Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt4)

11/10/2021 | Lượt xem: 1759

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

VI. KHUÔN PHÉP TU HÀNH

A-nan chỉnh sửa y phục, ở trong đại chúng chắp tay đảnh lễ Phật, dấu tâm tròn sáng, buồn vui lẫn lộn, vì muốn làm lợi ích cho các chúng sanh đời sau, cúi đầu bạch Phật:

Thường tâm chúng ta tự sáng, nhưng tại sao đây lại nói dấu tâm tròn sáng? Bởi vì ngài A-nan trước kia đã quên, đã bỏ sót nó, giờ đây thấy lại dấu tâm tròn sáng. Được vậy lẽ ra phải mừng vui chứ sao lại có buồn? Vui là thấy được đường về, không nghi ngờ gì nữa. Còn buồn là tủi thân bấy lâu nay chỉ lo học không chịu tu, cho nên tới bây giờ mới thấy đường về, chưa đi được bước nào.

- Bạch Thế Tôn đấng Đại bi, nay con đã ngộ được pháp môn thành Phật, trong ấy tu hành không còn nghi ngờ gì nữa. Con thường nghe Như lai nói thế này: mình chưa được độ, trước lo độ người là Bồ-tát phát tâm; còn chính mình đã được giác ngộ viên mãn, rồi hay giác ngộ cho người khác là Phật ra đời. Con tuy chưa được độ mà nguyện độ tất cả chúng sanh ở đời mạt pháp.

Bạch Thế Tôn, các chúng sanh này cách phật dần xa, tà sư nói pháp nhiều như số cát sông Hằng. Muốn nhiếp tâm người kia vào chánh định, làm sao khiến họ an lập được đạo tràng, xa lìa các ma sự, đối với tâm Bồ-đề được không thối chuyển?

Đó là ngài A-nan chưa được độ mà nghĩ tới độ người. Câu này rất hay những cũng thường bị người ta lạm dụng. Ngài A-nan tuy nói chưa được độ nhưng ngài đã ngộ được pháp thân, đường đi đã thấy rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa. Biết được pháp thân là thấy nhà rồi nhờ Phật chỉ, ngài còn thấy rõ từ cửa nào vào nhà nữa. Như vậy ngài là người đã ngộ mà chưa được viên mãn, chưa về đến nhà, nên nói là chưa được độ. Tuy đi chưa đến nơi nhưng đã rõ đường, nên có thể chỉ cho người khác đi được.

Do vậy, ngài A-nan thương chúng sanh đời sau này, những người chưa ngộ bị tà sư gạt gẫm, chỉ dạy sai lầm, nên yêu cầu Phật chỉ cho lối tu thế nào, lập đàn tràng ra sao để khỏi phải lầm lẫn, đó gọi là độ người. Còn người bây giờ hau mượn câu nói Mình chưa được độ mà độ người là Bồ-tát phát tâm, rồi đường tu còn mù mịt, sáu căn dính đầy sáu trần mà lo độ người, rốt cuộc bị người ta độ mình! Cũng chẳng khác nào chưa biết lội mà cứu người chết đuối, có đúng là Bồ-tát chưa? Như vậy là mình ứng dụng câu nói của người xưa vào trường hợp không đúng.

Chúng ta cũng có quyền chọn câu nói khác: Chính mình đã được giác ngộ viên mãn, rồi hay giác ngộ cho người khác là Phật ra đời. Giả sử mình không làm Bồ-tát mà làm Như Lai thì càng tốt. Vì có nhiều người nói ai chỉ lo ngồi tu là ích kỷ, không phải Bồ-tát hạnh. Tuy chưa độ người mà muốn làm Phật viên mãn rồi mới độ người thì có lỗi gì? Như vậy hiểu cho thấu đáo chúng ta khỏi nghi và cũng khỏi lầm lời nói của người xưa.

Khi ấy đức Thế Tôn ở trong đại chúng khen ngợi A-nan:

- Lành thay! Lành thay! Như lời ông hỏi về cách an lập đạo tràng để cứu độ chúng sanh chìm đắm ở trong đời mạt kiếp. Nay ông lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

A-nan và đại chúng lặng yên chờ nghe Phật dạy.

Như vậy do lời hỏi của ngài A-nan, từ đây Phật mới chỉ dạy.

1. Nghĩa quyết định về đoạn tâm dâm

Phật bảo A-nan:

- Ông thường nghe ta ở trong giới luật tuyên nói tu hành có ba nghĩa quyết định, đó là: nhiếp tâm là giới, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Đây gọi là ba Vô lậu học.

Tỳ-nại-da là tiếng Phạn, dịch là luật nghi, cũng dịch là điều phục. Ba Vô lậu học này là ba nghĩa quyết định mà trong giới luật đức Phật thường nói tới. Người tu Phật nếu thiếu một trong ba thì quyết định không thể tiến tới chỗ viên mãn đạo quả được. Vì vậy mà nói ba nghĩa quyết định:

- Thứ nhất là Giới.

- Thứ hai là Định.

- Thứ ba là Tuệ.

Này A-nan, thế nào là nhiếp tâm, ta gọi là Giới?

Đây nói về giới ở tâm chứ không phải giới nơi thân nữa. Các phần trước dạy giữ giới nơi thân, đó là phần thô thuộc giới tướng, đến đây là phần tế thuộc giới tánh, tức đi tới chỗ giải thoát nên nói giới ở tâm. Nếu tâm niệm không thanh tịnh thì mầm ô nhiễm trầm luân vẫn còn, có cơ hội thuận tiện liền nảy mầm, sanh khởi. Do vậy muốn được giải thoát hoàn toàn thì mầm nhân phải dứt sạch.

Nếu chúng sanh trong sáu đường ở các thế giới, tâm họ chẳng khởi dâm dục thì không theo đó mà sanh tử tiếp nối.

Tâm thật không có dâm. Niệm khởi về ái dục gọi là tâm dâm. Nếu tâm đó dứt thì nhất định không còn tiếp tục sanh tử.

Ông tu chánh định, vốn để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục không trừ thì không thể ra khỏi được.

Phật dạy phải dứt tâm dâm, vì dâm gốc từ ái, mà ái là trói buộc. Chúng ta muốn thoát ra mà lại buộc thì làm sao ra! Cho nên Phật chỉ rõ: nếu muốn ra khỏi trần lao thì phải dứt tâm dâm.

Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu như chẳng đoạn tâm dâm thì chắc hẳn rơi vào đường ma. Hạng trên là ma vương, hạng giữa là ma dân, hạng thấp là ma nữ.

