Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - CHƯƠNG V: NGHIỆP QUẢ - CÁC CẢNH GIỚI - CHƯỚNG NẠN (tt2)

06/07/2022 | Lượt xem: 1216

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải
V. KHAI THỊ BẢN NHÂN NĂM ẤM LÀ VỌNG TƯỞNG - GIỚI HẠN PHẠM  VI CÁC ẤM
A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nghe Phật chỉ dạy, đảnh lễ kính vâng ghi nhớ không quên, ở trong đại chúng lại bạch Phật rằng:
- Như Phật đã dạy, trong tướng của năm ấm có năm thứ hư vọng, làm tâm tưởng cội gốc. Chúng con bình thường chưa được nghe Như Lai khai thị tỷ mỷ.

Khi kết thúc mỗi ấm, Phật đều nói bản nhân của nó gốc từ vọng tưởng hư dối mà thành, nhưng đại chúng chưa được nghe Phật giải thích tường tận. Do đó ngài A-nan nghi, nên đặt thành câu hỏi.

Lại năm ấm này là đồng tiêu trừ hay theo thứ lớp mà hết? Năm lớp như thế, đến đâu là giới hạn? Cúi mong Như Lai phát tâm đại từ, vì đại chúng ở đây khiến cho tâm mắt họ được trong sáng, để làm con mắt tương lai cho tất cả chúng sanh đời mạt kiếp.

Phật bảo A-nan:

- Bản giác nhiệm mầu sáng suốt tinh thuần chân thật trong sạch viên mãn, không lưu giữ sanh tử và các trần cấu, cho đến hư không đều nhân nơi vọng tưởng mà sanh khởi. Tánh giác cội gốc ban đầu này vốn là vi diệu sáng suốt tinh thuần chân thật, do vọng mà phát sanh ra khí thế gian.

Tinh chân diệu minh bản giác viên tịnh chỉ cho thủy giác và bản giác. Đứng về mặt thủy giác hay bản giác đều không chứa sanh tử và trần cấu. Đây là câu trả lời tổng quát: Trong bản giác viên tịnh không có sanh tử, trần cấu; do mê lầm bản giác viên tịnh mà sanh khởi muôn sự muôn vật, cho đến hư không cũng do vọng tưởng mà sanh, thế giới cũng từ vọng tưởng mà có.

Thế giới hay thế gian gồm: hữu tình thế gian tức tất cả chúng sanh có tình thức; và khí thế gian là sông núi, đất đai, cõi nước... nơi tất cả chúng sanh cư trú.

Như Diễn-nhã-đạt-đa quên đầu nhận bóng.

Diễn-nhã-đạt-đa quên đầu nhận bóng là từ cái gì mà ra? Từ vọng mà ra. Nghĩa là khi tỉnh thì biết đầu mình là đầu, nhưng lúc mê, thấy bóng cái đầu trong gương liền tưởng là đầu mình, lầm nhận bóng cái đầu trong gương là đầu thật, rồi quên cái đầu thật của mình, sanh ra cuồng loạn. Cũng vậy, chúng sanh mê lầm cứ chạy theo những bóng vọng tưởng cho là thật, quên mất bản giác, phát sanh bao nhiêu phiền não trần lao, nên nói do vọng mà sanh.

Do vọng sanh thì có nhân không?

Vọng vốn không nhân. Ở trong vọng tưởng mà lập ra tánh nhân duyên. Mê lầm nhân duyên thì gọi là tự nhiên. Tánh hư không kia còn thật là huyễn sanh thì nhân duyên, tự nhiên đều do vọng tâm chúng sanh suy tính chấp trước.

Sự cuồng loạn đó không có nhân, chỉ do mê lầm mà vọng sanh. Từ vọng tưởng mà lập ra nhân duyên, rồi khi thấy không phải nhân duyên thì nói là tự nhiên. Như khi chúng ta ngủ mê thấy mộng, trong mộng có đủ thứ người, vật. Trong mộng chúng ta phân tích những người, vật mình thấy đó, cho là do nhân duyên hợp mà có. Tuy vậy, nhân duyên ở trong mộng cũng chỉ là nhân duyên của mộng thôi. Nếu nhân duyên trong mộng hết rồi, bèn cho là tự nhiên. Hễ hết nói nhân duyên thì xoay qua tự nhiên. Nhưng nhân duyên hay tự nhiên cũng đều là của cảnh mộng, thì có gì là thật! Cho nên nói nhân duyên nói tự nhiên chỉ là hý luận, không đến được chỗ cứu cánh.

