Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt2)

02/01/2021 | Lượt xem: 1942

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

II. CHỈ RA TÁNH THẤY

4. Tánh thấy không điên đảo

A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật, chắp tay quỳ bạch:

- Bạch Thế Tôn, nếu tánh thấy nghe này thật không sanh diệt, tại sao Thế Tôn gọi chúng con là bỏ mất chân tánh, làm việc điên đảo? Vậy mong Ngài khởi lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con.

 Liền khi ấy Như Lai duỗi cánh tay sắc vàng, năm ngón chỉ xuống đất bảo A-nan rằng: - Nay ông thấy tay mẫu-đà-la của ta là thuận hay nghịch?

A-nan thưa:

- Chúng sanh ở thế gian cho đây là nghịch, mà con thì không biết sao là thuận sao là nghịch.

Trước giờ bị kẹt nhiều quá rồi nên tới đây ngài A-nan dè dặt. Người thế gian cho đó là nghịch, riêng con thật tình không biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch? Như vậy nếu có sai là người thế gian sai, chứ không phải ngài trả lời sai.

Phật bảo A-nan: - Nếu người thế gian cho đây là nghịch, vậy họ gọi thế nào là thuận?

A-nan thưa: - Như Lai đưa cánh tay đâu-la-miên lên, ngón tay chỉ lên hư không thì gọi là thuận.

Phật liền đưa cánh tay lên, bảo A-nan rằng:

- Điên đảo là như thế, chỉ là đầu đuôi đổi nhau, những người thế gian phần nhiều đều thấy vậy. Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của chư Phật, so sánh để phát minh: thân Như Lai gọi là chánh biến tri, thân của các ông gọi là tánh điên đảo. Ông xem xét kỹ thân Phật và thân ông, cái danh từ điên đảo ấy, ở chỗ nào gọi là điên đảo?

Cùng một cánh tay mà khi gọi là thuận, khi gọi là nghịch. Như đồng là thân mà thân Phật là thì gọi là chánh biến tri, còn thân chúng ta thì gọi là điên đảo. Vậy thử tìm xem ngay nơi thân cái gì là điên đảo?

Khi ấy A-nan cùng đại chúng nhìn sững Phật không nháy mắt, không biết nơi thân tâm này điên đảo ở chỗ nào? Phật khởi lòng từ bi thương xót A-nan và đại chúng, phát tiếng nói như hải triều bảo khắp hội chúng:

- Này các thiện nam tử, ta thường nói rằng: Sắc, tâm, các duyên và tâm sở sử cùng các pháp sở duyên đều do tâm hiện. Thân ông và tâm ông đều là vật hiện ra trong diệu minh chân tinh diệu tâm (tâm chân thật sáng suốt nhiệm mầu). Tại sao các ông lại bỏ sót bản diệu viên diệu minh tâm, bảo minh diệu tánh mà nhận cái mê trong ngộ?

Diệu minh chân tinh diệu tâm là bản tâm nhiệm mầu, tinh ba chân thật sáng suốt. Ở đây chúng ta có thể nói gọn dễ hiểu: Tại sao các ông bỏ quên chân tâm thanh tịnh sáng suốt để nhận cái mê trong ngộ?

Thân tâm... tất cả các pháp đều từ tâm hiện, mà chúng ta lại bỏ quên bản tâm chân thật, nhận vọng tưởng suy nghĩ phân biệt duyên theo bóng dáng tiền trần làm tâm mình. Tâm này là nguồn cội của muôn pháp nên gọi là tâm địa, nghĩa là thân tâm và các pháp đều từ đất tâm phát sanh. Đây là ý nghĩa của hai chữ duy tâm.

Mờ tối làm hư không, trong hư không tối tăm đó kết cái tối làm sắc.

Đây là Phật nói về sự hình thành sắc tướng trong vũ trụ. Mờ tối làm hư không. Hư không nguyên tối tăm, nhưng phần đông chúng ta thường nghĩ hư không sáng. Sự thật sáng đó là do có mặt trời.

Trong hư không tối tăm đó, kết cái tối làm sắc. Trong hư không mờ tối lại kết những bụi bặm làm thành sắc. Hiện nay các nhà khoa học cũng giải thích, trong hư không mênh mông có những luồng gió bụi, bụi bị cuốn đi tụ lại chỗ nào thì nơi đó dần dần kết thành một thế giới. Tùy theo bụi nhiều hay ít mà kết thành thế giới nhỏ hay lớn, hành tinh nhỏ hay hành tinh lớn.

Chỗ này chúng ta có thể mượn ví dụ nhỏ để tạm hiểu, như trong lúc ngủ mê hiện những cảnh chiêm bao. Mê là tướng mờ mịt tối tăm, từ tướng tối tăm đó giấc mộng mới xuất hiện có cảnh có người... Nếu tỉnh sáng thì giấc mơ không hiện ra được. 

Sắc xen tạp với vọng tưởng, lấy tướng vọng tưởng cho là thân. Nhóm các duyên lăng xăng bên trong, giong ruổi theo cảnh bên ngoài, cho cái tướng mờ mịt lăng xăng đó là tâm tánh. Một khi lầm là tâm thì quyết định lầm nó ở trong thân.

Thân chúng ta có một phần hình sắc và một phần vọng tưởng. Hai thứ xen lẫn nhau thành tướng trạng hiện thấy, rồi cho đó là thân. Gom góp những hình ảnh lăng xăng ở trong, nương các căn mắt tai... chạy đuổi theo cảnh bên ngoài, nhận tướng mờ mịt lăng xăng cho là tâm mình. Vì vậy dù các căn đóng lại, bên trong vẫn lăng xăng. Như khi ngồi thiền, mắt không nhìn xa, tai không cố nghe các âm thanh, tức là các cửa đã tạm đóng, nhưng trong tâm vẫn không yên, khởi hết niệm này đến niệm khác, hiện đủ thứ hình ảnh. Khi đi đứng... hay trong tất cả sinh hoạt, tâm cứ phóng theo cái này, chạy đuổi cái nọ, ở trong lăng xăng ở ngoài giong ruổi, chúng ta lại nhận đó là thân tâm của mình.

Không biết sắc thân cho đến núi sông, hư không, đại địa bên ngoài đều là vật ở trong diệu minh chân tâm. Ví như bỏ đi trăm ngàn biển cả trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi, cho là toàn thể nước của tất cả biển lớn. Các ông là nhóm người trong mê, như cánh tay duỗi xuống không khác. Như Lai nói là đáng thương xót vậy!

Phật dùng ví dụ biển cả để chỉ tâm mê của chúng sanh. Mặt biển thênh thang, nước biển mênh mông không nhận, lại nhận hòn bọt nổi trôi phập phồng trên mặt biển, rồi cho đó là biển. Nếu chúng ta dẫn trẻ con ra biển, nó chỉ hòn bọt nói đây là biển, mình sẽ bảo chúng dại dột ngu si. Biển là cái mênh mông kia chứ đâu phải hòn bọt này. Cũng vậy, tất cả thân tâm cảnh giới đều từ bản tâm thanh tịnh sáng suốt hiện ra, chúng ta không nhận bản tâm mà chỉ nhận những bóng dáng lăng xăng cho là tâm mình, nào khác đứa bé nhận hòn bọt cho là biển cả, cho nên Phật nói đáng thương xót vậy.

