Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt)

03/01/2022 | Lượt xem: 2153

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

III. CÁC CÕI TRỜI

1. Dục giới

 

Đây là các cõi trời Dục giới, những người cư sĩ biết tu thiền, đối với ái dục ngày một bớt lần, công phu tu cao lên thì sẽ sanh vào các cõi trời.

Này A-nan, những người ở thế gian không cầu thường trụ, chưa thể xả bỏ ân ái thê thiếp, nhưng tâm không buông lung trong tà dâm. Do lóng tâm được trong lặng thì phát sanh sáng suốt, sau khi mạng chung họ gần với mặt trời mặt trăng. Một loại như thế gọi là Tứ thiên vương thiên.

Những người này không cầu được mãi mãi an trụ Niết-bàn, cũng chưa có thể xả bỏ ân ái thế tục, họ vẫn có gia đình, nhưng không phạm lỗi tà dâm. Nhờ biết tu thiền định, tâm họ được trong sáng nên khi chết sanh ở cõi trời Tứ thiên vương.

Đối với vợ mình, dâm ái giảm bớt, trong lúc ở yên chưa được toàn vị, sau khi mạng chung vượt quá ánh sáng mặt trời mặt trăng, ở trên đảnh nhân gian. Một loại như thế gọi là Đao-lợi thiên.

Những người này có gia đình, tuy chưa được hoàn toàn trong sạch nhưng đối với ái dục đã mỏng bớt thì chết rồi được sanh Đao-lợi thiên.

Gặp dục thì tạm theo, qua rồi không nghĩ nhớ, ở trong nhân gian động ít tịnh nhiều, sau khi mạng chung sáng rỡ an trụ ở trong hư không, ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu đến được, những người ấy tự có ánh sáng. Một loại như thế gọi là Tu-diệm-ma thiên.

Những người này đối với dâm dục nhẹ mỏng, chỉ còn một ít, lại biết tu tịnh nên được sanh cõi trời Tu-diệm-ma.

Tất cả thời đều yên tĩnh, nhưng khi có sự xúc chạm đến thì chưa thể chống lại, sau khi mạng chung sẽ lên trên chỗ tinh vi, không tiếp xúc với các cảnh trời người cõi dưới, cho đến khi kiếp hoại, tam tai cũng không đến được. Một loại như thế gọi là Đâu-suất-đà thiên.

Khi một đại kiếp sắp hết sẽ lần lượt có ba tai nạn lớn nhiễu hại từ cõi người đến cõi Tam thiền: nạn nước, nạn lửa và nạn gió bão. Người ở thế gian nếu biết tu cũng có thể sanh lên cõi trời Đâu-suất-đà, không có ba nạn này.

Mình không có tâm dục, đáp ứng với người khác mà làm, lúc bày ra những việc ấy, vị như là nhai sáp, sau khi mạng chung vượt lên sanh vào cõi biến hóa. Một loại như thế gọi là Lạc biến hóa thiên.

Không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm việc dục, lúc làm việc ấy rõ ràng là vượt lên trên, sau khi mạng chung đều hay ra khỏi cảnh giới biến hóa và không biến hóa. Một loại như thế gọi là Than hóa tự tại thiên.

Này A-nan, sáu cõi trời như thế, hình thức tuy ra khỏi động mà dấu tâm còn dính mắc. Từ đây trở lại trước gọi là Dục giới.

Trong kinh Lăng-nghiêm này nói sáu đường luân hồi của chúng sanh là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân, tiên và thiên. Không thấy kể a-tu-la. Có lẽ chữ tiên này gần với Trung Hoa hơn. Người ta thường nói "tu tiên", ít ai nói tu theo hạnh a-tu-la.

Tiên cũng chưa hết thất tình lục đục. Vì vậy khi có ai chọc tức, mấy ông tiên cũng xuống núi. Xem truyện thấy học trò của tiên đánh nhau rồi về mách với thầy, thầy cũng xuống trần bênh học trò. Như vậy là họ chưa thật giải thoát, chỉ do công phu tu luyện lâu năm nên củng cố thân hình bền bỉ, sống lâu. So sánh thì đâu bằng các thiền sư. Thiền sư không cần củng cố gì, nhưng cũng có thể để lại nhục thân mấy ngàn năm không hoại, còn thân một vị tiên ngày nay cũng không thấy có. Do đây mới thấy pháp Phật quá vi diệu, ngoài chuyện giải thoát còn có những thứ rất siêu thoát, không thuộc công phu luyện tập thường tình nữa.

Đoạn trên, ngài A-nan thưa hỏi Phật: Tất cả chúng sanh đều từ nơi chân như, chư Phật cũng trở về chân như, tại sao chân như đó lại sanh ra lục đạo chúng sanh? Lục đạo chúng sanh phát sanh ra đó, là tự sẵn có hay do chúng sanh tạo nghiệp rồi mới có? Đến đây, chúng ta mới thấy rõ ý Phật trả lời: Gốc ban đầu là bản thể diệu minh chân tâm, trong đó không có lục đạo luân hồi. Nhưng hiện nay thấy có lục đạo luân hồi là do vọng nghiệp của chúng sanh mới có?

Phật trả lời: Cảnh địa ngục không có sẵn, không cố định, nhưng do vọng tưởng người đời tạo thành nghiệp rồi đi theo nghiệp. Nếu nhiều người cùng tạo một nghiệp giống nhau thì sẽ có cảnh để cho họ cùng chịu trả nghiệp, gọi là đồng phần. Vậy cảnh địa ngục không phải từ trên trời xuống, không phải từ dưới đất lên, không phải người tạo mà chính vì mỗi người tạo nghiệp riêng, cộng những cái riêng thành chung nên có địa ngục. Giống như thế gian nếu có nhiều người trộm cắp thì sẽ có khám nhốt họ vì tội ấy. Nhiều người làm chính trị phạm tội thì có khám để nhốt những người phạm tội chính trị…

Những cảnh địa ngục nghe rởn gáy đó từ đâu mà ra? ai bày sẵn cho mình? Chính mình, nhưng mình là cái gì? Là những vọng tưởng điên đảo. Do vọng tưởng điên đảo mà tạo thành nghiệp. Đây là mấu chốt tạo nên các đường khổ. Giờ đây biết tu, chúng ta chặn ngay vọng tưởng điên đảo, chặn mấu chốt đó thì mọi đường khổ dứt.

