Hãy sống tốt ngày hôm nay

28/10/2019 | Lượt xem: 2693

TT.Thích Thông Phương

I/  SỰ VÔ THƯỜNG BIẾN ĐỔI CỦA CUỘC ĐỜI

Cuộc đời mà chúng ta sống rất ngắn ngủi, tuy thấy sáu bảy chục năm hay một trăm năm nhưng theo con mắt của Phật nhìn thì rất ngắn ngủi. Không chỉ con mắt của Phật mà chỉ cần con mắt của các vị Trời cũng thấy thời gian ở thế gian là ngắn rồi.

 

Phật dạy cõi thế gian chúng ta sống một trăm năm thì ở trên cõi trời chỉ có một ngày một đêm, còn có những cõi trời sống lâu thì một trăm năm của thế gian có khi chừng nửa ngày ở cõi đó. Ở trên trời cũng không có sáng tối, chỉ nhìn thấy thấy hoa nở thì biết là sáng rồi hoa khép lại thì biết tối. Thí dụ buổi sáng có vị Trời đi ra nhìn xuống thế gian thấy chúng sanh đó nó mới sanh ra, rồi vị đó đi ra ngoài vườn dạo chơi giây lát trở về, khi nhìn xuống thì thấy chúng sanh ấy đã chết rồi, nên đời sống của chúng sanh ở thế gian này rất là ngắn ngủi. Cũng như chúng ta nhìn thấy mấy con ruồi, con muỗi so đời sống của nó với đời sống của con người thì rất là ngắn ngủi.

Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, có nhiều việc chúng ta muốn làm, tính toán làm nhưng không đủ thời gian để làm, cuối cùng cũng qua mất. Xét lại thì vừa mới sanh ra rồi đến già kế chết, mới mạnh khỏe đó chợt bệnh yếu thì đâu có gì là bảo đảm để chúng ta hẹn hò.

Theo lời Phật dạy thì tất cả pháp thế gian đều mang tính chất lìa bỏ hay hoại diệt. Nhìn thấy cái bàn nằm ở đây nhưng nó đang mang tính chất lìa bỏ, đang mang tính chất hoại diệt chứ không phải bền vững. Rồi cái ly này cũng vậy hay bản thân mình cũng vậy, nó đều mang tính chất vô thường, tức là không có cái gì để cho chúng ta có thể nắm bắt giữ chặt được nên không có cái gì là cái thật của ta, đều phải buông hết. Đó là của nhân duyên chứ không có cái gì là thật của ta; nhân duyên còn thì nó tạm còn, nhân duyên hết thì nó phải lìa bỏ phải tan rã, khi nó còn đó tức là của nhân duyên chứ không phải là của ta.

Cái bàn này cũng vậy, là của nhân duyên chứ không phải của mình. Nhân duyên đủ thì nó còn ở đây, khi nhân duyên hết rồi thì nó tan hoại, rõ ràng là của nhân duyên. Cái thân của chúng ta cũng vậy, thân này không phải là của ta, là của nhân duyên khi nó hết duyên thì phải buông. Đó là thấy đúng pháp. Thấy đúng pháp là thấy như vậy, còn cái thấy của ta là cái thấy không đúng pháp.

Hãy nhìn trước mắt sẽ thấy những lớp người trước sanh ra rồi lần lượt ra đi. Lớp người kế cũng vậy, cũng sanh ra rồi lần lượt đi. Cứ kế tiếp cho đến lớp người ngang hàng với mình rồi tới lớp người sau này cũng vậy, sanh ra rồi cũng lần lượt ra đi. Như vậy cuộc đời là một dòng biến đổi không dừng, cùng chung một hướng là đưa đến chỗ hoại diệt tan rã.

Như hôm nay, có được ngày hôm nay cũng là được một chút tạm thoáng qua rồi nó cũng sẽ đi qua không giữ được. Đó là lẽ thật, là chân lý muôn đời không ai có thể làm thay đổi được. Dù ai thông minh cách mấy, lý luận cách mấy cũng không thể làm thay đổi được chân lý này.