Tôi nhớ lại những năm dạy học ở Trà Vinh 1958 - 1959, chùa Lưỡng Xuyên cũng có một số chúng tăng ở. Ma nữ nhập vào một thầy, nó tuyên bố dứt khoát rằng: Ở chỗ nào nhiều chư tăng thì ma nữ tới phá, còn chỗ nào có chư ni thì ma nam tới phá, bởi vậy, nay ma nữ theo phá mấy thầy. Nó nói rõ ràng như vậy. Do đây, chúng ta thấy trong kinh nói ma nữ không phải là không có.

Có hai kiểu ma nữ: ma vô hình và ma hữu hình. Về ma hữu hình, nhiều thanh niên ở thế gian có dáng vẻ tốt đẹp mà ít ai theo đuổi, trái lại có nhiều thầy, dầu xấu xí vẫn bị người theo. Tại sao? Đó là do ma nữ dựa vào những cô gái kia, xúi giục họ. Vậy nên khi thấy người ta theo đuổi đừng vội mừng, tưởng người ta thương mình, phải biết đó là ma phá.

Vì vậy rất khó cho người tu, nhất là mấy ông thầy trẻ. Nếu bị ma nữ phá, nó dựa vào người này người kia nói ra thì mình còn biết để sợ. Còn ma dựa mà không nói, cứ xúi người đó thương, đó mới thật là khó lường. Nhiều khi mình hãnh diện, tưởng đâu mình có duyên được người thương, không ngờ chính đó là họa. Ma nó muốn lôi mình đi, làm chướng con đường Bồ-đề của mình. Hiểu vậy rồi phải cẩn thận dè dặt.

Như vậy có những loài ma phá phách ngăn trở con đường Bồ-đề, khiến cho người tu khó thành đạo quả.

Những loại ma kia cũng có đồ chúng. Mỗi mỗi loại ma đều tự cho là thành đạo Vô thượng rồi.

Ma cũng có đồ đệ. Hiện nay vẫn có những con ma đang kiếm mấy ông thầy trẻ dụ dỗ phá phách. Nó nói đạo rất hay, mình khó bẻ nổi. Nó thương mấy ông thầy, thường nói "Thầy tu còn trẻ sợ gặp khó khăn nên đi theo ủng hộ mọi mặt". Đó là loại ma nữ hiện tại vẫn có. Loại ma này đẹp đẽ, dễ coi chứ không xấu xí. Vì vậy quý vị muốn đi đến nơi đến chốn trên đường Bồ-đề phải ráng dè dặt, đừng xem thường mà có khi bị ma lẫn vào trong đó lôi kéo, rồi nguyện lớn của mình không thành.

Sau khi ta diệt độ, trong thời mạt pháp có nhiều loại ma dâm này hưng thịnh ở thế gian. Phần nhiều làm việc tham dâm mà cho là thiện tri thức, khiến các chúng sanh rơi vào hầm ái kiến, mất con đường Bồ-đề.

Những loại ma này đầy tràn ở thế gian chứ không phải ít. Nó khen những người làm việc tham dâm, cho đó là thiện tri thức, khiến cho những chúng sanh phát tâm tu hành rơi vào ái kiến, mất con đường Bồ-đề.

Ông dạy người đời tu về chánh định, trước phải đoạn tâm dâm. Đây gọi là lời dạy sáng suốt thanh tịnh, quyết định đệ nhất của Như Lai, Phật Thế Tôn trước.

Nêu ba danh hiệu để nói lên sự quan trọng: Phật, Thế Tôn, Như Lai đều dạy như vậy. Chư Phật đời này đời trước đều chỉ dạy như vậy.

Thế nên A-nan, nếu người không đoạn dâm mà tu thiền định thì giống như nấu cát đá mà muốn thành cơm. Dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát đá nóng thôi. Vì sao? Vì đó là cát đá, không phải là bản nhân của cơm. Ông dùng thân dâm để cầu diệu quả Phật thì dù được diệu ngộ cũng đều là gốc dâm mà thôi. Cội gốc đã thành dâm thì phải luân chuyển trong ba đường ắt không thể ra khỏi, vậy quả Niết-bàn của Như Lai do con đường nào mà tu chứng?

Nếu đã đi trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì không còn có con đường nào để tiến đến được Niết-bàn của Như Lai.

Hẳn phải khiến thân tâm đều đoạn hết gốc dâm, tánh đoạn cũng không thì đối với Bồ-đề Phật, người này có thể hy vọng được.

Đoạn đây nói không chỉ đoạn ở thân mà cả nơi tâm. Muốn trừ sạch tâm dâm phải dùng trí quán, luôn nỗ lực chiếu soi thấy thân mình, thân người đều là huyễn ảo, thân nam thân nữ cũng chỉ là cái máy thôi. Cái máy còn động thì còn sinh hoạt, hết động thành thây chết không nghĩa lý gì, có gì mà gọi là nam là nữ để sanh ra ái. Do quán sát như vậy, có thể dứt được niệm tham ái.

Thân và tâm đều đoạn dứt, rồi ý nghĩ đoạn đó cũng không còn nữa. Ví dụ như có người do tham tiền tham của nên nghĩ đến trộm cắp. Khi tay lấy của người, đó là thân phạm giới trộm. Do còn lòng tham nên thân hoặc tâm có phạm giới ăn trộm. Nhưng nếu người kia biết tu, nghĩ phải dứt tâm tham đó, nên vừa dấy niệm khởi tham là rầy nó chặn nó. Khởi niệm dứt đó để chặn đứng tâm tham, khi tâm tham hết rồi thì ý nghĩ chặn đứng đó cũng không còn. Nếu còn nghĩ chặn đứng là vẫn còn tâm tham. Cho nên khi tâm tham hoàn toàn không khởi nữa thì ý nghĩ chặn đứng cũng dứt không còn, gọi là tánh đoạn cũng không.

Như vậy để thấy, ban đầu là bỏ lỗi lầm, xa lìa được lỗi lầm rồi thì niệm xa lìa cũng phải hết. Khi chúng ta còn dấy niệm răn nhắc mình, tức là còn có cái dở nhỏ nhiệm ở trong, đến khi thật sạch rồi thì không còn có niệm nào gọi là xa lìa nữa, vì tới chỗ đó đã hoàn toàn tự tại. Được như vậy người đó mới hy vọng có phần đối với Bồ-đề Phật.

Như lời ta nói đây gọi là Phật nói, không như lời nói này tức là ma Ba-tuần nói.