Tu là nhắm thẳng động cơ chủ yếu mà dừng. Có bao giờ chửi nhau đánh nhau mà không do giận. Vậy giận là mấu chốt ban đầu. Khi chúng ta dừng được cơn giận thì đâu còn xảy ra chuyện đánh chửi, làm gì có nghiệp ở tù. Như vậy động cơ chủ yếu mà chặn được ngay từ ban đầu, thì mọi khổ đau dài lê thê không bao giờ có. Tuy nhiên, người thế gian có biết chặn không? Họ cứ thả cho vọng tưởng điên đảo chạy, rồi nó kéo đi đủ các đường, nếm đủ mùi. Nếu ai muốn nếm đủ mùi thì cứ thả nó chạy. Ai sợ không muốn đi trong các đường dữ đó thì dừng lại.

Tu tức là dừng lại, đừng cho vọng chạy nữa. Nếu dừng lại được thì trở về tâm tánh sáng suốt, còn không dừng lại thì đi trong lục đạo luân hồi, khổ vô kể. Hai đường đó chúng ta chọn đường nào? Có ai dại gì mà chọn đường lăn lộn khổ sở, cho nên mình phải biết dừng ngay. Nay học kinh, Phật chỉ cho biết rồi mà không sợ, không dừng thì thật dạy chứ không phải dại thường, nên Phật nói: "Đáng thương! Đáng thương!" Như người không biết cắm đầu tạo nghiệp chịu khổ, đáng thương, còn chúng ta biết rồi mà không chịu dừng thì thật đáng thương, đáng thương!

2. Sắc giới

Này A-nan, ở thế gian, tất cả những người tu tâm không nhờ thiền định thì không có trí tuệ.

Phật xác nhận những người tu tâm, nếu không nhờ thiền định thì không thể nào phát khởi trí tuệ được. Rõ ràng như vậy, trong ba vô lậu học giới định tuệ, có định mới có tuệ, không định thì không thể nào phát tuệ được.

Người chỉ hay gìn giữ thân không làm việc dâm dục, hoặc đi hoặc ngồi đều không tưởng niệm, không sanh ái nhiễm, thì không còn lưu lại ở cõi Dục. Người ấy liền đó thân làm Phạm lữ. Một loại như thế gọi là Phạm chúng thiên.

Phạm lữ là những người cùng chung ở, cùng là bạn bè trong cõi Phạm thiên. Phạm chúng thiên là dân chúng ở cõi Phạm thiên. Những người đã dứt tâm ái nhiễm tham dục thế gian thì không còn lưu lại Dục giới. Sau khi chết họ sanh vào làm chúng cõi Phạm thiên.

Tập khí cõi Dục đã trừ, tâm lìa dục hiện tiền, vui thích tùy thuận theo luật nghi. Người ấy liền đó hay thực hành đức trong sạch. Một loại người như thế gọi là Phạm phụ thiên.

Phạm phụ là các vị quan giúp đỡ cho vua cõi Phạm thiên. Những người tập khí của Dục giới đã trừ sạch, ưa thích gìn giữ luật nghi, sau khi chết sanh làm các vị quan ở cõi Phạm thiên.

Thân tâm nhiệm mầu tròn đủ, oai nghi không thiếu, giới cấm thanh tịnh, lại thêm tỏ ngộ. Người đó liền hay thống nhiếp chúng cõi Phạm thiên, làm vị Đại Phạm vương. Một loại như thế gọi là Đại Phạm thiên.

A-nan, ba hạng thù thắng này, tất cả khổ não không thể bức bách. Tuy chẳng phải chân chánh tu thiền định, nhưng trong tâm thanh tịnh, các lậu không làm lay động, gọi là Sơ thiền.

Chứng Sơ thiền thì tâm lìa dục, đối với ngũ dục thế gian không còn nhiễm nữa, đối với các luật nghi đều ưa thích tùy thuận, tâm cũng có một phần sáng suốt. Những người này không còn nhân sanh vào cõi Dục, khi chết được sanh lên các cõi trời Đại Phạm. Vì vậy Sơ thiền gọi là Ly sanh hỷ lạc, tức là xa lìa các dục nhiễm của thế gian mà sanh vui thích.

Người ấy nhờ tu thiền định mà chứng được Sơ thiền, nếu ngang đó không chịu tiến theo con đường giải thoát thì sau khi chết sẽ sanh làm ba hạng người ở cõi Phạm thiên: bậc thấp thì sanh làm chúng dân, bậc khá thì sanh làm quan, bậc cao hơn thì sanh làm vua cõi Phạm thiên.

A-nan, kế đến là hàng Phạm thiên thống nhiếp Phạm chúng, phạm hạnh tròn đầy, tâm lóng lặng không động, do trong lặng sanh ra ánh sáng. Một loại như thế gọi là Thiểu quang thiên.

Hào quang chiếu sáng nhau rọi sáng không cùng tận, ánh ra thế giới mười phương đều thành lưu ly. Một loại như thế gọi là Vô lượng quang thiên.

Vô lượng quang thiên tức là những vị trời ánh sáng vô lượng. Những vị này tự mình có ánh sáng chứ không nhờ ánh sáng của mặt trời.

Như vậy theo cái nhìn của nhà Phật, trong hư không có vô số hành tinh, có cõi nhỏ hơn, có cõi lớn hơn trái đất. Những hành tinh nào ở gần trái đất thì thấy ngôi sao đó sáng. Cũng có những hành tinh quá xa trái đất nhưng năng lực phát quang của bản thân và những người sống trên hành tinh đó, tự thân họ phát ra ánh sáng. Người tu ít thì ánh sáng ít, tu nhiều ánh sáng nhiều. Ánh sáng đó tự làm sáng cả cõi nước của họ, không nhờ mặt trời.

Thu hút gìn giữ ánh sáng tròn đầy, thành tựu giáo thể, phát ra sự giáo hóa được thanh tịnh, ứng dụng không cùng tận. Một loại như thế gọi là Quang âm thiên.

Đặc biệt, những vị trời này do ánh sáng phát ra làm phương tiện giáo hóa cho mọi người được thanh tịnh. Ánh sáng chiếu tới ai thì người đó tự thức tỉnh, giống như ở cõi nhân gian, khi nghe giảng kinh pháp, người nghe được thức tỉnh cho nên nói thành tựu giáo thể.

Này A-nan, ba hạng thù thắng này, tất cả lo buồn không thể bức bách được. Tuy chẳng phải chân chánh tu thiền định nhưng trong tâm thanh tịnh, những thô lậu đã hàng phục, gọi đó là Nhị thiền.

Những người đạt trạng thái của Nhị thiền Định sanh hỷ lạc, thì tâm lóng lặng không động, từ định phát ra ánh sáng, từ ánh sáng đó phát ra niềm vui an lạc. Những người tu đạt được Nhị thiền, nếu không vượt lên chứng thánh quả, ngang đó chết thì sanh bào Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên và Quang âm thiên.

