Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 05)

12/07/2023 | Lượt xem: 1048

HT.Thích Thanh Từ

Chánh văn:

Hỏi: Thế nào gọi là năm ấm?

Đáp: Đối sắc nhiễm sắc, theo sắc thọ sanh, gọi sắc ấm. Vì lãnh nạp vào trong tám gió (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc), ưa nhóm họp những thứ tin tà, từ trong sự lãnh thọ mà sanh, gọi là thọ ấm. Mê tâm chấp tưởng, theo tưởng thọ sanh, gọi là tưởng ấm. Kết nhóm các hành, theo hành thọ sanh, gọi là hành ấm. Nơi thể bình đẳng vọng khởi phân biệt dính mắc, theo thức thọ sanh, gọi là thức ấm. Thế nên gọi là năm ấm.

Giảng:

Đây giải thích rõ năm ấm. Sắc ấm là do đối với sắc mà sanh nhiễm, theo sắc thọ sanh gọi là sắc ấm.

Thọ ấm là do lãnh nạp tám gió lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, ưa nhóm họp những thứ tin điên đảo, do sự lãnh thọ mà sanh gọi là thọ ấm. Tức là đối với buồn, vui, lợi, suy, bị hủy nhục, được khen ngợi... do tâm mê lầm mà lãnh thọ những điều đó gọi là thọ ấm.

Tưởng ấm là mê tâm chấp tưởng. Tâm chân thật sẵn có mà quên, cứ theo vọng tưởng điên đảo, theo tưởng mà thọ sanh gọi là tưởng ấm.

Hành ấm là kết nhóm các hành tức là kết nhóm các thứ sanh diệt, theo hành thọ sanh gọi là hành ấm, cũng gọi là nghiệp.

Thức ấm là nơi thể bình đẳng vọng khởi phân biệt dính mắc, theo thức thọ sanh gọi là thức ấm.

Giải thích năm ấm như vậy rất gọn gàng dễ hiểu. Chúng ta tu không phải là nhiều việc khó khăn, trái lại rất đơn giản rất dễ dàng. Khi nào tâm chúng ta không dính mắc với sắc thọ tưởng hành thức, lúc đó không còn bị kéo lôi đi trong trầm luân sanh tử. Người tu cố gắng thoát ra ngoài vòng sanh tử, bằng cách không dính mắc năm ấm. Muốn được như vậy, hằng ngày chúng ta phải tập tâm đừng bị dính sắc, đừng bị những cảm thọ buồn vui chi phối, đừng theo vọng tưởng điên đảo, đừng mê lầm chạy theo nghiệp sanh diệt, theo vọng tưởng bị hành ấm dẫn đi, đừng theo thức khởi phân biệt dính mắc. Giải thoát sanh tử là không bị thân năm ấm liên tục sanh diệt trôi trong luân hồi nữa.

 

 Chánh văn:

Hỏi: Kinh nói “hai mươi lăm cõi”, thế nào là hai mươi lăm cõi? 

Đáp: Là thọ thân đời sau vậy. Thân đời sau thọ sanh trong sáu đường. Vì chúng sanh hiện đời tâm mê ưa kết các nghiệp, sau ắt theo nghiệp thọ sanh, cho nên nói đời sau. đời nếu người chí tâm tu hành được cứu cánh giải thoát, chứng vô sanh pháp nhẫn, hằng lìa tam giới chẳng thọ thân sau. Người không thọ thân sau chứng pháp thân. Pháp thân tức thân Phật. 

Giảng: 

Đây hỏi thế nào là hai mươi lăm cõi, trả lời rằng thọ thân đời sau vậy. Chúng sanh hoặc tu hoặc không biết tu, biết tu thì tạo các nghiệp lành không biết tu thì tạo các nghiệp dữ. Tùy theo nghiệp lành, nghiệp dữ mà thọ sanh những nơi tốt xấu sai khác. Chỗ thọ sanh đó Phật chia ra hai mươi lăm cõi hay hai mươi lăm loài. Như vậy cõi là chỉ nơi thọ sanh tùy nghiệp, nên nói là thọ thân đời sau, tức là theo nghiệp. Nếu không còn nghiệp để thọ sanh đời sau, tức không có hai mươi lăm cõi, là thể nhập pháp thân.

Ngài giải thích chúng sanh hiện đời tâm mê ưa kết các nghiệp, sau ắt theo nghiệp thọ sanh, cho nên nói đời sau. Nếu người biết tu giải thoát sanh tử thì hai mươi lăm cõi không còn. Người chí tâm tu hành được cứu cánh giải thoát, chứng vô sanh pháp nhẫn, hằng lìa tam giới, chẳng thọ thân sau tức là không còn hai mươi lăm cõi. Chúng sanh luân hồi trong sanh tử, tùy nghiệp thiện ác, đó là phân chia tổng quát. Trong thiện có thiện bậc thấp, thiện bậc trung, thiện bậc cao, vì vậy mà có sanh trong các cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Trong ác cũng có ác bậc thấp, ác bậc trung, ác bậc cao, vì thế mới có các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh... Tất cả nơi sanh đều tùy nghiệp của chúng ta. Chúng ta còn tạo nghiệp thì còn chỗ thọ sanh, khi nào tâm chúng ta không còn tạo nghiệp thì đó là vô sanh. Vô sanh là Niết-bàn, hay nói cách khác là pháp thân. Vì vậy nói hai mươi lăm cõi là đứng về mặt luân hồi sanh tử, không có hai mươi lăm cõi là đứng về mặt giải thoát. 

Chánh văn: 

Hỏi: Tên hai mươi lăm cõi làm sao phân biệt? 

Đáp: Bản thể là một, vì tùy dụng đặt tên nên có rõ ràng hai mươi lăm cõi. Hai mươi lăm cõi là mười điều ác, mười điều lành và năm ấm. 

Hỏi: Thế nào là mười điều ác, mười điều lành? 

Đáp: Mười điều ác là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói hung ác và tham, sân, tà kiến. Mười điều lành là ngược lại chẳng làm mười điều ác trên. 

Giảng: 

Người nghe muốn biết rõ hai mươi lăm cõi là gì. Như trong kinh, Phật phân biệt hai mươi lăm cõi, Dục giới bao nhiêu cõi, Sắc giới bao nhiêu cõi, Vô sắc giới bao nhiêu cõi. Ở đây ngài không phân biệt tên các cõi mà chỉ nói về nhân tạo thành các cõi, nên nói bản thể là một, vì tùy dụng đặt tên có rõ ràng hai mươi lăm cõi. Bản thể là chỉ cho pháp thân thanh tịnh, tùy dụng là tùy theo nghiệp lành dữ mà đặt tên. Chúng sanh sanh trong hai mươi lăm cõi khác nhau nhưng tất cả đều gốc từ tâm mà ra, nên nói hai mươi lăm cõi là mười điều ác, mười điều lành và năm ấm. Như vậy mười điều ác, mười điều lành và thân năm ấm là nhân để sanh trong hai mươi lăm cõi, không phải nói quả của hai mươi lăm cõi.

Thế nào là mười điều ác, mười điều lành? Đây ngài giải thích: Mười điều ác là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối... Mười điều lành là ngược lại mười điều ác.

Chúng sanh tạo mười điều ác nên có các cõi xấu, tạo mười điều lành nên có các cõi tốt, tuy xấu tốt khác nhau cũng đều là sanh tử. Vì vậy nói hai mươi lăm cõi từ nghiệp sanh ra, luân hồi sanh tử không dứt.

 Chánh văn:

Hỏi: Trước nói vô niệm mà tôi chưa thông tột? 

Đáp: Vô niệm là ở tất cả chỗ mà không tâm, không tất cả cảnh, không có những nghĩ cầu, đối các cảnh sắc hằng không khởi động. Được vô niệm gọi là chân niệm. Nếu dùng niệm khởi nghĩ làm niệm là tà niệm, chẳng phải chánh niệm. Vì sao? Kinh nói: “Nếu dạy người lục niệm (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên) gọi là phi niệm.” Có lục niệm gọi là tà niệm. Không lục niệm gọi là chân niệm. Kinh nói: “Này thiện nam! Chúng ta trụ trong pháp vô niệm được sắc vàng ba mươi hai tướng như thế, phóng hào quang lớn soi khắp các thế giới, công đức không thể nghĩ bàn, Phật còn nói chẳng hết, huống là các thừa mà có thể biết.” 