Chúng ta tu phải lấy lời Phật dạy làm gương soi. Điều nào đúng như Phật dạy thì tin, không đúng thì không tin. Người học Phật phải lấy kinh luật làm dây mực, không thể làm sai rồi ngụy biện cho việc làm của mình là ngoại lệ. Trong kinh luật Phật không có những trường hợp ngoại lệ đó. Dù người nói Phật pháp hay thế nào mà phạm những lỗi này thì cũng không thể gọi là thuần chất Phật pháp được.

Trong giới của cư sĩ, giới thứ nhất là giới sát, còn trong giới của người xuất gia, thứ nhất là giới dâm. Do vì xuất gia là để giải thoát sanh tử, muốn dứt mầm sanh tử luân hồi thì đừng gieo nhân sanh tử nên trước cần dứt tâm dâm.

2. Nghĩa quyết định về đoạn tâm giết hại

Này A-nan, lại chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, không có tâm sát hại thì không theo đó mà tiếp tục sanh tử. Ông tu chánh định vốn muốn ra khỏi trần lao, không trừ tâm sát hại thì không thể ra khỏi trần lao. Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu không dứt trừ tâm sát ắt rơi vào thần đạo. Người bậc trên thành đại lực quỷ, bậc giữa làm phi hành dược-xoa, các loài quỷ soái v.v..., bậc dưới làm địa hành la-sát.

Đây cũng là quỷ nhưng gọi là thần. Thần và quỷ đều là người âm, nếu ít phước thì gọi là quỷ, còn có phước và có uy lực hơn gọi là thần. Ví dụ những người đi đánh giặc thắng trận chết được phong thần. Đó cũng là quỷ thôi, ở trong nghiệp quỷ nhưng có uy lực, có đồ đệ sai khiến được.

Phi hành dược-xoa là loài dược-xoa bay đi trong không. Địa hành la-sát là loài la-sát đi dưới đất không bay được.

Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi đều tự cho là đã thành đạo Vô thượng. Sau khi ta diệt độ, ở trong đời mạt pháp, phần nhiều các loại quỷ thần này hưng thịnh ở thế gian, tự nói ăn thịt được đạo Bồ-đề.

Qua những kinh nghiệm trên thế gian, chúng ta thấy có những người tu thành quỷ thần, người ta hay gọi là bề trên, ở cõi trên. Những người đó tự cho mình đã được đạo, họ tự mãn trong cảnh của họ chứ không thấy rằng mình là quỷ thần. Do vậy họ cũng thâu đồ đệ, khi dựa ai, bắt ai, phá ai, họ cũng nói đi theo con đường của họ sẽ được an vui sung sướng.

Như hôm rồi, có một cô tự xưng là mẹ trên sai xuống, dựa vào một người đàn bà, đến chỗ tôi nói rằng cô muốn đi giáo hóa những người này người kia, hướng dẫn họ về hầu mẹ. Như vậy những người trên kia sai đồ đệ họ xuống. Họ tưởng là họ đang giáo hóa mọi người, cho về trên kia hưởng cảnh thanh nhàn sung sướng, chứ không nghĩ họ cũng đang đi trong đường quỷ thần. Vì vậy rất dễ bị lầm. Quý vị nào có nghiên cứu kỹ các tôn giáo ở Việt Nam, sẽ thấy có những lối tu này.

Này A-nan, ta cho phép các thầy Tỳ-kheo ăn ngũ tịnh nhục. Thịt này đều do thần lực của ta biến hóa mà sanh ra, vốn không có mạng căn. Xứ Bà-la-môn các ông đất phần nhiều nóng ướt, lại thêm cát sỏi nên rau cỏ không thể sanh sống. Ta do lòng đại bi, dùng sức thần lực mà gia bị. Nhân lòng đại từ bi giả gọi là thịt, các ông mới được cái vị kia.

Trong giai đoạn ban đầu Phật mới thành đạo, có một số thầy Tỳ-kheo đi khất thực, Phật cho ăn ngũ tịnh nhục là năm thứ thịt thanh tịnh: không thấy giết, không nghe giết, không nghi giết cho mình ăn, con vật tự chết, thịt còn thừa do những con thú khác giết ăn còn dư lại. Do các thầy Tỳ-kheo đi tới xứ của Bà-la-môn, đất đai khô cằn. Những vùng ở gần sa mạc không có rau cải nên không có đồ chay để ăn, Phật mới hóa ra những con cá chết, nai chết, dân lấy đó xẻ thịt cúng dường chư tăng. Chư tăng tuy ăn thịt cá, nhưng đó là do oai thần của Phật hóa hiện chứ không phải thật.

Tại sao, sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh mà gọi là Thích tử! Các ông phải biết, người ăn thịt ấy dù tâm được khai mở, giống như được chánh định, đều là đại la-sát. Khi báo thân mạng chung, ắt chìm trong biển khổ sanh tử, không phải là đệ tử của Phật. Người như thế giết nhau, ăn nuốt lẫn nhau chưa thôi dứt, làm sao người ấy được ra khỏi tam giới?

Phật quở nặng quá! Người ăn thịt chúng sanh sẽ chìm trong biển sanh tử. Vì còn giết nhau, ăn nuốt nhau chưa thôi thì làm sao ra khỏi tam giới. Do vì nợ trả không xong, làm sao ra khỏi ba cõi.

Kinh này nặng về Đại thừa, lấy đại bi làm trên. Do lòng đại bi, đối với tất cả chúng sanh đều thương, muốn cho chúng sanh thảy được giải thoát an lạc. Vì vậy không vì sự sống của mình mà dùng tới sinh mạng hay dùng thịt của chúng sanh. Đức Phật đại bi nên đệ tử Phật cũng học theo tâm đại bi đó.

Ông dạy người đời tu chánh định, kế đó phải dứt trừ sát sanh. Đây gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ hai của Như Lai, Phật Thế Tôn trước. Thế nên A-nan, nếu người không dứt trừ giết hại mà tu thiền định, cũng giống như có người tự bít kín lỗ tai của mình rồi lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe. Những người này gọi là muốn ẩn mà càng lộ ra.

Lấy tay bít hai tai lại rồi la lớn, mình không nghe lại tưởng mọi người không nghe, đây gọi là muốn ẩn lại càng lộ, muốn kín mà lại bày.

Những Tỳ-kheo thanh tịnh và các vị Bồ-tát đi trên con đường nhỏ còn không đạp cỏ tươi, huống là lấy tay nhổ. Tại sao người có lòng đại bi lại lấy máu thịt của chúng sanh mà ăn cho no?

