Giới là con đường duyên thành Phật đạo

05/11/2012 | Lượt xem: 4516

ĐĐ.Thích Khế Định

I. DẪN NHẬP

 Trước khi đi vào đề tài chính ngày hôm nay, tôi xin hỏi quý Phật tử: Nếu một lúc nào đó có người đến hỏi quý vị theo đạo nào, quý vị trả lời sao? Đạo Phật phải không? Vậy quý vị hiểu Đạo Phật như thế nào? Đạo Phật nguyên là chữ tiếng Hán, chữ “Đạo” dịch ra tiếng Việt là “con đường”, “Phật” tiếng Phạn gọi là Buddha, qua Trung Quốc dịch là “giác giả”, còn dịch ra tiếng Việt là “người tỉnh thức”. Ở đây, chúng ta có phúc duyên may mắn được đi trên con đường mà Đức Phật đã chỉ dạy, là con đường không có vô minh, không có chấp ngã.

 Như vậy, Đức Phật là người tỉnh thức, là bậc Thầy sáng suốt chỉ cho chúng ta con đường để đi, chứ không phải là một thần linh ban phước giáng họa cho chúng ta. Dù cho chúng ta là đại gia giàu có mà chưa tỉnh thức thì cũng vẫn là một người nô lệ cho dục vọng và chấp ngã của chính mình. Cho nên ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với quý Phật tử một bài pháp để nhằm cho ngày mà quý Phật tử thọ tám giới, đó là “Giới là con đường duyên thành Phật đạo”.
Quý vị đã từng nghe về công đức giữ giới, nhưng nhiều khi chúng ta nghe thì nghe mà chưa hiểu suốt được những gì Đức Phật đã dạy. 
Đức Phật dạy hàng Tỳ kheo xuất gia và Phật tử tại gia nếu còn muốn thấy Phật hiện diện trong cuộc đời này thì phải giữ giới. Có người nói thời này là thời mạt pháp, chỉ cần làm phước thôi chứ không tu tập được nữa, nhưng quý vị nhớ lại trong bốn bộ A Hàm đều khẳng định  rằng nếu vào thời mạt pháp, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào mà giữ giới thanh tịnh trang nghiêm thì chánh pháp cửu trụ nơi đời. Cho nên nếu một ngày một đêm mà chúng ta giữ giới được thanh tịnh thì Đức Phật còn hiện diện. Giới luật Đức Phật đưa ra nhằm mục đích đem lại niềm vui hạnh phúc đến cho người khác. Thường chúng ta nghe năm giới là không sát sanh, tức không giết người, nhưng có lúc chúng ta bằng lời nói của mình làm cho người đau khổ, tức giận, bị nội kết, một lúc nào đó chịu không nổi họ tự tử chết, thì mình cũng phạm vào giới sát. Hay thấy những người bị đau khổ, chết chóc mà mình vui thì cũng phạm vào giới sát. Quý vị thấy giới luật đưa ra thì ai được hạnh phúc trước? Chính bản thân mình được hạnh phúc trước. Một ngày một đêm mà quý vị chiêm nghiệm và giữ tám giới Đức Phật chế ra thì mới thấy cuộc đời mình thật là may mắn.
Trong Kinh Tạp Bảo Tạng có ghi lại câu chuyện một ông vua thích thọ tám giới pháp mà vào thời đó là thời mạt pháp, không ai thuộc được tám giới. Mà ngày hôm nay chúng ta còn có phúc duyên còn có các Thầy Tỳ kheo, còn có Chánh pháp, còn ngôi Tam Bảo nên chúng ta thọ nhận được tám pháp.
Trong Kinh Niết Bàn có ghi lại câu chuyện một con quỷ la sát khóc lóc xin người cho quá giang qua biển, thì người này nói: Thà cho thân mạng, chớ trái nổ này chẳng cho. Đức Phật ví dụ cho một người trong một ngày một đêm giữ gìn giới pháp, dầu cho tan thân mất mạng cũng giữ cho đủ trong suốt một ngày thì giới mới thành tựu được.
