Gương hạnh Thầy tôi

28/01/2024 | Lượt xem: 2614

Lời BBT: Hướng về ngày giỗ Tổ Cố HT.Thượng Thiện Hạ Hoa, BBT xin giới thiệu bài viết của Hòa Thượng Tôn sư  Thượng Thanh Hạ Từ về Người Thầy đáng kính của mình.

Hôm nay, nhân ngày lễ kỷ niệm Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa thị tịch, chúng tôi nghĩ rằng: Nhớ ơn Thầy, chúng ta không làm được gì khác hơn là noi theo gương hạnh của Thầy, cố gắng thực hành theo những gì Thầy đã làm, để xứng đáng là đệ tử của một bậc thầy sáng suốt, chân thành dìu dắt mọi người trên con đường chánh pháp.

Tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh Hòa thượng theo Phật nên rất xúc động mỗi khi nhắc đến. Vì lòng thương kính Hòa thượng, không gì hơn là nhớ mãi những cái hay cái quý mà Người đã làm. Để rồi noi theo chí hạnh của Thầy, chúng ta cố gắng tu học, làm lợi ích cho mọi người, nhất là tăng ni Phật tử. Được như vậy mới xứng đáng với bổn phận của hàng hậu học.

Năm 1949, tôi vào chùa Phật Quang. Sau đó được xuất gia với Hòa thượng Viện chủ thượng Thiện hạ Hoa. Bấy giờ chiến tranh chống Pháp đang diễn ra, hoàn cảnh sống khó khăn, chúng tôi phải làm rẫy, chăm sóc vườn, làm nấm rơm gửi sang Cần Thơ bán. Không những vậy, chúng tôi còn lãnh trách nhiệm dạy học cho con em đồng bào trong vùng.

Lúc này chùa chỉ là một mái nhà ba căn bằng lá tàu dừa. Trong xóm có hai trăm em nhỏ về học, cùng với khoảng hơn ba mươi tăng ni trong chùa. Một hôm đang giờ học, bất thần máy bay Pháp quần đến bắn. Hai chiếc bay qua lại trên không mấy vòng, bắn xuống. Tôi đang ngồi trên bục dạy học, thấy nó bắn vào mấy cây cột bằng gỗ, đạn bay chéo chéo trên đầu. Thầy trò sợ hãi, nằm nhào xuống đất. Có đứa bị đất văng lên mặt, hoảng quá thưa: "Thưa Thầy, con bị thương rồi." Lúc đó tôi cũng chẳng biết làm sao, nói: "Thôi ráng đi con, chờ qua cơn rồi sẽ tìm chỗ khác núp." Cứ như vậy, hai chiếc máy bay bay qua lại, bắn liên tiếp vào chùa hơn nửa tiếng đồng hồ.

Bây giờ nghĩ lại, mới thấy ngày đó còn sống được quả thật là việc hy hữu, vì lúc ấy không có chỗ nào để núp. Tôi nằm xuống bục giảng, mấy đứa nhỏ nằm xung quanh, chỉ còn thấy đạn và khói, không thấy người, cũng chẳng thấy gì nữa cả. Trận oanh kích qua rồi, chúng tôi kiểm lại tất cả đều bình an, chỉ có một cô ở nhà bếp trúng đạn vào tay và nhảy xuống mương. Một kỷ niệm chua xót, nhưng làm mình nhớ lâu.

Qua trận đó, nhận thấy ở đây không bình yên, nên thầy trò cùng nhau lên chùa Phước Hậu vào năm 1952. Năm đó, Hòa thượng giám đốc Ấn Quang là bạn học của Hòa thượng, đến mời Thầy về cùng dạy ở Phật học đường Ấn Quang. Thế là Hòa thượng giao chùa lại cho Hòa thượng Hoàn Tâm làm trụ trì chùa Phật Quang, thay Thầy giữ gìn ngôi Tam bảo này. Thầy cho tám anh em chúng tôi cùng về Ấn Quang tu học.

Năm 1953, thầy trò về Ấn Quang. Đến khi ra trường, đi giảng dạy thì tôi không về Phật Quang thường xuyên nữa, chỉ lâu lâu về thăm thôi. Mỗi lần thăm đến chỗ di tích này là nhớ hoài không quên. Bây giờ già rồi, không biết còn về thăm được mấy lần nữa. Cho nên hôm nay, trước đông đảo tăng ni Phật tử, tôi nhắc lại cho quý vị nhớ kỷ niệm xưa.

Sau khi từ Huế về Nam, Hòa thượng Viện trưởng cùng Hòa thượng Vạn Đức trụ lại chùa Phật Quang, mở trường dạy học. Lớp Phật học đầu tiên ở miền Nam bắt nguồn từ chùa Phật Quang, rồi mới lần lên Sài Gòn, cho đến mãi bây giờ. Năm xưa Hòa thượng đã chịu rất nhiều cực khổ để duy trì lớp học. Nơi này có gạo nhưng không có thức ăn, phải trồng rau thêm.

