Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt3)
03/01/2021 | Lượt xem: 1830
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải
II. CHỈ RA TÁNH THẤY
9. Tánh thấy không thuộc nhân duyên và tự nhiên
A-nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, thật như đấng Pháp vương nói, tánh giác duyên trùm khắp các cõi nước mười phương, lặng lẽ thường trụ, tánh không sanh diệt. Vậy so với thuyết Minh đế của các Phạm chí Ta-tỳ-ca-la trước kia nói và các thuyết của chúng ngoại đạo Đầu Khôi v.v... nói có chân ngã đầy khắp cả mười phương, có gì sai khác?
Tánh giác duyên tức tánh thấy. Ngài A-nan nghi Phật nói tánh thấy đó đồng như Minh đế và chân ngã của ngoại đạo.
Đức Thế Tôn ở trên núi Lăng-già, từng vì Bồ-tát Đại Huệ v.v... rộng nói nghĩa này: "Các ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn ta nói nhân duyên, không phải là cảnh giới của họ." Nay con xét tánh giác này tự nhiên, không sanh không diệt, xa lìa tất cả hư vọng điên đảo, dường như không phải nhân duyên, mà cùng giống thuyết tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế Tôn chỉ dạy thế nào để chúng con khỏi rơi vào các tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật sáng suốt nhiệm mầu.
Ngài A-nan dẫn lời Phật nói trên hội Lăng-già, để minh chứng: Các ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn ta nói nhân duyên, không phải là cảnh giới của họ. Và ngài nghi rằng, nếu tánh giác sẵn có, thường trụ lặng lẽ, không sanh không diệt thì nó là tự nhiên chứ không phải nhân duyên, vậy e cũng đồng với chỗ ngoại đạo nói thuyết tự nhiên? Ngài thỉnh Phật chỉ dạy cho ngài và đại chúng nhận được tâm tánh chân thật, không rơi vào đường tà. Qua đoạn này chúng ta được biết kinh Lăng-nghiêm có sau kinh Lăng-già.
Phật bảo A-nan:
- Nay ta đã mở bày phương tiện như thế, chân thật dạy ông, ông vẫn còn chưa ngộ, lại lầm cho là tự nhiên. Này A-nan, nếu hẳn là tự nhiên thì phải nêu rõ có thể tự nhiên. Ông hãy xét xem trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này lấy gì làm tự thể? Cái thấy này dùng sáng làm tự thể hay dùng tối làm tự thể? Dùng rỗng không làm tự thể hay dùng bít làm tự thể? Này A-nan, nếu lấy sáng làm tự thể, lẽ ra không thấy tối, nếu lại lấy rỗng làm tự thể, lẽ ra không thấy bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối v.v... làm tự thể thì khi sáng tánh thấy diệt mất, làm sao thấy sáng?
Ở đây Phật bác lý tự nhiên. Nếu nói tự nhiên thì thể nó sẵn có, vậy tánh thấy lấy gì làm tự thể? Nếu lấy sáng làm tự thể thì đã là thể sáng, làm sao thấy được tối? Nếu lấy tối làm tự thể, tới lúc sáng, tối diệt mất thì tự thể của tánh thấy cũng mất, đã mất làm sao thấy được sáng?... Cho đến các tướng trạng khác cũng vậy, không lấy gì làm tự thể được. Vì khi sáng thấy, tối cũng thấy, trống thấy, bít cũng thấy, nên không có một tự thể riêng.
A-nan thưa:
- Tánh thấy nhiệm mầu này, chắc không phải tự nhiên. Nay con phát minh là nhân duyên sanh. Nhưng tâm vẫn chưa rõ, xin hỏi đức Như lai, nghĩa ấy thế nào cho hợp với tánh nhân duyên?
Phật bảo: - Ông nói nhân duyên, ta lại hỏi ông. Nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy này là nhân sáng có thấy hay nhân tối có thấy, nhân rỗng không có thấy hay nhân ngăn bít có thấy? Này A-nan, nếu nhân sáng mà có thì lẽ ra chẳng thấy sáng; như thế cho đến nhân rỗng không, nhân ngăn bít cũng đồng với sáng và tối.
Phật hỏi, lấy gì làm nhân của tánh thấy? Nếu lấy sáng làm nhân để thấy thì khi nhân sáng mất chẳng thể thấy. Còn lấy tối làm nhân để thấy thì khi ánh sáng đến, tối mất làm sao thấy?
Lại nữa A-nan, tánh thấy này lại duyên nơi sáng có thấy hay duyên tối có thấy, duyên rỗng không có thấy hay duyên ngăn bít có thấy? Này A-nan, nếu duyên rỗng không có tánh thấy lẽ ra chẳng thấy ngăn bít, nếu duyên ngăn bít mà có thì lẽ ra chẳng thấy rỗng không. Như thế cho đến duyên nơi sáng duyên nơi tối cũng đồng với rỗng không và ngăn bít. Như thế nên biết tánh giác nhiệm mầu sáng suốt không phải nhân không phải duyên, cũng không phải tự nhiên, không phải chẳng tự nhiên, không có chẳng phải và không chẳng phải, không có phải và chẳng phải, lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp.
Đức Phật bác về nhân duyên. Nhân là nhân cái nào? Duyên là duyên cái nào? Nếu nhân cái này thì không thấy cái kia, duyên cái kia thì không thấy cái này. Sáng và tối là cái thấy của người thế gian, họ chỉ biết trên sự vật mà không biết được tánh thấy. Nhận được tánh thấy tức biết tối sáng đều thuộc về cảnh, còn tánh thấy không lúc nào vắng.
Đạo Phật chủ trương nhân duyên, nhưng tại sao ở đây Phật nói không phải nhân duyên? Đứng về pháp sanh diệt, các vật có hình tướng là do hòa hợp mà có, căn cứ trên lý duyên khởi nên đức Phật nói nhân duyên. Đứng về tánh thấy, không phải là tướng sanh diệt, không thuộc pháp nhân duyên, cũng không phải tự nhiên, nên Phật nói không phải nhân duyên, tự nhiên v.v...
Bởi đây là chỗ không thể dùng ngôn ngữ nghĩ bàn, không còn kẹt trong các tướng đối đãi phải chẳng phải. Như hư không có hình tướng giống đèn, mõ, chuông... hay tất cả sự vật. Tất cả hình tướng đều không phải là hư không, nên nói lìa tất cả tướng. Tuy các tướng không phải hư không, nhưng không tướng nào ngoài hư không, đều có liên hệ với hư không, cũng vậy tất cả vật không phải là tánh thấy nhưng đều có liên hệ với tánh thấy, nên nói tức tất cả pháp.
