KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 1)

31/05/2017 | Lượt xem: 3994

HT.Thích Đắc Huyền ( Phước Tú) giảng tại Chùa Giác Thiên

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát. 

H

ôm nay trong mùa An Cư Kiết Hạ 2011. Chúng ta đầy đủ duyên lành để học vào Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa hay Kinh TÂM. Đây là bài kinh rất quen thuộc mà chúng ta đã tụng đọc trong mỗi ngày, một bài kinh ngắn nhưng rất quan trọng đối với Phật giáo Bắc tông là Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Hàn Quốc, Phật giáo Việt Nam và cả Phật giáo Tây Tạng. Chúng ta bàn lại để cùng nhau xác định,  thấy rõ hơn về giá trị của bản kinh này.

Một bài kinh có ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt Phật giáo Đại thừa và đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật của nhiều quốc gia Phật giáo. Từ những tấm bia đá, cho đến những đồ dùng xài trong nhà chùa như quạt, ly nước, viết… đều có khắc ghi về bài kinh Bát Nhã này. Và một nghệ thuật điêu khắc cao cấp khác nữa là khắc ở đâu? – Là khắc trong tim. Những người khi thấy được giá trị của bài kinh này thì họ trân trọng đến như vậy.

 Kinh  Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa đã có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 3 do ngài Khương Tăng Hội phổ biến và kinh này đã vẽ lên chữ KHÔNG to tướng trong cửa Thiền – cửa chùa Việt Nam (KHÔNG môn – cửa KHÔNG). Cửa KHÔNG ở Việt Nam chính là cửa Phật. Chữ KHÔNG này là chữ KHÔNG trong bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đó là cõi TÂM linh siêu việt.

Bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa đã phổ biến khắp các chùa Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam từ xưa cho đến bây giờ (2012). Bài kinh này có 260 chữ, thuộc loại rất ngắn, tuy nhiên ý nghĩa thì thật là sâu xa. Với bài kinh Bát Nhã chúng ta nên lưu ý về thể văn, về chính tả, về từ ngữ. Có nhận định đúng về những thứ này mới không lệch lạc về nghĩa văn kinh.

Giá trị kinh này từ hình thức đến nội dung rất là sâu sắc cao thâm. Đọc kinh này tất cả nên xoay về chính mình từ dạng hiện tượng tâm ý, đến dạng Tâm linh bản thể. Vì mục đích kinh này, nhằm làm phát sáng TÂM Trí Huệ siêu việt nhất. Đó là TÂM – TÁNH PHẬT. Là cõi KHÔNG – cõi Rỗng Lặng – ngay trong tâm hồn siêu việt, vượt khái niệm ngôn từ, vượt ngoài tâm thức, rỗng suốt đại thiên. Đó là chỗ lặng lẽ bằn bặt, không thời gian, chẳng không gian, nhưng có mặt suốt 24/24 giờ và trùm khắp hư không. Chính Năng Lực 24 giờ này là sức sống siêu phàm, hạnh phúc trọn vẹn 100%. Đây là Năng Lực Sống rất bình thường ở mọi con người. Người rõ thì là Phật, không rõ thì là chúng sanh. Từ Năng Lực này mà sống, mọi khổ đau đều vắng mặt, qua tất cả khổ nạn.

Bài kinh từ bản văn Bắc Phạn (Sanskrit), có tựa: MAHA PRAJNAPARAMITA SUTRA. Do Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (596-664) (có phụ bản) đời Đường (Đường Thái Tông và Đường Cao Tông) – Trung Hoa, dịch sang chữ Hán, với tựa:

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH.

Trong bản kinh này không có câu “Như thị ngã văn” như các bản kinh khác, nên xuất xứ cũng khá mơ hồ.

Nói về kinh Bát Nhã thì hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều nhà dịch và giảng, nhưng khi bàn về bài kinh Bát Nhã này thì người xưa và người nay đều có nhắc tới là Bát Nhã có ba thứ: Văn tự Bát Nhã, Quán chiếu Bát Nhã và Thật tướng Bát Nhã.

Nên khi bàn về Bát Nhã hay khi tu về Bát Nhã, thì chúng ta cũng phải biết qua ba thứ như vậy. Nhất là người tu theo Thiền tông thì bài Bát Nhã là bài kinh cốt yếu. Đây là cánh cửa để đi vào Thiền. Như Vĩnh Gia Huyền Giác đã xác định:

Hữu nhân vấn ngã giải hà tông

Báo đạo Ma ha Bát Nhã lực

 ( Có người hỏi tôi giải Tông nào?

  Thưa rằng Ma ha Bát Nhã lực)

Tức là Ngài vào Thiền bằng con đường Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Dù Thiền nói rằng:

  Bất lập văn tự

  Giáo ngoại biệt truyền

  Trực chỉ nhân Tâm

  Kiến Tánh thành Phật.

