Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 3: Phẩm Ai Thán
09/04/2024 | Lượt xem: 767
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
PHẨM AI THÁN
Ông Thuần-đà ra đi không bao lâu, khắp cả đại địa nhẫn đến trời Phạm thiên bỗng chấn động sáu cách. Phàm địa động có hai: đại động và tiểu động. Có tiếng nhỏ, chỉ riêng nơi mặt đất chấn động, chỉ động một chiều, đây là tiểu địa động. Có tiếng lớn, cả đất liền cùng núi biển, sông rạch, cây cối đều động, động xoay nhiều chiều, lúc động có thể làm động cả tâm của chúng sanh, đây là đại địa động. Đức Phật ra đời có những lần đại địa động: Từ cung trời Đâu-suất giáng thần xuống nhân gian, sơ sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết-bàn. Giờ đây Như Lai sắp nhập Niết-bàn nên có điềm đại địa động như vậy
Khi Phật sắp Niết-bàn có địa động. Địa động có hai loại: tiểu động và đại động. Tiểu động là động nhỏ, đại động là động lớn, động hết núi sông cả đến tâm người cũng bị động. Phật khi giáng sanh, khi thành đạo,khi nhập Niết-bàn thường có địa động. Chúng ta thấy Phật và thế giới có liên hệ, mỗi hành động của Phật ảnh hưởng cả thế giới bên ngoài.
Thiên long bát bộ cả mình rởn ốc, đồng thanh buồn khóc mà nói kệ rằng:
Cúi đầu lạy Thế Tôn
Chúng con đồng khuyến thỉnh,
Chúng con mà xa Phật
Thời không ai cứu hộ.
Đức Phật nhập Niết-bàn
Chúng con chìm biển khổ
Khác nào nghé mất mẹ
Sầu lo rất buồn khổ.
Nghèo cùng không ai giúp
Cũng như người bệnh ngặt
Không lương y săn sóc
Tự ý ăn uống lầm,
Chúng sanh bệnh phiền não
Thường bị kiến chấp hại
Xa lìa đấng y vương
Uống ăn thuốc tà độc.
Ngửa mong Phật Thế Tôn
Chớ bỏ rơi chúng con.
Ví như mặt trời mọc,
Quang minh rất sáng chói
Đã có thể tự soi
Cũng trừ tất cả tối,
Phật phóng thần thông quang
Trừ khổ não chúng sanh
Ở giữa các chúng hội
Ví như núi Tu-di.
Chư thiên long bát bộ thấy địa động thì cả mình đều rởn ốc, than buồn nói kệ. Đại ý bài kệ là lạy cầu xin Phật thương chúng sanh đừng nhập Niết-bàn. Tại sao? Vì Phật nhập Niết-bàn thì chúng sanh như nghé con mất mẹ, không còn chỗ tựa nương rất đau khổ, như người nghèo không ai giúp, như người bệnh ngặt mà không có thầy; cầu mong Phật thương xót ở lại trừ khổ não cho tất cả chúng sanh. Các ngài do biện tài vô ngại dùng các ví dụ để dẫn rõ, nếu Phật nhập Niết-bàn thì họ sẽ đau khổ.
Bạch Thế Tôn! Ví như quốc vương sanh các vương tử diện mạo xinh đẹp, vua rất yêu mến dạy cho rành nghề văn nghiệp võ rồi sai người đem giết. Ngày nay chúng con là con của Phật, nhờ Phật dạy dỗ có đủ chánh kiến, xin chớ bỏ con. Nếu bỏ chúng con thời chúng con khác nào các vương tử kia. Ngửa mong đức Phật ở luôn nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người học giỏi nơi các bộ luận rồi lại sanh lòng sợ đối với các bộ luận ấy, cũng thế đức Như Lai thông đạt các pháp mà lại sợ các pháp. Nếu được đức Như Lai ở luôn nơi đời giảng pháp cam lồ cho chúng sanh được thấm nhuần đầy đủ, thời các chúng sanh đây chẳng còn lại sợ phải bị sa vào địa ngục.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người mới vừa học làm nghề, kế bị quan bắt giam vào ngục, có hỏi thăm hiện tại thế nào? Người ấy tất đáp: Nay tôi rất buồn khổ. Nếu người ấy được thả, thời được an vui. Cũng thế, đức Thế Tôn vì chúng con mà tu các khổ hạnh, hiện nay chúng con chưa được thoát khỏi sanh tử, thế sao đức Như Lai đặng thọ hưởng an vui.
Bạch Thế Tôn! Ví như y vương hiểu rành các phương thuốc, đem phương bí truyền dạy riêng cho con mình, mà không dạy cho các trò khác. Cũng thế, đức Như Lai đem tạng pháp thậm thâm bí mật dạy riêng cho Văn-thù-sư-lợi, mà chẳng thương chẳng dạy cho chúng con. Như ông thầy thuốc kia vì lòng còn riêng tư thân sơ, nên sự dạy không bình đẳng rộng rãi, chỉ dạy riêng cho con mình môn bí phương, mà không truyền cho các trò khác. Đức Như Lai trọn không có lòng thân sơ tư vị, tại sao chẳng dạy dỗ chúng con. Ngửa mong đức Phật ở lâu nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.
Bạch đức Thế Tôn! Ví như những người già trẻ bệnh khổ đi nơi đường hiểm rất khốn khó gian lao, có bậc dị nhân thấy vậy xót thương bèn chỉ cho con đường tốt bằng thẳng. Chúng con cũng như vậy. Người trẻ dụ cho những kẻ chưa tăng trưởng pháp thân, người già dụ cho những kẻ nặng phiền não, bệnh khổ dụ cho sanh tử, đường hiểm nạn dụ cho tam giới. Cúi xin đức Như Lai chỉ dẫn con đường chân chánh giải thoát cho chúng con, ở lâu nơi đời, chớ nhập Niết-bàn.”
Ví dụ thứ nhất, như vị quốc vương sanh được vương tử có diện mạo tốt đẹp, dạy văn dạy võ rồi đem đi giết. Vậy có đau khổ không? Phật dạy cho chúng Tỳ-kheo được đầy đủ chánh kiến, được hiểu đạo lý mà chưa hoàn toàn giải thoát đã bỏ đi, chẳng khác nào vương tử kia bị giết vậy.
Ví dụ thứ hai, có người học thông hết các bộ luận rồi sợ các bộ luận đó, như Phật thông đạt các pháp rồi sợ các pháp mà nhập Niết-bàn.
