Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 07 - NAM ĐỐN BẮC TIỆM

05/02/2020 | Lượt xem: 1963

Dịch giảng: HT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ Tổ sư ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, Đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Hai tông đều giáo hóa hưng thịnh, người gọi là Nam Năng, Bắc Tú. Vì vậy có hai tông Nam Bắc, chia ra đốn và tiệm, người học không ai biết tông thú. Tổ bảo chúng:

- Pháp vốn một tông, người có Nam Bắc; pháp tức một thứ, thấy có chậm-mau. Sao gọi là đốn-tiệm? Vì người có bén-lụt nên gọi đốn-tiệm.


Song đồ chúng của Ngài Thần Tú thường chê Tổ sư Nam tông chẳng biết một chữ, có gì hay! Thần Tú bảo:

- Vị ấy đã được trí vô sư, ngộ sâu Thượng thừa, ta chẳng bằng. Hơn nữa thầy của ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y pháp, há rỗng suông sao! Ta hận chẳng thể đi xa đến gần gũi, luống chịu ân vua, mọi người các ông chớ mắc kẹt nơi đây, hãy qua Tào Khê thưa hỏi.

Bèn sai học trò là Chí Thành, bảo:

- Ông thông minh nhiều trí, có thể vì ta đến Tào Khê nghe pháp. Nếu có nghe được điều gì, hãy hết lòng ghi nhớ rồi trở về thuật lại cho ta nghe.

Chí Thành vâng lời dạy đi đến Tào Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói ở đâu tới. Khi ấy, Tổ bảo với chúng:

- Hiện nay có kẻ trộm pháp lén ở trong hội này.

Chí Thành liền bước ra lễ bái, trình bày đầy đủ việc trên. Sư bảo:

- Ông từ Ngọc Tuyền đến có lẽ là do thám?

Chí Thành đáp:

- Chẳng phải.

Tổ bảo:

- Sao được chẳng phải?

Thành đáp:

- Chưa nói tức phải, nói rồi thì chẳng phải.

Tổ bảo:

- Thầy ông dạy chúng thế nào?

Thành thưa:

- Sư thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi luôn chẳng nằm.

Sư bảo:

- Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền. Ngồi luôn thì bó buộc cái thân, đối với lý có ích gì. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Sanh ra ngồi chẳng nằm,

    Chết đi nằm chẳng ngồi.

    Chỉ một bộ xương thúi,

    Vì sao lập công khóa?

Âm:

    Sanh lai tọa bất ngọa,

    Tử khứ ngọa bất tọa.

    Nhứt cụ xú cốt đầu,

    Hà vi lập công khóa?

Chí Thành lại lễ bái thưa:

- Đệ tử ở chỗ Đại sư Tú học đạo chín năm mà chẳng khế ngộ. Nay vừa nghe Hòa thượng nói liền khế hợp bản tâm. Đệ tử sống chết là việc lớn, mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy thêm.

Sư bảo:

- Tôi nghe thầy ông chỉ dạy người học về pháp giới-định-huệ, chưa biết thầy ông nói hành tướng giới-định-huệ thế nào, nói cho tôi nghe.

Chí Thành thưa:

- Đại sư Tú nói: “Chớ làm mọi điều dữ là giới. Vâng làm mọi điều lành là huệ. Tự thanh tịnh ý mình là định”. Ngài nói như thế, chưa biết Hòa thượng dùng pháp gì dạy người?

Tổ bảo:

- Nếu tôi nói có pháp cho người tức là dối gạt ông, chỉ tạm tùy phương cởi trói, giả gọi chánh định. Như thầy ông nói về giới-định-huệ thật chẳng thể nghĩ bàn, chỗ thấy của tôi về giới-định-huệ lại khác.

Chí Thành thưa:

- Giới-định-huệ chỉ nên một thứ, thế nào lại khác?

Sư bảo:

- Giới-định-huệ của thầy ông là tiếp người Đại thừa. Giới định huệ của tôi thì tiếp người Tối thượng thừa. Ngộ hiểu chẳng đồng, thấy có chậm-mau. Ông hãy lắng nghe tôi nói xem có đồng với thầy kia chăng? Pháp tôi nói ra là chẳng lìa tự tánh. Lìa thể mà nói pháp gọi là theo tướng mà nói, tự tánh thường mê. Nên biết tất cả muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, đó là pháp giới-định-huệ chân thật. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Tâm địa không quấy tự tánh Giới,

    Tâm địa không si tự tánh Huệ,

    Tâm địa không loạn tự tánh Định,

    Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim Cang,

    Thân qua thân lại vốn Tam-muội.

Âm:

    Tâm địa vô phi tự tánh Giới,

    Tâm địa vô si tự tánh Huệ,

    Tâm địa vô loạn tự tánh Định,

    Bất tăng bất giảm tự Kim Cang,

    Thân khứ thân lai bổn Tam-muội.

Chí Thành nghe Sư nói kệ liền sám hối tạ lỗi, rồi trình một bài kệ:

    Thân huyễn năm uẩn,

    Huyễn nào cứu cánh?

    Xoay về chân như,

    Pháp lại chẳng tịnh.

Âm:

    Năm uẩn huyễn thân,

    Huyễn hà cứu cánh?

    Hồi thú chân như,

    Pháp hoàn bất tịnh.

Sư thầm nhận, rồi nói tiếp với Chí Thành:

- Giới Định Huệ của thầy ông là khuyên người căn trí nhỏ, Giới Định Huệ của tôi là khuyên người căn trí lớn. Nếu tỏ ngộ tự tánh, cũng chẳng lập Bồ-đề, Niết-bàn, cũng chẳng lập Tri kiến giải thoát, không một pháp có thể được mới hay dựng lập muôn pháp. Nếu hiểu thấu ý này, cũng gọi Bồ-đề, Niết-bàn, cũng gọi Tri kiến giải thoát. Người thấy tánh, lập cũng được, chẳng lập cũng được, tới lui tự do, không trệ ngại, ứng theo dụng liền làm, ứng theo lời liền đáp, thấy khắp hóa thân chẳng lìa tự tánh, liền được chánh định thần thông du hý tự tại. Đó gọi là thấy tánh.

Chí Thành lại bạch thêm với Sư:

- Thế nào là nghĩa chẳng lập?

Sư bảo:

- Tự tánh không quấy, không si, không loạn, niệm niệm Bát-nhã luôn chiếu soi, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, ngang dọc trọn đều được, có gì đáng lập? Tự tánh tự ngộ, chóng ngộ chóng tu, cũng không có thứ lớp, do đó chẳng lập tất cả pháp. Các pháp vốn lặng lẽ, có thứ lớp gì?

Chí Thành lễ bái, nguyện theo hầu Sư rất siêng năng.

Thành người quê ở Thái Hòa, châu Cát.

***

Tăng Chí Triệt, người quê ở Giang Tây, tên Trương Hành Xương, lúc trẻ làm hiệp khách. Từ khi chia ra Nam Bắc, tuy vị chủ của hai tông đã quên ta người, mà đồ chúng thì tranh nhau dấy lòng yêu ghét. Lúc đó đệ tử của Bắc tông tự lập Đại sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng còn ngại Tổ sư truyền y khắp nơi đều nghe biết. Họ bèn nhờ Hành Xương đến ám sát Sư. Sư đã được tha tâm thông, biết trước việc ấy, liền đem mười lạng vàng để dưới chỗ ngồi. Đang đêm tối, Hành Xương vào thất Tổ, sắp muốn hại, Sư đưa cổ đến cho chém. Hành Xương vung đao ba lần, thảy đều không chém được. Sư bảo:

- Kiếm chánh thì chẳng có tâm tà, kiếm dùng với tâm tà thì chẳng thành chánh nghĩa. Chỉ nợ tiền với ông mà chẳng nợ mạng với ông.

Hành Xương hốt hoảng té xỉu, giây lâu mới tỉnh lại, cầu xin sám hối tội lỗi, nguyện xuất gia. Sư bèn lấy vàng trao cho bảo:

- Ông hãy đi, e đồ chúng trở lại làm hại ông. Ngày khác, ông có thể thay đổi hình dáng mà đến, tôi sẽ tiếp nhận.