Này A-nan, những vị trời như thế, ánh sáng tròn đầy thành tựu được âm thanh, dùng âm thanh hiển lộ sự mầu nhiệm, phát thành hạnh tinh vi, thông suốt cái vui lặng lẽ. Một loại như thế gọi là Thiểu tịnh thiên.

Sự thanh tịnh rỗng rang được hiện tiền, dẫn phát không ngằn mé, thân tâm khinh an, thành tựu cái vui lặng lẽ. Một loại như thế gọi là Vô lượng tịnh thiên.

Thân, tâm, thế giới, tất cả đều hoàn toàn trong sạch, đức trong sạch được thành tựu, nương sự thù thắng hiện tiền trở về cái vui tịch diệt. Một loại như thế gọi là Biến tịnh thiên.

A-nan, ba hạng thù thắng này, đầy đủ đại tùy thuận, thân tâm an ổn, được cái vui vô lượng. Tuy chẳng phải chân chánh được thiền định, nhưng trong tâm an ổn, đầy đủ niềm vui, gọi là Tam thiền.

Tam thiền Ly hỷ diệu lạc, là lìa cái vui thô động ở trước, vì còn hỷ là còn thô, trở lại sự tịch diệt bên trong được cái vui thù thắng mầu nhiệm. Nếu ngang đó dừng trụ, không tiến lên được thì sẽ sanh ở ba nơi trong cõi trời Sắc giới: Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên.

A-nan, lại nữa những vị trời thân tâm không còn bị bức bách, nhân khổ đã hết, nhưng cái vui không thường còn, lâu dần cũng tiêu tan. Hai tâm khổ vui đồng thời chóng xả bỏ, các tướng thô trọng đã diệt, phước thanh tịnh được sanh. Một loại như thế gọi là Phước sanh thiên.

Nếu sống lâu ở cõi trời này thì thân cũng hoại, rồi phải sanh ở nơi khác. Phước của những vị này không phải nhờ làm lành được

Tâm buông xả được tròn khắp, thắng giải được thanh tịnh. Trong phước không gì ngăn ngại đó, được sự tùy thuận nhiệm mầu cùng tột mé vị lai. Một loại như thế gọi là Phước ái thiên.

A-nan, từ trong cõi trời này có hai lối tẽ:

- Nếu nơi tâm trước thanh tịnh sáng suốt vô lượng, phước đức tròn sáng, tu chứng rồi dừng trụ, một loại như thế gọi là Quảng quả thiên. 

- Nếu nơi tâm trước đều chán cả khổ và vui, chuyên ròng nghiên cứu tâm xả liên tục không dứt, xả bỏ được tròn đầy cùng tột, thân tâm đều diệt, tâm nghĩ suy lặng như tro tàn, trải qua năm trăm kiếp. Người ấy đã lấy sanh diệt làm nhân, không thể phát minh được tánh không sanh diệt, nên nửa kiếp ban đầu thì diệt, nửa kiếp sau sanh. Một loại như thế gọi là Vô tưởng thiên.

Bậc này có hai hạng: một hạng an trụ chỗ phước đức đầy đủ không tiến nữa, thì sang Quảng quả thiên. Một hạng nữa chán khổ vui, xả hết thân tâm, nhưng còn lấy cái sanh diệt làm nhân, không ngộ được tánh bất sanh bất diệt, nên nửa kiếp ban đầu diệt, nửa kiếp sau sanh gọi là Vô tưởng thiên.

Này A-nan, bốn hạng thù thắng này, tất cả các cảnh khổ vui ở thế gian không thể làm xao động được. Tuy chẳng phải là chỗ bất động chân thật vô vi, nhưng tâm có sở đắc, công dụng được thuần thục, gọi là Tứ thiền.

Tứ thiền còn gọi là Xả niệm thanh tịnh, tức xả hết niệm khổ niệm vui. Vì Tam thiền còn có diệu lạc, tức còn giữ cái vui nhiệm mầu, mà vui là đối với khổ, nên đến Tứ thiền khổ vui đều xả, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Tứ thiền là địa vị người tu hành phải vượt qua mới đến thánh quả. Nếu dừng ngang đây thì sanh cõi trời chứ không được thánh quả.

Cõi trời Tứ thiền gồm có: Phước sanh thiên, Phước ái thiên, Quảng quả thiên, Vô tưởng thiên. Tứ thiền cũng gọi là Phàm phu thiền, dù cho được sanh ở cõi trời, nhưng hưởng hết phước rồi cũng trở lại trong vòng luân hồi chứ chưa thành thánh quả. Chúng ta hiểu thật rõ từng phần, tu được tới đâu mình đều biết. Nếu vượt qua sẽ chứng thánh quả, không vượt qua thì sanh ở cõi nào đều biết rõ không nghi.

A-nan, trong đây lại có Ngũ bất hoàn thiên, đồng thời diệt hết chín phẩm tập khí trong cõi dưới, cả hai khổ vui đều mất, không rơi xuống cõi dưới, cho nên an lập chỗ ở chúng đồng phần của tâm xả.

Ngũ bất hoàn thiên còn có tên Ngũ A-na-hàm thiên. Trong bốn quả thánh, quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn còn bảy phen sanh tử mới được A-la-hán, quả thứ hai là Tư-đà-hàm còn một lần lên cõi trời một lần trở xuống cõi trần gian, quả thứ ba là A-na-hàm còn sanh ở cõi Bất hoàn thiên. Các vị sanh lên đó rồi chứng A-la-hán luôn chứ không trở lại cõi trần, nên gọi là Bất hoàn.

Hạng này tâm buông xả, khổ vui đều hết, không còn rơi lại Dục giới này nữa. Nhiều người tu hạnh như vậy, chứng giống như vậy, gọi là chúng đồng phần, nên có lập ra một chỗ ở chung. Ngược với cõi đây là cõi khổ. Ví như người ăn trộm, hoặc trộm tiền bạc hoặc trộm quần áo, năm bảy chục thứ khác nhau, nhưng nếu cùng một nghiệp ác thì phải có một chỗ để họ chịu khổ. Ví như người ăn trộm, hoặc trộm tiền hoặc trộm quần áo, năm bảy chục thứ khác nhau, nhưng đều cùng một tội ăn trộm. Nếu có năm bảy trăm người ăn trộm thì nhà nước phải cất khám để nhốt và giáo dục họ. Như vậy từ nghiệp riêng thành quả chung. Khi thành quả chung thì có chỗ nơi để thọ quả chung.

Đó là đi xuống, còn đi lên cũng vậy. Mỗi người tùy theo duyên tạo phước, tùy duyên tu thiền, hoặc chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền hoặc chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả. Trong khi tu hành, nếu đạt được Tam quả, chưa chứng A-la-hán mà chết thì không bị rơi xuống cõi dưới, cũng chưa nhập Niết-bàn, nhiều người như vậy, liền có chỗ ở theo sức tu hành của họ.