Chúng tôi lại còn một trách nhiệm là chăm sóc con cái của quý vị cán bộ làm công tác trong các chiến khu, con ở nhà không ai nuôi, họ gửi vào chùa đến ba mươi mấy đứa. Sáng nào quý thầy cũng chỉ dạy chúng làm việc này việc nọ, đến giờ học thì cho học. Chúng tôi vừa làm Phật sự, vừa làm công tác xã hội. Khi các vị cán bộ bệnh, Thầy tôi bắt mạch hốt thuốc bắc, hoặc chích thuốc cho họ qua cơn bệnh. Chỉ cần thấy việc nào có ích cho đời, lợi cho đạo thì Thầy đều sốt sắng. Vì ghi nhớ tinh thần đó, chúng tôi luôn cố gắng tu, cố gắng học, làm việc lợi ích cho quần chúng nhân dân.

Cuộc sống ở chùa Phật Quang khi xưa thật vất vả. Có khi chúng tôi thèm một miếng nước tương cũng không có, chỉ toàn dùng nước tương Quảng Bình. Tức là nấu nếp rồi đổ muối vào, quậy lên thành nước tương, không hề có đậu. Vậy mà lúc nào ăn cũng thấy ngon. Mỗi người cật lực làm việc, phụ chút ít công sức vào đời sống. Sư bà Bảo An ở Cần Thơ là chị của Thầy tôi, mỗi lần về thăm lại cho cái này cái nọ để giúp đỡ. Cuộc sống nơi đây phần lớn là tự lực, kế tiếp là được sự yểm trợ của Sư bà. Ngày rằm hay ngày ba mươi, Phật tử cúng nải chuối, đĩa trái cây hay một lít nếp cũng quý lắm, bởi họ không có tiền.

Bây giờ chùa được sửa sang như vậy, so với lúc trước thì gấp hai ba lần rồi. Hôm nay về lại đây tôi rất hoan hỷ, nhắc lại cho tất cả quý vị biết rõ gốc tích của chùa Phật Quang và gương hạnh của Hòa thượng. Mong rằng toàn thể tăng ni và Phật tử thành kính biết ơn những bậc gương mẫu cầm đuốc soi đường, nương theo tinh tấn tu học, dẹp sạch phiền não, để chúng ta trở thành những người tốt, xứng đáng là tăng ni và Phật tử dưới sự giáo dưỡng của Hòa thượng.

Hôm nay, nhân ngày húy kỵ của Thầy chúng tôi là cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, chúng ta làm lễ long trọng cúng dường Hòa thượng. Điều này thể hiện lòng hiếu kính, tri ân công đức Ngài đã dạy dỗ chúng ta tu hành.

Tất cả những bậc tiên đức đều là người mộ đạo, vì thương xót chúng sanh mà đem hết khả năng và sức lực của mình, hướng dẫn chỉ dạy người tu hành. Với tâm tha thiết như vậy, nên các ngài làm việc không biết mệt nhọc, không hề chán nản. Dù ở hoàn cảnh nào, các ngài cũng cố gắng làm hết khả năng của mình, để người sau thấy được con đường, biết được hướng đi mà tiến đến nơi an lành tự tại.

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây:

Thứ nhất là phải cố gắng học theo những hạnh đức cao đẹp của các bậc thầy đi trước để trở thành người hay người tốt.

Thứ hai là noi theo chí nguyện cao cả quý báu của quý ngài, để thấy đường lối tu hành và đạt phần nào kết quả như người xưa mong mỏi. Nếu chúng ta không biết tiếp nối, thì đành bỏ mặc những việc người trước đã làm hay sao? Đó là vô trách nhiệm. Tăng ni Phật tử phải thấy rõ những tấm gương, ý chí và bản nguyện của người đi trước, cố gắng làm theo. Vì không thể một đời mà có thể làm tròn bản nguyện của người xuất gia.

Các bậc thầy chỉ là người gầy dựng, hướng dẫn người sau; người sau lại tiếp tục hướng dẫn người sau nữa. Trên con đường người trước đã khai mở và dọn dẹp, cần có người tiếp nối mới có thể thành công. Cho nên, nối tiếp chí nguyện của người đi trước là một việc làm tối quan trọng của hàng đệ tử. Dù mến đạo thương thầy nhưng không nối được chí nguyện của thầy thì không có lợi ích gì. Chư tổ luôn luôn dạy phải "truyền đăng tục diệm", tức là mồi đèn nối đuốc. Ngọn đuốc của người xưa đã thắp lên cháy rực, chúng ta không thể để cho nó lụi tàn. Người trước là một ngọn đuốc, một cây đèn, thì chúng ta phải là trăm ngàn ngọn đuốc, trăm ngàn cây đèn sáng rực, để làm lợi ích cho nhiều người.