Ví dụ thứ ba, như người học nghề vừa thành tài bị bắt thì người đó thật là đau khổ. Phật tu hành khổ hạnh được đạo, dạy dỗ chúng sanh, mà dạy dỗ chưa xong liền nhập Niết-bàn, như người học thành tài liền bị ở tù không được lợi ích gì.
Ví dụ thứ tư, như ông thầy giỏi rành các phương thuốc hay, nhưng có một phương bí truyền chỉ dạy riêng cho người đệ tử ruột. Phật cũng vậy, có phương bí truyền chỉ nói riêng cho ngài Văn-thù, còn chúng con là Tỳ-kheo, là Thanh văn thì không được chỉ dạy. Nay Phật bỏ đi như vậy xem như Phật có thân sơ tư vị. Nay mong ngài ở lại dạy chúng con như ngài Văn-thù rồi hãy đi.
Ví dụ nữa, như người già trẻ bệnh khổ đi trên đường hiểm rất khốn khó gian lao, có một dị nhân thấy vậy thương xót, chỉ cho con đường tốt bằng phẳng, nhưng người ta đi chưa đến nơi đến chốn, bậc dị nhân đã bỏ đi. Phật cũng vậy, trong con đường hiểm sanh tử, chúng con chưa ra khỏi mà Phật đã bỏ đi, không dẫn cho đến nơi đến chốn, yêu cầu Phật thương xót mà ở lại thêm.
Đó là những lời than thở, cầu xin Phật trụ lại thêm để giáo hóa cho các ngài.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Các thầy đừng ưu sầu khóc kể như hàng trời người phàm phu kia. Các thầy phải siêng năng tinh tấn giữ vững chánh niệm.”
Nghe đức Phật phán như vậy, hàng trời người bát bộ liền nín khóc.
Đức Thế Tôn vì đại chúng mà nói kệ rằng:
Đại chúng phải sáng suốt
Chẳng nên quá sầu khổ,
Chư Phật đều vậy cả
Vì thế nên im lặng,
Thích nơi hạnh tinh tấn
Gìn lòng giữ chánh niệm
Xa lìa các điều quấy
Hớn hở được an vui.
Đến đây thấy các Tỳ-kheo khổ sở quá nên Phật mới khuyên các vị đừng ưu sầu khóc kể như hàng trời người phàm phu kia. Chư Phật đều như vậy cả, không chỉ riêng ngài. Các ông không nên sầu khổ mà phải cố gắng tinh tấn tu hành, giữ được chánh niệm, xa lìa lỗi ác thì sẽ được an vui.
Lại này các thầy Tỳ-kheo! Nếu có chỗ nào nghi ngờ đều phải bạch hỏi. Ở trong những pháp không bất không, thường vô thường, khổ phi khổ, y phi y, khứ bất khứ, quy phi quy, hằng phi hằng, đoạn phi đoạn, chúng sanh phi chúng sanh, hữu vô hữu, thật bất thật, chân bất chân, diệt bất diệt, mật bất mật, nhị bất nhị v.v... nếu còn nghi ngờ nay nên bạch hỏi, Như Lai sẽ giải quyết cho. Như Lai trước nói pháp cam lộ cho các thầy rồi, sau mới nhập Niết-bàn.
Này các thầy Tỳ-kheo! Phật ra đời là khó, thân người khó được, gặp Phật sanh tín tâm, việc đây cũng khó, nhẫn sự khó nhẫn lại là khó hơn, đầy đủ giới hạnh chứng quả A-la-hán cũng là việc khó. Như tìm cát vàng cùng hoa ưu-đàm-bát-la.
Các thầy khỏi bát nạn được thân người là sự khó, nay gặp Như Lai chẳng nên để luống uổng. Ngày xưa, Như Lai tu nhiều hạnh khổ, nay được phương tiện vô thượng như thế. Trong vô lượng kiếp vì các thầy mà xả thí thân thịt, tay chân, đầu mắt, tủy não. Vì thế các thầy chẳng nên phóng dật.
Phật nói, nếu các ông còn có nghi nào trong các pháp tương đối thì cứ hỏi, Như Lai sẽ giải quyết cho. Như Lai sẽ nói pháp cam lồ cho các thầy rồi mới nhập Niết-bàn.
Phật khuyên, tất cả đã có được các sự khó được, nên gắng gỏi tu hành. Những cái khó được là gì? Gặp Phật ra đời khó, được thân người khó, gặp Phật sanh tín tâm khó, nhẫn được việc khó nhẫn là khó, đầy đủ hạnh chứng A-la-hán là khó. Những cái khó đó các thầy đã được, phải nỗ lực để tiến hơn. Những cái khó này, chúng ta qua được cái nào? Phật thì mình không gặp. Thân người mình được là khó, có lòng tin Phật pháp cũng là khó. Vậy mình đã được qua hai cái khó này, còn nhẫn những việc khó nhẫn thì chưa, giới hạnh đầy đủ chứng A-la-hán thì cũng còn xa.
Phật nói, các thầy đã có thân người, thoát khỏi bát nạn, gặp Phật là chuyện hy hữu, như vậy phải ráng mà nỗ lực tu hành. Ngày xưa Như Lai tu nhiều hạnh khổ, nay được phương tiện vô thượng như thế. Trong vô lượng kiếp vì các thầy mà xả thí thân thịt, tay chân, đầu mắt, tủy não. Vì thế các thầy chẳng nên phóng dật buông lung, phải cố gắng tu hành.
Này các thầy Tỳ-kheo! Thành báu chánh pháp trang nghiêm, đầy đủ các thứ công đức trân bảo, giới định và trí huệ làm tường thành và hào thành. Nay các thầy gặp được thành báu Phật pháp, chẳng nên lượm lấy những vật hư ngụy. Ví như nhà thương mãi gặp thành chân bảo, lượm lấy ngói sạn rồi trở về nhà. Các thầy chớ để tâm hạ liệt, cam đủ nơi chút ít pháp mọn. Các thầy dầu xuất gia mà không hâm mộ pháp Đại thừa. Thân các thầy dầu được đắp ca-sa mà tâm chưa được nhuộm pháp Đại thừa thanh tịnh. Các thầy dầu khất thực ở nhiều nơi mà chưa từng khất thực pháp Đại thừa. Các thầy dầu cạo bỏ râu tóc mà chưa vì chánh pháp cạo sạch kiết sử.
Này các thầy Tỳ-kheo! Nay Như Lai bảo thật các thầy, hiện nay Như Lai đại chúng hòa hiệp pháp tánh chân thật chẳng điên đảo. Vì thế các thầy phải nhiếp tâm dõng mãnh tinh tấn xô dẹp các kiết sử. Khi mặt trời Phật huệ lặn mất rồi, các thầy sẽ bị vô minh trùm đậy.
