Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt2)
02/10/2021 | Lượt xem: 1770
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
IV. HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG
21. Viên thông về phong đại
Lưu Ly Quang pháp vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
- Con nhớ thuở xưa trải qua số kiếp như cát sông Hằng, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, chỉ dạy Bồ-tát về bản giác sáng suốt nhiệm mầu, quán thấy thế giới này và thân chúng sanh đều là do sức gió vọng duyên chuyển. Con khi ấy quán sát sự an lập của thế giới, quán sự chuyển đổi của thời gian, quán sự động dừng nơi thân, quán những động niệm nơi tâm. Quán các thứ động không hai bình đẳng không sai khác.
Pháp quán này rất đặc biệt. Người ta thường nói sống là động, không động là không sống. Cái động này từ gió mà ra: hít hơi vào thì phổi nở, thở ra thì xẹp, rồi quả tim đập, mạch chảy máu huyết mới lưu thông... Như vậy cuộc sống của con người do động mà ra. Động đó là từ gió, vậy gió là chủ của sự sống. Không có gió thì không có động, không động là không có sự sống. Không có gió thì không có động, không động là không có sự sống. Như vậy thân này là từ vọng duyên, do sức gió chuyển chứ không có thật. Cho nên khi gió trong thân dừng, thở ra mà không hít vào là tắt thở chết. Rõ ràng sự sống là từ gió chứ không có gì thật. Vậy mà chúng ta cứ cho là thật, nói tôi sống thế này thế nọ, thật ra chỉ là một mớ vọng duyên hư dối, do sức chuyển.
Sau đó ngài khởi quán thế giới an lập, quán thời gian đổi dời, quán sự động dừng nơi thân, những động niệm trong tâm. Tất cả cái động đó đều là một, bình đẳng không sai biệt.
Khi ấy con giác ngộ rõ ràng các thứ động này, đến không từ đâu, đi không chỗ đến. Những chúng sanh điên đảo như số vi trần trong mười phương, đều đồng một hư vọng. Như thế cho đến có những chúng sanh trong một thế giới của tam thiên đại thiên thế giới của tam thiên đại thiên thế giới, như trong một món đồ chứa hàng trăm muỗi mòng kêu vo ve loạn xạ, ở trong phân tấc mà ầm ỹ cuồng náo.
Các thứ động này vốn không thật, như cái động của hơi thở, hít vào không biết nó từ đâu đến, thở ra không biết nó đi về đâu, chỉ là duyên hợp hư dối. Mọi sinh hoạt trong thế giới này, ngài thấy như là ruồi muỗi kêu trong chai hũ vậy thôi. Chỉ là những cuồng náo trong một phân một tấc, không có nghĩa lý gì.
Con gặp Phật chưa bao lâu, được vô sanh nhẫn. Khi ấy tâm con được khai ngộ, mới thấy cõi Phật Bất Động ở phương đông, làm Pháp vương tử phụng thờ chư Phật mười phương, thân tâm con phát sáng, rỗng suốt không ngăn ngại. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức gió không có chỗ nương, ngộ được tâm Bồ-đề, vào chánh định, hợp với một diệu tâm của chư Phật mười phương đã truyền, đây là bậc nhất vậy.
22. Viên thông về không đại
Bồ-tát Hư Không Tạng liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
- Con ở chỗ Phật Định Quang Như Lai chứng được vô biên thân. Khi ấy tay con cầm bốn hạt châu báu lớn chiếu sáng cõi Phật khắp mười phương như số vi trần, hóa thành hư không. Lại nơi tự tâm hiện ra Đại viên cảnh, trong phóng ra mười thứ hào quang báu vi diệu, chiếu tột cùng hư không khắp mười phương. Các cõi Tràng Vương đều hiện trong gương và nhập vào thân con. Thân con đồng như hư không, không có chướng ngại nhau. Thân con hay khéo vào các cõi nước như số vi trần, làm nhiều Phật sự, được đại tùy thuận.
Đại viên cảnh trí là trí tròn sáng như gương lớn. Do Bồ-tát Hư Không Tạng dùng trí tuệ quán tất cả cõi nước đều không có tự tánh, không có tướng thật, nên nói tất cả cõi nước hòa thành trống không, vào trong gương của ngài và lẫn hòa trong thân ngài.
Thần lực lớn này là do con quán kỹ tứ đại không có chỗ nương, vọng tưởng sanh diệt và hư không không có hai, cõi Phật cũng vốn đồng, con do phát minh được tánh đồng mà chứng vô sanh pháp nhẫn. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát hư không vô biên mà vào chánh định, diệu lực được tròn sáng, đây là bậc nhất.
Bồ-tát Hư Không Tạng cầm bốn hạt châu lớn, soi các cõi Phật đều hóa thành hư không, rồi từ đại trí tuệ nơi tự tâm soi tột hư không, lẫn với thân ngài cũng đồng hư không. Sức đại thần lực này là do khéo quán bốn đại không chỗ nơi. Cả thế giới và thân này đều từ tứ đại, mà tứ đại thì không có chỗ tựa, không có căn cứ nên giống như hư không. Những vọng tưởng sanh diệt cùng với hư không là không hai, vọng tưởng cũng không chỗ tựa, giống như hư không. Như vậy các cõi Phật, vọng tưởng, tứ đại và hư không cũng đồng là không thật. Do quán tứ đại, vọng tưởng, hư không và cõi Phật tất cả đồng nhau, không hai không khác mà ngài đạt được vô sanh nhẫn, thành Bồ-tát.
23. Viên thông về thức đại
Bồ-tát Di-lặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
- Con nhớ thuở xưa trải qua số kiếp như vi trần, có đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo đức Phật kia xuất gia, nhưng tâm con còn nặng danh lợi thế gian, ưa giao du với nhà quyền quý. Khi ấy đức Thế Tôn dạy con tu tập về định Duy tâm thức, được chánh định. Trải nhiều kiếp đến nay, dùng chánh định này thờ phụng chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, tâm cầu danh thế gian tiêu diệt không còn.
Đây là lối tu Duy thức quán của ngài Di-lặc. Ngài kể, thuở xưa tuy xuất gia mà còn tâm cầu danh thế gian nên Phật dạy quán Duy thức, là pháp quán về các thứ danh tướng. Ngài quán mãi thành định, tâm cầu danh tự hết.
Tương truyền ngài Vô Trước mộng thấy lên cung trời Đâu-suất, được Bồ-tát Di-lặc dạy cho Luận Du-già Sư Địa. Sau ngài đem những điều đã học được giảng dạy lại cho đại chúng. Hai anh em Vô Trước và Thế thân đã trước tác nhiều bộ luận Duy thức, có công lớn trong việc phát triển tông này.
Đến khi đức Phật Nhiên Đăng ra đời, con mới thành tựu được chánh định Vô thượng diệu viên thức tâm. Cho đến cõi nước của chư Phật cùng tận hư không, sạch dơ, có không đều do tâm thức của con biến hóa hiện ra. Bạch Thế Tôn! Vì con rõ Duy tâm thức như thế, từ thức tánh lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được Phật thọ ký, kế đây sẽ được bổ xứ làm Phật cõi này. Phật hỏi về viên thông, con nhờ quán sát kỹ mười phương đều do thức, thức tâm tròn sáng, vào được tánh viên thành thật, xa lìa tánh y tha khởi và biến kế chấp, được vô sanh nhẫn, đây là bậc nhất.
