Hình tượng cha mẹ trong Kinh Duy Ma Cật

03/08/2011 | Lượt xem: 4384

Chân Hiền Tâm

I. Hình tượng Cha Mẹ qua các kinh luận
Xưa vào thời đức Phật còn tại thế, ở một ngôi làng nọ có hai mẹ con sống côi cút bên nhau. Cả hai đều phải làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn cơ cực. Chàng thanh niên bất mãn chán nản. Khi nghe đồn về sự ra đời của đức Phật và giáo pháp của ngài, chàng quyết tâm bỏ mẹ, tìm cho được Phật để mong ngài có thể giúp mình có cuộc sống tốt hơn.


Trên đỉnh núi Linh Thứu, Thế Tôn đang nhập định quán sát nỗi khổ của chúng sinh. Ngài thấy cảnh người mẹ đang ốm đau bịnh tật, ngày đêm vẫn trông con. Ngài lại thấy hình ảnh của chàng thanh niên, không sợ rừng cao nước độc, vẫn một lòng quyết chí tìm gặp cho được Phật. Thế Tôn động lòng từ, quyết độ cho hai mẹ con được như sở nguyện. Ngài hoá hiện thành vị Sa môn đi khất thực. Gặp được vị Sa môn, chàng thanh niên hỏi thăm về nơi ở của đức Phật, vị Sa môn trả lời: “Ngươi hãy quay lại con đường cũ, nếu gặp ai đi dép trái chân, người ấy chính là Phật”.

Chàng thanh niên nghe lời vị Sa môn và quay trở lại. Gặp ai cậu cũng chú ý đến chân họ. Không một ai đi dép trái chân. Cậu thấy mình trở bề nhà cũ. Cậu đưa tay gõ cửa và cất tiếng gọi mẹ. Người mẹ nghe tiếng con, vội vàng xỏ chân vào dép mà không hề biết mình đang mang dép trái. Bà mở cửa, cậu con trai nhìn thấy mẹ mang dép trái, tỉnh ngộ ôm chầm lấy mẹ.

Qua hình tượng người mẹ trong câu chuyện trên, cộng với các lời dạy hiếu kính đối với cha mẹ trong các kinh thì việc hiếu kính cha mẹ, dù là Phật tử tại gia hay xuất gia, đều được đặt lên hàng đầu. Công đức cúng dường cha mẹ nhiều như công đức cúng dường chư Phật.

Kinh Nhẫn Nhục nói:
                    Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
                    Cùng tột điều bất thiện không gì hơn bất hiếu

Kinh Tạp Bảo Tạng ghi: “Người nào muốn cúng dường Thánh hiền và Phật, hãy cúng dường cha mẹ, tất cả thánh hiền và Phật đều ở trong nhà”.

Tuy nhiên, tùy theo cách suy nghĩ của từng người mà việc hiếu nghĩa được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, từ đó kết quả có khác nhau. Có những hiếu nghĩa giúp đời sống tâm linh cũng như vật chất của cha mẹ ngày càng đi lên. Có những hiếu nghĩa khiến đời sống vật chất và tâm linh của cha mẹ ngày càng đi xuống. Vì thế đức Phật không chỉ dạy chúng ta có tâm hiếu kính với cha mẹ mà còn dạy chúng ta cách hiếu kính thế nào để việc hiếu kính được tròn đầy, cha mẹ được an vui đời đời …

Kinh Trường Bộ dạy :  
        - Cung kính và vâng lời cha mẹ.
        - Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
        - Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.
        - Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại.
        - Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.

Bài kinh này, nếu con cái ứng dụng được thì cha mẹ sẽ vừa lòng mà an vui, vì không bậc cha mẹ nào không muốn con cái vâng lời mình dạy cũng như bảo vệ và phát huy những gì họ đã gầy dựng từ của cải cho đến thanh danh của gia tộc. Việc lo tang lễ chu đáo, với người đời cũng biểu hiện sự hiếu kính chu toàn của con cái đối với cha mẹ.

Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy :

        - Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.
        - Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
        - Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
        - Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Đây là phần giúp đời sống tâm linh cũng như vật chất của cha mẹ đời đời được đầy đủ, không rơi vào ba đường khổ. Tin tưởng và qui y Tam bảo là bước đầu giúp ta có chánh kiến. Chánh kiến là nền tảng để thân và lời nói của mình không rơi vào bất thiện nghiệp. Nếu làm thân người thì có được thân tướng tốt đẹp, đời sống tâm linh an lạc, đời sống vật chất dư giã. Bởi cái quyết định đời sống cũng như thân tướng của một người không phải chỉ ở sự chăm chỉ, khôn lanh hay tài giỏi mà chính là ở ba nghiệp thân, lời nói và sự suy nghĩ của chính người đó. Ba nghiệp thiện thì ta có thân tướng và cuộc sống vừa ý. Ba nghiệp bất thiện thì thân tướng và đời sống của ta thường bất như ý.