Phật khuyên các Tỳ-kheo phải nỗ lực dùng giới định tuệ để tiến tu, đồng thời phải bỏ tâm hạ liệt của Nhị thừa, tiến lên pháp Đại thừa, có như vậy mới xứng đáng người xuất gia. Vì xưa xuất gia mà chưa thấm nhuần được pháp Đại thừa thì nay phải dõng mãnh tiến lên nhận pháp này. Nếu Phật nhập Niết-bàn rồi thì các ông không có duyên nào để hiểu được pháp Đại thừa.
Này các thầy! Ví như những cỏ thuốc trên mặt đất để chúng sanh dùng. Phật pháp cũng vậy, sanh ra pháp vị cam lồ diệu thiện làm thuốc hay chữa bệnh phiền não của chúng sanh. Nay Như Lai sẽ làm cho tất cả chúng sanh cùng bốn bộ chúng đều được an trụ trong tạng bí mật. Cũng như chữ Y ( ), nếu ba điểm đứng chung hàng, hoặc đứng ngay, hoặc khác nhau đều không thành chữ Y. Ba điểm phải như ba con mắt trên mặt Đại Tự Tại thiên mới thành chữ Y. Như Lai cũng thế, pháp giải thoát không phải Niết-bàn, thân Như Lai không phải Niết-bàn, Ma-ha Bát-nhã cũng không phải Niết-bàn, ba pháp đều khác nhau cũng không phải Niết-bàn. Như Lai này an trụ ba pháp ấy, vì chúng sanh mà nói là nhập Niết-bàn, như chữ Y trong đời.”
Phật ví dụ các thứ cỏ thuốc trên mặt đất là để chúng sanh dùng, Phật pháp cũng sanh ra pháp vị cam lồ diệu thiện làm thuốc hay chữa bệnh phiền não của chúng sanh.
Nay Như Lai sẽ làm cho tất cả chúng sanh cùng bốn bộ chúng đều được an trụ trong tạng bí mật. Tạng bí mật là gì? Là nhận ra được pháp thân bất sanh bất diệt của Như Lai, như chữ Y của Ấn Độ có ba chấm ( ), nếu ba chấm sắp hàng ngang không thành chữ Y, mà đứng dài ra cũng không thành chữ Y. Chữ Y này dụ cho ba pháp: Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát. Ba pháp đó không rời nhau và là đức của Niết-bàn. Lúc trước nói Niết-bàn là diệt hết, bây giờ nói Niết-bàn đầy đủ ba đức là nói ngược lại, đó là tạng bí mật.
Các Tỳ-kheo nghe đức Phật Thế Tôn nói quyết định sẽ nhập Niết-bàn, ai nấy đều lo rầu, cả mình rởn ốc, lệ tràn đầy mắt, cúi lạy chân Phật mà bạch rằng: “Đức Thế Tôn khéo dạy vô thường, khổ, không, vô ngã.
Bạch Thế Tôn! Ví như các dấu chân của muông thú, dấu chân voi là hơn cả. Vô thường quán cũng lại như vậy là pháp quán tưởng bậc nhất trong các pháp quán tưởng. Nếu ai tinh cần tu tập pháp này, thời có thể trừ tất cả sự ái nhiễm cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, trừ vô minh, kiêu mạn và vô thường tưởng. Đức Như Lai nếu đã lìa hẳn vô thường tưởng thời nay chẳng nên nhập Niết-bàn. Còn nếu chẳng lìa hẳn, cớ sao lại dạy rằng tu vô thường quán trừ được sự ái nhiễm ba cõi, vô minh, kiêu mạn và vô thường tưởng.
Các thầy Tỳ-kheo khóc lóc cầu Phật đừng vội nhập Niết-bàn mà ở lại dạy dỗ thêm, thưa rằng Phật dạy quán vô thường khổ không vô ngã, các ngài đã thực hành và đều có kết quả. Các ngài ví dụ như trong các dấu chân của muông thú thì dấu chân voi là hơn cả, trong các pháp quán tưởng thì quán tưởng vô thường là hơn cả. Tại sao? Vì do quán tưởng vô thường mà trừ được ái nhiễm của cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, trừ luôn cả vô minh và kiêu mạn. Vì vậy phương pháp quán vô thường rất hay và diệu dụng.
Bạch Thế Tôn! Ví như đế vương biết mạng sắp hết, bèn ân xá ngục tù trong thiên hạ rồi sau mới băng. Ngày nay đức Như Lai cũng nên như vậy, độ cho tất cả chúng sanh thoát khỏi lao ngục vô tri vô minh rồi sẽ nhập Niết-bàn. Hiện tại chúng con đều chưa được giải thoát, sao đức Thế Tôn lại vất bỏ mà muốn nhập Niết-bàn?
Bạch Thế Tôn! Như người say rượu mê loạn nói xàm, không còn biết thân sơ, mẹ con, chị em, nằm vùi trong phẩn nhơ, nhờ lương y cho uống thuốc, ói sạch rượu ra mới được tỉnh lại, lòng rất hổ thẹn tự răn trách lấy mình, rượu là thứ hại, là cội gốc của các tội lỗi, nếu chừa được rượu thời khỏi tội lỗi. Chúng con cũng thế, từ nhiều đời đến nay luân chuyển sanh tử, tình sắc làm say mê tham đắm trong ngũ dục, không phải mẹ tưởng là mẹ, không phải con, chị, em, mà tưởng là con, chị, em, không phải chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, vì cớ ấy nên luân chuyển chịu khổ sanh tử, như người say kia nằm trong phẩn nhơ. Nay đức Như Lai nên ban pháp dược cho chúng con uống để ói rượu độc phiền não, chúng con còn chưa được tỉnh ngộ sao đức Như Lai lại vất bỏ mà muốn nhập Niết-bàn.
Các ngài dùng ví dụ để trình bày sự đau khổ của mình. Như một vị vua biết mình sắp chết nên ân xá ngục tù; Phật cũng vậy, nếu muốn đi thì hãy độ chúng con xong rồi mới đi, tại sao chưa độ hết chúng con mà ngài dứt bỏ ra đi.