Tóm lại, tánh thấy bao trùm tất cả nhưng không thuộc hình tướng của tất cả. Do không phải là hình tướng của tất cả, nên nói lìa tất cả tướng. Tuy không hình tướng nhưng bao hàm tất cả pháp, nên nói tức tất cả pháp. Tánh thấy chính là tâm thể chân thật nơi chúng ta, nó không hạn cuộc trong thân mấy chục ký mà thênh thang trùm khắp như hư không vậy.
Nay ông tại sao ở trong đó dụng tâm sai lầm, lấy các danh tướng hý luận thế gian mà phân biệt nó, như lấy bàn tay nắm bắt hư không chỉ thêm tự nhọc nhằn. Hư không làm sao để cho ông nắm bắt?
Đức Phật quở ngài A-nan và đưa ra ví dụ cho thấy tánh thấy không hình tướng. Nếu nghĩ nó thuộc hình tướng đối đãi, đó là sai lầm, là hý luận giả dối không thật, chẳng khác nào lấy tay bắt hư không, chỉ nhọc công vô ích.
A-nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, tánh giác nhiệm mầu ắt không phải nhân không phải duyên. Tại sao Thế Tôn thường chỉ dạy các thầy Tỳ-kheo, nói tánh thấy có đủ bốn thứ nhân duyên: nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân tâm, nhân con mắt, nghĩa ấy thế nào?
Ngài A-nan gạn lại vấn đề tánh thấy. Tánh giác nhiệm mầu không phải nhân, không phải duyên, tại sao có khi đức Phật dạy, muốn thấy được sự vật phải có đủ bốn nhân duyên: nhân hư không, ánh sáng, thức và con mắt?
Trong Duy thức nói rất rõ vấn đề này. Như khi chúng ta nhìn thấy cây quạt thì trước hết phải có khoảng không. Có khoảng không mà không có ánh sáng cũng không thể thấy. Khoảng không là một nhân, ánh sáng là một nhân, nhưng không có con mắt và tâm thức thì cũng không thể thấy biết đó là cây quạt. Phải đủ bốn điều kiện mới gọi là thấy, như vậy là do nhân duyên mà có tánh thấy, tại sao Phật nói là không?
Phật bảo:
- A-nan, ta nói các tướng nhân duyên ở thế gian, chứ không phải là nghĩa đệ nhất. Này A-nan, ta lại hỏi ông những người thế gian nói "tôi hay thấy", thế nào gọi là thấy, thế nào là chẳng thấy?
Khi Phật phân biệt về nhân duyên ở thế gian là nói về tướng thế gian, chứ không phải nói về đệ nhất nghĩa. Bởi vì đệ nhất nghĩa vượt ngoài tướng nhân duyên. Người tu học cần phải hiểu vấn đề then chốt này, để thấy được những điều trước kia mình chưa từng biết. Lâu nay chúng ta cứ thấy lầm theo lối thông thường của thế gian, không hiểu được nghĩa thâm sâu. Nên mới cho cảnh là mình rồi chạy theo cảnh, gọi là bị vật chuyển chứ không chuyển được vật.
A-nan thưa rằng:
- Người đời nhân nơi ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được các tướng, gọi đó là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy.
- A-nan, nếu khi không sáng gọi là chẳng thấy, thì lẽ ra chẳng thấy tối. Nếu có thấy tối thì đây chỉ là không sáng, chứ sao gọi là không thấy?
Phật xác định thấy tối thấy sáng đều là thấy. Khi vào nhà tối chúng ta không thấy, đợi đốt đèn lên mới thấy, vậy thấy đó là đèn thấy hay mình thấy? Ánh sáng chỉ để hiển vật, còn thấy là mình. Thấy tối tức là không có ánh sáng chứ chẳng phải không có cái thấy. Nếu không có thấy thì sao gọi là thấy tối? Có ánh sáng nhìn thấy sự vật, không ánh sáng thấy tối ở trước, cả hai đều là thấy. Đó là lý lẽ mà lâu nay chúng ta không biết, cứ thấy tối nói là không thấy, mà không ngờ đó là cái thấy thường hằng của mình.
Này A-nan, nếu khi ở chỗ tối không thấy ánh sáng mà gọi là không thấy, nay khi ở chỗ sáng chẳng thấy tương đối cũng gọi là không thấy. Nếu hai tướng tự lấn đoạt nhau, không phải tánh thấy của ông trong đó tạm không. Như thế ắt biết cả hai đều gọi là thấy, tại sao lại nói không thấy?
Ví dụ vào đêm không trăng chúng ta đang ở trong nhà, bất chợt đèn tắt hết lúc này chỉ thấy tối mịt, lát sau điện sáng trở lại chúng ta nhìn thấy các vật. Như vậy tướng sáng tối đó là do có đèn hay không đèn, chứ cái thấy được tối sáng thì không thay đổi, không mất. Tối sáng bên ngoài thay nhau, còn cái thấy lúc nào cũng hiện hữu. Nhưng chúng ta lại lầm tưởng khi tối không thấy, lúc sáng mới thấy, tức bị lệ thuộc vào vật mà quên mất mình. Thấy tối thấy sáng, cả hai đều gọi là thấy, tại sao nói không thấy?
Thế nên A-nan, nay ông nên biết, khi thấy sáng, cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối, cái thấy không phải là tối, khi thấy rỗng không, cái thấy không phải là rỗng không, khi thấy ngăn bít, cái thấy không phải là ngăn bít. Bốn nghĩa đó thành tựu. Ông lại nên biết, khi thấy cái thấy, thấy chẳng phải là cái thấy, thấy vẫn lìa xa cái thấy, cái thấy không thể kịp, thì làm sao lại nói là nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp?
Đoạn trên là thấy đối với ngoại cảnh, đến đây là thấy đối với nội tâm. Đối với ngoại cảnh thì tánh thấy không phải là các tướng tối sáng, rỗng bít... Còn hướng về nội tâm thì thế nào? Như khi chúng ta biết vọng tưởng thì vọng tưởng là cái bị biết, còn cái hay biết không phải là vọng tưởng. Cho nên kinh nói: kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập. Chữ Kiến trước là chỉ cho cái hay biết, chữ Kiến sau là cái bị biết. Cái hay biết không phải là cái bị biết, cái bị biết không thể nào bì kịp cái hay biết.
