Hãy cho đi

20/03/2019 | Lượt xem: 3295

TT.Thích Thông Phương

I. CHO CÁI GÌ?

Đây muốn nhắm vào việc tu tập bên trong. Thường nói việc làm bố thí cũng là cho đi, nhưng đó là cho ở bên ngoài, còn đây là đi thẳng vào tu tập bên trong, tức những cái chất chứa làm ngăn ngại con đường tu tiến của mình thì liền cho đi, để tâm nhẹ nhàng dễ tu. Nếu chứa là chướng ngại con đường tu của bản thân. Đó là điều căn bản trên đường tu học của chúng ta.


 


 

Thứ nhất:

Cho đi nghiệp ngu si

 

Không biết từ bao đời kiếp rồi, chúng ta vì si mê đã huân tập ngu si, để nó che mờ tâm tánh sáng suốt của mình đi. Rồi nó lại dẫn chúng ta đi trong đường sinh tử khổ đau, tạo những nghiệp không lường được. Nó khỏa lấp làm ta không thấy được sự thật của các pháp, nhưng không phải là Trời, Phật, là ai khác bắt buộc chúng ta mang nghiệp ngu si đó, chính do chúng ta tự tạo thôi.

Nhưng tại sao người ta lại mãi sống với nó, còn luyến tiếc không chịu buông! Như tất cả đến nghe pháp, học Phật để buông, nhưng khi về nhà thì vẫn luyến tiếc không dám buông. Khi nghe đến “ngu si” là không ai chấp nhận, đâu có ai muốn mình ngu si nhưng cái nghiệp ngu si thì vẫn cứ mang. Đó gọi là đánh lừa tự tánh, đánh lừa mình. Bởi vậy cái không phải là ta mà cứ nhận bướng bất kể ai chê cười, đó là nghiệp ngu si.

Cái không phải thật mà cho là thật, còn cái thật thì lại cho là giả. Tức cái mà chúng ta chấp đó là những cái giả, vọng chấp cho là thật. Từ thân này cho đến tâm mình đều là cái giả, nhưng lại cho là thật, còn cái thật lại cho là giả không biết tới.

Phật chỉ rõ những lẽ thật nhưng ít ai muốn nghe, có khi là không chịu nghe, không dám nghe sự thật. Do mê lâu quá nên khi nghe sự thật thấy xa lạ, bị cái mê nó lừa bao nhiêu người trên trái đất cứ tin nó.

Cái uy lực của nghiệp ngu si rất lớn lao, luôn khiến chúng sanh làm nô lệ cho nó, không được tự chủ, bị nó sai sử làm theo sự sai khiến của nó khiến đi vào con đường sai lầm. Vậy mà đa số người đều bị nó lừa, dù cho trí thức ở thế gian cũng vẫn bị lừa.

 

Hôm nay, chúng ta được duyên lành là nhờ có Phật ra đời và với trí tuệ giác ngộ, Ngài lột trần những mặt thật rồi chỉ bày cái giả dối của nó để đánh thức tất cả chúng sanh thức tỉnh trở lại, đó là cái ân lớn.

Đây là điều chúng ta phải trân trọng để quán sát cho kỹ, hãy xét rõ lại: vì sao chúng ta mãi giữ cái thứ tai hại đó! Ai là người trí phải xét cho kỹ!

Cho nên hãy sẵn sàng cho đi cái thứ tai hại đó, không sống với nó nữa. Bởi bao nhiêu đời kiếp đã qua, chúng ta sống với nó đến đây là quá đủ rồi.

Trước kia vì không có pháp, rồi không biết pháp, chúng ta mới bị nó gạt, bị nó lừa. Giờ đã học pháp, biết pháp rồi đâu có thể bị lừa nữa, tức là phải dứt khoát “cho đi” không thể mãi ôm giữ nó một cách ngu si nữa.