Như người say mê loạn không biết phải quấy nhơ nhớp, sau khi uống thuốc giải rượu tỉnh lại mới hổ thẹn ăn năn. Cũng vậy, các ngài than do ái nhiễm mà chìm đắm trong ngũ dục luân hồi biết bao phen; bây giờ nhờ pháp Phật dạy, nhổ bỏ được những ái nhiễm đó, nhưng chưa hoàn toàn sạch, chưa hoàn toàn tỉnh, sao Phật lại vội bỏ ra đi để vào Niết-bàn.
Bạch Thế Tôn! Không có cớ gì khen cây chuối là cứng chắc được. Chúng sanh cũng thế, không có cớ gì khen ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng, dưỡng dục, tri kiến, tác giả, thọ giả là chân thật được. Chúng con tu vô ngã quán cũng như vậy.
Bạch Thế Tôn! Vì như bã xác không còn dùng được, bông thất diệp không có mùi thơm, cũng vậy, thân thể của người không ngã không chủ. Chúng con thường tu tập pháp quán tưởng vô ngã như vậy.Như đức Phật từng dạy tất cả các pháp không ngã và không ngã sở, các Tỳ-kheo phải tu tập. Tu như đây thời trừ ngã mạn, rời ngã mạn thời chứng Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Không bao giờ có dấu chim bay nơi hư không. Người hay tu tập pháp quán vô ngã không bao giờ có các kiến chấp.”
Các Tỳ-kheo dẫn lời Phật dạy quán vô ngã, nên các ngài thấy rõ không có chúng sanh, thọ mạng, dưỡng dục, tri kiến, pháp giả, thọ giả. Bởi quán vô ngã nên xem thân này không còn gì quý, các ngài xả bỏ dễ dàng.
Phật dạy quán vô ngã vô ngã sở nên các ngài tu trừ dứt được ngã mạn, rời được ngã mạn mới có thể đến được Niết-bàn, quán vô ngã rồi thì như dấu chim bay trong hư không, không còn dấu vết gì để chấp. Các ngài trình bày sự tu hành của mình để xin Phật nán ở lại.
Đức Phật khen các Tỳ-kheo: “Lành thay! Lành thay! Các thầy khéo hay tu tập pháp quán vô ngã.”
Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chẳng những chúng con tu pháp quán vô ngã tưởng, mà chúng con cũng tu tập các pháp quán khác như: khổ, vô thường.
Bạch Thế Tôn! Như người say, tâm trí mê loạn, thấy nhà cửa cây cỏ núi sông thảy đều xoay lộn.
Người không tu các pháp quán khổ, vô thường, vô ngã thời chẳng gọi là bậc thánh, người này nhiều phóng dật trôi lăn trong vòng sanh tử. Vì thế nên chúng con khéo tu tập các pháp quán ấy.”
Phật khen các ngài đã khéo tu tập pháp quán vô ngã. Các ngài trình bày thêm, chẳng những là tu pháp quán vô ngã mà còn tu pháp quán vô thường và khổ.
Đến đoạn chót, các ngài thưa: Ví như người say, tâm trí mê loạn, thấy nhà cửa núi sông thảy đều quay loạn, người không tu các pháp quán khổ không vô thường vô ngã thì không phải là thánh, không thể nào thoát khỏi vòng sanh tử. Đây chính là cơ duyên để Phật nói ra pháp thường lạc ngã tịnh. Pháp tu của Nhị thừa là quán khổ, không, vô thường, vô ngã. Các pháp này được cho là cứu cánh, không còn pháp nào hơn.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Lóng nghe! Lóng nghe! Vừa rồi các thầy trình bày ví dụ người say đó, các thầy chỉ biết danh tự mà chưa hiểu thấu “thật nghĩa”. Thế nào là thật nghĩa? Như người say kia thấy nhà cửa núi sông vốn thật không xoay lộn, mà tưởng cho là xoay lộn. Cũng vậy, bị những phiền não vô minh trùm đậy nên chúng sanh khởi tâm điên đảo; ngã cho là vô ngã, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, lạc cho là khổ. Vì mắc phải phiền não trùm che, nên dầu nghĩ tưởng như vậy mà không thấu rõ thật nghĩa, như người say kia đối với sự không xoay lộn mà tưởng cho là xoay lộn.
Tới đây Phật không còn khen pháp quán vô thường khổ không vô ngã mà cho các pháp đó là bệnh, là điên đảo. Hiểu bốn pháp đó chỉ là hiểu trên danh tự chứ không hiểu được thật nghĩa. Cũng như người say thấy núi sông nhà cửa xoay lộn mà thật ra núi sông nhà cửa không xoay lộn. Chúng ta thấy các pháp vô thường khổ không vô ngã cũng giống như người say rượu.
Trong kinh A-hàm, Phật nói người điên đảo nên thân vô thường thấy là thường, thân vô ngã thấy là ngã, thân bất tịnh thấy là tịnh, thân không vui mà thấy là vui. Phật dạy phải quán vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Các thầy Tỳ-kheo y theo đó mà quán. Tới đây Phật lại nói, nếu thấy vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ là chưa thấy được thật nghĩa, là bệnh, là điên đảo. Như vậy, trước Phật giản trạch cái thấy điên đảo của hàng phàm phu, giờ đến cái thấy của hàng Nhị thừa.
Phật nói chúng sanh bị phiền não vô minh trùm đậy nên ở trong điên đảo. Thật tánh ngay nơi mình là ngã mà không thấy được, chỉ biết vô ngã, đó là tâm điên đảo. Pháp thân chân thường mà cho là vô thường. Pháp thân thanh tịnh mà tưởng cho là bất tịnh. Niết-bàn an lạc lại tưởng cho là khổ.
Vì mắc phải phiền não trùm che, nên dầu nghĩ tưởng như vậy mà không thấu rõ thật nghĩa, như người say kia đối với sự không xoay lộn mà tưởng cho là xoay lộn. Có hai hạng say: thứ nhất là nơi thân này cho là thường lạc ngã tịnh, hạng say thứ hai cũng nơi thân này thấy là vô thường khổ không vô ngã.
“Ngã” chính là thật nghĩa của “Phật”, “Thường” chính là thật nghĩa của “Pháp thân”, “Lạc” là thật nghĩa của Niết-bàn, “Tịnh” là thật nghĩa của “Pháp”.
Các thầy sao lại nói người có ngã thời kiêu mạn cống cao lưu chuyển sanh tử. Nếu các thầy nói rằng, tôi cũng tu tập pháp quán vô thường, khổ, vô ngã. Ba môn tu tập này không có thật nghĩa.