Như vậy, chúng ta không thể bảo đảm giữ được ngày hôm nay, nó phải trôi qua để đi vào quá khứ, khi tìm lại thì còn lại được gì để chúng ta nắm bắt. Vậy mà chúng ta không trân trọng ngày hôm nay! Nó chỉ có tạm một chút đây rồi nó sẽ trôi qua, vậy lúc nó còn tạm thời ở đây thì thời gian này rất quý, chúng ta phải sống làm sao cho xứng đáng để thoáng cái là nó trôi qua không thể nắm lại được. Vậy thì, chúng ta còn đợi ngày nào, hẹn ngày nào!

Nhiều người cứ nói để ngày mai làm, cứ hẹn vì không muốn làm ngay ngày nay. Nhưng quý vị nên nhớ kỹ ngày nào là ngày mai? Sự thật là ngày mai không bao giờ có, ngày mai chỉ có trong danh từ. Nói ngày mai nhưng qua ngày mai thì thành hôm nay, rồi đợi ngày mai nữa nên cứ nói ngày mai hoài. Như vậy là ngày mai không có mà cứ đợi ngày mai thì không có cái ngày mai để đợi. Nếu hôm nay mà hẹn ngày mai rồi qua ngày mai thì hẹn ngày mai nữa, như vậy cứ đợi hoài thì không bao giờ nắm bắt được ngày mai. Nếu cứ hẹn ngày mai tức là hẹn sống trong ảo tưởng, là bỏ mất hiện tại.

Trong kinh Tương Ưng Bộ có bài kinh nói, khi Đức Phật khi ở vườn Cấp Cô Độc, lúc đêm sắp tàn có một vị trời đến thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Các vị Tỳ-kheo mỗi ngày chỉ ăn có một bữa, do đâu mà dung nhan các ngài thù diệu như thế?”.

Đức Thế Tôn mới nói bài kệ:

Không than việc đã qua

Không mong việc sắp đến

Sống ngay với hiện tại

Do vậy sắc thù diệu.

Do mong việc sắp đến

Do than việc đã qua

Kẻ ngu thân héo mòn

Như lau xanh lìa cành.

Đức Phật nói, sở dĩ các vị Tỳ-kheo được như vậy là vì các ngài không có than việc đã qua, không mong việc sắp đến. Tức là không lo than việc quá khứ qua rồi và không lo mong nghĩ đến chuyện tương lai mà quên mất chuyện hiện tại. Các Tỳ-kheo nhờ luôn sống ngay với hiện tại do vậy mà sắc thù diệu. Tức là không lo nghĩ xa xôi, ngày nay là sống thực sự với ngày nay, thiết thực với ngày nay; sống trọn một ngày nay đầy đủ ý nghĩa của ngày nay. Còn chúng ta cứ nhớ tới quá khứ rồi than tiếc, tưởng tới vị lai rồi lo lắng, đầu óc cứ nghĩ hoài mà nghĩ hoài thì ngủ không yên, tinh thần héo mòn, sắc diện cũng ảnh hưởng theo. Nên Phật nói do mong việc sắp đến, do than việc đã qua, kẻ ngu cứ than vãn, khiến thân héo mòn như cây lau còn xanh mà bị rời cành nên mau héo.

Để nhắc mỗi người phải khéo sống, đừng cứ tưởng nhớ về quá khứ rồi mong ước đến tương lai mà đánh mất là đang sống ngay hiện tại. Như các vị lớn tuổi ngồi nhớ lại chuyện quá khứ một thời oanh liệt rồi tiếc, còn các vị trẻ trẻ thì cứ lo tính toán chuyện tương lai, nhiều khi lại quên mất cái hiện thực đang sống của chính mình. Nên Phật nhắc để chúng ta khéo sống, nếu không thì phải ăn năn hối hận việc đã qua.

Có những trường hợp rất là đáng tiếc như có nhiều gia đình vợ chồng cả ngày đi làm, con thì đi học cả ngày không gặp mặt nhau. Tối về lên bàn ăn là thời gian rất quý báu để gia đình chung họp, vậy mà cũng chỉ nghĩ chuyện đâu đâu, không thật gặp mặt nhau. Ngồi bên vợ bên con nhưng mà lại nghĩ nhớ ở cơ quan làm đánh mất thời gian quý báu của gia đình và thiếu sự thông cảm với nhau. Có khi thứ bảy chủ nhật thì dẫn nhau ra bãi biển chơi, tuy ngồi bên nhau nhưng nghĩ chuyện đâu đâu chứ không thật sự là ngồi bên nhau. Nhất là hai người có chuyện không vui thì khi ngồi bên nhau lại càng xa nhau. Cho nên, chúng ta sống đánh mất rất nhiều thời gian quý báu hiện tại.

