Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 07)

25/07/2023 | Lượt xem: 1252

HT.Thích Thanh Từ

NGỮ LỤC VẤN ĐÁP VÀ DẠY CHÚNG 

Chánh văn:

Sư bảo học chúng:

- Tôi chẳng hội thiền, trọn không có một pháp có thể dạy người, không phiền các ngươi đứng lâu, hãy tự đi đi!

Tuy vậy mà học chúng dần dần thêm đông, ngày đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì hỏi giải đáp, biện tài không ngại.

Giảng: 

Tôi chẳng hội thiền, trọn không có một pháp có thể dạy người. Câu này nghe có vẻ mâu thuẫn quá. Ngài đã giảng dạy, đã soạn quyển Thiền Đốn Ngộ mà nói không có một pháp là sao? Thật ra ngôn ngữ là

phương tiện chỉ cho chúng ta nhận ra bản tâm của mình. Tâm là vấn đề trọng yếu mà các ngài muốn chỉ dạy, còn ngôn ngữ như ngón tay chỉ mặt trăng, nhận được mặt trăng thì phải quên ngón tay, vì thế ngài nói không có pháp dạy người. Tại sao ngài là thiền sư mà nói không hiểu thiền? Bởi vì thiền là thể nhập không phải do suy nghĩ mà hiểu, nếu suy nghĩ hiểu thì đó không phải là bản tâm.

Ngài nói như vậy nhưng học chúng mỗi ngày mỗi đông, tùy chỗ thưa hỏi ngài đối đáp, chỗ đối đáp biện tài không ngại, làm thông tỏ cho người rất nhiều.

 

Chánh văn:

Có vài vị Pháp sư đến hỏi: 

Định hỏi một câu, Thầy có vui lòng đáp chăng? Sư bảo: 

-   Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt.

 (4) Hỏi: Thế nào là Phật? 

bảo: Hồ nước trong đối diện, chẳng phải Phật là gì?

 

 (1)   Thiền gia cho ngôn ngữ không thể nói đến chân lý, chỉ nương ngôn ngữ để thấy chân lý ngoài ngôn ngữ. Vì thế lời giải đáp như bóng mặt trăng hiện dưới đầm. Người muốn thấy mặt trăng thật, phải nương bóng mặt trăng ấy mà nhìn ngược lên trời thì mới thấy. Cố chấp bóng mặt trăng dưới đầm, thì suốt kiếp không khi nào thấy bóng mặt trăng thật.

(2)   Tâm thanh tịnh là Phật. Nếu đối cảnh mà tâm không sanh, chẳng phải Phật là gì? Vì thế, Sư bảo “Hồ nước trong đối diện”, tức là tâm đối cảnh chẳng động như hồ nước trong, khi ấy chẳng phải Phật là cái gì?

Thiền tông chỉ tâm là Phật, chẳng đi cầu Phật bên ngoài. Nếu đem tâm đi cầu Phật, ấy là vác Phật đi cầu Phật, không bao giờ thấy Phật.

 

(5)Các vị ấy đều ngơ ngác, không biết gì cả. Giây lâu có vị lại hỏi: 

-   Thầy nói pháp gì độ người? 

-   Bần đạo chưa từng có một pháp độ người. 

-   Thiền sư sao tối như thế! 

-   Đại đức nói pháp gì độ người? 

-   Giảng kinh Kim Cang Bát-nhã. 

-   Giảng được bao nhiêu lần? 

-   Hơn hai mươi lần. 

-   Kinh này ai nói? 

Pháp sư tằng hắng lên giọng gắt: 

-   Thiền sư khéo nói đùa, há không biết Phật nói sao? 

“Nếu nói Như Lai có nói pháp là chê bai Phật, người ấy không hiểu nghĩa ta nói” (kinh Kim Cang). Nếu nói kinh này không phải Phật nói tức là phỉ báng kinh. Thỉnh Đại đức nói xem? 

Pháp sư im lặng không đáp được. 

Giảng: 

Ban đầu có vị pháp sư đến hỏi: Định hỏi một câu Thầy có vui lòng đáp chăng? Đó là mở màn. Ngài trả lời: Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt. Mới nghe dường như lạc đề, nhưng thật thâm thúy vô cùng. Chúng ta nhìn dưới hồ thấy bóng mặt trăng, bóng đó là thật hay giả, là có hay không? Nếu bóng mặt trăng là thật thì tại sao mò bắt không được, nếu nó không có thì tại sao mắt thấy rõ ràng? Câu trả lời của ngài ngầm bảo rằng, tâm chân thật của chúng ta như hồ nước trong, bóng mặt trăng là những niệm khởi phân biệt đối đáp hư dối không thật. Vì thế, nếu các vị có hỏi tôi sẵn sàng đáp, câu đáp của tôi như bóng mặt trăng dưới đáy nước tùy ý các vị nhận hiểu. Thiền sư nói khó hiểu quá, nói đâu đâu, nhưng bên trong có ngụ ý. Tâm chúng ta trong lặng như mặt hồ, dùng phương tiện giải đáp cho người hiểu đạo thì câu giải đáp dường như có, thật ra nó chỉ là bóng dáng chứ không thật. Hiểu như vậy thì mới hiểu được ý của Sư.

Qua câu thứ hai, hỏi thế nào là Phật? Ngài đáp: Hồ nước trong đối diện chẳng phải Phật gì? Hiểu được câu trên thì câu dưới này chúng ta cũng hiểu.

Tâm trong lặng như hồ nước thì đó là Phật, không đâu xa. Tất cả chúng ta ai cũng có Phật sẵn rồi. Hồ tâm của chúng ta trong lặng thì đó là Phật, nếu loạn động lăng xăng là chúng sanh. Chúng ta nhớ chúng sanh nhiều hơn nhớ Phật. Luôn tính toán chuyện này chuyện kia, suy qua nghĩ lại lăng xăng chộn rộn, còn Phật lặng yên đó mình quên bẵng. Có Phật mà quên cũng như không Phật. Có thể nói chúng ta là kẻ bội bạc, có tâm thường hằng là chủ nhân chân thật mà bỏ quên, chạy theo tướng tạp nhạp bên ngoài. Vì vậy ngài Huệ Hải chỉ thẳng: Ai cũng có hồ nước trong trước mắt, chẳng phải Phật là gì? 

Tu dường như không khó, nhưng nếu cứ chạy theo vọng tưởng thì khó vô cùng, tu hoài không tới đâu hết. Nếu chúng ta can đảm buông xả vọng tưởng sẽ được giải thoát không nghi ngờ. Vì thế đây trả lời hồ nước trong đối diện chẳng phải Phật là gì. Mỗi người đều có sẵn Phật, nếu tâm trong lặng sẽ thấy rõ ràng.

Giây lâu có vị hỏi: Thầy nói pháp gì độ người. Đáp: Bần đạo chưa từng có một pháp độ người. Nghe buồn chưa? Giảng nói biết bao nhiêu lần mà lại nói không có pháp gì. Nếu xác định có một pháp thật là xác định ngón tay mà quên mặt trăng, vì thấy không có một pháp thật, nên ngài nói: Bần đạo chưa có một pháp gì độ người. Không hiểu ý này nên người hỏi liền chê: Thiền sư không có pháp gì độ người, sao mù tối như thế!

Ngài hỏi lại: Đại đức nói pháp gì độ người? Đáp: Tôi giảng kinh Kim Cang Bát-nhã. Hỏi giảng được bao nhiêu lần, đáp hơn hai mươi lần. Giảng kinh Kim Cang hơn hai mươi lần thì tài quá rồi, ngài hỏi Kinh này ai nói? Chúng ta đều biết kinh này Phật nói, nên đến đây Pháp tằng hắng lên giọng gắt, hỏi chỗ này là hỏi ngớ ngẩn, Thiền sư khéo nói đùa, há không biết Phật nói sao? Ngài dẫn ngay kinh Kim Cang: “Nếu nói Như Lai có nói pháp là chê bai Phật, người ấy không hiểu nghĩa ta nói.” Nếu nói kinh này không phải Phật nói tức là phỉ báng kinh, như vậy đại đức nói xem. Giảng sư bế tắc quá không biết nói gì nên im lặng.

Lời Phật nói là phương tiện, mượn ngôn ngữ hư dối để chỉ chỗ chân thật, ngôn ngữ không phải chân thật, nên nói Phật không nói pháp. Kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa chúng ta qua sông, không phải là pháp thật. Không phải pháp thật mà xác định Phật nói là chê bai Phật. Nhưng nếu cho rằng kinh không phải Phật nói thì ai nói? Tà ma ngoại đạo nói sao? Như vậy là phỉ báng kinh. Nếu cho là Phật nói là phỉ báng Phật, không phải Phật nói là phỉ báng kinh, thế nào mới đúng? Giả sử chúng ta bị đặt câu hỏi đó chắc cũng ngớ ngẩn không biết trả lời.

Thiền sư đặt câu hỏi này, ý muốn nhắc chúng ta nên có cái nhìn thấu đáo, đừng chấp chặt vào kinh cho đó là chân lý rồi không buông bỏ được. Kinh chỉ là pháp phương tiện, Phật vì thương chúng sanh mà tạm nói, như mượn ngón tay để chỉ mặt trăng, nếu nhất định ngón tay là mặt trăng thì quá sai lầm. Nhưng khi chưa tỏ ngộ chân tâm thì phải nương lời Phật dạy, không thể một bề cho rằng kinh không phải Phật nói rồi chê bai phỉ báng kinh. Đó cũng là sai lầm. Vì thế ở đây ngài đưa ra vấn đề này là khéo nhắc nhở các vị giảng sư không nên chấp nê vào kinh Phật.


Chánh văn: 

Chốc lát, Sư lại hỏi: 

-   Kinh nói: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Đại đức hãy nói cái gì là Như Lai? 

-   Đến chỗ này tôi mê hẳn. 

Giảng: 

Bị ngài hỏi ngược lại, vị đại đức giảng kinh hai mươi lần rồi, nghe một lời dẫn kinh Kim Cang nói về Như Lai, bây giờ phải dè dặt.

Chánh văn: 

Sư bảo: 

-    Từ trước đến giờ chưa từng ngộ nói cái gì là mê? 

-   Thỉnh Thiền sư vì tôi nói. 

-    Đại đức giảng kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa biết Như Lai? 

Pháp sư lễ bái cầu xin chỉ dạy. Sư bảo: Như Lai là nghĩa Như của các pháp, đâu thể quên được. 

-   Phải là nghĩa Như của các pháp. 

-   Đại đức nói phải cũng chưa phải. 

-   Văn kinh ràng đâu thể chưa phải? 

-   Đại đức Như chăng? 

-   Như. 

-   Cây đá Như chăng? 

-   Như. 

-   Đại đức Như, đồng cây đá Như chăng? 

-   Không hai. 

-   Đại đức cùng cây đá đâu khác? Pháp sư không đáp được. Lại khen: 

-   Đây là thượng nhân khó đối đáp được. 