Hành Xương vâng lời dạy, đang đêm trốn đi, sau đó xuất gia làm tăng. Một hôm Hành Xương nhớ lời Sư dặn, từ xa đến gặp Ngài. Sư bảo:

- Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến chậm vậy?

Hành Xương thưa:

- Ngày trước được Hòa thượng tha tội, nay dù xuất gia, tu khổ hạnh, trọn khó đền đáp ân đức ấy, hoặc là chỉ có cách truyền pháp độ sanh ư! Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu nghĩa thường và vô thường, mong Hòa thượng từ bi giải nói tóm tắt cho.

Sư bảo:

- Vô thường tức Phật tánh. Hữu thường tức tâm phân biệt tất cả pháp thiện ác.

Hành Xương thưa:

- Điều Hòa thượng nói rất trái với văn kinh.

Sư bảo:

- Ta truyền tâm ấn Phật, đâu dám trái với kinh Phật.

Hành Xương thưa:

- Kinh nói Phật tánh là thường, Hòa thượng lại nói vô thường, còn các pháp thiện ác, cho đến tâm Bồ-đề đều là vô thường, Hòa thượng lại nói là thường. Điều này tức trái nhau, khiến cho học nhân càng thêm nghi lầm.

Sư bảo:

- Kinh Niết Bàn, trước kia tôi đã nghe cô ni Vô Tận Tạng đọc qua một lần liền giảng nói cho cô nghe, không có một chữ, một nghĩa nào chẳng hợp với văn kinh, cho đến vì ông nói cũng hoàn toàn không có hai lời.

Hành Xương thưa:

- Chỗ hiểu biết của học nhân cạn cợt, mong Hòa thượng chìu uốn mở bày chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Ông biết chăng? Phật tánh nếu là thường, còn nói cái gì là các pháp thiện ác, cho đến cùng kiếp cũng không có một người phát tâm Bồ-đề, vì vậy tôi nói vô thường chính là đạo chân thường của Phật nói. Lại, tất cả các pháp nếu là vô thường, tức mỗi vật đều có tự tánh dung nhận sanh tử, mà tánh chân thường có chỗ chẳng khắp, vì vậy tôi nói thường, chính là nghĩa chân vô thường của Phật nói. Phật nhân vì phàm phu, ngoại đạo chấp theo tà thường, các hàng Nhị thừa đối với thường chấp vô thường cộng chung thành tám thứ điên đảo, nên trong giáo lý Niết-bàn liễu nghĩa, phá tà kiến của họ mà nói rõ chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Nay ông nương theo lời nói mà trái với nghĩa, lấy cái vô thường theo đoạn diệt và cái thường chết cứng mà hiểu lầm lời nói sâu xa viên diệu rốt sau của Phật, dẫu xem ngàn lần có ích gì!

Hành Xương bỗng nhiên đại ngộ, nói bài kệ:

    Nhân giữ tâm vô thường,

    Phật nói tánh hữu thường.

    Chẳng biết là phương tiện,

    Giống lượm sỏi ao xuân.

    Nay con chẳng ra công,

    Mà Phật tánh hiện tiền.

    Chẳng phải thầy trao cho,

    Con cũng không chỗ được.

Âm:

    Nhân thủ vô thường tâm,

    Phật thuyết hữu thường tánh.

    Bất tri phương tiện giả,

    Du xuân trì thập lịch.

    Ngã kim bất thi công,

    Phật tánh nhi hiện tiền.

    Phi sư tương thụ dữ,

    Ngã diệc vô sở đắc.

Sư bảo:

- Nay ông đã thấu triệt, nên đặt tên là Chí Triệt.

Chí Triệt lễ tạ rồi lui.

***

Có một đồng tử tên Thần Hội, 13 tuổi, họ Cao, quê ở Tương Dương, từ Ngọc Tuyền đến lễ Sư. Sư bảo:

- Tri thức từ xa gian khổ đến đây, có đem được gốc đến chăng? Nếu có gốc nên biết chủ, thử nói xem!

Hội thưa:

- Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Sư bảo:

- Sa-di này đâu nên nói lời cẩu thả như thế!

Rồi lấy gậy đánh ba gậy.

Hội bèn hỏi:

- Hòa thượng ngồi thiền lại thấy hay chẳng thấy?

Sư bảo:

- Ta đánh ông là đau hay chẳng đau?

Hội đáp:

- Cũng đau cũng chẳng đau.

Sư bảo:

- Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.

Thần Hội hỏi:

- Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?

Sư bảo:

- Chỗ tôi thấy là thường thấy lỗi lầm của tự tâm, mà chẳng thấy điều phải quấy, tốt xấu của người khác, do đó cũng thấy cũng chẳng thấy. Ông nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Ông nếu nói chẳng đau thì đồng với cỏ cây, nếu đau thì đồng với phàm phu liền khởi lòng nóng giận. Ông trước nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ông còn chẳng thấy tự tánh, lại dám đùa với người!

Thần Hội lễ bái tạ lỗi.

 Sư lại bảo:

- Nếu ông tâm mê chẳng thấy thì hỏi thiện tri thức tìm lối đi. Nếu ông tâm tỏ ngộ, liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ông tự mê chẳng thấy tự tâm, lại đến hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy. Tôi thấy thì tự mình biết, há thay cái mê cho ông; nếu ông tự thấy cũng chẳng thay cái mê cho tôi. Sao chẳng tự biết, tự thấy mà đi hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy!

Thần Hội lại lễ bái hơn trăm lạy xin tạ lỗi, siêng năng theo hầu Sư chẳng rời bên cạnh.

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không sau lưng không trước mặt, mọi người có biết chăng?

Thần Hội ra thưa:

- Đó là cội nguồn của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Sư bảo:

- Đã nói với ông là không tên không chữ ông còn gọi là cội nguồn, là Phật tánh, về sau ông chỉ là hạng tông đồ tri giải.

Về sau, Thần Hội vào Kinh Lạc hoằng dương Đốn giáo của Tào Khê, trước tác quyển Hiển Tông Ký truyền rộng rãi ở đời.

***

Sư thấy các tông nạn vấn nhau đều dấy tâm ác và thường nhóm họp dưới tòa, nên thương xót bảo:

- Người học đạo thì lẽ ra tất cả niệm thiện, niệm ác phải trừ sạch, không tên có thể gọi, gọi là tự tánh; tánh không hai, gọi là thật tánh. Ở trên thật tánh dựng lập tất cả giáo môn, ngay lời nói cần tự thấy.

Mọi người nghe Sư nói, thảy đều làm lễ, xin thờ làm thầy.

***

GIẢNG:

Bấy giờ Tổ sư ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, Đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Hai tông đều giáo hóa hưng thịnh, người gọi là Nam Năng, Bắc Tú. Vì vậy có hai tông Nam Bắc, chia ra đốn và tiệm, người học không ai biết tông thú. Tổ bảo chúng:

- Pháp vốn một tông, người có Nam-Bắc; pháp tức một thứ, thấy có chậm-mau. Sao gọi là đốn-tiệm? Vì người có bén-lụt nên gọi đốn-tiệm.

Lúc này, Lục Tổ ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê (ngày nay là chùa Nam Hoa), Lãnh Nam, tức thuộc miền Nam. Đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam (nay thuộc huyện Đơn Dương tỉnh Hồ Bắc), thuộc miền Bắc. Hai Ngài đều truyền bá thạnh hành, nhiều người nương theo tu hành, Phật pháp được phát triển.

Ngài Thần Tú truyền Tiệm tu tức tu dần dần. Lục Tổ truyền môn Đốn giáo hay Đốn ngộ, kiến tánh thành Phật. Đó cũng là tùy theo căn cơ của người rồi phương tiện giáo hóa cho thích hợp, chứ lý thật thì pháp không có Nam-Bắc, Đốn-Tiệm. Vì chỗ thấy của người có chậm-mau, người thấy chậm gọi là tiệm, người thấy nhanh gọi là đốn. Pháp vốn không có phân biệt cho người này đốn cho người kia tiệm, mà tùy theo căn cơ của người vậy thôi. Quan trọng là “phải thấy được Pháp” chứ không phải thấy ở chỗ Nam-Bắc, Đốn-Tiệm. Thấy Nam-Bắc, Đốn-Tiệm thành ra phân chia kia-đây, cao-thấp, rồi ngăn ngại nhau, là bỏ mất Pháp. Trước Lục Tổ không có Nam tông Bắc tông. Tổ nhắc người học cần phải thấy thẳng trở lại gốc, chớ kẹt trên ngọn ngành.