Từ giờ phút này có ai dám sẵn sàng cho đi cái nghiệp ngu si không? Đó là điều căn bản mà hôm nay muốn nhắc cho tất cả. Giữ nó là giữ cái ngu si, mà giữ cái đó là giữ cái nhân để đưa đến khổ đau, vậy giữ làm gì?

Ai cũng muốn sống an vui, ai cũng muốn sống hạnh phúc, mà cái nhân khổ đau lại không dám cho đi là sao? Còn cho đi cái nhân này thì an vui, hạnh phúc tự đến thôi.

 

Thứ hai:

Cho đi những phiền não,

hn thù

 

Những thứ phiền não, hận thù thì ôm giữ làm chi! Phật dạy đó là những thứ thuốc độc, ôm giữ nó là ôm giữ thuốc độc, để nó giết mình chết lần chết mòn. Xét kỹ ra nó cũng từ nghiệp ngu si, từ tình chấp ngã dại khờ mà sanh khởi, không ích lợi gì mà không biết tại sao cũng có bao nhiêu người cứ cố giữ! Học Phật để chúng ta thấy được những lẽ thật đó!

Vừa có tâm hận thù là nó đã đốt cháy lòng mình rồi, chính mình chịu khổ trước nhất nhưng người ta không thấy. Như tâm mình bực bội, khó chịu, là nó nóng đốt mình trước, làm cho mình ăn không ngon, ngủ không được…

Rốt cuộc cũng chỉ vì cái “Tôi” này, nhưng cái “Tôi” này nó cũng chỉ là cái ảo tưởng hư dối, là vọng chấp không có bản chất thật. Xét cho tột cùng thì cũng vì vọng tưởng mà khổ, nên gọi là khổ tưởng. Khổ tưởng là cái tưởng mà thành khổ. Tức là không có thật mà tưởng là thật nên khổ. Ở đời người ta thường sống như thế, tự mình gạt mình chứ không ai gạt hết.

Người học Phật cần phải dùng trí tuệ để hiểu cho đúng, thấy đúng như pháp rồi cởi mở đi. Bởi vậy chánh kiến trong nhà Phật là quan trọng đi đầu. Chánh kiến tức là cái thấy đúng. Có thấy đúng, hiểu đúng rồi mới nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng. Chánh kiến quan trọng như thế.

Còn thấy sai thì cũng nghĩ sai, rồi nói sai, làm sai đi một dọc luôn. Cho nên mỗi người cần phải thấy cho đúng như thật là “thân này có ý nghĩa gì đâu”.

Kinh Duy Ma Cật chỉ rõ: “Thân này như huyễn thuật, nó từ điên đảo khởi. Thân này là mộng, từ hư vọng mà có. Thân này như bóng, từ nghiệp duyên mà hiện”, không có cái tự ngã, không có cái chủ thể. Nhưng vì mê nên chúng ta vọng chấp, tưởng là vậy đó.

Dùng trí tuệ quán xét nó đúng là như huyễn, như mộng, như bóng, không có cái tự ngã, chỉ có nghiệp duyên hiện ra.

Nghiệp duyên là sao? Nếu có nghiệp nam thì sẽ hiện thành người nam, còn nghiệp nữ thì nó hiện thành người nữ, sự thật không có ai trong đó hết. Nhìn bằng con mắt trí tuệ thấu suốt thấy không thật có người nam, không thật có người nữ nào cả mà chỉ có nghiệp nam, nghiệp nữ vậy thôi. Cho nên nếu nhìn bằng mắt trí tuệ thì thấy tất cả người hiện diện trong chánh điện đây đều từ những cái nghiệp nam nữ tụ hội thôi.

Nó chỉ tụ hội một lúc, khi nghiệp hết nó tan rã, có gì đâu. Người nhìn được như vậy thì tâm cởi mở rất nhiều, còn gì để mà thương, mà ghét, thương ai ghét ai, chỉ do nghiệp nam, nghiệp nữ thôi mà!