Giảng: 

Cách đối đáp này thật tài tình, diễn đạt ý nghĩa rất thâm trầm. Tôi sẽ giải thích từng đoạn rõ ràng. Bắt đầu ngài đặt câu hỏi dẫn trong kinh Kim Cang: Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy Như Lai là gì?

Khi nghe câu hỏi này chúng ta hãy lặng tâm, tìm xem Như Lai là gì. Nếu Như Lai là hình tướng để thờ lạy thì đó là sắc tướng. Chúng ta niệm Nam-mô Phật, Nam-mô pháp thì đó là âm thanh... Như vậy thì Như Lai ở đâu? Làm sao để thấy? Chỗ này nếu hiểu, sẽ nhận ra ý ngài muốn chỉ dạy.

Tâm không hình tướng nên không phải sắc, không âm thanh nên không phải thanh, đó là Như Lai, không phải hình tướng Như Lai mà chúng ta lạy mỗi đêm. Không phải Như Lai ở mỗi câu niệm Phật. Vị thầy này giảng Kinh mà không hiểu chỗ đó nên trả lời, chỗ này tôi mê hẳn. Ngài nói, từ trước đến giờ chưa từng ngộ nói cái gì mê? Thông thường chúng ta dùng từ đối đãi mê - ngộ, ngộ - mê, có ngộ rồi mới có mê. Nhưng ông chưa từng ngộ nên không thể nói mê. Cũng như quên với nhớ, có nhớ mới nói quên, không từng nhớ thì không thể nói là quên được. Vị giảng sư bị câu này dồn dập càng không hiểu nổi, bí quá nên thỉnh Thiền sư vì tôi nói. Lúc đó ngài mới nói: Đại đức giảng kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa biết Như Lai?

Pháp sư lễ bái cầu xin chỉ dạy. Sư bảo: Như Lai là nghĩa Như của các pháp, đâu thể quên được. 

Tăng chấp nhận là nghĩa như của các pháp. Nhưng ông bị gạn lại, Đại đức nói phải cũng chưa phải. Hỏi tại sao không phải, ngài hỏi Đại đức Như chăng? Rõ ràng kinh nói là nghĩa Như, tự nhiên Pháp sư thừa nhận mình là Như. Ngài hỏi cây đá như chăng? Trả lời Như. 

Ngài hỏi thêm: Đại đức Như đồng cây đá Như chăng? Tăng đáp là đồng, ngài bảo Đại đức cùng cây đá không khác. Chỗ này bị dồn vào đường cùng. Cây đá không cục cựa nhúc nhích còn mình thì nói năng đi đứng, làm sao đồng được. Vì vậy Tăng không đáp được, lại khen đây là thượng nhân khó đối đáp được. 

Như Lai là nghĩa Như của các pháp, đứng về mặt tâm sanh diệt lặng dừng thì gọi là Như, không phải như cây đá nhà cửa vô tri, không cục cựa nhúc nhích mà gọi là Như. Nói nghĩa Như của các pháp là nói về thể tánh, không nói về hình thức.

Tâm chúng ta lăng xăng lộn xộn, buông bỏ lăng xăng lộn xộn ấy đi, còn một tâm thanh tịnh trong lặng thì gọi là Như. Đây là thể Như tri giác không phải Như của cây cỏ ngói đá. Nếu nói cây cỏ ngói đá cũng Như giống Như của mình thì sai.

Chánh văn: 

Giây lâu lại hỏi: 

-   Thế nào được đại Niết-bàn? 

-   Chẳng tạo nghiệp sanh tử. 

-   Thế nào là nghiệp sanh tử? 

- Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh tử. 

Giảng: 

Đây là chỗ hay của người xưa. Hỏi thế nào là đại Niết-bàn? Câu này nếu thường thì chúng ta sẽ đáp đại Niết-bàn là Niết-bàn thanh tịnh, không còn nhơ nhiễm... Nhưng ở đây ngài nói, đại Niết-bàn là chẳng tạo nghiệp sanh tử. Cũng như hỏi cái gì là hư không, trả lời không có những hình tướng nhà cửa, cây cối, sự vật... chứ không nói hư không là gì.

Hỏi thêm: Thế nào là nghiệp sanh tử? Ngài trả lời: Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh tử. Nói gọn, tất cả đối đãi bỏ cái này tìm cái kia, thấy có tốt xấu, hay dở... là nghiệp sanh tử.

Tất cả chúng ta có ai không mang nghiệp sanh tử không? Còn có phân biệt hơn thua phải quấy rồi thì ai cũng có nghiệp sanh tử. Nhiều người nghe đến chỗ này đâm ra hoang mang không biết tu thế nào cho ổn. Mình tu bỏ tâm ác giữ tâm lành, bỏ nghiệp dữ làm nghiệp lành, bỏ thế giới đau khổ để cầu thế giới an lạc, vậy là nghiệp sanh tử sao? Như vậy làm sao tu? Đây nói rõ ràng: Tâm còn kẹt hai bên, cầu Niết-bàn chán sanh tử là còn đối đãi. Tu trong đối đãi, thì có được cái tốt trong đối đãi không phải cái tốt tuyệt đối. Niết-bàn là vượt cả hai bên, vượt tất cả môn đối trị.

Nếu có người hỏi, cả đời tôi làm lành làm phước là tạo nghiệp sanh tử, như vậy thì không làm lành cũng không làm phước, được không? Đó là chỗ phải hết sức lưu tâm. Làm lành làm phước là tạo nghiệp lành, được sanh về cõi lành hưởng phước đức, cũng là trong sanh tử, nhưng sanh tử tốt. Làm ác tạo nghiệp dữ cũng bị sanh tử trong ba đường ác địa ngục ngạ quỷ súc sanh. Chúng ta giản trạch cho mọi người biết nghiệp sanh tử có hai đường, đường thiện và đường ác, đường ô uế và đường thanh tịnh. Như niệm Phật để được sanh về Cực lạc, đó là tịnh nghiệp, do nghiệp thanh tịnh nên sanh về Cực lạc cũng là còn sanh, sanh ra để tiếp tục tu. Làm lành làm phước là thiện nghiệp, đưa chúng ta sanh về cõi trời hưởng vui thù thắng; làm người tốt bình thường thì đưa đến kiếp người thứ hai, thứ ba hưởng phước bình thường. Do khả năng tạo nghiệp mà tái sanh các cõi.

Người tu không phải ai cũng đạt Niết-bàn vô sanh. Chỉ khi nào buông hết các niệm đối đãi, không còn kẹt hai bên mới đến vô sanh. Chúng ta không cần hỏi thầy này thầy kia, tôi tu còn sanh tử không, cứ hỏi mình là đủ. Còn tâm đối đãi là còn sanh tử, chỉ sanh tử chỗ lành hay chỗ dữ thôi. Đó là một lẽ thật, nên đây ngài nói: Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử..., không vượt khỏi môn đối 

trị là nghiệp sanh tử. Vượt khỏi tất cả đối trị mới hết sanh tử. 

 

Chánh văn: 

Tăng lại hỏi: - Thế nào là được giải thoát? 

Sư đáp: - Vốn tự không phược (trói buộc) chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành thẳng là Vô đẳng đẳng. (Phật không ai so bằng gọi là vô đẳng, chư Phật đồng nhau gọi là đẳng. Vô đẳng đẳng là chỉ cho Phật). 

Giảng: 

Phật không ai sánh bằng gọi là vô đẳng, chư Phật đồng nhau gọi là đẳng. Vô đẳng đẳng là chỉ cho Phật và chúng ta có tánh giác bằng nhau gọi là đồng, nhưng bên giác ngộ bên chưa giác ngộ nên chưa đồng. Đến chỗ cứu cánh là vô đẳng đẳng, không có gì so sánh được. Hỏi thế nào là giải thoát, ngài trả lời vốn tự không trói buộc, chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành thẳng là Phật không gì khác.

Thiền sư Đạo Tín, lúc còn làm Sa-di mười ba mười bốn tuổi gặp tổ Tăng Xán, đảnh lễ bạch Tổ xin chỉ dạy phương pháp giải thoát. Tổ nhìn thẳng hỏi: Ai trói buộc ngươi, ngài Đạo Tín thưa: Không ai trói buộc. Tổ nói: Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì? Nghe thế ngài tỏ ngộ và sau này làm Tổ thứ tư. Đây cũng vậy, hỏi thế nào là giải thoát, ngài Huệ Hải nói vốn không bị trói buộc chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành thẳng. Dùng thẳng nghĩa là cái gì đến là dùng, gặp việc gì đến là làm, không cần lựa chọn, suy nghĩ phân biệt. Như đói ăn, khát uống... Giải thoát như thế dễ hay khó, gần hay xa? Thật sự hiện giờ chúng ta có được giải thoát không?  

Chúng ta đi đứng tự do có ai trói buộc gì đâu mà cầu giải thoát. Người bị còng bị trói mới kêu cầu ai đó mở trói giải thoát giùm cho. Nhìn đi nhìn lại chúng ta không bị trói buộc đâu cần cầu giải thoát.

Thế gian thường nói “thê thằng tử phược.” Vợ là dây, con là trói là cột, vợ con là trói buộc. Nói vợ con là trói buộc sao lớn lên phải lập gia đình mới có hạnh phúc? Trói buộc là hạnh phúc hay trói buộc là đau khổ? Chúng sanh sống trong mâu thuẫn lẩn quẩn như thế. Thật sự không ai trói buộc mình, chính vì tâm nhiễm trước sáu trần trói buộc. Thấy hình tướng bên ngoài, như thấy bình hoa đẹp thích quá tìm cách mua cho được, đó là bị bình hoa trói. Ăn một món ngon khen nức nở là bị món ăn trói, nên mai mốt thèm ăn nữa. Những người trẻ đi nghe ca nhạc hay quá về trầm trồ khen, mai mốt gánh hát đó trở lại thì sao? Nếu không tiền thì vay mượn để đi xem nghe, thì cái gì trói buộc? Âm thanh trói buộc. Chấp vào sắc thanh hương vị xúc pháp rồi chúng ta tự trói mình chứ không ai cột trói cả. Nếu khi nghe hát hay, biết giọng hay mà không thèm lưu tâm, thì nó hay mặc nó. Thấy cái gì đẹp cũng biết đẹp, không bận tâm nghĩ tới thì có gì cột trói. Chỉ vì gặp gì cũng cứ chăm chăm, nhớ tưởng, trông đợi nên bị cột trói. Như vậy ai mở cho mình đây? Cầu Phật, cầu Bồ-tát mở giùm. Nhưng chính mình trói mình, trói được thì mở được, không ai mở cho mình. Phật dạy cái đẹp là giả dối, đừng lưu tâm nhưng mắt mình cứ chăm chăm nhìn nghĩ nó đẹp hoài thì Phật cũng chịu thua. Nghe Phật nói sắc đẹp là giả dối, chúng ta ngồi suy nghĩ phân tích xét kỹ thấu đáo, tự mình mở từng gút, từng gút, mở được là giải thoát.  