Đây nói rất rõ về đường lối tu. Bởi vọng tưởng là các tưởng duyên theo pháp trần dấy động lăng xăng chợt sanh chợt diệt, còn cái thấy được vọng tưởng không thuộc lăng xăng sanh diệt. Nên nói, cái hay thấy xa lìa cái bị thấy, cái bị thấy không thể nào bì kịp. Vọng tưởng là động, còn cái biết vọng không động, hai cái khác nhau xa.
Nhiều người không hiểu nói biết vọng tức cái biết đó là động. Nhưng đâu phải biết vọng hoài, chỉ khi có vọng mới biết vọng và không theo. Như ông chủ nhà, lúc khách vừa tới biết khách tới, khi khách đi biết khách đi, chủ biết khách đến đi chứ chủ đâu có đi. Khách đến đi chỉ cho cái động ở ngoài, chủ nhà biết rõ khách đến khách đi thì vẫn ở yên một chỗ.
Chúng ta nên nhớ ở mắt tai mũi lưỡi thân ý có tánh biết rõ ràng, hằng hữu không động. Mắt nhìn thấy tất cả tức là có biết, nhưng nếu không khởi tâm phân biệt thì không động. Ví dụ thấy cái nhà chỉ là cái nhà không thêm tưởng phân biệt gì khác, đó là cái biết hằng hữu mà không động. Còn vừa thấy liền khởi phân biệt nghĩ xem nhà này làm bằng gì, gạch hay đất, đẹp hay xấu... đó là dấy động phân biệt.
Như vậy, biết mà có niệm phân biệt là động, thuộc về cái biết sanh diệt. Còn cái biết như như không động thì làm sao thuộc sanh diệt được. Cái biết không động đó, ở mắt có, ở tai mũi lưỡi... cũng đều có. Nếu nghe tất cả tiếng, thấy tất cả hình sắc mà không khởi niệm nào thêm, tức là hằng biết nhưng không động.
Hiện nay chúng ta tu theo lối biết vọng, tức tu về ý căn. Thấy được từng niệm vọng tưởng, đó là tánh biết không sanh diệt. Trở về với tánh biết không sanh diệt tức tiến vào vô sanh. Người không hiểu cho cái biết đó cũng là đối đãi, là động, nhưng sự thật không phải. Bởi vì vọng dấy lên, chúng ta biết mà không theo thì đâu có động. Như nhìn thấy người chạy, biết họ đang chạy chứ mình đâu có chạy. Người chạy là động, thấy họ chạy đâu phải là động. Cũng thế, thấy được vọng tưởng, cái thấy đó không phải là vọng. Tánh thấy xa lìa vọng, vọng kia không thể bì kịp nó. Như vậy làm sao nói nó là nhân duyên, tự nhiên hay là tướng hòa hợp?
Vọng tưởng duyên theo tướng đối đãi nên thuộc sanh diệt, còn cái thấy được vọng tưởng thì không phải đối đãi sanh diệt. Nếu lấy tưởng sanh diệt để dụ cho cái thấy không sanh diệt, hoặc hiểu nó là nhân duyên, là tự nhiên... theo nghĩa đối đãi thì không được.
Các ông là hàng Thanh văn hẹp hòi không biết, không thể thông suốt được thật tướng thanh tịnh. Nay ta chỉ dạy ông phải khéo suy nghĩ, không được lười trễ trên đường giác ngộ nhiệm mầu.
Đường giác ngộ tức là con đường Bồ-đề. Cách mình bao xa? Khi nào chúng ta rong chơi như chàng cùng tử thì xa, còn ở nhà làm con trưởng giả thì là Bồ-đề. Chúng ta muốn cái nào? Nếu muốn làm cùng tử thì cứ đi chơi, còn muốn làm con trưởng giả thì phải ở nhà. Chúng ta có đủ thẩm quyền để lựa chọn, làm con trưởng giả hoặc làm cùng tử lang thang, tùy mình.
10. Tánh thấy không phải là cái thấy
A-nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, như Phật Thế Tôn vì bọn chúng con nói nhân duyên và tự nhiên, các tướng hòa hợp cùng chẳng hòa hợp, tâm chúng con còn chưa được khai ngộ, mà nay lại nghe nói "thấy cái thấy chẳng phải cái thấy" (kiến kiến phi kiến) thì càng thêm mê muội. Cúi mong Ngài mở rộng lòng từ, bố thí con mắt đại trí tuệ, khai mở cho chúng con tâm giác ngộ sáng suốt thanh tịnh.
Nói lời ấy rồi buồn tủi khóc lóc, đảnh lễ chờ nghe lời Phật dạy.
Trong hội này, A-nan đã khóc bốn lần. Ngài khóc vì tủi thân chỉ một bề học rộng nhớ nhiều, tu hành chẳng tới nơi nên bị ngoại đạo dùng tà thuật bắt. Khóc vì đã ỷ vào Phật, nghĩ rằng Phật sẽ cứu độ, sẽ cho chánh định, không ngờ mình phải tự cứu, Phật không giúp được. Khóc vì còn đem tâm phan duyên nghe Phật dạy chỗ thường trụ viên mãn. Đến đây nghe Phật nói mù tịt không biết gì nên lại khóc nữa.
Khi ấy Thế Tôn vì thương xót A-nan và đại chúng, nên sẽ diễn bày pháp đại Tổng trì, là con đường tu hành chánh định nhiệm mầu, nên bảo A-nan:
- Ông tuy nhớ giỏi nhưng chỉ thêm phần học rộng, đối với pháp Xa-ma-tha, quán chiếu vi mật, tâm vẫn chưa rõ. Nay ông lắng nghe ta sẽ vì ông phân biệt chỉ bày, cũng khiến cho hàng hữu lậu ở tương lai được quả Bồ-đề.
Xa-ma-tha là Chỉ, quán chiếu vi mật là Quán. Chỉ quán tức là Thiền.
Này A-nan, tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian, do hai thứ vọng kiến phân biệt điên đảo, ngay đó mà phát sanh, ngay nơi nghiệp mà luân chuyển. Thế nào là hai thứ thấy sai lầm? Một là thấy sai lầm theo nghiệp riêng của chúng sanh. Hai là thấy sai lầm theo nghiệp chung của chúng sanh.
