Kho báu nhà mình
05/11/2015 | Lượt xem: 4344
Nhân mùa hạ này, quý vị trở lại Thiền viện Trúc Lâm, đem tịnh tài tịnh vật bằng cả tâm thành để dâng cúng lên Hòa thượng tôn sư chứng minh cùng toàn thể tăng ni ở đây. Đáp lại tấm lòng thành đó, quý Thầy sẽ đem lại của báu trong nhà trao cho quý Phật tử, quý Phật tử đồng ý không? Mình sẵn sàng nhận phải không? Nhưng của báu trong nhà thì ở ngoài vào hay ở ngay nơi chính mình? Ngay nơi mình mà sẵn sàng nhận là qua mất rồi. Cho nên hôm nay chúng tôi sẽ nói chuyện với quý vị đề tài là “Kho báu nhà mình”.
Thiền sư Huệ Hải ở Đại Châu lúc đầu đến tham vấn Thiền sư Mã Tổ. Mã Tổ hỏi: Từ đâu đến?
Sư thưa: Ở Việt Châu, chùa Đại Vân đến.
Mã Tổ hỏi: Đến đây để cầu việc gì?
Sư thưa: Đến để cầu Phật pháp.
Mã Tổ nói: Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì.
Sư liền lễ bái thưa: Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?
Khi ấy, Mã Tổ chỉ thẳng: Chính nay ngươi hỏi ta là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu này, Sư tự nhận bổn tâm không do hiểu biết, vui mừng và lễ tạ.
Quý vị thấy cái gì là kho báu nhà mình chưa? Ngay câu đáp của Mã Tổ thì Ngài Huệ Hải tự nhận bổn tâm không do hiểu biết, tức là tự nhận lại bổn tâm nơi mình chứ không phải là hiểu về bổn tâm, cho nên vui mừng lễ tạ. Như vậy Ngài Huệ Hải nhận lại bổn tâm có nghĩa là đã nhận lại kho báu của Ngài, nhưng còn kho báu của mình thì sao? Ở chỗ nào? Quên rồi phải không? Nếu nghe thuật lại kho báu của Ngài Huệ Hải mà chưa biết cái gì là kho báu của chính mình thì mình cũng chỉ là người đi đếm báu cho Ngài thôi, còn mình vẫn nghèo, nhưng không lẽ mình phải chịu nghèo hoài sao?
Bây giờ dẫn tiếp một giai thoại nữa, nếu quý vị khéo thì sẽ thấy. Ngài Động Sơn Thủ Sơ lúc đến tham vấn Ngài Vân Môn. Thiền sư Vân Môn hỏi: Ở đâu đến?
Sư thưa: Ở Tra Độ.
Ngài Vân Môn hỏi thêm: Mùa hạ rồi ở đâu?
Sư thưa: Ở chùa Báo Từ ở Hồ Nam.
Ngài Vân Môn hỏi tiếp: Rời đó lúc nào?
Sư đáp: Ngày 25 tháng 8.
Bất ngờ Ngài Vân Môn bảo: Tha cho ông ba gậy.
Ngài Động Sơn thắc mắc, sáng hôm sau Sư đến thưa hỏi.
Bấy giờ Ngài Vân Môn nói: Cái túi cơm Giang Tây Hồ Nam chỉ thế ấy.
Ngay câu đó Sư liền đại ngộ.
Đại ngộ có nghĩa là nhận lại kho báu chính mình. Như vậy quý vị thấy Ngài Thủ Sơ ngộ cái gì? Nếu thấy được chỗ Ngài Động Sơn Thủ Sơ ngộ thì rõ kho báu của nhà mình liền.
Ở trên thì Mã Tổ gợi ngay cái ông hỏi ta, có nghĩa là ngay cái ông biết hỏi đó thì Ngài Huệ Hải liền nhận lại bổn tâm của mình không do hiểu biết, còn ở đây Ngài Động Sơn thì cái gì vừa nghe hỏi liền biết đáp rõ ràng đó? Ngay các câu hỏi đều biết đáp rõ ràng rành rẽ đó mà không chịu nhận, cứ bám theo lời để hiểu nên khi nghe Ngài Vân Môn bất ngờ nói: “Tha cho ông ba gậy” thì tối tăm mờ mịt liền, tưởng đâu mình bị lỗi gì, đến nỗi trải qua một đêm dài băn khoăn, trằn trọc, không ngủ được. Quý vị biết, cái tâm thao thức đó đã lặng hết những duyên bên ngoài rồi cho nên là một duyên chín cho Ngài. Sáng hôm sau Sư vội đến thưa hỏi lại, được Ngài Vân Môn đánh thức: “Cái túi cơm Giang Tây Hồ Nam đều thế ấy” thì Sư liền tỉnh ngay.
Lúc bấy giờ, thân này mình không còn nghĩ về nó thì nó coi như không, và niệm tưởng buông sạch thì cái nghĩ suy đó cũng coi như không luôn, khi ấy gió thổi qua mình có biết mát không? Người đi qua mình có thấy không? Như vậy, nếu cho thân bốn đại là mình thì khi mình không nghĩ về nó thì nó coi như không, cái suy nghĩ phân biệt lúc ấy cũng mất luôn. Nếu cho cái suy nghĩ phân biệt là mình thì lẽ ra, khi mất cái suy nghĩ phân biệt đó mình phải không biết, nhưng cái suy nghĩ phân biệt đó lặng rồi mà tất cả cảnh duyên đến mình đều biết một cách rõ ràng, không cần khởi một niệm thì cái đó mới thật là mình, còn cái kia chợt có chợt không thì nó không phải là mình.
Tại sao nó thật là mình? Quý vị thấy, có niệm khởi nghĩ đó là tướng động, khi niệm lặng xuống thì đó là tướng tịnh. Tịnh và động là hai tướng, mà tướng là pháp tiền trần, là cái đối bên ngoài, không phải thật là mình. Nhưng khi lặng hết toàn bộ mà người đi qua mình cũng biết, gió thổi mình vẫn biết mát mà không cần khởi niệm thì cái biết đó có sanh diệt không? Tại sao biết nó không sanh diệt? Khi tạm thời niệm lắng, vắng bặt mà hằng biết thì mới hay ra rằng lâu nay ở trên niệm, cái đó cũng không vắng, không mất, tại mình không khéo sống cho nên nhận cái niệm là mình mà quên đi cái đó. Như vậy, trên niệm nó có mặt, khi không niệm nó cũng hiện hữu, không theo tướng động tịnh để sanh diệt thì chính cái không sanh diệt đó mới thật là mình, cũng có nghĩa là của báu nơi chính mỗi người. Chư Phật, chư Tổ ra đời, dùng rất nhiều phương tiện cốt để chỉ cho chúng ta nhận lại kho báu, không còn làm kẻ nghèo lang thang thôi chứ không có gì khác.
