Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 10 - PHÓ CHÚC LƯU THÔNG
26/02/2020 | Lượt xem: 2832
Dịch giảng: HT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
Năm Nhâm Tý, đầu niên hiệu Thái Cực (712), Sư sai môn nhân qua chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây tháp, đồng thời đốc thúc thợ làm. Cuối mùa hạ năm sau thì hoàn thành. Ngày 1 tháng 7, Sư nhóm đồ chúng, bảo:
- Đến tháng 8, ta muốn lìa thế gian, các ông có ai nghi điều gì cần hỏi sớm, ta sẽ giải nghi cho khiến các ông sạch hết mê. Nếu sau khi ta diệt rồi không người dạy các ông.
Pháp Hải v.v... nghe Sư nói, thảy đều rơi nước mắt mà khóc. Chỉ có Thần Hội là thần tình chẳng động, cũng không khóc. Sư bảo:
- Tiểu sư Thần Hội lại được thiện-ác bình đẳng, chê-khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh, ngoài ra đều chẳng được. Mấy năm ở trong núi trọn tu cái đạo gì? Nay các ông buồn khóc là lo cho ai? Nếu lo cho tôi chẳng biết chỗ đi, thì tôi tự biết chỗ đi, nếu tôi không biết chỗ đi thì trọn chẳng báo trước cho các ông. Các ông buồn khóc, bởi vì chẳng biết chỗ đi của tôi, nếu biết chỗ đi của tôi, tức chẳng nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không sanh diệt đến đi. Các ông hãy ngồi hết xuống đây, tôi sẽ nói cho một bài kệ gọi là Chân Giả Động Tĩnh kệ. Các ông học thuộc bài kệ này thì đồng với ý tôi, nương theo bài kệ này tu hành ắt chẳng mất tông chỉ.
Chúng Tăng làm lễ thỉnh Sư nói kệ:
Tất cả không có chân,
Chẳng dùng thấy nơi chân.
Nếu người thấy nơi chân,
Thấy ấy trọn chẳng chân.
Nếu hay tự có chân,
Lìa giả tức là chân.
Tự tâm chẳng lìa giả,
Không chân chỗ nào chân?
Hữu tình tức biết động,
Vô tình tức chẳng động.
Nếu tu hạnh chẳng động,
Đồng vô tình chẳng động.
Nếu tìm chân chẳng động,
Trên động có chẳng động.
Chẳng động là chẳng động,
Vô tình không giống Phật.
Hay khéo phân biệt tướng,
Nghĩa đệ nhất chẳng động.
Chỉ khởi thấy như thế,
Tức là chân như dụng.
Báo những người học đạo,
Gắng sức cần dụng ý.
Chớ đối cửa Đại thừa,
Lại chấp trí sanh tử.
Nếu ngay lời tương ưng,
Liền cùng bàn nghĩa Phật.
Nếu thật chẳng tương ưng,
Chắp tay khiến hoan hỷ.
Tông này vốn không tranh,
Tranh liền mất ý đạo.
Chấp pháp môn tranh cãi,
Tự tánh vào sanh tử.
Âm:
Nhất thiết vô hữu chân,
Bất dĩ kiến ư chân.
Nhược kiến ư chân giả,
Thị kiến tận phi chân.
Nhược năng tự hữu chân,
Ly giả tức tâm chân.
Tự tâm bất ly giả,
Vô chân hà xứ chân.
Hữu tình tức giải động,
Vô tình tức bất động.
Nhược tu bất động hạnh,
Đồng vô tình bất động.
Nhược mích chân bất động,
Động thượng hữu bất động.
Bất động thị bất động,
Vô tình vô Phật chủng.
Năng thiện phân biệt tướng.
Đệ nhất nghĩa bất động.
Đản tác như thử kiến,
Tức thị chân như dụng.
Báo chư học đạo nhân,
Nỗ lực tu dụng ý.
Mạc ư Đại thừa môn,
Khước chấp sanh tử trí.
Nhược ngôn hạ tương ưng,
Tức cộng luận Phật nghĩa.
Nhược thật bất tương ưng,
Hiệp chưởng linh hoan hỷ.
Thử tông bổn vô tránh,
Tránh tức thất đạo ý.
Chấp nghịch tránh pháp môn,
Tự tánh nhập sanh tử.
***
Đồ chúng nghe nói kệ xong, cả thảy đều làm lễ, đồng thời thể nhận ý Sư, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành trọn chẳng dám tranh cãi. Đã biết Sư chẳng còn ở đời lâu, Thượng tọa Pháp Hải lại lễ bái hỏi:
- Sau khi Hòa thượng tịch, y pháp sẽ trao phó cho ai?
Sư bảo:
- Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến hiện nay, hãy biên chép lại để truyền rộng ra, đề tên Pháp Bảo Đàn Kinh. Các ông giữ gìn lần lượt truyền trao cho nhau để độ các quần sanh. Chỉ nương theo lời nói đây, đó gọi là chánh pháp. Nay đã vì các ông mà nói pháp, nhưng chẳng trao y. Bởi vì các ông lòng tin đã thuần thục, quyết định không nghi ngờ, kham nhận việc lớn. Song y cứ theo ý kệ của Đại sư Tiên Tổ Đạt-ma đã trao phó thì y chẳng nên truyền. Kệ nói:
Ta vốn đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Kết trái tự nhiên thành.
Âm:
Ngô bản lai thử độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Tổ nói thêm:
- Này thiện tri thức! Các ông mỗi người hãy lắng nghe tôi nói pháp. Mọi người các ông tự tâm là Phật chớ nghi ngờ nữa. Ngoài không một vật mà hay dựng lập, đều là bổn tâm sanh muôn pháp. Nên kinh nói: “Tâm sanh mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt mỗi mỗi pháp diệt”.
Nếu muốn thành tựu chủng trí, cần đạt Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội. Nếu đối tất cả chỗ mà chẳng trụ tướng, đối trong tướng kia chẳng sanh yêu-ghét, cũng không lấy-bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành-hoại v.v... an nhàn, điềm tĩnh, rỗng suốt vô ngại, lặng lẽ vô tư, đây gọi là Nhất tướng tam-muội. Nếu đối tất cả chỗ đi đứng, ngồi nằm, thuần một tâm ngay thẳng, chẳng động đạo tràng thật thành tịnh độ, đây gọi là Nhất hạnh tam-muội. Nếu người đầy đủ hai thứ tam-muội, như đất có hạt giống, gồm chứa, nuôi lớn, thành thục hạt chắc. Nhất tướng và nhất hạnh cũng lại như thế. Nay tôi nói pháp, giống như cơn mưa nhuận khắp mọi nơi. Phật tánh của các ông, ví như hạt giống gặp mưa này thấm ướt thảy đều nảy mầm. Người tiếp nhận ý chỉ của tôi quyết sẽ được Bồ-đề, y theo tôi mà tu hành nhất định sẽ chứng Diệu quả. Hãy nghe tôi nói kệ:
Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp thảy nảy mầm.
Tình hoa đã chóng ngộ,
Quả Bồ-đề tự thành.
Âm:
Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-đề quả tự thành.
Sư nói kệ xong, lại bảo:
- Pháp ấy không hai, Tâm ấy cũng vậy. Đạo ấy thanh tịnh, cũng không các tướng. Các ông hãy dè dặt chớ quán tịnh và để tâm trống trơn. Tâm này vốn tịnh, không thể lấy bỏ. Mỗi người hãy tự gắng sức, tùy duyên khéo đi!
Bấy giờ đồ chúng làm lễ rồi lui.
***
Ngày mùng 8 tháng 7, Sư chợt bảo môn nhân:
- Tôi muốn về Tân Châu, các ông mau sửa soạn thuyền chèo!
Đại chúng buồn bã cố giữ lại, Sư bảo:
- Chư Phật ra đời vẫn thị hiện Niết-bàn. Có đến ắt có đi, lý cũng thường nhiên. Hình hài của tôi đây, về ắt có chỗ.
Chúng thưa:
- Thầy từ đây đi, bao lâu trở lại?
Sư bảo:
- Lá rụng về cội, lúc đến không báo.
Chúng lại thưa:
- Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho ai?
Sư bảo:
- Người có đạo thì được, người không tâm thì thông.
Lại hỏi:
- Từ đây về sau có nạn gì chăng?
Tổ bảo:
- Sau khi tôi tịch năm sáu năm sẽ có một người muốn lấy đầu tôi. Hãy nghe tôi dự ký:
Trên đầu nuôi thân (cha mẹ).
Trong miệng cần ăn.
Gặp nạn Mãn đó,
Dương Liễu làm quan.
Âm:
Đầu thượng dưỡng thân,
Khẩu lý tu xan.
Ngộ Mãn chi nạn,
Dương Liễu vi quan.
Lại bảo:
- Tôi đi khoảng 70 năm, có hai vị Bồ-tát từ phương đông đến, một xuất gia, một tại gia đồng thời giáo hóa hưng thạnh dựng lập tông của tôi, tu tạo chùa chiền, dòng pháp được tiếp nối vững mạnh.
Lại hỏi:
- Chưa biết Phật, Tổ từ trước ứng hiện đến nay, truyền trao bao nhiêu đời, mong thầy từ bi mở bày chỉ dạy.
Sư bảo:
- Phật xưa ứng hiện ra đời đã vô số chẳng thể tính hết. Nay lấy bảy Đức Phật làm trước hết.
Kiếp Trang Nghiêm của quá khứ có:
- Phật Tỳ Bà Thi
- Phật Thi Khí
- Phật Tỳ Xá Phù
Kiếp Hiền hiện nay có:
- Phật Câu Lưu Tôn
- Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
- Phật Ca Diếp
- Phật Thích Ca Văn
Gồm bảy Đức Phật, rồi tiếp:
01. Phật Thích Ca Văn ban đầu truyền cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp.
02. Tôn giả A-nan
03. Tôn giả Thương-na-hòa-tu
04. Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa
05. Tôn giả Đề-đa-ca
06. Tôn giả Di-giá-ca
07. Tôn giả Bà-tu-mật-đa
08. Tôn giả Phật-đà-nan-đề
09. Tôn giả Phục-đà-mật-đa
10. Tôn giả Hiếp
11. Tôn giả Phú-na-dạ-xa
12. Đại sĩ Mã Minh
13. Tôn giả Ca-tỳ-ma-la
14. Đại sĩ Long Thọ
15. Tôn giả Ca-na-đề-bà
16. Tôn giả Ma-hầu-la-đa
17. Tôn giả Tăng-già-nan-đề
18. Tôn giả Già-da-xá-đa
19 Tôn giả Cưu-ma-la-đa
20. Tôn giả Xà-dạ-đa
21. Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu
22. Tôn giả Ma-noa-la
23. Tôn giả Hạc-lặc-na
24. Tôn giả Sư Tử
25. Tôn giả Bà-xá-tư-đa
26. Tôn giả Bất-như-mật-đa
27. Tôn giả Bát-nhã-đa-la
28. Tôn giả Bồ-đề Đạt-ma. Ngài là Sơ Tổ ở xứ này.
29. Đại sư Huệ Khả
30. Đại sư Tăng Xán
31. Đại sư Đạo Tín
32. Đại sư Hoằng Nhẫn
Huệ Năng là Tổ thứ 33.
- Chư Tổ từ trước mỗi vị đều có tiếp nhận kế thừa. Các ông về sau hãy lần lượt lưu truyền, chớ để cho sai trái.
***
Ngày mùng 3 tháng 8 năm Quý Sửu, đầu niên hiệu Khai Nguyên (722), Sư ở chùa Quốc Ân thọ trai xong, bảo các đồ chúng:
- Các ông mỗi người hãy y theo ngôi thứ mà ngồi xuống, tôi sẽ từ biệt các ông.
Pháp Hải bạch rằng:
- Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho người mê ở đời sau thấy được Phật tánh?
Sư bảo:
- Các ông hãy lắng nghe kỹ, người mê ở đời sau nếu nhận biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng nhận biết chúng sanh thì tìm Phật muôn kiếp khó gặp. Nay tôi dạy cho các ông nhận biết chúng sanh của tự tâm, thấy Phật tánh của tự tâm. Muốn cầu thấy Phật, chỉ nhận biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh. Tự tánh nếu tỏ ngộ thì chúng sanh là Phật, tự tánh nếu bị mê thì Phật là chúng sanh. Tự tánh bình đẳng thì chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm các ông cong vạy tức Phật ở trong chúng sanh, một niệm ngay thẳng tức chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật chính mình đó là Phật thật, chính mình nếu không có tâm Phật thì cầu Phật thật ở đâu? Tự tâm các ông là Phật, lại chớ nghi ngờ. Ngoài tâm không một vật có thể dựng lập, đều là bản tâm sanh muôn thứ pháp, nên kinh nói: “Tâm sanh muôn thứ pháp sanh, tâm diệt muôn thứ pháp diệt”. Nay tôi để lại một bài kệ từ biệt các ông gọi là “Tự Tánh Chân Phật Kệ”. Người đời sau nhận biết ý kệ này, tự thấy bản tâm, tự thành Phật tánh.
Chân như tự tánh là chân Phật,
Tà kiến ba độc đó Ma vương,
Khi có tà mê ma tại nhà,
Lúc đủ chánh kiến nhà có Phật.
Trong tánh tà kiến ba độc sanh,
Liền đó Ma vương đến ở nhà,
Chánh kiến tự trừ tâm ba độc,
Ma biến thành Phật chân không giả.
Pháp thân, báo thân và hóa thân,
Ba thân xưa nay là một thân,
Nếu nhằm trong tánh hay tự thấy,
Chính là nhân Bồ-đề thành Phật.
Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh,
Tánh tịnh thường ở trong hóa thân,
Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo,
Về sau viên mãn thật không cùng.
Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh,
Trừ dâm tức có thân tánh tịnh,
Trong tánh mỗi tự lìa năm dục,
Thấy tánh sát-na tức là chân.
Đời nay nếu gặp môn Đốn giáo,
Chợt gặp tự tánh thấy Thế Tôn,
Nếu muốn tu hành tìm thành Phật,
Chẳng biết chỗ nào định cầu chân.
Nếu hay trong tâm tự thấy chân,
Có chân tức là nhân thành Phật,
Chẳng thấy tự tánh ngoài tìm Phật,
Dấy tâm thảy là kẻ quá si.
Pháp môn Đốn giáo này để lại,
Cứu độ người đời hãy tự tu,
Báo cho người học đạo về sau,
Chẳng khởi thấy này, rất xa xôi!
Âm:
Chân như tự tánh thị chân Phật,
Tà kiến tam độc thị Ma vương.
Tà mê chi thời ma tại xá,
Chánh kiến chi thời Phật tại đường.
Tánh trung tà kiến tam độc sanh,
Tức thị Ma vương lai trụ xá.
Chánh kiến tự trừ tam độc tâm,
Ma biến thành Phật chân vô giả.
Pháp thân báo thân cập hóa thân,
Tam thân bổn lai thị nhất thân.
Nhược hướng tánh trung năng tự kiến,
Tức thị thành Phật Bồ-đề nhân.
Bổn tùng hóa thân sanh tịnh tánh,
Tịnh tánh thường tại hóa thân trung.
Tánh sử hóa thân hành chánh đạo,
Đương lai viên mãn chân vô cùng.
Dâm tánh bổn thị tịnh tánh chân,
Trừ dâm tức thị tịnh tánh thân.
Tánh trung các tự ly ngũ dục,
Kiến tánh sát-na tức thị chân.
Kim sanh nhược ngộ Đốn giáo môn,
Hốt ngộ tự tánh kiến Thế Tôn.
Nhược dục tu hành mích tác Phật,
Bất tri hà xứ nghĩ cầu chân?
Nhược năng tâm trung tự kiến chân,
Hữu chân tức thị thành Phật nhân.
Bất kiến tự tánh ngoại mích Phật,
Khởi tâm tổng thị đại si nhân.
Đốn giáo pháp môn kim dĩ lưu,
Cứu độ thế nhân tu tự tu.
Báo nhữ đương lai học đạo giả,
Bất tác thử kiến đại du du.
***
Sư nói kệ xong, bảo:
- Các ông hãy khéo ở lại, sau khi tôi tịch, chớ làm theo tình đời buồn khóc quá đỗi, nhận người phúng điếu, thân mặc đồ tang, chẳng phải đệ tử tôi cũng chẳng phải chánh pháp.
Chỉ nhận biết bổn tâm mình, thấy bổn tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không đến, không phải không quấy, không ở không qua, e các ông tâm mê mờ, chẳng hiểu ý tôi, nay dặn dò kỹ cho các ông khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi tịch, nương theo đây tu hành thì như ngày tôi hiện còn, nếu trái lời dạy của tôi, dẫu tôi ở đời, cũng không có ích gì.
Sư lại nói kệ:
An nhiên chẳng tu thiện,
Thanh thản chẳng tạo ác,
Lặng lặng dứt thấy nghe,
Thênh thang tâm không mắc.
Âm:
Ngột ngột bất tu thiện,
Đằng đằng bất tạo ác,
Tịch tịch đoạn kiến văn,
Đãng đãng tâm vô trước.
Sư nói kệ xong ngồi ngay thẳng, đến canh ba, chợt bảo môn nhân: “Ta đi thôi!”.
Liền yên lặng mà tịch. Khi ấy mùi hương lạ đầy nhà, cầu vồng trắng cong tới đất, rừng cây biến thành màu trắng, chim thú kêu vang buồn bã.
Đến tháng 11, quan liêu cùng đệ tử tại gia, xuất gia trong ba quận Quảng, Thiều, Tân giành đón chân thân Sư, không ai giải quyết được, bèn thắp hương cầu nguyện rằng: “Khói hương bay chỉ về đâu, là chỗ Sư về”. Lúc đó khói hương bay thẳng hướng Tào Khê.
Ngày 13 tháng 11, dời khám chứa nhục thân Sư cùng với y bát được truyền trở về Tào Khê.
Ngày 25 tháng 07 năm kế mở khám ra, đệ tử Phương Biện lấy bột hương tô trét lên nhục thân. Môn nhân nhớ lời Sư dự ký trước là sẽ bị lấy đầu, bèn dùng lá sắc mỏng bao kín giữ chặt cổ Sư rồi đưa vào trong tháp, bỗng từ trong tháp hiện ra luồng ánh sáng trắng vọt lên trên trời, ba ngày mới tan.
Thiều Châu tâu về triều, vâng sắc lập bia ghi lại đạo hạnh của Sư. Sư hưởng thọ 76 tuổi, 24 tuổi được truyền y, năm 39 tuổi cạo tóc, nói pháp lợi sanh 37 năm, người nhận được yếu chỉ nối pháp 43 người, người ngộ đạo siêu phàm tính không hết.
Tín y do Tổ Đạt-ma truyền, tấm ma-nạp, bát báu do vua Trung Tông ban và tượng chân dung của Sư do Phương Biện đắp, cùng với những đồ dùng ở trong đạo v.v... do thị giả chủ tháp giữ gìn để trấn mãi nơi đạo tràng Bảo Lâm, lưu truyền Đàn Kinh để hiển bày tông chỉ, hưng long Tam Bảo, làm lợi ích quần sanh.
GIẢNG:
Năm Nhâm Tý, đầu niên hiệu Thái Cực (712), Sư sai môn nhân qua chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây tháp, đồng thời đốc thúc thợ làm. Cuối mùa hạ năm sau thì hoàn thành. Ngày 1 tháng 7, Sư nhóm đồ chúng, bảo:
- Đến tháng 8, ta muốn lìa thế gian, các ông có ai nghi điều gì cần hỏi sớm, ta sẽ giải nghi cho khiến các ông sạch hết mê. Nếu sau khi ta diệt rồi không người dạy các ông.
Khi ấy Lục Tổ đang ở chùa Bảo Lâm. Một năm trước khi tịch, Ngài sai môn nhân qua chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây tháp (tức Ngài muốn về quê cũ). Cuối mùa hạ năm sau thì hoàn thành. Ngày mùng 1 tháng 7, Lục Tổ nhóm đồ chúng báo trước tháng sau sẽ lìa thế gian (tức báo trước một tháng ngày ra đi).
Pháp Hải v.v... nghe Sư nói, thảy đều rơi nước mắt mà khóc. Chỉ có Thần Hội là thần tình chẳng động, cũng không khóc. Sư bảo:
- Tiểu sư Thần Hội lại được thiện-ác bình đẳng, chê-khen chẳng động, buồn vui chẳng sanh, ngoài ra đều chẳng được. Mấy năm ở trong núi trọn tu cái đạo gì? Nay các ông buồn khóc là lo cho ai? Nếu lo cho tôi chẳng biết chỗ đi, thì tôi tự biết chỗ đi, nếu tôi không biết chỗ đi thì trọn chẳng báo trước cho các ông. Các ông buồn khóc, bởi vì chẳng biết chỗ đi của tôi, nếu biết chỗ đi của tôi, tức chẳng nên buồn khóc. Pháp tánh vốn không sanh diệt, đến đi. Các ông hãy ngồi hết xuống đây, tôi sẽ nói cho một bài kệ, gọi là Chân Giả Động Tĩnh kệ. Các ông học thuộc bài kệ này thì đồng với ý tôi, nương theo bài kệ này tu hành ắt chẳng mất tông chỉ.
Khi nghe Lục Tổ báo trước tháng sau sẽ đi, đa số người trong chúng đều khóc, mặc dù xuất gia tu hành nhưng chưa giải thoát, chưa đắc đạo thành ra còn có tình thế gian. Chỉ có Ngài Thần Hội thần tình chẳng động, không khóc. Tổ nhân đó sách tấn chúng. Trước, Tổ khen Ngài Thần Hội được tâm thiện-ác bình đẳng, khen-chê chẳng động. Không khóc ở đây không phải vô tình, không có tình cảm mà có đạo lý nên mới được khen ngợi, tức không giống như thế gian. Lục Tổ nhắc mọi người kiểm lại thời gian qua ở trong núi trọn tu đạo gì mà đến lúc này lại buồn khóc như thế gian? Nghĩa là công phu tu hành còn thiếu sót, tâm còn bị động theo cảnh.
“Nay các ông buồn khóc là lo cho ai?” Nếu khóc cho Tổ thì đúng không? Tổ đâu có gì để khóc cho Ngài. Tổ nói: “Tôi tự biết chỗ đi, nếu tôi không biết chỗ đi thì trọn chẳng báo trước cho các ông”. Tổ đã biết đường đi rồi thì khóc làm gì!
Ngài nhắc thêm: “Pháp tánh vốn không sanh diệt, đến đi”. Pháp tánh chân thật thì không có đến đi, sanh diệt, vậy đâu có mất mà khóc, lo buồn như thế là còn mê pháp tánh, còn phải cố gắng tu cho kỹ hơn nữa. Người hiểu đạo thì có cách để sống hay hành động hợp với đạo hơn, cũng hơi khác với người thường.
Ngài Động Sơn - Lương Giới, Tổ của Tông Tào Động, khi có chút bệnh, Ngài biết trước sắp tịch nên sai Sa-di báo tin cho Ngài Vân Cư (tức đệ tử nối pháp nhưng giáo hóa ở nơi khác), đồng thời dặn kỹ Sa-di:
- Ông đến Vân Cư, khi Vân Cư có hỏi: “Hòa thượng được an vui chăng?”, thì ông chỉ nói: “Con đường Vân Nham sắp dứt rồi!”. Nhưng ngươi nói xong phải đứng xa xa ra, e y đánh ngươi.
Sa-di lãnh sứ mệnh đi đến báo tin, nói chưa dứt lời đã bị Vân Cư đánh một gậy.
