhãn. Thấy các pháp dù xấu dù đẹp, dù hay dù dở... đều thấy tột cùng không lầm lẫn, không nhiễm trước, đó là Tuệ nhãn.

Không có chỗ thấy, gọi là Pháp nhãn. Thấy mà không có một pháp thật để thấy, đó là Pháp nhãn. Không thấy,không không thấy, ấy là Phật nhãn. Không có chỗ thấy thật nhưng vẫn thấy tất cả, đó là Phật nhãn. Đây là giải thích về ngũ nhãn.

Chánh văn:

Hỏi: Lại, kinh nói Đại thừa Tối thượng thừa, nghĩa ấy thế nào?

Đáp: Đại thừa là Bồ-tát thừa, Tối thượng thừa là Phật thừa.

Giảng:

Như trong kinh Pháp Hoa, Phật nói “chỉ có một Phật thừa, không có hai có ba”. Kinh Pháp Hoa chỉ thẳng Phật thừa, còn nói Đại thừa là chỉ cho Bồ-tát thừa.

Chánh văn:

Hỏi: Tu thế nào để được thừa này?

Đáp: Người tu Bồ-tát thừa tức là Đại thừa. Chứng Bồ-tát thừa rồi, lại không khởi quán, đến chỗ không tu, yên tịnh thường lặng lẽ, chẳng thêm chẳng bớt, gọi là Tối thượng thừa, tức là Phật thừa.

Giảng:

Người tu đến chỗ thấy tột cùng các pháp không hai là chứng được Bồ-tát thừa. Thấy các pháp không hai rồi lại yên tịnh lặng lẽ đến chỗ không còn tu chứng, không thêm không bớt, đó là Tối thượng thừa, tức là Phật thừa. Tinh thần Thiền tông là tinh thần đốn ngộ rất cụ thể thực tế, không xa xôi không cách biệt. 

Chúng ta không hiểu, cứ ngỡ rằng Tối thượng thừa là cao siêu xa cách với mình lắm, sự thật nếu hiểu rõ thì thấy ngay trước mắt.

Chánh văn:

Hỏi: Kinh Niết-bàn nói: “Định nhiều tuệ ít chẳng lìa vô minh, định ít tuệ nhiều thêm lớn tà kiến, định tuệ đồng nhau gọi là giải thoát.” Nghĩa đó thế nào?

Đáp: Đối tất cả thiện ác đều phân biệt là tuệ, đối với cái bị phân biệt chẳng khởi yêu ghét, chẳng nhiễm trước nó là định, đây là định tuệ đồng dùng vậy.

Giảng:

Trong đây ngài dùng lối văn hỏi và đáp để làm rõ ý nghĩa trong kinh, cũng như làm rõ ý nghĩa thiền. Ngài dẫn kinh Niết-bàn nói, Định nhiều tuệ ít chẳng lìa vô minh, định ít tuệ nhiều thêm lớn tà kiến, định tuệ đồng nhau gọi là giải thoát. Như vậy người tu phải đủ cả hai mặt định và tuệ, định tuệ phải quân bình không thiên nặng một bên. Định nhiều tuệ ít chẳng lìa vô minh, nghĩa là nếu tu chỉ để tâm yên định mãi mãi chìm lặng trong si định, Phật gọi đó là tăng trưởng vô minh. Bởi vì nếu không có tuệ chỉ có định thì vô giác vô tri, càng ngồi càng thêm vô minh. Nếu định ít tuệ nhiều thêm lớn tà kiến. Tâm mình không có định, chỉ có trí tuệ luận bàn phán đoán xét nét mọi việc, chỉ thấy một bên mà không đạt đến chân lý, vì vậy nên nói tăng trưởng tà kiến. Người tu Phật phải bình đẳng giữa định và tuệ, hai cái đó không thể nghiêng bên nào cũng không thể thiếu bên nào được.