Thế nào gọi là thấy sai lầm theo nghiệp riêng? Này A-nan, như người thế gian con mắt bị nhặm ban đêm thấy ánh sáng ngọn đèn, riêng có một bóng tròn, năm sắc chồng lên nhau. Ý ông nghĩ sao? Bóng tròn hiện ra nơi ngọn đèn sáng ban đêm, đó là sắc của đèn hay sắc của cái thấy, mà bóng tròn này chỉ có người bệnh mắt mới thấy? Nếu đó là sắc của cái thấy, cái thấy đã thành sắc rồi vậy người bệnh mắt kia thấy bóng tròn thì gọi là cái gì?
Như khi chúng ta bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn ngọn đèn thấy có bóng tròn màu xanh đỏ... chồng lên nhau. Nếu bóng tròn thuộc về đèn thì ai nhìn đèn cũng phải thấy màu sắc đó. Nhưng người không bệnh mắt không thấy, vậy nó không thuộc đèn. Nếu sắc đó thuộc cái thấy thì cái thấy đã biến thành sắc, tức thành cái bóng tròn, vậy cái thấy bóng tròn gọi là gì? Nếu gọi là cái thấy thì thấy không phải là sắc, nếu là sắc thì không thể thấy được bóng tròn. Như vậy cả hai trường hợp đều không đúng, bóng tròn không thuộc về đèn cũng không thuộc về cái thấy.
Lại nữa A-nan, nếu bóng tròn này lìa ngọn đèn riêng có thì khi nhìn những vật bên cạnh như bình phong, màn, bàn ghế... cũng phải có bóng tròn phát ra. Nếu lìa cái thấy mà riêng có bóng tròn thì lẽ ra chẳng phải là mắt thấy, tại sao người nhặm mắt lại thấy bóng tròn? Thế nên phải biết sắc thật ở nơi đèn, do cái thấy của con mắt bệnh thành ra có bóng tròn. Bóng tròn và cái thấy của con mắt nhặm đều là bệnh, còn cái thấy bệnh không phải bệnh.
Ngọn đèn thuộc về sắc, bóng tròn gốc từ con mắt bệnh. Bóng tròn và con mắt thấy bóng đều là bệnh. Khi biết được bóng tròn là do mắt nhặm thấy, thì cái biết sâu kín này không phải bệnh.
Trọn không nên nói là đèn là thấy, trong ấy còn có chẳng phải đèn chẳng phải thấy. Giống như mặt trăng thứ hai không phải là thể mặt trăng cũng không phải là bóng mặt trăng.
Ở đây muốn nhấn mạnh hai chữ thị và phi. "Thị đăng thị kiến, phi đăng phi kiến" là đèn là thấy, không phải đèn không phải thấy, để cho thấy ở chỗ mê lầm hư dối không thể nói thị không thể nói phi.
Đức Phật dụ bóng tròn từ bệnh mắt mà ra, không thật, cũng giống như chúng ta dụi mắt rồi nhìn mặt trăng, thấy có bóng trăng thứ hai nhòe ra bên cạnh mặt trăng thật. Nó không phải là thể mặt trăng thật và cũng không phải bóng mặt trăng dưới nước. Nó huyễn có, không phải thật.
Vì sao? Vì thấy mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà thành. Những người có trí không nên nói mặt trăng do dụi mắt thấy này là có hình tướng hay không có hình tướng, lìa cái thấy hay không lìa thấy. Đây cũng như thế, bóng tròn do mắt bệnh mà thành, nay muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy, huống là phân biệt chẳng phải đèn chẳng phải thấy.
Biệt nghiệp vọng kiến là do nghiệp riêng của mỗi người chiêu cảm khác nhau. Cũng một ngọn đèn mà người nhặm mắt thấy có bóng tròn, người không nhặm mắt không thấy. Bóng tròn có với người bệnh và không có với người không bệnh, đó là nghiệp riêng. Như người bị bệnh tâm thần, thấy người này hại, người kia hại... lăng xăng lộn xộn đủ thứ, còn người không bệnh tâm thần thì không thấy. Nếu không thông cảm với người bệnh, mình thấy không mà họ thấy có thì cãi vã nhau.
Như người có chủng tử tu mà ít phước, làm gì cũng khó thành công. Ngược lại người vừa có chủng tử tu vừa nhiều phước, làm gì được nấy, nói gì người ta cũng nghe. Người ít phước làm không được, nói không ai nghe, nên giận trách người hay tự biết đó là nghiệp riêng của mình? Kinh A-hàm kể Xá-lợi-phất có một đệ tử đã tu chứng A-la-hán mà đi khất thực không bao giờ đủ cơm ăn. Tôn giả tìm đủ cách đem cơm về cho ông ăn. Dù cơm tới miệng nhưng lúc ăn cũng bị rớt đổ không ăn được. Như vậy để thấy, tuy cùng có chủng tử tu mà nghiệp riêng của mỗi người vẫn khác.
Do có nghiệp riêng nên mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, khả năng khác nhau, cho nên đừng bắt người giống hệt như mình. Người ta không giống mình, ta tức tối là sai rồi. Phải làm sao trong cuộc sống sai biệt, chúng ta khéo chuyển đừng để sai biệt nhiều. Ví dụ như mình và người, hai bên có mười thứ khác nhau. Nếu bên nào cũng giữ cái riêng của mình thì khó hợp tác được. Mình phải giảm đi năm điều, người kia cũng vậy, chỗ không hợp nhau thì lấy đó làm chuẩn chung để sống, chỗ không hợp thì bỏ bớt đi, như vậy từ từ sẽ hòa hợp. Đừng đòi hỏi người nào cũng giống mình, điều đó không thể có trên trần gian này.
Chúng ta thường chủ quan theo biệt nghiệp. Người khác thấy điều đó, mình không thể thấy nên phủ nhận. Như kẻ phàm phu thấy dục lạc thế gian là thật là tốt, song đối với người hết nghiệp thấy những thứ đó không tốt. Phàm phu thấy ngũ dục thật nên say mê, như con thiêu thân thấy ánh đèn sáng là bay vô để rồi bị thiêu chết. Vì nghiệp nên nó không thấy bị thiêu cháy mà chỉ thấy sự hấp dẫn của đèn. Chúng ta nhiều khi biết chỗ đó bước vào là chết mà cũng cứ nhào vô, đến khi thoát được nghiệp rồi nhìn lại mới thấy mình thật đáng thương.
