Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 9: Phẩm Tứ Đảo
16/07/2024 | Lượt xem: 712
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
PHẨM TỨ ĐẢO
Phật bảo Ca-diếp Bồ-tát: “Này thiện nam tử! Thế nào là Tứ đảo (bốn điều điên đảo)? “Nơi chẳng phải khổ tưởng là khổ”, gọi là điên đảo.
Chẳng phải khổ chỉ cho Như Lai. Tưởng cho là khổ, tức là cho rằng Như Lai là vô thường biến đổi. Nếu có người nói Như Lai là vô thường, đây gọi là tội khổ rất lớn.
Nếu nói Như Lai khi xả thân khổ này để nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đây gọi là chẳng phải khổ mà tưởng cho là khổ. Chính đó là điên đảo.
Nếu ta nói rằng Như Lai là thường thời là chấp ngã, vì chấp ngã nên có vô lượng tội, thế nên phải nói Như Lai là vô thường, nói như thế thời ta vui thích.
Như Lai là vô thường chính đó là khổ, nếu đã là khổ thế nào sanh vui. Bởi ở trong khổ tưởng cho là vui nên gọi là điên đảo.
Nơi vui tưởng cho là khổ, gọi đó là điên đảo. Vui tức là Như Lai (là pháp thân). Khổ tức là Như Lai vô thường. Nếu nói Như Lai là vô thường đây gọi là nơi vui tưởng cho là khổ. Như Lai thường trụ, đây gọi là vui.
Nếu ta nói rằng Như Lai là thường, sao lại nhập nơi Niết-bàn. Nếu nói Như Lai chẳng phải là khổ, sao lại bỏ thân mà diệt độ. Bởi ở trong vui tưởng cho là khổ nên gọi đó là điên đảo. Các điều tưởng lầm như trên gọi là sự điên đảo thứ nhất.
Như Lai chỉ cho pháp thân, pháp thân không phải vô thường làm sao có khổ. Nếu người nào khởi tưởng Như Lai là vô thường biến đổi thì trong cái chẳng khổ mà tưởng là khổ, đó là điên đảo.
Nói Phật nhập diệt như củi hết lửa tắt, như vậy gọi là điên đảo, vì Như Lai pháp thân thường trụ đâu có mất mà nói là nhập diệt, như củi hết lửa tắt? Chỗ không diệt mà tưởng là diệt, đó gọi là điên đảo.
Phàm phu chấp thân ngũ uẩn là thần ngã, là thường còn, cho nên sai lầm gây vô lượng tội lỗi. Trong vô thường tưởng là thường. Phật nói ngã là vô thường để phá chấp ngã sai lầm không có thật của chúng sanh.
Trong khổ tưởng là vui nên gọi là điên đảo, nói Phật nhập Niết-bàn nghĩa là Phật diệt mất, tức vô thường thì khổ làm sao nói thành Phật vui được. Phải thấy rằng Phật là chỉ cho pháp thân bất sanh bất diệt. Sanh diệt là khổ, pháp thân bất sanh bất diệt là vui. Phật là vui mà tưởng là khổ, đó là điên đảo.
Khổ là gì? Sanh, lão, bệnh, tử. Thấy Phật nhập Niết-bàn là có tử, tức Phật có khổ, đó là cái thấy điên đảo. Phật là pháp thân thường trụ, bởi thường trụ nên an vui. Chúng ta không thấy pháp thân, chỉ thấy trên hóa thân có sanh có diệt, cho nên lẫn lộn không đúng, vì vậy gọi là điên đảo thứ nhất.
“Vô thường tưởng là thường, thường tưởng là vô thường”, đây gọi là điên đảo.
Vô thường chỉ chẳng tu pháp không. Vì chẳng tu pháp không nên thọ mạng ngắn ngủi.
Nếu có người cho rằng chẳng tu pháp không tịch thời đặng trường thọ. Quan niệm đó gọi là điên đảo. Đây là sự điên đảo thứ hai.
Điên đảo thứ hai, thường tưởng là vô thường hay vô thường tưởng là thường. Chúng ta phải chú ý thật kỹ mới thấy ý nghĩa thường tưởng vô thường hay vô thường tưởng là thường. Vô thường là chỉ chẳng tu pháp không, nên thọ mạng ngắn ngủi. Tại sao có thọ mạng ngắn ngủi? Vì chấp nhận sự tướng là thật, nhưng sự tướng này là vô thường, chúng ta chấp nhận nó thì sanh mạng của chúng ta ngắn ngủi.
Nếu thấy tự tánh các pháp là không, vốn từ pháp thân biến hiện, tức là biết được pháp thân thường trụ nên tuổi thọ mới lâu dài. Không chịu tu pháp không tịch, tức là không quán tự tánh các pháp là không. Chấp nhận các pháp là thật mà được thọ mạng lâu dài là quan niệm sai lầm. Dù sống đến ngàn tuổi cũng không phải là lâu dài, vì là hữu hạn. Như vậy, vô thường là chỉ cho các pháp, thường là chỉ cho chân tánh hay pháp thân. Các pháp vô thường mà tưởng thường, pháp thân là thường mà tưởng là vô thường, đây là điên đảo thứ hai.