Các cõi nước chư Phật cùng khắp hư không, những thứ tịnh uế, có không, tất cả đều từ tâm thức biến hóa ra chứ không thật. Đây là lý Duy thức. Chẳng những thế giới của chúng ta, mà thế giới của chư Phật trong mười phương nhiều vô số trong hư không cũng đều do tâm thức biến ra. Do quán duy thức ngài phá chấp biến kế, lìa được y tha khởi mà vào viên thành thật tánh.
Chúng ta xét kỹ tất cả các pháp sạch dơ... trên thế gian có thật không? Ví dụ như máu trong thân là quý. Nhưng giả sử có ai chích máu nhỏ ra chén rồi uống lại thì có gớm không? Như vậy ở trong thân là quý mà ra ngoài là tiện. Vậy thì quý hay tiện do từ đâu? Do tâm tưởng tượng mà ra, nên nói tất cả đều từ thức tâm biến hiện, chứ không có thật. Chúng ta luôn cho mọi thứ là thật, chấp sai lầm nên không thấu được lẽ thật.
Biến kế sở chấp tánh là lối chấp sai lầm, do thấy lầm rồi khởi ra chấp trước. Y tha khởi tánh là phân biệt nơi các duyên khác mà phát ra. Viên thành thật tánh là tánh tròn sáng hoàn toàn chân thật, do xa lìa biến kế sở chấp và y tha khởi mà hiện. Như vậy, biến kế sở chấp là chấp sai lầm, y tha khởi là chấp theo nhân duyên, đến viên thành thật mới trở về chỗ chân thật viên mãn.
Ví dụ ban đêm trên đường có một đoạn dây nuộc nằm ngoằn ngoèo, vì không có đèn chúng ta nghĩ đó là con rắn nên hoảng sợ la lên bỏ chạy. Sợi dây mà tưởng lầm là con rắn. Cái hiểu biết này không đúng, tức là chấp sai lầm, gọi là biến kế sở chấp. Khi đốt đèn soi ra mới biết đó là sợi dâu. Sợi dây đó không tự có, mà do xơ dừa hoặc gai bố bện lại mà thành. Đây gọi là y tha khởi, tức là biết do nhân duyên mà tạo thành sợi dây. Biến kế và y tha là hai tánh còn ở trong chặng đường của phàm phu. Đến giai đoạn sau cùng là biết tất cả những nhân duyên hòa hợp mà thành đó cũng không thật, tánh nó là không, đó là viên thành thật hoàn toàn chân thật.
Hiện giờ chúng ta đang sống với cái nào? Biến kế sở chấp! Tại sao? Do vì chúng ta thường không thấy được chỗ duyên khởi, chỉ chấp sự vật một cách sai lầm. Tại sao chấp sai lầm? Vì mê tối. Như trong ví dụ kia, vì ban đêm nên sợi dây tưởng là con rắn. Ban đêm tượng trưng cho sự mê tối. Khi còn mê tối thì nhận lầm không đúng với lẽ thật, gọi là biến kế sở chấp.
Chúng ta nhận lầm một cách điên đảo về thân. Nói thân này là thân của mình, đó là nhận lầm, vì thân này là tứ đại hòa hợp, đâu có cái gì của mình. Lại mang một cái tên Nguyễn Văn Mít hay Nguyễn Thị Xoài gì đó, tự thấy tên đó là mình. Nếu ai động tới tên thì nổi sân si lên ngay. Như vậy thân này thực chất ra sao chúng ta không biết, chỉ biết bám vào những giả tướng, những ngôn ngữ hư dối, chấp làm thân mình.
Biến kế sở chấp làm chúng ta sống hết sức sai lầm. Ví dụ có người nói sẽ cho mình một thỏi vàng, nói hoài nhưng không cho, chúng ta sẽ đánh giá lời nói này là vô nghĩa, có ngữ mà không có nghĩa. Dù họ nói trăm ngàn lần, mình cũng cười thôi, biết lời nói đó không có giá trị. Nhưng ngược lại, nếu có người nói mình là con chó, có giận không? Người ta nói mình là con chó, mà có thành chó đâu. Lời kia chỉ có ngữ, không có nghĩa cũng là lời không giá trị. Vậy mà nếu ai nói mình là chó một lần thì giận ít, hai lần giận nhiều, tới mười lần thì giận hết cỡ.
Lời vô nghĩa dù nói một ngàn lần cũng là vô nghĩa, tại sao lại giận? Đây là biến kế sở chấp. Lời nói không có lẽ thật nhưng do chấp nên cứ giận nhau đùng đùng, mới thấy mình ngu si đáo để. Những ngôn ngữ người đời nói qua nói lại trong lúc cuồng dại nóng nảy đều là vô nghĩa. Vậy mà do chấp những lời đó rồi sân si với họ. Rõ ràng chúng ta đang sống trong sự lầm chấp, không có lẽ thật. Cái không đáng chấp mà chấp, thật quá dại khờ. Ba chặng đường mà chúng ta giậm chân hoài ở chặng số một, bước qua không nổi.
Kế đến, khi biết các pháp do nhân duyên sanh là đã tiến bộ hơn, có được một chút sáng suốt. Tuy nhiên cũng chưa tới nơi, chừng nào thấu suốt được duyên sanh này cũng không thật, lúc đó mới đi tới chỗ viên mãn chân thật. Như vậy lý Duy thức đưa chúng ta từ chỗ nhận định sai lầm đến lý nhân duyên, từ lý nhân duyên đến chỗ chân thật cứu cánh, gọi là viên thành thật, được vô sanh nhẫn.
24. Viên thông về kiến đại
Đại Thế Chí pháp vương tử cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát đồng tu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
- Con nhớ những kiếp xa xưa nhiều như số cát sông Hằng có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang, tiếp tục có mười hai đức Như Lai ra đời trong một kiếp, đức Phật rốt sau hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy con niệm Phật tam-muội.
Đức Phật Di-đà cũng gọi là Vô Lượng Thọ Phật hay Vô Lượng Quang Phật. Chữ "niệm" ở đây có nghĩa là nhớ. Niệm Phật tức là nhớ Phật. Mình nhớ Phật như đức Phật nhớ mình.
Ví như có hai người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế dù gặp nhau cũng như không gặp, dù thấy cũng như không thấy. Nếu hai người cùng nhớ nhau, cả hai nhớ nhau sâu đậm, như thế từ đời này cho đến đời khác, giống như hình với bóng không hề cách xa. Chư Như Lai mười phương thương xót nhớ nghĩ đến chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì hiện giờ và đời sau nhất định sẽ thấy Phật, cách Phật không xa, không nhờ phương tiện mà tự tâm được khai mở. Như người ướp hương, thân có mùi thơm. Đây gọi là dùng hương quang để trang nghiêm.
Bồ-tát Đại Thế Chí ứng dụng phương pháp nhớ Phật niệm Phật. Chư Phật không bao giờ bỏ chúng sanh, nhưng nếu chúng sanh bỏ Phật thì dù Phật có nhớ cũng không làm gì được. Cũng như mẹ thương con mà con bỏ mẹ thì mẹ không làm gì được. Trong pháp tu niệm Phật, phải luôn luôn có cảm ứng với nhau, sự tu mới có kết quả. Phật thương chúng sanh thì chúng sanh cũng phải thiết tha hướng về Phật. Cũng như thầy tổ thương mình, mình cũng thiết tha hướng về thầy tổ thì mọi việc mới kết quả tốt.