Cho nên trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy ngài A Nan: “Nếu rời tiền trần mà có tánh phân biệt tức là tâm ông. Nếu tánh phân biệt đó rời tiền trần mà không có thực thể thì đó là bóng dáng phân biệt tiền trần chứ không phải là tâm ông”. Nghe thì có thể hơi khó hiểu, nhưng lấy ví dụ thế này cho dễ thấy: Quý vị nhìn bình hoa này, ai nhìn lên cũng thấy biết phải không? Bây giờ làm sao tin được rằng cái thấy biết của mình là thật hay là giả? Quý vị nhìn bình hoa này thì liền biết, chưa có một niệm thứ hai phải không? Chính cái biết đó khi tôi cất cái bình hoa đi, quý vị còn biết không? Cất bình hoa đi mà mình vẫn còn biết rõ ràng thì đó là “rời tiền trần vẫn có tánh phân biệt, đó là tâm của ông”, còn khi tôi cất bình hoa đi mà quý vị ngơ ngác mà không biết thì cái biết bình hoa trước đó, đó là “bóng dáng phân biệt tiền trần”, tại vì nó có và không là trên bình hoa này chứ không phải là cái hằng hữu nơi mình. Nếu là cái hằng hữu nơi mình thì bình hoa có hay không là chuyện của cảnh, còn mình vẫn hằng thấy không bao giờ mất.
Như vậy nãy giờ chúng tôi đã dẫn giai thoại các Thiền sư, cũng như chia chẻ cho toàn thể quý vị thấy rõ, nhưng trong đây, đã có ai nhận được kho báu chính mình chưa? Hiện tại mình đang ngồi nghe đây thì cái gì đang biết nghe mà không khởi một niệm thứ hai xen vào đó? Ở trên này quý thầy nói thì cứ nói, ở dưới đó quý vị nghe thì cứ nghe, mình vẫn cứ biết nhưng không khởi một niệm thứ hai xen vào thì ngay đó, mình đã xài được kho báu của chính mình rồi phải không? Nếu khéo nhận lại con người đang biết nghe pháp, đang biết nói pháp sờ sờ đó thì đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do thọ dụng, không nhờ tìm cầu bên ngoài. Như vậy,mình không còn phải nhọc đi đâu để tìm cái gì khác nữa. Vì vậy, trong bài Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông nói:
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Có nghĩa là ngay cái thân tâm sanh diệt của mỗi chúng sanh đã có sẵn một cái bất sanh bất diệt, chỉ là khéo nhận lại thôi chứ không cần phải đi tìm ở một nơi nào cả. Đến đây quý vị đã biết trong mỗi chúng ta, ai ai cũng sẵn đủ một bản tâm chân thật không sanh không diệt đó, nhưng tại sao lâu nay mình vẫn phải chịu nghèo, chịu khổ? Có phải do mình quên không? Quên có nghĩa là mê, không nhận ra nên không lấy xài được. Không lấy xài được mà mê cho nên chạy theo trần cảnh và nhận cái niệm tưởng là mình, rồi theo niệm tưởng đó mà che lấp đi kho báu chính mình nên phải chịu nghèo khổ và lang thang. Ví dụ cụ thể, khi nào đó công việc bận rộn, giả sử mình để chìa khóa ở đâu đó mà tìm hoài mà không ra, cố đi tìm thì nó lại càng rối và không tìm ra được, vì chính cái niệm tưởng này nó làm cho mình quên, khởi thêm một niệm đi tìm nữa thì nó quên tuốt luôn. Tới khi tối lại, quý vị nằm ngủ, buông hết mọi chuyện không cần nghĩ để ngủ thì liền nhớ ra. Mới thấy chính cái niệm tưởng lăng xăng đó đã che lấp kho báu chính mình, nhưng lâu nay vì mình không biết nên theo cái giả mà lang thang và chịu nghèo khổ. Nhưng người không biết đạo lang thang chịu khổ đã đành, có khi chúng ta nghe giảng, đã hiểu đạo rồi nhưng nếu không khéo sống lại nơi chính mình mà đi tìm những lý giải thì những cái đó cũng che lấp của báu của mình mà mình không hay. Mới đầu chưa biết thì cần biết để trở về, biết rồi mà còn bám trên đó thì vô tình chính cái đó nó cũng che lấp của báu nhà mình. Chúng tôi dẫn một giai thoại sau quý vị sẽ rõ:
Có một vị Tăng hỏi Thiền sư Thạch Cựu: “Hạt châu trong tay Địa Tạng là sao?”
Ngài Thạch Cựu đáp: “Vậy chứ trong tay ông có không?”
Mình cầm hạt châu trong tay mà bỏ quên, đi hỏi cái hạt châu trong tay của Ngài Địa Tạng thì dù có biết được đi nữa thì hạt châu đó cũng là của Ngài Địa Tạng thôi, đâu phải của mình. Hiểu được thì vô tình cái hiểu đó cũng là cái đối tượng bên ngoài nên không phải là hạt châu của mình nữa rồi. Nhận lại hạt châu chính mình mới là cái quan trọng, còn hỏi của Ngài thì vẫn là của Ngài thôi. Vì vậy, Ngài Thạch Cựu mới đánh thức: “Vậy chứ trong tay ông có không?”.
Ông tăng vẫn chưa nhận được, nên thưa là: “Không hiểu”.
Sư mới bảo: “Chớ dối gạt đại chúng”.
Tại sao Ngài nói chớ nên dối gạt đại chúng? Nói là không hiểu thì cái gì biết hỏi, biết nghe hỏi lại, rồi biết trả lời là “Không hiểu” đó. Nếu rõ được cái biết hỏi, biết nghe hỏi lại, biết trả lời rõ ràng đó thì liền nhận lại hạt châu trong tay mình rồi, nhưng vị tăng đó vẫn không chịu nhận lại nên nói Không hiểu, mà không hiểu là muốn hiểu rồi. Vì muốn hiểu cho nên lao ra để tìm cái hiểu đó mà không nhận lại hạt châu nơi mình. Cho nên Ngài Thạch Cựu rất là từ bi, muốn đánh thức một lần nữa nên nói: “Chớ dối gạt đại chúng”, có nghĩa là nó trong tay ông kìa, đừng có tìm hiểu bên ngoài nữa. Ngài đã từ bi như vậy mà vị tăng vẫn còn mờ mịt nên Sư mới làm một bài tụng:
Báu nhà mình chẳng biết
Theo người nhận cảnh ngoài
Giữa trưa chạy trốn bóng
Kẻ soi gương mất đầu.