Người hiểu đạo khác với người không hiểu đạo chỗ đó, nếu người chưa đạt đạo, chưa sống được với đạo, nghe báo tin thầy sắp mất thì khóc rơi nước mắt, Ngài Vân Cư lại lấy gậy đánh. Nói “con đường Vân Nham sắp dứt” là nói theo phương tiện ngôn ngữ thế gian, lẽ thật thì con đường Vân Nham làm sao dứt, chân lý đâu thể dứt, nên Sư mới đánh một gậy, đó là trò hiểu được thầy.
Bài kệ Chân Giả Động Tĩnh:
Tất cả không có chân,
Chẳng dùng thấy nơi chân.
Nếu người thấy nơi chân,
Thấy ấy trọn chẳng chân.
Chân tức chân thật. Ngôn ngữ trong đạo không giống ngôn ngữ thế gian, theo thế gian thì “thấy được cái chân” là quá quý, Tổ lại nói “thấy được chân” thì “cái thấy” đó không phải chân thật. Tại sao? Bởi Tổ phá cái thấy ngoài tâm có pháp, tìm cái chân thật bên ngoài tâm thì không bao giờ có. Nếu còn có cái chân thật ở bên ngoài để chúng ta thấy thì cái chân đó không phải thật chân. Ngoài tâm thấy chân là thuộc về chữ nghĩa danh tự, không phải rốt ráo chân thật, thành cái thấy ấy cũng không phải chân thật, tức chưa khế hợp.
Lâm Tế - Nghĩa Huyền ba lần hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”, ba lần bị Ngài Hoàng Bá đánh. Sư đi đến chỗ Ngài Đại Ngu, Ngài Đại Ngu khơi dậy cho thì đại ngộ, ngay đó Đại Ngu hỏi:
- Ông thấy cái gì?
Sư liền thoi vào hông Ngài Đại Ngu ba thoi!
Thấy là thấy chỗ đó! Ngày nay, nhiều người tu thiền hay trình kiến giải, có quá nhiều kiến giải để trình thì chưa phải thật ngộ. Người thấy được chân thì thấy không có chân là vậy, không còn kiến giải để trình. Ngài Lâm Tế không trình nhiều, thoi một cái là xong, chỗ thấy đó là kinh nghiệm trực tiếp, ngôn ngữ nói không hết. Nếu chỗ ngộ mà diễn tả được là thành ngôn ngữ rồi và chúng ta không cần phải nhọc tu, những người thông minh trí thức cũng hiểu đến được. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Đó là lẽ thật cho tất cả hiểu kỹ chỗ cứu cánh của đạo.
Nếu hay tự có chân,
Lìa giả tức là chân.
Tự tâm chẳng lìa giả,
Không chân chỗ nào chân?
Tâm mà không có chân thật thì còn tìm chân thật ở chỗ nào? “Nếu hay tự có chân”. Tự mình có chân thật rồi thì “lìa giả tức là chân”. Không phải tìm chân thật ở bên ngoài, ngay tâm lìa giả tức chân, không thêm cái chân nào khác cho chúng ta thấy, còn kiếm cái chân thật để được là dư.
“Tự tâm chẳng lìa giả, Không chân chỗ nào chân?”. Tức tâm không chân thật, mà cứ muốn cầu chân, là sao? Cốt là tâm chúng ta hãy chân thật, tâm chân thì tất cả đều chân, thấy cái gì cũng chân. Tâm giả (tức tâm vọng) dù thấy cái chân cũng thành giả (vọng). Tâm chân thật dù thấy vọng cũng thành chân, vì không có mê.
Trong kinh nói khi tâm giác ngộ viên mãn thấy rõ: “Tình với vô tình đồng thành chủng trí”. Tâm giác ngộ viên mãn thì thấy tất cả đều giác, đều thành Phật. Tình là chúng sanh, có hiểu biết, có tâm. Vô tình là cây đá, ngói gạch cũng thành chủng trí tức thành Phật? Mới nghe rất khó tin, khó hiểu. Cái tách này cũng thành Phật thì chấp nhận được không? Nhưng hiểu theo nghĩa này thì thấy rõ đúng là cái tách cũng thành Phật được, bởi khi tâm giác thấy tất cả đều giác, thấy cái tách cũng giác. Cái tách thành Phật theo nghĩa đó chứ không phải cái tách thành Phật.
Cho nên chúng ta phải cẩn thận, tâm mình không chịu chân mà lo đi tìm cầu chân là thiếu sót lớn. Nhiều người học đạo không chịu chân thật cái tâm mình mà lo cầu chân bên ngoài, thế nên cầu hoài vẫn không thấy.
Hữu tình tức biết động,
Vô tình tức chẳng động.
Nếu tu hạnh chẳng động,
Đồng vô tình chẳng động.
Hữu tình có biết nên động, vô tình không biết nên chẳng động, đó là nghĩa đối đãi nhau. Nếu người tu theo hạnh chẳng động một chiều, cố ngăn dừng không cho nghĩ, không cho biết, vậy là đồng với vô tình chẳng động. Đó là thiếu trí tuệ, trái với đạo chân thật.
Nếu tìm chân chẳng động,
Trên động có chẳng động.
Chẳng động là chẳng động,
Vô tình không giống Phật.
Không phải dẹp động mà thành chẳng động. Chỗ chân thật chẳng động không phải nghĩa tách rời nhau thành hai cái động và chẳng động đối đãi nhau. Đúng nghĩa chân thật là chính ngay trên động mà có chẳng động, không phải trừ cái động thành cái chẳng động. Nhiều người tu hay lầm, trừ động để được tịnh, tức bỏ đây để được kia thành ra có tâm lấy bỏ, đó là lầm.
Nếu cho một bề chẳng động là chẳng động, không liên quan đến động, tức đối lập với động, giống loại vô tình như cây đá không biết gì, vậy là mất hạt giống Phật, làm sao giác ngộ?
Có thầy Tri viên (chăm lo vườn cây) hỏi Thiền sư Duyên Quán ở Lương Sơn:
- Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?
Thiền sư Duyên Quán đáp:
- Biết được chẳng phải là oan gia!
Hỏi:
- Sau khi biết được thì sao?
Thiền sư Duyên Quán đáp:
- Đày đến nước vô sanh đi!
Hỏi:
- Như vậy đâu không phải là chỗ y an thân lập mạng?
Thiền sư Duyên Quán đáp:
- Nước chết không chứa được rồng.
Hỏi:
- Thế nào là nước sống chứa rồng?
Thiền sư Duyên Quán đáp:
- Dậy mòi mà không thành sóng.
Hỏi:
- Bỗng khi gặp đầm nghiêng núi đổ thì thế nào?
Thiền sư Duyên Quán bước xuống giường thiền, nắm đứng thầy Tri viên bảo:
- Chớ nói ướt cái góc ca-sa của Lão Tăng.
Chỗ vô sanh chưa phải là chỗ dừng, nếu bám vào chỗ vô sanh cũng như nước chết, tức chỉ được “thể” không có “dụng”, nên nói nước chết không chứa được rồng.
Chỗ nước sống chứa rồng là nổi sóng mà không thành sóng chứ không phải trốn bỏ sóng, tức ngay động mà bất động, đó mới là khế hợp với đạo. Đến chỗ đó, dù đầm nghiêng núi đổ cũng không thể ướt cái góc ca-sa của Lão Tăng, đó mới là chỗ chân thật bất động.
Hay khéo phân biệt tướng,
Nghĩa đệ nhất chẳng động.
Chỉ khởi thấy như thế,
Tức là chân như dụng.
“Hay khéo phân biệt tướng”. Tức không phải phá hoại các tướng sai biệt, không phải không cho biết gì, vẫn cho phân biệt các tướng, các pháp, nhưng không mê trong đó, không lầm theo đó thành sai biệt. Nghĩa là, tuy phân biệt các tướng sai biệt nhưng nơi “nghĩa đệ nhất” chẳng động.
Chúng ta thì phân biệt cảnh rồi động theo cảnh, đồng hóa với cảnh, đánh mất mình. Đây thì phân biệt tất cả mà không mất mình, đúng như chỗ Thiền sư Huyền Giác trả lời Lục Tổ: “Phân biệt cũng không phải ý”. Tuy có phân biệt các pháp sai biệt rõ ràng nhưng không mê mất thể chân thật, tức phân biệt mà lìa phân biệt. Đây là biết tất cả mà vẫn luôn luôn sáng ngời, không mê.
Như chư Tổ ngộ đạo rồi cũng phân biệt rõ ràng đúng sai, tốt xấu, nhưng phân biệt mà lìa phân biệt, không giống như người mê, vọng chấp theo tướng phân biệt thành kia-đây ngăn cách. “Chỉ khởi thấy như thế, tức là chân như dụng”. Thấy được như thế tức là diệu dụng của chân như, từ chân như khởi, không rời chân như, thể dụng không hai. Được vậy tức dụng mà thường chân, chân mà đầy đủ dụng, không có chỗ cho cái mê xen vào.
Báo những người học đạo,
Gắng sức cần dụng ý.
Chớ đối cửa Đại thừa,
Lại chấp trí sanh tử.
Cửa Đại thừa thênh thang rộng lớn siêu thoát vượt lên phân biệt đối đãi, không kẹt ở chỗ lấy-bỏ kia-đây. Đem trí phân biệt lấy-bỏ kia-đây là trái với cửa Đại thừa, còn lấy bỏ thì còn trong sanh diệt, đó là trí sanh tử. Tu ở giai đoạn đầu chúng ta cũng phải bỏ giả cầu chân, bỏ động về tịnh, vì mới nên phải dạy như thế. Nhưng đến chỗ rốt ráo phải vượt lên cả chân và giả, động và tịnh, không còn trong sanh diệt lấy bỏ.
Bỏ đây cầu kia ví như bỏ giả cầu chân, nếu được cái chân thì về sau cũng mất vì có được phải có mất. Chính mình sẵn có chân thì còn được gì nữa, lại cầu ở đâu! Nếu cầu chân tức cái chân ở ngoài chúng ta. Ví như chúng ta thấy ngoài sanh tử có Niết-bàn, bỏ sanh tử cầu Niết-bàn, đó cũng thuộc về trí sanh tử. Chúng ta thường mắc kẹt trên ngôn ngữ rất nhiều, nghe nói tu là phải bỏ bờ này đến bờ kia, tức bỏ bờ sanh tử đến bờ Niết-bàn. Nhưng nếu còn có bờ Niết-bàn để đến thì không phải Niết-bàn, bởi Niết-bàn là vô sanh, có chỗ đến là sanh rồi. Người học đạo chân thật chớ lầm trong đó.
Nếu ngay lời tương ưng,
Liền cùng bàn nghĩa Phật.
Nếu thật chẳng tương ưng,
Chắp tay khiến hoan hỷ.
Lục Tổ dạy, nếu ngay lời nói khéo được tương ưng, khế hợp tức tri âm với nhau, thông cảm nhau, như vậy có thể cùng nhau bàn nghĩa Phật. Nếu không tương ưng, không khế hợp thì chắp tay hoan hỷ, không nên tranh cãi chống trái nhau, không phải không tương ưng rồi đối xử thành trái nghịch.
Tông này vốn không tranh,
Tranh liền mất ý đạo.
Chấp pháp môn tranh cãi,
Tự tánh vào sanh tử.
Tông của Tổ dạy đây vốn không có tranh cãi hơn thua, nếu đem tâm tranh cãi hơn thua vào trong đây là trái với đạo, không hợp với Tổ. Người chấp theo pháp môn tranh cãi, thích tranh cãi thì tự tánh đi vào sanh tử, trái xa với con đường giác ngộ chân thật. Bởi tranh cãi là còn tâm hơn thua, nuôi lớn thêm cái ngã, thêm lớn vô minh, vào sâu trong sanh tử. Phải vô ngã mới ra khỏi sanh tử.
Thấu suốt được bài kệ này tiến tu thì không sợ lạc, rõ được chân giả không còn lầm. Nương theo đây tu hành không đánh mất Tông chỉ của Tổ.
Đồ chúng nghe nói kệ xong, cả thảy đều làm lễ, đồng thời thể nhận ý Sư, mỗi người nhiếp tâm y theo pháp tu hành trọn chẳng dám tranh cãi. Đã biết Sư chẳng còn ở đời lâu, Thượng tọa Pháp Hải lại lễ bái hỏi:
- Sau khi Hòa thượng tịch, y pháp sẽ trao phó cho ai?
Sư bảo:
- Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến hiện nay, hãy biên chép lại để truyền rộng ra, đề tên Pháp Bảo Đàn Kinh. Các ông giữ gìn lần lượt truyền trao cho nhau để độ các quần sanh. Chỉ nương theo lời nói đây, đó gọi là chánh pháp. Nay đã vì các ông mà nói pháp, nhưng chẳng trao y. Bởi vì các ông lòng tin đã thuần thục, quyết định không nghi ngờ, kham nhận việc lớn. Song y cứ theo ý kệ của Đại sư Tiên Tổ Đạt-ma đã trao phó thì y chẳng nên truyền. Kệ nói:
Ta vốn đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Kết trái tự nhiên thành.
Lục Tổ cho biết Ngài không còn ở đời lâu nữa, theo thông lệ thời ấy là Tổ sẽ truyền pháp, truyền y, như Lục Tổ cũng được truyền y từ Ngũ Tổ, thế nên Ngài Pháp Hải đại diện chúng để thưa hỏi thêm về việc trao phó y pháp. Lục Tổ bảo: “Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến hiện nay, hãy biên chép để truyền rộng ra, đề tên là Pháp Bảo Đàn Kinh”. Đó là truyền pháp, nhưng không truyền y.
Quả thật, “pháp đây” mới trọng yếu để tu hành được độ thoát ra khỏi đường mê, thành tựu được việc lớn xuất thế cũng là ở pháp này, chứ không phải ở cái y. Trước kia phải truyền y do những hoàn cảnh đặc biệt, như Tổ Bồ-đề Đạt-ma là người Ấn qua Trung Hoa truyền pháp cho Tổ Huệ Khả là người Trung Hoa, khi đó nhiều người chưa biết nên phải dùng y bát làm tin là được truyền. Tổ Huệ Khả truyền cho Tổ Tăng Xán cũng trong thời khó khăn, chỉ thầy trò truyền nhau, ít người biết nên cũng phải có y bát làm tin. Tuy nhiên, làm Tổ là ở pháp không phải ở y, đắc pháp mới làm Tổ. Người lầm theo phàm tình nên tranh giành y bát để làm Tổ, nhưng chưa ngộ được pháp thì đâu có làm Tổ được. Còn ngộ được pháp rồi tuy không được y bát cũng làm Tổ được vậy.
Cho nên Lục Tổ bảo tới đây không truyền y bát nữa, cũng là thuận theo ý Tổ Đạt-ma chỉ truyền đến đây là dừng. Bởi truyền y khiến sanh nhiều sự tranh giành, do đó mà quên mất pháp. Lục Tổ dạy: “Bởi vì các ông lòng tin đã thuần thục, quyết định không nghi ngờ, kham nhận việc lớn”. Thế nên không cần truyền y bát. Ngài nhắc bài kệ của Tổ Bồ-đề Đạt-ma:
Ta vốn đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình,
Một hoa nở năm cánh,
Kết trái tự nhiên thành.
Đến đây hoa trái đã thành tựu, Thiền tông được hưng thịnh, là hợp với lời Tổ Đạt-ma.
Tổ nói thêm:
- Này thiện tri thức! Các ông mỗi người hãy lắng nghe tôi nói pháp. Mọi người các ông tự tâm là Phật chớ nghi ngờ nữa.
Lục Tổ khai thị thêm khiến mọi người xác quyết niềm tin chắc trở lại chính mình, không phải cầu bên ngoài. Ngài nói rõ Tự tâm mỗi người các ông là Phật chớ nghi ngờ nữa. Bỏ mất tự tâm mà lo đi tìm Phật bên ngoài tức bỏ gốc theo ngọn là trái với đạo. Xưa, Phật thành Phật cũng thành ở nơi tự tâm, chính tâm mới là Phật. Chúng ta tu hành cũng từ tâm mới giác ngộ, bỏ tâm cầu giác ngộ thì giác ngộ đó là ở trong kinh điển, giác ngộ bên ngoài. Chính Tâm mới là chỗ giác ngộ chân thật, thành Phật thành Tổ cũng chỗ đó. Ai cũng có cái gốc quý báu như vậy tại sao không chịu nhận trở lại mà dùng? Có phải là chỗ thiếu sót lớn không?
Có người đến hỏi Thiền sư Đại An:
- Phật ở chỗ nào?
Sư liền đáp:
- Chẳng lìa tâm.
Lìa tâm mà thấy thì thuộc về cái khác rồi. Lục Tổ nói thêm:
Ngoài không một vật mà hay dựng lập, đều là bổn tâm sanh muôn pháp. Nên kinh nói: “Tâm sanh mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt mỗi mỗi pháp diệt”.
“Ngoài tâm không một vật nhưng nó hay dựng lập các pháp”, hiểu kỹ chỗ này là nắm được yếu chỉ tu hành. Hiện tại chúng ta thấy rõ bên ngoài đầy đủ sum la vạn tượng trước mắt, mà kinh nói ngoài tâm không một vật dễ tin không? Mới thấy trí tuệ của người giác ngộ vượt hơn người mê. Mới nghe tưởng nói rỗng, nhưng phải biết đây là cái thấy của bậc trí tuệ, không đồng với cái thấy của phàm phu si mê. Tuy có sum la vạn tượng muôn vàn thứ sai biệt nhưng nó vốn từ cái không một vật mà hay dựng lập, nên Tổ nói: “Ngoài không một vật mà hay dựng lập đều là bổn tâm sanh muôn pháp”. Đều từ bổn tâm hay sanh muôn pháp nghĩa là các pháp đều từ tâm sanh, vốn không riêng có tự tánh thật, tuy có mà không phải thật pháp chứ không phải không có gì cả, tức có mà không có tự ngã thật. Như vậy, nói “Không” mà không phá hoại gì hết mới đúng nghĩa “Không”, nếu phá hoại cái “có” để về cái “không” thì cái “không” đó cũng thuộc về sanh diệt. Ngay cái có thấy là không mới là yếu chỉ, thấy tất cả mà tâm vẫn giải thoát.
Ví như bóng mặt trăng hiện dưới nước, tuy thấy có nhưng tự nó vốn không có bản chất thật, không có tự tánh. Thấy hiện rõ ràng dưới nước thì đâu thể nói không có gì, nhưng nắm bắt không được nên nói không có thật tánh. Thấu rõ nghĩa này liền buông các pháp, tỏ ngộ trở lại tự tâm thì khế hợp với Tổ.
Xét kỹ xem! Nếu ngay đây thấy sắc mà không trụ nơi sắc, nghe tiếng mà không trụ nơi tiếng, ngửi mùi mà không trụ nơi mùi v.v... Tuy sáu trần hiện đầy đủ nhưng không có gì ngăn ngại, chính đó tức là không chứ không phải phá hoại thành không. Tuy rõ ràng thấy nghe đủ hết sáu trần nhưng tâm vẫn sáng ngời, sáu trần có nhưng cũng như không thì đâu có dính dáng gì.
Hiểu vậy mới thấy rõ bởi có tâm sanh nên pháp mới sanh, tâm không sanh thì pháp cũng thành diệt, nên nói: “Tâm sanh mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt mỗi mỗi pháp diệt”. Tâm sanh tức trụ nơi pháp, thấy có pháp này, có pháp kia, thấy thật có pháp nên pháp sanh rồi thành chướng ngại.
Nếu tâm không sanh thì pháp có cũng như không, cho nên tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt, không có pháp nào chướng ngại. Vậy thì, không phải làm cho diệt mà pháp tự diệt, còn cố làm cho diệt thì pháp lại sanh, bởi cố làm là sanh tâm. Như khi ngồi thiền cố đè không cho sanh thì nó càng khởi, vì cố diệt. Còn biết bản chất của nó, không quan tâm đến thì nó tự diệt. Nắm đúng yếu chỉ là tu hành nhẹ nhàng, đúng lý, hợp đạo. Tổ lại bảo:
Nếu muốn thành tựu chủng trí, cần đạt Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội. Nếu đối tất cả chỗ mà chẳng trụ tướng, đối trong tướng kia chẳng sanh yêu-ghét, cũng không lấy-bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại v.v... an nhàn, điềm tĩnh, rỗng suốt vô ngại, lặng lẽ vô tư, đây gọi là Nhất tướng tam-muội. Nếu đối tất cả chỗ đi đứng, ngồi nằm, thuần một tâm ngay thẳng, chẳng động đạo tràng thật thành tịnh độ, đây gọi là Nhất hạnh tam-muội. Nếu người đầy đủ hai thứ tam-muội, như đất có hạt giống, gồm chứa, nuôi lớn, thành thục hạt chắc. Nhất tướng và Nhất hạnh cũng lại như thế.
Lục Tổ dạy về tu Nhất tướng tam-muội và Nhất hạnh tam-muội, nghĩa là chánh định về một tướng và một hạnh. Nhất tướng là không có hai tướng, nhất hạnh là không có hai hạnh. Muốn thành tựu tam-muội về Nhất tướng thì phải không trụ nơi tướng. Ngài dạy đối tất cả chỗ mà không trụ trên tướng, không theo tướng kia sanh yêu-ghét, lấy-bỏ mà thành hai tướng. Được vậy thì tâm tự an ổn vào chánh định.
Chúng ta thấy tướng liền trụ vào tướng rồi phân biệt, lấy-bỏ, yêu-ghét v.v... thành nhiều tướng nên động niệm, tâm mất an trụ. Còn tâm không trụ vào tướng nên tâm an trụ vào chánh định thành tam-muội.
Nhất hạnh tam-muội là hạnh thuần nhất không có xen tạp, không cong queo. “Đối tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm (trong bốn oai nghi) thuần một tâm ngay thẳng”. Tuy có đi, đứng, nằm, ngồi tức nhiều hạnh, nhưng chỉ giữ thuần một tâm ngay thẳng thì thành Nhất hạnh, đây gọi là “chẳng động đạo tràng, thật thành tịnh độ”. Như vậy, nơi nào chúng ta ở hay đi đến đều là cõi nước thanh tịnh, đều thành tịnh độ. Tịnh độ ở khắp nơi chứ không riêng một cõi nào.
Nếu đủ hai thứ tam-muội này thì Lục Tổ dạy: “như đất có hạt giống”. Đất có hạt giống tức có nhân, khi đầy đủ nhân duyên sẽ thành tựu quả giác, thành tựu trí Phật, vượt thoát trầm luân sanh tử không nghi ngờ. Không trụ tướng và một hạnh thuần nhất không xen tạp là hai thứ tam-muội cần luôn thực hành ngay trong đời sống của chúng ta, đó là căn bản mà Lục Tổ dạy. Bởi vì trụ tướng thì dính tướng, là mê mờ, ngăn ngại, không thông. Tâm có hạnh xen tạp, tâm cong queo thì phiền não rối loạn, luôn luôn bất an. Rơi vào hai cái đó là chìm sâu trong đường mê, ngược lại là đường giác. Lục Tổ dạy tu hai thứ tam-muội này là con đường giác ngộ thành Phật.
Nay tôi nói pháp, giống như cơn mưa nhuận khắp mọi nơi. Phật tánh của các ông, ví như hạt giống gặp mưa này thấm ướt thảy đều nảy mầm. Người tiếp nhận ý chỉ của tôi quyết sẽ được Bồ-đề, y theo tôi mà tu hành nhất định sẽ chứng Diệu quả.