Tuy nói người tu Thiền là tu riêng ngoài giáo, không có lập văn tự, coi như không có cái pháp nào hết, vô pháp. Nhưng chính người tu Thiền là tu bằng pháp Bát Nhã, bằng bài kinh Bát Nhã này. Như vậy là vẫn có pháp, vẫn có lý thuyết, lý thuyết của đạo Thiền đó chính là bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, đây là điều chúng ta cần phải biết.

Trước hết nói về văn tự tức là nói về bản văn, nói về chữ nghĩa tức là nói trên mặt hình thức của bản văn, để đi đến cái quán chiếu là công phu và thật tướng là sự thật của pháp Bát nhã. Muốn đạt được thật tướng Bát Nhã thì chúng ta phải có quán chiếu Bát Nhã tức là phải có công phu về Bát Nhã và muốn có công phu về Bát Nhã một cách đúng đắn thì chúng ta phải nắm vững về văn tự cho chính xác.

Giống như chúng ta muốn đi tìm nhà, thì trước hết phải có văn tự về địa chỉ nhà đó và bước thứ hai đi tìm kiếm nhà là quán chiếu, bước thứ ba gặp được nhà, vào được trong nhà gọi là thật tướng Bát Nhã. Chúng ta học tu Bát Nhã là phải đạt qua 3 điểm này.

Lâu nay hình như chúng ta để ý nhiều về cái “Quán chiếu”, cái “Thật tướng”, về cái lý Bát Nhã mà bỏ qua hình thức văn tự của bài Bát Nhã. Nhưng với tôi, thì “văn tự” Bát Nhã là điều rất quan trọng, vì có nhiều vị đã hiểu lầm, hiểu sai, thậm chí viết không đúng về chính tả. Viết không chính xác về bài kinh Bát Nhã, cho nên hiểu không đúng với cái gọi là Thật tướng Bát Nhã.Vì vậy cái Quán chiếu Bát Nhã cũng không đúng đắn, do đó mà tu không tới đâu.

Ở đây, nói để thấy rằng, chữ nghĩa phải đúng với văn kinh, phải lấy văn kinh làm chuẩn. Như chúng ta viết chính tả là phải viết đúng với bản văn.

THỂ VĂN:

Nói về thể văn thì bài kinh này viết theo thể văn gì? Bấy lâu nay chúng ta thường ngộ nhận, hiểu lầm cho bài kinh này là thể văn xuôi, viết theo thể văn xuôi thường thôi, đó là điều đáng tiếc. Chính vì hiểu theo thể văn xuôi, nên có những điều khiến cho chúng ta hiểu lầm, hiểu không đúng. Bài kinh này là thể văn Kệ hay thể văn Tụng, chứ không phải thể văn xuôi. Chính chỗ xác định thể văn sẽ giúp chúng ta sáng ra những chỗ khó hiểu trong văn kinh. Khi nói thể văn kệ là có cơ sở, để rồi vào bài chúng ta sẽ nói rõ hơn.

Giờ chúng ta bàn vào bố cục của bài kinh.

- BỐ CỤC:

Bài kinh này có thể chia làm 7 đoạn:

+ Đoạn I: Từ  “Quán Tự Tại… khổ ách”.

Đoạn này nói lên người và pháp. Người: Bồ Tát Quán Tự Tại; Pháp: Tâm Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa.

Người thực hành pháp thấm nhuần, rõ ràng ‘Tánh’ Năm Uẩn là Tánh Không, được qua tất cả nạn khổ. Đây là chỉ cho công năng của pháp. Pháp này vì vậy thật siêu việt. Pháp đây chính là Trí huệ Tánh Không – Tánh Không – đó là KHÔNG.

+Đoạn II: Từ “Xá Lợi Tử … Diệc phục như thị”.

Đoạn này giải lý về Tánh Không để thấy KHÔNG  là Tánh của Ngũ uẩn. KHÔNG là “Tánh” thiệt của Năm Uẩn. Để thấy rõ Năm Uẩn có không ngoài Tánh KHÔNG, vì vậy Năm Uẩn là hông thật có. Chỉ giả có, nên chỉ “hông” thôi. Do đây được sáng tỏ hơn vì sao Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy Năm Uẩn đều là (Tánh) KHÔNG mà qua tất cả ách khổ. Thế mới thấy (Tánh) KHÔNG mới là chơn thật, và tấm thân 5 Uẩn chỉ là giả thôi.

+Đoạn III: Từ “Xá Lợi Tử! Thị chư Pháp… bất tăng bất giảm.”

Đoạn này xác định đặc tính của Tánh KHÔNG. Tánh KHÔNG hông có đối đãi. Các cặp đối nhau đều hông có. Tánh KHÔNG hông là pháp có hai, mà là pháp “hông hai” (bất nhị - vô nhị). Chỉ là KHÔNG là Rỗng, bặt mọi đối đãi, hông một Niệm, hông Tình Niệm, hông Tưởng Niệm. Vắng lặng tuyệt đối. Đây là cõi lòng bằn bặt và bằn bặt. Đây là đoạn lý luận của bản văn.