Tại sao Phật thương xót chúng sanh mà không thương xót các vị Bồ-tát? Vì chúng sanh quá ngu si nên Phật thương, còn các vị Bồ-tát đã giác nên Phật khỏi cần lo. Ví dụ trong gia đình có năm bảy đứa con, những đứa lớn học hành thông minh, có công ăn việc làm thì cha mẹ khỏi lo, riêng đứa con nhỏ bị tật nguyền ngu mê thì cha mẹ sẽ thương yêu chăm sóc hơn. Cũng vậy, Phật thấy chúng ta nhìn hòn bọt cho là biển, ngu đến đỗi đó không thương sao được. Chúng ta nếu hiểu biết được ý này, sẽ thấy mình ngu mê cỡ nào. Có bằng đứa bé ba tuổi không?

Đức Phật chỉ rõ cho thấy, trên cơ thể chân thật Phật và chúng ta không khác, đều có tâm sáng suốt thanh tịnh như Phật. Nhưng nơi đức Phật thì gọi là chánh biến tri, còn nơi chúng ta thì gọi là điên đảo. Bởi vì chúng ta mê chấp chút bụi đất kết tụ, chút lăng xăng trong đầu cho đó là thân tâm mình. Chính chỗ mê lầm điên đảo lâu đời này khiến cho trôi lăn muôn kiếp. Phật dạy phải gạn lọc những thứ lăng xăng hư vọng, để hiển bày cái chân thật sáng suốt trùm khắp, gọi là đạt đến quả vị Phật.

Đây không phải là chuyện mơ tưởng huyền hoặc ở đâu xa xôi, mà là trở về tâm chân thật nơi chính mình. Chúng ta thử nhìn lại vọng tưởng xem, những khởi nghĩ lăng xăng như những đợt sóng chập chờn trên mặt nước, vừa sanh liền diệt. Nếu buông hết vọng tưởng lăng xăng đó thì thấy nghe ngửi nếm, xúc chạm... thảy đều rõ ràng, trùm khắp.

Tánh biết không hình tướng, không chỗ nơi nên trùm khắp. Khi những vọng tưởng dừng lặng, chúng ta như hòa đồng cùng trời đất, còn nếu sống bằng vọng tưởng thì thấy dường như tâm ở trong thân. Tất cả chúng sanh đều đồng một thể giác thênh thang, do vì vọng tâm mà thành hạn cuộc, có phân biệt sai khác, có nghiệp riêng chẳng đồng, có chấp ngã chấp pháp, có chống trái nhau. Nếu không buông tâm vọng, không dừng tập nghiệp thì tánh giác không thể hiển lộ và cứ tiếp tục đi mãi trong luân hồi. Khi không còn nhận hòn bọt cho là toàn biển nữa, đó chính là giác ngộ giải thoát.

5. Tánh thấy không chỗ trả về

A-nan vâng nghe lời Phật từ bi chỉ dạy rồi, khóc lóc chắp tay bạch Phật rằng:

- Tuy con được nghe lời Phật dạy nhiệm mầu như thế, ngộ được tâm diệu minh vốn là tâm địa viên mãn thường trụ. Nhưng con ngộ đây là do tiếng Pháp của Phật vừa dạy, cũng dùng tâm phan duyên chí thành chiêm ngưỡng. Con chỉ luống được tâm này chứ chưa dám nhận là bản nguyên tâm địa. Vậy mong Phật thương xót dùng viên âm chỉ dạy, nhổ gốc nghi cho con để trở về với đạo Vô thượng.

Đến đây một lần nữa ngài A-nan khóc lóc cầu xin. Ngài khóc vì tuy được nghe Phật chỉ dạy có tâm không sanh diệt, nhưng vẫn còn dùng tâm duyên theo tiếng pháp mà hiểu, chứ chưa thật nhận bản nguyên tâm địa của mình. Ngài cầu xin Phật chỉ dạy thêm để nhổ hết gốc nghi, trở về với đạo Vô thượng. Chúng ta cũng vậy, nghe kinh cảm thấy ngộ nhưng ra khỏi giảng đường thì mê lại. Đó là ngộ qua lời nói, dùng tâm suy nghĩ mà nhận hiểu chứ chưa thật sự thấy tánh, hằng sống được mọi lúc mọi nơi.

Phật bảo A-nan: - Các ông còn dùng tâm phan duyên nghe pháp thì pháp này cũng thuộc về duyên, chẳng phải được pháp tánh. Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác, người kia nhân ngón tay nên thấy được mặt trăng. Nếu lại xem ngón tay cho là mặt trăng mà còn bỏ mất ngón tay. 

Dùng tâm phan duyên lăng xăng để nghe pháp thì pháp ấy cũng thuộc về pháp sở duyên. Vì tiếng vốn sanh diệt, tâm duyên theo tiếng sanh diệt cũng là sanh diệt, chứ chẳng phải pháp tánh. Nghe giảng về vọng tưởng nên nhìn lại tâm vọng nơi mình, nghe nói chân tâm phải thẳng đó nhận lấy. Nếu trên lời nói khởi phân biệt là bị lời chuyển, kẹt trong lời nói, là sanh diệt.

Chúng ta phải hiểu pháp của Phật nói như thế nào? Phật đưa ví dụ nương ngón tay để thấy mặt trăng. Như đêm mồng bốn mồng năm mặt trăng lưỡi liềm nhỏ xíu hiện ở phương tây. Có người hỏi, đêm nay có trăng không? Người mắt sáng nhìn thấy mặt trăng liền nói có. Người kia lại hỏi, mặt trăng ở đâu? Người này đưa tay chỉ về hướng mặt trăng, người kia nương ngón tay nhìn lên liền thấy mặt trăng. Trái lại, nếu cứ nhìn đầu ngón tay cho đó là mặt trăng thì không bao giờ biết được mặt trăng mà cũng lầm luôn ngón tay. Cho nên Phật nói, chẳng những mất mặt trăng mà cũng mất luôn ngón tay. Đức Phật cốt chỉ tâm tánh cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải biết xoay lại mình để nhận ra, đừng nương lời nói mà khởi phân biệt.

Vì sao? Vì cho ngón tay chỉ là mặt trăng sáng, không những bỏ mất ngón tay, mà còn không biết được sáng tối. Vì sao? Vì cho thể ngón tay là tánh mặt trăng sáng, tức không rõ hai tánh sáng và tối. Ông cũng như thế, nếu cho cái phân biệt tiếng ta nói pháp là tâm ông thì tâm này tự nên lìa sự phân biệt tiếng mà vẫn có tánh phân biệt. Ví như có người khách nghỉ ở nhà trọ, tạm dừng rồi đi chứ không ở mãi, còn người chủ nhà trọ thì chẳng đi đâu, ấy gọi là chủ nhà.

