Dụng Tâm TuThiền

06/07/2015 | Lượt xem: 4233

1.VỌNG TƯỞNG VỐN KHÔNG
Chư Phật, Bồ-tát, chư vị Thánh nhân do nguyện lực mà đi vào cuộc đời này. Các Ngài có đầy đủ năng lực, uy đức và trí tuệ sáng suốt trọn vẹn nên cần sanh thì tác ý liền sanh (ý sanh thân). Lý do các Ngài sanh ra nơi đời là vì phát nguyện vào cõi Ta-bà để cứu độ cho tất cả chúng sanh, trong đó có chúng ta. Do phát nguyện như vậy nên gọi là từ nguyện lực mà vào đời.

Còn chúng ta vào cuộc đời này là do nghiệp lực thúc đẩy, hoàn toàn không có sự tự chủ nào hết. Nếu từ nguyện thì có năng lực, chủ động vào rồi chủ động ra, không bị chi phối bởi cuộc đời, do đó khổ không đến được. Còn nếu từ nghiệp đẩy mà vào đời thì thụ động. Vì thụ động, không đủ lực làm chủ nên khổ đau có ra.
Ngài Quy Sơn nói: Xét ra, vì nghiệp mà sanh ra nơi đời, nên không tránh khỏi các khổ lụy từ thân này.
Nhưng nghiệp từ đâu mà có? Do hành động, do sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen và tạo thành nghiệp. Ban đầu chúng ta chủ động tạo tác, khi thành thói quen, thành nghiệp rồi thì nó quay trở lại trói buộc mình. Sức mạnh của nó có khả năng điều khiển, thôi thúc, trói buộc mình nên gọi là nghiệp lực. Nghiệp ban đầu do mình tạo, nhưng khi tạo thành rồi thì nó quay trở lại lèo lái sai khiến mình phải theo. Khi không tự dừng được một hành động nào đó, tức là chúng ta đã bị nghiệp nó đẩy, là không làm chủ được rồi đó.
Như vậy, chính nghiệp thúc đẩy chúng ta đi vào trong sanh tử luân hồi. Mà nghiệp là từ thân miệng và ý tạo tác. Nhưng ý là gốc. Khi vừa khởi ý, chúng ta dừng lại, không theo, không tạo tác thì không tạo nghiệp. Cho nên tu là tu ngay nơi ba nghiệp, mà cái chính yếu là ý. Ngay nơi ý nghiệp mà tu.
Khi ý khởi là vọng tưởng. Mà vọng là hư ảo, huyễn hóa, là giả, không thật. Giống như chúng ta dụi mắt thì thấy có hoa đốm trong hư không. Thấy có, nhưng không phải thực có. Cũng như khi mặt trăng soi bóng xuống dòng sông, quý vị thấy có bóng trăng trong nước, nhưng có vớt được trăng không? Không. Như vậy, thấy như là có nhưng thực ra là đồ giả. Vọng tưởng cũng vậy. Khi vọng tưởng dấy khởi thì thấy như là có, nhưng quay trở lại tìm thì không có. Như vậy, vọng tưởng là giả có, không thật. Nếu chúng ta chấn chỉnh tinh thần, giác tỉnh mạnh mẽ trở lại thì chúng mất tăm dạng. Mới biết vọng tưởng vốn không thật có. Còn nếu vừa mê, thả trôi thì chúng đua nhau dấy khởi rất nhiều. Vậy phải làm chủ vọng tưởng bằng cách nào? Giác trở lại thì vọng tự mất. Trong nhà đang tối đen, quý vị không cần phải cầm chổi, cầm gậy để đuổi bóng tối, chỉ cần bật đèn sáng thì bóng tối tự hết. Vậy bóng tối đi đâu? Nó đâu có thật đâu mà đi. Khi không có đèn thì có bóng tối, khi mở đèn sáng thì bóng tối tự mất. Nếu bóng tối có chỗ để chạy đi thì mới thật, đằng này không có chỗ chạy thì không thể là thật được. Cũng như bóng trăng dưới dòng nước, thấy thì có nhưng vớt không được, nên cũng không thật. Lại như hoa đốm trong hư không, dụi mắt thì thấy có, nhưng lấy tay nắm bắt thì không có gì cả. Vọng tưởng cũng như thế, vốn nó là không thật có mà lầm tưởng cho là có thật nên theo vọng và tạo thành nghiệp rồi luống chịu khổ đau.
Ngài Tông Mật nói: “Vọng tưởng thể của nó vốn không, nhưng theo nó thì thành sự.” Đừng nghe nói giả rồi quý vị tự do muốn làm gì thì làm là không đúng. Nó vốn là không, nhưng theo nó thì thành sự, thành nghiệp và sẽ có cái khổ thật đó. Biết rõ thể nó vốn không, chúng ta chỉ cần giác sáng trở lại thì sự tan, mọi việc đều được yên ổn. Cho nên phải biết rõ: Có, nhưng giả có. Giả thì có đáng sợ không? Mình chỉ sợ khi mình mê, thấy nó là thật, mình bất giác nên bị nó kéo lôi làm khổ. Còn nếu giác trở lại thì không có gì đáng sợ.