Phật giải thích ngã là thật nghĩa của Phật, thường là thật nghĩa của pháp thân, lạc là thật nghĩa của Niết-bàn, tịnh là thật nghĩa của pháp. Như vậy Phật đã chỉ thẳng cái bất sanh bất diệt vĩnh cửu. Có người nghi, tại sao ban đầu Phật không chỉ thẳng, để người ta khỏi nhọc công tu hành quán vô thường, khổ, không, vô ngã; khi người ta đã quán thuần thục, ngài lại bác bỏ nó? Bởi vì ở Ấn Độ đa số theo đạo Bà-la-môn, họ cho rằng ở trong người có thần ngã thường còn. Nếu như buổi đầu Phật chỉ thẳng pháp thân là thường, họ sẽ cho rằng pháp ngài nói cũng như pháp của họ, thì làm sao bác cái sai lầm của họ được. Cho nên lúc đó Phật chỉ nói vô thường, vô ngã để phá chấp thần ngã mê lầm. Bây giờ khi các đệ tử của Phật không còn chấp như thế, Phật lại vạch ra một lần nữa, là chấp vô thường khổ không vô ngã cũng chưa thấy được lẽ thật. Phật lại nêu thường lạc ngã tịnh mới là lẽ thật, là cứu cánh.
Hai lối dùng thường lạc ngã tịnh tên thì đồng mà nghĩa lại khác. Trước nói ngã là chỉ cho ngũ uẩn, ở đây nói ngã là chỉ cho Phật tánh. Trước nói thường là chỉ cho thân ngũ uẩn, ở đây nói thường là chỉ cho pháp thân.
Trước nói lạc là chỉ cho cảm xúc của thế gian, ở đây nói lạc là chỉ cho Niết-bàn. Trước nói tịnh là chỉ cho thân ngũ uẩn, ở đây nói tịnh là chỉ cho pháp tịnh. Danh từ thì đồng mà nghĩa lại khác như vậy, phải hiểu thật kỹ để không lầm lẫn.
Phật quở các thầy sao nói người có ngã lại kiêu mạn cống cao lưu chuyển sanh tử. Các thầy nói rằng, tôi cũng tu tập pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã. Ba môn tu tập này không có thật nghĩa. Như vậy thật nghĩa Phật muốn chỉ ra là Phật, Pháp thân, Niết-bàn và Pháp, tức là thường, lạc, ngã, tịnh.
Như Lai sẽ nói ba pháp tu đặc thắng.
Khổ cho là vui, vui cho là khổ, là pháp điên đảo. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, là pháp điên đảo. Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, là pháp điên đảo. Có bốn pháp điên đảo như vậy thời là người chẳng rõ pháp tu chân chánh.
Các thầy ở trong pháp khổ tưởng cho là vui, ở trong vô thường tưởng cho là thường, ở trong vô ngã tưởng cho là ngã, ở trong bất tịnh tưởng cho là tịnh.
Thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không thật nghĩa. Xuất thế có văn tự có thật nghĩa. Tại sao vậy? Vì pháp thế gian có bốn sự điên đảo nên chẳng biết thật nghĩa. Lại có tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Vì có ba sự điên đảo này nên người thế gian ở trong lạc thấy là khổ, trong thường thấy vô thường, trong ngã thấy vô ngã, trong tịnh thấy bất tịnh, đây gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian biết văn tự mà chẳng biết thật nghĩa.
Thân ngũ uẩn khổ mà lầm cho là vui, còn Niết-bàn vui mà tưởng cho là khổ, đây là điên đảo thứ nhất. Thân ngũ uẩn vô thường mà cho là thường, pháp thân là thường mà nói là vô thường, đó là điên đảo thứ hai. Thân ngũ uẩn vô ngã mà cho là ngã, còn Phật tánh là ngã mà cho là vô ngã, đó là điên đảo thứ ba. Nơi thân ngũ uẩn nhơ nhớp mà tưởng là tịnh, pháp thân thanh tịnh mà tưởng là bất tịnh, đó là điên đảo thứ tư.
Phàm phu có bốn điên đảo: khổ cho là vui, vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh. Bốn pháp điên đảo của hàng Nhị thừa: vui cho là khổ, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, ngã cho là vô ngã. Bốn cặp điên đảo cộng lại thành tám pháp điên đảo. Nếu còn mắc kẹt trong tám pháp này, Phật cho là người chẳng rõ được pháp tu chân chánh.
Thường lạc ngã tịnh thế gian khác với thường lạc ngã tịnh của xuất thế gian. Pháp thế gian có văn tự mà không thật nghĩa, trên văn tự thì có mà nghĩa chân thật tìm không ra, còn pháp xuất thế gian có văn tự mà cũng có thật nghĩa. Tại sao? Vì pháp thế gian có bốn sự điên đảo nên chẳng phải thật nghĩa. Lại có tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Tưởng điên đảo làm cho không thấy được sự thật, tâm điên đảo làm loạn tất cả những nhận định, kiến điên đảo là hiểu biết sai lầm. Vì có ba sự điên đảo này nên hàng Nhị thừa ở trong lạc thấy là khổ, trong thường thấy vô thường, trong ngã thấy vô ngã, trong tịnh thấy bất tịnh, đây gọi là điên đảo. Chính hàng Nhị thừa thấy như vậy mà Phật cũng nói chưa phải thấy thật nghĩa.
Gì là thật nghĩa? Vô ngã gọi là sanh tử, còn ngã gọi là Như Lai. Vô thường là Thanh văn Duyên giác, còn thường là Như Lai pháp thân. Khổ là tất cả ngoại đạo, còn lạc là Niết-bàn. Bất tịnh là pháp hữu vi, còn tịnh là chánh pháp của chư Phật và Bồ-tát. Đây gọi là chẳng điên đảo. Vì chẳng điên đảo nên biết văn tự biết thật nghĩa. Nếu muốn lìa khỏi bốn sự điên đảo thời phải rõ biết thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.
Phần trước nói người chấp ngã là sanh tử còn người được lý vô ngã là giải thoát, ở đây Phật nói: Vô ngã gọi là sanh tử, còn ngã gọi là Như Lai. Những vị Tỳ-kheo quán được vô ngã gọi là chứng Niết-bàn, hay là chứng quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, thoát sanh tử, nhưng sao đây Phật lại gọi là sanh tử?