Người được vô niệm, sáu căn không nhiễm, tự nhiên được vào tri kiến chư Phật. Được như thế, gọi là Phật tạng cũng gọi là Pháp tạng hay bao gồm tất cả Phật, tất cả Pháp. Vì cớ sao? Vì vô niệm vậy. Kinh nói: “Tất cả chư Phật đều từ Kinh này xuất sanh.” 

Giảng:

Người niệm Phật đến nhất tâm, cuối cùng là niệm đến vô niệm. Người tu thiền cũng dứt hết niệm lự đến chỗ nhất tâm là vô niệm. Vô niệm là thế nào? Đây giải thích, niệm là ở tất cả chỗ mà không tâm, không tất cả cảnh, không có những nghĩ cầu, đối với cảnh sắc hằng không khởi động. Đối tất cả chỗ mà không tâm, như khi chúng ta đi ra chợ thấy người thấy vật, thấy tất cả mà không có một niệm dính mắc người hay vật, đó là vô niệm. Vừa khởi nghĩ là có niệm, khởi động là có niệm, không khởi nghĩ không khởi động là vô niệm.

Được vô niệm gọi là chân niệm. Khi tâm không dấy khởi, không biết động khởi hay không động khởi, như thế là chân niệm. Nếu dùng niệm khởi nghĩ làm niệm là tà niệm, chẳng phải chánh niệm. Tức là dùng ý niệm khởi nghĩ tốt, nghĩ làm công đức lành cũng gọi là tà niệm. Vì đó là niệm một bên, chưa trọn vẹn thanh tịnh. Kinh A-hàm, Phật dạy người mới tu phải ứng dụng lục niệm, là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm Thiên. Nhưng đây ngài Huệ Hải nói nếu còn lục niệm cũng chưa phải là chân thật. Tại sao? Tất cả khởi niệm là động, dầu niệm thiện như lục niệm ở đây cũng là tướng động, mà tướng động là gốc của sanh diệt. Vừa khởi niệm đều là niệm tà, không phải khởi những niệm tốt mà gọi là chánh.

Lục tổ Huệ Năng khi được y bát của Ngũ Tổ liền đi về phương Nam, trên đường nhiều người đuổi theo, trong đó ngài Huệ Minh đuổi gần kịp. Tổ liền để y bát trên tảng đá rồi vào trong bụi ẩn. Khi ngài Huệ Minh đến bưng y bát lên không nổi, biết không thể dùng sức mạnh tranh giành nên thức tỉnh. Huệ Minh mời Tổ ra để cầu pháp. Tổ bảo: “Ông vì pháp mà đến thì hãy dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm nghe ta nói.” Lúc đó ngài Huệ Minh lặng lẽ, Tổ bảo: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh? Ngài Huệ Minh nghe câu đó tỉnh ngộ liền. Chúng ta thấy, chỗ vô tâm này là không có niệm ác mà cũng không luôn niệm thiện. Thông thường chúng ta tu thì ghét niệm ác ưa niệm thiện, vì niệm ác thì tạo tội, niệm thiện thì tạo phước. Người tu nào cũng muốn tạo phước. Nếu tu để tìm an vui, tránh đau khổ thì nên có niệm thiện bỏ niệm ác. Nếu tu muốn giải thoát sanh tử, không còn trở lại tam giới thì niệm thiện niệm ác cũng phải bỏ luôn. Niệm thiện niệm ác đều là sanh diệt, sanh diệt chỗ lành chỗ tốt, sanh diệt chỗ ác chỗ xấu khác nhau, nhưng sanh diệt không khác. Còn đi trong hai nơi lành dữ đều gọi là còn sanh tử, muốn dứt sanh tử thì phải ra khỏi vòng thiện ác luân hồi. Vì vậy ngài nói lục niệm cũng là tà niệm, vì cũng còn là nhân sanh tử.

Bản lai diện mục, trong nhà thiền gọi là mặt mày thật xưa nay. Không nghĩ thiện không nghĩ ác là mặt thật muôn đời, mặt hiện giờ của chúng ta là mặt gì? Mặt hiện giờ có đẹp có xấu là do ác với thiện. Thiện thì đẹp ác thì xấu, mặt này là đối đãi nên có đẹp có xấu, mặt thật thì không còn đẹp xấu, không còn thiện ác. Như vậy, nơi Lục Tổ gọi là mặt thật xưa nay, đây ngài nói là pháp thân. Pháp thân là chỗ vô niệm, chỗ vô niệm chính là mặt thật xưa nay của mình. Tìm được trở về mặt thật xưa nay của chính mình, đó là thể không sanh diệt, là giải thoát không còn luân hồi sanh tử. Chúng ta tu muốn giải thoát sanh tử, phải trở về chỗ vô niệm.

Pháp môn Tịnh độ hay Thiền tông tu đến cứu cánh đều vô niệm. Vô niệm tức là vô sanh, vô sanh tức là tên khác của Niết-bàn. Sanh là dấy niệm thiện niệm ác, hết niệm thiện niệm ác là vô sanh. Chúng ta đang ở trong nhà hay đang đi ngoài đường một giờ nửa giờ mà không có niệm thiện ác dấy động, luôn tỉnh sáng thì lúc đó là đang ở trong Niết-bàn. Tâm không dấy động là vô sanh, vừa dấy động là tạo nghiệp sanh tử.

Chúng ta thường tưởng lầm khi chết rồi mới nhập Niết-bàn, còn đi đứng làm công kia việc nọ thì không bao giờ có Niết-bàn. Phật dạy Niết-bàn có hai, Hữu dư y Niết-bàn, Vô dư y Niết-bàn. Hữu dư y Niết-bàn là Niết-bàn còn thân để nương tựa, để sinh hoạt mà tâm thanh tịnh trong sáng. Khi thân hoại, tâm sanh diệt hết, vào y Niết-bàn không tái sanh trở lại. Như đức Phật sau khi giác ngộ rồi ngài đi hoằng pháp lợi sanh bao nhiêu năm, lúc đó ngài có ở trong Niết-bàn không? Tuy hoạt động mà vẫn ở trong Niết-bàn. Cho đến các vị chứng A-la-hán, khi chứng quả là đã được Niết-bàn, nhưng Niết-bàn mà vẫn còn thân sinh hoạt. Tâm là nhân để tạo quả, tâm sanh diệt lặng thì quả Niết-bàn vô sanh hiện tiền.

Chúng ta tìm Niết-bàn ở đâu? Lên trên núi, vào trong rừng hay là ra ngoài đảo ở riêng một mình mới có Niết-bàn? Ở giữa chợ chúng ta có Niết-bàn không? Có mà tại chưa nhận ra, chưa chịu ở đó. Ai cũng có quyền an hưởng Niết-bàn, chỉ vì chúng ta không hưởng thôi. Chúng ta còn thích chạy qua chạy lại trong luân hồi cho vui, rủ nhau chạy hoài không chịu ngừng, nếu ngừng được thì Niết-bàn hiện tại. Muốn được Niết-bàn phải buông bỏ vọng tưởng, vọng tưởng không bỏ được tức là không muốn Niết-bàn. Cho đến ngồi thiền cũng nhớ chuyện năm trên năm dưới, huống là đi đứng làm việc lăng xăng! Việc tu hành thật ra không xa, không khó, cái khó cái xa là vì chúng ta chưa trụ được tâm, chưa làm chủ được tâm. Bởi chưa làm chủ nên bị dẫn đi tạo nghiệp, mà tạo nghiệp thì cứ như vậy mà sanh tử. Đây là tôi giải thích chỗ nói vô niệm tức pháp thân, vô niệm tức Niết-bàn.

Người được vô niệm, sáu căn không nhiễm, tự nhiên được vào tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa nói về tri kiến Phật. Làm sao nhập được tri kiến Phật, làm sao sống được với tri kiến Phật? Đây chỉ rõ vô niệm, sáu căn không nhiễm với sáu trần, đó là vào tri kiến Phật. Thấy tất cả, nghe tất cả mà không dính không kẹt sáu trần, ngay đó mắt tai mũi lưỡi thân của chúng ta đang sống với tri kiến Phật, gần một bên không xa xôi gì.

Kinh Lăng-nghiêm, ngài A-nan hỏi Phật: Nơi thân tâm hiện nay, thế nào là nút trói buộc sanh tử, thế nào là mở để được Bồ-đề Niết-bàn? Lúc đó, Phật dùng tay sắc vàng xoa đảnh A-nan, mười phương cõi Phật đều rung động, chư Phật đồng thời phóng hào quang chiếu soi trên đảnh đức Thế Tôn. Mười phương chư Phật hưởng ứng đều nói một lượt rằng: Này A-nan, sáu căn của ông là gốc của phiền não luân hồi sanh tử, sáu căn của ông cũng là gốc Bồ-đề Niết-bàn.