Nhưng nếu có người nói: “Giữ giới làm gì, nếu phạm sẽ bị đọa vào địa ngục” thì quý vị trả lời sao? Ở đây quý vị phải hiểu là chúng ta giữ giới để thành Phật chứ không phải giữ giới để đọa địa ngục. Đức Phật là người tỉnh thức, Ngài biết rằng nếu chúng sanh nào phạm giới sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì những chúng sanh này sẽ đi vào cõi luân hồi xấu ác, cho nên chế ra giới để chúng ta dừng, không tạo nghiệp xấu thêm nữa. Như khi đi trên đường phố, quý vị thấy đèn đỏ thì dừng là tại sao? Nếu vì sợ phạt hay sợ bị thu bằng lái thì người đó chưa phải là người học Phật, mà phải hiểu rằng nếu vượt đèn đỏ thì sẽ xảy ra tai nạn cho mình và người thì đó mới là người học Phật. Đức Phật thấy rằng đã là con người mà không giữ những giới này thì không khác gì loài cầm thú. Sở dĩ chúng ta là một con người có ý thức, từ bậc phàm lên bậc thánh là nhờ giữ giới.
Trong Kinh A Hàm có một Bà la môn đến hỏi Phật: “Một người giữ giới mà phạm và một người không giữ giới mà phạm thì ai nặng hơn?”. Phật nói “Người giữ giới mà phạm thì nhẹ hơn, còn người không giữ giới mà phạm thì nặng hơn”. Tại sao lại như vậy? Sở dĩ người ta sát sanh nhiều là vì không biết mình phạm giới sát, vì người đó chưa từng giữ giới. Còn chúng ta giữ giới rồi, một ngày nào đó lỡ phạm, chúng ta ăn năn, hối hận, cố gắng phát nguyện chừa bỏ thì đó là nhẹ, vì mình biết cách dừng, không tạo tác nữa. Nhẹ là nhẹ ở chỗ đó. Còn không giữ giới nên không sợ phạm thì tiếp tục tạo tác nghiệp xấu ác, càng ngày càng nặng.
Có người lại nói: “Tôi không giữ giới nên phạm thì đâu có tội”. Nặng là ở chỗ người này không gặp được minh sư, thiện tri thức chỉ dạy, nên ngày càng lún sâu trong màn vô minh, càng đi càng xuống. Như vua Trần Thái Tông đã từng viết: “Lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình”. Còn chúng ta nhờ có phúc duyên được chư Phật, chư Tổ, bậc thiện tri thức chỉ dạy cho chúng ta giới pháp để dừng, không tạo thêm nghiệp xấu.
Trong Kinh Bách Duyên có kể một người chăn bò dắt 100 con bò đi qua một vực thẳm, vô tình có một con bò bị rớt xuống vực. Ông ta nghĩ: một con đã bị rớt xuống, còn lại 99 con cũng không để làm gì, nghĩ vậy nên lùa tất cả những con còn lại xuống vực. Giống như người lỡ phạm một giới, bèn bỏ không giữ những giới còn lại nữa vì đằng nào cũng phạm. Đức Phật nói người này là người ngu, không có trí tuệ. Còn người giữ giới nhưng lỡ phạm, biết ăn năn sám hối thì Phật gọi đó là người có trí tuệ. Nhưng quý vị phải nhớ sám hối rồi, nếu lỡ phạm lại cũng chỉ một, hai lần chứ không được phạm lại liên tục, điều đó không đúng với tinh thần sám hối.
Tôi lấy một ví dụ khác: một hòn than lửa, người không biết đấy là cục lửa cầm vào cũng bị bỏng tay mà người biết đấy là cục lửa cầm vào cũng bị bỏng tay, bởi vì bản chất của nó là lửa. Giữ giới hay không giữ giới mà phạm vào những điều trái đạo lý thì đều là phạm, nhưng chúng ta may mắn được chỉ dạy giữ giới để tránh không làm đau khổ cho mình và người.