II/ ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI

Ở đây muốn nhắc là chúng ta phải khéo đừng bỏ lỡ cơ hội. Khi đã rõ được sự vô thường biến đổi, ngắn ngủi không bền chắc của cuộc đời thì cần có một cái nhìn sáng suốt để sống cho thật có ý nghĩa với thời gian quý báu của mình. Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây là để làm gì? Phải thấy được ý nghĩa đó. Có mặt ở đây là để dẫn đến cái chết, vì có sống thì phải có chết. Đó là lẽ thật, là con đường phải đi, con đường phải đến, dù ai nói thế nào đi nữa cũng không thể làm thay đổi lẽ thật này. Ngay Đức Phật có sinh ra đời thì cuối cùng cũng phải nhập Niết-bàn, nếu như có ai đó nghĩ rằng hãy để cho tôi tận hưởng thỏa mãn đi rồi hãy chết, là có sáng suốt không? Đó chỉ là tưởng tượng chứ không thể có. Bởi vì thời gian vô thường ngắn ngủi trôi qua, mới hưởng một chút là qua mất rồi thì làm gì có cái tận hưởng cho thỏa mãn. Lẽ thật là như vậy.

Mỗi vị hãy nhớ kỹ một điều này là, hôm nay chúng ta khỏe mạnh làm việc được mà không chịu làm, nếu ngày mai bệnh hoạn yếu sức rồi muốn làm mà làm không được. Muốn tu học nhưng nghĩ còn trẻ thôi để làm việc rồi tận hưởng vui vẻ chừng lớn tuổi hãy vào chùa học đạo cũng không muộn.

 Nếu còn trẻ mà cứ hẹn, lỡ cơn bệnh tới sức khỏe xuống rồi thì đâu tìm lại được, cơ hội qua mất luôn. Trong kinh Tạp A Hàm có bài kinh thuật lại lúc Đức Phật ở tinh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, vườn ông Cấp Cô Độc. Một hôm vào sáng sớm, Đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy, Đức Phật thấy có một cặp vợ chồng Bà-la-môn lớn tuổi lưng khòm, ngồi hơ lửa ở chỗ đốt rác nơi đầu hẻm.

Đức Phật mới bảo Tôn giả A-nan: “Ông biết hai vợ chồng đó không?”. Thưa: “Biết”. Ngài nói tiếp: “Hai vợ chồng già này nếu lúc còn đang thời trai trẻ mà biết lo siêng năng làm ăn thì có thể trở thành người giàu nhất trong thành Xá-vệ này, hoặc vào thời điểm đó họ xuất gia lo tinh tiến tu hành thì cũng sẽ chứng được quả A-la-hán”. Rồi Ngài nói thêm: “Kế nữa nếu ở nơi phần hai của cuộc đời lúc còn tráng kiện mà biết siêng năng tìm cầu tài vật thì cũng có thể trở thành người giàu có thứ hai ở trong thành Xá-vệ này, và nếu lúc đó họ biết xuất gia tu hành tinh tấn thì có thể chứng đến quả A-na-hàm”. 

Đức Phật nói thêm: “Còn trường hợp thứ ba, nếu như trễ thêm lần nữa là vào giữa thời trung niên của cuộc đời mà họ lo siêng năng làm việc thì cũng có thể trở thành người giàu thứ ba ở trong thành Xá-vệ này, hoặc họ còn biết xuất gia siêng năng tinh tấn tu hành thì có thể chứng đến quả Tư-đà-hàm. Nhưng hiện nay tuổi họ đã cao, các căn suy yếu thì hết còn khả năng đó nữa rồi”.