Ai làm cho chúng ta sanh tử, ai dẫn chúng ta đến Bồ-đề Niết-bàn? Cũng chúng ta thôi, cũng sáu căn của mình. Sáu căn dính mắc sáu trần đó là gốc luân hồi sanh tử, sáu căn không dính không nhiễm sáu trần đó là gốc Bồ-đề Niết-bàn. Quyền đi vào sanh tử hay đi vào Niết-bàn là quyền trọn vẹn của chính mình, không ai thay thế được. Chúng ta có quyền chuyển sáu căn đang chạy theo luân hồi sanh tử thành sáu căn đi vào Bồ-đề Niết-bàn. Người tu đêm nào cũng thắp hương cầu Phật gia hộ cho con hết phiền não để ra khỏi luân hồi sanh tử, cho con sớm được Bồ-đề Niết-bàn; nguyện Phật gia hộ mà không chịu bỏ nhân sanh tử thì Phật gia hộ nổi không? Phật khuyên chúng ta đừng đi trong luân hồi sanh tử, đó là gia hộ, mà mình cứ thích ở trong luân hồi thì sao? Cũng như cha mẹ thấy con ấm đầu, khuyên con đừng ra nắng sẽ bị nhức đầu, khuyên như vậy mà nó cứ chạy phơi nắng hoài thì làm sao đây?

Chúng ta phải ý thức tu là việc của mình, Phật chỉ là người hướng dẫn đường đi thế nào để ra khỏi đau khổ, đi chỗ nào bị đau khổ, làm sao thoát khỏi cả đau khổ và không đau khổ. Còn khổ và vui là còn trong sanh tử, phải thoát ra khỏi cả khổ và vui mới là giải thoát. Phật chỉ rõ cho chúng ta, tất cả đường đi đều gốc từ tâm. Tâm nghĩ ác tạo ác thì đi trong đau khổ, tâm nghĩ lành làm lành thì đi trong an vui, dứt hết cả ác và lành thì đến Bồ-đề Niết-bàn. Nghĩ xấu nghĩ tốt đều là quyền của mình, dứt hết các nghĩ suy cũng quyền mình. Tu theo đạo Phật là tự do, nhận được nhân quả rồi, tự chọn lấy đường đi. Ba đường chỉ là gốc ở các ông, ở tâm của mình. Tâm của mình thì mình phải chọn, tâm của mình thì mình quyết định không ai làm việc đó thế cho mình được.

Nhiều người nghĩ rằng, ở thế gian này dầu khá giả hay nghèo nàn cũng đều chịu khổ, muốn sanh lên cõi trời để được vui sướng. Muốn như vậy phải ráng tu thập thiện, nghĩ mười điều lành, làm mười điều lành thì được sanh lên cõi trời. Nhưng cõi trời tuy vui mà cũng còn sanh tử, chi bằng hết sanh tử thì an lạc hơn. Tu dứt bặt nghĩ lành nghĩ dữ mới chấm dứt sanh tử. Như người được ở trong cảnh rất vui, đủ mọi trò vui chơi hưởng thụ mà cứ ở đó từ ba bốn tuổi cho tới tám chín mươi tuổi không cho đi đâu hết, ở mãi một chỗ thì có chán không?

Tôi thấy rõ ràng, ở trên Đà Lạt lạnh lâu lâu muốn chạy xuống Vũng Tàu tắm biển cho ấm. Ở Vũng Tàu tắm biển lâu rồi chê nóng, phải chạy lên Đà Lạt nghỉ cho mát. Nhiều người cho rằng ở thành thị đông người xe cộ nhộn nhịp vui nên ở dưới miền quê muốn lên thành thị. Người ở thành thị thì cho rằng ồn ào quá, muốn về đồng vắng dạo chơi trong đồng mát mẻ vui hơn. Người ta không chịu ở mãi một chỗ, phải đổi qua đổi lại, đổi chỗ này chỗ kia lên xuống đủ thứ. Còn có vui buồn thì chưa thật là vui, khi nào hết khổ hết vui mới thật là vui cứu cánh, vui chân thật. Thấy như vậy hiểu như vậy, thì chúng ta phải chọn cho mình cái vui chân thật. Phật đã chỉ dạy rõ ràng, chúng ta tự chọn lấy, không ai thay thế mình được. 

Chánh văn: 

Hỏi: Đã bảo vô niệm thì câu “Vào tri kiến Phật” từ đâu mà lập? 

Đáp: Từ vô niệm lập. Vì sao? Kinh nói: “Từ gốc trụ lập tất cả Pháp.” Lại nói: “Ví như gương sáng, trong gương tuy không hình tượng hay hiện muôn vàn hình tượng. Vì sao? Vì gương sáng nên hay hiện muôn vàn hình tượng.” Người học đạo do tâm không nhiễm nên vọng niệm chẳng sanh, tâm ngã nhân diệt, cứu cánh thanh tịnh, vì thanh tịnh hay sanh tri kiến lượng. 

Giảng: 

Muốn được tri kiến Phật phải từ vô niệm mà lập. Khi vô niệm thì sáu căn hiện ra đều là dụng của tri kiến Phật. Lại nói: Ví như gương sáng, trong gương tuy không hình tượng mà hay hiện muôn vàn hình tượng. Vì sao? Vì gương sáng nên hay hiện muôn vàn hình tượng. Như nơi sáu căn của chúng ta, nếu khi mắt nhìn chăm vào một người, một hiện tượng nào đó thì các cảnh khác không phản ảnh vào được. Khi có nhiều tiếng nói mà tai chúng ta chỉ chú ý tiếng nào thì nhớ tiếng đó mà quên các tiếng khác. Sáu căn đều như thế.

Nếu tất cả sáu căn không chú tâm vào cái gì, không dính mắc vào cái gì thì mọi cái đều hiện. Như bây giờ tất cả quý vị ngồi đối diện với tôi, nếu tôi chú ý vào người nào thì những người kia tôi không nhớ, thấy mà không nhớ gì cả. Nếu khi tôi không chú ý vào người nào,


 

lúc đó thấy tổng quát tất cả không sót một ai. Như vậy cũng nơi con mắt của mình mà có khi hiện đầy đủ, có khi hiện riêng một người một vật. Khi hiện riêng là dính mắc, khi hiện tổng quát hết thì không dính mắc, không dính mắc thì hiện đầy đủ. Như trong gương khi có một hình bóng gì rồi thì những bóng khác không hiện được, khi không có hình bóng thì tất cả đều có thể hiện được.

Nơi sáu căn chúng ta đầy đủ diệu dụng, nếu không bị một niệm nào chi phối thì sẽ sáng suốt trùm khắp. Nếu còn bị niệm chi phối thì chúng ta liền bị khu biệt trong một phạm vi nhất định. Nơi chúng ta có đủ Phật và chúng sanh, không cần tìm Phật nơi đâu. Nếu sáu căn không dính sáu trần thì sáu căn chúng ta là tri kiến Phật, nếu dính nhiễm với sáu trần thì sáu căn chúng ta là tri kiến chúng sanh. Nếu tri kiến chúng sanh thì suốt kiếp làm chúng sanh, nếu là tri kiến Phật thì được làm Phật. Như vậy gốc tu tập là ở sáu căn của mình, tu tập những gì ở bên ngoài khác không phải là bổn phận thiết yếu của chúng ta.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Thế nào đốn ngộ?(3) 

Đáp: Đốn ngộ là ngay trong đời này được giải thoát. Làm sao mà biết? Ví như sư tử con, khi mới lọt lòng mẹ quả nhiên là sư tử. Người tu đốn ngộ 

(1)   Câu này trong văn không có, e bản chữ Hán sót, dịch giả thêm vào. 

cũng như thế, ngay khi tu liền vào vị Phật. Như tre mùa xuân sanh măng, cũng ngay trong mùa xuân măng bằng tre, đồng không có khác. Vì cớ sao? Vì trong ruột trống. Người tu đốn ngộ cũng như thế. Vì chóng trừ vọng niệm hằng dứt ngã nhân, cứu cánh không tịch, cùng Phật bằng nhau, đồng không có khác. Cho nên nói “Ngay nơi phàm là thánh”. Người tu đốn ngộ chẳng rời thân này liền vượt tam giới. Kinh nói: “Chẳng hoại thế gian mà vượt khỏi thế gian, chẳng xả phiền não mà vào Niết-bàn.” 

Hỏi: Người không tu đốn ngộ thì thế nào? 