Lục Tổ nói pháp giống như rải cơn mưa xuống đất tâm của mọi người, trong đất tâm mọi người vốn có Phật tánh tức có hạt giống giác ngộ, gặp mưa này thấm ướt liền nảy mầm tức hai bên cảm ứng nhau nên được lợi ích lớn. Ngầm chỉ chúng ta nghe pháp rồi biết tiếp nhận, y theo đó tu hành nhất định sẽ chứng Diệu quả. Đó là nhắc cho tất cả, cơ hội tốt đến với chúng ta như thế chớ có bỏ qua. Mỗi người cần phải mở lòng ra đón nhận, Phật tánh sáng suốt sẽ hiển bày, đừng để bị mãi chôn vùi sâu trong lòng đất. Đó là con đường chuyển mê thành giác, con đường này vốn đầy đủ ở nơi mỗi người, chỉ cần biết khai thác.
Hãy nghe tôi nói kệ:
Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp thảy nảy mầm.
Tình hoa đã chóng ngộ,
Quả Bồ-đề tự thành.
“Đất tâm chứa các giống”. Mỗi người đều có mảnh đất tâm, trong đó có chứa hạt giống giác ngộ. Bởi có tâm tức có biết, có biết tức có giác, là có chứa hạt giống giác ngộ, tức có khả năng để tiếp nhận được pháp, không luống uổng. Mỗi người phải khéo tin chắc trở lại nơi chính mình, chớ chạy tìm cầu bên ngoài xa xôi mà trái với ý Tổ.
“Mưa khắp thảy nảy mầm”. Đã có đất tâm, có hạt giống, lại gặp mưa rải xuống mà không chịu nảy mầm thì sao? Thời tiết nhân duyên tương ứng là quá tốt rồi, nên thảy nảy mầm, đều thành được lợi ích, đó là một duyên lành hy hữu. Mỗi người cần phải trân trọng duyên lành này để phát triển cho xứng đáng, đừng bỏ qua!
“Tình hoa đã chóng ngộ”. Tình hoa đây không phải nói theo kiểu tình thế gian mà chỉ cho tâm hoa có cảm ứng nên gọi là tình hoa. Tức tâm cảm ứng được mưa pháp, liền chóng ngộ nở hoa giác ngộ. Chóng ngộ là ngộ tức thì, vượt ngoài suy nghĩ phân biệt, thoát khỏi tình thức so đo tính toán. Đó là trực giác, không qua trung gian của tình thức.
Đã có được tâm hoa giác ngộ rồi thì “Quả Bồ-đề tự thành”. Trong đó không còn nghi ngờ gì nữa, không phải cầu ở đâu đến. Tuy nói là thành nhưng là tự thành, tức không cầu mà tự đến, không phải cái tạo tác bên ngoài, không phải do mong cầu mới có. Đây khiến cho người học quên niệm sở đắc, không thấy có cái được, tuy thành mà không thấy có được, đó là chỗ Tổ muốn chỉ. Như vậy, thành là tự thành chứ không phải có cái để thành, bởi có cái để thành là từ bên ngoài đến, tức không phải thật.
Đó là khơi dậy niềm tự tin nơi mỗi người, ai ai cũng đều có tâm thì đều có phần, không phải lo mất phần, chỉ lo có phần mà không dám nhận. Có phần mà không dám nhận là tự thành chướng, tức tự mình chướng mình, không phải người khác làm chướng. Vậy chướng hay thông đều ở ngay chính mình, cả một kho báu sẵn trong nhà đầy đủ không thiếu, chỉ chúng ta có biết khai thác để dùng hay không thôi. Đó là ý nghĩa Lục Tổ muốn nhắc cho tất cả.
Sư nói kệ xong, lại bảo:
- Pháp ấy không hai, Tâm ấy cũng vậy. Đạo ấy thanh tịnh, cũng không các tướng. Các ông hãy dè dặt chớ quán tịnh và để tâm trống trơn. Tâm này vốn tịnh, không thể lấy bỏ. Mỗi người hãy tự gắng sức, tùy duyên khéo đi!
Bấy giờ đồ chúng làm lễ rồi lui.
Đây là những lời gần cuối nên những lời này như là tâm huyết của Tổ, chúng ta nên nghiệm kỹ, nghiệm sâu để thấy được ý Tổ. Ngài nói: “Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy”. Tức pháp ấy tâm ấy không có hai, chớ sanh hai tâm, chớ phân biệt kia đây trong đó. Có thể nói rõ hơn, “pháp ấy chính là tâm, tâm ấy chính là pháp”, không hai. Chúng ta thường thấy tâm khác, pháp khác, có tâm có pháp thành hai, gọi là ngoài tâm có pháp, ngoài tâm mà cầu pháp, khiến cho vọng cầu bên ngoài thành trái xa với ý Tổ.
“Đạo ấy thanh tịnh, cũng không các tướng”. Đạo ấy cũng không rời ngoài tâm cho nên vốn lìa các tướng, không thể đem tướng để cầu. Bởi đạo này sẵn nơi tâm, mà tâm này là bản tâm nên vốn thanh tịnh, không phải thêm bớt gì trong đó, có thêm bớt là mất thanh tịnh.
Như vậy, pháp ấy, tâm ấy, đạo ấy tuy có nhiều tên nhưng vốn không hai thể, chớ lầm theo danh tướng rồi phân chia thành hai thành ba. Khéo xoay trở lại nơi tự tâm là sẵn đủ. Theo cái phân biệt hướng ra bên ngoài mà thấy hai thấy ba là đi theo ngọn, thành vọng thấy.
“Các ông hãy dè dặt, chớ quán tịnh và để tâm kia trống trơn”. Tổ dạy đừng nghe nói nó thanh tịnh rồi đem cái tịnh để quán nó. Đem tịnh để quán là biến nó thành đối tượng, vậy là đang ở trong cái sẵn tịnh lại lập thêm một cái tịnh nữa để quán, thành ra cái tịnh thứ hai ở ngoài tâm, đó là lầm mê. Đạo ấy thanh tịnh cũng không các tướng, mà đem tướng tịnh để quán thành ra cái đạo có tướng, là trái với đạo chân thật. Hoặc để tâm trống trơn, không cho nghĩ gì để thành tịnh, đó cũng là mê, bởi thiên lệch một bên, bỏ động về tịnh hay bỏ có lấy không, cũng là trái với đạo.
Lục Tổ chỉ rõ: “Tâm này vốn tịnh, không thể lấy bỏ”. Không phải làm cho tịnh, làm cho tịnh là dư. Vậy thì còn có cái gì để lấy bỏ trong đó! Nếu không cho nghĩ để cho trống trơn, tức làm cho tịnh, là không phải cái vốn tịnh. Hoặc đem cái tịnh để quán cũng là làm cho tịnh, không phải cái vốn tịnh. Nó đã vốn tịnh thì không có thêm bớt trong đó nữa, chỉ cần như Tổ dạy “chóng ngộ” là xong. Nó vốn tịnh nhưng chúng ta quên rồi theo những vọng tưởng, đó là vọng khởi. Giờ quên những vọng đó, chóng ngộ trở lại tức nó sẵn vốn tịnh chứ không phải làm cho tịnh, nên không sợ bị mất. Cái làm cho tịnh có thể bị mất, như quán cho nó tịnh khi không quán nữa thì mất. Tuy là vốn tịnh nhưng Tổ khuyên: “Mỗi người hãy tự gắng sức”, không phải nói lý suông, bởi chúng ta còn mê, chưa thấy. Tuy khuyên hãy gắng sức nhưng lại bảo: “Tùy duyên khéo đi!”, tức chớ chấp cứng vào đó mà thành mắc kẹt, không được tự tại.
Ngày mùng 8 tháng 7, Sư chợt bảo môn nhân:
- Tôi muốn về Tân Châu, các ông mau sửa soạn thuyền chèo!
Đại chúng buồn bã cố giữ lại, Sư bảo:
- Chư Phật ra đời vẫn thị hiện Niết-bàn. Có đến ắt có đi, lý cũng thường nhiên. Hình hài của tôi đây, về ắt có chỗ.
Chúng thưa:
- Thầy từ đây đi, bao lâu trở lại?
Sư bảo:
- Lá rụng về cội, lúc đến không báo.
Chúng lại thưa:
- Chánh pháp nhãn tạng truyền trao cho ai?
Sư bảo:
- Người có đạo thì được, người không tâm thì thông.
Lại hỏi:
- Từ đây về sau, có nạn gì chăng?
Tổ bảo:
- Sau khi tôi tịch năm sáu năm sẽ có một người muốn lấy đầu tôi. Hãy nghe tôi dự ký:
Trên đầu nuôi thân (cha mẹ),
Trong miệng cần ăn.
Gặp nạn Mãn đó,
Dương liễu làm quan.
Lục Tổ biết trước sắp tịch, muốn về quê cũ tịch nên bảo môn nhân sửa soạn thuyền chèo về Tân Châu bằng đường thủy. Thấy chúng buồn bã, Lục Tổ nhắc nhở sanh tử là lẽ thường của thế gian, dù cho chư Phật là những bậc đã giác ngộ viên mãn, đã vượt thoát khỏi vòng sanh tử, nhưng đã hiện ra đời tức có sanh, có sanh thì có diệt nên có nhập Niết-bàn, phải từ giã cõi đời, dù là Phật, Tổ cũng phải vậy. Đây gọi là: “Có đến ắt có đi”, không ai tránh khỏi. Biết được như thế hãy tùy duyên mà đi thì nhẹ nhàng.
Nên nhớ thân này rồi sẽ đi theo đường của nó. Tổ nói: “Hình hài của tôi đây về ắt có chỗ”. Tổ biết chỗ kết thúc của thân này, không đồng với người mê không biết rồi thành ra lo sợ. Chắc chắn thân này sẽ đi về chỗ từ bỏ, đó là lẽ thường nhiên của thế gian, người giác ngộ phải thấy rõ như vậy để không lầm.
Hỏi: “Bao lâu trở lại?” Tổ đáp: “Lá rụng về cội, lúc đến không báo”. Tức không hẹn ngày trở lại. Hỏi về pháp truyền trao cho người, Lục Tổ bảo: “Người có đạo thì được, người không tâm thì thông”. Có đạo tức có chỗ thật tu, thật ngộ thì được truyền, không tâm tức không các tâm động niệm, phân biệt kia đây theo duyên thì thông. Như vậy, Lục Tổ truyền khắp cho tất cả kể cả chúng ta ngày nay, nếu chúng ta có đạo thì được, nếu chúng ta không tâm thì thông, không truyền riêng cho ai.
Hỏi về việc tương lai, Tổ sấm ký: “Sau khi tôi tịch năm, sáu năm sẽ có một người muốn lấy đầu tôi”. Năm sáu năm tức khoảng ba mươi năm sau.
Sau khi Tổ tịch, đại chúng vì nghe nói về sau có người đến lấy đầu Ngài nên dùng những lá xích sắt bao bọc cổ của Tổ. Khoảng nửa đêm ngày mùng ba tháng tám niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 (tức năm 722), vị tăng giữ tháp nghe có tiếng kéo dây xích sắt, giật mình thức dậy, ngó thấy một người mặc đồ đại tang từ trong tháp chạy ra. Tìm thấy có vết thương tại nơi cổ Lục Tổ. Môn đồ đem chuyện ấy trình lên quan. Quan huyện Dương Khản và Thích sử Liễu Vô Thiểm nhận được tin, truy lùng. Sau năm ngày tìm bắt được tên Trương Tịnh Mãn, người huyện Lương thuộc Nhữ Châu, khai rằng: Vừa rồi ở chùa Khai Nguyên tại Hồng Châu có vị tăng ở xứ Tân La (tức Triều Tiên) tên Kim Đại Bi thuê y đến lấy đầu Lục Tổ đem về nước cúng dường.
Quan Thích sử họ Liễu nghe lời khai, chưa gia hình, liền đến chùa Nam Hoa ở Tào Khê hỏi Sư Linh Thao là đệ tử Lục Tổ:
- Vụ án này xử như thế nào?
Thiền sư Linh Thao đáp:
- Nếu lấy luật nước mà bàn thì nên giết. Nhưng lấy nghĩa từ bi của Phật giáo thì oán thù như nhau, huống hồ gì hắn muốn cúng dường, nên tha thứ vậy.
Liễu Vô Thiểm theo lời mà tha cho, nói:
- Đúng là Phật pháp bất tư nghì.
Việc này ứng với câu sấm ký của Lục Tổ, nhục thân Ngài bị kẻ trộm tên Mãn cắt lấy đầu, lúc đó mặc đồ tang giống như hiếu tử, đồng thời Dương Khản làm quan huyện và Liễu Vô Thiểm làm quan Thích sử.
Lại bảo:
- Tôi đi khoảng 70 năm, có hai vị Bồ-tát từ phương đông đến, một xuất gia, một tại gia đồng thời giáo hóa hưng thạnh dựng lập tông của tôi, tu tạo chùa chiền, dòng pháp được tiếp nối vững mạnh.
Lục Tổ lại huyền ký thêm việc nữa là sau khi Ngài tịch khoảng bảy mươi năm sau, có hai vị Bồ-tát, một người xuất gia, một người tại gia, sẽ xuất hiện ra đời để xiển dương Thiền Tông hưng thạnh. Hai vị này, có thuyết cho là Mã Tổ Đạo Nhất và ông Bàng Uẩn là cư sĩ tại gia nhưng cả nhà đều ngộ đạo, sanh tử tự tại. Thuyết khác cho là Ngài Hoàng Bá - Hy Vận và ông Bùi Hưu là Tướng quốc tu tại gia được ngộ đạo.
Lại hỏi:
- Chưa biết Phật, Tổ từ trước ứng hiện đến nay, truyền trao bao nhiêu đời, mong thầy từ bi mở bày chỉ dạy.
Sư bảo:
- Phật xưa ứng hiện ra đời đã vô số chẳng thể tính hết. Nay lấy bảy Đức Phật làm trước hết.
Đây hỏi về Phật và Tổ ứng hiện ra đời truyền trao từ trước đến nay. Lục Tổ bảo từ xưa chư Phật ra đời nhiều không tính kể, không phải chỉ có một Đức Phật Thích Ca, nhưng đây không phải chỗ trí tuệ của phàm phu có thể biết được, nay chỉ lược nêu bảy Đức Phật làm trước rồi đến chư Tổ. Bảy Đức Phật là sáu Đức Phật quá khứ cùng với Đức Phật Thích Ca thành bảy vị.
Kiếp Trang Nghiêm của quá khứ có:
- Phật Tỳ Bà Thi
- Phật Thi Khí
- Phật Tỳ Xá Phù
Kiếp Hiền hiện nay có:
- Phật Câu Lưu Tôn
- Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
- Phật Ca Diếp
- Phật Thích Ca Văn
Gồm bảy Đức Phật.
Kiếp Trang Nghiêm tức kiếp của quá khứ. Kiếp của chúng ta hiện tại là kiếp Hiền. Trong kinh Đại Bổn Duyên thuộc kinh Trường A Hàm, Đức Phật Thích Ca dùng trí túc mạng có kể lại cho các vị Tỳ-kheo nghe về sáu Đức Phật quá khứ.
Thứ nhất là Đức Phật Tỳ Bà Thi:
Đức Phật Tỳ Bà Thi ứng hiện ở thế gian này cách đây 91 kiếp về quá khứ, gọi là kiếp Trang Nghiêm. Khi đó, loài người sống tám mươi ngàn tuổi. Đức Phật Tỳ Bà Thi sanh ra trong dòng Sát-đế-lợi, họ Câu-ly-nhã (có chỗ gọi là Câu-lợi-nhã). Khi thành đạo, Ngài ngồi dưới cây Ba-ba-la, thuyết pháp có ba hội:
- Hội thứ nhất có một trăm sáu mươi tám ngàn đệ tử tham dự.
- Hội thứ hai có một trăm ngàn đệ tử tham dự.
- Hội thứ ba có tám mươi ngàn đệ tử tham dự.
Có hai vị đệ tử đứng đầu là Ngài Kiển-trà và Đề-xá, đệ tử thị giả tên là Vô Ưu.
Khi chưa xuất gia có con tên là Phương Ủng, cha tên là Bàn-đầu, mẹ tên là Bàn-đầu-bà-đề. Kinh thành cũng tên là Bàn-đầu-bà-đề.
Thứ hai là Đức Phật Thi Khí:
Đức Phật Thi Khí ứng hiện ở thế gian cách đây ba mươi mốt kiếp về quá khứ, cũng thuộc kiếp Trang Nghiêm. Khi đó, loài người sống bảy mươi ngàn tuổi, thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Câu-ly-nhã. Cha tên Minh Tướng, mẹ tên Quang Diệu, kinh thành lúc đó tên là Quang Tướng, con tên Vô Lượng. Ngài ngồi dưới cây Phân-đà-lợi thành đạo. Thuyết pháp cũng có ba hội:
- Hội thứ nhất có một trăm ngàn người.
- Hội thứ hai có tám mươi ngàn người.
- Hội thứ ba có bảy mươi ngàn người.
Hai đệ tử đứng đầu là Ngài A-tỳ-phù và Bà-bà, đệ tử thị giả tên Nhẫn Hạnh.
Thứ ba là Đức Phật Tỳ Xá Phù:
Đức Phật Tỳ Xá Phù cũng gọi là Tỳ Xá Bà. Ngài hiện ra đời cách đây khoảng 31 kiếp về quá khứ, cũng thuộc kiếp Trang Nghiêm, khi đó loài người sống sáu mươi ngàn tuổi, thuộc dòng Sát-đế-lợi họ Câu-ly-nhã, cha tên Thiện Đăng, mẹ tên Xứng Giới, con tên là Diệu Giác, kinh thành lúc đó tên Vô Dụ. Đức Phật này ngồi dưới cây Sa-la thành đạo. Thuyết pháp có hai hội:
- Hội thứ nhất có bảy mươi ngàn người.
- Hội thứ hai có sáu mươi ngàn người.
Hai vị đệ tử đứng đầu là Ngài Phù Du và Uất-đa-ma, đệ tử thị giả tên Tịch Diệt.
Đó là ba Đức Phật thuộc kiếp Trang Nghiêm của quá khứ.
Thứ tư là Đức Phật Câu Lưu Tôn:
Đức Phật Câu Lưu Tôn ứng hiện ở thế gian trong kiếp Hiền hiện tại. Loài người khi đó sống bốn mươi ngàn tuổi, sanh trong dòng Bà-la-môn họ Ca-diếp, cha tên Tự Đắc, mẹ tên Thiện Chí, con tên Thượng Thắng. Vua nước đó tên là An Hòa, kinh thành cũng tên là An Hòa. Đức Phật này ngồi dưới cây Thi-lợi-xa mà thành đạo, thuyết pháp có một hội gồm bốn mươi ngàn đệ tử tham dự.
Hai vị đệ tử đứng đầu tên Tất-ni và Tỳ-lâu, đệ tử thị giả tên Thiện Giác.
Tuy Đức Phật này ở cách xa chúng ta nhiều triệu năm, nhưng vì xuất hiện trong kiếp Hiền tức kiếp hiện tại nên di tích đến nay vẫn còn ở Nepal, thời vua A-dục đến thăm nơi đây và cho dựng trụ đá, ngày nay trụ đá vua A-dục đã gãy, còn một đoạn nằm sâu dưới lòng đất, khai quật thì thấy một đoạn nhô lên khoảng hơn một thước. Nơi đó thuộc Gotihawa cách Tilaura Kot 7 km về hướng tây nam, xưa là thành cổ Khemavati.
Thứ năm là Phật Câu Na Hàm Mâu Ni:
Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất hiện ở thế gian này trong kiếp Hiền, khi đó loài người sống ba mươi ngàn tuổi, Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp, cha tên Đại Đức, mẹ tên Thiện Thắng, con tên Đạo Sư, vua khi đó tên Thanh Tịnh, kinh thành cũng tên Thanh Tịnh. Đức Phật này ngồi dưới cây Ô-tạm-bà-la-môn mà thành đạo. Thuyết pháp có một hội, ba mươi ngàn đệ tử tham dự.
Hai vị đệ tử đứng đầu là Thư-bàn-na và Uất-đa-lâu, đệ tử thị giả tên là An Hòa.
Di tích của Đức Phật này đến nay vẫn còn, cũng có trụ đá vua A-dục tuy nhiên đã gãy, ngày nay trụ đá gãy vẫn để nằm ngang ngay nơi di tích, địa danh Niglihawa, cách Tilaura Kot 3 km về hướng đông bắc, xưa là thị trấn cổ Sobhavati.
Thứ sáu là Đức Phật Ca Diếp:
Đức Phật Ca Diếp hiện ra đời trong kiếp Hiền này, khi đó loài người sống hai mươi ngàn tuổi, thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca Diếp, cha tên Phạm Đức, mẹ tên Tài Chủ, con tên Tập Quân. Vua trong nước khi đó tên Hắc Tỳ, kinh thành là Ba-la-nại. Đức Phật Ca Diếp ngồi dưới cây Ni-câu-luật thành đạo, thuyết pháp có một hội gồm hai mươi ngàn đệ tử tham dự.
Hai vị đệ tử đứng đầu là Đề-xá và Ba-la-bà, đệ tử thị giả tên Thiện Hữu.
Ngài Huyền Trang khi qua Ấn Độ thỉnh kinh về Trung Hoa, trên đường đi, Ngài đến một hang núi thấy có một tượng giống người, tóc dài quấn quanh. Nhìn kỹ, Ngài biết đây là vị Tỳ-kheo nhập Diệt tận định, tuy không còn hơi thở, tim không đập nhưng chưa chết, tức còn thức. Ngài rung linh bên tai, vị Tỳ-kheo động đậy, xuất định. Ngài Huyền Trang hỏi mới biết vị ấy là đệ tử từ thời Đức Phật Ca Diếp, nhập định chờ Đức Phật Thích Ca ra đời để trợ duyên Đức Phật Thích Ca giáo hóa. Ngài Huyền Trang nói Đức Phật Thích Ca tịch đã lâu. Vị ấy muốn nhập định lại chờ Đức Phật Di Lặc ra đời cũng trợ duyên cho Đức Phật Di Lặc giáo hóa. Ngài Huyền Trang nói như thế thì chờ lâu lắm, bây giờ Ngài có thể giúp trợ duyên cho tôi giáo hóa truyền bá chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. Nhưng thân thể này đã không thể đầy đủ phương tiện được, nên tái sanh trở lại. Ngài Huyền Trang chỉ chỗ tái sanh ở Trung Hoa, nơi có mái ngói vàng, tức cung vua.
Theo tư liệu ghi lại, vị Tỳ-kheo tịch, dùng thần thông tái sanh ở Trung Hoa, vào gia đình ông tướng tên Uất Trì Cung. Ngài Huyền Trang khi thỉnh kinh trở về liền vào cung vua tìm nhưng không gặp, lấy làm lạ. Ngài nhập định mới biết vị ấy đã vào nhà ông tướng Uất Trì Cung, Ngài trình lên vua nhờ giúp đỡ cho vị ấy xuất gia để sau truyền bá Phật pháp, tức là Ngài Khuy Cơ.
Từ thời Đức Phật Ca Diếp nhập Diệt tận định kéo dài đến thời Phật Thích Ca, không chỉ một vị này, trong Tây Vức Ký Ngài Huyền Trang có kể thêm mấy vị nữa. Di tích của Phật Ca Diếp ngày nay không còn thấy, nhưng trong Tây Vức Ký của Ngài Huyền Trang có ghi lại trụ đá của A-dục nằm cách vườn Cấp Cô Độc mấy mươi dặm.
Sau Đức Phật Ca Diếp là Đức Phật Thích Ca.