Người xưa nghe một câu liền tự giải thoát. Ngài Đạo Tín nghe Tổ hỏi ai trói buộc ngươi bèn nhìn kỹ lại, tự mình dính chứ không ai trói buộc nên nói không ai trói buộc. Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì, ngài thấy rõ không cầu ai giải thoát cho mình, mình là chủ nhân tự cởi trói. Học Phật rồi chúng ta thấy mình có quyền lực rất lớn, không nên trách trời trách đất sao tôi khổ quá. Trời đất có làm mình khổ không? Khổ là do cột trói nhiều quá, cột trói với sáu trần bên ngoài, với tình cảm từ người này sang người nọ. Muốn giải thoát mà nhờ người khác giải thoát cho mình là vô lý. Chính mình là chủ cuộc đời của mình, tự do hay không cũng chính mình mà thôi.


Chánh văn: 

Pháp sư khen: 

- Thiền sư như Hòa thượng thật ít có. Khen xong, Pháp sư lễ tạ lui ra. 

Giảng: 

Qua vấn đáp chúng ta thấy đạo lý rất thâm trầm, học bấy nhiêu đó cũng đủ tu rồi.

 

Chánh văn:

Có vị cư sĩ đến hỏi: 

-   Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật? Sư bảo: 

-   Ông nghi cái gì không phải Phật chỉ ra xem? 

Cư sĩ lặng thinh. Sư nói tiếp: 

- Đạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ thì hằng trái xa. 

Giảng: 

Cư sĩ hỏi gì là Phật, ngài không giải thích mà lại hỏi: Ông nghi cái gì không phải Phật chỉ ra xem? Chúng ta chỉ được không? Ngài nói đạt ngộ thì tất cả đều là Phật, mê thì tất cả là chúng sanh. Ngộ thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh nhìn đâu cũng là Phật. Còn mê thì tâm là phàm phu, nhìn đâu cũng là phàm phu chúng sanh. Nhưng khi nghe như vậy đừng tưởng ngộ rồi thì cái gì cũng thành Phật, đâu cũng thấy Phật Thích-ca, Phật Di-đà hiện ra. Hiểu vậy là lầm, có thể dẫn đến điên. Vì đi đâu cũng thấy Phật sờ sờ trước mắt, không dám làm gì hết, tâm sợ hãi căng thẳng. Biết tất cả là Phật, nghĩa là biết tất cả pháp đều thanh tịnh. Hiểu vậy thì không có gì khó khăn.

Đạt thì khắp cảnh Phật, chẳng ngộ thì hằng trái xa. Người được tâm thanh tịnh thấy tất cả cảnh đều là Phật, người không đạt được thì tất cả đều trái xa. Nhìn theo tâm phàm phu cũng thấy điều này rất rõ. Như hôm nào giả sử có Phật tử mua vé số rồi được trúng lô độc đắc. Lúc đó mừng quá đi đâu thấy cái gì cũng vui, nhìn cái cây cũng vui, nhìn người nào cũng vui. Ngược lại nếu hôm nào buôn bán làm ăn thất bại mất hết vốn, đi đâu cũng

buồn, thấy ai cũng buồn, thấy cái gì cũng rũ rượi hết. Như vậy tâm của chúng ta được cái gì vui thì tất cả vui theo, bị cái gì khổ thì tất cả khổ theo. Đó là tâm đối đãi mà còn như thế, huống nữa là được tâm thanh tịnh trong sáng nhìn đâu cũng thấy Phật. Người tu ít bị vui buồn chi phối, nếu có thì sơ sơ thôi. Người đời khi vui thì vui hỷ hả, khi buồn thì khóc sướt mướt, vui nhiều buồn cũng lắm, nhìn đâu cũng bị cảnh chi phối.

 

Chánh văn:

Có Luật sư hiệu Pháp Minh đến nói: 

-   Các Thiền phần nhiều rơi vào không. Sư bảo: 

Trái lại, các Tọa chủ phần nhiều rơi vào không. Pháp Minh hoảng sợ hỏi: 

-   Tại sao rơi vào không? 

-   Kinh luận là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không (duyên hợp không thể), dù là trên tiếng dựng lập danh, cú, văn thân đâu chẳng phải là không. Tọa chủ bám chặt vào giáo thể, đâu chẳng rơi vào không. 

-   Thiền sư rơi vào không chăng? 

-   Chẳng rơi vào không.

-   Sao lại chẳng rơi vào không?

Văn tự v.v... đều từ trí tuệ mà sanh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không. 

Giảng:

Các Thiền sư thường nói các pháp tánh không, nên Luật sư cho là rơi vào không. Sư bảo trái lại các Tọa chủ phần nhiều rơi vào không. Luật sư hoảng hốt hỏi: Tại sao tôi rơi vào không? Ngài nói Kinh luận là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không, do duyên hợp không tự thể, dù là trên tiếng dựng lập danh, cú, văn thân. Đây là lối phân tích theo câu văn ngày xưa. Danh là danh từ, cú là câu, văn là bài. Tất cả đều dựa vào danh ngôn không có thật thể. Tọa chủ bám chặt vào giáo thể, đâu chẳng rơi vào không? Bởi vì các vị chấp chữ nghĩa kinh sách cho đó là thật.

Như quyển sách này có thật thể không? Nó do từng tờ giấy kết hợp lại thành sách, rồi chữ nghĩa do từng chữ, từng chữ kết lại thành câu, câu kết thành bài. Như vậy cái gì là thật thể của quyển sách, quyển kinh? Quyển kinh là tướng duyên hợp tạm đặt tên kinh, không có thật thể. Không có thật thể mà chấp là thật, có phải rơi vào không chăng?

Luật sư hỏi lại thiền sư có rơi vào không chăng? Ngài nói chẳng rơi vào không. Hỏi tại sao, ngài đáp văn tự v.v... đều từ trí tuệ mà sanh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không. Văn tự là do trí của mình diễn đạt ghi chép ra. Chữ được ghi chép do trí tuệ nghĩ suy rồi đặt ra, trí tuệ suy nghĩ là dụng khởi lên từ tâm thể, còn

cái bị suy nghĩ rồi ghi ra là tướng bên ngoài không có thật thể, nếu chấp nó là rơi vào không. Tâm thanh tịnh là chủ luôn thường hằng, không thể rơi vào không. Lý của ngài thật thấu đáo.

Ví dụ cái nhà này, cái chùa này từ duyên hợp giả có nên không, một ngày nào đó nó bị hoại. Hình dáng cái chùa ban đầu là do suy nghĩ của kiến trúc sư. Cái chùa là giả, suy nghĩ cũng giả nhưng chủ tạo ra là tâm không phải giả. Nó chính là gốc tạo tác, những vật bị tạo là ngọn. Như mặt nước hồ trong là gốc, những lượn sóng dấy lên là ngọn là giả, mặt nước hồ đối với sóng không phải là giả. Suy nghĩ của chúng ta là giả, nhưng bản thể thanh tịnh sẵn có không phải giả. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chỗ giải đáp của thiền sư rất sâu xa chí lý.

Như vậy, nghe người bắt bẻ mình chấp không, ngài đáp ngược lại chính các tọa chủ chấp không, tức là chấp chữ nghĩa, kinh sách hình thức duyên hợp, giả có mà cho là thật. Còn những gì từ trí tuệ nói ra hiểu được, cái đó không phải là không. Đây là cách ứng đối tài tình của thiền sư.

Chánh văn:

Pháp Minh bảo:

-   Cho biết một pháp không đạt, chẳng gọi là “Tất-đạt”.

-   Luật sư chẳng những rơi vào không, lại còn dùng lầm danh ngôn.

Pháp Minh đổi sắc mặt hỏi:

-   Lầm chỗ nào? 

-   Luật sư chưa rành âm Trung Hoa Phạn làm sao giảng thuyết?

Thỉnh Thiền sư chỉ ra chỗ lầm của Pháp Minh.

Đâu chẳng biết “Tất-đạt” là tiếng Phạn sao?(6)

Giảng:

Luât sư muốn dùng từ ngữ để bắt bí thiền sư, rốt cuộc bị ngài gạn lại. Luật sư biết mình thua nên chuyển qua cách khác. Tất-đạt là tiếng Phạn, nói đủ là Tất-bà-hạt-thích-tha-tất-đà, Trung Hoa dịch là Nhất thiết nghĩa thành. Tất-đạt, theo Trung Hoa là đạt thấu tất cả pháp, Tất-đạt theo tiếng Phạn là thành tựu nghĩa tất cả, hai bên hơi sai khác, nếu dùng văn tự để lý luận thì phải chính xác. Đến đây Pháp Minh đem vấn đề kiến tánh để hỏi.

Chánh văn:

Pháp Minh tuy nhận thấy lỗi, mà tâm vẫn còn giận, lại hỏi:

Phàm Kinh, Luật, Luận là lời Phật, đọc tụng, y giáo phụng hành, sao chẳng thấy tánh?

-   Như chó điên đuổi hòn đất, sư tử cắn người. Kinh Luật Luận là tự tánh dụng, người đọc tụng là tánh pháp. 

(3)    Tất-đạt là tiếng Phạn, nói đủ là Tất-bà-hạt-thích-tha-tất-đà. Trung Hoa dịch là Nhất thiết nghĩa thành. Xưa dịch âm Tất-đạt là sai, không đủ âm.

-   Phật A-di-đà có cha mẹ và họ chăng?

-   Phật A-di-đà họ Kiều-thi-ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.

-   Xuất phát từ kinh điển nào?

-   Xuất phát từ tập Đà-la-ni.

Pháp Minh lễ tạ khen ngợi lui ra.

Giảng:

Luật sư hỏi: Kinh Luật Luận là lời Phật, đọc tụng y giáo phụng hành sao chẳng thấy tánh? Nghĩa là đọc tụng lời Phật như vậy hoài mà sao không thấy tánh. Ngài trả lời, như chó điên đuổi hòn đất, tử cắn người, Kinh Luật Luận là tự tánh dụng, người đọc tụng là tánh pháp.

Chó điên đuổi hòn đất, sư tử cắn người là một thành ngữ so sánh giữa kẻ trí người ngu. Con chó ngu nên khi bị người ném hòn đất liền chạy đuổi theo hòn đất, không biết người ném ra hòn đất là chính. Sư tử thì khác, bị ném hòn đất thì nó quay tìm người ném để cắn. Con chó bị người gạt mà không biết, đó là sự lầm lẫn. Cũng vậy kinh luật luận là lời Phật cốt chỉ cho chúng ta nhận ra tự tánh, nếu chỉ đọc tụng suông thì được phần ngọn mà không thấy phần gốc.

Kinh luật luận là tự tánh dụng, tức là dụng tự tánh của người ngộ đạo viết hoặc nói ra thành kinh luật luận. Từ thể tánh chân thật mới diễn giải ra văn tự. Đọc trên văn tự suông làm sao ngộ tự tánh của mình?  