Đáp: Người không tu đốn ngộ, ví như can nhập bầy tử, trải trăm ngàn kiếp trọn chẳng được thành tử. 

Giảng: 

Ngài giải thích nghĩa đốn ngộ. Chúng ta thường nghe nói tiệm tu và đốn ngộ. Tiệm tu là tu từ từ, tu thứ lớp, còn đốn ngộ là giác ngộ nhanh chóng. Như sư tử khi mới sanh, dù là sư tử con nhưng cũng là sư tử. Người tu đốn ngộ cũng thế, ngay khi tu liền vào vị Phật. Chúng ta đang tu mà có biết mình vào vị Phật không? Ngay nơi sáu căn dính nhiễm sáu trần là phàm phu, sáu căn không dính nhiễm sáu trần là Phật. Như vậy ngay khi còn phàm phu mà chúng ta có Phật rồi, không phải chờ dứt hết phiền não mới thành Phật. Tu như vậy gọi là đốn ngộ. Nếu nói tu phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật thì thấy xa quá, đó gọi là tiệm tu, ý nghĩa khác hơn đây. 

Ví dụ thứ hai, như cây tre mùa xuân, ở Trung Quốc mùa xuân, ở Việt Nam là mùa hạ, trời mưa thì tre mọc măng, đến cuối mùa hạ thì măng cao bằng tre, chỉ trong một mùa là bằng nhau. Tại sao măng mau cao bằng tre? Vì ruột nó trống. Vô niệm là nói ý nghĩa ruột trống rỗng, bên trong không dính không mắc gì nên mau phát triển, nếu bên trong còn dính mắc thì chậm tiến.

Đốn ngộ là tự thấy ngay nơi thân phàm này đã có nhân làm thánh, không phải tìm thánh ở bên ngoài. Nên đây nói người tu đốn ngộ chẳng rời thân này liền vượt tam giới. Như Kinh nói: Không hoại thế gian mà vượt khỏi thế gian, chẳng xả phiền não mà vào Niết-bàn. Phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... Chưa buông xả được phiền não mà vào Niết-bàn, rất khó hiểu. Niết-bàn ở đây là nhân, không phải Niết-bàn quả. Như chúng ta khi gặp việc trái ý vẫn còn buồn giận, tức là còn phiền não. Nhưng qua cơn giận thấy sai, thấy mình còn tập khí phàm phu, liền buông cả niệm phiền não buồn giận, tâm lặng lẽ thanh tịnh, lúc đó có Niết-bàn chưa? Dù chưa sạch phiền não mà vẫn có Niết-bàn, Niết-bàn từng chặng từng phần vậy.

Nếu chúng ta cứ ôm lòng phiền giận không nguôi thì khó thấy Niết-bàn. Vừa có phiền não chúng ta biết đó là xấu, là hại liền buông bỏ, tâm được rỗng rang thanh tịnh thì giờ đó được Niết-bàn. Lâu lâu gặp việc trái ý thì lại dấy lên phiền não vì chưa buông xả hết, còn hạt giống tham sân ở trong nên động đến thì nó dấy lên. Chúng ta cũng khéo quán nó là gốc sanh tử liền buông xả, tâm trở lại yên tịnh, đó là Niết-bàn từng phần. Niết-bàn miên viễn là khi dẹp sạch hết phiền não, không còn dấy khởi động niệm.

Nhiều Phật tử cho rằng ngồi thiền một giờ thấy năm ba chục lần niệm khởi, lần nào ngồi cũng thấy chán, muốn ngồi yên mà không được. Nếu chúng ta ngồi thiền trong một giờ, mười lăm hai chục lần dấy khởi nghĩ tính, khi đó chúng ta liền biết là dối là vọng liền bỏ. Tâm dừng lặng một chút rồi khởi cái khác, khởi lên rồi bỏ, khoảng dừng lặng giữa hai lần khởi niệm chúng ta có nhận thấy không? Lúc nổi lên là niệm khởi, còn lúc lặng là cái gì? Chúng ta chỉ thấy niệm khởi, mà không thấy niệm lặng. Đúng ra thì một giờ khởi nghĩ mười việc, mười việc đó cao lắm là mười phút, còn lại năm chục phút là phần của mình. Tại sao cứ nhớ cái khởi nghĩ rồi buồn?

Mỗi niệm dấy lên chúng ta thấy, bỏ thì hết liền; chỉ tại mình cứ nhớ cái khởi niệm mà không nhớ mình có cái thanh tịnh lặng lẽ ở trong đó. Từ niệm này qua niệm kia có khoảng hở khoảng trống, không phải niệm liên tục. Cộng các khoảng trống đó lại nhiều hơn hay khoảng niệm khởi nhiều hơn? Niệm khởi là phàm phu, khoảng trống đó là gì? Là vô sanh, là Niết-bàn. Chúng ta ngồi thiền là đã có sẵn vô niệm, không khởi niệm là vô niệm, vô niệm là vô sanh, vô sanh là Niết-bàn.

Biết tu rồi chúng ta kiểm tra lại mới thấy sự tiến bộ ngầm của mình. Tự mình thấy tự mình biết, không thể nói rằng tu vô ích. Khi bắt đầu tu, một giờ chúng ta có thể khởi nghĩ một trăm lần. Tu vài ba năm thì trong một giờ khởi nghĩ năm chục lần. Nếu khá hơn, trong một giờ thiền khởi nghĩ hai chục lần, như vậy là có tiến. Sanh tử nhường chỗ cho vô sanh. Không nên tham lam đòi ngồi phải im phăng phắc từ khi kéo chân lên cho tới lúc xả, đừng đòi hỏi một lúc bặt hết liền, không tốt. Chúng ta đang tu thì niệm khởi thưa từ từ, thưa từ từ là bước tiến. Nếu muốn ngồi thiền bặt hết thì nhăn mặt nhíu mày đè vọng tưởng không cho nó dấy lên, đè riết đau đầu rồi nói sao tu thiền đau đầu quá. Cứ thản nhiên, thấy vọng thì buông, yên lặng. Như vậy tu thảnh thơi không bệnh, còn không khéo thì bệnh, rồi nói tại tu thiền loạn điên đủ thứ hết. Tại tham quá, muốn ngồi một giờ hay hai giờ thành Phật liền, cho nên sanh ra bệnh. Hiểu như vậy mới thấy sự tu rất cụ thể rõ ràng, không phải chuyện xa vời.

 
   

Chánh văn: 

Hỏi: Tánh chân như là thật không hay thật chẳng không? Nếu nói chẳng không tức là có tướng. Nếu nói không tức là đoạn diệt. Tất cả chúng sanh phải nương vào đâu tu hành để được giải thoát? 

Đáp: Tánh chân như cũng không cũng chẳng không. Vì sao? Vì diệu thể chân như không hình không tướng không thể được, nên nói cũng không. Song trong thể Không vô tướng đầy đủ diệu dụng hằng sa, không việc gì chẳng ứng hiện, nên nói cũng chẳng không. Kinh nói: “Hiểu một tức ngàn theo, mê một tức muôn lầm.” Nếu người giữ một thì muôn việc đều xong, ấy là diệu thuật ngộ đạo. Kinh nói: “Sum la và vạn tượng đều do một pháp ấn hiện. Thế nào trong một pháp mà sanh các thứ kiến? Vì công nghiệp như thế do hành làm gốc.” 

Giảng: 

Tánh chân như là có hay là không? Nếu thật không là đoạn diệt là không có gì, nếu tánh chân như thật chẳng không tức là có tướng. Cả hai có tướng và đoạn diệt đều là không phải chân thật. Lời giải thích vượt ra ngoài có không, nên nói tánh chân như cũng không cũng chẳng không. Vì sao? Vì nó không có hình tướng nên nói cũng không. Tuy không hình tướng mà hiện đầy đủ muôn ngàn diệu dụng, cho nên cũng chẳng không. Đó là thể chân không diệu hữu.

Lời Phật dạy vượt ngoài sự thấy biết của thế gian. Thế gian nhìn biết giới hạn trong phạm vi cố định. Bởi hiểu biết trong phạm vi cố định nên trở thành cố chấp. Nói có phải sờ mó được, đụng chạm được, nói không thì trống rỗng, không có gì. Sự thật thì những vật sờ mó được cũng chưa chắc thật là có, trong đó cũng còn những khoảng không. Khoảng không trống rỗng này cũng hiện những cái có nằm ở trong. Khi ánh sáng rọi vào chỗ trống chúng ta thấy có vô số bụi lăng xăng trong đó, làm sao nói không được. Khẳng định không khẳng định có đều là lối chấp sai lầm, là biên kiến, chấp một bên. Vì vậy nói cũng có cũng không là đúng lẽ thật, nhưng đúng lẽ thật thì khó hiểu.  