Đức Phật Thích Ca Văn là Phật thứ bảy, giáo pháp hiện đang còn và chúng ta đang tu theo.
Sau đó truyền xuống chư Tổ, gồm 28 vị Tổ ở Ấn Độ và 5 vị Tổ ở Trung Hoa.
Tổ thứ 01: Tôn giả Ma-ha Ca-diếp
Ngài Ma-ha Ca-diếp thuộc dòng Bà-la-môn ở nước Ma-kiệt-đà, cha tên là Ẩm Trạch, mẹ tên là Hương Chí. Ngài gặp Phật ở Tinh xá Trúc Lâm, là vị tu hạnh đầu-đà bậc nhất.
Có lần Ngài từ xa đi đến, được Phật nhường cho nửa tòa ngồi, nhưng Ngài không dám ngồi.
Ở hội Linh Sơn, khi Đức Phật đưa cành hoa sen lên, chúng hội đều không hiểu, riêng Ngài mỉm cười thầm cảm với Phật nên Phật liền ấn tâm.
Khi Phật nhập Niết-bàn, Ngài đến trễ thành tâm hướng về Đức Phật, khi ấy hai bàn chân Đức Phật từ trong kim quan duỗi ra an ủi Ngài.
Khi Phật truyền pháp cho Tổ Ma-ha Ca-diếp có truyền kệ:
Pháp gốc của pháp là Không pháp,
Pháp Không pháp cũng là Pháp.
Nay khi trao cái Không pháp,
Thì mỗi pháp đâu từng pháp.
Âm:
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Bài kệ cô đọng nhưng ý nghĩa rất sâu xa, cũng là yếu chỉ của Thiền Tông. Pháp gốc của pháp chính là Không pháp. Còn chúng ta thường học là pháp ngọn, chưa phải pháp gốc. Cái pháp Không pháp cũng là Pháp, nay khi trao phó cái pháp Không pháp thì mỗi pháp mỗi pháp rõ ra đâu từng là pháp, bởi rõ pháp gốc đó thì các pháp kia đâu phải thật.
Như vậy, pháp gốc của pháp không phải là một pháp như mọi người hiểu. Truyền pháp hay phó pháp, theo cách hiểu thường tình thế gian là Đức Phật đem pháp truyền cho Ngài Ma-ha Ca-diếp, mà Đức Phật có pháp để truyền thì Ngài Ma-ha Ca-diếp có pháp để được, có truyền có được là thuộc về pháp sanh diệt có được thì có mất. Thế nên, đó là hiểu lầm theo ngôn ngữ chữ nghĩa.
Đây chỉ rõ, nói pháp bổn pháp nhưng là Không pháp, tuy nhiên Không pháp cũng chính là Pháp. Nghĩa là không phải nói như vậy là không có gì để truyền, người tâm khế hợp là thầm chứng biết được, nhà Thiền thường gọi như người uống nước lạnh nóng tự biết, tức là có chứng biết chứ không phải nói rỗng không có gì. Thêm một ý nữa, nói Không pháp cũng là có Pháp, bởi nghe nói Không pháp rồi chấp vào đó, cho là có cái Không pháp để truyền, đó cũng là lầm!
Nay trao pháp Không pháp này, nếu ai thầm khế hợp được liền thấu rõ mỗi pháp hiện tiền đây đều không thật có pháp nào. Bởi thấy được pháp Không pháp rồi thì mỗi pháp hiện tiền đều hư dối, tất cả chỉ từ tâm hiện, đều không có thật tánh. Như vậy, không còn một pháp nào bên ngoài chướng ngại, không bị một pháp nào lầm mê, tức suốt qua tất cả pháp. Chúng ta vì thấy có pháp thật bên ngoài nên còn dính, thành có ngại. Rốt lại, xoay trở về nơi chính mình mới là trọng yếu, ngoài tâm mà thấy có pháp đều là mê. Người tu theo Thiền Tông cần phải tỏ ngộ pháp gốc (bổn pháp), đừng chỉ lo ngộ theo những pháp ngọn. Chúng ta học hiểu pháp này pháp kia đủ hết, đó đều là pháp ngọn.
Muốn ngộ pháp gốc phải đạt ý quên lời. Nghe nói “pháp”, ngộ “pháp”, liền chấp có pháp cho chúng ta hiểu, cho chúng ta ngộ, cho chúng ta được cũng là lầm, nếu có pháp cho chúng ta ngộ thì không phải bổn pháp. Khó hiểu là chỗ đó, chính vì vậy nên không ai bắt chước được.
Bởi tuy nói là pháp nhưng vốn không ngoài tâm riêng có, pháp cũng chính là tâm nên ngộ trở lại nơi tự tâm chính mình mới là yếu chỉ. Thế nên tuy nói là truyền, trao phó nhưng sự thật không có cái để truyền trao, người nhận được pháp này cũng không thật có cái để được, nhưng chính khi thấu được chỗ không có cái để trao, không có cái để nhận, là được trao, đặc biệt là chỗ đó! Tức thầy trò tâm tâm thầm hợp nhau, cảm thông nhau, gọi đó là thầm trao, truyền tâm ấn là như vậy chứ không phải có cái để truyền.
Người về sau không hiểu, nghĩ rằng truyền tâm ấn là đặc biệt phải truyền riêng trong phòng kín, đó là mắc kẹt trên ngôn ngữ rồi bị gạt. Sự thật, là tâm thầy tâm trò in nhau, tâm ấn tâm, vốn vượt ngoài ngôn ngữ phân biệt. Đó chính là yếu chỉ truyền tâm hay ấn tâm trong Thiền tông, cũng chính là mạch sống của Thiền tông, nếu Thiền tông không có cái này thì chỉ là thiền chết! Người đứng bên ngoài bàn luận không thể đến, nên nói Thiền tông bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.
Tổ thứ 02: Tôn giả A-nan
Tôn giả A-nan là thị giả Đức Phật, Ngài là con của vua Hộc Phạn, em ruột của Đề-bà-đạt-đa, em con chú của Đức Thế Tôn. Khi Đức Phật còn tại thế Ngài còn ở vị Hữu học, chưa chứng quả Vô học. Sau khi Đức Phật nhập Đại Bát Niết-bàn, đến kỳ kiết tập kinh điển, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp phương tiện vấn nạn không cho Ngài vào dự để thúc đẩy Ngài tu chứng quả Vô học Ngài mới dự đại hội kiết tập kinh điển. Về sau, Tổ Ma-ha Ca-diếp truyền pháp cho Ngài, bài kệ truyền pháp:
Mỗi pháp, pháp xưa nay,
Không pháp không phi pháp.
Tại sao trong một pháp,
Có pháp có phi pháp.
Âm:
Pháp pháp bổn lai pháp,
Vô pháp, vô phi pháp.
Hà ư nhất pháp trung,
Hữu pháp hữu phi pháp.
Ý nghĩa bài kệ này là, pháp xưa nay vốn không thật có pháp, cũng không có chẳng phải pháp. Trong lẽ thật một pháp không có hai đó, vì sao giờ lại có phân biệt là pháp và phi pháp thành có hai? Bởi do thức tình phân biệt của chúng sanh nên trong lẽ thật không hai đó, lại phân có pháp và phi pháp, người thấy được đến chỗ không hai là thấy pháp. Như vậy mỗi pháp mỗi pháp hiện tiền mà chúng ta thấy, đó là cái bóng. Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ một việc này thật, có hai chẳng phải chân”. Có hai đã là không thật, huống nữa hiện giờ chúng ta lại thấy có quá nhiều, có vô số thứ nữa thì sao? Quả là đi xa mất gốc!
Nên nhớ! Pháp thật xưa nay không thể có nhiều thứ sai biệt, đã là pháp xưa nay thì xưa nay vẫn vậy, mà có nhiều thứ đó là quá lầm. Trong thể chân thật xưa nay không hai, rồi phân biệt thành có pháp, phi pháp, có tốt xấu thế này thế kia là đã đi lệch ra ngoài. Mỗi khi thấy vậy phải quay trở lại, còn theo nữa là càng đi xa thêm, càng mê, càng phiền não. Thấy có pháp có phi pháp rồi tranh cãi nhau, tôi nói cái này là pháp, anh nói cái này không phải pháp, theo đó chỉ thấy có phiền não, không còn thấy đâu là pháp!
Như vậy, phải khéo ngay trong mỗi pháp sai biệt, chúng ta thấy trở lại pháp thể không hai, đó là pháp xưa nay mà Tổ ấn tâm, truyền pháp là truyền chỗ đó. Còn khởi tâm phân biệt kia-đây là bị đuổi ra ngoài cửa Tổ!
Tổ thứ 03: Tôn giả Thương-na-hòa-tu
Tôn giả Thương-na-hòa-tu thuộc dòng Tỳ-xá-đa nước Ma-đột-la, cha tên Lâm Thắng, mẹ là Kiều-xa-da. Ngài ở trong thai mẹ sáu năm mới sanh ra. Có chỗ ghi, khi mới sanh trên thân Ngài có những cái vằn giống như những miếng điều y, khi Ngài xuất gia nó trở thành y cửu điều. Lúc đầu Ngài tu tiên đã được thần thông, sau khi gặp Tổ A-nan, Ngài quay về chánh pháp, về sau được Tổ A-nan truyền pháp. Bài kệ truyền pháp:
Xưa nay truyền có pháp,
Truyền rồi nói không pháp.
Mỗi mỗi cần tự ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
Âm:
Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp.
Các các tu tự ngộ,
Ngộ liễu vô vô pháp.
“Xưa nay truyền có pháp”, nhưng “truyền rồi nói không pháp”. Hiểu theo thế gian thì không thể chấp nhận, theo lý luận của thế gian thì không thể nói như thế. Đây không nằm trong lý luận, bởi chỗ này là chỗ tự chứng tự ngộ. Ngầm chỉ rằng không phải nói rỗng, không phải nói suông, người đến nơi có thể chứng nhận rõ ràng không nghi nên nói truyền pháp. Tuy nhiên, pháp đó là tâm pháp, tâm pháp vốn không phải một vật để truyền, không phải là cái đem trao cho, không phải cái từ bên ngoài mà được. Cho nên, truyền rồi thì nói không pháp để người không lầm có cái để cho, để được. Đó là khiến cho người quên ý niệm “có cái để được”. Nhưng chính cái “không gì để được” là cái được truyền, thấy được vậy mới được truyền pháp, tức thầm hợp với Tổ. Đây là phá lầm chấp vào ngôn ngữ, nghe nói truyền pháp rồi cho rằng có pháp để truyền cho.
Chỗ đó là tự ngộ, tự ngộ làm sao để truyền? Do đó, ngộ rồi thì cũng không không pháp, tức là không thấy có pháp để được, cũng không phải hoàn toàn không có gì, vượt qua có và không. Đừng nghe nói không có gì để truyền rồi cho rằng rỗng trơn không có gì, là mắc kẹt bên không.
Vậy là không chấp vào có pháp, không chấp vào không pháp, nên chỗ này là tự ngộ tự chứng, không nằm trên ngôn ngữ luận bàn. Người đến nơi thì tự hiểu, còn đứng bên ngoài luận bàn mãi cũng không dính dáng gì!
Thiền sư Đức Sơn - Tuyên Giám khi ở chỗ Thiền sư Sùng Tín. Một hôm, Sư đứng hầu đến khuya, Thiền sư Sùng Tín bảo:
- Đêm khuya rồi ông xuống đi.
Sư kính chào bước ra, lại trở vào, thưa:
- Bên ngoài tối đen!
Ngài Sùng Tín thắp đèn cầy đưa Sư, Sư vừa định tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó, Sư liền đại ngộ, lễ bái.
Ngài Đức Sơn ngộ cái gì? Ngài Sùng Tín đưa đèn, Sư vừa tiếp lấy liền bị thổi tắt, vậy là tiếp cái gì? Được gì đây? Nhưng bảo không được gì cũng không phải, vì Ngài đã ngộ. Để thấy rằng thầy chỉ gợi ý, còn tỏ ngộ là nơi mình, không phải từ thầy mà được, nên nói: “Ngộ rồi không không pháp” là vậy.
Tổ thứ 04: Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa
Ngài Ưu-ba-cúc-đa thuộc dòng Thủ-đà-la ở nước Sất-lợi, cha tên Thiện Ý. Thời này còn gần Phật, thuộc về thời chánh pháp, nhân duyên giáo hóa của Tổ Ưu-ba-cúc-đa rất rộng lớn, độ rất nhiều người chứng đạo. Sử ghi, Ngài có một thất đá, mỗi khi giáo hóa một người chứng đạo, Ngài lấy thẻ tre bỏ vào thất. Một thời gian sau, thẻ tre đầy cả thất. Khi Ngài tịch, hàng môn đệ mở thất đá, lấy thẻ tre làm vật liệu để hỏa táng. Mới thấy sự giáo hóa của Ngài rộng lớn thế nào! Bài kệ Tổ Thương-na-hòa-tu truyền pháp cho Ngài:
Phi pháp cũng phi tâm,
Không tâm cũng không pháp.
Khi nói tâm pháp ấy,
Pháp ấy phi tâm pháp.
Âm:
Phi pháp diệc phi tâm,
Vô tâm diệc vô pháp.
Thuyết thị tâm pháp thời,
Thị pháp phi tâm pháp.
Phi pháp là chẳng phải pháp, phi tâm là chẳng phải tâm. Truyền pháp nhưng lại nói chẳng phải pháp, cũng chẳng phải tâm, vậy truyền cái gì? Không có tâm cũng không có pháp thì cái gì được? Được cái gì? Thấy có pháp để truyền, thấy có tâm để nhận hay thấy có pháp thật, tâm thật, đó là lầm. Ngay đó là phá cái chấp tâm, phá chấp pháp.
Dù nói tâm pháp nhưng pháp ấy không phải là tâm pháp, nó không ở trên cái tên đó, đừng bám vào cái tên rồi tưởng ra đủ thứ, hoặc hiểu thế này thế kia cũng là hiểu trên cái tên. Chỗ truyền vốn vượt ngoài cái tên, không có ở trên cái tên mà ở ngay nơi mỗi người. Đã ở ngay nơi mỗi người thì làm sao có truyền! Làm sao có được! Cho nên, chỗ này không thể đứng bên ngoài học lóm, chỉ có người đến nơi thì thầy trò cảm thông nhau, nên gọi là tâm ấn tâm, truyền pháp là như vậy.
Tổ thứ 05: Tôn giả Đề-đa-ca
Ngài Đề-đa-ca vốn tên Hương Chúng, nhân thân phụ của Ngài mộng thấy mặt trời vàng xuất hiện trong nhà nên đổi tên Ngài thành Đề-đa-ca, tiếng Hoa dịch là Thông Chân Lượng. Bài kệ Tổ Ưu-ba-cúc-đa truyền pháp cho Ngài:
Tâm tự xưa nay tâm,
Bổn tâm chẳng có pháp.
Có pháp có bổn tâm,
Chẳng tâm chẳng bổn pháp.
Âm:
Tâm tự bổn lai tâm,
Bổn tâm phi hữu pháp.
Hữu pháp hữu bổn tâm,
Phi tâm phi bổn pháp.
Mới nghe qua giống như đọc thần chú, vì quá cô đọng. “Tâm tự xưa nay tâm”: Tâm tự xưa nay là tâm, không có thêm bớt trong đó. “Bổn tâm chẳng có pháp”: Tâm gọi là bổn tâm thì chẳng có pháp. Khi thấy “có pháp có bổn tâm” là không phải, cho nên rốt ráo “chẳng tâm chẳng bổn pháp”.
Tâm chân thật xưa nay chỉ là tâm, không thuộc một cái gì khác, không do tạo tác mà thành, không thêm bớt trong đó, thấy tâm thế này thế nọ là xa rồi. Bởi bổn tâm là tâm gốc sẵn có thì nó chẳng có pháp, chẳng có đối tượng. Khi thấy tâm-pháp đối đãi nhau, có tâm có pháp thì không phải bổn tâm. Tức nó lìa các duyên, không có bạn bè, nhà Thiền gọi là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn.
Khi lập thành có pháp, rồi đối với các pháp nói là bổn tâm, đó cũng là pháp đối đãi, vì người mê nên phải tạm lập để gợi ý, không phải là bổn tâm chân thật. Vì thấy có pháp, có bổn tâm thành có hai, thế nên có lập thì có phá, rốt ráo chẳng phải tâm cũng chẳng phải bổn pháp, vượt lên ý niệm phân biệt đối đãi. Người đắc pháp là vượt qua tên đó mới đạt được ý ngoài lời.
Tổ thứ 06: Tôn giả Di-dá-ca
Ngài Di-dá-ca không rõ dòng họ, ban đầu Ngài tu tiên, là vị đại tiên tu hành nổi tiếng, lãnh đạo tám ngàn vị tiên. Khi gặp Tổ Đề-đa-ca, Ngài nhắc lại duyên xưa với Tổ, sáu kiếp trước hai người đã từng đồng sanh ở cõi trời Phạm Thiên.
Tổ Đề-đa-ca cũng nhớ biết được và khuyên Ngài Di-dá-ca xuất gia theo giáo pháp Đức Phật mới khỏi được sanh tử, tu tiên cũng còn ở trong sanh tử. Ngài xuất gia theo Phật pháp, sau được Tổ Đề-đa-ca truyền pháp, bài kệ truyền pháp:
Thông đạt pháp bổn tâm,
Không pháp không phi pháp.
Ngộ rồi đồng chưa ngộ,
Không tâm cũng không pháp.
Âm:
Thông đạt bổn tâm pháp,
Vô pháp vô phi pháp.
Ngộ liễu đồng vị ngộ,
Vô tâm diệc vô pháp.
Người thông đạt pháp bổn tâm thì không pháp cũng không phi pháp, tức vượt qua đối đãi. Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp, vậy là khỏi ngộ hay sao? Đây có ý sâu!
Gọi là pháp bổn tâm cũng là phương tiện ngôn ngữ, chứ bổn tâm không phải là một pháp để người duyên theo đó mà hiểu. Bởi khi chúng ta hiểu bổn tâm thì bổn tâm trở thành đối tượng để hiểu, tức không phải bổn tâm. Do đó, thông đạt được pháp bổn tâm thì vượt qua phân biệt về pháp và phi pháp, không thấy có đối đãi thành hai pháp.
Trong đó, ngộ rồi cũng thấy đồng như chưa ngộ, tức là không có cái mới, cái khác để được, chỉ là ngộ cái sẵn có vậy thôi. Tuy thấy đồng như chưa ngộ nhưng không phải giống như khi chưa ngộ, bởi chưa ngộ là mê mờ tối tăm, đây ngộ rồi liền sáng tỏ rõ ràng lẽ thật xưa nay nơi chính mình nên mới gọi là ngộ.
Trong nhà Thiền có câu: “Ngộ rồi cũng thấy là mày ngang, mũi dọc như ai”. Nhưng khác ở chỗ đã ngộ là sáng tỏ không còn mê, khi xưa thì mê. Ngay đây cũng vượt qua cái thấy phân biệt, có tâm có pháp đối đãi với nhau, bởi cái tâm đối với pháp là tâm đối đãi, tâm nhiều thứ, không phải bổn tâm. Nên nói “không tâm cũng không pháp”. Không tất cả cái tâm nhiều thứ, không tất cả cái pháp nhiều thứ, trở về cái không hai mới là chỗ truyền tâm ấn, mới là tâm ấn của Tổ. Tức là không có các thứ tâm phàm-thánh, mê-ngộ, hơn-thua, tốt-xấu, phải-quấy, không có những cái pháp hay-dở, đúng-sai, không tâm không pháp như vậy chứ không phải hoàn toàn không có tâm pháp. Nên nhớ kỹ: “Bổn tâm không có nhiều thứ, có nhiều thứ thì không phải bổn tâm”.
Tổ thứ 07: Tôn giả Bà-tu-mật
Ngài Bà-tu-mật thuộc dòng học Phả-la-đọa ở miền Bắc Ấn, khi gặp Tổ Di-dá-ca, Tổ nhắc lại duyên xưa:
- Thầy ta là Đề-đa-ca thường nói: “Xưa kia Như Lai du hóa Bắc Ấn có nói với Tổ A-nan: “Sau khi Ta diệt độ khoảng ba trăm năm, ở nước này sẽ có vị Thánh nhân ra đời, họ Phả-la-đọa tên Bà-tu-mật, làm vị Tổ thứ bảy của Thiền Tông”. Đây là Như Lai thọ ký cho ông, ông nên xuất gia.
Ngài Bà-tu-mật cũng là người có trí nhớ biết được những kiếp xưa, nên sau khi nghe Tổ nhắc duyên xưa, Ngài thưa:
- Con cũng nhớ lại kiếp xưa thường làm vị thí chủ cúng dường Phật một bảo tòa. Như Lai thọ ký cho con rằng: “Ngươi ở kiếp Hiền sẽ được Phật pháp, làm Tổ thứ bảy”.
Nhân đó Ngài xin được xuất gia, sau được Tổ truyền pháp, bài kệ truyền pháp:
Không tâm không thể được,
Nói được chẳng gọi pháp.
Nếu rõ tâm phi tâm,
Mới hiểu tâm tâm pháp.
Âm:
Vô tâm vô khả đắc,
Thuyết đắc bất danh pháp.
Nhược liễu tâm phi tâm,
Thủy giải tâm tâm pháp.
Lời của những bậc tu chứng nói ra không đồng với những lời nói theo ngôn ngữ chữ nghĩa, nên mới nghe thì thấy khó hiểu, bởi không giống cái hiểu của chúng ta.
“Không tâm không thể được”: Không tâm không phải là không có tâm, mà không cái tâm hướng ra ngoài, không tâm chạy theo duyên, không tâm đi tìm hiểu biết đây kia. Không thể được tức là buông cái tìm cầu bên ngoài, cái có thể được, bởi có được thì có mất, buông hết cái có thể được mới là chỗ truyền pháp.
“Nói được chẳng gọi pháp”: Nói “được” thì thành ngôn ngữ, không phải chân pháp.
“Nếu rõ tâm phi tâm”: Tâm phi tâm là tâm chẳng phải tâm, tức tâm vượt lên trên tâm, vượt lên tâm phân biệt tầm thường, tâm không thuộc về đối tượng hiểu biết.
“Mới hiểu tâm tâm pháp”: Tâm tâm pháp là pháp của cái tâm vượt lên trên tâm, tức không còn có tâm và pháp đối đãi, đó là chỗ vượt ngoài ngôn ngữ phân biệt, nằm ở bên kia những trò chơi chữ. Muốn rõ được tâm này phải tự chứng nhập ở trong đó, không thể đứng bên ngoài mà biết được, đó mới là chỗ truyền pháp, chỗ ấn tâm. Nếu chưa thấu được vậy là còn đứng ngoài cửa Tổ.
Tổ thứ 08: Tôn giả Phật-đà-nan-đề
Ngài Phật-đà-nan-đề thuộc dòng Cù-đàm ở nước Ca-ma-la, xuất gia từ năm 14 tuổi, sau đó theo Tổ Bà-tu-mật và được phó pháp, bài kệ phó pháp của Tổ Bà-tu-mật:
Tâm đồng cõi hư không,
Chỉ pháp bằng hư không.
Khi chứng được hư không,
Không pháp, không phi pháp.
Âm:
Tâm đồng hư không giới,
Thị đẳng hư không pháp.
Chứng đắc hư không thời,
Vô thị vô phi pháp.