2. VỌNG KHÔNG THÌ CHƠN HIỆN
Khi quý vị vọng tưởng nhiều quá sẽ làm cho mình mất thăng bằng, không còn yên ổn nữa thì tâm bị bất an. Cũng như xưa kia ngài Huệ Khả khi còn tham học hiệu là Thần Quang đã từng thưa với Tổ Bồ-đề Đạt-ma:
- Tâm con chưa an, xin thầy dạy cho con pháp an tâm.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma bảo:
- Đem tâm ra đây, ta an cho!
Quý vị muốn đem tâm ra thì phải nhìn lại tìm xem nó có hay không rồi mới đem ra được chứ! Ngài Thần Quang vừa xoay lại tìm thì không thấy. Ngài thưa:
- Con tìm tâm không được.
Tổ Bồ-đề-Đạt-Ma bảo:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngài Thần Quang nhơn đây được khế ngộ. Tổ Bồ-đề Đạt-ma liền đổi pháp hiệu Thần Quang thành Huệ Khả.
Tìm lại thì không thấy. Ngay khi không có chỗ để thấy đó, khéo thể nhận và sống thì liền là an. Còn nếu lờ đờ thả trôi thì nó đua nhau dấy khởi cho chúng ta phải choáng ngợp,  không còn đủ sức chịu đựng nữa và tự nó làm mình rối loạn, không an.
Trải thời gian sau, một hôm ngài Huệ Khả thưa với Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma:
- Hiện giờ con dứt hết các duyên.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma gạn lại:
- Có rơi vào đoạn diệt chăng?
Tổ Huệ Khả thưa:
- Chẳng rơi vào đoạn diệt.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma bảo:
- Làm sao biết không rơi vào đoạn diệt?
Ngài Huệ Khả nói:
- Rõ ràng thường biết, nói không thể đến.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma bảo:
- Đây chính là tâm thể của chư Phật đã truyền, ông trọn chớ có hồ nghi!
Từ đó, ngài Huệ Khả được Tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền trao tâm ấn, kế thế Tổ vị, trở thành vị Tổ thứ hai ở Trung Hoa.
Tâm không niệm tưởng, nhưng vẫn thường biết rõ ràng thì không thể là không. Nếu là không thì phải không còn biết gì nữa giống như người đã chết. Đằng này lúc đó mình vẫn sáng biết một cách rõ ràng không một chút mê mờ, mới biết không phải rơi vào đoạn diệt. Bây giờ quý vị thử lắng lại, không nghĩ gì hết, quý vị có biết không? Biết. Tánh biết đó không mất, sáng rỡ tuyệt đối, thanh tịnh tuyệt đối, chưa từng động. Sống được chỗ đó thì chúng ta sẽ có năng lực rất lớn. Sống về chỗ đó là trở về sống bằng tánh Phật nơi mình. Từ đó mới tin được tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Gạn bỏ hết tất cả, đến mức không còn gì để gạn nữa thì ngay đó chính là thể chân thật hiện tiền.
Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Tùng Thẩm ở Triệu Châu:
- Khi một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Sư đáp:
- Buông xuống đi.
Một vật đã chẳng đem đến, tức là không còn có gì cả, nhưng vì sao ông Thầy này lại còn thấy có vấn đề để hỏi? Nếu còn có một vấn đề gì đó để hỏi là còn có một vật rồi, buông nó xuống luôn đi! Khi buông sạch rồi, không còn gì để buông nữa, thì nhìn lại coi, ai đang biết hỏi đáp một cách rõ ràng đó? Ngay đó khéo thể nhận lấy thì toàn thể hiện bày.
Cho nên Sơ tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống! Buông xuống! Cái buông chẳng được, chính là kẻ ấy.”
Từ một bản thể ban đầu thanh tịnh, vừa bất giác, vừa quên một chút thì niệm tưởng khởi lên, quý vị theo tiếp thì nó dệt thành một dãy. Khi thành dãy, thành khối rồi thì tạo thành nghiệp đi trong sanh tử chịu khổ triền miên. Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật nói: “Thanh tịnh bản nhiên, bất chợt lại sanh núi sông quả đất.”
Ngay tâm đang thanh tịnh đây, chưa nghĩ tưởng thì không tạo tác gì. Vừa quên thì liền có vọng tưởng, theo đó mà làm cái này, tạo cái kia, thế là có người, có vật, có chợ, có phố, có núi, có sông... Nếu nhớ lại, giác trở lại thì toàn thể là không. Từ tâm mà hiện ra tất cả. Khi tâm sanh khởi thì có nhà, có núi, có sông, có tất cả vạn vật. Khi không tâm thì tất cả đều không có dính mắc, nên có mà thành không. Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy: “Khi một người trở về nguồn chơn thì tam thiên đại thiên thế giới đều biến thành tro bụi”, là vậy.