Thế gian là chốn mê lầm, biết bao chúng sanh vì mê lầm mà tạo khổ đau cho người, nhưng lại không biết sai lầm của chính mình. Phải nhờ ngọn đuốc chánh pháp soi sáng thì họ mới biết được. Từ đó, chúng sanh thương xót, cứu giúp lẫn nhau, cùng đưa nhau ra khỏi cảnh khốn khổ đau thương này. Cho nên, ngọn đuốc chánh pháp rất thiết yếu trong cuộc đời. Chúng ta phải thắp sáng lên để mọi người thấy được lối đi, không còn lầm lẫn, không còn giẫm đạp lên nhau trong khu rừng mê ám đó nữa. Bổn phận này quá lớn, người tu sĩ không thể thiếu sót.

Thứ ba là phải nhớ rằng công ơn huấn dục, chỉ dạy tu hành của các bậc thầy lớn lao vô kể. Nếu không có sự chỉ dạy đó thì chẳng những đời này mà vô số kiếp nữa, chúng ta cứ mãi lăn lộn trong biển khổ sanh tử, không thể ngoi đầu lên được. Người đi trước đã chỉ ra cho chúng ta thấy biết lối thoát khỏi khổ đau. Công ơn ấy không biết làm sao đền đáp cho vừa. Cho nên, chúng ta phải cố gắng chỉ dạy, giúp đỡ và hướng dẫn người sau đi đúng con đường chánh pháp, để họ thoát khỏi mê lầm.

Những lời Phật dạy đã giúp chúng ta thức tỉnh mê lầm. Trong kinh lại nói rằng muốn đền ơn chư Phật là đền ơn không đền, nghĩa là không thể đền ơn Phật bằng cách cúng dường, cất chùa... Tại sao vậy? Vì như thế không nối tiếp được chí nguyện truyền đăng tục diệm. Như tôi muốn đền ơn Thầy tôi, mà chẳng có gì để đền. Lúc Thầy tôi còn sinh tiền, tôi là một học tăng nghèo, không có gì để cúng dường. Tôi chỉ biết cố gắng học và hành những điều Thầy dạy cho thật kỹ, thật rõ, để sau này chỉ dạy cho người khác. Học theo chí nguyện của Thầy, tôi cố gắng đóng góp sức mình cho Phật pháp được tốt đẹp để Thầy an lòng, dù Thầy không còn có mặt trên cõi đời này nữa.

Tóm lại, nhớ ơn người đi trước không có nghĩa là tổ chức cúng kiến linh đình. Không phải chúng ta cất chùa to, làm lễ lớn là đền ơn. Sự phô trương đó không có ý nghĩa gì hết. Chúng ta phải làm sao cho chí nguyện của người trước luôn được tiếp nối, luôn được sáng tỏ, để người sau trông vào mà biết đường đi thoát khỏi đau khổ. Ghi nhớ và cố gắng thực hiện lời dạy của thầy, đó mới là biết ơn thầy. Chúng ta không thể trông đợi những người không biết ơn, không có ý chí, không có bản nguyện làm được lợi ích gì cho đạo. Chúng ta chỉ có thể trông đợi ở những người có ý chí, biết nhớ ơn những bậc tiền bối, mới đóng góp được chút ít công lao cho nền đạo pháp


Bây giờ, tôi xin nhắc lại đôi nét về đức hạnh của Hòa thượng để tăng ni Phật tử noi theo tu tập.

1 - HỌC HỎI THEO GƯƠNG NGƯỜI XƯA

Năm 1966, Hòa thượng viết quyển Một sự nghiệp của đời tôi, ghi lại những lời lẽ rất trung thực từ bản nguyện tu hành của Thầy. Trong phần Những yếu tố để thành công trong việc sáng tác và phiên dịch, tôi chỉ nói đến phần thứ hai là Bền chí.

Hòa thượng nói: "Bền chí là một yếu tố cần nhất trong mọi công việc. Nhất là việc sáng tác và phiên dịch. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự cần cù, rị mọ, ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí không thể đeo đuổi được lâu dài. Nếu chỉ do hứng thú nhất thời thì chỉ viết hoặc dịch được một vài việc mà thôi. Chúng ta là người tu, không ai không có trách nhiệm là phải làm sao cho đàn hậu tấn hiểu đạo, biết được đường lối tu. Đó là bổn phận của người đi trước."

Thời của Hòa thượng đặt nặng phần phiên dịch. Vì khi tu học, nếu không có kinh sách để đọc hiểu thì làm sao tu học được? Nhưng bấy giờ, trong khoảng tiền bán thế kỷ XX, hầu hết kinh sách Phật là chữ Hán hoặc chữ Pãli. Nếu không có người phiên dịch thì chúng ta không có tư liệu để học, cũng không biết đường lối tu hành.

Hòa thượng tại thế chỉ 55 năm ngắn ngủi, nhưng trong ngần ấy thời gian, Thầy đã làm được rất nhiều việc. Trong thời gian làm Phật sự, ngoài công tác phiên dịch, Hòa thượng đã nhận nhiều trách nhiệm quan trọng. Năm 1953, vừa đặt chân lên chùa Ấn Quang, Hòa thượng đã được quý Hòa thượng trao cho trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Nam Việt, kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt.