Lời nói của Phật là âm thanh sanh diệt, tâm duyên theo lời pháp đó nếu thật là tâm mình, thì khi lời nói qua mất tâm vẫn còn. Nếu lời nói qua rồi, tâm cũng mất luôn thì chẳng khác nào khách trọ. Khi lời nói của Phật không còn, lìa tiếng lìa sự phân biệt lời nói mà vẫn có cái biết hiện hữu rõ ràng, đó mới thật là tâm mình. Như người chủ nhà hằng luôn có mặt.

Tất cả chúng sanh đang mắc kẹt vào chỗ khi có cảnh có phân biệt, lúc không cảnh tưởng là không có phân biệt. Nếu thật không phân biệt, sao biết là không cảnh? Khi nghe tiếng phân biệt tiếng hay tiếng dở, lúc không tiếng biết lúc này không tiếng. Cái gì biết lúc này không tiếng? Phải có cái hằng biết nên mới phân biệt được có tiếng và không tiếng. Chỗ này rất tế nhị mà chúng ta không nhận ra.

Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông thì không đi đâu. Tại sao lìa tiếng lại không có tánh phân biệt? Nói như vậy, đâu chỉ tâm phân biệt tiếng mà tâm phân biệt hình dung ta, nếu lìa các sắc tướng cũng không có tánh phân biệt. Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà nhóm Câu-xá-ly v.v... lầm cho là minh đế. Nếu lìa các pháp duyên không có tánh phân biệt, thì tâm tánh ông đều có chỗ trả về, sao gọi là chủ được?

Phật dạy ngài A-nan, tâm phân biệt tất cả tiếng, hoặc hình sắc dung nhan Phật... Nếu rời những thứ đó không còn tánh phân biệt, tức chẳng phải là tâm ông. Chúng ta cần chú tâm thật kỹ đoạn này, để biết rõ đường lối tu hành. Nếu không nắm vững thì việc tu dễ bị nhầm lẫn.

Tâm chạy theo sắc, thanh, hương v.v... dấy khởi phân biệt là vọng. Vậy khi rời sáu trần chúng ta còn có cái biết phân biệt hay không? Lúc có cảnh, có người thì thấy cảnh, thấy người; khi không cảnh, không người thì thấy không cảnh, không người. Không cảnh không người chứ chẳng phải không có cái thấy. Nếu không thấy làm sao biết không cảnh không người.

Như bây giờ chúng ta ngước mặt nhìn trời, thấy mây bay thì nói mây bay, đến lúc mây tan hết thì thấy trời trong. Mây bay trời trong đều thấy, nếu không thấy làm sao biết. Đợi có cảnh mới thấy, đợi suy nghĩ mới phân biệt là lệ thuộc vào cảnh. Tánh thấy luôn hiện hữu, ngay nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý lúc nào cũng có cái phân biệt, không đợi suy nghĩ. Ngài Huyền Giác thưa với Lục Tổ: "Phân biệt cũng không phải ý." Đây là chỗ chân thật trong nhà Thiền.

Nhiều người lầm cho rằng ngồi thiền mà được định bảy tám ngày mới là tu đúng, còn ngồi nghe thấy đủ thứ là tu sai. Thiền là dừng những vọng động khách trần để sống với ông chủ hằng hiện hữu, thấy nghe hiểu biết rõ ràng, chứ không phải quên thân. Định ở đây là không bị khách trần làm rối loạn, không có vọng tưởng lăng xăng. Dù ở bất cứ nơi nào, trên chánh điện, ngoài vườn ruộng... cũng là thiền. Làm tất cả việc, cuốc cỏ, đi đứng... đều là định. Không phải ngồi một chỗ quên hết các thứ mới gọi là thiền định.

Chứng Đạo Ca nói: "Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền; Nói nín động tịnh thể an nhiên." Trong mọi hoạt động mà tâm thường thanh tịnh lặng lẽ, đó là đại định. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: "Nếu có xuất nhập tức không phải đại định." Ở đây Phật cũng dạy, lìa tiền trần vẫn có cái biết phân biệt rõ ràng hằng hữu, không lệ thuộc vào cảnh. Nhận được chỗ này rồi thì mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, kiến cắn liền hay, cái gì động liền biết rõ ràng, mà chân tâm luôn hiện tiền. Như vậy, thiền của chư Tổ và Phật nói phù hợp nhau không khác.

Ngồi thiền mà như cây đá không biết gì hết, đó là định mù tối. Bởi ngồi quên hết, tức rơi vào chỗ không phải sắc không phải không, ngoại đạo gọi đó là minh sơ. Minh là mờ mờ mịt mịt. Định như cây đá này khác Diệt tận định của A-la-hán. Định của A-la-hán diệt sạch hết kiết sử, thấy biết được các đời quá khứ vị lai, có đầy đủ lục thông, tuy nhiên khi định cũng quên thân. Còn thiền định Phật dạy trong kinh Lăng-nghiêm và của Lục Tổ dạy thì chỉ rõ tánh chân thật hằng hiện hữu nơi mình, không chạy theo vọng tưởng đó là thiền, chứ không phải quên hết cảnh quên hết người mới là thiền.

Đây là chỗ nhiều người tu lầm kẹt, tưởng rằng tâm không khởi vọng là đạo. Như người đi tìm nhà quen, nhớ con đường mà quên số nhà, tới trước cửa nhà vẫn không biết nên không vào được. Chỉ còn một chút nữa mà không biết thì vẫn là kẻ chưa đến nhà. Cũng vậy, tuy không vọng tưởng nhưng chưa nhận ra tâm chân thật, chỗ này mờ mịt. Nếu ngay đây nhận ra như người nhớ được số nhà, tự nhiên bước vào chẳng gì ngại ngùng. Vọng tưởng phân biệt lắng sạch thì thấy vẫn thấy, nghe vẫn nghe, tánh biết không mất.

A-nan thưa: - Nếu tâm tánh của con mỗi mỗi đều có chỗ trả về thì tại sao Như Lai nói diệu minh nguyên tâm không trả về đâu? Cúi mong Ngài thương xót vì con mà chỉ dạy.

Phật bảo A-nan: - Tánh thấy sáng suốt của ông thấy ta, tánh thấy này tuy không phải là diệu tinh minh tâm, nhưng nó như mặt trăng thứ hai, không phải bóng mặt trăng.

Dụ và pháp này đơn giản nhưng thật thấu đáo. Phật nói tánh thấy của ngài A-nan thấy Phật, tuy không phải là chân tâm sáng suốt, nhưng cũng như mặt trăng thứ hai không phải là bóng mặt trăng. Tại sao vậy? Bởi tánh thấy, tánh nghe... đang hiện hữu nơi chúng ta, tuy cũng sáng suốt nhưng chưa thật toàn vẹn, nên dụ như mặt trăng thứ hai. Vào đêm rằm, nếu chúng ta lấy tay ấn mắt nhìn lên mặt trăng thì thấy dường như có hai mặt trăng. Như vậy, mặt trăng thứ hai là bóng nhòe ra từ mặt trăng thứ nhất, cho nên rất gần mặt trăng thứ nhất. Tánh thấy tánh nghe hiển hiện qua sáu căn gần với chân tâm, giống như căn nhà có một cửa chính, một cửa sau và bốn cửa sổ đều mở. Nếu bật đèn sáng thì người đứng ngoài nhìn vào sẽ thấy ánh sáng phát ra các cửa. Ánh sáng nơi cửa sổ vuông, nơi cửa chính rộng, ở cửa sau thì dài và nhỏ. Ánh sáng chiếu ra ngoài bị khuôn trong phạm vi sáu cửa, nên thấy là có lớn nhỏ vuông dài khác nhau, nhưng ánh sáng đó vào ánh sáng đèn trong nhà chỉ một.