“Tâm đồng cõi hư không”: Đây là tâm gì? Không phải tâm buồn-vui giận-ghét hơn-thua. Đây chỉ tâm ấn của Tổ, tâm này vượt ngoài những tâm hư vọng theo chiều phân biệt sanh diệt. Đồng với hư không thì lấy chỗ nào làm giới hạn? Cho nên tâm này vốn không một vật, không có hình tướng có thể nắm bắt, không hạn lượng, không giới hạn, không bờ mé, giống như hư không, vậy làm sao nắm bắt được tâm này!
Tuy nhiên, nói đồng với hư không nhưng hư không thì không đồng với nó, phải nhớ kỹ như thế, không thể lộn lạo được. Bởi hư không mờ mịt, đâu có biết gì, còn tâm này sáng tỏ, biết rõ, giác ngộ nên hư không đâu thể đồng với nó được. Đây là thí dụ, mượn tạm hư không để nói.
Khi chứng được tâm bằng với hư không, tức không có hạn lượng, vượt qua tất cả mọi phân biệt đối đãi, vượt qua cả có và không, không có pháp phải pháp quấy. Bởi còn trong phân biệt đối đãi là còn trong sanh diệt, thì không phải tâm ấn của Tổ. Trong nhà Thiền gọi là “nhận thì ngay đó liền nhận, suy nghĩ liền sai”. Tức là trực tiếp, không qua suy nghĩ, nhận trước khi có suy nghĩ mới là thật ngộ, vừa rơi vào suy nghĩ liền trái xa.
Trong Truyền Tâm Pháp Yếu, Thiền sư Hoàng Bá - Hy Vận có lời khai thị: “Người học đạo muốn được biết yếu quyết, chớ ở trên tâm mà để một vật, nói là Phật. Chân pháp thân ví như hư không, đây là dụ pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân. Người thường thì bảo pháp thân đầy khắp hư không, trong hư không gồm chứa pháp thân, họ không biết rằng pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân. Nếu quyết định nói có hư không thì hư không chẳng phải pháp thân, còn nếu quyết định nói có pháp thân thì pháp thân chẳng phải hư không. Chớ khởi hiểu hư không thì hư không tức pháp thân, chớ khởi hiểu pháp thân thì pháp thân tức hư không. Hư không cùng với pháp thân không có tướng khác, Phật cùng với chúng sanh không có tướng khác, sanh tử cùng với Niết-bàn không có tướng khác, phiền não cùng với Bồ-đề không có tướng khác, lìa tất cả tướng tức là Phật”.
Trên tâm mà để một vật nói là Phật thì không phải, bởi trên tâm mà có ông Phật thì thành cái thứ hai. Chân pháp thân ví như hư không chỉ là ví dụ. Người thường bảo rằng pháp thân đầy khắp hư không, trong hư không gồm chứa cả pháp thân, là cũng còn trong tưởng tượng phân biệt, còn cái này đầy khắp cái kia.
Cho đến nếu khởi hiểu hư không thì hư không không phải pháp thân, bởi khởi hiểu hư không thì hư không thành cái bị hiểu, là có tướng hư không để hiểu, hiểu vậy là hiểu trên tướng, là thành có tướng khác rồi. Thế nên đây phải thầm hiểu.
Ngài kết lại: “Lìa tất cả tướng tức là Phật”. Đây là nhắc trong kinh Kim Cang. Nói như hư không là chủ yếu lìa tất cả tướng. Thế mà chúng ta lại còn sanh tướng hư không, vậy là đi xa rồi. Lìa tất cả tướng, vượt qua tình thức phân biệt thì hợp với tâm Tổ. Đây nói pháp thân cũng là tên khác của tâm ấn này, có khi nói pháp thân, có khi nói tâm ấn, có khi nói bản lai diện mục, đó là những tên khác, cái thể vẫn không hai, đừng nên mắc kẹt trên cái tên.
Chúng ta học đạo mắc kẹt trên cái tên quá nhiều, giờ phải quay trở về gốc chớ có theo ngọn, càng theo ngọn là càng đi xa. Phải lìa tất cả tướng phân biệt đối đãi, ngay đó tự khế hợp, không cần phải hiểu thêm gì khác, chính đó là thật hiểu. Còn muốn hiểu cái này hiểu cái kia là hiểu ra bên ngoài, cái hiểu vay mượn.
Giờ đây, dù cách xa Tổ nhiều kiếp nhưng người khế hợp tâm Tổ, tâm tâm khế hợp cũng được ấn tâm. Chúng ta không phải mặc cảm là cách xa thời Tổ, vì tâm ấn này không lệ thuộc thời gian cũng không lệ thuộc không gian, vượt ngoài cả thời gian và không gian. Hiểu vậy, chúng ta có đủ niềm tin để tiến tu.
Đây là những bài kệ trọng yếu, tinh tủy của pháp, thế nên phải nghe sâu, khéo vượt qua cái nghe.
Tổ thứ 09: Tôn giả Phục-đà-mật-đa
Ngài Phục-đà-mật-đa thuộc họ Tỳ-xá-la ở nước Đề-già. Từ khi được sanh ra cho đến 50 tuổi chưa từng nói một lời, chưa từng đi một bước, đến khi gặp Tổ Phật-đà-nan-đề, Tổ nói cho cha mẹ Ngài biết về duyên đời trước rằng: “Đứa bé này đời trước thông minh lắm, ở trong Phật pháp do lòng đại bi muốn làm lợi ích lớn cho chúng sanh nên thường nguyện: “Nếu tôi sanh ở nơi nào thì không bị tình phụ tử ràng buộc, tùy duyên lành kia liền được giải thoát”. Miệng nó không nói là tiêu biểu đạo không tịch, chân nó không đi là tiêu biểu pháp không đến đi”.
Cha mẹ Ngài nghe xong, biết được nhân duyên của Ngài nên cho theo Tổ xuất gia. Sau đó, Ngài được truyền pháp, bài kệ của Tổ Phật-đà-nan-đề truyền pháp:
Hư không chẳng trong ngoài,
Tâm pháp cũng như thế.
Nếu hiểu rõ hư không,
Là đạt lý chân như.
Âm:
Hư không vô nội ngoại,
Tâm pháp diệc như thử.
Nhược liễu hư không cố,
Thị đạt chân như lý.
Hư không rỗng rang, không có tướng trong tướng ngoài, không phân chia thành hai. Tâm pháp cũng như thế, dứt bặt niệm phân biệt trong-ngoài, không có dấu vết phân chia kia-đây. Vừa khởi niệm phân chia là có giới hạn, trái với nó. Người hiểu thấu được hư không, tức dứt bặt ý niệm phân chia trong ngoài kia đây thì thông đạt được lý chân như, tức thầm khế hợp lý chân như, đó là tâm pháp mà Tổ truyền đạt. Trái lại, thấy có tâm ở trong, có pháp ở ngoài là còn mê. Đó là ý nghĩa truyền pháp, mượn hư không làm thí dụ để đạt được ý sâu của tâm pháp.
Tổ thứ 10: Hiếp Tôn Giả
Tổ Hiếp, người Trung Ấn tức miền Trung Ấn Độ, do ở trong thai mẹ đến 60 năm mới sanh ra nên có tên là Nan Sanh. Khi gặp Tổ Phục-đà-mật-đa độ cho xuất gia, Ngài rất cần mẫn tu học cho đến quên ăn bỏ ngủ, suốt cả ngày đêm chưa từng đặt lưng xuống chiếu, vì thế người đương thời gọi Ngài là Hiếp Tôn Giả (Tôn giả lưng không đặt xuống chiếu). Sau Ngài được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Phục-đà-mật-đa:
Chân lý vốn không tên,
Nhân tên bày chân lý.
Nhận được pháp chân thật,
Chẳng chân cũng chẳng ngụy.
Âm:
Chân lý bổn vô danh,
Nhân danh hiển chân lý.
Thọ đắc chân thật pháp,
Phi chân diệc phi ngụy.
Chân lý tức lý chân thật, nhưng nói vậy cũng không dính dáng gì, bởi chỉ là cái tên. Người học theo chữ nghĩa, giải thích cho nhiều tưởng ta hiểu, nhưng sự thật không dính dáng gì, tên “chân lý” đâu dính dáng gì đến chân lý. Lý thật vốn không nằm trên cái tên, không thuộc vào cái tên, chỉ tạm mượn tên để gợi ý, nên nói: “Chân lý vốn không tên, nhân tên bày chân lý”. Bởi nếu không nói gì thì làm sao biết! Cho nên phải mượn lời nói để gợi ý. Nhưng bao người lại chết trên cái tên đó, bám vào cái tên để phân tích rồi cho là hiểu, nhưng chỉ hiểu chân lý trên chữ nghĩa chớ không thấy đến tột nghĩa thật.
Chúng ta phải quán cho thấu đáo, cái tên “chân lý” có hiểu biết gì không! Tên đó do những âm chữ ráp lại, đâu có biết gì? Cũng vậy, tên “Bồ-đề”, “Phật tánh”, “chân tâm” cũng không biết giác ngộ, nhưng người cứ bám vào đó mà phân tích rồi cho là đủ. Bồ-đề chân thật hay Phật tánh chân thật không nằm trên những cái tên đó. Kinh Lăng Già, Đức Phật bảo: “Chẳng phải ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa, cũng chẳng phải sở thuyết là đệ nhất nghĩa, đệ nhất nghĩa thánh lạc do ngôn thuyết mà được vào. Đệ nhất nghĩa là chỗ thánh trí tự giác đã được, chẳng phải cảnh giới ngôn thuyết vọng tưởng giác”.
Đệ nhất nghĩa hay chân lý rốt ráo là chỗ Thánh trí tự giác tự chứng, không phải cảnh giới của ngôn thuyết nói năng trong vọng tưởng, đừng có mắc kẹt trên ngôn thuyết. Do đó, “Nhận được pháp chân thật, chẳng chân cũng chẳng ngụy”. Khi nhận được pháp chân thật thì vượt qua cả ý niệm phân biệt chân và ngụy (dối). Còn phân biệt đây chân kia ngụy là còn trên ngôn thuyết, chỗ chân thật không thuộc trong ý niệm đó. Đã nhận được pháp chân thật rồi, nó như thế thì thấy như thế, còn nói chân nói ngụy gì nữa! Đến đó thì không phải lý luận, tranh cãi, còn tranh cãi chân ngụy là còn chưa thật thấy, đó là chỗ truyền pháp.
Tổ thứ 11: Tôn giả Phú-na-dạ-xa
Ngài Phú-na-dạ-xa thuộc dòng họ Cù-đàm ở nước Hoa Thị gặp Tổ Hiếp Tôn Giả độ cho xuất gia, rồi truyền pháp cho. Bài kệ Tổ Hiếp Tôn Giả truyền pháp:
Chân thể đã sẵn chân,
Bởi chân nói có lý.
Hội được pháp chân chân,
Không đi cũng không dừng.
Âm:
Chân thể tự nhiên chân,
Nhân chân thuyết hữu lý.
Lãnh đắc chân chân pháp,
Vô hành diệc vô chỉ.
Chân thể là thể chân thật, vốn tự sẵn là chân rồi, không phải làm thành chân, cho nên không thuộc tâm tạo tác. Nếu làm cho thành chân thì không phải chân mà là sanh diệt, tạo tác. Bởi nó là chân, nên nói có lý để người nhận ra, lãnh hội tin chắc có lẽ thật đó, khiến người nhân đó biết được có lẽ thật.
Tuy “nói có lý”, nhưng lý cũng chẳng có ở trên cái tên “chân”. Do đó cần lãnh hội được “pháp chân chân”.
“Pháp chân chân” là pháp chân vượt lên cái tên “chân” không thuộc trong chữ nghĩa, không thuộc đối tượng để hiểu để suy. Nó sẵn vậy, không thêm cái chân gì để phân biệt. Khi nhận được thì không thấy có đi có dừng hay động tịnh, tức vượt ngoài pháp tạo tác sanh diệt, chớ nên đem cái tạo tác vào trong đây để hiểu.
Hãy nhớ kỹ: “Khi hiểu được nó thì không phải nó”, chúng ta hiểu được nó thành ra nó là cái ngoài ta, do đó trong nhà Thiền luôn bảo người học phải quay trở lại chính mình.
Tổ thứ 12: Bồ-tát Mã Minh
Ngài là người xứ Ba-la-nại, có chỗ ghi thuộc dòng Bà-la-môn ở nước Xá-vệ. Khi Ngài sanh ra, các con ngựa đều hý lên nên gọi là Mã Minh. Lại cũng có thuyết nói, mỗi khi Ngài thuyết pháp, các con ngựa trong chuồng ở gần đều lặng lẽ lắng nghe, khi thuyết pháp xong chúng lại hý vang lên nên gọi là Mã Minh. Ngài là bậc biện tài nổi tiếng, hàng phục rất nhiều ngoại đạo. Tổ Phú-na-dạ-xa độ cho Ngài xuất gia, sau đó truyền pháp. Ngài là người thắp sáng ngọn đuốc Đại thừa đầu thế kỷ thứ sáu sau Phật Niết-bàn, nên gọi Bồ-tát Mã Minh. Bài kệ truyền pháp của Tổ Phú-na-dạ-xa:
Mê ngộ như ẩn hiện,
Tối sáng chẳng rời nhau.
Nay trao pháp ẩn hiện,
Chẳng một cũng chẳng hai.
Âm:
Mê ngộ như ẩn hiển,
Minh ám bất tương ly.
Kim phó ẩn hiển pháp,
Phi nhất diệc phi nhị.
Mê-ngộ là hai cái tên, nhưng vốn không hai tánh, nên gọi: “Mê ngộ như ẩn hiện”. Tức không phải có tánh mê và tánh ngộ độc lập riêng nhau. Chúng ta học chữ nghĩa hay mắc kẹt theo cái hiểu bỏ mê về ngộ giống như hai cái. Ví như tối-sáng, khi tối hiện thì sáng ẩn, khi sáng hiện thì tối ẩn, tối-sáng không hai thể. Mê-ngộ cũng vậy, mê là mê cái ngộ, ngộ là ngộ cái mê, không phải riêng có cái gì khác, cũng chỉ một tâm, không ngoài tâm mà riêng có. Người trí chớ lầm trên tướng ẩn hiện tối sáng mà khởi phân biệt thành ra xa rời lý thật.
Khi rốt ráo tỏ ngộ được pháp sâu xa của ẩn-hiện này thì vượt qua cái thấy một thấy hai đối đãi nhau, nên gọi: “Nay trao pháp ẩn hiện, chẳng một cũng chẳng hai”. Chẳng hai cũng chẳng phải một, vì khi nói một thì có hai. Đây là chỗ tự chứng, vượt ngoài ngôn ngữ. Học đây để bớt lầm theo chữ nghĩa, thường chúng ta nói quên hai trở về một, nhưng còn thấy có một là vẫn còn có hai, không nên hài lòng trong đó. Bồ-tát Mã Minh có trước tác bộ Luận Đại Thừa Khởi Tín rất nổi tiếng.
Tổ thứ 13: Tôn giả Ca-tỳ-ma-la
Ngài Ca-tỳ-ma-la người nước Hoa Thị, trước tu theo ngoại đạo, rất giỏi các pháp huyễn thuật, đồ chúng có đến ba ngàn người. Khi đến so tài với Tổ Mã Minh, bị Tổ hàng phục nên cùng với đồ chúng phát tâm xuất gia theo Phật pháp, được Tổ Mã Minh độ cho, sau đó được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Mã Minh:
Ẩn hiện tức pháp sẵn,
Sáng tối vốn không hai.
Nay trao pháp liễu ngộ,
Chẳng lấy cũng chẳng bỏ.
Âm:
Ẩn hiển tức bổn pháp,
Minh ám nguyên bất nhị.
Kim phó ngộ liễu pháp,
Phi thủ diệc phi khí.
Ẩn hiện không rời pháp gốc sẵn có, chớ có lầm theo tướng ẩn hiện mà mê mất cái bổn pháp. Ngay cái ẩn hiện, phải xoay trở lại để thấu rõ bổn pháp, đừng theo tướng ẩn hiện mà thấy có hai. Khi mê nó ẩn, khi ngộ nó hiện ra, nhưng không phải có hai pháp. Cũng như sáng và tối, trên tướng thấy dường như có hai, có sáng tối, nhưng thật thể không hai. Khi sáng thì tối ẩn, khi tối thì sáng ẩn, người thật tỏ ngộ thì thấu qua cả sáng và tối, còn mắc kẹt sáng-tối là chưa ngộ.
Cũng vậy, người đã tỏ ngộ pháp ấy thì vượt qua cái thấy lấy-bỏ, không có hai thì đâu có gì mà lấy-bỏ. Không lấy không bỏ thì cũng không được không mất, đó là vượt qua tâm sanh diệt phân biệt đối đãi, chỗ truyền pháp là đó!
Tổ thứ 14: Bồ-tát Long Thọ
Bồ-tát Long Thọ còn gọi là Đại sĩ Long Thọ, thuộc dòng Phạm-chí ở miền Tây Ấn, thông cả các môn học thiên văn, địa lý, toán số, sấm ký, các học thuật của ngoại đạo, biện tài siêu xuất, hàng phục các ngoại đạo thời đó. Sau khi gặp Tổ Ca-tỳ-ma-la cảm hóa, Ngài theo Tổ xuất gia và được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Ca-tỳ-ma-la:
Pháp không ẩn không hiện,
Nói là mé chân thật.
Ngộ pháp ẩn hiện này,
Chẳng ngu cũng chẳng trí.
Âm:
Phi ẩn phi hiển pháp,
Thuyết thị chân thật tế.
Ngộ thử ẩn hiển pháp,
Phi ngu diệc phi trí.
“Pháp” chỉ cho pháp chân thật hay bổn pháp thì không có ẩn-hiện, người thấu qua tướng ẩn-hiện thì luôn luôn thường hiện rõ như vậy không mất, tức không có hai tướng, không thuộc sanh diệt vô thường. Đó chính là mé chân thật, thấu được mé chân thật này thì lúc nào cũng sẵn là chân. Cho nên muốn thấy đến pháp chân thật này thì phải thấu qua tướng ẩn-hiện, không bị nó che mờ, vì ẩn-hiện cũng là tánh không, không có hai, liền đó vượt qua cái thấy phân biệt ngu-trí. Ngu-trí thuộc về tâm phân biệt sanh diệt, chỗ rốt ráo chân thật này thì ngu không thể ngu đến đó, tức không thể làm cho ngu được, trí cũng không thể trí đến đó tức không thể làm cho sáng hơn nữa. Học đến đây thì không phải sợ ngu cũng không phải cầu trí, bởi đã sẵn sáng, không còn gì hơn, không cần cầu gì khác. Đó là chỗ truyền của chư Tổ. Ngài Long Thọ trước tác nhiều bộ luận nổi tiếng nhất là đối với hệ Bát-nhã để xiển dương Đại thừa như Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận v.v...
Tổ thứ 15: Tôn giả Ca-na-đề-bà
Ngài Ca-na-đề-bà thuộc dòng Tỳ-xá-ly ở Nam Ấn, có chỗ nói Ngài thuộc về nước Tích Lan. Ngài rất có biện tài, khi gặp Tổ Long Thọ, được độ cho xuất gia rồi được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Long Thọ:
Vì sáng pháp ẩn hiển,
Mới nói lý giải thoát.
Nơi pháp tâm chẳng chứng,
Không sân cũng không hỷ.
Âm:
Vị minh ẩn hiển pháp,
Phương thuyết giải thoát lý.
Ư pháp tâm bất chứng,
Vô sân diệc vô hỷ.
Lý giải thoát là buông hết các duyên, tâm không trụ nơi tướng ẩn cũng không trụ nơi tướng hiện, vượt qua tất cả tướng phân biệt đối đãi. Đối với pháp giải thoát chân thật thì tâm chẳng thấy có chứng, nên gọi: “Nơi pháp tâm chẳng chứng”. Tức nó sẵn rồi, đâu có chứng thêm nữa. Do đó, không thấy có được, không thấy có thêm cái gì khác, nếu thấy có sở đắc là bị quở. Đã không thấy có được nên không sân cũng không hỷ tức không giận cũng không mừng, bởi thấy có được mới mừng, có mất mới giận hay buồn. Vượt qua cái thấy hai bên được-mất, mừng-giận mới khế hợp với tâm Tổ. Đó là chỗ truyền pháp.
Tổ thứ 16: Tôn giả La-hầu-la-đa
Tôn giả La-hầu-la-đa thuộc dòng Phạm-ma ở nước Ca-tỳ-la, cha là trưởng giả Tịnh Đức. Nhân duyên Ngài gặp Tổ Ca-na-đề-bà rất lạ, trong vườn nhà của gia đình Ngài có một thứ nấm lạ ăn rất ngon, chỉ có người cha và Ngài mới gặp được nấm này, những người khác ra thì nấm không mọc. Khi Tổ Ca-na-đề-bà đến nhà, người cha đem câu chuyện này ra hỏi, Tổ giải thích rằng:
- Lúc xưa, khi ông khoảng hai mươi tuổi thường có thỉnh vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường, vị ấy tuy có chút ít giới hạnh nhưng mắt đạo chưa sáng mà luôn nhận sự cúng dường thành kính của ông. Bởi do Tỳ-kheo ấy có chút ít tu hành nên khỏi sa vào đường ác, nhưng vẫn phải mắc nợ, nay làm nấm để trả nợ cho ông. Lúc đó, trong nhà chỉ có ông và người con trai này có tâm thành kính cúng dường vị đó, còn những người khác đều không vui, vì thế nấm này khi mọc chỉ có hai cha con ông được hưởng.
Sau đó, Tổ hỏi lại cha của Ngài:
- Ông hiện nay được bao nhiêu tuổi rồi?
Ông đáp:
- Tôi được 79 tuổi.
Tổ nói bài kệ:
Vào đạo chẳng thông lý,
Hoàn thân đền tín thí,
Trưởng giả tuổi tám mốt,
Cây này không sanh nấm.
Âm:
Nhập đạo bất thông lý,
Phục thân hoàn tín thí.
Nhữ niên bát thập nhứt,
Thử mộc diệc vô nhĩ.
Nhân đây, Tổ cho Ngài La-hầu-la-đa xuất gia, về sau Ngài được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Ca-na-đề-bà:
Xưa đối người truyền pháp,
Vì nói lý giải thoát.
Nơi pháp thật không chứng,
Không chung cũng không thủy.
Âm:
Bổn đối truyền pháp nhân,
Vị thuyết giải thoát lý.
Ư pháp thật vô chứng,
Vô chung diệc vô thủy.
Người sống trên đời này đều mang cái mê truyền kiếp, không phải một kiếp hai kiếp mà từ vô thủy. Bởi mê quá lâu đời nên quên hết lý thật giải thoát, bị trói trong sanh tử luân hồi dài dài. Đây nói lý giải thoát cho người tỉnh lại, nhưng lý giải thoát đó ở đâu? Cũng chính ở ngay trong tâm mỗi người, nên khi người nhận ra được pháp đó thì không thấy thật có được có chứng, do đó nói: “Nơi pháp thật không chứng”. Vì không phải cái bên ngoài đến, không phải cái mới có.
“Không chung cũng không thủy”. Tức pháp này không có đầu cũng không có đuôi, vì không nằm trong tạo tác sanh diệt.
Hòa thượng Triệu Châu từng khai thị trong chúng: “Khi chưa có thế giới trước đã có tánh này, khi thế giới hoại tánh này cũng chẳng hoại. Một phen được thấy Lão Tăng rồi, về sau lại chẳng phải người nào khác, chỉ là chủ nhân này, cái đó lại hướng ra ngoài tìm làm gì nữa? Khi ấy chớ có xoa đầu moi óc, nếu xoa đầu moi óc liền mất vậy”.
Moi óc tức suy nghĩ tìm thì mất, nó sẵn vậy rồi còn tìm ở đâu nữa?