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn phải lo làm sao có tài liệu cho tăng ni học, có những bài pháp dễ hiểu cho Phật tử nghe liền nhận được con đường tu và phổ biến Phật pháp khắp nơi. Ngài đã cần cù ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn, phiên dịch kinh sách. Mỗi lần chúng tôi thăm Thầy hoặc thưa hỏi chuyện gì thì luôn thấy Thầy ngồi trên bàn làm việc.

Hòa thượng dạy: Bền chí thì phải cộng thêm đức tính siêng năng tinh tấn. Nếu người tu không tinh tấn thì không làm được gì lợi ích cho đạo. Tinh tấn là một bước thiết yếu để chúng ta tiến lên. Nhưng nếu tinh tấn chỉ có tính cách nhất thời, lúc hứng thú thì làm chết làm sống, làm ngày làm đêm, không hứng thì duỗi chân ngủ, như vậy cũng không làm được gì.

Tuy Hòa thượng chỉ nhắc nhở chúng ta phải bền chí, nhưng sự thật đã ngầm có tinh tấn bên trong. Nếu không tinh tấn, làm sao Ngài có thể ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết? Người học đạo đòi hỏi phải tinh tấn mãnh liệt và bền chí sắt đá thì việc gì làm cũng thành. Nếu thiếu một trong hai đức tính đó thì làm hoài cũng không đi tới đâu. Cho nên, chúng ta phải cố gắng học tập gương hạnh này của Hòa thượng.

Ai dám cam đoan rằng mình sẽ sống đến tám chín mươi tuổi? Tôi chắc rằng không ai dám cam đoan hết. Chúng ta sống được đến đâu thì mừng đến đó. Ngày nay còn khỏe, còn làm được việc thì phải tận tâm tận lực. Đừng chờ tới ngày hấp hối rồi mới hối tiếc sao ta không làm được việc gì lợi ích cho đạo cho đời. Phải luôn luôn cố gắng, tinh tấn làm tất cả việc, không nên thả trôi một đời không có giá trị.

Lại nữa, bên cạnh sự bền chí và tinh tấn, cần có một lập trường, một hướng đi đúng đắn. Chúng ta phải nhớ những điều này, học hỏi theo những gì người xưa đã làm, cố gắng thực hành cho được.

2. LÒNG HIẾU THẢO

Trong phần tiểu sử của Hòa thượng ghi lại: "Hòa thượng Thiện Hoa là một tấm gương sáng cho hàng Tăng sĩ soi chung. Hòa thượng có những đức tánh cao quý, ai được sống gần Ngài đều cảm mến." Cho nên, tôi thấy mình thật có phước lớn khi được sống gần Hòa thượng suốt mười năm. Thế thường nghĩ rằng người đi tu là bỏ cha mẹ, là bất hiếu, nhưng Hòa thượng thì không quên chữ hiếu.

Lúc Hòa thượng còn dạy học tại chùa Phật Quang, cụ bà thân mẫu của Ngài ở trong một cái thất gần đó. Mỗi khi cụ bà bệnh, đích thân Hòa thượng chích thuốc, hoặc chẩn mạch kê toa, hốt thuốc. Đôi ba hôm, Ngài lại đến thăm bà. Đến khi Ngài lên Sài Gòn, cụ bà về ở với người chị thứ hai của Hòa thượng gần chùa Phước Hậu. Phật sự tuy bề bộn, nhưng lúc rảnh việc, Ngài liền về thăm cụ bà. Đến khi cụ bà tịch, Hòa thượng lại gắng sức cúng dường tăng ni để cầu siêu cho mẹ. Quyển sách Bài học ngàn vàng chính là nguyện đem công đức hồi hướng cho cụ bà. Lược đọc bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh rằng lúc nào Hòa thượng cũng quý mến mẹ và cố độ cho mẹ được siêu thăng. Đó là tấm gương sáng để quý vị nhớ đến công ơn cha mẹ.

Nhiều người thường hiểu lầm đi tu là phủi bỏ hết tất cả việc thế gian, kể cả cha mẹ cũng không đoái hoài, cho rằng như vậy là giải thoát, là ra khỏi nhà thế tục. Điều này dường như phải, mà thật không phải. Bởi vì thường đến Rằm tháng bảy, chúng ta đọc kinh Vu-lan. Bản kinh này là lời Phật dạy ngài Mục-kiền-liên, một vị A-la-hán vì thương mẹ mà tìm cách cứu độ mẹ ra khỏi địa ngục. Ngài Mục-kiền-liên đã chứng quả A-la-hán mà vẫn còn thương mẹ, huống nữa chúng ta là phàm tăng, phàm ni mà không thương cha mẹ thì có đúng hay không? Tuy vậy, quý vị phải chú ý, đừng cậy có chùa, có đệ tử mà rước cha mẹ về nuôi, bắt đệ tử phải cung phụng, đem của Tam bảo cho cha mẹ mà không kể tội phước. Đó không phải là thương cha mẹ.