Nếu các vị Tỳ-kheo không mặc tơ lụa phương đông và dùng những giày dép, áo lông cừu, sữa, tô lạc, đề-hồ v.v... cõi này, những Tỳ-kheo như thế ở trong đời này thật là giải thoát, trả xong nợ đời trước rồi thì không còn đi trong tam giới nữa.

Ở Ấn Độ, nói phương đông tức chỉ Trung Hoa. Ngày xưa tơ lụa làm bằng tơ tằm, là sanh mạng của chúng sanh. Giày dép làm bằng da súc vật, cho tới sữa, tô lạc... cũng là những phần trong thân chúng sanh.

Vì sao? Dùng những phần của thân chúng sanh đều chịu duyên nợ với chúng. Như những người ăn trăm thứ cốc gạo ở trong đất thì chân họ cũng không rời đất. Quyết khiến thân tâm đối với các chúng sanh, hoặc toàn thân hoặc bộ phận của thân, hai đường thân tâm đều không mặc không ăn, ta nói người ấy thật là giải thoát.

Như lời ta nói đây gọi là Phật nói, không như lời nói này tức là ma Ba-tuần nói.

Khi tu phải lấy lời Phật dạy làm kỷ cương. Nếu người nào làm trái lời Phật, dù họ cho là hay mình cũng đừng vội theo. Vì tin theo thì một ngày nào đó sẽ bị dẫn vào đường tà. Muốn giải thoát khỏi trần lao, ra khỏi ba cõi thì đừng có nợ gì trong cõi này, cũng như muốn dứt sanh tử thì đừng gieo mầm sanh tử. Ăn thịt chúng sanh tức là vay nợ chúng sanh, đền trả mãi không thôi, làm sao thoát ly được!

Tuy nhiên, bên Phật giáo nguyên thủy, các sư ăn mặn cũng có lý do. Trong sử nói, lúc ban đầu Phật không bắt buộc ăn chay, nên ngày nay các ngài tu theo những hạnh ban đầu đó. Hơn nữa  các ngài lấy điều này làm y cứ rất vững chắc: Đề-bà-đạt-đa đưa ra năm điều yêu cầu Phật thực hành, trong đó có điều "không ăn thịt cá", Phật không chấp nhận lời đề nghị đó. Do vậy các ngài cho rằng ăn chay là theo Đề-bà-đạt-đa, chứ không phải theo Phật.

Có nhiều gia đình Phật tử nhà ở thôn quê. Họ cũng tu nhưng lâu lâu có khách tới, nhà không có sẵn thức ăn mà có nuôi gà vịt, nên phải giết gà vịt để làm cơm. Người giữ giới nói: "Tôi không cắt cổ gà vịt, ai cắt thì người đó phạm giới." Tuy nhiên, nấu nướng xong thì cùng ăn. Mình không tự tay cắt cổ chúng nhưng người khác làm rồi mình hưởng. Như vậy người cắt cổ chịu tội hết còn những người cùng ăn không có tội gì, vậy thì có công bình và hợp đạo lý không?

Bởi vậy nếu chúng ta không muốn cho người ta cắt cổ gà vịt, tốt hơn hết là mình đừng ăn. Còn nếu đã đồng ý ăn thì phải chia sớt với người ta một phần tội lỗi. Người ta làm cho mình ăn, để rồi phải chịu tội hết thì lòng từ bi bình đẳng đâu có. Mình muốn thảnh thơi mà để ai khổ mặc họ thì không được. Không thể nói rằng "Ai làm gì không biết, miễn đem lên thì tôi ăn, không có tội", e chưa được hợp lý lắm.

3. Nghĩa quyết định về đoạn tâm trộm cắp

Lại nữa này A-nan, chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, tâm họ không trộm thì không theo đó mà tiếp tục sanh tử. Ông tu chánh định vốn muốn ra khỏi trần lao, nếu không trừ tâm trộm thì không thể ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu không dứt trừ tâm trộm cắp ắt rơi vào đường tà. Hạng trên làm tinh linh, hạng giữa làm yêu mỵ, còn hạng dưới làm người tà, bị các loài quỷ mỵ dựa. Những bọn tà kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự bảo là thành đạo Vô thượng.

Phật dạy đoạn lòng trộm cắp, là không có tâm gian tham lừa dối để lấy của người. Gian tham lừa dối bằng cách này cách nọ, cho tới trá hình người tu để lừa gạt thế gian. Như bậc dưới chúng ta dễ thấy, có nhiều người ợ ngáp mà cũng có đồ đệ, người ta cũng kính nể quỳ lạy, cũng theo cũng phục. Nếu căn cứ theo kinh Lăng-nghiêm này thì đó là do họ tu mà không giữ giới trộm. Bởi không giữ giới trộm tức tâm còn tham lam nên bị ma quỷ dựa, lại cho là mình hay, có những điều mầu nhiệm, có đồ đệ theo, tự cho mình được Vô thượng đạo. Họ không bao giờ nói tu theo họ là sai, là lạc đường tà.

Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp phần nhiều loài yêu tà này hưng thịnh ở thế gian. Chúng ẩn nấp gian dối xưng là thiện tri thức, mỗi người tự nói đã được pháp thượng nhân, lừa gạt người không biết, khủng bố khiến cho tâm sợ sệt. Chỗ họ đi qua, những nhà kia thường hao tài tốn của.

Pháp thượng nhân là pháp cao hơn người, là pháp thánh. Những người bị loài yêu mỵ dựa đi tới nhà nào, nhà đó đang bình an nhưng bọn họ dọa nhà này nếu không cúng rồi đây sẽ bị tai nạn... Họ khủng bố cho người ta sợ phải cúng, rồi bày ra mua sắm đủ thứ đồ cúng, làm hao tài tốn của. Những điều này trong thế gian xảy ra khá nhiều, người ta cũng dễ tin theo. Bọn này thường ăn mặc sang trọng ra vẻ bà này ông kia.

Chúng ta nên hiểu thật kỹ, dạy Phật tử biết rõ ràng, đừng lầm những việc này. Phải biết đó là có những loài tà mỵ dựa vào rồi xưng thánh xưng thần này nọ. Như Tề Thiên Đại Thánh là nhân vật tiểu thuyết, nhưng những người lên đồng có khi cũng xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Vậy đâu có gì là thật, chỉ là mạo xưng. Lại còn xưng Phật Di-lặc, Phật Bà Quan Âm v.v... Phật và Bồ-tát đủ ba mươi hai ứng thân, khi nào cần độ người thì ứng hiện thân người để độ chứ đâu cần dựa ai, dựa vào cái thân hôi hám làm gì? Chỉ có ma mỵ không tự ứng thân được, mới dựa vào người khác rồi xưng là những bậc trên, khủng bố cho người ta sợ.