Chẳng hạn có một người cầm cây cung muốn bắn trúng đích thì người đó phải đứng trên hư không hay trên đất bằng? Đứng trên hư không lơ lửng thì không thể bắn được mà phải đứng trên đất bằng, đó gọi là giữ giới. Khi kéo dây cung cho thật thẳng thì đó gọi là định, bung mũi tên ra bắn trúng đích thì đó gọi là tuệ. Trong công phu của chúng ta, dù tu theo bất cứ pháp môn nào, Tịnh, Mật, Thiền, đều phải đi trên lộ trình của giới, định, tuệ. Nhưng muốn giữ giới thanh tịnh, giới định tuệ đầy đủ cần phải dứt các trợ duyên, không ăn các thứ hành, tỏi, hẹ, các chất kích thích cho tâm tham, sân, khiến chúng ta không định được, mà không định được thì tuệ không phát sinh.
Trong Kinh Tăng chi bộ, phẩm Bệnh: Một thời Thế Tôn trú tại Vesali, tại Đại lâm, dạy các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, có năm điều tổn thất này, tổn thất bà con, tổn thất tài sản, tổn thất về bệnh tật, tổn thất về giới, tổn thất về tri kiến. Này các Tỳ kheo, không do nhân tổn thất bà con, tổn thất tài sản, tổn thất về bệnh tật mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xuống địa ngục. Nhưng này các Tỳ kheo, chính do nhân tổn thất về giới, tổn thất về tri kiến mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xuống địa ngục, này các Tỳ kheo”.
Tức là mất bà con, mất tài sản, bị bệnh tật cũng không đưa mình vào cõi dữ, ác thú, đọa xuống địa ngục sau khi chết, mà chính việc không giữ gìn giới, tri kiến không thanh tịnh khiến cho chúng ta sau khi chết bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xuống địa ngục.
Giới Thanh văn và giới Bồ Tát đều có hai phần, đó là Nhiếp luật nghi giới (bỏ các điều ác) và Nhiếp thiện pháp giới (làm các việc thiện). Nhưng giới của Bồ tát còn có thêm Nhiêu ích hữu tình giới, tức là làm lợi ích cho chúng sanh.

II. CÔNG ĐỨC GIỮ GÌN GIỚI PHÁP
Kinh A Nan vấn Phật sự kiết hung, Phật dạy: “Đức của giới hạnh khiến cho phước tự nhiên đến, thiên thần ủng hộ, cảm động đến mười phương, so với đức của chư thiên thì công đức của giới cao vòi vọi, các thánh ngợi khen, khó có thể cân lường, bất khả tư nghì”.
Người nào giữ giới thanh tịnh, dừng các điều ác, làm các điều lành thì phước tự nhiên đến, như Trần Châm là anh ruột của đại sư Trí Khải, một hôm gặp vị tiên Trương lão quả nhìn tướng nói ông chỉ còn sống được một tháng, ông buồn bã về gặp Đại sư Trí Khải, được đại sư chỉ dạy Lục diệu pháp môn, trong đó có một pháp ngồi thiền, theo dõi hơi thở, do vậy dừng các điều ác lại. Quả tình một tháng sau không bị chết, mà sau này còn thọ đến 94 tuổi, sau khi chết sanh về cõi trời. Hay như chuyện sa di cứu bầy kiến mà không bị chết yểu, thọ thêm nhiều năm nữa. Đó là đức của giới hạnh khiến phước tự nhiên đến.