Tức là lúc già yếu như thế này thì hết còn mong gì, giàu thứ một trăm ở trong thành này cũng không được nữa, đừng nói thứ hai thứ ba. Còn trong các đạo quả thì không được đạo quả nào hết. Do đó Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Vì không hành Phạm hạnh

Tuổi trẻ không tài sản

Suy nghĩ việc xa xưa

Nằm ngủ như cây cung.

Không tu hành Phạm hạnh

Tuổi trẻ không tài sản

Giống như chim hạc già

Rũ chết nơi đồng hoang.

Tức là còn trẻ mà không lo tu, không biết lợi dụng cơ hội đó để làm việc, khi thời đó qua mất thì sau giống như chim hạc già rũ chết nơi đồng hoang không thành tựu được việc gì. Chúng ta nghe vậy rồi suy ngẫm để sống cho đúng nghĩa, không để qua mất thời điểm quý báu của đời người. Đây là một bài học nhắc tất cả không thể bỏ lỡ cơ hội quý báu mà hẹn hò được.

Để thấy nhiều khi chúng ta có nhiều cơ hội để tiến tu, để làm được những điều tốt điều quý báu, nhưng vì hẹn hò bỏ qua hoặc vì mê lầm nên để nó trôi qua, rất là đáng tiếc. Đó là bài học nhớ đời cho những ai thường hay hẹn hò, nhiều khi ăn năn không kịp.

Cũng có nhiều vị hay hẹn, nghĩ còn trẻ bây giờ đi tu uổng để già hãy đi tu. Già đi tu chỉ là gieo duyên, còn trẻ tu có sức khỏe tốt muốn làm gì cũng làm được, rồi nghị lực cũng còn mạnh nên khi tu nghĩ buông là buông được liền. Còn khi già sức yếu, nghị lực tinh thần cũng yếu, khi muốn nhớ mà cũng không nhớ thuộc bài kinh nên người hiểu rồi thì đừng bỏ lỡ cơ hội tốt.

Như hôm nay có người đến xin không chịu bố thí, ngày mai nhớ lại tiếc muốn bố thí nhưng người ta đã đi mất rồi. Hoặc lúc đang ngồi ở trước cửa, có người đến xin thì không chịu bố thí, đợi người ta đi qua rồi thì nhớ lại phải lúc nãy mình cho chút ít cũng được; nhưng khi nhớ thì họ đâu còn để cho, tức là qua mất cơ hội tốt để bố thí, cho nên hễ thấy cần thì làm liền đừng bỏ mất cơ hội. Thí dụ hôm nay mình buồn giận huynh đệ nào đó, nhưng ngày mai huynh đệ đó ra đi vĩnh viễn thì còn lấy ai để mình buồn giận. Chúng ta giận người này trách người kia nhưng có khi ngày mai người kia ra đi vĩnh viễn, vậy buồn giận trách ai đây!

Có ai thấy được điều này không? Đó là việc cần thiết để chúng ta học sống ngay trong ngày hôm nay, nếu nay lỡ tạo những cái nghiệp xấu ác thì ngày mai khổ đến tiếc nuối hối hận. Hôm nay có đầy đủ sáu căn sáng suốt rõ ràng, đang vui vẻ đây không chịu lo tu, đợi ngày mai sáu căn suy yếu mắt mờ tai điếc muốn tu cũng không được. Còn muốn đi nghe pháp thì nghe không rõ, muốn đọc kinh thì mắt mờ…, thành ra trong cuộc sống không biết chúng ta đã bỏ mất bao nhiêu cơ hội tốt quý báu của mình.

Có câu chuyện là, xưa ở chùa Vĩnh Bình của Thiền sư Đạo Nguyên trụ trì, có một vị sư già tuổi ngoài tám mươi nhưng làm việc cho chúng ở nhà bếp rất siêng năng. Một hôm vào buổi trưa nắng, vị tăng già này đang phơi nấm hương, mồ hôi đổ nhễ nhại, Thiền sư Đạo Nguyên đi đến trông thấy cảm động mới nói: “Trưởng lão! Ông đã lớn tuổi sao lại còn phải nhọc nhằn vất vả làm việc này, thôi xin trưởng lão không phải cực nhọc vậy, để tôi tìm người khác thay thế cho”. Vị sư già đáp: “Nhưng người khác thì không phải là tôi”. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Thì đúng vậy rồi, nhưng nếu ông muốn làm thì cũng không cần phải nhằm vào lúc trời nắng chang chang mà nhọc nhằn như vậy”. Vị sư già nói: “Nếu trời nắng không phơi nấm, chẳng lẽ đợi trời mát hay trời mưa mới phơi hay sao!”. Thiền sư Đạo Nguyên nghe vậy thì hết nói được nữa.