Sanh tử có hai: phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử. Phàm phu thuộc phần đoạn sanh tử, Nhị thừa thuộc biến dịch sanh tử, tức là từ vị này chuyển lên vị kia, giai đoạn chuyển lên gọi là biến dịch, là dời đổi, nên cũng thuộc về sanh tử. Cho nên ở đây Phật nói vô ngã gọi là sanh tử, ngã gọi là Như Lai. Nếu nhận được Phật tánh pháp thân thì ngay thân phàm phu này đã thấy được cái bất sanh bất diệt. Như vậy không còn quả vị nào để phải dời đổi, chỉ ngay đó khởi tu gọi là kiến tánh khởi tu. Ngay lúc mới phát tâm cũng đồng với quả cứu cánh, là thoát khỏi sanh tử, là Như Lai như trong kinh Hoa Nghiêm nói.
Vô thường là Thanh văn Duyên giác, còn thường là Như Lai pháp thân. Khổ là tất cả ngoại đạo, còn lạc là Niết-bàn. Các ngoại đạo không được Niết-bàn nên khổ, Phật đã được Niết-bàn cho nên lạc.
Bất tịnh là pháp hữu vi còn tịnh là chánh pháp của chư Phật và Bồ-tát. Đây gọi là chẳng điên đảo. Vì chẳng điên đảo nên biết văn tự biết thật nghĩa. Nếu muốn rời khỏi bốn sự điên đảo thời phải rõ thường lạc ngã tịnh. Trong phẩm này Phật đã chỉ rõ mục tiêu chính của ngài. Chủ yếu của Đại Bát-niết-bàn là nêu lên pháp thân có đủ bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh.
Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như lời đức Thế Tôn dạy rằng dứt lìa bốn sự điên đảo ấy thời được rõ biết thường lạc ngã tịnh. Nay đức Như Lai trọn không có bốn sự điên đảo thời đã rõ biết thường lạc ngã tịnh. Nếu đã rõ biết thường lạc ngã tịnh, sao đức Như Lai không ở đời một kiếp hoặc nửa kiếp để dạy dỗ chúng con, cho chúng con khỏi lìa bốn sự điên đảo, mà lại vất bỏ chúng con muốn nhập Niết-bàn. Nếu được đức Như Lai đoái thương dạy bảo, chúng con sẽ hết lòng tuân lời tu tập. Nếu đức Như Lai nhập Niết-bàn, chúng con không thể mang thân độc hại này mà tu Phạm hạnh. Chúng con cũng sẽ nhập Niết-bàn theo Phật.”
Phật bảo các Tỳ-kheo: “Các thầy chớ nói như vậy. Bao nhiêu vô thượng chánh pháp của Phật, Như Lai đều đem giao phó cho Ma-ha Ca-diếp. Ma-ha Ca-diếp sẽ là chỗ y chỉ hoàn toàn cho các thầy, cũng như đức Như Lai là chỗ y chỉ của tất cả chúng sanh.
Các thầy Tỳ-kheo bởi thương Phật muốn Phật ở đời, nên các ngài cứ quay lại điều mong Phật ở lại cứu giúp. Khi đức Phật bác bỏ vấn đề điên đảo tánh thường cho là vô thường... thì các ngài không chịu nhận, chỉ mượn điều này để yêu cầu Phật sống thêm để độ các ngài. Phật đã nói thường lạc ngã tịnh, tại sao lại không ở đời dạy cho chúng con mà bỏ chúng con đi. Nếu ngài ở đời dạy thì chúng con vâng lời để tu hành Phạm hạnh, nếu ngài không ở lại thì chúng con cũng nhập Niết-bàn.
Đoạn này chỉ có một ý là yêu cầu Phật ở lại, nhưng Phật nói chánh pháp vô thượng của Phật đều giao phó cho Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp sẽ là chỗ y chỉ hoàn toàn cho các thầy, cũng như đức Như Lai là chỗ y chỉ cho tất cả chúng sanh. Chỗ này tương tự với Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm trao cho Ma-ha Ca-diếp của Thiền tông. Ở đây dùng chữ khác hơn, nói rằng bao nhiêu chánh pháp vô thượng của Phật đều giao phó cho Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp sẽ là chỗ y chỉ hoàn toàn cho các thầy, cũng như đức Như Lai là chỗ y chỉ cho tất cả chúng sanh. Cho nên đối với chúng ta, ngài Ma-ha Ca-diếp là Tổ đầu tiên sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, không có gì phải ngờ vực.
Ví như quốc vương lúc đi tuần du, đem quốc sự giao phó cả cho đại thần. Cũng vậy, Như Lai đem chánh pháp giao phó cho Ma-ha Ca-diếp.
Các thầy nên biết rằng chỗ tu pháp khổ vô thường trước kia chẳng phải là chân thật. Ví như mùa xuân, có một nhóm người chơi thuyền trong hồ lớn làm rớt chìm ngọc lưu ly. Nhóm người ấy liền cùng nhau hụp lặn tìm ngọc, bốc nhằm hòn sỏi viên đá, bụng mừng cho là ngọc, đến lúc đem ra khỏi nước mới rõ là không phải. Lúc ấy ngọc lưu ly vẫn ở dưới nước, do thế lực của ngọc mà nước hồ đều đứng trong. Bấy giờ nhóm người ấy mới nhìn thấy viên ngọc. Có một người trí tìm cách khéo, chẫm rãi lặn xuống liền vớt được ngọc.
Các thầy chớ nên cho sự tu tập pháp quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh như vậy là thật nghĩa. Như nhóm người kia lặn xuống nước bốc nhằm sạn đá mà cho là ngọc. Các thầy phải khôn khéo nơi nơi chỗ chỗ luôn tu pháp quán ngã, thường, lạc, tịnh. Lại cần nên biết tướng mạo tu tập bốn pháp trước kia đều là điên đảo. Muốn được chân thật tu các pháp quán, tức là quán ngã, thường, lạc, tịnh, thời phải như người trí khéo vớt được ngọc kia.”
Ông vua đi tuần du nơi khác giao việc triều chính lại cho đại thần, cũng vậy Như Lai đem giao phó chánh pháp lại cho Ma-ha Ca-diếp. Ví dụ mùa xuân, một nhóm người dạo thuyền trong hồ lớn làm rớt ngọc lưu ly, liền cùng nhau hụp lặn, bốc nhằm sỏi đá mừng rỡ cho là vớt được ngọc, đến lúc đem ra khỏi nước mới rõ là không phải. Ngọc lưu ly vẫn ở dưới nước, do thế lực của ngọc mà nước hồ đều đứng trong. Bấy giờ, nhóm người ấy nhìn thấy viên ngọc, có người trí tìm cách khéo chậm rãi lặn xuống vớt được ngọc.