Tánh hư không kia còn là huyễn sanh, vì hư không cũng do vọng mà phát. Từ hư không cho đến thế giới đều là huyễn sanh, do vọng mà có nên không thật. Vì vậy, nói nhân duyên hay tự nhiên đều là do vọng tưởng chúng sanh so chấp mà ra.

Này A-nan, biết chỗ vọng khởi, nói vọng là nhân duyên. Nếu vọng vốn không, nói nhân duyên vọng vốn không có. Huống là chẳng biết mà suy ra là tự nhiên.

Thấy vọng dấy khởi thì gọi đó là nhân duyên, còn nếu nhân duyên vọng không khởi thì đẩy qua tự nhiên, cứ bị mắc kẹt ở hai bên ấy. Như vậy chỉ là trong mê mà lập ra đối đãi, chứ nhân duyên hay tự nhiên đều không thật.

Thế nên Như Lai vì ông mà phát minh bản nhân của năm ấm đồng là vọng tưởng.

Đó là Phật nói lý do gì mà cả năm ấm đều gốc từ vọng tưởng. Bởi vì thế giới, hư không đều là vọng mà có, thì chúng sanh ở trong thế giới, hoặc chấp nhân duyên hay tự nhiên cũng từ hư vọng mà ra.

Thân ông trước là do tưởng của cha mẹ mà sanh. Tâm ông nếu không có tưởng thì không thể đến trong tưởng mà truyền mạng.

Cha mẹ gặp nhau là từ tưởng và nếu mình không có tưởng thì không đến đó. Như vậy, cha mẹ gặp nhau là do tưởng nên có bào thai, rồi mình cũng do tưởng mà kết tụ vô bào thai. Gọi là thọ sanh hay truyền mạng đều là nhập cái mạng vô bào thai. Vậy cả ba đều gốc từ tưởng, thân này có là từ tưởng mà ra.

Như trước ta đã nói, tâm tưởng về vị chua thì trong miệng chảy nước miếng, tâm tưởng lên chỗ cao thì giữa lòng bàn chân nghe rờn rợn. Dốc núi cheo leo chẳng có, vật chua chưa đến, thân của ông nếu chẳng phải chung một nhóm với hư vọng, thì nước trong miệng vì sao nhân nói chua liền chảy ra?

Đó là một ví dụ chính xác, Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ, nếu thân này không phải là hư vọng thì những thứ tưởng hư vọng đó đâu có liên hệ gì đến nó, nó đâu có động. Nay những vọng tưởng về vị chua hay đứng trên cao thì thân liền động, hẳn nhiên là chung một loại với vọng tưởng.

Thế nên phải biết, sắc thân hiện tại của ông gọi là lớp vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

Phật chỉ cho chúng ta thấy hai chặng:

- Chặng thứ nhất là khi bắt đầu thọ mạng từ ba tưởng: cha, mẹ và mình. Ba tưởng đó từ hư vọng mà có.

- Khi hiện mang thân những thứ tưởng cũng phát sanh: nghe nói chua là chảy nước miếng, nghe nói đi trên núi cao thì rờn rợn bàn chân, hoặc ban đêm đi đường vắng, nhớ lại chỗ đó nghe nói có ma, liền rởn óc... Tất cả những điều ấy chỉ nghe nói hoặc nghĩ đến là mình có cảm giác liền, có hiện tượng phát ra liền. Đó không phải từ tưởng ra thì là gì? Nên nói thân đồng một loại với tưởng.

Hai chặng này quá rõ: chặng ban đầu và chặng hiện hữu. Chặng đầu là từ tưởng, rồi chặng hiện hữu cũng từ tưởng. Như vậy cuộc sống chúng ta đều là từ tưởng.