Phật muốn chỉ cho chúng ta rõ nghiệp là hư giả, do bệnh lầm mà ra. Đã là hư giả thì không cố định, chúng ta có quyền chuyển đổi, có quyền thoát ra. Nếu cho nghiệp cố định là lẫm lẫn lớn, vì tánh nghiệp vốn không.
Thế nào gọi là thấy sai lầm theo nghiệp chung của chúng sanh? Này A-nan, cõi Diêm-phù-đề này trừ nước biển cả ra, trong đó đất bằng có ba ngàn châu. Châu lớn ở giữa, từ đông sang tây gồm chung có tới hai ngàn ba trăm nước lớn. Còn những châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu hoặc có hai trăm, ba trăm nước, hoặc là mười hai mươi cho đến ba mươi bốn mươi, năm mươi nước. Này A-nan, lại nếu trong đây có một châu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng cảm những duyên ác, thì những chúng sanh ở trong nước đó xem thấy tất cả những cảnh giới chẳng lành, hoặc là thấy hai mặt trời hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến các ác tướng như quầng sáng hay là quầng tối ở chung quanh mặt trời mặt trăng, hoặc thấy sao xẹt, hoặc bên cạnh mặt trời mặt trăng có những tướng giống như vòng ngọc đeo, hoặc là thấy sao chổi chuyển động, thấy cầu vòng... Chỉ có người ở nước này thấy, còn những chúng sanh ở nước khác vốn không thấy mà cũng không nghe.
Gọi là đồng nghiệp vì ở chung một nước, cùng cảm duyên ác nên thấy những hiện tượng lạ giống nhau. Những hiện tượng lạ đó, người trong nước khác lại không thấy. Ở đoạn trước nói người bệnh mắt nên thấy đèn có bóng tròn, người không bệnh mắt thì không thấy, đó là biệt nghiệp. Hai thứ biệt nghiệp và đồng nghiệp đã rõ ràng, đây là cái thấy theo nghiệp riêng hoặc nghiệp chung, đều gọi là vọng kiến.
Này A-nan, nay ta vì ông lấy hai việc này kết hợp tới lui để chỉ rõ. A-nan, như chúng sanh kia vì thấy sai lầm theo nghiệp riêng nên thấy nơi ánh sáng của ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như cảnh hiện ở trước, nhưng cái thấy kia trọn do mắt bệnh nhặm mà thành. Mắt bệnh tức cái thấy lao nhọc, không phải do màu sắc tạo ra. Nhưng người thấy biết được bệnh, thấy đó trọn không có lỗi. Giống như hiện nay ông dùng mắt xem thấy núi sông cõi nước và chúng sanh, đều do cái thấy bệnh từ vô thủy mà thành.
Do con mắt bệnh tự nó thấy có bóng tròn chứ không phải có một hình sắc thật nào được tạo ra ở bên ngoài. Như vậy bóng đó là ở ngoài mình hay ở trong mình ra? Thấy bóng tròn rõ ràng là ở ngoài, nhưng không ngờ chính là từ con mắt nhặm. Chỗ này nghiệm lại mới thấy ý nghĩa rất sâu xa. Như hiện nay chúng ta thấy núi sông cây cỏ người vật thì cứ tưởng là cảnh bên ngoài không liên hệ với mình, không ngờ chính từ tâm thể thanh tịnh của mình do mê lầm hiện ra mà mình không biết. Tất cả sanh tử thế gian cũng gốc từ mê lầm mà hiện, nhưng chúng ta vẫn tưởng là thật.
Tuy nhiên, bóng tròn do mắt nhặm mà thấy thì dễ hiểu, còn cảnh giới núi sông cây cỏ người vật, nói do mê lầm mà hiện ra, thật không dễ hiểu. Tại sao? Đây cũng như người không nhặm mắt bảo người nhặm "cái thấy của anh không thật". Người đang nhặm mắt nghe không thể tin được, vì họ đang thấy bóng tròn rõ ràng. Chừng nào hết nhặm như người kia, lúc đó mới công nhận là chỗ thấy trước không thật.
Cũng vậy, đức Phật đã giác ngộ, biết do từ gốc mê lầm của chúng sanh mà có những cảnh giới như vậy, chúng ta còn mê lầm nên nghe khó hiểu. Một mai hết mê thì chuyện đó rõ như ban ngày. Cho nên Phật với Phật thì thông cảm nhau, còn Phật với chúng sanh khó thông cảm. Bởi vì người còn nghiệp, làm sao hiểu nổi lời nói của người hết nghiệp.
Nay tạm lấy thứ có hình tướng để ví dụ. Chúng ta đang sống trên trái đất, thấy nó chắc thật vô cùng, là chỗ gá nương an toàn của tất cả chúng sanh, nhưng thật ra nó ở giữa hư không và đang xoay vùng vụt. Thử tưởng tượng một lúc nào đó, trong lòng trái đất có gì không ổn, nó nổ tung thì chúng ta ra sao? Trái đất không bền và mạng sống chúng ta cũng thế. Vậy mà cứ cho là thật, mỗi mỗi tranh hơn tranh thua. Mỗi một vòng trái đất tự quay quanh nó là một ngày đêm. Mạng sống chúng ta được bao nhiêu vòng quay của trái đất mà cứ luôn cho là thật?
Thế giới hư giả này do vọng nghiệp mê lầm của chúng sanh tạo thành. Khi nào hết vọng nghiệp thì cảnh hư giả này cũng theo đó mà hết. Hiểu vậy rồi chúng ta phải mạnh mẽ buông cái giả trở về cái thật, đó là tu. Thế nên đạo Phật gọi là đạo giác ngộ, nghĩa là quay trở về chỗ chân thật. Dù chúng ta làm các Phật sự mà còn chạy theo giả thì cũng chưa phải Phật tử.
Cái hay thấy và cảnh bị thấy dường như là cảnh trước mắt mà vốn là từ giác minh của ta do thấy theo cảnh mà thành bệnh.