Bọn ma này thường nói, theo ta thì ta cứu cho sống, không theo ta thì chết. Nó cũng bảo phải ăn chay phải tu hành, nói một vài câu nghe có vẻ đạo lý. Người đời nghe vậy tưởng là hay, vì thấy họ cũng dạy làm lành, chứ không ngờ đó là bọn phá hoại, làm cho mọi người mất hết tâm chân chánh, rồi phải đọa trong đường tà. Đó là mối hiểm họa của người tu hiện giờ.

Chúng ta không biết thì thôi, nếu biết thì ráng chỉ dạy, nhắc nhở cho người thế gian hiểu điều sai điều bậy, điều tà. Dầu cho chúng xưng ông bà gì đi nữa cũng là mạo xưng. Người ta hay nói "mưu thần chước quỷ", nghĩa là mưu phá hay là mưu của mấy ông thần, còn mẹo chước tài tình nhất là của quỷ, nó dùng mọi cách khéo léo để lường gạt mà mình không biết.

Ví dụ như có người cầu cơ, mới vô luôn xưng là bậc cao, hoặc là thánh, hoặc là nhà thơ... cho người ta quý. Có khi họ nói lành cũng có khi nói dữ, phần nhiều nói những chuyện sắp tới, hoặc nói "sắp tận thế rồi ráng mà tu"... Nhưng thỉnh thoảng lại bảo phải làm theo họ để được cứu. Chúng lại còn phong chức phong tước cho. Người theo họ, thấy mình tu chưa bao lâu mà được phong chức phong thánh thì rất thích. Có nhiều người không bị cái danh ở thế gian lừa mà lại bị danh của quỷ thần lừa. Có nhiều điều rất sai lầm, không thể nào nói hết cho mọi người được.

Ở thế gian, dầu cho người khôn ngoan mấy cũng vẫn bị gạt như thường. Còn đường đạo thì chỉ cho chúng ta lẽ thật, không bị người gạt gẫm. Ma quỷ thường tìm cách này mưu kia để lường gạt mọi người. Với kẻ hiếu danh, nó nói cũng như vậy thì chức quyền không mất, người hiếu sắc thì nó đưa sắc ra dụ, kẻ ham tài lợi thì đem tài lợi lừa... Những trường hợp này không thiếu. Rất nhiều người vì kẹt trong danh lợi tài sắc mà bị chúng lừa gạt dẫn đi.

Ta dạy các thầy Tỳ-kheo theo thứ lớp đi khất thực, khiến bỏ lòng tham để thành đạo Bồ-đề.

Người đi khất thực thì không chứa chấp, tức bỏ lòng tham để được đạo Bồ-đề; còn người cúng, nhường phần ăn của họ cũng bỏ lòng tham. Phật sợ mọi người nghi chư Tỳ-kheo đi đến đâu thí chủ cũng hao tài tốn của, vậy cũng giống như bọn ma mỵ sao? Cho nên Phật giảng rõ đệ tử Phật là những Tỳ-kheo đi khất thực, thí chủ cúng dường cũng phải hao tốn, nhưng hao tốn để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ-đề. Người làm việc bố thí, do bỏ lòng tham mới đem ra bố thí được; còn cúng cho quỷ thần là tăng thêm lòng tham, nghĩ cúng sẽ được cái này cái kia.

Các thầy Tỳ-kheo không tự nấu ăn, gửi đời tàn này làm người khách tạm đi trong tam giới, hiện thân một lần qua lại, đi rồi không trở lại. Tại sao kẻ giặc giả mượn y phục của ta mà mua bán Như Lai? Tạo các thứ nghiệp đều nói là Phật pháp, lại chê bai những người xuất gia thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo là đạo Tiểu thừa. Do đó làm vô lượng chúng sanh nghi lầm, đọa trong địa ngục Vô gián.

Câu này Phật quở nặng quá: Người xuất gia rồi, chỉ mượn gá cái thân tàn, tạm đến cõi này để tu một đời cuối, nghĩa là tới đây một phen không còn trở lại nữa, chứ không phải ở đây đời đời để lập sự nghiệp trong tam giới. Vậy thì tại sao được đắp y ca-sa đàng hoàng mà lo tính toán chuyện làm giàu, thấy chỗ nào có thí chủ đạo tâm kha khá thì tới đó xin, hoặc tổ chức cái này cái kia để cầu lợi. Gây những việc tội lỗi lại nhân danh người tu để làm. Đó là mượn y phục của Như Lai mà mua bán Phật.

Nhiều người nói mình làm việc này việc kia là vì đạo, trong khi ngầm tính tiền lời lỗ. Đó là bệnh của chúng sanh bây giờ, mượn danh Phật pháp, mượn chiếc áo của Phật mà làm chuyện buôn bán. Lại chê bai người xuất gia, làm Tỳ-kheo thọ giới Cụ túc là đạo Tiểu thừa, còn ta đây mới là Đại thừa. Ngày nay gạt được mọi người nhưng sau sẽ lãnh quả báo.

Sau khi ta diệt độ, nếu có những Tỳ-kheo phát tâm quyết định tu thiền định, hay ở trước hình tượng Như Lai, đốt thân làm một ngọn đèn, hoặc đốt một ngón tay hay ở trên thân đốt một liều hương. Ta nói người ấy, nợ trước từ vô thủy một lúc đều trả xong, từ biệt thế gian, vĩnh viễn thoát khỏi các lậu.

Đức Phật muốn cho chúng ta biết người quyết tu thì coi thường thân này. Thân còn không tiếc huống là ăn mặc hay những nhu cầu khác. Cho nên nói đốt thân, đốt ngón tay, đốt liều, ý là không tiếc thân, người đó mới là người xá dài thế gian, từ giã ba cõi mà đi luôn.

Người có tinh thần xả thân sẽ ra khỏi tam giới một cách dễ dàng, người nào còn nặng về thân, quý tiếc thân thì khó ra khỏi tam giới. Có người nghe nói vậy liền phát tâm đốt thân, đốt thì đốt mà động tới thân vẫn còn quý tiếc, đó là chưa phải. Hoặc bị bắt buộc đốt liều, đốt để cho mình thành Tỳ-kheo, không đốt thì bị hiểu lầm mình không phải Tỳ-kheo, đều là những quan niệm không đúng lẽ thật.