Phật không quên chúng sanh, chỉ là chúng sanh quên Phật. Có hai ông Phật, một ở trong và một ở ngoài. Chúng ta từ xưa bỏ quên ông Phật bên trong nên cho là mất Phật. Như chàng Diễn-nhã-đạt-đa ở đoạn trên, trong khi phát cuồng cho đầu mình là yêu quái, chạy lang thang đầu này đầu kia, nhưng cái đầu thật nào có giận mà bỏ đi. Nó vẫn nguyên vẹn ở đó, cho đến bao giờ Diễn-nhã-đạt-đa thức tỉnh hết cuồng, nhìn lại thấy đầu hiện còn không mất.
Khi chúng ta nhớ Phật, muốn trở về thì sớm muộn gì cũng gặp Phật. Niệm là nhớ, còn Phật là tánh giác. Niệm Phật tức là nhớ tánh giác vậy.
Bản nhân của con do tâm niệm Phật vào được vô sanh nhẫn. Nay ở thế giới này con nhiếp độ những người niệm Phật trở về cõi Tịnh độ. Phật hỏi về viên thông, con không có chọn lựa, đều do nhiếp sáu căn, niệm thanh tịnh liên tục được vào chánh định, đây là bậc nhất.
Chữ nhiếp là dẫn dắt. Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí là hai vị trợ hóa với đức Phật A-di-đà dẫn dắt những người niệm Phật về cõi Cực lạc. Phương pháp niệm Phật của Bồ-tát Đại Thế Chí là phải nhiếp cả sáu căn khiến cho niệm thanh tịnh liên tục không dừng, như vậy mới được vào chánh định. Vậy Bồ-tát Đại Thế Chí tu phương pháp gì? Ngài dùng niệm Phật tâm mà nhập vô sanh nhẫn. Niệm Phật tâm là niệm Phật của tự tâm chứ không niệm Phật bên ngoài. Giờ chúng ta có niệm Phật tâm không? Tuy mình không chủ trương niệm Phật, nhưng luôn nhớ tánh giác của mình là niệm Phật chứ gì!
25. Viên thông về nhĩ căn
Khi ấy Bồ-tát Quán Thế Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, con nhớ thuở xưa vô số kiếp như cát sông Hằng, khi đó có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm. Con ở chỗ đức Phật kia phát tâm Bồ-đề, đức Phật kia dạy con tu từ văn, tư, tu mà vào chánh định.
Nhân tu của Bồ-tát Quán Thế Âm là văn tư tu, gọi là Tam tuệ học. Đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà, tất cả phương pháp tu hành đều không qua ba môn này. Người học đạo đều bắt đầu từ nghe, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua sách vở, đây gọi là Văn tuệ. Nghe rồi dùng trí tuệ suy xét thấu đáo, xem có hợp lý lẽ, đúng chân lý không rồi mới tin nhận, gọi là Tư tuệ. Khi thấu đúng liền đem ứng dụng tu, đó là Tu tuệ. Văn tư tu là ba điều thiết yếu, được đầy đủ mới đi đến công hạnh viên mãn. Ba môn này không những quan trọng đối với người học đạo mà cả thế gian.
Văn mà thiếu tư, nghe mà không suy xét sẽ đưa đến mê tín, thiếu tinh thần khoa học. Nếu cứ người xưa nói người nay làm, không biết nói trong trường hợp nào thì sự học không chín chắn. Người thấu đáo nói, mình nghe theo có thể tiến được, người không thấu đáo nói bướng, mình nghe theo rồi sau mang họa. Tu mà không học, không suy nghĩ kỹ, mười người dễ lầm hết chín, vì không biết đường mà cứ đi thì làm sao khỏi lạc. Người biết rõ đường ít khi bị lầm. Nếu văn tư đầy đủ mà không chịu ứng dụng thì chỉ là học suông.
Bồ-tát Quán Thế Âm trình chỗ tu nhân đưa đến kết quả giác ngộ giải thoát, có được ba mươi hai ứng thân. Chúng ta nếu muốn được như ngài thì phải tu tập theo đó.
Ban đầu ở trong tánh nghe, vào dòng rồi thì quên tiếng, chỗ vào đã lặng lẽ thì hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế lần lần tăng lên, năng văn và sở văn đều hết. Không dừng ở chỗ hết năng văn sở văn mà tiến đến năng giác cũng không. Không giác tròn đầy cùng tột thì năng không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền. Bỗng nhiên vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, mười phương đều tròn sáng, được hai việc thù thắng. Một là trên hợp với tâm bản giác sâu mầu của chư Phật mười phương, cùng với chư Phật Như Lai đồng một sức từ. Hai là dưới hợp tất cả chúng sanh trong sáu đường ở khắp mười phương, cùng các chúng sanh đồng một bi ngưỡng.
Khi thấy trong kinh đức Phật khen ngợi pháp tu này hoặc ngài Văn-thù tán thán, nhiều người đã ứng dụng tu pháp này. Nhưng do không biết được cội nguồn sự tu nên có khi sanh ra bệnh hoạn hoặc tu mà không đạt kết quả gì.
Bồ-tát Quán Thế Âm, ban đầu ở trong tánh nghe, khi vào được dòng của tánh nghe (nhập lưu) thì quên các tiếng ở ngoài. Thói quen của mọi người là khi nghe liền chạy theo tiếng bên ngoài. Nay tu là không chạy theo tiếng mà nhớ lại tánh nghe. Ở đoạn trên đức Phật dạy phải lựa nhân không sanh diệt mà tu thì mới đạt được quả không sanh diệt, đó là nghĩa quyết định thứ nhất. Hiện nay ngay nơi tai mình có tánh nghe không sanh diệt, nếu sống trở về với nó gọi là nhập lưu. Khi sống với tánh nghe thuần thục thì không còn chạy theo tiếng nữa, lần lần quên các tiếng bên ngoài, gọi là vong sở. Sở là tiếng bị nghe, gọi là sở văn, còn hay nghe là tánh nghe, gọi là năng văn. Như vậy chỉ một chút này đã là vấn đề tu hành quan trọng rồi.
Khi tâm được lặng lẽ thì hai tướng động và tịnh (tức sở văn) chẳng sanh. Đây là chặng thứ nhất quên trần, không còn bị thanh trần ở ngoài quấy nhiễu nữa, chỉ còn một tánh nghe. Qua chặng thứ hai, như ở đoạn trước Phật đã nói, cái nghe này là một bộ phận nhỏ của tánh viên trạm bị dính khắn lại ở tai, chứ không phải là toàn bộ. Cho nên đến đây cũng phải phá vỡ năng văn và sở văn. Ở chặng một chỉ là quên tiếng, nhớ lại cái nghe, bây giờ cũng thoát luôn cái nghe đó (gọi là thoát niêm), không còn dính ở cái nghe nữa, tức được sáu căn đồng dùng.
Ngang đây cũng không dừng, cần tiến lên bước thứ ba là năng giác và sở giác đều không. Do thoát được cái dính ở căn, trí tuệ phát sáng, rõ được tánh giác. Rõ tánh giác tức có năng giác và sở giác, vẫn còn trong đối đãi giới hạn nên cũng chưa phải là cứu cánh. Năng giác và sở giác cũng phải đều không, đó là chuyển vị.