Tại sao nói do thấy theo cảnh mà thành bệnh? Như đoạn trước, trong ví dụ Phật đã dẫn: lìa mặt trăng thật không có bóng mặt trăng dưới nước và mặt trăng thứ hai, hai cái này không ngoài thể mặt trăng. Cho nên cái thấy (kiến) cùng với cảnh bị thấy (kiến duyên) nguyên là thể giác minh, nhưng vì cái thấy chạy theo cảnh (sở duyên) mà thành bệnh. Do chúng ta không thấy thể mặt trăng, lại nhận bóng trăng dưới nước hoặc mặt trăng thứ hai mà thành bệnh.
Cái hay thấy và cảnh bị thấy dường như là hiện tiền, cũng như con mắt bệnh và bóng tròn, dường như hiện tiền, thật ra vốn từ thể giác minh của ta. Thấy bóng tròn là do con mắt bệnh, mà mắt bệnh là từ mắt sáng. Trước nguyên là sáng, nhưng do duyên có gì đó mà thành bệnh. Khi bệnh thấy lòa, lúc trị hết bệnh thì trở lại mắt sáng như cũ. Nếu trước không có mắt sáng thì nay bị lòa đâu gọi là bệnh, cho nên mắt bệnh gốc từ mắt sáng, không ngoài mắt sáng. Vậy mắt bệnh không phải là bản hữu, bản hữu là mắt sáng.
Cũng thế, tất cả mê lầm của chúng sanh gốc từ bản giác, cho nên thấy cảnh này cảnh kia cũng không ngoài bản giác. Bản tâm chân thật thanh tịnh là cái sẵn có, còn mê lầm là duyên cớ sau này, trị hết mê lầm thì trở về bản tâm thanh tịnh. Do đó Phật nói, từ tâm thể thanh tịnh, do mê lầm mà sanh ra sơn hà đại địa, chúng sanh... Hết mê lầm thì trở về bản thể thanh tịnh. Chỗ này rõ ràng dễ hiểu, nhưng sống được thật là khó, bởi vì lỡ bị nhặm. Đang nhặm mà bảo không thấy bóng tròn là khó.
Giác kiến tức là bệnh, còn bản giác minh tâm biết được các duyên thì không bệnh. Biết được cái thấy biết bệnh, biết này không ở trong bệnh. Đây thật là tánh thấy hằng thấy (kiến kiến) vậy, sao gọi đó là thấy nghe hiểu biết được?
Giác kiến là thấy biết theo cảm giác thông thường, duyên theo cảnh, gọi là vọng giác, vọng tâm, là cái thấy bệnh. Tâm sáng suốt sẵn có hay biết được các duyên thì không bệnh. Như khi chúng ta biết được vọng tưởng thì vọng tưởng là sở giác. Vọng tưởng là bệnh, còn thấy biết được vọng tưởng đó không bệnh. Đây mới thật là nghĩa kiến kiến, giác sở giác vậy. Chữ kiến trước là năng giác tức bản giác, chữ kiến sau là sở giác. Bản giác là tâm thường trực, sở giác là tâm vọng tưởng duyên theo bóng của ngoại cảnh. Thấy được vọng tưởng là năng giác, còn vọng tưởng là sở giác. Sở giác bệnh chứ năng giác không bệnh, nên không lệ thuộc vào những sự thấy nghe hiểu biết chạy theo cảnh bên ngoài.
Thế nên nay ông thấy ta và ông cùng với mười loài chúng sanh ở thế gian, đều là cái thấy do mắt bệnh, không phải cái thấy bị bệnh. Tánh thấy chân thật kia không phải bệnh, nên chẳng gọi là thấy.
Hiện giờ chúng ta thấy người, vật, cảnh ở thế gian cho là thật, đó là thấy theo nghiệp, là thấy do mắt bệnh. Chúng ta thấy trần cảnh phân biệt hay dở, đó gọi là cái thấy bệnh. Biết âm thanh sắc tướng kia là giả dối không thật, cái biết này không phải bệnh. Học đến đây chúng ta mới thấy rõ ràng đường lối tu hành qua lời dạy của Phật. Giác được cái sở giác là bệnh thì giác đó không bệnh. Biết được vọng tưởng thì cái biết vọng tưởng đó không phải bệnh. Đây là nghĩa kiến kiến ở trên. Vọng tưởng là tướng duyên theo bóng dáng của pháp trần. Pháp trần là bóng thì cái duyên theo cũng là bóng, thuộc về giả dối. Cái biết được vọng tưởng thì không phải vọng tưởng, không chạy theo bóng nên nói cái giác đó không bệnh.
Nhiều người không rõ, nghĩ rằng tu biết vọng không theo mà vọng cứ lên hoài chẳng khác nào như lảy lá cây, bẻ cành nhánh chứ không bao giờ bứng được gốc của nó. Người ta cứ tìm cách bứng gốc, nhưng gốc có thật không mà bứng? Đó chỉ là tưởng tượng si cuồng. Vọng tưởng không thật làm sao có gốc mà bứng! Vừa thấy nó là nó mất rồi, còn gì mà bứng! Cho nên biết nó không thật, không theo nó là đủ rồi.
Hiểu vậy mới thấy điều chủ yếu của sự tu, bằng không cứ lẩn quẩn tìm kiếm, tưởng như có một pháp thật để tu. Thiền tông thường nói: "Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người." Chỉ đừng theo vọng tưởng điên đảo tức là tu rồi. Chính khi học kinh, được giảng giải rõ ràng, tự mình thấu hiểu, tự ứng dụng tu. Cũng có người khi tu học được chút ít tưởng là đủ, đến khi gặp chướng có những điều chưa biết lại bị rối rắm. Do đó không nên tự mãn, đôi khi đi lệch đường không hay.
Này A-nan, như những chúng sanh kia thấy sai lầm theo nghiệp chung, so với một người thấy sai lầm do nghiệp riêng thì một người có bệnh mắt cũng đồng như người trong cõi nước kia. Người thấy bóng tròn kia là do bệnh mắt vọng sanh ra. Còn trong nước kia hiện ra những điềm không tốt là do nghiệp chung, nên chúng sanh đồng thấy các thứ chướng ác. Cả hai đều do cái thấy hư vọng từ vô thủy sanh ra. Giống như ba ngàn châu trong cõi Diêm-phù-đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta-bà, cùng mười phương các cõi nước hữu lậu và các chúng sanh, đồng là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Các sự thấy nghe hiểu biết là bệnh duyên hư dối, hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử.