Ví dụ về việc ăn, ai cũng biết ăn để sống, nhưng nếu bụng chưa đói lắm mà thấy cơm khô canh lạt thì nuốt không trôi. Trái lại, khi bụng đói thì ngon dở gì nuốt cũng được hết. Như vậy, ăn cũng thuộc tưởng. Mình nghĩ món đó không ngon thì ăn thấy không ngon. Như khi có người làm thức ăn cho mình, nếu mình cảm thấy họ làm dơ dáy, ăn có ngon không? Để vô lưỡi nghe ngon, nhưng nếu khởi tưởng dơ thì ăn hết ngon. Như vậy rõ ràng từ tưởng mà ra.

Thân này là vọng tưởng kiên cố chứ không có gì thật. Vậy mà chấp nó, vỗ ngực xưng ta đây là thật, đâu biết là vọng tưởng. Bản chất của thân là vọng tưởng, vì nó cứng chắc quá nên có thân này. Vì vậy mới nói sắc thân là lớp vọng tưởng kiên cố thứ nhất.

Chính khi nghe lời nói ở trên, nơi tâm nghĩ tưởng đến chỗ cao, có thể khiến cho thân ông thật có cảm thọ rờn rợn. Do nhân cảm thọ sanh hay làm động sắc thân.

Cái cảm thọ rờn rợn nơi lòng bàn chân là do mình tưởng đi lên núi cao. Rồi nhân nơi thọ sanh ra mà làm động cái thân của mình. Như khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, mắt tiếp xúc với sắc trần có cảm thọ khổ vui, tai tiếp xúc với thanh trần có cảm thọ khổ vui... Từ cảm thọ đó mà thân thể này chuyển theo.

Ví dụ như mình đang vui vẻ, chợt có ai nói một lời nặng, xúc chạm tới danh dự. Vừa cảm thọ đó là lời nói nặng, mặt mình sa sầm ngay. Như vậy vừa có cảm thọ thì thân chuyển liền. Hoặc giả mình đang buồn mà có ai nói điều gì đúng sở thích, vừa cảm thọ thích thú thì vui lên, con mắt sáng rỡ. Như khi bụng đang đói cồn cào, có ai đưa cho một củ khoai lang thì mắt liền sáng rỡ, rồi nhai ngấu nghiến, cười nói vui vẻ. Các thọ khác cũng vậy, hễ có cảm thọ thì thân thể chuyển theo. Vì vậy nên nói do nhân cảm thọ sanh hay làm động sắc thể.

Ông hiện nay hai thứ thuận thì tăng ích nghịch thì tổn giảm hiện đang đuổi nhau, gọi là vọng tưởng hư minh thứ hai.

Thuận là như khi nghe khen mình vui, còn nghịch như lúc bị chê mình buồn. Hai thứ hiện đang đuổi nhau, nghĩa là có vui thì không buồn, có buồn thì không vui. Giả như đang buồn mà có ai làm điều gì mình vui thích thì buồn biến mất. Còn đang vui chợt có ai nói lời động chạm liền buồn bực thì hết vui. Như vậy thì thuận nghịch đổi thay luôn luôn, gọi đó là lớp vọng tưởng hư minh thứ hai. Hư mình nghĩa là rỗng sáng.

Vậy cảm thọ cũng thuộc vọng tưởng.

Do ý nghĩ của ông sai khiến sắc thân ông, nếu thân không phải cùng loại với ý nghĩ thì nhân gì thân ông lại theo sự sai khiến của ý niệm, nhận các thứ hình tượng, tâm sanh thì thân nhận theo, cùng với niệm tương ưng?

Ví dụ mình đang ngồi yên trước thềm chùa, chợt dấy niệm gặp huynh A để làm gì đó, vừa dấy niệm liền đứng dậy đi. Như vậy ý niệm là vọng tưởng, nhẹ như gió, mà vừa dấy lên thì thân mấy chục ký liền theo. Vọng tưởng vừa khởi, thân này liền bị sai khiến, nếu thân này không cùng một loại với vọng tưởng thì làm sao vọng tưởng khiến được? Vì cả hai đều là đồng loại anh em nên vừa dấy vọng tưởng, thân liền đi theo, không cưỡng lại nổi. Nên nói tâm sanh thì hình thủ, niệm vừa sanh thì thân nhận theo, cùng với niệm tương ưng, tức là đi theo niệm.