Song đồ chúng của Ngài Thần Tú thường chê Tổ sư Nam tông chẳng biết một chữ, có gì hay! Thần Tú bảo:

- Vị ấy đã được trí vô sư, ngộ sâu Thượng thừa, ta chẳng bằng. Hơn nữa thầy của ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y pháp, há rỗng suông sao! Ta hận chẳng thể đi xa đến gần gũi, luống chịu ân vua, mọi người các ông chớ mắc kẹt nơi đây, hãy qua Tào Khê thưa hỏi.

Ngài Thần Tú có tâm bao dung, không sanh phân biệt. Phân biệt là do người dưới. Đồ chúng của Ngài Thần Tú là người dưới, do tâm lượng còn cạn, chưa thông được đại đạo nên tâm phân biệt nhân ngã vẫn còn, tôn thầy mình là hơn hết. Do đó khen-chê theo tình chấp ngã, chê Lục Tổ không biết một chữ, nhưng không thấy được Lục Tổ đã sáng được tâm, đã thông suốt được đạo, đó là chỗ cần thấy mà không chịu thấy. Ngài Thần Tú có cái nhìn sáng suốt, nói: “Vị ấy đã được trí vô sư, ngộ sâu Thượng thừa, ta chẳng bằng. Hơn nữa thầy của ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y pháp, há rỗng suông sao?”. Ngài lại khuyên mọi người đi đến đó học. Mới thấy, với bậc thầy có đạo đều có cái nhìn sáng suốt, cảm thông với nhau, chỉ có người dưới tâm còn cạn hẹp nên sanh chuyện. Chúng ta học để tránh, không nên để tâm cạn hẹp mà sanh chuyện, đó là trái với pháp.

Bèn sai học trò là Chí Thành, bảo:

- Ông thông minh nhiều trí, có thể vì ta đến Tào Khê nghe pháp. Nếu có nghe được điều gì, hãy hết lòng ghi nhớ rồi trở về thuật lại cho ta nghe.

Chí Thành vâng lời dạy đi đến Tào Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói ở đâu tới. Khi ấy, Tổ bảo với chúng:

- Hiện nay có kẻ trộm pháp lén ở trong hội này.

Chí Thành liền bước ra lễ bái, trình bày đầy đủ việc trên. Sư bảo:

- Ông từ Ngọc Tuyền đến có lẽ là do thám?

Chí Thành đáp:

- Chẳng phải.

Tổ bảo:

- Sao được chẳng phải?

Thành đáp:

- Chưa nói tức phải, nói rồi thì chẳng phải.

Tổ bảo:

- Thầy ông dạy chúng thế nào?

Thành thưa:

- Sư thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi luôn chẳng nằm.

Sư bảo:

- Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền. Ngồi luôn thì bó buộc cái thân, đối với lý có ích gì. Hãy nghe tôi nói kệ:

     Sanh ra ngồi chẳng nằm,

     Chết đi nằm chẳng ngồi.

     Chỉ một bộ xương thúi,

     Vì sao lập công khóa?

Trong bản Đôn Hoàng ghi rõ là Ngài Thần Tú dặn: “Ông hãy lắng nghe những giáo lý rốt ráo của thầy ấy rồi ghi nhớ lấy, trở về đây nói lại cho tôi nghe, để tôi xem kiến giải của Huệ Năng so với tôi ai mau ai chậm”.

Rồi câu Chí Thành thưa: “Chưa nói tức là phải, nhưng nói rồi thì chẳng phải”, trong bản Đôn Hoàng, Lục Tổ bảo thêm: “Phiền não tức Bồ-đề là như thế đó”.

Tiếp theo, Lục Tổ hỏi qua về Ngài Thần Tú thường dạy như thế nào? Tăng Chí Thành thưa: “Sư thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm”. Chỗ dạy của Ngài Thần Tú cũng quá hay, với người căn cơ tiệm tiến tu như vậy là quá tinh tấn, không đáng chê trách. Tuy nhiên, chấp vào công phu đó cho là rốt ráo thì chưa phải, nên Tổ phá chấp cho người vượt lên, không bị trệ ngại. Người học không hiểu rõ, đem tâm khen-chê của mình rồi khen-chê, đó là do chúng ta tự khen-chê. Còn Lục Tổ muốn chỉ chỗ rốt ráo để ngộ trở lại tự tánh, Ngài bảo trụ tâm quán tịnh là lập thêm một cái tịnh cho mình quán, thành ra tịnh đó là cái bị quán, quên mất tự tánh tịnh. Tự tánh sẵn tịnh mà bỏ quên, lại quán thêm cái tịnh là dư rồi, nếu kẹt vào cái tịnh đó chính là bệnh, nên cần phải vượt qua.

Thường ngồi, nếu “chấp” vào chỗ ngồi mà không sáng được tâm cũng là mắc kẹt chưa thông, chưa phải chỗ rốt ráo, do đó Tổ khai thị: “Sanh ra ngồi chẳng nằm, chết đi nằm chẳng ngồi”. Nếu lấy thân làm chỗ rốt ráo là mắc kẹt, rốt cuộc thân này cũng hoại. Ngồi là chuyện của thân, quan trọng là làm sao để sáng được tâm tánh mới là chỗ trọng yếu. Ngài nói: “Chỉ một bộ xương thúi, vì sao lập công khóa”. Đó là phá chấp tướng ngồi, phá chấp tướng tịnh. Tướng ngồi là thân, tướng tịnh ở tâm, phá hai cái chấp nơi thân tâm để ngộ trở lại nơi tự tánh, gọi là tự tánh tịnh, tánh sẵn thanh tịnh mà lập thêm cái tịnh nữa thành dư. Đây là phá chấp chứ không phải bảo chúng ta không ngồi thiền. Người thông suốt khi ngồi mà không kẹt nơi ngồi để sáng được tâm, đó là chỗ quý báu.

Chí Thành lại lễ bái thưa:

- Đệ tử ở chỗ Đại sư Tú học đạo chín năm mà chẳng khế ngộ. Nay vừa nghe Hòa thượng nói liền khế hợp bản tâm. Đệ tử sống chết là việc lớn, mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy thêm.

Sư bảo:

- Tôi nghe thầy ông chỉ dạy người học về pháp giới-định-huệ, chưa biết thầy ông nói hành tướng giới-định-huệ thế nào, nói cho tôi nghe.

Chí Thành thưa:

- Đại sư Tú nói: “Chớ làm mọi điều dữ là giới. Vâng làm mọi điều lành là huệ. Tự thanh tịnh ý mình là định”. Ngài nói như thế, chưa biết Hòa thượng dùng pháp gì dạy người?

Tổ bảo:

- Nếu tôi nói có pháp cho người tức là dối gạt ông, chỉ tạm tùy phương cởi trói, giả gọi chánh định. Như thầy ông nói về giới-định-huệ thật chẳng thể nghĩ bàn, chỗ thấy của tôi về giới-định-huệ lại khác.

Chí Thành thưa:

- Giới-định-huệ chỉ nên một thứ, thế nào lại khác?

Sư bảo:

- Giới-định-huệ của thầy ông là tiếp người Đại thừa. Giới-định-huệ của tôi thì tiếp người Tối thượng thừa. Ngộ hiểu chẳng đồng, thấy có chậm mau. Ông hãy lắng nghe tôi nói xem có đồng với thầy kia chăng? Pháp tôi nói ra là chẳng lìa tự tánh. Lìa thể mà nói pháp gọi là theo tướng mà nói, tự tánh thường mê. Nên biết tất cả muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, đó là pháp giới-định-huệ chân thật. Hãy nghe tôi nói kệ:

     Tâm địa không quấy tự tánh Giới,

     Tâm địa không si tự tánh Huệ,

     Tâm địa không loạn tự tánh Định,

     Chẳng thêm chẳng bớt tự Kim Cang,

     Thân qua thân lại vốn Tam-muội.