Nghiệp riêng của một người gọi là biệt nghiệp. Nếu tất cả chúng sanh đồng thấy, hay tất cả người trong một nước đồng thấy một cảnh thì gọi là đồng nghiệp. Cả hai trường hợp đều là thấy lầm theo nghiệp. Tất cả người ở trên thế giới Ta-bà này, cho tới mười phương thế giới, những chúng sanh còn trong hàng hữu lậu, đều không ngoài tánh giác sáng suốt, tâm vô lậu thanh tịnh, do quên mà chạy theo những thấy nghe, cảm giác, hiểu biết hư vọng, vốn là bệnh duyên hư dối. Bởi chạy theo đó nên hòa hợp với nghiệp mà sanh, rồi cũng hòa hợp với nghiệp mà tử, kế tiếp lại sanh chỗ khác cũng là theo nghiệp.
Sanh và tử này là do chúng sanh chấp theo vọng kiến của mình, cho nhân duyên hòa hợp là sanh, nhân duyên ly tán là tử. Thật ra trong đó không có hòa hợp và ly tán thật, chỉ tướng hư dối do bệnh duyên phát khởi. Nó không thật mà chúng ta cứ chấp là thật. Dù cho có sanh có tử trăm ngàn lần đi nữa thì cũng không ngoài giác minh vô lậu diệu tâm. Nếu bây giờ chúng ta biết tất cả đều từ một giác minh vô lậu diệu tâm mà ra thì sanh hay tử đối với mình có còn quan trọng nữa không?
Như khi chúng ta ra biển, thấy toàn thể mặt biển thênh thang, thì những lượn sóng trồi lên hụp xuống sánh với mặt biển có còn quan trọng không? Những lượn sóng lên xuống ví dụ cho sanh tử. Trồi lên là sanh, hụp xuống là tử. Những lượn sóng trăm ngàn lần trồi lên hụp xuống đó, đối với mặt biển nào có giá trị gì. Khi đã biết được mặt biển thì trăm ngàn lượn sóng trên biển cũng là mặt biển, không ngoài mặt biển mà có. Do chưa biết mặt biển nên thấy từng lượn sóng là quan trọng, nói lượn này to lượn kia nhỏ, lượn này dài lượn kia ngắn v.v... Chúng ta tưởng chúng là thật, nhưng thật ra đều do duyên hợp, có gió thổi thì dậy sóng, gió lặng thì sóng dừng, không có gì thật.
Cũng vậy, chúng ta mê muội nên chạy theo duyên trần, cho những duyên hòa hợp là sanh, khi các duyên ly tán là tử. Chúng ta thử kiểm lại xem đời sống mình có phải do hòa hợp không? Rõ ràng là sự hòa hợp: hòa hợp của tứ đại, hòa hợp của tâm thức mà có sự sống. Nếu các thứ hòa hợp này rời ra thì sự sống tìm ở đâu? Như vậy sự sống bảy tám mươi năm tưởng dài, thật ra không có gì dài ngắn cả. Thời gian cứ cuồn cuộn trôi không dừng, một đời tưởng là dài đó chỉ do cái thấy mê lầm theo nghiệp mà ra. Đối với cõi trời thì tuổi thọ con người thật quá ngắn. Con chó, con gà, con vịt... đời sống ngắn ngủi hơn con người nhiều, nhưng chúng cũng thấy đầy đủ lắm rồi. Như vậy tùy theo nghiệp mà chúng sanh thấy hoàn cảnh và thọ mạng của mình vừa với ý muốn.
Do mê muội chấp vào các tướng sanh diệt, con người bằng lòng thỏa mãn với đời sống của họ. Chúng ta tu thì không chấp nhận tự mãn với cuộc sống tạm bợ vô thường này, nên nói tu để giải thoát sanh tử. Giải thoát sanh tử thì trở về đâu? Bao nhiêu sóng lặng xuống thì về biển. Bao nhiêu vọng tử dừng thì trở về vô lậu diệu tâm. Nên biết giác minh vô lậu diệu tâm là bản thể trùm khắp bất sanh bất diệt, đó là giác ngộ trở về chỗ chân thật. Đây là mục tiêu chủ yếu của người tu.
Nếu hay xa lìa các duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp, là diệt trừ các nhân sanh tử, tánh Bồ-đề viên mãn không sanh không diệt, bản tâm thanh tịnh, bản giác thường trụ.
Nếu chúng ta xa lìa được hai thứ hòa hợp và chẳng hòa hợp, tức là sanh và tử, thì không còn nằm trong các duyên đối đãi nữa. Thoát khỏi đối đãi là trừ được nhân sanh tử, mà trừ được nhân sanh tử thì quả Bồ-đề tròn đầy.
Con người thường sống với hai thứ vọng kiến: đồng phần vọng kiến và biệt nghiệp vọng kiến, nói gọn là đồng nghiệp và biệt nghiệp. Chúng sanh cho những gì mình thấy biết là thật rồi theo nghiệp mà lưu chuyển. Bây giờ biết rõ tất cả những sai biệt đó đều hư dối không thật, vốn không rời tâm giác minh vô lậu, tức không bị nghiệp dẫn nữa, đó là thoát khỏi vọng sanh và vọng tử, Bồ-đề viên mãn, sống trở lại bản tâm thanh tịnh, bản giác thường trụ.
Phật đánh thức chúng ta ra khỏi sự mê lầm bị nghiệp làm chủ, thấy các pháp thế gian đều thật. Với Phật, tất cả những gì có hình tướng đều hư dối. Chúng ta nghe khó hiểu vì mình cũng như người đang nhặm mắt, thấy đèn có bóng tròn, Phật như người không bị nhặm, không thấy có bóng tròn. Bởi vậy tu là khéo chuyển những nghiệp cũ, sao cho càng ngày càng nhẹ nhàng trong sạch thì mọi điều Phật tổ nói ra chúng ta sẽ cảm thông được hết.
Muốn không còn thấy bóng tròn phải trị bệnh nhặm, muốn hết lầm mê không gì hơn là trị bệnh vọng tưởng. Vọng tưởng hết thì lầm mê theo đó sạch. Ngồi thiền chính là trị bệnh, thấy như tiêu cực mà thật ra là tích cực. Người lo dẹp những thứ bên ngoài, xem như tích cực nhưng chẳng đến đâu, vì không trị tận gốc, không đúng căn bản.