Đây cũng còn là nghiệp, nhưng là nghiệp thanh tịnh nên có chỗ ở thanh tịnh. Ví dụ như các vị quan chức ở thế gian, năm bảy chục người cùng có trách nhiệm trong một công sở lớn. Nếu họ không có chỗ ở thì nhà nước phải cất nhà cho nhóm công chức đó ở. Chỗ họ ở tất nhiên đẹp hơn, sáng sủa hơn chỗ mấy người có tội ở.

Như vậy trong cái riêng lại có cái chung. Các vị A-na-hàm chưa được nhập Niết-bàn, cũng không còn duyên xuống cõi trần, nên phải có chỗ ở tương ứng với công phu tu hành, để tu thêm cho đến khi nhập Niết-bàn. Vì vậy gọi là Ngũ bất hoàn thiên.

A-nan, hai thứ khổ vui hết, không còn tâm đấu tranh, một hạng như thế gọi là Vô phiền thiên.

Buông xả độc hành, không chỗ nghiền ngẫm giao tiếp, một hạng như thế gọi là Vô nhiệt thiên.

Cơ quát độc hành, cơ là cái máy hay cái mỏ, quát là mũi tên. Nỏ và tên đi riêng nghĩa là không còn các đối đãi. Nghiên giao vô địa là không còn chỗ để nghiên cứu, giao tiếp. Hạng người này vì đã dứt được những giao tiếp đối đãi, đã buông xả cả khổ lẫn vui, không còn gì để bực bội nóng nảy nữa, nên gọi là Vô nhiệt thiên. Chúng ta sở dĩ nóng nảy bực bội là vì bị cái này cái kia ràng buộc, không được tự do nên sanh phiền não.

Khéo thấy cả thế giới mười phương đều tròn lặng, lại không có các trần cảnh, tất cả cấu nhiễm chìm đắm đều lắng sạch, một loại như thế gọi là Thiện kiến thiên.

Cái thấy tinh ba được hiện tiền, gạn lộc không còn chướng ngại, một loại như thế gọi là Thiện hiện thiên.

Thiện kiến tức là khéo thấy cả thế giới mười phương đều tròn đầy lặng lẽ.

Thiện hiện là cái thấy tinh ba khéo hiện ra.

Xem xét rốt ráo các cơ, cùng tột tánh của sắc, vào mé vô biên, một loại như thế gọi là Sắc cứu cánh thiên.

Vào mé vô biên là vào chỗ không còn ngằn mé nữa. Tới đây đã tột cùng cõi trời Sắc, sắp bước qua Vô sắc, nên gọi là Sắc cứu cánh thiên.

Này A-nan, cõi Bất hoàn thiên này, Tứ vị thiên vương Tứ thiền kia chỉ có kính nghe tên nhưng không thể thấy biết. Như hiện nay ở thế gian những nơi đồng trống hoặc núi sâu, chỗ đạo tràng của các bậc thánh, đều có những vị A-la-hán trụ trì, nhưng những người thô thiển ở thế gian không thể nào thấy được.

Từ cõi Bất hoàn thiên cho tới Tứ vị thiên vương Tứ thiền thiên, chúng ta chỉ có nghe tên chứ không thể thấy được hình ảnh của các vị. Tại sao? Ví dụ như nơi những đạo tràng giảng kinh thuyết pháp, có khi các vị A-la-hán hiện đến chứng minh mà mình không thấy được, hoặc các ngài tu ở nơi thâm sơn cùng cốc, mình cũng không biết.

Này A-nan, mười tám cõi trời đó ở cõi riêng không giao tiếp, nhưng chưa hết cái lụy hình hài. Từ đây trở lại gọi là Sắc giới.

Mười tám cõi trời đó riêng sống trong cảnh của mình chứ không có giao tiếp với nhau. Những vị đó đều chưa hết cái lụy thân hình, bởi hưởng hết phước rồi còn rơi xuống trần gian để thọ báo trở lại.

Những vị trời Phạm thiên do giữ giới thanh tịnh và chuyên tu thiền định mà được sanh thiên. Chỉ mới lên cõi trời mà còn phải tu như vậy, huống nữa người muốn thoát tam giới làm sao không tu thiền, không giữ tâm thanh tịnh được!

3. Vô sắc giới

Lại nữa A-nan, từ cõi Hữu đảnh này, trong bờ mé của Sắc giới, khoảng đó lại có hai lối tẽ:

- Nếu nơi tâm xả phát minh trí tuệ, ánh sáng trí tuệ tròn đầy thông suốt liền ra khỏi cõi trần thành A-la-hán, vào được Bồ-tát thừa. Một loại như thế gọi là Hồi tâm đại A-la-hán.

Như vậy có hai lối tẽ rõ ràng: Tâm xả thanh tịnh tức là Tứ thiền, rồi phát minh trí tuệ thông suốt, liền ra khỏi các thế giới của trần tục hay là các thế giới ở trong ba cõi, thành A-la-hán hoặc là vào Bồ-tát thừa. Hoặc là được Tứ thiền rồi, tức là tới Sắc cứu cánh thiên, rồi tẽ qua Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ v.v…

Người tu Phật có thể tu Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, nhưng tới Tứ thiền thì không đi qua lối tẽ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ... của Vô sắc giới, mà đi thẳng ngộ được lý Tứ để, trí tuệ sáng suốt, liền chứng A-la-hán hay vào Bồ-tát thừa.

Ngoại đạo thời Phật tại thế cũng tu Tứ thiền nhưng mục đích chỉ lên các cõi trời. Đạo Phật tu Tứ thiền nhưng vượt qua để đến Niết-bàn. Bước đầu cùng dùng pháp tu chung, nhưng mục đích hướng đến mỗi bên khác nhau.

- Nếu ở tâm xả thành tựu sự chán xả, biết thân là chướng ngại, muốn tiêu chướng ngại của thân để vào trong không. Một loại như thế gọi là Không xứ (Không vô biên xứ).

Sau khi qua Sắc rồi, thành tựu được tâm xả, chán cái thân có hình tướng có chướng ngại, mới xả thân ngại đó để vào Không vô biên xứ.

Các chất ngại đã tiêu, không còn ngại cũng không còn diệt, trong kia chỉ lưu lại thức a-lại-da, toàn thức mạt-na chỉ còn nửa phần vi tế. Một loại như thế gọi là Thức xứ (Thức vô biên xứ).

Không còn chất ngại không còn diệt, thức a-lại-da còn đủ, thức mạt-na phần thô đã hết chỉ còn phân nửa thức vi tế.

Sắc và Không đã hết, thức tâm đều diệt, mười phương lặng lẽ không còn qua lại. Một loại như thế gọi là Vô sở hữu xứ.