Song trong thể Không vô tướng đầy đủ diệu dụng hằng sa, không việc gì chẳng ứng hiện, nên nói cũng chẳng không. Như chúng ta, khi tâm dấy nghĩ nhớ người này người kia, nhớ việc kia việc nọ, lúc đó là tâm có nghĩ. Khi không dấy nghĩ người nghĩ cảnh, tất cả không có niệm nghĩ, lúc đó có tâm không? Chúng ta thường cho rằng có nghĩ là có tâm, không nghĩ là không có tâm, đó là hiểu biết nông cạn. Tâm là cái biết, cái biết dấy động khởi nghĩ là cái biết sanh diệt, cái hằng biết mà không dấy động không khởi nghĩ là cái biết vô sanh. Khi chúng ta nhìn mọi người đi qua đi lại tâm không nghĩ gì hết, không nhớ người, không nhớ cảnh, ngồi thì cứ ngồi một cách tự nhiên, người qua thì thấy người qua, tiếng nói thì nghe tiếng nói nhưng không dấy niệm, lúc đó có biết hay không biết? Có biết mà có động không? Nếu nói có nghĩ thì có tâm; như vậy khi không nghĩ không biết thì không có tâm; khi không nghĩ vẫn có biết, đó là tâm gì? Đó là tâm vô tướng. Tâm khởi nghĩ là tâm duyên theo tướng, khi nghĩ người có bóng người, nghĩ vật có bóng vật. Tâm có tướng nên vô thường sanh diệt. Tâm vô tướng thì mắt thấy tai nghe... không khởi nghĩ, không dính bóng dáng sáu trần mà hằng giác hằng tri. Không hình tướng nên không sanh diệt, hằng giác hằng tri nên không phải không biết gì.

Nơi chúng ta sẵn có tâm chân thật không thiếu lúc nào, chỉ vì quên hoặc không dám nhận, lại nhận lầm tâm sanh diệt làm tâm mình. Chúng ta luôn mong được Bồ-đề Niết-bàn, nhưng thực tế thì từ chối Bồ-đề Niết-bàn. Những lúc tâm không nghĩ mà vẫn biết thì đó là Bồ-đề Niết-bàn, nhưng tâm không nghĩ gì thì thấy buồn, phải nghĩ chuyện này chuyện nọ, như vậy là từ chối Bồ-đề Niết-bàn, cố tìm việc khác để đàn áp nó. Khi chúng ta biết tu rồi thì những giờ phút yên tịnh lặng lẽ mà hằng giác hằng tri là giờ phút thật của mình, là tâm chân hiện tiền. Hiện tiền là tâm luôn có mặt, nếu cứ nhớ tưởng quá khứ vị lai thì hiện tiền bị bỏ quên. Cái chân thật nơi mỗi người đều có sẵn, chỉ vì quên không nhận nên nói không có.

Kinh nói: “Hiểu một tức ngàn theo, mê một tức muôn lầm.” Đây nói: Nếu người giữ một thì muôn việc đều xong, ấy là diệu thuật ngộ đạo. Hiểu được tâm chân thật của mình là hiểu một, hiểu được nó thì tất cả việc khác đều hiểu, đều ứng dụng tự tại. Nó hiện tiền mà chúng ta không nhận, đó là chỗ mê lầm. Hiểu được điều này mới thấy giờ phút tu rất thiêng liêng cao cả, không phải là việc tầm thường. Nếu không ý thức được chúng ta không quý trọng giờ phút tu của mình.

Nếu người giữ một thì muôn việc đều xong. Giữ một là giữ một tâm chân, tâm này hằng tri hằng giác nên muôn việc đều xong. Diệu thuật vào đạo là ở chỗ đó chứ không đâu xa. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói “chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”, nghĩa là giữ tâm một chỗ không việc gì không xong, rất phù hợp với câu này.

Kinh nói: “Sum la và vạn tượng đều do một pháp ấn hiện. Thế nào trong một pháp mà sanh các thứ kiến? Vì công nghiệp như thế do hành làm gốc.” 

Nói về diệu dụng của nhất tâm, ngài giải thích tiếp: Tất cả sum la vạn tượng đều do một pháp ấn, một pháp ấn tức là tâm thể như như ấn hiện ra. Vì sao trong một pháp lại sanh nhiều thứ kiến? Phải biết các thứ kiến là do hành, hành là hành nghiệp sanh ra các pháp. Chỗ này cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa chân như và giải thoát đều từ một tâm mà ra.

 
   

Chánh văn: 

Nếu người chẳng chịu hàng phục tâm, y cứ văn nghĩa mà cho là chứng ngộ thì không thể có. Người chấp như thế là dối mình dối người, mình người đều đọa. Phải cố gắng! Cố gắng! Xét nét kỹ càng. Chỉ việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm, người được như thế, liền vào Niết-bàn, chứng vô sanh pháp nhẫn, cũng gọi là pháp môn bất nhị, cũng gọi vô tránh, cũng gọi Nhất hạnh tam-muội. Vì cớ sao? Vì cứu cánh thanh tịnh, không ngã không nhân, chẳng khởi thương ghét, là hai tánh không, là không có chỗ thấy, tức là hoàn tất cái chân như vô đắc. 

Giảng: 

Người tu chẳng chịu hàng phục tâm mình, cứ chạy theo vọng tưởng, đem chữ nghĩa trong kinh sách ra nói mà cho là ngộ đạo, đó chỉ là ngộ đạo bên ngoài, chưa phải thật là người biết tu. Người như vậy là tự dối mình dối người, khiến cho mình người cả hai đều đọa, không ra khỏi sanh tử. 

Phải cố gắng! Cố gắng! Xét nét kỹ càng. Xét nét kỹ càng cái gì? Chỉ việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm. Đây là câu thiết yếu của người tu. Việc đến chẳng nhận, nghe thì dễ mà hành thì không dễ. Ví dụ có ai đó chỉ mặt mình chê xấu chê dở, chúng ta nhận hay không nhận? Nếu lúc đó thản nhiên tức là việc đến không nhận. Nếu xụ mặt là việc đến chấp nhận. Nhận là dễ hay không nhận là dễ? Đừng nói là tôi ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, tôi tụng kinh hết bộ này sang qua bộ khác, tu làm sao mà khi bị chê hay được khen vẫn thản nhiên thì còn hơn ngồi thiền tụng kinh giỏi. Hành được như thế không dễ, không đơn giản. Vì thói quen chấp ngã của chúng ta nặng quá, nên những gì đến là nhận liền, có khi chưa đến mình cũng kiếm để ôm vào.

Ví dụ chúng ta thấy có hai người quen, ngồi gần nhau nói thì thầm lúc mình đi tới gần. Mình muốn dừng lại để nghe xem có dính với mình không? Người ta chưa chỉ mặt, chưa chạm đến mà mình cũng muốn nhận nữa, lén mà nhận. Chuyện người nói riêng cần gì lưu tâm, cứ thản nhiên đi thì khỏe biết mấy. Chúng ta tìm kiếm để nhận, không phải đến mà không nhận. Như vậy để thấy việc tu tưởng như đơn giản mà không đơn giản, chỉ vì tâm mình luôn dính mắc.

Thời Phật còn tại thế, có ngoại đạo đi theo sau ngài mắng chửi. Người ta chửi cứ chửi ngài tự nhiên ung dung đi. Cuối cùng ngoại đạo hỏi: Ngài có điếc không? Phật đáp: Không. Không điếc mà sao tôi chửi ông không trả lời? Ngài chỉ cần nói: Ngươi có quà tặng mà người ta không nhận thì quà đó về ai? Đơn giản vậy thôi. Người ta chửi mà mình không nhận thì người tự nhận. Tại sao chúng ta ham nhận quá vậy?

Việc đến không nhận là một sức tu rất mạnh, rất phi thường. Chúng ta tu phải chân thật, phải can đảm, việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm. Từ chợ búa đô thị đến chốn quê mùa, đi đâu cũng vô tâm, thấy cũng như không thấy. Nhà thiền thường nói “thấy như mù, nghe như điếc”, như mù mà không phải mù thật, như điếc mà không phải điếc thật, vẫn nghe vẫn thấy nhưng thản nhiên tự tại. Chúng ta thích nghe nói, muốn lắng nghe thêm nữa, nên tu khó. Nhìn thì tìm xét, người ta núp trốn chỗ nào cũng nhìn cho ra. Cái nghe, cái thấy của chúng ta nhanh nhạy, nên tu hành khó tiến.