Chúng ta phải học theo gương hạnh của thiền sư Tông Diễn trong sử Thiền sư Việt Nam. Lúc tôi ra Bắc, được Hòa thượng Pháp chủ kể lại rành rẽ về thiền sư Tông Diễn, tức Hòa thượng Cua. Tại sao gọi ngài là Hòa thượng Cua? Là vì ngài sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ tảo tần buôn bán nuôi con. Năm ngài mười hai tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: "Mẹ có mua một giỏ cáy để sẵn trong ao, trưa nay con giã cáy nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng."

Khi mẹ gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, ngài ra ao xách giỏ cua lên định đem giã nấu canh như lời mẹ dặn. Song, nhìn thấy bọn chúng tuôn những hạt bọt dường như khóc. Xót thương quá, ngài không nỡ đem giã, lại đem đến ao, giở nắp giỏ thả hết. Trưa hôm ấy, mẹ ngài đi bán về, lên mâm cơm không thấy canh, bà hỏi: "Sáng mẹ dặn con ở nhà nấu canh cua, sao lại không có?" Ngài đáp rằng: "Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết." Bà nổi giận, cầm roi rượt đánh. Ngài sợ quá, hốt hoảng bỏ chạy, không dám ngó lại. Bà đuổi theo không kịp, mệt lả trở về. Từ đó về sau, không còn nghe tin tức về ngài.

Khoảng ba mươi năm sau, khi đã trở thành Hòa thượng trụ trì, ngài nhớ đến mẹ, liền về quê cũ tìm kiếm. Đến một ngã ba, thấy bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách. Ngài nhìn thấy, nhận ra mẹ nhưng bà không biết ngài. Vì ngài ra đi lúc mười hai tuổi, bây giờ đã lớn nên bà không nhận ra.

Ngài vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh thì hỏi thăm. Bà thở dài than:

- Chồng tôi mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không có ai, tôi phải lập quán bán nước trà kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.

Nghe thấy, ngài xót xa trong lòng, hỏi:

- Bà lão ưng ở chùa không? Chúng tôi đưa bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn.

Bà bảo:   

- Tôi già rồi, đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa, tội lắm!

Ngài nói:

- Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi nấu cơm, người yếu quét sân nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, còn thời giờ tụng kinh niệm Phật là tốt.

Bà lão thấy ngài có lòng tốt bèn nói:

- Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.

Ngài hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Khi về đến chùa, ngài họp tăng chúng hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều động lòng từ bi, đồng ý mời bà về chùa. Như vậy ngài rước bà về là với tấm lòng của người con thương mẹ, muốn làm tròn bổn phận của mình, nhưng lại không nói với chúng tăng biết đó là mẹ mình.

Ngài cho bà ở một am tranh gần chùa. Mỗi ngày, ngài phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà, lại luôn luôn nhắc nhở bà tu hành. Như vậy ngày nào bà cũng có việc làm, để ăn cơm chùa cho khỏi tội. Ngài thương mẹ nhưng không lạm dụng của Tam bảo để nuôi mẹ, lại còn giúp bà có thể làm công quả để không tổn phước. Tinh thần đó thật là cao thượng.

Được mấy năm, mẹ bệnh, ngài biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng năm bảy hôm. Trước khi đi, ngài dặn dò trong chúng: "Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau." Đúng như lời ngài đoán, bốn hôm sau bà mất, tăng chúng làm đúng như lời ngài dặn, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Vài hôm sau ngài về, nhìn mặt mẹ lần cuối rồi nói to: "Như lời Phật dạy, một người tu hành ngộ đạo, cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa, xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật." Ngài liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ ngài.

Người con thương cha thương mẹ thì phải giúp đỡ hợp đạo lý mới tròn bổn phận. Thầy tôi cho mẹ mình ở một cái am gần chùa, rồi tới lui chăm sóc. Về phần ăn uống thì anh em trong gia đình phụ giúp, Ngài chỉ lo về mặt tinh thần. Tôi được gần Thầy nên chứng kiến rất rõ mọi điều. Cả ngày bà cụ đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật. Khi nhổ cỏ thì một tay nhổ cỏ, một tay lần chuỗi. Khi quét nhà cũng một tay cầm chổi, một tay lần chuỗi.

Lúc đó ở chùa Phước Hậu thường có những cô gái quê bị bệnh thần kinh, dân gian gọi là ma nhập. Gia đình họ dắt lên chùa nhờ quý thầy tụng kinh. Thầy trụ trì đánh mõ, tăng ni tụng chú Đại Bi liên tục, thì cô gái tỏ vẻ sợ hãi, khóc lóc. Nhưng có một lần, tụng chú hoài mà đương sự vẫn đấm đá tứ tung, thầy trò không biết làm sao. Một thầy bảo xuống mượn xâu chuỗi của bà cụ cho cô ta đeo thử xem có sợ không? Sau khi đeo xâu chuỗi rồi, cô gái ấy khóc nức nở, không đấm đá nữa. Bởi vì bà tu hành rất chí thành nên mới có công đức lớn như vậy.