Chúng ta đọc hiểu rồi phải phản quan hồi chiếu lại chính mình thì mới thấy tự tánh, không phải hiểu trên kinh luật là đủ. Nếu cứ cho đọc tụng như vậy là xong, đó là chưa thấu rõ chỗ thâm trầm. Người đọc tụng là tánh pháp, nghĩa là chỉ đuổi theo tánh được chỉ dạy trong pháp đó, không biết phản chiếu lại tự tánh của mình, đọc tụng bao nhiêu cũng không thể thấy tánh được.

Luật sư đổi chiến lược, hỏi qua Phật Di-đà, nghĩ là hỏi chỗ này chắc Thiền sư bí rồi. Hỏi Phật Di-đà có cha mẹ và họ không? Ngài đáp, Phật Di-đà họ Kiều-thi-ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan. Hỏi xuất phát từ kinh điển nào? Ngài đáp, xuất phát từ Đà-la-ni. Pháp Minh liền lễ tạ. Như vậy mới phục. 

 

Chánh văn:

Có vị Pháp sư thông tam tạng đến hỏi:

-   Chân như có biến đổi chăng? Sư đáp:

-   Có biến đổi.

-   Thiền sư lầm.

-   Đại đức có chân như chăng?

-   Có.

Nếu không biến đổi quyết định là phàm tăng. Đâu chẳng nghe “Thiện tri thức hay chuyển ba độc thành ba nhóm tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí.” Chân như nếu không biến đổi, Đại đức thật là ngoại đạo, chủ trương tự nhiên vậy.

Giảng:

Đây là câu hỏi khó. Chân như có biến đổi không? Nếu thường thì chúng ta trả lời sao? Không! Vì chân như là như như không đổi thay làm sao biến đổi được. Nhưng ngài đáp chân như có biến đổi. Pháp sư này biết rằng sai nên nói Thiền sư lầm rồi. Ngài hỏi Đại đức chân như chăng? Trả lời có. Ngài nói nếu không biến đổi, quyết định là phàm tăng mãi. Đâu chẳng nghe trong kinh nói Thiện tri thức chuyển ba độc thành ba nhóm tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí. Chân như nếu không biến đổi thì Đại đức thật là ngoại đạo chủ trương tự nhiên. Nếu chân như cứ như vậy không đổi thì làm sao tu được, vì mục đích tu là chuyển phàm thành thánh. Thể chân như không biến đổi, nhưng dụng chân như có biến đổi, như tánh ướt của nước không đổi nhưng khi có gió sóng nổi lên thì nước chuyển động. Nếu gió ngừng, nước trở lại phẳng lặng. Động hay lặng cũng là nước, tùy duyên tùy nghiệp mà lặng biến thành động, từ động trở về lặng.

Khi chúng ta khởi tâm dấy niệm lăng xăng thì cũng từ tâm thể chân thật mà ra, như sóng từ nước sanh ra, chỉ có buông hay dừng thì nó lặng trở lại. Bởi vì có dấy niệm là có biết, biết là một phần của tâm, tâm đó là tâm bóng dáng, là dụng không phải thể. Dụng là tướng sanh diệt, chấp tướng sanh diệt cho là thật đó là sai lầm. Dụng biết là dụng, là phương tiện giả tạm, đừng xem nó là thể cứu cánh chân thật.

Như chúng ta vừa suy ngẫm một việc gì, rồi chấp nhận lý mình là đúng là thật, nếu gặp người chê bai thì phản kháng quyết liệt. Đó là từ cái chấp dụng hư giả cho là thật mà sanh ra tranh đấu hơn thua. Nếu biết suy nghĩ của mình chỉ là dụng nhỏ của tâm sanh diệt không thật, đã không thật thì không thể là chân lý. Nó đúng ở lúc này, không đúng ở lúc nọ. Như mỗi quốc gia đều có những bộ luật riêng, các bộ luật ấy hình thành từ sự suy nghĩ của hàng trí thức trong nước của họ. Suy nghĩ rồi xét nét hoàn cảnh đất nước, xét nét tình hình dân chúng mà đặt ra luật để người dân theo con đường đó, làm đúng như vậy mới có trật tự trị an. Đôi khi có những biến chuyển mới, người làm luật thấy luật này thiếu sót, phải họp quốc hội để bổ sung, ban hành bộ luật mới cho phù hợp. Như vậy tất cả những suy nghĩ hiểu biết trên thế gian luôn diễn biến tùy thời tùy cảnh, không đứng nguyên một chỗ. Chúng ta cho suy nghĩ của mình đúng một trăm phần trăm là sai lầm. Đừng chấp chặt vào đó mà sanh phiền não tranh cãi.

Thể chân như không sanh diệt, nhưng dụng của nó luôn biến đổi, khi dụng ô nhiễm nổi lên thì thể trong sạch bị che lấp, nếu dụng trong sạch thì thể trong sạch hiện bày. Dụng ô nhiễm tức là sáu căn chạy theo sáu trần che khuất mặt gương trong. Gương luôn luôn trong sáng, nhưng bị dính sơn dính bụi, thêm nhiều vết nhơ nên gương bị phủ mờ. Gương tự sáng, chỉ vì nhiễm hay không nhiễm mà có khi tối khi sáng. Tâm chúng ta vốn trong sáng, khi có niệm dấy lên dính với sáu trần làm nó tối dần. Nhiễm nhiều chừng nào càng tối đậm chừng ấy. Xét kỹ trong chúng ta có ai không nhiễm không? Nếu không nhiễm cái này thì cũng nhiễm cái khác, nhiễm ít hay nhiều đó thôi. Ít thì gương còn hơi hé sáng, nhiễm nhiều đậm quá thì hết trông thấy ánh sáng mặt gương. Nói theo ngài Thần Tú, chúng ta tu là lau bụi trên mặt gương. Gương vốn sáng, nhưng bị phủ thì phải chùi phải lau, chưa thể nói thẳng như Lục Tổ được.

Chuyển mặt gương tối thành mặt gương sáng, có chuyển không? Có đổi không? Chuyển đổi là trên bề mặt của gương, thực chất nó không đổi. Nói chân như có biến đổi là đứng về dụng, thật thể của nó không biến đổi.

Chánh văn:

-   Nếu vậy chân như tức có biến đổi?

-   Nếu chấp chân như có biến đổi cũng là ngoại đạo.

Giảng:

Vừa nói chân như không biến đổi là ngoại đạo thiên nhiên, bây giờ chấp chân như có biến đổi cũng là ngoại đạo. Pháp sư bực quá nói:

Chánh văn:

-   Thiền sư vừa nói chân như có biến đổi, giờ lại nói không biến đổi, vậy thế nào thật đúng?  

-   Nếu người thấy tánh rõ ràng như hạt minh châu ma-ni hiện sắc, nói biến đổi cũng được, nói không biến đổi cũng được. Nếu người không thấy tánh nghe nói chân như biến đổi bèn hiểu biến đổi, nghe nói không biến đổi bèn hiểu không biến đổi.

Pháp sư khen:

-   Nên biết Nam tông không thể lường.

Giảng:

Như vậy nói về thể thì chân như không biến đổi nhưng nói về dụng thì chân như có biến đổi. Nói biến đổi cũng được nói không biến đổi cũng được, tùy chỗ dùng. Các vị pháp sư chấp chữ đâu nghĩa đó nên không lường được ý chân thật.

 

Chánh văn:

Đồ đệ đạo Lão đến hỏi:

Thế gian pháp nào vượt hơn tự nhiên chăng? Sư đáp: - Có.

-   Pháp gì hơn được?

-   Hay biết tự nhiên vậy.

-   Nguyên khí là Đạo chăng?

-   Nguyên khí tự nguyên khí, đạo tự đạo.

-   Nếu như thế ắt phải có hai?

-   Biết, không hai người. 

-   Thế nào tà, thế nào chánh?

-   Tâm theo vật là tà, vật theo tâm là chánh.

Giảng:

Chủ trương của Lão giáo tất cả là tự nhiên, không sửa, không tạo, sửa đổi chỉ làm rối thêm. Lão Tử thường nói “do không hòa hiếu nên mới đặt ra hiếu thảo, do không nhân nghĩa mới đặt ra nhân nghĩa,” ông chủ trương “bậc đức cao tột theo lẽ tự nhiên vốn có đức sẵn, không phải cố ý làm ra điều đức”. Lão không chấp nhận Khổng, vì Khổng đưa ra nhiều nguyên tắc sống giữa vua tôi, cha con, chồng vợ... Khổng Tử nghiêng về tổ chức xã hội, Lão Tử nghiêng về sống thiên nhiên, tự nhiên như vậy sửa đổi làm chi.

Vì thế đồ đệ đạo Lão hỏi: Thế gian có pháp nào vượt hơn tự nhiên chăng? Các pháp tự nhiên là chân lý tuyệt đối, có pháp nào hơn không? Ngài đáp: Có. Hỏi pháp gì hơn được? Ngài đáp, hay biết tự nhiên là hơn tự nhiên. Tự nhiên là vô tri, biết tự nhiên thì hơn tự nhiên. Như bình hoa là vô tri, cái biết bình hoa hơn bình hoa vì nó là tánh giác thường hằng. Trả lời thật hay, những ý này người thường không thể nào đáp nổi.

Hỏi nguyên khí đạo chăng? Đạo Lão chấp nguyên khí, tức khí ban đầu là đạo. Nhưng ngài nói nguyên khí là nguyên khí, đạo là đạo. Nếu như thế ắt phải có hai, nếu có hai thì sai với đường lối của Lão. Ngài nói biết không hai người. Như vậy là một hay hai? Nguyên khí và đạo là hai, nhưng cái biết được nguyên khí, biết được đạo không hai. Chỗ này rất thâm trầm, chúng ta không hiểu thì không thấy hay.

Lão giáo chủ trương trở về tự nhiên. Các pháp, muôn vật là tự nhiên đừng quấy rối nó, để nó như vậy thôi đừng làm gì thêm cho nó phiền hà. Sống trở về tự nhiên, tự nhiên là chân lý, tự nhiên là cứu cánh. Nhà Phật chủ trương giác ngộ nhận ra Phật tánh, nhận ra tánh giác không phải để tự nhiên. Bên kia tự nhiên là đạo, còn bên đây giác ngộ, Phật tánh là đạo. Nên Đạo sĩ nói: Nếu như thế ắt phải có hai? Ngài đáp: Biết không hai người. Thể biết không hai, tức là tánh giác không hai, tánh giác biết được thiên nhiên, biết được đạo. Thiên nhiên, tự nhiên là vô tri, biết được thiên nhiên biết được vô tri là tánh giác trùm khắp không có hai.