Tức là của báu nằm sẵn trong tay mà không tự hay biết, cứ lao ra bên ngoài để kiếm tìm, giống như người ở giữa nắng mà cứ chạy để trốn cái bóng của mình, không biết rằng càng chạy trốn càng thêm nhọc mà chẳng bao giờ trốn được, nếu biết thì chỉ cần chạy vào bóng râm thì liền hết bóng. Cũng vậy, Ngài Thạch Cựu muốn nhắc nếu là người trí thì khi nghe hỏi “Trong tay ông lại có chăng?” thì xoay lại, nhận ra hạt châu đó thì liền xong, khỏi cần chạy ra ngoài tìm hiểu, càng tìm hiểu thì càng xa. Tìm hiểu có nghĩa là sanh một cái hiểu về chuyện đó nữa thì che lấp hạt châu chứ không bao giờ nhận được. Đừng hiểu đi thì cái gì đang biết đó? Là hạt châu hiện liền phải không? Cho nên trong hội thứ năm bài phú Cư trần lạc đạo, vua Trần Nhân Tông nói: “Quay đầu trốn bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa”, tức là một sáng nọ, ông Diễn Nhã Đạt Đa cầm gương soi mặt, ông tưởng cái bóng trong gương là mình nên khi úp gương xuống thì ông ôm đầu chạy và la lên: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”. Như vậy nhận cái bóng trong gương là mình rồi ôm đầu chạy kêu mất đầu thì có vô lý không? Cũng vậy, vị tăng kia muốn hiểu về hạt châu thì cũng giống như chàng Diễn Nhã Đạt Đa nhận cái giả lầm cho là cái chân thật, đó là một cái lầm lớn.
Có một câu chuyện vui, ngày xưa văn hóa chưa phát triển nhiều nên không mấy người biết về cái gương soi mặt. Một hôm có anh chàng ra chợ thấy một tấm kiếng trông hay hay nên mua về treo trong nhà và gọi cô bạn ra xem tấm kiếng đẹp lắm. Khi cô bạn vào xem thì nhìn thấy mặt mình trong tấm kiếng đó nhưng không biết đó là bóng của mình mà tưởng là ai khác, cho nên chạy ra ngoài khóc bù lu cho rằng anh chồng mang người con gái khác về nhà. Anh chàng ngạc nhiên chạy vào coi thì thấy bóng mình trong gương nhưng cũng không biết luôn, nên chạy ra nói cô bạn đem trai giấu trong nhà mà còn dám nói mình mang gái về. Hai người bắt đầu cãi nhau thì bà mẹ vào, cũng thấy bóng mình trong tấm kiếng nhưng không biết nên ra nói: “Tưởng ai đẹp lắm, già như vậy rồi mà cũng còn ghen tuông nữa”. Quý vị thấy câu chuyện rất buồn cười nhưng vì ngày xưa chưa phát triển nên người ta mới lầm như vậy, nhưng ngày nay, nếu quý vị nào đã tỉnh rồi mà nhìn lại mình trước đây đã nhận bao nhiêu cái sanh diệt là mình thì cũng thấy tức cười lắm chứ không cần phải soi bóng đâu.
Một câu chuyện khác, trong một ngôi làng có hai người nhà ở gần nhau, vì tranh nhau cái bờ rào nên mắng chửi nhau xối xả. Một người thứ ba biết được nhưng không nói gì mà cầm cái máy thu băng thu hết toàn bộ cuộc cãi vã. Sau khi chửi nhau đã đời rồi, ai về nhà nấy, một thời gian sau sự việc rõ ràng thì hai người trở lại vui vẻ bình thường. Một hôm người thứ ba mời hai người tới nhà nói chuyện vui vẻ, đem cuốn băng ngày trước mở lại nghe thì ai nấy đều thấy buồn cười. Tại sao khi đó lại chửi? Quên mình, nhận bóng là mình, chấp cái suy nghĩ là mình nên chửi, còn nếu biết nó là giả, chấp nhận cái tương đối của nó thì có thể nhường một phần và không cần chửi nữa. Bây giờ ngồi bình thường, nghe lại thấy tức cười cho cái mê của mình thì có khác gì cười cho ba người soi bóng kia không? Như vậy, nếu chúng ta không khéo mà mê một chút thôi thì sau đó nhìn lại mình sẽ rất tức cười cho mình. Nhưng cười là một chuyện để nói thôi, giả sử mê một chút mà lỡ tạo nghiệp rồi thì còn chịu khổ nữa chứ không phải chỉ cười không đâu. Bởi vậy, nhận lại của báu của mình là một điều quan trọng, còn nhận cái bên ngoài là mình thì từ đó trượt chân, kéo theo rất nhiều sai lầm khác, mà sai lầm thì vui cười lẫn lộn, giống như một người ở trong giấc ngủ mà làm nhiều chuyện vậy thôi chứ không có gì đáng cả. Nếu quý vị nào thấy rõ cái tâm sanh diệt đó là vọng, là giả, là không thật thì chúng ta sẽ nhận lại kho báu của mình một cách dễ dàng.
Bây giờ đặt câu hỏi: Tại sao tâm sanh diệt là vọng, là giả? Thứ nhất, nó là cái bên ngoài cho nên nó không thật mà là vọng, là giả. Xét thêm một ý nữa sẽ thấy tâm sanh diệt là vọng, là giả. Khi quý vị nhặm mắt thì thấy trong hư không có rất nhiều hoa đốm, người bên cạnh hỏi hoa đốm đâu thì quý vị có chỉ được không? Chỉ nhưng họ đâu có thấy, mới biết rằng hoa đốm đó không thật. Mình vừa chỉnh con mắt lại thì hoa đốm liền mất, mất nhưng có chỗ đi không? Khi mình bị nhặm mắt thì tạm thời có vậy thôi, khi đang có đó thì chỉ cho người cũng không được, lành mắt rồi thì hoa đốm cũng tiêu mà không nói là đi đâu cả. Như vậy cả ba chỗ tìm không được thì hoa đốm đó thật không? Không thật. Tâm sanh diệt của mình cũng vậy. Cái tâm đó từ đâu mà có? Khi quý vị ngồi đây thì không có niệm nào, nhưng vừa thoạt quên thì nó có ra liền chứ nó không phải từ đâu sanh ra cả. Khi đang có, quý vị đem cái đó ra cho mọi người coi được không? Vừa tìm lại thì liền mất, khi mất rồi thì nó đi đâu? Có thiệt đâu mà đi. Như vậy trong ba thời, thoạt có thì không có chỗ sanh, đang có tìm lại cũng không thấy, mất rồi cũng không nói là đi đâu. Ba thời tìm không được thì có thể cho nó là thật mình được không? Xét cho tột thì mới thấy nó là giả, còn không thì mình vẫn thầm thầm chấp cho nó thật là mình.
Khi nghe phân tích như vậy, quý vị đã rõ tâm sanh diệt này là giả, đã là giả thì chúng ta có nên theo cái giả hay không? Lâu nay vì mình lầm tưởng nó là thật nên mới theo chứ nếu biết là giả thì không ai dại gì mà theo cả, không theo thì cái thật liền hiện rõ ràng. Nhưng đó mới là phân tích để hiểu thôi. Quý vị có thể hiểu nó là giả nhưng nhiều lúc gặp chuyện mình vẫn quên, đó là do mình chưa thấy tột nơi mình. Một lúc nào đó nếu thấy rõ nơi mình một cách tường tận thì nó không còn gạt gẫm mình và chi phối mình được nữa.
Bây giờ thêm một mức nữa để thấy vọng là giả. Giả sử trong gia đình mình có một đứa nhỏ, mình cho nó một cái vòng giả để chơi, nó rất thích thú, giờ mình bảo đó là cái vòng giả rồi lấy lại, nó có chịu không? Không bao giờ, lấy ra là nó khóc ré lên liền. Nhưng nếu người đã trưởng thành, làm ăn giầu có, vàng chất đầy nhà thì cái vòng vàng giả đó còn quan trọng nữa không? Có thì cũng để chơi mà mất rồi thì thôi chứ không tiếc gì cả, vì biết rõ nó là giả mà mình lại có cả kho vàng thật quá lớn nên nó mất hay còn cũng không quan trọng, mình không quan tâm.