II. Hình tượng Cha Mẹ trong kinh Duy Ma Cật

Theo kinh Duy Ma Cật, hai từ Cha Mẹ được ngài Duy Ma Cật giải thích như sau:

                    Trí độ, mẹ Bồ tát
                    Phương tiện ấy là cha

Trí độ: là độ Trí tuệ trong Lục độ vạn hạnh của Bồ tát.
Phương tiện: là những phương thức thiện xảo mà nhờ nó, một vị Bồ tát có thể tự lợi và lợi tha.

Người con nói đây không phải là một chúng sinh bình thường mà là một vị Bồ tát. Kinh này chỉ dành cho hàng Bồ tát không phải mình?

Kinh này dành cho hàng Bồ tát, đúng là như thế. Nhưng ‘Sống trong đời cần có một tấm lòng’. Bởi điều đó mang lại an vui hạnh phúc cho mình và cho người. Bởi, tánh Phật là thứ có sẵn trong mỗi người, chỉ vì bị vô minh che lấp mà không hiển được những lực dụng như Phật. Cái gốc ấy vốn thường, lạc, ngã, tịnh.

Khi ta hành thiện nghiệp là ba nghiệp đang tương ưng với gốc ấy, nên nó mang lại an vui cho chính ta. Hành ác nghiệp, tức nghịch với gốc ấy nên đọa vào những cảnh giới khiến ta phiền não. Vì thế, dù chưa thể một lần phát tâm bồ đề “Trên cầu Phật đạo. Dưới hóa độ chúng sinh” thì bài pháp đó vẫn có phần cho những ai muốn có hạnh phúc trong thế giới Ta bà này.

Bệnh viện ung bướu là chỗ không bao giờ vắng khách một khi đã mở cửa. Ngươi nghèo thì vô số. Có tiền mà phải vào đó dài lâu cũng thành nghèo. Trên lối đi, hai đứa bé đang dành nhau một chiếc xe đạp. Bé em nhỏ xíu không thể chạy xe, hai tay lại bận cầm hai nửa trái quít, nhưng quyết tâm dành bằng được chiếc xe đạp anh nó đang chạy. Nó lấn anh nó cả bằng cùi chỏ, bằng thân và bằng tiếng la khóc. Nói chung, ba nghiệp bất thiện đang hoạt động rất mạnh.

Một nửa trái quít văng xuống đường, chỗ rất nhiều người giẫm qua và khạc nhổ. Nó lượm lên và tiếp tục cuộc chiến. Tôi nhìn quanh tìm kiếm ‘gốc tích’ của hai đứa bé. Người mẹ trẻ đang cười rất vô tư pha lẫn sự thích thú khi thấy hai đứa nhóc xô đẩy và cáu xé nhau.

Có thể không có nụ cười vô tư như thế, người mẹ sẽ không thể chịu nỗi với những gì cô ta đang gặp. Gia đình đơn chiếc, nghèo khó, con quá nhỏ, chồng bị ung thư. Cái quả như thế đã có cái nhân từ trước, không thể phê phán điều gì khi chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ. Điều để ta suy ngẫm là, những đứa trẻ như thế sẽ trở thành những con người thế nào trong tương lai? Nếu những tật xấu không được gạt bỏ ngay từ nhỏ, lại được tiếp tục huân tập một cách tự nhiên thì không phải chỉ chính bản thân nó gặp tai họa mà cả những người chung quanh cũng gặp bất hạnh. Liệu người mẹ sẽ còn cười được thế không khi chúng có sức mạnh, vũ khí và với những món đồ giá trị hơn?

Tất cả điều bắt nguồn từ việc thiếu trí tuệ.

Nếu người phụ nữ ấy có trí tuệ, có thể ta đã không gặp cô ta trong hòan cảnh đáng buồn như thế. Nếu có cảnh như thế xảy ra, có thể cô ta vẫn cười, nhưng cô ta sẽ không để cho anh em chúng tranh nhau chiếc xe đạp v.v…

Ta không lường hết được mọi hậu quả của những việc làm trong hiện tại, cũng không thể xoay chuyển vận mạng của mình theo chiều hướng tốt đẹp trong tương lai chỉ vì thiếu trí tuệ. Ta thiếu một người mẹ sản sinh cho mình một cái nhìn đúng đắn đối với cuộc đời này.

Tôi có thể phân tích rất rõ tình cảnh ấy, cũng có thể nghiệm ra cái quả nơi cái nhân hiện tại, nhưng tôi sẽ làm gì để có thể giúp người mẹ trẻ cũng như ngăn chận tình trạng trên?