Thế nên khi đi ra đường, hoặc đi vào chợ nhìn thấy đông đúc người qua lại, nhưng chỉ là những nghiệp nam, nghiệp nữ lăng xăng tới tới lui lui vậy thôi. Không thấy người nào hết, chỉ thấy có cái nghiệp, thấy vậy là tâm được cởi mở.

Còn thấy có người này, người kia mới có phiền não, có khổ đau đi theo; trái lại thấy chỉ là những cái nghiệp lăng xăng di động, thì ai làm khổ ai! Hận thù ai đây! Vậy tức là “cho đi” không ôm giữ nên tâm sẽ cởi mở nhẹ nhàng. Đây là thuốc trị bệnh, có bệnh nên có thuốc để trị.

Nếu ai muốn sống khỏe mạnh thì phải uống thuốc, có bệnh mà không chịu uống thuốc thì khổ.

 

Thứ ba:

Cho đi những thứ ích kỷ,

hi người, những thứ tham lam,

bn xẻn, đố kỵ

 

Nó là những thứ chỉ tạo ra bất an cho tâm hồn, là những thứ gây rắc rối cho cuộc đời, giữ lấy những thứ đó làm gì mà chẳng dám cho đi? Phải cho đi! Chưa can đảm cho một lần thì phải cho từ từ, mỗi lần chút ít chút ít nhưng phải cho hết, đó là việc mình phải làm và là chỗ chúng ta học đạo.

Xưa Hòa thượng Chiêu Dẫn thấy được những điểm này, nên Ngài thường dùng phương tiện cảnh tỉnh mọi người. Ngài thường đi lang thang khắp nơi để hóa duyên, nhưng không phải đến để xin xi-măng, xin cát, sắt về xây dựng chùa. Mà những tín đồ nào có những tật xấu Ngài tới để xin.

Có tín đồ đến hỏi Ngài:

- Bạch thầy! Nổi giận làm sao sửa?

Ngài bảo:

- Giận dữ cũng là do tâm sân mà ra, như thế cũng tốt! Giờ tôi đến hóa duyên đây, ông hãy đem tâm sân, tâm giận dữ của ông cho tôi đi, được không?

Đó là cách khéo léo dùng phương tiện độ người của Ngài.

Rồi có con trai của một tín đồ rất ham ngủ, cha mẹ không biết làm sao sửa đổi cho nó. Ngài nghe, đi đến nhà của họ gặp đứa con trai đó đang ngủ, Ngài mới đánh thức nó dậy bảo: “Ta đến hóa duyên giấc ngủ của con đây, thôi con hãy tỉnh dậy! Hãy cho giấc ngủ của con cho ta đi, đừng có ngủ nữa!”.

Rồi nghe vợ chồng của vị tín đồ kia thường hay cãi vã với nhau, Ngài đi đến nhà xin: “Thôi cho ta hóa duyên sự cãi cọ của hai người đi, đừng giữ nó hãy cho ta đi!”.

Rồi có tín đồ thường hay uống rượu, cũng vậy Ngài đến hóa duyên tật uống rượu: “Thôi hãy cho tôi đi đừng uống rượu nữa!”.

Tùy theo tật xấu của từng vị tín đồ, Ngài đến khéo léo cảnh tỉnh cho họ.

Đó là Ngài mượn phương tiện hóa duyên khéo léo để nhắc cho người thực tập hạnh cho đi. Tất cả nên nhớ kỹ, đó là những thứ không đáng giữ, tiếc gì mà chẳng chịu cho đi! Cứ cố giữ cái không đáng giữ để rồi phải tự chịu khổ, vậy đó là người gì?

Nhờ học Phật chúng ta thấy được những lẽ thật đó, vì vậy hãy cho đi những thứ gọi là ích kỷ, hại người, tham lam, bỏn xẻn, đố kỵ… hết đi! Xưa do ngu si không biết nên giữ rồi chịu khổ, giờ biết rồi, thôi cho đi! Đó là học Phật, đó là sự tu tập.