Như vậy lâu nay mình chưa thấy tột vọng là giả là do mình chưa nhận được cái chân thật nơi mình, chưa nhận được cái thật cho nên mới lầm nhận cái giả là mình, chấp nó là thật và bị nó chi phối. Nếu đã nhận tột cái thật rồi thì cái kia là giả rõ ràng, nó có hay không không còn tác dụng đối với mình, khi đó không còn nói là vọng hay chơn, mình cũng không còn bị nó chi phối nữa. Chúng ta nhìn về sự có mặt của nó cũng giống như mây đi ngang bầu trời vốn xanh vậy thôi chứ không có gì ngăn ngại. Nhưng chỉ khi nào chúng ta nhận cái thể của trời xanh thì mây mới không ngại, còn chưa thấy được thể của trời xanh mà chỉ nhìn mây thì mây sẽ cuốn mình ngay. Từ đó mới thấy, cái sanh diệt làm cho mình khổ, mà nhận lại được kho báu thì cái sanh diệt không còn tác dụng, cảnh khổ vui của cuộc đời không còn tác dụng làm cho chúng ta khổ. Như vậy, nhận lại kho báu nhà mình thì chúng ta giàu rồi phải không?
Nhưng nói như vậy thì vô tình cũng cho rằng cái niệm suy nghĩ đó là giả khi nhận được cái chân thật nơi mình, như vậy người nào đã nhận được cái chân thật mới có phần, còn mình chưa nhận được thì không có phần hay sao? Quý vị có nghĩ vậy không? Thực tế không phải là không có phần, mỗi người đều có phần hết. Cho dù quý vị chưa nhận ra cái chân thật nơi mình đi nữa thì chúng ta vẫn có phần như thường. Tại vì nãy giờ chúng ta phân là cái giả và cái thật, cái vọng và cái chơn cho nên quý vị vẫn quan niệm là có một cái giả và có một cái thật, thấy cái giả và cái thật cách nhau xa quá cho nên mình mới thấy có phần và không có phần. Nhưng sở dĩ chúng ta vẫn có phần là vì trên thực tế, cái chơn và cái vọng không cách xa nhau, rõ được là vọng thì liền đó là chơn chứ không có xa. Nếu mình rõ như vậy thì mới tin rằng nơi mỗi người đều có sẵn chứ không thiếu.
Tại sao rõ được là vọng thì liền đó là chơn? Trong Kinh Viên Giác nói: “Tri huyễn tức ly”, biết huyễn thì liền lìa, nếu mình biết tột nó là giả thì ngay đó liền là lìa. Lâu nay mình vẫn lầm chấp cho nó là mình thật, nếu mình biết tột nó là giả thì mình còn theo cái giả không? Không theo cái giả thì liền là lìa. Lúc này chữ “liền là lìa” không còn là một động từ, có nghĩa là mình không còn tác ý để lìa nữa, chỉ cần biết giả thôi thì nó vốn tự lìa. Nhưng “ly huyễn tức giác”, tức là ngay khi mình lìa thì cái thật hiện đó, nó đã vốn sẵn nơi mình nhưng vì mình lầm nhận cái giả cho nên bị lấp thôi. Bây giờ khi cái giả khởi lên mình liền biết nó là huyễn, khi biết huyễn thì tự nó liền lìa, ngay khi lìa thì mình đã đặt chân lên cái thật rồi. Như vậy mình thấy mình có phần là vì lý do đó. Ngay một niệm khởi, nếu chúng ta quên và theo niệm đó thì thành vọng, bây giờ cũng ngay một niệm đó mà nhớ trở lại, biết tột nó là giả thì liền là lìa, liền đó là chơn. Như vậy, chơn và vọng chỉ trong khoảng quên và nhớ thôi chứ không có xa, mà quên và nhớ là ai quên và nhớ? Nơi mỗi người. Vậy thì không có ai lấy phần của mình cả mà chỉ tại mình quên và nhớ cho nên mới có giàu, có nghèo. Chính vì thấy nó ngay nơi mình và dễ nhận như vậy cho nên mình mới tin rằng tất cả chúng ta ai ai cũng có phần và ai cũng có thể làm được. Thấy rõ như vậy thì công phu của mình rất là nhẹ nhàng, không có buông lơi và không cần phải kìm kẹp nữa.
Cho nên Thiền sư Đức Sơn nói: “Mảy may buộc niệm, đó là nghiệp nhân của tam đồ. Nhưng chợt vậy tình sanh thì muôn đời khóa chặt”. Lâu nay mình bị hai cái bệnh. Thứ nhất là khởi niệm thì theo niệm, mà theo niệm thì coi như mình đã mê rồi, bây giờ thấy lỗi quá, trở lại kềm, đừng cho nó khởi lên nữa. Như vậy chúng ta luôn luôn bị rơi vào hai cực đoan, buông lơi thả lỏng và kìm kẹp mà quên rằng cái tâm đó không phải là kềm hay là buông. Rõ được như vậy thì bảo đảm mình công phu rất là nhẹ nhàng. Quý vị biết, khi mình tu thì dĩ nhiên không thể nào chấp nhận việc mình phóng ra rồi, nhưng không phóng ra không có nghĩa là mình kềm kẹp và đè nén, nếu kềm kẹp có nghĩa là buộc niệm, mà vừa mảy may buộc niệm thì đó là nghiệp nhân của tam đồ. Tại sao Ngài nói buộc niệm là nghiệp nhân của tam đồ? Bây giờ kiểm lại nơi mình, khi mình khởi ý muốn buộc niệm, đè niệm thì có phải là mình thấy cái niệm đó thiệt, mình thấy sợ nó và muốn đè không? Thấy niệm là thiệt cho nên khởi niệm đè và không muốn nó lên nữa. Cho nên khi ngồi thiền mà quý vị thấy không muốn niệm khởi lên có nghĩa là mình nghĩ niệm là thiệt rồi, còn nó là giả thì chuyện lên xuống của nó mình vẫn là đang thấy đây. Như vậy, vừa muốn buộc niệm thì trong mình âm thầm đã thấy có một niệm thiệt rồi cho nên mới muốn kềm nó lại, mà niệm là nhân của tạo nghiệp, có niệm có nghiệp thì có thoát khỏi tam đồ không? Đó là chỗ công phu mình phải để ý. Nhưng nếu chúng ta không buộc niệm thì mình buông lơi phải không? Bây giờ không đè nữa thì buông hay sao? Buông một lát coi chừng mê thì theo niệm ngay. Chợt vậy có nghĩa là thoạt sanh thì muôn đời khóa chặt. Nếu kềm niệm thì không rời niệm mà kềm, cho nên chính niệm đó là nghiệp nhân cho chúng ta đi trong tam đồ, nhưng nếu mình buông lơi mà theo niệm nữa thì chính cái niệm đó che đi cái chân thật của chính mình, cho nên muôn đời khóa chặt mình trong vòng sanh tử. Như vậy, buông lơi thả lỏng hay kềm kẹp đều là hai cực đoan, sai cả hai. Quý vị rời hai cực đoan đó mà tu hành thì rất là dễ tiến.