Người tu được việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm, liền vào Niết-bàn, đó là chứng sanh pháp nhẫn, đó là pháp môn bất nhị, đó là tránh tam-muội, đó là Nhất hạnh tam-muội. Tất cả những gì quý trọng đều có sẵn trong việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm. Ai tu được như thế thì không còn đau khổ, vì không còn dính mắc các duyên.

 
   

Chánh văn: 

Quyển luận này chẳng truyền cho người không tin, chỉ truyền cho người đồng kiến đồng hạnh. Phải xem xét người đối trước có tâm thành tín, kham lãnh thọ không lui sụt, người như thế mới nên vì họ mà nói, chỉ dạy khiến cho họ được ngộ. Tôi làm quyển luận này là vì người hữu duyên, chẳng phải cầu danh lợi.

Giảng: 

Thiền sư Huệ Hải làm quyển luận Thiền Đốn Ngộ này mục đích chỉ truyền cho người đồng kiến đồng hạnh, không truyền cho người không tin. Đồng kiến là thấy giống nhau, đồng hạnh là tu giống nhau. Người có nhận định đúng như chỗ ngài muốn chỉ, có tâm hạnh đúng như hạnh ngài đang tu, những người như vậy mới kham lãnh thọ. Ai có duyên với Thiền Đốn Ngộ thì nghe lãnh hội được, ai không duyên thì không lãnh hội được.

Chánh văn: 

Chư Phật nói ra ngàn kinh muôn luận, chỉ vì chúng sanh mê muội, tâm hạnh chẳng đồng, tùy chỗ tà chấp của họ mà nói pháp đối trị, nên có sai biệt. Nếu luận về lý giải thoát cứu cánh chỉ là việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm, hằng lặng lẽ như không, cứu cánh thanh tịnh tự nhiên giải thoát. 

Giảng: 

Phật nói nhiều kinh nhiều luận chỉ vì đối trị tâm bệnh của chúng sanh, trọng tâm tu hành là việc đến không nhận, tất cả chỗ vô tâm. Câu này chúng ta nói được, mà hành thì chưa được. Tất cả kinh luận của Phật là những bài thuốc trị từng bệnh, còn việc đến không nhận, tất cả chỗ vô tâm là bài thuốc trị bá bệnh.  

Tại sao? Tất cả chỗ không tâm thì làm gì có tham sân si, việc đến không nhận thì đâu có buồn phiền giận tức. Sở dĩ có phiền não đều từ gốc việc đến mình nhận, tất cả chỗ có tâm mới sanh phiền não. Nếu ngay đó mà không nhận, không có tâm đối với tất cả thì còn bệnh nào nữa mà trị?

Như khi chúng ta nổi sân thì dùng từ bi trị, nhưng từ bi chỉ trị được bệnh sân thôi. Người có bệnh tham ái quán từ bi có được không? Quán từ bi là dùng lầm thuốc, bệnh càng nặng thêm. Những gì đến mình không nhận, tất cả chỗ không tâm thì còn gì tham sân si, còn gì phiền não. Như vậy là trị được bá bệnh. Gốc giải thoát nằm ở chỗ đó, đã biết gốc rồi thì chúng ta phải nhắm thẳng đó mà tu.

Chánh văn:

Ông chớ cầu hư danh miệng nói chân như, mà tâm tợ khỉ vượn, tức lời nói việc làm trái nhau, gọi là dối mình, sẽ sa vào đường ác. Chớ cầu cái khoái lạc hư danh nhất thời, mà chẳng biết nhiều kiếp phải chịu họa ương. Cố gắng! Cố gắng! Chúng sanh phải tự độ, Phật không thể độ được. Nếu Phật hay độ chúng sanh, thì chư Phật thời quá khứ số nhiều như cát bụi, lẽ ra tất cả chúng sanh đều được độ hết. Vì sao chúng ta đến ngày nay vẫn còn trôi lăn trong sanh tử, không được thành Phật? Thế nên biết, chúng sanh phải tự độ, Phật không thể độ được. Cố gắng! Cố gắng! Tự mình lo tu hành, chớ ỷ lại vào sức Phật khác. Kinh nói: “Phàm người cầu pháp, chẳng chấp trước Phật mà cầu.” 

Giảng:

Người tu là phải tự độ, đừng trông chờ Phật độ, bởi vì tâm tốt xấu hay dở là ở nơi chính mình, không phải ở nơi Phật. Phật dạy chúng ta biết bệnh mình để tự trừ bỏ, Phật không độ mình hết bệnh. Chúng ta tu phải thật thà, phải can đảm nhận lấy trách nhiệm ở mình, phải thực hành những gì Phật dạy, đừng chờ đợi hoặc quanh quẩn cầu xin Phật.

Phải thẳng thắn chừa bỏ tập khí, tất cả việc đến chúng ta đều bỏ qua, đó là biết hành theo lời Phật dạy. Không thể một bề nói là ham tu muốn giải thoát, một bề chạy theo sắc thanh hương ở đời thì không bao giờ giải thoát được. Tất cả người biết tu phải cương quyết, phải can đảm làm đúng như thật thì kết quả chắc chắn không nghi.

 

Chánh văn:

Hỏi: Ở đời sau, những nhóm tạp học, làm sao cùng chung?

Đáp: Chỉ hòa ánh sáng kia, chẳng đồng nghiệp kia, đồng chỗ mà chẳng đồng ở. Kinh nói: “Tùy lưu (trôi theo) mà tánh thường vậy.” Người học đạo cần yếu phải nghĩ mình vì đại sự nhân duyên là việc giải thoát, thảy đều chẳng dám khinh người chưa học, kính người mình học như Phật, chẳng đề cao đức của mình, chẳng đố kỵ điều hay của người, tự xét nét hạnh của mình, chẳng dòm dõ lỗi của người, thì ở tất cả chỗ đều không bị chướng ngại, tự nhiên được khoái lạc.

Lặp lại kệ rằng:

Nhẫn nhục đạo thứ nhất,

Trước phải trừ ngã nhân,

Việc đến không thọ nhận,

Là thân chân Bồ-đề.

Giảng:

Hỏi rằng ở đời sau có những nhóm tạp học, tức là học đạo tạp nhạp không đúng đạo giải thoát, làm sao cùng ở chung với họ? Cũng vậy, chúng ta ở trong cõi đời này, lẫn lộn kẻ thiện người ác, làm sao tu hành?

Ngài dạy chỉ hòa với ánh sáng kia, chẳng đồng nghiệp kia, đồng chỗ mà chẳng đồng ở. Ánh sáng là sự trong sáng tốt đẹp hay là tâm đạo của người, chúng ta hòa hợp không có gì trở ngại. Chẳng đồng nghiệp kia, nghĩa là ở đời mỗi người đều có nghiệp riêng tốt xấu lẫn lộn, chúng ta ở chung với nhau, hòa hợp trên mặt đạo đức mà không đồng theo nghiệp riêng của mỗi người. Đây là chỗ đặc biệt, nên nói đồng chỗ mà chẳng đồng ở, tức là đồng chung gia đình, đồng chung một xứ sở mà không đồng tính tình riêng tư của mỗi người. Như thế chúng ta tu không trở ngại.

Mỗi người khi vào chùa tu đều mang theo một nghiệp riêng, nhưng vào chùa rồi thì phải sống hòa hợp với nhau trên phương diện tu hành, đạo đức. Sống hòa hợp là đồng với ánh sáng. Nhưng tập nghiệp riêng tư của mỗi người thì không thể đồng được, biết như thế không có gì thắc mắc. Hiện giờ tất cả quý Phật tử ai cũng ham tu nên đồng đến với đạo Phật. Trong đó có những người rất tốt, nhưng cũng có những người tránh không khỏi nghiệp dở. Chúng ta đến ở chung hoặc đến cùng tu hành với nhau là đến với ánh sáng, còn tùy nghiệp riêng của mỗi người, đừng đòi hỏi họ với mình như một.

Kinh nó: Tùy lưu mà tánh thường vậy. Tùy theo dòng nước trôi, nhưng tánh nước vẫn thường. Nước chảy luôn luôn đổi thay, nhưng tánh nước không đổi thay. Chúng ta sống với mọi người, đồng nhau về thể tánh trong sáng mà không đồng về nghiệp thức riêng biệt.