3. KHI NÀO THÌ HẾT VỌNG
Khi vọng tưởng khởi, chúng ta liền giác biết, đó là tu. Có nhiều vị đã thắc mắc hỏi quý Thầy: Vậy thì khi nào mới hết vọng? Thắc mắc như vậy là chúng ta đã thấy có vọng tưởng là thật, là đã lòi cái mê của mình ra rồi.
Quý vị thấy có vọng tưởng thật nên cứ nghĩ và đặt ra vấn đề là phải hết vọng tưởng nên thấy tu hành là khó. Nhưng thực ra vọng là cái gì mà phải hết? Nếu quý vị theo nó thì bị nó phá, làm khổ mình. Còn không theo nó thì tự nó không còn giá trị. Bởi vì vọng tưởng thì không có chỗ sanh ra nó nên nó không thật. Nếu có chỗ sanh ra nó thì nó sẽ được sanh ra mãi không bao giờ hết và nó đã trở thành cái chân thật. Nếu vậy thì khi vọng khởi lên, lẽ ra chúng ta phải tìm lại và đem vọng ra cho người khác thấy được. Nhưng khi nó khởi, chúng ta tìm lại thì không có. Vả lại, nếu vọng là có chỗ sản sinh ra, là có mãi không dứt, là chân thật thì chư Phật không thể thành đạo, vì bị vọng tưởng quấy nhiễu hoài; chư vị Tổ sư cũng không thể dứt vọng chứng chơn. Nhưng trên thực tế, chư Phật đã thành đạo, chư vị Tổ sư đã chứng đạo, đã dứt vọng chứng chơn. Qua đó cho chúng ta thấy, vọng không có chỗ sanh ra nó nên nó không thật có. Nhưng nó nương nơi thức thần mà được duy trì cho nên khi nào thức thần còn thì nó tạm còn giỡn mặt với chúng ta vậy thôi. Khi thức thần dứt bặt, vọng không còn chỗ nương thì nó cũng chia tay chúng ta. Cũng như cây đèn dầu, lửa của đèn không phải từ đâu mà sanh ra. Nếu nói hộp quẹt sanh ra lửa thì tại sao hộp quẹt không tự sanh ra lửa mà phải đợi bàn tay con người bật hộp quẹt thì lửa mới có? Cho nên, lửa không có chỗ sanh mà do nhân duyên sanh. Nhưng ngọn lửa tồn tại là nhờ vào dầu của cây đèn. Khi rút hết dầu thì lửa đèn tự tắt. Vọng tưởng cũng thế, nó không có chỗ sanh, chỉ khi chúng ta bất giác thì tạm có vậy thôi, nhưng nó nương thức thần mà tồn tại. Khi thức thần dứt bặt, chân trời trí tuệ hiển hiện rõ ràng thì vọng tưởng cũng không còn chỗ nương. Nhưng thức thần làm sao dừng dứt? Giống như một khối ung thư ác tính, vừa đụng dao kéo tác động lên nó thì nó liền di căn và phát tán mạnh hơn. Thức thần cũng vậy. Vừa muốn làm gì đó để dứt trừ nó thì ngay đó chính là thức thần rồi. Cho nên càng muốn làm gì để thức thần hết thì nó lại càng được nuôi lớn mạnh hơn. Vậy làm thế nào để thức thần dứt bặt đây? Không làm gì cả. Muốn trị thức thần thì phải không làm gì trên nó cả, mà phải tìm xem ai là đối thủ mà nó không thích? Đó là anh chàng giác sáng. Anh này càng xuất hiện thì anh thức kia càng trốn đi. Giống như ánh dương xuất hiện thì sương sớm sẽ bị xua tan. Sức giác càng lớn mạnh thì cái thức kia càng bị suy yếu. Trải thời gian công phu thuần thục, khi lực giác sáng bất chợt đủ lớn, ngay đó thức thần liền dứt bặt, chân trời giác ngộ bất chợt hiển hiện rờ rỡ, rõ ràng, vọng tưởng không còn chỗ nương, thấy biết tất cả nhưng không động, không ra ngoài chân trời giác biết sáng rỡ nên nói là trí biết, chơn tâm biết. Lúc này tất cả hành động, việc làm đều là diệu dụng của tâm.