Lâu nay quý vị đã từng nghe giảng, đã từng công phu, bây giờ làm sao mình rời hai cực đoan đó đây? Nãy giờ quý vị nghe giảng biết rồi, tức là mình muốn buộc niệm cũng là thấy niệm thật, và mình thoạt vậy tình sanh cũng không rời cái thấy niệm là thật. Bây giờ muốn rời hai cực đoan đó thì chỉ cần thấy niệm là giả dối, ngay đó là liền lìa, liền lìa thì cái gì sờ sờ ra đó, đuổi không đi, dẹp không được? Khéo sống ngay đó thì mình không còn kềm hay là theo niệm nữa.
Nói như vậy thì quý vị cũng có thể hơi khó thấy, bây giờ quý thầy sẽ chỉ thẳng ngay lúc quý vị ngồi thiền. Lâu nay quý vị nghe Hòa thượng dạy là ngồi thiền biết vọng không theo, như vậy là mình cứ ngồi và vọng lên thì cứ biết. Vọng lên cứ biết có nghĩa là biết theo đuôi vọng hay là trước vọng? Theo đuôi vọng cho nên nó cứ lên thì mình cứ biết, cứ như vậy nó kéo nhau một dọc nối đuôi nhau mà chạy, chừng nào nó chạy yếu thì mình còn biết kịp chứ nó chạy mạnh quá thì thôi, mình bị kéo ào ào luôn. Như vậy lâu nay mình chưa làm chủ được là vì mình biết theo đuôi, bám theo đuôi nó cho nên nó kéo mình chạy hoài. Bây giờ chặn đầu nó là xong ngay. Chặn sao đây? Quý vị đã từng nghe Hòa thượng dạy là mình biết trước khi niệm khởi chưa? Đợi niệm khởi mới biết có nghĩa là biết theo đuôi niệm, mà biết trước khi niệm khởi thì chính cái biết đó, vừa biết được thì bao nhiêu cái vọng khác không còn tác dụng với mình nữa. Quý vị nào khéo biết trước khi niệm khởi thì mình tu hành sẽ rất dễ. Vậy trước khi niệm khởi là chỗ nào? Có niệm mới nói là có trước có sau, bây giờ chưa khởi thì lấy gì nói là trước? Thí dụ đã khởi lên rồi thì mình cũng là theo đuôi rồi, làm sao trước? Quý vị để ý, khi một niệm khởi lên, mình biết nó là giả thì nó lặng xuống, như vậy mình có cần can thiệp nó là thiện hay ác nữa không? Nó là giả, mình đã biết là giả, lặng rồi thì mình không còn can thiệp trên nó nữa. Ngay chỗ nó lặng mà niệm sau chưa sanh thì chỗ đó có phải là chỗ trước khi khởi niệm của niệm sau không? Như vậy mình không cần quan trọng niệm trước là gì, tại nó lặng thì thôi, mà niệm sau chưa sanh mình cũng không cần để ý niệm sau là gì nữa, thì ngay khi niệm trước vừa lặng mà nhận ngay đó thì chính là chỗ trước khi khởi niệm của niệm sau. Nhưng đó cũng là phân ra để quý vị thấy vậy thôi, chứ còn trên niệm để nói trước và sau thì thực tế cái đó cũng chưa rời niệm mà nói. Nhưng đây là một cách chỉ để quý vị khéo nhận, nếu quý vị nào ngồi thiền kinh nghiệm khi niệm trước vừa diệt mà niệm sau chưa sanh, quý vị khéo sống ngay đó là bảo đảm bao nhiêu vọng khác lên mình thấy rõ ràng, không cần phải xua đuổi hay bị nó lôi đi.
Bây giờ, khi niệm khởi mình soi trở lại, biết là vọng, là giả thì nó liền mất bóng, nhưng khi niệm trước đó vừa diệt mà niệm sau chưa sanh thì khoảng đó có hình tướng gì không? Có niệm là có tướng của niệm, biết nó, nó lặng rồi mà niệm sau chưa khởi thì khoảng đó là lặng lẽ, không có tướng của một niệm nào, ngay đó là mình đã đưa chúng sanh tâm vào trong vô dư y Niết bàn, có nghĩa là vô sanh rồi. Tức là ngay chỗ vọng trước vừa diệt mà vọng sau chưa sanh thì ngay đó là không có hình tướng mà lặng lẽ, là đưa niệm vào vô sanh. Nhưng ngay chỗ đó có phải là không có gì không? Không có là không có tướng của niệm thôi, nhưng mình vẫn biết chứ đâu phải là không biết, thì cái biết đó là kho báu của mình chứ sao nói là không có được.
Bây giờ, khi niệm trước vừa diệt mà niệm sau chưa sanh thì ngay đó, đừng nên tác ý nữa là không có gì để trụ cả. Mình phải khéo chỗ này, nếu có tác ý là vụng về liền. Trụ là có chỗ để trụ, mà không chỗ trụ nghĩa là chúng ta không kẹt vào có. Tuy rằng chỗ không trụ đó không có tướng trạng gì nhưng ngay đó mình vẫn hằng giác biết thì tâm thể hiện tiền nên không phải không ngơ, vậy mình cũng không kẹt vào không. Không kẹt vào có, không kẹt vào không thì ngay đó là rõ ràng thường biết. Nếu quý vị nào khéo sống ngay thể rõ ràng thường biết đó một cách thuần rồi thì bao nhiêu cảnh bên ngoài cũng vô tác dụng đối với chỗ đó. Cái đó mới là cái có thể cứu khổ cho mình được chứ ngoài ra không có cái gì khác có thể cứu được cả. Nếu quý vị ngồi thiền, khéo dụng công được như vậy là chúng ta đã bằng cái vô sanh để mà tu hành, nhân vô sanh mới đạt đến quả vô sanh được. Còn chúng ta tu phát tâm cầu thành Phật, nhưng bằng tâm sanh diệt để tu thì tâm sanh diệt có thể nào cầu được quả vô sanh không?