Phật hợp pháp: các thầy tu theo pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh nói là được Niết-bàn, chẳng khác nào người lặn xuống đáy hồ vớt lên đá sỏi tưởng là ngọc lưu ly. Khi nhận ra được tứ đức thường lạc ngã tịnh của Niết-bàn, thì như người trí khéo léo thấy ngọc, chậm rãi lặn xuống vớt được ngọc thật đem lên. Hàng Nhị thừa được Niết-bàn giả tạm, kinh Pháp Hoa gọi là hóa thành, ở đây gọi lượm được đá sỏi. Bồ-tát được đại Niết-bàn đầy đủ thường lạc ngã tịnh, kinh Pháp Hoa gọi là bảo sở, ở đây gọi là lượm được ngọc lưu ly.
Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Ngày trước đức Phật dạy rằng các pháp vô ngã, các ông phải tu học. Tu học pháp vô ngã sẽ lìa sự chấp ngã, lìa chấp ngã thời lìa kiêu mạn, lìa kiêu mạn thời chứng Niết-bàn. Nghĩa ấy thế nào?”
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Lành thay! Lành thay! Nay các thầy có thể bạch hỏi nghĩa ấy để tự dứt chỗ nghi ngờ.
Chỗ này chúng ta thấy thâm ý của đức Phật, khi Phật bác vô thường khổ, không, vô ngã mà các thầy Tỳ-kheo quán, không phải là cứu cánh. Các thầy chỉ muốn thỉnh Phật ở lại mà không khởi nghi, Phật nhắc lại lần nữa các ngài mới khởi nghi. Tại sao lúc trước Phật dạy quán vô ngã để trừ các bệnh mà giờ ngài lại nói ngã?
Phật dạy người tùy bệnh cho thuốc, chúng tôi cũng học theo gương như vậy. Những người tới học chúng tôi hơi khắt khe, bắt buộc phải nghe các pháp căn bản. Ví dụ người đang chấp thường lạc ngã tịnh theo phàm phu, thì phải cho học A-hàm, Pháp Cú... để phá ngã trước. Phá được ngã rồi, lại chấp vô thường khổ không vô ngã thì sẽ học những bộ kinh lớn để phá chấp này mà đạt được cứu cánh. Chúng tôi muốn người học phải có căn bản, từ thấp lên cao vững vàng thì mới không có hại. Nếu học vượt thứ lớp, như học ngay kinh Niết-bàn nghe Phật bác vô thường khổ không vô ngã thì sau học lại kinh A-hàm sẽ bối rối, thắc mắc sao Phật dạy mâu thuẫn, không biết làm sao mà tu. Ngoại trừ những trường hợp vạn bất đắc dĩ, còn thì chúng tôi bắt học phải có căn bản từ dưới trước, như vậy mới có lợi ích. Nếu học không thứ tự, những kinh căn bản xem là thường, đòi học những kinh cao, mà học kinh cao lại không hiểu. Nói pháp thân không biết pháp thân là gì, nói Phật tánh không biết Phật tánh ở đâu, lại không quán vô thường, không quán khổ, không quán bất tịnh, không quán vô ngã thì dễ sanh ra nhiều bệnh. Đó là chỗ tai họa. Cho nên không muốn cho những người tiểu căn tiểu trí học những kinh Đại thừa, bởi học rồi chấp.
Các thầy Tỳ-kheo đặt nghi vấn, tại sao Phật khi xưa dạy quán vô ngã mà bây giờ lại nói ngã. Những cái vô thường, khổ, không, vô ngã Phật nói là điên đảo thì phải quán làm sao? Phật nghe hỏi liền khen ngợi, như vậy thì lành lắm! Các ông có thể hỏi được nghĩa đó để dứt nghi ngờ.
Này các thầy! Ví như quốc vương kém sáng suốt, tin dùng một y sư vụng về, tánh tình lại cao ngạo, phàm trị bệnh gì cũng thuần dùng sữa để làm thuốc cả, thêm nỗi chẳng rõ căn do của bệnh, dầu biết dùng sữa mà chẳng hiểu rành, chẳng biện biệt sữa tốt xấu, lành không lành. Một hôm, từ phương xa lại một minh y thông cả tám nghề, rành các phương thuốc, trị bệnh rất giỏi. Cựu y vì sẵn tánh cống cao khinh mạn nên không đếm xỉa tới. Minh y thấy vậy, bèn hạ mình thỉnh cựu y làm thầy, nhân đó được vào hầu quốc vương. Minh y trình bày lên quốc vương các phương thuốc và những nghệ thuật khác. Bấy giờ quốc vương tỉnh ngộ, xét biết cựu y là hạng vụng về cao ngạo, liền biếm truất đi, rồi trọng dụng minh y. Minh y mới yêu cầu quốc vương cấm dân chúng uống thuốc sữa của cựu y, vì thuốc ấy độc hại, làm thương tổn người bệnh. Quốc vương chuẩn lời, ra lệnh cấm hẳn, nếu ai dùng sữa để trị bệnh sẽ bị tử hình. Minh y cứ theo phương dược
chế các thứ thuốc, phàm dân chúng có bệnh gì đều trị lành cả.
Ít lúc sau, quốc vương phải bệnh nặng, truyền vời minh y điều trị. Sau khi khám bệnh, biết rằng quốc vương phải dùng thuốc sữa, minh y liền tâu rằng: “Ngày trước tôi yêu cầu cấm dùng sữa làm thuốc, đó là đại vọng ngữ. Nếu uống thuốc sữa rất có thể trị được bệnh. Hiện nhà vua đang phải bệnh nóng, chính nên dùng sữa.”
Vua bảo: “Có lẽ ông điên cuồng hay bị bệnh loạn óc rồi, mới nói rằng uống sữa trị được bệnh của ta. Cựu y dùng sữa, ông cho là độc, bảo ta biếm truất và cấm hẳn, nay trở lại nói sữa là tốt hay trị được bệnh. Ông muốn khi dối ta ư? Cứ theo lời ông nói thời cựu y có thể hơn ông rồi.”
Minh y tâu: “Thưa Đại vương! Như mối ăn gỗ ngẫu nhiên thành chữ, con mối này tự nó không biết là chữ hay không phải chữ. Người trí xem thấy trọn không bao giờ tuyên xướng rằng con mối biết chữ và cũng chẳng lấy làm lạ. Cũng vậy, cựu y không hiểu căn bệnh, bệnh gì cũng dùng thuần sữa để trị, lại không biết sữa là tốt hay xấu, là lành hay không lành.”
Vua nói: “Xin ông giải thích cho ta rõ.”