Thể kiến tinh là một, phát ra sáu căn thành sáu. Nhận ra tánh biết ở mắt tai mũi lưỡi thân ý là mới nhận ra nơi các cơ quan chứ chưa phải toàn thể, nên Phật nói giống như mặt trăng thứ hai, chưa phải mặt trăng thật. Ý nghĩa chỗ này rất rõ ràng.

Ông nên nghe kỹ, nay ta sẽ chỉ cho ông chỗ không thể trả về. A-nan, giảng đường lớn này khi mở rộng cửa về phương đông, mặt trời lên thì có ánh sáng chiếu rọi, vào đêm không trăng, mây mù mờ mịt tối tăm. Nơi các cửa mở thì thấy thông suốt, khoảng tường vách lại thấy bít lấp. Chỗ phân biệt được thì lại thấy cảnh duyên, chỗ trống rỗng toàn là hư không. Cảnh sắc mù mịt thuộc về bụi bặm tối tăm, mưa tạnh trời lặng thì thấy trong trẻo.

Này A-nan, ông xem các tướng biến hóa này. Nay mỗi thứ ta đều trả về bản nhân của nó. Thế nào là bản nhân? Này A-nan, các thứ biến hóa này, sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì không mặt trời thì không sáng, ánh sáng nhân nơi mặt trời, nên trả về mặt trời, cái tối trả về cho đêm không trăng. Thông suốt trả về cửa nẻo, ngăn bít trả về tường vách. Cảnh duyên trả về cho phân biệt, trống rỗng trả về hư không. Mù mịt trả về cho bụi bặm, trong sáng trả về trời tạnh. Tất cả mọi vật có trong không gian không ngoài những thứ này.

Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy được tám thứ này, ông muốn trả về đâu? Vì sao? Nếu trả về cho sáng thì khi tối đến không thể thấy được tối. Tuy sáng tối v.v... các thứ đều có sai biệt, cái thấy không hề sai biệt. Những thứ có thể trả về, tất nhiên chẳng phải là ông, còn cái ông không thể trả về đó, không phải ông thì là gì? Thế nên biết tâm ông vốn là nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt, ông tự mê muội làm mất cái gốc, phải chịu luân hồi thường bị trôi lăn trong sanh tử. Thế nên Như Lai nói là đáng thương xót vậy!

Phần này gọi là Bát hoàn, tức tám thứ trả về. Phật nêu lên để chỉ cho thấy rõ cả tám thứ, mỗi thứ đều có chỗ trả về, còn tánh thấy là cái không thể trả về. Không trả về đâu hết, vậy nó là của ai? Cái gì trả về được tức thuộc bên ngoài, không phải mình; cái thấy không trả về đâu tất nhiên là của mình. Đã là của mình tại sao lại quên nó để phải chịu luân hồi sanh tử, nên Phật nói chúng ta là kẻ đáng thương xót.

Ngay nơi chúng ta tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc chạm v.v... hằng hữu, mà mình quên nên phải chịu luân hồi. Cái không sanh tử mà không nhận, lại chạy theo những thứ giả dối bên ngoài rồi than sao cứ mãi luân hồi. Nếu nhớ sống trở về với tánh biết không sanh diệt thì ra khỏi sanh tử. Chúng ta tu là cốt làm sao xoay lại sống với tâm chân thật hằng hữu, đang hiện bày ở mắt tai mũi lưỡi thân ý. Cho nên đi đứng nằm ngồi, mắt thấy tai nghe... đừng để bị duyên trần lôi kéo chi phối. Trong mọi hoạt động hằng sống với tâm bất sanh bất diệt, đó gọi là Kim cương đại định hay Lăng-nghiêm đại định.

6. Tánh thấy không phải là vật

A-nan thưa:

- Con tuy biết tánh thấy này không trả về đâu, nhưng làm sao biết nó là chân tánh của con?

Phật bảo A-nan:

- Nay ta hỏi ông, ông chưa được vô lậu thanh tịnh, nhờ thần lực của Phật mà thấy cõi Sơ thiền không chướng ngại. A-na-luật thì thấy cõi Diêm-phù-đề như xem trái yêm-ma-la để trong lòng bàn tay. Các vị Bồ-tát v.v... thấy trăm ngàn thế giới. Chư Phật mười phương đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần, không chỗ nào chẳng thấy. Chúng sanh thì nhìn thấy không quá phân tấc.

Sự thấy của chúng ta cùng với Phật Bồ-tát có nhiều sai biệt. Ngài A-na-luật thấy thế giới rõ ràng như nhìn trái đào trái lý trong lòng bàn tay. Chư Phật thì thấy khắp hết trăm ngàn thế giới mười phương cõi nước nhiều như số cát sông Hằng. Sức thấy của chúng ta không quá gang tấc, chỉ một tấm giấy ngăn trước mắt là không thấy.

Thời Phật đâu có viễn vọng kính hay những phương tiện tối tân để thấy xa mà Phật đã thấy như vậy. Nếu Phật không thấy được vô số thế giới thì ngài đâu có tuyên bố thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Đến hiện nay người ta mới khám phá ra, trong hư không này cũng có các thế giới khác. Nên nói chư Phật thấy trùm khắp. Đồng là mắt, mà mỗi vị tu hành có con mắt khác nhau. Ngài A-nan do chưa được vô lậu nên phải nương thần lực của Phật mới thấy được cõi Sơ thiền.

Này A-nan, ta cùng ông xem cung điện Tứ thiên vương, khoảng giữa xem khắp những loài ở dưới nước, trên đất liền, trong hư không, tuy có các thứ hình tượng tối sáng, đều là tiền trần phân biệt làm chướng ngại. Ông nên ở nơi đó phân biệt cái nào là mình cái nào là vật. Nay ta cho ông chọn lựa trong cái thấy đó, cái gì là thể của ông cái gì là hình tượng sự vật.

A-nan, tột cùng cội nguồn cái thấy của ông, từ các cung mặt trời mặt trăng... là vật chứ không phải ông; cho đến Thất kim sơn, xem kỹ cùng khắp, tuy có các thứ ánh sáng cũng là vật chứ không phải ông. Dần đến xem thấy mây nổi chim bay, gió động bụi dấy, cây cối núi sông, rau cỏ người thú, đều là vật chứ không phải ông.

Này A-nan! Tính chất các vật gần xa tuy có sai khác, nhưng đều do tánh thấy trong sạch của ông xem thấy. Vậy các vật kia tự có sai biệt, còn tánh thấy thì không khác. Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này thật là tánh thấy của ông.

Phật xác nhận rõ, trăm vật sai khác ở cõi này cho tới mặt trời, mặt trăng v.v... đều thuộc về cảnh bên ngoài, không phải là tánh thấy của ông. Cái hay thấy được trăm ngàn thứ đó, chính là tánh thấy sẵn có nơi mình.

Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng thấy cái thấy của ta. Nếu khi cùng thấy gọi là thấy cái thấy của ta, thì khi ta không thấy sao ông không thấy được chỗ không thấy của ta? Nếu ông thấy được cái không thấy, thì tự nhiên đó không phải là tướng không thấy kia. Nếu ông không thấy được chỗ không thấy của ta, thì tự nhiên cái thấy không phải vật, sao lại không phải là ông?

Lại nay khi ông thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng phải thấy ông. Như vậy thì thể tánh rối loạn, ông với ta cùng cả thế gian không an lập được.

Này A-nan, nếu khi ông thấy ấy là ông chứ không phải ta, tánh thấy khắp giáp đó không phải là ông thì còn là ai? Tại sao lại tự nghi chân tánh của ông? Tánh của ông mà ông không chịu nhận, lại đến cầu ta chỉ cho cái thật.

Phật quở ngài A-nan, tất cả những gì thấy được là vật, còn cái hay thấy được vật chính là tánh thấy sẵn có nơi mỗi người, vậy mà không chịu nhận lại đến cầu Phật chỉ dạy.

Tất cả chúng ta mỗi người đều có tánh thấy sẵn có sao không tự nhận, lại mải đi tìm cầu đâu đâu, nay học chỗ này mai cầu chỗ kia... để nhờ chỉ giùm. Tánh thấy tánh nghe chân thật trùm khắp, không có giới hạn mà không nhận, lại nhận những suy nghĩ lăn tăn trong đầu cho là tâm mình, bỏ quên cái thấy biết trùm khắp. Đó là không tự nhận lấy chỗ chân, lại cầu Phật chỉ cho cái thật, nên bị Phật quở.

7. Tánh thấy không ngại

A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, nếu tánh thấy này hẳn là con không phải gì khác, thì khi con cùng Như Lai xem bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương ở cung mặt trời mặt trăng, cái thấy này trùm khắp cả cõi Ta-bà, khi lui về tinh xá chỉ thấy cảnh chùa, trở vào gian nhà thanh tâm chỉ xem thấy phòng nhà. Bạch Thế Tôn, cái thấy này như thế, thể của nó xưa nay cùng khắp một cõi, nay ở trong nhà chỉ thấy khắp trong nhà. Vậy cái thấy này rút lớn thành nhỏ, hay bị tường vách ép lại khiến cho đứt đoạn? Nay con không biết nghĩa này thế nào, cúi mong Ngài rộng lòng từ bi vì con giảng rõ.

Ngài A-nan hình dung cái thấy là một sự vật có hình tướng, nên có thể rút lại, nở ra hoặc bị cắt đứt... Điều nghi của ngài xem ra cạn cợt, nhưng chính vì để phá chỗ chấp lầm của chúng ta. Chúng ta thường đồng hoá cái thấy với sự vật, gá mình nơi vật, quên mất chính mình.

Phật bảo A-nan:

- Tất cả các thứ lớn nhỏ trong ngoài ở thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói cái thấy có giãn ra hay rút lại. Ví như trong món đồ vuông thì thấy hư không vuông, ta lại hỏi ông: Trong món đồ vuông này thấy hư không vuông, là cố định vuông hay không cố định? Nếu cố định vuông thì khi ở trong vật tròn lẽ ra hư không đó không tròn. Nếu không cố định vuông thì ở trong món đồ vuông lẽ ra hư không chẳng vuông. Ông nói không biết nghĩa này thế nào. Nghĩa tánh như thế, sao còn hỏi thế nào!

Phật nêu ví dụ để chỉ rõ tánh thấy không phải là hình thức vật chất nên không nhất định là lớn nhỏ vuông tròn. Người ta thường hỏi tâm ở đâu, lớn chừng nào, mà không biết đặt câu hỏi như vậy là đã lầm, vì tâm tánh không thuộc hình tướng, chỗ nơi, lớn nhỏ...

Này A-nan, nếu lại muốn vào tánh không vuông tròn thì chỉ trừ bỏ món đồ vuông. Thể của hư không vốn không vuông, chẳng nên nói bỏ cái tướng hư không vuông hiện có. Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, há lại kéo tánh thấy giãn bằng với mặt trời? Nếu bị tường vách ép lại, tánh thấy đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? Nghĩa ấy không đúng!

Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay mê mình làm vật, bỏ mất bản tâm bị vật xoay chuyển, nên ở trong đó thấy có lớn nhỏ.

Tất cả chúng ta có nhận lầm mình là vật không? Nhận thân tứ đại của mình tức đã lầm cho mình là vật. Thân tứ đại này luôn luôn biến đổi sanh diệt lại chấp lấy nó làm mình, tất phải bị lưu chuyển luân hồi.

Chúng ta có hai bệnh: Một, chấp thân là mình, tức lầm mình là vật nên quên mất bản tâm. Hai, chấp cái hiện biết của mình giống như vật. Cho nên khi có vật mới cho là thấy, không vật liền nói không thấy. Lúc có tiếng nói nghe, không tiếng thì nói không nghe. Mắt thấy tai nghe khắp hết mà nói không thấy không nghe, quên đi cái hiện hữu. Khi nào có cảnh mới biết có mình, khi không cảnh dường như quên mình. Đó là lệ thuộc ngoại cảnh.

Cảnh là tướng hư giả, tùy duyên tụ hợp không cố định lại cho là có thật. Tánh biết hằng hữu trùm khắp thì lại bỏ quên, tưởng như không có. Đây là nhận vật nhận âm thanh làm mình mà quên mất bản tâm, bị ngoại cảnh lôi cuốn đi mãi trong trầm luân sanh tử, gọi là bị vật chuyển.

Ví dụ chúng ta đang ngồi bình tĩnh vui vẻ bất chợt có người kêu tên chửi, lúc đó có còn bình tĩnh vui vẻ hay đỏ mặt đỏ mày chuẩn bị trả đũa? Chỉ có ít tiếng khó nghe mà đã chuyển mình từ ngồi yên trở thành xao động lăng xăng, huống là gặp những việc lớn lao khác đến với mình thì sao? Lúc đó chắc quên hết mọi thứ, quay cuồng theo cảnh, không còn tỉnh giác gì nữa.

Nếu bị vật chuyển thì hạn cuộc ở nơi vật. Như thấy thân này là mình, nên đối với thân chúng ta thấy có thấp cao đẹp xấu v.v... rồi quý yêu chiều chuộng, chạy theo nhu cầu của nó, suốt một đời chỉ nô lệ cho thân, rốt cuộc đi dần đến chỗ bại hoại. Giống dã tràng xe cát trên bãi biển, một cơn sóng ập vô liền tiêu tan hết. Chúng ta cũng vậy, nuôi dưỡng thân mấy chục năm cuối cùng nó cũng bại hoại, thật là công dã tràng! Đến khi mất thân này lại chụp kiếm thân khác, cứ như vậy làm hoài nên luân hồi muôn kiếp. Đó là bị vật chuyển, còn chuyển vật là sao?