Ngài Thần Tú dạy về giới-định-huệ cũng khéo, chớ làm mọi điều dữ tức ngăn ngừa tội lỗi sanh, đó là giới. Biết vâng làm mọi điều lành, không để cho sai lầm, đó là huệ. Tự thanh tịnh ý của mình, không để sanh loạn, đó là định. Đây là bài kệ của Đức Phật Ca Diếp nói trong Giới Kinh, Ngài Thần Tú khéo phối hợp với ba môn vô lậu học giới-định-huệ, đúng là bậc trí tuệ. Cho nên Lục Tổ không có chê, Ngài nói: “Giới-định-huệ của Thầy ông thật chẳng thể nghĩ bàn”. Nhưng chỗ chỉ của Lục Tổ là tiến thêm bước nữa.

Trước khi nói đến chỗ thấy của Ngài, Ngài cũng ngăn ngừa pháp chấp: “Nếu tôi có pháp cho người tức là dối gạt ông”. Nghe Tổ có chỗ chỉ dạy, tưởng có pháp riêng của Ngài thì thành chấp pháp, nên Ngài ngăn ngừa, đây cũng là phương tiện.

Tổ dạy giới-định-huệ ngay nơi tự tánh, không lìa tự tánh mà riêng có pháp, pháp mà lìa tự tánh riêng có là pháp tạo tác sanh diệt. Ngoài tự tánh lập thêm pháp thì đó là pháp có lập, mà có lập thì có phá. Ngài nói ngay nơi tâm địa mà không quấy là tự tánh giới đầy đủ, đủ nơi tự tánh không phải lập thêm giới nữa. Ngay nơi tâm địa mà không si mê là tự tánh huệ đầy đủ, không phải lập thêm huệ nữa. Ngay nơi tâm địa mà không loạn là tự tánh định đầy đủ, không phải lập thêm định nữa. Trong đó không thêm cũng không bớt, không thành có pháp tạo tác sanh diệt, nên thường tự vững chắc như Kim Cang, không có gì phá hoại được.

Người sống được trong tự tánh giới-định-huệ thì dù thân này có qua lại, tới lui nhưng vẫn thường định, ngay trong động mà bất động, nên nói: “Thân qua thân lại vốn tam-muội”. Vậy là không hẳn phải ngồi. Đó là chỗ khai thị của Lục Tổ, không từ bên ngoài mà được, chỉ thẳng cho người ngộ trở lại nơi tự tánh. Tự tánh luôn sáng suốt, không có lỗi lầm, không có động loạn, vượt lên trên pháp có dựng lập mà ngộ trở lại nơi bản tánh, Đốn giáo là vậy.

Chí Thành nghe Sư nói kệ liền sám hối tạ lỗi, rồi trình một bài kệ:

     Thân huyễn năm uẩn,

     Huyễn nào cứu cánh?

     Xoay về chân như,

     Pháp lại chẳng tịnh.

Bài kệ của tăng Chí Thành thức tỉnh cho người vượt qua cái thấy sanh diệt. “Thân huyễn năm uẩn, huyễn nào cứu cánh?”. Thân năm uẩn này là thân huyễn giả hợp, bám vào đó làm công phu thì làm sao cứu cánh được! Đem huyễn mà cầu cứu cánh có phải là mê chăng? Đó là ông sáng tỏ được lời chỉ dạy của Lục Tổ. “Xoay về chân như, pháp lại chẳng tịnh”. Chỗ này nhiều người khó hiểu, chúng ta tu là để trở về chân như, đây nói xoay về chân như lại là pháp chẳng tịnh, vậy là sao? Bởi trong chân như vốn chưa từng động thì đâu có thêm cái tịnh nữa. Nếu quán đây là động, kia là tịnh, bỏ động trở về tịnh, có động có tịnh là thuộc về sanh diệt. Chân như chưa từng động, thế thì quán tịnh có hợp chăng? Quán tịnh là việc bên ngoài. Chân như đã sẵn tịnh, lập thêm cái tịnh để quán là thành động, trái với chân như. Ngay đó, vượt qua công phu tạo tác sanh diệt, không mắc kẹt nơi động nơi tịnh là thầm hợp trở về với tự tánh chân như.

Sư thầm nhận, rồi nói tiếp với Chí Thành:

- Giới-Định-Huệ của thầy ông là khuyên người căn trí nhỏ, Giới-Định-Huệ của tôi là khuyên người căn trí lớn. Nếu tỏ ngộ tự tánh, cũng chẳng lập Bồ-đề, Niết-bàn, cũng chẳng lập Tri kiến giải thoát, không một pháp có thể được mới hay dựng lập muôn pháp. Nếu hiểu thấu ý này, cũng gọi Bồ-đề, Niết-bàn, cũng gọi Tri kiến giải thoát. Người thấy tánh, lập cũng được, chẳng lập cũng được, tới lui tự do, không trệ ngại, ứng theo dụng liền làm, ứng theo lời liền đáp, thấy khắp hóa thân chẳng lìa tự tánh, liền được chánh định thần thông du hý tự tại. Đó gọi là thấy tánh.

Lục Tổ dạy thêm về Tối thượng thừa. “Nếu tỏ ngộ Tự tánh cũng chẳng lập Bồ-đề, Niết-bàn, cũng chẳng lập tri kiến giải thoát”. Tức tự tánh sẵn đủ, lập thêm là thuộc về bên ngoài. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bỏ hết: “Nếu hiểu thấu ý này cũng gọi Bồ-đề, Niết-bàn, cũng gọi tri kiến giải thoát”, không phải mắc kẹt một bên. Người nghe nói không lập thì bỏ hết là mắc kẹt một bên, học đạo là phải thấu được lý trung đạo.

Tỏ ngộ được tự tánh thì không lập thêm Bồ-đề, Niết-bàn, tri kiến giải thoát gì nữa. Vì sao? Vì Bồ-đề, Niết-bàn, tri kiến giải thoát cũng là những cái tên, nếu bám vào đó cũng là mê.

Cho đến “không một pháp có thể được”. Vậy, nương vào đâu để bàn, để hiểu? Vừa thấy có được là lầm theo cái sanh diệt, bởi có được thì có mất. Cái không được thì đâu có mất, cho nên chỉ ngộ trở lại thôi. Danh từ chuyên môn trong nhà Phật gọi đây là liễu nhân, không phải là sanh nhân.

Sanh nhân tức nhân sanh ra, thí dụ như hạt lúa sanh ra cây lúa thuộc về sanh nhân. Cây lúa trước chưa có, hạt lúa mọc lên mới thành cây lúa.

Liễu nhân, giống như cái bàn ở trong nhà tối, bởi nhà tối nên không thấy, dùng đèn soi sáng thì thấy cái bàn. Đèn là liễu nhân của bàn, không phải đèn sanh ra bàn, đèn chỉ soi sáng giúp thấy cái bàn.

Tổ nói pháp của Ngài cũng vậy, không có pháp để được, chỉ soi sáng trở lại tự tánh sẵn có. Lâu nay do mê, vô minh nên không thấy, ngộ trở lại là sáng đủ, không phải ngộ rồi mới có nên nói không có được, nhưng không phải nói không được là không có gì cả. Cho nên Tổ nói tuy không một pháp có thể được, cũng không phải là không ngơ, không có gì trong đó. Trong đó đã có đầy đủ trí tuệ thấu suốt tất cả.

Thế nên người thấy tánh nói có cũng được, nói không cũng được, không mắc kẹt trên ngôn từ. Người mê nghe nói có thì hiểu có, nghe nói không thì hiểu không, tức theo ngôn ngữ chuyển. Người thấy tánh hiểu được ý, không phải theo cái “có-không” để hiểu, nên lập cũng được, chẳng lập cũng được. Vì thấu suốt không có mê lầm, tuy lập mà không mê theo đó cho là thật có, chẳng lập nhưng không mê theo đó cho là thật không. Gọi là “ứng theo dụng liền làm, ứng theo lời liền đáp”, không cho là thật pháp, đó chỉ là phương tiện phá chấp cho người.