Minh y tâu: “Thuốc sữa kia cũng là độc hại, cũng là cam lộ. Thế nào là thuốc sữa cam lộ? Nếu là bò cái không ăn bã hèm trấu cặn, con nghé của nó rất điều thiện, chỗ thả chăn không phải cao nguyên cũng không quá thấp ướt, nước uống trong sạch, chẳng cho chạy nhảy, chẳng cho chung bầy với bò đực, cho nó ăn uống đi đứng vừa chừng phải cách. Sữa của bò này trị được nhiều bệnh gọi là cam lộ. Ngoài ra các thứ sữa khác thời gọi là độc hại.”
Nghe minh y giảng giải, vua khen rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Nay ta mới rõ thế nào là sữa tốt xấu, lành cùng chẳng lành.”
Sau khi được uống thuốc sữa của minh y, vua được lành mạnh, vua liền truyền lệnh cho dân chúng được dùng sữa để trị bệnh. Dân chúng không vừa lòng với thái độ của nhà vua, nên hội đến hoàng cung để cật vấn.
Quốc vương bảo dân chúng: “Mọi người chẳng nên oán trách nơi ta, về vấn đề thuốc sữa nên uống hay không nên uống đều là ý của y sư cả, không phải lỗi của ta.”
Dân chúng vui lòng tuân lời minh y dùng thuốc sữa tốt trị bệnh, được nhiều kết quả tốt.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy nên biết đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn cũng lại như vậy, là bậc đại y vương hiện ra nơi đời hàng phục tất cả tà y ngoại đạo. Giữa đại chúng xướng rằng ta là y vương, vì hàng phục ngoại đạo nên nói không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. Các thầy nên biết ngoại đạo mà nói là ngã đó, như mối ăn cây ngẫu nhiên thành chữ thôi. Vì thế nên trong Phật pháp đức Như Lai nói là vô ngã để điều phục chúng sanh, và vì là lúc phải nói là vô ngã. Rồi cũng vì có nhân duyên nên cũng nói có ngã. Như minh y kia biết rõ nơi sữa phải thuốc hay không phải thuốc. Chẳng phải như chỗ chấp ngã của phàm phu. Phàm phu chấp ngã lớn như ngón tay cái, hoặc như hột cải, hoặc như vi trần. Ngã của Như Lai nói đều không phải như vậy, vì thế nên nói các pháp không ngã, mà chính thật chẳng phải là không ngã. Thế nào là thật? Nếu Pháp là thật, là chân, là thường, là chủ, là sở y, tánh không biến đổi, đó gọi là ngã. Như minh y kia hiểu rành thuốc sữa. Cũng vậy, Như Lai vì chúng sanh mà nói trong các pháp chân thật có ngã.
Bốn bộ đệ tử của Như Lai đều phải tu pháp quán chân ngã như vậy.
Phật dùng ví dụ hai thầy thuốc. Ông trước dở, vụng về mà lại kiêu ngạo, lấy sữa trị mọi thứ bệnh cho dân chúng. Ông sau là minh y giỏi, biết đủ tính dược, biết đủ các phương thuốc, biết bách bệnh. Ông tìm cách gần gũi nhà vua, giải bày những cái vụng về của ông thầy trước. Nhà vua bèn biếm truất ông trước dùng lương y sau, cấm hẳn không cho dùng sữa trị bệnh. Sau vua bệnh cần phải dùng sữa mới trị được. Lương y tâu vua.
Nhà vua tức giận: Ngày trước, ông thầy kia bảo tôi dùng sữa trị bệnh, ông không cho, nói đó là hại mà bây giờ ông lại dùng sữa. Vậy là ông thua ông thầy trước rồi. Vị minh y giải thích, ông thầy trước dùng sữa cũng như con mối gặm cây ngẫu nhiên thành chữ, mà mối chẳng biết đó là chữ hay không. Còn ông biết nguyên nhân, biết sữa thế nào là tốt, là chữa được bệnh, sữa thế nào là độc hại. Khi ông giải thích rành rẽ, nhà vua hiểu ra, mới cho dân chúng dùng sữa lại. Khi dùng sữa, vua được lành bệnh.
Như vậy, cũng là sữa mà trước thì độc hại, sau chữa lành bệnh. Sữa mà ông thầy trước dùng chỉ cho ngã chấp của phàm phu. Họ không thấy Phật tánh, không nhận được pháp thân, chấp bừa trong thân này là ngã thì đó là bệnh, là tai họa. Bởi chấp bừa thân này là ngã nên bao nhiêu cái xấu xa, bệnh tật của kiêu mạn... nảy sanh. Phật như vị lương y sau, biết rõ căn bệnh và biết rõ tính chất sữa trị đúng căn bệnh đó, cho nên ông mới bảo dùng sữa để trị bệnh. Sữa sau là dụ cho ngã, ngã này nghĩa là Phật tánh, là pháp thân, do Phật hay những người tu giác ngộ kiến tánh chứng được, thấy được. Đó là cái chân thật, hữu ích.
Như vậy lợi hay hại là do biết dùng đúng chỗ, biết rõ căn nguyên hay không. Phàm phu chấp ngã chấp bừa không biết lý do, không thấy được Phật tánh thì chấp ngã là bệnh, còn Phật thấy được Phật tánh, nói ngã là thuốc để cho mình biết được cái bất sanh bất diệt, giải thoát.
Nói ngoài lề một chút. Như mấy con mối gặm cây thành chữ thì chữ đó không có nghĩa lý, không có căn do. Chúng ta học Phật pháp nên có chánh tín, đừng để mắc những sai lầm. Như nghe đồn mối đùn lên cái ổ giống hình Phật, người ta thi nhau đến lạy nói Phật hiện. Phật là bậc giác ngộ, tượng Phật đủ ba mươi hai tướng tốt, người ta tô vẽ mặt mày sáng rỡ mà còn không lạy, coi thường. Con mối bé xíu, vô tình tạo thành hình giống Phật, mình lại lạy thì thật là vô lý, là quá mê lầm!
Các bài mới
- Bồ tát Quán Thế Âm và Pháp Tu Nhĩ Căn Viên Thông - 28/03/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 2: Phẩm Thuần Đà - 22/03/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 1: Đại Cương Kinh Đại Bát-Niết-Bàn - 21/03/2024
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - PHẦN LƯU THÔNG VÀ TÓM KẾT - 22/08/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt2) - 06/07/2022
Các bài đã đăng
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt1) - 21/03/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt) - 03/01/2022
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN - 20/12/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương IV: Các địa vị tu chứng - 05/11/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương III: Khai thị về mật giáo - 24/10/2021
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 99343
- Online: 18