Biết vậy rồi, chúng ta không cần đặt ra vấn đề là hết vọng tưởng hay không hết vọng tưởng, mà là chúng ta có giác kịp hay không giác kịp thôi. Khi quý vị giác kịp thì chúng ta sẽ có khả năng làm chủ được mình. Trong mọi lúc chúng ta chỉ có giác về. Đang lúc giác sáng là chúng ta đang tu. Đừng có một niệm tìm cầu gì khác thì công phu sẽ tốt. Cho nên Lục Tổ nói: “Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm”. Cũng như khi nhìn tập sách này, nếu nhìn theo nó, nhìn về nó, biết về tập sách đó, thì đó là chúng ta quên mình, là cái biết của mê lầm, là vọng biết. Ngược lại, nếu chúng ta đang tự mình sáng biết, tự biết, không phải đợi có tập sách mới biết, không biết theo tập sách. Có tập sách hay khi không có tập sách, tánh sáng biết này vẫn không đổi, không động. Đó là chúng ta đang giác biết, tự mình sáng biết, là đang tu. Biết vọng cũng như vậy. Vọng có khởi muôn ngàn thứ, nhưng đừng biết theo nó mà chúng ta chỉ là tự sáng biết, không can thiệp trên vọng, không một niệm vọng có hay không có, không khởi niệm vọng còn hay vọng hết, cũng không khởi niệm để mặc kệ, không một ý niệm gì trên vọng cả, mà chỉ là đang giác sáng, đang tự biết sáng một cách rõ ràng thì công phu sẽ đắc lực.
Ngày trước, có mấy vị mới vào tu lên thưa với Hòa thượng Tôn sư: “Bạch Hòa thượng, tại sao ngày trước chưa tu con chưa hề biết về vọng tưởng, con chưa hề nói nó giả thì con không thấy gì. Bây giờ con ngồi thiền để bớt vọng tưởng thì lại thấy vọng tưởng nhiều hơn”.
Hòa thượng nói: “Không phải do ngồi thiền mà vọng tưởng nhiều hơn. Vì ngày trước chưa biết tu, chưa ngồi thiền thì mình giống như người bị mù, không thấy, không biết được nó. Bây giờ biết tu rồi thì giống như người mắt sáng, thấy nó một cách rõ ràng, không lầm để bị nó gạt mình nữa. Như người bị mù từ bé không thấy được chỉ bàn tay nên cho là bàn tay không có chỉ. Khi được chữa trị, mắt được mở sáng mới thấy được chỉ của bàn tay. Cũng vậy, ngày trước cũng có vọng tưởng, nhưng tại chúng ta mê mờ không biết nên ngỡ là không có vọng tưởng, mà thực ra là chúng ta đang sống với nó, sống bằng nó, lấy nó làm sự sống nên bị nó chi phối, làm khổ lụy. Bây giờ ngồi lại thấy nhiều, nhưng thực ra là mình đang sáng mắt, đang có trí tuệ và bằng trí mới thấy được, biết được nó là vọng, là hư dối. Vậy thì đó là cơ hội tốt để phát hiện nó và tu tập chuyển hóa chứ không có gì là buồn”.
Người đời không biết đó là vọng tưởng, khởi niệm liền theo, bỏ mất chính mình nên tạo nghiệp, chịu khổ. Chúng ta bằng trí, bằng sự tỉnh sáng, giác biết đó là vọng, đó là chúng ta đã sáng suốt, đã qua được một lớp mê lầm. Quý vị không cần quan tâm trên nó mà chỉ cần không lầm theo là được. Còn vọng khởi mà mình không biết thì sẽ bị nó kéo lôi.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy Ngài A-nan: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt, tức là tâm ông. Nếu tánh phân biệt rời tiền trần mà không có thực thể thì đó là bóng dáng phân biệt sáu trần”.
Cụ thể, chúng ta biết vọng bằng cách nào? Ngồi lại, sau khi đếm hơi thở, mình buông toàn bộ thân tâm, sáng biết rõ ràng. Vọng tưởng khởi lên, giác. Một vọng tưởng khởi lên cũng là một thể giác đó, mà trăm ngàn vọng khởi lên cũng chỉ một thể giác đó, thì vọng không làm lay động chúng ta được. Còn quý vị khởi một vọng niệm thì có một cái biết, một ngàn vọng niệm khởi là có một ngàn cái biết, dụng công như thế là chỉ đuổi theo đuôi của vọng tưởng, đợi khởi mới biết và biết đó là biết về vọng tưởng, biết theo vọng tưởng, là vọng biết, trên vọng thêm vọng, công phu không được gì mà chỉ làm cho chúng ta càng thêm nhọc nhằn. Nếu đầu tiên chưa quen thì nhớ vọng là giả, đừng theo nó mà tạo nghiệp nữa. Thời gian sau tương đối thuần thục rồi thì, trả lại toàn bộ một tánh đang tự sáng biết. Khi mọi thứ đến đều ở trong sự an tĩnh toàn thể đó. Có cũng vậy mà không có cũng vậy. Cái “cũng vậy” là cái tâm NHƯ THỊ, là tâm không sanh diệt. Vọng còn hay không còn đều không bận tâm vì nó không đủ sức chi phối được mình. Khi công phu đủ mạnh, sự giác sáng đủ lớn thì thức thần bất chợt ngưng bặt, vọng tự khắc tan biến, chân trời giác ngộ mở ra, và tất cả đều trở thành diệu dụng của tâm. Lúc này không phải có hay không có, mà tất cả chính là một sự hiện hữu trong tự tánh chánh định của mình. Khi trở về nguồn chơn thì tất cả đều là diệu dụng của trí. Bỏ nguồn chơn thì chúng trở thành sanh diệt, vọng tưởng, khổ đau. Hằng ngày, trong tất cả thời, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, thấy biết tất cả mà vốn tự không động, thì đó là diệu dụng của trí. Nếu động thì dù ngồi đó mà nghĩ về sự giác ngộ thì sự giác ngộ kia cũng chỉ là vọng động của chúng sanh.