Chính vì vậy, trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật nói: “Bằng nhân vô sanh mới có thể tu được quả vô sanh, còn nếu dùng tâm sanh diệt cầu quả vô sanh thì đó là nghịch lý”. Ngài Nam Tuyền nói: “Rõ được bản tâm thì gọi là tu hành”. Muốn biết nghĩa tu hành chân thật thì cứ rõ được bản tâm thì chính đó là tu hành chứ không phải làm thêm gì cả. Tại vì bao nhiêu công phu tu hành của mình cũng chỉ cốt nhận lại bản tâm đó thôi phải không? Nhưng nếu dừng ngay đó thì cũng là người mê nói trong mê như thường, chúng ta chưa thấy hết câu của Ngài Nam Tuyền là một bậc giác ngộ nói “Rõ được bản tâm thì gọi là tu hành”. Chúng ta cứ nghĩ rằng tại vì mình tu hành là muốn trở về bản tâm cho nên rõ được bản tâm gọi là tu hành, nhưng đó vẫn là dùng tâm sanh diệt để thấy cái lời của người không sanh diệt nói về cái chuyện vô sanh cho mình nghe. Quý vị thấy, khi nằm ngủ thì trong mơ mình cũng có thể thấy mình làm thiện làm ác khổ vui đủ thứ phải không? Nhưng khi tỉnh ra rồi thì bao nhiêu chuyện trong mộng không còn có nghĩa lý gì nữa. Cũng vậy, tất cả chúng ta đang sống trong mê có nghĩa là chúng ta đang mộng một giấc mộng dài, làm bao nhiêu chuyện lăng xăng trong đó thì cũng là tạo tác trong mộng. Cho nên tuy nói là tu hành nhưng cũng nói tạm cho những người đang làm vậy thôi, chứ thật tình mà nói thì vẫn là tạo tác trong mộng, chưa thật gọi là tu hành. Chỉ có ai rõ được bản tâm, tức là giác rồi mới thấy rõ nó là tạo tác trong mộng, thì chính đó là tu hành, còn chúng ta chưa giác, chưa rõ được bản tâm thì vẫn chấp công phu như thường, dù ngồi thiền cũng là trong mộng tạo tác, chưa gọi là tu hành. Nhưng nếu nói thiệt như vậy thì người còn mê làm sao họ tu đây? Phá sạch sẽ hết trơn thì họ nói là khó quá, cuối cùng buông luôn thôi không tu nữa là kể như phàm phu chay, muốn làm gì thì làm, tạo nghiệp thoải mái. Vì vậy, đang còn mê thì phải có người dắt dẫn, cho nên trong Kinh Pháp Hoa, Phật nói dùng bao nhiêu phương tiện chỉ để dẫn dụ trở về chỗ chân thật. Trong khi chúng ta còn mê chưa biết thì học pháp là nương phương tiện để trở về chứ đừng nên chấp trên công phu đó làm thật. Chỉ cần có một cái nhìn đúng như vậy thì bảo đảm trong khi tu hành mình sẽ không bị lạc. Thường thường, cái lạc thấp nhất là khi ngồi thiền lâu, mình sẽ chấp là mình hơn người khác, vậy có phải là kẹt trên tướng mà quên tâm không? Đó là cái lạc bình thường. Cái lạc tiếp theo là bao nhiêu cảnh khởi lên trong khi công phu, mình bám theo cảnh đó cho là mình thì cũng là lạc luôn. Như vậy, cho một cái bên ngoài là mình thì trôi lạc không ai cứu được. Chỉ cần rõ rằng trong khi còn mê thì tạm nương phương tiện để trở về, mà tu hành đúng nghĩa là chỉ rõ được bản tâm chứ không làm gì khác. Như vậy, bao nhiêu cái có ra trong khi công phu có đáng để mình chấp không? Không đáng thì bệnh nào mà có? Không có bệnh cũng có nghĩa là chúng ta đã dọn dẹp đường đi rất sạch và mình đến nhà một cách dễ dàng. Giờ hỏi thiệt quý vị, dễ hay khó? Nói hết lời mà khó vẫn khó, nhưng thực sự thì công nhận cũng không phải là dễ, nếu dễ thì quý Thầy chắc cũng không ở chùa cả đời làm gì. Nhưng nói khó thì cũng không phải, nó đâu phải cái bên ngoài đâu mà khó. Đã chỉ rõ ràng thì cũng không phải là khó. Cho nên, khó hay dễ là quyền của mỗi người có dám đặt chân lên để đi hay không thôi, chứ đừng nên nghĩ rằng khó mà không dám làm. Bây giờ chỉ cần quý vị tin tưởng rằng nơi mình có và mình có khả năng làm được thì hễ có bước là có tới, đừng mong rằng làm là được liền. Nếu quý vị mong làm được liền mà không được thì nản và bỏ. Cho nên chỉ cần tin tưởng như vậy thì mới làm mạnh được, còn nếu vẫn thấy khó thì thôi để phần quý Thầy đi cho rồi, mình về nhà sống sao tùy ý, như vậy thì đúng là quý Thầy có phần chứ quý vị có phần nào đâu.
Chính vì vậy, Thiền sư Đại Điên nói: “Chỉ cần trừ sạch hết các vọng niệm, kiến giải thì ngay đó là chân tâm của ông. Cái tâm này là lúc cùng với trần cảnh và lúc giữ cho yên tĩnh thì hoàn toàn không có chút gì dính dáng”. Ngài nói chỉ cần sạch hết các vọng niệm kiến giải thì ngay đó là chân tâm của ông, rồi Ngài khẳng định một lần nữa, cái tâm đó cùng với lúc tiếp xúc với trần cảnh và lúc giữ cho yên tĩnh thì hoàn toàn không dính dáng. Tại sao? Tức là chỉ cần dẹp trừ vọng niệm và kiến giải thì thể đó hiện ra, còn trên cảnh mà biện thì cũng không rời cảnh, mà kềm kẹp thì cũng không rời cái niệm mà kềm. Cho nên Ngài Bá Trượng nói: “Chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật”, tức là ngay khi mình lìa vọng duyên thì sẵn đó chính là tâm của ông, tâm này nếu trên cảnh mà biện cũng không dính dáng và kềm cho nó thanh tịnh cũng không dính dáng, mà không dính dáng có nghĩa là không thật. Biết rõ cái kềm đó không phải thật là tâm mình thì không cần phải kềm làm gì cho mệt, chỉ lìa vọng thì liền đó là chơn, không thêm nữa. Cho nên các Thiền sư nói: “Chỉ lìa phàm tình chứ không cần cầu một Thánh giải nào khác”, cầu thánh giải thì vô tình cái giải đó cũng là một cái đối tượng thứ hai rồi, vọng kia là sắt thì vọng này là vàng phải không? Mà vàng thì buộc chặt hơn sắt thôi chứ nó không phải là ngọc thật nơi mình, quan trọng vẫn là nhận lại ngọc thật nơi mình. Ngài nói tiếp: “Chính tâm này là Phật, chẳng đợi tu sửa”. Tại sao không đợi tu sửa? Mình muốn trở về nhận được là phải tu, phải ngồi thiền nhiều, nhưng tại sao Ngài nói chính tâm này là Phật không đợi tu sửa? Nếu không đợi tu sửa thì mình không cần tu sao? Không đợi tu sửa có nghĩa là nó vốn sẵn và vốn thanh tịnh sáng suốt, chứ không phải mình sửa cho nó thanh tịnh và sửa cho nó sáng suốt, tu có nghĩa là dẹp cái vọng niệm thì chân tâm hiện ra chứ không phải sửa cái chân tâm đó. Cũng giống như Hòa thượng thường dạy: “Mình lau bụi chứ không phải lau kiếng, kiếng là vốn sáng mà bụi là che lấp”. Ngày hôm nay tu có nghĩa là lau bụi, còn kiếng vốn là sáng chứ không phải mình làm cho nó sáng, cho nên tâm này không đợi tu sửa. Ngài nói tiếp: “Sao vậy? Vì nó là ứng cơ tùy chiếu, rõ ràng tự dụng, cùng tột chỗ ứng dụng của nó bất khả đắc cho nên gọi là diệu dụng, không nên khinh thường”, tức là ứng cơ thì tùy chiếu mà rõ ràng tự dụng giống như là gương soi vật, gương không cố ý soi cảnh và cảnh cũng không dính vào gương. Và cùng tột chỗ dụng thì ứng dụng của nó trọn bất khả đắc cho nên gọi là diệu dụng. Tại sao trọn bất khả đắc gọi là diệu dụng? Có chỗ được là có một cái bên ngoài thì dụng đó không phải là diệu rồi, nhưng tùy cơ chiếu mà trọn không thể được, có nghĩa là không có một cái tác ý trên cảnh cho nên nó là diệu dụng, chính cái diệu đó mới đủ lớn và trùm được, còn có tác ý là bị hạn hẹp ngay. Cho nên Ngài nói việc này không nên khinh thường, đây là một món quý, hễ ai biết và rõ rồi thì phải nên trở về nhận cho được chứ không nên khinh thường.
