Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược Kinh Pháp Bảo Đàn và phần lưu truyền

16/12/2019 | Lượt xem: 2572

Dịch giảng: TT.Thích Thông Phương

YẾU CHỈ TÀO KHÊ  

Anh thấy chăng!

           Từ trước An Tâm chẳng thể tìm,

           Tiếp theo Tánh Tội bặt nghĩ xem,

           Cho đến Bồ-đề không có cội,

           Không chữ và thêm chẳng có tên.

    

     Rồi kìa!

           Tám tháng ở chùa không ai dạy,

           Bỗng vào thất Tổ được truyền y,

           Kim Cang Bát Nhã chưa từng học,

           “Đâu ngờ” la lớn ngộ cái gì?

 

           Thế rồi! Đêm vắng vội qua sông,

           Hơn chục năm dài ẩn biệt tăm,

           Bỗng nhiên! Gió phướn bày tung tích,

           Vàng ngói rõ ràng không thể lầm.

     Lạ thay!

           Mù chữ thế nhưng chữ chẳng mù,

           Nói pháp suốt qua chữ nghĩa ngu,

           Bao nhiêu văn tự nào che được,

           Một tánh sáng tròn Tổ Tổ thu.

 

           Tào Khê một giọt thuần chảy khắp,

           Giọt giọt chỉ là một giọt thôi,

           Ai bảo kia đây còn có khác,

           Cửa Tổ với anh đóng kín rồi!

     Hay thay!

           Tổ ấn thầm trao người khó lấy,

           Cố tìm để lấy, lấy rỗng suông,

           Bởi thế lo gì tranh được mất,

           Vô thường trong ấy vẫn thường luôn.

 

           Chớ đem tài giỏi phân chia đó,

           Bắt chước làm sao đến chỗ này,

           Dù ai học được không người sánh,

           Nhưng có học thì bị tuột ngay!

     Quả thật!

           Thừa này chính đấy thừa Tối thượng,

           Thẳng tắt ngay đây khỏi dài dòng,

           Ai còn chưa rõ thì xin hãy,

           Hỏi lấy chính mình thế là xong!

           Thế là xong!

     Chần chừ ba gậy tặng vào hông! 

 

Thiền viện Trúc Lâm

Mùa An cư năm Kỷ Hợi 2019

Thích Thông Phương 

 

 

SƠ LƯỢC KINH PHÁP BẢO ĐÀN VÀ PHẦN LƯU TRUYỀN 

 

Kinh Pháp Bảo Đàn nói đủ là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh, gọi tắt là Đàn Kinh, do Lục Tổ Huệ Năng (638-713, thế kỷ VII-VIII) thuyết giảng, đệ tử là Ngài Pháp Hải tập hợp và ghi lại thành sách. Theo thông thường, bài giảng của các vị Tổ được ghi lại gọi là “luận giảng” chứ không gọi là “kinh”, “kinh” là chỉ những lời dạy của đức Phật do đệ tử ghi lại. Đây là trân trọng đặc biệt đối với Pháp Bảo Đàn. Lục Tổ nói pháp lời lẽ rất giản dị nhưng ý nghĩa lại sâu xa.

Lâu nay chúng ta thường học thường đọc bản phổ thông của kinh Pháp Bảo Đàn, hôm nay học ngay bản Tào Khê Nguyên Bản. Do Lục Tổ sống vào thời Đường, từ đó truyền đến nay trải qua thời gian lâu xa nên có rất nhiều bản, mỗi bản đều có tu chỉnh, sai biệt với nhau.

Theo các vị sưu tầm thì Đàn Kinh có trên 10 bản:

    01. Bản Đôn Hoàng, là bản chép tay, được phát hiện ở động Đôn Hoàng, bản này là xưa nhất nhưng ngắn gọn và không có chia các phẩm mục. Tên bản này là Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Đại Thừa Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Thiều Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh. (tức là Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Thừa, nói về pháp Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, Kinh do Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư nơi chùa Đại Phạm, Thiều Châu bố thí pháp)

    02. Bản Huệ Hân (năm 967)

    03. Bản Thiều Hồi (năm 1013)

    04. Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh Tào Khê Nguyên Bản, gọi tắt là Tào Khê Nguyên Bản (bản đang học).