 

Thứ tư:

Cho đi cái khó cho nhất

là cái ngã này

 

Đây là cái khó cho nhất, nếu cho đi được cái “ngã” này là giải quyết được hết mọi vấn đề, mọi chuyện sẽ ổn thỏa, thiên hạ thái bình an lạc. Nhưng tại sao người ta không dám cho? Bởi vì sống với nó nhiều đời, nhiều kiếp quá lâu rồi, quen nhận nó như là mình, giờ xa lìa thì thấy buồn giống như hụt hẫng.

Tuy nhiên học Phật rồi chúng ta phải dùng trí tuệ để thấy và cũng phải cho đi. Tuy là khó nhưng chúng ta cũng phải tập để cho đi. Vì đó là con đường, gọi là con đường chân chánh phải đi, nếu ai muốn đi con đường chân chánh là phải đi con đường đó.

Mỗi ngày chúng ta cho đi một ít, cứ cho đi, cho hoài vậy. Cuối cùng mới rốt ráo giải thoát, mới chứng đạo. Nhưng đến cái chứng đạo cũng phải cho đi nữa, vì còn thấy có tôi chứng đạo thì cũng nguy. Cho đi cho đến không còn gì để cho mới rảnh rang tự tại, mới đúng là người vô sự.

Hiện tại chúng ta là những người còn đang tu, còn đang trên đường đi, cho nên chúng ta đều còn nhiều sự để cho, còn phải tu tập nhiều sự cho đi nữa, và còn tiếp tục cho đi không ngừng nghỉ. Nhớ là tiếp tục cho đi không ngừng nghỉ, đừng có mệt mỏi, đừng cho đi chút ít rồi tự mãn, coi như đủ rồi, vậy chưa phải. Cứ tiếp tục cho, cho đến khi nào không còn gì để cho nữa, đừng cho đi một số ít là thấy đáng kể rồi.

Song tâm phàm phu nhiều ngõ ngách mê lầm, nên có những người lý luận thế này: “Nếu mà cứ cho đi, cho đi hoài như thế, vậy có ai nhận để mà cho? Có ai kêu tôi cho thì tôi cho, không ai nhận làm sao cho? Cho mà không ai nhận thì cho uổng quá!”. Đây là lý luận ngụy biện, là muốn bảo vệ, giữ lại những cái tai hại đó không muốn cho. Nếu thật sự muốn cho thì cứ cho thôi. Đừng cho đi mà vẫn còn tiếc. Nên nhớ!

Cho nên mỗi người phải dùng trí tuệ để hiểu cho thật rõ, thật thấu đáo không còn lầm bị cái ngã vô minh này gạt lừa.

Sợ mình cho đi hết rồi là cái ngã này hết chỗ sống, đó là nó gạt mình, nó lừa mình mà mình không biết. Sự thật cho đi hết mấy cái đó càng tốt, đừng sợ cho đi không ai nhận.

Đó là điểm nhắc cho tất cả, phải tập sống để cho đi. Học Phật, tu Phật là thế, thấy được như vậy là thấy đường đi của mình rồi. Ai muốn an vui, hạnh phúc thì tập cho đi càng nhiều càng tốt, càng nhiều thì càng hạnh phúc thêm. Đó là nói tiêu biểu những cái dễ nhận, dễ thấy. Nhân đó mà suy rộng ra là vẫn còn nhiều thứ cần cho nữa...

 

II. NHỮNG BÀI HỌC CHO ĐI CỦA BẬC TRÍ GIẢ

 

Đây là những bài học của người đi trước, giúp chúng ta yên tâm cho đi, đừng sợ cho đi rồi không còn gì.

Có câu chuyện về một bà mẹ của một vị thầy Tây Tạng. Bà không hiểu giáo lý nhiều, nhưng những gì đã hiểu, bà đều ứng dụng được vào cuộc sống và giúp đỡ những người xung quanh sống như vậy. Khi đó, có một bà hàng xóm chồng vừa chết nên buồn khổ khóc lóc, sang nhà vị thầy Lạt-ma để tìm chút an ủi nhưng thầy đi vắng và gặp bà mẹ. Nhân đó, bà an ủi rằng: Con đau khổ như vậy cũng phải nhưng cũng không cần thiết, vì tất cả cái gì có sinh thì phải có rã, có hủy diệt để trở về nguồn gốc của chúng. Không ai tránh khỏi cái chết, mọi sự đều vô thường, hiểu được như thế cũng là may mắn lắm”.