“Vô ngã tưởng là ngã, ngã tưởng là vô ngã” đây là điên đảo.
Người đời cũng nói có ngã, trong Phật pháp cũng nói có ngã.
Người đời dầu nói có ngã nhưng không có Phật tánh, đây thời gọi là nơi vô ngã mà tưởng là ngã gọi đó là điên đảo.
Phật pháp nói có ngã tức là Phật tánh. Người đời lại nói Phật pháp không ngã, đây gọi là nơi ngã tưởng là vô ngã. Nếu nói Phật pháp quyết định vô ngã nên đức Như Lai dạy hàng đệ tử tu tập pháp vô ngã. Lời trên đây là điên đảo. Đây là điều điên đảo thứ ba.
Ngã là chủ tể, là thường nhất. Thân ngũ uẩn này không phải là chủ tể là thường nhất mà cho là ngã vì vậy nên sai lầm, không thấy được Phật tánh.
Phật tánh là thường trụ, là chủ tể cho nên đạt được Phật tánh rồi mới tự do tự tại. Nếu không chủ tể sao nói là tự do tự tại, không thường trụ sao nói thoát ngoài sanh lão bệnh tử? Vậy nên Phật tánh có đầy đủ hai nghĩa, tự do tự tại gọi là chủ tể và thường trụ gọi là không có sanh diệt. Vì đủ hai nghĩa đó nên Phật tánh gọi là ngã, còn năm uẩn không đủ hai nghĩa đó nên gọi là vô ngã.
Đó là chỗ thấy của Phật. Nếu thấy như vậy là không điên đảo. Nếu cho Phật là vô ngã, năm uẩn là ngã thì đó là điên đảo, đây là điên đảo thứ ba.
“Tịnh tưởng là bất tịnh, bất tịnh tưởng là tịnh”, đây gọi là điên đảo.
Tịnh chính là Như Lai thường trụ, chẳng phải thân tạp thực, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân thịt, chẳng phải là thân gân xương ràng rịt.
Nếu có người nói rằng Như Lai là vô thường, là thân tạp thực, là thân thịt, là gân xương ràng rịt, cũng cho rằng Pháp, Tăng, Giải thoát đều là diệt tận, đó gọi là những quan niệm điên đảo vì tịnh mà cho là bất tịnh.
Bất tịnh tưởng cho là tịnh, gọi đó là điên đảo.
Nếu có người nói rằng trong thân của ta đây không có một pháp nào là bất tịnh cả, bởi không có bất tịnh nên quyết định sẽ đặng vào nơi chỗ thanh tịnh. Thuyết tu bất tịnh quán của Như Lai là thuyết hư vọng.
Trên đây là quan niệm điên đảo. Đó gọi là điều điên đảo thứ tư.”
Tịnh chỉ cho pháp thân thường trụ của Như Lai, pháp thân đó không phải là thân ăn uống cho nên thanh tịnh; chứ không phải cho thân tứ đại này là sạch, rồi nói Phật dạy quán bất tịnh là hư vọng. Đó là điên đảo thứ tư.
Ca-diếp Bồ-tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Từ nay tôi mới đặng chánh kiến. Bạch Thế Tôn, trước đây chúng tôi đều là người tà kiến cả.”
Bồ-tát Ca-diếp xác nhận xưa kia là người tà kiến vì chưa nghe giải thích chỗ này.
Tôi xin nhắc lại bốn thứ điên đảo theo trình tự trước sau, để mọi người có sự nhận định kỹ càng, không mất thứ lớp thì sự tu hành mới có lợi ích.
Giai đoạn đầu vì phàm phu không hiểu không biết, nên có những chấp lầm lẫn sai lạc. Thân chúng ta bị vô thường thiêu đốt, sanh già bệnh chết thúc giục không lúc nào an ổn, phàm tình không biết, lại cho có thân này là an vui hạnh phúc. Nhưng có ai thật sự được hạnh phúc đâu! Tất cả đều than khổ, khổ vì đói khát thiếu thốn, khổ vì bệnh hoạn, vì tánh tình không hợp nhau, hoặc khổ vì những chuyện kẻ yếu bị người mạnh hiếp đáp... Xét kỹ ra trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp không có gì vui cả. Khổ mà tưởng là vui, ấy là điên đảo. Phật vì muốn phá điên đảo này của phàm phu nên ngài nói ngay thân này là khổ.
Chúng sanh căn cứ vào thân này lầm lẫn nói thân này là vui. Phật phải sửa cái lầm lẫn đó nói thân này là khổ. Khi các vị Tỳ-kheo thấy thân khổ, chán nản thì Phật lại nói thân này là vui. Vui này không căn cứ nơi thân ngũ uẩn mà chỉ cho pháp thân. Pháp thân là thường trụ không sanh không già không bệnh không chết, làm sao có khổ. Không nhận được pháp thân an vui nên chúng ta cứ tưởng khổ, cũng là cái tưởng sai lầm. Vì vậy đến giai đoạn này Phật nói, nếu người nào tưởng Phật có chết là nhìn vào hóa thân, người đó điên đảo. Chúng ta tu là dẹp khổ của thân ngũ uẩn, đạt được cái vui của pháp thân, như vậy mới hết điên đảo.