Ngài Ốc Sơn Chủ lúc cưỡi ngựa qua cầu trượt chân té thì ngộ đạo và Ngài có làm bài kệ:
Ngã hữu minh châu nhất hỏa
Cửu bị trần lao quang tỏa
Kim triêu trần tận quang sanh
Chiếu phá sơn hạ vạn đóa.
Tức là:
Ta có một viên minh châu
Đã lâu bị bụi vùi sâu
Hôm nay bụi sạch sáng chiếu
Soi thấu núi sông muôn vật.
Hễ trần mà tận thì quang sanh, bụi hết thì gương sáng, châu hiện chứ không phải sửa gì cho hạt châu cả. Mới thấy rõ rằng cái châu báu ấy vốn là nơi chính mình, chỉ cần không theo vọng tưởng và phàm tình thì hiện chứ không cần đi tìm châu báu nào bên ngoài lắp vô cho mình. Nhưng tuy biết nó là vốn sẵn nơi mỗi người nhưng nếu quý vị để tự nhiên thì nó có hiện được không hay là mình cần phải tu tập? Nếu để tự nhiên như vậy thì tất cả phàm phu là Phật hết rồi phải không? Nhưng nói tu để cho chân tâm sáng thì cũng sai luôn, cho nên tạm thời dẹp bụi thì mới thấy cái sáng của gương.
Có vị tăng đến hỏi Thiền sư Trí Cự hiệu là Khương Huệ ở Tào Sơn, Phủ Châu: Ôm ngọc đến Thầy thì thế nào?
Sư bảo: Chẳng phải là của báu nhà mình.
Ôm ngọc đến Thầy thì viên ngọc đó cũng là cái bên ngoài để ông ôm chứ không phải ngọc của ông, mà ông có ôm được ngọc của ông đến cho tôi đi nữa thì viên ngọc đó cũng không phải là ngọc thiệt của tôi, cho nên Ngài nói chẳng phải của báu nhà mình.
Tăng hỏi tiếp: Thế nào là của báu nhà mình?
Sư bảo: Chẳng mài dũa chẳng thành đồ dùng.
Tuy là sẵn nhưng nếu chúng ta không khéo tu tập, không khéo nhận lại thì mình vẫn là nghèo như thường, cụ thể là ngày hôm nay, quý vị vẫn biết có kho báu mà vẫn còn nghèo và muốn đi xin thêm nữa đây. Cho nên điều quan trọng là muốn giàu thì mỗi người cần phải có thời gian tu tập thôi chứ không có cách nào hơn nữa. Đã biết rõ nơi mỗi người có sẵn một hạt châu và biết đường về thì chỉ có mình tự đi và nhận lại thôi. Nếu ai khéo nhận lại thì sẽ giàu có vô kể, mặc tình sử dụng tự do. Nhưng nhớ nhận lại là nhận lại cái có sẵn nơi mình chứ không phải là nhận một cái gì bên ngoài, tất cả cái gì hễ có được là có mất.
Trong nhà thiền có câu chuyện: Có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Tịnh Niệm: “Có hai con rồng cùng giành nhau một hạt châu. Vậy thì con nào được?”. Quý vị thấy người ta hay vẽ tranh Lưỡng long tranh châu, hai con rồng giành nhau một hạt châu thì con nào được? Thông thường nếu không khéo thì trả lời con nào mạnh thì được phải không? Nhưng trả lời như vậy thì chỉ là hạt châu của con rồng chứ không phải là hạt châu của mình rồi.
Cho nên thiền sư Tịnh Niệm chỉ thẳng: “Con được là mất”. Tại sao con được là mất? Tại vì hạt châu thật thì chính nơi mình hay là bên ngoài? Nơi mình thì nói gì là được, được là được cái bên ngoài phải không? Hạt châu thật nơi mình thì không nói là được, có được đó là hạt châu bên ngoài mà bỏ quên mất hạt châu nơi chính mình rồi.
Tuy vậy ông Tăng vẫn chưa nhận, còn hỏi tiếp: “Vậy con chẳng được thì thế nào?” Cũng còn muốn được nữa à? Cho nên nói cái gì cũng không rời cái được đó. Bây giờ quý vị thấy, nếu là hạt châu thật nơi mình thì không phải là được, mà được là cái bên ngoài, cho nên Ngài nói con được là mất, có nghĩa là theo cái bên ngoài thì che mất hạt châu nơi mình, con rồng mà được hạt châu là con đó mất rồi, vì nó lấy hạt châu bên ngoài mà quên hạt châu của nó, mà châu bên ngoài là giả, châu của nó mới thật, cho nên hạt châu giả Ngài không bàn tới. Đã chỉ thẳng như vậy mà ông tăng vẫn còn hỏi: “Vậy con chẳng được thì thế nào?”, được đã lầm mà không được thì cũng không lìa cái được để nói luôn. Cái được là một mặt của cái không được và cái không được cũng là mặt khác của cái được. Như vậy hỏi “chẳng được là thế nào” cũng là hỏi hạt châu bên ngoài luôn.
Cho nên Ngài Tịnh Niệm chí thiết chỉ thêm một lần nữa: “Vậy chứ hạt châu ở chỗ nào?”. Nói được và chẳng được thì vẫn chưa rời hạt châu bên ngoài mà nói, vì có khái niệm là có một hạt châu bên ngoài cho nên mới nghĩ là được và chẳng được. Bây giờ muốn phá mê thì chỉ cần xác định được hạt châu chân thật ở chỗ nào thì hết mê liền. Quý vị biết hạt châu chân thật ở chỗ nào? Nơi mình phải không? Nơi mình thì có nói được và không được không? Không còn nói được và không được nữa thì đã rõ ràng hạt châu đó nơi chính mình rồi. Nếu đã thấy được là mất vì cái được đó thuộc về cái bên ngoài, còn nếu chẳng được thì sẵn nơi mình đó, còn hỏi gì chỗ nữa. Đây là một ý rất sâu. Có một chỗ được thì nó là cái bên ngoài, là đối tượng rồi, không phải thật là mình nữa. Hễ mình thấy được là còn có niệm hướng ra bên ngoài để tìm cái được đó, nếu sẵn nơi mình thì có còn được mất nữa không? Không còn nói tới được và mất nữa, còn thấy có chỗ thì chúng ta cũng mắc kẹt luôn.