Không còn thức, không còn tâm, cũng không còn qua lại gì hết, nên gọi là Vô sở hữu xứ.

Thức tánh không động, do nghiên cứu diệt đến cùng tột, trong chỗ không tận phát ra tánh tận, như là còn mà chẳng còn, như là hết mà chẳng hết. Một loại như thế gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Trong chỗ đó dường như hết mà không phải hết, nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi tưởng tức không còn tưởng, mà phi phi tưởng tức còn có tưởng, nghĩa là không có tưởng thô mà còn tưởng tế.

Những vị này quán cùng tột không mà chẳng tột được lý không, từ Bất hoàn thiên thấu tột thánh đạo, một loại như thế gọi là Bất hồi tâm độn A-la-hán.

Những vị A-na-hàm sanh về cõi Bất hoàn thiên tu để đạt được thánh đạo, tức ngộ lý Tứ đế rồi an trụ Niết-bàn thì gọi là độn A-la-hán và Bất hồi tâm độn A-la-hán. Chỗ này phân tích cho chúng ta biết những con đường tẽ thế nào, tới đâu thì tẽ lối.

Nếu từ các cõi trời Vô tưởng của ngoại đạo, cùng tột không mà không biết quay lại, mê lầm không nghe chánh pháp, liền vào đường luân chuyển.

Này A-nan, mỗi mỗi người ở trên các cõi trời đều là phàm phu, phải đền trả nghiệp quả, khi trả hết thì vào trong luân hồi.

Những ngoại đạo ở cõi trời Tứ không: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu không được gặp đạo, không nghe lý đạo, không biết tỉnh giác quay lại, thì khi hưởng hết phước báo sẽ trở lại trong luân hồi. Đó là những người thuộc về phàm phu. Bởi vậy những loại thiền này gọi là Phàm phu thiền.

Những vị vua trong các cõi trời đó là những vị Bồ-tát dạo đi trong chánh định, lần lượt tăng tiến, hồi hướng về con đường tu hành trong dòng thánh.

Như vậy những người sanh làm dân ở các cõi trời là do công họ tu, còn những vị vua ở các cõi đó phần nhiều là Bồ-tát. Các ngài sanh ở cõi trời để giáo hóa chư thiên, đồng thời tu hành để tiến lên thánh đạo. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, đức Phật sau khi thành đạo liền lên các cõi trời thuyết pháp, ban đầu là cõi trời Đao-lợi, rồi tới các cõi trời khác, nói đủ các pháp từ Thập trụ tới Thập địa cho những vị Bồ-tát ở các cõi đó. Vì những vị Bồ-tát không phải ngộ đạo rồi là viên mãn công quả thành Phật, mà còn phải hành đạo bằng cách lợi tha trong cảnh khổ cũng như cảnh vui.

Những người ở trong cảnh vui đáng thương hay đáng ghét? Những người ở trong cảnh khổ đáng thương hay đáng ghét? Chúng ta thường thương người khổ mà ghét người vui. Thấy ai khổ thì nói người đó đáng thương, còn thấy ai có tiền bạc, thảnh thơi, mình có vẻ không ưa. Vậy là tâm mình còn nông cạn, khác với tâm Bồ-tát.

Người dân quê nghèo đói là kẻ mê, còn ông quan tiền bạc sung túc, ăn ở sang trọng mà có tỉnh chưa? Cũng mê. Như vậy người nghèo mê nên chúng ta thương thì người sang cả mê mình cũng thương. Đó là thương cái mê chứ không phải thương sự sung sướng hay cực khổ. Vì sướng hay khổ chỉ một thời gian thôi, còn cái mê trầm luân mới là đáng thương, cần phải làm cho họ tỉnh giác. Vì vậy Bồ-tát có khi lăn lộn trong cảnh khổ giáo hóa chúng sanh, có khi lên cõi trời giáo hóa chúng sanh.

Này A-nan, chư thiên ở cõi Tứ không ấy, thân tâm diệt hết, tánh định được hiện tiền, không có nghiệp quả của cõi Sắc. Từ đây đến cuối gọi là Vô sắc giới. 

Phần trên nói rõ về các cõi trời Tứ thiền. Các pháp tu đó trong đạo Phật cũng có, nhưng Tứ không thì ít dùng. Ngày xưa đức Phật đã tu qua những pháp này, khi sắp nhập Niết-bàn, ngài thuận nghịch trải qua các lớp định rồi mới nhập Niết-bàn. Tất cả các loại định đó, đức Phật đều đi qua nhưng không mắc kẹt, còn người tu tới Tứ không mà mắc kẹt chỗ đó, dù công phu tu rất đáng kể nhưng sau hưởng hết phước quả lại phải trầm luân.

Đây đều do không rõ Diệu giác minh tâm, tích chứa vọng mà phát sanh, giả dối có ba cõi. Ở trong đó dối theo bảy nẻo mà chìm đắm, nên bào thai tùy theo mỗi loại mà ra đời.

Kết luận này hết sức rõ ràng. Phật nói: sở dĩ sanh trong các cõi trời, là vì những người đó chưa tỏ ngộ được Diệu giác minh tâm, chứa nhóm các vọng hư dối, tức dùng tưởng để ứng dụng tu, nên phát sanh kết quả vậy. Như thế ba cõi là không thật, do vọng mà có, theo vọng chìm đắm trong bảy đường. Các kinh khác chỉ nói sáu nẻo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a-tu-la, trời; ở đây có thêm tiên. Bảy đường đó là do chúng sanh hư dối tạo nghiệp rồi theo từng loại mà sanh ra.

Điều này hết sức rõ ràng. Như những đứa bé sanh ra ở thế gian, cùng một lứa tuổi mà mỗi đứa bé sanh ra ở thế gian, cùng một lứa tuổi mà mỗi đứa thích mỗi nghề, sở thích khác nhau. Có đứa thích du đãng, bụi đời, có đứa thích đức hạnh, muốn đi tu... Do đó lớn lên mỗi đứa tạo nghiệp khác nhau, rồi sẽ sống chung với những người theo nghiệp của nó, nên có những chỗ khác nhau. Sở thích đó là gì? Cũng là vọng tâm ưa cái này thích cái kia. Vọng tâm thúc đẩy chúng sanh tạo nghiệp của nó, nên có những chỗ khác nhau. Sở thích đó là gì? Cũng là vọng tâm ưa cái này thích cái kia. Vọng tâm thúc đẩy chúng sanh tạo nghiệp, thành nghiệp rồi thì đi tới chỗ chịu quả, không có ai bắt buộc.

Các loài khác nhau là tùy theo chỗ tạo nghiệp của mỗi người, mà nghiệp đó là từ vọng tưởng của mình phát ra chứ không do ai tạo.