“Thấy khắp hóa thân, chẳng lìa tự tánh”. Hóa thân từ pháp thân hiện, không riêng có tự tánh thật, không mê theo nó mà quên mất tự tánh chính mình. Người rõ suốt như vậy thì được tự tại vô ngại, không mắc kẹt nơi pháp, nên lập cũng được không lập cũng được.

Có vị Pháp sư thông Tam tạng đến hỏi Thiền sư Huệ Hải ở Đại Châu:

- Chân như có biến đổi chăng?

Thiền sư Huệ Hải đáp:

- Có biến đổi.

Pháp sư nói:

- Thiền sư nói lầm rồi!

Thiền sư Huệ Hải bảo:

- Đại đức có Chân như chăng?

Pháp sư đáp:

- Có.

Sư bảo:

- Nếu không biến đổi thì quyết định ông là phàm tăng. Đâu chẳng nghe thiện tri thức thì hay chuyển ba độc thành ba nhóm tịnh giới, chuyển sáu thức thành sáu thần thông, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển vô minh thành đại trí tuệ. Như vậy chân như nếu không biến đổi thì đại đức thật là ngoại đạo, chủ trương tự nhiên vậy.

Pháp sư hỏi lại:

- Nếu như vậy thì Chân như tức có biến đổi?

Sư bảo:

- Nếu chấp Chân như có biến đổi cũng là ngoại đạo.

Pháp sư hỏi lại:

- Thiền sư mới vừa nói Chân như có biến đổi, giờ nói không biến đổi, như vậy thì thế nào mới là thật đúng?

Sư bảo:

- Nếu người thấy tánh rõ ràng, như hạt minh châu ma-ni hiện sắc, nói biến đổi cũng được, nói không biến đổi cũng được. Nếu người không thấy tánh, nghe nói chân như biến đổi bèn hiểu biến đổi, nghe nói không biến đổi bèn hiểu không biến đổi.

Chân như là không sanh không diệt, đa số người học Phật đều hiểu Chân như không biến đổi. Vị pháp sư này chấp một chiều chân như không biến đổi nên Thiền sư nói có biến đổi để phá chấp.

Người mê theo lời nói mà sanh hiểu, chấp theo chữ nghĩa rồi bị ngôn ngữ chuyển nên mắc kẹt, không được tự do. Người thấy tánh hiểu ý chứ không kẹt nơi lời, tự có trí tuệ nên thấy suốt qua ngôn ngữ, đạt được ý sâu trong đó nên không bị ngôn ngữ làm ngăn ngại, do đó nói biến đổi cũng được nói không biến đổi cũng được. Tức có ý chỉ, không phải nói biến đổi rồi thành biến đổi hoặc nói không biến đổi thì thành không biến đổi.

Chí Thành lại bạch thêm với Sư:

- Thế nào là nghĩa chẳng lập?

Sư bảo:

- Tự tánh không quấy, không si, không loạn, niệm niệm Bát-nhã luôn chiếu soi, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, ngang dọc trọn đều được, có gì đáng lập? Tự tánh tự ngộ, chóng ngộ chóng tu, cũng không có thứ lớp, do đó chẳng lập tất cả pháp. Các pháp vốn lặng lẽ, có thứ lớp gì?

Chí Thành lễ bái, nguyện theo hầu Sư rất siêng năng.

Thành người quê ở Thái Hòa, châu Cát.

Lục Tổ giải thêm về nghĩa chẳng lập, bởi tự tánh vốn không quấy, không si, không loạn, niệm niệm Bát-nhã luôn chiếu soi, không có mê đâu còn phải lập thêm cái gì trong đó nữa! Do mê mới có lập. Tự tánh đã không quấy, không si, không loạn mà còn lập thêm pháp giới-định-huệ trong đó, giữ cho không quấy, không si, không loạn thì có phải “đầu thêm đầu” không? Tức biến nó thành cái có quấy, có si, có loạn, mê là chỗ đó, là tự che mờ tự tánh, tự trái bỏ với tự tánh.

Tự tánh là tự ngộ, chóng ngộ, chóng tu, không có thêm bớt thứ lớp, lập thêm thứ lớp trong đó là tự đánh mất nó, trái với tự tánh. Đây khiến cho người chóng ngộ trở lại tự tánh sẵn có, không do tạo tác mà thành. Rốt ráo vốn vô sở đắc, tu tập đến chỗ cuối cùng là không còn thấy có đắc. Nhưng không phải vô sở đắc là không có gì hết, chính vô sở đắc mới là thật đắc, có sở đắc lại không phải thật đắc. Chúng ta trước mê không biết gì, giờ biết được, sống được với trí tuệ sáng suốt, diệu dụng không thể nghĩ bàn, vậy là quá tốt đâu cần gì thêm. Cho nên không phải phá bỏ hết tất cả pháp thành không, vì pháp tánh vốn tự không rồi.

***

Tăng Chí Triệt, người quê ở Giang Tây, tên Trương Hành Xương, lúc trẻ làm hiệp khách. Từ khi chia ra Nam Bắc, tuy vị chủ của hai tông đã quên ta-người, mà đồ chúng thì tranh nhau dấy lòng yêu-ghét. Lúc đó đệ tử của Bắc tông tự lập Đại sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng còn ngại Tổ sư truyền y khắp nơi đều nghe biết. Họ bèn nhờ Hành Xương đến ám sát Sư. Sư đã được tha tâm thông, biết trước việc ấy, liền đem mười lạng vàng để dưới chỗ ngồi. Đang đêm tối, Hành Xương vào thất Tổ, sắp muốn hại, Sư đưa cổ đến cho chém. Hành Xương vung đao ba lần, thảy đều không chém được. Sư bảo:

- Kiếm chánh thì chẳng có tâm tà, kiếm dùng với tâm tà thì chẳng thành chánh nghĩa. Chỉ nợ tiền với ông mà chẳng nợ mạng với ông.

Hành Xương hốt hoảng té xỉu, giây lâu mới tỉnh lại, cầu xin sám hối tội lỗi, nguyện xuất gia. Sư bèn lấy vàng trao cho bảo:

- Ông hãy đi, e đồ chúng trở lại làm hại ông. Ngày khác, ông có thể thay đổi hình dáng mà đến, tôi sẽ tiếp nhận.

Tăng Chí Triệt tên là Trương Hành Xương, nhóm đồ đệ của Ngài Thần Tú nhờ ông đến ám sát Lục Tổ nhưng không thành. Lục Tổ có thần thông nên biết trước, Ngài không có nghiệp đó: “Chỉ nợ tiền với ông mà chẳng nợ mạng với ông”. Nếu có nợ mạng thì Ngài cũng đành chịu.

Người hiểu rõ nhân quả thì không có tâm theo thế gian, không lo sợ cũng không oán hờn, biết rõ là nhân quả. Người thế gian nếu biết có người đến giết thì lo sợ hoặc oán hờn, nếu bắt được thì xử thôi, còn đây hiểu được nhân quả, sống theo đạo lý. Cho thấy rằng lúc này đang có sự tranh chấp của đồ chúng giữa hai tông. “Tuy vị chủ của hai tông đã quên ta và người”. Người trên thì không có gì, đều là do người dưới chưa chịu quên tâm nhân ngã mà ra. Trong đây cho thấy tâm Lục Tổ rất rộng rãi, chẳng những lấy vàng trao cho bảo ông hãy đi, sợ rằng đồ chúng bắt được sẽ hại ông, còn dặn nếu muốn xuất gia thì thời gian sau thay đổi hình dáng hãy trở lại, sẽ tiếp nhận. Ngài không bỏ.

Hành Xương vâng lời dạy, đang đêm trốn đi, sau đó xuất gia làm tăng. Một hôm Hành Xương nhớ lời Sư dặn, từ xa đến gặp Ngài. Sư bảo:

- Ta nhớ ông đã lâu, sao ông đến chậm vậy?

Tinh thần Lục Tổ thật đáng kính, người giết mình mà lại nhớ, không oán hờn.

Hành Xương thưa:

- Ngày trước được Hòa thượng tha tội, nay dù xuất gia, tu khổ hạnh, trọn khó đền đáp ân đức ấy, hoặc là chỉ có cách truyền pháp độ sanh ư! Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu nghĩa thường và vô thường, mong Hòa thượng từ bi giải nói tóm tắt cho.