+Đoạn IV: Từ “Thị cố không … vô Trí diệc vô đắc”.

Đoạn này lại cho thấy thêm, ở trong Tánh KHÔNG hông có 5 Uẩn, 6 Căn, 6 Trần, 6 Thức, hông 18 Giới. Tức hông có các thứ trong thế gian (Từ thân, ý đến cảnh sắc). Và hông có 4 Đế, 12 Nhân Duyên, hông có cái gì gọi là Trí gọi là được cả. Tức cũng hông có các thứ gọi là giáo pháp, là pháp xuất thế gian gì cả, hông có Trí nào được sanh ra cả. (Trí ở đây là Trí của hàng Thanh Văn, tức Trí sinh diệt, Trí do công phu tu mà có chứ không phải Trí Tự Tánh - Trí Bát Nhã)

Đây để xác định rốt ráo Tánh KHÔNG là cõi “Xưa nay không một vật”. Rỗng lặng hoàn toàn, lặng trong. Trong lặng trọn vẹn.

+Đoạn V: Từ “Dĩ vô sở đắc cố… cứu cánh Niết bàn”.

Đoạn này cho biết bực Bồ Tát luôn y theo pháp  Tâm Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa này mà hành trì tu tập, lấy làm chỗ nương tựa mà sống. Thế nên các Ngài trong lòng không còn điều quái ngại nào. Vì vậy các vị lià được sự “mộng tưởng” hông còn điên đảo nữa, mà được chứng nhập cõi Niết bàn cao tột (hoàn toàn hết khổ đau).

+Đoạn VI: Từ “Tam thế … tam miệu tam Bồ đề”.

Đoạn này dẫn chứng để thấy pháp Bát Nhã thật là hay, mầu diệu cao sâu đạt đến cứu cánh, nêu các đức Phật trong ba đời mà chứng minh. Các Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thành Phật được cũng do từ pháp này. Vậy đây là pháp để thành quả vị Phật.

+Đoạn VII: Từ “Cố tri Bát Nhã… Bồ đề tát bà ha”. 

Đoạn này tán thán khen ngợi pháp môn Tâm Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa là một pháp môn tuyệt vời. Là pháp có khả năng diệt tất cả khổ đau. Điều này rất thật không luống dối.

TỰA KINH

Phạn: MAHA PRAJNAPARAMITA SUTRA

Phạn-Hán: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa TÂM kinh.

Hán-Việt: Kinh TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Chúng ta phải nói đúng theo văn phạm tiếng Việt. Giống như ở đây chúng ta niệm là:

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Mà ở chỗ khác niệm là:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Không phải kiểu cọ mà mình phải niệm đúng theo văn phạm của tiếng Việt. Nam mô Phật là trở về với Phật. Phật nào? – Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Còn chữ Phật nằm sau, đó là niệm theo văn phạm Tàu. Là người Việt nam chúng ta phải niệm đúng theo văn phạm Việt Nam. Chữ Phật phải đứng trước, rồi Phật gì đó mới đứng sau.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa TÂM kinh

Dịch theo văn phạm Việt là:

Kinh TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa

Đọc kinh gì? - Đáp: Kinh TÂM. Tâm này là Tâm gì? – Là TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa

Trước khi nói về nghĩa thì nói về chính tả của câu này và chữ cần để ý về chính tả là chữ TÂM.

TÂM

Theo chữ Hán thì rất đơn giản chỉ có một chữ  (   ) này thôi.

Ba điểm như tinh tượng

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật giả do tha.

Hay như Nguyễn Du diễn tả:

                Nữa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.

Trong khi đó tiếng Việt có ba chữ Tâm:

        - tâm (chữ tâm thường). Là danh từ chung chỉ cho tấm lòng chung chung.

-   Tâm (chữ T hoa). Chỉ cho tên người hay sau dấu chấm.

-   TÂM (chữ TÂM hoa in). Đây là một chữ TÂM đặc biệt, là danh từ riêng để chỉ cho một cảnh giới Tâm linh siêu việt, một cái TÂM đặc biệt.

Như vậy chữ TÂM trong đề tựa này phải là chữ TÂM hoa in và trong chữ TÂM này nó gồm có Ma Ha, có Bát Nhã, có Ba La Mật Đa.

Vì thế chúng ta muốn hiểu được nghĩa TÂM này thì phải hiểu được nghĩa Ma Ha là gì? Nghĩa Bát Nhã là gì? Nghĩa Ba La Mật Đa là gì?

TÂM này vì vậy mang trọn nghĩa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. (Chữ TÂM là chữ dịch cụm từ này).

Đây là chữ TÂM vỏ là Trung Hoa, mà ruột là Ấn Độ, lại là Ấn Độ Đạo Phật chứ không phải Ấn Độ thường. TÂM này là TÂM bản thể (bổn TÂM) chẳng phải Tâm hiện tượng (Tâm ý).