Đối với vấn đề định tuệ, ngài giải thích rất rõ. Tất cả thiện ác đều phân biệt, thiện biết là thiện, ác biết là ác không lầm lẫn, đó là tuệ. Đối với cái bị phân biệt chẳng khởi yêu ghét, chẳng nhiễm trước, đó là định. Chúng ta ngày nay phân biệt rõ ràng, nhưng bên cạnh phân biệt lại có yêu ghét. Như chúng ta chuộng quý việc thiện nên thấy người làm thiện dễ thương, thấy ai làm ác thì ghét. Đó là nghiêng trọng về phân biệt thiện ác, còn tâm thương ghét thì không hợp với đạo. Chúng ta có thể tán thưởng người làm thiện, chê trách người làm ác cho họ từ bỏ việc ác nhưng không nên có tâm thương ghét, như thế mới bình đẳng. Vì vậy nói đối với cái bị phân biệt chẳng khởi yêu ghét, bị phân biệt tức là bị mình nhận định đó là thiện hoặc đó là ác. Phân biệt rõ ràng mà không khởi yêu ghét, đó là định. Có người cho rằng người tu không phân biệt đẹp xấu... lộn xộn như người ngu. Người có trí tuệ thì đẹp biết đẹp, xấu biết xấu, nhưng đối với tất cả đẹp xấu... không khởi tâm thương ghét. Như vậy tuệ và định của người tu khác với người không tu ở chỗ thấy biết rõ giống nhau nhưng niệm yêu ghét thì không giống. Một bên yêu ghét, một bên bình đẳng không yêu ghét, đó là điểm đặc biệt.

Theo thế gian, người làm xấu phải bị chê trách, người làm tốt phải được khen thưởng để họ cố gắng làm thêm. Nếu tu theo đây thì không khen mà cũng không chê, như vậy có khích lệ ai đâu mà họ làm tốt, cũng không chê trách ai đâu mà họ sợ, vậy thì sao? Chỗ này nếu không hiểu kỹ cũng lúng túng. Chúng ta biết rõ thiện ác, tốt xấu... nhưng đối với người thiện hay ác, tâm mình lúc nào cũng thấy họ là một chúng sanh đáng thương. Người làm thiện thì thương tánh tốt, kẻ làm ác thì thương sự mờ mịt tối tăm, không biết được điều phải quấy để tránh quấy làm phải. Đây là tâm bình đẳng, hai bên đều thương hết. Bên này thương người biết làm lành giúp đời, bên kia thương người mê muội làm ác. Vì thế phải tìm cách cảnh tỉnh họ, không mạt sát họ. Nếu ghét bỏ thì không tìm phương tiện, tạo duyên giáo hóa đưa họ về đường lành.

Như thế, Bồ-tát sử dụng định tuệ đồng thời, tâm không nhiễm trước mà luôn làm lợi ích chúng sanh.

Chánh văn:

Hỏi: Không bàn không nói gọi là định, chính khi bàn nói được gọi là định chăng?

Đáp: Nay nói định, chẳng luận nói cùng chẳng nói, vẫn thường định. Vì sao? Vì khi dùng tánh định nói năng phân biệt thì nói năng phân biệt cũng là định. Nếu khi dùng tâm Không để quán sắc, thì lúc quán sắc cũng không. Nếu khi chẳng quán sắc, chẳng nói chẳng phân biệt cũng không. Cho đến thấy nghe hiểu biết cũng như thế. Vì cớ sao? Vì tự tánh không thì đối tất cả chỗ đều không. Không thì không chấp, không chấp là đồng dùng. Bởi Bồ-tát thường dùng pháp đẳng không (cả thảy đều không) như thế nên được đến cứu cánh. Cho nên nói “định tuệ đồng nhau gọi là giải thoát”.