Vị tăng hỏi:
- Theo lời thầy dạy, khi thế giới hoại, tánh này cũng chẳng hoại, vậy thế nào là tánh này?
Sư đáp:
- Bốn đại năm uẩn.
Tăng thưa:
- Các thứ ấy vẫn hoại, thế nào là tánh này?
Ngài Triệu Châu bảo:
- Bốn đại năm uẩn.
Đó là chỉ rõ pháp này xưa nay vốn ở ngay nơi chính mình, ngay nơi bốn đại năm uẩn, không phải ở đâu khác, không ngoài bốn đại năm uẩn này mà riêng có. Người nghe nói trước khi có thế giới là có tánh này thì nghĩ ngoài thân này riêng có ở chỗ nào đó, thấy vậy là mê. Khi tỏ ngộ thì thấy vốn sẵn có, không từ bên ngoài mà được, nên không thấy thật có chứng có đắc.
Tổ thứ 17: Tôn giả Tăng-già-nan-đề
Tôn giả Tăng-già-nan-đề vốn là vị hoàng tử con của vua Bảo Trang Nghiêm ở thành Thất-la-phiệt. Bảy tuổi Ngài đã chán thú vui ở đời, cầu xin cha mẹ cho xuất gia. Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Cuối cùng cha mẹ cũng phải cho nhưng với điều kiện Ngài phải ở nhà riêng trong hoàng cung chứ không cho đi xa. Đến năm 26 tuổi, do duyên lành Ngài tự đi vào núi tu hành, sau đó gặp Tổ La-hầu-la-đa và được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ La-hầu-la-đa:
Nơi pháp thật không chứng,
Chẳng giữ cũng chẳng lìa.
Pháp chẳng tướng có-không,
Trong ngoài do đâu khởi.
Âm:
Ư pháp thật vô chứng,
Bất thủ diệc bất ly.
Pháp phi hữu vô tướng,
Nội ngoại vân hà khởi.
“Nơi pháp thật không chứng, chẳng giữ cũng chẳng lìa”. Đối với pháp chân thật vốn không có chứng không có đắc, tức không phải được cái bên ngoài. Các vị Tổ khi ngộ rồi thấy in như nhau, tâm in tâm không có hai. Có người muốn làm cho đặc biệt, nói tôi có cái thấy đặc biệt xưa nay chưa ai có, tưởng như thế là hay nhưng không ngờ như vậy là thứ giả. Bởi nếu thấy đúng chỗ chân thật thì không có hai, trước sau cũng vậy mới là tâm in tâm. Đến đây thấy không thật có chứng có đắc cái gì khác. Trong đó, chẳng giữ cũng chẳng lìa, tức chẳng lấy chẳng bỏ, vì pháp ấy cũng chỉ là tâm. Nói tên pháp nhưng cũng chính là tâm, không phải riêng có pháp nào khác ngoài tâm, vậy thì giữ cái gì, bỏ cái gì? Trên tâm mà giữ tâm hoặc trên tâm mà lìa tâm thì thành có hai tâm, là không phải thật.
“Pháp chẳng tướng có-không, trong ngoài do đâu khởi”. Ở thế gian, mọi thứ đều được xác định rõ hoặc có hoặc không. Còn đây không thuộc có cũng không thuộc không, vì nó không có hình tướng, không phải một vật, làm sao nói có? Nhưng nó biết rõ ràng, làm sao nói không?
Có-không đã không thể được thì còn chỗ nào để phân trong-ngoài, còn chia trong-ngoài là vẫn còn mê. Tức là dứt bặt niệm phân biệt có-không, trong-ngoài vì không có hai tướng, đó là chỗ truyền pháp, đừng nghĩ truyền pháp là có cái để truyền, thành ra có trong có ngoài.
Tổ thứ 18: Tôn giả Già-da-xá-đa
Tôn giả Già-da-xá-đa họ Uất-đầu-lam ở nước Ma-đề, cha tên là Thiên Cái, mẹ tên là Phương Thánh. Thân Ngài đặc biệt là trong sáng giống như lưu ly. Sau khi Ngài sanh ra, ngôi nhà gia đình Ngài luôn có áng mây tía che trên không. Tổ Tăng-già-nan-đề nhân thấy điềm lành đó tìm đến gặp Ngài độ cho xuất gia, về sau truyền pháp cho Ngài. Bài kệ truyền pháp của Tổ Tăng-già-nan-đề:
Đất tâm vốn không sanh,
Nhân đất từ duyên khởi.
Duyên giống chẳng ngại nhau,
Hoa trái cũng như thế.
Âm:
Tâm địa bổn vô sanh,
Nhân địa tùng duyên khởi.
Duyên chủng bất tương phòng,
Hoa quả diệc phục chi.
“Đất tâm vốn không sanh”: Đất tâm chính là tâm địa xưa nay, là tâm ấn của chư Tổ chứ không phải tâm buồn thương giận ghét của chúng ta. Đã vốn không sanh thì đâu từng có diệt, nhưng chúng sanh mê, bỏ quên đất tâm, lại nhận cái sanh diệt, đó là cái đáng thương. Thế nên Tổ cảnh tỉnh mọi người quay trở lại.
“Nhân đất từ duyên khởi”: Tuy theo duyên khởi nhưng cũng không rời đất riêng có, tức không rời tâm, rõ thấu được như thế thì không tách rời nhau để hiểu, theo duyên mà quên mất gốc.
“Duyên giống chẳng ngại nhau, hoa trái cũng như thế”. Duyên và giống, hoa và trái không tách rời nhau mà thành ngăn ngại. Nghĩa là rời đất tâm riêng có pháp thì không thể được, nên pháp cũng thông với tâm, không ngoài tâm riêng có. Do đó, cần ngộ trở lại đất tâm, chớ theo duyên rồi bị lưu chuyển, quên mất tâm thể vô sanh. Tâm thể vốn vô sanh, ngay duyên đó mà nhớ trở lại, không phải tìm đâu nữa. Vô sanh thì không diệt, ngay đó là Niết-bàn, vậy Niết-bàn cũng ngay nơi tâm chứ không ở đâu khác. Chúng ta học, đôi khi tưởng Niết-bàn là cảnh giới nào để đi đến, đó là mắc kẹt chữ nghĩa.
Tổ thứ 19: Tôn giả Cưu-ma-la-đa
Tôn giả Cưu-ma-la-đa thuộc dòng Bà-la-môn ở nước Nguyệt Chí.
Nhân duyên gặp Tổ Già-da-xá-đa, Ngài thắc mắc về việc con chó nuôi trong nhà mới đem ra hỏi Tổ:
- Con chó này mỗi khi ăn xong thì ra nằm ngoài hành lang dưới tấm rèm bất kể trời mưa to gió lớn, người nhà sợ nó lạnh mới đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại đó nằm. Con đem việc đó ra hỏi các vị thầy Bà-la-môn nhưng không giải thích được, xin Tôn giả giải nghi cho.
Tổ giải thích:
- Con chó này vốn là cha của ông, vì có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia, cha của ông giàu có, đem cả ngàn đính vàng để trong hủ ngầm chôn dưới tấm rèm không ai biết. Đến khi chết mà chưa kịp trối lại cho người nhà biết, vì tiếc của nên sanh ra làm con chó để gìn giữ. Nếu ông đào lên lấy của đó đi thì nó sẽ bỏ đi.
Ngài cho người đào chỗ con chó nằm thì quả nhiên có hủ vàng như lời Tổ nói. Nhân đó, Ngài phát nguyện theo Tổ xuất gia.
Về sau Ngài được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Già-da-xá-đa:
Có giống có đất tâm,
Nhân duyên hay nảy mầm.
Đối duyên chẳng ngại nhau,
Chính sanh, sanh chẳng sanh.
Âm:
Hữu chủng hữu tâm địa,
Nhân duyên năng phát manh.
Ư duyên bất tương ngại,
Đương sanh sanh bất sanh.
Có hạt giống giác ngộ, có đất tâm, khi gặp nhân duyên tức gặp thiện tri thức khơi dậy liền phát khởi trí giác ngộ gọi là nảy mầm giác. Nảy mầm cũng ngay nơi đất tâm chứ không ở đâu khác, vậy thì không phải tìm cầu ở bên ngoài.
Đối với duyên mà thông suốt ở nơi tâm, duyên với tâm thông suốt không có ngại tức tự thầm cảm thông, liền sáng tỏ ngay sanh chính là chẳng sanh, không phải rời sanh riêng có cái chẳng sanh nào khác. Sanh tức là duyên, nhưng duyên không tách rời tâm riêng có, rốt ráo cũng chỉ là nhất tâm, nên sanh tức chẳng sanh. Ngộ được tâm thể này liền vượt qua cái thấy sanh diệt, đó là chỗ ấn tâm của Tổ.
Hiểu vậy thì ngay đây chúng ta có đầy đủ niềm tin để nhớ trở lại đất tâm vô sanh của chính mình. Không nên theo duyên thành ra sanh, sanh đây là vọng sanh, gọi là vọng lưu chuyển. Tuy là vọng sanh nhưng chúng ta thấy thật, do vậy khi vọng diệt chúng ta cũng thấy thật có diệt, rồi muốn cầu Niết-bàn không sanh diệt, đó cũng là mê. Khéo ngay đó, ngộ trở lại vốn không thật sanh diệt, tự là vô sanh, thì không cần cầu mà cũng được. Như vậy, trừ niệm sở đắc mới là thật được.
Tổ thứ 20: Tôn giả Xà-dạ-đa
Tôn giả Xà-dạ-đa vốn người Bắc Ấn, nhân gặp Tổ Cưu-ma-la-đa, Ngài hỏi:
- Nhà con cha mẹ đều kính tin Tam bảo, tu hành đúng pháp, nhưng lại gặp nhiều bệnh hoạn, làm việc gì cũng thất bại. Hàng xóm gần nhà con có người kia hung bạo hay giết hại, làm ác ngày càng nhiều mà thân thể khỏe mạnh, làm việc gì đều được như ý. Như vậy, nhân quả nghiệp báo đâu không phải là nói suông ư? Con rất nghi lẽ này, mong Ngài giải nghi cho.
Tổ Cưu-ma-la-đa bảo:
- Đức Phật nói về nghiệp báo thông cả ba đời, bởi do đời trước tạo nghiệp lành nên đời này hưởng quả lành, dù đời này có làm ác thì quả ác sẽ chịu ở đời sau. Cho nên, có người đời này tuy làm lành mà đời này không hưởng được quả lành vì nghiệp ác trước mạnh hơn. Có người đời này tuy làm ác mà không bị chịu quả ác vì việc lành trước mạnh hơn. Như vậy, nếu do đời này không được quả lành rồi tạo ác thì đời sau càng sa vào đường ác, nếu do đời này được quả lành rồi tạo lành thì đời sau càng tiến trên đường lành. Lại có người đời trước làm lành được nửa đời rồi đổi sang làm ác, đến đời này thì nửa đời trước hưởng phước, nửa đời sau mắc họa. Hiện nay cha mẹ ông và người hàng xóm có lẽ báo ứng thiện ác giống như thế, bởi nghiệp đời trước chiêu cảm nên vậy chứ đâu thể căn cứ trong hiện đời mà hiểu được.
Ngài Xà-dạ-đa nghe Tổ giảng giải thì tan hết nghi ngờ, Tổ Cưu-ma-la-đa dạy thêm:
- Tuy ông đã tin được nghiệp ba đời nhưng còn chưa rõ nghiệp từ hoặc (mê lầm) mà sanh, hoặc lại nhân thức mà có, thức y nơi bất giác (vô minh), bất giác y nơi tâm. Song tâm vốn thanh tịnh, không có sanh diệt, không có tạo tác, không có báo ứng, không có hơn kém, nó là lặng lẽ linh thông. Ông nếu vào pháp môn này thì có thể đồng với chư Phật, tất cả thiện ác hữu vi vô vi đều như mộng huyễn.
Nghe xong, Ngài theo Tổ Cưu-ma-la-đa xuất gia.
Nhiều người thế gian cũng nghi ngờ nhân quả, như thấy có người kính tin Tam bảo tu hành tốt nhưng thường bệnh hoạn, làm ăn thất bại; người kia làm ác mà lại gặp nhiều thuận duyên, thấy vậy liền nghĩ không có nhân quả hay sao?
Tổ giải thích rõ nhân quả nghiệp báo thông cả ba đời, không phải chỉ có hiện tại. Người thế gian thường chỉ thấy trước mắt, không nhớ được đời trước cũng không nghĩ đến đời sau. Thế nên thấy nhiều việc giống như không có nhân quả, nhưng sự thật đều có, vì thông cả ba đời. Bởi sống trong luân hồi này, không phải lúc nào cũng làm việc lành việc tốt, có khi mê tạo nghiệp ác nghiệp dữ, rồi cũng có tạo lành, cho nên ngày nay có gặp tốt cũng có gặp xấu.
Đôi khi chúng ta thấy có những chuyện như bất thường, nhưng đều có nhân quả. Hiểu, tin nhân quả thì sáng tỏ được mọi vấn đề, bớt khổ, không phải than trách tôi làm lành tu thiện sao gặp hoạn nạn mãi. Nếu biết nhân quả thì càng gặp hoạn nạn càng làm lành thêm, để cái lành càng nhiều, khi nạn kia qua rồi thì lành sẽ đến.
Nghiệp từ mê lầm mà sanh, do tình thức phân biệt không thấy được đúng lẽ thật nên mới tạo nghiệp, thức y nơi vô minh, vô minh y nơi tâm, vậy cũng từ tâm sanh. Rõ được bản tâm thanh tịnh thì mọi chuyện thiện ác, hữu vi vô vi cũng như mộng huyễn, tự tại vô ngại.
Sau Ngài được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Cưu-ma-la-đa:
Trên tánh vốn không sanh,
Vì đối người cầu nói.
Nơi pháp đã không được,
Đâu cần giải chẳng giải.
Âm:
Tánh thượng bổn vô sanh,
Vị đối cầu nhân thuyết.
Ư pháp ký vô đắc,
Hà hoài quyết bất quyết.
“Trên tánh vốn không sanh, vì đối người cầu nói”. Bản tánh vốn vô sanh nên không thuộc trên ngôn ngữ nói năng, không ở trong suy nghĩ phân biệt. Nhưng vì đối với người cầu học, cầu được khai thị nên phương tiện nói bày. Nói năng là phương tiện chứ không phải thật, chớ mắc kẹt trên ngôn ngữ. “Nơi pháp đã không được, đâu cần giải chẳng giải”. Đối với pháp chân thật thì không có được, bởi không phải cái ở bên ngoài thì làm sao được! Có được thì có mất thuộc về sanh diệt, tánh này sẵn nơi chính mình thì đâu có được. Do đó, không kẹt ở trong giải hay chẳng giải tức hiểu hay không hiểu. Bởi không có được nên đâu cần hiểu, nhưng rõ ràng ở nơi mình không nghi ngờ nên không phải chẳng hiểu. Lẽ thật như thế, đó là chỗ truyền pháp của Tổ, gọi là tâm truyền nên không nằm trên ngôn ngữ, chỉ mượn ngôn ngữ để gợi ý, người học phải hiểu ý ở ngoài ngôn ngữ.
Tổ thứ 21: Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu
Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu thuộc họ Tỳ-xá-khư, ở nước La Duyệt, cha tên Quang Cái, mẹ tên là Nghiêm Nhất. Năm 15 tuổi Ngài xuất gia với vị A-la-hán Quang Độ, thường tu hạnh đầu-đà. Sau gặp Tổ Xà-dạ-đa khai thị, Ngài phát sanh trí tuệ rồi được truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Tổ Xà-dạ-đa:
Nói ra hợp vô sanh,
Đồng cùng tánh pháp giới.
Nếu hay hiểu như thế,
Suốt thông sự lý tột.
Âm:
Ngôn hạ hiệp vô sanh,
Đồng ư pháp giới tánh.
Nhược năng như thị giải,
Thông đạt sự lý cánh.
Bậc đạt đạo nói ra lời đều hợp với lý vô sanh, không kẹt trên lời nói, nói mà như chưa từng nói, không để người chết trên lời nói. Do đó đồng với tánh pháp giới tức không có hạn lượng, không ở trong sanh diệt. Người khế hợp được lẽ thật đó thì suốt thông cả sự lý, không còn ngăn ngại.
Sự thì có hình tướng, lý thì không hình tướng, cho nên người chưa thông suốt thường thấy sự ngại lý. Người thông đạt rồi thấy sự thông được lý, cũng như hiểu được lý mà suốt qua sự, không bị ngăn ngại. Ngay sự mà suốt cả lý, ngay lý mà tột cả sự, không còn phân chia đây-kia, không phải phân tích trên lý luận, đó là người thấy đạo, cũng gọi là chỗ tâm truyền của Tổ.
Tổ thứ 22: Tôn giả Ma-noa-la
Tôn giả Ma-noa-la thuộc dòng Sát-đế-lợi ở nước Na-đề, cha là Thường Tự Tại vua nước này, Ngài là Thái tử. Khi đến giáo hóa ở nước này, Tổ Bà-tu-bàn-đầu gặp vua Thường Tự Tại, Tổ nhắc lại lời Đức Phật đã thọ ký: “Gần một nghìn năm sau khi Ta Niết-bàn sẽ có một thần lực đại sĩ ra nối truyền chánh pháp tại nước Na-đề tên là Ma-noa-la”. Vua nghe xong, hoan hỷ cho Ngài Ma-noa-la theo Tổ Bà-tu-bàn-đầu xuất gia, về sau Ngài được truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Tổ Bà-tu-bàn-đầu:
Bọt huyễn đồng không ngại,
Tại sao chẳng liễu ngộ.
Đạt pháp ngay trong ấy,
Chẳng xưa cũng chẳng nay.
Âm:
Bào huyễn đồng vô ngại,
Vân hà bất ngộ liễu.
Đạt pháp tại kỳ trung,
Phi kim diệc phi cổ.
“Bọt” là khi trời mưa xuống tạo những bọt nước, chợt có chợt mất, không thật có, “huyễn” là huyễn thuật hóa ra cũng không thật. Bọt huyễn chỉ cho thân này hay nói rộng ra là cả thế giới. Thân này như bọt huyễn, nổi lên rồi tan ra, không có tánh thật, vậy thì đâu có gì chướng, đâu có gì ngại. Như vậy tại sao lại không liễu ngộ, còn đợi cái gì khác nữa, còn đợi tức còn muốn tìm cái gì khác.
Người khéo ngay đó liễu ngộ liền đạt được pháp, tức thấu suốt bổn pháp xưa nay chưa từng sanh diệt, ngay đó đầy đủ không thiếu. Pháp ấy chẳng thuộc xưa cũng chẳng thuộc nay, tức vượt qua sanh diệt vô thường.
Đó là ngay trong hư huyễn mà ngộ phi huyễn, không phải ngoài hư huyễn này tìm phi huyễn ở đâu khác. Ngay trong thân bọt huyễn mà ngộ được tâm Tổ thì cùng chư Tổ không khác. Người khéo quán kỹ chỗ này sẽ có niềm tin sâu đối với chánh pháp, không còn lo sợ vô thường bọt huyễn. Nên nhớ rằng nếu là pháp chân thật thì không sợ vô thường, nếu sợ vô thường thì không phải pháp chân thật.
Người xưa thường nói: “Vàng thật không sợ lửa”, sợ lửa thì không phải vàng thật. Nếu tin được pháp chân thật là sống an ổn trong vô thường.
Tổ thứ 23: Tôn giả Hạc-lặc-na
Tôn giả Hạc-lặc-na thuộc dòng Bà-la-môn ở nước Nguyệt Chi, cha tên Thiên Thắng, mẹ tên Kim Quang. Năm 20 tuổi, Ngài xuất gia tu theo Phật giáo nhưng ở ẩn nơi đám rừng xanh, thường có bầy hạc theo làm bạn. Khi gặp Tổ Ma-noa-la đi giáo hóa đến nước này, Ngài đem nhân duyên bầy hạc ra hỏi:
- Không biết vì sao có bầy hạc theo kề bên rất khắng khít thân thiện?
Tổ Ma-noa-la bảo:
- Xưa kia ông ở trong kiếp thứ tư (tức cách đời hiện tại bốn kiếp), làm vị Tỳ-kheo tu hành đầy đủ đạo đức, có 500 đệ tử. Mỗi khi ở Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức để thọ nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói: “Thầy thường thuyết pháp nói, đối với sự ăn uống thì bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình!” Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, sau khi ông tịch, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ làm thân hạc. Do nhân duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông.
Sau đó, Ngài theo Tổ và được truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Tổ Ma-noa-la:
Tâm theo muôn cảnh chuyển,
Chỗ chuyển thật kín sâu.
Theo dòng nhận được tánh,
Không mừng cũng không lo.
Âm:
Tâm tùy vạn cảnh chuyển,
Chuyển xứ thật năng u.
Tùy lưu nhận đắc tánh,
Vô hỷ diệc vô ưu.
“Tâm theo muôn cảnh chuyển”: Tức tâm luôn luôn đi theo cảnh, tâm biết cảnh, có cảnh là có tâm, cảnh ở đâu thì tâm ở đó, bởi không có tâm thì cái gì biết cảnh! Nhưng bao nhiêu người mê theo cảnh mà quên mất tâm, đó là chỗ lầm đáng tiếc! Cũng bởi “chỗ chuyển thật kín sâu” khó thấy, không dễ gì thức tình biết được, vừa suy nghĩ thì liền qua mất, thế nên ít có người tỏ ngộ. Bậc trí cần phải sáng tỏ chỗ này là nhận trở lại tâm tánh, đừng nên sáng những thị-phi tốt-xấu hơn-thua.
“Theo dòng nhận được tánh”. Ngay cái biết cảnh mà khéo quên duyên, xoay trở lại thì tự tánh xưa nay hiện tiền, đầy đủ không thiếu. Kinh Lăng Nghiêm gọi là: “Thức tinh nguyên minh hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót cho nên bị lưu chuyển trong các thú”. Nếu khéo tu, không để bỏ sót nó, tức là chuyển các duyên mà nhận trở lại bản tánh, liền vượt khỏi dòng luân hồi lưu chuyển theo các thú, vượt khỏi đường mê. Như vậy thì “không mừng cũng không lo”.
Vì sao không mừng, không lo? Đáng lẽ nhận được tánh là mừng, nhưng sao không mừng? Bởi nhận được tánh nhưng tánh này sẵn nơi chính mình, không phải mới có, không phải mừng thấy có được. Đã sẵn nơi mình, đâu có sợ mất nên nói không lo. Đó là chỗ truyền pháp, nhận ra được chỗ đó là đắc pháp, được nhưng không đồng với cái được ở thế gian.
Tổ thứ 24: Tôn giả Sư Tử
Tôn giả Sư Tử thuộc dòng Bà-la-môn ở Trung Ấn. Trước Ngài thọ giáo với thầy Bà-la-môn, sau gặp Tổ Hạc-lặc-na cảm hóa mới xuất gia theo Phật, làm đệ tử của Tổ, sau đó được truyền pháp. Bài kệ truyền pháp của Tổ Hạc-lặc-na:
Khi nhận được tâm tánh,
Mới nói chẳng nghĩ bàn.
Rõ ràng không chỗ được,
Khi được không nói biết.
Âm:
Nhận đắc tâm tánh thời,
Khả thuyết bất tư nghì.
Liễu liễu vô khả đắc,
Đắc thời bất thuyết tri.