Nếu hay chuyển được vật tức đồng Như Lai, thân tâm tròn sáng chẳng rời đạo tràng, ở trên đầu một sợi lông mà dung chứa các cõi nước mười phương.

Khi chuyển được vật tức đồng với chư Phật, thân tâm tròn sáng, ngay nơi đạo tràng này, một mảy lông cũng có thể bao hàm cả thế giới mười phương. Điều này có dễ tin không? Nếu nhìn trên tướng, chúng ta thấy cõi nước mười phương vô cùng to lớn, còn đầu sợi lông thì bé tí xíu. Ở đây là đứng về tánh không, về tâm thể mà nói. Mọi sự vật đều do duyên khởi, tự tánh là không. Tánh không thì không có lớn nhỏ, còn tâm thể không hình tướng thì có gì mà không hàm dung, nên đầu sợi lông và mười phương cõi nước đều hàm dung nhau. Đó là diệu dụng bất khả tư nghì.

Biết thân vật chất không phải thật mình, chỉ là tướng tứ đại duyên hợp hư dối. Trong mọi thấy nghe đều xoay trở lại tánh thấy tánh nghe nơi mình, không đợi có sắc mới gọi là thấy, không đợi có âm thanh mới gọi là nghe. Khi mắt thấy vật đẹp xấu chúng ta chỉ nhớ mình đang thấy, lúc tai nghe lời chửi bới hay khen ngợi chỉ nhớ đang nghe. Tất cả cảnh đến chúng ta đều xoay chuyển về tánh hiện biết thì đâu có phiền giận, mất mình.

Chúng ta tu mà chỉ nghĩ đến thân này sao cho an ổn sung sướng thì biết đó là bị vật chuyển. Còn biết thân hư dối tạm bợ, mang nó cũng như ôm khúc cây mục, cần lội vô bờ gấp, như vậy là chuyển được vật. Mang thân này để tu chứ không phải để hưởng thụ, giây phút nào cũng phải nghĩ làm sao vượt ra khỏi trầm luân sanh tử, làm sao để dứt sạch mọi vọng tưởng điên đảo, để cho tâm tròn sáng thanh tịnh, trùm khắp mười phương. Ngộ được lẽ này chúng ta không còn mắc kẹt trong sự vật nữa. Do mê nên nhận vật làm mình, thấy có lớn nhỏ, tốt xấu, thương ghét... bị vật chuyển luân hồi kiếp kiếp. Ngộ được bản tâm thì những thứ đó không còn giá trị nữa. Vì vậy chúng ta tu là phải chuyển được vật, để tâm trùm khắp cả thế giới mười phương.

8. Tánh thấy không hai

A-nan bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, nếu tánh thấy này chắc chắn là diệu tánh của con, thì diệu tánh này phải hiện ở trước con. Tánh thấy quả thật là con thì nay thân tâm con lại là vật gì? Nhưng hiện nay thân tâm con thật có phân biệt, còn cái thấy kia không phân biệt được thân con. Nếu tánh thấy thật là tâm con, khiến con hiện nay có thấy, vậy tánh thấy là con, còn thân không phải con thì đâu có khác với chỗ trước kia Như Lai gạn hỏi vật hay thấy được con? Cúi mong Ngài đại từ mở bày cho những người chưa ngộ.

Ngài A-nan có ba điều nghi:

- Một, tánh thấy này nếu thật là con thì thân tâm hiện nay lại là vật gì?

- Hai, hiện tại thân tâm rõ ràng có phân biệt, còn cái thấy thì không phân biệt được thân, vậy sao nói tánh thấy là con được?

- Ba, nếu tánh thấy thật là con thì thân này không phải là con, vì hai cái riêng rẽ, vậy thì đâu khác đoạn trước Phật gạn hỏi, nếu nó ở ngoài thì phải thấy mặt ông, tức là vật hay thấy được ông?

Phật bảo A-nan:

Nay ông nói cái thấy ở trước ông, nghĩa đó không đúng. Nếu thật ở trước ông và ông thật thấy được, thì tánh thấy này đã có chỗ nơi, đều chỉ ra được. Vả lại, nay ta với ông ngồi trong rừng Kỳ-đà, xem khắp rừng suối cùng với điện đường, trên đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông ở trước tòa sư tử của ta, đưa tay chỉ rõ những tướng này: chỗ râm mát là rừng, chỗ sáng là mặt trời, chướng ngại là vách, thông suốt là hư không, như thế cho đến cỏ cây, mảy mún, lớn nhỏ, tuy sai khác nhưng đã có hình thì đều có thể chỉ ra được. Nếu quyết định tánh thấy này hiện tại ở trước ông, thì ông nên lấy tay chỉ rõ ràng chính xác, cái nào là tánh thấy?

Này A-nan! Nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, cái nào là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã là cái thấy rồi, cái nào là vật? Ông hãy chín chắn phân tích trong vạn tượng, chọn ra tánh thấy sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, chỉ rõ cho ta, như các vật kia rõ ràng không lầm lẫn.

Phật bảo A-nan suy nghĩ tìm xét trong mọi sự vật, phân tích ra cái nào là tánh thấy, để chỉ bày rõ ràng cụ thể như những vật chúng ta thấy trước mắt.

A-nan thưa: - Nay con ở nơi lầu gác giảng đường này, nhìn xa thấy sông Hằng, trên xem đến mặt trời mặt trăng... những thứ tay chỉ ra được, mắt xem thấy được đều là vật, không phải tánh thấy.

Bạch Thế Tôn! Như lời Phật đã dạy, chẳng những hàng Thanh văn hữu lậu sơ học chúng con, cho đến Bồ-tát cũng không thể nào đối trước hình tượng muôn vật, chia chẻ ra được tánh thấy, lìa tất cả sự vật riêng có tự tánh.

Phật bảo: - Đúng thế! Đúng thế!

Ngài A-nan trả lời khéo léo, không chỉ riêng ngài mà đến những bậc Bồ-tát cũng không thể nào chia chẻ vạn tượng chỉ ra tánh thấy được.

Phật lại bảo A-nan:

- Như lời ông nói, không có tánh thấy lìa tất cả sự vật riêng có tự tánh, vậy những thứ ông chỉ ra được đều là vật, không phải cái thấy. Nay lại bảo ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà, xem thấy vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các thứ hình tượng sai khác, chắc chắn không có tánh thấy để ông chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật này, cái gì không phải là cái thấy?

A-nan thưa: - Con thật xem khắp rừng Kỳ-đà này, không biết trong đó cái gì không phải là cái thấy. Vì sao? Nếu cây không phải là cái thấy thì làm sao thấy cây? Nếu cây tức là cái thấy thì sao gọi là cây? Như thế cho đến hư không, nếu không phải là cái thấy thì làm sao thấy hư không? Nếu hư không là cái thấy thì sao gọi là hư không? Con lại suy nghĩ, trong muôn vật này, chín chắn phát minh, không có gì chẳng phải cái thấy.

Phật nói: - Đúng thế! Đúng thế!