Lại hỏi: Thế nào là tà, thế nào là chánh? Ngài trả lời khéo vô cùng: Tâm theo vật tà, vật theo tâm chánh. Tâm theo vật dễ hiểu, vật theo tâm nghĩa là sao? Tất cả vật bên ngoài không thuộc về ta làm sao nó theo mình, mà nói vật theo tâm? Chúng ta quen cho rằng tất cả sự vật là thật, nó thật cho nên mình chạy theo nó, bây giờ biết tất cả pháp tự tánh là không, không có gì chắc thật. Biết tánh nó không thật nên không bị dính mắc, nhìn đâu cũng là tánh biết trùm hết, muôn vật chỉ là tánh biết, đó là vật theo tâm. Khi mê lầm tưởng ngoài mình có vật thật, trong là người ngoài là cảnh, cảnh thật người thật nên mình chạy theo cảnh. Biết tất cả cảnh không thật, biết người không thật, tánh biết đó lưu xuất

từ chân tâm hay Phật tánh, tánh biết chân thật thì tất cả cái giả quy về thật. Các pháp quay lại trở về mình, mình không chạy theo nó. Hiểu như vậy mới thấy từng câu từng lời của ngài rất tài tình. Kiểm điểm xem chúng ta tu bao nhiêu năm rồi là tà hay chánh? Tu Phật bao nhiêu năm rồi mà công nhận là tà thì tội nghiệp quá, phải làm sao cho vật theo mình chứ đừng để mình theo vật. Đó là chỗ thiết yếu. 

 

Chánh văn:

Luật sư Nguyên đến hỏi:

-   Hòa thượng tu có dụng công chăng? Sư đáp: - Dụng công.

-   Dụng công thế nào?

-   Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

-    Tất cả người đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng?

-   Chẳng đồng.

-   Tại sao chẳng đồng?

-   Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng; khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng.

Luật im lặng.

Giảng:

Chỗ dụng công của ngài là khi đói ăn, khi mệt ngủ, cũng có dụng công không phải như cây gỗ. Tất cả người đều như vậy, đói ăn mệt ngủ có đồng chỗ dụng công chăng? Ngài đáp không đồng. Tại sao không đồng? Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, thích tính toán ngàn chuyện nên chẳng đồng.

Người biết tu, người không biết tu, hành động như nhau, làm việc như nhau mà hai bên khác nhau. Có nhiều người nói “Tu cũng chết, không tu cũng chết thì cần gì tu!” Nói thế là khờ dại. Người biết tu chết với cái tâm nhẹ nhàng thanh tịnh, người không biết tu chết với tâm quyến luyến khổ đau, khác nhau rất nhiều. Như vậy hai bên đồng mà không đồng.

Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng. Ví dụ hôm nào đi đâu về bụng đói, người nhà đem ra ổ bánh mì không, lúc đó có cầm ổ bánh mì lên ăn liền không? Thấy ổ bánh mì vậy chưa ăn đâu, đòi có gì nhét vô ổ bánh mì, nào nước tương, ớt, giấm, bao nhiêu thứ rồi mới chịu ăn. Người tu thì có gì ăn nấy không đòi hỏi. Đó là cái khác thứ nhất. Cái khác thứ hai là mệt mà không chịu ngủ. Nằm xuống đáng lẽ ngủ liền, còn tính trăm ngàn việc, việc năm trên năm dưới, hôm qua hôm kia... Người tu thì nằm xuống liền ngủ. Đó là chỗ khác nhau giữa hai bên. Một bên ăn ngủ cầu kỳ, một bên ăn ngủ tự tại, vậy thôi.

 

Chánh văn:

Đại đức Uẩn Quang đến hỏi:

- Thiền sư tự biết chỗ sanh chăng? 

Sư đáp:

- Chưa từng tử đâu cần luận sanh. Biết sanh tức là pháp không sanh, chẳng lìa pháp sanh nói pháp không sanh. Tổ sư nói: “Chính cái sanh tức không sanh.”

Giảng:

Ý vị tăng này hỏi biết chỗ sanh tức là biết đời trước của mình từ đâu sanh đến đây. Ngài đáp chưa từng tử đâu cần luận sanh. Chưa từng tử tức là chưa từng chết, ý ngài muốn nói đến lý vô sanh.

Biết sanh tức là pháp không sanh, chẳng lìa pháp sanh nói pháp không sanh. Câu này có hai ý. Ý thứ nhất, đứng về lý duyên khởi các pháp tánh không duyên hợp giả có, duyên hợp gọi là sanh, thật không có cái thật sanh. Ví dụ cái bàn khi chưa có ván, đinh, thợ mộc... thì chưa có, khi tất cả nguyên liệu và thợ họp lại thành có cái bàn. Sanh mà thật không có sanh. Ví dụ cái bình hoa. Khi cắm tất cả hoa vào thì nói nó là bình hoa, bình hoa có sanh, khi chưa cắm hoa thì không có bình hoa, như vậy bình hoa sanh hay vô sanh? Chẳng qua duyên họp thì thấy như có, duyên ly tán thì không ngơ, nên sanh mà không sanh. Vì thế nhìn theo lý duyên khởi không có một pháp tự sanh thật. Sanh không thật thì tử cũng không thật. Hiểu được lý sanh tức vô sanh, chúng ta sẽ an nhiên khi mình trăm tuổi. Vì duyên hợp nên thân tạm có, duyên hết thân tạm tan rã, không có sanh thật, cũng không có tử thật. 

Ý thứ hai, đứng về tâm thể chân thật không có sanh tử. Thường chúng ta tưởng chết là chấm dứt cuộc đời, chẳng những dứt ngang đây mà dứt mãi mãi. Thật ra chết là chấm dứt chỗ nương gá tạm bợ thôi. Ngài Quy Sơn nói chúng ta nương gá thân này, không phải thân này là mình. Chúng ta có can đảm nhận như vậy không? Tôi ví dụ, khi bóng đèn còn tốt thì điện nương bóng đèn mà sáng, nếu bóng đèn hư thì điện có mất đi đâu không? Điện không phát ra chỗ này thì phát ra chỗ khác, không bao giờ mất hết. Chúng ta cũng vậy, khi thân này hoại thì tri giác không có chỗ nương để phát ra, khi thân này đủ duyên thành tựu thì tri giác có chỗ biểu hiện. Thân hoại mà tri giác không hoại.

Như vậy, xét về lý duyên hợp thì sanh không thật sanh, tử không thật tử; xét về lý chân thật thì khi thân hoại tri giác không hoại. Người thấu hiểu lẽ này nhận ra sanh chính là vô sanh, sanh tử như trò chơi không quan trọng; người không hiểu thì cho sanh tử là đại nạn.

Sanh tử không quan trọng thì chuyện hơn thua phải quấy ở thế gian có quan trọng không? Không quan trọng thì có gì oán giận, thù ghét nhau, có gì khổ? Người tu Phật hiểu đến nơi đến chốn rồi, ngay trong đời sống này tự tại an nhiên. Đó là giá trị của người tu, không phải tu để đời sau hưởng phước hơn đời này, điều đó xa vời quá. Ngay đây mà thấy đạo lý vi diệu, chúng ta hăng hái tu tập. Nên đây dẫn lời Tổ nói: Chính cái sanh tức vô sanh. Như tôi giải thích hai mặt, đứng

về mặt duyên khởi, các duyên tụ lại tạm gọi là sanh, không có gì là thật sanh. Đứng về hình thức vật chất, tâm thể chân thật nương vào hình thức vật chất để mà sinh hoạt, khi còn hình thức vật chất thì nó tạm nương, tan thì nó rời đi, không có gì sanh tử. Cho nên nói sanh tức không sanh.


Chánh văn:

-  Người không thấy tánh cũng được như vậy chăng?

Tự chẳng thấy tánh chẳng phải không tánh. Vì sao? Vì thấy tức là tánh, không tánh thì không thể thấy. Thức tức là tánh, nên gọi thức tánh. Liễu tức là tánh, nên gọi liễu tánh. Hay sanh muôn pháp gọi là Pháp tánh, cũng gọi là Pháp thân. Tổ sư Mã Minh nói: “Nói là pháp tức tâm chúng sanh. Nếu tâm sanh nên tất cả pháp sanh, nếu tâm không sanh thì pháp không nương đâu sanh, cũng không danh tự.” Người mê chẳng biết Pháp thân không hình tượng, hay ứng vật hiện hình, bèn nói: “Trúc biếc xanh xanh đều là Pháp thân, hoa vàng mịt mịt thảy đều Bát-nhã”. (Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã). Hoa vàng nếu là Bát-nhã, Bát-nhã tức đồng vô tình. Trúc biếc nếu là Pháp thân, Pháp thân tức đồng cây cỏ. Như người ăn măng tức ăn Pháp thân. Những lối nói như thế đâu thể kể chép hết. Đối diện mê Phật nhiều kiếp mong cầu, trong pháp thể mà mê lầm chạy tìm kiếm bên ngoài. Thế nên, người hiểu đạo đi đứng ngồi nằm đều là đạo, người ngộ pháp tung hoành tự tại đều là pháp.  

Giảng:

Ý hỏi, người thấy tánh như ngài thì thấy được vậy, còn người chưa thấy tánh như chúng tôi thì có thấy được vậy không? Tự chẳng thấy tánh chẳng phải không tánh. Câu này xác định chúng ta ai cũng có sẵn bản tánh, chỉ vì không nhận ra, không phải không có. Người nhận ra được bản tánh trước, người nhận ra được bản tánh sau, kẻ trước người sau đều có bản tánh, khi nhận được thì ai cũng như ai, không thua không thiếu.

Chúng ta có ai không thấy không? Có thấy tức là có tánh. Khi thấy chỉ là thấy, đừng phân biệt xấu tốt, hay dở... thì thấy đó là tánh. Nếu không có tánh biết làm sao biết thấy? Biết thấy tức là có tánh. Có tánh nhưng chúng ta không dừng ngang đó mà tiến tới bước nữa là phân biệt đẹp xấu. Đến bước thứ hai thấy đẹp vừa ý dễ thương, nếu không vừa ý cho là xấu không giá trị gì. Từ phân biệt thứ nhất đẹp xấu, qua phân biệt thứ hai thương ghét, sanh ra đủ thứ khổ đau. Nếu chỉ thấy bình hoa là bình hoa thì chắc rằng ai cũng thấy hết. Ở chặng số một, có người nào thiếu không? Nhưng đến khi phân biệt bình hoa có người khen đẹp, có người chê xấu thì đã qua tâm thức riêng tư rồi. Tâm thức riêng tư là gốc của tranh cãi. Mình cho là đẹp mà ai nói xấu thì bực bội. Nếu nhìn bình hoa là bình hoa, tất cả đều thấy bình đẳng như nhau, không chê khen tranh cãi.

Như vậy tánh thấy hiện tiền mà chúng ta không chịu dừng ở đó, chạy theo phân biệt, cho cái phân biệt đẹp xấu là mình, còn tánh thấy là gì không biết.  

Quên cái gốc là tánh thấy ban đầu mà chỉ nhận phân biệt thứ hai thứ ba là mình, vì thế chư tổ nói chúng sanh quên mình theo vật. Phật tổ chỉ ra cái chân thật hiện tiền của chính mình, chúng ta phải tin nhận đừng quên.