Sư bảo:

- Vô thường tức Phật tánh. Hữu thường tức tâm phân biệt tất cả pháp thiện ác.

Hành Xương thưa:

- Điều Hòa thượng nói rất trái với văn kinh.

Sư bảo:

- Ta truyền tâm ấn Phật, đâu dám trái với kinh Phật.

Hành Xương thưa:

- Kinh nói Phật tánh là thường, Hòa thượng lại nói vô thường, còn các pháp thiện ác, cho đến tâm Bồ-đề đều là vô thường, Hòa thượng lại nói là thường. Điều này tức trái nhau, khiến cho học nhân càng thêm nghi lầm.

Sư bảo:

- Kinh Niết Bàn, trước kia tôi đã nghe cô ni Vô Tận Tạng đọc qua một lần liền giảng nói cho cô nghe, không có một chữ, một nghĩa nào chẳng hợp với văn kinh, cho đến vì ông nói cũng hoàn toàn không có hai lời.

Hành Xương thưa:

- Chỗ hiểu biết của học nhân cạn cợt, mong Hòa thượng chìu uốn mở bày chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Ông biết chăng? Phật tánh nếu là thường, còn nói cái gì là các pháp thiện ác, cho đến cùng kiếp cũng không có một người phát tâm Bồ-đề, vì vậy tôi nói vô thường chính là đạo chân thường của Phật nói. Lại, tất cả các pháp nếu là vô thường, tức mỗi vật đều có tự tánh dung nhận sanh tử, mà tánh chân thường có chỗ chẳng khắp, vì vậy tôi nói thường, chính là nghĩa chân vô thường của Phật nói. Phật nhân vì phàm phu, ngoại đạo chấp theo tà thường, các hàng Nhị thừa đối với thường chấp vô thường cộng chung thành tám thứ điên đảo, nên trong giáo lý Niết-bàn liễu nghĩa, phá tà kiến của họ mà nói rõ chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Nay ông nương theo lời nói mà trái với nghĩa, lấy cái vô thường theo đoạn diệt và cái thường chết cứng mà hiểu lầm lời nói sâu xa, viên diệu rốt sau của Phật, dẫu xem ngàn lần có ích gì!

Hành Xương khi ấy đã xuất gia đến gặp Lục Tổ thưa hỏi về nghĩa thường và vô thường trong kinh Niết Bàn. Kinh nói: “Phật tánh là thường, những pháp hữu vi từ thân tâm cho đến cảnh vật bên ngoài đều vô thường”. Tổ đáp: “Phật tánh là vô thường, còn tâm suy nghĩ phân biệt là thường”, trái ngược với nghĩa thông thường. Đây là chỗ người học đạo phải hiểu kỹ. Nghĩa thường Phật nói không giống như nghĩa thường chúng ta hiểu. Chúng ta hiểu “thường” là tánh thường cứng nhắc, không đổi.

Thông thường chúng ta hiểu vô thường là vô thường, thường là thường, vô thường đối lập với thường, thành ra đánh mất chân nghĩa của Phật dạy. Thấy có cái thường ngoài vô thường, cũng như có cái vô thường ngoài cái thường thành có hai tánh riêng. Nếu chấp Phật tánh theo nghĩa thường cứng nhắc một chiều như vậy thì sao? Thấy Phật tánh là thường, đối lập với vô thường. Chúng sanh lại là vô thường, thế thì Phật tánh cách biệt với chúng sanh, làm sao có chúng sanh phát tâm Bồ-đề được? Tức là đẩy Phật tánh ra ngoài chúng sanh. Nếu chân thường thì không có ngại với vô thường.

Nếu chấp vô thường một chiều cứng nhắc thì thành đoạn diệt, tức là có tánh vô thường. Tánh vô thường vào khắp mọi vật, thành chướng ngăn tánh chân thường không vào được, tức bị ngăn ngại, chống đối với tánh chân thường, khiến cho tánh chân thường bị giới hạn, không được trùm khắp. Thành ra hai tánh chống trái nhau, đó là lầm ý của Phật dạy. Không biết rằng ý của Phật nói chân thường hay nói vô thường đều là vì phá chấp cho người.

Ngoại đạo chấp tà thường, tức không phải thường mà chấp là thường, cho nên Phật nói vô thường để người không có lầm theo. Nhị thừa chấp một bề vô thường, cho là Phật tánh cũng vô thường, không có Phật tánh, nên Phật nói chân thường để không bị chìm theo đó. Đó đều là phương tiện phá chấp, chúng ta không nên nghe theo đó mà hiểu một chiều. Người chấp thường thì Phật nói vô thường, người chấp vô thường Phật nói thường để phá chấp. Nếu người không còn chấp thì sao? Người hết chấp thì vượt lên thường và vô thường, cho nên nói thường cũng được mà nói vô thường cũng được, không mắc kẹt, không mê theo đó. Nói thường mà không mê theo tướng thường, nói vô thường cũng không mê theo tướng vô thường. Chúng ta học đây mới thấy được những ý nghĩa sâu xa đó, không thể chấp hiểu một bề theo chữ nghĩa.

Hành Xương bỗng nhiên đại ngộ, nói bài kệ:

     Nhân giữ tâm vô thường,

     Phật nói tánh hữu thường.

     Chẳng biết là phương tiện,

     Giống lượm sỏi ao xuân.

     Nay con chẳng ra công,

     Mà Phật tánh hiện tiền.

     Chẳng phải thầy trao cho,

     Con cũng không chỗ được.

Sư bảo:

- Nay ông đã thấu triệt, nên đặt tên là Chí Triệt.

Chí Triệt lễ tạ rồi lui.

Đến đây, Trương Hành Xương tỏ ngộ, nói kệ trình kiến giải. Do người chấp giữ tâm vô thường nghĩ đó là rốt ráo, nên Phật nói tánh hữu thường để trừ chấp cho người, đó cũng là phương tiện phá chấp. Người không hiểu, cho rằng có tánh hữu thường ngoài vô thường để mình đạt đến, đó là lầm. Như chúng ta nghe nói Phật tánh là thường, nghĩ là ngoài thân vô thường này, nên ráng tu để đạt đến Phật tánh, vậy là bỏ cái này để đạt đến cái kia, đó là hiểu lầm ý Phật.

Giống như lượm sỏi ao xuân. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng: Mùa xuân, có nhóm người đi chơi bơi thuyền trong ao, chợt có người làm rơi hạt châu xuống ao. Nhiều người vội vàng nhảy xuống ao tranh nhau vớt hạt châu, nhưng họ chỉ vớt lên những hạt sỏi mà tưởng là châu, nói tôi được châu rồi. Có người trí đợi nước lắng trong, nhìn thấy rõ chỗ của hạt châu, rồi nhẹ nhàng từ từ lặn ngay xuống đó lấy đúng hạt châu. Lượm sỏi ao xuân dụ cho những người lăng xăng vội vàng không hiểu được ý Phật, nhận phương tiện cho là thật, như lượm sỏi cho là châu. Người trí thì định tâm lặng lẽ, dùng trí tuệ thấy đúng như thật, hiểu thấu được ý Phật.

“Nay con chẳng ra công, mà Phật tánh hiện tiền”. Không tốn công mà Phật tánh hiện tiền, tức không phải dùng tâm sanh diệt để nhận càn, để cầu được. Phật tánh sẵn nơi chính mình, không do tạo tác mà được, nên nói không ra công mà được. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ngồi chơi mà được, nên nói: “Chẳng phải thầy trao cho, con cũng không chỗ được”. Tuy sẵn có, không cần phải ra công mà vẫn được, nhưng nhờ thầy chỉ cho mới được, nếu không nhờ thầy chỉ dạy thì làm sao biết! Không phải ngồi chơi mà được, không phải nói vậy là phủ nhận cái ân của thầy. Học hiểu thấu đáo để không có cái hiểu theo một chiều, nghiêng lệch một bên.

Về sau, tăng Chí Triệt đến vùng Giang Tây ở chùa Tháp Hạ (cũng gọi chùa Từ Vân) để truyền bá Thiền pháp của Lục Tổ.