Lúc đó, người đàn bà cũng chưa hết buồn nên bà an ủi thêm: “Thôi khóc thì cứ khóc, cứ bứt tóc đi! Sau đó con phải biết nghĩ lại và bớt buồn, đừng quên cái tâm trạng buồn khổ này cũng vô thường, nó cũng không đứng dừng một chỗ, nó không có thực thể, như mây như gió và nó cũng vơi đi như mọi thứ trên đời. Ta là một bà già, đã từng buồn từng khổ, từng thấy nhiều người thân đến rồi đi, nên lời khuyên của ta cho con là: đừng mang vào lòng bất cứ cái gì cả”.

Khi đó người đàn bà kia nguôi buồn khổ trở về lo tang ma cho chồng.

Nhờ hiểu được pháp, khéo biết cho đi tâm trạng buồn khổ đó. Xét rõ tâm buồn khổ đó cũng là vô thường không bền chắc, nắm giữ làm gì, nên hãy tập cho đi! Đó là bài học cho đi để giữ lòng bình an.

Một vị Hòa thượng có việc đi đến bờ sông, chợt Ngài thấy cô gái trẻ nhảy ùm xuống sông tự tử, Ngài vội la kêu cứu, mọi người chạy đến cứu. Không ngờ khi tỉnh lại, chẳng những cô gái không cảm tạ Ngài mà lại còn trách trở lại: “Tại sao không để tôi chết mà cứu sống làm chi? Tôi ghét Thầy lắm”.

Mới thấy chuyện ngược đời, nhưng vị Hòa thượng từ bi, Ngài từ tốn hỏi lại: “Vì sao cô lại tự tử?”. Cô nói: “Tôi xấu xí nên mọi người đều chế nhạo, gièm pha, không ưa, tôi thấy sống không thú vị, chi bằng chết cho xong”. Vị Hòa thượng chỉ dạy cô: “Con người ta có hai mạng sống. Một là mạng sống của riêng mình, tức là sống chỉ nghĩ đến mình, mọi việc chỉ vì mình mà lo toan, đó là sinh mạng ích kỷ, thì sinh mạng ích kỷ đó của cô coi như vừa mới chết. (Tức là cô nhảy xuống sông tự tử, coi như sinh mạng đó vừa mới chết rồi). Ngoài ra, người ta cũng còn một sinh mạng thứ hai, là sinh mạng chuyên lo cho người khác, tức là cuộc sống vị tha. Hiện tại tôi đã cứu cô sống lại, từ đây trở đi cô hãy sửa đổi tư tưởng, hành vi rồi tùy nơi, tùy lúc cô giúp đỡ người, phục vụ cho người khác, hãy sống hết lòng vị tha rồi cô sẽ thấy cuộc đời tươi vui, sáng sủa không còn mặc cảm”.

Nghe xong, cô gái cảm được lời dạy, từ đó cô về làm việc thiện. Mỗi ngày cô phục vụ cho người khác, nghĩ đến mọi người, sống với tinh thần vị tha. Dần dần tiếng tốt đồn về cô vang khắp xóm làng, được danh là cô “Hạnh Thiện” (thường làm hạnh phước thiện). Mọi người ai cũng khen ngợi cô. Rồi tâm tình của cô càng cởi mở càng rộng thêm nên cô càng tươi sáng và đẹp lên, rồi cô thấy yêu đời, tâm hồn tươi mát.

Đó cũng là một bài học “cho đi tâm ích kỷ” chỉ nghĩ đến mình mà không biết nghĩ đến người. Nhờ vậy cuộc đời thay đổi theo, hết còn phải mặc cảm, buồn khổ, chán đời. Thường người ta hay có bệnh trầm cảm, chính đây là thuốc trị bệnh trầm cảm.