Thức tức là tánh, nên gọi thức tánh. Liễu tức là tánh, nên gọi liễu tánh. Hay sanh muôn pháp gọi là Pháp tánh, cũng gọi là Pháp thân. Ngài nói rộng thêm, bản tánh chân thật mỗi người không hạn chế nơi tánh thấy mà hiển hiện qua các thức, qua liễu tri. Thức là gì? Kinh Lăng-già thường ví dụ, biển cả nổi gió lớn, dậy sóng ầm ầm. Nước biển cả là chỉ cho thức tánh hay tàng thức, gió thổi dậy sóng mòi là chỉ cho các thức như ý thức... phân biệt. Các thức phân biệt như những lượn sóng vỗ ầm ầm trên biển, sóng đó có rời mặt biển không? Sóng động nhưng cũng là nước. Tâm là cái biết, ý thức dấy phân biệt, mà ý thức có biết không? Biết. Cái biết đó gốc từ thể tâm trong sáng thanh tịnh của mình, theo vọng duyên chạy đi phân biệt lăng xăng gọi là vọng thức, khi vọng thức lặng xuống là tâm thể thanh tịnh. Như biển khi nổi sóng lên thì thấy sóng khác nước khác, khi sóng lặng thì toàn thể là nước biển. Thức tánh liễu tri cũng như thế, không xa rời tâm.

Tổ sư Mã Minh nói: “Nói là pháp tức tâm chúng sanh. Nếu tâm sanh nên tất cả pháp sanh, nếu tâm không sanh thì pháp không nương đâu sanh, cũng không danh tự.”

Nói pháp tức tâm chúng sanh, tất cả pháp đều là tâm chúng sanh. Như trên bàn này, đây là bình hoa, đây là tách uống nước, đồng hồ..., tất cả từ đâu mà có? 

Từ tâm mà ra, không có tâm thì không có tất cả pháp, không ai phân biệt đây là tách, đây là đồng hồ, đây là bình hoa... Từ tâm khởi nghĩ đặt tên vật này vật nọ, có hình tướng có tên gọi sai khác. Cũng như chúng ta cha mẹ sanh ra không đặt tên thì khi gặp nhau chúng ta gọi nhau bằng gì? Gặp nhau chỉ biết vậy thôi, không biết tên gì. Cha mẹ đặt tên thành ra có tên A tên B, sự thật chúng ta là chúng ta. Tên chỉ là giả danh, trên giả danh đó chúng ta tưởng tượng có khi không đúng. Như có người tên là Đức Hạnh nhưng họ rất dữ, như vậy có thật là “đức hạnh” không? Tên chưa phải là lẽ thật, lẽ thật của con người nằm ngoài hình tướng tên gọi. Biết các pháp từ tâm mà có, nếu tâm không sanh thì các pháp không nương đâu mà lập, người hiểu thấu tự tâm không chạy theo các pháp.

Người mê chẳng biết Pháp thân không hình tượng, hay ứng vật hiện hình, bèn nói: “Trúc biếc xanh xanh đều là Pháp thân, hoa vàng mịt mịt thảy đều Bát-nhã.” Hoa vàng nếu là Bát-nhã, Bát-nhã tức đồng vô tình. Trúc biếc nếu là Pháp thân, Pháp thân tức đồng cây cỏ. Như người ăn măng tức ăn Pháp thân. Những lối nói như thế đâu thể kể chép hết. Đối diện mê Phật nhiều kiếp mong cầu, trong pháp thể mà mê lầm chạy tìm kiếm bên ngoài. Thế nên, người hiểu đạo đi đứng ngồi nằm đều là đạo, người ngộ pháp tung hoành tự tại đều là pháp.

Pháp thân là thể chân thật của tất cả pháp, hay tùy duyên ứng hiện hình tượng. Ngài Huệ Hải giản trạch câu Xanh xanh trúc biếc đều là pháp thân, mịt mịt hoa vàng thảy là Bát-nhã. Hoa vàng là vật vô tri, Bát-nhã là trí tuệ, đem cái vô tri cho là trí tuệ được không? Cũng thế, pháp thân là tánh giác, cho cây trúc cây tre là pháp thân thì không đúng. Nói như vậy sẽ bị hiểu lầm. Nhưng có trường hợp nói như vậy vẫn đúng. Khi thấy trúc biếc, xem hoa vàng mà không có một niệm chen vào thì trúc biếc hoa vàng đều là Bát-nhã, đều là pháp thân. Vì sao? Vì tánh thấy trùm hết tất cả hiện tượng. Tất cả đều không ngoài tánh thấy của chúng ta. Cái hay thấy không phân biệt thì cái hay thấy đó là pháp thân, là Bát-nhã. Hiểu được điều này đi đứng ngồi nằm hay nói nín động tịnh đều tự do tự tại.


Chánh văn:

Đại đức lại hỏi:

-     Hư không hay sanh linh tri chăng? Chân tâm duyên thiện ác chăng? Người tham dục là đạo chăng? Người chấp phải quấy về sau tâm thông chăng? Người xúc cảnh sanh tâm có định chăng? Người trụ chỗ yên lặng có tuệ chăng? Người ôm lòng khinh người có ngã chăng? Người chấp không chấp hữu có trí chăng? Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, những người này hợp đạo chăng? Thỉnh Thiền sư mỗi mỗi vì đáp.

Hư không chẳng sanh linh tri, chân tâm chẳng duyên thiện ác, người chìm sâu trong tham dục căn cơ cạn, người phải quấy lăng xăng chưa thông, người xúc cảnh sanh tâm ít định, người yên lặng quên hết là tuệ chìm, người khinh người cao mạn là ngã mạn, người chấp không chấp có đều ngu, người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, người khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật là ma.

-   Nếu như thế thì rốt ráo không thể có?

Rốt ráo là Đại đức, chẳng phải rốt ráo không thể có.

Uẩn Quang vui mừng lễ tạ lui ra.

Giảng:

Một mạch bao nhiêu câu hỏi, ngài đáp rất đơn giản rõ ràng.

Hư không hay sanh linh tri chăng? Ngài đáp: Hư không chẳng sanh linh tri. Hư không là hư không, linh tri là linh tri. Linh tri là cái biết sáng của mình, là tự nơi mình có, không phải do hư không sanh.

Câu hỏi kế, chân tâm duyên thiện ác chăng? Ngài đáp: Chân tâm chẳng duyên thiện ác. Lục Tổ nói với thượng tọa Minh, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh? Bản lai diện mục là chân tâm, cho nên đây hỏi chân tâm có duyên thiện ác không, ngài nói chân tâm không có duyên thiện ác. Rõ ràng không nghĩ thiện, không nghĩ ác mà hằng tri giác đó là chân tâm. Chúng ta nhận ra chân tâm nơi mình không? Đôi khi cũng lóe sáng, như lúc chúng ta

ngồi thiền được một hai phút không khởi niệm mà thấy biết rõ ràng thì đó là chân tâm hằng hữu, chỉ tại mình nhớ nghĩ vọng niệm nên không biết chân. Khi chúng ta đi đường hoặc ngồi chơi, có những phút giây không nghĩ gì, không chạy theo cảnh, đi vẫn biết đi, ngồi chơi vẫn biết ngồi chơi mà không khởi niệm, đó là chân tâm hiển lộ.

Chân tâm thường tri thường giác, luôn đầy đủ nơi mỗi người. Vọng niệm lâu lâu mới sanh, duyên với cảnh mới khởi lên, cái bóng dáng chợt có chợt không nên buông bỏ dễ. Cái thường hằng của mình làm sao bỏ được! Như nhìn hoa, con mắt không bệnh thấy bình hoa rõ ràng, cái thấy này là chủ, sau đó khởi niệm đẹp xấu thương ghét là khách đến sau. Cái sau bỏ dễ, còn cái gốc đầu không thể bỏ được. Chân tâm trung thành chân thật của chính mình không rời một phút giây nào mà quên đi, xao lãng đi, còn cái vọng niệm chợt có chợt không mà lại bám vào đó cho là mình, như vậy là tỉnh hay mê? Phật thương chúng sanh mê muội, có của báu mà không nhận cứ chạy theo cái giả ảo bên ngoài để chịu khổ sở. Chư Phật tổ ra đời vì muốn đánh thức cho chúng ta biết cái này là hư dối, cái kia là chân thật không rời mình, không thiếu nơi mình. Không lầm nhận hư dối là mình thì cái chân thật hiện ra, hết sức giản đơn.

Tu là làm một việc vô cùng chân thật. Cái rõ ràng của mình mà quên, Phật chỉ dạy để chúng ta nhớ lại, không có gì huyền bí. Nhớ thì hết khổ, quên thì lận đận lao đao. Chỉ vì chúng ta chạy theo ảo ảnh bên ngoài, bên trong chứa đựng ảo giác chợt sanh chợt diệt rồi chạy theo những ảo ảnh đó. Hỏi lại xem chúng ta có phải đang đuổi theo ảo ảnh hay không? Người ta nói sống cần phải tìm hạnh phúc, hưởng hạnh phúc, nhưng hiện giờ tất cả chúng ta có đang hưởng hạnh phúc không? Từ bé đến lớn luôn tìm kiếm mà không thấy, chỉ có hạnh phúc trong tưởng tượng thôi. Được cái này mất cái kia, không bao giờ có hạnh phúc trọn vẹn đúng như sở thích của mình.

Tâm chân thật sẵn có của chính mình không đòi hỏi hạnh phúc, không có gì hết, không có danh từ để nghe bùi tai, không có hình tướng làm vui mắt... Nếu ai trở về với nó thì an lạc suốt đời. Giả sử chúng ta đi ra đường nghe ai nói một tiếng nặng, mình tức lên thì hết an lạc. Khi Phật còn tại thế, ngài đi đường bị người theo chửi mắng ngài cũng ung dung bước đi. Chúng ta bị chửi thì đứng lại chửi lộn với họ rồi đánh đâp nhau đổ máu. Sân si làm khổ mình khổ người, rồi cứ than cuộc đời khổ. Thật sự cuộc đời không khổ, chỉ vì chúng ta chấp chặt, tham lam, sân si nên gây khổ, không biết gốc khổ từ đó mà cứ đổ thừa đời là khổ. Nếu chúng ta mê thì đời là bể khổ, còn chúng ta tỉnh thì đời không khổ gì hết. Cũng thế gian này mà người biết tu tỉnh thì tới lui tự tại an nhàn, còn người mê lầm thì đi đâu cũng dính mắc, cũng khổ cũng than. Đó là chỗ khác nhau giữa người biết đạo và không biết đạo.

Người ta thường quan niệm tu phải biết phân biệt thiện ác, thích thiện ghét ác là người biết tu. Trong lãnh vực tương đối của thế gian thì điều này đúng, nhưng bước qua lãnh vực tuyệt đối thì không đúng. Còn thương còn ghét, còn phân biệt thì chưa được tâm bình đẳng, dứt hết tâm thương ghét mới được thản nhiên. 

Phật đối với chúng sanh bình đẳng vì ngài không còn tâm thương ghét. Trong kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng bái lạy nói, tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.