11. Tánh thấy không thuộc nghĩa hòa hợp
Này A-nan, tuy ông trước ngộ bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh nó không phải là nhân duyên, không phải tự nhiên, mà vẫn chưa rõ giác nguyên này không phải hòa hợp cũng không phải chẳng hòa hợp sanh.
Này A-nan, nay ta lại đem tiền trần mà hỏi ông. Nay ông vẫn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp các tánh nhân duyên ở thế gian, mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm Bồ-đề là do hòa hợp mà có. Vậy hiện nay tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hay cùng tối hòa, cùng với thông hòa hay cùng bít hòa? Nếu cùng với sáng hòa thì khi ông thấy sáng, sáng phải hiện ở trước, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy? Cái tướng thấy có thể nhận rõ, còn hình dạng cái xen lẫn thì thế nào? Nếu chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy sáng? Còn chính là cái thấy thì làm sao thấy cái thấy?
Một lần nữa đức Phật nêu lên, tánh thấy thanh tịnh có phải do hòa hợp mà có không? Như hai món đồ hòa chung, khi thấy cái này tất phải thấy cái kia, bây giờ chỉ thấy được sáng mà không thấy được cái thấy thì sao gọi là hòa? Nếu tướng thấy có thể hiện được, hòa với sáng thì chỗ hòa lẫn đó có hình trạng gì? Nếu chẳng phải là cái thấy thì chẳng lẽ cái thấy lại hay thấy cái thấy!
Nếu cái thấy tròn đầy thì chỗ nào hòa với sáng? Còn nếu sáng tròn đầy thì chẳng thể hòa hợp với cái thấy.
Nếu cái này trùm khắp thì cái kia đâu có chỗ chen vô, làm sao nói hòa?
Nếu cái thấy khác với sáng thì khi xen lẫn ắt mất cái tên tánh sáng kia, nếu xen lẫn làm mất tánh sáng, mà nói hòa với sáng là không đúng nghĩa. Cái tối, cùng các thứ thông và bít kia cũng lại như thế.
Sáng là sáng, thấy là thấy, hai cái khác nhau. Nếu thấy với sáng hòa lại thì mất cái tên sáng. Ví dụ nước trong với sữa đặc, khi đổ sữa hòa đều với nước, có còn gọi là ly nước trong được không? Vì hai thứ khác nhau mà hòa lẫn thì mất cái tên trước rồi. Nếu còn tên trước thì không gọi là hòa.
Lại nữa A-nan, hiện nay tánh thấy trong sạch mầu nhiệm của ông là cùng với sáng hợp hay cùng tối hợp, là cùng với thông hợp hay cùng bít hợp? Nếu cùng với sáng hợp thì đến khi tối tướng sáng đã mất, cái thấy này không cùng tối hợp thì làm sao thấy tối?
Hòa trộn lẫn nhau, còn hợp là cái này với cái kia khít nhau. Cái thấy hợp với sáng nên thấy được sáng, khi sáng mất thì cái thấy cũng theo đó mất, tức chẳng cùng tối hợp, làm sao thấy được tối?
Nếu khi thấy tối mà chẳng cùng tối hợp thì khi cùng với sáng hợp lẽ ra không thấy sáng. Đã không thấy sáng thì làm sao hợp với sáng, biết rõ ràng là sáng chẳng phải tối. Các thứ tối, thông và bít cũng lại như thế.
Khi thấy tối mà không cùng tối hợp, tức phải cách ly mới thấy, như bao kính để ở ngoài này ta thấy, để sát vào mắt thì chẳng thể thấy. Nếu vậy khi hợp với sáng lẽ ra không thể thấy sáng vì nó kề nhau, khi không hợp mà thấy thì khi hợp lẽ ra phải không thấy. Đã không thấy sáng thì làm sao gọi là hợp với sáng, để biết rõ ràng là sáng chứ không phải tối?
A-nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, như con suy nghĩ thì nguồn giác nhiệm mầu này, cùng các duyên trần và tâm niệm nhớ nghĩ không phải hòa hợp chăng?
Phật bảo:
- Nay ông lại nói tánh giác không hòa hợp, ta lại hỏi ông: tánh thấy nhiệm mầu này chẳng phải hòa hợp, là chẳng hòa với sáng hay chẳng hòa với tối, chẳng hòa với thông hay chẳng hòa với bít? Nếu chẳng hòa với sáng thì cái thấy cùng với sáng ắt có ranh giới. Ông hãy xem kỹ, chỗ nào là sáng, chỗ nào là thấy? Nơi cái thấy, nơi sáng, lấy từ đâu làm ranh giới? Này A-nan, nếu ở bên sáng ắt không có cái thấy, thì không đến với nhau, tự chẳng biết tướng sáng kia ở chỗ nào thì làm sao thành lập ranh giới được? Những cái tối, thông và bít kia cũng lại như thế.
Như thửa đất này của mình, thửa đất kia là của người khác, thì ở giữa phải có bờ ranh để phân chia hai phần đất. Nếu sáng và cái thấy không hòa hợp nhau, thì giữa hai cái phải có ranh giới. Nếu đã có ranh giới, thì trong cái sáng, cái thấy không chen vô được, vậy có thấy được sáng không? Không thấy được sáng thì làm sao phân biệt được ranh giới của nó?
Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu nếu không phải hòa hợp, là không hợp với sáng hay không hợp với tối, không hợp với thông hay không hợp với bít? Nếu chẳng hợp với sáng thì cái thấy cùng với sáng có tánh trái nhau, như lỗ tai cùng với sáng rõ ràng là không xúc chạm nhau. Vả lại, cái thấy cũng chẳng biết được tướng sáng ở chỗ nào, làm sao phân biệt rõ được lý hợp và chẳng hợp? Đối với các thứ tối, thông và bít kia cũng lại như thế.
Phật phá nghĩa hòa hợp và chẳng hòa hợp. Đã là tướng hư dối không thật, thì nói cách này hay cách kia cũng đều không đúng.
Các bài mới
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt2) - 02/01/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo.(tt1) - 30/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo. - 29/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Phần tựa và Phần Chánh Tông - 24/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Lược thảo - 15/12/2020
Các bài đã đăng
- Kinh Pháp Hoa - Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn dịch giảng - 08/06/2019
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: TÓM TẮT Ý CHÍNH KINH LĂNG NGHIÊM - 15/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 03 - LƯU THÔNG - 15/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 26 - PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA - 14/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 25 - KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI - 14/10/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05536
- Online: 22