Trầm cảm là cứ lo nghĩ tới mình, cho nên sinh buồn bực thế này thế kia. Giờ tập thường nghĩ đến người khác, làm vì người khác, đem những lợi ích cho người khác, quên bớt nghĩ tới mình, đó là thuốc trị bệnh. Nhờ vậy lòng chúng ta sẽ cởi mở, nhẹ nhàng thôi. Còn cứ ngồi đó lo buồn, nhớ thân phận mình thế này thế kia hoài thì trầm cảm thêm thôi. Đó phát xuất từ tâm ích kỷ, thường nghĩ đến mình.

Cho nên đây cũng là bài học mà mọi người cần nên học, học cho đi để tâm hồn rộng rãi hơn, cởi mở hơn, và gần gũi với người nhiều hơn.

Rồi thêm câu chuyện về vị thương gia không còn gì để mất. Trong truyện Ngụ Ngôn Thiền có nói về một vị thương gia giàu có, bỗng nhiên tai nạn dồn dập xảy đến, khiến ông mất đi bà vợ đẹp nhưng rất khó chịu. Rồi hỏa hoạn thiêu cháy cả tòa biệt thự, mất hết tài sản. Cuối cùng mất luôn cả tự do, vì ông đã nhục mạ vị Lãnh chúa trong vùng nên bị bắt giam. Nếu là người khác gặp chuyện như thế có lẽ tự tử chết rồi.

Khi bị giam vào ngục, ông bị quản chế từ viên cai ngục có bà mẹ trước kia đã từng giúp việc cho ông. Người cai ngục lúc ấy thấy ông thay đổi nhiều cũng thấy lạ. Trước kia ông nổi tiếng là người keo kiệt và luôn luôn sợ người ta lừa mình. Nhưng giờ ông lại đổi khác, anh để ý thấy ông tuy ở tù nhưng rất hạnh phúc, cởi mở, ở tù mà không thấy ông khổ.

Anh hỏi ông: “Tâm ông vẫn bình thường chứ? Thấy ông ngày nào cũng cười vui, thoải mái vậy?”.

Vị thương gia cười một cách thích thú, bảo: “À! Giờ đây chẳng còn gì để mất nữa”.

Vì không thấy còn gì để mất nữa nên lòng nhẹ nhàng, ngược lại do thấy có cái để mất cho nên khổ. Chỉ cần đổi tư tưởng chút thôi.

Cho nên trên đường tu tập, chúng ta khéo đổi cái nhìn, đổi tư tưởng chút thôi. Thay vì thấy bao nhiêu cái bị mất, đầu óc rối rắm, cứ nghĩ tưởng rồi tiếc nuối thành ra khổ, muốn tự tử. Trái lại, đây chuyển đổi tư tưởng, những cái sợ mất thì đã mất hết, giờ không còn gì để mất nữa, là hết khổ. Chỉ chút xíu thôi! Phật pháp quả là vi diệu. Đúng là vị thương gia này khéo biết cho đi. Nhờ “cho đi” nên nhẹ nhàng thành ra hạnh phúc không cầu mà tự đến.

Đây là bài học cho đi, chúng ta phải học để ứng dụng trong đời sống này. Học cho đi để sống an vui, ai muốn sống an vui thì phải học cho đi.

Thiền sư Bàn Khuê khi còn trên đường tìm đạo, có lần Ngài đi đến trạm chuyển tiếp đổi ngựa. Do đi nhiều nên chân mỏi, Ngài mới thuê một con ngựa để cỡi, nhưng mới thuê xong là có xe hàng sang quý đến tìm ngựa thuê.

Người chủ cho thuê ngựa nổi lòng tham kéo Ngài xuống để cho người kia thuê được nhiều tiền hơn. Ngài leo xuống ngồi kiết-già nơi trạm ngựa vẻ hơi buồn, thấy vậy người phu trạm mới đến hỏi thăm an ủi:

- Thầy có giận, có buồn không?