“Khi nhận được tâm tánh, mới nói chẳng nghĩ bàn”: Nhận được tâm tánh là chỗ vượt ngoài ngôn ngữ luận bàn hay tình thức suy nghĩ, đây không phải chỗ nghĩ bàn, không cần bàn luận gì trong đó. Bởi vậy, đứng bên ngoài, chưa vào cửa Tổ thì không thể nhìn lén, bàn lén đến được.
“Rõ ràng không chỗ được”: Khi đã rõ thấu xong chỗ đó rồi cũng không thấy có được, nghe nói nhận được tâm tánh rồi nghĩ có tâm tánh để được đó là lầm theo chữ nghĩa. Nhận được là tạm nói, giống như nhớ lại cái có sẵn, tuy không được mà được chứ không phải nói suông không có gì. Người đến thì tự biết, không cần phải nói biết, nên “khi được không nói biết”. Chỗ tự biết này không thể nói cho người ngoài biết nên không cần phải nói biết, cũng không phải sợ không biết. Chính cái không nói biết này là cái Phật, Tổ thầm trao truyền, người đắc pháp tự thầm hiểu, người chưa đến dù cho nói năng lăng xăng cũng không dính dáng.
Tổ thứ 25: Tôn giả Bà-xá-tư-đa
Tôn giả Bà-xá-tư-đa thuộc dòng Bà-la-môn, người nước Kế Tân, cha tên Tịch Hạnh, mẹ tên Thường An Lạc. Từ lúc mới sinh ra cho đến 20 tuổi bàn tay Ngài nắm lại chưa từng mở ra. Khi gặp Tổ Sư Tử, Tổ nhìn thẳng mặt Ngài, đưa tay bảo:
- Trả hạt châu cho ta!
Ngài liền xòe tay dâng hạt châu cho Tổ Sư Tử, ông trưởng giả cha của Ngài và mọi người khi ấy đều ngạc nhiên. Tổ giải thích:
- Thuở quá khứ, ta là vị Tỳ-kheo thường được Long vương thỉnh xuống long cung tụng kinh, khi ấy Tư-đa cũng theo ta xuất gia tên Bà-xá. Một hôm Long vương thỉnh ta đi tụng kinh, Bà-xá theo làm thị giả. Tụng kinh xong, Long vương cúng hạt châu đáp lễ, ta nhận rồi trao cho thị giả giữ trong tay. Khi ta tịch sinh ra nơi đây, vì nhân duyên thầy trò chưa hết nên lại gặp nhau tại hội này.
Sau đó Ngài theo Tổ Sư Tử xuất gia, trước khi Tổ gặp nạn (bị vua Kế Tân chặt đầu) đã truyền pháp cho Ngài với y tăng-già-lê.
Bài kệ truyền pháp của Tổ Sư Tử:
Chính khi nói tri kiến,
Tri kiến đều là tâm.
Chính tâm tức tri kiến,
Tri kiến tức hiện nay.
Âm:
Chánh thuyết tri kiến thời,
Tri kiến câu thị tâm.
Đương tâm tức tri kiến,
Tri kiến tức vu kim.
“Chính khi nói tri kiến, tri kiến đều là tâm”: Tri kiến nghĩa là thấy biết, không có tâm làm sao thấy biết? “Chính tâm tức tri kiến, tri kiến tức hiện nay”: Người khéo ngay nơi thấy biết này ngộ trở lại tâm. Không thể ngoài tâm riêng có thấy biết. Chúng ta thấy biết chỉ nhớ theo đối tượng thấy biết, nhớ theo duyên mà quên mất tự tâm, mê là chỗ đó. Ngộ trở lại chính tâm mới có thấy biết, nhưng phải là cái thấy biết ngay đây bây giờ, chớ có thêm-bớt trong đó, đừng có trên thấy biết lập thêm thấy biết như kinh Lăng Nghiêm nói. Thấy biết chỉ là thấy biết thì không có lỗi. Trên thấy biết mà khởi thêm thấy biết nữa, đó là vọng.
Trong Truyền Tâm Pháp Yếu, Thiền sư Hoàng Bá - Hy Vận khai thị: “Chỉ nơi cái thấy nghe hiểu biết nhận bản tâm, song bản tâm chẳng thuộc cái thấy nghe hiểu biết, cũng chẳng rời cái thấy nghe hiểu biết. Cốt yếu là, chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết mà khởi phân biệt, chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết mà động niệm, chớ lìa cái thấy nghe hiểu biết mà tìm tâm, cũng chớ bỏ cái thấy nghe hiểu biết mà nhận pháp”. Khéo ngay đó xoay trở lại thì nhận ra bản tâm chính mình.
Khi Tổ Bà-xá-tư-đa đi giáo hóa đến vùng Nam Ấn, nhà vua Thiện Đức thỉnh về hoàng cung, vua này có hai vị thái tử, vị lớn tên là Đức Thắng, thân thể khỏe mạnh tánh tình hung bạo, người em thì hiền lành nhưng bệnh hoạn liên miên, vua đem việc này ra thưa hỏi, Tổ bảo:
- Bệnh của Thái tử là do công đức phát sanh. Song lý sâu xa này Đại vương phải khéo nghe, Phật dạy người có nghiệp nặng nơi thân, ví như bệnh nội thương quá nặng, uống thuốc không có công hiệu, sắp chết thì bệnh càng hoành hành. Nếu bệnh nhẹ thì gặp thuốc liền bớt, bớt rồi từ từ mạnh. Người nghiệp nặng cũng vậy, tuy có công đức mà không làm gì được, đến lúc gần chết nghiệp lại càng hiện. Nếu nghiệp nhẹ, làm các việc công đức, nghiệp trước liền hiện, trả xong sau sẽ thanh tịnh. Hiện nay Thái tử làm việc thiện mà bị bệnh lâu, hẳn là do làm các công đức mà phát ra nghiệp nhẹ này. Hiện nay tuy có khổ nhỏ, về sau sẽ an ổn. Kinh đã nói: “Nếu phải chịu nghiệp báo trong ba đường ác, nguyện đời này trả xong, để khỏi vào đường ác”. Vua còn nghi gì ư?
Đây là bài học cho chúng ta hiểu kỹ hơn về lý nhân quả nghiệp báo, khi tu hành làm những việc công đức mà gặp bệnh hoạn không buồn chán. Nhiều người mắc bệnh này, thấy ta làm phước mà gặp bệnh hoạn, gặp nghịch cảnh hoài nên buồn. Trong kinh Kim Cang, Phật nói rõ: “Nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Tức chuyển nặng thành nhẹ, thay vì phải rơi vào đường ác thời gian dài khốn khổ, nay đây hiện đời chịu chút ít khổ là xong, vậy thì không phải buồn chán. Đây là cách để chuyển hóa nghịch cảnh.
Tất cả chúng ta đều phải chuẩn bị đối diện với nghịch cảnh, bởi từ xưa đến nay chúng ta tạo thiện ác lẫn lộn, không phải một chiều tạo thiện. Hơn nữa, thế gian là vô thường luôn luôn biến đổi, không phải diễn biến theo một chiều, cho nên nghịch cảnh xảy đến cũng không có gì lạ, nhưng có chuẩn bị thì chúng ta có cách để vượt qua, học đạo được ưu điểm chỗ đó!
Tổ thứ 26: Tôn giả Bất-như-mật-đa
Tôn giả Bất-như-mật-đa thuộc dòng Sát-đế-lợi ở Nam Ấn, con của vua Đức Thắng. Trước vua tin theo ngoại đạo chú thuật, sau gặp Tổ Bà-xá-tư-đa cảm hóa mới chuyển lại tin Phật, cho Thái tử là Ngài Bất-như-mật-đa theo Tổ xuất gia rồi được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của tổ Bà-xá-tư-đa:
Thánh nhân nói tri kiến,
Ngay cảnh không phải quấy.
Nay ta ngộ tánh ấy,
Không đạo cũng không lý.
Âm:
Thánh nhân thuyết tri kiến,
Đương cảnh vô thị phi.
Ngã kim ngộ kỳ tánh,
Vô đạo diệc vô lý.
“Thánh nhân nói tri kiến, ngay cảnh không phải quấy”. Tri kiến mà Thánh nhân nói là ngay nơi cảnh mà không sanh khởi niệm phải quấy, tức không bị cảnh chuyển mà sanh tâm. Tri kiến là thấy biết, thấy biết chỉ là thấy biết, đó là chỗ Thánh nhân nói. Ví như thấy cành hoa chỉ là cành hoa, không có niệm thứ hai, gọi là Thánh tri kiến, cũng là thấy biết nhưng thấy biết của bậc Thánh. Ngược lại, thêm niệm thứ hai là thấy biết của phàm phu. Ngộ thẳng ngay đó là xong, không phải thêm bớt gì nữa. Nên nói “Nay ta ngộ tánh ấy, không đạo cũng không lý”. Ngộ tánh đó rồi thì không thêm đạo cũng không thêm lý, bởi đó chính là đạo lý chân thật bất tư nghì rồi, còn thêm đạo lý nữa là còn mê. Chỗ tâm truyền của Tổ là đó!
Tổ thứ 27: Tôn giả Bát-nhã-đa-la
Tôn giả Bát-nhã-đa-la thuộc dòng Bà-la-môn ở Đông Ấn. Cha mẹ mất sớm, Ngài đi theo xóm ăn xin qua ngày. Hành động, ngôn ngữ của Ngài rất lạ thường, người đời khó hiểu được. Khi gặp Tổ Bất-như-mật-đa, Tổ hỏi:
- Ngươi có nhớ việc xưa chăng?
Ngài thưa:
- Tôi nhớ xưa kia đồng ở trong pháp hội, Tôn giả giảng về Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tôi thì giảng về Tu-đa-la (kinh) thậm thâm. Duyên xưa giờ gặp nên mới đón nhau đây.
Sau đó Ngài theo Tổ xuất gia được ban tên là Bát-nhã-đa-la, là kết hợp với nhân duyên xưa kia. Về sau được truyền pháp, bài kệ truyền pháp của Tổ Bất-như-mật-đa:
Kho tâm địa chân tánh,
Không đầu cũng không đuôi.
Hợp duyên tùy hóa vật,
Phương tiện gọi là trí.
Âm:
Chân tánh tâm địa tàng,
Vô đầu diệc vô vĩ.
Ứng duyên nhi hóa vật,
Phương tiện hô vi trí.
Kho tâm địa tức là đất tâm giống như cái kho. Chân tánh nằm ở trong tâm địa của chính mình, là cái mà người người đều sẵn có nhưng lại không biết nhận ra để sống, thành ra mê. Chân tánh thì sẵn vậy, luôn hiện tiền, không phải làm cho nó chân nữa, nên không có đầu cũng không có đuôi. Ngay đây nếu người hợp duyên, nó liền hiện ra chuyển hóa cho người, tức chuyển mê thành giác, gọi là “tùy hóa vật”. Nó vốn không có tên, chỉ phương tiện gọi là “trí”, cũng là gượng nói. Quan trọng là nhận ra thể chân thật, chớ có mắc kẹt trên cái tên. Bởi đôi khi không gọi là “trí”, mà gọi là “Phật tánh” hoặc “bản lai diện mục” v.v... không bắt buộc phải gọi là “trí”. Đó là chỗ truyền của Tổ.
Tổ thứ 28: Tổ Bồ-đề Đạt-ma
Tổ 28 ở Ấn Độ cũng là Tổ thứ nhất ở Trung Hoa. Ngài thuộc dòng Sát-đế-lợi ở Nam Ấn, là vương tử thứ ba con của vua Hương Chí vốn tên là Bồ-đề-đa-la. Nhân Tổ Bát-nhã vào trong cung, vua cúng hạt châu quý, Tổ đưa hạt châu lên hỏi ba vị vương tử:
- Ở đời còn có vật gì quý báu bằng hạt châu này chăng?
Vương tử thứ nhất và thứ hai nói:
- Hạt châu này quý tột, ở đời không có gì hơn nó, chẳng phải trong nhà vua thì làm gì có hạt châu này.
Vương tử thứ ba nói:
- Châu này là của báu thế gian chưa đủ làm tột, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo là tột. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng chỉ có ánh sáng trí tuệ là tột. Đây là sự trong sáng của thế gian, trong các thứ trong sáng, chỉ tâm trong sáng là trên hết. Ánh sáng của hạt châu này không thể tự chiếu, cần nhờ ánh sáng trí tuệ mới biện biệt được nó. Đã biện rõ mới biết là châu, đã biết là châu mới hiểu cái quý báu của nó. Nếu hiểu cái quý báu của nó, thì nó báu mà không biết báu. Nếu biện rõ nó là châu, thì nó châu mà chẳng tự biết châu. Châu mà chẳng tự biết châu, cần nhờ trí châu mới biện được là thứ châu ở thế gian. Báu mà chẳng tự biết báu, cần nhờ trí bảo mới rõ được là một vật báu. Song mà, nếu thầy có đạo thì báu kia liền hiện. Chúng sanh có đạo thì tâm báu tự bày.
Tổ khen ngợi, độ cho xuất gia, đổi tên thành Bồ-đề Đạt-ma, về sau Tổ truyền pháp cho Ngài và dặn dò:
- Ngươi tạm giáo hóa ở nước này một thời gian, sau đó hãy sang Trung Hoa (xưa gọi là Chấn Đán) mới thật là nhân duyên lớn của ngươi. Song hãy đợi ta diệt độ khoảng sáu mươi năm sau sẽ đi. Nếu ngươi đi sớm, sau e có việc không tốt.
Bài kệ truyền pháp của Tổ Bát-nhã-đa-la:
Đất tâm sanh các giống,
Nhân sự lại sanh lý.
Quả đầy Bồ-đề tròn,
Hoa nở thế giới sanh.
Âm:
Tâm địa sanh chư chủng,
Nhân sự phục sanh lý.
Quả mãn Bồ-đề viên,
Hoa khai thế giới khởi.
“Đất tâm sanh các giống”: Các giống đều sanh từ đất tâm chứ không đâu khác, giống thiện giống ác cũng sanh từ đó, nếu không có tâm thì giống không sanh được. Người tu phải nắm được gốc này, tức phải ngộ trở lại tự tâm mới là trọng yếu.
“Nhân sự lại sanh lý”: Muốn đạt lý cần nhân nơi sự, bởi lý không hình tướng, phải nhân nơi sự có hình tướng mà rõ được cái không hình tướng. Lý chỉ cho tâm thể chân thật vốn không hình tướng. Người khéo tu thì nhân nơi sự hiện tiền mà rõ trở lại lý, chứ không mê nơi sự.
“Quả đầy Bồ-đề tròn”: Nhân tròn đầy thì quả đầy đủ, rốt ráo cũng không thể rời ngoài đất tâm mà riêng có, cho nên phải sáng tỏ trở lại nơi tự tâm là yếu chỉ. Tổ truyền cho người cũng là truyền cái tự tâm, đem tâm truyền tâm, khiến người sáng tỏ được tự tâm, ngộ trở lại được tự tâm.
“Hoa nở thế giới sanh”: Tâm sáng thì tất cả đều sáng, nhìn cái gì cũng sáng, thế giới không còn cách biệt, ngăn ngại.
Tổ thứ 29: Đại sư Huệ Khả (Tổ thứ 2 của Trung Hoa)
Sư họ Cơ quê ở Võ Lao thuộc dòng tôn thất nhà Chu. Trước xuất gia với Thiền sư Bảo Tịnh ở chùa Long Môn núi Hương Sơn, hiệu là Thần Quang. Khi gặp Tổ Bồ-đề Đạt-ma, được Tổ đổi tên là Huệ Khả. Khi truyền pháp và y bát cho Sư, Tổ Bồ-đề Đạt-ma dạy:
- Ở trong, truyền tâm ấn để khế hợp chỗ tâm chứng. Ngoài, trao ca-sa để định tông chỉ. Đời sau có nhiều người sẽ cạnh tranh nghi ngờ, họ sẽ nói ta là người Ấn, ngươi là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy cái gì để ấn chứng? Ngươi gìn giữ pháp y này, nếu gặp tai nạn, ngươi đem ra làm biểu tín thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau, khi ta diệt độ, y bát này dừng lại không truyền, vì lúc đó Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi ấy, người biết đạo nhiều, người hành đạo quá ít, người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên người thầm thông lặng chứng có hơn ngàn vạn, ngươi gắng xiển dương chớ khinh người chưa ngộ. Hãy nghe ta nói kệ:
Ta vốn đến cõi này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái tự nhiên thành.
Âm:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma dặn về sau y bát dừng truyền, vì thời gian đầu Tổ Bồ-đề Đạt-ma mới qua Trung Hoa, Ngài là người Ấn Độ, truyền pháp cho người Trung Hoa, nhiều người sẽ nghi ngờ nên dùng y bát làm biểu tín, nhưng gốc ở chỗ tâm ấn. Người sau không hiểu, vì danh lợi bên ngoài mà giành y bát để làm Tổ. Thực sự, làm Tổ ở chỗ tâm ấn không phải do y bát, thế nên đến đời của Lục Tổ dừng lại, không truyền nữa.
Bài kệ ngầm chỉ sau này năm vị Tổ tiếp nối truyền bá làm hưng thạnh tông phái Thiền Tông nên nói: “Một hoa nở năm cánh, nụ trái tự nhiên thành”.
Tổ thứ 30: Đại sư Tăng Xán (Tổ thứ 3 của Trung Hoa)
Đại sư Tăng Xán, không rõ biết quê quán và gốc gác. Chỉ biết khi gặp Tổ Huệ Khả, Ngài khi đó khoảng 40 tuổi, còn là cư sĩ, bị bệnh ghẻ lở khắp người, cầu xin Tổ sám tội cho. Sau khi Tổ khai thị, Ngài hoan hỷ theo Tổ xuất gia, được đặt tên là Tăng Xán, về sau được truyền pháp và y bát, bài kệ truyền pháp của Tổ Huệ Khả:
Xưa nay nhân có đất,
Bởi đất giống hoa sanh.
Xưa nay không có giống,
Hoa cũng chẳng từng sanh.
Âm:
Bổn lai duyên hữu địa,
Nhân địa chủng hoa sanh.
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệc bất tằng sanh.
Nhân có đất, có hạt giống mới có hoa sanh. Nghĩa là có đất tâm, có hạt giống Phật thì có hoa giác nở tức có giác ngộ, như vậy giác ngộ cũng ở nơi tâm, không phải cầu nơi nào khác. Khiến người tự tin trở lại nơi chính mình, không phải tìm cầu ở bên ngoài.
Đời của Tam Tổ Tăng Xán có một nhánh truyền qua Việt Nam là dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Đúng ra Sơ tổ Thiền Tông Việt Nam là Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, giống như Sơ tổ của Trung Hoa là Tổ Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn Độ truyền sang. Như vậy, Thiền Tông Việt Nam khởi đầu ngang với Tổ thứ tư ở Trung Hoa. Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi qua Việt Nam ở chùa Pháp Vân (còn gọi chùa Dâu) thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay. Theo đó, Thiền Tông Việt Nam có từ rất sớm, trước Ngũ gia tông phái của Trung Hoa.
Tổ thứ 31: Đại sư Đạo Tín (Tổ thứ 4 của Trung Hoa)
Sư họ Tư Mã, sanh ra ở châu Kỳ, huyện Quảng Tế. Sư xuất gia từ nhỏ. Khi còn Sa-di 14 tuổi, Sư gặp Tổ Tăng Xán cầu xin pháp môn giải thoát, được Tổ khai thị cho, Sư theo hầu Tổ, về sau được truyền y bát. Bài kệ truyền pháp của Tổ Tăng Xán:
Giống hoa tùy nhân đất,
Từ đất giống hoa sanh.
Nếu không người gieo giống,
Hoa, đất trọn không sanh.
Âm:
Hoa chủng tùy nhân địa,
Tùng địa chủng hoa sanh.
Nhược vô nhân hạ chủng,
Hoa, địa tận vô sanh.
Có giống có đất sẵn nhưng cần phải có người gieo giống thì mới sanh khởi. Nghĩa là có đất tâm, có giống Phật, nhưng cũng cần thiện tri thức khai thị cho, mới đủ duyên phát khởi.
Như Ngài Hy Thiên - Thạch Đầu khi đến gặp Thiền sư Hành Tư đã biết trình rõ nơi mình có cái: “Chưa đến Tào Khê cũng không mất”, tuy nhiên vẫn thưa kỹ: “Không đến Tào Khê thì đâu biết chẳng mất”.
Đó là người thật hiểu và thật tu nên lời nói ra đầy đủ sự lý, tuy thấy việc ấy có sẵn nơi chính mình, không đến Tào Khê cũng không mất, nhưng nếu không đến Tào Khê thì đâu biết được có việc đó. Cũng như ở đây, chúng ta có sẵn hạt giống Phật, có Phật tánh sẵn, nhưng không nhờ thầy, nhờ thiện tri thức chỉ cho thì làm sao biết! Tuy nhiên, chỉ là chỉ cho cái có sẵn, không phải do chỉ rồi mới có, có sự có lý đầy đủ.
Tổ thứ 32: Đại sư Hoằng Nhẫn (Tổ thứ 5 của Trung Hoa)
Sư họ Châu, ở châu Kỳ thuộc huyện Hoàng Mai, vốn là hậu thân của Tài Tùng đạo giả. Vị này tu ở núi khi gặp Tổ Đạo Tín thì tuổi đã cao, đạo giả hỏi Tổ:
- Đạo pháp của Như Lai có thể cho tôi nghe được chăng?
Tổ bảo:
- Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp, nếu có tái sanh trở lại thì ta cũng nán chờ.
Sau đó ông đi xuống núi đến gặp cô gái đang giặt đồ bên dòng sông, ông xin nghỉ nhờ, cô đồng ý, ông bèn về núi ngồi ngay thẳng viên tịch, thác sanh làm con của cô gái.
Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo Tín, qua hỏi đáp, Tổ nhớ lại nhân duyên trước nên độ cho xuất gia, đặt tên là Hoằng Nhẫn, về sau được truyền y bát. Bài kệ truyền pháp của Tổ Đạo Tín:
Giống hoa có tánh sống,
Nhân đất hoa nảy mầm.
Duyên lớn cùng tín hợp,
Chính sanh, sanh chẳng sanh.
Âm:
Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhân địa hoa sanh sanh.
Đại duyên dữ tín hiệp,
Đương sanh sanh bất sanh.
Giống Phật sẵn có tánh giác ngộ nên nhân nơi đất tâm mà được phát khởi, nảy mầm. Duyên lớn đó đã có sẵn, lại có đủ niềm tin cùng khế hợp nhau thì thành tựu, sẽ được sanh khởi. Cũng như chúng ta, có sẵn Phật tánh, nhưng nếu không tin thì làm sao ngộ được! Tuy nhiên “chính sanh, sanh chẳng sanh” ngay khi sanh thì sanh cũng vốn chẳng sanh, tức không thêm cái mới, không phải tạo tác mà trở lại cái sẵn có. Người có đủ niềm tin để cùng hợp với duyên lớn này thì khế hợp với ý Tổ.
Huệ Năng là Tổ thứ 33. Chư Tổ từ trước mỗi vị đều có tiếp nhận kế thừa, các ông về sau hãy lần lượt lưu truyền, chớ để cho sai trái.
***
Ngày mùng 3 tháng 8 năm Quý Sửu, đầu niên hiệu Khai Nguyên (722), Sư ở chùa Quốc Ân thọ trai xong, bảo các đồ chúng:
- Các ông mỗi người hãy y theo ngôi thứ mà ngồi xuống, tôi sẽ từ biệt các ông.
Pháp Hải bạch rằng:
- Hòa thượng để lại giáo pháp gì khiến cho người mê ở đời sau thấy được Phật tánh?