    05. Bản Tồn Trung (năm 1116)

    06. Bản Bắc Tống (năm 1153)

    07. Bản Đại Thừa Tự và Bản Hưng Thánh Tự ở Nhật Bản

    08. Bản Đức Dị (năm 1290)

    09. Bản Tông Bảo (năm 1291). Do Hòa thượng Tông Bảo ở chùa Quang Hiếu, Quảng Châu, Ngài soạn, tu chỉnh, cải biên, đây là bản lưu thông rộng rãi, là bản thường học thường đọc lâu nay, gọi là bản phổ thông.

    10. Bản Minh Nam Tạng

Trong bản Đôn Hoàng có một đoạn ghi: “Đàn Kinh này do Thượng tọa Pháp Hải biên tập. Khi tịch Thượng tọa giao lại người bạn đồng học là Ngài Đạo Xán, Ngài Đạo Xán qua đời giao cho đệ tử là Ngộ Chơn. Ngộ Chơn hiện giờ đang truyền thọ giáo pháp này ở chùa Pháp Hưng núi Tào Khê thuộc Lãnh Nam”. “Hiện giờ” là lúc đang chép quyển Đàn Kinh Đôn Hoàng, không phải hiện nay của chúng ta.

Ngài Pháp Hải (650-730) là đệ tử Lục Tổ, dự trong pháp hội của Tổ. Sư người quê ở Khúc Giang, Quảng Đông, họ Trương, tự là Văn Duẫn. Xuất gia ở chùa Hạc Lâm, sau đến gặp Lục Tổ hỏi về Tức Tâm Tức Phật mà được khai ngộ, rồi theo gần gũi với Tổ. Sau Sư đến trụ trì chùa bảo Trang Nghiêm ở Quảng Châu.

Đàn Kinh bản Đôn Hoàng chỉ chia thành 57 đoạn. Bản Tông Bảo mà lâu nay mọi người thường đọc thì nhiều gần gấp đôi bản Đôn Hoàng, và có chia làm 10 phẩm:

    Phẩm 01: Hành Do

    Phẩm 02: Bát Nhã

    Phẩm 03: Nghi Vấn

    Phẩm 04: Định Huệ

    Phẩm 05: Tọa Thiền

    Phẩm 06: Sám Hối

    Phẩm 07: Cơ Duyên

    Phẩm 08: Đốn Tiệm

    Phẩm 09: Tuyên Chiếu

    Phẩm 10: Phó Chúc.

Tào Khê Nguyên Bản thì khác tên phẩm, nhưng cũng chia thành 10 phẩm:

    Phẩm 01: Ngộ Pháp Truyền Y

    Phẩm 02: Thích Công Đức Tịnh Độ (giải thích về công đức Tịnh Độ)

    Phẩm 03: Định Huệ Nhất Thể

    Phẩm 04: Giáo Thọ Tọa Thiền (truyền dạy về tọa thiền)

    Phẩm 05: Truyền Hương Sám Hối

    Phẩm 06: Tham Thỉnh Cơ Duyên

    Phẩm 07: Nam Đốn Bắc Tiệm

    Phẩm 08: Đường Triều Trưng Chiếu

    Phẩm 09: Pháp Môn Đối Thị

    Phẩm 10: Phó Chúc Lưu Thông

Kinh Pháp Bảo Đàn là bộ kinh rất quan trọng trong Thiền Tông. Giai đoạn đầu, khi truyền pháp phải truyền thêm bộ Đàn Kinh mới gọi là chính truyền. Trong từ điển Phật Quang nhận xét: “Thiền Tông đời Đường chẳng những đổi mới về Phật học mà còn khơi nguồn cho lý học đời Tống. Đức Lục Tổ là nhân vật then chốt trong cuộc chuyển biến lớn lao này. Vì thế Đàn Kinh là một tác phẩm vĩ đại chuyển xoay toàn bộ tư tưởng truyền thống”.

Từ Lục Tổ, Thiền Tông Trung Hoa tiến tới một bước chuyển biến lớn lao, các nhà nghiên cứu gọi là Trung Quốc hóa. Tiếp sau Lục Tổ chuyển biến thành Ngũ gia, Thất tông. Ngũ gia (năm nhà): Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng, Vân Môn; kể cả hai nhánh của tông Lâm Tế là phái Dương Kỳ và phái Hoàng Long thành ra bảy tông.