Khi thức thì tâm tưởng, khi ngủ thì thành các mộng. Vậy tâm tưởng của ông, vọng tình dao động gọi là vọng tưởng dung thông thứ ba.

Công dụng của tưởng là gì? Khi thức thì tưởng cái này, tính cái kia, mơ ước cái nọ. Còn khi ngủ thì nó làm cho mình thấy mộng này mộng kia. Mộng là từ tưởng, được lưu giữ ở tàng thức, khi ngủ hiện ra nên nói mộng tưởng. Qua được tưởng ấm thì thức ngủ như một. Còn ở trong tưởng ấm thì thức ngủ khác nhau. Vì trong chỗ tích lũy vọng tưởng xa xưa đâu có lường nổi, cho nên khi ngủ bao nhiêu tướng trạng ngày thường không có, bây giờ nó hiện ra.

Thân hiện sống khởi bao nhiêu thứ tâm tưởng, những tâm tưởng đó lại sai sử thân này. Vậy thân này đâu có rời vọng tưởng. Nó đồng một loại với vọng tưởng, thân với tưởng không tách rời nhau. Nên nói tưởng ấm là hư vọng. Tâm tưởng nghĩ thì thân liền theo, hai cái dung hợp nhau. Đây là lớp vọng tưởng dung thông thứ ba.

Sự chuyển biến không dừng, xoay vần thầm dời đổi, móng tay dài, tóc mọc ra, khí lực tiêu mòn, da mặt nhăn. Ngày đêm đổi thay nhau mà không hề hay biết.

Chúng ta không biết một ngày móng tay mình ra bao nhiêu, một đêm tóc mình dài bao nhiêu. Khí huyết mình tiêu mòn hồi nào đâu có hay. Lâu lâu rờ lại mặt nhăn thì biết là già, chứ không biết nó già lúc nào. Như vậy con người chúng ta thầm dời đổi mà mình không biết. Đó là hành ấm.

Này A-nan, nếu sự dời đổi này không phải là ông thì làm sao thân ông bị dời đổi? Còn như thật là ông thì vì sao ông không biết?

Sự dời đổi thuộc về mình, mình mới bị dời đổi, nếu nó không phải là mình thì mình đâu có bị dời đổi. Nhưng nếu nó là mình thì mình đâu có bị dời đổi. Nhưng nếu nó là mình thì mình phải biết nó dời đổi chứ?

Vậy các hành niệm niệm không dừng của ông, gọi là vọng tưởng u ẩn thứ tư.

U ẩn là vì nó thầm thầm đổi dời ở trong mà mình không biết.

Lại, chỗ tinh minh trong lặng không dao động của ông, gọi là thường hằng đó, nơi thân không ngoài thấy nghe hiểu biết. Nếu thật là tinh thuần chân thật thì chẳng dung những tập khí vọng tưởng. Vậy tại sao các ông trong những năm trước, từng thấy một vật kỳ quái, trải qua nhiều năm không còn nhớ nữa, về sau bỗng nhiên lại thấy vật lạ ngày trước, liền nhớ lại rõ ràng không hề sót mất.

Chỗ trong lặng không dao động, thường hằng đó chỉ cho thức ấm, tức a-lại-da hay tàng thức. Nếu đó là tinh ba chân thật thì đâu dung những tập khí vọng tưởng. Nhưng hiện nay trong đó thường chứa chất những tập khí vọng tưởng không thật. Ví dụ như nhiều năm trước mình thấy một người có tật lạ, như con mắt hay giật giật. Thấy đó rồi thôi, mình bỏ qua và không để ý nữa, bao nhiêu năm không còn nhớ tới hình ảnh đó. Bỗng nhiên một hôm đi đường chợt thấy lại người có tật mắt giật, mình nhớ liền hình ảnh cũ.