Cái không đó cũng không kẹt, thì năng không và sở không đều diệt. Đến đây tánh giác tròn đầy cùng tột trùm khắp mười phương, năng không và sở không diệt hết, trở về bản giác. Cuối cùng, khi tất cả cái sanh diệt không còn thì tướng tịch diệt hiện tiền, lặng lẽ thênh thang, vượt lên cả thế và xuất thế gian, mười phương tròn sáng viên mãn pháp thân. Đến đây trên đối với chư Phật thì luôn kính thờ, dưới đối với chúng sanh thì có lòng từ bi giống như chư Phật. Đó là tâm của người đạt đạo viên mãn.
Đoạn này hết sức hệ trọng mà người học Phật ít chịu học tới nơi. Do đó khi tu được chút ít liền tự mãn, khoe mình có thần thông, phép lạ. Đó đều là bệnh, chẳng tròn đủ mấy chặng đường như trên mới khỏi bị lỗi lạm xưng, tức là chưa chứng mà tưởng mình chứng. Người biết đạo rất dè dặt, chín chắn nhìn từng chặng đường tu hành của những vị Bồ-tát trước, xem mình đang đứng ở đâu, đã được cái gì. Biết rõ rồi mới khiêm tốn, còn không biết rõ nhiều khi tự hào tưởng mình đã tới nơi nên nói ra những lời quá đáng.
Có nhiều người tu lầm lẫn, ngồi quán tánh nghe hoặc nhớ cái nghe trong lỗ tai. Hậu quả là bị nặng đầu, ù tai, tim đập... Dồn tinh thần trở vào trong quá sức đều là bệnh. Lại có người quán tánh nghe trùm khắp mười phương, đó là tưởng, chẳng phải là phản văn. Những lối này đều sai, không phải pháp tu Phật dạy.
Đoạn trên, sau khi ngài A-nan thấy được ngôi nhà, tức thấy pháp thân trùm khắp mười phương, mới xin Phật chỉ cho cửa vào. Chúng sanh chưa thấy nhà mà muốn vào, đó là bệnh. Cho nên điều kiện số một khi muốn vào nhà là phải giác, tức là phải ngộ được pháp thân trùm khắp. Điều kiện thứ hai là nhận ra nơi mình có tánh nghe, tức là một phấn của tánh viên trạm chân thật đang gá ở tai. Sống với tánh nghe là trở về với tánh thật đang hiện hữu, chứ không phải ngó vô trong chăm chăm, cũng không phải ngó ra ngoài tưởng trùm khắp.
Pháp tu này là pháp tiến tới giác ngộ chứ không phải tầm thường. Chúng ta phải ứng dụng thấu đáo, biết được ngọn ngành mới khỏi bị lầm lẫn.
1. Ba mươi hai ứng thân
Bạch Thế Tôn, do con cúng dường đức Quán Âm Như Lai, nhờ đức Như Lai kia trao cho chon chánh định Kim cang như huyễn văn huân tu, cùng với Phật Như lai đồng một từ lực, khiến thân con thành ba mươi hai ứng thân vào các cõi nước.
Nhờ Phật chỉ dạy, Bồ-tát Quán Thế Âm tu trở về được với thể giác tròn sáng cùng tột mười phương, nên mới có diệu dụng ba mươi hai ứng thân, lấy lòng từ làm gốc, tùy loại chúng sanh mà giáo hóa không chướng ngại. Giả sử người nào có lòng từ mạnh mẽ, có đủ sức tự tại, khi cần làm Tăng giáo hóa thì làm Tăng, khi cần làm cư sĩ giáo hóa thì làm cư sĩ v.v... Như vậy ngay trong đời này cũng có thể tùy duyên ứng hiện theo sở thích của người để giáo hóa độ sanh.
Bạch Thế tôn, nếu các vị Bồ-tát vào chánh định, tiến tu vô lậu, thắng giải hiện được tròn đủ, con liền hiện thân Phật vì họ mà nói pháp khiến họ được giải thoát.
Nếu các Bồ-tát có khả năng tu hành vô lậu, thắng giải được viên mãn thì ngài liền hiện thân Phật thuyết pháp, khiến cho họ được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học tâm lặng lẽ sáng suốt nhiệm mầu, chỗ thắng diệu hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Độc giác vì họ mà nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà được thắng tánh, họ hiện thân Duyên giác vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học được pháp không của Tứ đế, tu Đạo đế nhập được Diệt đế, thắng tánh hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Thanh văn vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà được thắng tánh, chỗ thắng diệu hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Duyên giác vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các duyên đã đoạn mà được thắng tánh, chỗ thắng diệu hiển hiện trò đủ, con liền ở trước họ hiện thân Duyên giác vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Nếu các hàng hữu học được pháp không của Tứ đế, tu Đạo đế nhập được Diệt đế, thắng tánh hiển hiện tròn đủ, con liền ở trước họ hiện thân Thanh văn vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Quán Tứ đế đến chỗ không còn chấp nữa gọi là dược không của Tứ đế.
Nếu các chúng sanh muốn tâm được sáng suốt giác ngộ, không phạm những dục trần, muốn thân được thanh tịnh, con liền ở trước họ hiện thân Phạm vương vì họ nói pháp khiến cho được giải thoát.
Thông thường, do tu hạnh thanh tịnh không ưa dục, được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Phạm vương hay Đại Phạm thiên là vị trời ở tầng ba thuộc Sơ thiền hay cõi Sắc.
Nếu các chúng sanh muốn làm Thiên chủ để thống lãnh chư thiên, con liền ở trước họ hiện thân Đế-thích vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh muốn thân tự tại dạo đi khắp mười phương, con liền ở trước họ hiện thân trời Tự Tại vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh muốn thân tự tại, bay đi trong hư không, con liền ở trước họ hiện thân trời Đại Tự Tại, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa thống lãnh quỷ thần, cứu hộ cõi nước, con liền ở trước họ hiện thân Thiên đại tướng quân vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa thống lãnh thế giới, bảo hộ chúng sanh, con liền ở trước họ hiện thân Tứ thiên vương, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa sanh ở thiên cung, sao sử quỷ thần, con liền ở trước họ hiện thân thái tử cõi Tứ thiên vương, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa làm vua cõi người, con ở trước họ hiện thân vua vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa làm chủ gia tộc lớn, được người đời kính nhường, con ở trước họ hiện thân trưởng giả vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa bàn nói những lời hay, tự ở yên thanh tịnh, con ở trước họ hiện thân cư sĩ vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa trị nước, phân chia các bang các ấp, con ở trước họ hiện thân tể quan vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu các chúng sanh ưa các số thuật, ở yên gìn giữ Vệ-đà, con ở trước họ hiện thân Bà-la-môn vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nam ưa học hạnh xuất gia, giữ các giới luật, con ở trước họ hiện thân Tỳ-kheo vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ muốn học hạnh xuất gia, giữ gìn các cấm giới, con ở trước họ hiện thân Tỳ-kheo-ni vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nam ưa giữ năm giới, con ở trước họ hiện thân ưu-bà-tắc vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ tự giữ gìn năm giới, con ở trước họ hiện thân ưu-bà-di vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ lập thân trong nội chính để sửa trị nước nhà, con ở trước họ hiện thân nữ chúa hoặc quốc phu nhân, mệnh phụ, người giàu có, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có chúng sanh không hoại nam căn, con ở trước họ hiện thân đồng nam vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có người nữ trinh bạch ưa giữ thân trong sạch, chẳng muốn người xâm phạm, con ở trước họ hiện thân đồng nữ vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có chư thiên muốn ra khỏi loài trời, con liền hiện thân trời vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các loài rồng muốn thoát khỏi loài rồng, con liền hiện thân rồng vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các dược-xoa thoát khỏi gốc dược-xoa, con ở trước họ hiện thân dược-xoa vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có càn-thát-bà muốn ra khỏi dòng càn-thát-bà, con ở trước họ hiện thân càn-thát-bà vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có a-tu-la muốn ra khỏi loài a-tu-la, con ở trước họ hiện thân a-tu-la vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các khẩn-na-la muốn ra khỏi loài khẩn-na-la, con liền ở trước họ hiện thân khẩn-na-la, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các ma-hô-la-già muốn ra khỏi loài ma-hô-la-già, con ở trước họ hiện thân ma-hô-la-già, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các chúng sanh muốn làm người, tu hành để được làm người, con ở trước họ hiện thân người vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có các chúng sanh muốn làm người, tu hành để được làm người, con ở trước họ hiện thân người vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Nếu có phi nhân có hình, không hình, có tưởng, không tưởng muốn ra khỏi loài của họ, con ở trước họ hiện các thân kia, vì họ nói pháp khiến cho được thành tựu.