Thực ra sự tu hành rất đơn giản, cái khó là do chúng ta quen đi theo vọng trần mà chưa chịu trở về. Mình đã đi theo vọng trần nhiều kiếp rồi cho nên bây giờ quay trở lại đương nhiên là khó thôi. Quý vị có thể quên mình, đi theo sáu trần trong rất nhiều kiếp, nhưng khi vừa giác trở lại thì những thứ đó tan hết. Cái hay của đạo Phật là vậy. Dù cho mình có đi lang thang trong sanh tử bao lâu rồi không cần biết, mà khi giác trở lại là chúng ta đã ở ngay trong ngôi nhà chân thật của mình rồi, mới thấy sanh tử chỉ là một giấc mộng, không thật. Đây chính là điều an ủi cho mình.
Nếu quý vị có sự kiên trì, tu tập một cách miên mật thì lâu ngày quý vị sẽ có lực, sẽ nếm được pháp vị, có niềm vui, từ đó sự tu tập được hăng hái hơn. Trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào chúng ta cũng có thể tu tập được. Nhưng đi, đứng, nằm thì sức làm chủ yếu hơn. Ngồi vẫn là một phương pháp thù thắng, giúp chúng ta giác tỉnh mạnh mẽ và sáng tỏ hơn. Cho nên muốn thực tập được, quý vị phải gắng ngồi thiền. Mới đầu ngồi có thể thấy đau chân, có thể có nhiều cái chưa ổn định. Nhưng quý vị đừng ngại gì hết, đau chân thì cố gắng khắc phục, chừng nào thấy nặng nề quá thì theo hơi thở, một thời gian sau sẽ có niềm vui riêng, có những năng lực riêng, lúc đó mới thấy ngồi thiền có giá trị của nó.
Như vậy, sau khi nghe quý Thầy giảng, quý vị có còn ngại vọng tưởng nữa không? Vọng tưởng khởi, quý vị không cần quan tâm, nên cũng không cần chờ vọng hết. Chỉ cần giác trở lại thì vọng không còn có đủ giá trị tác dụng với mình nữa. Không cần quan trọng khi nào thì vọng tưởng hết, quan trọng là giác trở lại. Quý vị ngồi yên, quên một chút thì vọng khởi, vọng khởi thì phải nhớ tỉnh giác. Tu chỉ ngay chỗ nhớ và quên thôi.
Thế thì chúng ta trôi lăn trong sanh tử là do bị nghiệp kéo lôi, thúc đẩy mà thọ sanh. Mà nghiệp là từ thân, miệng và ý tạo. Thân, miệng là do ý làm chủ, ý khởi lên rồi sai khiến thì miệng mới nói, thân mới làm. Ý là do chúng ta bất giác, chợt quên thì vọng niệm khởi và mình chạy theo. Giờ ngay niệm khởi thì mình giác sáng, vọng niệm dừng lại thì có còn tạo nghiệp nữa không? Không. Như vậy ngay đó chấm dứt nghiệp, mà nghiệp dứt rồi thì giải thoát. Con đường tu tập rất rõ ràng.
Quý vị nhìn lên bầu trời, nếu nhìn theo áng mây, biết về áng mây thì chỉ thấy có áng mây mà quên cái toàn thể thênh thang của bầu trời. Giờ quý vị nhìn thấy mây nhưng đừng dừng trụ trên một áng mây nào cả, mà phải nhìn xuyên qua những áng mây đang trôi, thì mới thấy cả bầu trời kia thênh thang bất tận. Mây thì động, nên nhìn theo mây thì sẽ thấy có động. Bầu trời kia thì thênh thang bất động, nên nếu chúng ta nhìn xuyên suốt qua các tầng mây kia để nhận thấy bầu trời thì mới thấy thể của nó vốn tự không động, thì dù mây có bay bao nhiêu cũng không động gì cả.