Trong Kinh Công đức xuất gia có kể một vị Thái tử là bạn của Ngài A Nan chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không chịu làm các thiện pháp, Phật biết sau bảy ngày nữa sẽ chết và đọa xuống địa ngục nên bảo Ngài A Nan đến khuyên Thái tử xuất gia. Thái tử đồng ý với điều kiện cho ăn chơi thêm sáu ngày, ngày cuối cùng mới xuất gia. Ngày cuối cùng, Thái tử đến Phật xin xuất gia, sống một ngày một đêm giữ giới pháp thanh tịnh, hôm sau thì chết. Ngài A Nan hỏi Phật do nhân này, duyên này thì vị Thầy này sau khi chết tái sanh về đâu. Phật trả lời, do công đức giữ giới một ngày thanh tịnh nên sau khi chết ông sanh về cung trời hưởng năm thứ thù diệu.
Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:
“Ai sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới, tu thiền định”.
Nếu một ngày quý vị nghe pháp, ngồi thiền rồi tối đi luôn, quý vị có sợ không? Nhờ những công đức tu tập giữ giới trong ngày sẽ đẩy quý vị đến cảnh giới an ổn, giống như một chiếc phi thuyền muốn bay ra khỏi trái đất phải có lực đẩy. Khổng Tử nói: “Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam lòng”. Chúng ta giữ giới thanh tịnh, bố thí, cúng dường, tạo các thiện pháp thì không bao giờ sợ bị nghiệp chơi xấu cả. Nghiệp tuy vô tướng, không có hình nhưng đâu vào đó, rất sòng phẳng. Cho nên giữ gìn giới pháp và tu tập thì chúng ta sẽ có niềm tin.
Trong Kinh A Hàm Phật dạy, người giữ gìn giới pháp có năm công đức:
1.    Ở trước hội chúng không có sợ hãi.
2.    Nếu chưa giải thoát, chết sanh về cõi trời.
3.    Bậc mô phạm cho trời người.
4.    Quỷ thần cung kính.
5.    Tâm thần bình ổn, lúc sống cũng như lúc chết.
Kinh Phạm Võng, Phật dạy:
“Giữ giới lòng chẳng hối
Bổn nguyện đều thành tựu
Giới là hào pháp thành
Ngăn được giặc phiền não
Giới là tướng dũng mãnh
Đánh dẹp kẻ ma quân
Giới là châu như ý
Thường cho báu khách buôn
Giới là lầu quán tốt
Dạo chơi pháp tam muội
Giữ giới là đất bằng
Thiền định là nhà cửa
Hay sanh trí huệ sáng
Thứ lớp được tỏ chiếu
Sức định huệ trang nghiêm
Muôn hạnh đều đầy đủ
Cho đến khi thành Phật
Do giới làm cội gốc
Vậy nên người có trí
Bền lòng quyết giữ giới
Thà tán thân mất mạng
Dè dặt chớ tái phạm”.
Trong Khế Kinh Phật dạy: Người nào giữ tròn tám pháp trong một ngày một đêm thì được 12 điều lợi ích lớn.
1.    Thoát ly bệnh khổ
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, vua Ba Tư Nặc ở nước Kosala ăn nhiều, thân thể nhiều bệnh tật, Phật thương nên nói bài kệ cho vua:
“Con người thường chánh niệm
Được ăn biết phải chăng
Chừng mực cảm thọ mạnh
Già chậm, tuổi thọ dài”.
2.    Tiêu diệt tội chướng từ đời quá khứ
Một ngày một đêm mà giữ giới thanh tịnh thì tiêu diệt được nghiệp chướng, phiền não chướng, sở tri chướng.
3.    Miễn trừ tai họa
Trong Kinh Tứ Thiên Vương, Phật dạy: “Chỗ nào mà có người trì giới này, quỷ dữ phải lánh xa, trụ xứ nhờ vậy mà được an ổn”.
4.    Viễn ly ác thú: không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula, bốn đường ác đều đóng cửa.
5.    Phúc báo ưu hậu
Trong Luận Tát bà đa ghi: Vua cõi Diêm phù đề được làm chủ hết thảy báu vật không bằng một phần mười sáu công đức của một người giữ gìn tám giới pháp trong một ngày một đêm.