Thế nên chữ TÂM này hết sức đặc biệt. Tâm nghĩa Việt Nam là lòng. Nhưng lòng này là “Lòng Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Thế nên chữ “Lòng” rất nôm na này lại khiến cho người Việt Nam nào không hiểu pháp nhà Phật thì không hiểu được.

Lòng Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, có thể dùng gọn hơn là Lòng Bát Nhã, thì Lòng Bát Nhã là một cõi lòng có Trí Huệ Siêu Việt, mênh mông trùm trời đất, lại là cõi lòng không có bóng dáng Tham, Sân, Si, không có phiền não, nhiễm ô, hông đau khổ.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa TÂM, cũng giống như Bồ Đề TÂM. (Bồ Đề cũng là tiếng Phạn – Bodhi). Bồ Đề TÂM tức TÂM Bồ Đề, hay Lòng Bồ Đề (Lòng thuần Trí giác).

Mà Tâm thuần giác đó chính là TÂM Phật.

Chữ TÂM này vì vậy nên nói rõ hơn là Diệu TÂM. Là TÂM Giác – Lòng Giác, là TÂM Phật, là Lòng Phật. Một thứ TÂM mầu diệu nhất trần đời. Đó là tất cả ý nghĩa của chữ TÂM ở bài TÂM kinh này.

(Chữ TÂM ở đây vì vậy có thể hiểu là Tánh, Tự Tánh, Tánh Không, Tự Tánh Không, là Trí Không, là Tri Kiến Phật, Trí Huệ Phật, là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa).

TÂM = PHẬT (Tức TÂM tức Phật)

(TÂM này là Tâm Bản thể, không phải là Tâm hiện tượng, thứ Tâm có Tham, Sân, Si…)

Chữ TÂM này phải luôn luôn được viết hoa: TÂM. Viết không đúng chính tả, hiểu một cách lệch lạc sẽ sai đi về nghĩa của nó. Dù Thiền là “Bất lập văn tự” là không dính vào chữ nghĩa, nhưng dùng chữ nghĩa trật thì sẽ không hiểu được cái ý của pháp, nên chữ nghĩa phải rất rõ ràng.

Chữ “tâm” thường nghĩa khác, chữ “TÂM” hoa nghĩa khác. Như trong bài Bát Nhã này có 2 chữ tâm thì chữ “tâm vô quái ngại” và chữ TÂM ở đề tựa này khác nhau một trời một vực. Đây là chỗ nhiều người đã hiểu lầm, lẫn lộn về TÂM Phật và tâm chúng sinh, vì không thấy được nghĩa của nó một cách rõ ràng.

Để hiểu rõ về chữ TÂM ở đây, thì chúng ta nói qua thí dụ về chú tiểu Kỉnh Tâm (truyện Quan Âm Thị Kính). Là chú tiểu trân trọng, kính trọng cái Tâm và cái Tâm này là TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Vì kính trọng cái TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, mà chú tiểu đó bị đánh tan da nát thịt, chứ nhất định không chịu thố lộ thân phận mình là nữ nhi. Và TÂM này là bất cấu - bất tịnh, bất tăng - bất giảm, bất sanh - bất diệt, bất nam - bất nữ…Nên nếu nhận mình là gái thì trật với cái TÂM, là đánh mất TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, thì làm sao có Trí Huệ mà thành Phật.

Với Nguyễn Du thì có câu:

         Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài.

Nguyễn Du nói rất rõ ràng. Chữ “TÂM kia” chứ không phải chữ “tâm này”. Chữ “tâm này” là chữ “tâm” tạo nên tài năng, là tâm sinh diệt, là tâm có Tham, Sân, Si…Vì có tâm tham lam muốn mình đỗ cao học giỏi gọi là có tài năng, nên tài năng đó được tạo từ cái tâm tham lam, mà khi có Tham Sân Si thì có tai họa đi theo mà thôi. (Như Nguyễn Du có tài, thi đỗ đạt làm quan nên có tai họa xảy ra. Làm quan triều Lê rồi lại bị làm quan triều Nguyễn. Đó là nỗi khổ tâm của Tiên sinh)

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Có tài thì có tai họa đi theo là vậy. Từ cái “tâm này” nên mới thành ra tai họa. Còn chữ “TÂM kia” là chữ tâm gì? Chúng ta nhớ Nguyễn Du là người đã ngộ kinh Kim Cang, cho nên tâm Nguyễn Du ngộ là TÂM Tố Như, là TÂM rỗng rang sáng suốt bất động, là TÂM Như Lai, là TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Chữ “TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” mới bằng ba chữ tài, nhưng thật thì phải bằng hàng ngàn, hàng triệu lần “tâm này”. Vì chữ “TÂM” kia là TÂM Phật, còn chữ “tâm” này là tâm chúng sanh. Nên chúng ta phải lưu ý về chính tả, hình thức cũng rất là quan trọng.

Nhiều người tu Thiền không có bài bản thì coi thường chữ nghĩa, nói gì cũng Tánh mà không chịu từ nơi tướng mà nói. Nhưng chữ là “tướng giải thoát” nên khi chúng ta không xác định được chữ, thì nói về Thiền  sẽ nhầm và trở thành bắn bổng. Hiểu sai về chữ thì làm sao hiểu đúng về nghĩa được, vì vậy phải xác định đúng về chữ.