Bầu trời tâm mình cũng thế, từ xưa đến nay chưa từng động bao giờ. Nhưng vì chúng ta nhìn mây vọng tưởng mà quên bầu trời chân tâm, cho nên mây vọng tưởng sanh diệt thì chúng ta bị động, cũng bị sanh diệt theo. Nếu quý vị không theo mây vọng tưởng nữa, không nhìn trên mây vọng tưởng, mà nhìn thấu suốt qua cái thể của bầu trời tâm mình thênh thang vốn chưa từng động kia, thì dù vọng tưởng có đến, có đi, nhưng tâm mình vẫn như như không động. Quý vị can thiệp trên vọng tưởng thì nó có chỗ vin, còn không can thiệp thì nó phải từ giã. Cho nên Mã Tổ nói: “Một mũi tên bắn chết cả bầy” là vậy. Nếu nhìn từng vọng tưởng để diệt thì giống như một mũi tên bắn được một con, bắn hoài không hết mà mệt lắm. Chỉ cần giác trở lại, trở về cái toàn thể sáng biết thì trăm ngàn muôn thứ tự tiêu dung.
4. DỤNG TÂM TU THIỀN
Thực ra tu không phải khó, mà phải nhận chân cho rõ đường lối tu tập, hiểu cho thấu và quyết tâm làm thì được. Hòa thượng Tôn sư có dạy: TU phải tha thiết như đói được ăn, khát được uống. Kế đó là phải quả cảm. Tức là dám làm. Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải mạnh mẽ, không được yếu đuối, hèn nhát. Và điều thứ ba là phải lập chí kiên cố, trường viễn. Tức là phải lập chí vững chắc, lâu dài, chứ không phải một bữa nóng, mười bữa lạnh, không phải mới tu là mong đạt được kết quả liền. Hội đủ ba điều kiện trên thì quý vị dụng công tu tập sẽ tiến bộ.
Để có được ba điều kiện đó thì phải nhớ thế này: Con người chúng ta không phải mới bị khổ đây mà hễ chúng ta sinh ra là đã khổ và đã khổ như thế nhiều kiếp lắm rồi. Hôm nay được sinh ra làm người, gặp được Phật pháp là nhân duyên phước phần của mình rất lớn. Ngay đây, biết con đường dừng khổ rồi mà còn chưa chịu thực hành, chưa chịu dừng nữa thì còn đợi đến khi nào mới dừng? Thích khổ lắm hay sao mà còn muốn tiếp tục!
Trong Thích Môn Tự Cảnh Lục có ghi lại câu chuyện của vị Thánh Đạt-ma Mật-đa làm tăng đốt lò, chụm bếp.
Sau khi Phật diệt độ, trong ngọn núi của xứ Kế Tân có bậc Thánh Tỳ-kheo tên Đạt-ma Mật-đa tài huệ hơn người, tọa thiền bậc nhất. Chỗ Ngài Đạt-ma Mật-đa ở có ba lớp hang. Bấy giờ có hai vị tăng từ xa nghe tiếng tăm nên đi đến lễ bái, thấy tôn giả mặc y cũ kỹ xấu xí ở trước lò của tầng hang dưới cùng, vì muốn điều phục thân tâm mình mà làm vị tăng chụm lửa, đốt lò. Khi ấy hai vị tăng hỏi:
- Trưởng lão Đạt-ma Mật-đa đang ở đâu?
Ngài đáp: - Ở trong phòng của tầng hang trên cùng kia.
Họ liền đi sang tìm. Tôn giả dùng sức thần túc bỗng chốc trở về phòng mình. Hai vị tăng vừa gặp liền sanh nghi ngờ lấy làm lạ thưa:
Đại đức là bậc Thánh nhân, uy danh đầy khắp cõi Diêm-phù-đề, tại sao tự cúi thấp mình làm tăng chụm lò?
Thánh Đạt-ma Mật-đa đáp:
- Nay ông nên biết, ta gẫm nhớ trong vòng sanh tử chịu khổ lâu dài. Giả sử đầu và tay có thể nhen đốt được, ta sẽ vì tăng mà đốt hết, huống nữa là những phần khác của thân đem để chụm lửa thì đâu đáng cho là khó? Ta nhớ lại vào thuở xa xưa trong 500 đời thường làm thân chó đói khát khổ sở. Tuy trải qua nhiều thân chó, nhưng chỉ có hai lần được no đủ. Một lần nhân có người uống rượu quá say ói mửa bên cạnh đường, ta đi ngang gặp được một lần no. Lại một lần khác làm chó trong nhà nghèo, hai vợ chồng nấu cháo đựng đầy trong niêu và có việc tạm đi vắng. Ta vì đói nên chui đầu vào trong niêu mà ăn, khi ăn được no rồi thì rút đầu ra không được. Người nhà về gặp như thế liền nổi giận dữ lấy dao bén chém đứt đầu ta. Ta nghĩ đã thọ thân chó 500 lần, tuy có hai lần được no nhưng bị mất thân mạng. Thế nên gẫm lại trong sanh tử lâu dài quanh quẩn trong năm đường, tuỳ sanh ra nơi nào thảy đều chịu khổ. Cho nên ngày nay ta chẳng từ mọi nhọc nhằn, sao lại chối từ, không vì chúng tăng mà nhóm lửa?