Giảng:

Khi im lặng không bàn nói là tâm định, khi bàn nói lăng xăng thì tâm có định không? Ngài giải thích: Nay nói định, chẳng luận nói cùng chẳng nói vẫn thường định. Vì sao? Vì khi dùng tánh định nói năng phân biệt thì nói năng phân biệt cũng là định. Định của chúng ta là định trong im lặng, là định của người mới tu. Im lặng thì thấy tâm hơi yên, khởi bàn nói thì tâm lăng xăng. Các vị Bồ-tát hay chư Phật thì nói năng cũng vẫn ở trong định. Đây là tánh định không phải do kìm giữ mà được, định do kìm giữ là tướng định. Tướng định nên lặng thinh không nói không bàn, nếu nói bàn là động. Chư Phật chư tổ dùng tánh định rõ biết tự tánh không sanh không diệt, nói năng đều hướng về tự tánh nên tánh luôn định.

Như khi chúng ta nhìn xuống biển, tuy thấy sóng ầm ầm nhưng biết bản chất của nước là trong lặng. Nếu chất nước là động, chúng ta lấy một cái thùng múc ngay những lượn sóng đó, đem đổ trong lu thì nó nổi sóng được không? Nếu tánh nước là động thì ở đâu cũng động hết, nhưng nước trong khạp trong lu không động, ở ngoài biển thì động. Động là do duyên gió, không phải bản tánh nó là động. Tâm của chúng ta, thể của nó là thanh tịnh yên lặng, nhưng vì theo duyên tiếp xúc hơn thua, phải quấy, nói năng... không tỉnh giác nên bị động.


 

Nếu nhận bản tánh luôn yên định thì làm việc hay nói năng luận bàn đều định. Chưa nhận ra, chưa sống được với tánh định thì ngồi thiền yên lặng là tướng định. Tướng định nên ngồi phải nghiêm trang lặng lẽ mới yên định, nếu ngồi lắc qua lắc lại, miệng nói tía lia thì không có định. Chúng ta chưa đạt tánh nên nhờ tướng định dần dần tâm mới yên, Phật tổ đạt được tánh rồi nên nói năng làm Phật sự mà vẫn ở trong định. Đây là thứ nhất, nói về tánh định.

Đến thứ hai, nếu khi dùng tâm Không để quán sắc, thì lúc quán sắc cũng không. Nếu khi chẳng quán sắc, chẳng nói chẳng phân biệt cũng không. Vừa rồi nói về tánh định, bây giờ nói về tánh không. Tất cả pháp nào nếu do duyên hợp lại mới thành thì pháp đó tánh không. Tại sao? Nếu tánh nó đã có sẵn thì không đợi duyên, mà đợi duyên thì nó là không. Như bình hoa này nếu sẵn có thì không đợi đem hoa đem lá cắm vào mới thành bình hoa, vì đợi có duyên nên bình hoa tánh không. Xét kỹ, thân chúng ta cũng vậy, hiện có nhưng tánh không, tùy duyên mà có, theo duyên mà rã tan. Tất cả những gì tùy duyên hợp, tùy duyên tan, đó là tánh không. Không phải tánh không là không ngơ.

Sắc tức thị không, ngay thân thể nặng mấy chục ký-lô này tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng tùy theo duyên hợp mà có ra tướng của tất cả pháp, đó là không tức thị sắc. Hiểu như vậy đọc kinh Bát-nhã mới thấy lý thú. Thiền sư Lương Giới thuở nhỏ theo thầy tụng kinh Bát-nhã, đến câu “vô nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý”, ngài thắc mắc hỏi thầy: “Con có mắt, tai, mũi, lưỡi...cớ sao trong kinh nói không?” Thầy không trả lời được bèn giới thiệu ngài đi về phương Nam. Sau khi tham học, ngài ngộ được lý thiền.

Lý đạo rất thâm trầm, chúng ta tụng đọc phải thấu được lý này. Trong kinh nói thế này nhưng hiện tại thì khác. Không mắt, tai, mũi, lưỡi... thì cái gì nhìn thấy, cái gì nghe được...? có nhìn thấy có nghe được là có mắt có tai rõ ràng, sao Phật lại nói không? Bởi thân này mắt tai mũi lưỡi thân ý đều do duyên hợp, duyên hợp nên tánh nó là không. Sắc thanh hương vị xúc cũng như vậy. Hiểu được lý không thì mọi việc đều an ổn. Nếu chấp thân này cho là thật tức là không hiểu duyên hợp. Cái không thật mà chấp thật đó là mê.

