Hoài niệm Vu Lan
25/07/2011 | Lượt xem: 6140
ĐĐ Thích Trúc Thông Tánh
Đã gần đến mùa Vu Lan, mùa báo hiếu của những người con Phật. Tôi vẫn thường nhớ đến ba tôi, một nỗi nhớ khôn nguôi dù đã gần bốn mươi năm từ ngày người khuất núi.Ngày ấy tôi đi học xa nhà và cũng ít viết thư thăm ba mẹ. Ba tôi thường xuyên viết cho tôi, hầu như mỗi tuần và lá thư nào cũng bắt đầu bằng bốn chử: "Con T. yêu dấu". Mỗi lần như thế tôi lại khóc.
Từ bé cho đến lớn khôn tôi luôn được bảo bọc trong tình thương sâu đậm của Ba, nhưng tôi không cảm nhận được một cách trọn vẹn cho đến lúc tôi phải vào Sàigòn trọ học. Khi tôi vừa nhận ra được điều này thì Ba đã không còn…
Khi ở Trúc Lâm, vào một dịp lễ Vu Lan các anh chị em GĐPT Đà Lạt đến trình diễn văn nghệ cúng dường, khi nghe một huynh trưởng hát bài "Cha làm bò cho con cỡi" tôi đã không thể cầm được nước mắt. Tôi cố hết sức để làm chủ tâm trạng mình, nhưng giọng hát nghẹn ngào ngập tràn nước mắt của người hát đã làm cho tôi không thể nào kìm nén nổi. Và tôi để mặc cho cảm xúc trào dâng. Tôi đã khóc ngon lành. Mọi người nhìn tôi với cặp mắt đồng tình, thương cảm.
Thực ra bài hát này chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly mà thôi! Trong thời pháp trước đó khi nghe thầy TK đọc hai lá thư của ngài Động Sơn Lương Giới gửi mẹ và bức thư trả lời của mẹ Ngài tôi đã muốn khóc lắm rồi!
Lá thư đầu Ngài ngỏ ý xin được xuất gia để mong báo đáp công ơn sâu dày của cha mẹ, Ngài viết: "….Trong Hiếu kinh nói: "dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu vì sẽ lôi nhau vào vòng trầm luân chịu muôn kiếp luân hồi". Muốn đền ơn sâu dầy của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia. Kinh nói: "Một đứa con xuất gia chín họ đề sanh lên cõi trời". Con thệ bỏ thân mạng đời này chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát nhã. Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong; học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và Thánh mẫu Ma Da. Hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì: "Thời giờ chẳng đợi người". Cho nên nói "Thân này thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này". Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong."
Và Ngài viết một bài thơ có hai câu cuối như sau:
"…Không nên rơi lệ thường thương nhớ,
Xem tợ buổi đầu con không thân".
Mười năm sau, trên đường hành cước, Ngài viết cho mẹ lá thư thứ hai.
"… Cúi mong mẹ đem hết tâm ý hướng về Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con. ….Phàm người ở đời phải biết tu thân hiếu để mới hợp lòng trời. Kẻ làm Tăng trong cửa Không thì mộ đạo tham thiền để đáp ơn cha mẹ….."
"…Xin nhắc mẹ già thôi đứng ngóng,
Ví như đã chết, ví như không".
Mẹ Ngài viết thư trả lời cho Ngài:
"Mẹ cùng con đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong lòng, sớm chiều cầu thần khấn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quý như châu bảo. Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú xú nhọc nhằn. Con vừa thành người dắt đến trường lo học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, me đứng tựa cửa trông mong.
Con viết thơ về quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ! Khổ thay! Khổ thay!
Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như tôn giả Mục Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e phải có tội. Con cần phải giải quyết cho xong".
Ôi! Cao cả thay tấm lòng người Mẹ! Hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả để hoàn thành tâm nguyện cho con.
Ba tôi đã mất mà tôi chưa báo đáp được gì. Chỉ còn mẹ già tôi cũng đành phải gửi lại cho những người thân. Vì thế mỗi mùa Vu lan về lòng tôi lại bồi hồi, thương cảm. Tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Lòng tôi đã được nhẹ nhàng hơn khi để cho cảm xúc được tràn ra khóe mắt. Tôi không muốn ôm ấp sự buồn khổ trong lòng thêm nữa như nhà thơ Thanh Tịnh: "…Để giòng nước mắt chảy là bớt khổ đi rồi."
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một Ni sư ở thiền viện nọ. Sau thời gian nhập thất, vị này thưa với thầy rằng: "Thưa thầy, trong thất mỗi lần nhớ đến cha mẹ là con khóc mãi không thôi!". Thầy dạy: "Thật là ngu si dốt nát, nếu nhớ cha nhớ mẹ thì phải gắng công tu tập để có ngày báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, chớ đau buồn khóc lóc thì có ích gì!". Và tôi cũng đã tự nhắc mình phải luôn luôn ghi nhớ điều này.
Ba ơi! Mẹ ơi! Xin ba mẹ hãy tha thứ cho con tội bất hiếu. Đời này, kiếp này con nguyện gắng công tu tập, không dám để phút giây lơi lỏng. Con chỉ mong có ngày báo đáp được thâm ân trời biển của các đấng sinh thành.
Các bài mới
Các bài đã đăng
Đạo phật với đời sống
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23359
- Online: 77