Trong Kinh, Phật dạy vua Ba Tư Nặc: “Phước của trai giới tỏa rộng, thí như các món trân bảo đầy cả mười sáu nước đem bố thí không bằng một ngày một đêm thọ trì Phật trai pháp. Nếu so sánh phước hai việc này khác nào núi Tu di so với hạt đậu”.
Cho nên ngày hôm nay, chúng ta có may mắn rất lớn được thọ trì tám giới này là của báu xuất thế gian pháp.
6.    Mau chóng thành tựu
7.    Đời sau tôn quý
8.    Được sanh thiên thượng
9.    Trợ duyên vãng sanh
10.    Lâm chung được hoan hỷ.
11.    Được thân tướng hảo
12.    Duyên thành Phật đạo.


Do đó, trong Kinh Pháp cú Phật dạy:
“Hoa chiên đàn, già la
Hoa sen, hoa vũ quý
Giữa những hương hoa ấy
Giới hương là vô thượng”.
Dù là hương thơm của bất cứ loại hoa quý hiếm nào, hoa chiên đàn, hoa già la, hoa sen, hoa vũ quý, cũng không thể ví được với hương thơm của đạo đức, giữ giới.
Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nhiếp tâm làm giới, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Ấy gọi là ba pháp vô lậu học”.
Ngồi thiền, tâm vừa dấy niệm ác, dừng lại liền hoặc quán chiếu thật sâu về tính duyên khởi vọng từ đâu đến, biết rằng vọng không thật thì giữ giới được thanh tịnh. Người tu thiền thấy được từng niệm khởi, sự vận hành của ý thức, từ đó dừng niệm, không tạo tác, cho nên gọi là nhiếp tâm làm giới.
Pháp sư An nói: “Giới luật, thiền định, trí huệ, cả ba là cửa nẻo vào đạo thánh và cũng là chỗ quan yếu để vào Niết Bàn”.
Ngài La Thập Pháp sư nói: "Trì giới mới hay chiết phục được phiền não làm cho phiền não yếu thế. Thiền định như bốn cái núi để ngăn giòng nước phiền não. Trí huệ diệt được hết phiền não".
Nhờ trì giới nên khi phiền não đến, mình kham nhẫn, hóa giải được. Thân mình còn sống là do thức ăn. Cũng vậy, trong tàng thức của mình có những hạt giống ác pháp, hạt giống bất thiện, nếu chúng ta không tưới tẩm, nuôi dưỡng chúng thì một thời gian sau những hạt giống này chết.
Do đó, cổ đức nói: “Thiền là tâm Phật, kinh là lời Phật, giới là hạnh Phật”. Ngồi thiền là để thể nhập bản tâm của Phật, ngồi thiền một giờ là làm Phật một giờ. Hàng ngày nếu quý vị huân tập tâm Phật, lời Phật, hạnh Phật thì sau khi chết sanh về cõi Phật.
Trong Kinh Tăng Chi bộ, Phật dạy: “Người tu tập Bát quan trai giới thanh tịnh chỉ trong một ngày một đêm hơn một đời vua cai trị toàn xứ Ấn Độ”.
Cũng trong Kinh Pháp Cú, Phật nói bài kệ:
“Dầu làm vua cõi đất
Dầu làm vua cõi trời
Cũng không sao sánh được
Người tột được chân lý”.
Lục Tổ dạy:
“Tâm địa không quấy tự tánh giới
Tâm địa không si tự tánh huệ
Tâm địa không loạn tự tánh định
Không thêm không bớt tự Kim Cang
Thân tới thân lui vốn tam muội”.
Đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả các việc đều ở trong tam muội vì luôn chăn tâm của mình, đó là giới định tuệ, là con đường mà cả người xuất gia và tại gia đều phải đi qua.










 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 91124
  • Online: 21