IV. BỐN LOẠI A-TU-LA

Lại nữa A-nan, trong tam giới này lại có bốn loài a-tu-la: Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chánh pháp, được thần thông mà vào hư không, loại a-tu-la này từ trứng sanh ra, nhiếp thuộc về loài quỷ.

Loài a-tu-la này có thần thông, chúng ta gọi là các vị thần ủng hộ chùa chiền già-lam, ủng hộ những đàn tràn thuyết pháp, cũng thuộc về loài quỷ.

Nếu ở trong cõi trời mà đức đã giảm, bị rơi xuống chỗ ở gần với mặt trời mặt trăng, những loài a-tu-la này từ bào thai sanh ra, nhiếp thuộc về loài người.

Có vua a-tu-la nắm giữ thế giới, sức mạnh đến không hề sợ ai, hay cùng Phạm vương, Thiên Đế-thích, Tứ thiên vương tranh quyền với nhau. Loại a-tu-la này nhân biến hoá mà có, nhiếp thuộc về loài súc sanh.

Loài a-tu-la này chúng ta thường nghe người đời nói đến chuyện "mắc đàng dưới". Đó là do những a-tu-la ban ngày đi dạo chơi, gặp người thì phá khuấy, tối lại trở về dưới biển ngủ, nên nói là đàng dưới.

Đó là đã kể rõ các loài khác nhau. Đến đây kết thúc, Phật nói cho chúng ta rõ tại sao có sáu đường chúng sanh hay bảy nẻo luân hồi, ngẫm cho thật kỹ mới thấy cái hay Phật chỉ ở các phần trước.

Này A-nan, nếu xét kỹ bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên, trời cho đến a-tu-la như thế, đều do mê lầm các tướng hữu vi, từ vọng tưởng mà thọ sanh, vọng tưởng mà theo nghiệp. Đối với bản tâm diệu viên minh vô tác, đều như hoa đốm trong hư không, vốn không dính dáng.

Câu này quá hay! Đức Phật nói tất cả bảy loài đó gốc đều từ mê lầm tướng hữu vi mà ra. Xin hỏi tất cả quý vị có ai không mê lầm tướng hữu vi không? Nhà đẹp, áo đẹp, thân đẹp, cảnh đẹp... đều là tướng hữu vi. Chúng sanh bị chìm đắm trong tướng hữu vi nên mới có bảy loài. Phật nói rất rõ, tất cả đều từ vọng tưởng mà thọ sanh, vọng tưởng mà theo nghiệp, chứ đối với bản tâm tròn sáng nhiệm mầu không tạo tác này, bảy loài chúng sanh đều như hoa đốm trong hư không, không dính dáng gì. Thật là thấu đáo làm sao!

Tôi tạm ví dụ, như người thế gian, có người chiều tan sở đi về nhà, có người dấy niệm đi coi hát, rồi chuẩn bị đi coi hát. Dấy niệm đi coi hát là vọng tưởng, chuẩn bị đi coi hát là theo nghiệp. Có người dấy niệm đến quán nhậu, rồi lấy tiền sửa soạn đến quán. Vậy là từ khởi vọng tưởng, rồi đi theo nghiệp luôn. Lại có người dấy niệm đi chùa, sửa soạn áo tràng đi chùa, hoặc nghe nói có nơi đang tổ chức làm từ thiện, mình liền đến giúp. Đó là vọng tưởng lành nên tạo nghiệp lành. Tất cả đều do dấy vọng tưởng rồi theo nghiệp của vọng tưởng.

Như vậy vọng tưởng là sự sanh khởi đầu tiên, rồi theo nghiệp là bước thứ hai, và kết quả là đến chỗ mình muốn. Tất cả các cõi tướng hữu vi, dù lành hay dữ cũng đều từ vọng tưởng mà ra. Vậy vọng tưởng là trọng tâm để thành nghiệp. Bao nhiêu nghiệp lành dữ xấu tốt đều từ vọng tưởng mà ra, mà vọng tưởng lại không có căn cứ, hoàn toàn hư dối, vậy mới đau khổ! Như khi dấy niệm đi coi hát, thử nhìn lại niệm "muốn đi coi hát" xem nó ra sao. Nhìn lại thì nó mất tiêu, vì niệm tưởng vốn hư dối không thật. Vậy mà chúng ta theo nó để tạo thành nghiệp hư dối.

Vọng tưởng là hư dối, tạo nghiệp là hư dối. Những thứ hư dối ấy, đối với bản tâm chân thật diệu viên minh vô tác có dính dáng gì đâu! Nó chỉ như hoa đốm trong hư không, vậy mà chúng ta cam chịu theo những vọng tưởng đó trôi lăn mãi, còn tánh viên minh nơi mình lại bỏ quên mất. Thế có đau khổ không? Ngang đó có chịu dừng chưa?

Như chiếc xe máy, muốn cho nó chạy thì trước phải nổ máy, rồ ga nó mới chạy. Cái nổ máy đó tướng mạo ra sao? Đâu có tướng mạo gì, chỉ là sức nổ của động cơ (hơi). Từ sức động (hơi động) đó, chiếc xe chạy đường này đường kia tùy theo ý mình. Như vậy trọng tâm làm cho chiếc xe chạy là do máy nổ liên tục, mà máy nổ đó chỉ là hơi chứ đâu có gì thật. Từ cái không thật, biến thành chiếc xe chạy thật.

Cũng vậy, từ vọng tưởng không thật, nếu mình theo nó thì tạo nghiệp thật. Như có người vọng tưởng ra quán uống rượu say túy lúy rồi ụa mửa, thành thật mất! Từ động cơ không thật mà biến thành nghiệp thật, hết sức rõ ràng.

Chúng ta tu phải làm sao đây? Ngay động cơ không thật, dừng lại thì đâu còn chuyện gì nữa. Như vậy trọng tâm sự tu đặt ngay nơi động cơ chính yếu là dừng theo vọng tưởng. Đã không theo vọng thì đâu còn tạo nghiệp, không tạo nghiệp tức không thọ quả. Bao nhiêu vọng tưởng đều dừng lại thì đâu còn chuyện gì nữa. Như vậy trọng tâm sự tu đặt ngay nơi động cơ chính yếu là dừng theo vọng tưởng. Đã không theo vọng thì đâu còn tạo nghiệp, không tạo nghiệp tức không thọ quả. Bao nhiêu vọng tưởng đều dừng lại thì trở về bản tâm diệu viên minh vô tác. Đó là tu. Đó là trọng tâm của đạo lý, đâu thể sai chạy! Rất là đơn giản. Như muốn cho xe đừng chạy thì ta phải tắt máy. Cũng vậy muốn không tạo nghiệp thì cứ ngay vọng tưởng mình dừng lại là xong.