Người ấy tuy chưa sáng tỏ con đường Vô thượng giác, nhưng đối với pháp đã có tâm quyết định. Nếu chẳng làm cái nhân nhỏ xả thân này thì dù có thành tựu vô vi ắt cũng còn trở lại sanh làm người để trả nợ đời trước, như ta bị nạn mã mạch, thật không sai khác. Ông dạy người thế gian tu về chánh định, sau khi phải dứt trừ trộm cắp. Đây gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ ba của Như Lai, Phật Thế Tôn trước.

Đức Phật cũng còn phải trả quả báo ăn lúa ngựa. Có Bà-la-môn tên A-kỳ-đạt rất giàu có, được Tu-đạt giới thiệu đến gặp Phật và nghe thuyết pháp. A-kỳ-đạt vui mừng thỉnh Phật và chư tăng đến chỗ ông là xứ Tùy Lan Nhiên giáo hóa trong ba tháng. Nhưng khi Phật cùng năm trăm vị Tỳ-kheo đến đó, A-kỳ-đạt bị thiên ma mê hoặc, chìm đắm trong ngũ dục, không tiếp khách trong ba tháng.

Vùng đó đang bị đói kém nên Phật và chư tăng không khất thực được thức ăn. Có một người làm nghề huấn luyện ngựa, lấy bớt phần lúa mạch của ngựa dâng cúng Phật và chư tăng. Sau ba tháng, Phật dạy tôn giả A-nan đến nhà ông Bà-la-môn báo tin sẽ đi nơi khác. A-kỳ-đạt ân hận, đến chỗ Phật xin sám hối vì bị si ám không nhớ lời hứa và xin Phật ở lại bảy ngày để được cúng dường. Phật nhận lời và kể cho các Tỳ-kheo nghe nhân duyên trước.

Trong thời quá khứ có vua Tần Đầu, chuẩn bị trai lễ hết sức trang nghiêm để cúng dường đức Phật Duy Vệ. Có vị Phạm chí cùng năm trăm đệ tử trông thấy sanh tâm tật đố, vị Phạm chí nói: "Người đời thật mê muội, dâng món ăn cao sang cho người ấy làm gì. Ông ấy chỉ xứng được ăn lúa mạch của ngựa." Năm trăm đệ tử cũng nói theo thầy.

Vị Phạm chí thuở ấy chính là tiền thân Phật, năm trăm đệ tử là năm trăm Tỳ-kheo cùng bị ăn lúa ngựa. Do nhân xấu xưa, dù đã thành đạo đức Phật vẫn phải trả quả báo trước.

Thế nên A-nan, nếu không dứt trừ trộm cắp mà tu thiền định thì giống như có người rót nước vào cái chén lủng, mong cho nó được đầy, dù trải qua số kiếp như vi trần trọn không thể đầy được.

Phật xác định rõ ràng người tu thiền định phải đoạn tâm trộm cắp.

Nếu các Tỳ-kheo, ngoài y bát ra, một phân một tấc gì cũng không được tích chứa. Khất thực phần còn dư, nên bố thí cho các chúng sanh đói. Ở những chỗ chúng tăng nhóm họp đông đảo thì nên chắp tay lễ cúng. Nếu có người đánh chửi mình thì coi như là khen ngợi.

Phật dạy Tỳ-kheo chỉ có ba y và một bình bát, nếu có dư một phân một tấc cũng không chứa, khất thực nếu có dư thì cho chúng sanh ăn. Chúng ta phải biết rõ để bớt lòng tham. Ngày nay không thể hành hạnh khất thực như thời Phật, là vì có chùa, có nơi chốn ăn ở, do đó phải để dành. Nhưng phải giữ tâm mình, thấy đó là của đại chúng, của chung chứ không phải của riêng. Mình giữ cho chúng chứ không phải giữ cho mình. Khi xài cũng tiết kiệm, vừa phải vừa đủ, không phung phí, đó cũng là biết giữ theo lời Phật dạy.

Chúng ta đừng hiểu lầm, nghe Phật dạy như vậy, nhìn lại bây giờ mình có chùa chiền, có lúa gạo sẵn, cho là trái với đạo hoặc đi sai đường. Thật ra thời đức Phật, tại Ấn Độ người dân không trọng những người tu có chùa ở, nấu ăn tại chỗ mà lại trọng những người đi khất thực. Hai hoàn cảnh khác nhau. Nếu chúng ta lấy đó làm mẫu thì không được. Phải cần thấu rõ trọng tâm của lời dạy đó, hiểu đúng tinh thần Phật dạy chúng ta là đừng tham, đừng chất chứa, đừng lo riêng cho mình.

Khi chúng tăng nhóm họp đông đảo, chúng ta trông thấy phải chắp tay đảnh lễ đại chúng chứ không nên ngạo mạn. Chúng ta hay có bệnh tự cao, coi thường người khác, nên Phật dạy phải khiêm hạ đối với mọi người, trong chỗ đông đảo luôn luôn kính nhường. Ai đánh đập mắng chửi mình thì coi như là lời tán thán khen ngợi chứ đừng thù giận. Điều này mình làm được chưa? Đừng nói đánh, chỉ mắng chửi thôi mà mình không giận không thù cũng là bậc ưu rồi.

Bây giờ chúng ta tu, những gì Phật dạy phải cố gắng làm, được tới đâu mừng tới đó, chứ đừng cho rằng làm không nổi rồi bỏ luôn. Dù chưa làm được trọn vẹn cũng phải gắng hết sức. Giả sử người ta mắng chửi nhè nhẹ thì mình ráng nhịn, còn họ mắng chửi hơi nặng, nếu có cãi lại cũng ít ít thôi. Khi họ đánh đập mình thì chạy đi, chứ đừng phản ứng hung dữ với họ.

Quyết buông bỏ cả thân và tâm. Xem thân thịt xương máu mình cùng giống với chúng sanh. Không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai lại làm chỗ hiểu của mình, khiến người mới học lầm lạc. Phật ấn chứng người này được chánh định chân thật. Như lời ta nói gọi là Phật nói, không như lời này tức là ma Ba-tuần nói.