Nhìn lại thế gian người mê nhiều hay người tỉnh nhiều? Mê là vì chúng ta không hiểu thấu được lý của Phật nói. Tánh là chỉ cho cái sẵn có ban đầu. Cái ban đầu là thật có thì không đợi duyên, nhưng vì ban đầu là không, đợi duyên mới thành có nên nói là tánh không. Nhận được lý nhân duyên là hiểu được tánh không. Các nhà khoa học phân tích nhân duyên rất chi li, phân tích từ những hiện tượng bên ngoài đến tế bào trong thân... Phân tích kỹ, không thấy cái gì nguyên vẹn có từ buổi đầu, tất cả đều do sự kết hợp từ những cái li ti nhỏ nhất, dần dần đến thô, dần dần thành hình con người hay sự vật. Phân tích rõ nhưng không hiểu được tánh không nên vẫn loanh quanh không giải thoát.

Mọi sự đều là duyên hợp thì mọi sự đều tánh không. Biết các pháp tánh không, do duyên hợp, các pháp không thật là có trí tuệ. Trí tuệ và si mê gần một bên, mê ngộ như trở bàn tay. Nếu thấy thân này thật có thì đó là si mê, nếu thấy thân này tánh không, duyên hợp giả có như huyễn như hóa là trí Bát-nhã. Tu chừng bao nhiêu năm mới được? Công phu tu, tập ăn chay, tập ngồi thiền... có thể rất lâu mới được, tu bằng trí tuệ rất nhanh. Mê như bàn tay úp, tỉnh như bàn tay ngửa. Đường đạo chỉ có mê với tỉnh. Tỉnh chập chờn thì đó là phàm phu mới bước vào đạo, nếu tỉnh luôn ngày này tháng kia năm nọ là Bồ-tát. Bồ-tát là hữu tình giác, thấy đúng như thật là chúng sanh mà giác ngộ. Người học Phật nếu hiểu kỹ rồi thì thấy dễ, học Phật mà cứ nghĩ đến thần thông thì thấy khó! Chỉ cần chuyển mê thành trí như lật bàn tay không lâu không khó, nhưng phải có cái nhìn tường tận thấu đáo. Đó là chỗ thiết yếu.

Cho đến thấy nghe hiểu biết cũng như thế. Vì tự tánh không thì đối tất cả chỗ đều không. Nói đây là cái nhà thì người không biết cho cái nhà là thật, nhưng người trí tuệ thì biết cái nhà này duyên hợp, tự tánh nó là không. Nói không mà hiện là có chứ không phải không ngơ. Khi ngộ được tự tánh không rồi thì thấy tất cả đều không. Vì không nên không đắm chấp, nên nói định tuệ đồng nhau gọi là giải thoát. Thấy tất cả pháp tánh không là trí tuệ, biết tánh không nên tâm không chấp không dính là định, định và tuệ cả hai không rời nhau gọi là đẳng dụng. Nên nhớ, cái gì mà chúng ta cho là thật đẹp, thật có thì mới quyến luyến nó, còn cái gì tuy có đó mà biết nó là duyên hợp hư giả không thật, tánh

nó là không thì dứt hết quyến luyến. Vì mê nên tâm đắm trước, tỉnh thì tâm hết đắm trước, rõ ràng như vậy.

Nếu biết thân này duyên hợp hư giả, tánh nó là không thì hợp tan là lẽ thường, không có gì lạ. Đủ duyên hợp, hết duyên tan là quyền của nó, mình có cưỡng lại cũng không được. Chú tan thì tôi cười chơi, coi chú tan ra làm sao? Khi hấp hối thì cười, cười xem nó hoành hành, nó rã rời như thế nào. Mất chất gió, mất hơi ấm, mất chất nước, mất chất cứng, dần dần thân này tan rã. Mình xem nó tan ra sao và cười với nó thì hết khổ. Nếu thấy thân này thật của mình khi tan rã có khổ không? Cùng một cái chết, mà bên khổ bên không khổ, tỉnh thì không khổ, mê thì khổ. Tu như vậy là giải thoát cho mình và cho mọi người.