Ngay đó, Ngài tỉnh ra trả lời:

- Vì việc lớn mong cầu giác ngộ mà tôi đã từ bỏ quê nhà, tôi chống lại cả ước muốn của cha mẹ, cha mẹ không cho tôi cũng quyết đi, thế mà hôm nay tôi lại bất mãn vì chuyện nhỏ nhặt này, tôi thật xấu hổ hối hận!

Lúc đó, Ngài đứng dậy dứt khoát bỏ đi. Và sau đó, Ngài thường bảo trong chúng:

- Từ lúc đó trở đi tôi đã tuyệt gốc giận dữ.

Đây cũng là bài học cho đi nhưng cao hơn chút xíu, cho đi cả cái nóng giận của mình mà không do dự, không có dây dưa.

Ai học đạo cũng biết nóng giận là xấu, dở nhưng bảo cho đi lại không dám cho, hoặc chỉ cho ít ít. Vậy cũng còn tốt hơn là không biết cho gì hết. Tuy ít nhưng cứ cho hôm nay một ít, ngày mai một ít, ngày mốt một ít, cứ tiếp tục cho đi không ngừng nghỉ.

Nhớ, tuy ít nhưng mà bền, cứ cho tiếp tục, rồi nó cũng hết. Đây đúng là những bài học đáng giá cho tất cả người tu hành, hay là người học Phật để học và làm theo. Bài học này là để thực tập, không phải học để hiểu suông trên chữ nghĩa.

Tiến thêm một bước nữa là cho đi một cách cao hơn.

Như là Thiền sư Duy Nghiễm cho tột hết cả những cái thấy hiểu sở đắc trong tu hành.

Sư đến chỗ Mã Tổ - Đạo Nhất, thời gian sau được khế ngộ, bèn ở lại hầu Mã Tổ ba năm.

Một hôm, Mã Tổ hỏi Sư: “Những ngày gần đây chỗ thấy của ngươi thế nào?”.

Sư thưa: “Da mỏng, da dày đều rớt sạch, chỉ còn một chân thật”.

Mã Tổ bảo: “Sở đắc của ngươi như vậy đã hợp với tâm thể, khắp hết tứ chi, được như thế nên đem ba cật tre buộc da bụng, tùy chỗ ở núi đi”.

Đây Thiền sư Duy Nghiễm cho đi cái gì? Da mỏng, da dày đều rớt sạch hết, tức là những chỗ sở đắc cạn sâu đều cho hết, không còn thấy có mình đã ngộ.

Cho hết vậy đó, không phải rốt ráo rồi không còn gì hết, mà là cái chân thật hiện tiền, đó mới là chân thật.

Cái có thể cho đi được tức nhiên là chưa phải chân thật, dù cho cái đó là trí tuệ hiểu đạo. Bởi trí tuệ mình hiểu đạo mà còn có thể cho đi được thì cũng chưa phải thật, là còn thuộc cái sanh diệt nên mới cho đi được. Cái mà không thể cho đi mới là thật.

Thí dụ như đi đến chùa học hỏi với thầy được chút sáng suốt, cái đó cũng là tạm thời dùng ngay hiện tại, nhưng sau cũng phải cho đi. Tức là của thầy trả lại thầy, vì là vay mượn từ bên ngoài, không nên bám chấp vào nó. Rốt ráo là: “Da mỏng da dày đều rớt sạch hết, chỉ còn một chân thật”. Do đó, đừng sợ cho đi rồi không còn gì hết, chỉ sợ không dám cho thôi. Đây chính là yếu chỉ tu hành rốt ráo tiến cao một bước nữa.

Học được bài học cho đi này, và qua được bài học này thì vào được cửa Tổ. Vậy mới thực sự là đạp lên đất thật. Thế nên bài học cho đi này là bài học thiết thực cho tất cả.

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 24434
  • Online: 20