4. Nghĩa quyết định về đoạn trừ đại vọng ngữ

Này A-nan, như thế những chúng sanh trong sáu đường trên các thế giới, tuy thân tâm không sát sanh, trộm cắp, dâm dục, ba hạnh đã tròn, nếu đại vọng ngữ tức chánh định không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất hạt giống Như Lai. Nghĩa là chưa được nói đã được, chưa chứng nói đã chứng. Hoặc mong người thế gian tôn trọng mình bậc nhất, ở trước người, nói: Nay ta đã được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, đạo A-la-hán, thừa Bích-chi Phật, hoặc các vị Bồ-tát Thập địa, trước Thập địa... Mong những người kia lễ sám, tham sự cúng dường của họ. Đây là một kẻ ngu si, tiêu diệt hạt giống Phật. Như người dùng dao chặt cây đa-la, Phật ấn ký người này mất hẳn căn lành, không còn chánh tri kiến, chìm trong ba biến khổ, không thành được chánh định.

Đại vọng ngữ là chưa được nói được, chưa chứng nói chứng... Ví dụ như trong chúng bốn năm mươi người, gặp ai mình cũng khoe là tôi đắc đạo, đắc Tu-đà-hoàn v.v... để mọi người thấy trong chúng này chỉ có mình là người đắc đạo số một, muốn mọi người tôn trọng mình hơn cả. Đây là một bệnh lớn.

Trong các bậc tu của Bồ-tát có: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, và Tứ gia hạnh gọi là địa tiền, nghĩa là trước Thập địa, và từ Sơ địa trở lên là địa hậu.

Cây đa-la như cây dừa cây cau, chặt ngang ngọn thì không còn lên lại nữa. Người gạt gẫm người khác bằng cách tự xưng mình là thánh để được cung kính, sẽ mất đi hạt giống Phật, không thể có căn lành trở lại. Những người này chìm trong ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Ta dạy các Bồ-tát và A-la-hán sau khi ta diệt độ, ứng thân sanh trong đời mạt pháp kia, hiện các hình tướng để độ những người trầm luân. Hoặc làm Sa-môn, bạch y cư sĩ, vua quan, đồng nam đồng nữ, như thế cho đến làm dâm nam dâm nữ, quả phụ, kẻ gian dối, trộm cắp, đồ tể, buôn bán, cùng làm việc với họ, nhưng tán thán Phật thừa khiến cho thân tâm những người kia được vào chánh định. Trọn không tự nói ta thật là Bồ-tát, thật là A-la-hán, tiết lộ mật nhân của Phật, khinh xuất nói với những người chưa học, chỉ trừ khi sắp chết thầm có những lời di chúc, làm sao nói người này lừa gạt chúng sanh, thành tội đại vọng ngữ?

Như vậy trong mọi trường hợp mọi hoàn cảnh, các vị Bồ-tát, A-la-hán có thể thị hiện làm hạnh đồng sự, tức cùng làm chung một công việc với đủ hạng người mà không bị nhiễm, cốt làm sao thức tỉnh cho mọi người biết có Phật thừa để phát tâm tu hành đạt được chánh định. Những người đó làm như vậy mà không bao giờ tự xưng mình là Bồ-tát là A-la-hán, tiết lộ mật nhân, tức để lộ nhân duyên Phật thầm giao phó, nói với những người chưa học. Chỉ khi nào sắp chết mới để lại một vài câu gì đó cho người đời biết.

Vậy nên trên đời này, có ai xưng Bồ-tát hoặc xưng này nọ thì chúng ta biết thuộc loại gì rồi. Bồ-tát thật thì khi vừa bị khám phá là đi liền chứ không ở lại. Trong sử có câu chuyện Hàn Sơn và Thập Đắc. Ngài Hàn Sơn từ trong núi lạnh Thiên Thai chạy ra, xin ở chùa Quốc Thanh. Vì không rõ tên ngài nên người ta gọi là Hàn Sơn (núi lạnh). Sa-môn Phong Can ở chùa Quốc Thanh, nhân đi qua Xích Thành gặp một đứa bé bị bỏ rơi, ngài đem về và đặt tên là Thập Đắc (Thập là lượm, Đắc là được).

Chùa Quốc Thanh thời đó rất thịnh, có cả trăm chúng. Hàn Sơn Thập Đắc rất thân nhau, thường ngày hai vị tỏ ra khờ khờ khạo khạo giống như kẻ điên khùng không ra gì. Đến bữa ăn, hai vị tự xưng xuống bếp kiếm cơm thừa canh cặn. Hôm nào không có thì lượm cơm rơi rớt ở sàn nước mà rửa ăn, khiến ai cũng khinh thị, cho là hai ngài bị điên. Suốt mấy năm trời như vậy. Thỉnh thoảng hai ngài nói hoặc làm thơ rất hay, ý nghĩa hợp đạo lý mà cũng không ai biết.

Trong chùa có thờ thần hộ trì già-lam, hàng ngày cúng thức ăn đều bị chim ăn hết. Thập Đắc dùng gậy đánh tượng thần, nói: "Đồ ăn của ông, ông còn không giữ được thì làm sao giữ được già-lam?" Đêm đó thần báo mộng cho tăng chúng cả chùa biết: "Thập Đắc đánh tôi." Đến sáng, chúng tăng kể lại mộng đều giống như nhau. Bèn đến xem tượng thần thấy có chỗ bị bể, ai nấy đều hoang mang.

Sau đó ngài Phong Can tịch, theo giả thuyết thì cho ngài là Di-lặc thường cỡi cọp đi đây đó, có chỗ nói là Di-đà. Thứ sử Lư Khâu Dận bị bệnh nan y, các thầy thuốc đều bó tay. Một hôm ông ngủ nằm mộng thấy ngài Phong can cho ông bài thuốc và dặn sau khi lành bệnh nên vô chùa Quốc Thanh đảnh lễ hai vị Bồ-tát Văn-thù Phổ Hiền, hiện là Hàn Sơn và Thập Đắc. Thức dậy, ông theo lời ngài Phong Can chỉ dẫn, uống thuốc liền hết bệnh.

Sau khi hết bệnh ông đến chùa, được thầy trụ trì tiếp rước đàng hoàng. Ông nài nỉ cho gặp hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc. Thầy trụ trì không muốn cho Thứ sử gặp gai gã điên này, nhưng ông cứ nài nỉ nhất định phải cho gặp. Túng quá, thầy trụ trì cho người xuống nhà sau kêu hai vị ra. Gặp hai ngài, Lư Khâu Dận liền quỳ lạy. Hai vị nói: "Phong Can lắm lời, Di-đà đó mà chẳng biết, đến lạy ta làm gì!" Hai vị nắm tay nhau cười vang, chạy ra khỏi chùa, sau không ai biết tịch ở đâu.