Lời Phật dạy như thế chúng ta nghiệm đúng thực hành đúng, cứ như vậy mà bước từng bước, bước nào cũng đi trong chân lý. Đi trong chân lý tức là giác, làm cư sĩ cũng giác ngộ như thường. Nhiều Phật tử than thở, muốn giải thoát phải vào chùa tu như quý thầy mới giải thoát, còn ở gia đình bận rộn làm sao giải thoát được? Nếu tu ở chùa mà cứ thấy thân này là thật, thấy tội phước thiện ác thật hết một trăm phần trăm thì giải thoát không? Giả sử còn là cư sĩ, làm công kia việc nọ hằng ngày, làm gì cũng biết tánh nó là không, biết rõ mình sống trong huyễn, làm các việc cũng như huyễn, vui cười trong cái như huyễn thì sao mà không giải thoát? Giác ngộ là trọng tâm chủ yếu của đạo Phật. Giác ngộ do trí tuệ không phải do công phu, công phu nhiều, định thật lắm mà không giác ngộ cũng chưa phải rốt ráo. Chúng ta không ngại hoàn cảnh, chỉ ngại chúng ta mê, không chịu giác. Nếu tỉnh giác thì lúc nào cũng tu được, cảnh nào cũng giác được, còn mê thì cảnh nào cũng mê hết. Giải thoát không tìm đâu xa, ngay nơi hiện tiền chúng ta đang sống đây.

Chánh văn:

Tôi lại vì ông nói ví dụ để hiển bày, khiến ông tỉnh tỉnh, được hiểu dứt nghi. Ví như gương sáng khi chiếu soi hình tượng, ánh sáng của gương có động chăng? Chẳng động. Lúc chẳng chiếu cũng động chăng? Chẳng động. Tại sao? Vì gương sáng dùng ánh sáng vô tình chiếu, nên khi chiếu chẳng động, khi chẳng chiếu cũng chẳng động. Vì sao? Bởi trong vô tình không có động, cũng không có chẳng động.

Giảng:

Vừa rồi nói người tu vẫn phân biệt thiện ác đẹp xấu... nhưng không có yêu ghét, đó là trí tuệ. Ví dụ như gương sáng, mọi hình tượng ở ngoài đều hiện đủ hết, mà có gì dính với gương không? Khi úp gương lại thì hình xấu mất, hình đẹp có dính lại không, hay là đẹp xấu cũng mất? Khi cảnh hiện tiền trước gương thì thấy, khi gương đổi chiều hướng thì không thấy. Tâm chúng ta phân biệt rành rẽ phải quấy thiện ác, nhưng không khởi niệm yêu ghét nên giống như mặt gương vô tình, không dính gì hết. Không dính chứ không phải không phân biệt. Gương lúc nào cũng sáng, tâm mình lúc nào cũng biết, nếu không biết thì thành gỗ đá vô tri. Người biết trong cái dính mắc là nhiễm trước, người thấu hiểu đạo cũng biết như vậy mà không dính mắc, không nhiễm trước.

Thấy biết phải quấy tốt xấu nhưng không khởi niệm thứ hai để dấy thương ghét, vì không có niệm thứ hai nên không dính mắc. Như vậy trong tuệ có định, trong định có tuệ. Đó là ý nghĩa dùng gương để ví dụ.

Chánh văn:

Lại như ánh sáng mặt trời khi chiếu thế gian, ánh sáng có động chăng? Chẳng động. Nếu khi chẳng chiếu có động chăng? Chẳng động. Vì sao? Vì ánh sáng kia vô tình, dùng ánh sáng vô tình chiếu soi, cho nên chẳng động, chẳng chiếu cũng chẳng động. Chiếu đó là tuệ, chẳng động là định.