Như vậy nó chứa ở đâu mà nay nhớ lại? Chính là đã tích lũy ở trong tàng thức. Nhưng nếu tàng thức không cùng một loại với nó thì làm sao chứa được? Bởi cùng một loại mới chứa ở trong, nên nói Nếu thật tinh chân thì không dung tập vọng. Như vậy, tàng thức sẵn chứa các chủng tử thiện ác, khi tiếp duyên rồi thì nó lưu lại, bởi lưu nên khi gặp lại, nó phát ra cái cũ không sai sót.

Thế nên trong chỗ tinh liễu lặng lẽ không dao động này, từng niệm luôn nhận sự huân tập, đâu thể tính toán nổi!

Thức ấm chỉ gần với tánh chân mà không phải chân, nó còn những niệm sanh diệt liên miên ở trong. Tàng thức lặng lẽ không dao động nhưng lại nhận những thứ huân tập, vô số trong đó, không thể nào tính toán cho hết được. Bởi vậy nên khi chúng ta ngồi lại, nó tràn ra hết lớp này tới lớp kia, cũ có mới có, bỏ hoài không hết.

Này A-nan, phải biết cái lặng lẽ này không phải thật, như dòng nước chảy nhanh, trông xa giống như yên lặng, vì nó chảy nhanh nên không thấy, chẳng phải là không chảy. Nếu cội gốc không phải là vọng tưởng thì đâu nhận những tập khí hư vọng.

Như người cầm cây hương quay thật nhanh sẽ có một vòng lửa. Người đứng xa nhìn thấy có vòng lửa, vòng lửa này có thật không? Chỉ vì quay cây hương quá nhanh, con mắt mình nhìn theo không kịp nên thấy có vòng lửa, nhưng sự thật cây hương đang chạy nhanh chứ không có vòng lửa.

Tàng thức hoàn toàn không phải thật. Nó giống một thác nước đổ, ở xa trông như một dải nước trắng, lại gần mới thấy nó chảy liên tục, ầm ầm. Người không biết tưởng nó là chân thường, sự thật nó là một dòng sanh diệt. Thức ấm nhận các tập khí hư vọng thì nó cũng thuộc về vọng tưởng.

Nếu sáu căn của ông không thể khai hợp dùng thay lẫn nhau thì vọng tưởng này không khi nào được diệt. Cho nên trong những thây nghe hiểu biết của ông hiện tại xâu kết các tập khí; những hình ảnh hư dối rỗng không trong chỗ trạm liễu là tinh tưởng vi tế điên đảo thứ năm vậy.

Khai là mở, hợp là đóng. Nếu sáu căn không thể đóng mở tự tại, chưa tới chỗ hỗ dụng thì vọng tưởng không bao giờ diệt, mà muốn tới chỗ sáu căn hỗ dụng thì phải phá hết thức ấm.

Trạm liễu chỉ cho tàng thức lặng lẽ rõ ràng. Võng tượng hư vô là những hình ảnh hư dối rỗng không. Đây cũng là tưởng nhưng rất tinh vi, là lớp tưởng điên đảo thứ năm.

Như vậy cả năm ấm đều thuộc vọng tưởng. Nếu năm ấm là vọng tưởng thì thân này là gì? Thân này là do năm ấm sắc thọ tưởng hành thức kết thành, mà năm thứ đó đều từ vọng tưởng mà ra; năm vọng tưởng lại thành một cái tưởng to, vậy thân này là chúa tể vọng tưởng. Mang cái chúa tể vọng tưởng mà nói mình thật, vậy có ngu không? Chúa tể vọng tưởng thì có gì là thật, vậy mà lúc nào cũng thấy nó thật, không phải điên đảo là gì!

Đức Phật vạch trần cho chúng ta biết từng phần bản chất của con người. Mọi điều rõ ràng như vậy mà chúng ta thường không hề biết. Cho nên học kinh rồi mới thấy chỗ ngu mê của mình thật quá sâu dày, nhờ Phật chỉ ra từng phần chúng ta mới thấy. Chính chỗ mê lầm, giả tưởng mà tưởng là thật, nên trầm luân muôn kiếp.