Chúng ta hiểu nghĩa chữ TÂM này rồi thì nói gọn lại là Kinh TÂM. Nhớ, Kinh TÂM này ruột của nó là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Chữ TÂM này muốn dịch theo tiếng Việt Nam thật ra rất khó dịch, dịch giả Phạn – Hán dùng chữ Tâm để dịch cụm từ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nhưng dịch rồi vẫn giữ nguyên chữ Tâm, vì chữ Tâm của người Trung Hoa không đủ để chuyển tải cụm từ “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”.

Chữ Tâm của Trung Hoa có nghĩa là trái tim, là cõi lòng chứ không có nghĩa là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nên dịch rồi vẫn giữ lại nguyên ngữ. Điều đó cho thấy dịch giả rất cẩn thận.

Có nhiều vị muốn Việt Nam hóa hết. Dịch chữ TÂM này là lòng, ruột. Như Hòa thượng Khánh Anh dịch là: Kinh Lòng Dạ Bên Kia hay nhà xuất bản Rừng Trúc Pari dịch là Kinh Ruột. Do hiểu sai TÂM này là “lòng”, là “ruột”, là “trái tim”, là “trọng tâm”, là “toát yếu”. Nên có chỗ nói đây là bài kinh trọng tâm của 600 bộ Bát Nhã, nhưng thật ra đây là một bài kinh độc lập với 600 bộ Bát Nhã.

Chúng ta cứ tưởng từ cái lớn thâu lại thành cái nhỏ mà quên rằng từ cái nhỏ có thể bung ra thành cái lớn (Đan nón người ta đan cái chóp trước, từ cái chóp nhỏ mới bung ra cái vành nón. Hay từ cái thai bằng ngón tay nằm trong bụng mẹ, mà sanh ra rồi lần hồi cao lớn bằng con người)

Từ bài kinh Bát Nhã này mà hiểu được, thì có khả năng viết ra 600 bộ Bát Nhã. Nên chữ TÂM của Bát Nhã rất là quan trọng, chúng ta dùng chữ “lòng” để dịch là rất hạn chế, nó hoàn toàn không có nghĩa là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Vì vậy, học kinh Phật không phải biết chữ Hán là học được, mà phải biết qua tiếng Phạn rồi phải hiểu được cảnh giới tu hành nữa thì mới khế hội được.

Nhiều người đã không hiểu về chữ TÂM này một cách rõ ràng, cho tu Phật là tu Tâm đủ rồi. Bằng tâm Tham Sân Si mà sống, mà tu nên tu hoài cũng là Tham Sân Si thôi.

Thật đáng tiếc cho những bà con của mình khi nói “ở nhà tu Tâm là được rồi”. Nói thì rất dễ, nhưng mình ở chùa mấy chục năm rồi còn chưa biết gì về TÂM này, nên chữ TÂM rất là rắc rối, không đơn giản.

Tầm TÂM dầu được chẳng là TÂM”. Dầu được cái TÂM đi nữa cũng chưa hẳn đó là TÂM. Như bài hát VỖ TRỐNG TÂM của Thiền sư Minh Chánh.

Bài hát VỖ TRỐNG TAÂM

Thiền sư Minh Chaùnh

Đời Lê Dụ Tông – Việt Nam

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Lưng đứng ôm trống đối tri âm

Duỗi tay chéo cẳng vỗ trống tâm

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Tiếng trống hòa vận tiếng tùng ngân

Tịch chiếu tâm tòng tức tập TÂM

Gió mát trăng thanh hằng tự tại

Tầm TÂM dầu được chẳng là TÂM.

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Tập tập tầm TÂM, tâm tâm tập

Tầm TÂM tâm tập, tập tầm TÂM

Thôi thôi ! TÂM ta chẳng thể tầm

Tầm TÂM chẳng được, dứt tầm TÂM

Đem đèn tìm lửa, ấy điên đảo

Thà đứng trước sóng giữ chữ ngâm (câm).

Như vậy, chúng ta phải hiểu về cái TÂM của các Thiền sư tìm và tu. Tu bằng cái TÂM này mới đúng là tu Thiền, còn tu bằng cái tâm lăng xăng, tính khôn tính dại của mình thì đó chưa phải là tu Thiền, chưa dính gì đến tu Thiền. Nên phải lưu ý về chữ TÂM này, viết chính tả trật là tu sai.

Chữ Tâm trong nhà Phật rất là khó. Tâm của Phật giáo Nam tông khác hơn Tâm của Phật giáo Bắc tông. Chữ tâm của Nam tông được dịch từ chữ Sita (Pali), chữ tâm đó chỉ là tâm hiện tượng, tâm sinh diệt mà thôi, nó rất khác với chữ Tâm của Phật giáo đại thừa, nhất là chữ TÂM của Thiền tông.