Đến hôm bà tịch, Thầy tôi và tất cả tăng ni đều có mặt tại thất. Hòa thượng đứng ở phía đầu, tăng đứng một bên, ni một bên, mấy đứa cháu nội thì ngồi dưới chân của bà. Bà tuy mệt, nhưng vẫn hay cười. Thấy vậy, mấy đứa cháu nội hỏi:

- Bà nội! Bà thấy cái gì mà cười?

Bà đáp:

- Bà thấy Phật đến rước.

- Cho tụi con theo được không, bà nội?

- Không được, Phật rước một mình bà thôi.

Bà cười ba lần rồi tắt thở. Hòa thượng và tất cả tăng ni cũng như thân quyến đều rất hoan hỷ, không ai khóc lóc.

Dù bà chưa xuất gia, chỉ giữ năm giới và ăn chay một tháng mười ngày, nhưng do tâm thành mà việc tu có kết quả như vậy. Hòa thượng chúng tôi thương mẹ, nhưng không đem của Tam bảo lo cho mẹ, không bắt tăng ni phụng dưỡng mẹ. Nhờ tấm lòng cao thượng của Ngài nên mẹ Ngài mới có được phước đức ấy. Vì vậy, noi theo gương hạnh của Hòa thượng, chúng ta phải thương cha mẹ bằng cách giúp cho cha mẹ có điều kiện đến chùa và nhắc nhở họ tu hành. Chứ đừng vì thương cha mẹ rồi bắt tăng ni phục vụ, sẽ làm tổn phước mẹ cha, không được lợi ích.

Mong quý vị hiểu cho tường tận chữ hiếu trong đạo Phật mà thực hiện cho đúng. Người tu hành biết hiếu kính cha mẹ thì việc tu mới có kết quả. Nếu ngang ngược bất hiếu thì không thể nào có kết quả tốt được. Bởi vì ơn cha mẹ lớn như trời bể mà còn bỏ quên, thì còn nhớ đến ơn nào để đền đáp?

Thương quý cha mẹ là một đức tính rất tốt của người Đông phương. Cha mẹ sống thủy chung, cùng hy sinh, lo lắng trọn đời cho con cái thì con không thể nào quên ơn mà xem thường cha mẹ được. Ngược lại, một người thay vợ đổi chồng năm bảy lượt thì con cái thường không hiếu thảo vì chẳng biết nên hiếu thảo với ai. Vì thương con, cha mẹ luôn giữ gìn, để cho hai bên đủ lòng tin mà dưỡng nuôi con nên người. Cho nên, chúng ta có mặt trên cuộc đời này là nhờ cha mẹ trọn vẹn đức hạnh và nhờ ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha. Vậy nếu không thương cha mẹ thì thương ai? Đạo đức con người bắt nguồn từ việc biết trọng ơn nghĩa. Ơn nghĩa cha mẹ là tột cùng mà không nghĩ nhớ thì còn biết ơn ai?

Chính tôi đã chứng kiến những hình ảnh Hòa thượng thương kính, chăm sóc mẹ nên tôi càng quý trọng Thầy nhiều hơn. Bởi vậy, tôi thường nói rằng trong đời tôi, cha mẹ là trên hết, không ai so sánh được. Một người con phải sống vì cha mẹ và cũng có thể chết vì cha mẹ. Tôi nói vậy, nhiều vị sẽ thắc mắc tại sao tôi lại bỏ cha mẹ mà đi tu? Thật ra trước khi đi tu, tôi có nói chuyện với em tôi là Kiến Chơn rằng: "Gia đình mình có hai anh em, bây giờ anh đi tu, giao lại phần nuôi cha mẹ cho em. Anh chịu trách nhiệm về tinh thần, em chịu trách nhiệm về vật chất, cùng lo cho cha mẹ." Em tôi đồng ý thì tôi mới đi tu.

Gia đình tôi theo đạo Cao Đài, không biết gì về đạo Phật. Nhưng vì tôi ham tu nên cầu đạo xuất gia theo Phật. Cũng chính vì lẽ đó, tôi cho rằng bổn phận của mình là tạo điều kiện cho cha mẹ trở lại quy y Tam bảo. Đáng mừng nhất là khi ông thân tôi gần nhắm mắt, thấy những cảnh tượng an lành tốt đẹp. Tôi chỉ thương mẹ, vì chưa giúp bà được bao nhiêu.

Tóm lại, hiếu thảo là bước đầu tiên trên nấc thang đạo đức. Những người tu hành được kết quả tốt đều là người có đạo đức, không ai ngang ngược bất hiếu. Cho nên, người tu phải có bổn phận hiếu kính mẹ cha, nhưng bổn phận phải có chừng mực và giới hạn như tấm gương của Hòa thượng Thầy tôi thì mới tròn đạo lý.  