Trong nhiều kiếp luân hồi sanh tử, trải qua quá nhiều thống khổ rồi, cho nên hôm nay bỏ ra một chút sức lực cũng không thấm tháp gì. Mình khổ nhiều rồi, giờ gặp được Phật pháp là con đường thoát khổ, tìm ra được một tia sáng để tu, đó là phước phần của chúng ta rất lớn, phải cố gắng vận dụng, đừng để qua mất lãng phí.
Khi nghĩ như vậy, trong lòng mình có sự cảm động, cảm kích, tha thiết thì tu sẽ có hiệu quả. Ở ngoài đời, một số người có phước, giàu có nhưng họ quan niệm có tiền là có tất cả, tu làm chi. Khi nghĩ như vậy thì điều gì họ cũng dám làm, từ đó tạo tất cả ác nghiệp, bào mòn dần phước phần của mình đang có, rồi rơi lại vào ba đường khổ. Đó là có phước mà không biết tu bồi. Người có phước, có tiền của, có địa vị mà không có chánh kiến, suy nghĩ sai lầm, hành động không đúng thì tất cả những thứ họ đang có được kia chỉ là hội đủ điều kiện tốt cho họ tạo tội tạo khổ càng nhiều mà thôi. Nghĩ thương cho họ mà cũng giật mình cho mình. May mà chúng ta gặp được minh sư, gặp được chánh pháp. Nếu không thì chúng ta cũng giống như bao nhiêu người khác, cũng lầm tạo như vậy rồi chịu khổ trong sanh tử chừng nào mới được thoát ra!
Sự tu tập và được giác ngộ vẫn là niềm vui tuyệt đối cuối cùng. Bởi vì nó không bị vô thường biến hoại, nó cứu được cái khổ lớn trong sanh tử cho mình. Niềm vui đó dù có bạc tỷ cũng không mua được. Của cải thế gian là phù du, mình phải lo tu tập. Nếu không có chánh kiến, không biết tu tập, không giác sáng thì khi tu tạo có được một chút phước phần rồi lo thụ hưởng và quên tu. Khi quên tu thì tạo nghiệp, tạo nghiệp rồi thì bị đọa lạc chịu khổ. Bị đọa khổ quá thì ăn năn quay lại lo tu tạo phước đức, khi lo tu lại thì có được một chút phước phần, khi có được một chút phước phần thì lại tiếp tục lo hưởng thụ, rồi quên tu, tạo nghiệp, chịu khổ, rồi hối hận rồi tu…. Cứ như vậy mà trôi lăn trong luân hồi sanh tử hoài không có ngày dừng. Đó là mê lầm của chúng sanh, không biết sống về với tánh giác sáng, chỉ lo tu tạo phước đức bên ngoài.
Hành thiện mà tâm tán loạn thì đó là loạn thiện, chỉ đưa mình vào con đường hưởng thụ phước đức của Trời người. Nó sẽ vô thường còn mất nên chưa đủ sức cứu khổ vĩnh viễn cho chúng ta. Chỉ có trí giác ngộ sáng suốt mới đủ lớn để cứu cái khổ lớn trong sanh tử. Nếu đời nay chúng ta tu hành chưa được giác ngộ trọn vẹn thì đời sau sanh ra, nhờ vào sức giác tỉnh mạnh mẽ của đời này mà nó nhắc thức chúng ta sớm giác ngộ cuộc đời là vô thường, giác ngộ Phật pháp là cao quý và chính nó tạo thành năng lực thúc đẩy chúng ta tiếp tục tu tập một cách mạnh mẽ hơn. Hành thiện trong trí giác không động thì đó mới là hành thiện trong chánh định. Công đức ấy không rời thể tánh vô sanh nên nó đang hướng lên quả vị vô sanh. Nhân vô sanh mới đạt đến quả vô sanh. Thực hành như thế thì mới có ngày viên thành đạo quả vô sanh, có thế thì nó mới đủ lớn để hồi hướng đến pháp giới chúng sanh trọn thành Phật đạo. Có phước thì đường tu chúng ta được suôn sẻ, thuận lợi, ít bị chướng duyên cản trở. Có huệ thì không mê lầm, trong khổ chúng ta cũng có sự giác ngộ để vươn lên, không khổ. Cho nên phước và huệ phải cùng tu. Đức Phật là bậc phước trí tròn đầy.
“Hơn thua so với chính mình
Ngày nay mình phải hơn mình hôm qua”.