Sư bảo:
- Các ông hãy lắng nghe kỹ, người mê ở đời sau nếu nhận biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng nhận biết chúng sanh thì tìm Phật muôn kiếp khó gặp.
Các Ngài tu hành giác ngộ, thật chứng, có sức sống chân thật tự tại đối với cái chết xem như trò chơi. Khi sắp tịch Tổ biết trước, từ biệt môn hạ trước khi đi, giống như từ giã đi xa, làm chủ sanh tử.
Tổ dạy: “Người mê ở đời sau nếu nhận biết chúng sanh tức là Phật tánh, nếu chẳng nhận biết chúng sanh thì tìm Phật muôn kiếp khó gặp”. Đây chỉ cho thấy Phật tánh ở ngay chúng sanh, không phải tìm đâu khác. Nhận biết chúng sanh tức là giác, cái gì giác được như thế? Là Phật tánh. Nếu chẳng nhận biết chúng sanh tức là mê, ngoài chúng sanh tìm Phật lại càng mê. Như vậy, Phật tánh chẳng rời ngoài chúng sanh mà riêng có, ngầm chỉ chúng sanh cũng không thật chúng sanh, không có thật tánh của chúng sanh, nói cách khác là chúng sanh không có tự tánh chúng sanh, không cố định là chúng sanh. Cho nên nếu nhận biết được chúng sanh thì chuyển thành Phật.
Nay tôi dạy cho các ông nhận biết chúng sanh của tự tâm, thấy Phật tánh của tự tâm. Muốn cầu thấy Phật, chỉ nhận biết chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê Phật, chẳng phải Phật mê chúng sanh.
Chúng sanh là chúng sanh của tự tâm, Phật tánh cũng là Phật tánh của tự tâm, mê tự tâm là chúng sanh, ngộ tự tâm là Phật tánh, thể vốn không hai, tùy duyên mê ngộ mà vọng thành có sai khác. Sai khác là vọng sai khác, không phải thật có tánh sai khác. Muốn thấy Phật là phải thấy ngay chúng sanh chớ không thể tìm ở đâu khác. Do chúng sanh bỏ Phật chứ Phật không bỏ chúng sanh. Thế nên chúng sanh nhớ Phật thì Phật liền hiện.
Tự tánh nếu tỏ ngộ thì chúng sanh là Phật, tự tánh nếu bị mê thì Phật là chúng sanh. Tự tánh bình đẳng thì chúng sanh là Phật, tự tánh tà hiểm thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm các ông cong vạy tức Phật ở trong chúng sanh, một niệm ngay thẳng tức chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật chính mình đó là Phật thật, chính mình nếu không có tâm Phật thì cầu Phật thật ở đâu? Tự tâm các ông là Phật, lại chớ nghi ngờ.
Chúng sanh là Phật hay Phật là chúng sanh, chỉ là đổi tên, tự tánh vốn không hai. Tại sao chúng sanh không chịu làm Phật mà lại đi cầu Phật? Vì mê. Nếu không học Phật, hoặc không gặp được Phật pháp, làm sao biết được cái mê này! Đã hiểu rồi thì sanh làm chi cái chúng sanh trong tâm để che mờ vị Phật sáng suốt cao quý của chính mình, vậy có phải điên đảo không!
Tâm ta tự có Phật, Phật đó mới là Phật thật, Phật thành Phật cũng thành ở ngay chỗ đó. Do đó phải luôn nhớ kỹ điều này: “Chính mình nếu không có tâm Phật thì cầu Phật ở đâu?”. Nếu có cầu được thì đó là Phật bên ngoài, được rồi cũng sẽ mất. Phật thật nơi chính mình mới không mất, chắc chắn không còn gì nghi ngờ. Tổ sắp từ giã ra đi nên chỉ dạy hết tình không giấu diếm gì cả, còn lại là phần của chúng ta, nhận hay không nhận tùy ở mỗi người.
Ngoài tâm không một vật có thể dựng lập, đều là bản tâm sanh muôn thứ pháp, nên kinh nói: “Tâm sanh muôn thứ pháp sanh, tâm diệt muôn thứ pháp diệt”.
“Ngoài tâm không một vật có thể dựng lập”: Muôn pháp đều từ tâm sanh, rời ngoài tâm thì pháp làm sao hiện! Có người nào tìm được pháp ngoài tâm mà có không? Ngoài tâm làm sao chỉ được? Chỉ được đều là từ tâm, tâm mới biết chỉ. Thế nên, phải ngộ trở lại nơi tự tâm là yếu chỉ rốt ráo của Phật pháp. Bỏ tâm đi cầu Phật pháp là bỏ gốc theo ngọn, có lúc sẽ bị thất vọng vì không thành.
Nay tôi để lại một bài kệ từ biệt các ông gọi là “Tự Tánh Chân Phật Kệ”. Người đời sau nhận biết ý kệ này, tự thấy bản tâm, tự thành Phật tánh.
Chân như tự tánh là chân Phật,
Tà kiến ba độc đó Ma vương,
Khi có tà mê ma tại nhà,
Lúc đủ chánh kiến nhà có Phật.
Tự tánh Chân như chính là Phật thật, chư Phật thành Phật cũng thành ở ngay nơi tự tánh Chân như. Tà kiến ba độc đó là Ma vương, không phải Ma vương ở xa tận cõi trời, mà ngay trong tâm chúng ta cũng có Ma vương. Khi tâm có chứa tà mê thì chứa ma trong nhà, tức mời ma đến nhà rồi sợ ma. Tâm có đủ chánh kiến sáng suốt thì trong nhà có Phật. Trong nhà chứa ma hay chứa Phật tùy vào chúng ta không phải ai khác.
Trong tánh tà kiến ba độc sanh,
Liền đó Ma vương đến ở nhà,
Chánh kiến tự trừ tâm ba độc,
Ma biến thành Phật chân không giả.
Trong tánh sanh tà kiến, ba độc tham sân si, đó là mời Ma vương đến nhà. Trong tánh có chánh kiến, trừ tâm ba độc thì ma biến thành Phật. Như vậy, tâm ma thì ma đến, tâm Phật thì Phật hiện. Chúng ta sợ ma nhưng chứa tâm ma thì vẫn mời ma đến, ma đến được là vì trong nhà có ma làm môi giới. Nếu trong nhà có Phật thì làm sao ma dám đến! Vậy thì chỉ cần chuyển cái mê lầm đó. Mỗi người tự đặt câu hỏi, nhà chúng ta muốn chứa ma hay chứa Phật? Tùy chúng ta, không ai có thể làm thay được.
Pháp thân, báo thân và hóa thân,
Ba thân xưa nay là một thân,
Nếu nhằm trong tánh hay tự thấy,
Chính là nhân Bồ-đề thành Phật.
Chúng ta học trên danh từ ngôn ngữ, tưởng rằng pháp thân, báo thân, hóa thân ở đâu rất xa xôi, là thuộc của Phật, không dính dáng đến chúng ta. Lục Tổ chỉ ba thân ở ngay nơi chính mình. Nói ba thân là phương tiện trên ngôn ngữ để giáo hóa người, không phải thật có ba thân có mắt tai mũi lưỡi như chúng ta hiểu. Nên đây nói ba thân vốn là một thể, tùy theo dụng mà tạm đặt tên. Người khéo, nhằm trong tự tánh mà thấy ba thân, đó là nhân Bồ-đề thành Phật, đừng mắc kẹt trên ngôn từ.
Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh,
Tánh tịnh thường ở trong hóa thân,
Tánh khiến hóa thân hành chánh đạo,
Về sau viên mãn thật không cùng.
Hóa thân làm sao sanh tánh tịnh (tức pháp thân)? Ngầm chỉ hóa thân vốn từ nơi pháp thân hiện khởi, không phải có tánh riêng rời ngoài pháp thân, nên pháp thân cũng thường ở trong hóa thân. Người khéo thì ngay hóa thân ngộ pháp thân, từ hóa thân có thể thấy trở lại pháp thân, không phải hóa thân sanh pháp thân. Cần phải hiểu ý, đừng chấp theo lời.
Do tánh tịnh pháp thân thường ở trong hóa thân, khiến cho hóa thân thực hành đúng với chánh đạo, nghĩa là hóa thân hành động luôn luôn có tánh tịnh pháp thân đi theo, khiến cho hành động đều khế hợp với tánh thanh tịnh. Thực hành như vậy cho đến về sau viên mãn công đức báo thân không cùng tận. Hiểu rõ thì ba thân không rời một thể, không tách rời nhau riêng có.
Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh,
Trừ dâm tức có thân tánh tịnh,
Trong tánh mỗi tự lìa năm dục,
Thấy tánh sát-na tức là chân.
Lục Tổ chỉ thẳng “Tánh dâm vốn là nhân tánh tịnh”. Tức dâm vốn không có thật tánh, không rời ngoài tánh tịnh riêng có, nhân đó mà ngộ trở lại tự tánh vốn là thanh tịnh. “Trừ dâm tức có thân thanh tịnh”. Cần hiểu kỹ! Dâm vốn không có tự tánh, nó không có thật thể tồn tại mãi, mà có thể hết có thể trừ. Trừ dâm thì ngay đó tánh tịnh pháp thân hiện bày, không phải đồng hóa dâm với tánh tịnh rồi không tu hành thì thành nói lý suông.
“Trong tánh mỗi tự lìa năm dục”: Trong tự tánh luôn tự lìa năm dục, năm dục không tồn tại ở trong đó, thì “Thấy tánh sát-na tức là chân”. Thấy tánh, ngay đó tức là chân thật, không phải tìm chân thật ở đâu khác, không phải cái chân ở đâu chạy tới. Không có cái chân ngoài cái vọng, mà ngay vọng tánh xưa nay vốn tự là chân, chỉ vì mê nên bỏ quên, không nhận ra rồi theo vọng, thành vọng khởi, cũng không thật có tánh khởi. Ngộ rồi thì chân đã sẵn là chân, không phải do tu hành mới thành chân, nhưng quan trọng là phải thấy tánh, không thể nói suông mà được.
Đời nay nếu gặp môn Đốn giáo,
Chợt gặp tự tánh thấy Thế Tôn,
Nếu muốn tu hành tìm thành Phật,
Chẳng biết chỗ nào định cầu chân.
Gặp được môn Đốn giáo này là duyên lành hy hữu, có thể ngay đây chợt gặp tự tánh tức chợt nhận ra tự tánh, liền thấy Phật ngay trong đó. “Chợt” tức nhanh chóng, như quên chợt nhớ, ngay đó liền nhận trở lại tự tánh xưa nay sẵn vậy, chưa từng thiếu vắng, liền đó thấy Phật, đây là Phật tự tánh, không phải Phật Thích Ca ở Ấn Độ. Phật tự tánh thì không phải tu hành tìm ở bên ngoài.
Nếu hay trong tâm tự thấy chân,
Có chân tức là nhân thành Phật,
Chẳng thấy tự tánh ngoài tìm Phật,
Dấy tâm thảy là kẻ quá si.
Trong tâm đã có cái chân thật là nhân thành Phật, bỏ tâm cầu Phật ở bên ngoài là mê. Nên nói “vừa dấy tâm lên là si mê”, dấy tâm tức động, động là vọng thành sanh diệt. Ngay đó tỉnh trở lại là người trí, đây là con đường tu Đốn giáo mà Tổ chỉ dạy.
Pháp môn Đốn giáo này để lại,
Cứu độ người đời hãy tự tu,
Báo cho người học đạo về sau,
Chẳng khởi thấy này, rất xa xôi!
Lục Tổ nhắn nhủ đây là pháp môn Đốn giáo để cứu đời, người học đạo cần phát khởi cái thấy này thì đầy đủ niềm tin nơi chính mình, không cách xa với Phật, bỏ chỗ này đi cầu thì xa xôi. Đó là bài kệ Lục Tổ dặn dò cuối cùng trước khi ra đi, như những lời “di huấn”!
Sư nói kệ xong, bảo:
- Các ông hãy khéo ở lại, sau khi tôi tịch, chớ làm theo tình đời buồn khóc quá đỗi, nhận người phúng điếu, thân mặc đồ tang, chẳng phải đệ tử tôi cũng chẳng phải chánh pháp.
Chỉ nhận biết bổn tâm mình, thấy bổn tánh mình, không động không tịnh, không sanh không diệt, không đi không đến, không phải không quấy, không ở không qua, e các ông tâm mê mờ, chẳng hiểu ý tôi, nay dặn dò kỹ cho các ông khiến các ông thấy tánh. Sau khi tôi tịch, nương theo đây tu hành thì như ngày tôi hiện còn, nếu trái lời dạy của tôi, dẫu tôi ở đời, cũng không có ích gì.
Tổ nói kệ xong, dặn dò hàng môn hạ không nên làm theo tình đời, buồn khóc như thế gian, cũng chớ nên làm tang chế rườm rà.
Điều trọng yếu là “nhận biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình vốn lìa tất cả tướng đối đãi phân biệt”, đó là chỗ Tổ muốn nhắc. Tu hành mà không biết bản tâm, bản tánh thì tu cái gì! Vậy là tu ngoài da. Nhận rõ chỗ này mới là tu ngay gốc, đây là cảnh tỉnh cho mọi người! Nên nhớ, “bản tâm bản tánh thì không có nhiều thứ, nếu có nhiều thứ là không phải bản tâm bản tánh”, đó là yếu chỉ. Giống như cây chỉ có một gốc, lên ngọn thì nhiều nhánh. Tu mà thấy tâm này tâm kia thì mất gốc, nắm vững như thế không lầm trên đường tu.
Sư lại nói kệ:
An nhiên chẳng tu thiện,
Thanh thản chẳng tạo ác,
Lặng lặng dứt thấy nghe,
Thênh thang tâm không mắc.
“An nhiên chẳng tu thiện, thanh thản chẳng tạo ác”. Chẳng tu thiện nhưng cũng chẳng tạo ác là vượt qua đối đãi hai bên, còn chẳng tu thiện lại làm ác thì trái xa ý Tổ. “Lặng lặng dứt thấy nghe”. Thấy nghe không đến được trong đó, không phải là đối tượng để thấy nghe. “Thênh thang tâm không mắc”. Tâm rộng lớn thênh thang, không trụ, không vướng mắc, không bám vào đâu. Chính khi tâm không trụ, không bám thì rộng lớn thênh thang, tâm vừa có trụ có dính liền giới hạn, cục bộ. Do đó, muốn sống với tâm thênh thang rộng lớn thì đừng trụ.
Sư nói kệ xong ngồi ngay thẳng, đến canh ba, chợt bảo môn nhân: “Ta đi thôi!”.
Liền yên lặng mà tịch. Khi ấy mùi hương lạ đầy nhà, cầu vồng trắng cong tới đất, rừng cây biến thành màu trắng, chim thú kêu vang buồn bã.
Tổ là người có công phu sâu dày, làm chủ tự tại nên khi đi, nói: “Ta đi thôi!” rồi đi. Chúng ta nên tập, nếu không được như vậy thì khi đi cũng nên vui mà đi.
Đến tháng 11, quan liêu cùng đệ tử tại gia, xuất gia trong ba quận Quảng, Thiều, Tân giành đón chân thân Sư, không ai giải quyết được, bèn thắp hương cầu nguyện rằng: “Khói hương bay chỉ về đâu, là chỗ Sư về”. Lúc đó khói hương bay thẳng hướng Tào Khê.
Ngày 13 tháng 11, dời khám chứa nhục thân Sư cùng với y bát được truyền trở về Tào Khê.
Tổ đi rồi thì sanh chuyện, cũng là chuyện thế gian, mọi người tranh giành nhục thân! Mới thấy tâm người dễ quên, Tổ mới dạy cần nhận bản tâm, thấy bản tánh chớ chạy theo tình đời, thế mà đến đây lại quên hết. Tuy nhiên, cũng còn tốt là mọi người còn niềm tin hướng về Tổ, thắp hương cầu nguyện, nếu khói hương bay về đâu thì ý Tổ muốn về đó, mọi người đồng thuận theo đó.
Ngày 25 tháng 07 năm kế mở khám ra, đệ tử Phương Biện lấy bột hương tô trét lên nhục thân. Môn nhân nhớ lời Sư dự ký trước là sẽ bị lấy đầu, bèn dùng lá sắc mỏng bao kín giữ chặt cổ Sư rồi đưa vào trong tháp, bỗng từ trong tháp hiện ra luồng ánh sáng trắng vọt lên trên trời, ba ngày mới tan.
Thiều Châu tâu về triều, vâng sắc lập bia ghi lại đạo hạnh của Sư. Sư hưởng thọ bảy mươi sáu tuổi, hai mươi bốn tuổi được truyền y, năm ba mươi chín tuổi cạo tóc, nói pháp lợi sanh ba mươi bảy năm, người nhận được yếu chỉ nối pháp bốn mươi ba người, người ngộ đạo siêu phàm tính không hết.
Tín y do Tổ Đạt-ma truyền, tấm ma-nạp, bát báu do vua Trung Tông ban và tượng chân dung của Sư do Phương Biện đắp, cùng với những đồ dùng ở trong đạo v.v... do thị giả chủ tháp giữ gìn để trấn mãi nơi đạo tràng Bảo Lâm, lưu truyền Đàn Kinh để hiển bày tông chỉ, hưng long Tam Bảo, làm lợi ích quần sanh.
Cả cuộc đời Lục Tổ như một bộ kinh lớn cho chúng ta học, đạo đức và trí tuệ thật sáng ngời. Một tiều phu trẻ tuổi chưa học đạo, vào chùa mới tám tháng, ở dưới nhà sau giã gạo, không được lên nhà trên nghe giảng pháp, vậy mà nghe qua kinh Kim Cang liền mở sáng cõi lòng, quả là không phải mới tu đời này.
Mới hai mươi bốn tuổi, chưa xuất gia lại được truyền y kế thừa Tổ vị, một sự nghiệp lớn lao, rồi trải qua nhiều gian nan khổ nạn mà đạo tâm vẫn không thay đổi, mới đến thời ngồi trên tòa hoằng pháp lợi sanh người người tin nhận, quy hướng.
Tức sau khi nhận y bát thì bị mọi người đuổi theo tìm cách hại, Ngài phải ẩn trong đám thợ săn v.v... nhiều sự nhọc nhằn, sau đó mới lên tòa ngồi thuyết pháp. Cuối cùng khi tịch để nhục thân lại cũng là giúp thêm niềm tin cho đời sau, đến nay đã trải qua hơn ngàn năm, nhục thân của Tổ vẫn còn ở chùa Nam Hoa. Bởi Ngài sinh ra ở vùng biên địa xa xôi, lại không biết chữ, không giỏi văn chương chữ nghĩa mà lại được truyền y, ngay đương thời cũng có người chưa tin được, mới đuổi theo giành y bát lại, về sau chắc chắn có nhiều người không tin, nên Ngài để lại nhục thân ở đời thêm chứng tích. Quả thật trí tuệ vô sư của Ngài tỏa sáng xưa nay cho nên không có gì làm thay đổi được.
Nhục thân của Tổ, tư liệu của chùa Nam Hoa có ghi lại: Khoảng niên hiệu Hàm Phong đời Thanh, chiến binh làm thương tổn tượng nhục thân của Tổ, sau đó có vị tăng trong chùa mời người tu bổ lại. Trong thời kỳ Văn Cách, khoảng giữa năm 1966 có người mở một lỗ ở phía sau tượng của tượng nhục thân để nghiên cứu, phát hiện ở bên trong là gân cốt bày biện chỉnh tề của một người, xác định đây là di thể chân thân, thế nên gọi là tượng nhục thân.
Cuối cùng, theo bản Đàn Kinh chép tay của động Đôn Hoàng, phần sau có đoạn nói:
“Nếu như truyền trao pháp này, cần có được người trí tuệ thượng căn, đủ lòng tin nơi Phật pháp, lập tâm đại bi mà hộ trì kinh này, lấy đó làm chỗ nương để truyền thừa đến nay chẳng đoạn dứt.
Khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, giáo pháp lưu truyền đến Đông độ, cùng chung truyền mãi không dừng trụ, tức tâm ta không dừng trụ. Bậc Bồ-tát chân thật này nói thẳng chân tông, thực hành Phật dụ, chỉ có dạy cho người đại trí đó là ý chỉ y cứ. Gồm có: Thệ độ, tu hành, gặp khó khăn chẳng lui sụt, gặp khổ nạn hay nhẫn chịu, phước đức sâu dày mới trao cho pháp này. Nếu như căn tánh chẳng kham nổi sức nhận lãnh thì chẳng nên cầu pháp này. Với người chẳng đủ giới hạnh, đạo đức, chẳng nên vọng truyền Đàn Kinh này. Xin báo cho các bạn, các bậc đồng đạo hãy hiểu rõ ý sâu kín này”.
Lục Tổ cũng như Ngũ Tổ là bậc kỳ đặc, nổi bật trong lịch sử nhà Thiền. Lục Tổ là người không biết chữ, không thuộc thành phần trí thức đa văn học rộng, nhưng trí tuệ siêu xuất, có trí vô sư, trí không thầy, không học mà đạt được ý Tổ, được truyền y bát, kế thừa Tổ vị trong khi vẫn còn hình thức người cư sĩ, đúng là hy hữu! Chính vì vậy, về sau khi truyền đạt cho người, từ chỗ tâm chứng phát ra, Ngài dùng lời giản dị, không văn chương cầu kỳ, nhưng thấu đạt ý nghĩa sâu xa, khiến người nghe cảm nhận một sức sống mới mẻ, vượt ngoài chữ nghĩa, đó là người trò đặc biệt.
Ngũ Tổ cũng là vị thầy đặc biệt, là bậc phi thường, dám nhìn thấy chỗ kỳ đặc của người học trò nhà quê không biết chữ này, tức phát hiện ra trong hình thức tầm thường đó có cái phi thường ít người nhìn thấy. Lại dám đem sự nghiệp lớn lao cả dòng Tổ đạo thượng thừa truyền cho vị đệ tử quá trẻ và không mấy ai biết đến, khiến cho bao nhiêu người không hiểu nổi. Việc làm của Ngũ Tổ quá phi thường, ít ai dám làm, truyền cho vị tăng còn khả dĩ, đây lại truyền cho một cư sĩ nhà quê, Ngài quả là có cái nhìn trí tuệ mà không ai thấy kịp. Đây là việc làm của bậc đại trí tuệ, vượt ngoài truyền thống mẫu mực thông thường. Có đệ tử như thế, có thầy như thế, quả là phước lớn cho Phật pháp và cho chúng sanh, chúng ta ngày nay mới có được ân phước để học. Mong rằng tất cả luôn luôn phát triển duyên lành hy hữu của mình cho xứng tầm, không đến nỗi lãng phí.
Dù cho nước chảy đá mòn,
Tào Khê yếu chỉ vẫn còn như xưa!
Các bài mới
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 09 PHÁP MÔN ĐỐI NHAU CHỈ DẠY - 23/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 08 - ĐƯỜNG TRIỀU CHIẾU THỈNH - 21/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 07 - NAM ĐỐN BẮC TIỆM - 05/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 06 THAM THỈNH CƠ DUYÊN - 26/01/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 05 TRUYỀN HƯƠNG SÁM HỐI - 09/01/2020
Các bài đã đăng
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 04- CHỈ DẠY TỌA THIỀN - 29/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 03 - ĐỊNH HUỆ MỘT THỂ - 26/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 2 - GIẢI THÍCH CÔNG ĐỨC TỊNH ĐỘ - 23/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 01 - NGỘ PHÁP TRUYỀN Y - 19/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược về Sự tích Lục Tổ Huệ Năng - 18/12/2019
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23473
- Online: 60