Nên khi đọc sách, đọc kinh, chúng ta phải hiểu về chữ Tâm. Như là kinh Pháp Cú, kinh Di Giáo thì chữ tâm trong đó, chỉ có nghĩa trên mặt hiện tượng, là tâm sinh diệt, tâm ý tức là tâm mình có thể nhận định, khảo sát được, giống như  những chữ viết trên giấy, mình có thể thấy được, hiểu được. Còn Tâm của Thiền tông, của Phật giáo đại thừa, thuộc về TÂM bản thể, là TÂM nền, giống như là nền giấy trắng, không bao giờ mất. Nó khác với nghĩa tâm hiện tượng nhiều lắm, nên mình phải tu bằng TÂM bản thể mới tốt, tu bằng tâm sinh diệt là còn trong vòng sinh diệt. Như tụng kinh, niệm Phật, trì chú…khi khỏe mạnh thì mình tu được, nhưng bệnh nhũn não rồi thì không dụng công được nữa.

Còn người tu từ ngộ Chơn TÂM, ngộ Phật Tánh mà tu, thì dù có chết họ vẫn tu được. Chết là chết trên cái căn, chứ TÂM này vốn là “ly sinh diệt”, là “bất sanh bất diệt”, nó không bị hư hoại và như vậy mình vẫn dụng công được. Nên điều quan trọng nhất là làm sao ngộ được cái TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, rồi chúng ta tu bằng cái TÂM này, tức là chúng ta sống bằng cái TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, đó mới là cái tu tốt. Còn bằng những cái tâm sinh diệt thì không tới đâu, nó còn trong vòng nhân quả, không vượt ra được sinh tử luân hồi.

Nên phải hiểu rõ về cái Tâm, để chúng ta chọn cái Tâm tu cho phù hợp, đó là điều hết sức cần thiết. Đây là chút gợi ý để chúng ta thấy rõ chữ TÂM ở kinh Bát Nhã này rất là quan trọng.

·  Ma Ha: Người Trung Hoa dịch là “Đại”. Tiếng Việt có nghĩa là lớn, to, rộng, bự, thênh thang, trùm khắp. Đó là nghĩa đen, chỉ cho vật chất, kích thước cụ thể. Nếu là nghĩa bóng thì chỉ cho mặt tư tưởng trừu tượng. Chỉ cho phần trí óc của con người. Đại là lớn, là tâm hồn rộng lớn, cõi lòng thênh thang, đầu óc cao siêu, (Trí) siêu việt… Vậy “đại” dùng cho tư tưởng, trí óc, phần tinh thần thì có nghĩa là diệu, vi diệu, mầu nhiệm, siêu việt hay cao siêu hoặc cao sâu, rất hay, rất tốt, rất giỏi, v.v…

·  Bát Nhã (Prajna): Người Trung Hoa dịch là Trí huệ. Đây là chỉ cho sự sáng suốt của một cõi lòng. Một sự hiểu biết đúng sự thật.

Trí Huệ ở đây là Ma Ha Bát Nhã, nó có tính từ là Ma Ha nên là một thứ Trí Huệ đặc biệt siêu việt cao sâu nhất và thứ Trí Huệ này không còn có nghĩa như Trí Huệ theo thế gian. Nó có nghĩa đặc biệt là thứ Trí Huệ Siêu Việt, là Đại Trí Huệ. Phải nói cho đầy đủ là Đại Trí Huệ hay là Ma Ha Bát Nhã chứ không chỉ là Bát Nhã thôi. Nói Bát Nhã không thì đó chỉ là Trí Huệ đơn thuần và như vậy rất dễ lầm với Trí Huệ thế gian.

Trí Huệ thế gian là sự sáng suốt thông minh của một ai đó. Như người xã hội chế ra được bom nguyên tử, là họ có sự sáng suốt; nhưng Trí Huệ đó làm thiệt hại cho con người, sự sáng suốt đó không đưa con người đến hạnh phúc chân thật.

Trong khi đó Đại Trí Huệ trong nhà Phật là thứ Trí Huệ sáng suốt siêu việt, nhằm cứu khổ mình và cứu khổ người nên nó khác nhau rất nhiều.

Để xác định về năng lực của Đại Trí Huệ hay Ma Ha Bát Nhã, thì có thêm vào một bổ túc từ là Ba La Mật Đa.

·  Ba La Mật Đa (Paramita): Người Trung Hoa dịch là “Đáo bỉ ngạn”. Có nghĩa là qua bờ kia. Qua bờ sông bên kia.(Ba la mật đa còn có nghĩa là cứu cánh: rốt ráo).

Theo đạo Phật thì bờ sông bên “nầy” là chỉ cho bờ “mê”, bờ của u tối, của sự lầm lẫn, của sự khổ đau, của si mê, vô minh. Và bờ bên “kia” chỉ cho bờ “giác”, bờ sáng sủa, bờ của sự sáng suốt, “hay ra” đúng như thật, không còn mê lầm, không còn khổ đau, là giác ngộ, là giải thoát, là an vui. Là Trí Huệ giải mê, giải khổ. Trí này là Trí Tự Tâm, tự ngay Tánh thể, không phải do tu, do học mà có ra. Trí này là sự sáng suốt ở Tâm, đã sẵn như vậy.