Bồ-tát dùng pháp định tuệ đồng ấy thì được Vô thượng giác. Cho nên nói “định tuệ đẳng dụng tức là giải thoát”. Nói vô tình là không phàm tình, chẳng phải không thánh tình.

Giảng:

Dùng hai ví dụ, mặt gương và ánh sáng mặt trời. Gương và ánh sáng mặt trời lúc nào cũng đều sáng nhưng không dính mắc nên nó chiếu soi mà định. Chiếu soi là trí tuệ, không dính mắc đó là thiền định.

Đây giản trạch rõ chữ vô tình. Thường hay nói người không có thương ghét là vô tình, như mình tu mà thấy người khổ không thương, thấy người gian ác không ghét thì cũng như cây gỗ, đâu có nghĩa lý gì. Nhưng sự thật không phải. Định tuệ đẳng dụng tức là giải thoát, định tuệ dùng một cách bình đẳng, đều như nhau là người giải thoát. Nói vô tình là không phàm tình, chẳng phải không thánh tình. Nghe nói vô tình tưởng như gỗ đá, nhưng đây nói vô tình là không phàm tình, chẳng phải không thánh tình. Phàm tình là khi chúng ta ưa thích điều gì, thấy ai làm điều đó thì thương quý, còn điều gì mình không thích mà ai làm thì mình ghét. Phàm tình là tình thương ghét theo sở thích.

Thánh tình là sao? Trong tâm dứt sạch thương ghét, lúc nào cũng sẵn sàng làm việc cứu độ chúng sanh mà không có niệm phân biệt. Như chúng ta đi ra đường gặp cụ già muốn qua đường mà xe cộ nhiều không dám đi, chúng ta liền mạnh dạn hướng dẫn để đưa qua đường. Nếu qua rồi cụ già đó quay lại cám ơn thì vui, nếu qua rồi lẳng lặng đi luôn như không biết gì hết thì buồn, đó là phàm tình. Thánh tình là lòng từ không có duyên cớ, thấy người cần giúp thì cứ giúp rồi thôi, không thêm gì hết, mang ơn hay không mang ơn cũng xem như nhau. Chư Phật Bồ-tát biết chúng sanh như huyễn, việc làm cũng như huyễn, luôn luôn lăn xả vào cuộc đời để cứu giúp, không cần chúng sanh mang ơn hay trả ơn. Mang tâm lợi tha như thế, làm việc gì cũng rốt ráo trọn vẹn. Làm việc với tâm không phân biệt không phải là vô tình, mà chính là để thành tựu công hạnh của bậc thánh.

Chánh văn:

Hỏi:  Thế nào là phàm tình? Thế nào là thánh tình?

Đáp: Nếu khởi hai tánh (có không, yêu ghét) tức là phàm tình. Hai tánh không tức là thánh tình.

Giảng:

Chúng ta thường cho rằng còn niệm yêu ghét là phàm tình, bỏ luôn niệm yêu ghét là thánh tình, nhưng ở đây không khởi hai tánh phàm và thánh, biết tất cả tánh không, không có một pháp thật, đó mới là thánh tình. Phàm thánh gần một bên. Đôi khi chúng ta nghe đồn đãi nơi này nơi kia có Phật giáng thế hay có Bồ-tát hiện thân... rồi xách gói, mang cơm đi tìm Phật tìm Bồ-tát. Nếu tìm được thì chắc gì là Phật Bồ-tát thật? Phật Bồ-tát thật cũng làm việc như chúng ta, chỉ có tâm phàm và tâm thánh khác nhau. Chúng ta thường quan niệm Phật Bồ-tát là có hào quang, có thần thông huyền bí, không phải sinh hoạt nói năng như chúng sanh. Hiểu như vậy là sai lầm. Phật, Bồ-tát là người giác ngộ, còn mê thì là phàm phu, là chúng sanh. Cùng sống trong cảnh đời cùng làm một công tác như nhau, người mê khác, người giác khác, không cần tìm đâu xa.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89105
  • Online: 43