Một cô y tá bước qua và dừng lại. Cô khuyên nhủ, dỗ dành, cô đặt đứa bé lên phía sau xe để anh nó chở, nhưng vô phương. Con bé chỉ muốn dành chiếc xe về phần nó bất chấp việc đó có lợi cho nó hay không. Người mẹ như chợt tỉnh, rời chỗ ngồi, đứng dậy bế thốc đứa bé gái, vừa dỗ dành vừa la, nhưng cũng không tác dụng.

Có tấm lòng nhưng không có phương tiện để tự lợi, không có phương cách lợi tha để đứa bé có thể hồi tâm, thì cái nhân bất thiện vẫn cứ hình thành, cái quả bất hạnh khi đủ duyên sẽ vẫn hiện khởi. Một người mẹ trí tuệ luôn phải đi liền với người cha phương tiện, để đứa con hiền hòa, nhân ái và phúc lạc cho đời có thể hiện sinh.

Ngay cả với cha mẹ bằng xương bằng thịt của mình, nếu không có trí tuệ và phương tiện thì việc hiếu nghĩa của ta cũng không thể tròn. Không có trí tuệ thì cha mẹ làm việc ác, mình sẽ ủng hộ theo. Có trí tuệ mà không có phương tiện thì không thể khuyên nhủ cũng không thể ngăn chận việc ác cha mẹ đã làm. Nhân là ác nghiệp thì quả là ba đường dữ. Như chuyện bà Thanh Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên mà ta đã biết.

Nhờ có trí tuệ và phương tiện nên Mục Kiền Liên mới đầu thai vào làm con bà Thanh Đề. Cũng nhờ hai thứ ấy mà Mục Kiền Liên mới biết mẹ mình ở đâu. Nhờ có trí tuệ, ngài nghe lời Phật dạy và thỉnh Tăng chúng cúng dường, mong nhờ vào định lực của chư vị làm thay đổi tâm tham ái của mẹ. Nhờ phương tiện thỉnh Tăng cúng dường đó mà bà Thanh Đề thoát được kiếp ngạ quỉ, sinh lên cõi trời.

Với các lời dạy trong kinh luận, nếu không có trí tuệ chúng ta cũng không biết ứng dụng thế nào cho phải phép khi ứng vào cha mẹ mình, lời kinh trở thành khó xử với mình.

Như kinh Trường bộ dạy: “Cung kính và vâng lời cha mẹ”. Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: “Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí”. Cha mẹ mình, nếu là người thứ gì cũng nghe lời mình hoặc đã có tâm bố thí ít nhiều thì hai lời kinh trở thành tương thuận. Việc hiếu đễ trở nên dễ dàng, nhưng nếu cha mẹ mình không thích bố thí, thấy mình đem tiền của ra bố thí ông bà bực, tìm đủ cách để cản ngăn thì hai lời kinh trở thành gọng kìm đối nghịch trong lòng mình. Mình vâng lời ông bà để ông bà vui như kinh Trường bộ dạy, hay phải tìm cách khuyên ông bà bố thí như kinh A hàm dạy? Không có trí tuệ mình sẽ chọn cách vâng lời ông bà cho khỏe. Có trí tuệ mình dễ dàng trả lời “Phải làm sao để ông bà thuận với mình mà bố thí”. Bởi điều đó mang lại lợi ích cho ông bà. Tuy vậy, trên sự vẫn còn nhiều việc nhiêu khê. Bởi “Ngày nay phá một kiến chấp còn khó hơn phá một hạt nhân nguyên tử”, Einstein đã nói như thế. Phá bỏ một kiến chấp không phải là việc dễ làm nhất là với mấy vị lớn tuổi và gia trưởng. Chỗ này nếu chúng ta không có trí tuệ và phương tiện để ông bà thuận lòng làm theo thì việc hiếu nghĩa của mình sẽ không tròn.

Nếu chúng ta có trí tuệ và phương tiện thì sẽ biết làm gì đối với những duyên không thuận lòng. Thêm vào đó, từ lực hộ trì của chư Phật, chúng ta sẽ được các duyên bên ngoài hỗ trợ, khiến sự việc trở thành tốt đẹp.

Trí tuệ và phương tiện luôn là thứ quan trọng đối với chúng ta.

Nguyện cho tất cả chúng sinh dù đang trong lớp áo tôn giáo nào, cũng luôn thấy được tầm quan trọng của hai đấng sinh thành trí tuệ và phương tiện. Thấy, để mãi tôn kính và cúng dường khiến hai vị luôn đồng hành với chúng ta trong thế giới này. Theo thuongchieu.net

Các bài mới

Các bài đã đăng

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84507
  • Online: 10