Đây là điều quan trọng mà bấy lây nay người ta coi thường. Nghe nói "biết vọng không theo" thấy thường quá, không có gì mầu nhiệm, không hiểu rằng vọng tưởng chính nó là chủ yếu tạo bao nhiêu nghiệp. Cái chủ yếu đó dừng rồi thì bao nhiêu thứ nghiệp làm sao có, không có nghiệp thì làm gì bị luân hồi. Không theo nghiệp, không còn luân hồi tức trở về bản tâm, rõ ràng như vậy.

Nghiên cứu kỹ trong các kinh điển, chúng ta mới thấy rõ đường lối tu "đừng theo vọng", mới đủ lòng tin để tu, mới thấy đó là trọng tâm. Phật đã nói rõ: từ vọng tưởng mà thọ sanh, vọng tưởng mà theo nghiệp, đối với bản tâm diệu viên minh vô tác đều như hoa đốm trong hư không, vốn không dính dáng.

Chỉ một thứ hư dối, không có gốc rễ manh mối gì.

Vọng tưởng chỉ là hư dối, do theo hư dối đó mà có bảy đường. Nó lăng xăng lộn xộn vậy nhưng chẳng có gốc rễ manh mối gì. Khi vọng tưởng dấy khởi, chúng ta thử tìm lại coi nó ra sao, gốc rễ ở đâu, manh mối chỗ nào? Hoàn toàn không có, Vậy mà theo nó thì tạo thành nghiệp.

A-nan, những chúng sanh đó không biết bản tâm, phải chịu luân hồi như vậy, trải qua vô lượng kiếp không được tánh chân tịnh.

Do không biết bản tâm, chạy theo vọng tưởng nên phải chịu luân hồi vô lượng kiếp, không được chân tịnh. Nay nếu biết được đó là hư dối, trở về bản tâm tức là dừng vòng luân hồi. Điều này hết sức cụ thể. Vậy mới thấy đường lối tu của mình hết sức là thấu đáo, không có chuyện xa vời. Dầu lên cõi trời sung sướng bao nhiêu cũng vẫn trong luân hồi. Chỉ cần biết bản tâm, sống với thể thanh tịnh của bản tâm là đủ. Không dấy niệm chạy theo trần cảnh liền được thanh tịnh, thanh tịnh tức bản tâm hiện tiền. Biết được bản tâm, sống được với cái đó thì không đi trong bảy đường luân hồi.

Đều do tùy thuận sát, đạo, dâm. Nếu ngược lại ba thứ này thì phát sanh không sát không đạo không dâm. Nếu có ba nghiệp này thì gọi là loài quỷ, nếu không có thì gọi là nẻo trời. Bởi  và không lấn nhau mà phát khởi ra vòng luân hồi. Nếu khéo phát huy được chánh định thì thường lặng lẽ nhiệm mầu, cả hai có và không đều không, cái không hai thứ này cũng diệt luôn. Còn không có chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm thì làm sao lại thuận theo việc sát, đạo, dâm?

Ví dụ như khi có những đứa con bất hiếu, hung hăng, chúng ta khuyên: "Các bé nên hiếu thảo với cha mẹ, hiền lành với mọi người." Tại sao khuyên nó như vậy? Vì sợ nó bất hiếu, sợ nó hung hăng. Nếu một ngày nào những đứa bé đó hoàn toàn hiếu thảo, hiền lành thì mình không còn khuyên vậy nữa. Như vậy không còn khuyên là vì đã được rồi. Còn khi khuyên hiếu thảo, hiền lành là lúc đó chưa hoàn toàn được, chúng ta còn nghi nó có thể bất hiếu, còn nghi nó có thể hung hăng nên mới phải khuyên.

Do đó, ở đây nói bởi có và không lấn nhau chon nên đi trong vòng luân hồi. Nếu được chánh định thì thường ở trong tánh lặng lẽ mầu nhiệm. Trong đó hai cái  và không đã hết, cái hết có không cũng chẳng còn. Như vậy còn gì đâu mà nói chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm, huống là còn theo việc sát, đạo, dâm?

Ba cõi đã như hoa đốm giữa hư không thì làm gì có có-không đối đãi mà phát ra ba nghiệp sát đạo dâm. Sở dĩ hiện nay chúng ta khi tỉnh khi mê là do chưa thật nhận được tánh chân như nơi mình. Nếu thật nhận được, thường hằng không lúc nào quên thì ba nghiệp sát đạo dâm không do đâu mà còn.

Này A-nan, không dứt ba nghiệp thì mỗi người đều có nghiệp riêng. Nhân mỗi người có nghiệp riêng, nhiều phần riêng thành đồng phần, chẳng phải không có chỗ nhất định.

Những câu này thật là chí lý! Giả sử có những người phạm tội giết người, bằng cách này hoặc bằng cách khác, bị nhốt chung chỗ của những người phạm tội giết người. Lại có một số người đánh cướp nhà này ăn trộm nhà kia, thành nghiệp trộm cướp, bị bắt cũng có chỗ nhốt riêng. Những người phạm tội hiếp dâm cũng bị nhốt chung. Mỗi người làm một cách riêng, nhân vật khác, nhưng nhiều người đồng phạm tội nào thì phải có chỗ nhốt chung. Như vậy các cõi không cố định nhưng khi đã tạo nghiệp thì nhất định thọ quả. Cái lý về nghiệp này, xem như siêu hình mà lại ứng với thực tế, không phải là việc mơ màng.

Chúng sanh tạo nghiệp rồi chịu luân hồi trong các đường. Như vậy các cõi trong tam giới này, từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cho đến các cõi trời Dục giới Sắc giới v.v... đều không cố định sẵn có, chỉ tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện. Nếu chúng sanh không tạo nghiệp, trở về bản tâm thanh tịnh thì các cõi đó đều không còn nữa.

Do tự hư vọng phát sanh, vọng sanh không có nhân, không thể tìm xét.

Ví dụ mình đang ngồi chơi rất là bình ổn, chợt có người đi ngang nói một câu xúc phạm đến danh dự, lúc đó mình liền nổi sân, rồi muốn đánh muốn chửi họ. Nếu là người bình tĩnh thì nhìn lại xem cái sân này từ đâu ra, nhìn một hồi nó mất tiêu, không có gốc rễ gì cả. Vì vậy nên nói do tự nơi vọng phát sanh, vọng sanh không có nhân. Khi nó lặng rồi, tìm xem nó trú ẩn ở đâu thì rõ ràng là không có chỗ nơi.