Nếu chúng ta nhận biết rằng mình đang mang cái thân tràn trề vọng tưởng thì tự nhiên sẽ bớt chấp, bớt khổ. Rõ ràng chúng ta đang sống trong điên đảo, cái thân vọng tưởng hư dối cứ tưởng là thân thật. Nay mình biết thân này có ra là từ vọng tưởng chứ không gì khác, hàng ngày buông bỏ vọng tưởng thì đâu còn chấp thân nữa.

Như vậy phá được năm ấm tức là phá được vọng tưởng. Vọng tưởng hết, đó là bắt đầu vào cảnh giới của Bồ-tát, của Phật. Nên biết vọng tưởng là gốc của tất cả, năm ấm, thế giới... đều từ vọng mà ra. Do vọng mà thân bị sai sử, nay mình không theo vọng thì nó hết sai sử. Gốc của cuộc đời mình là vọng tưởng, không theo vọng tưởng, làm chủ vọng tưởng là chúng ta đã làm chủ được cuộc đời mình. Tu bỏ vọng tưởng là bỏ ngay cái gốc.

Này A-nan, năm thọ ấm này là do năm thứ vọng tưởng mà thành. Nay ông muốn biết giới hạn cạn sâu của nó, chỉ sắc và không là ranh giới của sắc ấm, chỉ xúc và ly là ranh giới của thọ ấm, chỉ nhớ và quên là ranh giới của tưởng ấm, chỉ diệt bà sanh là ranh giới của hành ấm, lặng lẽ hợp vào lặng lẽ là trở về ranh giới của thức.

Vậy ranh giới này cũng chỉ là những đối đãi với nhau thôi.

Cái gốc của năm ấm này trùng điệp sanh khởi. Sanh nhân thức mà có, diệt từ sắc mà trừ.

Tại sao sanh nhân thức mà có? Tại sao diệt từ sắc mà trừ? Ban đầu chúng ta đến thọ sanh ở bào thai mẹ thì chính thức ấm đến, hành đã đẩy thức đến, nên sanh từ thức mà ra. Sau khi chết thì thân này hoại đi, nên diệt từ sắc mà trừ.

Lý thì chóng ngộ, nương nơi ngộ đều tiêu sạch. Sự chẳng thể chóng trừ, phải nhân nơi thứ lớp mà hết.

Trước đã trả lời về ranh giới của năm ấm, đến đây Phật trả lời câu hỏi cuối Năm ấm là đồng tiêu trừ hay theo thứ lớp mà hết? Về lý thì chúng ta hiểu rằng thân ngũ ấm này là do vọng tưởng làm gốc, nhưng muốn hết chấp thân thì phải chừng bao lâu mới hết? Về lý thì đốn ngộ, ngộ rồi thì những hiểu lầm ngày xưa tiêu hết, biết rõ thân không thật, từ vọng tưởng mà ra; nhưng trên sự tu hành, để không còn chấp nữa thì phải tiệm, theo thứ lớp mà hết.

Tôi đã chỉ dạy ông về cái gút của khăn kiếp-ba, sao ông còn không rõ, lại hỏi chỗ này nữa? Ông nên đem chỗ tâm đã được thông suốt về cội gốc vọng tưởng này, truyền dạy cho những người tu hành trong đời mạt pháp tương lai, khiến họ biết những thứ hư vọng mà tự sanh nhàm chán, biết có Niết-bàn để không lưu luyến ba cõi nữa.

Cái khăn kiếp-ba đã cột thành nhiều gút, nay muốn mở thì phải từng gút mà mở, đâu thể một lần mở hết được. Phật khuyên ngài A-nan nên đem chỗ Phật dạy "cội nguồn năm ấm là vọng tưởng" mà ngài A-nan đã hiểu, dạy cho những người tu hành trong đời mạt pháp, khiến họ biết được thân năm ấm này là hư vọng, nên tự sanh nhàm chán, đồng thời biết có Niết-bàn để không còn quyến luyến tam giới nữa.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 38787
  • Online: 26