Tại sao Phật bảo ngài A-nan tìm xem trong tất cả sự vật, gì là cái thấy, gì không phải cái thấy? Bởi ngài A-nan chấp cái thấy ở trước mặt, mà đã trước mặt tức là vật chất, tất nhiên phải có nơi chốn, nên Phật bảo phải tìm xem nó ở đâu. Ngài A-nan tìm không được, nói không có cái thấy. Không có cái thấy thì làm sao thấy được? Như chúng ta nhìn thấy cây, nhà, hồ nước,... tất cả những thứ ấy không phải là cái thấy, nhưng nếu không liên hệ cái thấy thì làm sao thấy được các vật?

Ở đây có hai phần:

- Thứ nhất, phân tích tất cả sự vật tìm không có cái thấy. Bởi cái gì chỉ ra được, nhận thấy biết được đều là vật không phải là cái thấy.

- Thứ hai, tất cả sự vật nhìn thấy được cái nào cũng là cái thấy, vì nếu không phải cái thấy thì làm sao thấy được sự vật?

Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Văn-thù bảo đồng tử Thiện Tài đi kiếm loại cây có chất độc thì cây nào cũng độc, lại bảo đi tìm lương dược thì cây nào cũng là lương dược. Cũng vậy, tất cả sự vật không phải là cái thấy mà không gì chẳng phải là cái thấy. Chúng ta biết được sự vật, những sự vật đó không là cái thấy của chúng ta. Người thế gian thì thấy vật và mình là hai, đã là hai tức mình không thể biết vật, còn biết được vật thì chẳng phải là hai. 

Vật thể vô tri, biết được vật thể là tâm. Ví dụ người thợ làm ra đồng hồ, người ấy có quyền sở hữu và đặt nó nơi nào tùy thích. Người thợ làm ra đồng hồ là tri hay vô tri? Người thợ là tri, đồng hồ là vô tri. Vô tri bị tri làm chủ, chứ nó đâu thể làm chủ được cái tri. Cũng vậy, thân tứ đại của chúng ta là vô tri, cái biết điều khiển thân tứ đại là tri. Như mình đang nằm nghỉ chợt khởi ý niệm ngồi dậy liền ngồi dậy, khởi niệm bước xuống đi thì bước xuống đi... Cái điều khiển được thân tứ đại đó là tri.

Từ thân cho đến các sự vật bên ngoài đều do tri điều khiển, vậy là vật không rời tâm. Ngộ được tất cả sự vật gốc từ tâm thì đại địa cũng trở về nguồn tâm. Nếu không ngộ lý ấy, đại địa là đại địa, mình là mình. Thấy được sự liên hệ đó rồi, trở về được với nguồn chân, mới không lầm giả là thật.

Chúng ta thường tưởng sự vật ở bên ngoài là thật nên bị vật chuyển. Như cây hoa hướng dương, nếu không từng biết nó thì đối với mình nó chỉ là nó chứ không nói là hoa hướng dương hay là gì hết. Chính con người chúng ta, do có biết rồi ưa hoặc ghét, tạo thêm nhiều thứ khen chê lấy bỏ theo ý muốn của mình. Biết rõ sự vật tùy thuộc nơi mình, mình làm chủ nó, tức chuyển được vật. Đó là giác ngộ, trở về chỗ thật.

Hầu hết chúng ta đều bị vật chuyển, vì quên tâm chân thật. Nếu khéo trở về nguồn tâm thì tất cả sự vật cho đến cả thế giới vũ trụ cũng theo đó mà chuyển. Thế nên các thiền sư đến đi tự tại, đối với thân tứ đại này sống chết chẳng có gì quan trọng. Thân dù có bệnh đau, tâm các ngài vẫn an nhiên.

Ở đây Phật nói nghĩa thị và phi thị. Thị là phải, phi thị là chẳng phải. Tánh thấy không lệ thuộc vào phải và chẳng phải, không mắc kẹt hai bên. Chỗ này hàng Thanh văn hữu học không thể nào biết được.

Khi ấy trong đại chúng những người chưa vào hàng vô học, nghe Phật nói lời này mờ mịt không biết nghĩa trước sau thế nào, nên đều hoảng hốt sợ mất điều trước đã gìn giữ. Đức Như Lai biết họ đang lo sợ nên sanh lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng: 

- Này các thiện nam tử! Đấng Pháp vương vô thượng nói lời chân thật, như chỗ thấy mà nói, không dối không gạt, không phải như bốn thứ nghị luận bất tử rối loạn của nhóm Mạt-già-lê. Ông phải chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của ta. 

Như chỗ thấy mà nói, là thấy thế nào nói thế ấy, đúng như chỗ thấy mà nói.

Trong các bộ kinh A-hàm có nói về chúng ngoại đạo Mạt-già-lê, lý luận trườn uốn như con lươn. Bốn thứ nghị luận bất tử rối loạn là: cũng thay đổi cũng thường hằng, cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm.

Đến chỗ này hàng Nhị thừa không giải quyết được, nên Bồ-tát Văn-thù xuất hiện.

Khi ấy, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử, vì thương xót tứ chúng, từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, các đại chúng này không ngộ được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa "phải" và "chẳng phải", nơi hai thứ tánh thấy và sắc không. Bạch Thế Tôn, như các vật tượng sắc không nơi tiền cảnh này là tánh thấy thì nên có chỗ chỉ ra được; nếu không phải là tánh thấy thì lẽ ra không thể thấy, mà nay không biết nghĩa ấy về đâu, nên mới kinh sợ, chứ chẳng phải do thiện căn đời trước mỏng ít. Cúi mong Như Lai mở lòng đại bi chỉ rõ cho biết các vật tượng này cùng với tánh thấy nguyên là vật gì, mà ở trong ấy không có các nghĩa "phải" và "chẳng phải".

Phật bảo Văn-thù và đại chúng:

- Như Lai mười phương và đại Bồ-tát khi tự trụ trong chánh định, cái thấy và các vật bị thấy cùng với tướng tưởng đều như hoa đốm trong hư không, vốn không thật có. Cái thấy này và các duyên vốn là thể giác nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt, làm sao trong đó có "phải" và "chẳng phải".

Tự trụ trong chánh định, tức nhập chánh định của chính mình, là chỗ hằng sống từng phút từng giây. Nơi cái thấy và các vật bị thấy cùng với tướng tưởng, chư Phật Bồ-tát xem như hoa đốm trong hư không. Tất cả đều từ tánh giác tròn sáng mà ra thì làm gì có phải và chẳng phải.

Tất cả sự vật đều không rời tâm viên giác, nên biết ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm. Những thứ tốt xấu đâu có ở ngoài tâm mà theo đuổi? Chúng sanh mê lầm thấy vật ở ngoài mình nên có thương ghét, sanh bao nhiêu phiền não. Phật chỉ tường tận cái nào cội nguồn, cái nào tạm bợ. Cội nguồn là tánh giác, tướng tưởng và cảnh duyên là tạm bợ. Tướng tưởng là thức tâm phân biệt, duyên là trần cảnh. Nếu biết cả hai đều ở trong tánh giác thì không còn đem tâm phân biệt cảnh, tự nhiên trở về tâm thể Bồ-đề. Vậy nên trong đó không thể nói là phải hay chẳng phải. Vì còn nói phải chẳng phải là còn thấy hai, mà còn thấy hai là cái thấy sai lầm.