Đó cũng là bài học nhắc chúng ta khi đúng thời đúng lúc thì phải làm ngay, không thể bỏ qua cơ hội tốt mà nhiều khi chúng ta mắc vào lỗi như thế.

Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có bài kinh thuật lại lúc Đức Phật ở tinh xá Kỳ-hoàn nước Xá-vệ, có năm trăm thiếu niên Bà-la-môn trẻ tuổi vì còn thiếu niên nên tính tình kiêu ngạo muốn đến tranh luận với Đức Phật. Lúc đó, có hai vợ chồng Phạm Chí già đang đi xin, Đức Phật biết ông Phạm Chí này trước kia là một vị quan lớn giàu có nhưng giờ lại đi ăn xin. Để cảnh tỉnh các thiếu niên này, Đức Phật hỏi: “Các ngươi có biết ông Phạm Chí lớn tuổi đó là ai không?”. Họ đáp: “Biết”. Phật lại hỏi: “Ông ta trước kia là người như thế nào?”. Đáp: “Ông trước là một vị quan lớn ở trong thành này, tài sản nhiều vô số”. Phật mới hỏi: “Vậy vì sao ngày nay ông ta lại phải đi ăn xin như vậy?”. Đáp: “Do ông tiêu xài phung phí không độ lượng nên bây giờ phải chịu nghèo”. Nhân đó Phật mới bảo các vị thiếu niên kia rằng: “Trên đời có bốn việc mà người ta không biết để làm theo, nếu biết làm theo thì sẽ được phước và không bị nghèo cùng như vậy. Bốn việc đó là: thứ nhất tuổi trẻ khỏe mạnh cẩn thận chớ nên kiêu mạn, thứ hai là tuổi già siêng năng không tham dâm, thứ ba là có tiền bạc châu báu thường nghĩ đến bố thí, thứ tư là theo thầy học tập biết nghe nhận lời chân chánh”.

Phật bảo, Phạm Chí lớn tuổi kia do không thực hành theo bốn điều trên nên bây giờ phải chịu quả khổ như vậy. Đây gọi là không biết xét đến lẽ thành bại nên phải chịu cảnh tán gia bại sản, ví như con chim hôc già đứng giữa ao trống không kiếm được chút gì. Ngay đó Đức Phật nói bài kệ:

Ngày đêm lười kiêu mạn

Già chẳng bỏ được danh

Có của không bố thí

Lời Phật chẳng để tâm.

Bốn món che ngăn này

Ai có họa tự gây

Than ôi khi già đến

Tiều tụy sẽ theo đây.

Tuổi trẻ được như ý

Đến già bị khinh khi

Đã không tu Phạm hạnh

Của cải chẳng còn chi.

Già như chim hôc trắng

Canh giữ ao trống vắng

Giới hạnh mình đã không

Của cải bàn tay trắng.

Già trí lực suy kiệt

Nghĩ lại làm sao kịp

Già như lá mùa thu

Lại dơ rách hạnh tu

Mạng sống qua mau chóng

Hối hận nào kịp đâu.

Bài kệ nhắc cho mọi người phải ý thức chớ có hẹn hò mà bỏ mất cơ hội tốt của mình sau rồi hối hận không kịp.

Sau đó, Đức Phật bảo các vị thiếu niên là trên đời có bốn khoảng thời gian mà ta có thể hành đạo được phước, đắc độ tránh khỏi các khổ.