Theo đức Lục Tổ Huệ Năng giải nghĩa Ba La Mật là “ly sinh diệt” tức là rời tất cả những tình trạng sinh diệt ở trong tâm ý của mình. Ngài nói rằng, khi có niệm khởi thì giống như dòng sông có sóng. Khi dòng sông có sóng thì gọi là bờ bên này và khi trong tâm vắng lặng không có niệm khởi, không có vọng tình, vọng tưởng, một tâm phẳng lặng không có Tham Sân Si… giống như dòng sông không có sóng, thì đó là bờ bên kia, là bờ giải thoát an vui. Một tâm vắng lặng trọn vẹn, đó là chỗ rốt ráo trong tâm của mình.

Và Ba La Mật cũng có nghĩa là “cứu kính”, nên Đại Trí Huệ này là thứ Trí Huệ siêu việt, hóa giải hết tất cả những tình trạng xao động ở trong tâm.

Khi có niệm nghĩ thì đó là nguyên nhân làm cho chúng ta có sự bất an, mà có bất an thì có đau khổ. Cụ thể khi có niệm nghĩ, vầng trán sẽ có nhiều nếp nhăn, mình châu mày nhăn mặt thì rõ ràng tâm mình đang nổi sóng và nếu đo tenson thì tenson lên, đo nhịp tim thì nhịp tim dao động, tức là tim mạch không bình thường, nặng thì đưa đến tai biến nhồi máu cơ tim… là không có an vui hạnh phúc gì hết. Còn khi trong lòng không có vọng tình, vọng tưởng thì vầng trán của mình sẽ phẳng phiu, mặt mày sẽ nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Đó là lúc chúng ta không có gì để khổ đau hết, là lúc chúng ta an vui thật sự.

Như vậy Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là thứ Trí Huệ siêu việt, là Diệu Trí có khả năng đưa người thoát khỏi bờ mê đến bờ giác. Là thứ Trí Huệ siêu việt có khả năng giải khổ cho chúng sanh. Nên đây không phải là thứ Trí Huệ thông thường, mà là “Đại” Trí Huệ giải mê, giải khổ để được an vui hoàn toàn. Trí này là Trí chơn thật, là nguồn sinh ra bao nhiêu thứ Trí khác (Trí thế gian và Trí tu hành). Nhưng lại không thể dùng ngôn ngữ, văn từ, miệng lưỡi, viết lách mà nói đến được. Trí này bàn bạc mênh mông như hư không, có đặc tính như hư không. Và để phân biệt với Trí huệ thông thường của người đời, nên nói cho đủ là:

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Nếu nói theo tiếng Việt thì nên nói, hoặc là:

- Đại Trí huệ.

- Trí huệ Bát Nhã (Ma ha Bát nhã Ba la mật đa).

- Trí Bát Nhã.

- Trí Giác.

- Trí huệ siêu việt, Trí siêu việt, Trí siêu, Trí mầu.

- Tánh Giác, Trí Tánh, Trí Tự Tánh, Trí Tự Tâm.

Có thể dùng một từ nào cũng được, nhưng nhớ nó phải mang trong ruột cả cụm từ “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”. Như tiếng TÂM, hay nôm na hơn là Lòng, một cõi lòng lặng trong. Có thể là: Trí lặng trong hay Trí Rỗng, Trí hay biết.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa này không có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi … trong đó, tức không có một Niệm nào. Là thứ Trí không Niệm. Và Trí này đã được trong kinh văn gọi là KHÔNG.

Cả bài kinh nhằm nói lên cái Trí KHÔNG này.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa = Trí KHÔNG

Như vậy, kinh này là kinh nói về Trí Huệ siêu việt đến bờ kia hay Trí Huệ siêu việt rốt ráo và thứ Trí Huệ này như thế nào ở mỗi chúng ta? Chúng ta có thứ Trí Huệ này không? - Ở mỗi chúng ta đều đã có sẵn thứ Trí Huệ này, nhưng chúng ta không hay không biết và đây là thứ Trí Huệ Tự Tánh, cho nên nó không phải do tu mà có, mà vốn đã sẵn.

Như Lục Tổ Huệ Năng nói: Nếu mình có niệm nghĩ thì đó là bờ bên này còn không niệm nghĩ thì đó là bờ bên kia. Như vậy chúng ta ai cũng có thứ Trí Huệ đó hết, dù chúng ta có suy nghĩ cỡ nào cũng không suy nghĩ được hết 24/24 giờ phải không?