3. LUÔN TRỌNG ƠN NGHĨA

Về ơn nghĩa, Hòa thượng đã thọ dụng của ai thì không bao giờ quên. Mỗi khi nói chuyện với đại chúng, Hòa thượng thường nhắc lại công ơn của quý Hòa thượng khi xưa đã dạy bảo Ngài. Chính vì lẽ ấy, Hòa thượng đã đứng ra vận động trùng tu chùa Phước Hậu vào năm 1952. Một hôm, tổ Khánh Anh gọi Hòa thượng đến bảo: "Ngôi chùa này thí chủ cúng cho tôi từ năm 1941, nay đã hư mục. Tôi dành dụm được một số tiền là 150 ngàn đồng, định sữa chữa lại nhưng thấy chưa đủ. Ông vận động cho đủ để xây cất lại. Nếu tôi có theo Phật cũng được an lòng."

Thế rồi năm 1960 Tổ viên tịch, Hòa thượng nhận lấy trọng trách trùng tu lại chùa để Tổ an lòng nơi cõi Phật. Trụ trì chùa Phước Hậu bấy giờ là Hòa thượng Hoàn Phú. Thầy tôi tuy là đệ tử của Tổ nhưng đi dạy và làm Phật sự tại Ấn Quang, không có trách nhiệm đối với chùa Phước Hậu. Nhưng Tổ đã hết lòng tin tưởng mà giao lại việc này cho Thầy. Vì vậy Thầy đã cố gắng vận động trùng tu, làm tròn bổn phận của mình. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa. Vậy mới thấy người hiếu thảo với cha mẹ cũng là người biết quý trọng thầy tổ. Nếu không hiếu thảo với mẹ cha thì đối với thầy tổ cũng khó có tâm quý trọng như vậy.

Lại nữa, gia đình ông Trương Hoàng Lâu trước kia có đóng góp một phần tài chánh giúp Hòa thượng ra Huế học. Sau lần giải phẫu ở bệnh viện Đồn Đất, Hòa thượng được tin bà Trương Hoàng Lâu tạ thế tại Sài Gòn, Ngài gọi tôi đến bảo: "Gia đình ông Trương Hoàng Lâu có ơn nghĩa với tôi. Hôm nay bà mất, tôi không thể đi thăm được. Vậy Thanh Từ hãy thay tôi đến tụng cho bà một thời kinh và chia buồn với gia quyến." Tuy bệnh nặng nhưng Ngài vẫn không quên ơn đàn-na thí chủ.

Rõ ràng trong cuộc sống phải có ơn nghĩa. Người biết trọng ơn nghĩa mới xứng đáng đi trên con đường tu hành. Bởi vì từ khi xuất gia cho tới lúc nhắm mắt, đàn-na thí chủ nuôi chúng ta cả đời. Ơn nghĩa của Phật tử lớn lao như vậy, nếu ta không cố gắng tu, không làm lợi ích cho nhiều người thì không sao trả nổi. Cho nên, tăng ni phải cố gắng tu hành, không nên vô ơn.

Ví như có người được Phật tử mời đến nhà tụng kinh, rồi lấy tiền cúng dường bỏ túi tiêu xài, cho rằng đồng tiền đó là do công tụng kinh mà được. Đó là không biết ơn thí chủ, tự nhiên sẽ hư hỏng. Phật dạy trong tứ trọng ân có ơn đàn-na tín thí. Vì nghĩ nhớ đến ơn đàn-việt mà cố gắng tu, cố gắng làm Phật sự để đền đáp. Bằng không, chúng ta sẽ lơi lỏng việc tu hành, lâu dần không còn phước đức thì chẳng biết lấy gì đền ơn cho người. Do vậy, tôi thường nói với tăng ni rằng tôi mang nợ Phật tử rất nhiều, tăng ni phải ráng tu, phụ giúp tôi làm Phật sự để cùng chia trả nợ với tôi. Vì một mình tôi e rằng trả không nổi. Đó là trách nhiệm mà người xuất gia phải thường nghĩ nhớ đến.

Chúng ta không được xem thường những đồng tiền, thức ăn hay vật dụng của thí chủ cúng dường; mà phải biết quý trọng, đặt nó lên trên để cố gắng tu hành. Như vậy mới đền đáp được ơn nghĩa của người đi trước và những người đã giúp đỡ mình. Đó là điều tối quan trọng mà tăng ni cần phải ghi nhớ.

4. TÂM NIỆM BAO DUNG HÒA ÁI

Hòa thượng lúc nào cũng bao dung hòa ái, ít khi thấy trên gương mặt Ngài lộ vẻ bất bình hay nói ra những lời bực dọc. Dù hạng người nào đến thăm, Hòa thượng cũng đều tiếp chuyện vui vẻ, từ tốn. Nếu có chuyện bực tức, Hòa thượng tìm cách xoa dịu, giảng hòa. Ngài luôn giữ tinh thần hòa hợp, không muốn thấy sự rạn nứt chia ly.