Nãy giờ nghe giảng thì quý vị đã rõ được cái hạt châu nơi chính mỗi người chưa? Rõ được hạt châu nơi mình thì không còn bị cảnh trần chi phối nữa. Do vậy mà không còn lạ gì các Thiền sư đã tự tại được trong sanh tử, đó là vì quý Ngài không bị cảnh trần này làm ngại cho nên mới tự tại được. Cái sanh diệt không còn tác dụng đối với người nhận ra hạt châu nơi chính mình thì đã tự tại chưa? Tự tại có nghĩa là nghĩa ngược của ngăn ngại, ngăn ngại vì mình thấy nó thật nên bị nó làm chướng, còn rõ nó là giả, nhận lại kho báu nơi mình thì cái bên ngoài không còn tác dụng với mình nữa, mà không còn tác dụng thì cái đó còn cản trở mình không? Không còn cản trở thì mình rất là nhẹ nhàng, thong dong, tự tại. Nếu quý vị sống được thì ngay hiện đời này mình cũng sống an lạc, không cần rời thế gian này để tìm Niết Bàn nữa.
Quý vị biết, Hòa thượng Đại Giác Liễn là một vị thiền sư nổi tiếng và rất giỏi nên vua Đường mời Ngài về trong cung, cất một ngôi chùa và mời Ngài làm quốc sư. Nhưng Ngài vốn là người tu hành cho nên không thích ở lâu trong hoàng cung, bởi vậy mà Ngài cứ chờ lớn tuổi và lấy lý do đó xin về núi để dưỡng già. Qua quá trình tu tập và được thiền sư chỉ dạy thì vua cũng hiểu đạo lý, cho nên khi Ngài xin trở về núi dưỡng già thì vua hỏi một câu: “Núi xanh là thể như như của Bát Nhã thì quốc sư đi về chỗ nào?”. Tại sao thể như như? Tâm lặng thì cảnh như phải không? Nếu nói tột thì núi xanh vốn là thể như như của Bát Nhã, trong thể đó đâu có đến đi thì Ngài đi về chỗ nào? Quý vị trả lời sao? Nếu quý vị nào đã rõ được thể kia mà không trả lời được câu này thì mình vẫn còn ngại như thường, nếu muốn phá cái ngại này thì có lẽ để bữa khác, giờ chỉ nói sơ cho quý vị thấy. Theo cái sanh diệt là mình bị khổ, nhưng trở về mà vụng về một chút thì mình cũng còn bị làm ngại như thường, cho nên cái chỗ vô tâm gọi là đạo và vô tâm chưa phải là đạo cũng là chỗ này. Bây giờ quý vị cứ trở về trước đi, rồi chừng nào về cho quý thầy hay rồi nói tiếp, còn chưa về mà nói thì sớm quá phải không? Chỉ nói sơ như vậy để quý vị có một niềm tin. Trở lại câu chuyện của Thiền sư Đại Giác Liễn. Ngài trả lời vua bằng một bài kệ khá dài, nhưng trong đó có hai câu trọng tâm:
Quân vương huống nữa như trời rộng
Mảnh mây xin để tự tại bay.
Tuy rằng nói núi xanh là thể như như, trong thể đó không có đến đi, nhưng hôm nay về núi dưỡng già là cái mảnh mây này đi này, cái mảnh mây này có nghĩa là cái thân sanh diệt đang còn đây. Nếu đã rõ được thể kia thì cái này còn ngại không? Không còn ngại thì mình hủy nó hay là để lại nó? Nói hủy hay để cũng chưa rời cái này để nói, cũng là trên mê mà nói, còn nếu đã nhận được thể đó rồi thì không còn nói hủy hay để nữa. Nó chỉ là một mảnh mây trong bầu trời trong thì bay lại có ngại gì không? Xin về dưỡng già có nghĩa là mảnh mây này bay đến đó không có gì ngại cả. Quý vị thấy, mới đầu tưởng như ông vua thấy đạo thiệt nhưng cuối cùng ông vẫn còn kẹt và thiền sư là người thông. Kẹt trên chỗ vô sanh đó mà chưa chuyển được, còn Ngài từ chỗ vô sanh đó đi lên, cho nên minh quân giống như bầu trời rộng, thấy được cái thể như như của Bát Nhã không đến đi đó thì đi hay đến là mảnh mây này đi đến không có gì ngại cả. Chính vì vậy mà vua cho Ngài về. Đó là nói sơ một chút để rồi sau này quý vị biết thêm. Còn bây giờ cứ trở về trước, chứ chưa về mà nói ra thì vội quá, làm mất gốc ngay phải không? Cái phụ, cái giả nó chỉ đúng nghĩa khi chúng ta nhận được cái thật và cái chính. Nếu cái thật và cái chính chưa nhận ra thì cái giả cũng trở thành cái chính và chúng ta lầm cái đó làm chính mình như thường.
Chính vì vậy Thiền sư Tùng Diễn Đâu Suất nói: “Tuy nhiên như vậy nhưng mang cày vác bừa phải là con trâu trắng ở núi Tuyết mới được”, có nghĩa là phải một lần lọc thì trong đó sống dậy mới được, còn trên niệm phàm tình mà cho là giống thiền sư thì thiền sư giải thoát sanh tử mà chúng ta là bị sanh tử trói. Nhận lại kho báu của mình, đó là giàu có vô kể, mặc tình thọ dụng, không bị nghèo nàn đói khát, không bị khổ trong sanh tử nữa. Mỗi người chúng ta hôm nay muốn giàu có và không còn nghèo khổ nữa thì không gì hơn là phải tự nhận lại kho báu nơi mỗi người. Như vậy quý vị thấy đã đủ chưa? Nếu chưa đủ thì tại sao? Còn về nhà ngồi thiền nữa. Chúng tôi tin rằng quý vị đã biết rồi thì mình sẽ đủ niềm tin và dụng công, chắc chắn có ngày mình sẽ nhận được kho báu đó và giàu có vô kể.
Các bài mới
- Để có một tinh thần tích cực đúng nghĩa - 02/11/2015
- Kiến Phật liễu sanh tử - 30/07/2015
- Dụng Tâm TuThiền - 06/07/2015
- Trăng thu - 04/07/2015
- Mây và trăng - 03/07/2015
Các bài đã đăng
- Thưa hỏi Thiền ( Phần 3) - 03/06/2015
- Dụng thẳng tâm thiền - 02/12/2014
- Trả lời câu hỏi cuộc đời - 06/11/2013
- Đức tính khiêm hòa - 30/09/2013
- Chớ để thời gian qua suông - 08/08/2013
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 08975
- Online: 37