Chúng ta nói mình suy nghĩ điên cái đầu, nhưng sự thật không thể nghĩ suốt 24/24 giờ, một người điên loạn chưa hẳn là họ điên suốt 24/24 giờ mà họ điên từng chập. Nói vậy để thấy rằng Năng Lực Sống đích thực của mình là năng lực 24/24 giờ,  năng lực đó thật sự là trong sáng, không có niệm khởi nào cả, nó giống như hư không ở giữa này vậy.

 Hư không vốn là trong suốt còn những đám mây giống như những niệm khởi, dù thấy dày đặc nhưng không bít kín được hư không, nó vẫn có những khoảng hở, khoảng thưa và vì mây là cái không thật nên khi có khi không. Mây có hiện lên được là do vì có hư không, không có hư không thì mây không nổi lên được, nên mây có nổi thì nổi mà hư không thì vẫn trong lặng 24/24 giờ.

Nếu không có cái “Năng Lực Sống 24/24” đó thì không làm sao mình sống được, không làm sao sinh hoạt được trong cuộc sống này. Nhưng có điều mình không chịu sống bằng Năng Lực đó, khi nào có niệm tưởng thì mới cho là mình có sống, còn khi không có niệm tưởng thì coi như là mất mình, là không có mình. Đó là điều hết sức lầm lẫn.

Chúng ta cứ theo niệm tưởng mà sống, vì vậy mới trở nên có dao động và có khổ đau. Trong khi năng lực sống đích thực của mình vốn không có dao động, giống như trong không gian gió bão thổi sập nhà cửa, núi non, nhưng không bao giờ thổi sập hư không, vì nó là những thứ nằm trong hư không, nên không phá vỡ được hư không. Những niệm nghĩ dù có, nhưng không phá được năng lực sống chính mình, vậy mà mình không hề biết tới.

Chúng ta thấy rõ khi mình ngủ ngon thì những suy nghĩ tắt hết, nhưng chúng ta vẫn biết ngủ và ngủ no rồi thì chúng ta biết thức. Nếu không có năng lực sống thực sự thì làm gì có điều đó xảy ra, nhưng chúng ta không cần biết tới, chỉ biết tới những suy nghĩ của mình thôi. Giống như chúng ta sống giữa cuộc sống này là nhờ vào hư không, nhưng có khi nào mình chịu thấy hư không, chịu sống bằng hư không đâu, mà chỉ sống bằng những cảnh vật, sự vật ở trong hư không. Những thứ đó toàn là những thứ giả, là những thứ vô thường hư hoại, trong khi năng lực sống của mình lìa tất cả sanh già bệnh chết. Năng lực không niệm đó là năng lực thật và ở đây gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là kinh nói về Năng Lực Sống thật sự đó ở nơi mình. Trong năng lực sống đó không có niềm đau nỗi khổ mà chúng ta không tự hay, không tự biết, đó là điều hết sức đáng tiếc.

Như vậy chữ TÂM ở trong tựa kinh này, nó mang tất cả ý nghĩa của Ma Ha Bát Nhã, là năng lực không có khổ đau là Ba La Mật Đa. Nên Lục Tổ Huệ Năng giảng Bát Nhã, chỉ giảng đề tựa này thôi là nhằm để cho người hiểu ra cái Năng Lực Sống gọi là cái TÂM ở nơi chính mình mà nhà Thiền gọi là Minh Tâm Kiến Tánh.

 Chữ TÂM này vì thế ở cửa miệng Thiền sư nói ra thì thật khó hiểu. Nhà Thiền nói ngộ Tâm là ngộ TÂM này. Đây được gọi là Bổn Tâm, là Tâm Phật.

Còn Tánh đó là Năng Lực Sống của Bản Tâm và năng lực đó sáng suốt trùm khắp mênh mông nên gọi là Ma Ha. Năng lực sống đó may mắn ở ai cũng có và bài kinh này nhằm khai thị cho chúng ta thấy ra qua lời dạy của Đức Phật đến ngài Xá Lợi Phất.

Chúng ta muốn đạt được Năng Lực Sống gọi là Đại Trí Huệ Ba La Mật Đa này, thì chúng ta phải như lời dạy của ngài Huệ Năng là: “Chớ khởi tâm động niệm”.

 Nhớ rằng cái khởi tâm động niệm là cái giả giống như mây trên trời vậy, còn cái Tâm chân thật thì giống như bầu trời. Bầu trời thì không bao giờ mất và nó luôn trong sáng, không có mây nào trong đó hết. Làm sao chúng ta hiểu ra chỗ này, chứng nghiệm được chỗ này thì gọi là ngộ Đạo.

 Nên bài kinh này là một phương tiện để giúp cho chúng ta được giác ngộ.

Từ cái đề tựa này mà chúng ta hội được, thâm nhập được thì thật là tuyệt vời, không phải kẹt vào phương tiện nào nữa, nhưng nếu ngay đây mà chúng ta chưa hội được thì chúng ta đi tiếp vào văn kinh. Những văn kinh sau là phương tiện diễn tả về năng lực này để chúng ta thấy rõ hơn.

Giờ chúng ta đi vào văn kinh của từng đoạn.

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 13075
  • Online: 39