***

Có một đồng tử tên Thần Hội, 13 tuổi, họ Cao, quê ở Tương Dương, từ Ngọc Tuyền đến lễ Sư. Sư bảo:

- Tri thức từ xa gian khổ đến đây, có đem được gốc đến chăng? Nếu có gốc nên biết chủ, thử nói xem!

Hội thưa:

- Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.

Sư bảo:

- Sa-di này đâu nên nói lời cẩu thả như thế!

Rồi lấy gậy đánh ba gậy.

Hội bèn hỏi:

- Hòa thượng ngồi thiền lại thấy hay chẳng thấy?

Sư bảo:

- Ta đánh ông là đau hay chẳng đau?

Hội đáp:

- Cũng đau cũng chẳng đau.

Sư bảo:

- Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.

Thần Hội hỏi:

- Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?

Sư bảo:

- Chỗ tôi thấy là thường thấy lỗi lầm của tự tâm, mà chẳng thấy điều phải quấy, tốt xấu của người khác, do đó cũng thấy cũng chẳng thấy. Ông nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Ông nếu nói chẳng đau thì đồng với cỏ cây, nếu đau thì đồng với phàm phu liền khởi lòng nóng giận. Ông trước nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ông còn chẳng thấy tự tánh, lại dám đùa với người!

Thần Hội lễ bái tạ lỗi.

Ngài Thần Hội (668-760), có thuyết nói sanh năm 686. Đây nói Sư mười ba tuổi đến gặp Lục Tổ Huệ Năng. Tài liệu khác ghi, Sư lúc nhỏ học tập Ngũ kinh (năm bộ kinh của nhà Nho), kế đó nghiên cứu về Lão Trang, khi đọc đến Hậu Hán Thư mới hiểu rõ Phật giáo, hướng về Phật pháp. Sư đến xuất gia với Thiền sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xương tại quê nhà. Năm ba mươi tuổi mới đến chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu học thiền pháp với Ngài Thần Tú. Niên hiệu Cửu Thị Nguyên Niên (tức khoảng năm 700) Võ Tắc Thiên mời Ngài Thần Tú vào cung thuyết pháp. Nhân Ngài Thần Tú khuyên hàng đệ tử đến Thiều Châu tham học với Tổ Huệ Năng, do đó Sư mới đi đến Tào Khê gặp Lục Tổ. Tài liệu này có sai biệt chút ít so với bản kinh này.

Ngài Thần Hội đến gặp Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: “Tri thức từ xa gian khổ đến đây có đem được gốc đến chăng? Nếu có gốc thì nên biết chủ, thử nói xem?”. Thần Hội lanh lợi, trả lời khẳng khái chứ không rụt rè: “Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ”. Câu đáp rất hay, rất khéo. Nhưng Lục Tổ chưa chấp nhận. Tổ thấy ông này chỉ hiểu trên tình thức, chứ chưa thật thấy tánh nên bảo: “Sa-di này không nên nói lời cẩu thả như vậy” rồi đánh ba gậy. Ngài Thần Hội không sợ sệt, còn hỏi lại: “Hòa thượng ngồi thiền thấy hay chẳng thấy?”. Mới nghe, thấy câu hỏi có lý, nhưng hỏi vậy là mắc kẹt rồi. Lục Tổ gạn lại để quở trách: “Như ta đánh ông thì đau hay chẳng đau?”. Ngài Thần Hội cũng lanh lợi, đáp: “Cũng đau, cũng chẳng đau”. Thấy có lý, nhưng lý đó là theo tình thức lanh lợi, chưa thật thấy tánh nên vẫn còn mắc kẹt. Lục Tổ nói: “Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy”. Ngài Thần Hội hỏi: “Thế nào là cũng thấy, cũng chẳng thấy?”.

Lục Tổ khai thị: “Chỗ tôi thấy là thường thấy lỗi lầm của tự tâm, mà chẳng thấy những điều phải quấy, tốt xấu của người khác”. Thấy chẳng thấy của Tổ là như vậy, đây là chỗ thấy của bậc trí tuệ. Tổ ngầm nhắc ông phải biết thường quán trở lại chính mình, thường thấy lỗi nơi tự tâm của mình mà không thấy điều phải-quấy, tốt-xấu của người khác. Thói quen của người đời là hướng ra ngoài thấy lỗi của người. Tu hành là sửa đổi, có thấy trở lại tự tâm mới thấy những xấu dở lỗi lầm trong tâm mà biết để sửa đổi. Thấy ta lỗi, cũng xấu như người, nhờ vậy mà bớt kiêu căng. Nếu thấy lỗi của người khác, thấy người này người kia đều có lỗi, thế gian ai cũng xấu chỉ có ta tốt, ngay đó là tự xấu rồi mà không hay. Do thấy lỗi người, rồi đi phê bình chỉ trích là càng tạo thêm nghiệp xấu cho mình, nên Lục Tổ trước có nói: “Thấy lỗi người thì lỗi mình đến bên cạnh”. Đó là bệnh thế gian hay đi kiểm điểm người khác lại quên kiểm điểm mình.

Kế là Tổ chỉ ra chỗ thấy suông, lỗi lầm của Ngài Thần Hội: “Ông nói cũng đau, cũng chẳng đau là thế nào? Ông nếu nói chẳng đau thì đồng với cỏ cây, nếu đau thì đồng với phàm phu”. Cả hai đau và chẳng đau đều có lỗi, đều mắc kẹt hết. Nên quở: “Chưa thấy đạo mà dám đùa với người”. Ngài Thần Hội nghe lời khai thị của Tổ, tự biết lỗi lầm nên lễ bái tạ lỗi.

Sư lại bảo:

- Nếu ông tâm mê chẳng thấy thì hỏi thiện tri thức tìm lối đi. Nếu ông tâm tỏ ngộ, liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ông tự mê chẳng thấy tự tâm, lại đến hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy. Tôi thấy thì tự mình biết, há thay cái mê cho ông; nếu ông tự thấy cũng chẳng thay cái mê cho tôi. Sao chẳng tự biết, tự thấy mà đi hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy!

Thần Hội lại lễ bái hơn trăm lạy xin tạ lỗi, siêng năng theo hầu Sư chẳng rời bên cạnh.

Tổ quở thêm, nếu ông tâm còn mê thì phải biết thành thật mà thưa hỏi bậc thiện tri thức chỉ cho biết lối đi sáng tỏ để tu hành, chứ tâm còn mê mà làm ra vẻ hiểu biết thì đáng quở trách. Nếu tâm ông đã thật sự tỏ ngộ thì tự biết lối đi, y pháp tu hành, vậy đâu có thời giờ đi hỏi chuyện của người khác, hỏi Tổ thấy hay chẳng thấy để làm gì? Tổ thấy hay chẳng thấy là chuyện của Tổ. Nên Tổ quở: “Tôi thấy thì tự mình biết há thay cái mê cho ông, nếu ông tự thấy cũng chẳng thay cái mê cho tôi”.

Đây là bệnh chung của một số người được chút ít lanh lợi rồi lo đi kiểm điểm người khác, tưởng như vậy là ta hay, tỏ ra là người hiểu biết, nhưng không ngờ lại càng bày cái lỗi của chính mình. Chúng ta học đạo phải thấy rõ ràng để ngăn ngừa. Học thiền cũng vậy, một số người học hiểu được chút ít thiền rồi đi kiểm điểm người khác, xem người đã ngộ chưa? Sự thật thì chính mình chưa ngộ. Nếu hỏi mà người khác trả lời không được thì sanh tâm kiêu ngạo, nếu bị người gạn lại mình trả lời không được thì buồn tức hoặc hận, sanh phiền não, người chân thành học đạo cần phải tránh lỗi này. Nên nhớ, muốn tỏ ra mình là người hiểu biết, tức thành ra thiếu hiểu biết!

Một hôm, Sư bảo chúng:

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không sau lưng không trước mặt, mọi người có biết chăng?

Thần Hội ra thưa:

- Đó là cội nguồn của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Sư bảo:

- Đã nói với ông là không tên không chữ ông còn gọi là cội nguồn, là Phật tánh, về sau ông chỉ là hạng tông đồ tri giải.