Ấy gọi là ba mươi hai ứng thân thanh tịnh nhiệm mầu, vào trong các cõi nước, đều do chánh định Văn huân văn tu, sức mầu vô tác, thành tựu tự tại.
Sở dĩ Bồ-tát Quán Thế Âm được ba mươi hai ứng thân, tùy loại ứng hiện giáo hóa chúng sanh là do ngài tu ba hạnh Văn Tư Tu. Từ đó vào được chánh định nên có hiệu dụng tự tại như vậy.
Chúng ta học kinh mới thấy các chặng đường tu học đều được chỉ dạy tường tận, đi từ thấp đến cao. Học kinh Lăng-nghiêm chủ yếu là phải biết điều căn bản: nhân tu khế hợp với quả chứng. Muốn tu quả vô sanh thì phải chọn nhân vô sanh. Khi nói "phản văn tự tánh" nghĩa là phải nhận ra nhân vô sanh ở tai. Từ nhân vô sanh đó tiến lần lên, cho đến khi thoát khỏi các dính khắn của nhân đó thì mới được thấu suốt.
Cũng như khi tu biết vọng thì không phải chỉ biết vọng là đủ. Vọng tưởng tức là pháp trần, là sở, còn cái hay biết là năng. Không theo vọng tưởng, nhưng cái hay biết đó cũng còn là cái vô sanh đang bị dính khắn chứ chưa tròn đầy.
Hạnh tu của đức Quán Âm rõ ràng ứng hợp với mười mục chăn trâu trong nhà thiền. Người ứng dụng tu phản văn này đã thấy được pháp thân, nên không còn những mục ban đầu Tìm trâu, Thấy dấu, Mới chăn v.v…
- Trâu đã hết lung lăng nên chỗ đầu tiên ở đây là nhập lưu, vong sở (vào dòng rồi thì quên tiếng), sở đó là trâu, tương đương mục thứ sáu là Quên trâu.
- Quên trâu nhưng còn chăn, là mục thứ bảy.
- Đến giai đoạn kế, trâu và chăn không còn tức là năng văn và sở văn đều hết, năng giác sở giác đều không, là mục thứ tám, cái vòng tròn không.
- Cái không đó cũng phải vượt qua nữa. Đến sanh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền, vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, mười phương đều tròn sáng là nhập Phật quốc, thể nhập pháp thân, tức mục thứ chín.
- Rốt sau, trên đồng sức từ, dưới đồng một lòng bi ngưỡng, tức là mục thứ mười, xách con cá chép, bầu rượu đi vào trần lao. Ở đây Bồ-tát ứng thân chỗ này chỗ kia, hoặc những vị ngộ đạo được đại từ đại bi có thể làm đủ các hạnh, bửa củi gánh nước đều là ứng thân để giáo hóa chúng sanh.
Như vậy, tu hành thứ lớp rất rõ ràng chứ không phải chuyện mơ màng. Hiểu thấu đáo thì tu không sai lệch, bằng không dễ bị lầm lạc. Có khi tu lầm không biết lại tưởng là đắc đạo. Tự mình lầm còn có thể, làm lầm người khác là họa lớn, cho nên phải dè dặt.
Kiểm qua hai mươi lăm vị Bồ-tát và A-la-hán, mỗi vị đều có nhân tu riêng, từ ban đầu phát tâm tu, dần dần tiến lên thành Bồ-tát hay A-la-hán. Tuy từ chúng sanh tiến tới Phật lâu xa, nhưng nếu chúng ta gieo nhân nào thì từ từ quả sẽ đến, chứ không đi đường khác. Đó là một nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta, vì nếu tu mà không biết đời sau có còn tiếp tục tu được nữa không, điều đó sẽ làm mình hoang mang lo lắng.
2. Mười bốn công đức vô úy
Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa có nói đến mười bốn thứ công đức vô úy nhưng không giải thích. Kinh Lăng-nghiêm này Bồ-tát Quán Thế Âm giải thích rõ ràng từng phần.
Bạch Thế Tôn, lại con do sức mầu vô tác của chánh định Kim cang văn huân văn tu này, cùng với mười phương ba đời tất cả chúng sanh trong sáu đường đồng một bi ngưỡng, khiến các chúng sanh ở nơi thân tâm con được mười bốn thứ công đức vô úy.
Văn huân là huân tập ở tánh nghe, văn tu là tu tập tánh nghe, do đây mà được chánh định vững chắc như kim cang và có sức mầu nhiệm không do tạo tác mà được. Do Bồ-tát tu phản văn tự tánh thành tựu nên đối với chúng sanh trong lục đạo đồng một bi ngưỡng, tức là lòng hâm mộ kính thờ. Do vậy chúng sanh ở nơi thân tâm ngài được mười bốn công đức không sợ sệt.
Một là, do con không tự quán âm thanh mà dùng quán để quán trở lại tánh nghe của mình, khiến cho những chúng sanh khổ não trong mười phương kia quán âm thanh liền được giải thoát.
Sở dĩ Bồ-tát có được diệu dụng khi chúng sanh khổ não, là do ngài không đuổi theo âm thanh mà xoay lại tánh nghe, nhớ mình đang nghe.
Thói quen của chúng ta, nghe là đuổi theo âm thanh. Nay tu là nghe tất cả âm thanh mà không đuổi theo tiếng, chỉ nhớ mình đang nghe. Người ta nói gì làm gì, động tịnh gì ở ngoài cũng mặc, nghe tất cả nhưng không chú ý, chỉ nhớ mình đang nghe. Đuổi theo tiếng bên ngoài gọi là chạy theo thanh trần, còn nhớ mình có cái đang nghe gọi là phản văn, là nghe trở lại.
Chúng sanh khổ não là vì đuổi theo trần cảnh ở ngoài. Nay không đuổi theo trần cảnh nữa mà luôn xoay lại thì mọi khổ não liền hết. Cho nên những chúng sanh khổ não kia nếu biết quán âm thanh liền được giải thoát. Quán âm thanh là nhớ lại tánh nghe của mình. Như vậy cùng nghe tiếng mà một bên giải thoát, còn một bên trầm luân.