Ông nên khuyên người tu hành, muốn được Bồ-đề cần phải trừ ba hoặc sát đạo dâm. Chẳng hết ba hoặc, dù có được thần thông, đều là công dụng hữu vi của thế gian. Nếu không dứt trừ tập khí thì rơi vào đường ma, tuy muốn trừ vọng lại càng thêm hư dối. Như Lai nói những người đó rất đáng thương xót.

Tập khí ba hoặc nếu không diệt, sẽ rơi vào đường ma chứ không thành thánh thần gì. Dù có được thần thông, biết quá khứ vị lai, mà còn sát, đạo, dâm thì chưa giải thoát được. Những người không dứt được ba hoặc mà nói muốn trừ vọng thì chỉ thêm hư dối. Không hiểu được cái gốc này mà tu thì chỉ là việc tạm bợ trên thế gian, rồi cũng rơi trong đường ma chứ không đi tới đâu. Bởi vì mê quá nên Phật nói là kẻ đáng thương.

Đều do ông tự tạo nghiệp hư dối, không phải lỗi của Bồ-đề.

Câu này quá hay! Ông tự dấy niệm rồi theo nó tạo nghiệp, chứ thật Bồ-đề không tạo nghiệp. Tánh giác không có lỗi gì với việc đó. Nếu mình không tạo nghiệp nữa thì nhập Bồ-đề, Bồ-đề không từ chối mình. Chỉ tại mình ham làm chúng sanh quá nên quên làm Phật. Nếu không chịu làm chúng sanh thì trở lại thành Phật, có ai ngăn cản đâu!

Như người đang ngồi một mình nơi vắng vẻ trong vườn hay ngoài đồng ruộng, yên lành không bị ai quấy nhiễu, thật là quý. Nhưng người ấy có chịu đâu, thấy buồn, phải kiếm người nói chuyện cho vui. Nói một hồi thì có vấn đề để suy nghĩ, hoặc người kia có những lời nói xúc phạm mình, hoặc theo người đó chê người này, khen người kia... Vậy rõ ràng là mê làm chúng sanh, ngồi một mình yên ổn, tâm thanh tịnh tốt quá mà không chịu.

Hoặc buổi tối, tới giờ ngồi thiền, nghe đánh kẻng thì xách bồ đoàn đi có vẻ uể oải mệt nhọc. Nhưng nếu nghe nói tối nay có chiếu phim thì không mệt nhọc chút nào, đi sớm vô ngồi trước. Như vậy là mê làm chúng sanh hay mê làm Phật? Chúng ta chịu những thứ giả dối của chúng sanh bày ra, chứ không chịu nghe lý thật đức Phật chỉ.

Tự kiểm lại xem, muốn thành Phật mà ưa chúng sanh, mâu thuẫn lạ đời! Vậy phải dẹp sự mâu thuẫn đó, phải có con đường đi quyết định cho mình. Quyết đi đường Phật thì phải đi thẳng, những gì không liên quan thì gạt qua một bên. Vậy nên tu không phải là chuyện khó, chính vì chỗ nhiễm trước của mình đậm quá nên thành khó. Ai cũng biết phim là giả mà mê vẫn cứ mê, cũng như Phật nói vọng tưởng là giả dối mà mình vẫn cứ theo. Vậy nên không phải biết giả rồi ai ai cũng tỉnh; biết giả rồi cũng vẫn mê theo giả. Điều đó thật là đáng thương, thật là đáng thương, hai ba lần đáng thương. Sao dại khờ quá mức!

Cũng như những đứa trẻ con, có đứa chúng ta chỉ dạy một lần nó đã nghe, có đứa nói mãi không nghe. Như thấy đứa trẻ cầm dao cắt trái cây, chúng ta nhắc: "Cẩn thận! Coi chừng đứt tay!" Nhưng nó vẫn cứ cắt, rồi đứt tay. Theo lẽ thường mình giận nó, nhưng nếu xét kỹ thì thấy nó ngu quá, đáng thương; đã được cảnh cáo mà không nghe, để đứt tay rồi khóc. Cũng vậy, Phật nói tất cả nghiệp là từ vọng tưởng tạo nên, đừng theo nó. Phật cảnh cáo rồi, nhưng chúng sanh vẫn cứ theo vọng tưởng tạo nghiệp thọ khổ, than thở khóc lóc rồi kêu Phật cứu con độ con. Như vậy thật là đáng thương!

Đức Phật đã chỉ rõ ràng, tất cả nghiệp đều từ vọng tự tạo, Bồ-đề không có lỗi gì với việc đó. Chúng ta muốn được Bồ-đề thì đừng theo vọng, không vọng tự nhiên trở về với Bồ-đề.

Người nói lời như thế ấy, gọi là lời nói chân chánh, nếu nói khác đi tức là ma vương nói.

Hiện nay thấy có nhiều người không trừ ba nghiệp, nhưng họ gắng tu được chút thần thông, rồi tự cho là siêu nhân. Những người khác nghe họ nói vậy, do không biết được cội gốc tu hành nên cũng tin.

Nói về gốc của sự tu, tôi sẽ chỉ đơn giản cho dễ nhớ. Giai đoạn một: Phải diệt trừ ba nghiệp gốc sát đạo dâm.

Ba nghiệp này hầu như ai cũng có. Thấy người cầm súng hay ná bắn chim, nếu họ bắn trúng, mình cũng muốn vỗ tay khen. Đi ra bờ sông thấy người bỏ câu, giật được cá mình cũng mừng. Còn bản thân mình, đang ngồi chơi thấy con cóc con nhái nhảy, liền muốn lượm cục sỏi gần đó chọi chơi. Những thói đó đã quen rồi, nên hồi nhỏ gặp cào cào, châu chấu, dế thì bắt cho đá nhau, hoặc ngắt cánh ngắt đầu. Con người sanh ra đã mang bản chất đó. Bởi vậy sát là một nghiệp nặng.

Nghiệp dâm, đạo (trộm cắp) cũng vậy. Thấy đồ của ai tốt thì thích, nếu có tiền thì muốn mua, không tiền mua thì lén lấy. Ăn cắp cũng đủ cách, không phải chỉ ăn cắp bằng cách đưa tay lấy, nhiều khi dùng miệng nói gạt để được cũng là ăn cắp. Sát, đạo, dâm là gốc sẵn có của con người mê muội, phải ráng bỏ nó.

Giai đoạn hai: Vọng tưởng là chủ động tạo nghiệp, cứ thẳng nơi đó dừng thì mọi nghiệp theo đó hết, không có gì khác hơn.

Cho nên chúng ta tu, bên ngoài lấy giới luật giữ thân, bên trong biết vọng tưởng đừng theo là giữ tâm. Đó là nhân để giải thoát sanh tử. Nếu không thực hành như vậy thì khó mà ra khỏi vòng sanh tử.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07029
  • Online: 26