Như vậy, khi mật nhân bị bày lộ các ngài liền đi. Bồ-tát ở với mình, mình không biết, tới chừng biết thì đã đi mất. Do đó chúng ta phải có tâm kính những người chung quanh như Bồ-tát, để lỡ khinh Bồ-tát thì có tội. Các vị Bồ-tát đôi khi giả những hạnh làm cho người ta khinh, đó là do không muốn bày mật nhân. Vậy mình cứ cung kính mọi người để giữ phần chắc, chứ đừng để sau hối hận không kịp.

Như chuyện ngài Hàn Sơn và Thập Đắc, nếp sống các ngài như vậy là để cảnh tỉnh chư tăng đừng phung phí của Tam bảo, nên các ngài ăn mót cơm rồi cơm đổ. Đến lúc biết rồi chúng tăng mới giật mình hối hận, sống với Bồ-tát bao nhiêu năm mà không biết, tưởng đâu là kẻ tầm thường không ra gì. Nên nói chỉ trừ khi sắp chết thầm có những lời di chúc. Như Hòa thượng Bố Đại khi sắp tịch để lại một bài kệ:

Di-lặc chân Di-lặc

Hoá thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhân

Thời nhân thường bất thức.

Dịch:

Di-lặc thật Di-lặc

Hóa thân trăm ngàn ức

Thường thường dạy người đời

Người đời lại chẳng biết.

Nói kệ xong ngài an nhiên thị tịch. Người đương thời cho ngài là hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Hồi còn sống thì không ai biết, đọc bài kệ mới biết là Di-lặc. Đó là chỗ đặc biệt của các ngài.

Tuy nhiên, nếu ai tự xưng là Bồ-tát thì chúng ta nên bái họ rồi lui đi, vì coi chừng đó là giả hiệu. Cho nên người xưng Bồ-tát thì mình tránh, còn những người không xưng Bồ-tát mà có tật này tật kia thì phải dè dặt, biết đâu là Bồ-tát thật, đừng vội khinh thường, chừng biết thì Bồ-tát đã đi mất, hối hận không kịp.

Ông dạy người đời tu chánh định, về sau lại đoạn trừ các đại vọng ngữ. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng, thanh tịnh, quyết định thứ tư của Như Lai, Phật Thế Tôn trước. Thế nên A-nan, nếu không đoạn đại vọng ngữ kia thì như kẻ lấy phân người làm hình chiên-đàn, mong muốn có mùi thơm, điều đó không bao giờ được.

Lấy phân người phơi khô rồi nhồi nặn thành hình cây chiên-đàn, để mong được mùi thơm thì chẳng bao giờ được. Cũng như mình là phàm phu mà tự xưng là Bồ-tát, A-la-hán... mong cho người ta cúng dường cung kính, điều đó là ngu si.

Ta dạy các thầy Tỳ-kheo tâm ngay thẳng là đạo tràng. Nơi bốn oai nghi, trong tất cả hạnh còn không được giả dối, thì làm sao tự xưng đã được pháp thượng nhân?

Thế nào là bốn oai nghi giả dối? Ví dụ khi không có ai thì vừa đi vừa nhảy nhót, vừa thấy khác quý liền đi nghiêm chỉnh, ra vẻ đạo đức lắm vậy. Đó là những oai nghi giả dối. Hoặc khi không có ai thì thổi sáo ca hát, có Phật tử tới thì lấy kinh ra đọc nghiêm chỉnh. Đó là những việc giả dối để cho người khác lầm tưởng mình tu nhiều.

Ví như người nghèo khó mà dối xưng mình là đế vương, tự chuốc tội tru diệt, huống là Pháp vương, vì sao mà dám dối xưng? Nhân không chân chánh thì phải chuốc lấy quả cong vạy. Những người đó mà cầu Bồ-đề của Phật thì giống như người muốn cắn rốn mình, làm sao mà thành tựu! Nếu các Tỳ-kheo tâm như sợi dây đàn thẳng, tất cả đều chân thật vào chánh định, hằng không có các ma sự. Ta ấn chứng cho người này sẽ thành tựu tri giác Vô thượng của Bồ-tát. Như lời ta nói gọi là Phật nói, không như lời này tức là ma Ba-tuần nói.

Người tu hành tâm phải thẳng như dây đàn, tất cả đều chân thật: nói chân thật, làm chân thật, không lừa dối ai. Tuy nói chân thật có những trường hợp không tốt cho mình nhưng vẫn nói thật. Người chân thật tu về chánh định được an ổn, không bị trục trặc do những ma sự. Người gặp nhiều ma sự là do trước tạo những nghiệp không ngay thẳng, không chân thật nên bây giờ mới bị các chướng đó. Bởi vậy cùng tu mà có người rất thuận duyên, êm xuôi không trở ngại gì, lại có người tu nay bị chướng này mai tật nọ, ba hồi đau bốn hồi sợ, đủ thứ bệnh tật là tại sao? Tại tâm không thẳng như dây đàn nên mới bị ma sự rối rắm. Đó là vì nhân không chánh nên khi tu có những việc điên đảo xảy đến. Như vậy, tu hành phải ngay thẳng đừng cong vạy. Nhiều khi hình thức là người tu mà tâm không chân thật, điều này có xảy ra trong hiện tại. Vậy nên người tu phải vì đạo Bồ-đề chứ không vì lợi dưỡng quanh co.

Trong năm giới, ở đây Phật chỉ nói bốn giới: dâm, sát, trộm và đại vọng ngữ. Không chỉ giới ở thân mà luôn cả giới tâm, nghĩa là muốn được hoàn toàn thanh tịnh thì chẳng những thân không phạm lỗi mà tâm cũng phải thanh tịnh. Được như vậy thân tâm đều thanh tịnh, người đó tu hành không bị chướng. Trái lại trong bốn giới này, người nào chưa được thanh tịnh thì tu có nhiều chướng, vì nghiệp chưa trong sạch, ma chướng sẽ hiện ra.

Như vậy, trên đường tu muốn được đến nơi đến chốn thì giới luật là đầu. Đây không nói những giới chi tiết mà là giới căn bản. Bốn giới này gọi là giới tánh sẵn ở mọi người, có mặt mình là có nó rồi. Vậy nên bốn điều này rất sâu đậm, thấm trong xương trong máu thịt mỗi người, loại ra rất khó. Vì vậy Phật dạy phải tập bốn điều này cho thanh tịnh thì sự tu hành mới chóng được giải thoát, không có gì khó khăn.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89098
  • Online: 42