Ví dụ có người nói nặng mình, mình nhớ cái đang nghe, họ nói gì mặc kệ, không chú ý lời đó, thì tuy có nghe mà không giận. Bởi không giận nên trở về tánh thanh tịnh, gọi là giải thoát. Trái lại, nghe nói nặng liền phân biệt suy nghĩ rồi nổi sân lên, đó là chạy theo tiếng, đưa tới sân hận là nhân trầm luân. Như vậy cùng một cái nghe mà đuổi theo tiếng thì làm chúng sanh khổ não, còn biết quán lại tánh nghe liền được giải thoát. Khác nhau ở chỗ biết tu hay không biết tu.
Nếu hướng về nội tâm mà nói, những chúng sanh khổ não này là những chúng sanh vọng tưởng. Khi không chạy theo trần cảnh, trở về với chân tánh thì các vọng tưởng sanh diệt nhiều vô số liền tự mất, tức được giải thoát.
Hai là, do con xoay thấy biết trở lại, khiến các chúng sanh dù vào trong lửa lớn, lửa cũng không thể đốt cháy.
Ngài tu hạnh xoay hiểu biết trở về tự tánh, không chạy theo các trần ở ngoài. Tánh thấy tánh nghe không có tướng mạo cho nên lửa không thể đốt cháy. Vì vậy chúng sanh nào gặp lửa lớn muốn không bị hại, niệm danh hiệu ngài thì lửa không thể đốt.
Thân chúng ta là tướng tứ đại, còn lửa là tướng lửa, nên tướng lửa đốt tướng tứ đại. Nếu xoay hiểu biết trở về tự tánh thì trong Như Lai tạng, tánh lửa là chân không, tánh không là thật lửa, thanh tịnh bản nhiên, khắp giáp cả pháp giới. Tánh tứ đại đều là chân không nên không lấn đoạt nhau mà trùm khắp mười phương, không cái nào xâm hại cái nào.
Ba là, do con quán cái nghe xoay trở lại tánh nghe, khiến các chúng sanh bị nước lớn cuốn trôi, nước không thể làm chìm.
Chúng sanh trôi trên mặt nước mà nước không làm chìm. Như vậy lửa lớn không đốt cháy được, nước lớn không làm chìm được, đó đều do xoay cái nghe, xoay cái thấy biết trở lại thể tánh của nó, cho nên mọi thứ lửa nước bên ngoài đều không hại được.
Bốn là, do con đoạn diệt các vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến cho chúng sanh vào trong các nước quỷ, quỷ cũng không thể hại.
Nếu dứt vọng tưởng thì quỷ không thể phá. Giả sử ban đêm chúng ta đi trên đoạn đường vắng, nhớ lại người ta đồn ở đây có ma, liền tưởng tượng ra con ma rồi hoảng sợ bỏ chạy. Như vậy mọi sợ hãi về ma quỷ gốc từ vọng tưởng mà ra. Tưởng ma nên sợ ma, không tưởng thì không sợ. Dẹp hết vọng tưởng thì ma quỷ làm sao hại mình được.
Khi dẹp hết vọng tưởng, tâm không còn niệm sát hại ai, nhân không còn thì quả không có, nên dù đến những nước ma quỷ cũng không bị hại. Chúng ta phải niệm Bồ-tát Quán Thế Âm theo đúng chỗ tu nhân của ngài, tức xoay sáu căn trở về tự tánh, sống với Như Lai tạng tánh. Đây à ý căn bản của kinh. Không nên chấp theo ngôn ngữ, niệm suông danh hiệu ngài, mà cần phải tu theo nhân tu của ngài mới có hiệu dụng.
Năm là, do con huân cái nghe thành tựu tánh nghe, sáu căn đều được tiêu dung, đồng với tiếng về cái nghe, hay khiến cho chúng sanh đang khi bị hại, đao kiếm kia gãy từng đoạn, hoặc khiến cho binh khí của kẻ hại như chặt dưới nước, cũng như thổi ánh sáng, tánh nghe không dao động.
Bồ-tát huân cái nghe trở về bản tánh thành tựu rồi thì những căn kia cũng tiêu dung như vậy, nên nói cũng đồng như tiếng và cái nghe. Do thoát được niêm hay dính khắn của sáu căn nên không bị sắc thanh hương vị xúc pháp làm rối loạn hay lôi kéo nữa. Vì vậy chúng sanh niệm tới danh hiệu ngài thì đao kiếm muốn hại họ sẽ gãy từng đoạn, và nếu có chặt hay chém thì cũng như chặt chém xuống nước, hoặc giống như thổi ánh sáng, chẳng xao động chút nào. Như vậy kết quả của người niệm danh hiệu Bồ-tát là quả thừa do công tu của ngài một căn thành tựu, sáu căn đều tiêu dung.
Sáu là, do con huân tánh nghe được thuần thục sáng suốt, sáng khắp cả pháp giới thì các tối tăm không thể còn. Hay khiến cho chúng sanh, các loài quỷ dược-xoa, la-sát, cưu-bàn-trà, tỳ-xá-giá, phú-đơn-na v.v... tuy ở gần bên cạnh mà mắt chúng không thể xem thấy.
Khi trở về được tánh nghe hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt trùm khắp pháp giới, thì ma quỷ là những loài u tối, không hợp với cái sáng nên không thể thấy, không làm hại được.
Bảy là, do các âm thanh hoàn toàn tiêu hết, quán cái nghe xoay trở vào, lìa các trần cảnh hư vọng, hay khiến cho chúng sanh, gông cùm xiềng xích không thể trói buộc.
Do vì Bồ-tát Quán Thế Âm biết tiêu dung hết những âm thanh bên ngoài, trở về tánh nghe sáng suốt, không bị ngoại cảnh hay sáu trần chi phối, nên người bị xiềng xích gông cùm niệm danh hiệu ngài thì tức có khả năng thoát khỏi các trần cảnh, nên hay khiến cho chúng sanh không còn bị cùm chân hay trói tay gì nữa.
Tám là, do con diệt các âm thanh ở ngoài, tánh nghe được tròn đầy nên phát sanh sức từ cùng khắp, hay khiến cho chúng sanh khi đi qua những con đường hiểm giặc không thể cướp.
Đây là công tu diệt hết các thanh trần ở ngoài, trở về với tánh nghe tròn đủ, lúc đó mới sanh ra từ lực cùng khắp. Nhờ vậy nên chúng sanh đi qua đường hiểm gặp giặc cướp cũng không bị chúng làm hại.
Chín là, do con huân cái nghe lìa các trần, không bị sắc trần cướp hại, hay khiến cho tất cả chúng sanh có nhiều dâm dục xa lìa tham dục.
Sở dĩ bị dâm dục lôi cuốn là vì chạy theo sắc bên ngoài. Nay Bồ-tát đã lìa được các trần nên sắc trần không còn cướp hại được. Vì vậy những người có tâm tham dâm muốn xa lìa nó, niệm danh hiệu ngài thì liền được xa lìa.
Mười là, do con thuần thục được các âm thanh không theo trần cảnh, căn và cảnh viên dung không còn năng đối sở đối, hay khiến cho tất cả chúng sanh sân giận xa lìa được các nóng giận.
Bồ-tát do đối với âm thanh đã được thuần thục nên không còn dính mắc các trần cảnh. Căn và trần đã viên dung thì không còn hai bên năng và sở đối đãi. Công năng tu hành của Bồ-tát ảnh hưởng tới chúng sanh ở bên ngoài, do đó những chúng sanh nào hay nóng giận, niệm danh hiệu ngài liền lìa được nóng giận.