Đây là bài học cho người học thiền: Lỗi của tình thức lanh lợi. Tổ đưa ra câu hỏi cũng là cái bẫy ngầm, đã ngăn ngừa trước: “Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không chữ”. Nhưng Ngài Thần Hội cũng lầm theo ngôn ngữ chữ nghĩa, tuy hiểu nhưng chưa thoát ra ngoài ngôn ngữ văn tự, vẫn còn trong tình thức. Tổ cảnh tỉnh: “Ta đã nói với ông là không tên, không chữ, ông còn gọi là cội nguồn, là Phật tánh”. Nói vậy là quá nhiều chữ rồi. Mới thấy tình thức lanh lợi như thế, chúng ta không theo kịp nên bị gạt. Người đi trên đường kiến tánh cần phải cẩn thận chỗ này, đây gọi là “bệnh tri giải”.

Thiền sư Hối Am - Di Quang một hôm vào thất của Thiền sư Đại Huệ. Ngài Đại Huệ gạn hỏi:

- Ăn cháo xong, rửa bát rồi, dẹp hết thuốc và kỵ, nói cho một câu!

Thuốc và kỵ chỉ cho phương tiện ngôn ngữ nói năng.

Sư thưa:

- Vỡ nát.

Ngài Đại Huệ liền chấn chỉnh oai nghi, hét một tiếng bảo:

- Ông lại nói thiền nữa rồi!

Sư liền hoát nhiên đại ngộ.

Đã bảo ông dẹp hết thuốc và kỵ, ông còn nói chữ nghĩa. Đó cũng là kinh nghiệm cho người học thiền.

Về sau, Thần Hội vào Kinh Lạc hoằng dương Đốn giáo của Tào Khê, trước tác quyển Hiển Tông Ký truyền rộng rãi ở đời.

Đây là tóm lược, về sau Ngài Thần Hội vào Kinh Lạc hoằng truyền Đốn giáo của Tào Khê là một sự kiện rất lớn. Đương thời, môn hạ của Ngài Thần Tú tôn Ngài Thần Tú làm Tổ thứ sáu, tôn Ngài Phổ Tịch tức đệ tử Ngài Thần Tú là Tổ thứ bảy, uy thế rất lớn, được vua mời thỉnh vào cung, cho nên không ai dám nghi ngờ. Lục Tổ tuy được Ngũ Tổ truyền y bát, nhưng là truyền kín ít người biết, lại phải lánh nạn. Ngài Thần Hội không chấp nhận, sẵn sàng phản bác để lấy lại chính thống cho Lục Tổ Huệ Năng. Ngài rất nhiệt tình cật lực xiển dương không kể thân mạng, tuyên bố Nam tông của Lục Tổ Huệ Năng mới là chính thống, và khẳng định Bắc tông của Ngài Thần Tú là thuộc nhánh phụ, bởi Ngũ Tổ chính thức truyền y bát cho Lục Tổ. Những việc làm đó làm Ngài gặp không ít nguy hiểm.

Như Pháp sư Sùng Viễn chất vấn Sư:

- Thiền sư Phổ Tịch là người mà cả nước đều biết tên, Ngài lại bài bác như thế, chẳng sợ nguy hiểm đến tánh mạng hay sao?

Ngài Thần Hội tuyên bố:

- Tôi nay vì hoằng dương Đại thừa, kiến lập chánh pháp cho tất cả chúng sanh biết rõ, há có tiếc gì thân mạng!

Và quả nhiên, Sư gặp nhiều hoạn nạn. Vào năm Thiên Bảo thứ tư đời vua Đường Huyền Tông (năm 745), Sư được Binh bộ thị lang Tống Đỉnh thỉnh vào Lạc Dương trụ trì chùa Hà Trạch. Đến năm Thiên Bảo thứ 12 (năm 753), Sư bị dời đến quận Hoa Dương ở Giang Tây, sau lại chuyển đến quận Võ Đang ở Hồ Bắc, đến năm sau lại bị chuyển đến Tương Châu, sau đó chuyển đến chùa Khai Nguyên ở Kinh Châu, trong vòng hai năm Sư bị chuyển đi đến bốn nơi. Theo tài liệu nghiên cứu, việc Sư bị chuyển đi đều do môn đồ của Ngài Thần Tú (Bắc tông) gây ra, muốn đẩy Sư đi xa kinh đô. Ngài Thần Hội không nhục chí, vẫn ra sức xiển dương thiền pháp Đốn giáo, định tông chỉ cho Nam tông của Lục Tổ, Ngài có công rất lớn.

Lúc ở Hoạt Đài lập đại hội, Sư tuyên bố rằng: “Vì những người học đạo trong thiên hạ mà biện rõ thị phi, vì những người học đạo trong thiên hạ mà định rõ tông chỉ ấy”.

Sư từng được vua Túc Tông thỉnh vào cung cúng dường, cho tạo đạo tràng thiền ở trong chùa Hà Trạch. Nhân cơ hội này, Ngài Thần Hội thực hiện hai việc lớn cho Nam tông là lập tên thụy cho Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, thỉnh áo cà-sa của Lục Tổ đã được truyền, đưa vào cung vua để cúng dường. Kết quả là địa vị của Lục Tổ Huệ Năng và Ngài Thần Hội được trọng vọng.

Đến niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu tức năm 760 ngày 13 tháng 5, Sư tịch ở chùa Hà Trạch tại Lạc Dương, hưởng thọ 93 tuổi, xây tháp ở chùa Bảo Ứng - Lạc Dương, được tên thụy là Chân Tông Đại Sư.

Sư có trước tác quyển Hiển Tông Ký cũng gọi là Đốn Ngộ Vô Sanh Bát Nhã Tụng và Hà Trạch Thần Hội Ngữ Lục cũng gọi là Bồ-đề Đạt-ma Nam Tông Định Thị Phi Luận. Đương thời, phái thiền của Ngài Thần Hội gọi là phái Hà Trạch Tông, đường lối nhấn mạnh về “Cái biết”. Cho nên có câu: “Tri chi nhất tự chúng diệu chi môn”, một chữ “biết” là cửa các thứ nhiệm mầu. Tuy nhiên do nhiều nhân duyên, tông của Ngài truyền không lâu dài, về sau được thay thế bởi hai phái Thanh Nguyên và Nam Nhạc.

***

Đến đây, Sư thấy các tông nạn vấn nhau đều dấy tâm ác và thường nhóm họp dưới tòa, nên thương xót bảo:

- Người học đạo thì lẽ ra tất cả niệm thiện, niệm ác phải trừ sạch, không tên có thể gọi, gọi là tự tánh; tánh không hai, gọi là thật tánh. Ở trên thật tánh dựng lập tất cả giáo môn, ngay lời nói cần tự thấy.

Mọi người nghe Sư nói, thảy đều làm lễ, xin thờ làm thầy.

Lục Tổ thấy những người học ở các Tông đến không phải vì pháp mà vì vấn nạn nhau, tranh hơn-thua cao-thấp nên thương xót khai thị cho để trừ những tâm xấu đó. Người học đạo đúng ra phải trừ cả các việc thiện-ác, còn không có tên có thể gọi thì có gì để tranh với nhau! Học đạo phải làm sao để ngộ đạo, còn tranh nhau thì làm sao ngộ? Do đó cần phải soi trở lại tự tánh, tỏ ngộ tánh không hai, lìa các niệm phân biệt kia-đây mới gọi là thật tánh, tranh nhau thì không thể thấy thật tánh. “Trên thật tánh dựng lập tất cả giáo môn”. Tất cả giáo môn không rời thật tánh riêng có, thật tánh thì không có hai. Người khéo thì ngay lời nói cần tự thấy trở lại, chớ kẹt trên phương tiện dựng lập mà thành ngăn ngại với nhau, là thường mắc kẹt trên ngọn mà quên gốc.

Lục Tổ khai thị răn nhắc cho tất cả xả trừ cái tâm kia-đây. Mọi người cảm nhận được lời của Tổ nên đều kính lễ, thờ làm thầy, bỏ tâm xấu chia tông chia phái thành trái với đạo.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08268
  • Online: 12