***

 

Yếu chỉ của kinh Pháp Bảo Đàn

 

Yếu chỉ Đàn Kinh nêu rõ tự tâm là Phật, ngộ là ngộ ngay tự tâm không ở nơi văn tự, thế nên lời thuyết pháp của Lục Tổ rất giản dị. Ngài xiển dương tinh thần đốn ngộ, kiến tánh thành Phật vượt qua thứ lớp, đó là tinh thần của Pháp Bảo Đàn Kinh.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, có đoạn Lục Tổ nói: “Một niệm ngu là Bát-nhã dứt, một niệm trí là Bát-nhã sanh.” Ngay một niệm chứ không đâu xa hết. “Mê thì nghe trải qua nhiều kiếp, ngộ thì ắt khoảng sát-na.” Mê thì trải vô lượng kiếp, nhưng ngộ thì ngay trong khoảng sát-na tích tắc, gọi là vượt qua thứ lớp.

Lục Tổ đề cao kinh Kim Cang Bát Nhã. Ngài chỉ ra ba môn đặc biệt của Pháp Bảo Đàn gọi là Tam Vô:

    - Lấy Vô Tướng làm thể

    - Lấy Vô Trụ làm gốc

    - Lấy Vô Niệm làm tông (tức tông chỉ)

Lục Tổ là người không biết chữ, nhưng trí tuệ rất bén nhạy, nghe người khách tụng kinh Kim Cang liền tỏ ngộ, sáng tỏ được ý kinh. Trong khi những người biết chữ nhiều, đọc kinh Kim Cang không biết bao lần mà không tỏ ngộ. Chính vì vậy, ngôn từ thuyết pháp của Lục Tổ rất giản dị, không cầu kỳ, không văn chương bóng bẩy, không có tính cách học giả, nhưng nghĩa lý cao sâu, sáng sủa. Điều đó cũng ngầm đánh thức cho người học là không mắc kẹt trên chữ nghĩa văn tự. Ngài Thần Tú từng bảo với môn đồ: “Vị ấy được trí vô sư, ngộ sâu thượng thừa, ta chẳng bằng.” Ngài Thần Tú chữ nghĩa văn chương rất giỏi, nhưng Ngài cảm phục, chân tình nói Lục Tổ được cái trí vô sư, nên ngộ sâu thượng thừa mà không phải qua ngôn ngữ chữ nghĩa.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ cũng từng bảo: “Tôi ở chỗ Hòa thượng Nhẫn, vừa nghe ngay lời nói liền tỏ ngộ, chóng thấy bản tánh chân như. Do đó tôi đem giáo pháp này truyền ra khiến cho người học đạo chóng ngộ Bồ-đề. Ngài vừa nghe là chóng tỏ ngộ, thấy được bản tánh chân như, tức không mắc kẹt nơi ngôn ngữ, thấy được ý vượt ngoài lời nói. Chính Ngài tỏ ngộ nhanh nên Ngài truyền ra giáo pháp đó để người học cũng chóng được ngộ Bồ-đề, tức truyền pháp đốn ngộ.

Cũng trong Đàn Kinh có đoạn Tổ nói với cô ni Vô Tận Tạng:

Người ni tên Vô Tận Tạng thường tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, Lục Tổ nghe qua, vì cô ni giải nói nghĩa lý. Cô ni cầm quyển kinh hỏi chữ.

Tổ bảo:

- Chữ thì không biết, nghĩa xin mời hỏi.

Cô ni nói:

- Chữ còn không biết, sao có thể hiểu nghĩa?

Tổ bảo:

- Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ đến văn tự.

Cô ni nghe qua kinh lạ, bảo với khắp hàng kỳ đức trong thôn rằng:

- Đây là bậc tu sĩ có đạo, nên thỉnh cúng dường.

Theo thường tình của thế gian, không biết chữ thì làm sao biết nghĩa, cho nên nhiều người thế gian hơi khinh thường người không biết chữ. Đây cũng để đánh thức cho mọi người không được xem thường, bởi diệu lý tức lý nhiệm mầu của chư Phật không dính dáng không nằm trên văn tự. Chúng ta học kinh Pháp Bảo Đàn cần phải hiểu sâu đến nghĩa chân thật mà không mắc kẹt trên văn tự chữ nghĩa, như vậy mới khéo hợp với ý Tổ, đó cũng chính là ý thiền, vì Thiền Tông là bất lập văn tự.   

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89074
  • Online: 50