Nhị thừa thấy Phật già bệnh chết, Phật nói đó là cái thấy điên đảo. Vì Phật là pháp thân thường trụ bất biến, tại sao nói Phật già chết? Phật phá chấp sai lầm của hàng Nhị thừa, để chỉ ra pháp thân bất sanh bất diệt an vui. Như vậy vui này vượt qua khổ của Nhị thừa mà không đồng với cái vui của thế gian. Điên đảo của phàm phu là nơi thân khổ mà tưởng là vui. Điên đảo của Nhị thừa là pháp thân vui mà tưởng là khổ. Trước Phật đã phá cái chấp của phàm phu rồi, bây giờ chỉ phá chấp của Nhị thừa.
Thứ hai, vô thường tưởng là thường. Thân tứ đại ngũ uẩn là vô thường, phàm phu cứ tưởng thân này sống lâu trăm tuổi, nên khi nghe nói chết là sợ hãi. Ví dụ có người làm quan ở một địa phương nọ, lâu ngày chán muốn đi, nghe có lệnh đổi đi nơi khác, chắc chắn họ sẽ rất vui. Nhưng nếu người ấy không muốn đi, nghe lệnh đổi đi thì buồn. Cũng vậy, với người không nghĩ đến cái chết, khi sắp chết họ sẽ khổ. Người biết thân vô thường, có sanh ắt có diệt, sáng còn tối mất thì chết là chuyện thường, không có gì quan trọng.
Khi quán thân này vô thường là đã bước lên hàng thánh giả của Thanh văn. Hàng Thanh văn cao hơn phàm phu, cũng vẫn căn cứ vào thân này mà tu. Bây giờ Phật mới chỉ tuy thân là vô thường nhưng có pháp thân thường trụ. Phải nhận ra được Phật tánh không rời thân này, ngay thân sanh diệt có pháp thân bất sanh diệt thường còn. Nếu cho tất cả là vô thường thì chẳng khác nào người ta làm rớt vài ba viên sỏi trong chén gạo, muốn bỏ sỏi mà hất luôn cả chén gạo. Nếu khéo léo chịu khó lượm từng viên sỏi ra thì còn được chén gạo. Một chén nước có vài ba hạt bụi, mình lại hất luôn chén nước, mà không biết vớt bụi đi còn được chén nước. Phật nói không thấy pháp thân thường mà nói thân vô thường là điên đảo. Từ “thường” của phàm phu bước qua “thường” của Phật cách nhau cái “vô thường” của thánh giả. Thường của phàm phu chỉ cho thân ngũ uẩn, thường của Phật nói chỉ cho pháp thân.
Thứ ba, ngã là thường trụ, là chủ. Phàm phu chấp thân ngũ uẩn là ngã, Phật nói thân đó là vô ngã. Phật chỉ trong thân này có Phật tánh đủ điều kiện là ngã. Hàng Nhị thừa nương nơi pháp vô ngã phá chấp ngã điên đảo, dẹp được những tánh kiêu mạn xấu xa trước, thành bậc thánh giả, nhưng các ngài không thấy Phật tánh thường trụ, nên ở đây Phật chỉ Phật tánh thường trụ là ngã, không phải ngã mà phàm phu chấp.
Thứ tư, tịnh tức chỉ cho pháp thân thanh tịnh. Thân tạp thực hôi hám bẩn thỉu này mà tưởng là tịnh, đó là sai lầm. Trước Phật dạy phải quán thân bất tịnh dứt được ái nhiễm thành bậc thánh giả, đến đây Phật mới chỉ ngay trong thân bất tịnh có pháp thân thanh tịnh thường còn. Đây phá chấp bất tịnh của Nhị thừa mà không phải là cái tịnh của phàm phu.
Như vậy bốn cái điên đảo chúng ta có thể nói là tám, tức là vì phá chấp của phàm phu mới có cái hay của Nhị thừa, nhưng cái hay của Nhị thừa cũng là điên đảo đối với Đại thừa. Đó là bốn điều từ phàm tiến lên thánh và từ thánh tiến lên Phật.
Các bài mới
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 8: Phẩm Tứ Đế - 08/07/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 7: Phẩm Tà Chánh - 06/07/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 6: Phẩm Tứ Y - 28/06/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 5: Phẩm Thân Kim Cang - 11/06/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 4: Phẩm Trường Thọ - 20/04/2024
Các bài đã đăng
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 3: Phẩm Ai Thán - 09/04/2024
- Bồ tát Quán Thế Âm và Pháp Tu Nhĩ Căn Viên Thông - 28/03/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 2: Phẩm Thuần Đà - 22/03/2024
- Kinh Đại Bát-Niết-Bàn Trích Giảng - Phần 1: Đại Cương Kinh Đại Bát-Niết-Bàn - 21/03/2024
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - PHẦN LƯU THÔNG VÀ TÓM KẾT - 22/08/2022
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 24136
- Online: 43