Người học đạo cần yếu phải nghĩ mình vì đại sự nhân duyên là việc giải thoát, thảy đều chẳng dám khinh người chưa học, kính người mình học như Phật, chẳng đề cao đức của mình, chẳng đố kỵ điều hay của người, tự xét nét hạnh của mình, chẳng dòm dõ lỗi của người. Nếu khéo ứng dụng như thế thì sự tu của chúng ta mới có kết quả tốt. Luôn luôn phải giữ lập trường không thay đổi. Mục đích của chúng ta tu là để làm gì? Tu thành Phật, đó là một đại sự nhân duyên. Đã là vì nhân duyên thành Phật và lấy giải thoát làm nền tảng thì không nên khinh người chưa học, luôn luôn phải biết quý trọng họ.

Chỉ riêng người tu thôi mà câu này cũng hơi khó làm. Mình là người có tài, thấy người mới vào đạo khinh hay không khinh? Tâm lý thông thường chúng ta không quý trọng người mới vào đạo, là người mới bước chân vào chùa có gì đâu mà quý. Cư sĩ học Phật cũng vậy, giả sử có người học đạo năm năm, mười năm rồi, hiểu biết kha khá thấy người mới vô học đạo nghe kinh thì mình quý trọng hay coi thường họ? Khó quý trọng lắm, phải không? Họ mới ta cũ rồi. Vì thế ở đây dạy, thảy đề chẳng dám khinh người chưa học. Chưa học chứ đừng nói là mới học.

Đứng về mặt nào mà nói không dám khinh? Chúng ta phải học hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bồ-tát thấy tường tận nơi mỗi chúng sanh dù đã tu, dù chưa tu ai ai cũng có tánh Phật. Người biết mình có tánh Phật rồi đối với người chưa biết mình có tánh Phật, cũng chẳng dám khinh. Như người có hòn ngọc quý để trong túi, dù không lấy ra dùng chúng ta cũng không dám coi họ là kẻ nghèo. Một khi biết dùng, họ giàu không thua mình. Nhớ như vậy thì mới sử dụng chỗ này được.

Kính người mình học như Phật. Vì người dạy mình học, dạy mình tu là người đi trước dẫn đường. Xưa đức Phật còn tại thế thì Phật chỉ dạy, ngày nay Phật đã nhập Niết-bàn, chúng ta lại gặp được những người thấy đường trước chỉ dạy thì phải xem như Phật.

Chẳng đề cao đức của mình, chẳng đố kỵ điều hay của người. Những điều này dễ hay khó? Như chúng ta đi chùa lâu năm, ăn chay trường, tọa thiền giỏi, tụng kinh nhiều... gặp người chưa biết ăn chay tụng kinh

tọa thiền thì mình có tự cao không? Thỉnh thoảng cũng tự xưng: Tôi đây ăn chay trường mười mấy năm rồi!... 

Vui miệng mà nói hoặc cũng có khi thấy mình hay hay, nói cho người ta bắt chước. Cũng là có đề cao mình một chút. Đề cao đức của mình còn dễ chịu hơn đố kỵ điều hay của người, đó thì quá dở. Lẽ ra khi biết đạo tiến tu, thấy người tu hay hơn mình thì phải mừng, thấy người làm Phật sự được hơn mình thì phải vui, thế mà nhiều khi chúng ta nghe ai khen huynh đệ mình tu giỏi, lắm việc thành công, trong lòng chúng ta lại sanh đố kỵ.

Để khắc phục bệnh đố kỵ, chúng ta nên tập hạnh hỷ xả, hạnh tùy hỷ. Nghe bạn đồng tu với mình được khen ngợi thì mừng như mình được khen. Việc làm này không khó, không tốn công, chỉ có lời nói đạo đức thành thật, tạo niềm hoan hỷ. Ngược lại tìm lời nói cay cú cho người buồn bực, dễ hay khó? Suy nghĩ cũng khó lắm chứ. Cái khó thì thích làm, cái dễ lại không chịu. Đối với việc thành công tốt đẹp của người, tiếng khen danh dự của người, chúng ta tùy hỷ tán thán thêm, đó là đức tốt của người tu.

Tự xét nét hạnh của mình, chẳng dòm ngó lỗi của người. Chúng ta thường thấy lỗi của người, thấy lỗi người thì dễ mà thấy lỗi mình thì khó. Ai có chút lỗi nhỏ mình liền biết. Biết lỗi người thì mình có hai điều dở. Thứ nhất là mình không nể không quý, khinh thường người, thứ hai là muốn tuyên truyền nói xấu lỗi người cho thiên hạ nghe. Chúng ta đừng dòm ngó lỗi người, thấy người có gì dở thì bỏ qua đừng lưu tâm, chỉ nên nhớ xét lỗi mình để sửa đổi. Được như vậy trên đường tu mau tiến bộ, nhiều bạn bè quý trọng. Mình quý trọng người, không nói xấu bươi móc lỗi người, luôn tùy hỷ tán thán điều lành điều tốt, thì mọi người gặp nhau đều hòa vui, ở chung với nhau không trở ngại.

Nhẫn nhục đạo thứ nhất,

Trước phải trừ ngã nhân,

Người bước chân vào đạo tu hành thì đức nhẫn nhục là số một, thiếu nhẫn nhục không tu được. Bởi vì trong cuộc đời này không bao giờ mọi việc như ý, nếu không biết nhẫn chúng ta sẽ luôn bực bội khó chịu, rất khó tu. Giả sử gặp người chung quanh xử sự xấu, mình cũng thản nhiên, gặp hoàn cảnh khắt khe mình cũng thản nhiên chịu đựng, bản thân mình bệnh hoạn liên miên mình cũng vui vẻ chịu đựng. Đó là đức nhẫn nhục để tu.

Có Phật tử hay than với tôi câu này: Thưa Thầy con ham tu quá, mà bệnh hoạn hoài làm sao tu? Nghe thật tội nghiệp. Phật tử cứ nghĩ tu là phải tụng kinh, tọa thiền, còn bệnh nằm chỗ không tu. Sự thật không phải vậy. Tu là dùng trí tuệ quán xét kỹ thân của mình. Thân chúng ta được kết hợp bởi những điều tốt, điều hay điều dở... cần thấy rõ hết. Do bệnh ái ngã làm cho chúng ta sanh tử luân hồi, không có ngày ra được. Thấy thân này bệnh làm chúng ta khổ, ngày nào còn thân là còn khổ, quán xét rõ thì ái ngã giảm bớt.

Luôn quán xét hôm nay bệnh hành chỗ này, ngày mai bệnh hành chỗ kia, xét tới xét lui thấy thân này là đồ bỏ, thân này không ra gì, lỡ mang nó lần này thôi không mang nó nữa. Nhờ thấy vậy và quyết định như vậy nên không còn đắm mến thân, không quá yêu quý thân. Bệnh cũng là dịp để tu tập. Khi nhắm mắt bỏ thân này nhẹ nhàng, rồi tùy duyên tiến lên, không còn quý thương để tái sanh đa mang thân xấu xa bệnh hoạn nữa. Như vậy tu là dùng trí nhận định đúng như thật, buông bỏ thói quen chấp ngã, cơn bệnh khổ cũng là nhân giải thoát sanh tử. Thấy rõ như vậy là chúng ta đang tu đắc lực, chứ không phải tu lôi thôi.

Việc đến không thọ nhận,

Là thân chân Bồ-đề.

Lúc nào ngài cũng nhắc việc đến không thọ nhận đó thân Bồ-đề chân thật. Việc tu tuy có rất nhiều mặt, nhiều khía cạnh, nhưng trọng tâm ở chỗ sáu căn không dính mắc sáu trần. Tuy còn mang thân phàm phu mà chính là thân giải thoát giác ngộ.

Chánh văn:

Kinh Kim Cang nói: “Người thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi là Bồ-tát chân thật.”

Giảng:

Người thấy các pháp nhân duyên sanh không có thật thể cố định, không có thật thể cố định thì cái gì là chủ, mà không chủ là vô ngã. Thấy được như vậy, rõ biết như vậy là người giác ngộ, nên gọi là Bồ-tát. Bồ-tát là hữu tình giác. Muốn làm Bồ-tát không khó, chỉ cần thấy rõ các pháp vô ngã, từ duyên sanh không có chủ thể thật. Pháp vô ngã thì thân này cũng vô ngã. 

Chánh văn:

Lại nói:

“Chẳng thủ lại chẳng xả,

hằng đoạn được sanh tử,

tất cả chỗ không tâm,

gọi là con chư Phật.”