Nếu chỉ có làm thiện, làm phước mà không tu huệ thì cũng có phước, nhưng vì thiếu tu nên phước đó loạn động, là sanh diệt. Giàu mà chỉ biết hưởng thụ thì sẽ tạo nghiệp, có phước mà thiếu huệ thì đi vào con đường đọa lạc. Nếu tu cả phước và huệ thì vừa giàu có, vừa có được tư duy đúng để tu tiếp, vừa có được sự giác ngộ, từ đó mới bảo đảm an toàn cho chúng ta ngày một đi lên. Có trí, có đủ định lực bên trong thì mới có đủ sức mạnh mà tự chủ, sáng suốt và chúng ta mới có quyền quyết định mọi việc theo mình được. Còn không có năng lực thì bị nghiệp lực câu thúc, bị người khác thúc đẩy, làm sao mình có thể tự chủ được. Cho nên chỉ có trí và phước cùng đủ thì mới bảo đảm an toàn cho chúng ta mãi mãi đi lên, không bị đọa lạc, chấm dứt mọi khổ đau.
Nghe, hiểu vậy nhưng do cái tật của chúng sanh là hay quên nên thỉnh thoảng quý vị lại phải nghe pháp, học Kinh, đọc Luận, thực hành công phu tu tập, đi chùa lễ Phật tu hành... Mỗi ngày hâm nóng cho mình một chút thì sự tu tập mới tiến bộ được. Chứ còn suốt cả ngày không hề để tâm tới thì quý vị sẽ quên. Ngài Vân Môn là vị Tổ của một tông Thiền trong năm tông phái thiền Trung Hoa. Vậy mà khi sắp tịch, Ngài còn nói là hằng ngày sớm chiều Ngài luôn lấy lời dạy của Phật, lời dạy của chư Tổ để tự hun đúc mình. Huống nữa là chúng ta, đâu thể chủ quan được! Cho nên ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Mất ý khí thời thêm ý khí, được nơi an tiện hãy an tiện”. Ngài dạy khi nào tâm tu hành, tâm giác ngộ nguội lạnh, đọc kinh thấy ngán, nghe pháp buồn ngủ, ngồi thiền dã dượi, không phấn chấn... đó là mất ý khí rồi đó. Phải làm một điều gì đó mình thích, như là đọc một đoạn Luận đắc ý, gặp quý Thầy sách tấn... để phấn chí lên, đó là thêm ý khí. Khi tâm mình đang an định, trong sáng thì thẳng đó sống ngay, đừng chần chờ luống qua oan uổng lắm. Đó là Ngài dạy, được nơi an tiện hãy an tiện.
Một ngày, quý vị nên dành ít nhất cho mình khoảng 15 phút hoặc một giờ đồng hồ để đọc sách, nghe kinh hoặc tĩnh tọa lại một chút. Như vậy, chúng ta mới có cơ hội tiến được. Còn ở đây nghe hay, khi về thả đó, một tháng lên chùa một lần rồi mới tu thì tác dụng quá ít, rất phí. Sự tu tập không phải đợi ngồi thiền, lên chùa mà về nhà cũng phải dành thời gian tĩnh tâm nhìn lại mình. Trong công việc cũng luôn nhớ phải tỉnh, phải giác. Lên xe, tỉnh lại rồi mới đi. Ngồi vào bàn, tỉnh lại rồi làm việc. Ra chợ, tỉnh lại rồi mua đồ. Nghe ai chửi, tỉnh lại rồi hãy phản ứng. Được vậy thì tâm chúng ta mới sáng suốt, có trí tuệ, thân chúng ta mới nhẹ nhàng. Khi chúng ta tỉnh lại rồi thì có khi không cần nói hoặc nói ít và nói một cách nhẹ nhàng cũng giải quyết được mọi việc một cách hiệu quả. Quý vị nên nhớ rằng, không cần giải quyết gì cả, cũng là một cách giải quyết. Khi nào đó thích hợp, quý vị thử ứng dụng rồi sẽ thấy thú vị.
Khi không lại có chuyện đâu đâu giống như từ trên trời rơi xuống, nếu đừng phản ứng nhanh quá, chỉ tỉnh trở lại thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng. Còn quên tỉnh lại mà phản ứng liền thì chuyện gì cũng thành quan trọng, chuyện nhỏ trở thành to và hậu quả là giải quyết mọi việc dễ đưa đến thất bại. Chúng ta phải khôn khéo, phải tỉnh trở lại rồi giải quyết thì mọi việc sẽ đưa đến hiệu quả tốt đẹp hơn. Tập tỉnh như vậy lâu ngày quý vị sẽ tự cảm nhận được nơi mình có trí tuệ, có năng lực, có niềm vui, lòng chúng ta rộng lớn, nhẹ nhàng, dễ tha thứ, dễ dàng bao dung, thấy ai, thấy cái gì cũng có thể giải thoát được hết.

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05527
  • Online: 30