Người đạt đạo rồi thấy ai cũng có tâm chân thật, ai cũng là người đáng cho mình quý trọng. Thiện ác là do mới huân tập, còn chân tâm là sẵn có; cốt tủy của mọi người có sẵn chân thật rồi, còn dở xấu là cái mới thêm vào. Cũng như có người rất giàu nhưng không khéo giữ gia sản nên chịu nghèo khổ, khi gặp họ chúng ta thương hay ghét? Đó là người đáng thương. Cũng vậy, những người ác là người có sẵn tánh Phật mà bỏ quên, tạo nghiệp ác để chịu khổ sở luân hồi, như vậy là đáng thương. Ví dụ trong một trăm người mà sáu mươi người hiền, bốn mươi người ác, chúng ta chỉ thương sáu mươi người còn bốn mươi người thì ghét. Vì còn tâm tương đối nên chưa hết khổ. Chư Phật Bồ-tát thấy tận nguồn gốc, biết tất cả chúng sanh đều có tâm Phật nên đối với ai cũng quý kính bình đẳng. Hiểu rõ lý này thì hiểu rõ câu chân tâm chẳng duyên thiện ác.

Đến câu hỏi người tham dục là đạo chăng? Ngài đáp người chìm sâu trong tham dục căn cơ cạn. Có sẵn tâm chân thật mà quên đi thì gọi là căn cơ cạn; nếu có sẵn mà nhớ được phần nào, gọi là căn cơ sâu. Vì không nhớ được gốc của mình, chạy theo tham dục tạm bợ rồi say mê trong đó, gọi là căn cơ cạn.

Người chấp phải quấy về sau tâm thông chăng? Đáp người phải quấy lăng xăng chưa thông. Nếu còn chấp phải quấy thì tâm rối loạn không thông. Chúng ta kiểm điểm lại mình thông đạo lý chưa? Nếu còn thấy người này phải người kia quấy, người này hay người kia dở, phải thì khen quấy thì chê..., như thế biết mình chưa thông đạo lý.

Người xúc cảnh sanh tâm có định chăng? Đáp người xúc cảnh sanh tâm ít định. Thấy cảnh vui liền vui, thấy cảnh khổ liền khổ làm sao định được? Thấy vui thấy khổ mà tâm vẫn nhẹ nhàng thanh thản, đó mới là định.

Người trụ chỗ yên lặng có tuệ chăng? Đáp người trụ chỗ yên lặng quên hết là tuệ chìm. Như khi chúng ta ngồi yên không nghĩ gì, không biết gì đó là trí tuệ chìm. Thiền sư Huyền Giác dạy rằng “tỉnh tỉnh lặng lặng phải, lặng lặng hôn trầm sai”. Đó là có định mà không có tuệ.

Người ôm lòng khinh người có ngã chăng? Đáp

người khinh người, tự cao là ngã mạn.

Người chấp không chấp có, có trí chăng? Đáp người chấp không chấp có đều ngu. Tại sao? Các pháp duyên hợp có cũng chẳng thật có, không cũng chẳng thật không. Như bóng trăng dưới hồ nước trong, bóng trăng thật có hay không thật có? Nói thật không thật có đều không đúng. Nên đây nói chấp thật không thật có là kẻ ngu. Nói như vậy dường như xúc phạm. Chúng ta không thích bị chê ngu, vì thế nói người chấp có chấp không là ngu đã chạm tự ái của mình, nhưng lời

ngay thì phải đau một chút. Như lời thường nói, thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ, khúc cây cong vạy bị thợ mộc 

lấy kích thước sẽ bị cắt xén rất nhiều. Lý thật hết sức khó, khó không phải tự nó ở đâu xa mà tại vì chúng ta quên, luôn sống với mê lầm sanh diệt. Khi được chỉ ra lẽ thật chúng ta ngỡ ngàng khó hiểu, nên nhìn cho kỹ nghiệm cho sâu mới thấy.

Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, những người này hợp đạo chăng? Ngài đáp Người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, người khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật là ma. Người tầm văn thủ chứng thêm kẹt, nghĩa là nghiên cứu văn tự trong kinh sách hiểu được chút ít rồi nói mình đạt đạo đó là người mắc kẹt. Đạo là tâm chân thật của mình, không phải chữ nghĩa. Chấp trên chữ nghĩa cho rằng mình đạt đạo, không kẹt là gì?

Người khổ hạnh cầu Phật mê. Phật là tâm chân thật của chính mình, chỉ cần buông hết những cái giả thì tâm chân hiện, tu khổ hạnh làm cho thân bại hoại để cầu Phật, đó là quá mê. Người lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo. Bỏ tâm chân thật để tìm cầu bên ngoài đó là ngoại đạo. Người chấp tâm là Phật là ma, tại sao? Bởi vì chúng ta có hai bệnh. Một là tu cầu Phật xin Phật lạy Phật, một bề tìm kiếm Phật bên ngoài, như thế là ngoại đạo. Hai là cho tâm mình là Phật, nghĩ phải nghĩ quấy cũng đều là Phật, vậy không phải ma là gì? Tâm Phật không còn niệm phải quấy thiện ác. Nếu còn

tâm nghĩ phải quấy hơn thua, đó là tâm tà vạy, không phải Phật.  

Nghe nói chấp tất cả đều sai nên Uẩn Quang kết luận rốt ráo không có gì hết. Ngài trả lời cứu cánh là Đại đức chân thật, không phải không có. Nghĩa là phủ nhận tất cả để bày hiện cái chân thật của mình. Thuật giáo hóa của chư Phật Bồ-tát, các tổ sư là phá tất cả chấp, gỡ bỏ những dính mắc của chúng ta, các ngài không cho thêm vật gì. Nếu chúng ta không có, các ngài mới cho, đã có sẵn thì cần gì cho. Có mà bị quên, có mà xao lãng đi cho nên buộc lòng phải nhắc để mà nhớ, nhớ đó là tu. Tu mà không tu. Người ta nói tu là phải ăn chay, phải tụng kinh, phải niệm Phật... Đây không dạy ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, chỉ buông bỏ hư dối để sống với chân thật. Bỏ hư dối đó là tu. Những lời trong đây nói nghe hơi lạ, nhưng rất cụ thể.


Chánh văn:

Sư thượng đường dạy chúng:

- Các ngươi may mắn tự khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục chứ gì?

Giảng:

Vô sự là không việc, có người hiểu lầm nghĩa vô sự là không làm gì hết, ngồi chơi là vô sự. Không phải vậy. Vô sự là không dính không kẹt tất cả những gì xung quanh. Người làm tất cả việc gánh nước, bửa củi, trồng rau... nhưng không dính mắc là người vô sự. Còn người nằm không mà nghĩ trời nghĩ đất, nghĩ đâu đâu chưa phải là vô sự, có khi đa sự vì nhớ nghĩ nhiều việc.

Khi làm thì quên, ngồi không lại nhớ. Vì thế ngài dạy chúng may mắn được tu, nên khéo giữ cái vô sự. Kẻ nhọc nhằn tạo tác là mang cùm sa ngục, vì tạo nhiều việc, chịu nhiều khổ báo, kết quả rơi vào địa ngục.

Chánh văn:

Mỗi ngày từ sáng đến tối bôn ba nói: “Ta tham thiền học đạo, hiểu thấu Phật pháp”, như thế càng không dính dáng gì. Chỉ chạy theo thanh sắc biết bao giờ dứt?

Giảng:

Người tự xưng là hành cước, mỗi ngày xách gói đi đầu này đi đầu kia, nói ta tham thiền ta học đạo, ta hiểu Phật pháp, nhưng thật tình không dính dáng gì cả. Vì cái chân thật sẵn nơi mình, không cần chạy đi đâu tìm kiếm, chỉ cần gợi lên, nhắc lại, ngay nơi đó hiện tiền rõ ràng. Một phen buông xả tất cả thì hiện ra tất cả, càng chạy tìm càng không thấy.

Chánh văn:

Bần đạo xưa đến tham vấn Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ), Hòa thượng dạy: “Kho báu nhà của ngươi đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ cầu bên ngoài.”

Giảng:

Ngài nhắc lại nhân duyên học đạo với Mã Tổ. Khi ngài đến gặp Mã Tổ, Tổ hỏi: Đến cầu việc gì? Ngài đáp: Đến cầu Phật pháp. Tổ bảo: Ta trong đây một vật cũng không, cầu Phật pháp gì? Kho báu nhà mình không đoái hoài, tại sao bỏ nhà chạy rong? Ngài hỏi: Cái gì là kho báu của Huệ Hải? Tổ nói: Tức ngay nơi ngươi hỏi ta là kho báu của ngươi. Ngay đó ngài nhận ra kho báu.

Tất cả chúng ta ở đây đều biết hỏi, ai cũng có kho báu mà không nhận biết. Có mà không nhận ra nên cũng như không. Lúc nghe giảng thì hé ra dường như có, về nhà lại quên hết. Rốt cuộc là kẻ bần cùng đói khát suốt đời. Vì thế ngài dạy: Kho báu nhà ngươi đầy đủ tất cả, sử dụng tự tại chẳng nhờ cầu bên ngoài.

Chánh văn:

Bần đạo từ đây thảy thôi, của báu của mình tùy thân thọ dụng, có thể nói sống thích thú, không một pháp có thể thủ, không một pháp có thể xả, chẳng thấy một pháp có tướng sanh diệt, chẳng thấy một pháp có tướng qua lại, khắp mười phương thế giới không một hạt bụi nào mà chẳng phải của báu nhà mình.

Giảng:

Khi nhận được kho báu nhà mình rồi thì ngài thấy tất cả pháp đều là kho báu, không còn tìm cầu nơi nào khác. Nhận biết mình có tâm chân thật, mọi thủ xả bên ngoài đều buông, đi đâu thấy gì cũng thấy trong kho báu. Chúng ta dù nói kho báu nhưng thấy gì cũng là bụi bặm. Chỗ khác nhau giữa chư tổ với chúng ta là chư tổ “nhận được liền đó biết giữ”, chúng ta thì có khi hiểu được mà không biết giữ, không biết giữ thì rốt cuộc trở thành mê suốt đời.  

Chánh văn:

Chỉ quan sát kỹ càng tâm mình một thể Tam bảo thường tự hiện trước, không thể nghi ngờ. Chớ suy xét, chớ tìm kiếm, tâm tánh xưa nay thanh tịnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, nếu hay hiểu biết như thế, chư Phật thường hiện tiền.” Kinh Tịnh Danh nói: “Quán thân thật tướng, quán Phật cũng vậy.”

Giảng:

Quán thật tướng của thân mình cùng thật tướng của Phật cũng thế. Như vậy để minh chứng rằng kinh Phật, lời chư tổ dạy chúng ta tu, hai bên phối hợp không tách rời.

Chánh văn:

Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, chẳng theo tướng mạo mà sanh hiểu, tự nhiên vô sự. Đi! Chớ đứng lâu. Trân trọng!