Hòa thượng thường dạy rằng: Dụng nhân như dụng mộc, tức là dùng người như dùng gỗ. Tại sao như vậy? Hòa thượng lại nói: "Chúng ta vào rừng đốn cây, nếu cây thẳng thì đốn về làm cột, nếu cây cong đốn về làm giàn xay, nếu cong nhiều quá thì đốn về làm ách cho trâu bò." Vậy thì đâu có cây nào vô dụng. Chính con người cũng vậy, không ai là kẻ vô dụng. Mỗi người đều có cái hay cái dở, không ai toàn vẹn. Biết dùng người tức là biết dùng những cái hay, không dùng những cái dở của họ. Mỗi người có một hai điều hay, cộng lại sẽ làm nên việc lớn. Nếu cứ khư khư chỉ dùng người toàn vẹn thì cả đời cũng không có ai phụ giúp với mình.

Cho nên, người làm việc lớn phải bao dung cho tất cả mọi người theo khả năng của họ, không nên vì cái dở mà bỏ cái hay của người. Nhất là những vị có trách nhiệm trụ trì phải ghi nhớ, đừng bao giờ khinh miệt người dở. Bởi vì có khi họ dở do việc mình cần không đúng với khả năng họ, nhưng với việc đúng khả năng của họ, họ sẽ hay.

Người tu phải có cách nhìn bao dung rộng rãi. Đừng bao giờ khởi lên ý niệm phân biệt hoặc nói lời chia rẽ, làm cho mọi người tổn thương, đó là không tốt. Ngược lại, chúng ta phải nói những lời hay, lời hòa nhã để đời sống yên vui hòa thuận, đúng với tinh thần lục hòa trong đạo Phật.

5. NHU HÒA MÀ CƯƠNG NGHỊ

Bản tánh Hòa thượng tuy nhu hòa nhưng lại rất cương nghị. Dù gặp khó khăn đến mấy, Ngài vẫn tiến tới. Khiêm tốn mà bất khuất, nhu hòa mà vững vàng. Đó là lập trường cố hữu của Hòa thượng. Tôi luôn cố gắng học theo Ngài, nhưng chưa chắc tôi đã thực hành đúng như chuẩn mực của Hòa thượng. Tăng ni Phật tử đều thấy Hòa thượng hiền hòa bao dung, nhưng khi sống gần với Hòa thượng, mới biết việc Ngài đã quyết làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn, dù khó khăn mấy cũng không e ngại.

Khi Hòa thượng về chùa Phật Quang mở Phật học đường, lớp học có khoảng ba mươi tăng ni. Nhưng vì thời chiến, một số tăng sinh phải cởi ca-sa khoác chiến bào, đến lúc tôi vào tu chỉ còn mười mấy vị. Năm 1952, rời Phật Quang lên chùa Phước Hậu, thì lớp tôi chỉ vỏn vẹn hai người: tôi và cô Trí Định. Thế nhưng không bao giờ Hòa thượng bỏ một buổi dạy nào. Cứ đến giờ học là Ngài rung chuông, giảng dạy bình thường. Ngài không cho rằng mấy chục người mới xứng đáng là một lớp học, còn một hai người thì không cần dạy. Thầy tôi đã dạy thì nhất định dạy cho hết chương trình, tuyệt đối không bỏ. Dù ít hay nhiều cũng tiếp tục làm.

Hoặc khi Hòa thượng muốn dịch kinh từ chữ Hán sang chữ Việt để gầy dựng Cây thang giáo lý, thì trong mấy năm liên tiếp, Ngài luôn làm tròn đủ, không bỏ dở nửa chừng. Chúng ta nên học theo tấm gương của Hòa thượng, không nên vì gặp thuận lợi mà hăng hái, còn gặp trở ngại thì chán nản bỏ cuộc. Như vậy sẽ không làm được gì.

Chúng ta đã xác quyết những gì là hay quý, thì phải làm cho đến nơi đến chốn, đừng bỏ dở nửa chừng. Tu là một việc làm phi thường mà ta còn cố gắng được, huống nữa là những Phật sự bình thường. Nếu chán bỏ thì làm sao tu được? Phải cố gắng học, cố gắng thực hiện cho được con đường mình đã vạch sẵn và quyết đi cho đến nơi đến chốn.

***

Hòa thượng đã hy sinh trọn vẹn một cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc. Từ lúc lớn khôn cho đến ngày theo Phật, lúc nào Hòa thượng cũng chỉ lo cho đạo. Ngày nay, nhiều người buồn than rằng Hòa thượng đòi hỏi, nguyện cầu hòa bình nhưng khi mặt trời hòa bình vừa ló dạng, thì Hòa thượng lại vội vã ra đi. Quý vị phải hiểu Hòa thượng làm việc chỉ vì đạo, chứ không vì quyền lợi cho bản thân hay cá nhân nào cả. Cho nên, sau khi mọi việc đã làm xong, Ngài ra đi không luyến tiếc.

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 24288
  • Online: 43