Một, là lúc tuổi trẻ có sức khỏe oai thế đừng bỏ mất. Hai, là lúc giàu sang có tài sản mà không lo tạo phước đến khi hết của thì lấy gì mà tạo phước. Ba, là gặp được Tam bảo là quý báu phải lo tu liền. Bốn, là quán xét được lẽ vô thường của vạn vật, sinh tâm nhàm chán. Nếu người vào bốn thời điểm trên biết nỗ lực làm việc tiến tu thì sẽ thành tựu mọi sở nguyện. Vào bốn thời điểm đó biết tận dụng tu tập thì sẽ được kết quả tốt, có thể đắc đạo. Các thiếu niên được nghe Phật nói thêm mấy câu kệ nữa liền tỉnh ngộ xin theo Phật xuất gia rồi tu chứng A-la-hán.

Bài học này nhắc nhở chúng ta biết lợi dụng thời điểm quý báu của mình có được để lo tiến tu, lo làm việc tốt lành tạo sự việc tốt cho mình, về sau không phải ăn năn hối hận. Hôm nay có thời gian để chúng ta tu học, có được cái duyên tốt thì chúng ta phải tu liền chứ không hẹn.

Có người nói hôm nay tôi làm xấu làm ác nhưng ngày mai không có thì lo gì có quả báo xấu nên cứ việc làm ác, lý luận này nói theo kiểu ngụy biện. Ở đây không phải như vậy.

Ngày mai không thực có là không thực với người cứ lo hẹn hò xa xôi rồi không làm gì hết thì không thực có với người đó. Còn chuyện chúng ta làm rồi thì sẽ có quả báo đến với mình phải chịu quả báo xấu.

Trên là những điểm muốn nhắc tất cả phải biết sống đúng ý nghĩa, không bỏ lỡ cơ hội tốt của mình, cũng không hẹn hò. Cho nên ai mà thường hẹn hò là phải nhớ điều này.

III/ NGAY ĐÂY BÂY GIỜ GIÂY PHÚT TUYỆT VỜI

Nhà thiền thường nhấn mạnh, ngay giây phút bây giờ không cho suy nghĩ. Vừa suy nghĩ, vừa do dự, vừa trù trừ thế này thế kia là đánh mất giây phút hiện thật tuyệt vời, tức là đánh mất lẽ thật sáng suốt đang hiện tiền nơi chính mình. Đó gọi là đánh mất tâm bản nguyên thanh tịnh xưa nay của mình. Đây thuộc phần chuyên môn nên cần nghe kỹ, tuy chưa hiểu nhưng huân tập dần thành chủng tử cho mình thì khi đủ duyên cũng được tiến sâu trên đường tu.

Như ngài Sùng Tín theo Thiền sư Đạo Ngộ tham thiền một thời gian lâu mà chưa tỏ ngộ, một hôm do lòng khao khát thiết tha quá mạnh nên Ngài đến bạch với Thiền sư Đạo Ngộ: “Bạch thầy! Từ ngày con vào đây đến giờ, con chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu?”. Thiền sư Đạo Ngộ bảo: “Từ ngày ngươi vào đây ta chưa từng chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi”. Sùng Tín ngạc nhiên hỏi: “Thầy chỉ dạy cho con chỗ nào?”. Thiền sư Đạo Ngộ bảo: “Thì ngươi dâng trà ta vì ngươi tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi nhận, rồi ngươi xá lui ta gật đầu, vậy thì có chỗ nào mà chẳng chỉ dạy tâm yếu đâu!”.

Tức chỉ thẳng ngay cái thực tại hiện tiền. Ngươi bưng cơm đến ta nhận, ngươi chào ta gật đầu, thì tâm yếu là chỗ đó. Nếu ngươi khéo nhận cái đó thì sáng tỏ được lẽ thật nơi mình. Nếu không có tâm thì lấy gì biết gật đầu biết dâng cơm, thì đó ta đã chỉ cho ngươi rồi, nếu sáng suốt thì ngay chỗ đó ngươi nhận ra liền. Khi ấy, Sùng Tín chưa hiểu nên cúi đầu lặng thinh giây lâu để suy nghĩ, Thiền sư Đạo Ngộ bảo liền: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, còn suy nghĩ liền sai”. Ngay đó, Sùng Tín liền khai ngộ. Trong nhà thiền gọi là: ngay đây giây phút tuyệt vời.