Giảng:

Lời ngài dạy chúng thật tha thiết. Nếu chẳng theo thanh sắc mà động niệm, nghe tiếng mắng không khởi buồn, thấy sắc đẹp không khởi thích, như vậy là kẻ vô sự. Làm người vô sự khó hay dễ, làm người hữu sự dễ hay khó? Thường chúng ta nhiều việc mệt mỏi ai cũng muốn rảnh rang, tại sao mình lại tham nhiều việc? Tham nhiều

việc là đa sự, mà đa sự thì khổ, vô sự thì thảnh thơi. Nếu nghe thanh thấy sắc mà dửng dưng không bận lòng thì mình là người vô sự, không phải vô sự là nằm yên trong phòng. Khi ra chợ thấy cảnh nhộn nhịp, nghe tiếng ồn ào mà không động niệm, khi cuốc rẫy trồng khoai mà tâm không dính với cảnh, đó là vô sự. Đừng nghĩ đóng cửa nằm trong phòng cả ngày là vô sự. Vô sự như thế thì chết đói.

Chánh văn:

Hôm nay đại chúng nhóm họp mãi không giải tán. Sư hỏi:

Các ngươi vì cớ sao ở đây mãi không đi? Bần đạo đã đối diện trình nhau, lại chịu thôi chăng? Có việc gì khả nghi, chớ lầm dụng tâm uổng phí khí lực. Nếu có nghi ngờ, các ngươi tùy ý thưa hỏi.

Có vị hiệu Pháp Uyên hỏi:

-   Thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng, thế nào là một thể Tam bảo? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.

Sư đáp:

-   Tâm là Phật chẳng cần đem Phật cầu Phật, tâm là Pháp chẳng cần đem pháp cầu pháp. Phật Pháp hòa hợp không hai là Tăng, tức là một thể Tam bảo. Kinh nói: “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không khác.” Thân khẩu ý thanh tịnh gọi là Phật ra đời, ba nghiệp không thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Thí như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận, chỉ một tâm thật không hai thể. Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu thành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn.

Giảng:

Tâm gồm đủ cả Tam bảo vì tâm Phật, tâm cũng là pháp. Tại sao tâm là pháp? Vì tâm sanh muôn pháp. Phật pháp hòa hợp là tăng. Như vậy trong một thể gồm đủ Tam bảo, thể đó là tâm. Tâm có thể làm Phật, cũng có thể làm chúng sanh nên nói cả ba không khác.

Thân khẩu ý thanh tịnh gọi Phật ra đời, ba nghiệp không thanh tịnh gọi Phật diệt độ. Khi thân khẩu ý thanh tịnh thì Phật ra đời, ngài đang hiện trong tâm mình, khi nào thân khẩu ý ô uế thì Phật nhập diệt. Chúng ta chỉ muốn thấy Phật hiện mà không muốn thấy Phật nhập diệt. Nhưng không giữ được thân miệng ý thanh tịnh nên Phật diệt độ. Như vậy là không biết thương chính mình, để Phật không luôn luôn hiện trong tâm. Muốn Phật ra đời thì thân khẩu ý phải thanh tịnh, rất gần gũi và thực tế. Phật ra đời, Phật nhập diệt liền liền ở nơi mình. Ai khéo tu thấy Phật hiện, ai không khéo tu thì Phật ẩn, không có gì lạ.

Thí như khi giận thì không vui, khi vui thì không giận, chỉ một tâm thật không hai thể. Phật sanh ra, Phật diệt đi cũng giống như vui và giận. Khi giận thì quên vui, khi vui thì quên giận. Chính trong tâm chúng ta có vui có giận, có thể giữ ba nghiệp thanh tịnh, cũng có thể tạo tội lỗi cho ba nghiệp ô nhiễm. Chỉ một thể nơi tâm, không có Phật khác ngoài tâm thanh tịnh, cũng không có chúng sanh nào khác ngoài tâm nhiễm ô.

Bản trí sẵn vậy, vô lậu hiện tiền, như rắn hóa thành rồng không đổi vảy, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Bản trí thanh tịnh sẵn có đầy đủ nơi chính mỗi người. Tâm thể vô lậu không sanh không diệt luôn hiện tiền. Ví dụ rất rõ: như rắn hóa thành rồng không đổi vảy rắn, chúng sanh hồi tâm thành Phật chẳng đổi mặt. Chúng ta thấy, khi thân khẩu ý thanh tịnh hay ô uế thì cũng chỉ một con người không phải ai khác. Chỉ cần hồi tâm thì nhơ uế biến thành thanh tịnh, chúng sanh liền thành Phật.

Tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu thành, có chứng có tu tức đồng người tăng thượng mạn. Chỗ này chúng ta phải cẩn thận. Đây nói tánh vốn thanh tịnh chẳng đợi tu hành. Tánh vốn thanh tịnh sẵn, không gì làm nhơ nhiễm được, chúng ta tu là phủi sạch vọng tưởng phủ che để tánh thanh tịnh hiển lộ. Phá vọng gọi là tu, thật ra không tu gì cho tánh sẵn có. Nói rằng mình có tu có chứng là người tăng thượng mạn. Tại sao? Vì trên thể chân thật không có tu chứng. Thử nghiệm lại, khi chúng ta ngồi yên lặng, tâm thanh tịnh không dấy nghĩ, không một động niệm, lúc đó chúng ta tu hay không tu? Chỉ ngồi yên lặng không làm gì, không dấy niệm, thể tánh thanh tịnh hiện tiền, không nói là tu. Chỉ cần dừng xao động, đừng chạy theo trần cảnh thì tự nhiên thể tánh hiển bày, không làm gì thêm nhọc nhằn. Tánh đã sẵn vậy, không do đục đẽo mài giũa mà được, nên nói không tu.  

Không tu thì khi tánh thể hiện tiền, lúc đó không thể nói là chứng đắc. Nói có tu chứng là tăng thêm bản ngã của mình, không phải sự thật.

Chúng ta học Phật hiểu thấu tường tận lý này thì đọc kinh Đại thừa mới tỏ ngộ. Ai vào đạo cũng được khuyên gắng tu cho đắc đạo, cho chứng đạo. Đó là lời nói khích lệ, thật ra đến chỗ chân thật thì nó sẵn đủ, chỉ cần buông mọi thứ lăng xăng lộn xộn thì hiện bày. Nếu như trên núi có viên ngọc quý, mình leo lên đến nơi nhặt được thì mới nói mình được viên ngọc. Đó là có chứng đắc. Còn tánh tự sẵn có, không thiếu không tìm cầu đâu xa, nên nói không tu không chứng. Đây là điều tất cả chúng ta phải khéo nhận khéo thấy, không thể quên.

Chánh văn:

Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Người lợi căn đốn ngộ dụng vô đẳng đẳng tức là A-nậu-bồ-đề (Vô thượng chánh giác). Tâm không hình tướng tức là sắc thân vi diệu. Không tướng tức là thật tướng pháp thân, thể - tánh - tướng đều không tức là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm tức là công đức pháp thân. Pháp thân này là gốc của vạn hóa, tùy chỗ đặt tên: trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng, hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng, đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng, muôn pháp về Như gọi là Như Lai tạng. Kinh nói: “Như Lai đó, tức nghĩa Như của các pháp.” Lại nói: “Tất cả pháp sanh diệt thế gian không có một pháp nào chẳng về Như.”  

Giảng:

Đoạn này nói thẳng lý cứu cánh, chúng ta phải chú tâm nghe nhận kỹ. Chân không chẳng kẹt, ứng dụng không cùng, không thủy không chung. Thể chân không thênh thang, chẳng dính mắc bất cứ hình tướng nào nhưng có ứng dụng không cùng, nên nói chân không diệu hữu. Không thủy không chung, vì nó không lệ thuộc thời gian nên không có trước sau.

Người lợi căn đốn ngộ dụng đẳng đẳng tức A-nậu-bồ-đề. Người nào căn tánh lanh lợi chóng ngộ thì được dụng Vô thượng chánh giác, không còn có chỗ thưa chỗ hở nên gọi là Vô đẳng đẳng.

Tâm không hình tướng tức là sắc thân vi diệu. Không tướng tức là thật tướng pháp thân. Vì tâm không có tướng nên nói nó là thật tướng pháp thân. Thể tánh tướng đều không tức là thân hư không vô biên. Thật tướng không tướng vì tướng của các pháp không có thật, không dính mắc nên rộng rãi đồng hư không.

Không tướng tức là thật tướng của pháp thân. Tại sao? Vì tâm vọng duyên theo bóng của sáu trần, có bóng là có tướng. Tâm chân không dính với sáu trần, hằng tri hằng giác mà không có bóng nên gọi là không tướng. Có tướng thì sanh diệt, không tướng thì bất sanh bất diệt. Chúng ta cứ ngỡ vật gì có tướng là thật, nhưng đây nói không tướng mới là thật. Vì có tướng là tụ tan, sanh diệt, đó là tướng vô thường. Tâm thể chân thật không nghĩ suy duyên theo bóng sáu trần nên không có tướng, không sanh diệt. Chúng ta từ khi sanh ra đến nay biết tất cả mọi thứ, cái biết đó ngoài sở học, ngoài suy nghĩ thường tình, là cái biết của mắt thấy tai nghe v.v... không đổi khác. Chỉ khác là do huân tập từ sự học hỏi xã hội, từ giáo dục gia đình nên dần dần có sai biệt. Cái biết sanh diệt là do huân tập, còn cái biết sẵn có từ thủy chí chung không sanh diệt. Hiểu như vậy chúng ta mới nhận ra được cái chân thật của mình.

Muôn hạnh trang nghiêm tức là công đức pháp thân. Pháp thân này là gốc của vạn hóa, tùy chỗ đặt tên. Đầy đủ muôn hạnh đó là công đức do pháp thân hiển hiện. Từ thể pháp thân sanh ra các hóa thân, tùy chỗ đặt tên.

Trí dụng không hết gọi là Vô tận tạng. Khi có được những hóa thân từ pháp thân hiện thì trí dụng không cùng tận, nên gọi là kho vô tận. Hay sanh muôn pháp gọi là Bản pháp tạng, đủ tất cả trí gọi là Trí tuệ tạng, muôn pháp về Như gọi là Như Lai tạng. Đây dẫn kinh Kim Cang: Như Lai đó, tức nghĩa Như của các pháp. Nghĩa Như của các pháp là muôn pháp tánh Như, không có niệm sanh, không có niệm diệt. Không sanh không diệt gọi là như như. Tất cả chúng ta đều có tánh Như. Khi không dấy niệm, không khởi phân biệt thì tâm mình lặng lẽ như như. Sống với tánh Như đó là trở về Như Lai tạng, nhận được kho Như Lai.

Lại nói: Tất cả pháp sanh diệt thế gian không có một pháp nào chẳng về Như. Như vậy tất cả pháp sanh diệt thế gian không một pháp nào ngoài thể Như. Chỉ vì chúng ta quên thể Như rồi chạy theo vọng tưởng sanh diệt, nên luống chịu luân hồi sanh tử.


 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88961
  • Online: 21