Thường chúng ta hay nóng giận là tại sao? Vì thấy có đối tượng dễ ghét, dễ bực. Nếu không còn đối tượng để cho mình giận ghét thì còn gì nóng giận. Còn năng và sở đối đãi thì còn sân hận, nếu dung được mình và người không hai thì tâm sân không thể sanh. Ví dụ như có lúc chúng ta làm điều quấy, khi bình tâm lại giật mình hối hận, tự trách mình ngu si, sao lại làm những việc đáng chê trách như vậy. Mình tự rầy mình nên không giận những lời rầy mắng đó. Nên nói khi căn và cảnh viên dung, năng sở đối đãi không còn thì tâm sân hận không còn.
Mười một là, do con tiêu hết các trần, xoay về tánh giác tròn sáng nên thân tâm và pháp giới đều như lưu ly sáng suốt không chướng ngại, hay khiến cho tất cả những kẻ ngu tối ám chướng xa lìa được sự si mê tăm tối.
Do Bồ-tát tu thuần thục rồi, không còn dính mắc nơi trần cảnh, trở về tánh giác sáng suốt, nên thân tâm cùng cả pháp giới đều rỗng suốt như lưu ly, có công năng khiến những kẻ bị si mê nghiệp chướng che đậy nhưng vừa niệm danh hiệu ngài, si mê ám chướng liền tiêu tan.
Mười hai là, do con tiêu dung các hình tướng, trở về tánh nghe, không rời khỏi đạo tràng mà lẫn vào trong thế gian nhưng không làm hoại thế giới, cúng dường chư Phật Như Lai ở khắp mười phương như số vi trần, gần bên mỗi đức Phật làm Pháp vương tử, hay khiến cho những chúng sanh không có con ở trong pháp giới muốn cầu con trai liền sanh được con trai có phước đức trí tuệ.
Do tiêu dung tất cả các hình tướng đối đãi, tâm rỗng suốt không còn bị chướng ngại bởi sắc tướng, nên Bồ-tát có thể vào tất cả thế giới mà không làm hoại thế giới. Thông thường muốn đi vào các thế giới phải rời đạo tràng, đây không cần rời đạo tràng mà cũng có thể đi vào trong thế gian được. Lại cúng dường chư Như Lai khắp mười phương như số vi trần, ở bên mỗi đức Phật làm con của đấng Pháp vương, nên hay khiến cho những chúng sanh không con muốn cầu con trai liền sanh con trai đầy đủ phước đức, trí tuệ.
Mười ba là, do sáu cắn được viên thông, soi sáng không hai, trùm cả mười phương thế giới, lập thành Đại viên cảnh Không Như Lai tạng, vâng theo pháp môn bí mật của Như Lai ở mười phương như số vi trần, nhận lãnh không thiếu sót, hay khiến những chúng sanh không con trong pháp giới muốn cầu con gái liền sanh được con gái, có tướng tốt đoan chánh phước đức nhu thuận, mọi người đều yêu kính.
Bồ-tát áp dụng phương pháp tu sáu căn viên thông không còn ngăn ngại, mình chỉ cho thể tịch và chiếu không hai, thấy mười phương thế giới đều ở trong Đại viên cảnh trí hay Không Như Lai tạng tức kho Như Lai trống rỗng, tuy thể không mà hàm dung tất cả. Ngài thuận theo những pháp môn bí mật của tất cả mười phương Như Lai. Do tánh tùy thuận đó mà người nào muốn cầu con gái thì sanh được con gái đoan chánh dịu dàng...
Mười bốn là, trong tam thiên đại thiên thế giới này có trăm ức mặt trời mặt trăng, có những vị pháp vương tử hiện ở thế gian, nhiều như số cát sáu mươi hai sông Hằng, tu theo Phật pháp, làm gương mẫu để giáo hóa chúng sanh, tùy thuận chúng sanh, phương tiện và trí tuệ mỗi vị không đồng nhau. Do con được bản căn viên thông, phát ra tánh nhiệm mầu của nhĩ căn, về sau thân tâm nhiệm mầu dung chứa khắp cả pháp giới, hay khiến cho chúng sanh trì danh hiệu con, với người trì danh hiệu tất cả các vị Pháp vương tử nhiều như số cát sáu mươi hai sông Hằng kia, hai người đó phước đức bằng nhau không khác.
Bạch Thế Tôn, do con được viên thông, tu chứng đạo Vô thượng, lại khéo được bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.
Một là, ban đầu do con đạt được tâm nghe rất mầu nhiệm, tâm đó tinh thuần, bỏ cái nghe; thấy nghe hiểu biết không còn phân cách, thành một Bảo giác thanh tịnh viên dung.
Chúng ta khi nghe thường chạy theo trần, bỏ quên tánh nghe. Còn ngài, tâm nghe được nhiệm mầu, đến chỗ tinh ba sáng suốt thì bỏ cái nghe, đó gọi là thoát niêm.
Có hai chặng đường khi tu chúng ta hay bị mắc kẹt:
- Chặng thứ nhất, phàm phu cứ chạy đuổi theo các trần, nghĩa là tai đuổi theo thanh trần, mắt theo sắc trần... Nay Phật dạy phải phản quan, nghĩa là đừng chạy theo thanh sắc bên ngoài nữa mà trở về tánh nghe tánh thấy của mình. Sống bằng tánh nghe tánh thấy tức là khi nghe tiếng không chạy theo tiếng mà nhớ mình đang nghe, khi thấy cảnh không chạy theo cảnh mà nhớ mình đang thấy. Nhớ cái đang nghe đang thấy của mình hiện hữu, gọi là trở về tánh nghe tánh thấy, quên hết các trần cảnh bên ngoài.
Đây là một bước tiến vượt bậc, nhưng tánh biết không sanh diệt vẫn còn bị dính khắn ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, còn riêng từng bộ phận chứ chưa phải là thể chung.
- Chặng thứ hai là gỡ cái dính khắn đó, tức trở về bản tâm sáng suốt, không bị dính khắn bởi thấy nghe hiểu biết riêng nữa, mà chỉ còn một tánh giác chung. Tánh giác chung đó gọi là Bảo giác thanh tịnh viên dung. Lúc này sáu căn hỗ dụng, có thể sử dụng chung với nhau chứ không còn riêng rẽ nữa. Đây là đến chỗ thâm nhập sâu xa của người đạt đạo.
Cho nên con có thể hiện ra rất nhiều hình dung nhiệm mầu, hay nói vô số thần chú bí mật. Trong ấy hoặc hiện một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu, chín đầu, mười một đầu, như thế cho đến một trăm lẻ tám đầu, ngàn đầu muôn đầu, tám muôn bốn ngàn đầu kiên cố. Hoặc hai tay, mười bốn, mười sáu, mười tám, hai mươi, cho đến hai mươi bốn tay, như thế nhẫn đến một trăm lẻ tám tay, ngàn tay muôn tay, tám muôn bốn ngàn tay bắt ấn. Hoặc hai mắt, ba mắt, bốn mắt, một ngàn mắt, một muôn mắt, tám muôn bốn ngàn mắt báu thanh tịnh. Hoặc hiện từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc tuệ, để cứu hộ chúng sanh được đại tự tại.