Như bọt nước, như lượn sóng trên biển, cài này cái kia có khác nhưng đều từ biển mà ra, rời biển không có thể riêng. Khi biết toàn biển rồi thì những thứ chìm nổi trên biển cũng giống hoa đốm trong hư không, không thật. Chúng ta còn mê nên Phật mới phân tích cho biết cảnh là giả, cái thấy là thật. Chúng ta tu, đối cảnh tâm không dấy khởi phân biệt, biết tâm cảnh đều ở trong thể giác thanh tịnh nhiệm mầu. Ngộ được chỗ này thì thấy và cảnh đều là tâm thể giác ngộ viên mãn.

- Văn-thù! Nay ta hỏi ông, như ông là Văn-thù, lại có Văn-thù phải là Văn-thù và không phải Văn-thù chăng? 

- Bạch Thế Tôn! Đúng thế, con thật là Văn-thù, không có phải là Văn-thù. Vì sao? Nếu có phải là Văn-thù thì ắt thành hai Văn-thù. Tuy nhiên hiện nay chẳng phải là không Văn-thù. Trong đó thật không có hai tướng phải và chẳng phải.

Văn-thù thật là Văn-thù thì làm sao có phải hay không phải. Phải là đối với không phải, đây phải Văn-thù thì kia không phải Văn-thù, như thế thì có hai Văn-thù. Thực tại là Văn-thù, không có phải và không phải.

Như hiện giờ Thông Không đang ngồi ở đây, có người hỏi: Thầy phải Thông Không hay không phải Thông Không? Nếu thấy Thông Không rõ ràng thì không hỏi phải, không phải. Nói phải tất nhiên có cái không phải, nói thật tức là có giả. Thông Không đang hiện hữu, thấy hiện hữu thì không có phải hay không phải, còn đặt vấn đề là chưa thấy hiện hữu. Ví dụ có người chỉ nghe tên Thông Không mà chưa biết mặt, bây giờ gặp mới hỏi: Phải thầy Thông Không không? Hỏi phải không tức là chưa biết, nếu biết rồi thì thấy liền biết, ngay đó nhận ra, không còn đặt vấn đề nữa.

Tánh giác trùm cả vạn tượng mà chúng ta không biết, nên thấy vạn tượng ở ngoài tánh giác, rồi cho là có tánh giác riêng, sự vật riêng. Vì vậy mới phân chia cái này là phải tánh giác, cái kia không phải tánh giác. Bởi thấy hai nên không thấy chỗ cứu cánh.

Phật dạy:

- Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này cùng với hư không và trần cảnh cũng lại như thế, vốn là chân tâm giác ngộ vô thượng thanh tịnh tròn sáng nhiệm mầu, mà dối làm sắc không cùng với thấy nghe, như là mặt trăng thứ hai. Cái gì là phải mặt trăng, lại cái gì không phải mặt trăng? Này Văn-thù! Chỉ một mặt trăng thật, trong đó tự không có phải mặt trăng hay không phải mặt trăng. Do đó nay ông xem cái thấy cũng với trần cảnh, các thứ phát minh ra gọi là vọng tưởng, không thể ở trong đó chỉ ra được cái phải và chẳng phải. Bởi do tánh giác chân thật sáng suốt nhiệm mầu này hay khiến ông vượt ra ngoài nghĩa chỉ bày và không thể chỉ bày.

Như giữa đêm rằm trăng sáng, chúng ta dụi mắt nhìn lên, thấy như có hai mặt trăng. Vậy mặt trăng thứ hai nhòe ra là thật hay không thật? Khi con mắt tinh sáng thấy rõ mặt trăng thật thì mặt trăng thứ hai và bóng mặt trăng dưới nước đều không nghĩa lý, bởi chúng chỉ là bóng không tồn tại. Còn lầm bóng mặt trăng, lầm mặt trăng thứ hai là chưa thấy mặt trăng thật. Thấy mặt trăng thật rồi thì không còn đối đãi phải không phải, ngay đó chân thể hiện bày. Hiểu được chỗ này chúng ta mới thâm nhập được tinh thần bất nhị của Phật giáo.

Chư Phật và Bồ-tát an trụ chánh định, thấy tất cả người cảnh là pháp đối đãi không thật, như hoa đốm trong hư không. Khi an trụ chỗ thật rồi thì không còn đối đãi hai bên nữa. Lý bất nhị đưa chúng ta đến chỗ chân thật, ý nghĩa thâm trầm này vượt ngoài chỗ thấy của hàng Thanh văn, nên tới đây phải là Bồ-tát mới thấy được, vì vậy người đứng ra thưa hỏi là Bồ-tát Văn-thù.

Chúng ta học đạo là để đạt đến chỗ chân thật, không còn mắc kẹt ở hai bên. Sở dĩ nói phải chẳng phải là vì còn nghi, chưa thấy được lý thật. Chúng ta chưa an trụ trong chánh định của chư Phật Bồ-tát nên lúc nào cũng nói phải, chẳng phải. Do còn mê nên thấy trong là tâm, ngoài là cảnh, có hai cái đối đãi nhau. Như ngủ mộng thấy có người có cảnh thật trăm phần trăm, nhưng khi giật mình thức dậy thì người và cảnh trong mộng không còn nữa.

Thông thường chúng ta không dám buông bỏ tâm cảnh, sợ phủi hết còn gì là mình. Nhưng không ngờ chính khi bỏ được hai thứ đó, con người chân thật hiện ra sờ sờ. Con người chân thật đó tức là Bồ-tát Văn-thù, là Căn bản trí, cũng gọi là Bản lai diện mục sẵn có nơi mỗi người. Đây là chỗ thiết yếu. Chúng ta tu Phật là phải nhận ra và sống được với tâm chân thật, nếu không thì dù cố gắng tu cũng bị kẹt trong đối đãi, vẫn trầm luân chưa thoát ra khỏi vòng trói buộc của tâm và cảnh. Ngài Khuê Phong nhân kinh hiểu được thiền, nhân thiền thấu được lý kinh. Người không hội thiền nghe kinh này tưởng như nói chuyện xa vời, thật khó hiểu.

Các thiền sư thường quở chỗ thấy hai. Khi có người đến hỏi đạo, các ngài đưa hai ngón tay. Bởi còn thấy hai là chưa thấy đạo, dù sáu thời công phu lễ lạy, ngồi thiền suốt ngày, Phật tổ cũng lánh xa. Người còn thấy hai thì đi đến đâu sẽ có phiền rộn đến đó, tuy giữ giới luật gắt gao nhưng có khi cũng phạm. Vì con trâu hai sừng còn đủ lại hung hăng, tránh sao khỏi chạm đông chạm tây!

Chúng ta tu chỉ cần bỏ thấy hai thì ngồi uống trà, Niết-bàn luôn trước mắt. Vì tuy ở tại thế gian mà thiên hạ không ai làm rộn mình, giới luật chẳng cần giữ cũng không phạm. Lúc ấy thong thả, con trâu rụng hết sừng rồi, tâm đã thuần, không còn phạm đông chạm tây nữa.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05548
  • Online: 26