Ngay đây không cho suy nghĩ tới lui, bởi suy nghĩ tức là bước qua chuyện đâu đâu rồi bỏ mất cái đang hiện thực. Đó là chỗ Thiền sư chỉ thẳng cái hiện hữu trong mọi cử chỉ mọi hành động mà mọi người đang dùng hằng ngày. Đó cũng là chỗ ánh sáng chân thật đang hiện bày mà người lo suy nghĩ nên đánh mất cái này. Nếu khéo biết tỉnh lại vượt qua những suy nghĩ xa xôi thì ngay đây gọi là chân lý hiện thực sáng ngời, nó đầy đủ không thiếu. Mỗi người đều có cái cao quý như vậy mà bỏ qua bỏ quên, thật đáng tiếc!

Trong đây có ai thiếu cái này đâu! Ai cũng có đủ nhưng vì mê thành ra quên mất hoặc bỏ qua. Đó là điểm mà trong nhà thiền các Thiền sư thường đánh thức cho người học nhớ trở lại để thấy được những ý nghĩa rất quan trọng.

Thiền sư Kỉnh Huyền khi còn đi du phương tham học, đến hỏi Thiền sư Duyên Quán: “Thế nào là đạo tràng vô tướng?”. Thường đạo tràng là có tướng như mọi người họp mặt ngồi đông đủ đây, còn Ngài hỏi là đạo tràng vô tướng. Vậy đạo tràng đó ở đâu? Thiền sư Duyên Quán chỉ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm ở trước, nói: “Tượng này là do ông Ngô Xử Sĩ vẽ”. Thiền sư Kỉnh Huyền nghe liền suy nghĩ để trình tiếp thì ngay đó Thiền sư Duyên Quán lanh lẹ bảo: “Ờ! cái này thì có tướng, còn cái kia thì không tướng”. Ngay đó, ngài Kỉnh Huyền liền tỉnh ngộ.

Ai biết cái nào có tướng, cái nào không tướng? Khi suy nghĩ tức là trong đầu mình có tướng nên vừa suy nghĩ tức là có tướng, còn cái thật của mình là không tướng, cái đó mới là cái chân thật.

Thiền sư muốn nhắc nhở đánh thức mọi người lẽ thật xưa nay nơi chính mình, đó là chỗ chân thật trong nhà thiền. Đây gọi là giây phút ngay đây bây giờ, cái đó là giây phút tuyệt vời, nhưng vừa suy nghĩ là qua mất. Người học thiền sâu là phải học đến chỗ này, còn học cạn thì cũng đừng bỏ mất cơ hội của ngày hôm nay.

 Mong tất cả khéo nghe biết rồi ứng dụng thì sẽ thấy sự học tập của mình đầy đủ những ý nghĩa chân thật và sẽ không phải hối tiếc sau này, không đánh mất những cơ hội quý báu.

IV/ TÓM KẾT

Con người chúng ta quen sống với những tư tưởng, ngồi ở đây mà tưởng đằng kia nên gọi là sống với cái đâu đâu, đánh mất cái thực tế hiện tại. Như người ngồi đây nghe pháp nhưng có thật ngồi đây không? Hay là có chạy về nhà hoặc nhớ ở ngoài xe? Coi chừng đánh mất cái đang hiện tiền! Con người chúng ta biết bao nhiêu lần đánh mất cái cơ hội sẵn có rất nhiều. Khi biết rồi thì tất cả luôn nhớ rõ điều này: Quá khứ đã qua rồi không làm gì được nữa, vị lai thì chưa đến tức là còn xa, còn cái đang hiện tại đây thì cũng rất là mong manh ngắn ngủi, chỉ một thoáng là nó đã qua rồi. Thế nên, chúng ta phải hết sức kịp thời sống tốt giây phút này để không bỏ lỡ cơ hội. Hãy nhớ lời của vị sư già ở chùa Vĩnh Bình: “Hôm nay trời nắng mà không phơi nấm, chẳng lẽ phải đợi trời mưa hay trời mát mới phơi hay sao?”.

Đây là một bài học mà cũng là một câu cách ngôn để nhắc nhở cảnh tỉnh tất cả, khi nào muốn hẹn hò thì nhớ lời này mà cảnh tỉnh đừng để dịp tốt qua mất! Cuối cùng xin chúc cho tất cả hãy sống thật tốt cho ngày hôm nay!!!

 

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89112
  • Online: 57