Bồ-tát Quán Thế Âm hiện nhiều đầu, nhiều mắt, nhiều tay để cứu độ chúng sanh khỏi những khổ ách đau đớn, đều được tự tại. Ngài hiện được như vậy do vì đã thoát được cái niêm của sáu căn, trở về tánh giác hay là bảo giác, có đầy đủ diệu dụng. Trong bài chú Đại Bi, câu mở đầu là "Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi", tức ngàn tay ngàn mắt, tất cả chỗ đều là tay là mắt. Đây là ý nghĩa thoát được cái niêm của sáu căn, toàn thân là giác.
Bồ-tát đã viên dung được sáu căn, không còn phân cách riêng rẽ nữa, cho nên tùy ý muốn mà hiện, tự tại vô ngại. Còn chúng ta hiện nay bị ngại là do không biết trở về với tánh thấy tánh nghe, cứ chạy theo trần, bị cột dính trong đó nên không được vô ngại. Như vậy tay, mắt, đầu của ngài nhiều vô số là để nói lên tánh giác viên dung không chướng ngại. Ở đâu cũng là tánh giác, ở đâu cũng là mắt là tay.
Trong nhà thiền có câu chuyện. Thiền sư Đạo Ngô Viên Trí hỏi thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh:
- Đức Đại Bi ngàn tay ngàn mắt, con mắt nào là mắt chánh?
Sư Vân Nham đáp:
- Như ban đêm người vói tay lại sau mò chiếc gối.
Sư Đạo Ngô nói:
- Tôi hội rồi!
Quý vị hội chưa? Ngàn tay ngàn mắt để làm gì? Tay nào chánh? Mắt nào chánh? Tay thì có cảm giác, mắt thì thấy, cả hai đều biết. Ban ngày chúng ta mở mắt thì thấy cái gối, trong đêm tối mình vói tay lại phía sau, cũng biết cái gối ở chỗ nào để lấy. Vậy tay có thấy không? Nếu không thì sao biết để lấy cái gối? Như vậy nói nhiều tay nhiều mắt để tượng trưng rằng khi tu tới chỗ thoát sự dính khắn của sáu căn, lúc đó khắp thân đều là tai mắt, đều giác biết, chứ không phải chỉ có một phần nơi đầu mới giác biết. Nơi thân chỗ nào cũng giác, chỗ nào cũng tri. Đây là diệu dụng toàn phần chứ không phải một bộ phận hay cục bộ nữa.
Hai là, do cái nghe và suy nghĩ của con thoát khỏi sáu trần, như tiếng qua tường vách không bị chướng ngại, nên con khéo hay hiện mỗi mỗi thân hình, tụng mỗi mỗi chú. Hình kia chú kia hay dùng sức vô úy bố thí cho các chúng sanh. Thế nên cõi nước ở mười phương như số vi trần, đều gọi con là người bố thí vô úy.
Bồ-tát do cái nghe, suy nghĩ đã thoát khỏi sáu trần, nên trùm khắp không chướng ngại. Ngài hiện ra nhiều thân, tụng các thần chú là vì muốn bố thí vô úy để cứu độ chúng sanh. Vì vậy chúng sanh ở nhiều cõi đều tán thán, gọi ngài là Người bố thí vô úy.
Ba là, do con tu tập bản căn (nhĩ căn) thanh trần vốn mầu nhiệm viên thông, nên dạo đi trong thế giới nào, điều khiến chúng sanh xả trân bảo nơi thân để cầu con thương xót.
Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, khi Bồ-tát Quán Thế Âm kể những diệu dụng của ngài cho Phật và chúng Bồ-tát nghe rồi, Bồ-tát Vô Tận Ý liền cởi xâu chuỗi anh lạc cúng dường, xin ngài Quán Thế Âm thương xót mà nhận cho. Do Bồ-tát Quán Thế Âm tu tập đến được chỗ diệu viên thông, tức trở về tánh viên trạm, nhĩ căn được thanh tịnh, nên ngài dạo đi trong các thế giới không có gì chướng ngại, hay cảm được những chúng sanh nào gặp ngài, thường đem của báu nơi thân cúng dường, cầu xin thương xót.
Bốn là, con được tâm Phật chứng được cứu cánh, hay dùng các thứ trân bảo cúng dường chư Như Lai ở mười phương, cả đến những chúng sanh trong sáu đường ở khắp pháp giới, nếu cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu chánh định được chánh định, cầu sống lâu được sống lâu, như thế cho đến cầu Đại Niết-bàn được Đại Niết-bàn.
Bồ-tát Quán Thế Âm có hạnh tu, hạnh nguyện thường đem trân bảo cúng dường chư Như Lai. Như khi ngài Vô Tận Ý cúng dường chuỗi anh lạc, ngài đem chia hai: phân nửa cúng dường đức Phật Thích-ca, phân nửa cúng dường tháp Phật Đa Bảo. Do hạnh nguyện của ngài như vậy, cảm đến những người chung quanh đều được hưởng phước theo. Nên những chúng sanh niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì cầu gì được nấy. Tu là nhân, đạt được diệu dụng là quả. Công tu thế nào thì quả chứng cũng tương ưng theo đó, do công ngài tu như vậy nên đưa tới kết quả như sở nguyện.
Chúng ta đọc trong kinh thấy nói cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái v.v... Dễ quá! Nhưng đây là diệu dụng của ngài, ân đức của ngài phụ trợ cho mình. Nếu chúng ta không chịu tập theo hạnh, y theo pháp của ngài mà tu, chỉ cầu suông phước thừa, đợi ơn huệ của Bồ-tát thì không bảo đảm.
Cầu vợ con được như sở cầu thì còn dễ tin, nhưng cầu Đại Niết-bàn được Đại Niết-bàn thì thế nào? Bây giờ mình niệm Bồ-tát Quán Thế Âm cầu Đại Niết-bàn có được không? Nếu niệm đến nhất tâm bấn loạn thì chắc chắn sẽ được.
Phật hỏi về viên thông, con từ nơi nhĩ căn được chánh định chiếu soi tròn đầy, duyên tâm tự tại, nhân tướng nhập lưu mà được chánh định, thành tựu quả Bồ-đề, đây là bậc nhất.
Bồ-tát Quán Thế Âm được viên thông từ nhĩ căn. Từ nhĩ căn, ngài nhập lưu rồi vào được chánh định, đây là bậc nhất vậy.
Bạch Thế Tôn, đức Phật kia (đức Phật Quán Thế Âm) khen ngợi con khéo được pháp môn viên thông, ở trong đại hội thọ ký cho con hiệu là Quán Thế Âm. Do con quán tánh nghe tròn sáng khắp mười phương, nên danh Quán Âm cũng khắp cả thế giới mười phương.
Đây nói về diệu dụng Bồ-tát đã đạt được từ của nghe. Từ cửa nghe, do không chạy theo tiếng, ngài trở về dòng bất sanh bất diệt của căn tai. Rồi sau thoát luôn cái giới hạn của căn mà đi thẳng vào tánh giác sáng suốt trùm khắp cả thế giới mười phương.
Như vậy, qua hai mươi lăm vị thánh, mỗi vị trình bày chỗ ngộ của mình. Các ngài chứng ngộ từ sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại. Mỗi vị tu chứng từ mỗi căn cảnh riêng biệt.
Các bài mới
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt1) - 27/07/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt) - 26/05/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo - 09/05/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo.(tt5) - 20/03/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt4) - 20/01/2021
Các bài đã đăng
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt3) - 03/01/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo (tt2) - 02/01/2021
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo.(tt1) - 30/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo. - 29/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Phần tựa và Phần Chánh Tông - 24/12/2020
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89089
- Online: 46