Giảng:

Tôi thường dạy buông xả mà đây nói chẳng thủ cũng chẳng xả, như vậy tôi có dạy sai không? Vì có thủ nên dạy xả, bây giờ không thủ thì xả cái gì? Quý vị nắm một nắm đất trong tay, tôi thấy tay dơ nên bảo buông đi, có nắm tôi mới bảo buông, nếu tay không nắm thì tôi không bảo buông. Đây nói không thủ không xả vì trước không thủ, nên không xả. Hiểu như vậy mới thấy rõ trọng tâm người khuyên mình phải xả bỏ. Vì mình đang nắm bắt, đang chụp giữ nên mới bảo xả, không nắm bắt chụp giữ thì không thủ không xả. Người không còn dính hai bên thủ xả thì được ra khỏi sanh tử.

Tất cả chỗ không tâm, gọi là con chư Phật. Khi chúng ta gặp cảnh duyên thuận nghịch mà không có niệm dấy lên để dính mắc, đó là không tâm. Đã không tâm thì lấy gì làm con chư Phật? Tức là không tâm dính mắc chứ không phải không tâm hằng giác, vì vậy mà gọi là con chư Phật.

Chánh văn:

Kinh Niết-bàn nói: “Như Lai chứng Niết-bàn hằng đoạn dứt sanh tử.” 

Giảng:

Sở dĩ Như Lai chứng Niết-bàn vì ngài đoạn dứt sanh tử. Sanh và tử là hai điều mà chúng ta đang thủ. Sanh mừng là thủ chuyện sanh, tử buồn là thủ chuyện tử, nếu xả thì không mừng không buồn. Tử không buồn thì tử cười chơi, chuyện như vậy nó phải như vậy, buồn thương khóc lóc làm chi; nhưng chúng ta không cho đi, cứ giữ lại thì không thủ là gì. Vì cứ chấp giữ sanh tử nên chúng ta kẹt mãi không thoát ra được.

Đến đây ngài nói bài kệ tóm tắt những phần dạy ở trước.

Chánh văn:

Kệ rằng:

Nay ta ý thật rất tốt,

Khi người chê mắng chẳng buồn,

Không lời chẳng nói phải quấy,

Niết-bàn sanh tử đồng đường.

Giảng:

Ý ta rất tốt. Tại sao? Bị người chê mắng chẳng buồn đó là rất tốt.

Không lời chẳng nói phải quấy. Mình không có lời nào bàn tán hơn thua phải quấy của người.

Niết-bàn sanh tử đồng đường. Niết-bàn sanh tử ngay tại đây không đâu xa. Tại sao? Nếu người ta mắng chửi mình không buồn, miệng mình không nói chuyện phải quấy với ai thì như vậy tâm luôn luôn thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đó là ngay sanh tử mà được Niết-bàn, vì thế nói Niết-bàn sanh tử đồng đường.

Chánh văn:

Hiểu thấu bản tông nhà mình,

Vẫn là không có xanh đen,

Tất cả vọng tưởng phân biệt,

Vả biết người đời chẳng rõ.

Giảng:

Người thấu hiểu bản tông tức Thiền tông, vẫn là không có xanh đen tức là không phân chia xanh vàng đỏ trắng đen...

Tất cả vọng tưởng phân biệt, Vả biết người đời chẳng rõ. Tất cả những phân biệt tốt xấu hơn thua... đều là vọng tưởng cho nên người biết tu thiền rồi thì không còn chạy theo nó nữa. Người đời vì không rõ biết bản tông nên đua nhau phân biệt chia chẻ. Tu trở về bản tông thì buông xả tất cả vọng tưởng không dính, không bận tâm.

Chánh văn:

Gửi lời phàm phu đời sau,

Dẹp hết trong tâm rơm cỏ,

Nay ta ý rất thênh thang,

Chẳng nói, không việc, tâm an.

Giảng:

Ngài gửi gắm những lời nhắc nhở kẻ phàm phu đời sau, tức là chúng ta bây giờ. Ngài nhắc sao? Dẹp hết trong tâm rơm cỏ. Chúng ta nhìn lại trong tâm mình rơm cỏ có nhiều không? Những thứ đó quý hay là không quý? Đó là đồ bỏ không tiếc giữ làm gì. Vừa dấy lên niệm giận người này là rơm cỏ, vừa dấy niệm thích cái nọ là rơm cỏ. Dẹp hết trong tâm rơm cỏ, tâm ý ta rất thênh thang mênh mông, không còn bị giới hạn. Chẳng nói, không việc, tâm an, nghĩa là chẳng nói những lời vô ích, không làm những chuyện vô ích thì tâm luôn an ổn. Đó là gốc của sự tu.

Chánh văn:

Thong dong, tự tại, giải thoát,

Đông tây dời đổi dễ dàng,

Trọn ngày không nói lặng yên,

Niệm niệm hướng lý nghĩ xét.

Giảng:

Ngài dạy rằng nếu chúng ta không nói lời vô ích, không làm việc vô ích, tâm được an, như vậy là thong dong tự tại giải thoát. Được như vậy thì từ đông sang tây, từ tây sang đông, đi đâu cũng tự tại không có gì trở ngại hết.

Trọn ngày không nói lặng yên, Niệm niệm hướng lý nghĩ xét. Trọn ngày không nói những điều vô ích, luôn luôn hướng tâm về lẽ thật để suy ngẫm, xét nghiệm, đó là cái khéo tu của mình. 

Chánh văn:

Tự nhiên tiêu dao thấy đạo,

Sanh tử quyết chẳng liên quan,

Nay ta ý thật lạ kỳ,

Chẳng đến trên đời luống dối.

Giảng:

Người nào biết luôn luôn xét nghĩ lẽ đạo ở nơi chính thân tâm mình thì tự nhiên được tiêu dao, được thấy đạo, sanh tử không dính dấp gì với mình cả. Ngay bây giờ, chúng ta thấy ý mình thật lạ kỳ. Tại sao lạ kỳ? Chẳng đến trên đời luống dối, nghĩa là không dính không kẹt tất cả giả dối trên đời. Mọi sự trên đời có gì thật không? Người khen chúng ta, cái khen đó có thật không? Người chê chúng ta, cái chê có thật không? Tất cả đều là giả dối không thật, dại gì phải bận lòng. Người không bận tâm với tất cả việc là thong dong tự tại.

Chánh văn:

Vinh hoa thảy là giả tạm,

Áo rách cơm hẩm đủ no,

Đi đường gặp người biếng nói,

Người đời đều gọi ta ngu.

Giảng:

Tất cả giàu sang phú quý đều là giả tạm không thật. Người tu mặc áo rách ăn cơm hẩm không có gì buồn, đi đường gặp người biếng nói, gặp bạn bè hay mọi người chung quanh, không muốn nói gì. Bởi ít nói quá, nên người đời gọi ta là ngu. Người nào ăn nói lanh lẹ thì thiên hạ không dám chê ngu, người nào đi đến đâu cũng im lặng nhìn xuống không nói năng gì hết thì bị chê ngu. Chê rằng ngu, nhưng không biết ai ngu thật. Ngu với việc đời tạm bợ, mà khôn với tâm trong sạch của mình, không thể gọi là ngu thật.

Chánh văn:

Ngoài hiện ngu ngơ ám độn,

Trong tâm sáng tợ lưu ly,

Thầm hợp La-hầu mật hạnh,

Chẳng phải phàm phu kham biết.

Giảng:

Bề ngoài hành động ít nói mà bên trong tâm sáng như lưu ly, đó là mật hạnh, là hạnh kín như ngài La-hầu-la. Trong kinh có kể, ngài La-hầu-la lúc nhỏ được các vị Tỳ-kheo nuôi dạy học tu, vì còn tánh trẻ con nên thường chọc ghẹo nhiều người. Có lần các vị Tỳ-kheo đang ngủ trưa ngài vào chọc lét, chọc hết người này đến người kia. Các vị Tỳ-kheo trình lên Phật, Phật quở rầy. Về sau được Phật chỉ dạy, ngài sửa đổi nết hạnh và chứng thánh quả. Từ đó làm gì cũng khế hợp đạo lý, đôi lúc bên ngoài thấy dáng vẻ như ngu khờ mà bên trong ngài ngầm tu rất khéo, nên gọi là La-hầu mật hạnh.

Chúng ta bây giờ cũng vậy, nhìn bên ngoài giống như ngu mà trong tâm trong sạch, đó là mật hạnh 

giống ngài La-hầu-la. Chẳng phải phàm phu kham biết. Hạnh như vậy phàm phu không thể biết được. Đó là lời nhắc nhở của ngài để chúng ta hiểu mà tu.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88980
  • Online: 28